Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hành trình đến... địa ngục!

Collapse
X

Hành trình đến... địa ngục!

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hành trình đến... địa ngục!

    Hành trình đến... địa ngục!


    Lê phi Ô


    Đầu tháng 04 năm 1975, Tiểu khu Bình Tuy được TK Bình Thuận thông báo: Đoàn người di tản từ các tỉnh miền Trung (sau cuộc lui binh của Quân khu 2) đang hỗn loạn tràn vào Thị xã Phan Thiết. Lẩn lộn trong đó có một số tù nhân trốn thoát, thành phần bất hảo và cả Việt cộng giả dạng lính Quốc Gia, bắn, cướp phá gây sợ hãi cho đồng bào tỵ nạn cũng như dân chúng địa phương và tiếp tục đi về hướng Tỉnh Bình Tuy. Tiểu khu Bình Tuy tức khắc xin Quân khu 3 tăng phái một đại đội Quân Cảnh (QC), đơn vị QC này làm nút chận từ ngã ba 46 (nằm trên Quốc lộ 1), từ đây... đi về hướng Đông khoảng 24 cây số là đến Thị Xã La-Gi nằm trên bờ biển và cũng là Tỉnh lỵ của Bình Tuy.

    Tiểu đoàn 344/ĐP của tôi (người viết) chiếm giữ các điểm trọng yếu để ngăn đà tiến quân của việt cộng để bảo vệ đồng bào di tản cũng như bảo vệ QC làm nhiệm vụ tước khí giới những Quân nhân thất lạc đơn vị, và bất cứ ai có vũ khí trong đoàn người di tản. Những đơn vị còn sĩ quan chỉ huy thì được giữ lại vũ khí và chờ lệnh Quân đoàn 3. Tiểu đoàn 341/ĐP của Lê Hùng phối hợp với QC để ngăn ngừa cướp phá và được lệnh bắn hạ bất cứ ai có vũ khí mà không tuân theo QC.

    Một đoàn người ước chừng 300,000 lôi thôi lếch thếch, đói khát, áo quần rách tả tơi trong đó nhiều người kiệt sức chậm rãi tiến vào Thị xã La-Gi, bỏ lại sau lưng những thân nhân, bạn bè và những người đồng hành chết gục trên đường chạy loạn vì thất lạc, vì chết đói, vì tan thây dưới pháo địch. Người lính chúng tôi dù sắt đá đến đâu cũng phải ngậm ngùi trước những đau thương tang tóc mà đồng bào đang gánh chịu, trước hận thù máu lửa do bọn giặc cộng phương Bắc gây nên!

    Chính quyền địa phương với sự cứu viện từ trung ương đã lo nuôi ăn cho đoàn người di tản và xin xà lan của Hải Quân vận chuyển đoàn người tỵ nạn này về Vũng Tàu trong 10 ngày mới hoàn tất.

    HOẠT ĐỘNG QUÂN SỰ:
    Tiểu khu Bình Tuy lúc đó còn 4 Tiểu đoàn ĐPQ:
    Tiểu đoàn 344/ĐP, Lê-phi-Ô Tiểu đoàn Trưởng, giữ Phi trường và Đồi Hoa Sim nơi đặt 2 khẩu Đại bác 105ly, cách Bộ Chỉ huy Tiểu khu 2 cây số về hướng Tây Bắc.
    Tiểu đoàn 341/ĐP, Lê Hùng Tiểu đoàn Trưởng, phối trí song song với TĐ344/ĐP của Lê-phi-Ô về phía bên phải Phi trường... cả 2 Tiểu đoàn là tuyến án ngữ chính ngăn chận địch từ hướng Quốc lộ 1 vào.
    Tiểu đoàn 369/ĐP, Hoàng Quyền Tiểu đoàn Trưởng (Tử trận khi rút lui) ngăn chận địch từ hướng núi Tà Cú (hướng Phan Thiết).
    Tiểu đoàn 370/ĐP, Lê kim Lai Tiểu đoàn Trưởng ngăn chận địch từ hướng Tỉnh Phước Tuy đồng thời bảo vệ hướng lui binh của toàn Tiểu khu.
    Các Tiểu đoàn tổ chức hoạt động trong phạm vi rộng để phát hiện địch từ xa, đồng thời giúp đỡ và bảo vệ đồng bào di tản khỏi vùng chiến sự sắp xảy ra. Một Trung đoàn của Sư đoàn 22BB di tản từ miền Trung vào được tăng phái cho TK Bình Tuy, Trung tá Danh là Trung đoàn Trưởng với quân số không đầy đủ.

    Theo kế hoạch A, khi Tiểu Khu Bình Tuy triệt thoái thì Trung đoàn của Trung tá Danh và Tiểu đoàn 344/ĐP của Lê-phi-Ô sẽ là mũi xung kích mở đường máu về hướng Vũng Tàu cặp bờ biển, hoặc đường rừng đi Xuyên Mộc tùy trường hợp. Tiểu đoàn 341/ĐP của Lê Hùng bảo vệ Bộ chỉ huy Tiểu khu, các Tiểu đoàn 369/ĐP và 370/ĐP giữ nhiệm vụ chận hậu. Riêng 2 đại đội 512 và 513 Trinh sát thì hoạt động ngăn địch từ xa hướng Quốc lộ 1.

    Ngày 21 tháng 04 năm 1975, Bộ chỉ huy Tiểu khu Bình Tuy được Thiếu tướng Lê minh Đảo Tư lịnh SĐ18BB cho biết: Ông đã rút quân... bỏ ngõ Xuân Lộc (Long khánh), ngoài ra chúng tôi không nhận được bất cứ lệnh lạc gì từ Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 tại Biên Hòa. Tiểu khu Bình Tuy coi như hoàn toàn bị bỏ rơi...! Tuy thế, chúng tôi vẫn sẵn sàng nghênh chiến với quân Cộng sản Bắc Việt vì không nhận được lệnh lui binh.

    Tiểu khu Bình Tuy từ năm 1969 không có bất cứ đơn vị chủ lực quân nào trú đóng cả. An ninh lãnh thổ hoàn toàn do Địa Phương Quân đảm trách, các Tiểu đoàn ĐPQ được chỉ huy bởi những Sĩ quan nhiều kinh nghiệm chiến trường và từ chủ lực quân về. Tuy nhiên người lính ĐPQ Bình Tuy chưa bao giờ trực diện với chiến xa của địch, nên hoàn toàn không có kinh nghiệm diệt tanks. Tôi cho mời các sĩ quan và hạ sĩ quan, những người trước đây đã từng chạm trán với tanks địch khi còn phục vụ trong các đơn vị chủ lực, thành lập cấp tốc các tổ chống chiến xa và huấn luyện cho họ cách diệt tanks. Để trấn an binh sĩ, tôi chỉ rõ những khuyết điểm của tanks nhất là ban đêm, bọn chúng như những người mù không đáng ngại. Cần nhất là phải diệt những tên tùng thiết, và M72 nhắm những yếu điểm của tanks mà bắn như giây xích hoặc tài xế để tanks không tiến lên được, hoặc bắn vào chỗ tiếp giáp giữa thân xe với pháo tháp để súng đại bác của Tanks không quay nòng được.

    Một trận đánh lớn sắp xảy ra giữa ta và địch mà quân số cũng như vũ khí quá chênh lệch, Việt cộng quân số trên cấp sư đoàn (trên dưới mười ngàn quân) với cả một hoặc hai Trung đoàn Pháo và Pháo phòng không, cùng với 24 tanks T-54 -- Phía Ta với 4 Tiểu đoàn ĐPQ mà quân số mỗi Tiểu đoàn chỉ còn phân nửa (tổng số cả 4 Tiểu đoàn : 300 x 4 = 1,200 người), hai khẩu đại bác 105 ly với đạn dược thiếu hụt, 4 chiếc Commando Car V100. Nhưng cả 4 Tiểu đoàn phải phân tán mỏng vì nhu cầu phòng thủ. Trong đó 2 Tiểu đoàn : 344/ĐP của Lê-phi-Ô và 341/ĐP của Lê Hùng là tuyến án ngữ chính ngăn chận địch cấp sư đoàn có chiến xa.

    Tôi đang suy nghĩ miên man về trận đụng độ sắp tới với Việt cộng thì Trung úy Nguyễn văn Th. Đại đội Trưởng ĐĐ2 tiến đến trước mặt tôi, quân phục chỉnh tề nhưng gương mặt có vẻ nghiêm trọng... và không mang vũ khí. Tôi bực bội vì tác phong của một quân nhân khi đang đối diện với địch quân..., định hỏi súng đạn của anh đâu, thì anh ta ấp úng:

    - Thưa Alfa, tôi đến để từ giả... Alfa!

    Tôi trợn mắt hỏi lớn:

    - Cái... gì?!

    Trung úy Th. Nói tiếp:

    - Đáng lý tôi lặng lẽ bỏ trốn, nhưng không hiểu sao tôi đến gặp Ông trước khi mình chia tay! Xin Alfa cho phép tôi quay về Phan Thiết với gia đình (Phan Thiết đã lọt vào tay Việt cộng cách đây ba ngày: 19/04/75).

    Tôi đã hiểu, khi anh Th. mới ra trường về trình diện Đại đội, lúc đó tôi còn là Đại đội trưởng đại đội biệt lập. Tôi được phòng an ninh Tiểu khu gởi văn thư Mật thông báo chi tiết cá nhân anh ta là, trước kia khi còn là sinh viên một trường Đại Học ở Sài Gòn, anh ấy tham gia biểu tình chống chính phủ, chống chủ trương Quân sự học đường cùng nhóm với Huỳnh tấn Mẫm. Và, quan trọng nhất là anh ta có người chú ruột tên Nguyễn văn Đá, một cán bộ Việt Minh đã ở tù Côn Đảo 12 năm về tội ám sát một viên chức cao cấp chính phủ tại Phan Thiết thời Quốc trưởng Bảo Đại (viên chức này là người thân trong gia đình tôi, lúc đó tôi mới 12 tuổi và có mặt trong đám tang), sau khi mãn tù, tên Ng. v. Đá lại trốn vào rừng hoạt động với Việt cộng. Tôi nguyên gốc là Sĩ quan Tình Báo, vì thế Tiểu khu đã phân phối anh ấy về với tôi để tiện việc theo dõi anh ta.

    Một thoáng buồn đến với tôi, anh ấy đã sống nhiều năm với tôi tại Võ Đắt, tôi chưa thấy anh ấy lộ một hành động nào phản trắc, hoặc tránh né quân lệnh được giao phó. Đáng lý khi nghe anh ta có ý định quay về vùng Việt cộng kiểm soát, tôi phải bắt giữ anh ấy ngay và giải giao cho An ninh Quân đội nhưng tôi đã không làm như vậy, tôi buông một câu nói trong vô thức:

    - Anh đi... đi...!

    Anh ta chào tôi và quay gót, tôi nhìn theo với tâm trạng... tình, thù lẫn lộn...! Không riêng gì Trung úy Th., chỉ cách đây hai ngày, có vài người tự ý rời bỏ đơn vị để lo cho vợ con và đang tìm ghe để trốn thoát về Vũng Tàu. Theo Quân lệnh số 1 Tiểu khu vừa mới ban hành trong tình trạng khẩn cấp: Tôi có quyền “bắn bỏ bất cứ quân nhân nào tự ý rời bỏ đơn vị trong khi đang đối diện với địch quân!”... nhưng tôi đã không thi hành đứng đắn lệnh thượng cấp. Tôi không thể giết người khi mà mới cách đây vài ngày thôi... họ đã là đồng đội sát cánh bên tôi. Họ đã quên hết lời thề lúc mãn khóa Sĩ Quan nơi Vũ đình trường ngày nào... giờ đây lìa bỏ anh em trong lúc dầu sôi, lửa bỏng!

    Ngày 22/04/75, Trinh sát chạm địch tại Ấp Láng Gòn, cách tuyến phòng thủ của Tiểu đoàn tôi hơn ba cây số từ hướng Quốc lộ 1 vào. Việt cộng có tất cả 24 xe Tanks với quân số Bộ binh cấp Sư đoàn đang tiến vào Tỉnh lỵ Bình Tuy (cánh quân này thuộc Quân đoàn số 5 VC, tôi đọc được trên báo Nhân Dân khi bị VC giam ở khám Chí Hòa). Trinh sát lui dần đến cầu Láng Gòn và chận được đơn vị tiền phương của Việt cộng tại đây, toán mìn của Trinh sát được lịnh giật sập cầu Láng Gòn để ngăn chận tanks địch. Suốt ngày 23/04/75 những đơn vị tiền phương VC không thể vượt qua được 2 đại đội 512/TS và 513/Trinh Sát tại cầu Láng Gòn, vì là mùa nắng nên sông Láng Gòn có chỗ cạn và nhiều chỗ không có nước, do đó VC đã tìm được chỗ hai bên bờ thoai thoải dốc để tanks của bọn chúng vượt qua. Bình Tuy không đủ quân số và hỏa lực (chỉ với 2 khẩu Đại bác 105ly) cũng không có phi cơ đánh bom để ngăn cản đà tiến quân của cộng sản Bắc Việt.

    Lúc 06:00 giờ tối, Việt cộng bắt đầu pháo vào Tiểu khu, Trung tâm Yểm trợ Tiếp vận, đồi Hoa Sim nơi đặt 2 khẩu 105ly và BCH/Tiểu đoàn 344/ĐP của tôi, và sau đó là khắp mọi nơi trong Tỉnh lỵ kể cả khu dân cư. Một trận địa pháo khủng khiếp bao trùm bầu trời Tỉnh lỵ - Đến 09:00 giờ tối, 12 chiếc tanks T-54 với tùng thiết và cả một Trung đoàn Bộ binh theo sau tiến vào phi trường nơi tuyến phòng thủ của tôi (TĐ344/ĐP). Chúng tôi không có vũ khí chống tanks, đại bác 57ly hết đạn chưa được bồi hoàn, chỉ có 6 khẩu M72 nhưng 3 khẩu khi kéo ống phóng thì bị đứt “giây kích hỏa” nên không sử dụng được. Hai khẩu bắn không chính xác nên tank chỉ khựng lại rồi tiếp tục tiến tới với hỏa lực tối đa. Chúng tôi không ngán tanks, nhưng vì hỏa lực của tanks quá mạnh và bộ binh của chúng quá đông nên tuyến đầu bị bể phải lui về tuyến sau, T-54 rượt theo và cán lên cả tuyến sau. Chúng tôi sử dụng lựu đạn để cản bộ binh địch trong tình thế tuyệt vọng...!

    Gần một giờ quần thảo với tanks, với nhiều ngàn bộ binh địch, chúng tôi chỉ vài trăm người với súng cá nhân M16. Hai khẩu pháo 105ly bị Tanks và bộ binh địch khống chế, trận chiến bất cân xứng, nhưng vì kỷ luật quân đội, vì danh dự của người lính QLVNCH chúng tôi phải chiến đấu cho dù sự thất bại khó tránh khỏi. Kết quả bi thảm đến với chúng tôi: Đại đội Chỉ huy tan rã, Bộ chỉ huy Tiểu đoàn gồm có tôi, vài sĩ quan trưởng ban và một số cận vệ tất cả 12 người chỉ còn lại 3 người. Những người may mắn đó là tôi (người viết), một anh truyền tin và một anh cận vệ nhờ vào những rãnh sâu do nước mưa xói mòn, chúng tôi nằm dưới rãnh sâu khi xe tanks cán qua.

    Tiểu đoàn 344/ĐP của tôi tổn thất lên cao, những người bị thương không di chuyển kịp bị tanks nghiền nát dưới bánh xích, các đại đội khác của tiểu đoàn cũng tan hàng với sức tiến vũ bão của T-54 và đông đảo bộ binh địch cấp trung đoàn. Tiểu đoàn 341/ĐP của Lê Hùng cũng đã tận lực chiến đấu và sau cùng chịu chung số phận như tiểu đoàn của tôi. Tiếp theo và ngay trên đường nhựa cả đoàn xe hơn 20 chiếc chở đầy lính VC và cả chục chiếc T-54 chạy thẳng vào tỉnh lỵ sau khi chúng đã phá hủy mìn chống chiến xa và rào cản trên lộ. Tiểu đoàn 344/ĐP của tôi chưa tới 300 người nhưng phải bố trí làm nhiều tuyến trong một phạm vi rộng và nằm dưới hỏa lực của cả một trung đoàn pháo binh địch khoảng 60 khẩu đại bác và sau đó bị chiến xa địch xé nát từng mảnh, cả đại đội chỉ huy và Bộ chỉ huy Tiểu đoàn giờ đây chỉ còn 3 người, cả 3 anh em chúng tôi băng mình vào trại cưa gần đó. Một chiếc T-54 rượt theo ủi sập hàng rào nhưng nhờ những cây súc rất to nên T-54 khựng lại không tiến lên được. Dưới hỏa lực T-54 và bọn tùng thiết bắn như mưa, anh em chúng tôi lao mình trong đêm tối về hướng bìa rừng cách đó 1000 thước, tai nghe bọn VC la hét lẫn trong tiếng súng, khói lửa mịt mùng bao trùm cả bầu trời Tỉnh lỵ Bình Tuy.

    Khi vào đến nơi tương đối an toàn, tôi cố gắng liên lạc Trung tâm Hành Quân, các đơn vị bạn và các đại đội của tôi nhưng tất cả đều không có tiếng trả lời. Tanks T-54 đang bắn phá Trung Tâm Yểm trợ Tiếp vận, Bộ Chỉ huy Tiểu khu, Ty Cảnh sát, bệnh viện Dân Quân y Tỉnh và khắp nơi lửa cháy ngút trời. Chưa bao giờ tôi xuôi tay bất lực nhìn địch quân tung hoành như lúc này, có lẽ những chiến hữu của tôi tại Trung tâm Hành quân Tiểu khu đã khan tiếng gọi tiếp viện trong mỏi mòn. Viện quân ở đâu? Những đơn vị tinh nhuệ chủ lực quân đã từng làm cho Cộng quân khiếp vía, các anh đang ở đâu? Thảm kịch đang xảy ra cho chúng tôi, những phương tiện chiến tranh hiện đại của khối cộng sản như một cối xay khổng lồ đang nghiền nát thân xác người lính Địa phương Quân Tiểu khu Bình Tuy cô đơn... với trang bị yếu kém chỉ đủ ngăn chận bọn phá hoại có tên gọi “Mặt trận giải phóng miền Nam”, chỉ đủ để bảo vệ hạ tầng cơ sở của Quốc Gia, bảo vệ an ninh cho đồng bào trong phạm vi trách nhiệm. Làm sao chúng tôi có thể chống lại các đơn vị chủ lực của địch quân cấp Sư đoàn với đầy đủ phương tiện cho trận đánh qui ước? Đây cũng là thành tích và ước mơ của tên đồ tể Henry Kissinger, với người đồng minh tán tận lương tâm, với hiệp định hòa bình Paris man trá: “Bản án tử hình dành cho VNCH!”. Quay nhìn về hướng BCH/Tiểu khu, anh em chúng tôi đứng nghiêm đưa tay chào vĩnh biệt trong uất hận nghẹn ngào! Sau đó, súng cầm tay hướng về phía Vũng Tàu, cả 3 chúng tôi lầm lũi băng rừng trong đêm tối! Đó là lúc 03:00 giờ sáng ngày 24 tháng 04 năm 1975.

    Về đến Vũng Tàu - lúc 08:00 giờ sáng ngày 30 tháng 04 năm 1975, anh em chúng tôi bị VC bắt tại bến xe mới trong lúc các em nhỏ Trường Thiếu Sinh Quân đang đánh nhau với Việt cộng.

    Khoảng 11 giờ trưa... đang bị VC bắt ngồi bó gối tại bến xe, một anh lính của tôi báo: "Thưa Alfa, em nghe Radio nói Ông DVM đã ra lịnh đầu hàng...", tôi không tin và hỏi lại nhiều lần vẫn không thể nào tin được. Tiếp liền theo đó những mũi súng AK-47 chĩa thẳng vào lưng lùa chúng tôi lên xe tải bít bùng chật đầy người... để bắt đầu một cuộc du hành... về hướng địa ngục!


    Lê-phi-Ô cựu Tiểu đoàn Trưởng TĐ344/ĐP - KBC-6993
    Tiểu khu Bình Tuy - KBC-4891


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X