Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Định Số

Collapse
X

Định Số

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Định Số

    Định Số
    ~~~







    Nếu có thể tự quyết định vận mệnh của mình thì đời tôi đâu có tệ. Tôi thuộc loại học hành không được siêng năng, nhưng có cái mộng lớn, muốn đỗ đạt cao, để khi ra làm việc khoẻ thân, lại được nhiều người trọng vọng. Bao nhiêu lần, tôi ra vào đã nhẵn mặt trường thi, nhưng kết quả chẳng lấy gì làm khả quan lắm. Thất bại trên đường khoa cử, tôi còn đang loay hoay tìm một hướng đi khác, thì lệnh động viên gởi tới. Túng thế, tôi đành trốn lính. Nói rằng trốn cũng không đúng, tôi đang chờ định mệnh đưa tôi đến một cơ hội nào đó, khá hơn trường hợp đi lính. Nếu tình trạng bấp bênh này, kéo dài tới mùa thi năm sau, may ra tôi kiếm thêm được một cái bằng cấp lận lưng cho đời đỡ tủi. Hàng ngày, tôi vẫn lêu bêu ngoài phố, ngang nhiên đi trước mặt các toán Cảnh Sát chận xét giấy tờ tùy thân của thanh niên, để tóm cổ những thằng không thi hành lệnh gọi nhập ngũ, như tôi. Và mười lần như một, Cảnh Sát đều làm ngơ, không thèm xét hỏi khi tôi đi qua. Chắc họ thấy cái mặt có vẻ hiên ngang đầy khí phách của tôi, rồi tưởng tôi là thằng đàng hoàng?

    Một hôm, khi đi ngang khu chợ đông người, tôi thấy một bà bán hàng cầm đòn gánh đánh một người đàn ông đạp xích lô. Người đàn ông chỉ tránh né, đỡ đòn mà không hề phản công. Bà bán hàng vừa đánh vừa chửi rủa. Tò mò, tôi đứng lại coi, và cau mày, nghĩ: "Cái loại đàn bà đanh đá, chanh chua thế này, mà cũng có người dám lấy làm vợ!" Trong phút chốc, một xe Cảnh Sát ập tới, hốt gọn hai người lên xe.

    Bà bán hàng thấy tôi cau mày, tưởng tôi động lòng trắc ẩn, cảm thông với bà, nên đưa tay chỉ tôi và nói với Cảnh Sát: "Cậu này là người chứng kiến từ đầu đến cuối câu chuyện, có thể làm chứng cho tôi."

    Tôi vội chống chế: "Không! Tôi có biết gì đâu?"

    Nhưng đã quá muộn, người Cảnh Sát đẫy luôn tôi lên xe, và nói: "Chúng tôi cần lời khai trung thực của cậu, giúp chúng tôi phân xử vụ này phân minh."

    Khi ngồi trên xe, trên đường về bót, người đàn bà bán hàng và người đàn ông xích lô tranh nhau để giải thích với tôi về lý do ấu đả xảy ra, cố giành phần phải cho mình. Người nào cũng mong vì cảm tình riêng trong nhất thời, tôi sẽ nói những lời có lợi cho họ. Nhưng, tôi còn tâm trí đâu mà để ý chuyện ruồi bu của họ. Tôi đang nghĩ đến vấn đề khó khăn rắc rối sắp tới của tôi.

    Tại bót Cảnh Sát, trước khi lấy lời khai nhân chứng, họ yêu cầu tôi xuất trình giấy tờ tùy thân. Sau khi xem xét giấy tờ, viên Cảnh Sát ngồi sau chiếc bàn nhỏ, ngẩng đầu lên hỏi: "Cậu có giấy hoãn dịch không?"

    Tôi lắc đầu. Thế là họ chẳng cần tôi làm nhân chứng. Họ tống tôi vô phòng tạm giam, chờ giao cho Quân Cảnh, đưa vào quân trường thụ huấn trò chơi súng đạn. Tôi nghĩ, định mệnh đã khiến người đàn bà bán hàng xô tôi vào khúc quanh mới của cuộc đời.

    Thời gian thụ huấn tại quân trường Thủ Đức, có một bài thi trắc nghiệm tâm lý. Theo lời vị sĩ quan giám khảo, bài thi này được chấm bởi máy IBM, đưa tới quyết định ám số chuyên nghiệp của mỗi quân nhân trong đời binh nghiệp. Trong bài có rất nhiều câu hỏi ngớ ngẩn, buồn cười, vô lý. Thí dụ: "Khi đang đứng trên lầu cao, bạn có ý tưởng muốn nhảy xuống đất không?" Chỉ những kẻ điên khùng hoặc muốn tự vận mới trả lời "có" mà thôi. Tôi không thuộc loại người này. Nhưng muốn trả lời trái ngược, để cho cái máy IBM không biết đường nào quyết định. Tôi đánh dấu thập vào ô chữ "có". Nhiều câu hỏi khác, tôi cũng trả lời một cách bất thường như thế. Thật không ngờ, ngày ra trường, tôi mang ám số chuyên nghiệp loại tác chiến. Tôi nói với mấy tên bạn đồng khoá về điều này, và chê cái máy IBM thiếu chính xác.

    Chúng nó lý luận rằng: "Đứng trên lầu cao, mày muốn nhảy xuống đất, có nghĩa mày là thằng gan cùng mình. Vì thế, cái máy quyết định đưa mày ra tác chiến để làm người hùng chiến trường. IBM chính xác quá đi chứ!"

    Cũng trong thời gian ở quân trường, kỳ thi hạch miệng về môn chiến thuật, vị sĩ quan giám khảo đặt câu hỏi: "Theo tin tình báo, vào giờ G, sẽ có một trung đội địch di chuyển ngang địa điểm B. Anh nhận nhiệm vụ dẫn trung đội đến điểm B phục kích. Đúng giờ G, địch di chuyển ngang qua một tiểu đoàn, chứ không phải một trung đội như tin tình báo. Trong trường hợp này, anh là trung đội trưởng, phải xử trí thế nào?"

    Tôi đứng ngẩn ra một lúc, than thầm: "Trời ơi, đặt chi một câu hỏi hóc búa, làm khó người đem thân giúp nước!" Đối với môn chiến thuật, khi huấn luyện viên giảng bài, tôi thường ngủ gục, nên sự lãnh hội và ghi chép có rất nhiều thiếu sót. Cuối cùng, tôi nghĩ, đã đem quân đi phục kích, gặp địch là phải đánh chứ còn lừng khừng gì nữa.

    Tôi trả lời một tiếng cứng cỏi: "Đánh."

    Vị sĩ quan trố mắt ngạc nhiên nhìn tôi, nói: "Cấp số giữa địch và ta quá chênh lệch. Nếu đánh thì trung đội sẽ chết hết. Tôi cho anh quyết định lần thứ hai."

    Tôi lại suy nghĩ, nếu dẫn quân chạy, thì cũng chưa chắc thoát được hoả lực hùng hậu của địch, mà còn mang tiếng hèn. Chi bằng nhào vô tử chiến, dù bên ta chết hết, nhưng cũng gây cho địch một tổn thất nặng nề. (Đó chỉ là ý nghĩ thôi. Trên thực tế, có lẽ tôi sợ đến quýu cả tay chân, không dám động đậy.)

    Và lần thứ hai, tôi cũng trả lời: "Nhất định đánh."

    Vị sĩ quan giám khảo lắc đầu, bỉu môi: "Anh không biết gì về chiến thuật cả. Trường hợp này, anh phải im lặng cho địch đi qua, để ta bảo toàn lực lượng. Sau đó, báo về trung tâm hành quân, cho phi pháo dội lên đầu tiêu diệt địch." Ông ngó tôi một lúc để nghĩ ngợi, rồi nhè nhẹ gục gật cái đầu, nói tiếp: "Môn thi này, tôi cho anh mười bảy điểm, không phải vì anh giỏi chiến thuật. Đó là số điểm gan dạ phi thường của anh."

    Sau chín tháng mồ hôi, sương gió, nắng mưa trên các bãi tập vùng đồi Tăng Nhơn Phú, tôi ra trường Thủ Đức, được đưa về một đơn vị Biệt Động Quân. Nghe nói, có vị sĩ quan trưởng phòng năm, sắp sửa đi thụ huấn bổ túc một khoá tâm lý chiến. Hiện tại, tiểu đoàn đang cần một phụ tá trưởng phòng năm, để tạm thay thế điều hành công việc trong thời gian ông này đi vắng. Tôi cố tạo một bộ mặt hiền lành, để người ta thấy tôi dễ thương, cho tôi làm phụ tá thì đời đỡ khổ biết mấy. (Đâu có ai thích bộ mặt hung dữ, dễ ghét làm phụ tá cho mình).

    Một buổi chiều, trong phiên hợp, ông già tiểu đoàn trưởng, nói với các sĩ quan: "Có thằng chuẩn uý mới ra trường, trông nó còn non sữa lắm, cần phải lăn chai, tẩm thuốc cho săn da, chắc thịt. Có đại đội nào nhận thằng này không?"

    Vị đại đội trưởng đại đội hai, lên tiếng: "Để tôi nhận. Tôi chỉ cần "dợt" nó vài ba tháng là đêm ngủ hết thấy ác mộng, sét đánh cũng không giật mình."

    Quay nhìn tôi, ông già tiểu đoàn trưởng nói: "Tạm thời chuẩn uý về đại đội hai, rồi từ từ sắp xếp lại, tính sau."

    Tôi đã chờ đợi cái câu: "... từ từ sắp xếp lại, tính sau." gần mười năm, nhưng chẳng thấy ai sắp xếp lại, và tính gì cả. Tôi vẫn là thằng lính đi trận cho đến ngày tàn cuộc chiến.

    Về đại đội hai, tôi làm cố vấn trung đội. Theo thông lệ của binh chủng, sĩ quan mới ra trường chỉ được làm cố vấn trung đội. Gọi là cố vấn cho oai, chứ hình thức chỉ là thằng lính trơn, mang ba lô lẽo đẽo theo trung đội để học nghề đánh giặc. Sau ba tháng, nếu thấy "làm ăn" được, sẽ cho nắm trung đội trưởng.

    Đúng mười lăm ngày, sau khi tôi về đại đội, một trận đánh lớn xảy ra. Giữa khuya, đang nằm ngủ, tôi choàng dậy vì một tiếng nổ thật lớn. Tiếp theo, tiếng súng nổ liên hồi không ngớt. Tôi nghe có tiếng ai la lớn: "Địch tấn công!" Trong bóng đêm lờ mờ, tôi thấy mọi người đang lao xao, tất bật xách súng đạn nhào ra kháng tuyến. Tôi cũng quơ vội súng đạn, phóng xuống hố cá nhân, nằm chết điếng, không dám ngóc đầu lên, nghĩ thầm: "Đi thứ lính gì mà lang thang rày đây mai đó, không có đồn bót phòng vệ cố định. Đêm nằm, không có lấy một hàng rào kẽm gai làm chướng ngại vật. Địch chỉ cần xông tới là vị trí bị tràn ngập ngay. Đời một chuẩn uý mới ra trường, sắp tàn mạng tại đây, đêm nay."

    Khi trận đánh còn đang tiếp diễn, không biết thằng truyền tin từ đâu vụt đến, bảo tôi hãy di chuyển chỗ khác, vì chỗ tôi đang núp, ngay tầm B40 của địch. Quả thật, đã có mấy trái B40 nổ chát chúa gần bên tôi rồi. Nhưng, tôi không đi đâu hết. Không phải tôi gan, chỉ vì quá sợ, tôi không dám ló đầu lên khỏi mặt đất mà thôi. Một lúc sau, vị thượng sĩ già trung đội trưởng bò tới, căn dặn tôi hãy nằm yên tại chỗ, và bảo tôi hô lên thật lớn.

    Tôi hỏi: "Hô cái gì?"

    "Anh em trung đội giữ nguyên vị trí chiến đấu." Thượng sĩ nói.

    Tôi lập lại: "Anh em trung đội giữ nguyên vị trí chiến đấu."

    "Phải la thật lớn cho mọi người đều nghe."

    Tôi rướn đầu lên khỏi miệng hố, gân cổ hô mệnh lệnh bằng cái giọng sợ hãi lạc thần, bị át đi trong tiếng đạn nổ dữ dội như nhiều nhà cùng đốt pháo tết một lượt. Trong đêm, ba lần, vị thượng sĩ đã bò tới, bò lui bắt tôi hô lớn câu đó.

    Trận đánh tàn trước lúc trời sáng. Có nhiều người chết và bị thương. Tôi lên khỏi hố, đi qua đi lại, không biết làm gì. Những người khác đang lo bó những tử thi vào poncho, và những chiếc trực thăng đang đáp xuống tải thương, dưới ánh sáng chập chờn của hoả châu.

    Buổi xế chiều, sau phiên họp với các đại đội trưởng, ông già tiểu đoàn trưởng cho lệnh gọi tôi lên trình diện. Tôi hồi hộp, lo sợ ông ta sẽ xài xễ trách mắng. Vì trong suốt trận đánh, tôi chỉ rúc đầu xuống hố cá nhân, không bắn được viên đạn nào. Nhưng thái độ của ông làm tôi vô cùng ngạc nhiên.

    Ông thân mật vỗ vai tôi, và nói: "Tuyến phòng thủ của đại đội hai là mặt bị tấn công mạnh nhất. Mày, chuẩn uý mới ra lò mà can đảm, và biết điều động trung đội giữ vững vị trí chiến đấu, đẫy lùi hai đợt xung phong của địch. Đáng lẽ mày được tưởng thưởng anh dũng bội tinh, nhưng còn nhiều anh em khác đã tham dự nhiều trận trước, chưa được tưởng thưởng. Thôi, lần này hãy nhường cho họ. Tao biết mày có khả năng, lần sau tao không quên đâu. Đời còn dài, mày còn nhiều cơ hội đụng trận."

    Tôi đâu biết, địch đã xung phong hai lần, đều bị đẫy lui. Công đó của ai, chứ không phải của tôi. Tôi cũng không ham cái huy chương. Tôi lo vì câu nói của ông tiểu đoàn trưởng: "...Đời còn dài, mày còn nhiều cơ hội đụng trận." Với tôi, câu này còn có nghĩa rằng, mày còn nhiều cơ hội chạm mặt tử thần. Nghe mà ớn lạnh!

    Trở lại trung đội, tôi hỏi vị thượng sĩ: "Tại sao trong đêm ông bảo tôi hô lớn mệnh lệnh nhiều lần, khi có ông đang chỉ huy trung đội?"

    Ông giải thích: "Nay mai, chuẩn uý sẽ nắm quyền trung đội trưởng, và tôi làm trung đội phó. Tôi muốn tạo cho chuẩn uý một lớp hào quang người hùng. Nếu anh em không tin khả năng của chuẩn uý, khó chỉ huy lắm. Chuẩn uý yên trí đi, với cương vị trung đội phó, tôi sẽ giúp đỡ chuẩn uý hết mình. Đừng lo."

    Bây giờ, tôi mới hiểu mục đích của người đồng đội. Tôi nghĩ, định mệnh đã dùng ông như bàn tay, để sơn phết cho tôi, một tên hèn nhát được nhìn như một người can đảm. Lại một lần khác, trong cuộc hành quân vùng sình lầy. Mục tiêu là khu rừng phía trước. Khi đại đội đang lội bì bõm dưới nước, gần tới bìa rừng thì từ trong những lùm cây, địch khai hoả dữ dội. Tôi nhìn thấy nhiều người ngã xuống. Cả đơn vị lâm vào thế tấn thối lưỡng nan. Lui không được, tiến không xong. Những người còn lại phải trầm mình xuống nước, bám theo những bờ đất, bắn chống trả, chờ phi pháo yểm trợ. Tôi cũng trầm mình xuống nước. Chợt nhớ đến một con vật tối kỵ đối với tôi: con đỉa. Tôi quay đầu ra sau, quan sát. Trời ơi! Một con đỉa bự bằng cái quai dép râu, trên lưng có hai cái sọc vàng như cương ngựa, đang phóng nước đại về phía tôi. Kinh hoàng, tôi trườn lên nằm trên bờ đất. Bây giờ, tôi là mục tiêu ngon lành cho bao nhiêu họng súng từ bìa rừng bắn xuống.

    Thằng truyền tin hấp tấp, nói: "Thẩm quyền gọi máy, bảo chuẩn uý xuống bờ núp đạn."

    Tôi vẫn nằm trên bờ, xả súng bắn ngược lên bìa rừng.

    Lúc sau, thằng truyền tin lại nói nữa: "Thẩm quyền bảo, nếu chuẩn uý không chịu núp đạn, ổng sẽ bắn chuẩn uý chết trước khi bị địch bắn."

    Tôi nhìn lui, thấy vị đại đội trưởng chỉa họng súng về phía tôi. Tôi nhìn xuống nước, con đỉa đâu mất rồi. Nhưng, chắc còn nhiều con khác đang lặn trong nước chờ đợi tôi, để chui vào quần áo, bám vào da thịt. Nghĩ đến lớp da con đỉa nhớt nhợt, trơn lùi, tôi ghê tởm, rùng mình nổi gai ốc.

    Nỗi sợ đỉa lớn hơn nỗi sợ hoả lực của địch, tôi vụt đứng dậy, quơ tay làm thủ hiệu tấn công, miệng la lớn: "Xung phong. Xung phong."

    Vừa la, tôi vừa bắn và nhào lên. Lính trong trung đội thấy tôi xung phong một cách anh dũng, cũng đứng dậy bắn, đồng loạt hô: "Xung phong" và tràn lên chiếm bìa rừng. Nhiều anh em đồng đội ngả xuống giữa khoảng đường ngắn ngủi nhưng thập tử nhất sinh này.

    Nhờ vào địa thế mới chiếm làm bàn đạp, đơn vị đã thanh toán hoàn toàn được mục tiêu sau một ngày giằng co quyết liệt. Quân số trung đội tôi, hai mươi sáu thằng, chỉ trở về một nửa.

    Ngày ông liên đoàn trưởng đến thăm đơn vị, để khen tặng công trạng tiểu đoàn, ông già tiểu đoàn trưởng ca ngợi tôi không tiếc lời: "Tao đứng từ xa, quan sát trận địa bằng ống dòm, thấy trung đội của mày chơi mạnh và đẹp như một mũi nhọn đầu tiên thọc vào hông địch. Nhất là mày, một chuẩn uý mới ra lò, đã tỏ ra xứng đáng là con chim gương mẫu đầu đàn. Dù chưa đủ ba tháng thử thách, tao cũng cho mày nắm quyền trung đội trưởng, từ đây. Tao đã đề nghị lên thượng cấp, tưởng thưởng cho mày anh dũng bội tinh ngôi sao bạc."

    Nghe ông tiểu đoàn trưởng nói, tôi mắc cỡ đỏ mặt. Lần này, định mệnh dùng con đỉa rượt tôi chạy về phía trước, để người ta lầm tưởng rằng tôi là một tên anh hùng gan dạ. Trong binh nghiệp, đời tôi cứ thế mà đi, như có bàn tay vô hình đưa đẩy. Bao nhiêu lần dấn thân vào bom đạn, vì chưa tận số nên tử thần chưa cầm lưỡi hái cắt đứt sự sống của tôi. Gần mười năm trận mạc, tôi chỉ bị xây xước nhẹ, vài lần. Lính trận coi chuyện đó như kiến cắn mà thôi.

    Nếu đứng trên phương diện quốc gia mà xét, tôi là một công dân tốt. Chẳng có ông thầy bói nào dám tiên đoán rằng tôi có số ở tù. Cuối tháng Tư, năm bảy mươi lăm. Định mệnh lại xô tôi vào khúc quanh mới. Khúc quanh này bi thảm và ác liệt hơn khúc quanh mười năm trước.

    Sau ngày chế độ miền Nam sụp đổ, tôi lò dò ra nạp mạng. Tưởng chỉ bị chửi bới sơ sơ, rồi người ta đuổi về, cho đạp xích lô, hoặc đi cày, làm ruộng kiếm ăn. Không ngờ họ lý luận rằng, kẻ tốt của chế độ này, là thành phần xấu của chế độ kia. Cùng một không gian, nhưng thời gian thay đổi, tôi vụt biến thành tù nhân, và bị đưa ra đất Bắc cải tạo. Chẳng biết Nguyễn Du thông đạt cái lý lẽ thiên cơ mầu nhiệm đến cỡ nào, nhưng trường hợp của tôi, ông đã nói quá đúng: "Cho hay muôn sự tại trời!"

    Làm tù khổ sai nơi miền thượng du. Lao động quần quật giữa vùng sơn lam chướng khí. Chiều về, không đủ miếng ăn. Thường xuyên bị nhục mạ đủ điều. Đêm nằm trong bóng tối phòng giam, tôi nghĩ, sao vận mệnh con người lại bị sắp xếp bởi một bàn tay vô hình? Dù không làm được việc thiện, nhưng tôi cũng chẳng làm việc gì ác. Thế tại sao tôi lại sa vào địa ngục trần gian? Có cách nào cưỡng lại được không? Đang trong hoàn cảnh bi đát, bỗng tôi nhớ thêm một câu, trong truyện Kiều: "Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều." Tôi tin cụ Nguyễn Du, và quyết tâm thay đổi vận mệnh, bằng cách tháp tùng với vài người bạn, làm một cuộc vượt trại, hi vọng cải được số trời.

    Toán vượt trại gồm bốn người. Trong thời gian ba tháng, chúng tôi bí mật bàn thảo kế hoạch, và chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho chuyến đi.

    Đêm đầu tiên, chui ra khỏi hàng rào trại tù, chúng tôi đi về hướng Tây, và để lại nhiều dấu vết. Mục đích đánh lừa cho địch theo dấu, truy đuổi về hướng Tây. Họ sẽ đoán, chúng tôi xuyên Lào, qua Thái Lan. Đến ngày thứ hai, chúng tôi đột ngột chuyển về hướng Bắc, và không để lại dấu vết. Sở dĩ, chúng tôi chọn hướng này vì biết được mối tình hữu nghị giữa hai nước Việt Trung đã trở mặt rồi. Chúng tôi đang nằm trong địa phận Yên Bái, dự trù mười lăm ngày sau, sẽ có mặt bên kia biên giới. Dãy núi hình rẽ quạt Hoàng Liên Sơn trong sách địa dư ngày còn đi học, hiểm trở hơn nhiều so với tưởng tượng của tôi. Núi tiếp núi, chập chùng như sóng biển. Nhắm hướng Bắc, theo đường chim bay, chúng tôi leo lên tận những đỉnh núi mây mù phủ kín quanh năm, lần mò qua những lũng thấp âm u đầy sên vắt. Chịu biết bao nhiêu nhọc nhằn, nguy hiểm. Ngày thứ mười hai, một người vĩnh viễn bỏ thây lại giữa rừng già, bởi chứng sốt cấp tính. Còn lại ba người, chúng tôi vẫn đi tiếp tục đoạn đường, theo kế hoạch ban đầu. Hai ngày sau, khi đang len lỏi giữa rừng cây, trèo lên dốc núi, chúng tôi bị một người đàn bà Mèo nhìn thấy. Tính giết đi để bảo toàn bí mật, nhưng không ai nở xuống tay với người vô tội. Để sống, thì cũng biết đây là mầm tai họa. Cuối cùng, tha cho người đàn bà Mèo đi. Và chính người này, đã tố giác chúng tôi với chính quyền đia phương. Định mệnh vẫn không dung cho kẻ có lòng nhân. Chúng tôi bị bủa vây cùng khắp. Ngày thứ mười sáu, cả toán bị phát hiện, lúc tôi đang núp ló nơi một khe nước trên lưng chừng núi.

    Một tên chỉa súng vào tôi, hô lớn: "Đứng dậy. Giơ tay lên."

    Tôi từ từ đứng dậy, buông xuôi hai tay.

    "Giơ tay lên." Hắn lập lại mệnh lệnh.

    Tôi lắc đầu, đứng sững nhìn hắn. Cử chỉ phản đối này, như một thách thức cho hắn bắn vào giữa ngực tôi. Trong khi chờ đợi viên đạn, tôi nghe một luồng khí lạnh từ dưới bàn chân, vụt tràn dâng lên tới đỉnh đầu, làm cả người lạnh toát. Tôi vốn nhát gan, nhưng lâm vào đường cùng, tôi liều mạng. Hành động này, dễ làm cho người ta tưởng tôi là người can đảm.

    Tên cầm súng kéo cơ bẩm, cho đạn lên nòng, nghiêng đầu, nhắm hướng súng vào mục tiêu. Bỗng tên chỉ huy từ phía sau, vượt tới, hất mũi súng chỉa lên trời, không cho bắn.

    Hắn ra lệnh: "Trói nó lại."

    Một lần nữa, bàn tay vô hình của định mệnh đã điều khiển tên chỉ huy giữ lại mạng sống tôi. Nơi chúng tôi bị bắt, thuộc địa phận Lao Cai. Nếu chậm hơn vài ngày, có thể chúng tôi sang được bên kia biên giới Việt Trung, thoát khỏi cảnh tù đày và đời tôi đã đổi khác.

    Mười năm sau, tôi ra khỏi tù. Sức khoẻ đã bị vắt cạn trong những ngày lầm than, đói khổ. Bây giờ, tôi đang sống tàn tạ nơi quê người. Nhìn lại đời mình như một bức tranh lỡ tay của người hoạ sĩ, với những phác hoạ nửa chừng dang dở, những lem nhem làm ố khung màu. Một bức tranh hư, bị ném vào xó góc, buồn hiu, đóng bụi.

    Lâm Chương


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X