Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Bản Boléro của Ravel, một câu chuyện buồn

Collapse
X

Bản Boléro của Ravel, một câu chuyện buồn

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bản Boléro của Ravel, một câu chuyện buồn






    Được sáng tác vội vàng năm 1928, lấy nguồn cảm hứng từ vũ điệu của Tây Ban Nha, bản Boléro đã thành công ngoài mong đợi Maurice Ravel. Đem về hàng triệu euro tiền bản quyền nhưng cũng là một tác phẩm bị lợi dụng nhiều nhất trong lịch sử âm nhạc thế giới.

    Ngày 01/05/2016 bản Boléro hết thời hạn bảo hộ tác quyền. Trong suốt 88 năm qua, bản Boléro là một «thành trì kiên cố» về bản quyền vì tác giả Maurice Ravel (1875-1937) qua đời 11 năm sau khi để lại một tuyệt tác làm say đắm lòng người. Cho đến năm 1994, bản nhạc nổi tiếng này luôn dẫn đầu bảng xếp hạng thế giới về thu nhập tiền bản quyền.

    Tháng 11 năm 1928, lần đầu tiên ra mắt công chúng tại nhà hát Opéra Garnier, vũ khúc 17 phút ấy qua phần thể hiện của vũ sư người Nga, Ida Rubinstein, cùng 20 vũ công và dàn nhạc Straram dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Walther Straram, đã gây nên một cơn sốt trong làng nghệ thuật Paris.

    Thân hình mềm mại của Ida Rubinstein trong vai cô gái gitane, trên một chiếc bàn ở quán rượu, cùng với nền nhạc của làn điệu bolero, lập đi lập lại như nỗi ám ảnh dục vọng, đã khiến khán giả Paris đảo điên. Hai năm sau, Maurice Ravel điều khiển dàn giao hưởng Les Concerts Lamoureux để thể hiện nhạc phẩm đó. Tác giả đã ngạc nhiên trước «hiện tượng» Boléro.

    Với bản Boléro, giới yêu nhạc ở Pháp như vừa phát hiện một nhạc sĩ tài hoa, cho dù, trước đó Maurice Ravel đã soạn những nhạc phẩm nổi tiếng cho dương cầm như Pavane pour une infante défunte- Vũ khúc cho nàng công chúa đoản mệnh (1899) ; Ma mère l’Oye –Mẹ Ngỗng(1908-1910) hay Le Tombeau de Couperin (1914-1917) …

    Ravel cũng đã từng sáng tác cho các dàn giao hưởng những tác phẩm để đời như bản Rapsodie Espagnole (1907) hay Daphnis et Chloé (1909-1912) … Ông lại càng được chú ý sau khi phối khí một cách tài tình Tableaux d’une exposition – Bức họa từ một cuộc triển lãm(1922) do nhạc sĩ người Nga Modest Moussorgsky soạn vội để tưởng nhớ người bạn là họa sĩ và nhà điêu khắc Victor Hartmann.

    Những tác phẩm ấy của Ravel đã được khán giả Mỹ yêu thích trước khi chinh phục được trái tim của người dân Paris.


    Nhạc sĩ Maurice Ravel (1875-1937)



    Motif lập đi lập lại như một nỗi ám ảnh

    Ravel sáng tác bản Boléro khi ông từ Hoa Kỳ trở về sau một vòng lưu diễn thành công rực rỡ. Tên tuổi của nhạc sĩ người Pháp này như thể gắn liền với vũ điệu đầy ma lực ấy cho dù như chính tác giả từng thổ lộ: về phương diện âm điệu, bản Boléro quá tầm thường, gần như không có gì mới lạ, «ngoại trừ cấu trúc và cách thể hiện bản nhạc». Với ông, tác phẩm ấy thuộc loại nhạc «thử nghiệm (…) không đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện».

    Lấy nguồn cảm hứng từ vũ điệu bolero 3 nhịp của dòng nhạc Tây Ban Nha, Maurice Ravel khai thác vỏn vẹn hai giai điệu để làm chủ đề chính cho bản nhạc. Mỗi điệu, được lập lại 9 lần trong suốt tác phẩm, trên nền nhạc đệm chủ đạo (ostinato) tương đối ngắn với chỉ vài nốt nhạc, nhưng được lập đi lập lại gần như đến độ máy móc tới 169 lần trong 17 phút.

    Để tránh tạo nên một sự nhàm chán, dàn nhạc huy động ngày càng nhiều các nhạc công, nhạc cụ, tăng dần âm lượng cresendo để cuối cùng như cuốn hút người nghe vào một vòng xoáy bất tận.

    Giai điệu thứ nhất, uyển chuyển, dịu dàng, mang một chút âm hưởng của xứ ngàn lẻ một đêm với tiếng sáo là chủ đạo.

    Còn với mélodie thứ nhì, Ravel gieo những âm hưởng của dòng nhạc jazz mà ông du nhập từ Mỹ và ở đây tác giả đã chủ yếu khai thác những nhạc cụ tiêu biểu nhất của làng jazz như kèn saxophone hay trompette có âm cữ cao trong bộ đồng.

    Hai giai điệu chính ấy được Ravel đan xen bằng một thứ keo sơn là nhạc tố ostinato được lập đi lập lại theo một nhịp điệu đơn giản, đều đặn đến gần như là nhàm chán. Đấy là sợi chỉ đỏ xuyên suốt bản Boléro mà Ravel đã trao cho cái trống nhỏ- caisse claire để hoàn thành nhiệm vụ.

    Để toàn thể bản Boléro như một hơi thở rất dài, không hề bị ngắt quãng, với âm lượng lớn dần, Ravel sử dụng một dàn nhạc hùng hậu, biên chế dàn nhạc càng về cuối, càng dày đặc và đa dạng. Điệu nhạc tương đối chậm mà lôi cuốn ấy cùng với nghệ thuật vuốt âm glissando như cuốn hút người nghe vào một nơi vô định.




    Boléro, nguồn cảm hứng vô tận

    Ma lực của bản Boléro đã lan tỏa ra khắp hành tinh. Nhiều thế hệ nhạc sĩ và nghệ sĩ đã khoác lên tác phẩm của Ravel những làn điệu từ jazz đến reggae, từ điệu mambo đến hard rock, disco... Có những ban nhạc đã thể hiện bản nhạc quen thuộc đó với đơn thuần một cây đàn cello hay trong tiếng kèn harmonica hay với bộ đàn dây mandoline và ghi-ta. Người ta thường nói là trung bình 10 phút, trên thế giới, đâu đó, bản Boléro của Ravel lại được trình diễn một lần.

    Trong hơn tám thập niên qua, nhạc phẩm ấy từng là nguồn cảm hứng vô tận của các nhà biên đạo múa, mà có lẽ nổi bật nhất là sáng tác của vũ sư bậc thầy Maurice Béjart (1927-2007) năm 1961. Nghệ thuật thứ 7 cũng đã dành cho nhạc phẩm này những bộ phim như Les uns et les autres, của đạo diễn người Pháp Claude Lelouche hay Love Exposure của nhà làm phim Nhật Bản Sono Sion.




    Boléro, 500 triệu euro bản quyền?

    Nếu như bản Boléro của Ravel là một chuỗi cresendo bất tận, những tranh chấp ầm ĩ về bản quyền, những vụ kiện tụng chung quanh nhạc phẩm lừng danh ấy tưởng chừng như cũng không có hồi kết. Đơn giản là vì trong hơn 8 thập niên qua, nhạc phẩm ấy đã đem lại từ 40 đến 500 triệu euro tiền bản quyền, tùy theo cách tính toán của các nhà điều tra.

    Maurice Ravel xấu số. Sau khi đã sáng tác những tác phẩm để đời, một căn bệnh hiểm nghèo tấn công vào bộ óc của nhạc sĩ tài hoa đó. Ông mất dần trí nhớ, để cuối cùng, khi nhìn thấy một nốt nhạc nhưng đành tuyệt vọng hỏi bạn bè «Cái gì đây?». Cuối đời, ông không còn đọc và viết nổi đến chính tên họ của mình.

    Ravel không vợ, không con. Qua đời ngày 28/12/1937, ông để lại toàn bộ di sản, bản quyền cho người em trai là Edouard. Năm 1954 Edouard Ravel bị tai nạn giao thông, phải đón một bà y tá về chăm sóc. Không biết thế nào mà khi Edouard Ravel mất năm 1960, Jeanne Taverne cùng chồng được hưởng trọn di sản của gia đình Ravel.

    Hai người em họ của Ravel sống bên Thụy Sĩ đệ đơn kiện cặp vợ chồng bà Taverne. Vụ kiện kéo dài 10 năm để cuối cùng họ hàng của nhạc sĩ Ravel ra về tay không. Nhưng bỗng dưng, một cái tên mới lại nổi lên trong hồ sơ pháp lý liên quan tới bản Boléro: Jean Jacques Lemoine.

    Cựu giám đốc đặc trách về mảng pháp lý của Cơ quan bản vệ tác quyền SACEM, Lemoine biết rõ hơn ai hết bản Boléro là một con gà đẻ trứng vàng và thế là trong bóng tối Lemoine dùng mọi thủ thuật pháp lý để loại bớt các đối thủ, và trở thành một trong những người “thừa kế ăn theo” của Maurice Ravel. Tiếp theo đó là hàng loạt các vụ kiện tụng giữa SACEM với nhà xuất bản sách nhạc, để rồi hai bên chia nhau tiền bản quyền, thu hẹp lại “phần bánh” của gia đình Taverne.

    Với tiền bản quyền từ bản Boléro, Jean Jacques Lemoine lập nên một công ty bình phong đặt trụ sở tại Gibraltar, rồi thêm một chi nhánh khác ở quần đảo Virgin thuộc Anh Quốc, rồi lại thêm một đường dây ở Hà Lan, Monaco, Thụy Sĩ… Mạng lưới của Lemoine dày đặc và tinh vi để đánh lạc hướng nhân viên thuế vụ ở đủ mọi nơi !

    Tác giả bản Boléro đã làm giàu cho rất nhiều người mà ông chưa bao giờ gặp mặt. Maurice Ravel chắc sẽ rất đau đớn nếu ông biết được rằng bản nhạc như gắn liền với tên tuổi của ông đã bị khai thác không thương tiếc. Một hồi kết không hay cho một nhà soạn nhạc tài hoa, cho một bản nhạc quá nổi tiếng đã đi sâu vào lòng người.

    Thanh Hà
    (http://vi.rfi.fr)
    Last edited by chieutim; 11-19-2021, 09:02 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X