Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Buồn Vui Tuổi Vàng

Collapse
X

Buồn Vui Tuổi Vàng

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Buồn Vui Tuổi Vàng

    Buồn vui Tuổi vàng

    Lâm Minh Sơn


    Một
    Tuổi vàng - hai từ này, trước 1975 ít thấy, hay đúng hơn là không thấy trong ngôn ngữ Miền Nam VN. Ta chỉ thấy những từ đơn giản khi nói đến những người sống lâu là tuổi già, tuổi thọ, còn cầu kỳ hơn là tuổi “cổ lai hy” (thất thập cổ lai hy).

    Đối với xã hội VN thì sống đến 70 quả là hiếm có, nhưng chỉ là hiếm thôi, chớ không có gì quí cả, bởi ở tuổi này chẳng giúp ích gì cho cuộc sống gia đình, mà ngược lại, phải nhờ vả đến con cháu.

    Nhưng ở Mỹ thì khác, công dân Mỹ khi đến 65 tuổi thì được nhà nước cấp cho Medicare, và nếu lợi tức thấp, sẽ có Medicaid (TX) hoặc MediCal (CA) nữa. Khi có các thẻ này, thì sức khỏe của mình được nhà nước lo gần như 100%. Nằm bệnh viện, mổ xẻ, khám bác sĩ, thuốc men… hầu như miễn phí. Đến cả việc cần người giúp đỡ tại gia cũng không tốn kém gì. Đặc biệt, để chăm sóc tuổi già, chính phủ còn cho tư nhân thầu mở các trung tâm sinh hoạt cao niên giúp người già đến đó vui chơi, luyện tập, ăn uống, mà không có gì ảnh hưởng đến tài chánh của gia đình. Tóm lại, tuổi già ở Mỹ chẳng những không làm cho con cháu phải lo lắng tốn kém về chi phí y tế, mà còn giúp cho tư nhân có cơ hội làm ăn như các Hội cao niên và Công ty cung cấp người chăm sóc tận nhà. Có lẽ vì vậy nên tuổi 70 không phải hiếm, mà quý nên được gọi là tuổi vàng chăng? Đùa cho vui, chớ chuyện lạm bàn này chỉ là của cá nhân mà thôi.

    Thật ra, bốn giai đoạn Sinh, Lão, Bệnh, Tử của con người tôi đã trải qua 3 rồi. Chính nhờ trải qua giai đoạn 3 (Bệnh), mình mới biết tuổi già ở Mỹ được chăm sóc đến mức độ nào. Năm 2015, vừa chữa xong bệnh bướu cổ (thyroid), thì bị ruột thòng, thần kinh tọa, phải vào bệnh viện mổ, chích cột sống, uống thuốc, mà không tốn kém gì cả.

    Được bác sĩ khuyến cáo không được ngồi lâu vì tư thế ngồi có ảnh hưởng đến cột sống, vợ chồng tôi quyết định cố bỏ thói quen của người về hưu là ngồi trong nhà “nghiên cứu” tin tức và các hoạt động văn nghệ hoặc ngồi ngoài sân với cây rau cọng cỏ. Thay vì đi tập vật lý trị liệu theo giới thiệu của bác sĩ, bạn bè khuyên nên vào Hội cao niên sinh hoạt, cơ thể cũng được hoạt động và sẽ thấy thoải mái hơn. Chúng tôi đã bỏ ra một ngày đến Trung Tâm cao niên AAA thuộc Thành phố Garland, Texas, xem thử và chính thức trở thành Hội viên của trung tâm này kể từ ngày 22/2/2016.


    Hai
    …Lý tưởng niềm tin chưa trọn vẹn.
    Sao đành bỏ bạn, bỏ người thương!


    Hai câu thơ có vẻ hờn trách ai đó, nhưng thật ra là hai câu cuối của bài thơ tôi đã làm khi được tin K1 Huỳnh Diễn, người bạn đồng nghiệp, đồng khóa và đồng tù qua đời vào ngày 20/12/15.

    Không để nỗi buồn gặm nhấm mãi tuổi vàng, vợ chồng tôi quyết định qua nhà Diễn ở Cali để dự tiệc giỗ 100 ngày, dù sức khỏe chưa được phục hồi hẳn. Chúng tôi hy vọng chuyến đi này sẽ biến nỗi buồn mất bạn thành niềm vui hội ngộ. Quả đúng như dự định, khi đến nơi tiếp xúc được với gia đình Diễn, tôi thấy an ủi vô cùng.

    Diễn thật có phước. Sự ra đi trước của Diễn cũng giống người đi Mỹ có số H.O. nhỏ hơn chúng tôi mà thôi, nhưng H.O. chỉ đến thiên đường Mỹ, lại còn phải lo cho thân nhân kẹt lại ở địa ngục trần gian (VNXHCN) nữa! Còn Diễn thì giờ này chắc đang thênh thang trên Thiên Đàng thật, nhìn xuống chúng ta và sẽ huênh hoang tự đắc: “Cho tụi bay biết thế nào là lễ độ, hồi đó cứ chê tao cái gì cũng chậm, bây giờ xem lại coi ai nhanh hơn ai?”!

    Thật sự Diễn đã chuẩn bị việc ra đi của mình rất kỹ càng, không để lại một phiền toái nào cho vợ con, ngoài sự tiếc thương của đời thường.

    Vợ chồng tôi cùng hai người bạn đồng tù, từng chia cơm xẻ áo với Diễn là Hà Lý Luận và Võ Minh Lý ngủ lại nhà Diễn ba đêm. Chúng tôi nhắc lại về tánh tình của Diễn, thay vì buồn thương tiếc nhớ, lại vui cười cùng chị Diễn và các cháu về cái “khó” của Diễn đối với vợ con cùng “chuyện tỉ mỉ” đối với bạn bè trong tù với nhiệm vụ quản gia của gia đình Sở thú (nick name của nhóm ăn chung của chúng tôi là Voi, Cọp, Nhái, Gà Tre).

    Đặc biệt, chuyến đi này cho tôi một niềm vui hiếm có không dễ gì tìm được, nếu không nhờ cái duyên do Huỳnh Diễn tạo ra là việc gặp lại các bạn đồng Khóa 1 HVCSQG hiện đang sống tại San Jose.

    Nói không phải để khoe, tôi cam đoan rằng, trong các anh em đồng khóa không ai được Diễn (Voi) thương như thương tôi (Gà tre) đâu. Mười bốn năm chung sống trong tù, từ Nam ra bắc, Voi và Gà tre không phải chỉ chia sẻ cho nhau, mà còn chăm sóc lẫn nhau nữa. Diễn thì thỉnh thoảng tiêu ra máu do bịnh trĩ nội (sau này qua Mỹ mới biết) mà cứ tưởng là bị viêm ruột nên gia đình Sở thú lo sốt vó. Nhái (Luận) có máu giang hồ, quen biết nhiều, chạy hết phòng này đến phòng khác xin thuốc. Tôi và Cọp (nick name của anh Hổ, Trung úy Quân Đội biệt phái Cảnh Sát) không cho Diễn làm gì cả. Cọp thì kê vai cõng, còn Gà tre thì bợ đít Voi khi có việc phải di chuyển. Khi thuốc đã cầm bịnh được rồi, gia đình Sở thú lợi dụng, báo cáo với VC là bịnh nguy hiểm, nếu cử động nhiều sẽ ra máu lại nên Voi được nghỉ lao động một thời gian.

    Riêng tôi (Gà tre) thì khỏi làm việc nhà, sớm tối ra ngoài bươi xới tìm mồi cho gia đình Sở thú. Nếu đội lao động gần suối bờ ao thì tìm cách câu cá, nếu ở rừng, ở núi thì đánh bẫy bắt chim thú. Tôi chỉ bỏ công thôi, còn mồi nhử và “đồ nghề”, thì Voi thực hiện theo cách tôi chỉ. Diễn là quản gia của gia đình, tất cả tài sản của Sở thú đều giao cho Diễn giữ. Bình thường, Diễn rất hiền, tuy có chút lớn tuổi hơn chúng tôi, nhưng thường bị bọn tôi “ăn hiếp”, buộc làm điều này, điều nọ, Diễn đều nghe theo, nhưng với nhiệm vụ quản gia thì Diễn thi hành rất nghiêm túc giữ đúng qui định do nhóm đặt ra. Trong tù thiếu ăn nên phải dùng gạo thăm nuôi nấu thêm. Quản gia phụ trách việc xuất gạo mỗi ngày một lon để nấu cho cả gia đình “sở thú” ăn thêm. Và một lon là một lon. Dù cho có thăm nuôi được thêm gạo hay nhằm bữa có đồ ăn ngon (tôi đánh bẫy trúng chim, thỏ,..) chúng tôi có đòi mấy, Diễn cũng chỉ phát cho một lon thôi. Lần lần, số gạo để dành lâu dĩ nhiên bị mốc và có mọt, Diễn chịu khó mỗi ngày đem gạo ra phơi nắng, bắt từng con mọt rồi gói cất giữ lại chớ cũng không cho chúng tôi ăn thêm hạt gạo nào!

    Phần tôi (Gà tre) nhờ lúc nhỏ, sống với ông già có miếng đất trồng cây ăn trái cạnh rừng nên mưu sinh trong rừng không phải là chuyện khó và cũng đủ sức khỏe để leo trèo, chui lủi, có điều cổ tôi thường xuyên đau nhức nếu gặp lạnh hay gió (tới bây giờ vẫn còn bị) ! Diễn biết vậy nên âm thầm tìm bao cát rồi cặm cụi may cho tôi cái khăn choàng cho ấm cổ để hàng ngày lặn lội kiếm ăn. Tôi dám khoe tôi được Diễn thương nhất trong số các bạn đồng khóa là vì chuyện này.

    Tôi nhớ mãi khi được VC thả về vào năm 1983 (cả gia đình sở thú chỉ có mình tôi bị kẹt lại) Diễn đã nắm tay tôi dẫn ra sau buồng giam và nói: “ Mi cần gì, nói tao biết, tao có tao cho ngay.” Nhìn lên, thấy nét mặt của Diễn buồn giống ngày được tin đứa con trai duy nhất chết vì bệnh tim bẩm sinh, tôi không muốn niềm vui được về của Diễn không trọn vẹn nên cố đùa một câu: “Mày thì trên răng dưới dế, có cái gì cho tao được, tài sản của nhóm sở thú để lại quá đủ rồi, tao đâu có cần gì nữa.”

    Sự thật cái mà tôi cần, cho đến bây giờ cũng không tìm thấy được. Đó là sự thương lo mà người bạn thâm giao đã cho mình trong hoàn cảnh khốn khổ nhất của cuộc đời.

    Hiện tại, tôi vẫn quấn khăn quàng cổ khi thời tiết thay đổi, nhưng những chiếc khăn hiệu mua ở Dillard’s. Macy’s… làm sao bằng cái khăn bao cát ngày xưa. Cái khăn tuy hôi hám và thô cứng, nhưng nó ấp ủ cả một chân tình!

    Trở lại niềm vui hội ngộ với các bạn đồng khóa hiện sống tại Bắc Cali, tôi thấy mình như trẻ lại. Tất cả đều là tuổi vàng, và so với họ, tôi thuộc loại vàng non, bởi hầu hết Khóa Một HVCSQG đều lớn tuổi hơn tôi. Lớn gì thì lớn, đồng khóa nói chuyện với nhau vẫn mày mày, tao tao như thường.

    Trước khi đi Cali, tôi không hiểu vì sao K1 Bửu Hồng lại nhắn tôi qua email là khi đến San Jose, tôi phải gọi báo cho Mệ biết đầu tiên, nhưng khi đến nơi, cùng gặp nhau tại nhà K1 Đinh Văn Hạp, tôi mới hiểu rõ. Thì ra, vợ chồng Mệ phụ trách phần anh nuôi (nấu ăn) nên cần biết trước để chuẩn bị. Tôi không biết mệ có nghề này từ hồi nào, chỉ nhớ là những ngày cùng ăn ở Trại Lê Văn Duyệt, Mệ chỉ có hũ ớt đem ra ăn chung mà thôi.

    Đùa cho vui, chớ thật ra bữa ăn hội ngộ này là một niềm vui đáng giá của tuổi vàng. Dù đã có dâu, rể, cháu nội cháu ngoại, khi nói chuyện với nhau, trừ các cô dâu khóa một, chị chị em em, tụi tôi vẫn dùng ngôn ngữ y chang như những ngày thức khuya dậy sớm, dãi nắng dầm mưa trong Học Viện. Có 4 điều khiến tôi xúc động không thể không nói:

    Một: K1 Huỳnh Minh Thanh đóng cửa tiệm sớm hơn thường lệ (dù là đêm Thứ Bảy) để tới họp mặt. Thanh và tôi chẳng những cùng chung đại đội 102 (ĐĐ nhỏ con) mà còn chung Tiểu đội khi còn là SVSQ Khóa 1. Sau khi ra trường, mỗi đứa một nơi đến bây giờ, sau 49 năm mới gặp lại nơi đất khách. Đúng là niềm vui “tha hương ngộ cố tri”.

    Hai: K1 Đinh Văn Hạp, người Việt gốc rau muống, nhưng không làm chính trị được vì bản tánh thẳng như ruột ngựa. Nghĩ rằng trong số bạn cùng Khóa, tôi thuộc thành phần chịu thiệt thòi vì ở tù 17 năm nên trong bữa ăn, không cần biết tôi ăn nhiều hay ít, “Bố” liên tiếp gắp thức ăn bỏ vào chén tôi.

    Ba: K1 Phan Quang Nghiệp từng ăn chung với tôi trong thời gian “cuối mùa cải tạo” ngồi sát vào tôi thủ thỉ: “Vợ chồng Mệ nấu có hai món ngon nhất là Gỏi và Bún Xào. “Nẫu” vừa nói vừa gắp hai món này cho tôi, dù đồ ăn của tôi đã ngập tới lỗ mũi rồi!

    Bốn: Cú điện thoại từ Nam Cali của K1 Võ Đăng Ngọc báo cho biết không thể đến Bắc Cali gặp tôi theo dự định được vì tính đi theo K1 Phan Tấn Ngưu, nhưng giờ chót Ngưu có chuyện không đi được (sức khỏe bà xã). Tôi và Ngọc là hai trong số bảy đứa Khóa Một lang thang ở Đà Nẵng trong những ngày mới ra trường vì bốc thăm trúng “Nha Miền Bắc Trung nguyên Trung phần” sau khi mãn khóa. Nhưng sau đó, Ngọc lại về Nam còn tôi thì tiếp tục ở lại phục vụ cho BCH/CSQG Quảng Nam.

    Tóm lại, đời quả là vô thường. Huỳnh Diễn ra đi khiến khóa Một chúng tôi, dù đã là tuổi vàng cũng thấm thía với nỗi buồn mất bạn, nhưng ngược lại, sự ra đi này là cái duyện cho chúng tôi niềm vui họp mặt sau bao năm xa cách và thăng trầm của cuộc đời.

    Ba
    Sau niềm vui hội ngộ, vợ chồng tôi về lại Dallas tìm niềm vui mới trong sinh hoạt cùng các anh chị tuổi vàng thuộc Trung tâm cao niên AAA.

    Vui mới vì gặp lại được hình ảnh và tiếng nói cũ. Chỉ cần nghe đủ giọng nói tiếng Việt, từ gốc Giá, gốc Ớt, gốc Rau muống đến gốc Chợ Lớn, tự nhiên tôi có cảm giác như mình được trở lại quê hương. Lúc nhỏ, nhà tôi bên một chợ Quận, mỗi sáng sớm thức dậy, âm thanh ồn ào của một chợ nhỏ nghe sao quen với tiếng nói, tiếng cười trong giờ cơm của Hội AAA quá, một niềm vui khó tìm trên đất Mỹ này.

    Là người Việt Nam tha hương, không ai không có nỗi buồn mất nước. Có điều đáng mừng là “vong quốc chứ không vong bản”. Tình cảm, tâm tư VN vẫn còn mãi trong lòng mọi người. Tình mẫu tử, nghĩa vợ chồng, niềm hoài hương được thể hiện rõ ràng qua từng hành động, cử chỉ của các hội viên AAA dù tuổi tác đã bảy, tám bó trở lên.

    - Tình Mẫu tử: Chị D. đã trên bảy bó, một trong những MC của Hội. Thường ngày chị ăn nói, sắp xếp mọi việc một cách chững chạc, nhưng trong mùa Vu Lan năm nay, khi hát bài Mẹ Tôi trong chương trình “Hát Cho Nhau Nghe”, chị đã khóc ngất khiến cho không phải riêng tôi, mà cả mọi người đều sửng sốt và sau đó tôi nhìn thấy mắt của cả nam lẫn nữ hội viên đều ứa lệ theo tiếng khóc của chị. Cảm xúc này cho tôi một niềm an ủi biết được đồng hương mình là kẻ vong quốc nhưng nhất định không vong bổn.

    - Nghĩa vợ chồng: Mỗi ngày, chỉ cần nhìn ba cặp vợ chồng anh chị Tâm, anh chị Tony Lê, anh chị Anh, tôi cảm nhận được ngay cái “nghĩa vợ chồng” của người Việt Nam không cộng sản tuyệt diệu như thế nào. Dù anh chị bị bệnh phải kẻ đẩy, người ngồi trên xe lăn, dù tuổi tác đã bảy, tám bó, nhưng ánh mắt và nụ cười trao nhau của họ, tôi nghĩ người Mỹ không thể nào so sánh được. Họ thương lo cho nhau bằng cả một tấm lòng chớ không phải vì tiền công hay nhiệm vụ như ta thường thấy trong xã hội thực dụng này.

    Một lần, trong một buổi tiệc sinh nhật do Hội AAA tổ chức, anh Tony Lê dù đã hơn bảy bó, bước lên sân khấu hát bài Lâu Đài Tình Ái và tuyên bố với mọi người là để riêng tặng cho người vợ yêu quý của anh. Bà xã tôi rất cảm động nhưng thay vì khen anh Lê, lại nổi “máu đàn bà” hỏi tôi: “Nếu em bịnh, anh có làm được như anh Lê không?” Tôi không trả lời, nhưng nghĩ là “Được” vì tôi không phải là người VN mất gốc.

    - Niềm hoài hương: Anh Thức, một Chiến sĩ Hải quân VNCH rất rành âm nhạc nên tuy đã hơn tám bó, vẫn được xem là ca sĩ trụ cột của chương trình “Hát Cho Nhau Nghe”. Trong một buổi trình diễn, anh hát bài Vĩnh Biệt Sài Gòn của Nam Lộc, khi hát tới câu “Sài Gòn ơi, ta hứa rằng ta sẽ trở về”, thì ngưng hẳn. Mọi người tưởng anh quên, nhưng tôi đã thấy mắt anh ngấn lệ và tôi cũng vậy vì tôi và anh có sự đồng cảm với câu hát này. Về Việt Nam với thành phố HCM, thì lúc nào cũng được, nhưng về lại VN với Thủ đô Sài Gòn không phải là chuyện dễ. Ngấn lệ của anh có phải là ngấn lệ ấm ức, nghĩ rằng đến cuối đời cũng không thể giữ được lời hứa mà mình vừa cất tiếng ca chăng?!

    Bốn
    Sự ra đi của K1 Huỳnh Diễn cho tôi cái duyên gặp bạn đồng khóa, thì việc gia nhập vào Hội AAA giúp tôi cơ hội được sinh hoạt hàng ngày với hai đồng nghiệp của thời trước 1975. Vô tình, vợ chồng tôi được sắp xếp ngồi cùng bàn ăn với anh Nguyễn Văn Bông và anh Phạm Huy Cầu là hai tuổi vàng đã gia nhập Hội trước chúng tôi. Hỏi thăm nhau, té ra tất cả đều là CSĐB của CSQG/VNCH. Anh Bông tám bó, thuộc F/ĐB Quận 8 Sàigòn, còn anh Cầu là thẩm vấn viên của F/ĐB Bình Dương.

    Cuộc đời đúng là vô thường. Ngày xưa trong tù cộng sản, ngày ngày tôi đã chung mâm với đồng nghiệp K1 Huỳnh Diễn, thì bây giờ, mấy chục năm sau, trên đất khách quê người, bữa bữa tôi cũng lại cùng ăn với đồng nghiệp Bông, Cầu.

    Khi đã là hội viên của Hội AAA thì niềm vui nỗi buồn của chúng tôi lệ thuộc vào sinh hoạt của hội hết 70% thời gian một ngày rồi. Vì từ lúc ăn sáng cho đến giờ về chúng tôi luôn lu bu với niềm vui tập thể; nào là ăn sáng, đánh bóng bàn, tập thể dục, cờ tướng, domino, binh xập xám, xòe tứ sắc, ăn trưa, sinh hoạt văn nghệ, cuối cùng là chơi Bingo tới 2 giờ chiều mới chia tay. Nhờ ăn chung, chúng tôi rủ nhau đi dự các buổi sinh hoạt của Hội CSQG địa phương là Hội CSQG Dallas (TX). Tham dự sinh hoạt của Hội Cảnh Sát là chuyện đáng làm của một chiến hữu CSQG tại hải ngoại, nhưng không phải dễ dàng đối với các chiến hữu ở lứa tuổi vàng vì con cháu bận, mà mình thì không lái xe đi xa được. Tôi may mắn có đứa con rể hành nghề tự do, không bị ràng buộc nhiều về giờ giấc đến hãng nên lúc nào cũng sẵn sàng chở tôi đến dự sinh hoạt của Hội dù địa điểm tổ chức khá xa (cách nhà khoảng một tiếng đồng hồ chạy xa lộ).

    Năm nay (2016), do cơ duyên gặp và quen nhau ở Hội AAA, anh Bông đã được dự Ngày Truyền Thống CSQG nhờ tháp tùng với gia đình tôi, nhưng khi đến nơi, niềm vui thêm người của tôi bị hụt hẫng vì người tham dự chỉ ngồi chừng hơn nửa số bàn của buồng ăn thay vì hai buồng như thuở ban đầu!

    Cách nay 12 năm (2004), lần đầu tiên tôi dự Ngày Truyền Thống CSQG ở Dallas, tôi có cảm giác ngỡ ngàng vì sự chào hỏi của đồng nghiệp. Ai nấy cũng lăng xăng tay bắt mặt mừng. Năm nay, tôi cũng ngỡ ngàng, nhưng ngỡ ngàng vì hậu quả của thời gian đã ảnh hưởng đến vóc dáng bạn bè và không gian của buổi lễ. Sự thiếu vắng gia tăng không phải do tâm trạng các chiến hữu CSQG đổi thay mà do kết quả tự nhiên của tiến trình Sinh, Lão, Bệnh, Tử buộc con người phải gánh chịu! Nhờ biết nghĩ thoáng, nỗi buồn hụt hẫng chỉ thoáng qua và nhường lại cho niềm vui hội họp.

    Thời gian dù khắc nghiệt cũng không thay đổi được tấm lòng của con người VN chân chính.

    Các tuổi vàng CSQG từ bảy đến hơn tám bó khệnh khạng bước lên sân khấu, cất cao tiếng hát: “Tổ Quốc chúng ta luôn luôn ta trung thành”. Đặc biệt, có những cố gắng tuy ngắn ngủi nhưng cũng xoa dịu được nỗi ưu tư của mọi người về hậu quả thời gian:

    - Niên trưởng Lê Sơn Thanh đã hơn chin bó vẫn lên sân khấu phát biểu một cách mạch lạc và đầy đủ ý nghĩa.

    - Hậu duệ Hứa Kính đã tham gia ban hợp ca CSQG và sốt sắng đơn ca giúp vui dù tiếng Việt không rành.

    Kết cuộc, tuy sự hiện diện của các chiến hữu CSQG có ít đi, nhưng tổ chức buổi lễ cũng thành công mỹ mãn, chứng tỏ tuổi đời có thay đổi nhưng tình đời chẳng đổi thay. Tổ Quốc VN vẫn ở mãi trong lòng các tuổi vàng CSQG/VNCH.

    Năm
    Cuộc sống tuổi vàng AAA không chỉ hạn chế bởi sinh hoạt hàng ngày trong cơ ngơi của Hội mà thỉnh thoảng được Hội giới thiệu và yểm trợ tham dự các sinh hoạt văn nghệ ngoài xã hội.

    Hình thức giải trí này trước đây vợ chồng tôi không để ý tới, bây giờ có bạn bè rủ rê, chi phí lại được yểm trợ 50% nên cũng chấp nhận đi thử cho biết.

    Đặc biệt trong một đêm tham dự buổi ra mắt của nhóm thiện nguyện thuộc Cộng đồng NVQG Dallas, tự nhiên trong lòng thấy thoải mái, vì nỗi ưu tư của mình phần nào được xoa dịu. Ưu tư này, theo tôi nghĩ, không phải của riêng tôi mà của hầu hết thế hệ Một, là không biết khi mình ra đi, đám trẻ có mất gốc không?

    Tôi cứ nghĩ các buổi văn nghệ kèm theo ăn uống, nhảy nhót là của giới trẻ, không có chiều sâu, chỉ tạo sự vui nhộn sống động để xả cảng những căng thẳng của cuộc sống máy móc, nhưng tôi đã lầm.

    Trên sân khấu hạn chế của một quán ăn, từ các điệu vũ dân tộc, cách ăn mặc của người diễn xuất đến lời ca của bản nhạc được trình bày, tất cả đều nhắc nhở khán thính giả về tình yêu Tổ quốc, về buồn đau dân tộc, về mất mát và hy sinh của những người đi trước đã cố gắng bảo vệ quê hương. Tôi đã ngậm ngùi và ngạc nhiên khi nghe một nam ca sĩ trình bày ca khúc “Niềm Đau Của Người Thương Binh”. Ngạc nhiên không phải chỉ vì giọng ca và lời ca gây xúc động, mà vì, sau khi hỏi thăm, tôi biết, từ ca sĩ đến nhạc sĩ đều thuộc thế hệ “một rưỡi” của chúng ta - những kẻ phải sống kiếp tha hương do định mệnh! Đặc biệt, nhạc sĩ là cháu H. Lan, Trưởng Nhóm Thiện nguyện. Khi lên sân khấu để nói về lý do thành lập nhóm, cháu cho biết, ngoài nhiệm vụ của một trưởng ban văn nghệ, cháu còn tình nguyện đến các Trung tâm dưỡng lão giúp đỡ người già yếu bệnh tật. Có một lần, đến Viện Dưỡng Lão phục vụ, khi ra về, cháu quay lại trông thấy một cụ bà nhìn theo cháu với ánh mắt mà cháu không thể nào quên được. Từ đó, cháu mới có suy nghĩ là tại sao mình không tìm số bạn có lòng như mình để giúp đỡ những người cần mình giúp. Cháu cũng không khó khăn gì, khi tìm các bạn đồng lứa chịu gia nhập nhóm bởi các cháu đều hiểu rõ thế nào là nỗi buồn đơn chiếc và mất mát.

    Trước giờ, tôi chỉ biết thế hệ con cháu mình qua các phương tiện truyền thông. Ở tuổi thuộc thế hệ một rưỡi, nhiều nhân vật nổi tiếng như khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, Tướng Lương Xuân Việt... và cũng khá đông các nam nữ khác của thế hệ này đã làm hãnh diện cho dân tộc VN không theo cộng sản, trong và ngoài nước. Tuy vậy, tôi vẫn còn ý nghĩ tiêu cực là đám trẻ vẫn chưa đủ phẩm và lượng để nối gót thế hệ cha ông!

    Trong một lần nói chuyện với K1 Phan Tấn Ngưu, Tổng Hội Trưởng Tổng Hội CSQG/VNCH, tôi có nghe bạn nói, trong năm nay (2016), tuy có nhiều việc ngoại lệ hơn mọi năm (tổ chức 50 Năm Thành Lập HVCSQG, 50 Năm Hội Ngộ K1 Học Viện) nhưng bạn đang cố sắp xếp trao nhiệm vụ của mình cho thế hệ nối tiếp. Tuy nghe vậy, tôi vẫn hoài nghi vì hai chữ phẩm và lượng mà tôi đã đề cập, nhưng sau khi thấy Nhóm Thiện Nguyện tới Hội AAA làm móng tay miễn phí cho các Cô các Bác và đặc biệt, biết được cháu H. Lan cố để tóc dài cho đủ kích thước để cắt tặng Hội từ thiện giúp đỡ bịnh nhân ung thư thì nỗi hoài nghi của tôi không còn nữa. Đã đến lúc thế hệ một rưỡi đủ phẩm và lượng để nối bước thế hệ Một.

    Tôi chợt nghĩ đến một tư duy lập dị nhưng chính xác là tuổi kim cương. Nếu tuổi của thế hệ Một là Tuổi Vàng thì tuổi của thế hệ Một Rưỡi phải là Tuổi Kim Cương vì chỉ có kim cương mới đủ sáng để rọi đường cho đàn em và đủ cứng để soi thủng đầu não của các tên lãnh đạo CSVN đang tham quyền cố vị, không quan tâm gì đến sự tồn vong của đất nước!

    Đã hơn 50 năm rồi, phải thành thật mà nói, hình ảnh của người CSQG/VNCH vẫn còn đậm nét trong tâm khảm người Việt hải ngoại là nhờ sự đóng góp bền bỉ không vụ lợi của các chiến hữu sống lưu vong trên khắp thế giới. Thời gian trôi qua, từ lứa tuổi trung niên đến lứa tuổi vàng, số chiến hữu mà tôi quen biết như: Phạm Giao, Vương Thế Hỷ, Đoàn Tống (Dallas), Phan Tấn Ngưu, Nhữ Đình Toán, Nguyễn Doãn Hưng, Nguyễn Thanh Thủy (Thiên Nga), Phan Quang Nghiệp, Thái Văn Hòa, Nguyễn Ngọc Thụy (CA), Nguyễn Văn Nhì (GA),.. đã miệt mài năng nổ đóng góp công sức duy trì 4 chữ Cành Sát Quốc Gia trong lòng người VN sống lưu vong.

    Không phải chỉ có các chiến hữu tôi quen mà tôi biết, còn rất nhiều chiến hữu khác cũng tình nguyện làm việc không công này. Vì sao vậy? Để bào chữa cho cái thua kém của mình, tôi chỉ có thể dùng thuyết nhân quả để trả lời: “Tại vì kiếp trước họ là thợ săn voi nên bây giờ phải vác ngà voi, chớ có gì lạ đâu!”

    Đùa cho vui chớ tôi biết, các bạn chẳng bao giờ cảm thấy mình là người vác ngà voi cả. Trong thời gian chờ đợi thế hệ kế tiếp chuẩn bị sẵn sàng, tôi xin kết thúc bài viết này bằng 4 câu thơ vui góp ý như sau:

    Thời gian lặng lẽ cứ trôi qua.
    Bận bịu lu bu chẳng thấy già
    Đã vác ngà voi nên vác tiếp
    Thiên đàng, địa ngục vẫn còn xa!’


    Lâm Minh Sơn (K1-HVCSQG)
    (Dallas, cuối 2016)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X