Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Quê Nội, Quê Ngoại

Collapse
X

Quê Nội, Quê Ngoại

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Quê Nội, Quê Ngoại

    Quê nội, quê ngoại
    ~~~





    Tuổi tôi đến nay đã già quá 6 bó, chưa lú lẫn, song dường như trí nhớ của tôi không được khá, có lẽ tâm trí tôi đã vật lộn với quá nhiều đau khổ trong dĩ vãng và với quá nhiều “bill bộng” trong hiện tại. Ở cái xứTây phương này, ra đường nhiều khi không có một xu dính túi, song thẻ nhựa thì một đống, cà cái này bị xù thì cà cái khác, cái nào cũng bị xù có nghĩa là mình trở thành vô sản! Chỉ vài cái bị xù là nạn nhân biết là mình phải phờ người trả nợ. Nợ nước thì khất lần mãi từ năm này sang năm khác không thấy ai phone hay gởi giấy đòi, nhưng nợ visa thì nó nắm đầu không thoát được. Đố có một ai ở xứ này thoát được nợ visa.

    Đương đầu với mấy cái thẻ nhựa này nhiều khi muốn khùng, lãng trí chút chút là may lắm rồi. Dù vậy, trí nhớ của tôi lùi về 6 thập niên trước lại vẫn còn nguyên như in. Lúc tôi ra đời không phải là thời đại xài thẻ nhựa visa, đồng hồ!

    Mẹ tôi sinh tôi tại một nơi mà người ta gọi là Cây Trôm. Làng Cây Trôm là quê ngoại của tôi, nơi Mẹ tôi tá túc khi sinh đứa con đầu lòng, và về ở với Mẹ để nhờ chăm sóc.

    Cây trôm làng Ngoại tôi là một cây đại thụ to lớn, gốc cả chục người ôm, nằm ngay bên đường liên tỉnh lộ 8 từ Phan Thiết lên Ma Lâm, Thiện Giáo, cách Hầm Đá chừng hai cây số, và cách Phan Thiết chừng 5 cây số về phía Bắc

    Từ Phan Thiết lên, nó nằm bên tay phải. Nhà Ngoại tôi bên kia đường, đốì điện cây trôm, trước nhà là một ao rau muống khá lớn. Cách nhà Ngoại tôi về hướng Tây Bắc là một cái bàu lớn, nước quanh năm. Tôi đã từng tắm và vọc nước ở cái bàu này mỗi khi theo mấy ông cậu đem trâu đi uống nước…

    Khi sinh tôi ra, con so, Mẹ tôi đau bụng từ đầu hôm, đau mãi mà không sinh được, tôi ngoan cố nằm lì trong bụng Mẹ, đến gần sáng hôm sau tôi mới chui ra. Thuở ấy Mẹ đâu có đồng hồ, và cũng chẳng biết trên đời này có cái chạy tích tắc kỳ cục đó, nên bà không biết giờ giấc chính xác lúc sinh ra tôi, bà cứ nói đại cái ngày bà đau bụng là ngày sinh, mà tôi đâu chịu ra đời lúc bà đau bụng. Giờ sinh, ngày sinh của tôi không chính xác, nên mấy ông thầy chấm và luận tử vi của tôi, ông thì giải Nam Tào, ông thì luận Bắc Đẩu. Về sau này đảng đì đi tù cải tạo khổ quá nên ai hỏi tôi tuổi giáp con gì, tôi bảo tuổi con dế cho tiện!

    Mẹ tôi bám trụ theo Ngoại tới khi tôi lên 6 tuổi bà cho ra riêng. Cái nhà tranh đầu tiên của Mẹ tôi lại ở ngay dưới gốc cây trôm, cách nhà Ngoại tôi chỉ một con đường lộ nhỏ. Mẹ tôi vẫn không muốn xa Ngoại, tôi cũng vậy. Mỗi lần lục nồi cơm nhà không có, tôi chạy sang Ngoại là có ngay thức ăn. Ở với Mẹ mà hầu như tôi ăn cơm bà ngoại hàng ngày. Bà thương tôi, vắng tôi bà nhớ, bà kiếm. Hồi nhỏ, dường như tôi hơi cứng đầu. Mỗi khi Mẹ tôi rút roi là tôi phóng như bay qua Ngoại. Ngoại tôi thương cháu, có lần bảo Mẹ tôi:

    – Có gì tao chịu. Tao không muốn ai đánh đòn cháu tao!

    Tôi rút gọn vào lòng ngoại tôi, cảm thấy ấm áp, an toàn. Một hôm tôi chơi hoang, mình mẫy dính đầy nhựa trôm, thứ nhựa người ta bảo có thể ăn với đường cát, song tôi dùng nó ném nhau với đám trẻ, mặt mày lem luốc, quần áo nhầy nhụa, Mẹ tôi giận phết cho mấy roi. Tôi tức mình. Trong lúc bà ra chợ làng mua cá, tôi lủi thủi bỏ nhà đi hoang.

    Không hiểu tại sao lần này tôi không qua Ngoại mà lại trở chứng đi về hướng Phan Thiết, đi cho đả nư. Nhưng đến đường công hương về hướng Xuân Phong, tôi chợt nhớ Nội tôi. Xuân Phong là quê bà Nội tôi. Tôi lẹt đẹt theo mấy bà bán cá về nhà Nội, nơi Ba tôi thường dắt về quê Nội trong những ngày cúng giỗ…

    Chiều và đêm hôm đó, cả làng Cây Trôm đổ ra đi tìm thằng nhóc mất tích. Mẹ tôi, Ngoại tôi điên loạn như người mất hồn. Ngoại tôi hụp lặn bàu Cây Trôm suốt đêm để tìm xác cháu vì nghĩ rằng tôi tắm bàu và chết chìm. Mỗi lần tôi bị đòn là tôi chạy sang ngoại ngủ. Chưa bao giờ tôi đi hoang. Ngoại tôi khóc hết nước mắt, sai ba tôi qua Xuân Phong cho Nội tôi hay. Nửa đêm, tôi nghe tiếng Ba tôi gõ cửa. Ông mếu máo nói cho Nội tôi nghe chuyện tôi mất tích. Trong mùng, tôi nghe Nội tôi cười và bảo:

    – Vào trong mùng xem phải thằng con mày nằm đó không?

    o O o

    Tôi lớn lên trong giặc giả, chiến tranh. Mỗi khi chạy giăc, Mẹ tôi bỏ tôi vào một đầu gánh, đầu bên kia Mẹ bỏ gạo cá, nồi niêu… Chạy giặc, Mẹ chạy băng đồng theo những người hàng xóm. Mỗi lần đầu thúng tôi ngồi chạm bờ ruộng là mỗi lần tôi bị xoay tròn. Tôi không nhớ tôi đã bị xoay bao nhiêu vòng trong đời chạy giặc, trong vòng đời cơ cực của Mẹ tôi. Bà lúc đó chỉ khoảng trên 20 gì đó. về sau, Mẹ tôi sinh thêm vài đứa em và Nội tôi đem tôi về nuôi. Tôi xa cha mẹ để về quê Nội.

    Tôi về ở với Nội trong một căn nhà tranh nhỏ gần đường xe lửa, và trường tiểu học Trinh Tường, Phan Thiết là trường đầu tiên tôi gom nhặt mớ chữ nghĩa cho cuộc đời thơ ấu. Tôi lớn lên với những trận đá banh trầy da tróc vẩy với lũ nhóc trên ruộng rạ mùa khô, với những chiều coi xe lửa về từ Mương Mán chở đầy hành khách, và lớn lên từ mái trường tiểu học cho đến khi lên trung học bằng cơm gạo Nội tôi. Ngày tôi thi đậu đệ thất vào trường Phan Bội Châu, Nội tôi mừng rỡ cúng một con gà trống thiến tổ chảng. Bà hãnh diện về đứa cháu của bà.

    Đến trường Phan Bội Châu, mỗi buổi sáng, tôi đi dọc đường xe lửa, qua khỏi ga Phan Thiết, theo đường Nguyễn Hoàng, qua khỏi chợ Phường là đến trường. Hai cực nối thời thơ ấu của tôi là mái nhà tranh Nội tôi và trường Phan Bội Châu. Con đường xưa tôi đi là đoạn đường xe lửa từ nhà đến ga Phan Thiết.

    Khi tôi trưởng thành, tôi rời ngôi trường trung học để vào học tiếp ở Sài Gòn, và đó cũng là lúc tôi xa Nội tôi. Hơn 10 năm trời ở với Nội, tôi ra đi, để lại khoảng trống hắt hiu trong đời bà. Nội tôi đoạn ruột khi tôi rời ngôi trường Phan Bội Châu và mái nhà tranh mà cháu bà hủ hỉ có nhau.

    Thuở ấy, tôi đi về Sài Gòn – Phan Thiết bằng xe lửa. Mỗi lần nghe tiếng còi tàu và tiếng toa xe sầm sập trên đường sắt, bà lại nhớ đến tôi. Những năm về sau, chiến tranh bắt đầu trở lại. Nội tôi chỉ biết khi nghe súng nổ, bà chui xuống hầm, hết tiếng súng, bà ra khỏi hầm, ngoáy trầu, tặc lưỡi. Bà cũng không hề biết chiến tranh đã cuốn hút thế hệ tôi vào lửa đạn.

    Sau khi tôi vào Thủ Đức và lưu lạc đó đây, Nội tôi chuyển nhà về Xuân Phong. Cứ mỗi lần có dịp công tác về Phan Thiết, tôi đều ghé thăm Nội. Nội chỉ biết tôi đi lính, Nội không có ý niệm gì về cấp bậc. Tôi có cảm tưởng Nội vẫn nghĩ tôi là thằng nhóc của hàng chục năm trước. Nội coi đám lính theo tôi như mấy đứa bạn đá banh với tôi tự thuở năm nào. Có lần tôi về thăm bà, theo tôi là mấy người lính dưới quyền, bà kêu nguyên một gánh đậu hủ:

    – Này, cháu múc cho mấy đứa cháu tôi mỗi đứa một tô! Tụi nó ăn bao nhiêu, tính tôi trả tiền! Tội nghiệp, cả năm nó mới về một lần!

    Ngày tôi đi tù cải tạo, bà cứ thắc mắc tại sao quá lâu không thấy tôi về thăm bà. Mỗi lần giỗ chạp, mọi người về đông đủ, chỉ thiếu tôi, bà chống gậy hết ra cửa trước đến xuống cửa sau:

    – Không biết sao thằng cháu nội của tao không thấy dìa, nó đi đâu mà biền biệt!

    Trong lần lễ giỗ ông Nội tôi, bà vào ngồi buồn trên bộ ván nhà sau, rồi lại cũng nhắc đến tên tôi. Dường như không có tôi, bà thấy đám giỗ thiếu vắng một cái gì. Nhà trước đầy người, kể cả những nón cối, dép râu con cháu xa gần thời “cách mạng”. Bỗng không biết đứa nào đến gần bà, thì thầm vào tai bà:

    – Nội đừng chờ anh Hai nữa! Ảnh bị Việt cộng bắt đi cải tạo 2 năm rồi, bộ Nội không biết sao?

    Nội tôi lãng tai, nói lớn:

    – Diệt cộng là bọn nào dậy? cải tạo là cái gì dậy bây? Mà tại sao lại bắt nó?!

    – Nội nói nho nhỏ dậy! Việt cộng là mấy ông “cách mạng”, còn cải tạo là ở tù đó Nội!

    Nội tôi thảng thốt, như nhận biết một cái gì không lành, bà bỗng tuột xuống khỏi bộ ván ngựa, bỏ ống trầu vào giỏ và chống gậy ra nhà trước. Mọi người đang ăn uống ồn ào, vui vẻ. Nội tôi thắp một cây nhang, tay run run cắm lên bàn thờ ông Nội, lâm râm khấn vái điều gì không rõ. Bỗng bà quay ra hỏi mọi người đang ngồi ăn:

    – Thằng Hai cháu của tao nó hiền khô như cục đất, nó tội tình gì mà bắt nó ở tù hai ba năm không thấy dìa? Tụi bay biết nó ra sao nói cho tao nghe coi!

    Bỗng có tiếng trả lời Nội, một người cháu nón cối, dép râu của bà:

    – Ngoại đừng lo, cậu ấy là sĩ quan ngụy, cậu ấy có tội với nhân dân nên đảng gởi đi cải tạo, chắc không lâu đâu ngoại!

    – Sĩ quan ngụy là cái gì? Nó làm gì mà có tội với nhân dân, nhân dân là cái gì hả? Đảng là thằng nào mà nhốt tù cháu tao cả mấy năm không thả? Thiệt là cái quân bất nhơn ác đức.

    Nói xong, bà chống gậy ra nhà sau. Cả một bàn ăn trơ mắt nhìn ba. Bầy con cháu bà sau năm 75 là một tập hợp quốc-cộng. Giới nón cối dép râu chắc ăn không ngon vì những lời nguyền rủa của Nội tôi. Mấy ông anh bà con gốc lính “ngụy” của tôi nheo mắt nhìn nhau và bỗng cùng nhau đưa mấy ly xá-xị lên:

    – Bà Nội vạn tuế! Bà Nội muôn năm! Dô! Dô! Dô!

    Những năm sau đó, bà yếu và lẫn dần, song hầu như điều bà còn nhớ duy nhất là nhắc tên thằng cháu nội. Trong đầu bà là hình ảnh đứa cháu bà chắt chịu nuôi nấng, và cái quân thất nhơn ác đức nào đó là ai bà không có ý niệm rõ ràng. Thỉnh thoảng con chaú nghe bà chắc lưỡi:

    – Thiệt là cái quân thất nhơn ác đức! Đảng là bọn nào vậy bây?

    o O o

    Khi tôi thoát củi sổ lồng, xa cách Nội tôi nửa vòng trái đất, mỗi lần nghĩ về quê hương là mỗi lần hình bóng Nội tôi ẩn hiện đâu đó trong ký ức. Trong những ngày cuối đời, Nội chỉ nhắc có tên tôi, buồn bã, đoạn ruột.

    Nghe tin Nội tôi mất, tôi bồi hồi nhớ lại những ngày ấu thơ. Tôi bỗng muốn đi lại con đường quê cũ, con đường có bóng cây râm của những ngày trốn nắng buổi trưa, con đường của những ngày thơ ấu cắp sách đến trường, con đường của thơ và mộng, và hôm nay, dĩ vãng như chợt đùn đọng từ cơn mơ bất chợt hiện hình, tôi bỗng thấy vô cùng đớn đau, cay đắng khi biết mình không thể về lại cái nơi mà hơn 60 năm trước tôi gởi một nhúm nhao và một phần đời yêu dấu…

    Hải Triều

    (Trong tập Mùa Xuân Đen, nxb VIỆT NAM, 2009)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X