Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chuyện lung tung ngày Valentine Day...

Collapse
X

Chuyện lung tung ngày Valentine Day...

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chuyện lung tung ngày Valentine Day...

    THƯA QUÝ BẠN, Đoàn Dự tui là liền ông. Điiều này có chứng cớ đàng hoàng bởi vì các giấy tờ của tui từ nhỏ tới lớn đều ghi là phái nam. Phái nam lúc còn nhỏ gọi là con giai hay con trai. Lúc lớn gọi là thanh niên. Lúc lớn hơn nữa, đã quá tuổi thanh niên tức giống như mặt trời đã bắt đầu xế xế gọi là đàn ông. Đàn ông, ở quê hương quan họ Bắc Ninh và ngay cả ở quê tui, Thái Bình Thái lọ, người ta gọi là liền ông, còn đán bà gọi là liền bà. Thế còn tại sao tôi lại nói đây là bài dành riêng cho liền ông? Xin thưa, tại vì bài này nói về những người liền ông nhiều vợ nhất. Có ông vài chục vợ, hàng trăm đứa con. Có ông chín mười vợ, hàng chục đứa con. Các cụ ta có câu: “Một vợ thì nằm giường Lèo. Hai vợ nằm chèo queo. Ba vợ thì xuống chuồng heo mà nằm”. Mới có ba vợ mà đã phải xuống nằm ở chuồng heo vừa bẩn vừa hôi hám mất vệ sinh vậy thì chín mười vợ hay vài chục vợ sẽ nằm ở đâu? Chắc lên ngọn cây giống như con chim quá! Phải lên ngọn cây rồi cột chặt mình trên đó chứ không thôi mấy bả uýnh nhau mình bị… oanh tạc lầm! Tuy nhiên, đây là chuyện của cánh liền ông với nhau, quý vị liền bà chẳng coi làm gì, nếu coi lại biết hết bí mật của phe liền ông. Cuối cùng, Đoàn Dự tui xin kể hầu quý bạn những nghệ sĩ có nhiều vợ nhất. Ở trong nước hiện nay người ta “bầu” đại danh ca nhạc sến “lính chê” - Chế Linh - là người nhiều vợ nhất - 4 vợ tất cả. Người ta bầu chứ không phải tui bầu. Bây giờ xin mời quý bạn liền ông coi qua để… rút kinh nghiệm!

    1. Người liền ông nhiều vợ nhất VN hiện nay
    Rất nhiều vợ là trường hợp ít xảy ra trong cuộc sống. Người ta có thể bật cười vui vẻ về câu chuyện, nhưng cũng có thể ái ngại cho hoàn cảnh khó khăn tất nhiên của một túm tụm gia đình quá đông con, tạo thành một “xóm” gồm các căn nhà nhỏ hẹp toàn những bà vợ và những đứa con.

    Ông Trần Viết Chu hiện ở làng Câu Nhi, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ông có rất nhiều vợ (12 người), với vô số con và cháu, thế nhưng họ vẫn sống bình yên bên nhau trong một chùm nhúm nhà và rất đoàn kết với nhau. Bà vợ lớn nói thì ngay lập tức những bà bé vâng lời răm rắp. Vợ con của ông Chu ở thành “xóm”, dân chúng địa phương gọi đây là “xóm của người nhiều vợ”. (Khi nhà văn Nguyễn Quang Lập đến để làm phóng sự, ông Chu mới chỉ có sơ sơ… 7 vợ, nay thì 12 người).

    Ông Trần Viết Chu ngày xưa đối với mọi người là một chàng thanh niên siêng năng, cần mẫn, không hút thuốc, không rượu chè, không cờ bạc như nhiều thanh niên có tiền khác cùng thời. Năm 17 tuổi, ông yêu thương một cô gái hàng xóm rất xinh đẹp tên là Lâm Thị Lớn. Hai người đã thề non hẹn biển, rồi kết tóc xe tơ và có với nhau một người con gái. Ông Chu yêu vợ thương con vô cùng, suốt ngày chỉ biết đi làm thợ xây (thợ hồ), sau làm cai, rồi tự mình làm chủ thầu xây cất, chăm lo hạnh phúc gia đình. Chính vì vậy nên vợ chồng ông ngày càng khá giả, chỉ trong vòng 10 năm kể từ khi lập gia đình, ông Chu và bà Lớn đã trở thành đôi vợ chồng giàu có bậc nhất trong làng.

    Bà Sính, vị “tổng quản” của ông lên tiếng: “Thiệt đó, sau khi chị Lớn mất, tui về làm vợ ổng, hồi nớ của nả trong nhà nhiều lắm, ruộng đất mênh mông, trâu bò, lợn gà đếm không xuể “.

    Ông Chu kể: “Khi người vợ đầu của tui khuất núi, tui lâm tình cảnh gà trống nuôi con. May nhờ có mụ Nậy đây (“Sính” là gọi theo tên con) san sẻ với tui nỗi gập ghềnh gian khổ. Tui mang ơn mụ suốt đời, mụ hỉ?”. Nói xong, ông nhìn bà Nậy một cách thân thiết.

    Ngoài bà Sính, ông Chu đã đưa về “nhập cư” thêm…11 bà vợ khác. Những bà này hiện đang sớm tối quây quần bên nhau hết sức đoàn kết. Ngoài các bà này, anh Trần Viết Sính (con trai lớn ông Chu) còn cho biết cha anh có thêm nhiều bà vợ ở các nơi khác: Đà Nẵng 1 bà, Huế 2 bà, Nghệ An 1 bà, Lâm Đồng 1 bà, Long Khánh 1 bà, Hương Điền (tỉnh Thừa Thiên-Huế) 2 bà, Hải Lăng (Quảng Trị) 2 bà, Quy Nhơn 1 bà…

    Ông Chu vừa làm giấy khai sinh để sẽ gửi về thôn, nơi có đứa con của ông mới sanh với một phụ nữ 37 tuổi khác. Ông Chu hiện có 86 người con, đó là chưa kể những đứa con ông gửi khai sinh qua đường bưu điện. Về cháu nội cháu ngoại, ông Chu có vừa con vừa cháu cả thảy gần 200 người.

    Ông Chu không phải là người có khả năng thôi miên hay bùa ngải như thiên hạ đã thêu dệt. Nhưng phải công nhận ông là người rất có nam tính song lại đa cảm, có lòng thương người. Bởi vì trên thực tế, hơn một nửa số vợ của ông đều thuộc diện “cụt đọt” (tiếng địa phương, chồng chết hay bị chồng bỏ). Ông nói rằng ông rất ghét hạng đàn ông dụ dỗ phụ nữ rồi quất ngựa truy phong, để khổ cho người ta.

    Quá đông đúc nên những người trong “xóm các bà vợ” hiện vô cùng vất vả. Người con gái đầu lòng của ông Chu đã bị chồng bỏ, có 8 đứa con không đứa nào học hết tiểu học. Người con gái thứ hai có 5 đứa con, chồng chết do đi rà tỉm phế liệu, bị bom nổ chết, các con bây giờ cũng theo “nghề” của bố để kiếm sống. Nói chung, vợ con của ông Chu đều sống trong cơ cực, đầu tắt mặt tối, chạy gạo từng bữa. Có lẽ, cái “xóm các bà vợ” này là xóm nghèo nhất trong cái tỉnh (Quảng Trị) thuộc loại nghèo nhất miền Trung.

    Tuy vậy, họ sống rất yên ả, không có chuyện ghen tuông. Ông Chu mở tủ lấy ra hai bộ “luật” của “xóm” được ông kẻ, vẽ rất nắn nót:

    a. Luật cấm ghen

    Điều 1: Bà vợ đến sau phải chấp hành lệnh của bà vợ đến trước. Tất cả những bà vợ đến sau đều phải chấp hành lệnh của bà vợ cả.

    Điều 2: Ông trưởng xóm (ông Chu) có quyền điều một, hai, hay ba bà vợ đến để “thực thi nhiệm vụ”, cấm không được ai vì việc đó mà điều to, tiếng nhỏ làm ảnh hưởng đến danh dự của xóm. (Eo ôi, khiếp, một đêm mà điều tới hai ba bà đến để “thực thi nhiệm vụ” thì đúng là ông khỏe như voi rồi, các bà mê là phải!- ĐD).

    Điều 3: Không ai được từ chối mỗi khi ông trưởng xóm có yêu cầu. Không ai được tự tiện chen ngang hoặc phá đám người được yêu cầu.

    Điều 4: Mọi luật lệ riêng trái với những điều đã quy định trên đây đều được bãi bỏ.

    b. Luật sinh nhai

    Điều 1: Mỗi bà vợ phải tự làm lấy mà nuôi con, không ai xin ai, không ai được vòi tiền bạc của ông trưởng xóm.

    Điều 2: Tiền bạc do ông trưởng xóm làm ra là để nuôi ông, số còn lại sẽ dành để giúp đỡ cho những gia đình có hoạn nạn. (Hai tiếng “gia đình” này có lẽ là gia đình trong “xóm”.- ĐD).

    Điều 3: Tất cả các gia đình phải có nghĩa vụ đóng góp vào quỹ tiết kiệm chung của xóm. Quỹ này do ông trưởng xóm quản lý.

    Điều 4: Các bà vợ sẽ nhất loạt đóng cửa không cho ông trưởng xóm bén mảng tới, nếu xét thấy ông trưởng xóm không chí công vô tư, làm trái với những điều đã quy định trên.

    Điều 5: Ông trưởng xóm, bà vợ cả và các bà vợ thứ có trách nhiệm thực hiện luật này.
    Các bà vợ của ông Chu ai cũng phải thuộc lòng bản “điều lệ” này.

    2. Người liền ông nhiều vợ nhất Hà Nội hiện nay
    Ông Nguyễn Đăng Hành là người rất nổi tiếng tại Hà Nội bởi cái tính hay lý sự không giống ai hết, và cũng bởi ông có tới 16 vợ, 24 con nhưng vẫn còn độc thân cho đến bây giờ. Ông không làm hôn thú với bà nào cả. Ngoài ra, ông Hành còn là một nhà thơ “từ trên trời rơi xuống đất” với quan niệm: thơ có nghĩa là “thở” (ông hãnh diện vì mình… thở ra thơ chăng?).


    Ông Nguyễn Đăng Hành - Hà Nội (16 vợ, 24 con)

    Tại sao ông Trần Viết Chu có 12 vợ (và 86 con) lại được gọi là người nhiều vợ nhất VN, trong khi đó ông Nguyễn Đăng Hành có 16 vợ (và 24 con) thì lại chỉ được gọi là người nhiều vợ nhất Hà Nội? Xin thưa, tại vì 12 người vợ của ông Chu đều có hôn thú và ông có tới 86 người con, như vậy ông phài có thêm nhiều vợ không hôn thú khác nữa chứ chẳng lẽ 12 bà mà sinh được 86 con -hay sao? Còn ông Hành tuy có 16 vợ nhưng tất cả đều không hôn thú và chỉ có 24 con, vậy thì chắc chắn ông không có thêm bà vợ không hôn thú nào khác nữa, ông “thua” ông Chu là phải quá!

    Người vợ thứ… 16 của “thi sĩ” Nguyễn Đăng Hành

    Chợ Bún (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) tấp nập. Con ngõ vòng vèo dẫn vào nhà ông Nguyễn Đăng Hành nhỏ bé, chỗ phình ra, chỗ thót lại.

    Nhà ông Hành khác hẳn với những nhà hàng xóm. Căn nhà mái ngói ba gian cũ kỹ đối diện với một nếp nhà chừng hơn chục mét vuông. Tất cả đều trống tuềnh trống toàng. Một bể nước mưa rêu bám nằm ở cái “sân” giữa hai ngôi nhà. Cũng chẳng thể gọi là sân, vì cỏ và cây dại mọc như rừng, có một lối mòn bé tí như đường chuột chạy.

    Một phụ nữ đang lúi húi làm cơm bên cạnh bể nước. Chị khoảng ngoài 40 tuổi, gương mặt hiền lành, người chắc nịch như chiếc chày giã gạo.

    Nhà ông Hành là cái “nhà kho” với vô số đồ cũ kỹ. Những món đồ ấy chẳng cần giữ lại nhưng cũng chẳng bỏ đi: các lọ và bình bằng gốm Bát Tràng lủng củng lỉnh kỉnh. Dọc theo mé tường là một dãy chạy dài với các thứ thổ tả: bộ ghế sa lông cũ rích đã long tróc lớp da bọc, một lô một lốc báo chí cũ xếp chồng lên nhau, phủ đầy bụi. Trên mặt tủ là một bát hương nguội lạnh nằm dưới 5 tấm hình được phóng to ra, treo trên tường bằng các khung ảnh sơ sài.

    Trong ảnh là một người đàn ông đa tình, đôi mắt như biết cười, rất nghệ sĩ dù các thời điểm chụp ảnh khác nhau: lúc là đầu để trọc, lúc là mái tóc dài dưới chiếc mũ phớt dạ đen… Đó là ảnh chân dung của chính “thi sĩ” Nguyễn Đăng Hành.

    Có cơ man nào là những chai rượu ngâm rắn rết, hoa quả…, phủ bụi xếp hàng trên mặt chiếc bàn kính đã vỡ một nửa. Trên chiếc giường có mâm cơm ăn dở từ sáng cùng với những chai lọ lỉnh kỉnh chen chúc sát mép tường.

    Chị phụ nữ nói: “Rượu tự ngâm lấy của ông ấy đấy. Đủ các loại, bắt được con gì ông ấy ngâm con đó. Đấy là ông ấy đã “di tản” vợi đi rồi chứ không thì hàng trăm lọ”.

    Chị là “vợ” thứ 16 của ông Hành. “Các bà có bao giờ đánh ghen với nhau không?” - “Hơi đâu mà ghen. Đấy, cái bát hương trên mặt tủ với 5 cái ảnh của ông ấy đấy. Ông ấy tự thờ ông ấy đấy. Người như thế thì ghen làm gì?”.

    Gần trưa thì ông Hành về. Ông đã bước sang tuổi 67.

    16 lần cưới vợ mà vẫn “độc thân”

    Ông Hành lý luận, là phụ nữ thì phải “được” lấy chồng, phải “được” quyền làm mẹ, thiên chức đó do ông trời ban cho. Tuy nhiên, với những phụ nữ không may khiếm khuyết về nhan sắc, hình thể, quá lứa lỡ thì, việc lấy chồng và được làm mẹ là vô cùng khó khăn, nên ông phải “giúp” họ thực hiện việc đó.

    “Thơ” của ông: “Là cây phải nảy búp chồi. Nụ hoa phải đáng một đời nụ hoa. Là con thì phải có cha. Là gái hợp cẩn, giao hòa âm dương”… Và để “giao hòa âm dương”, ông viết: “Ta đây dẫu chẳng thánh hiền. Cũng liều đem cái khùng điên giúp đời”.

    Xưa nay, ông Hành chẳng sống theo quy củ nào cả. Người ta gọi ông là Hành điên, Hành dở hơi, Hành lý sự…; ai tử tế thì gọi ông là Hành nhà thơ. Mà cái danh “nhà thơ” cũng do mấy ông bạn gọi mà thôi.

    “Thơ thẩn gì mấy bài thơ bút tre”, ông Hành giãi bày. Căn nhà mái ngói được ông Hành gọi là Câu lạc bộ “Độc thi nhất quán” (Một cái quán để đọc thơ.-ĐD). Còn cái giường trên vứt bừa bãi chăn màn, giấy báo cũ thì được ông gọi bằng cái tên mỹ miều: “Giường thơ”.

    Đã nghèo lại còn “bất tài vô dụng” (lời ông Hành) nhưng trời ban cho ông khả năng nói vô tận. Chuyện gì ông cũng nói say sưa, thế nhưng “xôm” nhất vẫn là chuyện về phụ nữ.

    Khi đã vào đề, đố ai ngắt được lời ông Hành. Hết ngồi lại đứng, khoa chân múa tay và có khi ngồi chồm hổm lên trên ghế để nói. Ông lý sự về cái chuyện “đa thê” của mình rằng: “Không thể, không thế từ chối họ được. Tại họ yêu thơ của mình”. Tất nhiên, cái lý sự đó không giống ai hết, đúng hơn là ông ngụy biện cho mình. Ông bảo, rõ ràng về mặt luật pháp thì không chấp nhận được, nhưng ông sống… vì cái tình. Cái tình không cho phép ông ngồi nhìn chị em… “chết già”!

    Khi nhắm được một đối tượng phù hợp, ông lập tức … thả câu bằng khả năng ăn nói của mình, khiến chị em “đổ gục”. Cứ thế, từ người vợ thứ nhất cho tới người thứ 16, các “kịch bản” đều như vậy cả.

    Thật ra, ông Hành cũng có một người vợ chính thức, cưới năm 1978. Đó là người con gái xinh đẹp tên Trần Thị Lê, quê ở Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội). Tài làm thơ, ứng khẩu linh hoạt của ông Hành khiến trái tim trong trắng của cô Lê loạn nhịp. Chẳng mất nhiều thời gian, ông Hành “rước nàng về dinh”. Tuy nhiên, cuộc sống vợ chồng cũng chỉ kéo dài được 5 năm. Vợ dứt áo ra đi, hai đứa con trai theo mẹ. Ông Hành trở thành người cô đơn và bắt đầu… hành trình “giúp đời” từ đó cho đến người thứ… 16.

    Chẳng hiểu ông Hành “thẳng thắn”, “chân tình” như thế nào mà chỉ một thời gian qua lại, chị nào cũng tuyên bố “sống không thể thiếu anh Hành!”.

    Ông Hành nói sở dĩ ông có đến 16 vợ là vì tất cả những người đó đều được ông cưới hỏi đàng hoàng. Trước hết là báo với họ hàng hai bên, sau đó tuỳ hoàn cảnh, cỗ bàn lớn nhỏ khác nhau nhưng phần “nghi lễ” thì vẫn đầy đủ (và “quên” làm giấy hôn thú!)..

    Chẳng ai muốn gả con em mình cho một kẻ đa tình, thế nhưng, hầu hết ông thuyết phục được nhà gái nhờ tài ăn nói khéo léo hoặc cũng có khi là vì “ván đã đóng thuyền”, “mầm sống” đã sinh sôi nẩy nở trong bụng nhân vật chính, khi ấy dù khó tính đến mấy “nhà gái” cũng phải bằng lòng.

    Có một điều là dù cưới nhiều vợ nhưng chưa lần nào ông Hành rước về nhà mình. Chính sách ở rể được ông “quán triệt”.

    Hỏi về những người vợ trước, ông lấp lửng: “Chuyện qua rồi, nói ra chẳng hay, nên giữ bí mật cho họ”. Chỉ có một điều ông khẳng định: Người vợ thứ 16 ông cưới vào năm 2003 và kể từ đó, ông quyết định “dừng bước giang hồ”. Khi ông tuyên bố điều đó, bà vợ thứ 16 chỉ biết cười nhạt.

    Ông Hành diễn giải: “Giờ tôi già rồi (ông Hành sinh năm 1950), già sinh con sẽ không thông minh. “Giúp thì phải giúp có được những đứa con xinh đẹp, thông minh chứ! Mà tôi nói cho các anh biết, trước đây tôi đẹp giai lắm, ai nhìn cũng phải mê mẩn. Giờ “nhan sắc” đã tàn phai rồi”.

    Nói vậy nhưng ông vẫn còn tráng kiện dù đã ở cái tuổi ngoài 67. Với sức vóc ấy người ta e rằng ông Hành không giữ được lời hứa “dừng bước giang hồ”, chỉ làm khổ cho phụ nữ mà thôi.

    3. Người ca sĩ nhiều vợ nhất tại miền Nam
    Nếu ở ngoài Bắc, đạo diễn Lê Hùng là người nhiều vợ nhất (5 người – người thứ 5 kém ông 32 tuổi) thì ở trong Nam, ca sĩ Chế Linh là người nhiều vợ nhất (4 người, 14 con, 7 trai, 7 gái). Do các nghệ sĩ “nhiều vợ” ở ngoài Bắc hiện nay quý vị độc giả ít biết mặt biết tên nên chúng tôi chỉ nói tới Chế Linh là người rất quen đối với quý vị mà thôi. Chúng ta nói sơ qua về Chế Linh rồi sẽ điểm qua về 4 người vợ của “chàng”.


    Đạo diễn Lê Hùng và người vợ thứ 5 kém ông 32 tuổi


    Chế Linh tên thật là Jam-len (Chà-len), tên Việt là Lưu Văn Liên, sinh năm 1942 tại làng Paley, xã Hamu, huyện Tanran, gần TP Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận (nay là làng Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận).

    Tháng 8 năm 1959, 17 tuổi và không biết chữ Việt, Chế Linh vào Sài Gòn làm công cho một ông chủ người Hoa rất tốt bụng. Ông này cho Chế Linh làm người giúp việc trong nhà như nấu ăn, trông coi các con cho ông và trả lương rất hậu, đặc biệt là cho phép đi học các buổi tối. Sau 9 tháng làm việc, dành dụm được một số tiền, Chế Linh quyết định đến trường Bồ Ðề (gần chợ Cầu Ông Lãnh) rồi sau đó là trường Nguyễn Công Trứ (đường Hai Bà Trưng, Tân Định) tiếp tục việc học.

    Ít lâu sau, Ðoàn Văn nghệ Biệt Chính Biên Hòa cần tuyển ca sĩ để đi hát trong các miệt làng xa tại Biên Hoà. Chế Linh tham dự và đoạt giải nam ca sĩ xuất sắc nhất. Hoàn toàn không nghĩ là mình sẽ theo nghề ca hát, nhưng Chế Linh đã theo đoàn đi hát (trong đoàn có hai nhạc sĩ là Châu Kỳ và Trúc Phương dạy thêm về nhạc lý), đồng lương tương đối khá.

    Hai năm sau, đoàn văn nghệ tan rã, Chế Linh đổi sang làm nghề tài xế xe vận tải chở đất đá tại Biên Hòa cùng với người bạn rất thân lúc trước cũng ở trong đoàn văn nghệ là Bằng Giang. Vừa làm việc, vừa luyện giọng và bắt đầu sáng tác nhạc (do đã được hai nhạc sĩ Châu Kỳ, Trúc Phương dạy về nhạc lý), tình yêu âm nhạc nảy nở trong lòng Chế Linh. Nhiều bài hát nổi tiếng được ông sáng tác chung với Bằng Giang trong thời gian này, như: “Bài ca kỷ niệm”, “Đêm buồn tỉnh lẻ”, “Đoạn tái bút”… Năm 1964, Chế Linh hợp tác với Công ty Continental ra đời dĩa nhạc đầu tay “Vùng Biển Trời Và Màu Áo Em”, sau đó ký hợp đồng với Công ty Dĩa Hát Việt Nam.

    Dù không phải nhập ngũ vì là người dân tộc thiểu số (Chăm, còn gọi là người Chàm hay Chiêm Thành), Chế Linh có thiên hướng hát nhạc sến và nhạc về người lính QL VNCH. Tuy nhiên, đến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, Chế Linh bị Bộ Thông Tin VNCH cấm hát trên đài Phát Thanh và Truyền Hình Quân Đội vì giọng hát nỉ non, rên rỉ không phù hợp với anh em chiến sĩ. Từ đấy ông có biệt danh “lính chê” (nói lái của tên Chế Linh).

    Sau 1975, ông bị chính quyền CS bắt tại Sông Mao, huyện Mỹ Đức tỉnh Bỉnh Thuận vì tội “phản động”. Sau 28 tháng bị biệt giam rồi được thả, năm 1980 ông vượt biên sang Malaysia, sau đó định cư tại Toronto, Canada. Năm 2007, lần đầu tiên ông theo một đoàn văn hóa của UNESCO về thăm lại và biểu diễn tại Việt Nam. Năm 2011, ông tổ chức liveshow “30 năm tái ngộ” tại Hà Nội. Show của ông rất ăn khách, bán sạch vé còn hơn cả show của Khánh Ly, vì dân Hà Nội rất thích nhạc “sến” trước 75 tại miền Nam. (Ngày nay, hai tiếng “nhạc sến” rất được tôn trọng, ngay cả đài Truyền hình Sài Gòn cũng có những cuộc thi Nhạc Sến và những chương trình Nhạc Sến một cách chính thức với tên như vậy).

    Những người vợ của Chế Linh
    Danh ca Chế Linh đã trải qua 4 đời vợ và có tới 14 người con, trong đó có 7 trai, 7 gái.

    Chế Linh cùng người vợ đầu kết nghĩa phu thê từ năm ông 21 tuổi. Nhưng cuộc hôn nhân này cũng chỉ kéo dài được 4 năm, có với nhau 5 mặt con thì chia tay. Sau đổ vỡ của cuộc hôn nhân, Chế Linh tiếp tục bước vào cuộc tình ngang trái với em gái của người vợ đó. Tuy nhiên, cuộc tình rất nhiều trắc trở do bị cha mẹ của cô gái ngăn cản này cũng chỉ kéo dài được 3 năm rồi Chế Linh cũng quyết định chia tay. Đến người vợ thứ 3 - Thúy Hằng - cũng đột ngột ra đi. Khi đó, dư luận xôn xao bởi có tin cho rằng do Chế Linh quá bay bướm, người vợ đau khổ vì ghen tuông nên tự tử tại khách sạn. Trước khi tự vẫn, bà để lại bức thư tuyệt mệnh với nội dung: “Em ra đi để anh còn mãi trong tim em và em cũng còn mãi trong tim anh“. Sau này, cũng có người cho rằng bà Thúy Hằng chọn cái chết vì không chịu được sự hành hạ của bệnh tật. Để tưởng nhớ đến người vợ quá cố, Chế Linh từng viết ca khúc “Người về trong chiêm bao”.


    Chế Linh và người vợ thứ 4 Vương Nga

    Người vợ thứ 4 và hiện nay của Chế Linh tên là Vương Nga. Trúng tiếng sét ái tình với Vương Nga, ông quyết định sẽ nên duyên vợ chồng với người phụ nữ này. Vương Nga lấy danh ca khi mới 18 tuổi và bị gia đình hết sức ngăn cấm. Nhưng trước sự “gan lì” của Chế Linh, cuối cùng mọi người cũng đành chấp thuận cho họ làm đám cưới vào đầu năm 1975, khi ấy Chế Linh 33 tuổi, hơn cô dâu 15 tuổi.

    Đoàn Dự


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X