Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những mùa Xuân năm cũ

Collapse
X

Những mùa Xuân năm cũ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những mùa Xuân năm cũ


    Nguyên Nguyên – Những mùa Xuân năm cũ (Bài 1)



    caolaumi-hoian

    Một trong những chuyện thật quan trọng mà ngày xưa khác với ngày nay, tưởng cần phải ghi lại kẻo quên chính là chuyện ăn uống. Ăn uống trên toàn cầu đã thay đổi rất nhiều trong vòng phần nửa sau của thế kỷ 20. Tại Việt Nam, trước năm 1954, ít ai ở miền Nam biết đến phở, và cho đến khoảng cuối thập niên 1960’s mới có sự xâm nhập của bún bò Huế, rồi đến mì Quảng, mì cao lâu (Hội An), và các món quà vặt, thức ăn điểm tâm, ăn trưa, ăn chiều, xuất xứ từ khắp nơi trên đất nước chỉ lần lượt giao lưu với nhau kể từ khoảng thập kỷ 1980, và hết sức rầm rộ với cao tốc khi thế kỷ 20 kết thúc, chuyển sang thế kỷ 21.

    Trong biến chuyển giữa hai thế kỷ 20-21, người ta ghi nhận không riêng gì ở Việt Nam, chuyện ăn uống đã bắt đầu được toàn cầu hoá. Thành phố lớn nào của Á Châu, cũng có những tiệm ăn bán thức ăn Trung Đông, Âu Mỹ, và Tàu, Nhật, Thái, và Hàn. Ở các thành phố Tây Phương thì ngược lại, đầy đủ các món ăn Trung Đông, Á Châu và thỉnh thoảng có luôn thức ăn Phi Châu. Riêng các món ăn Á Châu cũng có sự chen chân của đồ ăn Việt Nam, mà ngày xưa thật xưa chỉ có tại Paris và một hai thành phố lớn ở Pháp, hay ở Tân Đảo (New Caledonia), một thuộc địa Pháp có nhiều người Việt di dân sang đó làm phu mỏ hay đồn điền vào trước thế chiến thứ 2.

    Cho tới thập niên 1950, khi nói đến thức ăn Âu Mỹ, người ta thường chỉ biết các món ăn thật ngon của “Tây”, hay cùng lắm là đồng hoá món Mỹ với món thịt bò bit-tếch, nhưng khi phân loại các món bít-tếch người ta chỉ có thể nhớ theo kiểu Tây (Chateaubriand, Dianne, Steak au poivre (tiêu hột), v.v.). McDonald’s chỉ ra đời theo kiểu “thương nghiệp đặc nhượng” vào năm 1955, do một thiên tài người Mỹ Ray Kroc mua lại của hai anh em McDonald. Nhưng trong thời buổi ban đầu, McDonald’s chỉ hoạt động trong vòng nội địa nước Mỹ và mãi đến khoảng đầu thập niên 1970, McDonads mới bắt đầu đổ bộ đến Úc và mãi đến khoảng cuối những năm 1970, mới đến Tân Tây Lan. Thực đơn cốt lõi của McDonald’s chính là món bánh mì kẹp thịt nướng Hamburger mang tên thành phố hải cảng Hamburg ở Đức, thật ra đã xuất hiện tại Mỹ trên 1 thế kỷ trước khi hai anh em Dick và Mac McDonald cải tiến món này với công thức mới.steak-tartare Hiện nay, cũng giống như món phở tái ở ViệtNam, người ta vẫn chưa biết thật sự ai là nhà phát minh ra món “hamburger”, nhưng chỉ biết chắc rằng nó do di dân Âu Châu đem vào nước Mỹ, vào khoảng thập niên 1830. Tuy vậy món thịt bò bầm ăn tươi lại có xuất xứ từ món ăn của các chiến sĩ bận rộn trên lưng ngựa suốt ngày suốt tháng của Thành Cát Tư Hãn, hiện còn để lại dấu vết qua tên gọi Steak Tartare (món thịt bò tái của quân Thát Đát).


    Lịch sử ăn uống cũng như nhiều thứ lịch sử khác luôn có khuynh hướng đi một cái vòng, trở lại chỗ cũ, thuở ban đầu. Bánh thịt nướng Hamburger cũng không ra ngoài thông lệ đó. Vào thời chưa có McDonalds, ở Úc và Tân Tây Lan, cũng như tại nhiều quốc gia ở Âu Châu, người ta chỉ biết có món bánh mì thịt thật ngon mang tên hamburger. Thịt ở đây chính là thịt bò bầm rồi vắt lại theo dạng một cái dĩa – khi nướng hoặc chiên lên, toả ra mùi thơm phưng phức giống như món nem nướng. Đặc điểm của bánh hamburger là nó còn có “hành phi” thơm hấp dẫn hoà lẫn với mùi thơm thịt bò nướng hay chiên, kẹp với 1, 2 lát rau xà lách và cà chua, cũng như sốt cà chua mà ở Mỹ thường gọi Ketchup. Ketchup lại có xuất xứ từ tiếng Indonêxia hay Mã Lai [kechap], do người Hà Lan giúp lăng xê, mà [kechap] lại bắt nguồn từ tiếng Tàu Phúc Kiến hay Quảng Đông [ke zap] mang đúng ý nghĩa là “nước vắt cà chua”, với âm [ke] bà con chú bác gần với chữ “cà” trong tiếng Việt.

    Ở thời tiền-McDonalds đó, tại các thành phố lớn ở Úc và Tân Tây Lan như Sydney và Auckland, hamburger thường được bán trong các tiệm ăn mang đi nhỏ cùng với bánh mì sandwich và càphê, hay sữa sóc milkshake. Loại tiệm ăn take-away này thường đóng cửa sau giờ mặt trời lặn, cũng như hầu hết các cửa hàng bách hoá hay ăn uống. Chỉ trừ 1 xe hàng lớn chế biến từ chiếc caravan, đậu ở đâu đó, thường gần bến tàu, hải cảng, hay bờ sông, chuyên bán bánh mì thịt hamburger, ngon hết xẩy. Những thứ tiệm ăn mở về khuya này cũng thường có món thịt bò bít-tếch kiểu Mỹ. Thức uống thì chỉ có nước ngọt, cà phê, hay trà nóng pha sữa. Và thường mỗi 1 thành phố lớn, ngoài một số tiệm Tàu, chỉ có 1 xe hàng lớn bán thức ăn về đêm theo kiểu này mà thôi. Xe hàng ăn này đóng cửa vào khoảng 11-12 giờ khuya và được kéo về nhà cho đến chiều ngày kế, thì lại được kéo ra trở lại, tiếp tục phục vụ khách hàng ẩm thực về đêm

    Thời khoảng các năm 1950-60, tại các quốc gia nói tiếng Anh – kể cả rất nhiều thành phố tại Mỹ – chưa có, hoặc có rất ít, các tiệm ăn cho người ta đi ra ngoài ăn tối du hí như ở Á Châu. Những người muốn đi ăn ngoài thường chỉ có 1 lựa chọn mà thôi, và đó là tiệm ăn đặt tại các khách sạn lớn trong thành phố, ngoài những thứ quán ăn “di dân” ethnic, như các tiệm ăn Ý ở khu người Ý (Leichhardt ở Sydney, Carlton ở Melbourne), các tiệm ăn Hy Lạp thường ở ngoài city hay ở Newtown, Marrickville (Sydney), hay Richmond (Melbourne), v.v.. Thời chưa có các thứ khách sạn kiểu Mỹ như Marriott, Hilton, Regent, Intercontinental, Sheraton, v.v. xâm lấn hoàn cầu, khách sạn ở các thuộc địa cũ của Vương Quốc Anh như Úc và Tân Tây Lan thường mang những cái tên quen thuộc một thời như Grand Hotel, Royal Palace, People’s Palace, Majestic, Queens Hotel, Crystal Palace, v.v. Thực đơn ăn chiều tại những hiệu ăn đặt trong những khách sạn này thường giống nhau và đa số là món ăn nấu theo kiểu Ăng Lê.


    Roast Beef with Yorkshire pudding
    Ngon nhất trong các món ăn Anh chắc phải là món Bò nướng (Roast Beef) với bánh phồng Yorkshire (Yorkshire pudding). Ngoài ra người ta còn thích món thịt cừu non thường gọi Lamb Cutlets, ngon và ngọt hơn cả thịt bò. Món dỡ nhất người Anh học được từ người Ấn chắc là món xúc-xích (cừu) nấu cà ri (không cay). Món tráng miệng cũng có rất nhiều thứ (như custard pudding, rice pudding, bánh mì nướng có nho, dùng rất nhiều sữa) – mà ngày nay hầu như biến mất trên các thực đơn ở các restaurants tại Sydney, Melbourne, Auckland, v.v. Bởi phải nhường chỗ cho nhiều phát minh mới, và đáng kể nhất trong kiểu phổ thông là món tráng miệng Tiramisu, có xuất xứ từ nước Ý Đại Lợi. Văn hoá về ẩm thực tại những nước nói tiếng Anh có một đặc tính vẫn còn giữ cho đến ngày nay. Đó là bữa ăn thịnh soạn nhất trong tuần là bữa ăn trưa ngày chúa nhật, sau khi đi lễ nhà thờ. Thường là một món thịt nướng – như thịt bò, heo hoặc gà.

    Một số (rất ít) tiệm Tàu cũng mở cửa muộn cho đến chừng 10 giờ tối. Trừ một số thành phố có Chinatown tức PhốTàu, như Sydney, San Francisco hay New York, có tiệm ăn Tàu mang ít nhiều tính chất Quảng Đông chính tông, phần lớn các tiệm Tàu thời đó đều “lai căng” cho hợp với khẩu vị người da trắng bản địa. Thực đơn cũng hết sức đơn giản, và hoàn toàn theo kiểu Tây phương, tức kêu theo từng món từng dĩa. Cơm thì cơm xào bò, cơm xào gà, cơm xào thịt heo, cơm xào rau cải. Thường mang chung 1 thứ tên là Chop-Suey – xuất xứ từ cộng đồng người Hoa ở Mỹ, tương đương với tiếng Quảng Đông [tsap sui], tức “tạp toái” mang nghĩa thức ăn cắt nhỏ rồi chiên xào tạp nhạp với nhau. Mì thì mì xào bò, mì xào thịt heo, mì xào gà, thường gọi chung là món Chow-Mein (xào mì, hay mì-xào). Hoành thánh họ gọi là Short Soup (xúp ngắn), và Mì sợi Long Soup (xúp dài), cho người Tây Phương dễ nhớ. Ngoài ra còn món khá phổ biến là món sườn xào chua ngọt (sweet and sour pork). Đại khái thực đơn tiệm Tàu chỉ có bao nhiêu đó, và ít có tiệm viết thực đơn bằng tiếng Tàu. Trước khi họ mang món ăn chính ra, họ cho thực khách 1, 2 lát bánh mì sandwich trắng trét bơ, gọi là “món khai vị”. (Thiờ đó chưa có xuất hiện bánh mì ổ dài baguette kiểu Pháp, hay các thứ bánh mì nâu hay sour dough). Thời đó, tiệm Tàu gần như không có dùng đũa mà chỉ có dao với nĩa. Đặc biệt nên nhớ, cũng vào thời đó không có tiệm cà ri Ấn hay Thái chứ đừng nói đến Nhật, Hàn, hay Li-băng như ngày nay.


    Và hoàn toàn không có bánh bao hay các thứ món điểm tâm rất phổ biến ngày nay như Dim-Sum (Điểm Tâm) theo kiểu gọi Mỹ, hoặc Yum-Cha (Nhẫm Xà) theo Úc. Ngay ở Sydney, thành phố có thể nói có những tiệm bán Yum Cha ngon nhất thế giới ngày nay, cho đến khoảng cuối thập kỷ 1970, cả thành phố chỉ có 1 nơi bán Yum Cha theo kiểu HongKong (chỉ trong weekend mà thôi), và đó chính là Mandarin Club, hồi đó đặt ở góc đường Goulburn và Pitt. Vào giữa năm 2008 Mandarin Club đã phải đóng cửa và dời về khu Chinatown, thu gọn lại phạm vi hoạt động. Thời thịnh hành của Mandarin Club cũng là lúc đồng bào di tản từ VN sang Úc định cư rầm rộ, và cũng là thời cực thịnh của ca sĩ Vũ Công Thành (hồi đó mang tên Timmy Lopez, chuyên ca nhạc ngoại quốc), cũng như của nữ ca sĩ Frances Yip từ HongKong, thỉnh thoảng làm một chuyễn du ca sang Úc. Mandarin Club cũng là một trong vài “câu lạc bộ” hiếm có ở cả nước Úc có trang bị máy Poker Machine (máy kéo chơi xu), thay thế các trò chơi khác của sòng bạc casino cho đỡ ghiền. Cả hai nước Úc và Tân Tây Lan, chính phủ chưa nghĩ ra phải mở casino để kiếm tiền thêm cho ngân quỹ tài chánh quốc gia.

    Năm 1975 cũng là năm mà ở Sydney bắt đầu có tiệm ăn Việt đầu tiên mang tên Tiến Restaurant. Nghe đâu, chủ nhân tiệm ăn này là một sinh viên du học tự túc về ngành kỹ sư cơ khí, tại Tân Tây Lan và tại New South Wales (Úc). Và khi bị cắt đứt liên lạc với gia đình vào giữa năm 75, ông ta phải tự lực cánh sinh, vừa học nấu vừa chạy quán ăn. Trăm hay không bằng tay quen, chẳng mấy chốc người Úc biết đến thức ăn Việt Nam, và rồi tên tuổi ông chủ bắt đầu xuất hiện trên báo chí Úc gắn liền với thức ăn Việt. Phần còn lại chỉ là lịch sử bình thường mà thôi. Thời đó thế giới vẫn chưa biết đến đồ ăn Thái Lan hay Hàn quốc.

    Trở lại câu chuyện bánh mì thịt nướng hamburger và McDonalds. Hai anh em Dick và Mac McDonald, sau khi đã phát minh ra món hamburger làm theo hệ thống dây chuyền của công nghệ, trở nên giàu có trong vòng 6-7 năm và cuối cùng được Ray Kroc mua lại với một hợp đồng sang nhượng hết sức khiêm tốn. Trong đó có khoản sang nhượng bản quyền bị gạch bỏ bởi chỉ là lời hưá suông. Nhiều người cho rằng nếu hợp đồng bán McDonalds cho bản quyền sáng chế được lợi nhuận, gia đình của hai anh em McDonald có thể nhận được mỗi năm ít lắm là $100 triệu Mỹ Kim. Chỉ trong vòng trên dưới 10 năm, McDonalds đã phát triển lên đên 500 tiệm, và bang sang Gia Nã Đại vào năm 1967, rồi mở tại Úc đầu tiên ở khu ngoại ô Yagoona vào năm 1971.

    McDonalds thành công theo tốc độ vũ bão, dựa vào một nguyên tắc chính mang tính đặc thù kiểu Mỹ. Đó là phẩm chất và phục vụ theo sát tiêu chuẩn công nghệ. Mua hamburger từ McDonalds cũng giống như mua một cây viết máy Parker. Mua đầu tuần cũng như cuối tuần, mùa Đông cũng như Hạ. Hamburger mua ở Yagoona (Sydney) cũng giống như hamburger cùng loại mua ở Richmond (Melbourne) hay ở Houston (Texas), hoặc ngay ở Moscou (Nga). Chính nguyên tắc này đã được một người Úc gốc Việt đã từng theo học ngành kỹ sư cơ khí tại Tân Tây Lan áp dụng vào món Phở – và đã thành công dữ dội, nổi tiếng khắp thế giới, mang tên là Phở An tại Bankstown. Những nguyên tắc tiếp thị khác của McDonalds sẽ không kể ra đây, nhưng cái mánh mà ai cũng biết là ở chuyện McDonalds là thứ restaurant đầu tiên đặt đối tượng khách hàng là trẻ em con nít. Và người ta có thể nói, bắt chước theo câu nói ca tụng Vương quốc Anh ngày xưa, là mặt trời không bao giờ lặn trước cửa tiệm McDonalds.

    Thật ra ngày nay, hamburger của McDonalds bắt đầu biến đổi theo khẩu vị địa phương rất nhiều. Một cái bánh Big Mac ở Quảng Châu bây giờ sẽ khác với Big Mac tại Sydney, ít nhất là trong thứ nước sốt phết lên trên lớp thịt nướng. Bánh bom (táo) nướng cũng được cải biên thành bánh nướng nhân đậu, v.v. Đặc biệt nhiều du khách Mỹ được một phen lát mắt khi vào thăm viếng một tiệm McDonalds tại Sydney loại lớn, bởi ở đây có một cái quầy khá lớn, mang tên McCafe, chạy song hành với quầy đặt hamburger thường lệ, chuyên bán café theo kiểu Ý và các thứ bánh ngọt như Danish, v.v. McCafe ra đời sau khi tiệm café dây chuyền Mỹ Starbucks bắt đầu đổ bộ đến Sydney vào mùa Olympics năm 2000. Những ai từng tham quan hai xứ Úc và Mỹ đều biết rõ rằng cà-phê ở Mỹ thua Úc rất xa. Nguyên do chính là Úc nhận di dân từ Ý, Hy Lạp, Li-băng sau Mỹ cũng vài chục năm và khi những đợt di dân này đến Úc cũng là lúc máy làm ra cà-phê Espresso bắt đầu ra đời và phổ biến khắp toàn cầu.

    Những thập niên từ sau thế chiến đến khi thế kỷ thứ 20 kết thúc là những năm gây mầm cho việc toàn cầu hoá … mọi sự. Từ buôn bán, kinh tế cho đến truyền thông, tin tức, chính trị. Dân số cũng gia tăng mãnh liệt và kinh tế tư bản cũng toả ra, tràn ngập khắp toàn cầu. Song song với mầm mống toàn cầu hoá thế giới là chuyện các quốc gia tiền tiến, trong chiến lược tranh thủ với khối Cộng, đã đưa vào Liên Hiệp Quốc một công ước về Người Tỵ Nạn (chính trị, tôn giáo, chủng tộc), mở màn cho những cuộc di cư thật lớn xảy ra suốt vài ba thập kỷ cuối thế kỷ 20. Đánh dấu đậm nét nhất trong các cuộc di tản này chính là di tản của người Việt sau năm 1975. Một cuộc di tản không ai ngờ của một số người da vàng, lên đến cả triệu, đến định cư lập nghiệp tại các nước da trắng Tây Phương với gốc gác tôn giáo và văn hoá trái ngược với nhau. Một cuộc định cư mang màu sắc mới mẻ mở màn cho một thời đại di dân tứ tung xuôi ngược khắp toàn cầu của mọi dân tộc.

    Cũng trong những thập niên sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, kinh tế nhiều quốc gia ở Á Châu cũng bắt đầu vươn lên. Một phần cũng nhờ ở cái đà cung cấp và dịch vụ hỗ trợ cho đồng minh của Mỹ. Du lịch lại gia tăng, và du khách khi về nước bắt đầu biết đến các món ăn mà họ đã nếm được từ Nhật, Thái Lan, Indonêxia, Hàn quốc, v.v. Một số các ông sồn sồn Úc hoặc goá vợ, hoặc đã qua một cuộc tình đổ vỡ, hoặc độc thân (chổng) tại chỗ lâu năm bắt đầu nhờ đến các dịch vụ mai mối tình không biên giới, đi hỏi vợ ở tận Manila hay Bangkok. Và từ đó giao lưu về ẩm thực bắt đầu sang số chạy thật nhanh.

    Đi đôi với chuyện bắt đầu có pha trộn hay giao lưu về ẩm thực, mức sống của các nước Tây Phương gia tăng thấy rõ. Thêm vào đó khoa học mỗi ngày một tiến. Họ tìm ra một vài chuyện hết sức quan trọng. Trong đó có: (a) Hút thuốc lá dễ gây ra ung thư phổi – Để ý xem lại các phim hồi xưa, trong rạp hát người đi xem vẫn tự do phì phà khói thuốc; (b) Chất mỡ trong thức ăn từ động vật sinh biến thành chất cholesterol, một thứ mỡ ưa tụ đọng lại trong mạch máu gây ra nhiều biến chứng tai hại cho sức khoẻ, nhất là tai biến mạch máu não, động tim, làm cho bệnh tiểu đường dễ chạy đến trạm cuối – Để ý Bún Bò Huế giò heo bây giờ giảm bớt phần giò heo, chân heo rất nhiều; và (c) Thức ăn nhiều chất sợi (fibre) như trong trái cây, rau cải, ngũ cốc, gạo lức, v.v. bảo vệ sức khoẻ và chống bệnh tật.

    Cũng do ở tính phân tích và tổng hợp, người ta bắt đầu so sánh nhanh chóng tuổi thọ hay các chứng bệnh ngặt nghèo giữa các dân tộc trên thế giới. Và họ đi đến kết luận khá buồn là sức khoẻ và thức ăn nhiều thịt nhiều mỡ ít khi chịu làm bạn thân với nhau. Từ đó, McDonalds cũng như rất nhiều tiệm ăn fast food khác, như Oporto ở Úc, cho ra món hamburger bằng thịt gà hay cá, ít chất mỡ hơn.

    Nhưng những món cổ điển truyền thống của McDonalds như Big Mac, Quarter Pounder, v.v. hãy còn cảm thấy có vấn đề. Vào năm 2004 một nhà làm phim người Mỹ Morgan Spurlock “cắc cớ” làm một phim tài liệu (Super Size Me) để phô trương bằng chứng đồ ăn McDonalds có hại cho sức khoẻ. Ông ta quay phim chính ông ta dành một tháng trời ăn ngày ba bữa toàn là đồ ăn theo thực đơn của McDonalds và tại tiệm ăn gia đình McDonalds. Kết quả là ông làm phim tăng thêm trên 11 kí (24.5 lbs), ngoài kết quả đáng kể khác là ưa cáu kỉnh, dễ làm thân với Chung Vô Diệm, hay nóng gan mặc dù ít nóng giận.


    Super Size Me

    Trước và sau phim Super Size Me được lăng xê, McDonalds đã bắt đầu xuống dốc. Nhưng với một ê-kíp nhiều khoa học gia về ngành dinh dưỡng, thực phẩm, McDonalds đề ra nhiều chương trình cải tiến, như thêm vào thực đơn xưa nhiều món rau trộn xà-lách, cũng như nấu tại chỗ, chứ không nấu sẵn, và chiên khoai tây bằng dầu thực vật. Từ đó McDonalds bắt mạch được khẩu yếu của giới tiêu thụ trong thời mới, và hiện có vẻ trở lại tiếp tục vai trò minh chủ võ lâm về fast food. Dù vậy, khuynh hướng mới ngày nay là nhiều tiệm ăn mới rất kiểu, mọc ra khắp nơi đem trở lại cái chiêu Hamburger nấu theo kiểu năm xưa chứa nhiều rau và cà chua, như đã đề cập phía trên. Mặc dù giá hamburger tại các tiệm mới này đắt tiền hơn bữa ăn Big Mac, nhưng vẫn có một số thực khách chiếu cố bởi họ thích đổi món và cũng có thể chán McDonalds.

    Ẩm thực nói chung chung cũng thay đổi rất nhiều, theo sát với việc gia tăng dân số, tốc độ nhạy bén của tin tức và truyền thông, và giao lưu mậu dịch cùng với di dân qua lại toàn cầu, nhất là sau thời Liên Sô và khối Đông Âu sụp đổ cũng như cải tiến và đổi mới ở Trung Quốc, Phi Luật Tân, Việt Nam, rồi Inđônêxia.

    Phải nói biến đổi lớn nhất của chuyện ẩm thực là trước thế chiến thứ hai, trên toàn thế giới có lẽ chỉ có cao lâu Tàu là một thứ “kỹ nghệ” lớn kiếm ra nhiều tiên. Còn thì hầu hết các thứ tiệm ăn khác trên thế giới chỉ là một thương vụ nhỏ mang tính cách gia đình. Năm mươi năm phía sau của thế kỷ 20 đã hoàn toàn biến đổi cục diện ăn uống đó. Bắt đầu có lẽ ngay tại Mỹ, ở những nơi đông dân như New York hay Los Angeles, và thúc đẩy bằng thành công của các cửa hàng ăn uống theo dạng “thương vụ danh nhượng” franchise theo kiểu KFC (tên cũ Kentucky Fried Chicken – phải đổi cho hợp thời, kiêng kị chữ Fried – gợi ý nhiều dầu mỡ), McDonalds, Burger King (đổi tên thành Hungry Jacks khi đến Úc), Taco Bell, v.v. Nhưng điểm trớ trêu là tuy “thương vụ danh nhượng” là một “phát minh” của Mỹ, nhưng Úc hiện nay có vẻ là nước đứng đầu về cửa hàng franchise theo nhiều thứ hàng hay dịch vụ khác nhau.

    Chỉ trong vòng vài chục năm dính liền với thế hệ sinh sung, thương nghiệp tiệm ăn restaurant trở thành một thứ thương nghiệp bạc triệu. Một thứ kỹ nghệ mới cần nhiều tài năng quản lí ngoài việc soạn nấu thực phẩm thật thơm ngon bổ dưỡng. Ngành nấu nướng nhanh chóng được trở thành ngành học tại các trường dạy nghề hay cao đẳng, và đang lan man leo đến cấp đại học. (Ở Mỹ có đại học Hamburger của McDonalds đã mở cửa từ lâu). Nhiều tiệm ăn bắt đầu nâng cao chất tính và chất lượng. Việc hầu bàn trở thành một nghệ thuật, và đầu bếp trở thành giới chuyên nghiệp mang tính minh tinh celebrity. Thế giới bắt đầu trao giải thẩm định những tiệm ăn nào ngon và sang nhất thế giới. Những tiệm nổi tiếng thường đòi hỏi thực khách phải giữ bàn giữ chỗ ít lắm là sáu tháng trước khi đến ăn. Tiệm ăn số 1 toàn cầu trong vài năm qua chính là tiệm El Bulli ở xứ đấu bò Tây Ban Nha (Spain), và khi đặt bàn ở tiệm này, thường phải đặt trước một hai năm. Mỹ thì có The French Laundry ở California, per se ở New York. Úc có Tetsuya’s nằm ở đường Kent tại trung tâm Sydney. Đều nằm trong danh sách 10 tiệm ăn sang và ngon nhất toàn cầu. Chủ nhân sáng lập ra Tetsuya’s là ông Tetsuya Wakuda, một người Úc gốc Nhật. Và cũng như bao nhiêu chuyện thành công khác ông này tiến thân bằng một sự tình cờ, bởi trước khi ông vào làm phụ bếp cho một tiệm ăn ông lái taxi để kiếm sống. Tại restaurant của ông, Tetsuya dành tầng trên lầu làm phòng thí nghiệm bào chế các món mới, thường tổng hợp lối nấu ăn của người Pháp và người Nhật.

    Những người chủ tiệm ăn nằm trong 50 tiệm đứng hàng đầu trên thế giới bắt đầu khoác lên mình một thứ địa vị minh tinh của thời mới. Đến thăm viếng nước khác, họ được ký giả và giới ái mộ kéo ra phi trường đón tiếp và xin chữ ký trên những quyển sách dạy nấu ăn mà họ là tác giả. Nhìều vị còn có cơ hội hái tiền như nhặt lá cây bằng những show trên Tivi, hay quảng cáo. Đáng ghi nhất là chef Gordon Ramsay, người Mỹ di dân từ Anh quốc, nổi tiếng nhất thế giới với các chương trình TiVi mang tên Hell’s Kitchen, chiếu hằng ngày trên các kênh Tivi dây văng. Chef Ramsay còn nổi tiếng với phong thái vừa nói tiếng Anh vừa pha lẫn tiếng Đan Mạch, văng tục om sòm ở mọi show.

    Kỹ nghệ nhà hàng tiệm ăn có lên thì tổ chức restaurant cũng bắt đầu thay đổi. Người ta bắt đầu phân chia đẳng cấp và phát minh thêm một chức vụ mới gọi là Executive Chef (Đầu bếp quản lý). Chức vụ này cũng giống như chức Tổng Giám Đốc một nhà hàng – chuyên chú ở riêng khu nhà bếp. Tức đúc kết đề nghị hay nếm thử và phê chuẩn những món ăn mới hay cách tổ chức phục vụ hằng đêm, nhất là những bàn tiệc đông người. Tất nhiên nhà hàng có Executive Chef phải có rất nhiều chefs đầu bếp phụ tá.

    Thật ra trước khi nghề chef phát triển rầm rộ ở phương Tây, nghề chef ở Pháp, Nhật Bản, và Trung Hoa, đã là một thứ nghệ thuật pha lẫn với khoa học, hết sức công phu. Dù có đi học ở trường, “sinh viên” trong ngành này luôn cần một sư phụ đỡ đầu, theo dạng “quy hoạch”, thì mới có cơ khá được. Nếu đã thành chef nổi tiếng thì tự nhiên có thể được xem như là có một hộ chiếu rất dễ được di dân đi khắp thế giới. Dễ hơn khoa học gia hay một đại giáo sư đại học rất nhiều.

    Có hai phim xi nê nói về đời sống của giới làm chef. Một phim của Taiwan do đạo diễn Ang Lee (Lý An) thực hiện trước khi di dân sang Mỹ, mang tên “Eat Drink Man Woman” (Ẩm Thực Nam Nữ). Còn phim kia của Scott Hicks là “No Reservations” (Không đặt bàn trước) do Catherine Zeta-Jones và Aaron Eckhart đóng vai chính. Cả hai phim đều rất hay, và dễ gợi người xem ước muốn đi tìm thức ăn ngon, Tàu cũng như Âu-Mỹ.

    N.N.

    khoahocnet

  • #2
    Nguyên Nguyên – Những mùa Xuân năm cũ (Bài 2)

    Nguyên Nguyên – Những mùa Xuân năm cũ (Bài 2)

    Như đã viết trong bài cùng một đề tài hồi năm ngoái, nếp sống nhân loại trong mấy năm gần đây biến đổi quá nhanh. Nhanh đến đỗi đề tài những mùa xuân năm cũ ban đầu định ghi lại (kẻo quên) lối sống của thời xa xưa, cách đây mấy mươi năm, nhưng lần hồi cả người đọc và người viết đều thấy rõ những thay đổi trong vòng mười năm, hai ba chục năm trở lại đây lại quá nhiều và thật ra đòi hỏi phải ghi lại thật nhanh. Bởi chúng mang nhiều tầm vóc quan trọng hơn và ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống hiện tại và những năm tháng sắp tới.

    Những mùa xuân năm cũ càng ngày càng mang rõ nét chỉ là những mùa xuân cách đây chừng vài năm, hay trong vòng 5-10 năm trở lại.

    Thí dụ điển hình cho thấy như cái màn tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội internet. Bây giờ ở đâu cũng sờ và cần đến internet. Những người sinh sống ở thành thị, nhất là thế hệ X và Y tiến lên tiếp nối thế hệ sinh sung, bình quân mỗi ngày đều phải dùng đến internet hay điện thoại di động, trên dưới 1 tiếng đồng hồ. (Thế hệ X sinh ra đời đại khái từ năm 1960 cho đến 1980, trong khi thế hệ Y, từ 1980 đến 1995). Đặc biệt các cơ quan công quyền, mọi cấp đều tha hồ lợi dụng internet để đỡ tốn chi phí lương phạn cho công nhân viên. Nếu bây giờ một người dân ở bất kỳ một quốc gia nào nói tiếng Anh, điện thoại vào sở cung cấp đường dây điện thoại hay sở điện, sở nước (thật ra các “công” sở này ngày nay thường đã được tư hữu hoá – biến thành tổ chức hoạt động y hệt như các công ty tư), hoặc một công ty bảo hiểm xe cộ chẳng hạn, v.v., họ thường được chỉ dẫn bằng tiếng ghi sẵn, gọi nôm na là “thư âm thanh” voicemail, cách lên trang mạng internet theo địa chỉ của tổ chức mình muốn giải đáp thắc mắc. Trong trường hợp người thắc mắc không mấy rành về internet, chỉ dẫn ghi sẵn sẽ đưa ra một lô tiết mục bằng số. Nếu quý thân chủ muốn thiết lập dịch vụ với hãng chúng tôi – như mua chính sách bảo hiểm mới chẳng hạn – xin bấm số 1 trên ổ số điện thoại. Xin bấm số 2 nếu muốn trả tiền cho hoá đơn mới đến. Bấm số 3 nếu muốn mua thêm một chính sách bảo hiểm khác. Bấm số 4 nếu dịch vụ vì lí do nào đó bị cúp mấy ngày nay. Bấm số 5 nếu muốn hỏi tổng quát với nhân viên chúng tôi. Vân vân và vân vân. Nếu thân chủ muốn nói chuyện trực tiếp với nhân viên của hãng sở, thân chủ phải đợi trong giây lát, và trong khi chờ đợi được nghe nhạc bốn phương yêu cầu, mệt nghỉ. Đến lúc được chuyên viên hãng bắt dây trả lới ở đầu kia, thân chủ thường nghe một giọng tiếng Anh rất rành rọt, nhưng mang chút ít giọng Ấn Độ. Té ra hãng sở nước ta vì muốn tiết kiệm tiền cho thân chủ, đã khoán trọn gói dịch vụ trả nhời điện thoại sang tận xứ Mumbai, ngày xưa có tên là Bombay. Dịch vụ trả lời thắc mắc thân chủ ngày nay đã rời khỏi thành phố hay ngay cả quốc gia, và thường chuyển sang Ấn Độ, Trung quốc, hay Phi-líp-Pin. Ngay cả toà án ở Úc (trong chuyện hỏi đáp về tình trạng hồ sơ ở toà – nhất là toà án gia đình), rồi cả các dịch vụ về bác sĩ, hay y tá trực ban đêm ban hôm. Một số các trung tâm “gọi” ở Ấn Độ sẽ giúp người dân Úc tìm ra bác sĩ trực đến tận nhà người bệnh vào khi tối lửa tắt đèn.

    Chuyện xử dụng trung tâm gọi call centres ở Ấn Độ nhiều khi trở thành chuyện cười ra nước mắt. Mới đây một ông ký giả Úc (Paul Sheehan) viết một bài tường thuật kinh nghiệm đau thương khi bắt buộc phải xử dụng trung tâm gọi nằm ở tận bên Ấn Độ khi đường dây điện thoại ở nhà ông bị cắt. (Xem đầy đủ chi tiết ở: trang mạng: http://www.theage.com.au/opinion/politics/your-call-is-important-to-us-20091122-isqh.html ).

    Muốn nhớ lại những mùa xuân năm cũ, cách hay nhất là xem phim xưa, thường thường là phim đen trắng. Tất nhiên không bao giờ người xem có thể thấy điện thoại di động hay internet ở trong những phim xưa. Hay ngay cả TiVi hay thứ phim tập Hàn quốc. Dễ đập vào mắt nhất là thói quen hút thuốc lá phì phèo của mọi giới, nam cũng như nữ. Đụng đâu cũng hút thuốc. Rồi còn một tập quán hết sức quen thuộc của người Tây Phương hồi thời đó, là đàn ông vẫn thường đội nón. Kể cả lúc vào nhà hay vào tiệm ăn sang trọng.

    Tiếng Việt thông thường có hai chữ tương đương với “hat” hay “chapeau” là “mũ” và “nón”. “Mũ” mang tình bà con mật thiết với nhiều từ ở Nam Trung Hoa và Đông Dương. Đặc biệt [muaak] Thái, [muak] Khmer, [mou] Quảng Đông, [mau] Hẹ, [mao] Phổ Thông (tức “mạo” hay “mão”, như “áo mão”), viết theo chữ Nho là 帽. Còn “nón” liên hệ đến tiếng Chăm-pa là [don] với biến chuyển phụ âm giữa [n] và [đ] theo kiểu “nác” và “đác” – lối gọi phương ngữ cho “nước”, hoặc “đến nỗi” so với “đến đỗi”. Thật ra “nón” (hay [don] – chữ Chăm) là từ bản địa ưa dùng để chỉ loại mũ có dạng cô-ních (giống cái phễu), như “nón lá”. Thành ra, rất thông thường “nón” được dùng để chỉ hoặc thay cho “cô-ních”: hình nón tức hình cô-ních. Tuy vậy, trong tiếng Việt, nói chung chung ít có phân biệt rõ ràng giữa mũ và nón.

    Người Tây Phương cho đến thời thập niên 1950 vẫn có thói quen đội nón khi ra ngoài. Nam cũng như nữ. Xem phim cao-bồi thời đó – thí dụ Rio Bravo, ta vẫn thấy John Wayne vẫn thích đội nón, nhiều khi trong ban đêm ban hôm. Nón cao bồi tiếng Quảng gọi, với âm giống tiếng Việt, là [ngầu giai mũ] – với “ngầu” mang nghĩa “bò”. Nón đàn ông ở thành phố khác với nón cao bồi, với vành nón nhỏ hơn, sang nhất là thứ làm bằng nỉ. Đàn ông ưa đội nón nỉ với bộ côm-lê, khi đi ra ngoài cả ngày lẫn đêm. Đặc biệt giới thám tử – trước thế hệ phim loạt chiếu TiVi Columbo – rất ưa mặc côm-lê đội nón nỉ. Ở Úc có một thứ nón rặt kiểu bản địa gọi là mũ “akubra”. Mũ akubra là một thứ mũ vành rộng, chính thức tiêu biểu cho loại mũ mà người nông dân Úc “không có không được”. Ông cựu phó thủ tướng Tim Fisher dười thời John Howard rất nổi tiếng bởi đi đâu ông cũng ưa đội lên đầu một chiếc mũ akubra. Đây là món quà tặng rất hợp với dân Úc khi có khách khứa bạn bè từ nước ngoài đến thăm, hay người Úc mua mang theo để tặng bạn bè thân hữu khi họ đi du lịch ra nước ngoài.

    Người Tây Phương mê đội nón đến độ từ “hat” (hay “cap”) được cải trang mang thêm nghĩa “tư cách”, “cá tính”. Thí dụ, một diễn giả đến nơi nào đó cho một buổi nói chuyện. Bà này vừa là một nhà “xã hội học” vừa là một nhà “tâm lý học”. Bà có thể bắt đầu buổi nói chuyện bằng câu mở đầu: “Hôm nay tôi đến đây nói chuyện với quý vị mà mang hai chiếc mũ. Một là “xã hội học” còn cái kia “tâm lý học”. Cũng chính ở chỗ đó mà sinh ra “chụp mũ” (cap) – như thời thập niên 50’s ở bên Mỹ với phong trào “chống cộng cuồng tín”, nổi tiếng nhất là kiểu của thượng nghị sĩ Joseph McCarthy, song song với khởi màn của chiến tranh lạnh. Điểm chính yếu của phong trào chụp mũ thân cộng ở Mỹ là dạo đó hai bên thường thi đua với nhau các hoạt động điệp viên và tình báo, và phong trào chụp mũ thường được các chính trị gia Mỹ lợi dụng triệt để, để triệt hạ đối thủ chính trị của mình. Trong đó có ông Richard Nixon, mà về sau, khi trở thành tổng thống Hoa Kỳ, chính ông là nhà lãnh đạo Tây Phương đầu tiên đã tiếp xúc, bắt tay, và uống rượu maotai (Mao Đài), với lãnh tụ Trung Cộng là Mao Trạch Đông. Phong trào chụp mũ thân cộng ở Mỹ gây ra chia rẽ xã hội và thất bại ở chỗ rất thường thiếu căn bản pháp lý, dễ bị lạm dụng, cũng như không đủ sức tinh vi để mang lại hiệu quả tốt. Điểm trớ trêu là sau thời McCarthy không lâu, bên Tàu người ta “phát minh” ra chiếc mũ đặc biệt (màu xanh) mà giới lãnh đạo Trung Cộng thường hay đội, khi ra ngoài. Những chiếc mũ Trung Cộng kiểu đó ngày nay trở nên khan hiếm và trở thành hàng “sưu tầm cổ vật” có bày bán trên mạng internet, dưới mục “communist cap”. Ngày nay, vào dịp lễ lớn (như ngày quốc khánh nước Trung, 1 tháng 10) thỉnh thoảng mấy vị lãnh đạo cao niên (đã về hưu) ở khu Trung Nam Hải vẫn lấy ra đội để hoài niệm cái thời xa xưa, trong khi tất cả những vị lãnh đạo hiện đại đều ăn mặc những bộ suit (côm-lê) hàng hiệu đặt may từ Ý hay Pháp, mà hoàn toàn không có đội mũ.

    Phong trào đội nón hay mũ khi ra ngoài của người Tây Phương chợt trở nên lỗi thời sau buổi lễ nhậm chức tổng thống của ông John Kennedy vào tháng giêng năm 1960. Hôm đó trời lạnh có tuyết, nhưng ông tổng thống trẻ tuổi đẹp trai của xứ Cờ Hoa lại lăng xê ra một mốt mới là không đội mũ. Ông là vị tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên không thích đội mũ. Có lẽ bởi ông có một mái tóc hơi dợn sóng rất đẹp. Nhưng thật ra một con én không thể làm nên mùa xuân. Sau lúc ông Kennedy không đội mũ vào lễ nhậm chức tổng thống một vài năm thì ở Mỹ nảy sinh ra phong trào hippie, đặc thù của thế hệ sinh sung và trước đó một chút. Giới hippie lúc nào cũng muốn người khác dễ nhận diện mình, thường gọi theo kiểu hồi xưa là “lập dị”, và họ để tóc dài, cài hoa trên tóc, ăn mặc quần áo nhăn nheo không ủi. Bản “đoàn ca hippie” của họ là “San Francisco” (Are you going to San Francisco) do Scott McKenzie hát, mà ngày nay nghe lại vẫn còn mê mẫn thấy hay. (https://www.youtube.com/watch?v=bch1_Ep5M1s).

    Bởi giới hippie ưa để tóc dài, cài hoa, và mang xu hướng chống lại lối sống hay cách ăn mặc của giai cấp vận (bận) “côm-lê”, họ đương nhiên làm quảng cáo không công cho phong trào tiết kiệm tiền nhờ ở chuyện không cần đội mũ nữa. Thế hệ hippie đó giờ đây đã đi vào tuổi lão. Có thể họ tiếc nuối chiếc mũ mà hồi còn trẻ họ giúp đào thải, nên không có dịp dùng, cho nên gần đây báo chí có đăng tin “chiếc mũ” đang lăm le tái xuất giang hồ. Nhìều tiệm bán nón/mũ cho biết nhu cầu về mũ bắt đầu gia tăng so với những năm trước. Giá một chiếc mũ thấp nhất khoảng hai ba chục đô-la, và loại xịn có thể đến $1200 một chiếc.

    Thật ra rất khó minh định chiếc mũ bị đề-mốt-đê từ hồi nào bởi song song với chuyện đó là chuyện nam giới từ bỏ lối chải đầu thoa “dầu brillantine” láng bóng vào thời xa xưa cho đến khoảng đầu những năm 1960’s. Điển hình là mái tóc của các thần tượng năm xưa như Elvis Presley hay James Dean, mà ngày nay có thể kiểm chứng dễ dàng chỉ cần bật lên một phim xưa ghi lại bằng dĩa DVD.

    Như đã viết ở trên, muốn biết những mùa xuân năm cũ ra sao, dễ nhất là tìm xem trên TiVi một cuốn phim đen trắng quay vào thời đó. Phim đen trắng lại nhắc chúng ta đến loại phim thời sự, rất thịnh hành tại các rạp xi-nê toàn cầu vào thời Ti-Vi, nhất là TiVi màu, chưa được phổ biến. Cho đến những năm 1960-1970’s và tại vài nơi, cho mãi đến những năm đầu của thập kỷ 80’s ở thế kỷ trước, đi xem xi nê khán giả lúc nào cũng được xem một đoạn phim phụ đen trắng thời sự trong tuần hay trong tháng. Thỉnh thoảng lại được xem thêm phim diễu (ngày nay gọi “phim hài”) – thường phim về Ba Anh Chàng Ngáo (The Three Stooges) hay phim hoạt hoạ theo kiểu Con Mèo Chú Chuột, bác Vịt, chú Thỏ, v.v. thường mang tên chung là Looney Tunes. Phim thời sự lúc đó là một kỹ nghệ điện ảnh khá to, nổi tiếng nhất là loại Pathé journal của Pháp. Ở Mỹ thì có Fox Movietone, hay Paramount News. Trong khi ở Úc có đủ thứ phim thời sự, do các hãng lớn như Pathé, Movietone hay Gaumont của Anh quốc. Sự thật kỹ thuật quay phim thời sự cùng với lối nói “thuyết minh” hồi đó vẫn khác với kiểu phát hình tin tức vào lúc 6 hay 7 giờ chiều mỗi ngày hiện nay trên các kênh TiVi. Nhất là thời bây giờ tin tức internet lại bắt đầu nhanh hơn TiVi hay radio của thời xa xưa.

    Biến đổi buồn nhất của thời thế kỷ 21 là các rạp xi nê bắt đầu thi đua đóng cửa. Có thể nói trừ những phim cực hay, ngày nay số khán giả xem xi nê ở rạp không bao giờ chật được rạp. Và biến đổi này có thể thấy rất rõ là hiện xảy ra đều đều từng năm cho đến từng tháng. Gần như tất cả những rạp xi nê ngoài trời ở Úc đều đóng cửa. Nhiều thành phố nhỏ hiện nay không còn rạp hát chiếu bóng nào hết. Một số rạp hát chuyên chiếu phim Hong Kong thời xưa cũng đã đóng cửa từ lâu, cách đây cũng trên dưới 20 năm. Nhớ hồi những năm ở thập kỷ 1970’s – phim Tàu bắt đầu được người Tây phương biết đến qua anh chàng Bruce Lee tức Lý Tiểu Long. Mấy rạp hát chuyên chiếu phim tây lập tức chụp cơ hội và mở chiếu các thứ phim kung fu của Shaw Bros (Địch Long, Vương Vũ, Trần Tinh, Sammo Hùng, v.v.), vào xuất khuya, bắt đầu từ khoảng 11 giờ tối, thường là tối chủ nhật. Đặc biệt không ai đi xem phim kung fu khuya khoắc như vậy mà lại buồn ngủ hết.

    Bước mở đầu cho khủng hoảng về ngành doanh nghiệp rạp xi-nê chính là sự thịnh hành của các tiệm cho thuê phim băng nhựa, ở thời thập kỷ 80’s của thế kỷ trước. Nổi tiếng nhất là hiệu cho thuê phim băng (rồi đến đĩa DVD) là hiệu Blockbuster xuất xứ từ xứ Cờ Hoa – giống như bánh hamburger McDonald hay Burger King. (Ở Úc Burger King đổi tên thành Hungry Jack’s bởi thời Burger King mới bắt đầu đến Úc, tại Adelaide có một hiệu bán thức ăn mang đi rất nhỏ đã xí mất cái tên Burger King rồi). Nhưng rồi các thứ hiệu cho thuê phim băng hay DVD – một mối đe dọa lớn cho các rạp xi nê – cũng lại dảy chết, trước các rạp xi nê. Đó là khi Tivi dây văng bắt đầu nhảy ra thị truờng ở khắp nơi trên thế giới, song song với việc cóp các phim lậu cho lên dĩa DVD bày bán tại các thành phố lớn ở Á Châu, cùng với các thứ phim tập Hàn quốc. Nhiều thứ phim tập Hàn quốc này dài đến nỗi khi bắt đầu xem, người xem còn đang ở tuổi thanh xuân (mang nhiều lý tưởng xây dựng cuộc đời – đóng góp cho xã hội), mà đến lúc xem đến tập cuối thì tuổi già đã trờ đến hồi nào không hay.

    Nói gì thì nói biến đổi xã hội rõ nét nhất là do ở phát minh có thể mang tầm vóc to tát hơn cuộc cách mạng công nghệ ở thế kỷ 18, và đó chính là Internet.

    Ngoài xi nê và Tivi, internet, hay nói chung là kỹ thuật dùng số, đã đẩy lùi được: âm nhạc (đĩa hát “album”), sách vở báo chí hay tiểu thuyết (trong đó có các thứ truyện chưởng), các thư viện công cộng, dịch vụ mua vé đi du-lịch nhất là bằng máy bay, các tiệm rửa hình (tráng ảnh) – một thời được xem như máy in ra tiền. Những cửa hiệu mời mọc xem thoát y vũ, cửa hàng xem phim sex, các thứ tạp chí anti thuyết Khổng Mạnh như Playboy, Penthouse, và thậm chí đến những rạp xi nê nhỏ chuyên khoa về điện ảnh xanh (blue movies) lần lượt nghĩ đến chuyện đổi nghề, hay đã đóng cửa dẹp tiệm từ lâu không ai hay biết.

    Nhớ hồi thời cuối thập niên 1970, các thư viện công cộng ở Úc hay ở Mỹ, đều là những tụ điểm được rất nhiều giới bình dân hâm mộ vào buổi tối trong tuần hoặc chiều thứ 7 hay chủ nhật cuối tuần. Rất thích hợp cho sinh hoạt gia đình ít tốn kém nhất. Con em có thể ngồi vào một góc nào đó để làm toán làm bài vở ở trường cho. Còn phụ huynh đi vòng qua các giá sách lựa chọn mấy quyển tiểu thuyết nổi tiếng mà hồi còn thơ không có cơ hội đọc, hay những quyển sách nghiên cứu chính trị chính em. Mỹ cũng như Úc, chính quyền lúc nào cũng có một ngân khoản dành cho di dân mới đến. Bởi vậy thư viện nào cũng có một kệ sách tiếng Việt và tiếng Hoa. Xem “ké” ở đó một chút, rồi thì lựa chọn chừng năm ba cuốn sách hay mang về nhà đọc tiếp, không tốn đến 1 xu.

    Quay phim nhanh sang thời thập kỷ đầu của thế kỷ 21. Nhắc đến thư viện công cộng mọi người đều có thể nhớ rất rõ là có như đến 10 năm qua, ít khi lái xe đến thư viện công cộng gần nhà như năm xưa. Mặc dù rằng bây giờ ở thư viện cũng có gắn đầy internet, và cũng cho mượn cát-xét âm nhạc, phim tập, phim dài thu theo dĩa DVD. Bởi thời bây giờ ngồi ở nhà cái gì cũng có. Không biết gì hết thì nhờ con cháu bấm lên trang mạng Google thì thế nào cũng tìm ra hằng trăm loại thư viện có trên mạng chỉ riêng cho tiếng Việt. Sách truyện có, tham khảo có, hồi ký có, truyện chưởng Kim Dung cũng có. Rồi còn có cả âm nhạc với những phim do chính ca sĩ nhà nghề trình diễn, hồi xưa chỉ thấy trên Ti-Vi là may lắm, mà bây giờ có thể xem đi xem lại đến chán mới thôi.

    Song song với internet là chiếc điện thoại di động cầm tay. Mấy năm đầu khi điện thoại di động mới ra đời, rất nhiều người không mấy thích nó. Bởi thật ra không mấy tiện nghi mà lại mang nhiều phiền toái. Đến thế kỷ 21, nhìn lại chung quanh, ai cũng có máy điện thoại cầm tay, kể cả chị Ba bán chè ở tận Cà Mau, hay chị Dậu có hàng gánh bán bún ốc ở chợ Đồng Xuân.

    Một vài sản phẩm thiết yếu ngày xưa, nay bắt đầu đi vào sa thải và quên lãng, do ở chiếc điện thoại di động. Đầu tiên là đồng hồ đeo tay. Thế hệ X và Y, nhất là thế hệ Y, thường thường thuộc nam giới, ngày nay không còn thích tiêu tiền để mua một chiếc đồng hồ đeo tay nữa. Bởi trên mobile phone, lúc nào cũng có đồng hồ “điện tử” không người lái, cho xem giờ giấc và ngày tháng cực chính xác. Lại có cả tiện nghi đầy đủ của đồng hồ báo thức nữa.

    Kế đó phải kể máy chơi đĩa âm nhạc CD. Một vài hãng chế tạo máy chơi CD ở Anh quốc vào cuối năm con Trâu đã thông tin cho biết họ sẽ ngừng sản xuất máy chơi CD vĩnh viễn. Lý do? Âm nhạc ngày nay thu thẳng vào máy cầm tay iPod hoặc nhiều loại điện thoại di động như iPhone của hãng Apple. Các máy móc cầm tay này đã và sẽ giết luôn kỹ nghệ chơi dĩa CD, cũng như trước đó CD đã chấm dứt vai trò của băng cát-xét – một phát minh sáng chói của thập niên 1960’s đã đưa máy ghi băng magnétophone vào nghĩa trang quốc tế.

    Chuyện điện thoại di động đưa ra nhiều câu chuyện có thật, thật vui. Như chuyện một anh bạn chuyên nghề bán nhà đất. Một hôm anh này đang ngồi ở một tiệm ăn với một người bạn. Có điện thoại từ bà xã ở nhà gọi đến. Anh chạy ra cửa quán rồi mới bấm máy trả lời. Bà boss hỏi: “Anh hiện đang ở đâu?”. Sợ thức ăn ở trong nguội nên anh vội trả lời: “Anh hiện đang lái xe đưa thân chủ đi coi nhà”. Bà xã nói tiếp: “Vậy anh thử bấm còi xe để em với thằng Tèo nghe coi.”

    N.N.

    Comment


    • #3
      Nguyên Nguyên – Những mùa Xuân năm cũ (Bài 3)

      Nguyên Nguyên – Những mùa Xuân năm cũ (Bài 3)

      Một đề tựa, hai bài viết hơi khác với nhau

      Cách đây vài năm, nhân một buổi trà dư tửu hậu, một người bạn góp ý rằng bây giờ xi-nê sao bắt đầu nhàm chán quá, họ cứ đem mấy phim xưa ra quay đi quay lại hoài. Một người bạn khác, chuyên viên về IT, cho biết ở thời đại kỹ thuật dùng số, thế nào rồi cũng có ngày Hollywood sẽ phát minh ra thứ xi-nê có hai ba lối kết cục khác nhau, lăng xê ra trình chiếu tại những rạp “chớp bóng” khác nhau, hay cho thuê trên hai loại dĩa DVD trình bày bìa khác nhau.

      Ý tưởng một thứ phim xi-nê có hai đoạn kết cục khác nhau cứ nằm đâu đó trong đầu tôi cho mãi đến tuần rồi, nhân dịp đi shopping, thấy một vài phim nổi tiếng gần đây trình bán trong một tiệm lớn bán phim đĩa DVD.

      Để ý thấy có một phim quảng cáo ở bìa sau: phim có thêm vài đoạn hay đã bị cắt xén, và đặc biệt có đoạn kết cục khác với phim bản đã trình chiếu ở rạp hát trước đây. Hay quá! Như vậy là ý của ông bạn chuyên viên IT lại đi trước thời đại mất rồi.

      Vốn không phải một nhà văn hay một nhà báo chuyên nghiệp, nhưng cũng có đến 5-6 năm nay, mỗi năm cứ vào cuối tháng 10 tôi nhận được chừng 3 lá thư gởi bằng bưu cục “cổ điển” có tem thư đàng hoàng, mời mọc viết bài đăng báo Xuân. Vừa vui lại vừa lo. Vui là có vài tờ báo có lẽ đọc các bài viết cũ của mình không kỹ, nên có thể nghĩ có người chịu khó đọc các bài đó nên mới viết thư mời mọc. Lo thì đủ thứ chuyện. Nếu cứ tiếp tục viết thế nào cũng có ngày bật mí, người đọc sẽ thấy bài quá dở. Năm sau sẽ không còn báo nào nhắc nhở nữa thì lại buồn. Còn một mối lo khác là lấy đề tài gì mà viết đây, nếu không phải lập lại những gì mọi người cũng đều biết qua báo chí, ti-vi, và internet. Một đề tài cũng đã khó rồi, còn sức đâu mà viết ra hai bài khác nhau cho hai tờ báo quen biết trong cùng một thành phố, hay một Bang hay một tỉnh.

      Chợt nhớ đến quảng cáo ở bìa sau của phim đĩa DVD rằng bản gốc phim này có sự chọn lựa cho hai kết cục hoàn toàn khác nhau, người viết chợt nảy ra một ý kiến tương đối khá “đột phá”. Đó là, thử viết một bài dưới một đề tựa, nhưng trong đó thử đan xen vào một vài đoạn khác với nhau để có thể gửi đăng cho 1 mùa báo Xuân nhưng những tờ báo khác nhau trong cùng 1 thành phố. Tuy vậy nhìn kỹ lối viết một đề tài ra thành nhiều bài khác nhau, từ lâu được thường xuyên xử dụng trong giới hàn lâm khoa bảng. Các nhà nghiên cứu hoặc giáo sư đại học vẫn thường làm công chuyện này. Sửa đổi thân bài một chút, hay sửa tựa bài, thường có thể gửi dự đăng ở một tờ báo hàn lâm chuyên nghiệp khác hay một hội nghị quốc tế về một chủ đề thích hợp. Sự thật trong lĩnh vực khoa học “cứng”, rất dễ biến 1 đề tài thành hai ba bài khác nhau, bởi chỉ cần thêm 1 số dữ kiện, hay thêm một dẫn chứng, hoặc thay đổi cách lý-luận là bài đã trở nên khác rồi. Trong giới xi-nê, tương đương với remake, tức phim cũ được quay lại. Thường thường, không thứ remake nào giống thứ ban đầu hết. Nhiều phim remake lại do cùng một nhà đạo diễn làm lại chính phim mà ông đã làm nhiều năm trước. Như phim “Người biết quá nhiều” (The Man who knew too much) của Alfred Hitchcock. Phim này làm năm 1956 với James Stewart và Doris Day lại là phim quay lại một phim cũ (năm 1934) cũng của Hitchcock.

      Chuyện viết bài thành nhiều dạng khác nhau, xin tạm gọi: lối viết bài dùng kỹ thuật số, cũng giúp giải tỏa được một “vấn nạn” lâu năm của người viết. Đó là rất nhiều tờ báo trên thế giới, Tây cũng như Ta, ưa đưa ra một giới hạn cho bài dự đăng, bởi nếu không có giới hạn, sẽ có tác giả viết một hơi 20-30 trang cho báo, rồi chiếm trọn tờ báo, biến tờ báo thành nhà xuất bản cho người viết một quyển tiểu thuyết dài, hay một tập thơ sưu tập nhiều bài thơ lãng mạn ướt át. Nhưng thật ra cũng có nhiều người viết lâu ngày ít viết nên đến khi viết, họ cứ bút mực tuôn trào, can ngăn không được. Và nếu viết bài theo kiểu kỹ thuật dùng số, chắc sẽ giải quyết được hiện tượng khó khăn trên.

      Và bài này chính là bài viết đầu tiên được viết dưới dạng…kỹ thuật dùng số đó.

      Vào bài

      Như đã viết trong bài báo năm trước, những người ở thế hệ đi vào tuổi lão thường hay than phiền thời bây giờ sao khác với ngày xưa quá. Nhưng nếu nhìn kỹ, ta sẽ thấy rõ rệt thời nào cũng vậy. Xã hội loài người vào tuổi họ mới lớn và còn thanh niên luôn luôn khác với xã hội chung quanh vào lúc họ bước vào tuổi lão. Có lẽ lý do đơn giản nhất có thể giải thích được việc này là ở chỗ nhân số trên quả đất lúc nào cũng gia tăng. Và cơ thể con người chậm lại, người cùng thời, kẻ còn ở lại, người thì đã ra đi. Người còn trẻ lúc nào cũng ở trong tư thế chuẩn bị tích cực tham gia, và đóng góp cho xã hội, trong khi người lớn tuổi, thường đã trả xong nợ đời, cũng chuẩn bị, nhưng chuẩn bị buông thả, chuẩn bị hưu trí nghỉ ngơi. Bởi xã hội lúc nào cũng có việc gia tăng dân số, cho nên tổ chức xã hội và lối sống, cũng phải trải qua chuyện đổi thay. Đáng để ý nhất, tầm thường nhất, nhưng ảnh hưởng đến nhiều người nhất, chính là những tập tục, thói quen trong nhịp sống hằng ngày của con người. Xin tiếp tục xem qua những tập tục, thú vui, và thói quen sau đây, ngày trước hết sức phổ biến đối với thế hệ sinh-sung, thế hệ hiện đang đi vào tuổi lão.

      Trước hết, xin để ý đến việc “sưu tầm tem thư”. Ở Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới trong thế kỷ trước, việc chơi tem hay sưu tầm tem thư, là một thú vui khó tả, phổ thông, nếu không nói tới đam mê, từ giới trẻ con cho đến người lớn. Thành phố nào cũng có một tiệm nhỏ đủ sống, chuyên bán tem thư sưu tầm, thường thường là tem quốc tế. Ở Sàigòn thời xa xưa, trong thương xá Eden, được coi là “sang” nhất thời đó, cũng có một gian hàng nhỏ chiếm một vị thế nổi bật trong thương xá, chuyên buôn bán tem thư quốc tế. Ngoài ra còn nhiều tiệm bán tem sưu tầm ở dọc các đường Nguyễn Huệ hay Tự Do. Ở xóm Bàn Cờ, trong ngõ hẻm đường Nguyễn Thiện Thuật, cũng có một ông cụ, trong suốt mấy mươi năm, cho đến khi ông qua đời vào khoảng giữa thập kỷ 90, luôn sinh sống bằng nghề buôn bán tem thư sưu tầm. Hằng tháng vẫn thấy ông xách cặp-táp to chứa tem đi bổ hàng tại các tỉnh. Nhiều khi thấy ông ra tận Nha Trang, Qui Nhơn, cũng để buôn bán tem.

      Ở các thành phố Tây Phương như Wellington (Tân Tây Lan) hay Sydney (Úc) cũng vậy. Trước thập kỷ 80 người ta vẫn thấy nhiều cửa hàng nho nhỏ bán tem sưu tầm – thường pha trộn với tiền coins bằng đồng, hay tiền giấy xưa.

      Tóm tắt chơi tem có nhiều cấp. Cấp sơ đẳng nhất thường bao gồm việc bóc con tem ra khỏi phong bì thư bằng việc ngâm phong bì trong nước ấm cho tan bớt đi keo dán tem. Xong rồi phơi khô trong phòng, rồi đem kẹp vào tập album đặc biệt dành cho tem sưu tầm. Rồi trao đổi tem với nhau giữa các “đồng nghiệp” có chung sở thích về tem thư. Trên một cấp nữa phải sưu tầm cho đủ bộ, đủ loại giá tiền cho một thứ tem phát hành cùng một lúc. Thông thường bằng cách trao đổi tem với bạn bè hay đồng nghiệp cùng mang một sở thích. Việc này thường được làm gọn hơn bằng cách ra nhà bưu điện mua trọn bộ tem vừa mới phát hành, bán tự do trong ngày phát hành đầu tiên, với triện dấu bưu chính, đề: “Ngày phát hành đầu tiên. Ngày ấy tháng ấy năm đó”. Thỉnh thoảng triện này cũng có câu tiếng Anh: First Day of Issue, v.v. Cao cấp nhất người ta thường chú tâm đến những con tem hiếm và quý. Đôi khi con tem chỉ cần in sai hoặc bị thu hồi lại sau khi phát hành vài trăm vài chục con tem. Những con tem hiếm loại này đều có thư mục đàng hoàng cho giới sành điệu tra cứu và giá cả có thể lên đến bạc nghìn.

      Chơi tem, có thể nói tóm tắt, chỉ có bao nhiêu đó thôi, nhưng nó đã gợi được và lôi cuốn bao nhiêu đam mê của tuổi trẻ và người lớn, tại khắp nơi trên thế giới, trong nhiều năm.

      Đến ngày nay, thú vui “chơi tem” này có vẻ như bắt đầu đi khắp nơi để chào tạm biệt chốn hồng trần. Với hai lí do chính. Thứ nhất, cũng như thú chơi cá lia thia, đá cá, đá gà, v.v., tự nhiên bị giòng đời đào thải, khi có nhiều thú chơi khác nảy sinh ra vào cuối thế kỷ 20, song song với khuynh hướng đổ xô về sinh sống ở thành thị được mọi người ưa chuộng tại khắp nơi trên thế giới. Bởi ở thành thị có nhiều cơ hội việc làm, học hành và đời sống vui nhộn, đa dạng hơn chốn thôn quê. Đời sống thành thị cũng đi đôi với kỹ thuật tân tiến, và những thứ do kỹ thuật mang đến, như Karaoke, bia ôm, hay đi ăn uống ở ngoài chẳng hạn, đã chiếm phần lớn thì giờ, ngày trước con người dành cho những thú vui xưa như chơi tem và trao đổi tem. Thứ hai, với cách mạng internet trong đó có email, việc xử dụng tem thư kéo theo sưu tầm tem, tự nhiên bị xuống cấp, rồi từ từ đào thải với thời gian. Ngay cho đến việc mua tem cho bưu thiếp vào dịp Giáng Sinh hay Tết Tây Tết Ta, mỗi năm mỗi xuống dốc rõ rệt. Dần dà thiên hạ mang khuynh hướng gởi bưu thiếp điện tử (e-Card) cho nhau. Nó nhanh hơn, viết được nhiều hơn, tránh được xao nhãng, quên lãng, như việc ra shop tìm bưu thiếp cho vừa ý rồi sắp hàng ở bưu điện chờ mua đúng tem để gởi cho người thân hay bạn bè. Như thế, tem do bưu cục nhà nước ở khắp nơi in ra mỗi ngày một ít đi, và sức tiêu dùng của nó luôn bị những kỹ thuật mới cạnh tranh, và đưa vào quên lãng. Những kỹ thuật này phải kể: Vận chuyển hàng hoá tư nhân, như Fed Ex chằng hạn, Điện thoại đường dây đất; Điện thoại di động, nhắn tin SMS; Máy fax; Điện thư I-meo; Điện thoại gọi xa dùng internet; Gặp nhau tận mặt (Vé máy bay rẻ); v.v. Thứ kỹ thuật nào kiểu mới cũng không cần đến tem thư. Nhưng phổ biến nhất hiện nay có lẻ là I-meo (email). Trên nguyên tắc, nó không tốn hơn tiền nối internet, và gởi có đến hằng triệu bức thư chào hàng, mua hàng hay thư tình, tranh luận thời cuộc, đi nữa thì chẳng tốn thêm một đồng xu nào.

      Dấu vết của việc chuẩn bị “tuyệt tích giang hồ” của việc chơi tem ra sao? Trước hết nhiều tiệm chuyên bán tem và tiền đồng sưu tầm ở cả Sàigòn và Sydney đều bắt đầu biến mất. Trong khoảng mười năm cuối thế kỷ trước nếu ai ra khu “downtown” Saigon, khu vực đường Nguyễn Huệ hay Lê Lợi chẳng hạn, thế nào cũng gặp những người ăn mặc khá tươm tất đem theo vài quyển tem sưu tầm hay đồng tiền cũ, chào hàng mời mua. Với giá khá rẻ. Bây giờ không thấy họ đâu. Ở Sydney, tại khu vực Bankstown, có một toà nhà có lẻ thuộc chính quyền địa phương dành cho cộng đồng (cuối đường Restwell), mỗi sáng chủ nhật đầu tháng họ có vài gian hàng bán tem sưu tầm và tiền đồng cũ. Mười mấy năm trước khá đông người vào xem mua. Bây giờ chỉ lưa thưa một vài cụ lớn tuổi tham gia. Đa số là di dân, trong đó có vài người gốc Trung Hoa. Cũng ở tuổi trung niên trở lên. Cảm tưởng của người từng chơi tem khi đứng giữa căn phòng vắng lạnh của câu lạc bộ chơi tem ở Bankstown chắc không khác với cảm xúc của người ở giữa thế kỷ trước đối với ông đồ già, như Vũ Đình Liên đã ghi lại:

      Mỗi năm hoa đào nở

      Lại thấy ông đồ già

      Bày mực tàu giấy đỏ

      Bên phố đông người qua

      . . .

      Nhưng mỗi năm một vắng

      Người thuê viết nay đâu?

      Giấy đỏ buồn không thắm

      Mực đọng trong nghiên sầu

      . . .

      Năm nay hoa đào nở

      Không thấy ông đồ xưa

      Những người muôn năm cũ

      Hồn ở đâu bây giờ?

      Chuyện kế tiếp cũng là thứ chuyện ảo thuật tàng hình biến mất kiểu Houdini. Đó là các thứ tiệm cho thuê băng video phim ảnh theo dạng VHS. Các tiệm thứ này đang bắt chước các tiệm bán tem thư sưu tầm lần lượt đóng cửa, tại nhiều khu phố, mặc dù trải qua một thời gian chuyển hệ sang việc cho thuê DVD, thay thế cho băng nhựa video.

      Những ai từng sinh sống ở xã hội Tây Phương trong nhiều thập niên qua đều có thể nhớ, các tiệm cho mướn phim ghi trên băng nhựa, bắt đầu ào ạt mở cửa khai trương vào đầu thập kỷ 1980. Lúc đó, còn tranh tối tranh sáng, giữa hai thứ hệ băng video. Thứ ra trước gọi là Beta-Max do hãng Sony của Nhật lăng xê. Thật ra kỹ thuật Betamax lại dựa vào một kỹ thuật tiền bối khác thường dùng trong các phim trường hay đài truyền hình mang tên U-Matic. Cực nhọc nhất cho giới tiêu thụ là trong khoảng những năm đầu thập niên 80’s. Người ta không biết nên mua đầu máy chạy băng Betamax hay VHS, một thứ băng do hãng JVC tung ra để cạnh tranh với Betamax. Băng VHS sau cùng thắng cuộc và chính là thứ băng hiện nay đang bị dĩa DVD lật đổ. Thật ra tại các nước Á Châu, như Thái Lan, Hongkong và Singapore, khác với các nước Âu Mỹ, trước khi đến dạng DVD, họ cũng trải qua chừng 10 năm chơi thứ dĩa rẻ tiền hơn gọi là VCD, tức Video Compact Disk. VCD chứa ít bộ nhớ, và thu ít hình hơn dĩa loại DVD. Thí dụ một phim thường dài khoảng 1 giờ rưỡi ngày trước cần đến 2 đĩa VCD, thì ngày nay chỉ chiếm có 1 dĩa DVD, mà còn thêm rất nhiều thứ “phụ trương” khác.

      Chuyện băng nhựa VHS làm bá chủ thị trường chỉ trong vòng 25 năm tức một phần tư thế kỷ, cũng khá giống với cái máy TELEX ngày xưa ưa dùng để gởi điện tín. Máy Telex thật ra chỉ là “hậu thân” của một số phát minh kỹ thuật chung quanh việc gửi tín hiệu đi xa bắt đầu từ cuối thế kỷ 19. Và việc xử dụng máy kiểu Telex để gởi điện tín telegrams hay cablegrams thật sự chỉ xảy ra vào thập niên 1950. Khác biệt lớn giữa máy Telex và máy fax gồm có: (a) Telex thật ra không có viết bằng dấu. Tiếng Việt không thể chuyển nguyên vẹn bằng điện tín nên nhiều khi dễ bị hiểu lầm, hoặc nếu theo một phương pháp đánh dấu nào đó, như kiểu biến dấu thành một chữ cái a-b-c đặt sau từ như kiểu tiếng người Hmong viết theo mẫu tự Latinh, người nhận lại phải học đầy đủ phương pháp đánh dấu đó mới có thể giải mã thư nhận qua Telex. (Thí dụ về đánh dấu kiểu Telex: “ối” viết theo kiểu điện tín telex thành ra [oosi], với: ô= [oo] / dấu sắc: [s]. (b) Telex tốn kém hơn máy fax rất nhiều và thường phải thuê riêng một “chuyên gia” xử dụng máy. Tuy nhiên văn kiện gởi nhận cho nhau bằng Telex thường có hiệu quả pháp lý tại chỗ, bởi mỗi một đơn vị Telex đều có mã số riêng và có dấu hiệu ghi lại khi nhận được thư gửi. Điện tín dùng telex ngày xưa rất phổ biến tại các nhà bưu chính, nhưng đến khoảng đầu thập kỷ 1990 nó được thay thế bằng máy Fax, và cho đến đầu thế kỷ 21 – có thể nói rất ít ai còn cần tới nhà bưu điện khi phải gởi gấp một cuộc nhắn tin, mà hồi xưa người ta cần đến điện tín. Họ đã có sẵn email hay gởi SMS qua các điện thoại di động. Để ý, tiến triển khoa học kỹ thuật có vẻ tăng theo cấp số nhân. Cuộc đời của máy Telex kéo dài gần nửa thế kỷ, trong khi băng nhựa ghi phim VHS (cho mướn) chỉ kéo dài trên dưới 1/4 thế kỷ. Ứng viên kế tiếp, theo đuôi băng nhựa VHS, đi vào con đường đào thải, chính là dĩa DVD dưới dạng phim cho thuê. Lý do chính: Có sự cạnh tranh từ các cao thủ với tuổi đời còn xanh hơn DVD là: Tivi “văng” tức Cable TV, phim tải từ mạng xuống, các thứ truyền hình quốc tế xem từ internet, hay bằng ăng-ten móc trên mái nhà, và ở tương lai gần: xem Tivi bằng điện thoại di-động, v.v..

      Câu chuyện xin mạn đàm kế tiếp là câu chuyện về quyển album chứa hình ảnh photo của gia đình. Nó cũng đang có triệu chứng bệnh trầm kha, nếu không nói nan y và đang chuyển đến thời kỳ kết thúc terminal.

      Xin được nhắc lại, trên toàn cầu, đặc biệt ở các nước Tây Phương, thế hệ sinh ra sau thế chiến thứ hai, thường gọi thế hệ sinh-sung tức baby-boom, lần lượt đi vào tuổi hưu trí. Tương lai và trách nhiệm xã hội hiện đang được chuyền sang thế hệ X, ra đời trong khoảng 1964 cho đến 1979. Điểm đặc trưng nổi bật nhất của thời đại thế hệ X chính là mạng điện tử toàn cầu internet và điện thoại di động cá nhân. Song song với việc xử dụng Anh ngữ thường xuyên ở khắp nơi, cũng như thay đổi khí hậu, và toàn cầu hoá về mậu dịch thương mại.

      Nếu thế hệ sinh-sung mang nhiều đặc điểm “nhớ đời”, nhất là trong khoảng thập niên 1960 đến khoảng đầu thập niên 1970, như: cao trào nhạc Rock với nhiều tài năng như Elvis Presley, The Beatles, the Rolling Stones, v.v.; giới Hippies tóc dài – đi chân không; bắt đầu phong trào người mẫu thời trang (Twiggy), điển hình bằng chiếc váy ngắn mini-skirt; vai trò quan trọng trong xã hội của phim ảnh và Tivi; chiến tranh lạnh; tranh đấu dân quyền tại Mỹ; v.v., thì thế hệ X, nối tiếp bằng thế hệ Y (sinh ra đời vào khoảng những năm 1976-1991), đã đóng góp, và sẽ được nhớ đến qua, những thứ như: máy điện toán cá nhân (tên gọi lúc ban đầu), điện thoại di động, và nhất là internet và điện thư email. Còn phải kể luôn cả: VCD (đặc biệt Hongkong / Singapore), DVD, iPod, trang mạng Blogs, máy chụp ảnh dùng kỹ thuật số, Màn hình phẳng cho Tivi và máy điện toán, thế hệ vươn lên của hàng hiệu, phong trào ăn mặc đẹp và người mẫu thời trang, v.v. Nói chung toàn là những thứ phải tiêu tiền hằng giây hằng phút, theo sát với câu châm ngôn ngày trước: “Thì giờ là tiền bạc”. Cũng như những thứ dễ đưa con người vào thế giới ảo, và tránh chuyện đối diện, mặt giáp mặt với nhau. Thế hệ X cũng còn được biết đến như một thế hệ mang nợ nần nhiều hạng nhì, chỉ đứng sau lưng thế hệ đàn em là thế hệ Y, với tuổi đời vào năm 2008, từ khoảng 18-32.

      Điểm đặc trưng chính giữa của thời đại hiện giờ là đời sống càng ngày càng dựa vào kỹ thuật điện tử. Bất cứ một thứ shop nào, nhất là nếu do một công ty làm chủ, thì khi bị cúp điện hay máy điện toán bị hỏng, lập tức shop phải tạm ngừng hoạt động. Thí dụ: trạm bán xăng – hay siêu thị, hoặc các thứ tiệm bán tạp hoá nhỏ – thường đều phải tạm đóng cửa, khi máy tính tiền không chạy, hoặc đường nối mạch điện toán bị hỏng hay ngưng hoạt động. Điểm khác nữa là kiểu dáng hàng luôn thay đổi, từ cái Tivi, iPod, cho đến điện thoại lưu động, hộp ghi trí nhớ, máy in điện toán, máy ảnh dùng số, v.v.. Nếu mua một loại điện thoại di động kiểu mới nhất vào đầu năm, đến cuối năm kiểu đó trở thành kiểu cũ. So sánh một cái máy thu hình và âm thanh theo dạng DVD thì rõ. Vào khoảng đầu thập kỷ 1990, một cái máy như vậy (copy dĩa DVD) mang giá trên dưới $10000.00. Ngày nay giới tiêu thụ có thể copy trên bất cứ 1 máy điện toán nào, hoặc nếu muốn mua riêng một máy ghi thẳng từ chương trình Tivi, người ta chỉ tốn chừng $180 là có thể mua được một “đầu máy” ghi DVD mới tinh.

      Thử xem qua ảnh hưởng của máy ảnh dùng số. Lợi điểm thấy rõ của máy ảnh dùng số là nó thay thế ngay cho loại máy Polaroid ngày xưa, và hay hơn rất nhiều. Chụp ảnh có ngay. Nhanh hơn Polaroid và có thể chép ra nhiều bản, mệt nghỉ. Thông thường nối kết với một máy điện toán. Ngày nay máy ảnh dùng số cũng thường được gắn vào chiếc điện thoại di động, và như vậy thì người ta lúc nào cũng có máy chụp ảnh trong tay. Cũng giống như nhiều thứ dùng kỹ thuật tân tiến, máy ảnh dùng số luôn thay đổi kiểu dáng và bình quân một kiểu dáng mới chỉ tồn tại không quá 12 tháng. Tuy nhiên, từ lúc máy ảnh dùng số ra đời cho đến khi nó trở thành phổ biến toàn cầu, đó lại là lúc các tiệm rửa hình (tráng ảnh) chuẩn bị … dẹp tiệm, hoặc sang nhượng shop để buôn bán thứ khác, hay để người khác khai thác thành một hiệu in ảnh photo theo kỹ thuật số.

      Đối với đời sống gia đình, quyển album sưu tập hình ảnh dần dần bị bụi đóng lớp bởi ít khi người ta có hình ảnh mới gắn thêm vào. Nhiều photo mới trong vài ba năm gần đây đã bắt đầu được lưu trữ gọn gàng trong máy điện toán. Nhiều khi trong máy để ở sở làm hay trong máy điện toán laptop mang đi. Thay vào quyển sưu tập photo ngày xưa, giới kỹ thuật đã “phát minh” ra khung ảnh dùng kỹ thuật số. Theo đó, một khung ảnh, thường dưới khổ một trang giấy, có thể chứa đầy hình ảnh photo gia đình, liên tiếp thay photo này sang qua photo kia, điều khiển bằng dòng điện từ lỗ cắm trong nhà. Để khung ảnh dùng số ở phòng khách, mỗi ngày ai đi qua đi lại đều có thể thấy đầy đủ hình ảnh photo của mình từ nhỏ đến lớn, từ lúc mới biết đi, biết yêu, cho tới hiện nay đang chống gậy tìm cặp mắt kính để xem quyển “album” tự động dùng kỹ thuật số. Thật gọn gàng. Nhưng nó làm … sao ấy. Và rủi ro có ăn trộm vào nhà, hay máy điện toán bị hỏng, hoặc album tự động dùng số bị trục trặc kỹ thuật, tất cả di ảnh đều tự động biến mất, chạy tuốt vào thế giới ảo mà không hẹn ngày trở lại. Nên nhớ, hình như kẻ cắp ngày xưa không để ý gì đến quyển album, nhưng ăn trộm thời bây giờ có vẻ rất thích album dùng kỹ thuật số. Đó chính là phản ánh và ảo ảnh của kỹ thuật trên đời sống con người, trong thời đại mới.

      Nhắc tới kỹ thuật dùng số mà không nói đến chuyện biến đổi trong ngành điện ảnh xi-nê thì cũng là điều thiếu sót. Tóm tắt, có thể ghi nhận một số biến đổi đặc trưng như sau:

      Thời 1950-1970, toàn thế giới chỉ có 1 tài tử Mỹ da đen là Sidney Poitier – nổi tiếng với các phim The Defiant Ones (dây xiềng), To Sir with Love (Gửi cho Thầy mến yêu), In the Heat of the Night (Dưới cơn nóng đêm), v.v. và đã đoạt giải Oscar với phim Lilies of the Field (Bông huệ ngoài đồng). Đến cuối thế kỷ 20 sang thế kỷ 21, tài tử, nhà thể thao, người mẫu và siêu sao, gốc da đen đếm ra không hết. Nào là Denzel Washington, Morgan Freeman, Cuba Gooding Jnr, Wesley Snipes, Oprah Winfrey, Halle Berry, v.v.
      Tài tử đi thẳng vào chính trị: Cuối thập niên 1960 có một nhóm tài tử / ca sĩ, ra mặt ủng hộ ứng cử viên tổng thống Kennedy, thường gọi là nhóm Rat Pack, bao gồm Dean Martin, Frank Sinatra, Sammy Davis Jr, Peter Lawford, v.v. Đến thập kỷ 1980, nước Mỹ bắt đầu có tổng thống Ronald Reagan – một cựu tài tử hạng B ở Hollywood, nhưng đã thành công rất lớn trong sự nghiệp chính trị làm tổng thống của ông. Theo gương ông, ở Phi Luật Tân có tài tử Joseph Estrada cũng trở thành tổng thống, nhưng không lâu sau đó bị “đàn hặc” vì lem nhem tham nhũng sao đó, và tiếp tục làm tròn nhiệm vụ công dân trong khám. Nhưng ở Mỹ, một tài tử phim hoạt động nổi tiếng là Arnold Schwarzenegger gốc Áo, trở thành thống đốc thứ 38 của Bang California ở Mỹ. Trước khi thành tài tử xi-nê, ông Schwarzenegger đã từng là lực sĩ đẹp đoạt giải Mr Olympia nhiều lần.
      Xảo thuật phim ảnh càng ngày càng tân kỳ và rùng rợn, đa số dựa vào kỹ thuật dùng số. Ngày xưa, những phim vĩ đại như The Ten Commandments, Ben Hur, Cleopatra, El Cid, v.v. thường đòi hỏi hàng ngàn diễn viên phụ đóng vai lính tráng hoặc dân chúng, cũng như hằng triệu bạc để dàn dựng phong cảnh lâu đài thời xưa. Ngày nay nhiều xen phim đều có thể dựa vào kỹ thuật số. Tiêu biểu bằng các phim Gladiator, 300 Spartans, Titanic, Transformers. Kỹ thuật số cũng có thể đem những người quá cố trở lại phim ảnh hiện đại, đối tác với các tài tử hiện còn sinh thời, như Forrest Gump (Tom Hanks), Novocaine (Steve Martin). Cũng như biến tất cả những tài tử ốm yếu thành những anh hùng với võ công tuyệt đỉnh, dễ dàng tiếp chiến với Bruce Lee, Jet Li, hay Jackie Chan, như Kill Bill và một phim Việt hay nhất về các xen Kung Fu là The Rebel (Giòng máu anh hùng). Để ý trong Forrest Gump, lúc anh chàng Forrest vào gặp tổng thống Kennedy, Johnson hay Nixon, phim trở nên đen trắng cho giống phim thời sự hồi xưa ưa chiếu ở các rạp xi-nê, vào thời Ti-Vi chưa mấy phổ biến. Thật ra, còn thêm một lí do kín phía trong cho chuyện đổi sang phim đen trắng. Đó là kỹ thuật dùng số lúc làm phim Forrest Gump chưa toàn mỹ được ở việc cho màu trên nét da người, cũng như vết phất của tà áo theo cử động cơ thể chưa được hoàn toàn tự nhiên.
      Điểm nhắc nhở sau cùng của phim ảnh thời nay là Hollywood đang bắt đầu bị khủng hoảng về đề tài. Rất nhiều phim cũ từ thời 1950, 1960 trở đi thường được quay lại: 300 Spartans, The Poseidon Adventure, Superman, Rambo, Rocky, Planet of the Apes. Trong đó có nhiều phim dựa trên chương trình phim tập TiVi hằng tuần: The Avengers, Charlie’s Angels, Bewitched. Nhiều phim lại “cóp” và bắt chước phim nước ngoài, đặc biệt phim Hàn, phim Hongkong, phim Pháp và Âu Châu: The Lakehouse, Infernal Affairs (The Departed), Nikita (The Assassin), La Totale (True Lies), Insommia (bắt chước phim cùng tựa của Norway) .

      Biến đổi xã hội trong mấy mươi năm qua cũng đã chia sẻ ảnh hưởng không ít đối với chuyện học vấn, huấn nghiệp và giáo dục nói chung. Sự thật trái với suy tưởng thường có của một số ít người là xã hội Âu Mỹ đã đi đến hoàn hảo trong tổ chức, rất nhiều chính phủ các nước tiên tiến vẫn thường xuyên gặp khó khăn, hoặc đôi khi phải bó tay trước những biến đổi thường xuyên của xã hội. Thông thường nhất có lẽ là những vấn đề liên quan đến y tế, huấn nghiệp và giáo dục. Nhất là huấn nghiệp và giáo dục, bởi nó ảnh hưởng đến nhiều thế hệ mai sau. Nhiều người còn nhớ ở đầu thế kỷ 20 có rất ít ngành dạy nghề và ít thứ bằng cấp đại học khác nhau. Dạy nghề chỉ có nghề điện, đông lạnh, máy tàu, hàn xì, cơ khí, thợ nề, thợ mộc, v.v. Ở các trường đại học thì có các phân khoa như: Y, Dược, Nha, Khoa Học, Luật, Sư Phạm, Văn Khoa, Kiến Trúc và Kỹ Sư. Ở nhiều nước Tây Phương, vào đầu thế kỷ 20 người ta chỉ có 2 loại kỹ sư: kỹ sư dân chính, và kỹ sư quân sự. Đến cuối thế kỷ 20, mọi việc liên hệ đến giáo dục hay huấn nghiệp đều phân chia ra nhiều nhánh, nhiều ngành khác nhau, và xáo trộn qua lại giữa chuyện huấn nghiệp thuần túy và giáo dục khoa bảng, dựa trên nhu cầu thời đại và một phần ở thị hiếu giới trẻ. Huấn nghiệp và giáo dục đi đôi với việc làm và nhu cầu nhân dụng, và trên cùng là nền kinh tế quốc gia.

      Ở cấp huấn nghiệp, nảy sinh ra nhiều khoá huấn nghiệp cho những “nghề” tạm gọi khá mới: nấu ăn và đầu bếp, vẽ kiểu thời trang, trang điểm, sửa sắc đẹp, làm “nail”, huấn luyện thể thao, thể dục thẩm mỹ, chăm sóc ăn kiêng, quay phim ảnh video, kỹ thuật âm thanh, xử dụng điện toán, sửa chữa máy điện toán, thảo chương điện toán, kế toán, tham vấn di trú, thông dịch, địa ốc, tài chánh, thiết kế đầu tư, v.v.

      Đại học cũng bắt đầu dao động và trải qua nhiều biến đổi quan trọng trong nhiều thập niên qua, và cho đến nay thì đã lâm vào tình trạng thường xuyên thay đổi, không có cơ ổn định lâu dài. Nhiều nước, tuy mang tiếng văn minh tiến bộ, như Nhật chẳng hạn, lại luôn bị khó khăn trầm kha về vấn đề giáo dục. Ở một nước từ xưa vẫn nổi tiếng về nạn tự tử (bình quân cứ mỗi 15 phút là có 1 người Nhật tự tử – và nước Nhật có gấp hai lần số người tự tử so với Mĩ nhưng dân số chỉ bằng phân nửa nước Mĩ) – tại Nhật ngày nay, chuyện tự tử đã bắt đầu lan rộng vào giới trẻ còn đang đi học trung học hay cao đẳng. Đa số liên quan đến việc chán đời bởi đường học có nhiều chông gai, và tương lai còn mù mịt. Một con số thống kê trong năm 2003 cho biết số học sinh trung học tự kết liễu cuộc đời lên gần 30% so với năm trước với tổng số là 225 em học sinh. Tuy nhiên Nhật là nước không được xếp vào hạng 1 tới 10 về số tự tử cao. Các giải quán quân này dành cho nhiều nước ở Đông Âu, như Lithuania hạng 1 (42/100000) và Nga, hạng 2 (37/100000).

      Và cũng giống như cấp cao đẳng hay kỹ thuật, giáo dục tại đại học thường xuyên biến đổi trong mấy mươi năm qua và không còn như những thập niên đầu của thế kỷ 20, phân khoa các ngành học tại đại học đã lên đến mức hằng trăm, đếm không xiết. Phân khoa nào cũng phân tán ra, chia thành nhiều bộ môn khác nhau. Điện ban đầu sinh ra điện-tử, rồi đến điện toán. Điện toán tách ra hai ngành riêng: kỹ sư và khoa học. Hoặc chia theo kiểu phần mềm, phần cứng, v.v. Tương tự, phân khoa Văn Khoa, từ khoảng những thập niên cuối thế kỷ 20, nảy sinh, và tách ra thành nhiều khoa học mới: Xã Hội học, Ngôn ngữ học, Chính trị học, Chính quyền và chính sách học, Bang giao quốc tế học, … Nhiều bộ môn “tương đối mới mẻ” hay thoát thai từ những ngành khác cũng len chân vào cấp đại học. Xin kể sơ sơ: tài chánh, thị trường chứng khoán, quản lý thương vụ (mang tên hấp dẫn một thời là MBA), thiết kế đầu tư, làm bánh mì thịt nướng hamburger (ở Mĩ có một đại học riêng cho McDonald’s), tính toán cho ngành bảo hiểm, nhãn khoa (ở đây có chút ít lấn cấn về danh xưng: Việt Nam gọi Bác sĩ Nhãn Khoa, ở Úc gọi Optometrist, và có thể giáo trình, hay môn học lại khác nhau), phim ảnh, kí giả, quảng cáo, xây dựng, thông dịch, kịch nghệ, âm nhạc, thư viện, địa ốc, v.v.

      Cũng khác với lối suy nghĩ của một số phụ huynh, việc mang nhiều ngành nghề mới lên cấp đại học thật ra cũng chẳng giải quyết được gì ở nhu cầu nhân dụng và việc làm. Bởi môi trường đại học mang truyền thống lâu đời nặng phần lí thuyết nhiều hơn thực hành, mà rất nhiều ngành nghề “mới” lại đòi hỏi thực hành hơn lí thuyết. Điển hình là những ngành mới liên hệ đến thời trang, quảng cáo, hay kỹ nghệ giải trí, kịch nghệ và phim ảnh. Những sinh viên theo đuổi các ngành học này tại đại học sau khi tốt nghiệp thường phải qua một hai khoá học chuyên về thực hành tại những trường cao đẳng “dân lập” khác nữa, mới hy vọng tìm được việc làm.

      Thế, về phương diện suy nghĩ và tư tưởng, có gì nổi bật nhất, khác biệt nhất giữa những thập niên 60-70 ở thế kỷ trước, với cuối thế kỷ 20, chuyển sang thế kỷ 21 như hiện nay? Thật ra có rất nhiều, và cũng nhiều như cách mạng internet và điện thoại di động, hay kỹ thuật dùng số, v.v. Nhưng khó nhận diện và xác định hơn, bởi ngay cả những nhà khoa học về xã hội cũng đều bị cơn gió lốc của tiến bộ khoa học, kỹ thuật lôi cuốn, để có thể bình tâm đứng vững mà phân tích. Đó là không kể đến việc đầu óc họ luôn bị phân tán bởi những đề tài mới mẻ và cấp bách cần phải chú tâm như: Việc di cư của những chủng dân khác nhau đến với các nước tân tiến nhưng tương đối an bình mỗi khi có giặc giã loạn lạc ở địa phương; Toàn cầu hoá giao thương mậu dịch; Mâu thuẫn giữa khối Ki-Tô (Âu Mỹ) và Muslim càng ngày càng gay gắt, khó khăn hơn thời chiến tranh lạnh rất nhiều; Thay đổi khí hậu thời tiết do việc ô nhiễm ở thời kì quá độ của công nghệ hoá toàn cầu; v.v..

      Xin điểm sơ qua một vài điểm đáng chú ý.

      Huyền thoại nước Nhật là nước Á Châu duy nhất canh tân bị xụp đổ:

      Ở thế kỷ trước, nhất là trong hai thập niên 60 và 70, người Tây Phương thấy nước Nhật canh tân nhanh chóng và theo kịp sát với phương Tây, nên việc đầu tiên là họ tìm xem những gì nước Nhật có, khác với các nước Á Châu chung quanh. Từ đó một thứ huyền thoại về nước Nhật number one nhanh chóng được tạo dựng, chung quanh những truyền thống văn hoá rất hay của người Nhật, hoặc một nước Nhật “thuần chủng”, mà nhiều nước Á Đông khác không có hoặc còn nấp kín dưới một số hình thái khác. Đến cuối thập kỷ 1980, lần lượt xuất hiện năm sáu con rồng Á Châu tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế, như: Hong Kong, Hàn Quốc, Singapore, Taiwan, Thái Lan, Mã Lai Á, Inđônêxia, v.v. Lúc đó người Tây Phương chưa kịp đưa ra lí giải mới để dung hoà với lí giải có sẵn từ trước dựa trên mô-hình nước Nhật, (ngoài hai lí lẽ thường có là: ổn định chính trị, và đầu tư nước ngoài), thì đùng một cái, Trung Quốc chạy ào ra đằng trước và hiện nay đã trở nên nền kinh tế lớn bậc thứ tư, chỉ sau lưng Hoa Kỳ, Nhật và Đức. Và nhiều nhà bình luận cho rằng Trung Hoa sẽ qua mặt Đức trong vòng vài tháng tới, tức khoảng đầu năm 2008. Trung quốc hiện còn là chủ nợ cho vay lãi thấp đối với nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kì, để những nước này bắt buộc phải tiếp tục nhập khẩu và tiêu thụ hàng hoá Trung Quốc.

      Nhiều quan-niệm mới được lăng xê theo với “toàn cầu hoá”:

      Rất nhiều quan niệm mới (thật ra cũng không phải hoàn toàn mới, hay theo kiểu bình mới rượu cũ), càng ngày càng ăn sâu vào tâm khảm của mọi người trên thế giới. Trong đó, quan trọng nhất phải kể đến “Hiện đại”, thường xem như bao hàm các thứ như: Khoa Học, Học thuật và Học hỏi, Dân Chủ, Toàn Cầu hoá.

      Và cũng quan trọng không kém với “hiện đại” là những vấn đề thiết thực khác như “Thay đổi khí hậu”, “Cạn nguồn Tài nguyên”, và một vấn đề rất xa xưa, xưa từ lúc bắt đầu có loài người. Đó là “Tôn giáo”.

      Mỗi một đề tài này đòi hỏi ít lắm là trọn một số báo với nhiều người tham gia thảo luận mới có thể “bắt mạch” hay “khơi mạch” được.

      NN

      Đoạn viết có thay đổi:

      Nhắc tới kỹ thuật dùng số mà không nói đến chuyện biến đổi trong ngành điện ảnh xi-nê thì cũng là điều thiếu sót. Tóm tắt, có thể ghi nhận một số biến đổi đặc trưng như sau:

      Thời 1950-1970, toàn thế giới chỉ có 1 tài tử Mỹ da đen là Sidney Poitier – nổi tiếng với các phim The Defiant Ones (dây xiềng), To Sir with Love (Gửi cho Thầy mến yêu), In the Heat of the Night (Dưới cơn nóng đêm), v.v. và đã đoạt giải Oscar với phim Lilies of the Field (Bông huệ ngoài đồng). Đến cuối thế kỷ 20 sang thế kỷ 21, tài tử, nhà thể thao, người mẫu và siêu sao, gốc da đen đếm ra không hết. Nào là Denzel Washington, Morgan Freeman, Cuba Gooding Jnr, Wesley Snipes, Oprah Winfrey, Halle Berry, v.v.
      Tài tử đi thẳng vào chính trị: Cuối thập niên 1960 có một nhóm tài tử / ca sĩ, ra mặt ủng hộ ứng cử viên tổng thống Kennedy, thường gọi là nhóm Rat Pack, bao gồm Dean Martin, Frank Sinatra, Sammy Davis Jr, Peter Lawford, v.v. Đến thập kỷ 1980, nước Mỹ bắt đầu có tổng thống Ronald Reagan – một cựu tài tử hạng B ở Hollywood, nhưng đã thành công rất lớn trong sự nghiệp chính trị làm tổng thống của ông. Theo gương ông, ở Phi Luật Tân có tài tử Joseph Estrada cũng trở thành tổng thống, nhưng không lâu sau đó bị “đàn hặc” vì lem nhem tham nhũng sao đó, và tiếp tục làm tròn nhiệm vụ công dân trong khám. Nhưng ở Mỹ, một tài tử phim hoạt động nổi tiếng là Arnold Schwarzenegger gốc Áo, trở thành thống đốc thứ 38 của Bang California ở Mỹ. Trước khi thành tài tử xi-nê, ông Schwarzenegger đã từng là lực sĩ đẹp đoạt giải Mr Olympia nhiều lần.
      Xảo thuật phim ảnh càng ngày càng tân kỳ và rùng rợn, đa số dựa vào kỹ thuật dùng số. Ngày xưa, những phim vĩ đại như The Ten Commandments, Ben Hur, Cleopatra, El Cid, v.v. thường đòi hỏi hàng ngàn diễn viên phụ đóng vai lính tráng hoặc dân chúng, cũng như hằng triệu bạc để dàn dựng phong cảnh lâu đài thời xưa. Ngày nay nhiều xen phim đều có thể dựa vào kỹ thuật số. Tiêu biểu bằng các phim Gladiator, 300 Spartans, Titanic, Transformers. Kỹ thuật số cũng có thể đem những người quá cố trở lại phim ảnh hiện đại, đối tác với các tài tử hiện còn sinh thời, như Forrest Gump (Tom Hanks), Novocaine (Steve Martin). Cũng như biến tất cả những tài tử ốm yếu thành những anh hùng với võ công tuyệt đỉnh, dễ dàng tiếp chiến với Bruce Lee, Jet Li, hay Jackie Chan, như Kill Bill và một phim Việt hay nhất về các xen Kung Fu là The Rebel (Giòng máu anh hùng). Để ý trong Forrest Gump, lúc anh chàng Forrest vào gặp tổng thống Kennedy, Johnson hay Nixon, phim trở nên đen trắng cho giống phim thời sự hồi xưa ưa chiếu ở các rạp xi-nê, vào thời Ti-Vi chưa mấy phổ biến. Thật ra, còn thêm một lí do kín phía trong cho chuyện đổi sang phim đen trắng. Đó là kỹ thuật dùng số lúc làm phim Forrest Gump chưa toàn mỹ được ở việc cho màu trên nét da người, cũng như vết phất của tà áo theo cử động cơ thể chưa được hoàn toàn tự nhiên.
      Điểm nhắc nhở sau cùng của phim ảnh thời nay là Hollywood đang bắt đầu bị khủng hoảng về đề tài. Rất nhiều phim cũ từ thời 1950, 1960 trở đi thường được quay lại: 300 Spartans, The Poseidon Adventure, Superman, Rambo, Rocky, Planet of the Apes. Trong đó có nhiều phim dựa trên chương trình phim tập TiVi hằng tuần: The Avengers, Charlie’s Angels, Bewitched. Nhiều phim lại “cóp” và bắt chước phim nước ngoài, đặc biệt phim Hàn, phim Hongkong, phim Pháp và Âu Châu: The Lakehouse, Infernal Affairs (The Departed), Nikita (The Assassin), La Totale (True Lies), Insommia (bắt chước phim cùng tựa của Norway) .

      Biến đổi xã hội trong mấy mươi năm qua cũng đã chia sẻ ảnh hưởng không ít đối với chuyện học vấn, huấn nghiệp và giáo dục nói chung. Sự thật trái với suy tưởng thường có của một số ít người là xã hội Âu Mỹ đã đi đến hoàn hảo trong tổ chức, rất nhiều chính phủ các nước tiên tiến vẫn thường xuyên gặp khó khăn, hoặc đôi khi phải bó tay trước những biến đổi thường xuyên của xã hội. Thông thường nhất có lẽ là những vấn đề liên quan đến y tế, huấn nghiệp và giáo dục. Nhất là huấn nghiệp và giáo dục, bởi nó ảnh hưởng đến nhiều thế hệ mai sau. Nhiều người còn nhớ ở đầu thế kỷ 20 có rất ít ngành dạy nghề và ít thứ bằng cấp đại học khác nhau. Dạy nghề chỉ có nghề điện, đông lạnh, máy tàu, hàn xì, cơ khí, thợ nề, thợ mộc, v.v. Ở các trường đại học thì có các phân khoa như: Y, Dược, Nha, Khoa Học, Luật, Sư Phạm, Văn Khoa, Kiến Trúc và Kỹ Sư. Ở nhiều nước Tây Phương, vào đầu thế kỷ 20 người ta chỉ có 2 loại kỹ sư: kỹ sư dân chính, và kỹ sư quân sự. Đến cuối thế kỷ 20, mọi việc liên hệ đến giáo dục hay huấn nghiệp đều phân chia ra nhiều nhánh, nhiều ngành khác nhau, và xáo trộn qua lại giữa chuyện huấn nghiệp thuần túy và giáo dục khoa bảng, dựa trên nhu cầu thời đại và một phần ở thị hiếu giới trẻ. Huấn nghiệp và giáo dục đi đôi với việc làm và nhu cầu nhân dụng, và trên cùng là nền kinh tế quốc gia.

      Ở cấp huấn nghiệp, nảy sinh ra nhiều khoá huấn nghiệp cho những “nghề” tạm gọi khá mới: nấu ăn và đầu bếp, vẽ kiểu thời trang, trang điểm, sửa sắc đẹp, làm “nail”, huấn luyện thể thao, thể dục thẩm mỹ, chăm sóc ăn kiêng, quay phim ảnh video, kỹ thuật âm thanh, xử dụng điện toán, sửa chữa máy điện toán, thảo chương điện toán, kế toán, tham vấn di trú, thông dịch, địa ốc, tài chánh, thiết kế đầu tư, v.v.

      Đại học cũng bắt đầu dao động và trải qua nhiều biến đổi quan trọng trong nhiều thập niên qua, và cho đến nay thì đã lâm vào tình trạng thường xuyên thay đổi, không có cơ ổn định lâu dài. Nhiều nước, tuy mang tiếng văn minh tiến bộ, như Nhật chẳng hạn, lại luôn bị khó khăn trầm kha về vấn đề giáo dục. Ở một nước từ xưa vẫn nổi tiếng về nạn tự tử (bình quân cứ mỗi 15 phút là có 1 người Nhật tự tử – và nước Nhật có gấp hai lần số người tự tử so với Mĩ nhưng dân số chỉ bằng phân nửa nước Mĩ) – tại Nhật ngày nay, chuyện tự tử đã bắt đầu lan rộng vào giới trẻ còn đang đi học trung học hay cao đẳng. Đa số liên quan đến việc chán đời bởi đường học có nhiều chông gai, và tương lai còn mù mịt. Một con số thống kê trong năm 2003 cho biết số học sinh trung học tự kết liễu cuộc đời lên gần 30% so với năm trước với tổng số là 225 em học sinh. Tuy nhiên Nhật là nước không được xếp vào hạng 1 tới 10 về số tự tử cao. Các giải quán quân này dành cho nhiều nước ở Đông Âu, như Lithuania hạng 1 (42/100000) và Nga, hạng 2 (37/100000).

      Và cũng giống như cấp cao đẳng hay kỹ thuật, giáo dục tại đại học thường xuyên biến đổi trong mấy mươi năm qua và không còn như những thập niên đầu của thế kỷ 20, phân khoa các ngành học tại đại học đã lên đến mức hằng trăm, đếm không xiết. Phân khoa nào cũng phân tán ra, chia thành nhiều bộ môn khác nhau. Điện ban đầu sinh ra điện-tử, rồi đến điện toán. Điện toán tách ra hai ngành riêng: kỹ sư và khoa học. Hoặc chia theo kiểu phần mềm, phần cứng, v.v. Tương tự, phân khoa Văn Khoa, từ khoảng những thập niên cuối thế kỷ 20, nảy sinh, và tách ra thành nhiều khoa học mới: Xã Hội học, Ngôn ngữ học, Chính trị học, Chính quyền và chính sách học, Bang giao quốc tế học, … Nhiều bộ môn “tương đối mới mẻ” hay thoát thai từ những ngành khác cũng len chân vào cấp đại học. Xin kể sơ sơ: tài chánh, thị trường chứng khoán, quản lý thương vụ (mang tên hấp dẫn một thời là MBA), thiết kế đầu tư, làm bánh mì thịt nướng hamburger (ở Mĩ có một đại học riêng cho McDonald’s), tính toán cho ngành bảo hiểm, nhãn khoa (ở đây có chút ít lấn cấn về danh xưng: Việt Nam gọi Bác sĩ Nhãn Khoa, ở Úc gọi Optometrist, và có thể giáo trình, hay môn học lại khác nhau), phim ảnh, kí giả, quảng cáo, xây dựng, thông dịch, kịch nghệ, âm nhạc, thư viện, địa ốc, v.v.

      Cũng khác với lối suy nghĩ của một số phụ huynh, việc mang nhiều ngành nghề mới lên cấp đại học thật ra cũng chẳng giải quyết được gì ở nhu cầu nhân dụng và việc làm. Bởi môi trường đại học mang truyền thống lâu đời nặng phần lí thuyết nhiều hơn thực hành, mà rất nhiều ngành nghề “mới” lại đòi hỏi thực hành hơn lí thuyết. Điển hình là những ngành mới liên hệ đến thời trang, quảng cáo, hay kỹ nghệ giải trí, kịch nghệ và phim ảnh. Những sinh viên theo đuổi các ngành học này tại đại học sau khi tốt nghiệp thường phải qua một hai khoá học chuyên về thực hành tại những trường cao đẳng “dân lập” khác nữa, mới hy vọng tìm được việc làm.

      Thế, về phương diện suy nghĩ và tư tưởng, có gì nổi bật nhất, khác biệt nhất giữa những thập niên 60-70 ở thế kỷ trước, với cuối thế kỷ 20, chuyển sang thế kỷ 21 như hiện nay? Thật ra có rất nhiều, và cũng nhiều như cách mạng internet và điện thoại di động, hay kỹ thuật dùng số, v.v. Nhưng khó nhận diện và xác định hơn, bởi ngay cả những nhà khoa học về xã hội cũng đều bị cơn gió lốc của tiến bộ khoa học, kỹ thuật lôi cuốn, để có thể bình tâm đứng vững mà phân tích. Đó là không kể đến việc đầu óc họ luôn bị phân tán bởi những đề tài mới mẻ và cấp bách cần phải chú tâm như: Việc di cư của những chủng dân khác nhau đến với các nước tân tiến nhưng tương đối an bình mỗi khi có giặc giã loạn lạc ở địa phương; Toàn cầu hoá giao thương mậu dịch; Mâu thuẫn giữa khối Ki-Tô (Âu Mỹ) và Muslim càng ngày càng gay gắt, khó khăn hơn thời chiến tranh lạnh rất nhiều; Thay đổi khí hậu thời tiết do việc ô nhiễm ở thời kì quá độ của công nghệ hoá toàn cầu; v.v..

      Xin điểm sơ qua một vài điểm đáng chú ý.

      Huyền thoại nước Nhật là nước Á Châu duy nhất canh tân bị sụp đổ:

      Ở thế kỷ trước, nhất là trong hai thập niên 60 và 70, người Tây Phương thấy nước Nhật canh tân nhanh chóng và theo kịp sát với phương Tây, nên việc đầu tiên là họ tìm xem những gì nước Nhật có, khác với các nước Á Châu chung quanh. Từ đó một thứ huyền thoại về nước Nhật number one nhanh chóng được tạo dựng, chung quanh những truyền thống văn hoá rất hay của người Nhật, hoặc một nước Nhật “thuần chủng”, mà nhiều nước Á Đông khác không có hoặc còn nấp kín dưới một số hình thái khác. Đến cuối thập kỷ 1980, lần lượt xuất hiện năm sáu con rồng Á Châu tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế, như: Hong Kong, Hàn Quốc, Singapore, Taiwan, Thái Lan, Mã Lai Á, Inđônêxia, v.v. Lúc đó người Tây Phương chưa kịp đưa ra lí giải mới để dung hoà với lí giải có sẵn từ trước dựa trên mô-hình nước Nhật, (ngoài hai lí lẽ thường có là: ổn định chính trị, và đầu tư nước ngoài), thì đùng một cái, Trung Quốc chạy ào ra đằng trước và hiện nay đã trở nên nền kinh tế lớn bậc thứ tư, chỉ sau lưng Hoa Kỳ, Nhật và Đức. Và nhiều nhà bình luận cho rằng Trung Hoa sẽ qua mặt Đức trong vòng vài tháng tới, tức khoảng đầu năm 2008. Trung quốc hiện còn là chủ nợ cho vay lãi thấp đối với nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kì, để những nước này bắt buộc phải tiếp tục nhập khẩu và tiêu thụ hàng hoá Trung Quốc.

      Nhiều quan-niệm mới được lăng xê theo với “toàn cầu hoá”:

      Rất nhiều quan niệm mới (thật ra cũng không phải hoàn toàn mới, hay theo kiểu bình mới rượu cũ), càng ngày càng ăn sâu vào tâm khảm của mọi người trên thế giới. Trong đó, quan trọng nhất phải kể đến “Hiện đại”, thường xem như bao hàm các thứ như: Khoa Học, Học thuật và Học hỏi, Dân Chủ, Toàn Cầu hoá.

      Và cũng quan trọng không kém với “hiện đại” là những vấn đề thiết thực khác như “Thay đổi khí hậu”, “Cạn nguồn Tài nguyên”, và một vấn đề rất xa xưa, xưa từ lúc bắt đầu có loài người. Đó là “Tôn giáo”.

      Mỗi một đề tài này đòi hỏi ít lắm là trọn một số báo với nhiều người tham gia thảo luận mới có thể “bắt mạch” hay “khơi mạch” được.

      NN
      Last edited by thien ly; 02-17-2017, 05:37 PM.

      Comment


      • #4
        Nguyên Nguyên – Những mùa Xuân năm cũ (bài 4)

        Nguyên Nguyên – Những mùa Xuân năm cũ (bài 4)

        Những người thuộc thế hệ sinh-sung hay lớn hơn một chút, từng sống ở chốn thành thị vào những thập niên 50-60, có thể nhớ ngày xưa ở Việt Nam, rất nhiều thứ thức ăn thức uống, ngay cả thứ bánh ngọt kiểu bít-quy người ta cũng phải nhập cảng từ Pháp. Đáng nhớ nhất là bánh ngọt bít-quy hiệu LU petit beurre để trong hộp thiếc. Bên ngoài hộp có in vài dòng chữ tiếng Việt đáng nhớ:

        “Năm xưa em còn thơ ngây

        Bánh LU đem tặng thầy

        Chừ tớ làm quan lớn

        Con thầy trả xấp hai”

        Câu chuyện bánh LU (“gói” trong hộp thiếc) kéo dài đến khoảng đầu thập kỷ 80 bởi vào khoảng năm 1976-77 gì đó, người viết được một người bạn mang 1 hộp bánh LU Petit Beurre từ Tân Đảo Nouvelle Calédonie sang tặng. Hộp bánh LU này, tất nhiên không có in mấy câu “thơ-thẩn” gói ghém ước mơ làm quan và có lẽ nên duyên với con gái của thầy, trình bày in hình trên hộp rất đẹp, ghi rõ sản xuất từ cơ xưởng ở thành phố Nantes, với nguyên tên Lefèvre-Utile (viết tắt là LU) của cặp vợ chồng (ông) Jean-Romain Lefèvre và (bà) Pauline-Isabelle Utile khởi xuất vào năm 1846. Công Ty làm bánh LU sau đó sang tên đổi chủ nhiều lần và sau cùng vào năm 2007 sát nhập toàn bộ vào đại công ty Kraft Foods chuyên sản xuất bánh kẹo, phó-mát, sô-cô-lat, nước ngọt, v.v., có trụ sở chính đặt tại Hoa Kỳ.

        Phải công nhận bánh LU là một trong những thứ hàng hiệu về thực phẩm trứ danh “Made in France” của nước Pháp. Loại bánh bít-quy nầy có mùi vị thơm ngon hơn hẳn các thứ bánh ngọt khác dù cũng làm tại các nước Âu Châu khác. Nhưng điểm đáng ghi nhớ ở đây là đến khoảng đầu thập kỷ 1990, khi có dịp sang Tân Đảo thăm ông bạn cố tri ngày trước – đi vào các siêu thị kiểu Mỹ – thì không tìm thấy bánh LU trong hộp thiếc năm xưa nữa. Bánh LU vẫn còn đó, nhưng được “bao bì” trong những gói giấy, như rất nhiều thứ bánh ngọt, lạt bày bán ở các siêu thị khắp nơi trên thế giới. Và hiện có lẽ các thứ bánh ngọt, bít-quy, hay bánh lạt sản xuất từ Trung Quốc hay Hong-Kong là còn được bao bì trong hộp thiếc, còn thì các thứ bánh do Tây Phương sản xuất thường gói trong bọc giấy rất đẹp. Bánh Trung Thu vẫn là thành trì “cố thủ” quan trọng của hộp thiếc mặc dù đã có nhiều thứ xếp gói trong hộp giấy.

        Từ chuyện bánh LU, ai cũng có thể để ý đến chuyện thực phẩm và các món ăn đã hoàn toàn quốc tế hoá nhân loại toàn cầu. Điển hình là ở Sàigòn ngày xưa, người ta chỉ biết đến hai thứ đồ ăn chính không phải Việt là đồ Tàu và Tây. Chỉ có thứ đó không phải là chính hiệu Việt mà thôi. Thỉnh thoảng cũng có thể biết đến món mắm bò hốc (po-ro hốc= mắm) hoặc hủ tíu Nam Vang có xuất xứ từ nước láng giềng ở phía Tây Nam. Còn thì không bao giờ nghe nói đến canh chua Thái Tom-Yum hay hủ tiếu xào Pad Thai, hay mì Ý spaghetti, bánh nướng Pizza, hamburger Mỹ (McDonald’s), v.v. như ngày nay. Một hiệu bán thức ăn Nhật đầu tiên mang tên Fuji (Phú Sĩ) nằm ở Chợ Lớn cũng không sống mạnh bởi giá cả còn khá đắt. (Tiệm Nhật tại Úc vào thời mới “mở cửa” cũng lâm vào tình trạng tương tự. Nguyên nhân chính là phải “nhập cảng” đầu bếp Nhật thứ thiệt từ Nhật qua).

        Ngay cả tại các nước Tây Phương, như Úc và Tân Tây Lan, hoặc chính ở Mỹ, vào khoảng giữa thế kỷ trước, cũng có rất ít các hiệu bán đồ ăn “ngoại quốc”. Trừ thức ăn Tàu và Pháp. Các thứ như Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha, cũng có, nhưng giống như thức ăn Việt trong khoảng từ 1975-78, chỉ có trong các câu lạc bộ chuyên biệt cho di dân, hay tại những khu vực “ngoại ô” tập trung di dân từng sắc tộc. Đáng kể nhất là câu lạc bộ Italo-Australian (Ý-Úc) nằm ngay ở đường George giữa phố Sydney (đã dẹp từ lâu), hoặc khu Leichhardt (Sydney) hay Carlton ở Melbourne, dành riêng cho di dân gốc Ý. Hy Lạp thì có khu Newtown kéo đến Marrickville rồi Earlwood, và dấu vết hãy còn cho đến ngày nay. Do Thái có câu lạc bộ Hakoah ở khu biển Bondi, Trung Hoa thì Mandarin ở cuối đường Pitt. Cả hai Hakoah và Mandarin đều hoàn toàn đóng cửa cách đây hơn chừng một năm. Lý do chính là lúc các câu lạc bộ này mới mở cửa và phồn thịnh hằng chục năm, các quán bán bia (pubs – viết tắt public bars: quầy rượu công cộng) chưa có li-xăng đặt máy kéo xu, poker machine (machine à sous), như bây giờ. Di dân từ Li-Băng đến sau, nhưng cũng là nhóm di dân lớn sau hai khối Hy Lạp và Ý, cách nhau đến cả vài chục năm. Đóng góp điển hình của sắc dân Trung Đông, nhất là Li Băng, trong vấn đề ẩm thực, chính là bánh ngọt rất nhiều đường, xen lẫn với đậu nhất là đậu pistachio. Ý thì khỏi nói, bánh nướng pizza, mì spaghetti, bánh mì vỏ nướng dòn (dòn và cứng hơn cả thứ bánh mì baguette trứ danh của Tây), và hàng chục thứ càphê (từ cappuccino cho đến macchiato), thi đua nhau lan tràn khắp nơi trên thế giới. Sự thật, cũng như phim Hollywood ngày xưa đến Việt Nam qua đường chuyển âm và phân bố của Pháp, thức ăn Ý xâm nhập toàn cầu trong thuở ban đầu qua đường cao tốc của Mỹ, nhất là Pizza Hut, và có lẽ chỉ ào ạt sau phim the Godfather (Bố Già) của Francis Ford Coppola vào năm 1972. Điểm đáng ghi nhớ trong việc tấn công càphê và thức ăn Ý là mãi cho đến những năm cuối thế kỷ 20, ít ai có thể tin rằng một tiệm café bán thức ăn thức uống của Ý có thể do một người thuộc sắc tộc khác Ý trông coi, hay phụ việc bồi bếp. Nhưng những đợt di dân không ngừng từ Á Châu, rồi bây giờ Phi Châu và các lục địa khác, nhất là sự có mặt của hàng chục nghìn sinh viên tứ xứ, đã làm thay đổi toàn bộ dịch vụ ẩm thực tại Úc. Và ngày nay, chủ tiệm café Ý có thể là người Hoa, chủ tiệm sushi Nhật cũng có thể là người Hàn hay người Hoa. Kể cả đầu bếp và nhân viên phục vụ. (Một tiệm phở ở downtown Sydney có một thời đưa ra thí nghiệm dùng bánh phở làm tại chỗ kiểu Thượng Hải hay Hàn quốc. Nhưng sau đó hình như phải chuyển món bởi họ cần ít lắm 25 phút để nấu xong bát phở.)

        Người Tây Phương thuộc khối nói tiếng Anh, kể cả Mỹ, vào khoảng giữa thế kỷ trước, có lối sống hết sức réch-lô, nhất là trong chuyện ăn uống. Họ rất ít khi đi ăn tiệm, chứ không như giới trẻ bây giờ. Mặc dù vẫn có vài tiệm ăn “bình dân” bán các món như thịt bò steak rán, thịt cừu, hay xúc xích, kèm theo chừng hai lát mì xăng uých trét bơ. Thực khách thường là những người độc thân không họ hàng quyến thuộc, hoặc con cháu ở cùng, nấu ăn đàng hoàng cho. Hiện các thứ tiệm này đã dẹp gần hết.


        Sunday Roast

        Ở Úc ngày xưa, thức ăn tại các ký túc xá sinh viên thường phản ảnh đầy đủ các món ăn thường nhật gia đình Úc. Thường thì thịt cừu rán, xúc xích cừu (đôi khi nấu với cà-ri loại ngọt có kèm với nho khô, rất khó nuốt), thịt bò, thịt heo, thịt gà. Thịt gà thời đó giá cả hãy còn cao, nhưng không lâu các hãng nuôi gà đua nhau sản xuất gà nuôi công nghệ và giữ vững giá hạ đến mấy mươi năm nay. Tôm và cá rất ít khi, trừ ngày thứ sáu mỗi tuần. Cá thì có món ăn cổ truyền rất Ăng Lê, mua ở tiệm Fish & Chips (cá và khoai tây chiên) tiện hơn và rẻ hơn là nấu ở nhà. Tuy vậy ở nhà người ta thường chơi món cá nấu nước nóng rim rim, ăn với khoai tán. Truyền thống ăn uống của người Úc và Tân Tây Lan ngày trước có món ăn hết sức thịnh soạn dành cho bữa ăn trưa ngày Chúa Nhật. Và đối với nhiều người, sau khi đi lễ ở nhà thờ. Đó là món thịt nướng, thường gọi nôm na là Sunday Roast. Thường thì là thịt bò, cừu, hay gà bỏ vào lò nướng, nướng cho thật vàng hay giòn thịt hay da ở bên ngoài. Đi kèm với bò nướng, ngoài khoai tây, cà rốt và “lê-guim”, là một thứ “bánh” bột chiên, một “phát minh” hết sức Ăng Lê gọi là Yorkshire pudding, ngày nay rất hiếm thấy ở các hiệu ăn tại Úc. Có lẽ cũng là hậu quả của việc tránh mỡ dầu của thời đại.

        Một thức ăn có thể tiêu biểu cho món ăn “cổ truyền” ở Úc và Tân Tây Lan chính là món “meat pie” (bánh nướng nhân thịt Úc / bánh “pai”). Món này cả Úc và Tân Tây Lan đều “giành” là món bánh cổ truyền xứ họ. Cũng y chang như thứ bánh ngọt dùng nhiều lòng trắng trứng gà là bánh Pavlova. Thật ra bánh Pai là kiểu bánh mặn tương đương với bánh “patê sô” của Tây, và rất gần với bánh pai thịt bò steak của Anh. Và cũng giống như món pork pie (bánh pai thịt lợn), hiện vẫn thường bày bán ở các tiệm deli hay ở các cửa hàng bách hoá lớn như Myer. Bánh pai thịt lợn này, trừ lớp vỏ bên ngoài, giống “pâté chaud” nhất, nhưng lại ăn lạnh chứ ko có “chaud” (nóng).

        Đặc điểm của bánh pai Úc và Tân Tây Lan là bánh có nhân thịt ở trong thay đổi nhiều thứ. Đầu tiên là người ta dùng thịt bò bầm nhỏ nhưng không nhuyễn như chả Việt, hay pai thịt lợn kiểu Anh. Biến chế nước sốt trộn với thịt bầm trong nhân là yếu tố định đoạt bánh pai ngon hay dở. Cũng giống như món “tiểu long bao” [xiao lung bao] của Thượng Hải, là làm thế nào vẫn giữ được nước súp trong bao hoành thánh nhân thịt cho đến lúc ăn. Nhân thịt bánh pai có thể trộn với khoai tây hay nấm, hoặc dùng thịt bò thái trộn với tiêu hột chứ không phải thịt bầm. Ngoài ra còn có bánh pai nhân thịt gà xé nhỏ. Bánh pai có thể dùng với sốt cà chua (tomato sauce / ketchup (“vay mượn” từ Hoa ngữ: 茄汁 – gần phát âm Đài Loan nhất [ka chiap], mang nghĩa nước cốt trái cà), hay sốt gravy (làm từ thịt nấu hay nướng).

        Tại Sydney có một tụ điểm bỏ túi khá trứ danh chuyên bán bánh pai từ thời trước thế chiến thứ 2 mang tên Harry’s Café de Wheels bởi hồi mới mở quán bán bánh pai này đặt gọn trong một chiếc xe giống caravan nhỏ toạ lạc ở khu Woolloomooloo bên cạnh “bến tàu” Sydney, nhằm phục vụ giới thủy thủ và lao công bến tàu ban đêm. Bởi quán nằm trên một chiếc xe lưu động, luật lệ hành chánh địa phương đòi hỏi xe phải di chuyển mỗi ngày ít lắm là 12 inch, tức chừng 1/3 thước tây. Thế là chủ tiệm tuân chỉ, ngày nầy đẩy xe tới một chút, rồi ngày sau đẩy lui lại, trong vòng dưới 1 thước tây. Tiếp diễn hằng chục năm cho đến khi hội đồng thành phố đổi luật mới thôi. (Xem chi tiết về Harry’s café de Wheels tại: http://www.harryscafedewheels.com.au/History_of_Harrys_Pies.aspx).

        Bánh pai ở tiệm Harry có đặc điểm là có thể dùng với đậu xanh peas (petit bois) hay khoai tây tán, và ngày nay theo với trào lưu “nhượng quyền thương vụ” (franchise), quán Harry de Wheels mở thêm nhiều cửa hàng ở những địa điểm khác, nhưng điểm mốc lịch sử của quán bán bánh pai trên chiếc “caravan” ở khu bến tàu năm xưa vẫn còn đó. Thực khách thay đổi rất nhiều. Những người thủy thủ năm xưa đi chơi đêm về khuya không còn nữa, và thay vào đó là những du khách thăm viếng Sydney, cũng như những cư dân các khu apartments chung cư sang trọng nằm dọc theo bến tàu vắng lạnh năm xưa.

        Trở lại chuyện thay đổi khẩu vị ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Căn bản, chuyện này bắt nguồn sâu xa từ thành công của thể chế thương mại toàn cầu theo định hướng tự do (theo nghĩa tương đối) của kinh tế thị trường. Theo đó công ty từ nước này mở chi nhánh tại nước kia, và di chuyển lao động ào ạt trong nhiều năm theo với các làn sóng tỵ nạn chính trị xảy ra khắp nơi trên thế giới. Ngành du lịch cũng trở nên một nguồn kinh tế đáng kể, nhất là tại những nước đang mới phát triển. Đặc điểm đáng nhớ nhất của du lịch là giá vé máy bay ngày nay so với thời thập niên 60-70 lại có khi rẻ hơn, nhưng nói chung không khác biệt bao nhiêu. Một điểm khác, thời xưa muốn di chuyển bằng phi cơ, người ta chỉ có thể chọn một vài hãng hàng không của các nước lớn trên thế giới mà thôi. Thí dụ như Air France, BOAC, Pan Am, Cathay Pacific, Qantas, v.v. Đến thời bây giờ, nước nào cũng có hãng hàng không to lớn có đường bay đi rất nhiều nơi trên thế giới. Cũng như chế độ độc quyền hãng hàng không quốc gia trên không phận từng nước như ngày xưa không còn nữa. Kiều bào ở nước ngoài của nước nào cũng đông, chứ không riêng gì Trung Quốc hay Hàn quốc hoặc Mỹ hay Ăng Lê. Lợi tức dân chúng nhiều nơi trên thế giới cũng đủ để mua vé máy bay. Không thì con cháu cư ngụ ở nước ngoài cũng đủ tiền để mua vé cho cha mẹ bà con đi đây đi đó thăm con thăm cháu. Những tình trạng như vậy hoàn toàn không có, hoặc ngay cả không tưởng, ở thời giữa thế kỷ 20, nhất là trong thời kỳ chiến tranh lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ trước.

        Liền tiếp theo các làn sóng di dân và tỵ nạn là chuyện công ăn việc làm sau khi định cư ở xứ người. Và với một cộng đồng “đồng hương” sẵn có ở tại “đất khách” chuyện tìm cách sinh nhai bằng việc mở tiệm ăn hay quán nhỏ bán thức ăn mang đi là một ý tưởng hết sức hiển nhiên nằm trong đầu mọi người di dân đang tìm cách ổn định đời sống mới ở nơi mà họ đang xin nhận làm quê hương. Và từ đó. tại khắp các thành phố lớn trên thế giới “chế độ” ẩm thực cũng thay đổi theo. Thí dụ điển hình là tại thành phố lớn như Sydney, gần như sắc dân nào cũng có hiện diện hiệu ăn của họ. Từ thức ăn Lào đến Marốc. Từ Ba-Lan đến Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn đến Tân Cương – Uyghur, Tứ Xuyên đến Afghanistan, v.v.. Đa phần đều có thực khách người bản địa vào ăn uống nhất là vào lúc cuối tuần.

        Hai thứ ẩm thực có thể nói là thành công nhất trong suốt mấy mươi năm qua là đồ ăn Thái và Nhật, nếu không kể đến hình thức Yum Cha (nhẫm xà), tức Dim Sum (điểm tâm) của các tiệm Tàu. Cả hai đều lướt sóng theo trào lưu tránh thức ăn nhiều dầu mỡ như đồ ăn Hong Kong. Thức ăn Thái được lợi điểm từ chỗ Bangkok, Pattaya hay Chiang Mai từ nhiều năm trước vẫn là nơi du khách Tây Phương thường lui tới. Cộng với chuyện người Thái từ lâu vẫn chuyên nghề tổ chức ăn uống và nhà hàng theo kiểu “làm ăn lớn” sau lưng người Hoa không bao xa. Nhà hàng làm người Thái có thể nở mày nở mặt chính là Tam Nak Thai ở Bangkok, một nhà hàng ngoài trời lớn nhất trên thế giới, chứa hàng ngàn thực khách mà không có vấn đề. Ở đó có những sân khấu cho vũ công Thái biểu diễn những điệu vũ cổ truyền và đặc biệt thức ăn được mang đến bàn ăn bằng những hầu-bàn viên chạy trên đôi giày “patin”, tức giày có bánh xe roller skating.

        Thức ăn Nhật cũng “tranh đấu” không ngừng để giành chỗ đứng trên thị trường ẩm thực trên thế giới. Cuisine Nhật ngoài mặt có vẻ hết sức đơn giản, nhưng bên trong đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, và “triết lý” nấu nướng hết sức tinh vi, ngang hàng với nhiều thứ sư phụ ngành “ăn uống” trên thế giới, kể cả Pháp.

        Ngoài chuyện ẩm thực, chuyện internet, chuyện tóc đen tại chốn học đường ở các xứ phương Tây, các nghành nghề mới (như làm móng tay, “lò” bánh mì, làm MC (thời xưa không có “nghề” này – ngày nay tại nhiều nơi kể cả VN có trường đào tạo Em-Xi), v.v.), chuyện đáng ghi nhớ khác là cách đổ xăng vào xe hơi (hay xe gắn máy) tại các trạm xăng.

        Cho đến khoảng giữa thập niên 80 thế kỷ trước, đổ xăng cho xe hơi tại Úc và Tân Tây Lan, được phục vụ đàng hoàng, và hết sức “tử tế”. Nhiều khi người lái xe vẫn cứ ngồi y trong xe, nhân viên trạm xăng cứ “thủng thẳng” đổ xăng vào xe, theo với số lượng gallons hay số lít người lái xe đặt mua, rồi tính tiền tại chỗ. Tuyệt nhiên không có chuyện nối đuôi chờ đổ xăng ở những trạm bán theo giá rẻ như bây giờ. Tức người lái xe, nhất là phụ nữ, không cần biết đổ loại xăng nào, hay mở nấp bình xăng ra sao, và nhất là làm thế nào để bơm xăng vào xe.

        Trạm xăng thường đóng cửa ban đêm và rất sớm. Có vài trạm xăng muốn phục vụ khách hàng ngoài giờ mở cửa, bày ra chuyện bơm xăng tự động ngoài giờ mở cửa. Giá cả thường bất nhất và nhiều trạm bớt giá bằng cách cho thêm chút ít xăng ngoài lượng lít đặt trước. Thời điểm kinh tế toàn cầu chưa nhất thống cũng chính là thời điểm bánh bít-quy (như bánh LU) khác nhau tùy từng nơi trên thế giới. Và lúc đó dân nước nào chỉ quen ăn đồ ăn nước đó mà thôi. Ít ai “dám” thử thức ăn nước khác, vì sợ đau bụng và chạy theo Tào Tháo mà hoàn toàn không biết ông ấy tính tình ra làm sao.

        Biến chuyển toàn cầu mạnh mẽ nhất là trong thập niên 90, sau khi kết thúc chiến tranh lạnh. Xăng bán cho xe hơi do người lái xe tự bơm lấy bắt đầu từ hồi nào mà không ai hay. Rồi xuất hiện xăng super, xăng không có chất chì, xăng có thêm dầu ethanol (tức một thứ dầu hoá chất chế biến từ đường mía, lúa mạch, ngô, v.v.) rất tốt cho môi trường), dầu diesel cho một số xe, v.v..

        Thế giới rần rộ thay đổi lối sống, nhất là đời sống ở thành thị. Một mặt, mọi thứ đều đi về hướng tiêu chuẩn hoá – điều động từ nền kinh tế số 1 ở Mỹ. Mặt khác, các sản phẩm tiêu thụ và dịch vụ cung ứng càng ngày càng phức tạp, luôn luôn thay đổi để kinh tế tiếp tục vận chuyển. Thêm vào đó là nạn “bắt chước” kinh doanh – như chuyện rất nhiều nước sản xuất lắp ráp xe hơi xịn như Nhật, Đức, Hàn quốc, chứ Anh, Pháp, Mỹ không còn độc quyền như ngày xưa. Chuyện ẩm thực và chuyện đổ xăng là hai thí dụ điển hình. Cần nói thêm một tí về chuyện các trạm xăng.

        Ngày xưa ở Úc, đời sống rất thanh thản an nhàn. Mỗi khu phố đều có tiệm tạp hoá nhỏ chính yếu là bán các thứ thực phẩm nhu yếu như sữa, bơ, kem (cây), một ít khoai tây, cà rốt, và cải, v.v. – gọi chung là Milk Bar (tiệm bán sữa). Đây cũng là một loại tiểu thương khá hấp dẫn cho di dân các đợt từ Âu Châu sau thế chiến thứ 2. Thế nhưng các siêu thị bắt đầu mọc lên từ những năm 50-60 – bắt đầu đe dọa sự sống còn của các Milk Bar. Nhưng cũng còn sống được, mặc dù không khấm khá như hồi trước. Đến khoảng cuối thập niên 80, và tiến thật nhanh, các trạm xăng bắt đầu bán thêm sữa và các thứ nước ngọt, và đến ngày nay thì các hiệu siêu thị lớn mua luôn hay mở thêm dịch vụ trạm xăng. Rồi từ đó nhiều trạm xăng được nới rộng bao gồm gian hàng bán nhiều thứ giống như một siêu thị nhỏ. Bán luôn cả báo chí cũng như các thứ thuốc tây như thuốc trị nhức đầu, cảm cúm, và cả các thứ sinh tố vitamins. Dịch vụ “milk run” tức giao sữa tận nhà, thời dân Việt mới đến Úc hãy còn, giờ biến đâu mất. Các milk bar trở thành dấu tích của thời xa xưa càng ngày càng ít đi. Cũng không khác gì các tiệm cho mướn băng video, hay DVD trong thời internet và phim 3 chiều 3D.

        N.N.

        Comment


        • #5
          Những Mùa Xuân năm cũ (Bài 5

          Nguyên Nguyên – Những Mùa Xuân năm cũ (Bài 5)

          Trong vòng vài thế kỷ qua, kiến thức nhân loại về đời sống hằng ngày thường dính liền với kiến thức thu thập từ khoa học, và một trong những kiến thức dễ nhớ nhất là ký ức của người lớn tuổi. Các cụ thường nhớ những gì xảy ra từ thời xa xưa và ưa quên mất những kí ức gần. Chuyện kể một bà cụ di dân từ thời còn bé sang Úc, trong những ngày trước lâm chung, tự nhiên cụ nói chuyện với các con cháu bằng thứ tiếng “ngoại ngữ” mà cả nhà không ai hiểu nổi. Đối với kí ức cận kề các cụ thường quên đi tên họ của những người mới quen, cũng như tên các tài tử xi-nê mới nổi trong vòng 5-10 năm trở lại.

          Kí ức xa xưa của các cụ cũng bị giới hạn ở tuổi ấu thơ (khoảng 1-3 tuổi), có lẽ bởi ở tuổi đó cấu trúc của thế giới tuổi thơ chưa được thiết lập cho có bài bản. Tức hãy còn lộn xộn, thiếu thốn sắp xếp bằng lời ăn tiếng nói, và rất khó nhớ đời.

          Đối với những người thuộc thế hệ sinh-sung tức babyboom, tức thế hệ rất đông đảo các “thành viên” chào đời sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt, kí ức của họ thường rất dồi dào bời họ thường phải trải nghiệm nhiều cuộc thăng trầm bể dâu hay đổi đời, hầu như trên khắp thế giới.

          Trước hết, phân biệt các lớp học từ tiểu đến trung học thường sắp xếp ngược lại theo kiểu số đếm với thời bây giờ. Bắt đầu bằng lớp năm lên tới lớp nhứt là xong cấp tiểu học. Trung học bắt đầu bằng lớp đệ thất cho tới đệ tứ là trung học đệ nhất cấp. Sau đó đệ tam kéo tới đệ nhất là đệ nhị cấp. Cuối năm đệ tứ có kỳ thi Trung Học (đệ nhứt cấp), và thông thường học sinh phải đậu bằng trung học mới được lên lớp đệ tam. Sau đệ tam là đệ nhị kết thúc bằng kỳ thi cho Tú Tài I, và phải đậu Tú Tài I mới được lên đệ nhất để cuối năm thi Tú Tài II, và nếu thi đậu Tú Tài II mới được thi vào hoặc ghi danh học các trường đại học. Trước thời sắp xếp lớp học theo kiểu này đi học chỉ ở cấp tiểu học cũng rất gay go. Bởi tiểu học thời trước 1954 có chia thành hai cấp, cấp Sơ Học và cấp Tiểu Học, Sơ Học bắt đầu từ lớp Đồng Ấu tức lớp 5 (sau 1954) và lớp 1 thời nay, kéo qua lớp Tư và kết thúc vào lớp Ba. Cấp Tiểu Học có hai lớp Nhì (lớp nhì năm 1 và lớp nhì năm 2) và 1 lớp Nhất. Một số trường tiểu học còn có thêm lớp Tiếp Liên nằm giữa bậc Tiểu Học và Trung Học, thường dành cho những học sinh thi vào trường trung học công lập không được, chuẩn bị cho họ thi lại vào năm sau. Chương trình học lớp Tiếp Liên đặt trọng tâm vào các môn để thi vào trường trung học công lập như toán và quốc văn. (Có thể xem thêm chi tiết ở: https://hocthenao.vn/2013/10/16/nen-giao-duc-o-mien-nam-1954-1975-trich-nguyen-thanh-liem/ ).

          Ở Việt-Nam thời đó ở mấy lớp cấp sơ học như lớp năm, lớp tư, học trò thường làm bài bằng phấn trắng viết trên bảng đá, làm bằng đá phiến (slate), có kích thước gần bằng một iPad hay tablet thời bây giờ. Cô giáo hỏi: “Hai với hai là mấy?” thì cả lớp lập tức viết vào bảng đá “bốn (4)” rồi giơ lên trình với cô. Tất nhiên cô cũng để ý ngay đến một hai trò viết trên bảng đá chữ “hai”, “ba”, bú”, hay “bống”, và đến chỗ ngồi từng em để chỉ dẫn sửa sai. Nhớ nhất là kiểu bài tác văn thường giống nhau trong suốt những năm cuối tiểu học: “”Chủ nhật vừa rồi, trò được Ba Má dắt đi bến tàu. Hãy thuật lại và cho biết cảm tưởng”. Giờ bắt đầu lớp hay tan học, tiểu cũng như trung học, được điểm bằng tiếng trống, và mãi về sau, khoảng đầu thập niên 1960 mới thay thế bằng chuông reo. Ở ngoài cổng trường nào cũng có gánh hoặc xe ba bánh bán hàng rong, mà bây giờ tây phương rất hâm mộ với chính danh tiếng Ăng Lê là street food, biết đến từ các gian hàng lộ thiên bán thức ăn ngon rẻ ở Singapore, Bangkok, Jakarta, Hongkong, v.v.. Món ăn hàng rong ở cấp tiểu học có vẻ khác với cấp trung học. Hàng rong tiểu học rẻ tiền và đơn sơ hơn trung học. Đáng kể nhất là mía ghim, xôi, đậu đỏ bánh lọt (hiện đổi tên thành chè 3 màu), cháo huyết, cà-rem (kem) cây hay cốc (lúc đó chưa có kem ăn với ốc quế), v.v.. Có một món rất rẻ tiền và hết sức bình dân thuộc cấp tiểu học là ô-môi (tên khoa học: cassia grandis), bây giờ hình như đã tuyệt tích giang hồ. Hàng rong ở cấp trung học có vẻ cao cấp hơn và thường bao gồm: bò vò viên, bò bía, bánh ướt (cuốn) chả lụa, sinh tố, bánh mì thịt, v.v..

          Tiếng Việt thời đó phân biệt ít lắm ba thứ tiếng tương đương với chữ student (và đôi khi pupil) ngày nay theo lối gọi Mỹ-Úc: học trò (tiểu học), học sinh (trung học), và sinh viên (đại học). Kiểu gọi phân cấp này có lẽ mang ảnh hưởng tiếng Tây lẫn tiếng Hoa. Cũng giống như phân biệt giáo sư (đại học/trung học) và giáo viên (tiểu học) hoàn toàn theo kiểu Pháp. Sự thật theo kiểu phân cấp ngày nay ở nhiều nơi trên thế giới, khi dạy ở đại học có trên 1 chục thứ phân cấp khác nhau. Và không phải phân cấp càng tinh vi là càng đúng hay càng văn minh. Cũng giống như 1 giáo sư toán đệ nhất cấp ngày xưa không hẳn là không giỏi bằng 1 đồng nghiệp phụ trách môn toán ở đệ nhị cấp (từ đệ tam đến đệ nhất). Hoặc một giáo sư dạy toán ở trường tư không giỏi bằng một đồng nghiệp dạy ở trường công.

          Trong ba lối gọi thông thường, học trò, học sinh và sinh viên, có lẽ chữ trò trong học trò là có thể có từ nguyên rất khó truy theo phương pháp thông thường. Theo phương pháp thông thường, tiếng Việt phân chia thành Nôm và Hán Việt, cả hai đều dựa vào 1 nguyên lý khác cho rằng không cần biết tới gốc gác hay cấu trúc “hữu cơ” tức mang chất sống của ngôn ngữ. Tức từ ngữ thường được biết đến bằng liên hệ bề ngoài giữa ngữ từ và ngữ nghĩa, gọi nôm na theo Anh ngữ là signifier và signified. Theo một phương pháp khác, người ta phải tạm gác sang một bên, trước hết, âm chuẩn tác động theo đánh vần của chữ quốc ngữ, và xem xét những âm hoặc chữ liên hệ của khu vực hay bộ lạc từ ngày xưa mang ngữ nghĩa tương đương, gần giống hay bà con với từ muốn truy cứu. Quan trọng nhất là phải tạm quên lối phân chia Hán-Việt và Nôm mà xưa nay chưa hề có nghiên cứu khoa học sâu rộng được cả giới khoa học và, quan trọng hơn hết, người xử dụng ngôn ngữ chấp nhận và phê chuẩn theo một thứ đa số tuyệt đối. Tức bắt buộc phải tạm thời lùi tiếng Việt trở lại vào thời chưa có chữ quốc ngữ.

          Kiểu truy tầm từ nguyên này cũng chú trọng đến gốc nguyên thủy của rất nhiều từ “phát minh” theo với sản phẩm hay tư tưởng của “người nước ngoài” từ ngàn xưa cho đến ngày nay, tức để ý đến cấu trúc của từng chữ theo một nghĩa rộng của cấu trúc. Thí dụ những tiếng ngày nay như TV, phone hay internet, nếu phát âm là TiVi, phôn, internet có khi dễ nhận hơn là truyền hình, điện thoại hay mạng giao lưu, mạng điện toán, v.v.. Tương tự, chữ xe (hay xa) rất có khả năng nhập khẩu từ Âu Châu, trước thời quốc ngữ rất xa, qua chữ chariot, tương đương với tiếng Pháp ở Canada char, tiếng Việt xa/xe, tiếng Môn rôt, tiếng Anh car, với lưu ý tiếng Anh carbon tương đương với Pháp charbon (than). Tìm hiểu từ nguyên của trò có thể sẽ dễ hơn sau khi tìm ra từ nguyên của thầy, vẫn thường nhầm là một từ thuần Nôm. (Theo phương pháp trình bày ở đây, xin nhấn mạnh một lần nữa phải tạm gác sang một bên phân biệt thuần Nôm hay gốc Hán Việt).

          Trước hết để ý đến xuất xứ của thầy trò. Âm [th] trong thầy trong tiếng Việt trước thời quốc ngữ ưa biến chuyển qua lại với âm [x] hay [s] trong các thứ tiếng Mường, Thái, Quảng Đông, và luôn luôn chú ý đến tiếng bản địa hạ tầng của tiếng Việt là tiếng Thái và nhóm Môn-KhờMe. (Xem biến chuyển [x] và [th] tiếng Việt trong quyển Tiếng Việt Tuyệt Vời của gs Đỗ Quang Vinh). Hầu như cả thế giới đều nhìn nhận rằng nước Trung là nước có nền giáo dục “dân lập” sớm nhất ở Á Châu, và ông hiệu trưởng kiêm giáo sư thiết lập trường tư thục đầu tiên đó mang tên là Khổng Tử, tức Ông Khổng [OŨ KHỎŨ] theo tự điển Alexandre de Rhodes.

          Một trong những từ mang nghĩa thầy chính là Sư phiên âm quốc ngữ dựa theo âm pinyin [shi] của chữ Hán là 師. Âm [shi] (師) mang nghĩa hiện đại là master, teacher, professor, monk, và hoàn toàn phù hợp, tức rất thích ứng trong một cấu trúc tổng thể, với các từ kép như giáo sư, sư phụ, ân sư, sư sãi, sư cô. Theo phát âm Ngô Việt (tức khu địa bàn của Việt Vương Câu Tiễn năm xưa), âm [shi] tương ứng với [sy] rất gần với sư tiếng Việt trừ phụ âm [s] tiếng Ngô Việt không giống như [s] tức [sh] tiếng Việt. Tương đương với âm [shi] trong tiếng Mân Việt, tức khu Phúc Kiến địa bàn của nhà Trần ở Việt Nam, là âm [sai] rất gần với âm [sãi] trong sư sãi (monk). Âm [sai] biến chuyển dễ dàng qua [thầy] (master, teacher) qua các đường: (i) biến chuyển giữa [x] và [th], làm sao/ làm thao; (ii) [ai] và [ay]: Mã Lai/Malay hay 底 [dai] Quảng Đông/đáy (bottom/base); (iii) tự điển của Pigneaux de Béhaine và Taberd (1838) có ghi chữ 柴 [chai/zhai] viết cho chữ thầy (master) mang kí âm quốc ngữ thường dùng là [sài] (củi đốt) (giống như [sài] trong [Sàigòn]); và (iv) tác động của chữ quốc ngữ, xem như một hệ kí âm dùng mẫu tự Latinh, như pinyin cho tiếng Phổ Thông, Jyutping cho tiếng Quảng Đông, hay romaji cho tiếng Nhật. (Để ý [Juyt] trong {Jyutping] 粵拼 (Việt phiên) mang tương đương với từ Việt trong tiếng Việt, tức [yue] tiếng phổ thông, và [Yue] hay [Jyut] trong tiếng Hoa là tên gọi tắt của Quảng Đông. Chữ 拼 thường được kí âm theo kiểu quốc ngữ là [bính] hay [phanh], nhưng theo các tự điển tiếng Trung hiện tại chữ 拼 [pin] có thể viết như 拚 [pin] mang âm “Hán Việt” là [phiên], và pinyin có thể hiểu bằng từ thông thường là phiên âm.

          Để ý chữ thầy trong tiếng Hmong là [Tuam Thawy] có âm [thawy] rất gần với thầy trong tiếng Việt. Ngoài ra tự điển Alexandre de Rhodes ghi thầy là thày, trong khi tiếng Mường kí âm theo quốc ngữ ghi thầy.

          Để ý tiếng nước nào cũng có những từ rất cổ hiện không dùng nữa, nhưng có khả năng vẫn còn được dùng ở nơi khác. Thí dụ như từ cổ mang nghĩa thầy là Phu Tử (夫子 – Fu zi) vẫn thường dùng qua Khổng Phu Tử (Ông Thầy Khổng). Liên hệ âm Việt [thầy] với tiếng Hoa không thể là một loại liên hệ tiêu biểu có thể thiết lập công thức. Thí dụ một âm cũng thường cho là thuần Nôm là thấy (see, look). Âm này tương đương với chữ 睇 [si/ti] kí âm “Hán-Việt” là [thê] hay [đê], rất ít dùng trong tiếng Việt và tiếng Hoa (ngày nay). Bởi ít dùng nên có thể suy đoán cả hai âm [thê] và [đê] được tạo dựng bằng lối phiên thiết, có trình bày trong quyển “Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị” của Lê Ngọc Trụ. Theo kiểu đối chiếu với các phương ngữ ở Hoa Lục, phát âm [đê] rất giống tiếng Mân [de], và [thê] giống tiếng phiên thiết Guangyun [thei], và Triều Châu [thi]. Trong khi tiếng Quảng Đông cho 睇 là [thai] rất gần với thấy. Tức thấy là âm Việt tương đương với [thai] tiếng Quảng, và Hán Việt thê tương ứng với 睇 [si/ti].

          Thử kiểm chứng thêm bằng chữ thảy trong hết thảy (tổng cộng, tất cả). Chữ thảy cũng thường được lầm là một thứ từ thuần Nôm, nhưng thật ra mang âm phương ngữ [thai] của tiếng Quảng Đông cho chữ 體 mà tiếng Việt đọc [thể] giống như âm Mân (Phúc Kiến) là [the], mang nghĩa toàn thể, toàn thân.

          Biến chuyển giữa âm [s] hay [sh] qua lại với [th], như [sài] và [thầy], còn được thể hiện giữa Sàigòn và Thầy-Gòn, mà các lí thuyết ngôn ngữ vẫn thường cho Thầy trong Thầy-Gòn là phát âm sai. Chữ Thầy trong tiếng Myanmar (Miến Điện/Diến Điện gọi theo kiểu xưa) chính là [hsə-ya], tức [hsây] cho thấy biến chuyển qua lại giữa [s] và [th]. Rất ngộ là âm [Sai] trong tiếng Okinawa mang nghĩa tương đương là Thầy tức lối gọi kính trọng cho người nam hay người nữ. Âm [sai] còn giống chữ Sire trong Anh ngữ thời xưa mang nghĩa hoàng thượng hay bệ hạ, hay bậc cha mẹ (đấng sinh thành). (Chữ Sire trong Anh ngữ có thể biến chuyển thành Sir.) Chuyện này diễn dịch sang tiếng Việt có nghĩa là chữ Thầy có thể thay cho chữ Cha, y như Grand-Sire có thể thay cho Grand-Father. Ngộ nhận thường thấy là Thầy mang nghĩa Cha vẫn thường cho là mang tính cách phương ngữ hoặc người Cha được gọi Thầy bởi đã từng làm thầy giáo.

          Theo với đường hướng tầm nguyên chữ thày, bây giờ thử truy nguồn gốc chữ trò. Tiếng Hoa rất có nhiều từ dùng để chỉ học trò hoặc môn sinh, và một từ thông dụng nhất là đồ trong môn đồ hay đồ đệ. Đồ cũng mang nghĩa follower (người đi theo, hoặc tin vào) như trong tín đồ. Chữ đồ mang âm tương đương pinyin là [tu] viết 徒 có âm Mân Việt (Phúc Kiến) rất gần với [tò]. Tự điển Alexandre de Rhodes và tự điển Mường đều ghi đó là [tlò] chuyển sang tự điển Taberd hay Paulus Của là trò, giống như kiểu [tlời] hay [blời] thành ra trời. Nếu lùi lại thời gian xa thật xa, ta có thể để ý đến từ mang nghĩa môn đồ của Khổng Tử là 儒家 [jyu gaa] (Quảng Đông), tức Nho gia tiếng Việt. Rất ngộ là chữ Nho 儒 mang âm là [lu] trong tiếng Mân (nhà Trần), rất giống chữ Lỗ tức nước Lỗ quê hương ông Khổng, và cũng giống [lò] và [tlò] (Mường/ Việt thời thế kỷ 17), tức trò. Để ý cấu trúc của chữ học trò giống kiểu của giáo sư, giáo viên, tức theo kiều tiếng Hán, trong khi thầy giáo theo kiểu tiếng Nôm (danh từ thầy đi trước giáo (dạy)). Biến đổi tò/trò là biến đổi quốc ngữ tương ứng với biến đổi Phúc Kiến/Triều Châu với Phổ Thông [t] và [zh]: [tiong]/[zhang],tức [t] và [tr] như chữ [tiong]/Trương 张, hay [tea] (Mân/Anh), [thé] (Tiều/Pháp) và Việt chè (Phổ thông [cha]) hay trà. Còn biến đổi tlò/trò là hoàn toàn do

          phiên âm của các tác giả thế hệ thứ hai thứ ba như Pigneaux de Béhaine (Cha Cả/Bá Đa Lộc) và Taberd, từ phiên âm thế hệ thứ nhất của Alexandre de Rhodes rất giống tiếng Mường gần đây.

          Nói chung, có thể thấy nếu truy tầm từ nguyên tiếng Việt theo kiểu dựa trên cấu trúc thời chưa có chữ quốc ngữ, vấn đề sẽ nhanh chóng nhảy vào mê hồn trận của limbo rock, và rất khó tránh nhức đầu.

          (trích từ: Nguyen Khac Can – Pham Viet Thuc (Eds.) (1992) Knowledge of Vietnam (in the past through 700 pictures). Information and Theory Publishing House (Hanoi).)

          Phân biệt học trò, học sinh và sinh viên có thể hay hoặc tốt và cũng có thể không ảnh hưởng gì đến nền giáo dục của một nước. Bằng chứng là váo thời khoảng đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam ai có được bằng Thành Chung tức tương đương với tốt nghiệp Cao Đẳng Tiểu Học hay Trung Học đệ nhất cấp về sau, đã là oai lắm rồi. Để ý chuyện có công ăn việc làm sau khi học xong tiểu học thời xưa lien hệ mật thiết đến nhu cầu của guồng máy hành chánh thời đó. Sang đến thời những năm 50 giáo dục đủ xài lần lần leo lên đến cấp Tú Tài (I và II). (Xem thêm:

          cothommagazine.com/index.php?option=com_content&task=view&id=278&Itemid=1).

          Đến thập niên 60 giáo dục cần thiết để kiếm job thơm mò lên cấp cử nhân hoặc bằng diploma hay chứng chỉ ở trường nghề. Và trong thiên niên kỷ hiện tại có bằng tiến sĩ vẫn không đảm bảo có việc làm. Bởi nằm ở đằng sau mối liên hệ giữa huấn nghiệp, giáo dục và chuyện có công ăn việc làm là khế ước ngầm bất thành văn giữa xã hội hay nền kinh tế với những người trẻ tuổi muốn dựa vào tổ chức xã hội để chuẩn bị cho tương lai. Nó cũng giống như một khế ước từ thời xa xưa là hễ ai đậu được các kỳ thi do triều đình tổ chức thì chắc chắn được làm quan. Thứ khế ước làm quan dành cho giới học thức hay ưu tú hoàn toàn bị hủy bỏ vào khoảng hậu bán thế kỷ 20. Nhưng xã hội trong mấy mươi năm qua thật sự thay đổi quá nhanh và nhanh hơn mớ kiến thức chuyển nhập qua giáo dục và học nghề. Và vẫn không còn thì giờ để thu thập kinh nghiệm từ một việc làm cố định theo kiểu sự nghiệp như ngày xưa. Điển hình trong chuyện sự nghiệp này là những salaryman, viết theo kiểu romaji là sarariman, làm việc suốt đời cho một cơ quan hay thương nghiệp ở xứ Phù Tang. Trong chuyện thiếu thốn kinh nghiệm này còn chứa chấp một nan đề mà khi xem sơ qua tưởng khá dễ. Đó là việc tái huấn nghiệp cho những người bị mất việc vì ngành nghề của họ bị đào thải bởi kinh tế toàn cầu, bởi tiến bộ kỹ thuật, bởi dân số ở quả đất tăng quá nhanh và quá đông, v.v..

          banmaychuHồi thập niên 50 cho mãi đến 80 ở thế kỉ trước muốn làm thư ký phải biết đánh máy chữ, thông thường là mười ngón. Có hết thảy chừng 3 nghề liên can đến việc đánh máy chữ, thật nhanh và thật đúng: nghề thơ ký các công tư sở (ngày nay thường gọi chung là cơ quan); đả tự viên làm ở tòa báo và nhà xuất bản, và các thầy cô ở trường dạy đánh chữ. Thành phố lớn nào trên thế giới cũng có nhiều trường dạy đánh máy chữ. Đó là chưa kể đến các hãng sản xuất máy đánh chữ quốc tế nổi tiếng, thường là từ nước Ý như Olivetti, hoặc từ Mỹ như IBM. Công ty IBM (International Business Machines) với đại bản doanh nằm ở New York, thành lập từ cuối thế kỉ 19, có thời nổi tiếng với máy đánh chữ, nhất là loại dùng điện. Về sau IBM trở nên chuyên khoa số 1 về computer cho tới khi Microsoft ra đời và bắt đầu bành trướng vào khoảng thập niên 80.

          (Xem: https://en.wikipedia.org/wiki/History_of_IBM)

          Lúc các phần mềm dùng để thảo văn kiện, như Microsoft Word, trở nên phổ biến trên các máy điện toán, người ta vẫn có thể tìm thấy những thứ phần mềm khác dạy “đánh máy chữ” kiểu 8-10 ngón như ngày xưa, trên computer, để giúp xử dụng Microsoft Word cho thật nhanh. Nhưng đến khi các thứ smartphone (điện thoại thông minh) và iPad hay Samsung tablet ra đời thì ai cũng thích quay về với ngón “Nhất Dương Chỉ” hơn. Chỉ trong vòng chừng 20 năm một nghề (đánh máy chữ) đã hoàn toàn biến mất trên địa cầu.

          Rất nhiều nghề khác, như dạy khiêu vũ tức nhảy đầm theo kiểu Latin ballroom dancing, dạy Judo, dạy Karate, trường hàm thụ (gởi bài học và chấm bài làm bằng thư), tiệm chụp hình, tiệm tráng ảnh in hình, sửa xe đạp, trường dạy nữ công gia chánh, tiệm Milk Bar ở khu vực địa phương, bán sữa giao tận nhà, tiệm bánh Pizza ăn tại chỗ, tiệm bán tem sưu tầm, bán đồng tiền coins, tiệm may đàn ông, v.v.. lần lượt biến mất trên trái đất. Tất cả đều có thể thay thế bằng online hay YouTube. Đặc biệt tiệm chụp hình ngày xưa ở thời thập niên 40-60 là một địa điểm chỉ dành cho dân trung lưu. Cả gia đình vài năm một lần ăn mặc quần áo thật đẹp rồi đến hiệu chụp ảnh, chụp cho một tấm đem về chưng ngay trong phòng khách. Những người có tiến thì có thể sắm một máy ảnh và thông thường người nào có máy ảnh thì cả xóm hay tất cả bà con họ hàng đều biết. Ảnh thường thường là đen trắng. Muốn có màu phải tô màu lên ảnh. Ngay tới phim xi-nê cũng vậy. Các nước Á Châu thường không có máy móc rửa phim màu. Phim Ấn Độ thường đen trắng cho mãi đến màn kết cuộc mới đổi ra màu, và màn kết này thường bao gồm ca vũ xem mê mẩn luôn. Nhớ phim Mưa Rừng của Việt Nam là một trong những phim mầu đầu tiên, phải gởi sang Nhật để rửa phim.

          Những nghề xưa cũ bị sập tiệm thường được thay bằng những nghề hoàn toàn mới với các kỹ thuật tân tiến, ít khi liên hệ đến nghề cũ. Những nghề mới thường liên hệ mật thiết với kỹ thuật internet và điện thoại lưu động. Đáng kể nhất là những trung tâm hỗ trợ bằng điện thoại (call centers) thường đặt tại các quốc gia có nhiều dân rành tiếng Anh như Ấn Độ và Phi-Líp-Pin (để ý tên nước Á Châu này đặt theo tên vua Philip II của nước Spain, xưa gọi Tây Ban Nha, vào thế kỉ 16). Ngoài ra các ngành như du lịch, bán thẻ SIM, bán mobile phones, bán TiVi dây văng hay TiVi internet, bán sản phẩm tài chánh như cho vay tiền mua nhà, v.v.. thông thường hoặc đang chuyển sang online. Một trong những công ty tín dụng mang tên Starr-Bowkett Society hoạt động như hợp tác xã, có hình thức cho vay theo kiểu bắt thăm giống như chơi hụi ở Việt Nam gần đây cũng đóng cửa tiệm ở khu vực Newtown (Sydney). Xem: https://en.wikipedia.org/wiki/Starr-Bowkett_Society. Nhiều car yards chuyên bán xe hơi đã dùng rồi cũng phải dẹp tiệm bởi tiền thuê bãi đất chứa xe khá cao và luôn phải cạnh tranh với xe bán tư online, hay qua một thứ car yards khác nhưng vẫn online.

          Bưu điện toàn cầu đều thường xuyên than van lỗ lã. Giá tem, bưu cước mỗi lúc mỗi tăng. Gần như mỗi sáu tháng một lần. Nhiều trạm bưu điện phải đóng cửa vĩnh viễn, nhưng đa số biến thành một thứ cửa hàng bách hóa đảm trách nhiều thương vụ khác nhau, thuộc loại văn phòng. Những dịch vụ chính của bưu cục ngày xưa như gửi điện tín bằng máy Telex (sau bằng máy Fax), poste restante (thường là thư từ gửi về trạm bưu chính ở thành phố mà người nhận chưa có địa chỉ), hoặc aerogramme (thường là thư gồm 1 trang giấy dùng luôn làm phong bì thư, gởi bằng đường hàng không), đã hoàn toàn biến mất khoảng cuối thế kỷ 20. Tem thư hay bưu cục cho đường bộ hay đường thủy (surface mail) rất phổ biến ngày xưa vì giá hạ so với thư gởi bằng máy bay, hoàn toàn biến mất vào khoảng đầu thế kỉ 21. Bù lại nhiều công ty tư, chuyên nghề chuyển giao hàng hóa, trở nên lớn mạnh. Một hai hãng chuyển giao hiện đang thử lối giao hàng bằng drone, tức máy bay tí hon điều khiển bằng điện tử từ mặt đất.

          Trường học mở ra như nấm vào khoảng một hai thập kỷ trước chuyên về các ngành nghề mới như du lịch, quản lý khách sạn, chiêu đãi, barista pha cà-phê, v.v. – nhưng rất khó sống dài lâu. Điển hình là hai ngành nghề xưa là taxi và khách sạn hiện có đối thủ mới dựa vào internet và mobile phone là Uber và Airbnb. Nghề bán vé máy bay (travel agent) cũng bị đe dọa nặng nề bởi internet, trong khi hướng dẫn du lịch lại trở nên thịnh hành, từ chuyện chính là du khách cần người hướng dẫn biết nói tiếng địa phương cho nó tiện.

          Những người muôn năm cũ…

          N.N.

          Comment



          Hội Quán Phi Dũng ©
          Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




          website hit counter

          Working...
          X