Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hồi Ức SàiGòn

Collapse
X

Hồi Ức SàiGòn

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hồi Ức SàiGòn

    Hồi Ức SàiGòn
    Đỗ Trung Quân

    I. Mẹ tôi người Hà Thành, nếu thi hoa hậu sẽ vào top 5


    Đỗ Trung Quân sinh ngày 19.1.1955 tại Sài Gòn. Ông là một nhà thơ Việt Nam. Nhiều bài thơ của ông được phổ nhạc và được đông đảo công chúng yêu thích như Quê hương, Phượng hồng... Là một người lãng mạn và lại có nhiều kỷ niệm gắn chặt với Sài Gòn nên những hồi ức về Sài Gòn được Đỗ Trung Quân viết lại rất tự nhiên và chân thực. Trong loạt bài hồi ức, tác giả thể hiện phong cách viết riêng, tuy nhiên với những danh từ riêng tên người hoặc địa danh mà tác giả viết thường, bản báo sẽ sửa lại thành viết hoa, tuân theo quy tắc ngôn ngữ là viết hoa những tên người, tên đất. Được sự đồng ý của tác giả, xin trích giới thiệu cùng bạn đọc hồi ức này.

    1. Tàu đêm năm cũ
    Tôi hoàn toàn không có ý định viết hồi ký - đời mình xem lại không biết bắt đầu từ đâu, mà hồi ký cần sự trung thực bởi lẽ có nhiều người sẽ được nhắc tên nhưng cũng nhiều người nay đã mất. Viết sai về họ, họ cũng chẳng thể biện minh. Khen chưa chắc hay, bịa chuyện về họ còn bậy hơn. Vậy thì kể chuyện vậy, cố gắng cho trung thực, chí ít với chính mình kể cả thói xấu của mình.

    Nó sẽ không phải hồi ký, nó là hồi ức. Ức với ký khác nhau xa lắm.
    Tôi sẽ bắt đầu từ đâu nhỉ?

    Chỉ nhớ mang máng có ai đã nói kẻ nào sinh ra bên cạnh đường tàu, đêm đêm nghe tiếng còi tàu, kẻ ấy sẽ mang định mệnh của một người lưu lạc.

    Than ôi! Tôi đã nghe tiếng còi tàu từ cổng xe lửa số 8 - đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển) từ lên 5 tuổi. Thằng bé thường lồm cồm ngồi dậy giữa đêm, dựa lưng vào thành giường chờ nghe tiếng còi tàu hú từ xa và rầm rập tiếng đoàn xe nghiến trên đường ray sắt đến gần, vụt qua rồi xa dần trả đêm về tịch lặng.

    Vô vàn đêm như thế. Rồi bỗng nó nhận ra...
    Tiếng còi tàu nửa đêm buồn lắm...
    Sân ga hắt hiu ngọn đèn vàng trong mưa cũng buồn lắm...
    Đời nó cũng sẽ củ chuối lắm...


    Vậy đi, câu chuyện sẽ bắt đầu từ đấy.

    2. Cây Ngọc Lan, cổng xe lửa số 8 và sương mù ký ức
    Những căn nhà dọc theo đường tàu thường lụp xụp, nghèo nàn. Nhưng đấy lại là ngôi nhà khang trang ngoài mặt tiền đường chỉ cách cái barie đường tàu, bên kia đường là tiệm bò bảy món Ánh Hồng còn nổi tiếng đến tận sau này.

    Tôi ở đấy với mẹ, chuồng của đàn gà Mỹ lông trắng sau nhà và sân trải sỏi trắng trước nhà. Chạy trên sỏi tiếng chân lạo xạo rất vui tai. Mẹ là người đàn bà đẹp của Hà thành, nếu thi như hoa hậu bây giờ nàng sẽ có mặt ở top 5, nhưng nàng sẽ vĩnh viễn là hoa hậu chân đất bởi dáng đi tất tả, điều rất kỵ trong tướng học với một người phụ nữ đẹp. Nó như chiếc nốt ruồi tàn độc “thương phu trích lệ" mà Mao Diên Thọ chấm lên khóe mắt Chiêu Quân khiến mỹ nhân phải thành vợ rợ Hồ phương bắc. Với dáng đi tất tả ấy nàng sẽ vất vả suốt cuộc đời.

    Trong ngôi nhà này không có bóng dáng đàn ông nhưng trong ngăn bàn trang điểm của bà có một vài tấm ảnh chụp một người đàn ông cao dong dỏng, nụ cười tươi, áo vest, cà vạt phất phơ bước xuống máy bay từ một sân bay nào đó. Nhân vật này sẽ là người tôi phải tự đi tìm tung tích hơn 30 năm sau, ngoài câu ngắn gọn “bố con! “ và chấm hết. Khi mẹ mất bà mang theo bí mật, cuộc truy tìm của tôi gần như vô vọng bỗng một ngày nọ… nhưng đấy là câu chuyện sẽ kể sau.

    Ký ức 5 tuổi không có gì nhiều khi còn quá nhỏ ngoài tiếng còi tàu, tiếng chân chạy trên sỏi trắng và mùi hương ngọc lan đi lang thang trong sân nhà sau cơn mưa tối.
    Thằng bé sẽ theo tiếng còi tàu cùng mẹ từ giã nơi này rất sớm…
    Sài Gòn 1959.

    Tên tôi lúc ấy: Trần Thế Quân .

    3. Ngã Ba Ông Tạ, xóm đạo chuông chiều, Juse và Judas…
    Rời ngôi nhà nơi cổng xe lửa số 8 vì sao không rõ.

    Nhưng tôi về đây vùng ngã ba Ông Tạ, hẻm con mắt, ấp Hàng Dầu và xóm đạo An Lạc nơi nổi tiếng với câu truyền miệng “Trai Nam Thái – Gái An Lạc", gái An Lạc đẹp, tất nhiên mẹ tôi là một ví dụ dù bà đẹp từ khi là thiếu nữ ở tận Hà thành chưa vào đến Sài Gòn.

    Nhưng “thiếu gia công tử" bắt đầu cuộc hành trình bụi bặm từ đây khi mới lên 10. Trẻ con chưa có khái niệm vật chất, với nó sự tự do lêu lổng mới là điều đáng kể. Tôi thành kẻ tự do sớm nhất, tha hồ lêu lổng nơi xóm đạo này.

    Ngôi nhà khang trang có sân trải sỏi sớm biến mất trong trí nhớ. Một căn nhà mái lá tường vách gỗ đơn sơ sẽ còn rất lâu trong trí nhớ. Tôi đi học trường đạo của nhà thờ, tất nhiên phải theo đạo – 8 tuổi rước lễ lần đầu – 12 tuổi thành phụ lễ nhà Chúa. Tên thánh là Juse mà chỉ 5 năm sau nó sẽ tự hài hước với chính mình, "ta đã thành Judas, kẻ bán Chúa", dù nó chẳng bán ai, chỉ chia tay nhà Chúa đến hàng chục năm sau.

    Xóm đạo nhà cửa đơn sơ. Ngôi nhà thờ bằng gỗ với tượng Chúa xòe tay từ trên cao, ống tay áo của Người là nơi ra vào của chim én, chim sẻ. Hai hàng cây bông gòn dọc hai bên nhà thờ, mùa khô trái bông gòn nổ lốp bốp bay trắng cả trời, bám vào tóc, vào áo người đi lễ. Mẹ tôi thu về làm nệm gối nằm có khi còn cả hạt bông gòn trong gối.

    II. Thế hệ Hippies SàiGòn cũng không dễ dàng được chấp nhận


    Thế hệ Hippies Sài Gòn cũng không dễ dàng được chấp nhận bởi cha mẹ mình. Cảnh sát vẫn hỏi giấy tờ quân dịch để tống chàng hippie tóc dài nào đó vào quân trường. Cha mẹ vẫn nhịp chiếc roi mây răn đe và sẵn sàng dập tắt mọi dấu hiệu “nổi loạn“ của con cái.

    4. Cô Hippy lạc loài
    Hình ảnh anh chàng cao kều Scott McKenzie, tóc dài, ria mép ngồi xếp bằng tròn nghêu ngao “If you're going to San Francisco. Be sure to wear some flowers in your hair…”, ca khúc nổi tiếng và mặc nhiên trở thành nhạc hiệu cho phong trào Hippies đang thời thịnh trị xâm chiếm gần hết thế giới khi ấy. Sài Gòn không ngoài vùng ảnh hưởng. Năm 1970 - 1972 những bông hoa Hippies màu vàng cam tràn ngập trên mắt kính, dán trên xe, in trên áo và tuổi trẻ Sài òn tóc dài, quần ống loe, giày mọi cũng là dấu hiệu dễ dàng để nhận ra nhau - những chàng, những nàng Hippies mà từ đó phát sinh câu thành ngữ mang hàm nghĩa trêu ghẹo (?): “Hippies choi choi lỗ đít có vòi!”.

    Chiếc áo Hippies đầu tiên của tôi do Đỗ Lễ mang đến, bảo “Thích không? Của cháu đấy!“, tôi biết rõ để lấy lòng tôi mỗi khi tôi để nhạc cho quán cà phê, chiếc áo sẽ nhắc “nhớ để nhạc của Đỗ Lễ!“, những bông hoa Hippies màu vàng cam rực rỡ cả giấc ngủ những ngày sau đó, nhưng tôi không dám mặc công khai. Ông chú, chồng của dì tôi quá nghiêm khắc. Tóc dài kéo sẽ sởn, áo Hippies sẽ tịch thu. Ông nhà trên thì tôi nhà dưới, và ngược lại, lẩn nhau như chạch dù ở chung nhà. Tôi giấu kỹ chiếc áo, đôi giày mọi trong cặp, khi nào phóng ra đường sẽ tìm chỗ mặc vào để thành chàng Hippy trẻ tuổi cùng vào đám đông.

    Phạm Duy quả là một nhạc sĩ bén nhạy thời cuộc. Những đứa con ông lập thành ban nhạc danh tiếng vang lừng thập niên 70 “The Dreamers“ với Duy Quang, Duy Cường, Duy Minh, Duy Hùng, Thái Hiền đều tóc dài, quần pát và những ca khúc thơm ngát mùi tuổi hồng tuổi ngọc… Những bài bình ca bỏ mùi súng đạn sau lưng thế hệ đang đối diện với chiến tranh hằng ngày. ”Sống sót trở về tên cường đạo lau kiếm…xé áo giang hồ xin chèo đò trên bến…” hay "Và khi đưa nhau về... gặp anh hippie trẻ... mặc áo rách đứng bên nhà thờ... trông đẹp tựa hình Chúa hiền mơ...".

    Thế hệ Hippies Sài Gòn cũng không dễ dàng được chấp nhận bởi cha mẹ mình. Cảnh sát vẫn hỏi giấy tờ quân dịch để tống chàng Hippy tóc dài nào đó vào quân trường. Cha mẹ vẫn nhịp chiếc roi mây răn đe và sẵn sàng dập tắt mọi dấu hiệu “nổi loạn“ của con cái. Nhưng Hippies là hòa bình, hình ảnh con bồ câu trắng đậu trên cần đàn cũng là một biểu tượng của Hippies. Nhưng thế hệ trẻ nơi nào cũng cô đơn. Lạc lõng, dễ dàng bị đẩy ra bên lề đời sống. Ma túy, tình dục, sa đọa, thác loạn, yêu cuồng sống vội, v.v.. luôn được chụp xuống vai những người trẻ tuổi có chiếc áo hoa sặc sỡ.

    Mẹ lo buôn bán, chỉ ông chú khắc nghiệt và lần đầu tiên trong đời chàng thanh niên 18 tuổi nhận ra một trong những hạnh phúc của mình là: không có bố!

    Tự do và đào thoát muôn năm!
    Nữ sĩ Nhã Ca cũng lại đứng cạnh giới trẻ, đi cùng nỗi cô đơn, khắc khoải của họ.Cô Hippy lạc loài ra đời, sách gối đầu giường những người trẻ tuổi cô đơn. Phong trào Hippies SàiGòn 1970 lóe lên như nỗi buồn rực rỡ
    và cũng lụi tàn rực rỡ bởi thời cuộc và chiến tranh.

    Những bông hoa vàng cam rụng lả tả rồi nhòa đi trong giấc mơ một người tuổi trẻ...

    5. Phượng là con chim bay vào trí nhớ…
    Hồi ức này tôi sẽ không để hết tên nhân vật trừ khi cần thiết phải để tên, nếu ai còn sống thấy không đúng thì lên tiếng, tôi sẽ viết nhiều về vùng Ông Tạ nơi tuổi hoa niên của tôi còn đậm dấu ấn, mà lạ thay thời gian không đủ sức làm phai nhạt nó. Mỗi lần trở về, tôi như Từ Thức về trần. Đường xưa lối cũ còn đó dù đã đổi thay. Tôi nhớ hết tên người, đường ngang ngõ tắt nhưng khổ thay, người cũ không còn, cảnh cũ không còn. Hỏi ai cũng lắc đầu, “thương hải biến vi tang điền”, kẻ trở lại nay đã là ông lão sao hỏi tìm ký ức tuổi thơ? Ai mà biết, ai mà nhớ…

    Này ông Sơn Đảo danh trấn giang hồ một thời, tôi vai cháu gọi ông bằng chú bởi lẽ ông gọi mẹ tôi bằng chị. Danh ông, tên ông tôi thừa biết, ai sợ ông chứ tôi chả sợ. “Chú! Cháu mất cái xe đạp chỗ ấy!“, chỉ vài ngày sau “Mày ra lấy lại xe đi!“ nhưng không còn là chiếc xe cà tàng của mình, nó đã được thay hết phụ tùng oách hơn, bảnh hơn. “Không phải xe của cháu ạ!“. “Xe mày đấy, thằng đàn em chú nó lỡ… chú cho nó tiền bù vào những gì nó thay đổi của mày, chú dặn đấy là thằng cháu, bọn mày tránh xa nó ra…”. Tôi cảm ơn ông Sơn Đảo, tôi không chơi với ông, tất nhiên, nhưng tôi chơi với Hoàn bệu, Tiềm khàn, Hào rụt em ông. Tiềm khàn nổi tiếng về nhảy đầm, nhảy đẹp có cúp có giải đàng hoàng. Tôi nhỏ hơn vài tuổi chưa biết nhảy đầm, chỉ “anh Tiềm, đưa em vài chục, em cần! “ là có vài chục tha hồ mua gì mình muốn. Họ xem tôi như thằng em, chiều nó chút đỉnh chả sao vì nó hay đưa dùm thư tỏ tình của các ông anh cho chị Thục người đẹp nhất xóm đạo An Lạc thời ấy. Chị Thục chả thua gì ca sĩ Thanh Lan sau này. Đẹp dã man mà cuộc đời cũng thảm dã man, toàn quen, toàn dính vào những tay nghiện ngập. Tôi thích chị nhưng là vai em chả dám ho he dù những lần nhìn chị khóc, tôi cũng muốn khóc.

    Ngôi trường Thánh Tâm tôi học vài năm cũng là nơi tôi biết nhớ nhung cô bạn gái đầu tiên, mà khốn nạn thay cho thân tôi, hóa ra chỉ vì cô giống một hình bìa tình cờ của họa sĩ Đinh Tiến Luyện trên tuần san Tuổi Ngọc. Mắt nai to ngơ ngác. Môi nũng nịu… Mối tình thầm lặng kéo dài cho tới lúc chẳng ai còn gặp ai nữa, vĩnh viễn mất dấu. Nếu được gặp lại một lần trong đời tôi sẽ nín thở, can đảm đến nói “ P! Tao yêu mày!“ nhưng đấy chỉ là tưởng tượng, mãi mãi là tưởng tượng.

    P. giờ chắc cũng đã thành bà cụ. Nàng không phải là phương, phường, phưởng… tên nàng là Phượng, “em gái giáo sư Cg có bộ râu dê". ”Phượng là con chim bay vào trí nhớ…”, thơ ai, không phải thơ tôi. Giá mà tôi làm được câu thơ như thế.

    Ngã Ba Ông Tạ. Những mùa Giáng Sinh se lạnh, dây kim tuyến, trái châu lấp lánh, thiệp Noel thơm mùi mực in và bài hát của ông Nguyễn Vũ sống bên kia khu Nghĩa Hòa “bài thánh ca đó còn nhớ không em… Noel năm nào chúng mình có nhau…”. Tôi từng viết Ông Tạ có hai điều đặc sắc: Một là thành nhà văn, hai thành du đãng. Tôi quên mất, còn thành nhạc sĩ nữa. Như Nguyễn Vũ.

    Phượng là con chim bay vào trí nhớ…
    Em còn sống đấy chứ, P?


    III. Ký ức không quên về Mậu Thân giữa lòng SàiGòn


    Có lẽ đấy sẽ là một giao thừa mà tiếng nổ thoạt đầu tưởng rằng của tiếng pháo kéo dài nhất, lâu nhất đến tận sáng Mùng 1. Đến lúc ấy , người SàiGòn mới biết thành phố đã bị tổng tấn công từ nhiều hướng.

    6. Những ngày lêu lổng và…
    Ao hồ, đầm lầy, những ruộng rau muống mênh mông… xóm đạo hình thành từ khung cảnh ấy. Quần cư và mang theo đầy đủ thói quen, tính cách, giọng nói của người di cư miền ngoài. Giọng Bắc là âm sắc lạ với dân miền Nam, nó cũng thường khởi đầu cho những xung đột trẻ con “Ê! Thằng Bắc Kỳ con!", “Bắc Kỳ con, bỏ dzô lon kêu chit chit, bỏ dzô đít hết kêu"... luôn gây thành những trận đánh nhau, vật nhau huỳnh huỵch trên nền đường bùn đất ngày mưa. Thiếu gia công tử trắng trẻo đã biến mất, nay là một thằng nhãi lấm lem sẵn sàng buông cặp uỵch nhau với bất cứ kẻ nào “Ê, Bắc Kỳ” với nó. Bà mẹ trẻ khâu vá chiếc áo cho con trai thường thở dài “khổ thân con tôi” nhưng trẻ con buồn ít hơn vui, chỉ hôm sau lại bắn bi, tắm mưa chung một bầy đủ nam đủ bắc ngoài ngõ ngoài đường.

    Dân khu Ông Tạ có 2 điều nổi tiếng: Một thành nhà văn, hai thành du đãng. Đấy là điều sau này tôi mới biết khi đủ tuổi thành niên. Khi ấy chỉ nhớ rằng hễ nhập nhoạng tối taxi thường từ chối chở khách về ngã ba Ông Tạ, ngã tư Bảy Hiền, khu nhà giây thép gió (cách gọi khác của bưu điện).

    Những cánh diều đầu tiên trong đời bay lên từ con đê đất nhỏ ngăn chia những ruộng rau muống mênh mông kia mỗi buổi chiều lộng gió. Những con cá lia thia, bảy màu sẽ được bắt lên bằng tay, bằng vợt từ những ao, đầm ấy. Những cánh chuồn chuồn đáp xuống và dính vào đầu chiếc sào tre bôi thứ keo dính bằng dây thun, bong bóng ngâm dầu hôi. Bắt chúng chỉ như một trò chơi nghèo khó.

    A! Những ruộng rau muống xanh rờn. Thứ rau thoạt đầu chỉ người Bắc mới ăn, thứ rau sẽ trở nên quen thuộc nhiều năm sau nữa với người miền Nam nhưng nó cũng có một “lịch sử“ qua lời bài hát Tình Bắc - duyên Nam của Xuân Tiên được ai đấy cải biên. “Người từ là từ phương Bắc đã qua dòng sông mang vào… một giống rau dài… gọi là rau muống…ơi! Trồng đất nó không lên bèn đem… bèn đem đi cầm quăng xuống ao… Người từ là từ phương Bắc đã qua dòng sông mang vào một giống rau dài… gọi là rau muống…ơi! Người Bắc khen ngon… còn người Nam…người Nam nói rằng…heo nó ăn...”.

    Mẹ tôi bán căn nhà lá, mua một căn nhà khác đầu ngõ ấp Hàng Dầu mở một quán cà phê và ở cùng người em gái tôi gọi bằng dì. Hai chị em đóng góp cho cái danh tiếng “gái An Lạc“ bằng nhan sắc của mình. Mẹ tôi tên Hảo, dì tên Hán.”Hảo Hán“ nhưng chuyện khôi hài xảy ra khi làm giấy tờ, thủ tục gì đấy, tên cô Hảo thì đúng, tên cô Hán bỗng được thêm chữ “g“ vào cuối theo cách phát âm miền Nam. Người ghi hồ sơ, giấy tờ phát âm sao ghi ra vậy. Dì thành cô…Đỗ Thị Háng. Đành phải làm thêm một thủ tục khác ghi rõ trong căn cước: Đỗ Thị Háng, tự Mỹ Ngọc.

    Mỹ Ngọc mới đúng nhan sắc dì. Còn cô Háng thì nghe…kinh quá!

    Căn nhà mới sẽ thành quán cà phê ở khoảnh sân có bóng cây vú sữa tỏa mát. Nhưng có một nỗi kinh dị của riêng tôi khi rời ngôi nhà lá đơn sơ chỉ ở vài năm ấy. Nhiều đêm tôi thức giấc nhìn từ màn ngủ ra góc tường tối phía chái bếp sau nhà, có những đứa trẻ trạc tuổi mình, áo quần nhếch nhác bò ra lổm ngổm. Mỗi lần chúng xuất hiện trong đêm luôn có một âm thanh báo trước, dường như chỉ mình tôi nghe thấy. Tôi thường giãy thét giữa khuya, rất nhiều đêm như thế, đến nỗi nhiều buổi sáng mẹ phải qua hàng xóm nói lời xin lỗi bởi sự phàn nàn của họ. Căn nhà ấy chỉ tôi biết: có ma!

    Tên tôi bây giờ mang họ mẹ: Đỗ Trung Quân.

    7. Mùi cỏ ướt, bãi cỏ may và trẻ con đã lớn để thấy...
    Ở Ngã Ba Ông Tạ, xóm đạo Công Giáo nhưng lại đi học ở một ngôi trường của hội thánh Tin lành. Mẹ tôi thường thế, ở đâu tiện trường nào thì xin học cho con. Không lâu nữa từ ngôi trường của Tin Lành tôi sẽ lại thấy mình ở một ngôi trường nhỏ khác trong sân chùa, toàn áo lam tăng sĩ.

    Trường Cơ Đốc Phục Lâm. Đấy là ngôi trường mà sau này tôi mới biết mục sư cũng là nhà hoạt động văn hóa danh tiếng của Sài Gòn điều hành: Ông là nhà nhiếp ảnh, nhà giáo, nhạc sư Lê Văn Khoa. Ngôi trường xây dựng kiểu Mỹ, phòng học, bàn ghế kiểu Mỹ. Mỗi học sinh một bàn nhỏ riêng biệt, không ngồi chung một băng dài. Sân cỏ mênh mông bằng cả một sân bóng đá (một phần của nó bây giờ là Bệnh viên Y học dân tộc).

    Lại bắt đầu làm quen bằng Kinh thánh. Môn này tôi giỏi bất ngờ với bạn học dù chả có gì bất ngờ với đứa bé đã rước lễ lần đầu nơi xóm đạo. Mùi cỏ ướt được cắt tỉa mỗi ngày của sân trường và chỉ thích chạy tuôn qua những vùng cỏ may cho bám đầy ống quần sẽ đánh thức những mơ mộng đầu tiên của thằng bé lớp Đệ Thất.

    Mỗi sáng xe đón học trước cổng nhà và con chó nhỏ lại phóng theo suốt quãng đường dài cho đến khi tôi phát giác hét “lu! về nhà!“.

    Chỉ có thế và chỉ 2 cái tết nữa tôi 14 tuổi sẽ đón một giao thừa đầy mùi lửa đạn: Tết Mậu Thân.

    Tết Mậu Thân
    Có lẽ đấy sẽ là một Giao Thừa mà tiếng nổ thoạt đầu tưởng rằng của tiếng pháo kéo dài nhất, lâu nhất đến tận sáng mùng 1. Đến lúc ấy, người Sài Gòn mới biết thành phố của mình đã bị tổng tấn công từ nhiều hướng. Ngã Tư Bảy Hiền ngùn ngụt lửa đạn, rất dễ dàng nhìn thấy những chiếc phản lực cắt những đường vòng cung trên bầu trời để trút bom xuống những vùng ngùn ngụt lửa.

    Một cái Tết máu lửa nhưng lạ thay, với đám thiếu niên 14, 15 tuổi nó bỗng nhiều khác lạ. Thành phố giới nghiêm sau những hồi còi dài, hỏa châu sáng rực bay qua những khoảng sân tối, góc trời đỏ bầm. Những chiếc hầm chất chồng bao cát vội vã dựng lên trong các ngôi nhà. Đấy sẽ là nơi bọn trẻ được lùa xuống mỗi đêm sau hồi còi báo động.

    Và tiếng hát Khánh Ly…
    “Đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe… Đại bác đêm đêm ru da thịt vàng…đại bác nghe quen như câu dạo buồn, trẻ con chưa lớn để thấy quê hương…” áp tai vào những bao cát, từ hầm cát những đứa trẻ con bỗng thấy rõ quê hương bằng mùi bom đạn. Hồi chưa lâu, bom đạn mới chỉ nghe, chỉ đọc biết ở rất xa nơi ruộng đồng nào đó, nay chiến tranh đã vào tận thành phố. Tai điếc đặc vì tiếng nổ, xác người ngay trong hẻm ngõ, những ngôi nhà tan hoang vì đạn pháo rót vào...

    Cũng không lâu nữa sẽ thấy trên truyền hình đầy hình ảnh bi thảm khai quật những xác người ở Huế trên nền bài hát Exodus bi thương.

    Tiếng hát Khánh Ly giữa khuya từ ngôi nhà nào đó còn để nhạc, văng vẳng những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Những ca khúc sẽ làm một thế hệ thiếu niên bỗng mất tuổi thanh niên để vụt thành những người không có tuổi trẻ. Điếu thuốc sẽ cắm rất sớm trên môi và những đôi mắt sớm rượi buồn nhìn trừng vào thân phận nhược tiểu, da vàng…

    Trẻ con đã lớn... để thấy... quê hương…

    IV. SàiGòn ra lệnh động viên năm 1972


    1972 - chiến tranh Việt Nam đã lên đỉnh điểm của khốc liệt. Báo chí Sài Gòn tràn ngập tin tức về những trận đánh kinh hoàng từ Quảng Trị cổ thành, những cuộc đánh chiếm và tái chiếm.

    8. Thời của nhạc, thời của Sartre…
    Quán cà phê của mẹ ra đời muộn màng khi bên kia đường Mai Khôi quán Thăng Long đã quá nổi tiếng. Ông chủ người Hà Nội dáng vẻ thể thao, lịch lãm. Quán nổi tiếng với món bánh mì điểm tâm, nó thành thương hiệu một thời “bánh mì Thăng Long“ vùng Ông Tạ ai cũng biết tiếng. Bà mẹ trẻ mở quán chỉ để nuôi con, còn danh tiếng có lẽ (tôi đoán thế) vì cô chủ quán rất đẹp, chỉ xấp xỉ 30 tuổi lại… không chồng. Món mà cánh đàn ông thời nào cũng rình rập lượn lờ (xin hương hồn mom bỏ qua cho).

    Tôi 15 tuổi, ria mép và mụn tùm lum. Đi học về buông cặp nhảy vào trước dàn máy Akai Nhật với chồng băng to đùng, mẹ giao tôi lo chuyện nhạc nhẽo cho khách, cứ dòm mặt khách mà để nhạc. Trẻ, tóc Beatles thì nhạc Mỹ; trông mơ mộng, đài các thì nhạc Pháp; ngó buồn bã, thất tình thì cứ Sang ngang của Đỗ Lễ mà để. Đỗ Lễ gọi mẹ tôi bằng chị, vào Nam một mình nên mẹ tôi nhận làm em nuôi. Xấu giai nhưng rất nổi tiếng sát gái với chương trình “Thời trang nhạc tuyển" trên truyền hình. Mở lớp dạy nhạc vô vàn cô gái xinh đẹp đóng phí tiền lẫn tình. Khi ấy Đỗ Lễ đã nổi tiếng với Sang ngang và Tình phụ, mỗi tháng một đôi lần ghé quán đưa những băng nhạc mới "tặng chị".

    Thằng cháu là tôi cười thầm ôm chồng băng mới toanh nhảy vào cư xá Chu Mạnh Trinh chỗ phòng thu của nhạc sĩ Tuấn Khanh Hoa xoan bên thềm cũ xóa sạch, thu nhạc mới của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An hay Carpenters, Francoise Hardy, Dalida, v.v.. cho khách nghe. Mẹ giao thêm nhiệm vụ nếu thấy quán cà phê nào có những album nhạc mới ra, quán nhà chưa có thì tôi đi thâu về. Tôi được cho phép la cà quán xá sớm với nhiệm vụ vinh quang, bà chẳng biết thằng con toàn đút đầu vào những quán tối mù với cuốn sách triết dày cộm kẹp nách, nhữngHố thẳm tư tưởng, Mặt trời không bao giờ có thật ... Krishnamurti... đọc chả hiểu gì, trí tuệ không khai sáng được mấy, vẫn tối mò mò nhưng kính cận thì ngày một dày thêm.

    Những quán cà phê khung cảnh lãng mạn hay có bảng hiệu nghe rất hiện sinh như "Đỉnh thiêng" "Trầm vọng"... luôn có một cô “vai nhỏ tóc mềm“ đứng cashier, ít nói ít cười, gương mặt khói sương như tranh Đinh Cường, Nguyên Khai, Trịnh Cung… là đủ để những cây si tóc phủ gáy, gầy như cò hương, cận lòi mọc lên nườm nượp trong quán. Tôi cũng không ngoại lệ, cũng ngồi đồng, cũng đốt thuốc dù ban đầu ho sù sụ. Nhưng thu băng cho mẹ vẫn đàng hoàng dù có khai khống tiền thu để đút túi la cà ngoài số tiền được cấp. Có những cô gái đứng cashier, nghe chủ nói đã nghỉ việc, lấy chồng thì lập tức cũng xuất hiện nhiều thi sĩ rũ rượi, những bài thơ long lanh hơn nước mắt len lén để lại trên bàn.

    Quán cà phê là nơi khai sinh vô vàn thi sĩ, triết gia hơn mọi chỗ trên đời. Khi ấy tôi chưa làm thơ - thật phúc đức cho bà mẹ hiền lành.

    Trở về với quán xá nhà mình, tôi nhớ một cô gái có lẽ hơn tôi vài tuổi thường đến một mình, rũ tóc buồn rầu, hút thuốc một mình. Thấy cô là lập tức bài Sang ngang, "thôi nín đi em lệ đẫm vai rồi… buồn thương nữa chi” được tua đi tua lại nhiều lần. Giọng hát Lệ Thu không thất tình nghe cũng đủ chết, nói gì kẻ đã bị “if you go away…”. Nếu cô còn sống có lẽ đã thành một cụ bà, như tôi - một cụ ông, bây giờ.
    Quán đứng vững 3 năm rồi sụp đổ vì một lý do riêng từ gia đình. Có người vướng vào nghiện ngập, đấy cũng là lý do tôi thề suốt đời không chạm vào ma túy dù hàng chục năm sau trên tay không rời điếu thuốc lá.

    Để bớt gánh nặng cho mẹ, tôi xách gói ra đi. Mẹ khóc nhưng thằng con cười, nó sẽ được tự do một mình. Hành lý vỏn vẹn 2 bộ quần áo. Chấm hết.

    Năm 1972 - tôi 18 tuổi.

    9. Bầy Phượng Vĩ khác thường
    1972 - chiến tranh Việt Nam đã lên đỉnh điểm khốc liệt. Báo chí Sài Gòn tràn ngập tin tức về những trận đánh kinh hoàng từ Quảng Trị cổ thành, những cuộc đánh chiếm và tái chiếm đầy xương máu của cả hai bên tham chiến.

    Lịnh động viên và đôn quân bắt đầu. Đôn quân là thuật ngữ chỉ việc đẩy tuổi quân dịch lên sớm hơn quy định vì đòi hỏi bổ sung lực lượng ở chiến trường quá gấp gáp, ác liệt.

    Tôi cũng nằm trong lịnh đôn quân dù khai sinh đã được giảm xuống một tuổi khi làm lại để mang họ mẹ.

    Những buổi học không còn thú vị nữa dù gương mặt khả ái dán bết những sợi tóc mai trên đôi má rất hồng và tà áo trắng của cô gái lớp bên kia vẫn mỗi ngày đi dưới bóng lá hàng cây trong sân trường. Tôi bắt đầu hút thuốc, hút dữ dội và hầu như không nhìn đến sách vở. Đến trường cứ đến nhưng học thì không. Bạn bè bắt đầu cùng nhau quậy phá, có hôm lật bàn ghế mang ra giữa sân trường chất đống. Giám thị cũng chùn tay trước lũ ngựa chứng. Ban giám hiệu trường họp hành liên tục để thông báo học sinh nào muốn nghỉ học cứ nghỉ nhưng đừng phá phách đồ vật của trường.

    Trả lại em yêu, Thương ca chiến trường, Em hỏi anh bao giờ trở lại... của Phạm Duy ra đời, những ca khúc khét mùi khói súng. Trịnh Công Sơn với Ca khúc da vàng, Kinh Việt Nam, Ta phải thấy mặt trời… Những quán cà phê đặc quánh không khí u trầm, những gương mặt non trẻ im lặng nhả khói thuốc như tượng đá. Tôi để tóc dài chấm vai, ngón tay vàng khè khói thuốc. Lầm lũi tìm việc làm thêm kiếm tiền không phải để đóng học phí mà để đóng chặt mình vào quán xá, bắt đầu chạm đến những chai bia đầu tiên trong đời nhưng rồi cũng quay về với vị đắng cà phê.

    Tôi ở trọ trên bờ kinh Nhiêu Lộc, đi tìm những rạp chiếu bóng không ở quận trung tâm sang trọng, chỉ tầm tầm Thanh Vân, Đại Lợi, Long Phụng, Cao Đồng Hưng, Văn Hoa (Đa Kao) xin một chân phụ vẽ quảng cáo, nhưng quảng cáo phim không phải vẽ bích báo trong trường học. Tôi không được học vẽ ngày nào, chỉ làm công việc sai vặt đi mua hay mang những lon bột màu cho người thợ chính. Xóa, rửa những piano phim đã sử dụng để vẽ loạt phim quảng cáo mới, tiền chỉ đủ bánh mì cơm bình dân vỉa hè (khi ấy chưa có từ cơm bụi) và ly cà phê nhỏ kèm cóng sữa bò bỏ vào 4 điếu Lucky, Capstan.

    Bạn bè bỗng thích gây gổ đánh nhau trong quán cà phê mà nguyên nhân cũng thường không biết tại sao, khởi sự bởi điều gì.

    Bầy ngựa non tuyệt vọng.

    Bầy phượng vĩ khác thường là tên một tác phẩm của nữ sĩ Nhã Ca dành cho chúng tôi, lứa thanh niên còn trong trường học 17, 18 tuổi thời ấy.

    Tôi mắt cận 8 đi ốp tạm được nằm chờ giấy gọi nhập ngũ. Lũ bạn cùng lớp đi trước, khoác áo lính ra chiến trường 10 đứa hết 9 “anh trở về hòm gỗ cài hoa… anh trở về bằng chiếc băng ca, trên trực thăng sơn màu tang trắng …”.

    Năm 1973 - hiệp định Paris được ký kết. Tạm đình chiến. Tôi trở lại trường với những gương mặt lạ. Để rồi hàng chục năm sau đó vẫn thường quay về xóm cũ tìm thắp hương cho lũ bạn một thời.

    Toàn chết trẻ. Người yêu chắc cũng chỉ là “em tan trường về... đường mưa nho nhỏ... anh theo Ngọ về, gót giày lặng lẽ đường quê” là hết chuyện. Chiến tranh luôn đi cùng sex nhưng chúng tôi chỉ vừa mới lớn chưa hiểu gì cuộc đời.

    Bọn con trai đánh nhau dễ hơn là một lời tỏ tình.
    Hình như thời nào cũng thế.

    V. Tôi và đôi cánh Phượng Hoàng


    Phượng Hoàng là cái tên Việt Nam của phoenix, như eagle là đại bàng vậy thôi. Nhưng số phận của những nhạc sĩ trong ban nhạc này sẽ vất vả...

    10. Đôi cánh của Phượng Hoàng
    Hơn một thập niên hoàng kim của nhạc trẻ làm sao tôi có thể kể cho đủ những ca sĩ, nhạc sĩ, ban nhạc tên tuổi của Sài Gòn. Có ít nhất 3 lần “đại hội “ trong trên dưới 3 năm, tại: Lasalle Taberd, Sở Thú (Thảo Cầm Viên), Tao Đàn…

    Tôi chọn một ban nhạc có khuynh hướng Việt hóa âm nhạc của nước ngoài, họ cũng có những nhạc sĩ sáng tác xuất sắc thành một dòng chảy riêng không lẫn vào ai. Ban Phượng Hoàng với Lê Hựu Hà - Nguyễn Trung Cang là những thủ lĩnh…

    Phượng Hoàng là cái tên Việt Nam của Phoenix, như Eagle là Đại Bàng vậy thôi. Nhưng số phận của những nhạc sĩ trong ban nhạc này sẽ vất vả, sống trong sợ hãi bởi lẽ nhiều năm sau đó, khi chiến tranh kết thúc, ở một thể chế khác họ bị quy kết dính líu vào một chiến dịch tình báo cùng tên, “Chiến Dịch Phượng Hoàng“, mà chả có ai là tình báo cả. Họ đơn thuần là những người trẻ tuổi sáng tác và chơi nhạc. Thứ âm nhạc của những khắc khoải, âu lo nhưng cũng nồng nhiệt của thế hệ mình.

    Nguyễn Trung Cang, tác giả của những Mặt trời đen, Thương nhau ngày mưa, Huyền thoại một loài hoa trắng, Hãy nhìn xuống chân… là người mất sớm nhất trong ban nhạc. Lê Hựu Hà của Tôi muốn .... Cười lên đi em ơi và Đồng Xanh - Green Field Việt hóa bất hủ.

    Khi Phượng hoàng làm mưa làm gió trên sân khấu những nhạc hội mang không khí của Woodstock Việt Nam, tôi là chàng trai vô danh lẩn khuất dưới hàng nghìn khán giả trong Tao Đàn, Sở Thú. Nhảy tường vượt qua hàng rào soát vé và cảnh sát, bất kể cái đói để đắm vào âm nhạc tưng bừng trước mặt từ sáng đến tận chiều tối. Mệt thì nằm lăn ra cỏ, đói thì tìm phông-tên nước thay khúc bánh mì, miễn sao tai được nghe, mắt được nhìn thấy những con người quý hiếm có thể gần gũi đến vậy bằng một lễ hội của âm nhạc ngoài trời.

    Hơn 20 năm sau, khi ca sĩ tên tuổi của dòng Folk song - Country - John Denver sang đến Việt Nam, chơi một đêm duy nhất ở nhà hát Hòa Bình, tiếp theo là Lobo ở sân Phan Đình Phùng thì tay cùng đi, đứng cạnh tôi, hét to nhất những ca khúc và hát theo với Lobo không ai khác là Lê Hựu Hà.

    1970 - 1972 chỉ 2 năm ngắn ngủi nhưng khốc liệt của chiến tranh đã làm thay đổi ý thức hệ của một thế hệ trong mọi hình thái, từ văn chương, nghệ thuật, âm nhạc và xã hội. Đấy là một thế hệ không có tuổi trẻ dù tuổi trẻ có vẻ như được tự do thể hiện tất cả những điều cần bày tỏ. Hoài nghi, hy vọng, tuyệt vọng, v.v..

    Nhưng Phượng Hoàng vẫn thắp lên niềm lạc quan giữa những miền u uất của mình. "Dù đời không yêu ta… vẫn cứ yêu thương đời…”, "Tôi chia anh trọn gia tài… tôi chia em trọn gia tài… để quý mến nhau là xâu chuỗi màu… tình yêu trao nhau là châu báu…”.

    Quả thật không thể kể hết những cái tên người mà từ những dòng kẻ âm nhạc của họ - gương mặt một thế hệ, chân dung thời cuộc được khắc họa trọn vẹn với những niềm vui lẫn đau đớn, chia lìa…

    Còn nguyên vẹn trong tôi đôi mắt tinh quái sau tròng kính lấp lánh, nụ cười tươi, giọng nói nhẹ nhàng, phong cách lịch sự của một tay xuất thân “dân trường Tây“ một bó hoa mỗi ngày mà tôi phải mang đến tặng một người con gái thay cho anh, còn chàng nhạc sĩ khi ấy đã qua 2 lần tuổi hai mươi vẫn hồi hộp, lo âu đứng xa ngoài đầu hẻm “cô ấy nhận hoa có cười không? Anh phải giữ lời đừng tiết lộ là của Hà nhé …”. "Vậy tôi nói của tôi nhá! ". "Ê! Hông được nghen"... nhưng đấy là câu chuyện khác khi “phượng hoàng“ đã bắt đầu nhè nhẹ vẫy lên đôi cánh mênh mông, sáng chói một thời của mình dù nỗi ám ảnh và sợ hãi vẫn ít nhiều còn đó.

    Khi ấy chỉ còn mình anh - Lê Hựu Hà.

    Đỗ Trung Quân


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X