Thông báo

Collapse
No announcement yet.

NĂM DẬU, NÓI CHUYỆN GÀ - Kha Lăng Đa

Collapse
X

NĂM DẬU, NÓI CHUYỆN GÀ - Kha Lăng Đa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • NĂM DẬU, NÓI CHUYỆN GÀ - Kha Lăng Đa



    NĂM DẬU, NÓI CHUYỆN GÀ
    Kha Lăng Đa
    *****


    Năm nay là năm Dậu, tức Năm Con Gà”, kết hợp với Thiên can thứ 4 là Đinh nên gọi là Năm Đinh Dậu. Hình ảnh con gà ngóng cổ gáy sáng đem lại cho chúng ta niềm hy vọng như buổi bình minh sẽ đến sau đêm dài tăm tối. Nhớ 2 câu Sấm Trạng Trình:

    “Mã đề dương cước anh hung tận,
    Thân Dậu niên lai kiến thái bình.”


    Mọi người càng rạo rực lòng mong chờ ánh sánh bình minh báo hiệu cuộc sống thái bình khi Con Gà xuất hiện.

    Gà là một trong những giống gia cầm được con người nuôi khắp thế giới.

    Gà trống được phân biệt với gà mái bởi bộ lông sặc sỡ, đuôi dài bóng láng và cái mồng đỏ thắm, lớn hơn mồng của gà mái. Tuy nhiên, giống gà Sebright thì gà trống và gà mái gần giống nhau. Gà sống thành đàn, có gà đầu đàn duy trì trật tự trong đàn. Tiếng gáy của gà trống là tiếng vọng vang các vùng lân cận để báo hiệu trời sắp rạng đông, để “tuyên xưng lãnh thổ” của đàn chúng nó đang sống và cũng là tiếng “tuyên xưng chiến thắng” sau trận đấu với gà trống khác.

    Gà mái đẻ được khoảng 12 trứng thì nằm ổ, ấp trứng. Trứng sẽ nở ra gà con trong vòng 21 ngày và sau 2 hoặc 3 ngày nằm chờ gà con ra khỏi trứng, gà mẹ xuống khỏi ổ, dẫn gà con đi bới những đống rơm rác... tìm thức ăn nuôi con và thường ấp ủ đàn gà con dưới đôi cánh khi trời trở lạnh. Gà mái có tiếng “cục tác” để báo hiếu vừa đẻ trứng xong và cũng là tiếng biểu lộ sự hoảng hốt, ngạc nhiên. Vài tuần sau, gà mái lại tiếp tục đẻ trứng. Gà con khi gần đủ lông thì lìa đàn để sống độc lập. Thức ăn của gà là gạo, thóc, côn trùng... Tuổi thọ của gà từ 5 đến 10 năm. Một con gà có tên là Matilda (Mỹ) sống lâu nhứt thế giới, tuổi thọ được 14 năm (Được công bố trên website ngày 27-4-2004)

    Nguồn gốc của loài gà được sinh ra bởi loài “Gà rừng lông đỏ” (Gallus, gallus) lai giống với “Gà rừng lông xám” (Gallus sonneratii) và loài người đã thuần hoá giống gà đầu tiên ở Ấn Độ để làm gà chọi chớ chưa có mục đích nuôi lấy trứng, lấy thịt. Những nghiên cứu về sau về nguồn gốc của loài gà với những “nhánh” ở Châu Mỹ, Châu Âu, Trung Đông đều bắt nguồn ở Ấn Độ từ 2.500 – 2.100 năm trước Công Nguyên.

    Một biến thể gà khác thường có nguồn gốc ở Nam Mỹ được gọi là araucana, được người Mapuche ở Chile nuôi. Gà araucana đẻ trứng màu xanh dương pha màu xanh lá cây. Từ lâu, người ta đã cho rằng giống gà nầy có trước khi người Tây Ban Nha mang theo gà Châu Âu đến châu lục nầy.

    Gà Silkie là loại gà có bộ lông cánh óng mượt, Trung Quốc và Nhựt Bản đều xác nhận là loại gà xuất xứ từ nước họ, Đặc biệt, gà Silkie có lông trắng óng mướt và thịt đen, được nấu thành những món khoái khẩu của Đông phương và lông của chúng dùng làm mồi câu cá hồi Đại Tây Dương trên những con sông nổi tiếng ở Scotland.

    Gà trống Leon là giống gà lâu đời nhứt thế giới. Những bức tranh hoạ hình của chúng từ năm 1624. Giống gà nầy được nuôi ở Tây Bắc Tây Ban Nha và ngư dân dung lông của chúng làm mồi câu cá.

    Gà Bantam nổi tiếng ở Châu Âu, nó thuộc giống gà Bắc Kinh, có bộ lông dầy, chân và nón chân to lớn khác thường. Gà trống trông rất uy nghi, tính khí hung hăng, gà mái thì hiền lành.

    Gà Plymouth có bộ lông kết hợp nhiều màu sắc: cổ và lưng màu trắng, ngực và đuôi màu xanh đen. Gà mái có bộ lông màu xám chì. Loại gà nầy chỉ to bằng 1/4 hoặc 1/5 gà thường. Chúng là “vườn hoa” của thế giới gia cầm và có xuất xứ từ phương Đông.

    Gà Ba Lan là giống gà đẹp nhứt thế giới. Chúng có cái mào khổng lồ. Những đám lông lớn đã tô điểm cho cái đầu của chúng như một bông hoa lộng lẫy.

    Gà Lôi vàng là loài gà “gợi tình” nhứt thế giới. Đầu to, pha trộn mầu trắng đen, ngực màu vàng óng. Đám lông to trên đầu như cái mão. Trong mùa sinh sản, chúng giương bộ lộng đuôi lộng lẫy và cát tiếng gáy để... gợi tình.

    Gà rừng Sài Gòn là loại chim lớn, có chiều cao khoảng 0,76m, bộ lông sặc sỡ. Bản tính chúng rất hung hăng, thích ăn côn trùng.

    Phượng hoàng vàng là loại gà có nguồn gốc tứ phương Đông, bộ lông đuôi dài đến 6m. Chúng là loại gà đẹp nhứt trên thế giới.

    Phần lớn gà được nuôi trong trang trại nhà máy để lấy thịt. Gà được làm thịt sau 14 tuần tuổi. Có đến 50 tỷ con gà được nuôi hằng năm cho thịt và trứng. Một số giống gà có thể đẻ 300 trứng 1 năm. (Con gà đẻ nhiều trứng kỷ lục thế giới năm 2011 là 371 trứng trong 364 ngày). Ngành nuôi gà phát triển mạnh nhờ phương pháp ấp trứng nhân tạo. Những kệ ấp trứng công nghiệp có thể chứa 10.000 trứng. Trong năm 2009, ước tính có khoảng 62 triệu tấn trứng được sản xuất khắp thế giới.

    Gà là con vật linh thiêng làm biểu tượng, tế lễ trong văn hoá cổ đại của La Mã, Ba Tư, Hy Lạp, Indonesia, Trung Hoa..

    Ở nước ta, theo truyền thuyết: năm Giáp Thìn 257 trước Tây Lịch, An Dương Vương xây thành Cổ Loa nhưng bị con “Bạch kê tinh” cấu kết với loài yêu quái ở núi Thất Diệu phá hoại việc xây thành. Cứ mỗi lần xây cất vừa xong thì thành bị sụp đổ . Sau nhờ có Thần Kim Quy đến giúp, diệt trừ loài yêu tinh, nhà vua mới xây được thành.

    Trong Tân Ước Chúa Giêsu đã tiên báo sự phản bội của Phê-rô: “Chúa đã trả lời: Tôi nói với bạn Peter, trước khi gà gáy hôm nay, bạn sẽ ba lần chối rằng bạn biết tôi” (57) Nó đã xảy ra, (58) và Peter khóc thảm thiết. Điều nầy làm cho con gà trống mang biểu tượng của cả sự cảnh giác và phản bội.

    Người xưa cho rằng gà có năm đặc tính và đức tính: văn, vũ, dũng, nhân, tín.

    Nói về chữ “văn” thì gà có cái mào đỏ và đẹp như cái mũ của quan văn. “Vũ” là hai cái cựa gà là khí giới của nó. “Dũng” là tướng hung dũng của gà, khi thấy địch thủ là tấn công ngay. “Nhân” là lông thương đồng loại của gà, thấy thức ăn là gọi gà khác đến ăn. “Tín” là gà luôn giữ đúng giờ gáy sáng.

    Người Việt Nam hay dùng hình ảnh con gà để gán cho con người. Những người ủ rủ, yếu đuối, quờ quạng, đuổi ruồi không bay thường được ví là “gà mờ”, “gà mắc mưa”, “gà nuốt dây thun”, “gà rù“, “gà mở cửa mã”, “ gà chết” (“chicken die”), “gà phải cáo”, “Dáo dác như gà mắc đẻ”, “Trói gà không chắt”, “Trông gà hoá cuốc”.. Trong kho tàng văn chương bình dân Việt Nam, tục ngữ, ca dao về gà rất phong phú. Ông cha ta đã để lại kinh nghiệm cho con cháu đời sau kinh nghiệm chon lựa giống gà tốt:

    Gà nâu, chân thấp, mình to,
    Đẻ nhiều, trứng lớn con vừa khéo nuôi.
    Chẳng nên nuôi giống pha mùi,
    Đẻ không được mấy, con nuôi vụng về.

    Nhứt to là giống gà nâu,
    Lông dày, thịt béo, về sau đẻ nhiều.

    Gà đen, chân trắng, mẹ mắng cũng mua,
    Gà trắng chân chì mua chi giống ấy.

    Gà cựa dài thì rắn, gà cựa ngắn thì mềm.


    Đây là kinh nghiệm chọn hướng khi làm chuồng gà:

    “ Chuồng gà hướng Đông, cái lông chẳng còn”

    Và đây là kinh nghiệm cho những người bán gà ở chợ:

    Chớ bán gà ngày gió, chớ bán chó ngày mưa.

    Ngày xưa, dân tộc ta có thú vui nuôi gà nòi để đá độ. Thú vui nầy ngày càng phổ biến và trở thành những cuộc cá độ ăn thua. Ngoài Bắc thì có huyện An Dương thuộc tỉnh Hải Dương nổi tiếng nuôi gà chọi. Trong lịch sử Việt Nam, vua Lê Huyền Tông ra lệnh cấm đá gà từ năm 1665. Trong Nam, những xứ nuôi “gà đòn” nổi tiếng là Bình Dương, Hóc Môn và Bà Điểm, nhưng Cao Lãnh nổi tiếng nuôi gà nòi để đá độ nên ca dao còn lưu truyền sự việc nầy. Ở đất Cao Lãnh lại có địa danh Nha Mân, con gái rất đẹp nên được ca ngợi trong câu ca dao với... gà Cao Lãnh:

    “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh,
    Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”


    Những câu khác bao gồm nhiều sự việc liên quan đến gà:

    Chó quen nhà, gà quen chuồng – Chó liền da, gà liền xương - Ếch tháng ba, gà tháng bảy - Một tiền gà, ba tiền thóc - Lợn thả, gà nhốt - Cơm đâu no chó, thóc đâu no gà - Thứ nhứt phao câu, nhì đầu cánh - Cơm gà, cá gỏi – Chó ăn đá, gà ăn sỏi – Đầu gà, đít vịt - Mặt tái như gà cắt tiết - Vắng chủ nhà gà voc niêu tôm – Gà tức nhau tiếng gáy – Mèo mã gà đồng – Chân gà lại bới ruột gà – Gà nhà bôi mặt đá nhau – Gà què ăn quẩ cối xay – Bút sa gà chết – Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng – Chơi chó, chó liếm mặt, chơi gà, gà mổ mắt – Con gà tốt mã về lông, răng đen về thuốc, rượu nồng về men – Gà khôn gà chẳng đá lang, gái khôn gái chẳng bỏ làng gái đi – Gái một con gà non một lứa – Ông nói gà bà nói vịt...

    Những câu thương cảm cho tình cảnh:

    Gà trống nuôi con - Mẹ gà con vịt chắc chiu, mấy đời mẹ ghẻ thương yêu con chồng - Vạ vịt chưa qua, vạ gà đã tới.

    Câu kinh nghiệm tiên đoán thới tiết:

    _ Chớp Đông nhay nháy, gà gáy thì mưa.
    _ Ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì mưa.
    _ Ráng mỡ gà, ai có nhà phải chống.
    _ Cỏ gà màu trắng, điềm nắng đã hết.
    _ Mùa hè đang nắng, cỏ gà trắng thì mưa.


    Câu chê trách thậm tệ cho hành vi phản bội tổ quốc như Lê Chiêu Thống ngày xưa và CSVN ngày nay: “Cỏng rắn cắn gà nhà”.

    Câu ca dao ví đấng trượng phu như phượng hoàng, lúc sa cơ thất thế có thì phượng hoàng cũng phải sống ngang hàng với loài gà:

    Phượng hoàng đậu nhánh cheo leo,
    Sa cơ thất thế phải theo đàn gà.
    Bao giờ mưa thuận gió hoà,
    Thay lông đổi cánh lại ra phượng hoàng.


    Câu ca dao như một lời than não nuột của người hiền phụ trong cuộc bể dâu:

    Trời làm một trận phong ba,
    Chồng tôi như đứa bán gà chợ phiên!
    Đàn bà mà đánh đàn ông thì bị phê phán:
    Nữ kê tác quái, gà mái đá gà cồ.


    Câu ca dao mà ai cũng biết để khuyên người trong nhà đứng xung đột với nhau:

    Khôn ngoan đá đáp người ngoài,
    Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.


    Câu ca dao nói về sự ngắn ngủi của đêm mùa hè:

    Buồn về một chỗ tháng năm,
    Chưa đặt mình nằm, gà gáy, chim kêu.
    Câu ca dao mà các bà hay hát ru con:
    Con gà cục tác lá chanh,
    Con lợi ủn ỉn mua hành cho tôi.
    Con chó khóc đứng khóc ngối,
    Bà ơi! đi chợ mua tôi đồng riềng.


    Những câu ca dao nhắc đến những danh lam thắng cảnh của nước Việt Nam trong đêm khuya có tiếng gà eo óc gáy:

    _Gió đưa khóm trúc la đà,
    Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương,
    Mịt mùng khói toả ngàn sương,
    Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.

    _ Bên chợ Đông Ba tiếng gà eo óc gáy,
    Bến đò Thọ Lộc tiếng trống tan canh.
    Giữa dòng Hương dợn song khuynh thành,
    Đêm khuya một chiếc thuyền mành ngã nghiêng.

    Trong văn chương Việt Nam có tác phẩm “Lục súc tranh công“ của tác giả Vô Danh kể chuyện 6 con vật trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn tranh nhau kể công. Đầu tiên, trâu tỵ với chó , chó cãi lại rồi chó tỵ với ngựa, ngựa tỵ với dê, dê tỵ với gà, gà tỵ với lợn. Nhờ chủ nhà giảng hoà, khuyên lơn, 6 con vật hiểu nhau và con nào lo công việc của con ấy. Sau đây là phần trích đoạn lời phản đối và kể công của gà khi bị công kích:

    Gà nghe nói, nóng gan, nóng phổi,
    Liền nhảy ra chớp cánh, giương đầu,
    Nầy này! Gà ngũ đức thẳm sâu:
    Nhân, dũng, tín, võ, văn gồm đủ.
    Trên đầu đội văn quan một mũ,
    Dưới chân đeo hai cựa thần thương,
    Đã ghe (1) phen đến chốn chiến trường,
    Lập công trận vang tai. lói óc,
    Thuở Tây Lũng tam canh trống thúc,
    Gà gáy đầu ba tiếng đêm khuya,
    Một tiếng rằng: thiên nhật tác thì (2)
    Một tiếng rằng: quốc tộ tác xương (3)
    Ba tiếng rằng: nhân gian tác lạc (4)
    Đã cứu nạn Mạnh-thường đặng thoát (5)
    Lại khuyên người Tấn-sĩ năm canh (6)
    Hẽ ai toan cải dữ về lành,
    Gà cũng biết tỉnh mê giấc điệp.

    . . . . . . . .
    Trong tác phẩm “Chinh Phụ Ngâm” có những câu diễn tả cảnh trông chồng của người chinh phụ giửa canh khuya:

    Gà eo óc gáy sương năm trống,
    Hoè phất phơ rủ bóng bốn bên.
    Khắc chờ đằng đẵng như niên,
    Mối sầu dằng dặc như miền bể xa.


    Tiếng gà gáy còn mãi vọng trong thi ca của những tác giả nổi tiếng ngày xưa:

    Tiếng gà văng vẳng gáu trên hom,
    Oán hận trông ra khắp một chòm.

    (Tự Tình - Hồ Xuân Hương)

    Tiếng gà gáy rụng trăng đầu hạ,
    Tôi hoàng hôn lên, giận sững sờ.

    (Thơ Hàn Mặc Tử)

    Tiếng gà nghe vọng đêm thâu,
    Giật mình ngỡ tiếng còi tàu năm xưa.

    (Thơ Nguyễn Bính)

    Tiếng gà xao xác gáy mau,
    Tiếng người đâu đã mé sau dậy dàng.

    (Kim Vân Kiều - Nguyễn Du)

    Ngày xưa, trong ngày Tết, dân ta thường treo những bức “Tranh Gà”:
    Trong bài thơ Xuân của Tú Xương cóm 2 câu nói đến tranh gà:

    Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột,
    Loẹt loè trên vách bức tranh gà.


    Một bài thơ của Nguyễn Khuyến tả “Đêm Mùa Hạ” oi bức và ngắn ngủi:

    Tháng tư đầu mùa hạ,
    Tiết trời thực oi ả.
    Tiếng dế kêu thiết tha,
    Đàn muỗi bay tơi tả.
    Nỗi ấy biết cùng ai,
    Cảnh nầy buồn cả dạ.
    Biếng nhắp năm canh chầy,
    Gà đà sớm giục giã.


    Vì thú đá gà trong đời nhà Trần đã trở thành môn cờ bạc mà dân chúng đam mê khi giăc Mông Nguyên xâm lấn bờ cõi nước ta nên trong bài “Hịch Tướng Sĩ” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có nhắn nhủ nhân dân như sau:

    . . . Nếu giặc có đến thì cựa gà trống sao cho đâm thủng được áo giáp; mẹo cờ bạc sao cho dùng nổi quân mưu…

    Thịt gà là nguồn thực phẩm quen thuộc và hấp dẫn của con người. Người ta đã chế biến nhiều món ăn thích khẩu bằng thịt gà như bún gà, phở gà, miến gà, mì gà. hủ tíu gà, gà quay, gà rút xương, gà nhồi thập cảm, gà rim nước dừa, gà kho sả ớt, gà nướng lá chanh, gà hấp muối, gà chưng cách thủy, gà xé phay, xôi gà gỏi gà , cháo gà...

    Theo sách thuốc Nam Dược Thần Hiệu của nhà sư Tuệ Tỉnh (1372 – 1377) thì cơ thể của con gà có nhiều dược tính.

    _ Thịt gà trống (Hùng kê nhục) có tính ấm, ngọt, không độc, hay động phong, bổ trung, an thai, liền xương, trị bệnh thũng, tê bại.
    _ Thịt gà mái (Thư kê nhục) , chua, tính bình, không độc, trị bệnh thấp, phong hàn, bổ 5 chứng hư lao, chữa trị bị thương, gãy xương, tích hòn cục, băng huyết và bạch đái.
    _ Xương gà ác (Ô kê cốt): ngọt , tính bình, không độc, chữa hư nhược, chữa đàn bà băng huyết, bạch đái, đau bụng, trẻ con đi lỵ, cấm khẩu.
    _ Máu mào gà (Kê quan huyết): mặn, tính không độc, giải độc, chữa ghẻ lở, chữa chết thắt cổ, trị gió độc, miệng méo lệch.
    _ Gan gà (kê can): ngọt đắng, ting hơi ấm, không độc, bổ thận, ích gan, tráng dương, trị đau bụng có thai ra máu và mắt mờ.
    _ (Kê linh): chữa chứng hạ huyết, mạnh phần âm, chữa hóc xương, mụn nhọt, trị con nít khóc đêm, đàn bà bị viêm bàng quang, đái rát.
    _ Chất trắng trong phân gà (Kê phẩn bạch): Tính hơi hàn, không độc, trị trúng phong sôi đàm, chân tay giá lạnh thương hàn, phong tê đái ra sạn, trong bụng tích cục. (Lấy phần trắng trong phân gà, sao lên mà dùng)
    _ Trứng gà (Kê tử): Ngọt, tính bình, không độc, bổ trung, giải nhiệt, trị các chứng lỵ, trị rôm sải, an thai, chữa tê bại.


    Trước nhiều cuộc đại loạn của thế giới và Việt Nam bị quằn quại đau thương dưới ách thống trị độc tài, gian ác của bè lũ CSVN, chúng ta đang chờ đợi ánh bình minh hy vọng khi “Con Gà” cất tiếng gáy vang. Nhân loại lo âu trước viễn ảnh hoà bình còn mờ nhạt trong khói sương. Chiến tranh khó chấm dứt vì tham vọng của con người ngày càng bộc phát mãnh liệt. Cuộc chiến ở Syria vẫn còn tiếp diễn. Trên biển Đông thì Trung Cộng vẫn hoành hành, chiếm đoạt quyền làm chủ. CSVN vẫn hèn với gịăc, ác với dân, ngày càng đàn áp tôn giáo, bắt bớ người yêu nước, cưỡng chế đất đai, chà đạp nhân quyền và bỏ ngỏ lãnh thổ, không phận cho Trung Cộng ra vào tự do. Hãng Formosa xả độc làm cho biển chết khiến nhân dân miền Trung sống trong thống khổ, điêu linh và CSVN xả lũ một cách ngu muội, tuỳ tiện đã gieo thêm bao thảm trạng cho dân lành. Nếu toàn dân không có cuộc nổi dậy lật đổ chế độ độc tài, phi nhân, bán nước, hại dân của VC thì giang san cẩm tú của nòi giống Lạc Hồng sẽ bị Bắc thuộc bởi giặc Tàu tàn ác, man rợ nhứt hoàn cầu.

    KHA LĂNG ĐA
    (Biên khảo)


    Ghi Chú:
    (1) Ghe: tiếng địa phương có nghĩa là nhiều.
    (2) Thiên nhật tác thì: thì giờ bắt đầu cho đúng.
    (3) Quốc tộ tác xương: Ngôi vua thịnh trị cho lâu bền.
    (4) Nhân gian tác lạc: Cõi người bắt đầu an vui.
    (5) Mạnh Thường Quân khi đi tỵ nạn, đến cửa thành giữa canh khuya, cửa thành đóng chặt, nhờ người gia nhân giả tiếng gà gáy nên người coi thành tưởng là trời sáng nên mở cửa thành. Nhờ vậy mà Mạnh Thường Quân thoát nạn.
    (6) Theo Tấn Thư, Tổ Dịch và Lưu Công là hai chí sĩ, đêm nghe gà gáy, thức dậy múa gươm.





Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X