Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Mùa Xuân mười tám

Collapse
X

Mùa Xuân mười tám

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Mùa Xuân mười tám

    Mùa Xuân mười tám.


    Hoàng Hải Thủy


    Tháng 12 năm 1946, chiến tranh Việt Pháp nổ ra ở Hà Nội, tôi theo thầy mẹ tôi về làng quê tôi – làng Linh Quy, tổng Kim Sơn, phủ Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh – trước đó gia đình tôi đã về làng quê mẹ tôi – làng Hòa Xá, phủ Vân Đình, tỉnh Hà Đông.

    Khi rời tỉnh Hà Đông, thầy mẹ tôi – như nhiều người Việt thời ấy – tưởng chúng tôi sẽ chỉ phải đi khỏi tỉnh Hà Đông chừng vài tháng là lại trở về. Nhưng sau khi gia đình tôi sống tạm ở Hòa Xá chừng hai tháng, thầy mẹ tôi thấy gia đình tôi phải về quê nội tôi mới có thể sống được lâu ngày... Thầy tôi có nhà, có vài mẫu ruộng ở làng quê Linh Quy; về đấy ít nhất chúng tôi cũng có gạo ăn, không đến nỗi khổ vì đói cơm.

    Từ Hòa Xá gia đình tôi trở lại căn nhà của chúng tôi trong thị xã Hà Đông. Từ Hà Đông muốn về làng quê tôi, ở Gia Lâm, Bắc Ninh, chúng tôi phải đi qua thành phố Hà Nội, qua cầu Doumer. Nhưng khi đó chiến tranh đã xẩy ra ở Hà Nội, chúng tôi phải đi sang Văn Điển, rồi rẽ trái, đi đò qua sông Hồng, đi bộ qua hai cánh đồng, qua đường Số 5, về làng tôi.

    Những ngày như lá, tháng như mây…

    Năm ấy tôi mười ba tuổi. Năm nay – Tháng Giêng năm 2017, tôi Tám Bó tuổi đời – không cần nhắm mắt hồi tưởng, tôi thấy ẩn hiện trong ký ức tôi cảnh mẹ con tôi đi ngang cánh đồng, nhìn thấy những chiếc phi cơ Spitfire của quân Pháp bay lượn, nổ súng xuống những vùng quanh phi trường Gia Lâm.

    Làng tôi có một tổ gọi là Tình Báo. Mấy anh tình báo này ở trong nhà bác tôi. Bốn anh. Tôi đến và thân với các anh ngay. Các anh đều dùng bí danh. Anh Trưởng Ban là anh Tường Lan, trạc 30 tuổi. Anh để bộ râu như râu ông Hồ Chí Minh. Ba anh kia là các anh Quốc Bảo, Quốc Khánh và Trần Trung Thành. Anh Thành thường được gọi là anh Ba Tê. Anh nào cũng dễ thương.

    Tôi mến anh Tường Lan, anh mến tôi. Anh cho tôi đi theo anh trong những chuyến anh đi công tác. Cho đến một ngày anh nói với tôi :

    – Anh đổi công tác. Anh đi nơi khác. Em có muốn đi theo anh không ?

    Tôi làm cuộc ra đi ngày ấy gọi là “thoát ly gia đình,” tôi lặng im ra đi. Tất nhiên tôi không thể thưa với thầy mẹ tôi chuyện tôi bỏ nhà ra đi làm cuộc gọi là “đi kháng chiến.” Thầy tôi có thể để tôi ra đi nhưng mẹ tôi thì không thể.

    Tôi được nhận vào làm nhân viên Ban Tình Báo Đặc Biệt Gia Lâm. Tôi có lương tháng: 120 đồng tiền Việt Minh một tháng. Những anh có vợ con lương 180 đồng một tháng. Tôi ăn cơm trong cơ quan mỗi tháng 50 đồng.

    Đêm, tôi theo anh Tường Lan qua sông Đuống. Anh đưa tôi đến trụ sở của Ban Tình Báo Gia Lâm ở một làng huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Tôi quên tên làng.

    Anh Tường Lan sống ở đây chừng hai tháng, anh lại ra đi. Mấy năm sau tôi nghe tin anh hoạt động ở Lạng Sơn, anh qua đời vì bệnh lao phổi.

    Năm 1948 tôi được đưa về sống ở làng Hương Canh. Làng này ở bên đê sông Hồng, nhìn sang bãi Phúc Xá và bờ sông Hồng bên kia là Chèm Vẽ.

    Đội Tình Báo có một ống viễn vọng kính: loại ống nhòm to tổ bố tên tiếng Pháp là longuevue. Ở Hương Canh công việc của tôi là ngày ngày ôm cái ống nhòm vào một ụ súng ở ven đê, đặt ống nhòm nhìn về cầu sông Cái, nhìn xem số quân xa đi qua cầu, ghi vào sổ để làm báo cáo.

    Ngay từ những năm ấy, những năm tôi mười bốn, nười lăm tuổi, gần như chưa có qua một kinh nghiệm nào về đời sống, tôi đã thấy việc ngồi suốt ngày trong ụ súng, ghi số xe chạy qua cầu sông Hồng là chuyện cà chớn. Tôi thường dùng ống nhòm tìm cảnh những cô gái bãi Phúc Xá ra tắm sông hơn là nhìn và ghi số quân xa chạy qua cầu.

    Lâu lâu tôi ghi đại vào sổ những chuyện như :

    – 10 giờ. 2 Jeep, 2 GMC từ Hà Nội sang Hải Phòng.

    – 12 giờ 2 GMC từ Hải Phòng sang Hà Nội.

    Khoảng 5 giờ chiều về nhà, tôi nộp sổ ghi này cho anh Trưởng Ban. Anh có căn cứ trên những con số tôi ghi để làm báo cáo hay không tôi không biết.

    Năm 1949, tôi được Ban Tình Báo tổ chức đưa vào Hà Nội. Khi ấy gia đình tôi đã từ làng quê Linh Quy về Hà Nội được một năm. Tôi được đưa về làng Gia Quất. Làng này có một ông làm công chức sở Hỏa Xa, ông đi làm bằng xe đạp, sáng đi chiều về. Tôi có số nhà thầy mẹ tôi ở Hà Nội. Tôi viết thư nhờ ông mang đến nhà cho thầy mẹ tôi. Sáng hôm sau…

    Tết ra được ít ngày. Buổi sáng khoảng 8 giờ tôi còn ngủ, thầy tôi từ Hà Nội sang đón tôi. Thầy tôi sang bằng xe xích lô. Ông mang cho tôi cái áo sơ-mi, cái áo sợi vì trời còn lạnh, cái quần tây, đôi giép săng-đan, tôi bỏ lại bộ quần áo nâu, theo thầy tôi lên xe xích-lô vào thị trấn Gia Lâm.

    Những năm ấy người muốn vào Hà Nội phải có giấy gọi là Laissez-passer, giấy do Pháp cấp. Thầy tôi đưa tôi vào sở công an làm đơn xin giấy Laissez-passer.

    Đơn xin nộp buổi sáng, giấy Laissez-passer được phát vào lúc 4 giờ chiều. Mọi người đều được giấy phép, nhưng giấy của tôi – giấy của anh Dương Trọng Hải không thấy có – Thầy tôi hỏi, người ta chỉ cho ông vào văn phòng của ông Trung Úy Pháp.

    Nhiều năm về sau khi đọc hồi ký của ông Vương Hồng Sển, tôi thấy ông kể chuyện có thời ông làm thông ngôn cho ông Xếp Tây Chủ Tỉnh, ông được gọi vào văn phòng ông Xếp Tây và ông ‘ đứng bàn thông dịch.”

    Chuyện nhỏ thôi nhưng tôi nhớ khi thầy tôi, viên thư ký được gọi vào làm phiên dịch, đều đứng trước bàn viên Trung Úy.
    Không ai được ngồi. Thời Pháp viên chức thông ngôn không được ngồi trong văn phòng Xếp Tây.

    Có lúc người thông ngôn – một thư ký trạc 30 tuổi – thông dịch một câu gì không đúng, thấy tôi sửa, bằng tiếng Pháp. Người thư ký có vẻ giận, ông nói với thầy tôi:

    – Ông nói được, sao ông không nói? Nhờ tôi làm gì ?

    Thầy tôi nói:

    – Xin lỗi ông. Tôi nói kém lắm. Nhờ ông giúp cho.

    Ông Trung úy Pháp hỏi tôi sao tôi không cùng về Hà Nội với gia đình tôi, tôi nhanh trí nói tôi sang bên kia sông Đuống, huyện Tiên Du, để theo trường học.

    Chắc vì thấy tôi mới 13, 14 tuổi, mặt non choẹt, không thể là cán bộ Việt Minh, sau cùng ông Trung Úy ký Laissez-Passer cho tôi đi vào Hà Nội.

    Khi ấy cầu sông Hồng đã cấm xe qua lại, nhưng người đi bộ vẫn còn được đi qua. Bố con tôi lên cầu lúc 5 giờ chiều. Khi đi đến một doạn cầu tôi nhìn về bên phải, thấy mờ xa con đê và xóm làng với những lũy tre xanh, tôi tưởng như tôi nhìn thấy làng Hương Canh, và ụ súng ven đê

    Đến lúc ấy tôi mới hỏi thầy tôi :

    – Sao thầy không nói tiếng Pháp ?

    Thầy tôi trả lời :

    – Thầy sợ thầy nói tiếng Pháp con không biết thầy nói gì.

    Nhiều năm sau tôi kể chuyện đó với anh Nguyễn Mạnh Côn. Anh nói :

    – Chỉ có người làm cha thương con mới nghĩ được và nói được như thế.

    Bố con tôi đi bộ qua cầu. Sang Hà Nội thầy tôi đưa tôi vào tiệm tạp hóa Tầu, mua cho tôi khăn mặt, bàn chải đánh răng, tuýp kem đánh răng Gibbs.

    Như vậy là tôi đi xa thành phố đến 4 năm. Tôi trở lại với đèn điện, nước máy, xe điện, xe đạp, phở, kem, trường học và những rạp xi-nê. Sau bốn năm tôi thấy đời sống Hà Nội không thay đổi gì nhiều. Có hai cái mới là những chiếc áo đi mưa bằng nylon, và loại bút bi được gọi là bút nguyên tử, bút Bic.

    Năm 1976 tôi bị bắt đi tù 2 năm. Trở về mái nhà xưa, tôi thấy Sài Gòn không có gì mới đáng kể.

    Tôi bị bắt đi tù lần thứ hai – 6 năm, từ năm 1984 đến năm 1989 – từ nhà tù trở vế lần này tôi thấy Sài Gòn có cái mới là đầu máy video. Những năm xưa ấy đường phố nào của Sài Gòn cũng có nhà cho mướn đầu máy và phim video.

    Kể từ năm 1956 năm năm đến những ngày gần Tết tôi đều viết một, hai bài, gọi là bài Tết, bài Xuân. Năm nay Tết đến, tôi không viết bài Xuân nào cả.

    Xuân Gà đến, không sẵn Truyện Xuân Gà, tôi mời quí bạn đọc bài Xuân Chuột :

    o O o

    HỒNG LÂU MỘNG, tác phẩm tiểu thuyết của Tào Tuyết Cần, viết vào những năm 1750. Truyện Tình, gia đình quí tộc đời Thanh. Hai nhân vật chính của Hồng Lâu Mộng là Giả Bảo Ngọc và Lâm Ðai Ngọc.

    Khi chuyện Hồng Lâu Mộng bắt đầu, Bảo Ngọc và Ðại Ngọc ở vào số tuổi 14, 15. Họ là anh em con cô, con cậu, bà mẹ của Ðại Ngọc là em ruột Giả Chính, ông thân của Bảo Ngọc. Phong tục Trung Hoa cho phép những người là anh em con cô, con cậu được kết hôn với nhau.

    Cha mẹ Ðại Ngọc qua đời sớm, Ðại Ngọc mồ côi, về Nam Kinh sống trong Phủ Ninh với Bà Ngoại nàng. Ðại Ngọc là người y dược học Trung Hoa gọi là “tiên thiên bất túc”, ngay khi được sinh ra đời đã không đủ sức khỏe. Bản chất yếu đuối, thêm cảnh ngộ mồ côi phải sống nhờ họ hàng bên ngoại, Lâm Ðại Ngọc buồn phiền nên đau yếu kinh niên. Nàng được Tào Tuyết Cần tả là “người vừa sinh ra đã uống thuốc”, và “yếu như không mang nổi áo.”

    Giả Bảo Ngọc yêu Lâm Ðại Ngọc. Hai người có thể thành vợ chồng không có gì khó nhưng Ðại Ngọc đau ốm, nàng bị lao phổi, bệnh không thể chữa, người bị bệnh lao sẽ phải chết trẻ. Gia đình Bảo Ngọc không thể để cho Bảo Ngọc lấy người vợ đau bệnh nan y, thêm bệnh trầm cảm, dễ khóc, dễ tủi thân, như Ðại Ngọc, dù mọi người trong họ Giả đều thương Ðại Ngọc.

    Cùng thời gian đó trong Phủ Ninh Quốc Công có nàng Tiết Bảo Thoa. Nàng này là con bà chị ruột của bà mẹ Bảo Ngọc. Như vậy Tiết Bảo Thoa là con dì, con già với Giả Bảo Ngọc. Bảo Thoa, Bảo Ngọc là chị em họ nhưng vẫn có thể thành vợ chồng.

    Tiết Bảo Thoa mạnh khỏe, đẹp, công dung, ngôn, hạnh đều có. Chỉ có điều là Giả Bảo Ngọc yêu Lâm Ðại Ngọc, không yêu Tiết Bảo Thoa. Thảm kịch đến khi họ Giả làm đám cưới cho Bảo Ngọc, nói dối cô dâu là Ðại Ngọc, nhưng cô dâu lại là Bảo Thoa. Cả ba người Bảo Ngọc, Ðại Ngọc, Bảo Thoa đều đau khổ.

    Năm 2005, ờ Rừng Phong, Xứ Tinh Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích, tôi viết lại Hồng Lâu Mộng đăng báo cùng lời bàn luận của tôi. Khi đăng Hồng Lâu Mộng, tôi bỏ qua những đoạn các nhân vật ăn tiệc, uống rượu, xem hát, làm thơ trong Hồng Lâu Mộng, những đoạn này quá dài.

    Mời quí vị đọc một đoạn trong Hồng Lâu Mộng.

    Giả Nguyên Xuân, người chị ruột của Giả Bảo Ngọc, được tuyển vào cung làm Quí Phi. Nhân dịp Giả Nguyên Phi được vua ban ơn cho về nhà thăm cha mẹ, Phủ Ninh làm cả một khu vườn hoa lệ để đón nàng về thăm nha trong một ngày. Ðó là Vườn Ðại Quan. Nhiều căn nhà đẹp được làm trong Vườn. Ðón Giả Phi xong, anh em Bảo Ngọc được vào mỗi người ở riêng một nhà trong Vườn Ðại Quan. Bảo Ngọc ở Di Hồng Viện. Ðại Ngọc ở Tiêu Tường Quán. Ðây là đoạn tả buổi trưa, trời mùa thu, Bảo Ngọc đến Tiêu Tương Quán thăm Ðại Ngọc.

    HỒNG LÂU MỘNG. Trích :

    Ðại Ngọc đang nằm ngủ trưa. Bọn a hoàn đi chơi cả, trong nhà im lặng như tờ. Bảo Ngọc vén rèm thêu bên giường, cúi xuống, lay nhẹ vai Ðại Ngọc:

    – Em vừa ăn cơm trưa xong đã ngủ à ?

    Ðại Ngọc mở mắt:

    – Anh đi chơi đi, lát nữa trở lại. Cho tôi ngủ. Ðêm qua tôi mất ngủ.

    – Không được đâu. Vừa ăn xong ngủ ngay, không bệnh cũng thành bệnh. Tôi sẽ làm em vui, để em quên đau và quên buồn ngủ.

    – Tôi không ngủ, chỉ nằm nghỉ một lúc thôi. Anh đi đi.

    – Tôi đi đâu bây giờ ?

    Ðại Ngọc bật cười:

    – Không đi thì ngồi đấy, nghiêm chỉnh, muốn nói gì thì nói.

    – Nhưng thấy em nằm, tôi cũng muốn ngả lưng.

    – Anh muốn nằm thì đi tìm cái gối vào đây mà nằm.

    Bảo Ngọc lại ngẩn ngơ :

    – Tôi biết đi tìm gối ở đâu bây giờ ?

    – Nhà ngoài có gối đấy.

    Bảo Ngọc đi ra nhưng trở vào ngay :

    – Gối của mấy bà già canh nhà, hôi quá, làm sao tôi gối được ?

    – Anh đúng là Sao Thiên Ma trong số tử vi của tôi. Ðây. Gối đây. Mời ông nằm.

    Ðại Ngọc đưa cái gối nàng đang gối sang bên giường, lấy gối khác để gối. Bảo Ngọc nằm vào giường, đối diện nhau. Ðại Ngọc thấy trên má Bảo Ngọc có cái vết đỏ bằng khuy áo, nàng lấy ngón tay sờ và hỏi:

    – Bị móng tay ai cấu thế này ?

    Bảo Ngọc cười :

    – Làm gì có ai cấu. Hồi sáng đun sáp để lọc, bị sáp nóng bắn lên một giọt.

    Ðại Ngọc lấy khăn lụa của nàng lau má cho Bảo Ngọc :

    – Thật là quái gở. Công tử nào lại đi làm cái việc nấu sáp để lọc cho bọn a hoàn dùng bao giờ. Anh có thích làm những việc đó thì cũng đành đi, nhưng đừng có làm lộ liễu quá, người làm họ thấy, họ nói anh không ra gì đâu. Chuyện anh nấu sáp mà đến tai cậu thì anh lại khổ thôi.

    Bảo Ngọc nghe nhưng chẳng biết Ðại Ngọc nói gì, mùi thơm trong ống tay áo của Ðại Ngọc làm chàng ngây ngất, chàng kéo tay áo nàng lại, ngửi rồi nhìn vào xem nàng mang trong đó thứ hương gì. Ðại Ngọc cười :

    – Ở trong nhà ai đeo hương làm gì.

    – Không đeo hương sao thơm quá thế ?

    – Không biết. Hay là mùi hương của áo.

    – Không phải. Mùi hương này của em lạ lắm, không giống mùi hương xông y phục đâu.

    – Chắc anh ngửi mùi hương của ai, hương còn trong mũi anh, đến đây anh tưởng là mùi hương của tôi.

    – Tôi nói chuyện tử tế, em cứ nói rỡn, phải phạt em mới được.

    Chàng dùng ngón tay cù vào sườn nàng. Ðại Ngọc cười ré lên, co rúm người lại :

    – Ối.. ối.. Em lậy anh, em không dám thế nữa.

    – Không dám thế là làm cái gì ?

    – Em không dám nói rỡn nữa.

    – Ðược. Tha cho em lần này.

    Hai người nằm im bên nhau. Rồi Bảo Ngọc nói :

    – Tôi kể chuyện ngày xưa cho em nghe nhé ? Nhưng em nghe mà không được ngủ ạ.

    Chàng kể :

    – Nguyên trước đây ở Ðộng Lâm Tử, núi Hương Ngọc, có một đàn chuột tu thành tinh. Tháng ấy, gần đến Tết Nguyên Ðán, bầy chuột hội họp trong động bàn định kế hoạch kiếm thức ăn để vui Tết, đón xuân.

    Lão Chuột Ðộng Chủ ngồi trên ngai bằng đá trên cao, truyền phán những việc phải làm :

    – Ngày mai là ngày Hai Mươi Ba Tháng Chạp, người ta làm lễ tiễn Táo Quân về trời. Lễ tiễn Ông Táo, rồi Tết Nguyên Ðán năm nay nhờ được mùa, cả nước thanh bình, nên sẽ lớn lắm. Quân do thám của ta cho biết năm nay trong kho phủ đường có nhiều thực phẩm, có năm thứ: gạo, đậu, hạt dẻ, đậu phụng, khoai thơm. Ðộng ta đang cần năm thứ đó.

    Lão Chuột giơ lên một lệnh tiễn :

    – Ðứa nào tình nguyện vào kho trộm gạo ?

    Một Chuột Tinh bước ra xin đi, nhận lệnh tiễn, đi luôn. Một Chuột Tinh khác nhận lệnh tiễn đi trộm đậu, rồi hai Chuột Tinh nhận đi lấy trộm hạt dẻ, đậu phụng. Khi Lão Chuột Tinh hỏi ai đi lấy trộm khoai thơm, có một Chuột Con Gái bước ra xin đi.

    Lão Chuột Tinh thấy nó là gái, ít tuổi, lại yếu đuối, sợ nó không làm được việc, nên ngần ngại không muốn trao lệnh tiễn cho nó.

    Chuột Gái nói :

    – Xin Ðộng Chủ tin tôi, xin cho tôi đi, tôi quyết làm tròn nhiệm vụ. Tôi tuy nhỏ tuổi nhưng có pháp thuật không thua ai, tôi lại khéo ăn nói, có cơ mưu. Ði chuyến này không thành công, tôi xin chịu tội.

    Lão Chuột Tinh nói :

    – Ngươi nói nghe hay lắm, nhưng ta muốn biết lọt được vào kho, ngươi sẽ làm cách gì để lấy trộm khoai đem về đây ?

    Chuột Gái nói :

    – Có gì khó. Vào kho thì dễ thôi. Vào trong kho rồi tôi thi triển pháp thuật, xoay mình một cái, biến thành củ khoai thơm, tôi lẩn vào trong đám khoai. Bọn lính canh không thể nhìn ra tôi. Mùi thơm của tôi thơm hơn mùi thơm của bọn khoai. Ngửi mùi thơm của tôi, chúng sẽ mê tít. Cứ thế tôi rủ lũ khoai ra khỏi kho, theo tôi về động ta. Chúng sẽ mê mẩn đi theo tôi. Chẳng phải là hay ư ?

    Cả đàn chuột tinh nhao nhao lên tỏ ý tán thành việc biến thành khoai để lấy trộm khoai của Chuột Gái. Lão Chuột Tinh lại nói:

    – Mưu của ngươi nghe được đấy. Nhưng ta vẫn muốn biết pháp thuật của ngươi ra sao. Ngươi thử biến hóa vài đường cho chúng ta coi.

    Chuột Gái nói :

    – Dễ thôi. Tôi biến thành củ khoai thơm cho các vị xem. Coi nè.

    Chuột Gái xoay mình, biến thành một thiếu nữ thật đẹp, mắt phượng, mày ngài, tóc mây, y phục thướt tha, trông như tiên nữ.

    Ðàn chuột cười ầm lên, chúng tranh nhau nói :

    – Ê... Tầm bậy.

    – Nói biến thành củ khoai thơm mà lại biến ra cô gái ?

    – Thế là thế nào ? Rỡn hả ?

    Chuột Gái lại xoay mình, từ thiếu nữ trở lại là chuột, nói :

    – Các người kém lắm. Các ngươi không biết tôi vừa biến thành Tiểu thư Lâm Ðại Ngọc, Lâm Tiểu thư là Thần Nữ Khoai Thơm. Da thịt cô có mùi khoai thơm. Nay cô vào kho chứa khoai thơm, bọn khoai ngửi thấy mùi khoai thơm của cô, biết cô là Nữ Chúa của chúng, cô bảo chúng đi theo cô, là chúng đi theo hết. Cơ mưu của tôi chẳng phải là thần diệu ư ?

    Ðại Ngọc vừa cười vừa đưa tay cù Bảo Ngọc:

    – A... Anh bảo tôi là Chuột hả ?

    Ngưng trích.

    Ðoạn truyện thật vui. Tôi trích để quí vị đọc cho vui trong những ngày Xuân trên Ðất Khách.


    Hoàng Hải Thủy


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X