Thông báo

Collapse
No announcement yet.

John Paul Vann - Một Viên Tướng CIA

Collapse
X

John Paul Vann - Một Viên Tướng CIA

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • John Paul Vann - Một Viên Tướng CIA

    Nguyên văn bởi tieuchuy
    Xem phim "John Paul Vann in VietNam"

    Phim John Paul Vann này thực hư thế nào không biết nhưng coi xong cũng thấy bất mãn!

    John Paul Vann - Một Viên Tướng CIA


    Vừa qua có nhiều người đã lục ra các tài liệu của phía Hoa Kỳ trên internet về chiến tranh Việt Nam rồi tổng hợp hoặc trích thuật những bài viết đó, coi như là kết luận sau cùng của lịch sử. Nhưng những tài liệu này hoàn toàn lỗi thời vì được viết trước 1975, không đối chiếu lại với các tài liệu mới được giải mã sau này, nhất là tài liệu của CIA.

    Rồi trong một nửa thiếu đó lại thiếu một nửa đối chiếu lại với các tài liệu mới được tiết lộ của những người trong cuộc, phía CSVN cũng như phía VNCH. Do đó các bài viết tổng hợp các tài liệu xưa trên internet chỉ còn giá trị một phần tư bởi vì chỉ phản ánh một phần nào đó của sự thật..

    Một thí dụ điển hình là các tài liệu của HK về nhân vật John Paul Vann, theo các tài liệu do bạn bè của Vann ghi lại thì Vann là một ông tướng dân sự, không phải là dân nhà binh mà điều quân khiển tướng như là nhân vật thần thoại. Trong khi sự thực Vann chỉ là một người rất phàm tục, rất đời thường.

    Cố vấn quân đội VNCH
    John Paul Vann nguyên là Trung tá trong Phái bộ viện trợ quân sự Hoa Kỳ ( MACV ) từ năm 1962, ông giữ chức vụ Cố vấn Sư đoàn 7 Bộ binh. Các tài liệu nói về ông đều cho thấy ông là một người bị bệnh “thái nhân cách” ( Một dạng tâm thần phân liệt, người bị bệnh có óc tưởng tượng rất mạnh; có niềm tin cực đoan vào chính mình, cho rằng hễ những gì mình nghĩ là đúng, là chân lý, còn những gì đi ngược lại với suy nghĩ của mình đều là sai trái. Ngôn ngữ Việt gọi là bệnh “đồng bóng” ).

    Tháng 1 năm 1963 ông chỉ huy 1 trung đoàn quân đội VNCH gồm Bộ binh, Biệt động quân, Bảo An, Hải thuyền, Thiết vận xa cùng với trực thăng Hoa Kỳ bao vây tấn công 2 đại đội du kích quân CSVN tại Ấp Bắc, tỉnh Định Tường; nhưng kết quả là thảm bại, 5 trực thăng rớt, 3 thiết vận xa M.113 bị đốt cháy, hai đại đội du kích trốn thoát.( Nếu muốn biết rõ hơn xin xem bài “Chuyện Võ Nguyên Giáp làm gián điệp cho Liên Xô” trong trang Văn tuyển ).

    Tướng Tôn Thất Đính đã nhận xét về trận Ấp Bắc : “…kết quả của trận Ấp Bắc là một thảm bại vô cùng phi lý, một sự phi lý vượt ra ngoài sự hiểu biết của những người cầm quân đánh giặc từ phía Hoa Kỳ cũng như từ phía VNCH”… Không ai hiểu được vì sao?” ( Tôn Thất Đính, 20 Năm Binh Nghiệp, trang 267 ).

    Thế nhưng trước mặt Tướng Harkins là Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam Vann đổ lỗi cho các cấp chỉ huy VNCH quá tệ. Đặc biệt lối phát biểu cực đoan với những lời lẽ phê bình “cao bồi” của ông đã thỏa mãn được tự ái của báo chí Hoa Kỳ ( Thua là tại các cấp chỉ huy VNCH quá dở chứ không phải máy bay, xe tăng của Mỹ dở )..

    Đến năm 1964 một chi đoàn thiết vận xa ( 14 chiếc ) bị phục kích tổn thất nặng tại Bình Giả, chiến thuật “Thiết vận xa” hầu như bị phá sản, một lần nữa Vann lại liên lạc với ký giả David Halberstam của tờ New York Times phỉ báng các chỉ huy quân sự VNCH thậm tệ đến nỗi tướng Paul Harkins đã ký quyết định đuổi ông ra khỏi quân đội.

    Ông trở về Hoa Kỳ sinh sống nhưng thường trở lại thăm Việt Nam là quê vợ ( Vợ thứ hai, trước khi đến Việt Nam ông đã chia tay với người vợ đã có 5 con với ông. Người vợ sau này là bà con của Tướng Lý Tòng Bá. Điều này giải thích mối thân tình đặc biệt giữa Tướng Bá và John Paul Vann ). Nhờ thường xuyên đến Việt Nam ông trở thành người cố vấn tin tức cho giới báo chí Hoa Kỳ, những nhận xét của ông có giá trị đối với những ai chưa từng làm việc tại Việt Nam.

    Cố vấn Bình định Phát triển của CIA
    Tháng 7 năm 1965 ông Cabot Lodge trở lại làm Đại sứ tại Việt Nam, ông mang theo hai ông trùm CIA là Lansdale, Conein cùng với John Paul Vann và Tiến sĩDaniel Ellsberg ( người sau này nổi danh vì tiết lộ hồ sơ mật của Ngũ Giác Đài cho báo chí ).

    Vann làm việc với cơ quan Bình định phát triển là một tổ chức phối hợp giữa CIA và quân đội HK. Mới đầu ông làm Cố vấn cho tỉnh Kiến Hòa, tại đây ông làm quen với Tỉnh trưởng Trần Ngọc Châu.

    Sau đó ông làm Cố vấn Bình định phát triển cho Quân đoàn 3 tại đây ông chú ý tới tỉnh trưởng Bình Dương Lý Tòng Bá và tỉnh trưởng Bình Long Lê Minh Đảo. (Tỉnh trưởng Lý Tòng Bá đang là Trung tá Trung đoàn trưởng Thiết Giáp được Vann vận động về làm Tỉnh trưởng Bình Dương để thực hiện Kế hoạch Bình Định phát triển nông thôn tại Bình Dương ).

    Đến tháng 11 năm 1968 Vann chuyển về làm Cố vấn Bình định phát triển cho Quân đoàn 4. Tháng 5-1970 Tướng Ngô Du từ Trung tâm Bình định phát triển tại Bộ Tổng tham mưu về làm Tư lệnh Quân đoàn 4, Vann trở nên thân thiết với Ngô Du, trước kia hai người chỉ biết nhau vì làm việc cùng ngành.

    Cũng tại Quân đoàn 4, Cố vấn Bình định phát triển tỉnh Vĩnh Long là Stephen Young đã được hân hạnh biết đến nhân vật lừng danh John Paul Vann. Tuy nhiên giáo sư Stephen Young đã ghi lại nhận xét của mình về Vann như sau :

    “Vann bay đến từng nơi và nói với chúng tôi: “Hãy tìm hiểu tất cả những gì trong quận của anh và ngủ tại làng. Tôi chợt khám phá ra, ông ta quá lãng mạn ( Đồng bóng ), tin rằng không phải dân chúng Việt Nam mà là người Hoa Kỳ mới làm ra chiến thắng”. ( Victory Lost, bản dịch của Nguyễn Vạn Hùng trang 301 ).

    Chống lại Thiệu trong vụ Trần Ngọc Châu
    Năm 1969 John Paul Vann lại dính dự vào việc dân biểu Trần Ngọc Châu bị truy tố về tội liên lạc với Cọng sản. Thực ra người anh của Trung tá Châu là Trần Ngọc Hiền đại diện của Mặt trận Giải phóng Miền Nam muốn tiếp xúc thẳng với Đại sứ Hoa Kỳ nhưng Đại sứ Cabot Lodge không chấp thuận; mọi việc Châu có thông báo cho John Paul Vann và ông trùm CIA Lucien Conein.

    Khi nghe Châu bị truy tố oan thì Vann can thiệp bằng cách dùng trực thăng riêng của ông chở Châu đi trốn, và dùng uy tín của mình để nhờ báo chí làm áp lực đòi thả Châu. Hành động của ông khiến cho Tổng thống Thiệu nghĩ rằng Đại sứ Bunker và CIA muốn lén VNCH tiếp xúc thẳng với MTGPMN. Đại sứ Bunker chỉ biết chứng minh tòa đại sứ vô tội bằng cách đồng ý cho bắt Châu.

    Sau khi Châu bị bắt, Vann vận động công kích Tổng thống Thiệu tại Washington, ông ta đã xin được ra điều trần trước Thượng viện Hoa Kỳ 2 lần, tuy nhiên những điều ông đưa ra tại Thượng viện đều bị Đại sứ Bunker bác bỏ.

    Bunker cho rằng Tổng thống Thiệu quyết định truy tố Trần Ngọc Châu là có sự đồng ý của Đại sứ và Trưởng chi nhánh CIA Sharkley. Riêng đối với Vann thì Bunker gọi về Tòa đại sứ và ra chỉ thị tối hậu là nếu không ngưng ngay thì ông đuổi việc tức khắc. Vann đành chịu thua nhưng cũng từ đó ông bất mãn Tổng thống Thiệu sâu sắc ( Tài liệu của Bunker do Stephen Young phổ biến ).

    Cố vấn Quân đoàn 2
    Tháng 5 năm 1970 Thiếu tướng Ngô Du được bổ nhiệm chức vụ Quyền tư lệnh Vùng 4 Chiến thuật sau khi tướng Nguyễn Viết Thanh tử nạn. Chức vụ này do Tướng Abrams đề nghị với Tướng Cao Văn Viên, và Tổng thống Thiệu ký thuận đề nghị của Tướng Viên.

    Đến tháng 8-1970 quân đội VNCH sắp xếp lại tổ chức lãnh thổ trên toàn quốc, các Vùng chiến thuật được đổi thành các Quân khu, do đó các Tư lệnh Quân khu được sắp xếp lại; tướng Ngô Quang Trưởng từ Sư đoàn 1 Bộ binh về làm Tư lệnh Quân khu 4 và Tướng Ngô Du về làm Tư lệnh Quân khu 2 thay thế cho tướng Lữ Lan.

    Tháng 4 năm 1971, nhân dịp Tướng cố vấn Quân đoàn 2 về nước, Tướng Ngô Du đề nghị với tướng Abrams cho John Paul Vann về làm cố vấn Quân đoàn 2. Tướng Abrams miễn cưỡng chấp thuận bởi vì Vann đã xuất ngũ và hiện đang là công chức của CIA biệt phái cho Cơ quan Bình định phát triển của MACV trong khi chức vụ Cố vấn quân đoàn phải là một ông tướng tại ngũ, chỉ huy các ông tướng tư lệnh các đơn vị quân đội Hoa Kỳ và Đồng minh trong Quân khu. ( Do đó mà sau này John Paul Vann tử trận tại Việt Nam nhưng không được ghi tên trên Tường Đá Đen là nơi ghi tên các quân nhân Hoa Kỳ tử trận tại Việt Nam ).

    Đầu năm 1971 có tin Hà Nội đưa Sư đoàn 320 vào đánh Tây Nguyên; để đối phó với trận chiến sắp sửa xảy ra, John Paul Vann đề nghị Tướng Ngô Du cho thay thế hai ông tướng tư lệnh Sư đoàn 22 BB và Sư đoàn 23 BB tại Quân khu 2 vì lý do hai ông tướng đã già, không còn năng động.

    Sau khi biết được đề nghị của Vann và biết được sự khó xử của Tướng Ngô Du thì tướng Tư lệnh Sư đoàn 23 BB là Võ Văn Cảnh và tướng Tư lệnh Sư đoàn 22 BB là Lê Ngọc Triển đều ngỏ ý xin từ chức với lý do đã cao tuổi. Nhờ vậy Tướng Ngô Du mới xin Tướng Cao Văn Viên đề nghị cho Đại tá Lý Tòng Bá làm Tư lệnh Sư đoàn 23 BB và Đại tá Lê Đức Đạt làm Tư lệnh Sư đoàn 22 BB.

    Theo Đại tá Trịnh Tiếu thì Tướng Du lấy lý do Đại tá Đạt đang làm Tư lệnh phó Sư đoàn 22 BB cũng là một người trẻ tuổi; nhưng thực ra thì Tướng Du biết Đại tá Đạt là người thân của Tướng Cao Văn Viên cho nên nếu không dùng Đại tá Đạt thì sợ mất lòng Tướng Viên.

    Tuy nhiên quyết định này làm phật lòng John Paul Vann cho nên ông ta có ác cảm với Đại tá Lê Đức Đạt. Đại tá Trịnh Tiếu thuật lại thái độ trịch thượng của John Paul Vann đã dẫn đưa tới cái chết của Đại tá Đạt :

    “Ngày 21/4/1972, Paul Vann bay lên Tân Cảnh thăm Ðại tá Philip Kaplan, cố vấn cho Ðại tá Lê Ðức Ðạt. Tại hầm chỉ huy, mặc dù biết Paul Vann không ưa thích, Ðại tá Ðạt vẫn trình bày đầy đủ chi tiết cho Paul Vann rõ. Paul Vann đã có hành động thiếu lịch sự, ông chỉ mạnh vào bản đồ và nói cộc lốc bằng giọng mũi:”Ðại tá Ðạt, ông sẽ là vị Tư lịnh Sư đoàn VN đầu tiên làm mất Sư đoàn và bại trận”. Ðại tá Ðạt rất tức giận, ông đã vứt điếu thuốc đang hút xuống đất, cười gằn và bảo Paul Vann:”-, chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra… “

    “Khoảng 2g sáng ngày 24/4/1972, 15 chiến xa địch đã bao vây căn cứ Tân Cảnh. Ðại tá Philip Kaplan yêu cầu Paul Vann lên cứu ông vào lúc 4g khi trời chưa sáng tại bãi đáp rất nhỏ bên cạnh bãi mìn. Ðại tá Kaplan cho Ðại tá Ðạt biết và yêu cầu cùng lên trực tăng cấp cứu của Paul Vann nhưng Ðại tá Ðạt từ chối…”

    Hồi ký của Tướng Lý Tòng Bá cũng cho thấy sự thật : “Đáng lẽ tôi phải là người đi nhận quyền Tư Lệnh SĐ 22 Bộ Binh. Vì trước đó, ông Vann Cố Vấn Quân Đoàn thay đổi ý kiến giao SĐ cho Đại Tá Lê đức Đạt, còn tôi đi nhận quyền Tư Lệnh SĐ 23 BB (ông Vann khi gặp tôi sau đó cho biết như vậy)”. Nghĩa là Cố vấn Vann là người quyết định giao cho ai làm tư lệnh sư đoàn, đoạt luôn quyền hành của Ngô Du. Tướng Bá vô tình ghi lại điều này mà không hề thắc mắc về chủ quyền của VNCH.

    Tướng Nguyễn Văn Toàn làm Tư lệnh Quân đoàn 2
    Trong những ngày Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, tướng Ngô Dzu từ chức vì bệnh tim, tài liệu của CIA ghi lại :

    “Thiệu định thay Tướng Ngô Dzu bằng Tướng Phan Trọng Chinh, một tướng nổi tiếng bất tài khác. Trước tình hình này đại sứ Bunker buộc lòng gởi Tổng thống Thiệu một danh sách tướng lãnh khác để Thiệu chọn, trong đó không có Chinh. Tổng thống Thiệu chọn tướng Nguyễn Văn Toàn.

    Toàn là một tướng cầm quân giỏi, khổ nổi Toàn vốn là Tư lệnh Sư đoàn 2 bị cách chức vì tham nhũng và đang nằm chờ tòa án truy tố về tội quan hệ bất chính với trẻ vị thành niên”. (bản dịch của Trần Bình Nam). Như vậy người cắt cử ông Tướng Tư lệnh Quân đoàn là ông Đại sứ Mỹ chứ không phải là ông Tổng thống VNCH.

    Tài liệu CIA ghi rằng Tướng PTC “nổi tiếng bất tài” trong khi sự thực PTC là một tướng Nhảy Dù nổi tiếng từ khi binh chủng này mới được thành lập. Ông được điểm rất cao về đạo đức và khả năng lãnh đạo chỉ huy. Ngay từ năm 1960 khi Trung úy Ngô Quang Trưởng làm Đại đội Trưởng của Tiểu đoàn 5 Dù thì Thiếu tá Phan Trọng Chinh đã là Tham mưu Trưởng Liên đoàn Dù và là một trong bốn nhân vật chủ chốt tổ chức đảo chánh ông Diệm vào năm 1960, lúc đó Trung Tá Cao Văn Viên chưa học nhảy dù.

    Thực ra chuyện nổi tiếng bất tài là không có, CIA chỉ báo cáo như vậy để che đậy quyết định của đại sứ Bunker. Bunker đã hoảng hốt khi biết Tướng Thiệu đưa Tướng Phan Trọng Chinh lên làm Tư lệnh Vùng 2 bởi vì ông ta biết chắc chắn sẽ xảy ra bùng nổ mạnh giữa Tướng Chinh với cố vấn John Paul Vann, Tướng Chinh nổi tiếng với thành tích “kỳ thị cố vấn Mỹ”. Vì vậy CIA không dám báo cáo rõ về Washington.

    Sự thật là năm 1966, khi Thiếu tướng Phan Trọng Chinh giữ chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh kiêm Tư lệnh Khu 32 chiến thuật, ông đã đụng chạm mạnh với Cố vấn Sư đoàn là Đại tá Hellicut. Đến nỗi ông ra lệnh cho Quân cảnh trục xuất Đại tá Hellicut ra khỏi doanh trại của Bộ tư lệnh Sư đoàn. Sau đó ông ra nhật lệnh khuyến cáo các sĩ quan VNCH trong Sư đoàn và Khu Chiến Thuật không được để mất tư cách của người chỉ huy quân đội VNCH trước các cố vấn“ngoại quốc”.

    Đích thân Tướng Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại VN là Westmoreland đáp trực thăng xuống BTL Sư đoàn để giải quyết nhưng Tướng Chinh lấy cớ bị bệnh không tiếp. Ngày hôm sau Đại tướng Cao Văn Viên đáp trực thăng xuống thì ông mới ra đón. Sau đó Đại tá Hellicut bị đổi đi đơn vị khác.

    Một năm sau Tướng Chinh được thăng Trung Tướng và về làm Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Quân Huấn, một nơi nổi tiếng với rừng tham nhũng tại các quân trường bởi vì ông là ông tướng nổi tiếng thanh liêm thứ nhì của quân đội VNCH, chỉ sau Tướng Nguyễn Đức Thắng ( Nhất Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng ).

    Nhưng cũng từ đó tên của Tướng Phan Trọng Chinh luôn luôn nằm trong sổ đen của CIA và MACV, người ta cho rằng ông có tinh thần “bài Mỹ”. Vì vậy mới có chuyện Đại sứ Bunker phải ra tay can thiệp, không cho Phan Trọng Chinh đụng độ với John Paul Vann tại Quân đoàn 2.

    Lúc Bunker đưa ra danh sách một số tướng cho Tổng thống Thiệu thì ông đã cố tình lồng vào đó tên của tướng Nguyễn Văn Toàn là người đang mang tai tiếng bởi vì ông biết chắc ông Thiệu sẽ không dám chọn ông tướng này. Nhưng ông quên rằng đối với Thiệu thì đừng hòng can thiệp vào chuyện của ông ta. Thiệu đã quyết định làm trái ý Bunker bằng cách không chọn những người do Bunker đưa ra, mà ông lại chọn cái người mà ông biết chắc là Bunker không muốn.

    Dĩ nhiên là Thiệu biết Toàn còn cứng hơn cả Chinh nếu phải đối đầu với John Paul Vann. Không ngờ là Vann đã chết sau đúng 1 tháng làm việc với Toàn.

    Năm 1972, Ngày 9-6, Cố vấn Quân đoàn 2 John Paul Vann từ Pleiku lái máy bay riêng lên thị sát Kontum, trên đường trở về phi cơ của ông bị súng phòng không của Trung đoàn 40 CSVN bắn rơi ( Hồi ký của tướng CSVN Đặng Vũ Hiệp ). Vann tử trận nhưng vì không có trong danh sách quân nhân Hoa Kỳ cho nên chỉ được ghi nhận như là một nhân viên của CIA bị chết trong khi thi hành công vụ.

    Bùi Anh Trinh


    _________________________________________________


    John Paul Vann - Một Viên Tướng Dân Sự Trên Chiến Trường VN

    1. Tổng Quát

    Trong chiến tranh, có 58 ngàn công dân Hoa Kỳ đã hy sinh trên đất nước Việt Nam, đã góp phần chiến đấu chống lại sự bành trướng của Chủ nghĩa Cộng sản, để bảo vệ tự do, dân chủ cho đồng bào miền Nam.

    Sau ngày 30-4-1975, người miền Nam mới nhận thấy tự do là quý báu nhất, và hàng triệu người liều chết đi tìm tự do.

    Sự hy sinh để bảo vệ tự do cho người miền Nam có ý nghĩa rất lớn, đó là cái lý tưởng cao quý của người dân Hoa Kỳ. Một trong những người được xem là tấm gương dũng cảm là ông John Paul Vann.

    Một nhà báo Mỹ đã viết, ông sống là một anh hùng và chết cũng như một anh hùng. Ông đã nhiều lần được trao huy chương Anh dũng Bội tinh, và huy chương dân sự cao quý nhất của Hoa Kỳ. Là một cá nhân đặc biệt, với cấp bậc Trung tá mà có khả năng làm công việc của một thiếu tướng. Và cũng đã có một sĩ quan cấp tướng và nhiều đại tá vui lòng làm việc dưới quyền ông. Ông là biểu tượng của một mẫu người can đảm, táo bạo, tạo ra những huyền thoại về ông.

    Phóng viên Neil Sheehan, đoạt giải Pulitzer, đã viết cuốn sách về cuộc đời ly kỳ của ông, được hảng HBO quay thành phim, do tài tử Bill Paxton thủ vai của ông khi ở Việt Nam.

    Tên tuổi Paul Vann nổi bật từ trận Ấp Bắc, thuộc tỉnh Định Tường VN.

    2. Huyền thoại về trận Ấp Bắc

    Ấp Bắc chỉ là một trận phục kích bình thường của chiến thuật du kích, nhưng đã được phóng đại, thần thoại hóa, làm sai sự thật chỉ vì mục đích chính trị và tuyên truyền.

    Về phía Việt Cộng, cố ý phóng đại nhằm mục đích tuyên truyền, đánh bóng cho Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam VN, để xin viện trợ của các nước Xã hội chủ nghĩa anh em. Đại khái như: cuộc kháng chiến thần thánh của đồng bào miền Nam đã giáng một đòn nặng nề chí tử cho đế quốc Mỹ, tên sen đầm quốc tế, và ngụy quân, ngụy quyền tay sai bù nhìn ở miền Nam…

    Về phía báo chí Mỹ, các thông tín viên lợi dụng cơ hội nầy để trả đủa việc bà Ngô Đình Nhu cho rằng các phóng viên ngoại quốc đều là VC, đồng thời chỉ trích chế độ Ngô Đình Diệm độc tài, đàn áp Phật giáo…Các thông tín viên không chứng kiến tận mắt, không điều tra kỹ lưỡng, mà chỉ căn cứ vào một vài báo cáo không đúng sự thật, tạo ra một chiến dịch làm rùm ben cả tháng trời ở Hoa Kỳ về vụ Ấp Bắc.

    Riêng đối với Trung tá John Paul Vann, cố vấn SĐ7BB thì cho rằng, chính sách tiến hành chiến tranh của HK ở VN là sai lầm. Đó là lấy chiến tranh quy ước, dùng đại đơn vị để chống du kích ở thời điểm đó, là không thích hợp. Những nhận xét của ông được đưa ra công luận ồn ào, làm tăng thêm tính huyền thoại của trận Ấp Bắc. Hơn nữa, bản thân ông cũng là một huyền thoại. Một tướng lãnh dân sự.

    3. Trận Ấp Bắc

    Ấp Bắc và ấp Tân Thới là 2 ấp thuộc tỉnh Định Tường (Mỷ Tho). Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng là Thiếu tá Lâm Quang Thơ. Bộ TL/SĐ 7BB đóng ở tỉnh lỵ Mỷ Tho. Tư lịnh SĐ là Đại tá Vũ Đình Đạm. John Paul Vann là cố vấn của SĐ. Đại úy Lý Tòng Bá là Đại đội trưởng ĐĐ 7 Thiết Quân Vận (TQV) M-113.

    3.1. Mục đích hành quân
    Tiêu diệt đài phát thanh VC ở Ấp Tân Thới. Tình báo cho biết có khoảng 100 du kích VC bảo vệ đài phát thanh. Nhưng thực tế, thì quân số ở đó khoảng 400.

    3.2. Lực lượng địch
    – Tiểu đoàn 514 chủ lực tỉnh

    – Tiểu đoàn 263

    – Du kích địa phương

    3.3. Địa thế mặt trận
    Vùng đồng lầy ngập nước. Nhiều kinh rạch quanh co, đáy sâu nhiều bùn, là chướng ngại to lớn đối với M-113, ngay cả bộ binh cũng khó vượt qua. Hai bên bờ rạch, cây cối um tùm, rất thuận lợi cho việc phục kích từ hố cá nhân. Nói chung, địa thế bất lợi cho cuộc hành quân.

    3.4. Lực lược hành quân của VNCH
    Cuộc hành quân Đức Thắng 1. Diễn ra ngày 2-1-1963.

    – 1 tiểu đoàn của SĐ 7BB, được trực thăng vận đến mục tiêu.

    – 2 tiểu đoàn Bảo An

    – 1 đại đội TQV M-113. Đại đội trưởng là Đại úy Lý Tòng Bá. TQV từ tỉnh lỵ Mỷ Tho đến quận Cai Lậy.

    – 3 đại đội BB và BĐQ làm trừ bị

    – 10 trực thăng vận tải CH-21

    – 5 trực thăng võ trang UH-1.

    Vì thiếu trực thăng nên phải đổ quân 2 đợt.

    3.5. Diễn tiến hành quân
    Ngày 2-1-1963
    Trước khi đổ quân, pháo binh dập tối đa vào 2 ấp Tân Thới và Ấp Bắc. Khói lửa mịt mù. VC phân tán mỏng, ẩn núp kín đáo.

    7 giờ sáng
    Ngay khi từ trực thăng nhảy xuống, thì đại đội đã chạm địch, có lẻ nhảy đúng vào ổ phục kích, phải cố thủ vị trí để bảo vệ an toàn cho bãi đáp. Lực lượng tấn công chính, thì trở thành bị động, phòng thủ và bị cầm chân.

    10 giờ sáng.
    Đổ quân lần thứ hai. Vì có nhiều sương mù cho nên bị trễ 2 giờ. Khi đủ quân số, bắt đầu tiến vào mục tiêu thì bị cầm chân. Cố thủ. Một tiểu đoàn Bảo an lại bị rơi vào ổ phục kích. Đại úy Tiểu đoàn trưởng và 13 binh sĩ bị thương. Một Đại đội trưởng và 7 binh sĩ tử thương.

    Một trực thăng chở quân lọt vào ổ phục kích, bị trúng đạn, đáp xuống ruộng an toàn. Ngay sau đó, một trực thăng vào cứu, bị bắn hạ. Kế đó, một trực thăng khác vào cứu 2 chiếc trước lại bị bắn rớt. Và cuối cùng, 5 trực thăng bị bắn rơi.

    6 giờ chiều
    2 đại đội lính Dù tăng phái đến. Nhảy đúng mục tiêu chỉ định, nhưng vì trời tối, nên phải nằm lại qua đêm. Một số bị gió tạt, mắc trên cành cây, một số bị rơi vào ổ phục kích, làm bia cho du kích, hy sinh oan uổng.

    Thiết vân xa gặp trở ngại
    Đại đội 7 TQV của Đại úy Bá gặp trở ngại vì con kinh đầy bùn sình. Phải mất 3 tiếng đồng hồ mới di chuyển được 1,500 mét. Trong lúc bị kẹt trên kinh, một số xạ thủ đại liên trên pháo tháp bị trúng đạn tử thương.

    Hoả lực chính đến trễ, các đơn vị bị cầm chân, tiểu đoàn 514 trốn thoát.

    3.6. Kết quả
    Phía QLVNCH

    – 66 tử thương

    – 109 bị thương

    Phía Hoa Kỳ

    – 3 cố vấn thiệt mạng

    – 6 bị thương

    – 5 trực thăng rớt

    Phía Viêt cộng

    – 18 xác chết

    – 36 bị bắt sống

    3.7. Nhận xét về cuộc hành quân
    Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao, Tư Lệnh QĐ 4, nhận xét:

    – Kế hoạch hành quân không thích ứng với địa hình.

    – Không dồn nổ lực chính vào mục tiêu nên thất bại

    – Do nội tuyến cấp cao nên thất trận.


    Cố vấn John Paul Vann nhận xét:

    – QĐ/VNCH thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Thiếu phối hợp nên để cho tiểu đoàn 514 trốn thoát.

    – Đại đội 7 TQV đã trì trệ. Phải mất 3 giờ để di chuyển được 1,500 mét, mặc dù địch trang bị vũ khí nhẹ.

    Thật ra, bên nào cũng thiếu kinh nghiệm, cả Hoa Kỳ và VN. Vì đây là trận đánh lớn đầu tiên, kể từ khi phong trào đồng khởi năm 1960.

    Khả năng thật sự của QLVN/CH đã thể hiện qua những trận Bình Long, An Lộc và Cổ Thành Quảng Trị.

    4. Vài nết về tiểu sử John Paul Vann
    John Paul Vann sinh ngày 2-7-1924 tại Norfolk, Virginia.Tử nạn ngày 9-6-1972, 48 tuổi. Không có tên trong 58 ngàn quân nhân HK tử trận ở VN, trên bức tường đá đen ở Washington.

    Trung tá Bộ Binh, sau đó giải ngũ và trở thành một nhân vật nổi tiếng trong Chiến tranh VN. Vann có bằng tiến sĩ về Quản trị kinh doanh. Đã từng theo học các môn Kinh tế, Toán và Thống kê ở Đại học Rutgers University. Theo học khoá Tham mưu Cao cấp.

    Năm 1943, gia nhập quân đội và được huấn luyện thành phi công.

    Kết hôn
    Ngày 6-10-1945, kết hôn với Mary Jane Allen, người Rochester, New York.
    Có 5 con.

    Nhiều nguồn tin cho biết ông có vợ VN.

    Vann đã từng phục vụ trong các đơn vị HK ở Nam Hàn, Nhật, Tây Đức trước khi đến VN.

    Năm 1962, Vann được cử làm cố vấn cho Đại tá Huỳnh Văn Cao, TL/SĐ 7BB, thuộc Vùng 4 Chiến thuật.

    Trong trận Ấp Bắc, Vann đã từ trực thăng tại mặt trận, can đảm chỉ huy trận đánh, được thưởng Anh Dũng bội tinh.

    Từ trận đánh ở Ấp Bắc, ông thấy cách tiến hành chiến tranh của HK ở VN không phù hợp với chiến thuật du kích. Ông lớn tiếng chỉ trích chính sách đó, đả kích ngay cả Chỉ huy trưởng MACV (Military Assistance Command Vietnam) là Tướng Paul D. Harkins.

    Thông qua phóng viên David Hallberstam của tờ New York Times, ông đưa vấn đề ra công luận, và báo chí làm ồn ào lên.

    Tháng 3 năm 1963, Tướng Harkins cách chức ông, và bị giải ngũ vài tháng sau đó.

    John Paul Vann về Mỹ, làm nhân viên cho công ty xây dựng Martin Marietta ở Denver. Nhưng ông nhớ VN và xin trở qua VN.

    Tháng 3 năm 1965, Vann là nhân viên dân chính, chỉ huy cơ quan CORDS (Civil Operations Revolutionary Development Support) VN gọi là Trung Tâm Bình Định Phát Triển. Cơ quan nầy bao gồm CIA, Bộ Ngoại giao, USAIDS,Thông Tin HK, phối hợp với nhân viên quân sự Mỹ, chịu trách nhiệm về tổ chức Chiến dịch Phượng Hoàng (Phoenix Program), mục đích phá vở cơ sở hạ tầng của VC ở nông thôn.

    Tháng 11 năm 1968, ông được chuyển về Vùng 4 Chiến Thuật.

    Năm 1970, Tướng Ngô Du, TL/QĐ 4 có liên lạc mật thiết với ông, và nhận ra ông là người có tài.

    Năm 1971, Tướng Ngô Dzu được bổ nhiệm ra làm TL/QĐ2, ông đặc biệt yêu cầu cho John Paul Vann được làm cố vấn quân sự cho QĐ2, thay thế Trung tướng Charles P. Brown đổi đi nơi khác.

    Một trở ngại trên nguyên tắc là, ông Vann là dân sự mà làm cố vấn quân sự, nhất là cho một đại đơn vị cấp Quân đoàn.

    Nhờ sự ủng hộ của Tướng Weyand, nên Tướng Creighton Abrams chấp thuận. Sau đó, ông được có quyền hạn của một Thiếu tướng và hưởng quyền lợi của cấp bậc đó.


    Cái chết
    Ngày 9-6-1972, John Paul Vann, cố vấn trưởng QĐ2, phi công và một hành khách Mỹ, đã thiệt mạng trong vụ rớt trực thăng lúc 9:30 tối trên chuyến bay đêm từ Pleiku về Kontum.

    Ngày 16-6-1972, ông Vann được an táng theo quốc táng, tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Ông được truy tặng huy chương dân sự cao quý nhất của Hoa Kỳ.

    Đám tang có nhiều tướng lãnh tham dự. Đại tướng William Westmoreland, Trung tướng Edward Lansdale, Trung tá Lucien Conein, TNS Edward Kennedy và Daniel Ellsberg.

    John Paul Vann sống là một anh hùng và chết cũng như là một anh hùng.

    Những nhận xét về J.P. Vann:
    – J.P. Vann là một sĩ quan tánh tình nóng nảy và hăng say quá độ, có thái độ trịch thượng đối với mọi người.

    – J.P. Vann là một chiến lược gia có tầm nhìn sâu sắc về chiến tranh VN. Chính ông đã vạch chiến lược chống du kích thời gian đó. Chủ trương giao tranh với cường độ nhỏ và lâu dài. Trái ngược với chiến tranh quy ước, với đơn vị lớn mà ngắn, như HK đang thực hiện ở VN.

    – Chính sự đả kích người khác, mà nhiều tướng lãnh VN không ưa ông ta, nhưng đối với sĩ quan và nhân viên dưới quyền, thì ông là người anh hùng của họ.


    5. Kế hoạch diệt sư đoàn 320 của Cộng Sản Bắc Việt

    Đầu năm 1972, tình báo Hoa Kỳ phát hiện Sư đoàn 320, nổi tiếng trong trận Điện Biên Phủ, đang dưỡng quân ở Thanh Hoá, có thể sẽ vào vùng ba biên giới Việt-Miên-Lào, để vào mặt trận B3 do thiếu tướng Hoàng Minh Thảo chỉ huy.

    5.1. Tung màn lưới điện tử
    Những chùm điện tử được thả trên đường mòn HCM, hướng về mật khu 609, nơi trú quân của Bộ Tư lịnh B3, ở vùng Attopeu, Nam Lào. Phi cơ không thám QĐ2, phi cơ chụp ảnh Bộ TTM ngày đêm theo dõi. Các toán viễn thám, biệt kích, trinh sát, tình báo, được thả khắp nơi trong vùng Tam biên.

    Cuối tháng 1 năm 1972, một cán binh VC 17 tuổi bị bắt, đã khai rằng SĐ 320 vừa đến vùng Tam biên, sau một tháng di chuyển ngày đêm từ Thanh Hoá.

    5.2. Dụ địch
    Cố vấn J.P. Vann không muốn các đơn vị Bộ Binh tiến sâu vào các vùng rừng núi để tìm diệt CS như Tướng Westmoreland đã làm trước kia, trong chiến thuật tìm diệt.

    Ông được có quyền hạn của một Thiếu Tướng HK. Chỉ huy phó Ban cố vấn của ông là Tướng George Wear và Đại tá Joseph Pizzi là Tham mưu Trưởng. Ngoài ra còn nhiều Đại tá cố vấn cho các sư đoàn của QĐ2.

    Paul Vann dùng kế, dụ địch tiến sâu vào lãnh thổ QĐ2 ở Dakto-Tân Cảnh, Kontum, rồi nhờ hỏa lực của KQ/HK ở Thái Lan, chủ yếu là B-52 ném bom trải thảm để tiêu diệt. Kế hoạch nầy táo bạo và nguy hiểm, bởi vì QĐ2 không phải chỉ đối diện với 1 SĐ 320, mà còn phải đương đầu với 2 SĐ cơ hữu của B3, trong chiến dịch Xuân-Hè 72 của CSBV.

    Một bất ngờ ngoài dự liệu, là CSBV lần đầu tiên đưa vào chiến trường hai thứ vũ khí mới, vượt trội hẳn của QLVNCH. Đó là xe tăng T-54 và hoả tiễn chống chiến xa AT-3 Sagger của Liên Xô. T-54 vượt trội hơn M-41 của VNCH. Nó tương đương với M-48 Patton của Hoa Kỳ mà Trung đoàn 20 xe tăng VNCH mới được trang bị ngày 23-4-1972.

    Hỏa tiễn AT-3 Sagger là loại vác vai, VN gọi là B-72, là hỏa tiễn điều khiển được hướng dẫn bằng dây, rất chính xác, bắn xa 3,000 mét, xuyên thép dày 200 ly ở gốc độ 60, trong vòng 1,000 mét có thể điều khiển bằng mắt. Nếu xa hơn nữa, thì phải dùng ống nhắm.

    Khuyết điểm của loại hỏa tiễn nầy là nó không chính xác khi bắn gần, ở khoảng cách từ 500 đến 800 m, bởi vì, nó cần 30 giây mới điều chỉnh được, đồng thời mục tiêu có thể di động tránh né.

    SĐ 320 nằm trong chiến dịch toàn bộ Xuân-Hè 72 trên các chiến trường của các QK 1, 2 và 3 của VNCH.

    5.3. Quân Đoàn 2 tái phối trí nhân sự
    Thấy tình hình sắp tới rất sôi động và quyết liệt, Cố vấn Vann đề nghị Trung tướng Ngô Dzu thay đổi 2 tướng Tư lịnh SĐ, là Thiếu tướng Lê Ngọc Triển, SĐ 22BB và Chuẩn tướng Võ Văn Cảnh, SĐ 23BB, bằng 2 Đại tá Lý Tòng Bá và Lê Minh Đảo, được đánh giá là 2 sĩ quan năng động, có kinh nghiệm chiến trường.

    Thấy tướng Ngô Dzu bị lâm vào tình trạng khó xử, vì phải cần đến J.P. Vann mới có được sự yểm trợ hoả lực của B-52, hai tướng nầy làm đơn xin từ chức. Tướng Ngô Dzu chỉ thoả mãn được 50%, là cử Đt. Lý Tòng Bá làm TL/SĐ 23BB và Đt. Lê Đức Đạt làm TL/SĐ 22BB. Việc thay đổi nhân sự nầy gây ra nhiều mất lòng nội bộ.

    5.4. Thi hành kế hoạch dụ địch
    2 trung đoàn 42 và 47 cùng với Bộ TL/SĐ 22BB được di chuyển từ Bình Định lên Tân Cảnh.

    Để bảo vệ đơn vị làm mồi nhử nầy, 2 căn cứ hỏa lực Delta và Charlie, trang bị đại bác Bofors và đại liên Vulcan (M-61, Hỏa Thần), được thành lập trên sườn đồi để yểm trợ hỏa lực cho Tân Cảnh. Đại liên M-61 là đại liên 12.7 ly, 6 nòng, bắn ra 6,000 phát trong một phút.

    Toàn bộ chiến xa, pháo binh cơ hữu của SĐ 22 đuợc chuyển lên Tân Cảnh. Đồn Ben Het, kiểm soát cửa ngỏ ra vào QĐ2, được tăng cường Liên đoàn 22 BĐQ. Để bảo vệ Kontum, Bộ TTM tăng cường Lữ Đoàn 2 Dù đến Kontum làm lực lượng trừ bị.

    5.5. Bố trí của B3 Cộng Sản Bắc Việt
    Thiếu tướng Hoàng Minh Thảo điều động:

    – 2 Sư đoàn. 320 và SĐ2 Sao Vàng

    – 1 trung đoàn đặc công

    – 2 trung đoàn pháo binh

    – 1 tiểu đoàn xe tăng T-54

    – 6 tiểu đoàn phòng không

    Tổng số khoảng 20,000 người vào mặt trận.

    5.5. Diễn biến
    5.5.1. Tấn công 5 tiền đồn

    Ngày 30-3-1972.
    – 2 trung đoàn và 1 tiểu đoàn VC đồng loạt tấn công 5 tiền đồn phía Tây sông Poko, do 3 tiểu đoàn BĐQ/VNCH trấn đóng.

    – Tướng Ngô Du cử 2 tiểu đoàn Dù đến tăng cường phòng thủ.

    – J.P. Vann gọi phi cơ cường kích (Tấn công mặt đất) từ Thái Lan đến ném bom.

    – Không quân Mỹ và Pháo binh VNCH oanh tạc dữ dội.

    Trung đoàn 52 CS bị thương quá nhiều, phải bỏ chạy. Cuộc tấn công 5 tiền đồn bị thất bại.

    5.5.2. CSBV tấn công căn cứ Delta
    Ngày 3-4-1972 - 4 giờ sáng
    SĐ 320 tấn công biển người vào căn cứ Delta, nhưng gặp sự phản công mãnh liệt của các chiến sĩ Dù. Sau nhiều đợt pháo kích hỏa tiễn 122 ly và súng cối 120 ly, Cộng quân chiếm được hàng rào đầu tiên của căn cứ.

    Tướng Ngô Du và Ban tham mưu lên căn cứ Võ Định trên Quốc lộ 14 để chỉ huy mặt trận.

    Cố vấn Vann được tin nầy, rất phấn khởi, cũng bay đến quan sát hai căn cứ Delta và Charlie. Ông Vann thấy rõ một số rất đông VC đang bao vây căn cứ Delta, ông liền gọi phi cơ từ Thái Lan qua oanh kích chung quanh căn cứ nầy. Còn gọi thêm các phi cơ Stinger và Spectre được trang bị đại bác Bofors và đại liên M-61, 6 nòng đến yểm trợ căn cứ nầy.

    Chiều ngày 3-4-1972
    Cộng quân chưa chiếm được đồn, nhưng các chiến sĩ Dù đã hết đạn, thuốc men và nước uống. Trực thăng Chinook tiếp tế khẩn cấp, nhưng bị bắn rơi bên ngoài đồn.

    Thấy thế, J.P. Vann liều lĩnh xử dụng trực thăng nhỏ, loại mới nhất của QĐ/HK, là OH-58 Kiowa, chỉ có 2 chỗ ngồi, để tiếp tế. Đích thân ông lái, còn Trung úy Huỳnh Văn Cai , sĩ quan tùy viên, đạp từng thùng đạn, thùng thuốc xuống giữa căn cứ, trong khi phòng không của địch bắn lên tới tấp. Bất chấp nguy hiểm, cố vấn Vann đã tiếp tế đầy đủ đạn dược, thuốc men và mìn chiếu sáng cho căn cứ Delta.

    Tướng Tư lịnh Phó của Vann là John Hill và Đại tá Joseph Pizzi, TMT, phải kêu lên Thật là điên rồ!. Tướng Ngô Dzu cũng phải khâm phục hành động táo bạo nầy của J.P. Vann.

    Kết quả. SĐ 320 bị thảm bại nặng nề tại căn cứ Delta. Hoàng Minh Thảo phải bổ sung quân số cấp tốc cho SĐ nầy. Sau đó 10 ngày, mới có thể tấn công căn cứ Charlie.

    5.5.3. Việt Cộng tấn công căn cứ Charlie
    Ngày 11-4-1972

    – Trung đoàn 52 của SĐ 320 tấn công căn cứ Charlie

    – Trung đoàn 64 tấn công căn cứ Rocket Ridge

    Hai căn cứ nầy được tăng cường bởi những tiểu đoàn của Lữ đoàn Dù. Cuộc tấn công xảy ra nhiều đợt. Quân CSBV bị pháo binh, Không quân và đặc biệt là phi cơ AC-130 Spectre bắn chận suốt ngày đêm. Phía VC chỉ có đại liên phòng không 12.7 ly và 14.5 ly nên khả năng chống trả yếu ớt.

    Đến 11 giờ 30 phút đêm 11-4-1972, một trái hỏa tiễn 122 ly rớt trúng ngay vào hầm chỉ huy làm cho Trung tá Nguyễn Đình Bảo, Tiểu đoàn trưởng TĐ 11 Dù, bị tử thương ngay từ giây phút đầu tiên. Những sĩ quan còn lại, thấy địch quá đông, nên rút khỏi căn cứ, bỏ xác Trung tá Bảo ở lại trong hầm, rút về căn cứ Võ Định.

    Trung đoàn 52 của SĐ 320 chiếm được căn cứ Charlie với cái giá quá đắt về nhân mạng.

    5.5.4. Mặt trận Tân Cảnh* Kẻm gai bọc xác anh hùng
    Tân Cảnh được chọn làm mục tiêu làm mồi nhử SĐ 320 của CSBV.

    Lực lượng VC:

    – Sư đoàn 2

    – Tiểu đoàn Đặc công 37

    – Đại đội xe tăng T-54

    – Đại đội hỏa tiễn chống xe tăng AT-3 Sagger

    Ngày 24-4-1972.
    – 8 giờ sáng, căn cứ trung đoàn 47 bị tấn công

    – 11 giờ, căn cứ trung đoàn 42 bị tấn công.

    Đại tá Lê Đức Đạt, Tư Lịnh SĐ/22BB bị tử thương.

    ***********

    Tướng VC Hoàng Minh Thảo thấy Lữ đoàn Dù đóng ở Kontum rút đi tăng cường cho mặt trận Quảng Trị, lực lượng QĐ2 yếu đi, bèn đưa xe tăng T-54 và hỏa tiễn AT-3 Sagger vào tấn công Tân Cảnh.

    Ngày 21-4-1972, Cộng quân bao vây Tân Cảnh

    Ngày 23-4-1972, Cộng quân vẫn dùng Tiền pháo hậu xung, pháo kích tới tấp vào Tân Cảnh bằng hỏa tiễn 122 ly.

    – 10 xe tăng M-41 ra bảo vệ. Bị hỏa tiễn AT-3 bắn cháy 8 chiếc, 2 chiếc bị đứt xích.

    – Thiếu tá Như và Đại úy Kenneth Yonan, 23 tuổi, tốt nghiệp võ bị Wespoint, leo lên tháp nước cao của căn cứ, dùng đại liên 12.7 ly chống trả. Một hỏa tiễn trúng vào, bồn nước nổ tung, cả hai cùng chết tại chỗ. Hoa Kỳ và Việt Nam cùng hy sinh trên một mặt trận, một bảo vệ lý tưởng tự do, một bảo vệ tự do dân chủ cho dân tộc..

    – Trung tướng Ngô Du xử dụng hỏa lực Không quân tối đa, để yểm trợ cho Đt. Đạt.

    10 giờ tối.
    Địa phương quân người Thượng ở Dakto, cách Tân Cảnh 2 km, báo cáo, là đã thấy 15 chiếc

    T-54 xếp hàng dọc chạy về phía Tân Cảnh.

    Phi cơ AC-130 tác xạ ngăn cản nhưng không có hiệu quả, vì không có vũ khí chống xe tăng, nhất là xe tăng mới, xuất hiện lần đầu tiên trên chiến trường VN với vỏ thép rất dầy.

    Mỗi ngày, Tân Cảnh chịu hơn 1,000 hoả tiễn 122 ly và súng cối 120 ly.

    Buổi sáng hôm đó, một xe tăng M-41 thuộc Thiết đoàn 19, trấn giữ ở cổng chính của căn cứ, bị phá hủy bằng đạn xuyên phá. Lúc đầu cho rằng do B-40, nhưng sau khi xem xét, ban cố vấn Mỹ xác nhận đó là vũ khí chống xe tăng loại mới, hỏa tiễn AT-3.

    Những đợt pháo kích, phá hủy phần lớn Trung tâm hành quân của SĐ 22BB. Phòng tuyến và quân dụng bị thiệt hại nặng nề, 20 quân nhân chết và bị thương.

    Đến tối, phi cơ AC-130 dùng hồng ngoại tuyến, phát hiện 18 xe tăng T-54 trên đường đến Tân Cảnh.

    6 giờ sáng 24-4-1972, Cộng quân chọc thủng phòng tuyến phía Bắc.

    Đại úy Charles Carden, cố vấn trung đoàn 47 thuật lại, khoảng một giờ sau khi bị tấn công, một trực thăng UH-1 đến Dakto đón 6 cố vấn Mỹ, nhưng trực thăng bị trúng đạn, rớt và bốc cháy trong chu vi phòng thủ.

    Đại tá Philip Kaplan gọi máy yêu cầu J.P. Vann lên cứu. Ông Vann đã đáp trực thăng tại một khu vực nhỏ, kế bên một bãi mìn. Đt. Kaplan cho Đt. Đạt biết, và đề nghị ông cùng lên trực thăng cấp cứu của cố vấn Vann.

    Dù biết được tình hình bi đát, nhưng Đt. Đạt từ chối, và ông cũng không yêu cầu Trung tướng Ngô Du lên cứu ông.

    Hai chiếc T-54 đã lọt vào trung tâm phòng thủ, và chạy về 2 hướng khác nhau. Liền sau đó, 2 chiếc M-41 thuộc chi đoàn 1/14, mỗi chiếc bắn 3 quả đại bác 76 ly vào đúng cạnh sườn của chiếc T-54. Bị trúng đạn, T-54 bốc khói nhưng chưa bị hạ. Chiếc T-54, vỏ thép dày 105 ly, nặng 36 tấn, đã phục hồi mau lẹ, và quay súng bắn hạ chiếc M-41 bằng 2 quả 100 ly, rồi bắn tiếp phát thứ ba hạ chiếc M-41 còn lại.

    ĐT. Đạt ra lịnh cho các sĩ quan và binh sĩ thoát ra ngoài trước khi trời sáng. Đt. Tôn Thất Hùng thoát ra được, nhưng bị thương. Ông chạy vào một buông Thượng gần đó. Nhờ biết tiếng Thượng, ông được một gia đình che dấu và bảo vệ cho ông về đến thị xã Kontum 15 ngày sau đó.

    Đại Tá Lê Đức Đạt ở lại căn cứ.

    Anh Hưng, người mang máy truyền tin liên lạc cho biết, Đt. Đạt đã yêu cầu pháo binh bắn vào sân cờ của căn cứ vì xe tăng của VC đã vào tới nơi rồi. Hưng cho biết, khi đến hàng rào, một trái đạn nổ, Đt. Đạt bị kẻm gai quấn vào người, anh không thể gở ra được, vì không có kềm cắt kẻm gai. Đt. Đạt đã hy sinh.

    Kẻm gai bọc xác anh hùng.

    5.5.5. Trận Kontum
    Tân Cảnh mất. Đại tá Đạt tử trận. Sư đoàn 22BB bị tan rả.

    Trung tướng Ngô Du tái phát bịnh tim, nên Tổng thống Thiệu bổ nhiệm Thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn làm Tư Lệnh Quân Đoàn 2.

    Đại tá Lý Tòng Bá làm Tư lịnh chiến trường bảo vệ Kontum.

    Quân CSBV bị tổn thất nặng nề, nên không có thể Thừa thắng xông lên sau trận Tân Cảnh. Mãi đến gần một tháng sau, mới bắt đầu tấn công Kontum. Nhưng lần nầy, Hoàng Minh Thảo đại bại, vì mất 15,000 quân, một sư đoàn rưởi.

    Tấn công Kontum
    Hoàng Minh Thảo chia quân làm 3 mũi:

    – Hướng Bắc. SĐ 2

    – Hướng Tây. SĐ 320

    – Hướng Nam. SĐ 968. Là SĐ đa số là người Lào, nhiệm vụ chính là bảo vệ đường mòn HCM về phía Tây Trường Sơn.

    Phía VNCH
    – SĐ 23BB

    – Lữ đoàn 2 Thiết giáp của Đại tá Nguyễn Đức Dung

    – 1 Liên đoàn Biệt Động Quân + Tiểu đoàn 7 Dù

    – 20 chiếc thiết giáp

    Chỉ huy:
    – Thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn

    – Đại Tá Lý Tòng Bá

    – Cố vấn J.P. Vann

    Kế hoạch xử dụng 100 Box B-52 - Diễn tiến
    Ngày 13-5-1972
    Nhân viên kỹ thuật báo cáo, nhận được mật điện của Hoàng minh Thảo, Chỉ huy trưởng B3:

    Mũi tấn công hướng Bắc-SĐ2. Stop. Tăng cường mỗi SĐ 10 T-54 Stop. Ngày giờ tấn công Stop. Ngày giờ tấn công 05G00 ngày 14-5-1972 Stop.

    Thiếu tướng Toàn và ĐT. Bá đi từng hầm phòng thủ, động viên và khích lệ binh sĩ. Cho biết, khi súng nổ thì B-52 dội bom trên đầu địch.

    Tại hầm chỉ huy, Tướng Toàn, ĐT Bá, Paul Vann và Đt. Rhotenberry nghiên cứu bản đồ, thảo luận vị trí từng Box B-52.

    Cố vấn Vann gọi máy cho Trung tướng Chỉ huy trưởng Không quân Chiến lược (Strategy Air Command) tại Thái Lan, thảo luận về thể thức chuyển đổi các Box B-52 cho thích hợp với tình hình mặt đất. Paul Vann cũng điện đàm với Tướng Creighton Abrams xin được xử dụng 25 Box B-52 yểm trợ cho cả 4 Vùng chiến thuật. Đề nghị được chấp thuận.

    Mỗi Box dài 3 km, rộng 1 km, được thả bằng 3 chiếc B-52 với trên 100 quả bom đủ loại, từ 100 đến 500 pounds.

    Đêm 13 rạng 14-5-1972.
    Tướng Toàn, Paul Vann và hai bộ Tham mưu Việt-Mỹ, thức suốt đêm, theo dõi từng phút và hồi hộp chờ đợi giờ G.

    Phi đoàn A-37 của SĐ 6 KQ túc trực 100%.

    Chiếc trực thăng của Tướng John Hill, Tư lịnh phó của Vann, gấp rút gắn thêm 2 đại liên 6 nòng ở hai bên. Xạ thủ túc trực tại trực thăng. Tướng John Hill đang nghỉ dưỡng sức ở Cam Ranh, chờ về nước, đã tình nguyện trở lại góp phần bảo vệ Kontum.

    Nhiều cặp trực thăng võ trang Cobra của HK cũng ở tư thế sẵn sàng chiến đấu.

    Hai phi đoàn B-52 từ đảo Guam và Sattahip Thái Lan, đã cất cánh, xuất hiện trên bầu trời Thái Bình Dương. Tất cả hồi hộp đợi giờ tấn công. Giờ G, 05G00 mà mật điện ra lịnh tấn công.

    Kém 5 phút đúng 5 giờ sáng, ĐT. Bá báo cáo lớn tiếng trên máy. Địch bắt đầu nổ súng.

    Trực thăng của Tướng Hill cất cánh đầu tiên, tiếp theo là Vann và Tướng Toàn bay về hướng Kontum trong sương mù. Cố vấn Vann ra lịnh cho B-52 đúng 5 giờ sáng, đồng loạt bấm nút thả 3,000 quả bom đủ loại lên đầu 2 SĐ 320 và SĐ2 Sao Vàng.

    Tiếng nổ long trời lở đất, khói bụi mịt mù. Diện tích trải thảm là 72 Km2.

    Tiếp theo, từng đoàn A-37. AD-6 của SĐ 6 KQ bay vào mục tiêu, tiếp tục xạ kích vào các chiến xa và ổ phòng không còn lại. Nhiều nhóm Cộng quân ngất ngư, hốt hoảng chạy lùi về phía sau, lại bị đại liên 6 nòng của Tướng Hill, bọc hậu thanh toán tại chiến trường.

    Một giờ sau, Tướng Toàn và cố vấn Vann bay vào vùng thả bom, quan sát. Xác Cộng quân nhiều đếm không xuể.
    Vann thấy một số Cộng quân lảo đảo trong các hố bom, đã hạ xuống thấp để cho Trung úy Huỳnh Văn Cai dùng M-16 thanh toán đám tàn quân.

    Kế hoạch trải thảm B-52 dứt điểm cuộc tấn công của 2 SĐ CSBV vào Kontum.

    Sau trận đánh, binh sĩ VNCH đặt cho cố vấn Vann là Ông B-52.

    CSBV thiệt hại nặng nề. Theo ước tính của HK, thì B3 của Hoàng Minh Thảo tổn thất 15,000 người, một sư đoàn rưởi. 30 chiếc T-54, nhiều đại bác, pháo phòng không bị phá hủy.

    Ngày 31-5-1972, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lên Kontum ủy lạo binh sĩ và gắn cấp bậc Chuẩn tướng cho Đại tá Lý Tòng Bá.

    6. Kết

    John Paul Vann và 58 ngàn quân nhân Hoa Kỳ đã hy sinh tánh mạng trên các chiến trường Việt Nam, đã sống và đã chết cùng với những anh hùng liệt sĩ Việt Nam, thể hiện cái lý tưởng bảo vệ tự do của người Mỹ, đối với người dân miền Nam Việt Nam.

    Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh phát biểu, chúng ta mắc nợ 58 ngàn quân nhân đó, mắc nợ nước Mỹ, tuy họ không đòi, nhưng chúng ta nên nhớ và có bổn phận phải trả.

    Trúc Giang
    Minnesota ngày 2-10-2011


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X