Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cành đào oan nghiệt

Collapse
X

Cành đào oan nghiệt

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cành đào oan nghiệt

    Cành đào oan nghiệt


    Bảo Định


    Nhân dịp Tết Quí Mão năm 1963, ông Hồ Chí Minh, Chủ tịch Nhà nước Cộng sản Bắc Việt đã gửi biếu Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm hai cành đào, với tấm thiệp ghi: “Chủ tịch Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kính tặng, chúc Tết Tổng thống Việt Nam Cộng hòa”.

    Hai cành đào được Đại sứ Ấn Độ trong Ủy hội Kiểm soát Đình chiến Việt Nam chuyển đến. Kèm theo hai cành đào và tấm thiệp, là bức thư với thủ bút của ông Hồ. Nội dung bức thư được ông Hồ viết lại trong bản chúc thư, trước khi “đi gặp cụ Mác, cụ Lê” : “Đầu năm 1963, hồi đó tôi còn chưa bị bọn quanh tôi bao vây chặt chẽ quá, tôi có nhờ mấy nhân viên Ủy hội Kiểm soát Quốc tế đình chiến, chuyển vào Nam Bộ hai cành đào lớn rất đẹp, để tặng cụ Ngô Đình Diệm, kèm theo một bức thư, trong thư đó, tôi có chân tình yêu cầu cụ Ngô cùng tôi thảo luận trong tình anh em, để hai bên cùng lo cho dân chúng hai miền, trên căn bản thi đua làm cho dân giàu, nước mạnh, theo đường lối riêng của từng người. Truyện này lộ ra, làm cụ Ngô bị giết trong Nam.”

    Một trong những lý do viện dẫn, khiến người Mỹ thông qua cơ quan tình báo C.I.A. và Đại sứ Mỹ Henry Cabot Logde, xúi dục đám tướng lãnh làm đảo chánh. Người Mỹ cho rằng Tổng thống Ngô Đình Diệm đã qua mặt họ khi tự ý bắt tay thương lượng với Hồ Chí Minh của Miền Bắc. Thật là trớ trêu, từ năm 1962, người Mỹ đã nhờ Thủ tướng Chu Ân Lai của Tàu Cộng làm trung gian để nói chuyện với Hà Nội, nhưng không thành.

    Phe chủ chiến của Hoa Kỳ gồm có Averell Harriman (Under Secretary of State for Political Affairs), Roger Hilsman (State’s Assistant Secretary for Far Eastern Affairs), George Ball, Michael V. Forestal, và Getsinger, đồng ký một bức công điện, chỉ thị Đại sứ Cabot Lodge thực hiện cuộc đảo chánh. Bức công điện đó mang số 243, thuộc loại “Top secret and operation immediate”. Đô đốc Harry Felt, Tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương, nhân vật cao cấp của Mỹ đến thăm viếng Tổng thống Ngô Đình Diệm trước giờ đảo chánh, cũng góp ý trong việc soạn thảo bức công điện này: “Chính phủ Hoa Kỳ không thể dung dưỡng tình trạng mà quyền hành lại nằm trong tay ông Nhu. Ông Diệm phải loại bỏ ông Nhu và các thuộc hạ của ông ta, để thay vào đó bằng những nhân vật có khả năng trong giới quân nhân và chính trị có thể tìm được. Tuy nhiên, nếu ông (tức Đại sứ Lodge), sau khi dùng mọi nỗ lực mà Diệm vẫn ngoan cố và từ chối, thì chúng ta sẽ phải đối diện với một điều có thể xảy ra, là ngay cả bản thân ông Diệm cũng không thể tồn tại được.”

    Trong số báo ra ngày 24 tháng 12 năm 2001, Tuần báo Newsweek viết: “The Kennedy administration begins to see South Vietnamese President Ngo Dinh Diem as a communist tool and decides that ‘Diem must go’. The CIA engineers coup attempts that eventually had to his assassination in November.”

    Cho đến trước ngày xảy ra cuộc đảo chính 1 tháng 11 năm 1963, người Mỹ có 16 ngàn nhân viên cố vấn, không có quân tham chiến. Cuối tháng 6 năm 1956, khi người lính cuối cùng của Quân đội viễn chinh Pháp rời Việt Nam, người Mỹ chỉ có 740 cố vấn cho cả ba nước Đông Dương. Vào những năm đầu của thập niên 1960, người Mỹ chỉ có 3 ngàn cố vấn. Nhưng ai cũng biết dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, chính phủ đã kiểm soát hầu hết lãnh thổ Miền Nam. Quốc sách Ấp Chiến Lược thành công, đã loại VC ra khỏi nông thôn, đẩy chúng vào sâu trong các vùng rừng núi.

    Ngày 19 tháng 5 năm 1959, Hồ Chí Minh cho Tướng Trần Độ hướng dẫn “Đoàn Công tác Quân sự Đặc biệt”, với nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, để xâm nhập người, vũ khí đạn dược, và lương thực từ Bắc vào Nam, chuẩn bị cho việc tiến chiếm VNCH. Đoàn khai sinh ngày 19 tháng 5 năm 1959, nên được đặt tên là Đoàn 559, và con đường mòn Trường Sơn mang tên Đường mòn Hồ Chí Minh. Ngày 20 tháng 12 năm 1960, Hồ Chí Minh cho thành lập một công cụ xâm lược, là “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam”, giao cho Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch bù nhìn. Để đối đầu với tình trạng ngày càng gia tăng của CSBV quấy phá VNCH, năm 1961, Tổng thống Ngô Đình Diệm miễn cưởng cho phép đặt các toán cố vấn Mỹ đến cấp Tiểu đoàn.

    Tổng thống Ngô Đình Diệm của VNCH không muốn quân Mỹ vào, sợ mất chính nghĩa của quân dân Miền Nam trong cuộc chiến đấu chống lại quân xâm lăng Cộng sản Bắc Việt. Ngày 9 tháng 5 năm 1961, khi Phó Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson thăm Việt Nam, đề nghị gửi quân Mỹ tham chiến, Tổng thống Ngô Đình Diệm cương quyết từ chối: “Nếu Quân đội Mỹ vào Việt Nam, tôi phải giải thích thế nào đây với dân tộc tôi? Với người dân Việt, hình ảnh hãi hùng của Quân đội viễn chinh Pháp còn hằn sâu trong tâm trí họ. Sự hiện diện của Quân đội Mỹ sẽ làm cho dân chúng dễ dàng tin theo những lời tuyên truyền của Cộng sản. Sự can thiệp của bất cứ quân đội ngoại quốc nào vào Việt Nam cũng đem lại sự bất lợi cho Việt Nam, vì làm cho cuộc chiến đấu của chúng ta mất chính nghĩa.”

    Tổng thống John F. Kennedy của Hoa Kỳ, do e ngại bất lợi cho cuộc tái tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ hai, cũng không muốn nguời Mỹ dính sâu vào Việt Nam, chỉ muốn rút quân ra khỏi vùng đất xa xôi này. Trả lời phỏng vấn của Walter Cronkite, Tổng thống Kennedy xác định: “Đây là cuộc chiến tranh Viet Nam” (This is a Vietnamese War and the country and the war must, in the end, be run solely by the Vietnamese). Nhưng phe chủ chiến trong chính phủ Hoa Kỳ muốn đổ quân vào, giành quyền điều khiển cuộc chiến, biến cuộc chiến tranh Quốc - Cộng thành cuộc chiến tranh của người Mỹ (American War!). Nghĩa là chỉ thỏa hiệp với Bắc Việt trong thế mạnh.

    Người Mỹ không hiểu rằng leo thang chiến tranh chỉ có lợi cho CSBV. Vì càng đổ quân vào, Bắc Việt càng đưa thêm bộ đội và vũ khí vào Nam để “Đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào”. Quân Mỹ tham chiến tại chiến trường Miền Nam đã tạo cái cớ tốt cho CSBV huy động toàn dân toàn quân vào Nam đánh đuổi “Đế quốc Mỹ xâm lược”. Người Mỹ đã làm cho cuộc kháng chiến của Quân và Dân Miền Nam mất chính nghĩa. Đang là nạn nhân, bất đắc dĩ phải cầm súng, đứng lên chiến đấu chống quân xâm lược CSBV, đã trở thành là tay sai, là bù nhìn, và bị kẻ thù bị gán cho cái tên là “Ngụy quân, Ngụy quyền”.

    Giành quyền điều khiển cuộc chiến, nhưng không thắng được cuộc chiến, cuối cùng quá mệt mỏi, quân Mỹ đành phải rút ra. Sợ “mất mặt”, đã ký Hiệp định ngừng bắn Paris “vô điều kiện”, không cần có sự đồng thuận của VNCH, để rút quân trong danh dự! Lịch sử đã lặp lại khi chính Đại sứ Mỹ thảo bức thư “đuổi Mỹ ra khỏi Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồ hồ”, nhờ Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đọc trên đài phát thanh Sài Gòn ngày 29 tháng Tư năm 1975, để cuốn cờ trong danh dự!

    Trong một cuộc tiếp kiến Đại sứ Hoa Kỳ Frederick Nolting, khi Nolting đề nghị để cho Hoa Kỳ chia sẻ những quyết định về chính trị, quân sự và kinh tế, Tổng thống Ngô Đình Diệm trả lời: “Chúng tôi không muốn trở thành một xứ bảo hộ của Hoa Kỳ”. Tổng thống Diệm đã cương quyết giữ vững lập trường bảo vệ chủ quyền quốc gia, không chịu thay đổi chủ trương chính sách, và chịu sự kiểm soát của người Mỹ, như người Mỹ muốn.

    Tinh thần ái quốc của Tổng thống Diệm, với người Mỹ là “tính ngoan cố, khó sai bảo”, nên họ đã tìm cách loại trừ. Ban đầu là những lời dọa dẫm : “Mỹ sẽ rút hết quân đội và chấm dứt viện trợ cho Việt Nam bất cứ lúc nào chính phủ Việt Nam yêu cầu.” (Tổng thống Kennedy tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 22 tháng 5 về Việt Nam.

    Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông cố vấn Ngô Đình Nhu đã có cách suy nghĩ riêng của mình. Hai ông tìm cách “đi đêm” với Bắc Việt. Hành động này của hai ông không phải là tin tưởng vào thiện chí của Hồ Chí Minh, mà chỉ là một thế cờ dọa Mỹ. Ông cố vấn Ngô Đình Nhu chỉ muốn cho Hoa Kỳ thấy rằng nếu bị Hoa Kỳ bỏ rơi, ông ta có khả năng thương lượng trực tiếp với Bắc Việt. Vì lý do đó, Hoa Kỳ cho rằng ông Nhu đã thay đổi chiến lược chống Cộng của Hoa Kỳ. Tổng thống và ông cố vấn đã tính sai nước cờ, để rồi bị thảm sát. Bởi vì người Mỹ đã phản phé một cách tàn nhẫn. Đầu năm 1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng để mất Phước Long để “dọa” Mỹ, xem phản ứng của Mỹ như thế nào, có tôn trọng những gì Tổng thống Hoa Kỳ đã hứa với Tổng thống VNCH, rằng sẽ can thiệp và trả đủa Bắc Việt, nếu CSBV vi phạm Hiệp định ngưng bắn Paris. Nhưng người Mỹ đã “bình chân như vại”. Để mất Phước Long, Tổng thống Thiệu đã kéo theo sự suy sụp ở Cao Nguyên Trung phần, và các tỉnh vùng giới tuyến. Hậu quả, đất nước Miền Nam lọt vào tay quân CSBV xâm lăng vào ngày 30 tháng Tư năm 1975.

    Hồ Chí Minh viết : “…chúng tôi đã đứng ở tiền đồn của mặt trận dân chủ và hoà bình toàn thế giới chống lại chủ nghĩa đế quốc và chiến tranh” (HCMTT). Bắt chước câu nói của Mao xếnh xáng, Hồ tuyên bố: “Đừng nói là phải đánh 5 năm, 10 năm, dù có 30 năm, thậm chí 50 năm cũng phải đánh, đánh cho đến khi thắng lợi hoàn toàn.”

    Sau nhiều năm giành quyền điều khiển cuộc chiến, do không thấu hiểu tâm lý của người dân Việt, một đội quân hùng mạnh, được trang bị vũ khí hiện đại, đã không thắng được đám thảo khấu mang dép râu, đội nón cối, nên chỉ muốn thỏa hiệp để rút chân ra :“…Hoa Kỳ thất bại ở Việt Nam là do chính người Mỹ làm ra,… nước Mỹ muốn thỏa hiệp, Hà Nội chỉ muốn chiến thắng” (Henry Kissinger).

    Người Mỹ loại trừ Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông cố vấn Ngô Đình Nhu, bởi vì không hiểu thâm ý của hai ông, và nhất là đã bị Bắc Việt lừa. Hai cành đào vô tri vô giác đã trở thành hai cành đào oan nghiệt, đã đưa đến cái chết thảm khốc cho vị lãnh đạo giàu lòng yêu nước của người dân Miền Nam. Hai cành đào biếu Tết cụ Ngô của ông Hồ như giọt nước làm tràn ly nước đã đầy!

    Thế giới đã nghĩ gì về Tổng thống Ngô Đình Diệm và cái chết thê thảm của ông :

    “Người Mỹ có trách nhiệm nặng nề về vụ ám sát xấu xa này. Trung Hoa Dân Quốc mất đi một đồng chí tâm đầu ý hợp…Tôi khâm phục ông Diệm. Ông xứng đáng là một lãnh tụ lớn của Á Châu.” (Tổng thống Tưởng Giới Thạch - THDQ).

    “Cuộc thảm sát tổng thống Ngô Đình Diệm đã khiến các lãnh tụ Á Châu chúng tôi rút ra được một bài học khá chua chát: Đồng minh với Mỹ thật nguy hiểm! Có lợi hơn, nên đứng thế trung lập. Và có lẽ hữu ích hơn nữa khi là kẻ thù của Mỹ”. (Tổng thống Ayub Khan - Pakistan).

    “Lúc đầu họ nói với tôi về ông Diệm. ông ta tham nhũng, và ông ta phải bị giết. Vì thế chúng ta đã giết ông ta…Bây giờ chúng ta không có sự ổn định chính trị từ lúc đó.” (Lyndon B. Johnson). Nhận định của Johnson khá chính xác, khác hẳn với sự hiểu biết lệch lạc của Kennedy: “Nếu muốn công cuộc ngăn chận cộng sản tại Việt Nam hữu hiệu thì cần phải thay đổi chính sách, thay đổi hệ thống nhân sự lãnh đạo tại Saigon.” (Kennedy tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 25 tháng 8). Có lẽ Tổng thống Kennedy đã bị ảnh hưởng bởi nhận định của Joseph A. Mendanhall, cố vấn chính trị của Tòa Đại sứ Mỹ: “Phải loại bỏ Tổng thống Diệm, vợ chồng ông Nhu, và những người trong gia đình ông Diệm, bằng một số nhân vật khác”. Lý do vì Tổng thống Diệm không chịu thay đổi chủ trương và chính sách như người Mỹ mong muốn.

    Việt Nam Cộng Hòa do Tổng thống Ngô Đình Diệm khai sinh và dày công xây dựng, được 56 quốc gia công nhận, được có qui chế là một quốc gia quan sát viên của Liên Hiệp Quốc, và có 84 quốc gia trên thế giới đặt nền tảng bang giao; trong lúc đó nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Hồ Chí Minh chỉ có 10 nước Cộng sản công nhận. Do tính sai nước cờ, VNCH đã bị sụp đổ.

    Do tính sai nước cờ, nền Đệ Nhị Cộng Hòa đang thừa hưởng một nền chính trị ổn định, mặc dù Việt Minh khi tập kết ra Bắc, đã để lại trên 60 ngàn cán bộ và đảng viên mai phục VNCH, nhưng hầu hết đã bị loại, hoặc ra hồi chánh. Nhưng sau khi lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, và xóa bỏ Đệ Nhất Cộng hòa, các tướng lãnh thay nhau đảo chánh, lại đảo chánh, làm cho chính trường Miền Nam rối tung. Lợi dụng sự bất ổn chính trị, CSBV gia tăng hoạt động, khiến người Mỹ phải nhảy vào cứu nguy. Người Mỹ càng nhảy vào, CSBV càng đưa người và vũ khí vào Nam. Một cuộc leo thang chiến tranh bắt đầu. Nhưng cuối cùng đuối sức, người Mỹ đành bỏ cuộc, và VNCH phải suy sụp. Trước khi ngọn đèn sắp tắt, do áp lực từ nhiều phía, nền Đệ Nhị Cộng hòa đã trao cho một vị Tướng hám danh, nhưng bất tài lèo lái, để rồi danh cũng chẳng toại. Vị Tướng hám danh, đã từng một lần làm Quốc trưởng, nhưng chẳng làm nên trò trống gì. Khi Tổng thống Trần Văn Hương định giao cho vị tướng hám danh giữ chức Thủ tướng Toàn quyền để đàm phán với phía bên kia (vì vị Tướng tự nhận là lãnh tụ của thành phần thứ ba, có khả năng nói chuyện với “phía bên kia”). Nhưng vị tướng cứ nằng nặc đòi trao chức Tổng thống: “Thầy đã thương thì thương cho trót” (cụ Hương từng là thầy giáo của vị tướng). Chỉ 48 tiếng đồng hồ làm chủ Dinh Độc Lập, sau khi thốt lên câu ai oán: “Thầy hại con rồi!” (Thầy là Thượng tọa Thích Trí Quang), vị tướng đã đầu hàng quân xâm lăng CSBV vô điều kiện, đã dâng đất nước Miền Nam cho quân xâm lăng CSBV, làm cho đất nước Việt Nam phải chịu ngàn năm tăm tối.


    Michigan, Thanksgiving 2013
    Bảo Định


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X