Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Không có Mùa Xuân

Collapse
X

Không có Mùa Xuân

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Không có Mùa Xuân

    Không có Mùa Xuân


    Hoàng Hải Thủy


    Bánh xe tị nạn khấp khểnh và muộn màng đưa vợ chồng tôi đến Kỳ Hoa Tháng 12 năm 1994. Tới Tháng 12 năm nay - năm 2016 - vợ chồng tôi đã sống ở Kỳ Hoa 22 năm.

    Đã 22 mùa Thu lá phong bay qua đời chúng tôi, 22 mùa Virginia tuyết trắng, hôm nay nhớ lại, tôi thấy việc vợ chồng tôi đến Mỹ như mới diễn ra hôm qua.

    Những ngày như lá, tháng như mây. Thơ Thanh Nam. Ngày như những cánh lá rơi, tháng như những làn mây bay ngang cuộc đời.

    Với tôi, lời thơ Thanh Nam diễn tả thời gian hay tuyệt.

    Trong những ngày gần Tết một năm cách những ngày gần Tết hôm nay hai năm, vợ tôi ngã, nằm liệt. Còn may là lần này vợ tôi bị ngã trong nhà chúng tôi. Ngã mà nàng chỉ bị rạn xương, vết rạn không chênh nhau. Đây không phải là lần thứ nhất vợ tôi bị ngã. Nhưng lần này vợ tôi yếu sức, ngã rồi nằm liệt. Nhiều ông bà bạn đến nhà thăm. Có thể các ông bà nghi rằng vợ tôi sắp ra đi, các ông bà đến gặp vợ tôi lần cuối.

    ***

    Có những ông bạn hỏi tôi :

    - Anh không phải là sĩ quan, không phải là công chức, vì sao anh được sang đây với tư cách là người tị nạn chính trị?
    CTHĐ : Câu hỏi thường ngắn thôi, nhưng câu trả lời nhiều khi dài.

    Chương Trình ODP của Chính phủ Hoa Kỳ chỉ đưa sang Mỹ những Sĩ quan Quân Đội Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, những công chức - từ cấp Trưởng Ty - bị Cộng Sản Bắc Việt bắt đi tù. Thời hạn tù từ ba năm trở lên. Tôi - CTHĐ - không phải là Sĩ quan, không phải là Công chức, tôi được sang Mỹ vì :

    Theo sắp xếp của ông Alan Carter, ông Giám Đốc USIS Saigon, tôi và một số ông Việt nhân viên USIS phải lo giúp những nhân viên USIS sang Mỹ. Ông Alan Carter bay đi khỏi Sài Gòn, từ Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, trong ngày 29 Tháng Tư, 1975. Nhân viên Việt USIS mới được đưa đi sang Mỹ từ ngày 25 Tháng Tư, 1975. Số nhân viên USIS đi thoát khoảng 1/3.

    Anh Ung Văn Luông, chức vụ Trưởng Ban Nhân Viên USIS, cũng bị kẹt lại. Anh và gia đình anh đi thoát bằng thuyền trong Ngày 30 Tháng Tư 1975. Sang Mỹ, anh vào làm việc trong USIA - United States Information Agency - Không quên anh em, anh Luông nhắc những ông Mỹ trong USIA về trường hợp nhân viên USIS bị kẹt. Những ông Mỹ USIA nhờ những ông dân biểu Mỹ, những ông thượng nghị sĩ Mỹ, đưa tình trạng nhân viên Việt USIS Saigon ra thảo luận ở Quốc Hội. Cứu xét để cho sang Mỹ sống. Quốc Hội Hoa Kỳ làm những điều luật cho nhân viên USIS Saigon được Chính phủ Mỹ cho sang Mỹ nhưng không được hưởng trợ cấp như những ông Sĩ quan Việt đi HO. Nhân Viên USIS Saigon sang Mỹ như những người di dân thường, không phải với tư cách “tỵ nạn chính trị.”

    Trong 20 năm tôi sống ở Sài Gòn, 2 lần tù tội, tôi không một lần mơ chuyện tôi sang Mỹ. Năm 1990, sau lần đi tù lần thứ hai - 6 năm - trở về, tôi được những ông bạn USIS chạy thoát sang Mỹ, trong số có anh Ung Văn Luông, liên lạc về cho biết tôi và vợ con tôi được USIA xin với Quốc Hội Hoa Kỳ cho sang sống ở Mỹ. Năm 1992 tôi bắt đầu làm hồ sơ xin đi. Cuộc Ra Đi của gia đình tôi không chật vật hay vất vả, khó khăn gì nhiều. Tháng 12 năm 1994 vợ chồng tôi được con chim sắt United Airlines đưa qua biển Thái Bình.

    Khi ngồi trong phi cảng San Francisco đèn sáng trưng, không còn biết chắc đó là đêm hay ngày, tôi nhớ những đoạn truyện tiểu thuyết Mỹ tôi phóng tác, trong số có những trang tả cảnh trong phi trường nước Mỹ, tôi nhớ một lời tôi đọc trong Kinh Thánh.

    Lời Kinh tôi viết ở đây theo trí nhớ nên không đúng từng tiếng :

    “Lúc này anh tưởng tượng ra cảnh Thiên Đường, cảnh đó mờ ảo thôi. Cho đến khi anh ở trong Thiên Đường, anh mới thực biết cảnh Thiên Đường.”

    Tôi từng đọc về cảnh sắc nước Mỹ, tôi từng thấy cảnh những phi cảng Mỹ trên màn ảnh xi-nê. Những lúc đó tôi là người đứng ngoài nhìn vào nước Mỹ, nay tôi đang ở trong nước Mỹ.

    ***

    Chuyện cũ đã xưa đến 40 mùa lá rụng, tôi đã kể nhiều lần, quí vị đã đọc nhiều lần. Xin ngừng, tôi viết về cuộc sống của tôi hôm nay.

    Tôi viết về tôi, nhưng cũng là viết về một số người Việt Nam sang nước Mỹ như tôi.

    Khoảng 5 giờ chiều trong Văn Phòng ODP Sài Gòn, vợ chồng tôi và ba con chúng tôi nghe phán quyết của một ông nhân viên ODP. Ông này tất nhiên là một ông người ngoại quốc. Hồ sơ của gia đình tôi mở trên bàn trước mặt ông. Ông nói :
    - Hai ông bà này sẽ sang Hoa Kỳ - Ông đọc tên vợ chồng tôi - Ông bà sẽ được hưởng quy chế tị nạn chính trị. Những người kia không được xét đến.

    Như lời tuyên án, nói xong ông nhân viên ODP gập ngay hồ sơ, đi ngay ra khỏi phòng.

    Như vậy là chỉ có vợ chồng tôi được sang Mỹ, ba con tôi không được đi theo chúng tôi.

    Vợ tôi thở ra một hơi thở nhẹ.

    Ba mươi năm qua đi, hôm nay viết lại chuyện xưa, tôi lại nghe thấy tiếng thở dài của vợ tôi buổi trưa đầu năm 1994.
    Ông bà Anh Ngọc, sang Mỹ năm 1993, bà là nhân viên Đài VOA, gửi thư về cho chúng tôi. Trong thư có tấm ảnh ông bà ngồi trên thảm cỏ xanh trong một công viên ở Virginia.. Thảm cỏ xanh đầy những lá vàng. Lúc đó chúng tôi đang làm hồ sơ để sang Mỹ, chúng tôi chưa biết nên đến nơi nào ở Mỹ.

    Vợ chồng tôi trầm trồ :

    - Lá vàng đẹp quá. Chúng mình đến Virginia.

    Và chúng tôi đến Virginia is for Lovers - Virginia của những Người Yêu - Người làm sponsor cho chúng tôi đến Virginia là bà Khúc Minh Thơ, năm đó bà là Hội Trưởng Hội Bảo Vệ Gia Đình Cựu Tù Nhân Chính Trị - vợ chồng tôi và các con tôi được bà giúp rất nhiều.

    ***

    Đến Mỹ, vợ chồng tôi hưởng ngay tiền SSI. Khoản tiền chúng tôi có một tháng là 1200 Mỹ Kim. Tiền nhà chúng tôi phải trả một tháng là 320 Mỹ Kim: một phần ba tiền SSI của chúng tôi. Căn phòng chúng tôi được cấp giá thuê khoảng 1.000 MK. Vì là Người Già Thu Nhập Thấp - Old Seniors Low Income - chúng tôi chỉ phải trả 320 đô, số sai biệt Sở Xã Hội Quận Fairfax trả. Chúng tôi được cấp Thẻ Medicaid, Medicare. Đau bệnh, chúng tôi được điều trị trong những bệnh viện Mỹ, mọi khoản chi về y tế của chúng tôi đều do Sở Xã Hội trả.

    Kể qua vậy thôi. Những con số trong bài viết này không được chính xác lắm. Chuyện tôi muốn kể hôm nay là chuyện :

    Một ngày trong đời một lão niên người Việt sống ở Kỳ Hoa.

    ***

    Hai mươi năm Sống và Viết ở Sài Gòn, tôi muốn được ngồi Viết trước một khung cửa sổ nhìn ra một khoảng trời xanh, một hàng cây có lá xanh mùa xuân, lá vàng mùa thu. Ước mơ ấy của tôi ít khi được toại.

    Nay phòng tôi có cửa sổ lớn mở ra hướng đông nam. Đêm, trăng soi vào trước giường tôi, sáng nắng vàng vào đến tận bếp. Người già thường ngủ sớm, dậy sớm. Tôi ngủ khoảng 11 giờ đêm, dậy lúc 5 giờ sáng. Tôi vẫn có thói quen đọc sách. Tuổi Tám Mươi đến, đêm tôi không còn đọc sách được lâu nữa. Đọc hai, ba trang là tôi mỏi mắt. Tôi ngủ thiếp đi, Có những sáng tôi thức giấc lúc 4 giờ. Ngồi trước TiVi, tôi nhâm nhi ly cà phê. Tôi ắn sáng bằng 1 quả chuối tiêu, hai miếng phô mai, 1 hũ yaourt. Sáng nào cũng như thế. Vợ tôi thường dậy muộn hơn tôi. Tôi sọan sẵn cà phê cho vợ tôi, chờ nàng dậy là tôi pha nước sôi.

    Sang Mỹ năm 1975, nhờ bà Khúc Minh Thơ, năm 2003 vợ chồng tôi mang được hai con chúng tôi sang Mỹ. Các con tôi vì job - công việc làm - ở xa chúng tôi. Nên nhiều ngày tôi cảm thấy chúng tôi cô đơn.

    Vợ chồng tôi gặp nhau ở Vũng Tầu Mùa Thu 1954. Chúng tôi yêu nhau Ngày Đất Nước chúng tôi bị chia đôi - Tháng Bẩy 1954 - Mới đây tôi nói :

    – Chúng mình yêu nhau đã sáu mươi năm.

    Vợ tôi sửa :

    - Sáu mươi hai năm.

    Hình ảnh Nàng năm nàng hai mươi hai tuổi thường trở lại với tôi, trở lại thấp thoáng khi tôi nhìn nàng là bà già tám mươi tuổi. Tôi thương nàng. Thời gian tàn phá nhan sắc con người. Tôi kinh sợ có ngày tôi đứng bên giường nàng, chờ nàng trở dậy…

    Mười năm đầu khi chúng tôi là vợ chồng, chúng tôi ngủ chung giường. Khi chúng tôi có con, chúng tôi bắt đầu xa nhau. Rồi tôi nghiện thuốc lá. Tôi nghiện nặng, mỗi ngày tôi hút 50 điếu thuốc lá. Trước ngày 30 Tháng Tư năm 1975, mỗi ngày tôi hút 50 điếu. Tôi hút thuốc Lá Mỹ : Lucky Strike, Pall Mall, Philip Morris. Toàn thuốc loại King Size : điếu thuốc dài hơn loại điếu thường. Tôi bắt đầu hút thuốc lá Mỹ khoảng năm 1960.

    Những năm 1960 một bao thuốc Mỹ giá 30 đồng Việt Nam. Những năm 1970 cũng bao thuốc lá Mỹ ấy giá 400 đồng. Tiền thuốc lá của tôi nhiều hơn tiền gạo của vợ chồng tôi và ba con chúng tôi.

    Sau Tháng Tư 1975, tôi hút thuốc lá Vĩnh Hảo, rồi hút thuốc Gò Vấp. Thuốc lá Việt Nam ít chất Nicotine, chỉ có khói và chất keo nhựa đen. Những ngày trong tù gần như từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối, không lúc nào không có điếu thuốc lá trên môi tôi. Tôi hít quá nhiều khói vào phổi, cổ họng tôi bị khói làm khô queo. Tôi ho. Những cơn ho kéo dài làm cho những người bạn tù của tôi mất ngủ khi tôi ở trong tù, làm người nhà bên cạnh trong cư xá tôi khó chịu khi tôi sống ở cư xá Tự Do, cư xá ở giữa Ngã Ba Ông Tạ và Ngã Tư Bẩy Hiền. Nhà tôi là một nhà nhỏ trong dẫy nhà liền mái. Vì nhà liền mái, tiếng người nói trong nhà này, chỉ cần hơi lớn, là người nhà bên bị nghe tiếng.

    Năm 1993 tôi than với Mục sư Đinh Thiên Tứ :

    - Tôi muốn bỏ hút thuốc lá mà tôi không bỏ được.

    Mục sư bảo tôi :

    - Ông xin Chúa cho ông bỏ hút là ông bỏ được.

    Một buổi sáng năm 1993, ngồi hút điếu thuốc thứ nhất trong ngày trước ly cà phê, tôi xin :

    - Xin Chúa cho con bỏ thuốc lá.

    Tôi buông điếu thuốc xuống…

    Và tôi bỏ được thuốc lá ngay lúc đó.

    Với tôi việc tôi bỏ hút thuốc lá khó hơn là việc Liên Xô tan rã. Vợ tôi không một lần ngỏ ý mong tôi bỏ thuốc lá, nàng chỉ muốn tôi hút ít đi.

    Trước ngày tôi bị bắt lần thứ hai năm 1984, vợ tôi lo vàng cho tôi vượt biên. Nàng thủ thỉ:

    - Em biết anh không thể sống thiếu người đàn bà. Sang được bên ấy, anh thương ai, anh thấy ai thương anh, anh cứ lấy người ta. Em chỉ mong anh chịu khó làm việc, để dành tiền, gửi về cho em nuôi con.

    Tôi chưa kịp đi thì bọn Công An Thành Hồ nửa đêm đến nhà tôi, còng tay tôi đưa tôi đi, cho tôi nằm phơi rốn trong tù 6 niên.

    Thì đi vượt biên, đi tù hay đi sang Mỹ cũng là Đi.

    Trong 40 năm, từ năm 1954 đến năm 1994 - vợ chồng tôi cùng ở Sài Gòn mà phải xa nhau 8 năm.

    Tôi bị tù hai lần. Lần tù thứ nhất 2 năm, lần thứ thứ hai 6 năm.

    ***

    Mỗi năm khi Tết Nguyên Đán đến tôi viết một, hai bài gọi là bài Xuân, bài Tết để đăng báo Xuân, báo Tết.

    Sang Mỹ tôi vẫn giữ cái lệ ấy.

    Nhưng năm nay, năm 2017 đến - trong những ngày Tết Nguyên Đán đang tới, tôi không viết được bài Xuân nào.
    Tôi đi vào cảnh được gọi là “ Lão lai Tài tận.” Tài đây là tài năng, mà cũng là tài tiền.

    Tết năm 1976 tôi làm bài Thơ thứ nhất sau 20 năm tôi không làm thơ.

    Căn Nhà Không Có Mùa Xuân
    Ngày xưa tôi đọc Thơ người lạ
    Bài Thơ sầu muộn một Tình buồn.
    Tôi nhớ ý Thơ, không nhớ cả
    Bài Thơ tôi đọc một mùa xuân.
    Mùa xuân xưa lắm tôi còn trẻ
    Chưa biết đau thương biết nợ nần.
    Đời chỉ có Hoa và Mật ngọt,
    Da thịt thơm mùi phấn ái ân.
    Tôi đã buồn vương, đã cảm thương
    Bài Thơ sầu mộng ý như sương.
    Người yêu một tối rời nhân thế,
    Thi sĩ đau mê chuyện đá vàng.
    Đóng cửa nhà xưa, che gió nắng,
    Đàn xưa để mặc nhện tơ dăng.
    Năm mòn, tháng mỏi, thời gian vắng
    Trong căn nhà không có mùa xuân.
    Ở giữa căn nhà u tịch ấy
    Đời sống buồn trôi với tối tăm.
    Cho đến một chiều nghe pháo nổ.
    Người sống bừng cơn mộng cuối năm.
    Tay gầy vén bức màn cô quạnh.
    Nhìn ra thiên hạ đón xuân sang.
    Chơt biết từ đêm Tình tuyệt mệnh
    Căn nhà mình không có mùa xuân.
    Cửa đóng, màn che vội mở tung
    Bình hoa cắm vội một đôi bông.
    Rồi rượu mừng Xuân, rồi pháo đỏ.
    Sắp sẵn lòng vui để đợi mong.
    Nhưng chờ đợi mãi Xuân không đến.
    Nhà vẫn buồn tênh, vẫn tối tăm.
    Mới biết từ khi Tình tuyệt mệnh
    Căn nhà mình không có mùa Xuân.
    Từ đấy hoa tàn và khói lạnh,
    Bóng tối trùm lên lưới nhận dăng.
    Vĩnh viễn mùa Xuân không trở lại.
    Trong căn nhà không có mùa Xuân.
    Năm nay mái tóc không xanh nữa,
    Tôi đã đau thương, đã nợ nần.
    Một tối rùng mình tôi cũng thấy :
    Sao nhà mình không có mùa Xuân ?
    Sao nhà tôi không có mùa Xuân?
    Bạn ơi, người bạn mới qua đường.
    Xin dừng chân lại cho tôi hỏi :
    - Sao nhà tôi không có mùa Xuân ?


    Hoàng Hải Thủy


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X