Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nhìn Lại 60 Năm

Collapse
X

Nhìn Lại 60 Năm

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nhìn Lại 60 Năm

    Nhìn Lại 60 Năm
    Trọng Ðạt


    Một bài đăng trên tờ Constellation của Pháp năm 1966 có mô tả đêm 19-6-1946, Võ Nguyên Giáp cho Tự Vệ tấn công quân Pháp tại Hà Nội, cuối bài người ký giả kết luận: “Ðó là trận đánh mở đầu của cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ (La guerre la plus longue du siècle), nó kéo dài từ hai mươi năm qua, và đất nước bị chia đôi mãi mãi”

    Nhưng cho tới nay thời gian đã trả lời đất nước không bị chia đôi vĩnh viễn mà đã thống nhất làm một dưới chế độ độc tài Cộng Sản sau mấy chục năm binh đao khói lửa.

    Năm 1945 quân Pháp núp sau xe tăng Mỹ về giải phóng đất nước. Sau khi giành độc lập, De Gaulle tuyên bố tất cả các thuộc địa cũ đều sẽ được chiếm lại. Thực dân còn nhiều quyền lợi như nhà máy, xí nghiệp, đồn điền, cửa hàng, hầm mỏ. . .mà họ cho là tài sản, mồ hôi nước mắt của mình. Pháp theo chân quân Anh vào Sài Gòn giải giới quân Nhật ngày 6-9-1945, thừa cơ chiếm lại các tỉnh Nam, Trung Việt. Sau Pháp áp lực Việt Minh phải cho họ ra Bắc, Hồ Chí Minh tương kế tựu kế cho Pháp ra Hà Nội để đuổi quân Tầu của Tưởng Giới Thạch về nước. Pháp đổ bộ vào Hải Phòng, tiến về Hà Nội 18-3-1946. Tháng 7-1946 nhờ Pháp giúp đỡ đạn dược, Việt Minh tấn công tiêu diệt các lực lượng Việt Nam Quốc Dân Ðảng tại các tỉnh Thượng du như Bắc Ninh, Bằng Giang, Lạng Sơn… bắn giết cả tù binh, thương binh. Sau khi giúp Việt Minh tiêu diệt các đảng phái Quốc gia, Pháp trở mặt gây hấn với Việt Minh, chiến tranh sẽ phải diễn ra, tối 19-6-1946 Việt Minh biết là thua nhưng cũng đánh đại một trận rồi rút lui vào hậu phương kháng chiến.

    Chúng tôi xin sơ lươc về lực lượng quân sự của Việt Minh hồi ấy.

    Pháp bị Nhật đảo chính 9-3-1945, Việt Minh phục kích đám tàn quân Pháp để lấy vũ khí. Tháng 6-1945 Việt Minh được Mỹ thả dù xuống chiến khu khoảng 5,000 khẩu súng đủ các loại để hợp tác chống Nhật, cứu các phi công Mỹ bị bắn rơi. Việt Minh cướp được chính quyền tháng 8 năm 1945, tháng 9 quân Tầu sang giải giới Nhật, Hồ chí Minh tổ chức quyên vàng rồi đem gái đẹp, thuốc phiện vàng bạc mua chuộc các quan Tầu, mua súng lậu của họ, của các thương gia Hoa Kiều. Cuối năm 1946 Việt Minh có khoảng 90 ngàn quân trên toàn quốc kể cả dân quân du kích, 30 ngàn quân phía trên vĩ tuyến 16, có khoảng 80 ngàn khẩu súng đủ các loại kể cả súng cối.

    Sau năm 1945 có khoảng 10 ngàn quân Nhật ở lại theo Việt Minh kháng chiến, họ huấn luyện cho Việt Minh tại Sơn Tây. Người Nhật cũng giúp Việt Minh lập cơ xưởng chế tạo vũ khí tại miền Thượng du Bắc Việt, từ đầu đến cuối năm 1946 họ chế tạo được hàng chục nghìn khẩu súng cá nhân, khoảng 30 ngàn vũ khí đủ loại như mìn lựu đạn… tuy nhiên so với Pháp có xe tăng đại bác thì VM vẫn còn yếu lắm.

    Trong những năm 1947, 48 Việt Minh còn yếu thế lẩn trốn đánh du kích, không dám ra mặt. Pháp thừa thắng chiếm Hoà Bình, Sơn Tây, Việt Trì, Bắc Ninh năm 1948. Cuối Năm 1948 Tưởng Giới Thạch mất Mãn Châu, thiệt hại gần nửa triệu quân, ngày 7-10-1948 Hồng quân đại thắng ở Hoa Bắc, Tưởng xin Mỹ viện trợ nhưng không được đáp ứng. Ðầu tháng 12 năm 1948 bà Tống Mỹ Linh, Tưởng phu nhân đích thân sang Mỹ cầu viện nhưng bị họ lờ đi, trước đây họ giúp Tưởng để chống Nhật nay đế quốc Nhật đã đầu hàng, họ không cần Tưởng và bỏ rơi không thương tiếc. Trước đây năm 1943 Tống Mỹ Linh sang Mỹ xin cầu viện 50 triệu đô la quân viện để chống Nhật, Mỹ phải thuận cho vì Tưởng doạ ký hoà ước với Nhật.

    Ngày 21-1-1949 Trung Cộng vào Bắc Kinh, đầu tháng 10-1949 Mao tuyên bố thành lập nước Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hoà Quốc. Trước 1948 Việt Minh vẫn nịnh nọt Quốc Dân Ðảng Trung Hoa để mua vũ khí của họ, nhưng khi thấy Hồng quân thắng lớn, Việt Minh trở cờ theo Mao và xin thần phục làm đệ tử trung thành. Ngày 18-1-1949 Mao thừa nhận Hồ, và ngày 31-1-1949 Hồ cũng thừa nhận Mao.Thế là thời cơ vô cùng thuận lợi tự dưng đem đến tận tay họ Hồ và đồng bọn.

    Trung Cộng từ đấy chuyển vận vũ khí ồ ạt giúp Hồ, thành lập nhiều trại huấn luyện dọc theo biên giới. Nhờ đó Việt Minh tổ chức đươc trên 40 ngàn quân chính qui và nhiều Ðại đoàn như 308, 312, 316, 320. Năm 1948 họ thành lập được 32 tiểu đoàn chính qui, năm 1950 tăng vọt lên 127 tiểu đoàn. Hồ chí Minh ban hành tổng động viên gia tăng quân số.

    Năm 1948 Pháp thấy không thể dùng quân sự được mà phải phối hợp chính trị, chiến tranh tâm lý để thắng địch nên họ đã nghĩ đến việc đưa cựu hoàng Bảo Ðại, một người ôn hoà thân Pháp về làm Quốc trưởng. Nhiều phái đoàn tại Huế Sài Gòn, Hà Nội cũng đã đi Hương Cảng mời Ngài trở về gánh vác giang sơn, họ không tin cả Pháp lẫn Việt Minh cho rằng vì Ngài thoái vị nên mới có đổ máu, chiến tranh. Tháng 3-1949 Tổng thống Pháp Vincent Auriol và ông Bảo Ðại cùng ký thoả ước về một nước Việt Nam độc lập trong Liên hiệp Pháp.

    Chính phủ Quốc Gia Việt Nam được thành lập từ đấy, Thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân được cử thành lập chính phủ lâm thời, lấy cờ vàng ba sọc đỏ làm Quốc kỳ, bài Tiếng Gọi Thanh Niên làm Quốc ca, Thủ Ðô đặt tại Sài Gòn. Chính phủ Bảo Ðại từ tháng 1-1949 cho tới đầu 1950, Nguyễn Phan Long 1950, Trần Văn Hữu 1950-51. . . chế độ không có Hiến pháp, chỉ có hai Ðạo dụ 1-7-1949 về tổ chức công quyền. Quốc trưởng có quyền lập pháp và bổ nhiệm Thủ Tướng.

    Quân Ðội Quốc Gia được thành lập cuối năm 1949, lương bổng do chính phủ trả tượng trưng còn lại do viện trợ Mỹ đài thọ, các công sở Pháp được trao dần dần cho Việt Nam. Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam năm 1950 mới có 5 Tiểu đoàn, 1951 có 26 Tiểu đoàn, chính phủ thành lập các Trường Võ bị, Không quân, Quân y.

    Ðầu năm 1949 Hồng quân chiếm trọn nước Tầu, họ cho 20 Sư đoàn đóng dọc theo biên giới Việt Hoa để ngăn chặn Quốc quân chạy sang Việt Nam. Pháp sợ quá nên rút khỏi Cao Bằng. Việt Minh biết trước do tình báo Nga nên tiến đánh chiếm Ðông Khê bằng chiến thuật biển người năm đổi một để chận đường rút lui của Pháp. Ðại tá Charton triệt thoái 3 Tiểu đoàn khỏi Cao Bằng ngày 29-9-1949, đến đầu tháng mười bị Việt Minh chận đánh tơi bời. Ngày 7-10 binh đoàn tan rã, Pháp mất 7,000 quân và nhiều đơn vị tinh nhuệ, 500 quân xa, trên 100 súng cối và 13 khẩu đại bác, 10 ngàn súng cá nhân và cộng đồng trung liên, đại liên. Trận đánh làm rung động cả nước Pháp vì không ai ngờ bây giờ Việt Minh lại mạnh đến thế. Lạng Sơn sợ quá cũng rút quân không kịp tiêu hủy đạn dược để lại hàng nghìn lít săng, 450 quân xa, 13 ngàn súng cá nhân, đây là một trận đại phục kích, theo Việt Minh: Pháp mất 8 ngàn quân, 3 ngàn rưởi bị bắt làm tù binh.

    Ðó là khúc quành trong cuộc chiến tranh Ðông Dương, Việt Minh đang chuyển bại thành thắng. Khi Mao chuyển vũ khí ồ ạt cho Việt Minh thì cuối tháng 10-1950 Hoa Kỳ vội viện trợ quân sự cho Pháp 300 triệu đô la, hàng không mẫu hạm Mỹ chở tới Sài gòn 40 máy bay Hellcat cho Pháp. Thực dân bèn gia tăng quân số leo thang chiến tranh, năm 1945 mới có 32 ngàn , năm 1947 lên 128 ngàn, năm 1950 lên 143 ngàn .

    Ðầu năm 1950 Võ Nguyên Giáp được cố vấn Trung Cộng dạy cho lối đánh biển người, tháng 2 năm ấy Giáp đích thân chỉ huy Sư đoàn 308, ông ta đưa một lực lượng khoảng 6 ngàn người tấn công đồn Phố Lu, trong đồn chỉ có 150 lính với 4 khẩu đại liên ở lô cốt. Giáp cho pháo kích rồi xung phong hết đợt này đến đợt khác, bốn khẩu đại liên bắn như mưa bấc đỏ cả nòng, mặc dù đã đẩy bao nhiêu thanh niên vào chỗ chết nhưng Việt Minh không đạt được mục tiêu.

    Sau trận Cao Bắc Lạng Chính phủ Pháp hoảng quá bèn cử Tướng năm sao De Lattre de Tassigny đến Ðông Dương cuối 1950, tăng thêm 18 ngàn quân xa, 2,300 thiết giáp, 230 tầu chiến giang đĩnh, hơn 500 ngàn súng cá nhân, 1,500 súng cối, 750 đại bác. De Lattre cho xây khoảng 1000 lô cốt, đốn bót kiên cố đương đầu với Việt Minh đang thừa thắng.

    Trận chiến ngày càng leo thang, tính đến cuối năm 1950 đã có 15 ngàn lính Pháp tử trận. Việt Minh bắt đầu đánh lớn, ngày 13-1-1951 họ đánh đồn Bao Chúc gần Vĩnh Yên , chiếm được nhiều cao điểm quanh Vĩnh Yên, Hà Nội bị đe doạ, trận chiến diễn ra dữ dội. Trận này Võ Nguyên Giáp cũng đánh biển người thí quân dữ dội, không có cứu thương, Giáp huy động hai Sư đoàn 308, 312 xung phong hết lớp này đến lớp khác, đại liên bắn không xuể, hai bên bây giờ trộn trấu. Việt Minh đánh chia cắt 6 ngàn quân Pháp, 24 tiểu đoàn Việt Minh giáp mặt 3 liên đoàn Pháp. De Lattre quyết định táo bạo tàn nhẫn không ai ngờ, Salan cũng không ngờ, ông ta cho tập trung khoảng 100 máy bay ném xuống mặt trận 300 quả bom săng lửa (napalm) thí quân cả hai bên, lửa đỏ rực cả góc trời thiêu đốt cả hai đạo quân đang xáp lá cà. Việt Minh mất khoảng 6,000 người, 500 bị bắt làm tù binh. Võ nguyên Giáp và cố vấn Tầu sợ xanh mặt, không ai ngờ De Lattre chơi bạo đến thế.

    Giáp bổ sung quân số, trang bị lại rồi dùng Ðại đoàn 308, 312, 316 tấn công Mạo Khê, đe doạ Hải Phòng, mặc dù đánh biển người nhưng cũng không chiếm được mục tiêu. Kế đó là trận bờ sông Ðáy kéo dài trên phòng tuyến 80 cây số, gần một tháng, Sư đoàn 308 đánh Ninh Bình, 304 đánh Phủ Lý, 320 đánh Phát Diệm, Việt Minh để lại 350 xác chết, trận Yên Cư Hạ trên mấy ngọn đồi thuộc Nam Bắc Việt vào đầu tháng 6-1951 Việt Minh cũng đánh biển người nhưng không hạ được đồn. Toàn bộ chiến dịch bờ sông Ðáy Việt Minh tổn thất khoảng 10 ngàn người, Pháp mất 2,500 người. De Lattre đánh bại Võ nguyên Giáp mấy trận liên tiếp cứu vãn sự sụp đổ của miền Bắc trước những trận thí quân điên cuồng của địch. Cách đây 4 năm Pháp cho khoảng 1000 lính nhẩy dù xuống Bắc Cạn trúng Tổng hành dinh Hồ chí Minh bắt hụt toàn bộ cấp lãnh đạo CSVN, nay tháng 6-1951 Pháp nhẩy dù đột kích chợ Cháy và lại bắt hụt Hồ Chí Minh lần nữa.

    Thời gian này Pháp thắng lợi về quân sự nhưng thất bại về chính triï, quân Pháp quá tàn ác, trong các cuộc hành quân vào làng, chúng cướp bóc, hãm hiếp đốt nhà, bắn giết tàn bạo lương dân vô tội. Hành động khát máu của lính Tây đã vô tình đẩy người dân về phía đối phương. Ngay cả báo chí tại Ba Lê hồi ấy cũng đã phơi bầy cho dân chúng thấy tội ác của bọn thực dân. Năm 1952 De Lattre chết vì bệnh ung thư, Salan lên thay hành quân càn quét Hòa Bình, Việt Minh đánh thí quân tàn bạo, Pháp phải rút khỏi Hoà Bình, Việt Minh chết khoảng 5,000 người.

    Mặc dù những trận biển người không đạt thắng lợi về quân sự nhưng người Pháp đã phải run sợ trước một kẻ thù cố đấm ăn xôi, đánh thí mạng cùi. Người Pháp ngày càng ghê sợ chán ghét chiến tranh Ðông Dương. Chiến sự ngày càng leo thang ác liệt, năm 1953 quân Ðông Dương đã tăng khoảng 440 ngàn người trong số đó lính Pháp và Bắc Phi khoảng 125 ngàn còn lại là người bản xứ. Việt Minh nay có 125 ngàn chính qui, 75 ngàn địa phương quân và 150 ngàn du kích. Quân đội Quốc Gia Việt Nam cuối 1953 có khoảng 150 ngàn chủ lực và 50 ngàn phụ lực quân, trang bị còn yếu kém chưa đủ sức chống Việt Minh.

    Người Pháp đang tìm cách rút chân ra khỏi bãi lầy, Tướng Salan mất tinh thần dự định rút quân xuống dưới vĩ tuyến 16 bỏ miền Bắc nay đã bị Việt Minh làm cho ung thối, dân Pháp đa số chán ghét chiến tranh Ðông Dương vì tốn kém tiền bạc, thiệt hại nhiều nhân mạng, họ muốn rút lui càng sớm càng tốt. Tháng 5-1953 Navarre được cử sang làm Tư Lệnh quân đội viễn chinh Pháp, mỗi Tư lệnh có một kế hoạch khác nhau. Navarre bi quan vì năm 1950 viện trợ quân sự Mỹ cho Pháp mới có 17% , nay đã lên tới 40%, năm sau 1954 lên tới 74%, mọi chi phí quân sự nay đa số do Mỹ đài thọ, Pháp biết rằng dù có thắng trận cũng mất Ðông Dương vì hiện đã mất chủ quyền vì nhận viện trợ.

    Tổng số quân Ðông Dương nay là 444 ngàn, Pháp và Bắc phi khoảng 125 ngàn , lính bản xứ và Quân Ðội Quốc Gia khoảng 320 ngàn , không quân có 550 máy bay đủ các loại, 390 tầu chiến, nhưng chủ lực quân vẫn thua Việt Minh vì phải trải quân giữ đất. Giữa năm 1953 chủ Lực quân Pháp khoảng 170 ngàn nhưng đã bị VM cầm chân 100 ngàn tại vùng trung châu nên thiếu quân di động. Mặc dù Việt Minh trang bị yếu kém không tối tân bằng pháp, không có máy bay, xe tăng, đại bác, tầu bè… hoả lực thua kém Pháp, chính tài liệu của CS cũng đã công nhận như thế nhưng vì không phải trải quân giữ đất, VM lưu động, lựa chọn chiến trường đánh tiêu hao địch nên họ vẫn có ưu thế hơn. Người Pháp chuẩn bị Việt Nam hoá chiến tranh.

    Mới đầu Navarre cho hành quân Nhẩy Dù tấn công các căn cứ tiếp liệu hậu cần của Việt Minh, lực lượng tham gia khoảng 15 ngàn người. Họ đã phá được nhiều cơ sở, kho lương thực, quân dụng.. nếu cứ tiếp tục thì đã gây nhiều khó khăn cho Việt Minh nhưng ông lại muốn đối phương phải thò mặt đánh một trận lớn vì tin tưởng ở hoả lực pháo binh, không quân của Pháp.

    Navarre trình kế hoạch lên bộ Quốc phòng, sau khi được chấp thuận ông bèn cho trấn đóng Ðiện Biên Phủ cách Hà Nội 300 cây số để ngăn chận Việt Minh qua ngả Lào và ngăn chận đường tiếp tế từ Trung Hoa, Việt Minh buộc phải lâm trận nếu không sẽ tuyệt đường sinh lộ. Võ Nguyên Giáp người chỉ huy trận đánh đưa vào đó bốn hơn Sư đoàn, tổng cộng trên 50 ngàn người, chưa kể du kích địa phương, về pháo binh VM có 24 khẩu 105 ly, 15 khẩu sơn pháo 75 ly, 16 súng cối 120 ly, 36 súng cối 82 ly, tổng cộng vào khoảng gần 100 khẩu, ngoài ra họ được viện trợ 64 khẩu pháo phòng không 37 ly tối tân của Nga.

    Trung Cộng xử dụng 600 xe vận tải chở tiếp tế cho mặt trận, theo tài liệu CS, Việt Minh đã huy động được hai trăm nghìn người dân công chuyên chở, gồng gánh thực phẩm, súng đạn cho chiến dịch. Từ 16-1 đến 25-1 VM huy động hàng mấy nghìn người kéo 24 khẩu đại bác 105 ly qua những dốc núi cao ngất tới tận mặt trận chuẩn bị tấn công . Võ nguyên Giáp thấy lực lượng Pháp rất mạnh rồi lại cho kéo pháo ra chờ tiếp liệu đầy đủ mới cho đánh. Một điều Pháp không thể ngờ được là VM có thể kéo được đại bác qua những dẫy núi cao ngất như thế

    Lực Lượng Pháp khoảng 15 ngàn người đa số là lính nhảy dù, trong đó 4,500 là lực lượng không tác chiến. Ngoài người Âu có người Châu Phi, người Việt, Thái, Nùng…. Pháp xây nhiều pháo đài kiên cố xong phạm phải lỗi lầm trầm trọng là khai quang lòng chảo khiến nơi đây trở thành miếng mồi ngon cho pháo binh VM trên đồi bắn xuống. Trận chiến bắt đầu từ 13-3-1954, Việt Minh ra sức đánh để lấy ưu thế tại bàn Hội nghị Genève khai mạc từ 26-4-1954. Trận đánh kết thúc 7-5 , Việt Minh bị thiệt hại khoảng từ 15 tới 20 ngàn người, có tài liệu nói 10 ngàn người gấp 4 lần Pháp để đổi lấy chiến thắng. Pháp có hơn 4,000 tử thương, trong đó một nửa là người Âu và một nửa là Việt, Châu Phi, Nùng Thái… hơn 8 ngàn bị bắt làm tù binh nhưng chỉ có một phần ba sống sót sau khi trao trả. Trong suốt cuộc chiến 1947-54 Việt Minh chỉ thắng được hai trận lớn là Cao Bắc Lạng 1950 và Ðiện Biên Phủ 1954, trong những năm 1951, 52, 53 dù đã đẩy bao thanh niên vào họng súng đại liên của địch mà họ vẫn không chiếm được mục tiêu. Những trận đánh biển người ấy đã đạt thắng lợi chính trị tâm lý, nó khiến cho đối phương phải run sợ tinh thần liều mạng cố đấm ăn xôi của họ.

    Người Pháp nay đã quá ghê sợ cuộc chiến tranh Ðông Dương, Quốc hội lật đổ chính phủ Laniel, Mandes Frances lên thay 14-5 để sớm chấm dứt chiến tranh, ký hiệp ước rút quân ra khỏi Ðông Dương. Trong suốt cuộc chiến tranh 1947-1954, tổng cộng 19 chính phủ Pháp bị lật đổ vì không giải quyết được chiến tranh, ngày 20-7-1954 Pháp sợ quá vội ký hiệp định để rút quân. Hội nghị Genève kết thúc, Việt Minh và Pháp ký kết Hiệp Ðịnh ngày 20-7 chia đôi đất nước, quân Pháp và Chính phủ Quốc Gia rút vào Nam lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời để chờ tổng tuyển cử thống nhất hai miền. Phái đoàn Quốc Gia Việt Nam và Mỹ không ký vào bất cứ văn kiện nào của Hiệp định.

    Chiến tranh Ðông Dương là một cuôc chiến tranh không giới tuyến. Tổng cộng có khoảng 100 ngàn quân Pháp tử trận tại Ðông Dương , 75,000 người bị thương 30 ngàn bị bắt làm tù binh nhưng chỉ có 10 ngàn sống sót khi được trao trả. Sau 1955 Pháp cho biết tiền chi phí chiến tranh Ðông Dương của họ có thể mua cho mỗi người dân Pháp một căn nhà và một cái xe hơi. Việt Minh không công bố thiệt hại, số tổn thất của họ được ước lượng vào khoảng 500 ngàn, khoảng 100 ngàn bị bắt làm tù binh, khoảng 250 ngàn thường dân bị thiệt mạng.

    Tổng cộng có gần một triệu người chết cho một cuộc chiến tranh vô ích. Có người nói cuộc chiến 1947-1954 là cuộc chiến tranh giành độc lập nhưng thực ra nó chỉ núp dưới danh nghĩa giải phóng dân tộc, đó là cuộc chiến tranh giữa Thế giới tự do và Cộng Sản Quốc tế do Mỹ và Trung Cộng đứng sau lưng.

    Trước thế chiến thứ hai trên thế giới chỉ có một mình nước Nga theo Cộng Sản. Năm 1945 khi đánh Ðức Quốc Xã, được thoả thuận của Mỹ, Nga chiếm luôn Ðông Âu và thành lập một lô chính quyền Cộng Sản chư hầu như Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Albany, Nam Tư… Cũng sau 1954 Triều Tiên bị chia đôi, miền Bắc thuộc Nga theo Cộng sản, sau 1949 Mỹ bỏ rơi Tưởng Giới Thạch, Trung Hoa trở thành nước Cộng Sản hung hăng gây chiến tranh Triều Tiên 1950 và yểm trợ Việt Minh đánh Pháp. Mỹ phải nhẩy vào Ðông Dương để ngăn chặn nguy cơ bành trướng của Cộng Sản, nếu mất Ðông Dương họ sẽ dần dần mất hết Á Châu, rồi mất Âu châu và theo lời của Tổng Thống Eisenhower “Cuối cùng Hoa Kỳ sẽ bị bao bọc bởi biển đỏ, chúng ta sẽ phải xây một bức Vạn Lý Trường Thành thứ hai để chống ngoại xâm”. Ðó là sự hình thành của thuyết Dominoes.

    Thủ tướng Bửu Lộc lên chấp chánh từ đầu năm 1954, theo chủ trương của Quốc trưởng ông vận động đòi trao trả độc lập, ngày 4-6-1954 chính phủ Pháp chấp thuận trao trả nền độc lập trên toàn lãnh thổ cho chính phủ Quốc Gia Việt Nam, nhưng chỉ được 46 ngày vì đến 20-7 hai bên ký kết hiệp định Genève. Ngày 7-7-1954 Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm về chấp chính thừa hưởng nền độc lập trên một nửa đất nước. Năm 1955 ông Diệm đánh Bình Xuyên, Hoà Hảo, truất phế Bảo Ðại thành lập nền Ðệ Nhất Cộng Hoà.

    Tháng 7 năm 1957 Phạm Văn Ðồng gửi văn thư cho ông Ngô Ðình Diệm xin hợp thương để tiến tới thống nhất hai miền, văn thư rất trang trọng: Kính thưa Tổng thống . . Nhưng chính phủ miền Nam từ chối, báo chí mỉa mai lời đề nghị, người ta đã quá rõ cái trò xảo trá của Việt Minh qua kinh nghiệm xương máu 1945. Năm 1954 chính phủ Quốc Gia Việt Nam và Mỹ không ký vào bất cứ văn bản nào của Hiệp Ðịnh nên miền Nam không bị ràng buộc.

    Thất bại trong việc xin hợp thương, Bắc Việt cho phát động chiến tranh xâm lược miền Nam, sống chết họ cũng phải chiếm cho được cái vựa lúa miền Nam. Năm 1956 có 274 hầm vũ khí bị khám phá, năm 1957 Việt Cộng sát hại 470 cán bộ Quốc gia tại các tỉnh, năm 1959 họ đưa 5,000 cán bộ tập kết vào Nam hoạt động. Lê Duẫn vào Nam hoạt động hai ba lần từ 1957-59, năm 1960 được Hồ cho làm Bí thư thứ nhất Ðảng.

    Năm 1958 Bắc Việt đưa cán bộ vào Nam tuyển lính, đầu năm 1959 Việt Cộng có 40 ngàn du kích, 10 ngàn địa phương quân, 3,500 chính qui, 20-12-1960 CS thành lập Mặt trận Giải Phóng Miền Nam. Mới đầu VC xử dụng vũ khí bén nhọn, dao găm, mã tấu để giết trưởng ấp, sau dùng vũ khí cá nhân rồi dần dần đánh cấp Tiểu đoàn, lần đầu tiên cấp Tiểu đoàn được xử dụng trong trận Ấp Bắc . Năm 1961 CS leo thang chiến tranh bằng nhiều Tiểu đoàn, chính phủ miền Nam tuyên bố tổ quốc lâm nguy, địch đã đánh cấp Trung đoàn. Theo tiết lộ của Viện lịch sử Quân sự VN tại buổi hội thảo ngày 14 và 15-4-2006 tại Sài Gòn (do BBC Vietnamese.com ghi nhận) trong giai đoạn từ 1955-1960 Nga, Trung Cộng đã viện trợ cho BV gần 50 ngàn tấn hàng hoá (trong đó 4 ngàn tấn hàng hậu cần, 45 ngàn tấn vũ khí), Nga viện trợ 30 ngàn tấn, Trung Cộng viện trợ 19 ngàn tấn.

    Miền Nam ngày càng bị du kích quấy phá làm cho ung thối, hai chính phủ Mỹ- Việt bất đồng ý kiến, người Mỹ đòi đem quân vào cứu nguy, chính phủ Việt Nam không chấp thuận vì muốn giữ chủ quyền. Năm 1964 sau khi nền Ðệ Nhất Cộng Hoà bị lật đổ, chính trị miền Nam rối loạn, các tôn giáo tranh giành ảnh hưởng, Tướng lãnh tranh quyền, biểu tình, tuyệt thực, chỉnh lý, đảo chính… lu bù khiến cho Bắc Việt thừa cơ nước đục thả câu đưa quân xâm nhập miền Nam. Các ấp chiến lược bị lấn chiếm, các đơn vị ÐPQ bị thiệt hại. Năm 1964 Johnson đắc cử Tổng thống Mỹ, leo thang chiến tranh Việt Nam dữ dội, cũng năm này CS cho gom các Tiểu đoàn thành Trung đoàn, các Trung đoàn thành Sư đoàn, Mặt Trận Giải Phóng đã thành lập được ba Công trường (tức Sư đoàn) 5, 7, 9.

    Cuối năm 1964 trận Bình Giả do Công trường 9 tấn công vào làng Công Giáo Bình Giả phía Ðông Sài Gòn là nổi tiếng, VC phục kích tiêu diệt một Tiểu đoàn BÐQ, một Tiểu đoàn TQLC và gây thiệt hại cho Thiết giáp tăng cường. Ðầu 1965 quân đội chính qui BV bắt đầu hoạt động tại miền Nam. Tháng 2-1965 CSBV dự định cắt VNCH làm hai theo quốc lộ 19, giữa 1965 VNCH bị thiệt hại nhiều. Cũng theo tiết lộ của Viện lịch sử Quân sự VN, trong giai đoạn 1961-1964 CS quốc tế đã viện trợ BV 70,295 tấn gồm 230 tấn hàng hậu cần, 70,065 tấn vũ khí. (Nga viện trợ 47,220 tấn, của Trung cộng viện trợ 23 ngàn tấn, các nước Xã hội chủ nghĩa khác cho 442 tấn)

    Sau vụ tầu Maddox bị tầu Bắc Việt tấn công Mỹ oanh tạc Bắc Việt liên tục, ném bom kho săng, kho đạn, xe lửa, phá cầu . . năm 1966 lên tới 165 ngàn vụ. Từ giữa năm 1965 Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam cuối năm tổng số binh sĩ Mỹ tại đây lên tới 184 ngàn người, năm sau 1966 tăng lên 385 ngàn, năm 1967 tăng lên 485 ngàn, năm sau 1968 lên tới đỉnh cao 538 ngàn. Quân đội VNCH cũng được tổ chức gia tăng quân số theo nhu cầu của tình hình: năm 1959-60 tổng số mới có khoảng 250 ngàn quân, 4 năm sau, năm 1964 tăng lên khoảng 514 ngàn, năm 1967 lên tới 642 ngàn, năm 1968 lên 820 ngàn, năm 69 gần 900 ngàn…

    Tháng 4 năm 1969, Tướng Wesmoreland cho biết năm 1965 nếu Mỹ không đổ quân vào Việt Nam sẽ mất trong 6 tháng. Bắc Việt cũng đưa quân ồ ạt vào miền Nam, mặc dù bị tổn thất nặng nề, từ 1965-67 Cộng quân mất khoảng 340 ngàn người , nhưng vẫn gia tăng xâm nhập: năm 1964 là 180 người, năm 1967 tới 260 người. Bắc Việt đã trở thành quân tốt quá lợi hại của khối Cộng Sản quốc tế nên Nga, Tầu, Ðông Âu không nề hà tiếp viện vũ khí lương thực dồi dào cho cả hai chiến trường miền Nam miền Bắc. Tháng 10 năm 1967, liên danh Nguyễn Văn Thiệu Nguyễn Cao Kỳ thắng cử cuộc bầu cử Tổng thổng, chấm dứt thời khủng hoảng chính trị biểu tình, tuyệt thực.

    Những năm 1965, 66 ,67 … Bắc Việt đụng độ nhiều trận với Mỹ bị tử thương nhiều vì hoả lực Mỹ mạnh, nhanh chính xác, pháo binh và không quân Mỹ bắn ồ ạt như mưa bấc khiến từ đó bộ đội Bắc Việt không dám đánh trực diện với Mỹ. Khu vực đụng độ thuờng là duyên hải, cao nguyên, giới tuyến, biên giới Việt Miên. Mặc dù bị tổn thất nặng nề CS vẫn theo đuổi chính sách cố đấm ăn xôi thí quân như từ thời đánh Pháp trước kia.

    Năm 1967 Việt Cộng vờ hoà hoãn muốn hoà đàm với Mỹ để chuẩn bị trận Tổng công kích Tết Mậu Thân, Bắc Việt chuẩn bị tổng công kích y như Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945. Hà Nội điều động khoảng 100 tiểu đoàn cho kế hoạch, tổng cộng khoảng 84 ngàn người để tấn công 28 tỉnh và thị trấn. BV xử dụng gần 40 tiểu đoàn tấn công Vùng Một, 28 tiểu đoàn đánh Vùng Hai, 15 tiểu đoàn tại Vùng Ba, 19 tiểu đoàn tại Vùng Bốn, trong khi giả vờ pháo kích Khê Sanh để đánh lạc hướng. Hầu hết lực lượng thuộc Mặt Trận Giải Phóng.

    Tối ba mươi Tết Việt Cộng tấn công Ðà Nẵng, nửa đêm mồng một đánh Nha Trang. BV hoãn cuộc tấn công 24 tiếng nhưng các tỉnh miền Trung không biết vẫn nổ súng nên miền Nam kịp thời cảnh giác. Hôm sau, mồng một tết Việt Cộng tấn công Sài Gòn Chợ Lớn. Mặc dù có yếu tố bất ngờ nhưng trừ Sài Gòn, Huế các tỉnh đã đánh bật Cộng quân ra khỏi thành phố, sau 12 ngày hành quân giải toả địch đã bị đẩy lui ra khỏi Sài Gòn. Huế bị chiếm 26 ngày, cuộc chiến tại đây thê thảm kinh hoàng, khi rút lui Việt Cộng đã chôn sống tàn sát khoảng bẩy ngàn người. Trận Mậu thân là một thất bại lớn về quân sự cho Cộng sản, tổng cộng khoảng 58 ngàn cán binh bị tử thương, 9 ngàn bị bắt, cơ sở nằm vùng bị bại lộ. CS thất bại cả về chinh phục nhân tâm, bị dân chúng oán ghét vì quá tàn ác như đốt nhà dân để tháo chạy, tàn sát dã man thường dân, tù binh trên đường rút lui.

    Phía VNCH có khoảng 5 ngàn tử thương, 1,000 mất tích, 63 máy bay bị phá hủy. Phía Ðồng Minh có khoảng 4 ngàn người chết, 19 ngàn bị thương, 600 mất tích, 60 máy bay bị phá hủy, 60 cái hư hại nặng. Toàn quốc có 14 ngàn thường dân bị tử thương, 627 ngàn người tỵ nạn, thiệt hại vật chất của VNCH rất cao, toàn quốc có tới 40 ngàn căn nhà bị phá hủy, 13 xưởng kỹ nghệ đổ nát, 20 xưởng khác hư hại nặng thiệt hại 25 triệu Mỹ kim, ngân quĩ cứu trợ lên tới 100 tỷ đồng VN.

    Mặc dù thất bại về quân sự nhưng CS gây được tiếng vang ảnh hưởng tới phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ. Người dân Mỹ cho rằng không thể thắng được cuộc chiến tranh này, họ lại rầm rộ xuống đường đòi rút quân về nước. Cuộc Tổng công kích cho thấy CS tỏ ra rất lì lợm cố đấm ăn xôi khiến người Mỹ phải ghê tởm cuộc chiến tranh bẩn thỉu để tính chuyện rút quân bỏ Việt Nam. Tháng 3-1968 Johnson ngưng oanh tạc phần lớn lãnh thổ Bắc Việt kêu gọi đàm phán nếu không sẽ cho nếm mùi sức mạnh, Bắc Việt sợ hãi phải nhận lời, hoà đàm bắt đầu ngày 10-5-1968. Johnson không tái tranh cử 1969-73. Tháng 1-1969 Nixon đắc cử nhậm chức Tổng thống thực hiện VN hoá chiến tranh. Năm 1970 họ đã bắt đầu đi đêm với Trung Cộng, ngày 9-7-1971 Kissinger bí mật gặp Chu Ân Lai tại Bắc Kinh.. Họ đem vấn đề VN ra để mặc cả mua bán với nhau. Viện lịch sử Quân Sự Việt Nam đã tiết lộ trong giai đoạn 1965-1968 CS quốc tế đã viện trợ cho BV tổng cộng 517,393 tấn gồm 105,614 tấn hàng hậu cần, 411,780 tấn hàng vũ khí (Trong đó: Nga 227 ngàn tấn, Trung Cộng 170,800 tấn, các nước XHCN khác 120 ngàn tấn).

    Tình hình chính trị, xã hội của miền Nam Việt Nam không được ổn định cho lắm, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tham nhũng thối nát, mua quan bán tước. Bất công xã hội thật là ghê tởm, tại Sài Gòn và các thành phối lớn thương gia làm giầu nhanh chóng xây nhà năm bẩy từng đầy cả ra trong khi ngoài mặt trận binh sĩ chết như rạ. Mỹ đổ quân tham chiến tại Việt Nam đến nay đã được 4, 5 năm, người dân Mỹ nay quá chán ghét chiến tranh Việt Nam, họ biểu tình phản đối chính phủ khắp nơi vì thấy không giải quyết được cuộc chiến và ngày càng lầy.

    Số binh sĩ Mỹ tử thương ngày càng cao, năm 1965 có 1,300 người, năm 1966 tăng lên 5,000, năm 1967 tăng 9,000, năm 1968 lên tới 14 ngàn. Chi phí quân sự cũng leo thang dữ dội, năm 1964 mới có 400 triệu, năm 65 lên 600 triệu, năm 1966 vọt lên 6 tỷ, năm 1967 lên 20 tỷ, năm 1968 lên 26 tỷ, năm 1969 lên 29 tỷ. Lý do chính của phong trào phản chiến là do số tử vong ngày một cao, do ở tâm lý anh nhà giầu sợ chết. Cuộc chiến giữa Mỹ và Bắc Việt không cân xứng về hoả lực và nhất là về mặt tinh thần, một bên là anh nhà giầu sợ chết, một đằng là thằng nghèo đói đánh thí mạng cùi.

    Từ 1965 cho tới cuối 1968 tổng số quân nhân Mỹ tử thương mới có 30 ngàn, chỉ bằng 1/10 số lính Nga, Ðức chết trong trận Stalingrad năm1942 hay trận Bá Linh năm 1945, nhưng người Mỹ vô cùng quí trọng sinh mạng của họ, cho rằng chỉ có người Mỹ mới là đáng sống. Những người biểu tình đã cầm danh sách những người tử trận đọc cả tiếng đồng hồ trước đám đông. Riêng năm 1968 theo Bộ trưởng quốc phòng Laird, Cộng quân đã mất 290 ngàn tại miền Nam nghĩa là gấp 20 lần số tổn thất của Mỹ cùng năm 1968. Ðó thật là một điều mâu thuẫn, người Mỹ thích làm người hùng diệt gian trừ bạo như trong các phim ảnh miền Tây, thích làm trùm thế giới nhưng lại sợ chết!

    Năm 1969 Nixon đắc cử lên nhậm chức Tổng thống tháng ngày 20-1, ông hứa sẽ giải quyết chiến tranh Việt Nam, hoà bình trong danh dự. Mỹ không rút tỉa được kinh nghiệm của Pháp trong cuộc chiến tranh 1947-54 trước đây nhưng họ lại đi vào vết xe đổ của thực dân, quá tin tưởng vào hoả lực vũ bão của mình nên đã bị sa lầy.

    Tháng 4-1969 Tướng Wesmoreland, cựu Tư lệnh Mỹ tại Việt nam và đô đốc Sharps phúc trình về chiến tranh Việt Nam trong 4 năm qua, dài 347 trang cho biết quân đội Mỹ đã bị bó tay vì chính sách hạn chế chiến tranh củaTổng thống Mỹ Johnson, không cho đánh qua Miên, Lào. Ðô đốc Sharp cựu Tư lệnh Mỹ tại Thái bình Dương đăng báo công kích cựu Bộ trưởng quốc phòng Mc Namarra không cho oanh tạc phá hủy tiềm lực kinh tế Bắc Việt mà chỉ cho ngăn cản xâm nhập nên các cuộc oanh tạc hóa ra vô hiệu, Hoa Kỳ đã bỏ lỡ nhiều cơ hội chiến thắng Cộng Sản. Các cựu Tư Lệnh chỉ trích chiến tranh hạn chế của chính phủ, Johnson không dám mở rộng sợ Trung Cộng nhảy vào có thể gây thế chiến.

    Năm 1969 đánh dấu một khúc quành quan trọng trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ rút quân thực hiện Việt Nam hoá chiến tranh (Vietnamezation, Viet namizing the war). Mầm mống của sự bỏ rơi miền Nam bắt đầu, theo cựu Bộ trưởng quốc phòng Melvin R. Laird, Hoa kỳ chưa muốn bỏ Việt Nam nhưng muốn giao lại cho người Việt tự giải quyết với nhau. Lý do của sự rút quân như chúng ta đều đã biết vì phong trào phản chiến đã lên quá cao, cũng như người Pháp năm 1954, dân Mỹ đòi chính phủ sớm rút quân, lấy tù binh về nước.

    Theo tiết lộ của cựu bộ trưởng Quốc phòng Laird mới đây, năm 1969 Nga -Tầu từ bạn thành thù, ngày càng công kích nhau dữ dội, hiểm hoạ Cộng Sản không còn đe dọa nặng nề như trước, thuyết Dominoes không còn đứng vững, có nghĩa là nếu mất Ðông Dương thì Á châu vẫn còn tồn tại. . đó là những ý nghĩ manh nha cho sự bỏ rơi toàn cõi Ðông Dương của Mỹ. Từ tháng 6-1969 Mỹ bắt đầu rút quân, tới cuối 1969 rút đợt đầu tiên 60 ngàn người, trong năm 1970 rút 141 ngàn người, năm 1971 rút 178 ngàn người. . đến 1972 rút 132 ngàn chỉ còn 24 ngàn quân, họ đổ quân vào ồ ạt rồi rút lui êm thắm. Mỹ thực hiện Việt Nam hoá chiến tranh và ngấm ngầm tìm cách bắt tay với Trung Hoa đỏ và đã có ý định thực hiện kế hoạch “vắt chanh bỏ vỏ”

    Cuối năm 1965 quân đội Việt Nam Cộng Hoà vào khoảng 560 ngàn, năm 1967 tăng lên 640 ngàn, năm 1968 lên tới hơn 820 ngàn, giữa năm 1969 tăng lên gần 900 ngàn, năm 1970 tăng 960 ngàn, năm 1971-1972 tăng lên hơn một triệu, từ đó tới 1975 không thay đổi mấy. Chủ lực quân chiếm 40% quân số khoảng 400 ngàn, trong đó từ khoảng 150 ngàn tới 180 ngàn thuộc các Sư đoàn BB và Tổng trừ bị, còn lại thuộc các binh chủng yểm trợ như truyền tin công binh, hoặc không tác chiến hành chánh tài chánh, quân lương …Lính nhà nghề chỉ có 13 Sư đoàn và 15 Liên đoàn Biệt động quân . Ðịa phuơng quân gồm 330 ngàn người, nghĩa quân gần 200 ngàn người. Ngày 18-3-1970 Quốc hội, Hội đồng Hoàng Gia Miên bỏ phiếu truất phế Sihanouk khi nhà vua đi Nga, rồi cử Lon Nol lên thay. Cuối tháng 4-1970 Ðỗ Cao Trí hành quân sang Miên tấn công các căn cứ CS khiến địch phải tháo chạy vì bị đánh bất ngờ.

    ****************
    Chiến sự vẫn leo thang khiến dân chúng Mỹ lại biểu tình chống đối dữ dội, tháng 11 năm1969 có khoảng 300 ngàn người biểu tình phản chiến tại Hoa Thịnh Ðốn, năm 1970 phản chiến bộc phát mạnh hơn vì Nixon giúp Việt Nam Cộng Hòa đánh sang Miên. Tại đại học Kent, Ohio ngày 4-5-1970 sinh viên biểu tình có sô sát bị lính bắn chết 4 người, 10 người bị thương y như đổ dầu vào lửa khiến tình hình càng gay cấn hơn. Cuối tháng 5-1970 trên 400 đại học Mỹ bãi khoá biểu tình chống chính phủ, ngày 18-5-1970 khoảng 100 ngàn người biểu tình trước toà Bạch Ốc, Nixon vẫn cứng rắn với nhóm phản chiến.

    Ðầu năm 1971 ta thừa thắng mở chiến dịch Hành quân Lam sơn 719 sang Lào do Sư đoàn 1, Sư đoàn Nhẩy Dù, Sư đoàn TQLC, Liên đoàn 1 Biệt động Quân, Thiết Kỵ. . tổng cộng khoảng 17 ngàn người. Kế hoạch do Mỹ soạn thảo. Bộ Tư lệnh Quân khu 1 của Tướng Hoàng Xuân Lãm tập hợp ban bố lệnh hành quân 3-2-1971 nhưng đài BBC, VOA đã loan báo cuộc hành quân 6 tiếng đồng hồ trước đó. Năm ngày trước khi hành quân, cơ quan MACV vô tình để lộ tin nên Hà Nội biết trước.

    Cuộc hành quân thắng lợi lúc đầu, phá được nhiều cơ sở hậu cần CSBV, bắn cháy nhiều xe tăng T-54, các kho tiếp liệu.. nhưng sau đó Cộng Quân đưa các Sư đoàn có đại bác 130 ly, xe tăng, đông gấp bội tiến đánh, ta phải rút lui tổng cộng có khoảng 1,600 chết, khoảng 4,000 bị thương, 2,500 mất tích, Mỹ chết gần 200 người 1,940 bị thương, 100 máy bay bị hạ. Bắc Việt cũng bị thiệt hại nặng khoảng 500 xe vận tải, gần 100 xe tăng, bị tịch thu hay bắn cháy, khoảng 70 đại bác, 100 súng phòng không, 5000 vũ khí cá nhân bị tịch thu hay bị phá hủy, 12 ngàn cán binh bị tử thương. Quân đội VNCH thất bại vì hành quân vào một địa thế hiểm trở với 17 ngàn quân trong khi lực lượng địch có tới 60 ngàn. Nói chung hai bên đều thiệt hại nặng.

    Hoà đàm Ba Lê khai mạc từ tháng 5-1968 đến nay vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào, Bắc Việt lợi dụng ngưng oanh tạc, lợi dụng hoà đàm để chuyển quân vào Nam. Tháng 11-1969 Tướng Wesmoreland ở Mỹ nói nếu cứ tiếp tục oanh tạc thì đã thắng rồi, Mỹ đã bị mắc lừa Bắc Việt. Năm 1971 Nguyễn Văn Thiệu độc diễn tiếp tục làm Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà nhiệm kỳ hai, chế độ Thiệu đã được coi như tham nhũng thối nát nhất từ ngày có chính phủ Quốc Gia Việt Nam 1949 cho đến nay.

    Từ 21-2-1972 Nixon đi Tầu, điều mà người Mỹ mơ ước bao lâu nay đã thành sự thật, họ đã chiêu hồi được Trung Quốc, cái bắt tay giữa Mao và Nixon đã thay đổi cả một kỷ nguyên, họ mua bán với nhau trên xương máu của cả hai miền Nam Bắc. Từ 20 đến 29-5 Nixon đi Nga, cuộc chiến tranh VN đã được Quốc tế hoá. Tháng 5-1972 Nixon cho phong toả cảng Hải Phòng.

    Quân Mỹ đã rút gần hết, đến đầu năm 1972 chỉ còn 24 ngàn quân. Cuối tháng 3-1972 CSBV đưa 10 sư đoàn và các lực lượng phụ thuộc vào chiến dịch xâm chiếm miền Nam, địch nghi binh ở vùng 4 rồi đưa 3 mũi dùi tấn công Quảng Trị, An Lộc, Kontum. Trưa ngày 30-3-1972 Văn Tiến Dũng chỉ huy 2 Sư đoàn 304, 308 và 4 Trung đoàn độc lập với xe tăng, pháo binh . . ồ ạt vượt sông Bến Hải . Quân đội VNCH rút về Nam, căn cứ Carrol bị bao vây phải thua hàng, mất 1,500 người và 22 đại bác.

    Quân Ðội miền Nam thắng tại Ðông Hà, Phượng Hoàng ngày 9-4. Tình hình lắng dịu 2 tuần. Sài Gòn tăng cường 3 Liên đoàn Biệt Ðộng quân, QÐVNCH phản công từ 19-4 đến 23-4 thì Bắc Việt gửi thêm Sư đoàn 325, Lữ đoàn thiết giáp và một số đơn vị VNCH phải rút lui. Khoảng 20 chiến hạm Mỹ cùng với B-52 yểm trợ cho VNCH để chận đứng CSBV. Cuối tháng 4 binh sĩ mệt mỏi, thiếu tiếp liệu, áp lực địch gia tăng, Tướng Giai xin lệnh di tản ngày 30-4, Tướng Lãm chấp thuận, nhưng hôm sau ngày 1- 5-1972, TT Thiệu bắt phải giữ Quảng Trị để lấy ưu thế tại cuộc hoà đàm Ba Lê đã họp lại sau khi gián đoạn.

    Lệnh di tản đã ban ra không thể thu hồi được. Các đơn vị bộ binh, thiết giáp, truyền tin ồ ạt rút về Nam, dân chúng lũ lượt theo, gồng gánh bỏ chạy ra Quốc lộ I, CSBV nã trọng pháo bắn theo chết hàng mấy ngàn người trên đại lộ Kinh Hoàng. Huế cũng bỏ chạy nhưng Cộng quân không tiến xa hơn được vì thiếu tiếp liệu. Ngày 3-5 Tướng Trưởng được cử lên thay Tướng Lãm giữ chức Tư Lệnh Quân đoàn I, ông cho lệnh bắn bỏ những tên phá rối, vãn hồi trật tự. Tướng Trưởng tổ chức phòng thủ chiều sâu, được Bộ TTM cho tăng cường Lữ đoàn Dù, Liên đoàn BÐQ.. khiến quân số Huế lên tới 35 ngàn.

    BTTM tái trang bị cho Sư đoàn 3. Kế hoạch tái chiếm QT bắt đầu 28-6, Dù và TQLC tiến tới gần QT, TQLC được giao nhiệm vụ tiến vào thị xã. Các đại đơn vị BV tại đây lên tới 6 Sư đoàn, lực lượng đông đảo đã bị làm mồi cho Pháo Binh, Không Quân VNCH và B-52 trải thảm. Ngày 9-9 TQLC tiến vào Cổ Thành, ngày 16-9 treo cờ trên Cổ Thành, đại quân ta toàn thăng.

    Ngày 6-4-1972, năm ngày sau trận Quảng Trị, Sư đoàn 5 (Công trường 5) Việt Cộng đánh Lộc ninh. Quân đội VNCH rút về thị xã An Lộc, Bắc Việt chiếm Bình Long để lập thủ đô mặt trận sau đó sẽ đánh Sài Gòn. Chuẩn tướng Lê Văn Hưng chỉ huy toàn bộ lực lượng ta khoảng 6,000 người (Sư đoàn 5, Liên đoàn 3 BÐQ, Trung đoàn 52 thuộc Sư đoàn 18 BB..), lực lượng CS gồm ba Sư đoàn 5, 7, 9 tổng cộng khoảng 30 ngàn quân, có pháo binh, và khoảng 200 xe tăng yểm trợ. Giữa tháng 4, Cộng quân và xe tăng tiến vào thị xã nhiều lần (ngày 13-4, ngày 15-4) nhưng bị bắn cháy gần hết. Ðịch đã chiếm được một nửa phía Bắc thành phố, quân trú phòng còn giữ được phía Nam, BV pháo hằng nghìn quả mỗi ngày.

    Từ 12-4 chỉ còn tiếp tế bằng thả dù. Trận chiến kéo dài trong thị xã. Ngày 11-5 phía VNCH biết trước cuộc tập trung quân của BV và đã yêu cầu B-52 yểm trợ khiến cho địch bị thiệt hại nặng nề , ngày 14-5 Cộng quân cũng bị B-52 dập nát, nỗ lực cuối cùng của họ thảm bại, VC mất gần 40 xe tăng. Các lực lượng giải toả thuộc Sư đoàn 21, 18 đã tới gần thị xã. Ngày 18-6 tình hình khả quan, cuộc bao vây của CS chấm dứt. Ngày 7-7 TT Thiệu đến thăm An Lộc.

    Mặt trận Kontum bắt đầu từ giữa tháng 4, Cộng quân bao vây Tân Cảnh, Dakto, BV đưa Sư đoàn 2 và ÐPQ, nhiều xe tăng tấn công Tân Cảnh ngày 23-4 , địch xử dụng các hoả tiễn tối tân bắn cháy nhiều xe tăng VNCH. Các đơn vị ta phải tháo chạy về Dakto rồi Dakto cũng bị thất thủ. Ngày 10-5 Thiếu Tướng Nguyễn Văn Toàn thay Trung Tướng Ngô Dzu làm Tư Lệnh Quân Khu 2. Ngày 28-4 Ðại tá Lý Tòng Bá di chuyển Sư đoàn 23 BB của ông lên Kontum để phòng thủ chống lại cuộc tấn công của BV. Khoảng ngày 7-5, Sư đoàn 23 đã hoàn tất phòng thủ trong ngoài thị xã tạo một chu vi phòng thủ vòng cung.

    Năm Trung đoàn BV tấn công phía Tây Bắc Kontum sáng 14-5, đợt tấn công đầu bị bẻ gẫy , nhiều xe tăng bị bắn cháy, một tiểu đoàn đặêc công lọt được vào được phòng tuyến VNCH giữa hai Trung đoàn 44 và 53. Cuộc phòng thủ có nguy cơ sụp đổ. Hai phi tuần B-52 được gọi đến dội bom xuống đầu các đơn vị CS , ngày 25-5 họ mở nỗ lực cuối cùng tấn công Kontum bị đẩy lui, các cuộc không kích và yểm trợ B-52 đã gây thiệt hại nặng cho BV . Ngày 31-5 Cộng quân rút lui, riêng tại Kontum địch bị tổn thất khoảng 20 ngàn người. Toàn bộ trận chiến mùa hè CSBV thiệt hại trên 70 ngàn quân, khoảng 500 xe tăng bị bắn cháy, phía VNCH được ước lượng độ 30 ngàn người tử thương.

    Bắc Việt nay đã trở thành quân tốt quá lợi hại cho khối Cộng Sản quốc tế vì có khả năng gây xáo trộn chính trị, xã hội, kinh tế ngay trong lòng Ðế quốc. Nga Tầu ngày càng yểm trợ tích cực cho Hà Nội và ngầm thúc đánh Ðế quốc tới cùng, từ 1970 trở đi Bắc Việt có khả năng đánh những trận qui mô với nhiều xe tăng, pháo binh, cao xạ.

    Trong chiến dịch mùa Hè Đỏ Lửa 1972 Bắc Việt đã tung vào trận đánh trên 10 sư đoàn, Tướng Cao Văn Viên và Tướng Ngô quang Trưởng nhìn nhận quân ta giữ được An Lộc và chiếm lại được Quảng Trị một phần đáng kể cũng là nhờ yểm trợ của Không Quân Mỹ. Từ trận Mậu Thân cho đến nay, chỉ trừ trận Hạ Lào, Quân đội VNCH đã đánh bại BV nhiều trận lớn. Mặc dù họ đã đánh thí quân mà vẫn không đạt được thắng lợi, tuy nhiên nó có tác dụng thúc đẩy mạnh phong trào phản chiến tại Mỹ cũng như tại miền Nam để làm nản lòng Quốc hội và Hành pháp Mỹ. Theo Viện lịch sử Quân sự Việt Nam của Hà Nội, trong giai đoạn 1969-1972 CS Quốc Tế đã viện trợ cho BV một triệu tấn hàng gồm 316 ngàn tấn hàng hậu cần, 685 ngàn tấn vũ khí. Trong đó của Liên Xô 143, 790 tấn, Trung Cộng 761 ngàn tấn, các nước XHCN khác 96 ngàn tấn.

    Ngày 13-12-1972 Bắc Việt ngoan cố, Lê Ðức Thọ hỗn láo không thèm họp tại Ba Lê. Nixon bèn cho B52 ném bom vào các vùng phụ cận Hà Nội, Hải Phòng từ 18-12, oanh tạc các kho dầu dự trữ, đường xá. . 80% hệ thống điện hư hại, 3/4 trục lộ tiếp vận ngưng trệ, ngay hôm 18-12 liên lạc giữa trung ương và địa phương bị cắt đứt. Cuộc oanh tạc kéo dài 12 ngày, Mỹ thiệt hại tổng cộng 80 máy bay trong đó có 15 chiếc B52, Bắc Việt phóng hơn 1,000 hoả tiễn SAM, sả láng tất cả số hoả tiễn.

    VNCH bị ép phải ký hiệp định Paris, Mỹ hứa sẽ can thiệp nếu sau này Cộng sản vi phạm hiệp định. Bắc Việt chịu ngồi lại bàn hội nghị, hai bên ký kết Hiệp định Paris ngày 28-1-1973 sau hơn 4 năm tranh cãi. Mỹ lấy về được 587 tù binh, rút hết quân về nước. Hà Nội không bị đòi hỏi phải rút quân hết về Bắc mà vẫn còn được để lại trên 200 ngàn quân tại miền Nam. Cả thế giới vui mừng hòa bình cho Việt Nam, chiến tranh chấm dứt, người dân miền Nam cũng hân hoan phấn khởi không có ai nghĩ rằng ngày tận thế của VNCH đã gần kề.

    Theo thống kê của Ngũ giác đài, cuộc chiến tranh Việt Nam mất 300 tỉ được coi là tốn kém nhất của Hoa kỳ từ trước đến nay, số lính Mỹ tử thương là 58 ngàn người, quân đội VNCH có khoảng 180 ngàn người tử thương, Bắc việt có khoảng một triệu cán binh thiệt mạng, Mặt trận Giải Phóng mất trên 100 ngàn quân, thường dân cả hai miền Bắc Nam khoảng hơn một triệu người chết, số bom ném tai Việt Nam gấp 3 lần số bom đã ném tại Âu châu trong suốt thời Ðệ Nhị Thế Chiến.

    Như chúng tôi đã nói ở trên những năm 1967, 68, 69 quân phí chiến tranh Việt Nam là 20 tỉ, 26 tỉ, 29 tỉ. Ðến 1970, 71 mỗi năm chỉ còn 12 tỷ. Sau khi ký hiệp định Paris Mỹ rút quân, miền Nam phải một mình gánh vác tất cả chiến trường với số viện trợ quân sự bị cắt giảm. Tài khoá 1973 còn 2 tỷ 1, năm 1974 chỉ còn 1 tỷ 4, năm 1975 chỉ còn 700 triệu, trong đó kể cả tiền để trả lương cho nhân viên DAO. Một số lớn săng dầu đạn dược được dốc vào trận chiến khốc liệt Mùa Hè Ðỏ Lửa năm 1972. Sau khi ký Hiệp định Paris quân viện bị cắt giảm, năm 1974 tiếp vận bi đát, máy bay không có cơ phận thay thế phải nằm ụ trong bãi đáp, quân xa thiếu săng, đại bác thiếu đạn, năm 1974 hai bên vẫn giao tranh nhiều trận, tử vong ta lên cao khi tiếp vận xuống.

    Sau này theo tiết lộ của Bộ Tổng Tham Mưu vì giảm quân viện nên Không quân đã cho hơn 200 máy bay ngưng bay, giảm số giờ bay yểm trợ, huấn luyện, thám thính 50%. Các hoạt động Hải quân cắt giảm 50%, 600 tầu bè, giang đĩnh phải nằm ụ, chiến cụ hư hỏng không được thay thế. Hoả lực giảm 60%, năm 1972 quân đội ta xử dụng 66 ngàn tấn đạn trong một tháng, từ 7/1974 cho đến tháng 3/1975 chỉ xử dụng 19 ngàn tấn trong một tháng. Tổng số đạn dược chỉ còn đủ đánh cho tới tháng 5-1975.

    Cái gì phải đến đã đến, tháng 8-1973 Quốc hội Hoa kỳ ra dự luật quyết định chấm dứt can thiệp quân sự, cấm chính phủ can thiệp trở lại Việt Nam, cấm trả đũa nếu Hiệp định Paris bị vi phạm, coi như họ đã trói tay chính phủ để giao Miền Nam cho CS. Ngày 10-9-1973 Phó Tổng thống Agnew từ chức vì bị tố cáo trốn thuế, Nixon cử dân biểu Ford lên thay, ngày 9-8-1974 Tổng thống Nixon từ chức vì vụ Watergate, Ford lên làm Tổng thống.

    Người dân miền Nam cả tin Hiệp định Paris bảo đảm có bình lâu dài, họ nghĩ dù BV có tấn công cũng sẽ bị quân ta đẩy lui như các trận Mậu thân, An Lộc, Quảng trị trước đây. Cuối năm 1974 các đoàn thể, tôn giáo Phật giáo, Công giáo, Cao Ðài, Hoà Hảo. . biểu tình, chống đối chính phủ Nguyễn Văn Thiệu tham nhũng thối nát khiến cho tình hình chính trị trở nên căng thẳng.

    Từ sau Hiệp định Paris, Bắc Việt được khối Cộng Sản Quốc tế tiếp viện ồ ạt và khuyến khích mở đại chiến dịch xâm lăng miền Nam.Trong giai đoạn 1973-1975 CS Quốc Tế đã viện trợ cho Hà Nội 724,513 tấn hàng (75,267 tấn hậu cần và 649,264 tấn vũ khí) trong đó của Nga 65,601 tấn, Trung Cộng 620,354 tấn, các nước XHCN khác 38,557 tấn. Cộng quân âm thầm xử dụng 16 ngàn xe vận tải chuyển vận vũ khí ngày đêm chuẩn bị cho cuộc tấn công đại qui mô đánh chiếm miền Nam, khoảng 500 xe tăng và khoảng 500 đại bác được đưa thêm vào chiến trường. Chiến dịch được thực hiện dần dần từ cuối 1974, Hà nội dự trù phải mất hai năm hoặc một năm rưỡi để nuốt trọn miền Nam.

    Ngày 13-12-1974 Việt Cộng đưa 3 Sư đoàn có xe tăng pháo binh yểm trợ đánh Phước Long để thăm dò phản ứng Mỹ. Quân đội VNCH gồm 5 Tiểu đoàn ÐPQ, 48 trung đội Nghĩa quân, một Tiểu đoàn tăng cường thuộc Sư đoàn 5, các đơn vị chiến đấu anh dũng. Sau 2 tuần Cộng quân chiếm được 4 quận, ta thả Ðại đội Biệt kích dù xuống để giải toả nhưng không cứu vãn được tình thế. Lực lượng địch quá đông, ngày 7-1-1974 toàn bộ tỉnh Phước Long thất thủ, tổng số 5,400 quân nhân VNCH chỉ có 850 người sống sót, tỉnh trưởng mất tích.

    Lần này Bắc Việt đánh để thăm dò phản ứng Mỹ. Họ biết chắc Mỹ đã bỏ miền Nam nên không ngần ngại đem đại binh tấn công ồ ạt. Hà Nội chủ trương đánh Quân khu 2 vì đó là chỗ yếu nhất, nơi đây gồm 12 tỉnh mà chỉ có hai Sư đoàn (22, 23) và 7 Liên đoàn BÐQ trấn giữ, họ cắt Quân khu 2 để cô lập Quân khu 1 rồi thôn tính tiếp luôn. Ðịch tung vào chiến dịch đại qui mô này 14 Sư đoàn (riêng tại QK-2 BV có 6 Sư đoàn), một lực lượng hùng hậu nhất từ trước đến nay, ngoài ra còn 3 Sư đoàn tổng trừ bị thuộc Quân đoàn 1 ở phía trên sông Bến Hải. Năm 1976 CSBV tiết lộ trên báo chí vũ khí đạn dược của họ năm 1975 được coi là gấp ba lần năm 1972.

    Quân đội VNCH năm 1975 có khoảng hơn một triệu quân, 40% là bộ binh chính qui, trong đó khoảng khoảng 35% cho tới 40% là Ðịa phương quân, nghĩa quân, còn lại là Hải quân, Không quân, Cảnh sát. . . lính nhà nghề thực sự chỉ có 11 Sư đoàn bộ binh, 2 Sư đoàn tổng trừ bị và 15 Liên đoàn Biệt động quân, mỗi Liên đoàn khoảng trên một ngàn. Lính tác chiến vào khoảng từ 160 ngàn tới 180 ngàn, khoảng 250 ngàn là thành phần yểm trợ. Quân số ÐPQ toàn quốc là 325 ngàn . Pháo binh có khoảng 1500 khẩu đại bác, Thiết giáp có 2200 chiếc xe tăng, Không quân có 2075 máy bay đủ các loại đứng hàng thứ tư trên thế giới, trong đó máy bay chiến đấu chiếm 30%. Hải quân có khoảng 1600 tầu bè, giang đĩnh..

    Quân đội được bố trí như sau:

    Quân khu I lực lượng gồm 5 Sư đoàn (1, 2, 3, TQLC, Nhẩy Dù) và 4 Liên đoàn Biệt động Quân
    Quân khu II gồm 2 Sư đoàn (22, 23), 7 Liên đoàn Biệt động Quân
    Quân khu III gồm 3 Sư đoàn chủ lực (5, 25, 18), 4 Liên đoàn Biệt động Quân
    Quân khu IV có 3 Sư đoàn Bộ Binh (7, 9, 21)

    TT Nguyễn Văn Thiệu đã đánh giá sai lực lượng Bắc Việt, ông cho rằng Cộng quân không mạnh bằng năm 1972. Văn Tiến Dũng cho rằng Tướng Thiệu đã bố trí lực lượng sai vì tập trung sức mạnh ở hai đầu (Quân khu 3 và 1) mà coi nhẹ Quân Khu 2 , trong khi Bắc Việt chủ trương đánh Quân khu 2 “Ai làm chủ Tây nguyên thì làm chủ chiến trường”. Lượng hai bên cân bằng nhưng vì miền Nam phải trải mỏng để giữ đất, Cộng quân lựa chọn chiến trường nên tại các trận địa thuộc QK-1 và QK-2 theo Văn tiến Dũng bộ binh của BV gấp 5 VNCH, đại bác gấp đôi, xe tăng ngang nhau, về đạn dược CS trội hơn rất nhiều. Mùa hè đỏ lửa năm 1972 Bắc Việt đưa vào trận địa tổng cộng 10 sư đoàn, Quân đội VNCH đạn dược tiếp liệu đầy đủ lại được không quân Mỹ yểm trợ trong khi năm 1975 Bắc Việt tung vào trận địa gần 20 Sư đoàn, vũ khí đạn dược gấp bội lần năm 1972, ta bị thiếu hụt về nhiên liệu đạn dược lại không được yểm trợ B52, tình thế quả là bi đát. Tại Quân khu 2, lực lượng CSBV gồm 5 Sư đoàn BB và 4 Trung đoàn độc lập coi như hơn gấp hai VNCH có 2 Sư đoàn BB (22, 23) và 7 Liên đoàn BÐQ. Tình hình năm 1975 chỉ có sự yểm trợ của pháo đài bay B-52 mới có thể cứu vãn tình thế.

    Bắc Việt áp dụng nghi binh tối đa, giả vờ áp lực Kontum, Pleiku, ba giờ sáng 10-3-1975, Sư đoàn 320, 316, 10 tấn công Ban Mê Thuột phối hợp với đặc công bên trong thị xã. Mở đầu trận đánh BV pháo kích ầm ầm vào thị xã như bão tố rồi đưa xe tăng, xe kéo pháo, quân xa ồ ạt tiến về thị xã, bỏ qua các đồn bót dọc đường. Cộng quân bắc phà qua sông Sê Rê Pốc, lần đầu tiên họ đánh trận bằng xe hơi, trong một đêm họ đã đem được một lực lượng đông đảo gồm 12 Trung đoàn gồm bộ binh và tăng , pháo vào trận địa đúng thời gian.

    BV tấn công làm 3 mũi chính : trại Mai Hắc Ðế, cánh thứ hai đánh sân bay Phụng Dực do hai tiểu đoàn của Trung đoàn 53 VNCH bảo vệ, cánh thứ ba tấn công phi trường L19. Họ không đánh theo lối bóc vỏ mà tiến thẳng vào thị xã. Sư đoàn 316 tấn công Trung đoàn 53 và Liên đoàn 21 Biệt động quân. Hỏa lực địch quá mạnh nên Ban Mê Thuột bị thất thủ sau mấy ngày giao tranh, Trung đoàn 53 chiến đấu anh dũng đến người cuối cùng. Tại quân Khiêm Ðức Quảng Ðức, chỗ giáp ranh Phước Long, hai Tiểu đoàn BÐQ và các đại đội ÐPQ cầm cự anh dũng chống lại một lực lượng địch đông gấp bội lần.

    Ngày 12-3, một ngày trước khi Tướng Phú tuyên bố mất Ban Mê Thuột, Hạ viện Mỹ cắt 300 triệu quân viện bổ túc do Tổng Thống ford yêu cầu, quân viện trong năm tới không được chuẩn chi, VNCH chỉ còn đủ đạn đánh trong 3 tháng . Ngày 11-3-1975 tại dinh Ðộc Lập ông Thiệu họp Hội đồng an ninh Quốc gia với các Tướng Trần thiện Khiêm, Cao Văn Viên, ÐặngVăn Quang. Ông cho biết nay lực lượng ta chỉ đủ sức giữ Quân khu 3 và 4, theo ông nên rút khỏi Kontum, Pleiku về giữ các tỉnh đồng bằng, nội dung chính buổi họp là bỏ Quân khu 1 và 2 chỉ giữ Quân khu 3 và 4 và một phần duyên hải Quân khu 2, các Tướng lãnh đồng ý. Ngày 14-3 Tướng Phạm Văn Phú Tư lệnh vùng Hai bay về Cam Ranh họp với các Tướng Thiệu, Khiêm, Quang, Viên, ông đề nghị cho rút theo tỉnh lộ 7B về Phú yên, Tuy Hòa.

    Cuộc di tản đường số 7 (dài 170 km) được giữ bí mật tuyệt đối không cho tỉnh quận biết, Tướng Phú và Bộ Tư lệnh Quân đoàn đi trực thăng về Nha Trang bỏ lại chuẩn Tướng Phạm Duy Tất lo việc đôn đốc di tản làm 4 đoàn, mỗi đoàn 250 xe, mỗi ngày một đoàn xe. Ngày đầu tiên 16-3 đoàn xe chạy êm xuôi tới được Phú Bổn vì bất ngờ, hôm sau bị tắc nghẽn lưu thông vì dân chúng ùa chạy theo, ngày thứ ba 18 cả 3 đoàn xe bị khựng lại vì Cộng quân chận đánh pháo kích gây kinh hoàng cho đoàn dân quân di tản. Bắc Việt cho Sư đoàn 320 di chuyển đánh Nam Phú Bổn,tối đến họ pháo kích thị xã khiến nhiều người chết, hơn 40 xe tăng và 8 khẩu 175 bị phá hủy. Khi qua các cầu đoàn di tản bị địch đánh phá thiệt hại nặng, trong số 1,200 xe, chỉ có 300 chiếc mở đường máu tới được Tuy Hoà.

    Kế hoạch không đầy đủ, kỷ luật hỗn tạp, không nghiên cứu lộ trình, cầu cống, dân chúng và gia đình binh sĩ chạy theo hỗn độn mất tinh thần, ai cũng chỉ lo tháo thân. Tại Bình Ðịnh 2 Trung đoàn 42 và 47 thuộc Sư đoàn 22 giao chiến với Sư đoàn 3 Sao vàng CS, hai bên thiệt hại nặng một nửa quân số. Ngày 27-3 Sư đoàn 320 CS tràn vào Tuy Hoà, Sư đoàn F10 CS tràn ngập Lữ đoàn 3 Dù tại Khánh Dương, ngày 15-4 hai Sư đoàn CS tấn công phi trường Phan Rang, Tướng Tư lệnh mặt trận Nguyễn Vĩnh Nghi, Tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 không quân coi như mất tích. Cộng quân chiếm Ninh thuận ngày 16-4, Phan Thiết thất thủ ngày 18-4, Quân Khu 2 hoàn toàn bị Cộng Sản kiểm soát.

    Di tản chiến thuật trên đường số 7B là một cuộc thảm bại lớn nhất trong lịch sử chiến tranh miền Nam nước Việt từ trước đến nay, cuộc lui binh đi đúng vào vết xe đổ của trận Cao Băc Lạng 1950. Tổn thất quá nặng, trong số khoảng 60 ngàn chủ lực quân chỉ có một phần ba tới được Tuy Hoà. Năm Liên đoàn Biệt động quân 7,000 người chỉ còn 900, khoảng 100 xe tăng chỉ còn 13 cái M-113, ít nhất 75% lực lượng chiến đấu của Quân đoàn 2 bị tiêu diệt. Số quân dân chết trên đường hành lang máu có thể lên tới hằng chục ngàn, trong số 200 ngàn dân Cao nguyên chạy loạn chỉ có khoảng 45 ngàn tới được Tuy Hoà, tổng số vũ khí quân trang quân dụng trị giá 253 triệu đã lọt vào tay CS, thiệt hại tinh thần còn to tát hơn nữa. Sự thất bại của cuộc di tản này cũng kéo theo sự sụp đổ của Quân khu 1 và rồi của cả miền Nam.

    Từ xưa đến nay hầu hết những cuộc tháo lui đều bị đối phương chận đánh tan nát, có lẽ chỉ có quân Nga hồi thế chiến Thứ Hai là ngoại lệ. Giữa năm 1941 Hitler tung 70% lực lượng của Ðức Quốc Xã gồm 170 sư đoàn bộ binh và cơ giới tấn công Nga, bị đánh bất ngờ, quân Nga chạy như vịt, 1500 máy bay ở phi trường bị phá hủy trong ba ngày đầu, gần 300 Sư đoàn bị đánh tan trong 6 tháng. Chủ lực quân coi như bị tiêu diệt, một triệu ba trăm ngàn quân bị bắt làm tù binh. . nhưng nhờ địa thế quá rộng quân Ðức không thể đuổi kịp được lại nhờ mùa đông quá khắc nghiệt, quân Ðức bị lạnh chết như rạ. Người Nga tự làm được vũ khí đạn dược nên hai, ba năm sau họ lật lại được thế cờ.

    Tình hình Quân khu 1 gồm 5 tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi cũng bước vào giai đoạn bi thảm, tại đây lực lượng CSBV độ 8 Sư đoàn, Quân đội VNCH tại đây gồm 3 Sư đoàn BB, 2 Sư đoàn Tổng trừ bị và 4 Liên đoàn BÐ0Q. Ngày 13-3 Tướng Trưởng về dinh Ðộc Lập họp Hội Ðồng An Ninh QG gồm các TT Thiệu, các ông Tướng Khiêm, Viên, Quang. TT Thiệu nói về kế hoạch tái phối trí lực lượng, rút bỏ miền rừng núi, Cao nguyên về giữ đồng bằng mầu mỡ.

    Ngày 14-3 Tướng Trưởng về QK-1 họp bàn kế hoạch tái phối trí, Sư đoàn Dù rút về Sài Gòn, BÐQ thay TQLC tại Quảng Trị, ngày 17-3 TQLC rời Quảng Trị về Ðà Nẵng thay Lữ đoàn Dù, dân chúng sợ hãi di tản ồ ạt trên Quốc Lộ 1.

    Ngày 19-3 Tướng Trưởng được triệu về Sài Gòn lần thứ hai, ông trình bầy kế hoạch rút các lực lượng Quân đoàn về Huế, Chu Lai và Ðà Nẵng. Ngày 19-3 Quảng Trị di tản, Cộng quân bắt đầu tấn công mạnh vào QK-1. Sáng 20-3 Tướng Trưởng bay ra Huế họp tham mưu bàn kế hoạch phòng thủ, Tổng thống ra lệnh phải tử thủ Huế. Chiều hôm ấy Tướng Trưởng về Ðà Nẵng nhận được lệnh chỉ giữ Ðà Nẵng thôi. Cộng quân bắt đầu tấn công mạnh từ Quảng Trị đánh xuống, từ Quảng Ngãi đánh lên, một Trung đoàn của Sư đoàn 1 tại Huế thất thủ, Tướng Trưởng ra lệnh thu gọn phòng tuyến Huế. BV pháo kích Huế gây náo động , địch chiếm 2 quận thuộc tỉnh Quảng Tín, trước áp lực dồn dập Tướng Trưởng ra lệnh di tản 2 quận Sơn Tràn, Trà Bồng Quảng Ngãi và những tiền đồn xa để co cụm lại. Lực lượng phòng thủ của VNCH ngày một yếu trước áp lực địch, ngày 24-3 Tam Kỳ, Quảng Tín thất thủ, BV tấn công Quảng Ngãi dữ dội, dân ùn ùn chạy về Ðà Nẵng, chỉ trong một ngày tình hình Quân khu 1 rối loạn đến mức không còn kiểm soát được nũa. Tinh thần binh sĩ xuống, ai nấy chán nản thất vọng.

    TT Thiệu lệnh cho Tướng Trưởng dùng các Sư đoàn 1, 2, 3 để phòng thủ Ðà Nẵng, Sư đoàn TQLC đóng vai trừ bị. Tối 25-3 Sư đoàn 1 và các đơn vị quanh Huế rút về Ðà Nẵng, tại cửa Tư Hiền và các địa điểm tập trung quân của ta, hỗn loạn diễn ra, Sư đoàn 1 tan rã tại đây, chỉ còn một phần ba về tới Ðà Nẵng và rã ngũ. Trong khi ấy hằng trăm xe tăng, đại bác kéo về của Thuận An, lại hỗn loạn dữ dội, Cộng quân pháo kích vào địa điểm tập trung gây thiệt hại nặng .

    Chiều 25-3 chưa đầy một tuần Quân khu 1 chỉ còn Ðà Nẵng, các đơn vị Sư đoàn 2, Tiểu khu Quảng tín, Quảng Ngãi. . xuống tầu Hải quân ra cù lao Ré, hỗn loạn dữ dội. Ngày 26-3 hai tầu dương vận hạm đến của Thuận An để chở TQLC và chấm dứt vận chuyển 28-3, còn một số bị bỏ lại, địch pháo theo gây thiệt hại nặng, xe cộ vứt ngỗn ngang.. Tại Chu lai Sư đoàn 2 chen nhau lên tầu về Bình Tuy cũng chỉ còn một nửa quân số. Ngày 27-3 dân chạy vào Ðà Năõng gây náo loạn, Quảng Trị Thừa Thiên đổ xuống, Quảng Nam Quảng Tín chạy ngược lên, Ðà Nẵng dân số 300 ngàn nay phải chứa trên một triệu, người ta nằm đầy gầm cầu, tha ma nghĩa địa, trộm cướp nổi lên. Bốn Sư đoàn Bắc Việt có xe tăng đại bác sắp tấn công, địch pháo kích chính xác vào Ðà Nẵng khiến nhiều người thiệt mạng . Ngày 28-3 Tướng Trưởng diện thoại cho TT Thiệu xin lệnh, ông Thiệu nói tùy cơ lo liệu. Ngày 29-3 Tướng Trưởng ra lệnh bỏ Ðà Nẵng.




    Ngày 30-3 Ðà Nẵng thất thủ, khoảng 60 ngàn người bị bắt làm tù binh, Quân khu 1 chỉ còn lại 16 ngàn lính di tản vào Nam, quân nhu, súng đạn . . coi như mất hết hoặc bị phá hủy. Quân khu 1 mất dễ dàng trong vòng 10 ngày (19-30) gần như không có trận chiến nào dai dẳng nguyên do rút Sư đoàn Dù quá nhanh khiến dân hốt hoảng, ông Thiệu tuyên bố tử thủ Huế sau lại bỏ Huế khiến dân chúng hoang mang, những tin đồn cắt đất khiến dân mất tinh thần. Cuộc di tản QK-1 nhất là tại Huế được mô tả là tồi tệ hơn tại QK-2, cấp lớn được đưa về Ðà Nẵng bỏ lại binh sĩ sinh ra bất mãn hỗn loạn, bắn giết nhau, thượng bất chính hạ tắc loạn.

    Sự thực Quân khu 1 và 2 mất nhanh như vậy một phần lớn vì ông Thiệu quyết định bỏ hai vùng này như đã họp bàn hôm 11-3 tại dinh Ðộc lập. Sau này ông Cao văn Viên cho rằng kế hoạch bỏ Vùng 1 và 2 về giữ Vùng 3 và 4 là đúng nhưng thực hiện quá trễ, đúng lý ra phải thực hiện từ 6 tháng trước. Kế hoạch này có thể đúng về mặt quân sự nhưng về phương diện lương tâm đạo đức thì không thể chấp nhận được vì nó bất nhân, bỏ đồng bào ruột thịt của mình lại để chạy tháo thân. Cuộc tháo lui ấy lại đi đúng vào vết xe đổ của trận Cao Bắc Lạng năm 50 khi Pháp sợ quá hối hả rút quân bị Việt Minh chận đánh tan tành. Thực hiện kế hoạch lui binh rút bỏ Quân khu 1 và 2 tướng Thiệu đã dọn cỗ sẵn cho Việt Cộng xơi, họ tịch thu được nhiều xe cộ, vũ khí, đạn dược. . khiến cho đạo quân xâm lược tăng lên gấp bội, thật là giáo vào tay giặc. Nhiều người cho đây là trò nước bạc tháo cáy của Tướng Thiệu để hòng lôi kéo Mỹ trở lại nhưng không có hiệu quả gì.

    Kế hoạch rút bỏ 2 quân khu đưa tới hỗn loạn khủng khiếp và đã khiến cho hằng hà sa số người thiệt mạng. Tướng Thiệu phải chịu trách nhiệm về những cái chết oan uổng của hằng mấy vạn người. Cuộc tháo lui được coi là tồi tệ về mặt trách nhiệm, cấp chỉ huy tháo chạy bỏ lại cấp dưới gây ra làn sóng bất mãn đưa tới hỗn loạn. Thượng cấp bi quan chủ trương rút lui, nhưng tinh thần chiến đấu của sĩ quan, binh lính vẫn còn cao. Trên đường chạy loạn dân quân oán ghét ông Thiệu ngút trời xanh, chạy đến Phan Rang vì quá phẫn uất họ lấy xe máy cày, xe thiết giáp ủi sạch mồ mả trong nghĩa trang gia đình ông Thiệu rồi chửi rủa ầm ĩ.

    Một điều mâu thuẫn nữa là nếu biết trước sẽ thua vì hết đạn, hết nhiên liệu thì sao không thương thuyết hay hoà giải lại cho rút quân đại qui mô làm chết bao nhiêu người một cách vô ích. Cuộc triệt thoái đại binh coi như hoàn toàn thất bại, vũ khí đạn dược, xe tăng đại bác coi như mất hết, các đơn vị tinh nhuệ bị tan rã, có đơn vị chỉ còn một phần ba hay tệ hơn thế. Sau khi mất Quân khu 1 và 2, Quân khu 3 và 4 coi như không thể đứng vững được. Nếu trước đây tăng cường thêm lực lượng cho Vùng 1, 2 thay vì rút lui thì may ra còn có thể cứu vãn được tình thế. Thời cơ đã tới, Bắc Việt vội đưa thêm các Sư đoàn tổng trừ bị vào Quân khu 3 tăng cường , tổng cộng lực lượng lên tới gần 20 Sư đoàn bộ binh chưa kể khoảng trên hai mươi Trung đoàn xe tăng, pháo binh, phòng không. Ông Thiệu xin viện trợ khẩn cấp, người Mỹ chỉ viện trợ tượng trưng mấy khẩu đại bác, họ cử người sang để tìm cách thu hồi máy bay, tầu thủy. Chiến tranh Việt Nam đã coi như xong, ngày 18-4 Uỷ ban Quốc phòng Thượng Viện Mỹ chỉ cấp ngân khoản di tản chứ không cho quân viện.

    Ngày 2-4 Thủ tướng Khiêm từ chức, Nguyễn bá Cẩn lên thay. Ngày 9-4 ba Sư đoàn Bắc Việt tấn công Xuân Lộc, Sư đoàn 18 anh dũng chiến đấu đẩy lui địch, ngày15-4 Bắc Việt tăng viện, Chiến đoàn 52 VNCH bị đánh tan đêm ấy, Tướng Toàn cho ném bom Daisy Cutter khiến mấy Trung đoàn Bắùc Việt tử thương. Sư đoàn 18 thiệt hại 30% quân số phải rút lui ngày 20-4, ÐPQ nghĩa quân thiệt hại nặng, BV mất 5,000 người, 37 xe tăng bị bắn cháy. Sau khi Xuân Lộc mất, Sài Gòn bị lung lay.

    Tướng Toàn Tư Lệnh Quân đoàn 3 cho lập vòng đai bảo vệ Sài Gòn: Tuyến Củ chi ở Tây Bắc gồm Sư đoàn 25 và Liên đoàn 9 BÐQ; Tuyến Bình Dương phía Bắc gồm Sư đoàn 5; Tuyến Biên Hoà phía Ðông Bắùc gồm Sư đoàn 18, Lữ đoàn TQLC; Tuyến Vũng Tầu, Quốc lộ 15 gồm Lữ đoàn Dù, bộ binh thuộc Sư đoàn 3 di tản; Tuyến Long An, phía Nam có Sư đoàn 22 di tản và 3 Liên đoàn BÐQ. Ngày 21-4 Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Trần văn Hương lên thay.

    Khi ấy Lực lượng hai bên Nam Bắc quân như sau:
    Bắc Việt gần 20 Sư đoàn, 280 ngàn quân, 400 xe tăng, 420 khầu pháo.

    Việt Nam Cộng Hoà. 6 Sư đoàn chủ lực, quân số kể cả ÐPQ 240 ngàn, 625 xe tăng, 400 khẩu pháo.

    Lực lượng hai bên cân bằng về xe tăng, Pháo binh nhưng về nhân lực và đạn dược thì BV rất dồi dào, QÐVNCH gần hết đạn.
    Vòng đai bảo vệ Thủ Ðô ngày một thu hẹp lại, binh sĩ vẫn ngã gục khắp nơi khắp nơi để bảo vệ Thủ Ðô trong khi thượng cấp lên máy bay di tản. Ngày 24-4 hai ông Thiệu, Khiêm rời Việt Nam. Ngày 26-4 Bắc Việt đánh Trường thiết giáp Long Thành, căn cứ Nước trong, ngày 27-4 Sư đoàn 3 VC tấn công Phước Lễ. Phía Tây các căn cứ dọc theoVàm Cỏ Ðông bị CS chiếm, phía Tây Nam, Ðoàn 232 gồm 3 Sư đoàn CSBV cắt Quốc Lộ 4 chận đường tiếp viện từ QK-4.

    Chiều ngày 28-4 ông Trần Văn Hương bàn giao chức vụ Tổng thống cho Tướng Dương Văn Minh. Ðài BBC nói tại Sài Gòn ông Dương Văn Minh đã được cử giữ chức vụ quyền Tổng Thống để chuẩn bị cho một cuộc đầu hàng. Từ 4 giờ sáng 29-4 phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo kích dữ dội. Dương Văn Minh cử sứ giả đến trại David Tân sơn Nhất để thương thuyết với phái đoàn quân sự VC nhưng bị Võ Ðông Giang bác bỏ. Ngày 29-4 tại tuyến phòng thủ phía Bắc, Sư đoàn 18 phải rút về Thủ Ðức, sáng 30-4 tuyến phía Tây Bắc Sư đoàn 25 thất thủ. Căn cứ Lai Khê phía Bắc bị bao vây, Cộng quân đã tới Ngã tư Bẩy Hiền giao tranh với quân Dù, Biệt Cách Dù chống trả dữ dội. Mười giờ sáng ngày 30-4-1975 Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trong khi quân khu Bốn vẫn còn nguyên vẹn.

    . . . Thế rồi thời gian trôi nhanh như nước chảy qua cầu… thấm thoắt đã mấy chục năm qua. .

    Mới đây cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Melvin R. Laird dưới thời Nixon lên tiếng kết án Hoa Kỳ phản bội Ðồng Minh năm 1975, ông ta nói rằng đó là một điều xấu hổ, Tổng Thống Ford, Bộ Trưởng Quốc Phòng Shlesinger và Bộ Trưởng Ngoại Giao Kissinger cũng phải chia sẻ nỗi nhục này. Ông cho rằng Quốc Hội Hoa Kỳ là nguyên nhân chính trong việc bỏ rơi Ðồng Minh qua những quyết định :

    1. Chấm dứt can thiệp quân sự (Tháng 8-73).
    2. Cấm can thiệp trở lại Việt nam.
    3. Cấm trả đũa nếu Hiệp định Paris bị vi phạm.
    4. Giảm quân viện từ 1 tỷ 4 xuống 700 triệu vào năm 1974.
    5. Từ chối yêu cầu của Tổng thống Ford xin viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam đầu tháng 4-75.

    Laird cho rằng Tổng thống Ford đã bác bỏ thuyết Dominoes có từ 7-4-1954 dưới thời Eisenhower, thuyết Dominoes nay đã lỗi thời. Ðiều này có nghĩa là nếu bỏ rơi Việt Nam thì Ðông Nam Á vẫn tồn tại y nguyên vì nay hiểm hoạ Cộng sản không còn, Hoa Kỳ vẫn bình chân như vại, họ sẽ không bao giờ còn phải lo sợ bị bao bọc bởi biển đỏ, không bao giờ phải lo xây đắp một Vạn Lý Trường Thành thứ hai. Sẽ không bao giờ có một Vạn Lý Trường Thành thứ hai như Tổng Thống Eisenhower đã e ngại trước đây, có chăng chỉ là bức cổ thành khổng lồ vạn dặm đã được xây dựng dưới thời nhà Tần từ 2200 năm trước. Hoa kỳ đã chiêu hồi được Trung Quốc, điều mà họ mơ ước từ bấy lâu nay đã thành sự thật, cái bắt tay lịch sử giữa Nixon và Mao ngày 21-2-1972 đã thay đổi cả một kỷ nguyên. Núi xương sông máu của hằng triệu binh lính cả hai miền Nam Bắc Việt Nam đã được họ đem ra làm món hàng đổi chác.

    Vô tình Việt nam Cộng Hoà lại đi đúng và vết xe đổ của Trung Hoa Dân Quốc 40 năm trước đó. Trong những năm chống Nhật từ 1940-1945, Hoa Kỳ viện trợ thả dàn cho Tưởng để ngăn chận sự bành trướng của đế quốc Nhật. Năm 1945 quân Nhật đầu hàng, khi ấy Mao còn yếu lắm, mới chỉ kiểm soát được 1/4 đất đai và 1/3 dân số. Tưởng định thừa cơ xua quân tiêu diệt Mao, Mao nhờ Liên Sô can thiệp với Anh Mỹ ép Tưởng phải ký đàm phán hoà bình với Mao vì lý do nhân đạo: “nhân dân đã đau khổ nhiều vì chiến tranh Hoa Nhật” Tưởng phải cắn răng mà ký.
    Trong bốn năm 1945-1948 Mao được Nga viện trợ súng đạn ồ ạt, kể cả vũ khí của Nhật để lại. Mao đã tổ chức được một đạo quân thật hùng cường rồi tấn công Tưởng bằng chiến thuật biển người, Hồng quân tràn vào Hoa Bắc như nước vỡ bờ, cán cân quân sự nghiêng hẳn về phía Mao. Tưởng cử Tống Mỹ Linh sang Hoa Kỳ xin viện trợ đầu tháng 12-1948 nhưng người bạn đồng minh ngoảnh mặt làm ngơ, bỏ rơi Tưởng không thương không tiếc vì nay đế quốc Nhật đã tan tành thành tro bụi, Tưởng không còn là đồng minh cần thiết nữa.

    Trong suốt cuộc chiến tranh họ chi tiêu 300 tỉ đô la, năm 1975 chỉ cần họ cho miền Nam thêm một, hai tỉ là có thể chuyển bại thành thắng nhưng họ lại không cho. Khi có chuyện cần dù phải xài hai, ba trăm bạc người ta cũng không tiếc, nhưng khi đã không cần nữa thì dù một đồng người ta cũng chẳng chịu bỏ ra.

    Từ sau 1975 đến nay nhiều người vẫn cứ tiếc mãi, họ nói rằng nếu đừng rút lui tại Quân khu 1 và 2, cứ đánh thì chưa chắc ai đã thắng ai. Nhưng nếu ta nhìn lại 60 năm trước đây thì còn có những cái đáng tiếc gấp trăm lần như thế. Hồi ấy nghe tin Nhật đầu hàng Ðồng Minh, Việt Minh thừa cơ nhẩy ra cướp chính quyền.

    Ðại sứ Nhật tại Việt Nam được lệnh của Ðông Kinh phải giữ ngôi cho Hoàng Ðế Bảo Ðại, ông xin yết kiến nhà vua và Thủ Tướng Trần Trọng Kim rồi nói mặc dù quân Nhật đã đầu hàng Ðồng Minh nhưng chúng tôi vẫn có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự tại đây để chờ quân đội Ðồng Minh đến giải giới. Ông Ðại sứ xin Hoàng Ðế và Thủ Tướng cho phép dẹp loạn để giữ ngôi Thiên Tử nhưng Vua Bảo Ðại và Thủ tướng đã từ chối sự giúp đỡ của họ vì sợ trách nhiệm với Ðồng Minh sau này. Tại Hà Nội, Phó lãnh sự Nhật đã đến Phủ Khâm sai gặp bác sĩ Nguyễn xuân Chữ, Chủ tịch Uỷ ban giám đốc chính trị miền Bắc, ông ta nói “chúng tôi sẵn sàng đặt dưới quyền điều động của các ngài”nhưng bác sĩ cũng từ chối thiện chí của họ.

    Nếu hồi đó vua quan không đến nỗi quá ư nhu nhược như thế, nếu người Nhật đã được ủy quyền dẹp loạn tái lập an ninh trật tự thì cái gọi là Tổng Bộ Việt Minh đã bị hoàn toàn tiêu diệt và đất nước đâu đến nỗi phải bị dầy vó xâu xé vì chiến tranh cách mạng mấy chục năm đằng đằng, đâu đến nỗi phải gánh chịu cả một lịch sử tang thương đau khổ di hại đến muôn đời như thế. Nhìn lại qua khứ chúng ta không khỏi trạnh lòng xót thương cho cả một dân tộc bất hạnh trước sự sai lầm của lịch sử.

    Trọng Ðạt

    Tài Liệu Tham Khảo
    - Trần Trọng Kim: Một Cơn Gió Bụi
    - Hoàng Văn Chí: Từ Thực Dân Ðến Cộng Sản. Chân Trời Mới, 1965.
    - Cao Thế Dung: Việt Nam Ba Mươi Năm Máu Lửa, Alpha 1991.
    - Ðoàn Thêm: Những Ngày Chưa Quên, Quyển Thượng (1939-1954), Quyển Hạ(1954-1963), Xuân Thu 2000.
    - Hoàng Lạc, Hà Mai Việt: Nam Việt Nam 1954-1975, Những Sự Thật Chưa Hề Nhắc Tới, Texas 1990.
    - Lâm Lễ Trinh: Về Nguồn, Thuỷ Hoa Trang, 2006.
    - Phan Thứ Lang: Bảo Ðại, Vị Vua Triều Nguyễn Cuối Cùng, Nhà xuất bản Công An Nhân Dân, 1999.
    - Vũ Ngự Chiêu: Phía Bên Kia Cuộc Cách Mạng 1945, Ðế Quốc Việt Nam 3-8-1945, Văn Hoá 1996
    - Nguyễn Ðức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.
    - Nguyễn Ðức Phương: Những Trận Ðánh Lịch Sử Trong Chiến Tranh Việt Nam, 1963-1975, Ðại Nam, 2000.
    - Phạm Huấn: Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước 1975, Cali 1988.
    - Phạm Huấn: Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975, Cali 1987.
    - Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hoà, Vietnambibliography, 2003
    - Trần Ðông Phong: Việt Nam Cộng Hoà, 10 ngày cuối cùng , Nam Việt 2006
    - Nguyễn Tiến Hưng: Khi Ðồng Minh Tháo Chạy, Hứa Chấn Minh xuất bản, 2005.
    - Văn Tiến Dũng: Ðại Thắng Mùa Xuân, nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội 2005.
    - Ðinh Văn Thiên: Một Số Trận Ðánh Trước Cửa Ngõ Sài Gòn, nhà xuất bản Quân Ðôi Nhân Dân, Hà Nội 2005.
    - Dương Ðình Lập, Trần Minh Cao: Cuộc Tổng Tiến Công và Nổi Dậy Mùa Xuân 1975, nhà xuất bản tổng hợp TPHCM, 2005.
    - Hoàng Lạc, Hà Mai Việt: Việt Nam 1954-1975, Những Sự Thật Chưa Hề Nhắc Tới Texas 1991.
    - Ðoàn Thêm: 1965 Việc Từng Ngày, Xuân Thu 1989.
    - Ðoàn Thêm: 1966 Việc Từng Ngày, Xuân Thu 1989
    - Ðoàn Thêm: 1969 Việc Từng Ngày, Xuân Thu 1989.
    - Lâm Quang Thi: Autopsy The Death Of South Vietnam, Sphinx publishing 1986.
    - The World Almanac Of The VietNam War: John S.Bowman, General editor, A Bison book.
    - Stanley Karnov: Vietnam - A History, Penguin books 1991.
    - Marilyn B Young, John J. Fitzgerald, A.Tom Grunfeld: The Vietnam War, A History In Documents, Oxford University press 2002.
    - Lâm Lễ Trinh: Tổng Thống Hai Ngày Dương Văn Minh, Người Việt Dallas 30-6-2005.
    - Nguyễn Quang Khải - Sau Ba Mươi Năm Giữ Yên Lặng, Cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Melvin R Laird Nói Gì Về Cuộc Chiền Tranh Ở Việt Nam, điện báo Talawas tháng 3-2006.
    - Việt Nguyên: 32 Năm Lật Trang Sử Cũ, Người Việt Dallas 25-4-2007.
    - Minh Võ: Tại Sao Thua, Người Việt Dallas 26-4-2006.
    - Trần Việt Ðại Hưng: Một Bí Ẩn Cần Tiết Lộ Trong Chuyện Bức Tử Miền Nam 1975, Sài Gòn Nhỏ Dallas 2002.
    - Lữ Lan: Cuộc Chiến 30 Năm Nhìn Lại Từ Ðầu, Sài Gòn Nhỏ Dallas 28-4-2006.
    - Lê Quang Lưỡng: Thiên Thần Mũ Ðỏ Ai Còn Ai Mất, Người Việt Dallas 7-10-2005.
    - Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam, Người Việt Dallas 21-6-2006.
    - Lâm Lễ Trinh: Mạn Ðàm Với Ðại Tướng Cao Văn Viên, Về Nguồn, Thuỷ Hoa Trang 2006.
    - Hồ Ðinh: Cơn Phẫn Nộ Cuối Cùng Của Một Quân Ðội Bị Phản Bội, Người Việt Dallas 23-12-2005.
    - Lewis Sorley: Lịch Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, Trần Ðỗ Cung dịch, Người Việt Dallas 22-11-2006.
    - Cao Văn Viên: Tuyến Ðầu Vùng Một Thất Thủ, Thằng Mõ Sacramento, số cuối tháng 4-2006.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X