Thông báo

Collapse
No announcement yet.

BÊN BỜ DƯ ẢNH - Kha Lăng Đa

Collapse
X

BÊN BỜ DƯ ẢNH - Kha Lăng Đa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • BÊN BỜ DƯ ẢNH - Kha Lăng Đa


    BÊN BỜ DƯ ẢNH
    Kha Lăng Đa


    Thanh đi thơ thẩn dưới rặng dừa xanh rợp bóng. Từng đợt sóng biển xô vào bờ, mang theo những chuỗi bọt trắng xóa chạy dài theo ven cát mịn. Gió thổi lộng làm mái tóc Thanh bồng bềnh như sóng cuộn. Chiều xuống chầm chậm trên vùng trời biển bao la, gợi nỗi sầu thương canh cánh bên lòng người cô độc.

    Cảnh cũ còn đây, nhưng người xưa đã vắng dạng. Thanh đứng bơ vơ bên mé bờ dư ảnh trong nỗi tuyệt vọng, mỏi mòn chờ trông một người con gái đã ra đi biền biệt như bóng chim, tăm cá. Thanh cố quên bóng hình Ngọc Thảo, người yêu đã cùng Thanh hẹn ước chuyện trăm năm nhưng không thế nào quên được. Nhiều khi Thanh tự trách mình mâu thuẫn với chính mình vì khi cố tìm sự lãng quên thì dòng hoài cảm như nguồn cuồng lưu xoáy mạnh trong tim. Thanh khẽ thở dài, ngồi trên bờ biển, nhìn những con dã tràng đang vo tròn từng viên cát, nhưng khi đợt sóng tấp vào bờ, những viên cát kia bị cuốn trôi đi. Công lao Thanh xây đắp lâu đài tình ái có khác chi những con dã tràng se cát bên bờ biển Đông.

    Thanh đã đạt được lý tưởng cao đẹp“Bảo Quốc Trấn Không” của một phi công thời loạn nhưng bị đổ vỡ mối tình đầu hoa mộng mà Thanh cứ ngỡ sẽ cùng Thảo đẹp đôi đến cuối đường đời. Đôi khi Thanh suy nghĩ chữ định mệnh và luật thừa trừ của tạo hóa để tự an ủi mình. Có khi Thanh lại chán chường, sống xa rời thực tại như một kẻ đang nằm giữa giao tuyến của mộng và thực.

    Trời bỗng lất phất mưa chiều. Thanh vào ngồi trú mưa trong một quán nước quen thuộc dưới hàng dừa xanh rậm lá. Tiếng hát của nữ ca sĩ Hoàng Oanh như khiêu gợi mạch cảm hoài trong nhạc bản trữ tình “Sao chưa thấy Hồi âm” khiến Thanh nhớ lần đầu tiên Thảo ra Nha Trang thăm Thanh, cũng tại quán này và khi nghe nhạc bản ấy, Thảo đã tâm sự với Thanh:

    - Ở Sài Gòn nhiều khi đang trông thư anh từng giờ từng phút mà nghe bản nhạc này em đã khóc.
    Thanh nói thầm: “Bây giờ thì em đâu còn trông thư anh nữa”! Tâm hồn Thanh bỗng bâng khuâng, trở về dĩ vãng.

    Thời gian còn học ở trường Trung học, Thanh đã mơ ước trở thành một phi công cho thỏa mộng tung mây lướt gió sau khi đọc xong tác phẩm nổi tiếng của Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh. Giữa lúc quê hương mờ mịt khói lửa chiến chinh, Thanh đã xếp bút nghiên để đáp lời sông núi và đã đi đúng con đường mà chàng đã định. Thanh gia nhập Không Lực Việt Nam Cộng Hòa và được tuyển chọn theo học Khóa Hoa Tiêu Quan Sát ở Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân – Nha Ttrang. Ngọc Thảo, cô nữ sinh Trường Trung Học Trưng Vương đổ lệ chia ly, đưa tiễn người yêu lên đường nhập ngũ với bao lời ước hẹn chuyện tương lai. Từ một thư sinh non trẻ, Thanh phải khép mình vào kỷ luật quân đội nghiêm khắc mà tuần lễ “huấn nhục” là một sự đo lường, thử thách cam go. Những anh niên trưởng cán bộ được gán cho cái danh hiệu là “cà rốt” (vì họ mang cấp hiệu màu đỏ trên cổ áo, trông giống như hai miếng cà rốt), đã phạt Thanh chạy nước rút và hít đất đến lúc Thanh gần ngất xỉu mới thôi chỉ vì Thanh viết thư cho Thảo với nội dung quá mùi mẩn, ủy mị. Thanh đã đổ nhiều mồ hôi, nước mắt trong tuần lễ khắc nghiệt này. Nhiều khi nhớ nhà, nhớ Thảo quá và chịu nhiều khổ nhọc, gian lao, Thanh muốn trở về Sài Gòn nhưng lý tưởng cao đẹp đã khiến Thanh xóa tan sự nản chí, ngả lòng để tiến tới giai đoạn học quân sự, sinh ngữ, học địa huấn... Đến ngày lễ gắn “Alpha” cho khóa của Thanh, Thảo xin phép cha mẹ cùng đi với một người bạn gái học cùng lớp cùng trường tên Mỹ Phụng ra Nha Trang để thăm Thanh. Sau lễ, Thanh đã giới thiệu Tuấn, một người bạn thân, cùng khóa cho Phụng. Thanh, Tuấn đã dẫn Thảo, Phụng đi dạo phố, đi chơi ở bãi biển và đi ngoạn cảnh ở Hòn Chồng. Họ đã viết tên Thanh - Thảo và Tuấn - Phụng lên tảng đá khổng lồ bên bờ biển như để thề nguyền mãi mãi yêu nhau. Trong lần tái ngộ này giữa mùa trăng thơ mộng, Thanh và Thảo đã đưa nhau đến tuyệt đỉnh của tình yêu. Tâm hồn và thể xác của đôi trai gái ở lứa tuổi thanh xuân tràn đầy nhựa sống như hòa nhập vào nhau, tưởng chừng như không thể nào tách rời họ được. Tuấn và Phụng cũng đã yêu nhau trong lần gặp gỡ đầu tiên. Sau lần chia tay nhiều lưu luyến ấy, tuy cách núi ngăn sông nhưng họ vẫn chung một vầng trăng thề, chung một trời thương nhớ và thường gửi thư cho nhau để bày tỏ nỗi lòng.

    Thảo đã hứa với Thanh sẽ cùng Phụng ra Nha Trang để dự lễ mãn khóa của Thanh và Tuấn. Nhưng, Thanh thất vọng não nề vì ngày lễ mãn khóa của Thanh chỉ có Mỹ Phụng đến mà thôi. Phụng cho Thanh biết Thảo vì bận cộng việc gia đình rất quan trọng nên không đi được. Mấy ngày cuối cùng ở Nha Trang để chờ chuyến phi cơ về Sài Gòn nghỉ phép trước khi đến trình diện đơn vị mới, lòng Thanh nôn nóng, lo âu, mong sớm được về gặp lại Thảo vì linh cảm cho biết có điều gì bất trắc xẩy ra. Phụng không che giấu được nỗi xót xa trong lòng dâng lên ánh mắt khi an ủi Thanh đừng nghĩ ngợi, lo buồn. Khi về đến Sài Gòn, Thanh đau đớn được tin Thảo sắp sang ngang. Người chồng tương lai của Thảo là một kỹ sư người Pháp gốc Việt. Thanh như mất niềm vui, ý sống của cuộc đời trước sự vong phụ tình yêu của Thảo. Thanh cố tìm Thảo nhưng không gặp được vì hình như Thảo cố lánh mặt Thanh. Tuấn và Phụng thường đến sớt chia nỗi buồn với Thanh. Phụng cho Thanh biết sự thật:

    - Ngọc Thảo vẫn yêu anh tha thiết nhưng vì chữ hiếu, không dám cãi lời cha mẹ trong cuộc hôn nhân ép buộc này. Thảo đã tâm sự và khóc với em rất nhiều. Mấy lần Thảo có ý định thoát ly gia đình để chờ đợi anh về, nhưng Thảo không đủ can đảm vì thương đứa em gái còn đang đi học,Thảo không thể làm gương xấu cho nó được. Xin anh tha lỗi cho Phụng đã giấu anh vì sợ anh buồn khi vừa mãn khóa. Nay Phụng nói lên sự thật. Anh nên thương và tha thứ cho Thảo, đừng trách nó tội nghiệp!

    Thanh thấy vơi bớt phần nào sự đau buồn và niềm yêu thương dành cho Thảo càng sâu đậm hơn, nhứt là trong lúc này, lúc mà Thanh sắp mất người yêu, vỡ tan mối tình đầu hoa mộng. Nào ai học được chữ ngờ. Trong chia ly có nảy sinh mầm tái ngộ và giữa buổi tương phùng có hứa hẹn sự chia ly! Thanh đang mang một vết thương lòng và vết thương ấy rỉ máu khi Thanh nhận dược thiếp hồng của Thảo. Trong tiệc cưới Thảo nhìn Thanh bằng ánh mắt buồn dịu vợi như vùng biển trời kỷ niệm Nha Trang đang hiu hắt giọt mưa thu. Thanh gượng cười với mọi người nhưng cõi lòng như đang tan nát. Sau tiệc cưới, Thanh còn rủ Tuấn đi uống rượu để tìm sự lãng quên. Đêm đó Thanh say không đi nổi. Tuấn phải gọi taxi đưa Thanh về nhà và Tuấn phải ở lại để săn sóc Thanh. Trong cơn say vùi, nằm trăn trở, Thanh gọi tên Ngọc Thảo với giọng ngào nghẹn, bi thương.

    Sáng hôm sau khi Thanh tỉnh giấc, hiểu được nỗi lòng của con đang đau khổ vì yêu, mẹ Thanh an ủi:

    - Mẹ khuyên con đừng buồn nữa vì tương lai của con còn dài. Rồi đây con sẽ tìm được người con gái xứng đáng với con. Con Thảo nó vì sự ép uổng của mẹ cha đi lấy chồng giàu sang, con nên quên nó đi. Con là thanh niên của thế hệ, là một phi công của Quốc gia, đừng khổ lụy vì tình, hèn yếu làm nhụt chí nam nhi lắm đó con.

    Thanh rưng rưng nước mắt cầm tay mẹ:

    - Con xin nghe lời mẹ dạy.

    Khi hết hạn nghỉ phép, Thanh lại trở ra Nha Trang để trình diện đơn vị mới vì hai Phi Đoàn Quan Sát ở Biên Hòa và Cần Thơ chỉ cần ba hoa tiêu mà mà các tân sĩ quan đậu thủ khoa, hạng nhì và hạng ba đã được ưu tiên chọn lựa. Do dó, Thanh đậu hạng tư, phải chọn đơn vị phục vụ ở Nha Trang. Còn Tuấn chọn đơn vị đầu tiên ở Đà Nẵng.

    - Thưa anh, anh uống nước giải khát gì không anh?

    Giọng nói dịu dàng và ân cần của cô tiếp viên trong quán giải khát đưa Thanh trở về thực tại. Thanh sửa lại thế ngồi, trả lời:

    - Cô cho tôi một ly cà phê đá và một gói thuốc Capstan.

    Cơn mưa chiều vẫn chưa dứt hạt. Phố đã lên đèn khi trời vừa khuất bóng hoàng hôn. Thanh hút liên tục mấy điếu thuốc, thả khói bay ẻo lả ra khoảng không trước mặt như muốn dệt thành hình ảnh Thảo. Thanh muốn trở về cư xá độc thân nhưng trời chưa tạnh mưa đành phải ngồi nán lại nghe nỗi sầu cô đơn gặm nhấm tâm tư. Những hôm trước, Thanh mang thêm một nỗi buồn ray rứt vì qua mấy phi vụ huấn luyện bay loại phi cơ L.19 tại đơn vị mới, Thanh bị phân tâm trong lúc bay khiến vị Đại úy huấn luyện viên không hài lòng. Ông ta hỏi Thanh:

    - Tôi hỏi thật, anh có chuyện buồn phải không? Hãy nói cho tôi biết để tôi có cách nào giúp anh chăng. Ở đây như một đại gia đình, mình như là anh em, anh đừng ái ngại chi cả. Trước sự cởi mở của vị huấn luyện viên, Thanh tự nhủ mình phải thành thật trả lời. Thanh ngập ngừng nói:

    - Thưa Đại Úy, tôi có chuyện buồn.
    - Chuyện gia đình hay chuyện tình yêu?
    - Thưa, tình yêu.

    Vị Đại Úy mỉm cười hỏi:

    - Bị người yêu giận hờn hay bị tình phụ?

    Thanh nghĩ “thằng cha” này tò mò quá, nhưng nếu không nói thật thì làm sao bào chữa cho những khuyết điểm của mình trong mấy phi vụ bay tập. Vì mắc bệnh thất tình, Thanh như kẻ mất hồn, nào là Thanh cất cánh với một “Magnéto”, nào là rời vòng phi đạo mà vẫn không tắt bơm xăng phụ, nào là quên đổi khóa lựa bình xăng, nào là ... đáp gió xuôi... Thanh vội trả lời:

    - Thưa Đại Úy, người yêu của tôi sang ngang.

    Vị Huấn luyện viên nhìn Thanh bằng đôi mắt bộc lộ sự thương hại. Ông ta an ủi:

    - Tôi xin chia buồn với anh. Nhưng mà... đẹp trai như anh lo gì ế đào. Anh rán bay cho giỏi để tôi “xác định hành quân” cho anh rồi anh đi biệt phái ở nhiều tỉnh, anh sẽ mặc tình mà lựa chọn .. người yêu mới. Đừng nghĩ tới kẻ bạc tình nữa để tâm trí vào việc bay bổng cho an toàn, nếu không, anh sẽ gây ra tai nạn chết người. Tôi sẽ xin Phi Đoàn trưởng cho anh nghỉ ba ngày phép để lấy lại tinh thần. Nếu anh không tự chữa bệnh tâm lý cho chính mình thì tôi sẽ ]không huấn luyện anh nữa.

    Thanh nghe xót xa trong lòng và thấy hổ thẹn cho sự mềm yếu tình cảm của mình. Nhưng có được một người cảm thông nỗi lòng của Thanh như vị Huấn luyện viên kia thì thật là cần thiết cho Thanh trong lúc này vì Thanh muốn được an ủi, sớt chia nỗi sầu chất chứa trong tim. Thanh cảm động, thốt lời cảm ơn vị Đại Úy đã đối xử với Thanh bằng tình thương của một người anh dạy dỗ đứa em non dại. Phi Đoàn trưởng đã cho Thanh nghỉ ngơi ba ngày để giải quyết cái vướng mắc nội tại hầu đạt được sự an toàn trong nghiệp phi hành.

    Thanh cắt dứt dòng tư tưởng khi cơn mưa vừa dứt, đếm bước âm thầm về cư xá độc thân. Thế là đã qua một ngày nghỉ phép thứ nhất, Thanh đi tìm dư ảnh bên bờ biển tình yêu. Ngày thứ hai, Thanh ra Hòn Chồng ngồi tư lự bên bờ đá, nhớ miên man những kỷ niệm êm đẹp ngày xưa. Thanh nhìn tên mình và tên Thảo vẫn còn đậm nét trên tảng đá đứng sừng sững với thời gian mà nghe lòng quặn thắt. Thanh nhớ từng tiếng nói, giọng cười của Thảo trong lần ngoạn cảnh nơi đây. Thanh và Thảo đã đắm đuối trong vòng tay nhau. Gió biển thổi lộng, mái tóc huyền óng ả của Thảo bay quyện vào bờ vai Thanh, tỏa hương thơm ngây ngất. Thanh bỗng nghe xao xuyến trong lòng, thèm được ngửi hương tóc người yêu. Tới ngày phép thứ ba, Thanh nằm nhà cố trấn an lòng mình theo lời khuyên của vị Đại úy Huấn Luyện viên, chuẩn bị tư tưởng để sẵn sàng bay tập. Sau bữa cơm trưa, Thanh vào Sư Đoàn thì nhận được thư của Thảo. Thanh mừng rỡ, đi một mạch về phòng , nằm đọc thư Thảo. Thanh xúc động không ngăn được đôi dòng nước mắt khi biết được Thảo vẫn yêu Thanh nhưng vì nghịch cảnh phải đành lỗi hẹn với người yêu. Nhắc tới Nha Trang, Thảo đã viết:

    ...... “Em đang sống bên người chồng mà em không yêu thương, hình như bằng thể xác vô tri, còn tâm hồn em đã trao trọn cho anh. Đêm đêm em mơ được trở về vùng biển trời kỷ niệm có mảnh trăng thề treo trên ngọn thùy dương, có điệu nhạc trầm của sóng biển ru giấc ngủ thần tiên trong một đêm xưa, đêm mà tình yêu của anh và em đã... thăng hoa, trọn đời em nhớ mãi. Một thời gian không xa, em sẽ theo chồng về Pháp, chắc không mong gì mình sẽ được gặp lại nhau. Em cầu xin anh hãy tha thứ cho em và hãy quên em cho tâm hồn được nhẹ nhàng, thơ thới, để đi theo lý tưởng cao đẹp mà anh hằng ôm ấp
    từ lứa tuổi thiếu niên....”

    Thanh nghe niềm yêu thương Thảo dâng lên dào dạt trong lòng như những cơn sóng dậy, xua tan sự hờn trách nhỏ nhen, nông cạn của mình. Trong lá thư hồi âm, nhờ Mỹ Phụng chuyển cho Thảo, Thanh đã khuyên Thảo hãy chấp nhận thực tại để xây dựng hạnh phúc với người bạn trăm năm cho tròn bổn phận của một người vợ hiền và của một người mẹ trong tương lai. Thanh cũng không còn oán hận cha mẹ Thảo ham chỗ giàu sang, làm lỡ duyên con nữa mà Thanh lại thấy hai đấng sanh thành ấy chọn đúng người cho con mình trao thân gởi phận. Cuộc đời của một phi công trong thời chinh chiến như Thanh nào biết được sự rủi may. Nếu Thanh và Thảo nên nghĩa vợ chồng mà bất ngờ Thanh bị gãy cánh nửa chừng xuân thì tội nghiệp cho Thảo sẽ trở thành góa phụ, chít vành khăn tang, đổ lệ tiếc thương.

    Thanh quay trở về với lý tưởng bằng nghị lực để dẹp bỏ sự ủy mị của mình, quyết hiến thân cho Tổ Quốc, Không Gian, vui sống, hợp đàn cùng đồng đội thân yêu cho thỏa mộng tung mây lướt gió. Xác định lại đúng hướng đi,Thanh đã đạt được thành quả tốt ở bước đầu của nghiệp bay. Thanh được đi bay hành quân khắp vùng trời của Quân Khu II và cảm thấy cuộc đời rộng mở thênh thang như đường mây, nẻo gió. Đẹp làm sao miền duyên hải với nắng vàng, cát trắng, biển xanh, miền cao nguyên rừng núi điệp trùng. Thanh say sưa ngắm dãy non sông gấm vóc nằm dưới cánh phi cơ sau những phi vụ yểm trợ hành quân, bay về căn cứ. Có những lúc khung trời nhuộm vàng nắng hoàng hôn, Thanh bỗng thấy thương nhớ Thảo, Thanh cầu mong cho Thảo được sống yên vui, hạnh phúc bên chồng.

    Một hôm, Thanh nhận được thư của Tuấn từ Đà Nẵng gởi vào. Tuấn mời và hẹn Thanh cùng đi phép thường niên về Sài Gòn để dự đám cưới của Tuấn và Mỹ Phụng. Trong lễ cưới, Thanh nhận vai trò làm chú rể phụ và cô dâu phụ là cô em bà con bạn dì của Mỹ Phụng tên là Thu Dung. Lần đầu gặp Dung, Thanh tưởng lầm nàng là Thảo từ Pháp trở về dự đám cưới của đôi bạn Tuấn và Phụng vì Dung giống Thảo như chị em song sinh. Đó là điều Thanh hết sức ngạc nhiên và liên tưởng đến Ngọc Thảo. Trong tiệc cưới tại nhà hàng, lúc xướng ngôn viên giới thiệu hai họ và cô dâu chú rể, Thanh và Dung cũng sánh vai đi sau Tuấn và Phụng. Quan viên hai họ vỗ tay mừng tân lang và tân giai nhân. Sau khi chấm dứt tràng pháo tay, thanh nghe nhiều người bàn tán xôn xao:

    - Cô dâu phụ và chú rể phụ đẹp quá. Cặp này thật là xứng đôi vừa lứa.

    Có người nói xen vào:

    - Thôi thì rể phụ, dâu phụ cưới nhau luôn cho rồi, bỏ qua uổng lắm đó.

    Thanh liếc mắt, thấy Dung thẹn thùng, thêm ửng hồng đôi má, trông thật là dễ thương. Đi bên Dung, Thanh nghe tâm hồn xao xuyến như những lần cùng Thảo sánh bước trong những buổi hò hẹn đầu tiên. Khi phần giới thiệu đã xong, Thanh và Thảo ngồi cạnh bên nhau ở bàn dành riêng cho hai họ. Thừa lúc mọi người đang nhập tiệc, Thanh hỏi Dung:

    - Lúc tôi và Dung đi theo Tuấn và Phụng lên sân khấu cho xướng ngôn viên giới thiệu hai họ, Dung có nghe họ nói gì về cô dâu phụ và chú rể phụ không?

    Dung e thẹn trả lời:

    - Họ nói làm em mắc cỡ ghê vậy đó. Còn anh có thích... như vậy không?

    Thanh hân hoan nói:

    - Anh thích lắm chớ. Còn em... thì sao?

    Dung e ấp nhìn Thanh:

    - Em không nói đâu. Còn anh đã nói gì thì anh phải nhớ nhá!

    Bỗng Phụng đứng sau lưng Tuấn và Dung tươi cười nói:

    - Tôi bắt được tại trận rồi nha, xin chúc mừng cho hai người.

    Dung sượng sùng lay cánh tay của Phụng:

    - Con nhỏ này ghẹo người ta hoài.

    Phụng nói rỉ tai Thanh:

    - Phụng sẽ lo việc mai mối cho anh để đền ơn anh đã tác hợp cho Tuấn và em. Em thấy ... được rồi đó. Tiến tới đi anh!

    Thanh lại ưu tư nghĩ đến Thảo, tự hỏi lòng mình phải chăng Thanh yêu Dung qua hình bóng của Thảo và nghĩ rằng nếu làm như vậy thì đâu phải điều tội lỗi, miễn sao Thanh thành thật yêu Dung. Thanh nói thầm: “Lạy trời đã cho con gặp được Ngoc Thảo thứ hai”!

    KHA LĂNG ĐA


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X