Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đường về quê Bắc - Sông Gianh Đầm Đùn

Collapse
X

Đường về quê Bắc - Sông Gianh Đầm Đùn

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đường về quê Bắc - Sông Gianh Đầm Đùn

    Đường về quê Bắc - Sông Gianh Đầm Đùn

    Chiếc xe xám ngoét chở mười người tù và bốn viên sĩ quan công an sau hơn ba tiếng vật mình vật mẩy mới bò ra được khỏi "đoạn đường thương khó" Xuân Phước - La Hai - Chí Thạnh - Tuy Hòa và lăn đùng ra chết giấc giữa Quốc lộ số 1, giữa địa giới của tỉnh Bình Định. Bộ lòng bị vỡ. Con heo dầu phì phì sùi bọt mép. Chiếc xe đặc chủng chuyên trách việc chở tù trọng án /tử hình nắm một đống giữa đường quốc lộ. Ba chiếc xe áp giải rải toàn sĩ quan ngăn hẳn một bên đường không cho bất cứ xe dân thường nào tiếp cận. Súng ngắn súng dài tuốt trần. Tiếng bộ đàm quát tháo và tiếng giày chạy tất tưởi.


    Photo by Phóng viên Nam Trân, Saigon 1993

    Khoảng nửa tiếng sau thì có một chiếc xe dùng chở quân phạm trờ tới, kèm vơí một chiếc xe dân sự ngồi đầy nhóc công an sắc phục. Cửa xe đặc chủng được mở ra. Mười ngươì tù mặt đỏ như gấc chín. Tu sĩ Mai đắc Chương tuổi gần 70 đã ói ra tơí mật xanh mật vàng. May mà ông không có thức ăn gì trong bụng. Không khí. Ồ, cái sự không khí nó mới quý làm sao!

    Mươì người trong bốn chiếc suốt cùm. Mỗi người một cổ chân được xỏ vào móng ngựa tròn vừa bằng nửa cổ tay. Tay người này còng chùm vào tay người kia. Tay trái tôi là Nguyễn Ngọc Đăng. Tay phải dính vơí Trần Văn Lương (Trương văn Lân). Cố chân Đỗ Hồng Vân chưa bật máu, Trương văn Lân còn cười được. Nguyễn văn Muôn mặt đỏ bừng bừng nhìn cổ chân tóe máu. Có tiếng quát lớn.

    - Chặn tất cả hai đầu xe lại! Tháo cùm từng suốt một. Tháo được suốt nào đưa ngay sang xe mới.

    Ba ngươì đầu tiên được tháo cùm là Lê Thiện Quang (cựu sĩ quan Biệt Kích, gốc Huế, thân pháp như võ sĩ chuyên nghiệp), Tu sĩ Mai đắc Chương và và một ngươì nữa tôi không nhớ rõ là ai. Cả ba mau chóng được áp giải sang chiếc xe chở tù quân phạm. Xe có kính ngang, được khóa bên ngoài rất chắc chắn. Có tiếng một ngươì trong nhóm mười người tù cất lên.

    - Anh em nào cổ chân nhỏ mà móng cùm rộng xin đổi cho anh Nguyễn Muôn.

    Móng cùm rộng! Thật là hy hữu trong hoàn cảnh này. Ai cũng đã biết là xe sẽ ra Bắc, không Hoàng Liên Sơn thì cũng Nam Hà hoặc Thanh Hóa. Con đường ấy là con đường vạn lý đối với kiểu di lý tù cẩn mật thế này, không thể ngày một ngày hai mà đến được. Tôi nhìn xuống cổ chân từng ngươì rồi nhìn bàn tay ai cũng đang khư khư cầm chiếc móng cùm của chính mình. Một chút ngần ngại rồi tiếng Phạm anh Dũng cất lên.

    - Này Muôn! Lấy cái này chắc đỡ hơn!

    Michel Nguyễn văn Muôn cò cò vơí tay lấy chiếc cùm trên tay Dũng. Dũng cầm lại chiếc móng cùm của Muôn, không buồn ướm thử vào cố chân mình.

    Gió giật lật phật những chiếc tà áo bà ba màu xanh nhạt của mười người tù. Hình ảnh bàn tay Phạm anh Dũng ngập ngừng đưa chiếc móng cùm nặng chịch cho Nguyễn văn Muôn …chắc cả đơì tôi không thể quên được. Mái tóc của cả hai đã bạc trắng gần bằng mái tóc của tu sĩ Mai đắc Chương.

    Tôi và Đăng là hai người cuối cùng được chất vào phần đuôi của chiếc xe chở quân phạm. Đăng sát mép cánh cửa hậu. Tôi ở giữa và đầu cây suốt cùm còn lại là Trương văn Lân/ Trần văn Lương (cưu dân biểu VNCH, người Tin Lành Bắc Việt di cư 1954 sống ở Cam Ranh, án chung thân đồng vụ vơí tu sĩ Thượng Tọa Tuệ Sĩ 1985/86). Cả ba chân dính vào cùng một thanh suốt. Đăng còng một tay vào tay trái tôi, Lân còng một tay vào tay phải tôi, tay còn lại còng vào thanh sắt băng ghế. Tôi đã bị nổi mẩn ngứa nơi bẹn sau chuỗi ngày cùm biệt giam ở A20 Xuân Phước nên thật là khó chịu trong cảnh này. Không gãi thì bứt rứt chịu không được mà gãi thì tất yếu phải kéo cả tay của Đăng hoặc của Trương văn Lân vào phần kín của mình. Lân cươì bảo tôi «Đàn ông đàn ang, tù tội cùng nhau …xá gì chuyện cỏn con. Ông ngứa ở đâu bảo tôi gãi cho …». Lân nói mà quên đi rằng Lân cũng bị còng dính cả hai tay! Tiếng tu sĩ già Mai đắc Chương nhỏ nhẹ.

    - Hồn không mang được xác lại còn vẽ sự!

    Đăng, Dũng, Lân, Thiện Quang, Hồng Vân, Khâm cùng phá lên cười. Tôi nghe loáng thoáng viên trung úy gốc Thanh Hóa nói vơí viên sĩ quan bên cạnh câu đưoc câu chăng: «Đến chịu. Giờ này mà vẫn cười được … »

    Xe chuyển bánh. Bầu trơì quê hương lồng lộng làm căng phồng những con mắt của mười người tù. Hai đầu xe được phép thông đường. Rất nhiều bàn tay vẫy vẫy hướng về chúng tôi. Bỗng Đăng nói khẽ: «Họ chào mình kìa ông Thành!». Tôi chồm ngươì sau tiếng nói khẽ giật giọng của Đăng, nhìn ngoái ra phía kính sau xe. Tôi hiểu ngay lý do tại sao Đăng gọi giật giọng. Hai chiếc xe Honda hai bánh đang hút dần khỏi tầm mắt chúng tôi. Hai ngươì thiếu nữ ngồi sau vẫn ngoái hẳn người nhìn theo xe của chúng tôi và cả hai cùng đưa cao bàn tay chào. Kiểu chào của những đoàn viên Gia Đình Phật Tử! Cả bốn cùng mặc áo màu lam. Năm sáu người tù cùng chồm người nhìn ngoái lại sau khi tôi nói nhỏ: «Gia đình Phật tử!».

    Mắt tôi như nhòe nhoẹt, cố trông theo những bóng áo lam chạy khuất ngược chiều. Các em có biết không, chúng tôi cô đơn lắm...

    * * *

    Sông Gianh máu đào...

    Đoàn xe áp giải chạy tốc độ chậm vì đường Quốc Lộ từ Bình Định ra Vinh có nhiều đoạn công nhân đang sửa đường, đường vừa qua một trận bão, bóc đi nhiều mảng trên bề mặt. Thật khó mà tưởng tượng được kỹ thuật mà công nhân làm đường thi công công trình. Lạc hậu và trông vô cùng tội nghiệp đối với đa phần tù đều là người đã sống lâu năm ở nước ngoài.

    Xe qua Huế khi mưa đang lất phất rồi sau đó vượt sông Bến Hải. Tôi rơi vào cảm giác khó tả ngay khi xe qua cầu chừng 10 phút. Miệng lẩm bẩm «thật sự là vào đất địch rồi». Lê Thiện Quang tay vo vo viên bi đất, nhìn thẳng vào mắt tôi, hỏi: «Nón cối phải không?». Tôi nghiến răng, nhếch mép gật đầu. Ba người sĩ quan ngồi phía trước không nói gì. Cảm giác của tôi lúc ấy gần như mất bình tĩnh. Tôi vốn rất ghét chiếc nón cối. Hai hình ảnh biểu tượng của công an bộ đội cộng sản Việt Nam là đôi dép râu và cái nón cối. Tôi không bị thành kiến vơí đôi dép râu vì khi đói nghèo cũng phải dùng nó để mưu sinh trong các cánh rừng đồi, nhưng cái nón cối thì là thứ tôi cực kỳ dị ứng. Các tỉnh thành phía nam, tôi hầu như không gặp. Ngay trong trại tù, những ngươì sĩ quan cũng không mang nón cối. Tù miền nam thì tuyệt nhiên không ai đội nón ấy trên đầu …nhưng ngay từ khi vượt cầu sông Bến Hải, nhìn đâu cũng thấy nón cối! Đi xe đạp, chạy xe máy, đi bộ …tất tần tật là nón cối! Một màu xanh đen u ám chùm lên mặt mọi người. Cảm giác này, mất đến ba bốn năm ở trại 5 đầm đùn … tôi mới bớt đi được sự dị ứng.

    Xe qua đoạn Đồng Hới, tôi yêu cầu được ngừng xe để đi tiểu. Nhắc đến ba lần xe vẫn cứ chạy trong khi tôi đã rất khó chịu. Trong xe họ để 1 cái sô /bô nhựa có nắp, là cái bô được rửa ráy sau khi đem ra từ buồng kiên giam. Những sĩ quan an ninh nói rằng đại tiện, tiểu tiện gì gì đó…thì dùng cái bô ấy để mà làm vệ sinh, rồi đóng đậy nắp lại! Dĩ nhiên không ai có thể làm được chuyện ấy vì là hai băng ghế ngồi nhìn mặt nhau, các đầu gối người hai bên băng ghế thiếu điều muốn đụng nhau. Cùm suốt thì mỗi người bị cùm một chân vào thanh cùm dài nối vơí ngươì khác. Trong 10 người, chỉ có Đăng là ngổ ngáo bổ bã. Đăng đã cố một lần tiểu tiện nhưng cũng không được vì trần xe thấp làm Đăng phải cúi gập người giữa phần đuôi xe. Đăng chộp cái bình nước uống (loại can 5 lít thường hay đựng rượu) làm cái «bình tiểu». Xe chạy xàng qua xàng lại, Đăng cáu hắn gắt lên « Đù mạ, chạy chầm chậm chút coi! ». Tài xế rất tôn trọng anh em, nói vọng xuống vừa đủ cho mọi người nghe.

    - Em là dân sự, hợp đồng kêu em phải bám sát xe phía trước, bằng mọi giá không được để cách quãng. Mấy anh thông cảm.

    Đăng cứ đu đưa, lúc sàng bên trái lúc sàng bên phải, mặt đỏ gay, tay trái cầm cái can nhựa bi đông, tay phải ấn ấn nhét nhét « cái của nợ » của Đăng vào cho lọt cái miệng bình can nhựa! Một chân tréo ngoẹo trong cổ cùm, một chân thu hết sức để khỏi ngã chúi vào cụ tu sĩ Chương, đầu cổ thì gập xuống, guc ga gục gặc! Cảnh tượng thật không biết phải diễn tả làm sao cho tỏ chất bi hài. Qủa thực, cảnh này, phi Đăng không ai có thể làm nổi!

    Cuối cùng rồi Đăng cũng ngồi xuống, tức nhưng cố diễu, hắn cầm cái bình nhựa trống không dứ dứ cho Trần văn Lương, Lương cười lắc đầu chỉ qua ông Phạm đức Khâm! Không hẹn mà đồng lúc Quang, Đăng, Lương và tôi cùng bật lên tiếng cười. Vì nếu tinh mắt (mà thằng tù nào lại chẳng tinh mắt), trong nhà số ba và số hai …ai cũng phải biết là cái « của nợ » của ông Khâm thuộc dạng xêm-xêm tướng Dư quốc Đống! Nghĩa là qúa khổ, không cách gì mà có thể dú gí nhét được vào cái miệng bình can nhựa 5 lít như Đăng vừa làm …

    Cơn cười làm thắt ruột lại, tôi theo đà cười để mặc chim cò trong trạng thái « oanh kích tự do », có là đái dầm thì cũng bớt khó chịu đôi phần. Ngặt nỗi súng ống không tác xạ nổi. Lần thứ tư, tôi không thể giữ được bình tĩnh nữa nên văng tục: « Đù mẹ, tôi đếm 10 tiếng, xe không dừng lại là tôi lao đầu vào kính. Chết sống đéo cần nữa. Mấy ông chơi trò hèn mạt, để xem thằng nào lợi thằng nào bất lợi … ». Thực lòng mà nhận định thì ba ngươì sĩ quan V26 trại A20 là ba ngươì đàng hoàng. Đây là những ngươì đã sống vơí tù miền nam lâu, tính cách cũng ảnh hưởng dân nam rất nhiều. Họ lại báo cáo bằng bộ đàm vơí những xe áp giải. Chỉ nghe họ nói: «…Căng quá, y ta có vẻ chắc chắn sẽ làm thật ». Chừng năm sáu giây sau thì ngươì thượng úy quay xuống bảo vơí mọi ngươì là xe sẽ dừng chừng 10 phút nữa …

    Tôi bước xuống xe, cổ cùm được tháo nhưng lại móc còng vào tay ông Phạm đức Khâm. Đoạn quốc lộ này không có nhà dân, hai bên là ruộng khô ráo. Ba xe áp giải đứng hết cạnh đường súng chỉ lên trời, xe có mấy người của Bộ thì không ai bước ra khỏi xe. Tôi đứng moi móc súng ống mãi mơí ra vì quần tù không có thun, phải cởi giây mà giây thì đã bị thắt vô tổ chức, lại tay bị còng vơí tay ông Khâm nên rất khó mơí gỡ được. Gỡ được. Đứng đuỗn ra cả gần năm phút mà vẫn tịt ngòi. Bỏ mẹ, giờ làm sao đây! Đau quá chừng chừng mà không « phi» ra được, lên xe chắc …vỡ bình chết thật quá! Tôi chán nản ngồi thụp xuống. Chu choa, sao mà nó sướng cả cái thằng người. Thằng bé cứ tồ tồ phi ra. Thế là thoát được một gánh nặng. Học được một kinh nghiệm, nếu sau có bị bí đé, cứ ngồi thụp xuống kiểu «chị em thoát hiểm » là …xong tất.

    Thế là tôi lại có thể theo dõi được cảnh trí hai bên đường. Có hai chi tiết ghi nhận trên đoạn đường này. Đó là khi xe qua một dốc đèo rất quái gở. Thấy xe cứ …ngang ngang thế nào, rất khó giải thích, tôi buột miệng.

    - Đèo dốc quái gì mà cứ ngang phè phè ra thế này!

    Cả ba viên sĩ quan ngồi đằng trước cùng phì cười. Tay tài xế nói lớn.

    -Thì là đèo Ngang chớ là đèo gì nữa. Mấy anh đang đi trên đèo Ngang.

    Tôi xoay ngược hẳn đầu để nhìn ra ô kính phía sau, miệng nói vơí mọi người.

    -Ra đây là đèo Ngang của bà Huyện, thích nhỉ!

    Không người tù nào trả lời, chỉ có tiếng anh sĩ quan nào đó ngồi phiá trên lẩm bẩm.

    - Bà Huyện nào ở đây?

    Một tiếng khác cất lên, hơi gắt. Tay này thì tôi biết, ông ta người Thanh hóa.

    -Huyện Thanh Quan!

    Tôi nói vơí theo, sảng khoái.

    - Rõ là người xứ Thanh nhá...

    Tôi vốn dốt Toán nên bám vào mấy môn Văn Sử từ bé để kéo điểm thi nên thấy người biết về văn, sử thì rất khoái...... Chi tiết đặc biệt thứ hai làm tôi ngỡ ngàng và thật xúc động. Ấy là khi xe xuống phà để vượt sông Gianh.

    * * *

    Từ cha sanh mẹ đẻ, chưa bao giờ tôi bước chân ra đến Huế. Xa nước năm 23 tuổi, tất cả những điều hiểu biết về Huế, về Đồng Hới, Quảng Trị Quảng Bình, Nghệ An…chỉ là qua chuyện kể, qua sách vở. Sông Gianh cũng vậy, là một dòng sông chia cắt đẫm máu đào dân Việt của thời Nguyễn Trịnh phân tranh.Cái biết chỉ đến vậy. Xa xôi và đau xót vô hình…

    Xe dập dình cán bánh lên mép phà. Con phà láng, không lầu, giống như một phiến bè tre khổng lồ. Bốn xe áp giải vây quanh chiếc xe tù. Sĩ quan áp giải của ba xe hộ tống hầu hết bước xuống mặt nền phà, tất cả đều mang súng ngắn, vây chung quanh cỗ tù xa. Dân tình đông đảo kẻ buôn người bán cùng khách bộ hành, xe cộ tấp nập. Nhiều những chiếc áo màu nâu đập vào mắt tôi. Tôi bất giác rơi vào một thoáng thảng thốt, vì màu áo ấy là màu áo cả đời của người mẹ đã sinh anh em tôi ra, đã lao đao lận đận trọn một đời cho những đứa con khôn lớn, đi học, đi lính và rồi đi tù! Nhiều người đội khăn kiểu khăn mỏ quạ của mẹ tôi!

    Trong một khoảng khắc bất ngờ, hình ảnh mẹ tôi lớn lên thật mau, tràn ngập tâm trí. Lòng tôi cơ hồ như nhũn ra…đến khi có những tiếng tranh cãi ồn ào xảy ra sát cửa kính cỗ tù xa quân phạm chuyên dụng. Tiếng tay đấm nện vào cửa kính thình thình sát ngay sau ót tôi: «Mở cửa cho ngươì ta ». Những tiếng hét rất lớn, cơ hồ như gào! Những chiếc bánh gai màu nâu màu xanh đập đập vào cửa kính xe! Những quả ổi và những qủa chuối chới với, chơi vơi chen lấn để bám sát ô kính xe tù: «Tù miền nam chị em ơi!». «Khốn nạn!Sao không mở cửa cho người ta?!". «Người nào cũng xích tay chị em ơi…». Đội an ninh áp giải phải rất vất vả, bốn năm người mở cốp xe, lôi súng dài và loạch xoạch kéo đạn lên nòng. Tiếng quát tháo đã mang âm giọng sắt máu. Đám đông phụ nữ giãn về phía các làn xe khác, đứng nhìn chúng tôi bất lực. Có những đôi mắt đỏ hoe và những làn môi lập bập mím chặt...Khoảng trống chung quanh tù xa đã được bảo vệ bằng gần hai chục sĩ quan lăm lăm súng ngắn lẫn súng dài! Nước mắt tôi ứa ra, anh em ai cũng nín lặng. Quá bất ngờ!

    Con đường này, năm xưa (1976) các anh tôi đã đi qua và được đón chào bằng gạch đá ném lên xe. Bằng những câu chửi rủa tục tằn chỉ danh quân bán nước, đồ phản dân, bọn tay sai liếm đế giày Mỹ!... Những thăng trầm của đời lính, tôi tin rằng ấy là lúc đau đớn nhất. Nỗi đau tột cùng của trái tim một người lính. Họ bây giờ đã đa phần lưu lạc tha hương sống đời lưu vong mất xứ, thoát chết sau hàng chục năm lao tù đói khát cực khổ, sau hàng chục năm cắn răng chịu cuộc sống nhục hèn làm lớp người bại trận hằng ngày chịu lăng nhục bởi những kẻ dốt nát hơn mình …Giờ đây, chúng tôi được đón tiếp như thế này. Tình đời điên đảo chăng? Không. Họ chính là dân đấy. Một thứ dân không có ai cầm đầu vặn cổ bắt phải nói điều nghịch lòng. Một thứ dân đích thực, đã ẩn náu tiềm tàng trong từng mạch máu, từng thớ thịt của con ngươì Việt nguyên tuyền. Các anh ơi! Đừng đau đớn nữa! Chúng ta đã chiến thắng và sự chiến thắng này, sẽ ngày càng lớn lên, ngày càng dành phần quyết định cho những trận đấu sau cùng.

    Sự từ bỏ hải ngoại để trở về của tôi, sau khi cỗ tù xa vượt phà sông Gianh, coi như đã được thanh toán sòng phẳng. Tôi không còn bất cứ tâm trạng tiếc hối nào nữa về những mất mát mà tôi, con tôi, vợ tôi phải chịu đựng cho chuyến hồi quốc của mình. Cảm ơn chị.Cảm ơn em. Những tấm áo nâu đã lấn chen và cố nhét vào khung cửa kính xe tù trên phà sông Gianh năm xưa, những chiếc bánh gai bánh chưng bẹp dí. Xin được cúi đầu tri ân các chị các em. Giác quan vô hình đã cho chúng ta nhận ra nhau, những tấm áo nâu hình hài đất Mẹ và những manh áo tù màu xanh lơ bạc thếch. Chỉ có máu mủ của cùng một tổ phụ mới nhận được nhau trong những hoàn cảnh ấy.

    Con cá sống vì nước. Mất nước, không cá nào có thể sống được. Xin gởi về các chị các em, lời cảm ơn muộn màng của một ngươì tù trẻ nhất, trên cỗ tù xa vượt sông Gianh năm nào.

    Phạm Văn Thành


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X