Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Lữ Đoàn 369 TQLC Đêm Sống Còn Ở Bờ Sông Mỹ Chánh, Quảng Trị

Collapse
X

Lữ Đoàn 369 TQLC Đêm Sống Còn Ở Bờ Sông Mỹ Chánh, Quảng Trị

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Lữ Đoàn 369 TQLC Đêm Sống Còn Ở Bờ Sông Mỹ Chánh, Quảng Trị

    Lữ Đoàn 369 TQLC Đêm Sống Còn Ở Bờ Sông Mỹ Chánh, Quảng Trị
    Vương Hồng Anh


    * Lữ đoàn 369TQLC tái phối trí lực lượng giữ tuyến Mỹ Chánh:

    Như đã trình bày, ngày 1 tháng 5/1972, do tình hình tại mặt trận Quảng Trị càng xấu hơn nên vào buổi chiều cùng ngày, nên chiều ngày nói trên, lữ đoàn 369 TQLC đang hoạt động tại Mỹ Chánh, phía Nam tỉnh Quảng Trị, đã triệu tập một cuộc họp với các tiểu đoàn trưởng, các đơn vị trưởng yểm trợ, các cố vấn Hoa Kỳ của lữ đoàn, sĩ quan tham mưu để bàn kế hoạch ngăn chận CQ một khi Sư đoàn 3 BB và các đơn vị tăng phái rút quân khỏi tỉnh lỵ. Theo tài liệu của cựu đại tá Phạm Văn Chung, nguyên lữ đoàn trưởng lữ đoàn 369 TQLC, đối chiếu với tài liệu của cựu trung tá Trần Văn Hiển, nguyên trưởng phòng 3 Sư đoàn TQLC, kế hoạch và diễn tiến trận chiến của các đơn vị thuộc lữ đoàn này được ghi nhận như sau:

    - Tiểu đoàn 2 TQLC khi có lệnh thì tùy nghi trì hoãn chiến, đồng thời vận dụng sự yểm trợ hỏa lực để tiêu diệt tối đa địch quân tiến đến vùng được thiết kế sẵn. Khu vực hành động khẩn cấp của tiểu đoàn 2 từ phía Nam sông Mỹ Chánh đến cầu Ô Khe ở hướng Bắc, nhiệm vụ chính là làm chậm sức tiến của địch quân, ngăn chận không cho đối phương tấn công sườn phía trái của lữ đoàn, rồi phòng thủ bờ Nam sông Mỹ Chánh cách Quốc lộ 1 khoảng 2 km kéo dài về hướng Tây.

    - Tiểu đoàn 5 TQLC khi có lệnh cấp tốc thiết lập vị trí cụm phòng thủ theo bờ Nam sông Mỹ Chánh cách Quốc lộ 1 hai cây số về phía Đông kéo dài ra gần sát bờ biển. Vùng đồi cát trống trải ở phía Đông Nam Diên Sanh (quận lỵ quận Hải Lăng) cùng dãi cát sát bờ biển sẽ là vùng hỏa lực tập trung khi CQ tiến vào vùng này.

    - Tiểu đoàn 9 TQLC khi có lệnh thì khai triển lực lượng chống cự, đoạn chiến, lui binh có kế hoạch theo trục Quốc lộ 1 từ bờ Bắc cầu Ô Khe rút về phía Nam sông Mỹ Chánh, cố gắng dụ địch lọt vào vùng mà hỏa lực yểm trợ được để Pháo binh hỏa tập gây thiệt hại tối đa cho CQ.

    - Tiểu đoàn 1 Pháo binh TQLC di chuyển cả 3 pháo đội về phía Nam sông Mỹ Chánh thiết lập vị trí, chuẩn bị đạn dược tối đa để sẵn sàng tác xạ. Trung đội Công binh do đại úy Cao Văn Tâm-tiểu đoàn phó-trực tiếp điều động chịu trách nhiệm giật sập cầu Mỹ Chánh khi có lệnh của bộ chỉ huy lữ đoàn.

    Để yểm trợ hữu hiệu cho các đơn vị thống thuộc, bộ chỉ huy lữ đoàn 369 đã phối hợp ban cố vấn Hoa Kỳ cùng đơn vị Pháo binh thiết kế ngay các phóng đồ hỏa lực gồm các loại yểm trợ từ không quân chiến lược B 52, không quân chiến thuật, hải pháo từ hạm đội 7. Trước khi kết thúc buổi họp, đại tá Chung hướng về thiếu tá Nguyễn Kim Để và nói: Nhiệm vụ của tiểu đoàn anh khá nặng, cố gắng bắn cháy hàng chục chiến xa địch đi, tôi hứa sẽ đề nghị lên trung tướng thăng cấp trung tá cho anh... Thiếu tá Để cười trả lời: Đại Bàng cứ yên tâm.

    Ngay sau buổi họp, tất cả các đơn vị kể cả bộ chỉ huy lữ đoàn, ban cố vấn được lệnh chỉ giữ lại quân dụng nhẹ nhàng mang theo người được và thực sự hữu ích cho hoạt động tác chiến, tất cả quân dụng khác được tập trung di chuyển về Phò Trạch, quận lỵ quận Phong Điền, quận cực Bắc của tỉnh Thừa Thiên. Tại đây, bộ chỉ huy lữ đoàn đặt trạm tiếp vận cho các đơn vị và trạm trung chuyển truyền tin giữa bộ chỉ huy hành quân của lữ đoàn và bộ Tư lệnh Sư đoàn TQLC.
    Cũng trong chiều ngày 1 tháng 5/1972, các đơn vị phòng thủ tại tuyến tỉnh lỵ Quảng Trị đã triệt thoái về hướng Nam.

    Trong cuộc rút quân, các tiểu đoàn thống thuộc lữ đoàn 147 TQLC và vài đơn vị bộ chiến cố gắng giữ đội hình giữa các hỗn loạn của đoàn người di tản, cuối cùng các đơn vị này đã tiến được về gần Chi khu Hải Lăng. Với sự yểm trợ của lữ đoàn 1 Kỵ Binh, các tiểu đoàn TQLC thuộc lữ đoàn 147 và Biệt động quân thuộc liên đoàn 1, 4 và 5 đã đánh bật được các đơn vị CQ chốt chận trên Quốc lộ 1. Tối ngày 1 tháng 5/1972, các đơn vị VNCH nói trên đã chiếm giữ một số vị trí trọng điểm để đóng quân qua đêm để sáng ngày 2 tháng 5/1972, tiếp tục tiến về phía Nam sông Mỹ Chánh, nơi lữ đoàn 369 TQLC đang nỗ lực lập tuyến chận địch.

    * Đêm sống còn của lữ đoàn 369 TQLC:

    Trưa ngày 2 tháng 5/1972, Cộng quân áp lực nặng ở phía Bắc Mỹ Chánh sau khi lực lượng VNCH triệt thoái về phía Nam. Đoán biết CQ sẽ tấn công để tràn ngập tuyến Mỹ Chánh, đại tá Phạm Văn Chung, lữ đoàn trưởng, đã ra lệnh cho các đơn vị bắt đầu thi hành kế hoạch như đã định. Các đơn vị của lữ đoàn đoàn chỉ có 6 tiếng đồng hồ trong chiều cùng ngày để khai triển đội hình trước khi trời tối. Ba tiểu đoàn 2, 5 và 9 TQLC phải xoay hướng phòng ngự từ Tây sang Đông, vừa đánh, vừa di chuyển vào vị trí mới dưới trận mưa pháo và áp lực bộ binh của địch quân. Theo ghi nhận của đại tá Chung, đêm 2 rạng ngày 3 tháng 5/1972 là đêm “sống còn” của lữ đoàn 369 TQLC.

    Suốt đêm, qua sự liên lạc của cố vấn theo yêu cầu của bộ chỉ huy lữ đoàn, các phi cơ C130 Specter Gunship có gắn đại bác 105 ly và C47 “Rồng phun lửa” được gọi đến để yểm trợ hỏa lực từ trên không cho tiểu đoàn 2 và tiểu đoàn 9 TQLC. Cùng lúc đó, hải pháo từ các chiến hạm trên Hạm đội 7 Hoa Kỳ đã tác xạ liên tục tạo một hàng rào hỏa lực để làm tê liệt mọi hoạt động tấn công của CQ vào điểm thời gian nguy kịch nhất. Đêm 2 tháng 5/1972, hỏa châu sáng rực vùng hoạt động của lữ đoàn 369 TQLC giúp các chiến binh Cọp Biển quan sát được các hoạt động và di chuyển của địch quân. Để khống chế chiến trường, Cộng quân đã tập trung tối đa hỏa lực pháo binh tác xạ liên tục vào các vị trí của các tiểu đoàn 2, 5 và 9 TQLC.

    Theo ghi nhận của các cố vấn Mỹ, chưa bao giờ họ bị những trận pháo dữ dội như đêm đó, trong báo cáo của thiếu tá Bob Sheridan-cố vấn lữ đoàn gởi cho bộ Tư lệnh TQLC Hoa Kỳ cũng đã nhắc đến trận mưa pháo của CQ với nội dung như sau: Lữ đoàn chưa bao giờ bị những trận pháo nặng nề tàn phá như vậy. Chúng tôi tưởng như trái đất tan ra từng mảnh chung quanh. Xe cộ, hầm hồ, súng ống đang bị phá hủy. Chúng tôi tự hỏi không biết còn ai sống mà chiến đấu nữa không? Điều mà tất cả có thể làm được lúc bấy giờ là moi sâu thêm hầm hố cá nhân của mình...

    4 giờ sáng ngày 3 tháng 5/1972, đúng như ước đoán của vị lữ đoàn trưởng, tiểu đoàn 2 và 9 TQLC bắt đầu bị các đơn vị tiền phong của CQ tấn công. Nhận được khẩn báo, đại tá Chung ra lệnh cho tiểu đoàn 2 của trung tá Nguyễn Xuân Phúc theo kế hoạch thi hành, liên lạc hàng ngang, hàng dọc để được yểm trợ hỏa lực đúng như kế hoạch của bộ chỉ huy lữ đoàn. Cùng vào lúc đó, tiểu đoàn 9 TQLC của thiếu tá Nguyễn Kim Để cũng báo cáo là nghe được nhiều tiếng động của chiến xa CQ đang tiến lại gần.

    Khoảng 5 giờ 30 sáng 3/5/1972, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Kim Để báo cáo với Cao Bằng (danh hiệu truyền tin của đại tá Phạm Văn Chung-lữ đoàn trưởng 369 TQLC): một trung đội của tiểu đoàn 9 TQLC đã bắn cháy 2 xe tăng CQ gần vị trí phòng ngự khoảng hơn 100 thước. Với chiến công này, tinh thần binh sĩ lên cao vì chính tay các Cọp Biển đã hạ chiến xa của CQ bằng hỏa tiễn cá nhân M 72. Từ 4 giờ đến rạng sáng, trận chiến diễn ra khốc liệt trên toàn cụm tuyến Mỹ Chánh. Khoảng 6 giờ sáng, bộ chỉ huy lữ đoàn ra lệnh cho các phi cơ C 130 Specter Gunship và C 47 Rồng phun lửa rời vùng để cho các phi đội chiến thuật, pháo binh và hải pháo tự do hoạt động.

    Cũng vào rạng sáng 3/5/1972, tiểu đoàn 5 TQLC báo cáo thấy chiến xa và thiết xa lội nước PT 76 của CQ xuất hiện trên dải cát phía Đông quận lỵ quận Hải Lăng ra đến gần biển. Liền sau đó, các phi tuần không quân chiến thuật đã được điều động đến. Dưới sự điều hướng tác xạ của thiếu tá Hồ Quang Lịch, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 5 TQLC, và thiếu tá Don Price cố vấn tiểu đoàn, các phi cơ chiến thuật đã dội bom nặng vào đội hình của đoàn chiến xa CQ ở khu vực nói trên.

    Trở lại với trận chiến ở tuyến tiểu đoàn 9 TQLC, khoảng 10 giờ 30 sáng, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Kim Để báo cáo có hơn 20 chiến xa CQ bị các tổ chống chiến xa trang bị M 72 và không quân chiến thuật bắn cháy, ngay trước tuyến bố trí của các đại đội thuộc tiểu đoàn này. Trận chiến lại tiếp tục, các đại đội của tiểu đoàn 9 và tiểu đoàn 2 luôn luôn bị các đơn vị bộ binh CQ bám sát nên muốn đoạn chiến lui quân theo kế hoạch đã dự tính mà vẫn chưa thực hiện được. Cuối cùng, bộ chỉ huy lữ đoàn áp dụng chiến thuật tạo hàng rào hỏa lực sát phòng tuyến của các tiểu đoàn, theo đó, mọi hỏa lực yểm trợ thay nhau tác xạ liên tục để cản địch, tạo khoảng thời gian cần thiết cho tiểu đoàn 2 và tiểu đoàn 9 TQLC đoạn chiến, lui quân về phía Nam sông Mỹ Chánh. 3 giờ chiều, hai tiểu đoàn TQLC lui binh theo kế hoạch, đến 5 giờ chiều thì tất cả các đơn vị của lữ đoàn đã về được phía Nam sông Mỹ Chánh. Ngay sau đó, đại tá Chung ra lệnh cho đại úy Tâm, tiểu đoàn phó Công binh TQLC, điều động trung đội Công binh phá sập cầu Mỹ Chánh. Lữ đoàn trưởng 369 TQLC nói với tiểu đoàn phó Công binh:

    - Nếu cầu không sập mà để VC sử dụng thì cậu đi luôn đừng về gặp tôi nữa.

    Để cho chắc ăn, đại úy Tâm đã vừa cho châm xăng vừa cho đặt chất nổ, nhiều chân cột của cầu gỗ Mỹ Chánh bị cháy gần tới sát mặt nước... Từ đó, ranh giới để cho Không quân Việt-Mỹ oanh kích tự do được ấn định lại từ 1 cây số Bắc sông Mỹ Chánh trở ra.

    Vương Hồng Anh


    Nguồn:vietbao.com/a299/lu-doan-369-tqlc-dem-song-con-o-bo-song-my-chanh-quang-tri


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X