Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tin buồn Th/u Nguyễn Công Bé

Collapse
X

Tin buồn Th/u Nguyễn Công Bé

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tin buồn Th/u Nguyễn Công Bé

    Tin Buôn
    CỐ CƠ-KHÍ PHI-HÀNH VẬN-TẢI
    (CƠ-PHI, MEVO)

    THIẾU-UÝ NGUYỄN-CÔNG-BÉ

    Đã qua đời: ngày 9-12-2016.
    Tại Pháp Quốc.




    Hình ảnh: Cố Thiếu úy Nguyễn Công Bé, người đứng số 2 từ bên phải, có bộ râu bạc.

    MỘT ĐỜI “CƠ-PHI” KHÔNG-QUÂN
    MEVO

    TIỂU SỬ CỐ THIẾU-ÚY
    NGUYỄN-CÔNG-BÉ.

    Cố Thiếu úy Nguyễn Công Bé, một nhân viên Cơ-khí Phi-hành Vận-tải C-47 kỳ cựu của Không Lực VNCH, Ông đã phục vụ cho phi đoàn THẦN TIỄN 314, VIP, thuộc Không Đoàn 33 Chiến Thuật, Sư Đoàn 5 Không Quân, đồn trú tại căn cứ Tân Sơn Nhất. Phi đoàn Thần Tiễn 314 quy tụ những thành phần nhân viên phi hành “gạo cội” của Không lực VNCH, nhằm phục vụ và thi hành các phi vụ an toàn cho Phủ Tổng Thống và các Quan chức Cao cấp của Quân Đội VNCH.

    Cố Cơ-phi (Mevo) Vận tải kỳ cựu Nguyễn Công Bé sinh năm 1933 (?). Đã có trên 20 năm công vụ. Ông đã gia nhập Không Lực VNCH vào thời Pháp, cùng đời với các vị Hoa tiêu kỳ cựu của Không quân Miền nam, những người đã giữ những chức vụ tham mưu của Không lực VNCH.

    Chúng ta được biết, trong ngành HSQ Phi hành, các cơ khí viên phi hành vận tải hoặc trực thăng. Cấp bậc cao nhất không vượt quá Chuẩn uý. Nếu muốn thăng tiến trong binh nghiệp, thăng cấp Thiếu úy trở lên, nhân viên cơ-phi đó phải đổi ngành, không còn ở trong ngành phi hành của Không quân nữa. Với hơn 20 vị chuẩn úy cơ-phi kỳ cựu như ông Nguyễn Công Bé, họ đã gia nhập Không quân cùng thời gian với nhiều Hoa tiêu mang cấp bậc, cấp tá và cấp tướng. Những người Cơ-phi kỳ cựu này đã đeo lon chuẩn uý rất nhiều năm, thậm chí có người đã mang cấp bậc chuẩn úy cả chục năm.

    Họ là những bậc thầy Cơ-phi Vận tải lão luyện, 20 năm quân ngũ, trên 10,000 giờ bay, họ đã đối diện đủ mọi loại trục trặc khẩn cấp của phi cơ trên không gian. Nghề nghiệp của họ rất giỏi như các huấn luyện viên Cơ-phi Vận tải tiếng tăm: Chuẩn úy Diệp Bình cùng thời với Trung Tướng Trần Văn Minh, Tư Lệnh Không lực VNCH, chuẩn úy Bùi Quãng, chuẩn úy Uyễn, là những bậc thầy đã dạy các khóa sinh Cơ-phi Vận tải C-47, thuộc Không đoàn 33 Chiến thuật. Bên Không đoàn 53 Chiến thuật, có các thầy Cơ-phi Vận tải nổi tiếng C119 như: Chuẩn úy Lộc, Chuẩn úy Có, Chuẩn úy Thái là huấn luyện viên Áp tải Phi hành, đã dạy môn cân bằng phi cơ cho các khóa sinh cơ-phi... trong 12 phi đoàn Vận tải cơ của Không lực VNCH với trên 20 ông chuẩn úy Cơ-Phi Vận-Tải thâm niên, đều mang cấp bậc chuẩn úy đụng “la-phong” trong nhiều năm.

    Quy luật phi hành “giới hạn cấp bậc HSQ phi hành” này là một sự bất công và thiệt thòi cho ngành Cơ-phi. Có thể theo quan niệm của hệ thống quân giai. Không lực VNCH không cho phép các nhân viên cơ-khí phi-hành mang cấp bậc cao hơn cấp bậc của các vị trưởng phi cơ, có thể sẽ gây ra sự khó khăn khi phi công đang điều hành phi cơ trên không trung? Tất cả nhân viên phi hành điều phải làm theo lệnh của trưởng phi cơ. Dù cho ông trưởng phi cơ đó là ông Thiếu úy mới vừa lên chức trưởng phi cơ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Một ông cơ phi thâm niên, dầy kinh nghiệm trên 10,000 giờ bay, đã từng đối diện đủ mọi mặt và biết rõ những sai lầm nguy hiểm của những người phi công trưởng phi cơ còn trẻ, nhưng họ đều phải phục tùng bởi Trưởng phi cơ.

    Sự kiện này cũng đã gặp nhiều sự khó khăn, tranh cãi trong phi hành đoàn, khi phi cơ của họ gặp phải những trường hợp khẩn cấp khó xử trên không gian. Ông cơ phi dầy kinh nghiệm, biết chắc động cơ sẽ hư hỏng nặng nề hơn, gây nguy hiểm hơn, nếu cứ để cho máy hư hỏng đó vẫn tiếp tục hoạt động, để bảo đảm an ninh chung, ông ta muốn xuôi cờ, tắt một máy bị hư hỏng với hai mục đích: tiết kiệm và bảo vệ cho cái máy hư không bị nặng nề hơn, nhân viên kỹ thuật dưới đất chỉ cần điều chỉnh và sửa chữa trong một thời gian ngắn, vài giờ, phi cơ sẽ hoạt động tốt trở lại, thay vì, phải thay thế toàn bộ cái máy mới, mất cả tháng trời. Thứ hai, tắt máy sớm sẽ tránh khỏi bị trường hợp động cơ hư hỏng nặng nề, tồi tệ hơn, sức gió có thể tác động lên cánh quạt, tạo ra sự cuồng quay, đứt cốt chong chóng của động cơ, trong nghề Không quân phi hành đã gọi là ấn nút “xuôi cờ”, lọai công tắc khi tắt máy tự động xuôi cánh quạt theo chiều gió, cho chong chóng không bị tác động bởi sức gió. Trong khi đó, những ông trưởng phi cơ mới, vừa nắm phi cơ, chưa bay một động cơ bao giờ, hồi hộp, khốp, bị ám ảnh, lo ngại, sẽ hư hỏng động cơ thứ hai, không biết phải tính toán ra sao, ông không muốn tắt và bay một máy với một động cơ còn lại. Với những kinh nghiệm của mấy ông thầy Cơ-phi lão luyện, đã bay an toàn qua hàng trăm lần bay thử một máy, hay nhiều lần bay khẩn cấp với một động cơ. Việc bay một động cơ hay hai động cơ không có gì khác biệt, tất cả các ông trưởng phi cơ đều phải chuẩn bị tư tưởng, phải học qua, thử nghiệm và thực hành phương pháp bay khẩn cấp với một động cơ, đụng trận “nguy hiểm” nhiều lần sẽ quen dần và trở nên dạn dĩ.

    Có lần, Phi hành đoàn Vận tải cơ C119, xảy ra cho bạn cùng khóa của chúng tôi, cả hai ông: trưởng phi cơ và ông cơ phi đều trẻ và mới, một động cơ hư hỏng nặng: máy bị khua, tạo ra tiếng hú, piston thoái mạnh, động cơ run, phi cơ lắc lư. Không ai dám quyết định “xuôi cờ” tắt một động cơ hư hỏng, họ cố rán và bay “lết” hai máy về đáp ở Tân Sơn Nhất, piston thoái mạnh và đã lòi ra ngoài vỏ máy. Phi hành đoàn bị khiển trách, phi cơ bị ground mấy tháng trời chờ thay thế toàn bộ cái động cơ mới. Nếu trưởng phi cơ tự tin, có khả năng, hay cơ- phi hiểu biết, nhiều kinh nghiệm, khuyên nhủ trưởng phi cơ “xuôi cờ”, tắt máy sớm, nhân viên bảo trì động cơ chỉ sửa chữa vài giờ hay vài ngày là xong, phi cơ hữu dụng bay được ngay. Đàng này, phi cơ bị ground mấy tháng trời chờ thay máy mới. Ban kỹ thuật phải bỏ ra bao nhiêu công sức hoàn thành việc thay thế động cơ mới, rồi phải bay thử máy, trước khi cho bay phi vụ. Còn tốn kém ngân quỹ quốc gia.

    Có lần, chúng tôi đi thi hành phi vụ, kèm huấn luyện phi hành cho khóa sinh cơ-phi chúng tôi của thầy, chuẩn úy Có, huấn luyện viên Cơ phi C119. Chẳng may, động cơ hư hỏng, có chiều hướng hư hại nặng nề hơn. Chuẩn úy Có báo hiệu với Trưởng phi cơ, ông sẽ bấm nút xuôi cờ tắt một máy. Chúng tôi nghe thông báo phi cơ sẽ bay một máy là xanh cả mặt, hồi hộp, chờ đợi, suy nghĩ vẩn vơ, nhỡ “máy còn lại chẳng may hư luôn thì làm sao đây! Trời!” một khối sắt C119 nặng khủng khiếp, không có sức kéo, rơi xuống đất sẽ tan xác! Nhìn nét mặt ông thầy Có vẫn tĩnh queo, tự tin. Ông vỗ nhẹ tay lên ngực, ra hiệu cho trưởng phi cơ chuẩn bị: “Tôi xuôi cờ! tắt một máy nhé!”. Nói xong ông bấm nút “xuôi cờ”, chúng tôi lo sợ, nhìn chong chóng đứng một chỗ, động cơ đã tắt trên trời, còn một máy, phi cơ bay chậm lại, là đà, bay cà lĩa ca lĩa. Sợ run cả người mỗi khi cánh phi cơ bị chạm vào làn mây mỏng, gió giật nhẹ, bồng bềnh, đứng tim. Thầy Có thản nhiên, không tỏ vẻ sợ hãi, không quan tâm, trưởng phi cơ bay thế nào tùy vào khả năng, trách nhiệm của ông ta. Một điều ông tin tưởng trong tâm trí, qua bản năng và kinh nghiệm bản thân của ông: “bất cứ một người không quân phi hành nào cũng đều mang chung một bản tính: bản năng tự tồn, họ phải cố gắng bằng mọi giá để được sống, phải bay an toàn, bảo đảm mạng sống chính mình. Về đáp bình an, vừa mừng vừa suy nghĩ mãi về ông thầy “đầy kinh nghiệm” của mình. Tự nhủ: Mười năm sau tôi cũng sẽ giống như thầy vậy!

    Đã là một nhân viên phi hành, không nhiều thì ít phải đối diện với những trường hợp khẩn cấp nguy khốn trên không gian, họ có tồn tại được hay không phần lớn do khả năng và quyết định sáng suốt của phi công trưởng phi cơ, với những sự đóng góp ý kiến chính xác, và tài nghệ sửa chữa, chuyển biến tình trạng kỹ thuật phi cơ tốt đẹp hơn của các nhân viên phi hành, phần lớn là nhờ khả năng hiểu biết kỹ thuật cao tay nghề của người cơ-phi. Đối diện khẩn cấp trên không càng nhiều, nhân viên phi hành càng có nhiều khả năng, kinh nghiệm, dày dặn và dạn dĩ hơn.

    HỦY DIỆT SỰ SỢ HÃI TRÊN KHÔNG GIAN.
    (sẽ viết thêm khi thời gian cho phép)

    LÂU NĂM LÊN LÃO LÀNG
    (sẽ viết thêm)

    PHI VỤ “SỰ TỰ TỒN” KỲ DIỆU
    Trong lịch sử Không quân VNCH cũng không thiếu những trường hợp hy hữu. Tai nạn “tốt” xảy ra cho Phi đoàn Thanh Long 415, vận tải cơ C-47, năm 1971, khi phi cơ đang bay thử máy, gồm có 3 nhân viên phi hành, tai nạn bị tắt cả hai động cơ, đang bay ở cao độ 6,500 bộ trên không gian. Phi cơ không còn sức kéo máy bay đi tới, chỉ còn sức rơi, từ 6,500 bộ phi cơ đã rơi xuống tới mặt đất phải mất hơn 4 phút. Hai động cơ đã tắt, mất hết điện, hệ thống thủy điều không hoạt động được. Cơ phi lão luyện Thượng sĩ Quang (biệt danh Quang lai). Vì “bản năng tự tồn” ông đã hì hụt bơm tay trối chết, tạo áp lực đẩy cho giàn bánh đáp hạ xuống và khóa chặt, phải hoàn tất ra bánh đáp trước khi phi cơ chạm mặt phi đạo Tân Sơn Nhất. Người phi công phụ rất tỉnh táo, vừa du học ở Hoa kỳ mới về nước, Thiếu úy Nguyễn Lý Th... (sau trở thành trưởng phi cơ C-7A Caribou bay rất giỏi, hiện ở bang Origon) đã bình tĩnh tiếp tay trưởng phi cơ lèo lái “phi cơ không động cơ”, họ đã cố gắng giành giựt mạng sống, chống chọi với tử thần, lạng “khối sắt” trên không và giữ cho phi cơ rơi thăng bằng trong không gian, giữ thế nào cho “khối sắt phi cơ” nặng nề không bị cấm mũi lao xuống, không bị lật ngửa trên không trung. Một sự kỳ diệu, chưa từng có trong lịch sử KL VNCH. Phi cơ không có động cơ hoạt động, đã đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất an toàn, không mất nhân mạng và cũng không hư hại phi cơ. Một chuyến bay khẩn cấp tuyệt diệu trong lịch sử của Không Lực VNCH. Tai nạn với “kết cuộc vui”. Trưởng phi cơ là một viên sĩ quan cấp tá, IP, nhiều giờ bay, nhưng rất bất cẩn, đã để cho hai động cơ cùng tắt máy trong một lúc trên không trung. Vì danh dự, danh tiếng và uy tín Không quân, những chi tiết này bị giới hạn và đã không được phổ biến nhiều vào thời đó.

    CHUYỂN NGÀNH
    Rất nhiều vị Cơ-phi Vận tải hoặc Trực-thăng đã chuyển ngành để tiến thân trên bước đường binh nghiệp. Điển hình, là Chuẩn úy Hai Cầu, một nhân viên cơ-phi vận tải C-47 thâm niên, cùng thời với Thiếu úy Bé đã từ bỏ ngành Cơ-phi, sang làm Sĩ quan liên lạc của Bộ Tư lệnh Quân đoàn II, và ông đã được thăng cấp đại úy. 10% nhân viên Cơ-phi khóa 5/69 với quân số tuyển mộ 400 người, trong một thời gian ngắn họ phục vụ cho ngành Cơ-khí Phi-hành, Họ chọn lựa con đường tiến thân binh nghiệp, họ đã quyết chí đi học lại và thi lấy bằng Tú Tài I, họ đã thay đổi ngành sang học hoa tiêu hoặc theo học các khóa Sĩ quan Thủ Đức. Phục vụ cho Quân chủng Lục quân VNCH. Một số nhỏ kiên nhẫn học hành và đã lên đại học, Quân đội chỉ là phần phụ.

    Cũng đã có rất nhiều trường hợp, các vị Cơ phi Vận tải thâm niên, họ được thuyên chuyển sang phục vụ cho hãng Hàng Không Air Vietnam, cùng ngành, với số lương Cơ-phi Vận tải dân sự, họ đã nhận gấp ba lần tiền lương so với lương bổng của QLVNCH. Hoặc các nhân viên phi hành đã giải ngũ vì thương tật đã xin làm việc với hãng Air Vietnam hay Air America với số lương hậu hĩnh, gấp ba lần.

    Cố Thiếu úy Nguyễn Công Bé đã phục vụ cho phi đoàn Thần Tiễn 314, VIP, phi đoàn này chỉ phục vụ cho phủ Thổng Thống, Bộ Tổng Tham Mưu và Nhân viên cao cấp của QĐVNCH. Ông đã bay nhiều chuyến bay chuyên chở Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu. Nhiều lần phi cơ bị trục trặc trên không, ông đã sửa chữa, giúp phi cơ bay và đáp an toàn. Ông là nhân viên Cơ-phi dầy kinh nghiệm mang cấp bậc chuẩn úy cả chục năm trời. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã mến mộ, ông không theo “quy luật Không quân” Tổng thống đã thăng cấp cho chuẩn úy Bé lên lon Thiếu úy. Ông là một nhân viên Cơ-khí Phi-hành Vận tải đầu tiên và duy nhất mang lon Thiếu úy Cơ-phi của KL/VNCH. Là người vẫn giữ vai trò phi hành trong ngành vận tải cơ với cấp bậc “Thiếu úy Cơ-phi”. Không chỉ Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu mến mộ tài nghệ, các trưởng phi cơ cũng nể trọng, Những nhân viên phi hành lão luyện, kéo léo, không chỉ giúp ích phi hành đoàn, bảo đảm mạng sống nhân viên phi hành và hành khách, Trưởng phi cơ rất an tâm khi đi bay với những người cơ phi gỉoi, cũng như phi hành đoàn an tâm khi bay với một ông trưởng phi cơ dầy kinh nghiệm, những đóng góp của các đoàn viên còn âm thầm bảo vệ uy tín, tiếng tăm của những vị trưởng phi cơ, những người được hưởng danh tiếng “phi công bay giỏi và an toàn” trong các chuyến bay khẩn cấp đầy nguy kịch, âm thầm đã có bàn tay đóng góp hữu hiệu và to lớn của các nhân viên cơ khí phi hành kinh nghiệm. Có thiệt hại gì đâu khi các ông Cơ-phi kinh nghiệm làm việc và đóng góp ý kiến hữu ích với các ông Trưởng phi cơ trẻ! Cũng có rất nhiều trường hợp, ông phi công phụ mang lon Trung úy, thậm chí Đại úy hay cao hơn ông trưởng phi cơ, như nhiều vị sĩ quan Điều hành viên, họ mang lon Thiếu tá, Trung tá, ông trưởng phi cơ còn mang lon Thiếu úy hay Trung úy, vẫn là trưởng phi cơ, không thiệt hại gì cho các vai trò của ông trưởng phi cơ!

    Sau ngày 30-4-1975, cố Thiếu úy Nguyễn Công Bé đã định cư ở Pháp, Có lẽ vì lý do ông đã có học Pháp ngữ và đã học ngành “Mevo” Không quân của Pháp. Ông đã chọn lựa, định cư và ông đã qua đời tại quốc gia tạm dung Pháp quốc này, vào ngày 9-12-2016. Thọ 83 tuổi.

    Có lẽ Không quân VNCH cám ơn ông đã một đời phục vụ cho Không lực VNCH, không biết có bao nhiêu hành khách đã bay an toàn với các phi hành đoàn, có sự đóng góp tài sức của ông.

    Niên trưởng Nguyễn Công Bé chính là nhân vật đặc biệt chúng tôi đã ái mộ từ hồi còn phục vụ cho các phi đoàn Xích Long 413, Thanh long 415 và Phượng Long 431, cùng trực thuộc không đoàn 33 Chiến thuật với ông ở Sư đoàn 5 Không Quân, Tân Sơn Nhứt. Chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm ông bấy lâu, hầu có cơ hội tâm sự và viết đôi dòng tiểu sử về ông, đàn anh khả kính, cả đời đã phục vụ cho Không lực Hùng mạnh của VNCH. Hầu ghi lại những tâm tình, vui buồn “đời bay bổng” của nhân viên phi hành kỳ cựu này, tìm hiểu những bí quyết gì để ông được tồn tại trong suốt quảng đời 20 năm và trên mười ngàn giờ bay trên không trung, chắc chắn đã có rất nhiều những câu chuyện bất trắc, khẩn cấp đầy nguy kịch trên không gian, ông đã trải qua, hầu chia sẻ kinh nghiệm với người khác. Rất tiếc ước vọng này đã muộn màng. Người KHÔNG QUÂN KỲ CỰU đó đã vĩnh viễn ra đi rồi!

    Kính thông báo cùng quý niên trưởng Không quân, quý chiến hữu Cơ-phi của Không lực VNCH, chia sẽ tin buồn này của niên trưởng Cơ-phi, Thiếu úy Nguyễn Công Bé, Chúng tôi là những cơ phi vận tải đàn em, đã học hỏi được những kinh nghiệm quý báu trên không của các bậc thầy, để tồn tại trong nghề nghiệp. Chúng tôi xin chân thành chia buồn về sự mất mát người thân của gia đình niên trưởng. Cầu nguyên hương hồn niên trưởng KQ Nguyễn Công Bé sớm tiêu diêu miền cực lạc.

    Và xin ông cho phép chúng tôi được nhắc nhở “lần cuối cùng” những thành tích và công trạng của ông trong 20 năm ông đã đóng góp cho Không lực VNCH.

    Cựu cơ-phi vận-tải C119, C-47 và C-7A Caribou.
    Chân thành kính chuyển tin buồn của cụ Nguyễn Công Bé cùng toàn thế quý chiến hữu KQVNCH và quý thân hữu của QLVNCH.


    Ngày 15 tháng12, năm 2016.
    Thành Giang.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X