Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Sau năm 1975 - Những Chặng Đường Đã Đi Qua

Collapse
X

Sau năm 1975 - Những Chặng Đường Đã Đi Qua

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Sau năm 1975 - Những Chặng Đường Đã Đi Qua

    Sau năm 1975 - Những Chặng Đường Đã Đi Qua

    Ngày 16 tháng 4 năm 1975, phòng tuyến Phan Rang thất thủ. Đơn vị tôi là Đại Đội 4, Tiểu Đoàn 248 ĐP lúc đó đang nằm tiền đồn tại cầu Đá Chẹt, ranh giới giữa hai tỉnh Ninh Bình và Bình Thuận, sau đó di tản chiến thuật được Duyên Đoàn 27 và Dương Vận Hạm HQ503 vớt tại vịnh Cà Ná trong đêm và chở vào Trung Tâm Huấn Luyện Quốc Gia Vạn Kiếp Phước Tuy.

    Phan Rang 16-04-1975

    Ngày 20 tháng 4 năm 1975, các tiểu đoàn Địa Phương từ Phan Thiết di tản về Vũng Tàu và thành lập Trung Đoàn Bình Thuận. Đơn vị tôi và Đại Đội 948 ĐP của Đại Úy Mai Xuân Cúc, lúc đó đang tăng phái cho TQLC giữ cầu Cỏ May trên QL15, được lệnh về Vũng Tàu cùng với Trung Đoàn Bình Thuận bảo vệ thành phố và các quận lân cận vì Sư Đoàn 18 BB đã rút về bảo vệ Biên Hòa và căn cứ Long Bình.


    Vũng Tàu 09-04-1975

    Trưa 30 tháng 4 năm 1975 QLVNCH tan rã theo lệnh đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh. Hầu hết anh em Bình Thuận chạy về Sài Gòn hay Phan Thiết. Số còn lại gồm có tôi Trung Úy Nguyễn Tấn Hợi (ĐĐT ĐĐ4/TĐ 248 ĐP), Đại Úy Mai Xuân Cúc (ĐĐT/948 ĐP), Đại Úy Nguyễn Văn Hạnh (TĐ Phó TĐ249/ĐP), Đại Úy Huỳnh Văn Hoàng (TĐT Tiểu Đoàn 202 ĐP), Đại Úy Trần Đăng Thiệt (TĐP /TĐ202 ĐP), Đại Úy Nguyễn Đình Thụy (Thanh Tra Tiểu Khu Bình Thuận)… bị VC tập trung cùng với một số sĩ quan các đơn vị khác tại ngã sáu bến xe Vũng Tàu. Sau đó vào buổi chiều cùng ngày, chúng dùng xe Molotova chở chúng tôi về Long Khánh qua Liên Tỉnh Lộ 2 (Vũng Tàu, Long Điền, Đức Thạnh, Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Long Giao, Tân Phong, Xuân Lộc).

    Trong trại tập trung tù binh của Quân Khu 7, hậu cứ của Trung Đoàn 43/SĐ18BB, ngoài một số ít sĩ quan của Tiểu Khu Bình Thuận, hầu hết đều thuộc Sư Đoàn 5 BB trong đó có: Đại Tá Trần Văn Thoàng (tư lệnh phó SĐ5BB), Đại Tá Từ Vấn (tham mưu trưởng SĐ5BB), Đại Tá Nguyễn Bá Mạnh Hùng (trung đoàn trưởng TrĐ8/SĐ5BB), Đại Úy Viên (chánh văn phòng của Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ), Đại Úy Bùi Đình Thi (đại đội trưởng ĐĐ Trinh Sát của TrĐ7/SĐ5BB – kẻ phản bội làm tay sai cho VC sau này đã bị Mỹ trục xuất)…

    Khúc quanh cuộc đời
    Xe chạy chầm chậm lại rồi ngừng hẳn, ngồi trong thùng xe bịt bùng nghe tiếng quát tháo, tiếng chân chạy thình thịch, cộng thêm tiếng kêu lẻng kẻng như là sợi dây xích sắt đang kéo, mọi người ngồi trong xe im lặng gần như nín thở. Tất cả đều mang chung một tâm trạng lo âu, hiện rõ trên nét mặt. Đang suy nghĩ miên man, bổng nghe tiếng quát tháo dữ dằn giọng Bắc kỳ rặt: “xuống xe khẩn trương.”

    Theo lệnh trên, từng toán một sau khi xuống xe được lùa vào những căn nhà tiền chế. Trước đây tôi không hề để ý lời ca của một bài hát: ”từng bước từng bước thầm, hoa vòng rừng…,” giờ đây không phải là hoa mà là những còng sắt được cài trên tay hay chân, lúc đó nhớ lại mới thật thấm thía.

    1. Trại tù Quân Khu 7 - Long Khánh
    Tôi không biết trong tỉnh Long Khánh có bao nhiêu trại tù binh nhưng nơi chúng tôi đến là hậu cứ của Trung Đoàn 43/Sư Đoàn 18 bộ binh. Đó là buổi chiều ngày 30 tháng 4, 1975. Trại có độ 10 căn nhà tiền chế. Sau khi xuống xe, nhiều tên cán binh Cộng Sản Bắc lẫn Nam, chĩa súng lùa anh em vào căn nhà đầu tiên chứa chừng 50 người, bắt ngồi thành hai hàng dọc, lúc đó chúng tôi ai nấy chỉ có mỗi một bộ đồ đang mặc trên mình. Rồi cánh cửa đóng sầm, để lại trong căn nhà một không khí âm u tĩnh mịch, cộng thêm những nổi lòng nặng trĩu đau thương khi nghĩ tới thân phận của những người lính VNCH ngã ngựa.

    Chúng tôi giờ như cá đã vào rọ. Lúc đó trời sắp nhá nhem tối nhưng không khí trong căn nhà kín mái tôle vẫn còn nóng bức. Lúc ấy thì cánh cửa mở, có một tên cán binh cầm súng AK chỉa thẳng vào phòng và một tên khác cầm một chiếc máy radio đặt ngay giữa cửa. Máy phát lại tiếng nói của tổng thống Dương Văn Minh, đọc lệnh bắt QLVNCH buông súng đầu hàng vào lúc trưa 30 tháng 4, 1975. Sự sụp đổ của một chế độ đi vào mênh mông.

    Đói và khát hình như biến mất, đầu óc trống rỗng, suy nghĩ mông lung để rồi thiếp đi lúc nào không biết. Trong cơn mê hình như có bóng dáng ai đó, mờ mờ ảo ảo trong gió lộng mây mù trên một ngọn đồi hoang vắng, cứ tà tà theo ngọn cỏ lùa đi. Tôi vói theo chới với và cứ thế nương theo sườn đồi mà chạy theo, đến khi gặp một hàng rào kẽm gai chắn ngang, thì bóng kia đã ở bên kia hàng rào và quay lại nhìn tôi: “Ồ, Thiếu Úy Sanh,” và đây là ấp Phú Điền quận Tuy Phong mà một năm trước đã từng xảy ra một cuộc đụng độ lớn với VC khi chúng chiếm ấp. Lúc đó đại đội tôi có nhiệm vụ giải tỏa ấp, tôi cho lệnh tấn công vào ban đêm để tránh sự phát giác của địch. Trung Đội 1 của Thiếu Úy Sanh vào trước chiếm mục tiêu làm đầu cầu để đại đội vô sau và Sanh đã anh dũng hy sinh trong đêm đó. Tôi nhào tới ôm vội hình ảnh đó nhưng chỉ là giấc mơ…

    Trong lúc đang mơ màng thì tiếng kẻng đánh liên hồi ba lần, rồi tiếng súng nổ xen lẫn với giọng quát tháo. Mọi người trong phòng nhỏm dậy không biết chuyện gì đã xảy ra trong từng giây phút. Không biết anh em lúc đó đang ở trạng thái nào, thức ngủ hay mê sảng như tôi nhưng nhìn ai cũng im lặng như tờ, không ai nói với ai một lời nào.

    Sáng hôm sau, từng toán 5 người được lệnh bước ra ngoài. Đi ra thì cứ đi ra, cùng lắm cũng là một kiếp người. Hóa ra thì chúng cho đi vệ sinh sát hàng rào kẽm gai. Riêng tôi thì không biết ngoài đó có nhà cầu hay không, vì tôi ra ngoài chỉ để hít thở không khí cho bớt ngột ngạt. Có gì trong bụng mà đi cầu? vì hai ngày qua chẳng có gì để ăn. Sau đó chúng lùa bọn tôi tới một sân rộng nằm giữa những căn nhà tiền chế, phân chia toán, lập danh sách họ tên cấp bậc và chức vụ, đơn vị…

    Tôi được chỉ định vào một căn nhà tiền chế nhưng đã ngăn vách nên phòng chỉ còn lại 1/3 diện tích. Mỗi người được phát một bộ áo quần tù màu nâu đậm có sọc trắng ngà, giống như những tù nhân Mỹ trước đây bị nhốt tại hỏa lò Hà Nội đã mặc. Tất cả nằm dưới sàn xi măng lạnh không màn chiếu và thứ gì để đắp. Nhìn cái bao đựng quần áo có ghi hàng chữ bằng mực đen to nét: “Nhân dân Trung Quốc tặng tù binh VN.” Tôi đã đọc rất rõ nên nhớ đến hôm nay vẫn không quên được hàng chữ trên.

    Sau này được đọc những tài liệu đã giải mật, mới biết chúng tôi trở thành tù binh từ lúc còn đang cầm súng chiến đấu với giặc Cộng vô thần. Nằm sát vách ngăn để ý tới động tĩnh bên kia, tôi lấy ngón tay gõ nhẹ vào vách tole để xem có ai trả lời lại nhưng hoàn toàn im lặng. Đến gần tối thì tôi nghe tiếng động lao xao bên kia vách tole, tính gõ nhẹ để làm dấu hỏi nhưng lại thôi chờ xem. Sửa soạn tư thế nằm, đầu gối lên thùng đạn đại liên để mọi người đi tiểu tiện ban đêm… đời sao mà thê thảm lạ.

    Đột nhiên bên kia có tiếng gõ nhẹ, tôi gõ lại và hỏi khẽ: “Xin lỗi ai bên đó?.” Có tiếng đáp rất nhỏ: “Đại Tá Từ Vấn đây.” Tôi giật mình khi biết mình đang nằm sát một vị đại tá, chỉ cách một tấm tole mỏng. Thì ra tại đây có ba vị đại tá Thoàng, Vấn, Hùng… bị VC tập trung từ chiều 30 tháng 4, 1975. Riêng Đại Tá Vấn rất có phong độ.

    Cơn đói giờ mới thật sự hành hạ mọi người, vì từ chiều qua tới nay ai cũng chỉ có chén khoai mì lát khô nữa chín nữa sống, dù rằng đời lính chúng tôi đói khát là chuyện thường xảy ra, nhất là những lúc đụng trận. Ghẻ lở cũng bắt đầu tấn công những thân hình đã từng dạn dày gió sương, chúng không chừa một ai, chỗ nào trừ hai con mắt.

    Tôi nằm kế bên một vị bác sĩ quân y nhưng lâu quá không còn nhớ tên cấp bậc, mà chỉ nhớ tới sự giúp đỡ của ông qua những cơn đói triền miên trong thời gian đầu bị nhốt ở trại tù quân thuộc khu 7. Mỗi buổi sáng, khi cửa phòng mở cho tù nhân ra ngoài giải quyết vệ sinh, tôi và vị bác sĩ đến gần hàng rào, không quên cầm theo vài tàu lá chuối và một cái nón sắt để bắt ốc sên (còn gọi ốc ma) rất to, bò gần chỗ có cầu tiêu. Rồi không biết bằng cách nào mà ông ta đem được cái nón sắt ốc xuống bếp nấu chín.

    Nhưng mọi người chung phòng không ai dám ăn, trừ tôi và ông bác sĩ. Vì ốc to quá nên tôi chỉ ăn được hai con là ớn, số còn lại được bác sĩ thanh toán hết một cách ngon lành. Nhưng những ngày hạnh phúc trên thật ngắn ngủi, vì ông bác sĩ và ba vị Đại Tá đã bị chuyển trại vào ngày 19 tháng 6, là thời điểm cộng sản tập trung tất cả Quân Cán Chính VNCH vào hỏa ngục, qua cái gọi là “trình diện học tập cải tạo” một tháng dăm ba tuần rồi về chung sống hòa hợp, hòa giải, nối vòng tay lớn với cách mạng để làm lại cuộc đời giàu có hạnh phúc trong thiên đàng xã nghĩa như nhân dân miền Bắc được hưởng từ 1954.

    Điều làm tôi hối tiếc nhất trong thời gian bị nhốt tại trại tù Quân Khu 7, đám tù nhân được gọi ra sắp hàng ngồi chờ chụp hình, có danh số đàng hoàng y như lúc tôi mới theo học khóa sĩ quan trừ bị Thủ Đức, ngồi trên ghế cao sau lưng là tấm màn, với tư thế hai tay cầm bảng nhỏ để trước ngực, có ghi số tù. Tôi đã cố lục lọi trí nhớ nhưng không làm sao nhớ nổi số tù của mình…

    Bước ra khỏi cửa nhà tiền chế như mọi lần, bỗng giật mình nhìn qua bên kia hàng rào kẽm gai, có vô số người mặc đồ dân sự vừa đi vừa cười nói rất vui vẻ. Tôi nghĩ hôm nay chắc có lễ lạt gì lớn lắm, nên dân chúng mới được lệnh vào dự. Hôm đó vào khoảng giữa tháng 6 gì đó, bởi vì không có lịch hay đồng hồ, nên không có cái gì để biết thời gian. Đứng bên này hàng rào, len lén gọi để biết tình hình khi thấy những người bên kia ngó vào và sầm xì “đừng nói gì với anh em tù binh, coi chừng bị kẹt.” Có phải mình đi học tập một tháng rồi về phải không? hay chỉ là những tiếng vọng từ cõi u minh, bốc lên theo gió đưa đẩy đến tai người tù có số danh bạ. Thôi thì cố quên để mà sống.

    Cũng toán người mới vô ngày hôm trước, nghe nói vọng lại là cử 2 người ra chợ Xuân Lộc mua đồ về nấu ăn, tôi nghe có đậu hũ nấu với thịt heo. Lời nói mơ hồ đó như vọng từ cõi xa xăm, mà cũng có thể là lời thì thầm của cây rừng theo gió đưa về. Lòng tôi bỗng xót xa cho thân phận tù đày dù chỉ trong khoảnh khắc. Một tháng rưỡi bị nhốt trong trại tù Quân Khu 7, chúng tôi đã nếm được mùi qua cái gọi là “sự khoan hồng của cách mạng” bằng những bài học nhồi sọ vỡ lòng từ báo chí VC do một tên chính trị viên đọc vào mỗi buổi sáng “các anh không biết đọc chữ in, thành ra chúng tôi đã mất nhiều thì giờ để đọc báo cho các anh nghe. Kể từ ngày mai các anh phải đi học.”

    Đó là lời tuyên bố của một tên Chính trị viên hay Chính ủy VC. Thế là cả bọn được khai thông cùng một quyển vở, cây bút chì bắt đầu học vỡ lòng abc. Lúc đó tôi cũng vừa sắp 29 tuổi, trước sự việc khôi hài có một không hai, khiến cho ai cũng ngậm ngùi nhưng phải câm miệng vì những mũi súng đang lăm lăm nhắm vào sẵn sàng nhả đạn.

    Lớp dạy “chữ in” cho sĩ quan VNCH mà ai cũng đã có ít nhất chứng chỉ tú tài phần thứ nhất, kéo dài hai tuần. Tiếp theo là khai lại lý lịch cá nhân, sau khi mọi người đã biết chữ in của Hà Nội, qua hai tuần được học vỡ lòng chữ quốc ngữ abc. Anh em được xếp hàng một trước cái bàn có một người tự giới thiệu là thạc sĩ, tiến sĩ gì gì đó nói tiếng Bắc, chủ tọa.

    Công việc khai báo bắt đầu tới người thứ 5 thì xảy ra sự việc với tiếng quát và đập bàn: “Giờ này mà còn dám khai báo dối trá, không thành thật?” Thì ra tới phiên các anh Nguyễn Hồng Anh, Trần Thái Hòa, Đỗ Trọng Thận… khai báo, đã phạm kỷ luật do trại “qui định.” Đó là “nam thì chữ lót phải là văn, còn nữ thì dùng chữ thị”… Chứ làm gì có chữ lót là Hồng, Thái, Trọng… Thật ra lúc đó mọi người cũng không biết tên chủ tọa mang cấp bậc gì, chỉ nghe đồng bọn gọi hắn là đồng chí, đại diện cho các đỉnh cao trí tuệ tại miền Bắc.
    Thế là bắt đầu khai báo lại… Nguyễn Văn A, bác sĩ. Tên chủ tọa ngó xuống xác nhận người mới hô to “biết chữ,” sau đó mới ghi vào giấy. Lần lượt Trần Văn B, kỹ sư; Đỗ Văn C, giáo sư; thiếu úy, trung úy… Cuối cùng tên chủ tọa phán một câu đáng đi vào lịch sử xã hội chủ nghĩa: “Tất cả đều biết CHỮ IN của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nên đạt tiêu chuẩn. Hết!”

    Rồi những ngày lên lớp theo đúng bài bản được thu sẵn trong máy phát. Nào là các anh có tội với nhân dân, có nợ máu với cách mạng nhưng được khoan hồng, lại còn được cho học “chữ in” để biết chữ. Bởi vì các anh là “sĩ quan ngụy dốt nát, chỉ ăn gan uống máu què….” Thôi thì đủ thứ nên không làm sao nhớ hết. Hơn nữa từ khi vào lính tới lúc bị bắt buông súng đầu hàng, tôi chỉ là người lính chiến đấu khắp các mặt trận, văn chương chữ nghĩa không có bao nhiêu. Vì vậy mới đem hỏi một vị giáo sư nhưng chưa kịp trả lời thì ông bác sĩ nằm bên cạnh đã đáp “tiết canh đấy.”

    Một bữa có hai cán binh cầm súng hộ tống một tên cán bộ gì đó tới các phòng, muốn tìm một người giỏi toán lên làm việc tại bộ chỉ huy trại. Lựa mãi cuối cùng một sĩ quan Công Binh nguyên là Kỹ sư Công Chánh được chọn. Tới chiều anh Công Binh về phòng, chúng tôi đến hỏi han thì được trả lời: “Đ.M vậy mà cũng bảo cần người giỏi toán.” Sau đó cứ ngồi thờ thẫn như kẻ mất hồn, còn miệng thì lầm bầm câu nói trên, khiến cho anh em không biết ông ta đã làm gì trên đó… đến nỗi trở thành kẻ khật khờ như người cõi khác.

    Hôm sau chắc là đã lấy lại hồn sau một đêm thanh tịnh, vị kỹ sư mới mở miệng “có gì đâu, nó bắt tôi lên đếm cá khô từ trong một chiếc giỏ đầy, sang một giỏ khác trống không, mỗi lần tay này nắm năm con, tay kia vệt một gạch trước khi quăng vào giỏ trống. Cứ thế mà làm cho tới hết cá.” Thiệt là thiên đàng xã nghĩa, không cần bình luận.

    Gần cuối tháng 7, chúng tôi nhóm tù binh được “biên chế” với anh em theo lệnh trình diện “học tập cải tạo” một tháng rồi về. Hóa ra họ là những chiến hữu mà tôi đã nhìn thấy tháng trước ngoài vòng rào kẽm gai gần cầu tiêu… Tất cả giờ đã trở thành cá mè một lứa, tù có danh số như chúng tôi hay đi “học tập cải tạo” một tháng rồi về. Rốt cục đều trở thành tù nhân của cộng sản BắcViệt, khi đã tự mình nộp mạng cho giặc.

    “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm,” câu nói bất hủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, khiến cho tôi, người tù binh có danh số, càng thêm khâm phục bội phần. Đúng là toàn bộ quân cán cảnh VNCH đã bị cộng sản quốc tế lường gạt một cách vô liêm sỉ, bằng chiêu bài “khoan hồng, hòa giải, thống nhất đất nước và dân tộc.”

    Sau khi trộn trấu tù có danh số và tù tự nguyện, phân chia thành đội, tổ bắt đầu cuộc sống mới mà không biết sẽ ra sao. Riêng ba vị đại tá và một số sĩ quan cao cấp khác trong đó có vị bác sĩ ăn ốc ma, giờ đã chuyển sang trại khác, không biết số phận của họ thế nào, khi tất cả đang ngoi ngóp lội trong địa ngục đỏ có thật nơi trần thế.

    Căn nhà tiền chế tôi ở nay không còn ngăn vách như trước. Vì không có thứ gì để lót nằm, nên tôi đi lượm những bao cát rồi dùng cọng kẽm kết lại thành một tấm mền, nữa đắp nữa trải. Đây cũng là một thứ hạnh phúc hiếm hoi nơi cõi thiên đàng xã nghĩa, không phải người tù nào cũng có được. Rồi càng hạnh phúc hơn trong khi đi quét rác nhặt được trong đống quân dụng phế thải của ta, một cái muỗng, một gà mèn và một ca uống nước bằng inox. Đây là một gia tài thật quý báu đối với những tù nhân chúng tôi, dùng thay thế cái chén đá duy nhất đã mẻ miệng vừa đựng thức ăn và nước uống hàng ngày. Ba vật dụng thân yêu này đã theo tôi suốt đoạn đường tù tội gian khổ, từ trại giam này sang trại tù khác.

    Cuộc sống của tù nhân cũng khác sinh hoạt hằng ngày ngoài đời, ngoại trừ thời gian đầu phải học nội qui, tự khai lý lịch kể lại tội ác. Ôi nhiều thứ không sao kể hết như vào rừng lấy củi để nhà bếp nấu ăn đun nước, nghe đọc những bài báo vớ vẩn, sau đó là nhìn trời hiu quạnh lúc ban đầu. Tiếp theo là học chính trị 3 bài với phần làm luận án, mới có thể tốt nghiệp Đại học máu.

    Tôi cũng xin ghi lại cái chết đầu tiên tại trại tù Quân Khu 7. Như thường lệ, sáng nào cũng có một số tù nhân vào tận chân núi để lấy củi. Thật sự đây là những cây gỗ lớn nhỏ, đã được thợ rừng cưa sẵn chờ di chuyển. Mỗi người vác một khúc đem về trại. Dọc đường cán bộ cho dừng lại nghĩ mệt tại chỗ. Đồng bào ở hai bên đường nhìn anh em tù với sự thương hại nhưng không dám nói ra. Chỉ huy toán tù hôm đó là một tên cán ngố gốc miền Nam, mặc một bộ đồ tây đen, mang súng colt 45. Đang ngồi nghỉ mệt, bỗng nghe tiếng lao xao phía trước, rồi súng nổ và người tù trúng đạn dựng đứng lên: “Sao mày bắn tao?.” Tiếp theo là tiếng nổ thứ hai, thứ ba… Tôi thấy người tù quay nửa vòng rồi té sấp xuống mặt đường, trong khi tiếng súng vẫn nổ liên tục. Chúng tôi hốt hoảng nhất là những anh em đứng gần hiện trường, đã phản ứng tự vệ bằng cách dùng khúc gỗ để trước mặt che đạn.

    Như một hận thù truyền kiếp, tên cán bộ bấm băng đạn không ra và thay vào băng khác tính bắn bồi vào xác bất động trước mặt, thì một cán binh khác tay cầm khẩu AK đến vỗ vai tên này, nói bằng giọng Nam “đồng chí đã bắn chết người rồi.” Lúc đó tôi nhìn thấy hai mắt hắn đỏ như lửa, chắc tên này là một hung thần còn sót lại từ cuộc chiến.

    Sau cơn say sắt máu, hắn ra lệnh di chuyển. Xác người tù vẫn nằm úp mặt trong vũng máu lẫn nước mưa đêm qua còn đọng lại bên lề đường. Thảm thương cho kiếp tù, đến chết cũng không thèm nhìn mặt tên đồ tể sát nhân. Cũng may tên VC này bắn quá dở, nên bắn tới 7 viên đạn mà chỉ trúng một người, nếu chúng tôi bắn thì ít nhất phải ba hay bốn tên cộng sản bị gục.

    Tìm hiểu nguyên nhân, thì ra tên đồ tể này khi thấy anh em tù ngồi xuống nghỉ mệt mà không đứng theo lệnh hắn, nên đã nổ súng thẳng vào đám tù. Người bị bắn chết vô cớ là Thiếu Úy Sơn quê Khánh Hòa còn độc thân vào đầu tháng 8, 1975. Sau khi đoàn tù về trại, đã cử hai người trở lại chỗ cũ khiêng xác anh Sơn về. Thật tình lúc đó tôi rất muốn được chỉ định nhưng không được toại nguyện. Theo lời kể lại của hai bạn tù ra khiêng xác về thì khi họ tới nơi, thấy xác chết đã được đồng bào đem lên chỗ khô và được đắp một chiếc chiếu. Xác được chôn bên hông nhà tiền chế mà anh Sơn lúc sống đã ở. Ngôi mộ được cắm một thanh gỗ hình chữ nhật không ghi tên tuổi gì hết.

    Cầu mong linh hồn anh sớm tìm về cố hương trước khi siêu thoát:

    Nỗi oan khiên, sầu ai oán
    Là đà ngọn cỏ cành cây
    Núi Chứa Chan, mây lơ lửng
    Gởi linh hồn xuôi cố hương
    (NTH)


    Thương thay một nắm xương tàn ngay trên quê hương hay là mang nặng một nỗi buồn xa xứ…

    2. Bà Rá - Phước Long - Sóc Bombo

    Đoạn trường ai có qua cầu mới hay (Nguyễn Du)

    Thật ra Sóc Bombo cũng không có gì để được ca ngợi như bọn nhạc sĩ, văn nô CS đã viết bài “Tiếng chày trên sóc bombo,” đúng ra là phải viết bài ca ngợi cái con người của Sóc Bombo đã chịu đựng mưa nắng dãi dầu, làm nên những luống rau, nương lúa, khi có được thì bị bọn CS cướp đi, còn riêng họ thì phải đào củ mài, xuống suối bắt ốc, hái rau theo bờ, bỏ vào ống lồ ô mà nấu. Đó là sự đau thương mà họ phải chịu đựng trong rừng sâu núi thẳm đời đời kiếp kiếp, đàn ông thì đóng khố, đàn bà thì chỉ một cái váy che thân, trẻ con thì lõa lồ.

    - Sóc Bombo trong trí nhớ
    Đó là những nhà sàn, trên ở dưới trống có thang đi lên di chuyển được, sở dĩ họ ở tầng trên cao là để tránh thú dữ héo lánh tới ban đêm, nó hao hao giống như những xóm Thượng ở núi cao miền Trung quê tôi, đàn ông ở trần đóng khố mang gùi sau lưng và một cây ”xà gạc.” Cây “xà gạc” dùng để chặt cây, phạt cỏ làm rẫy và cũng là vũ khí phòng thân khi đi rừng.

    Điều này làm tôi chợt nhớ lại một câu chuyện về cây “xà gạc.” Có lần đại đội tôi đi từ “Cây Cà” một địa danh khốc liệt của Quận Tuy Phong đến một xóm Thượng có tên là “La Bá,” lúc dừng quân nghỉ có gặp một toán người Thượng đang làm rẫy, tôi có hỏi một người Thượng vai mang “gùi” và “xà gạc” (y chang như Sóc Bombo) từ đây tới đó bao xa thì họ trả lời “có 2 rựa.” Cây “xà gạc” với cây “rựa” ở đây tôi thấy hao hao giống nhau, chắc mỗi vùng gọi tên mỗi khác. Tôi nhìn cây “xà gạc” hoặc “rựa” dài độ chừng chưa tới 1 thước, không lẽ ở sát bên rồi, hay là ngay chân mình đứng. Tôi dở bản đồ đo phương giác chấm tọa độ điểm đứng, điểm tới thì còn quá xa chắc cũng phải hơn nửa ngày mới tới.

    Đến khi phát giác ra ngôn ngữ của họ cách đi rừng để biết đường dài ngắn thì tính bằng “xa gạc” hay “rựa.” Bắt đầu đi vác rựa ở vai phải đến khi mỏi thì đổi qua vai trái là 1 “rựa” hay “xà gạc,” một lần nữa là hai “rựa” hay “xà gạc,” mà quý vị biết cây xà gạc hay rựa nhẹ tênh chứ đâu phải cây “Thanh Long Đao” đâu mà nặng, một rựa cũng đủ “bà nội đội chuối khô” nói chi đến 2 rựa hay xà gạc. Đúng là đi cho biết đó biết đây, ở nhà với vợ biết ngày nào khôn.

    Nói đến Sóc Bombo thì cũng là một trong những kỷ niệm khó quên trong thời gian tù ải tuy có đau buồn có tủi nhục; không phải ai ở tù Bà Rá, Phước Long cũng có dịp đến Sóc Bombo hay Đức Văn, ấp Tân Sinh đời Tổng Thống Diệm, sau này gọi là “Trường Phục Hồi Nhân Phẩm” của mấy “em” gà móng đỏ mà bất cứ người lính chiến nào khi về phố thị đều thăm hỏi ân cần, kể cả kẻ viết bài này. Cũng vì chính những kỷ niệm nho nhỏ khó quên này đã làm cho những người tù bớt đi những căng thẳng sầu não, làm cho con người quên đi những nhọc nhằn lao khổ kể cả những tủi nhục, tủi nhục đến độ ôm nhục, hèn mà sống.

    Sóc Bombo ở trên đỉnh cao, dốc thoai thoải. Phước Long có những đồi cao thấp chập trùng với những khu rừng già chằng chịt dây leo, độc nhất một ngọn núi tên gọi là Bà Rá, đó cũng là một trong hai cái đuôi cuối cùng của dãy Trường Sơn bắt đầu từ Điện Biên Phủ chạy dài vô Nam chấm dứt khi chia hai nhánh, một núi Chứa Chan Long Khánh, hai núi Bà Rá, Phước Long. Nhìn xuống trủng là một con suối, nước mát trong xanh, tinh khiết.

    - Đoạn trường ai có qua cầu mới hay
    Khi cắt cử công việc làm ở khu vực gần Sóc Bombo, lúc đầu thì chưa biết, sau mới phát giác ra, khi đi “lao động khổ sai” lúc về thì được đi tắm, cũng một dòng suối chảy qua bao đoạn ghềnh, qua bao bằng phẳng rồi chảy mãi vô tận tới đâu thì không biết, nhưng tôi chỉ biết một đoạn ngắn rất êm đềm, phẳng lặng, nước trong xanh nhìn thấy từng cục sỏi dưới đáy, thấy từng con cá lòng tong lội nhởn nhơ như có vẻ trời đất thanh bình của rừng già sâu thẳm Phước Long. Một lý do rất đơn giản đã biến đổi được cái âm u, cái tang tóc của núi rừng đầy bí hiểm mà có lần chúng tôi đã đi lạc trong rừng già sâu thẳm không biết lối ra. Đó còn gọi là sức mạnh của rừng già chúng tôi đã bị cột tuy không bằng dây rừng.

    Ôi!!! một đàn thiên nga đang vùng vẫy như những nàng tiên ở trên trời bay xuống gặp dòng nước mát, tinh khiết không khác gì Thiên Đình (?), tung tăng, vùng vẫy, cười nói líu lo, xem xung quanh mình những giả dối, những trần tục, những ngu xuẩn, những tham tàn, những bạo lực, những dốt nát, những khốn nạn không có gì tồn tại.

    Những em gái của núi rừng Sóc Bombo đang tắm. Viết đến đây tôi cũng lấy làm tiếc, thà là ngọn cỏ cành cây ven suối hay hòn sỏi nằm dưới đáy để nhìn được vẻ đẹp thiên nhiên, không ô trọc, của bản tính chất phác mộc mạc, tâm hồn thanh cao của núi rừng, làm tôi liên tưởng đến vở cải lương “Sơn Nữ Phà Ca.” Theo tôi nếu tôi thế vai thì tôi sẽ ở lại núi rừng, thà đóng khố, mang gùi, mang xà gạc, ngày làm rẫy chiều về xuống suối bắt ốc hái rau bỏ vào ống “lồ ô” lấy nước suối nấu rồi cùng “Sơn Nữ Phà Ca” ngồi húp từng ống lồ ô, đút nàng từng con ốc cho nàng mút, đút từng cọng rau mà nhìn trăng lên trên đầu ngọn cây. Các bạn cứ thử tưởng tượng đi… tưởng tượng đi.

    Một trời thương nhớ......

    “Tốt thì khoe, xấu thì che” bởi lẽ tôi cũng từng đi qua những buôn sóc của người sắc tộc. Em nào váy xuống lưng để lộ bộ ngực no tròn săn chắc của núi rừng là những em còn trinh trắng, còn em nào váy kéo lên tận cổ che kín là đã có chồng thành ra mới có câu đó là vậy, mà chỉ có khi đi tắm suối thôi nhá! Những ai đã có một lần được nhìn những em của núi rừng chất phác no tròn săn chắc thì chuyện bơm tiêm vô túi nước biển gì đó trở thành vô nghĩa kể cả “Tứ đại mỹ nhân” của Trung Hoa cổ. Các bạn thử tưởng tượng một dòng nước trong xanh đàn cá lòng tong nhởn nhơ trước bọn này mà không thấy một con cá nào chết hết, đúng là bầy tiên nga đang rũ sạch những tinh hoa chất phác của núi rừng đã thấm vào da thịt, những mộc mạc của núi rừng đã tẩm vào tâm hồn, mà hằng ngày các em của núi rừng đã xuống suối trút bỏ hết những nét đẹp mộc mạc thanh cao, để làm xanh thêm cây cỏ mọc ven bờ suối, cho viên sỏi thêm long lánh, cho đàn cá lội tung tăng thêm sức sống, chả bù có những chỗ bọn tù chúng tôi chỉ một vũng nước đọng sình bùn mà cả đống người tắm thì thử hỏi “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”! thà là làm người tình trăm năm của “Sơn Nữ Phà Ca” hay cành cây bụi cỏ ven suối, viên sỏi nằm ngàn năm dưới lòng suối - Tiếc thật - Tiếc thật.

    Bà Rá - Phước Long

    Thăm anh tận Phước Long
    Nước mắt em lưng tròng
    Ôi bao ngày nhớ mong
    Biết anh còn hay không.


    Đây là một đoạn của một bài ca tôi không nhớ tên tác giả, mà chỉ truyền miệng không biết của tù hay vợ tù đã đổi lời cho phù hợp, tôi chỉ ghi lại theo trí nhớ. Xin cảm ơn tác giả.

    Sau khi trại tù Quân Khu 7 Long Khánh nổ tan tành bởi kho đạn kế bên trước ngày bầu cử của cái gọi là Quốc Hội CS đầu tiên chỉ có một ngày, đó là khoảng giữa tháng 5 năm 1976, tù chúng tôi được chuyển lên Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp Vận Long Khánh nằm tại Cua Heo và sau đó lại chuyển lên Bà Rá Phước Long 1977. Với những địa danh rất xa lạ đối với vợ tù, những Minh Hưng, Đắc E, Bù Gia Phúc là những trại tù nổi tiếng ở miền Nam. Đức Văn là nơi chôn nhau cắt rún của cái gọi là “Trường phục hồi nhân phẩm.” Tất cả những người tù phải làm những trại tù để tự nhốt mình, tự giam hãm mình trong nghiệt ngã và nghịch cảnh. Rồi bọn cai tù, bọn coi tù tuy có hơn bọn tù một chút, ăn cơm trắng, đi lại thong thả thì cũng chỉ ở trong một cái rọ lớn canh chừng mấy cái rọ nhỏ nằm trong đó thế mà bọn họ vẫn sợ. Riêng bọn “cai tù” - chứ bọn coi tù thì cũng như tù, là bọn khốn nạn, bọn họ là bọn Bắc CS, họ sống trong vòng kềm kẹp của chế độ CS từ vỹ tuyến 17 trở ra, một bọn không có tính người. Tôi không hiểu chắc vợ họ quê mùa cục mịch thô lỗ hay sao mà cứ hễ nhìn vợ tù ở miền Nam lên thăm nuôi là bắt chẹt đòi làm tình. Bởi lẽ bọn này vô học thành ra có những điều cười ra nước mắt, chẳng hạn lúc còn nằm ở trại tù Quân Khu 7 Long Khánh, tôi cũng là một trong vài bạn tù ra khiêng người bạn tù đã xỉu ở cổng trại, tên cai tù có hỏi một bà và một cô gái lên thăm con, chồng rằng cụ không căm thù tên này à, bởi lẽ chồng cô này đã hiếp dâm con bà thành ra mới chịu làm vợ. Đó thấy không, bọn cai tù miền Bắc vô học cứ nghĩ rằng bọn tù, sĩ quan miền Nam, ăn gan uống máu người, hiếp dâm, là bọn vô học không biết chữ “IN” nên mới cho đi học vỡ lòng trong đó có kẻ viết bài này lúc thời gian tiền ở tù tại trại tù Quân Khu 7. Những điều tôi ghi ra đây còn thiếu sót rất nhiều đối với bọn “cai tù,” còn bọn coi tù thì miễn bàn. Vì là một bài viết tôi phải nhắc đến một việc mà phải nói là rất kỳ thú, tuy có hơi thô tục một chút, điều này chắc các bạn tù đã từng ở Bá Rá, Phước Long đều biết khi mà nhắc đến là phải trung thực, tuy có vẻ làm buồn người đọc đôi chút.

    Số là đám tù chúng tôi bên này con sông, bên kia là bọn cai tù và coi tù. Như thường lệ sáng đi “lao động khổ sai,” nhưng bữa nay lại tập trung trước sân của bọn cai tù, bọn cai tù súng đạn lăm lăm xa gần, không biết chuyện gì đã xẩy ra, đến khi bị lên lớp đại khái là bọn tù này nghe hình như cả ngàn lần bởi bọn cai tù là một cái máy cassette thu rồi phát lại thế thôi, nào là không có văn hóa, nào là ăn gan uống máu “què” nào là đồi trụy, hiếp dâm, v.v…

    Đám tù không biết ất giáp gì, thì chắc cũng có một số bạn tù “linh tinh” gì đó, nên cả đám bị lên lớp, dạy đời; thôi thì vận nước thì phải nhục theo vận nước “làm trai không đáng nên trai.” Cho đến khi biết được là toàn bộ tù khi tắm ở con sông nói trên đều ở truồng, mà trong khi bên kia sông là những em “thanh nữ xung phong” mới đến để trồng cây cao su, có lẽ chiều rừng núi âm u không biết đi đâu, không có làng mạc quán sá gì mà chỉ toàn là rừng núi, quê mẹ thì diệu vợi, không biết nước mắt có lưng tròng hay không, chỉ biết quanh quẩn ra vào như gà què ăn quẩn cối xay, bèn ra bờ sông đứng ngó cho bớt chạnh lòng, “chiều chiều ra đứng bờ sông, giây phút chạnh lòng em thấy”…“một rừng cu.”

    Đó là tiếng nói, tiếng cười của mấy em “thanh niên xung phong” lên trồng cao su, nhìn đám tù tắm ở truồng. Thật tình mà nói bọn tù chúng tôi không biết là có mấy em “TNXP” nữ lên đây, hơn nữa bọn tù chúng tôi lúc nào cũng tắm ở truồng khi đi “lao động khổ sai” về; nghĩ xem, quần áo thì chỉ có một bộ duy nhất, áo thì không ra áo, quần thì không ra quần, lúc đầu quần thì hai ống dài thiệt, nhưng lần lần cũng biến đổi theo thời gian, áo rách thì xé ống quần vá cứ thế mà cái quần tôi cũng không biết tả ra làm sao không lẽ tôi vẽ kiểu quần theo từng giai đoạn. Nếu để nguyên mà tắm thì lấy gì thay, thôi thì thực hành đúng lý của “Mẹ” là khi sinh ra đâu có quần áo. Ai mà biết, mình là thằng tù khổ sai bị đày tới những vùng thâm sơn cùng cốc biệt xứ, núi rừng âm u chim kêu vượn hú mà có các em ngu si, dốt nát tình nguyện làm “TNXP” chôn vùi tuổi trẻ để phải có một câu nói để đời “Một rừng cu.”

    Chẳng thế cũng tại mấy em, đã thấy thì đi chỗ khác, mà cứ đứng nhìn cho đã mắt, nhìn một thì có chứ nhìn một rừng thì còn lâu. Thật là đây mới đúng là “hoa lạc giữa rừng gươm.”

    “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”

    Bọn tù này bị xỉ vả thậm tệ, tuy nhiên cứ nhớ hoài, có một bạn tù cùng chung một trại, hiện giờ ở Texas, có gọi phone bảo là mày phải nhắc đến một câu mà tao không bao giờ quên. Tất cả bạn tù cùng khổ ở Bà Rá, Phước Long đều nghe biết và nhớ, tôi đã làm vui lòng một người bạn tù tên Thậm: “Nguyễn Văn Thậm.”

    Ở tù, bọn Bắc Cộng chỉ dùng một chiêu duy nhất: Đói. Làm tinh thần suy sụp, để không còn nghĩ cách chống đối. Tuy nhiên cũng nhờ những kỷ niệm nho nhỏ khó quên đó đã khiến cho tinh thần bớt căng thẳng, nhưng bớt thì có bớt, rồi cũng đâu vào đó, thành ra riêng tôi, được có một câu nhận xét lý thú:

    -Tôi thấy mấy ông ở tù về, có ông tửng tửng có ông không? Riêng ông thì quá là tửng.

    Xin thưa đó là câu nhận xét của bà xã tôi về tôi, còn riêng cái mục có ông tửng tửng có ông không chỉ làm đậm nét cái quá tửng của tôi thôi. Xin quý vị thông cảm.

    Nguyễn Tấn Hợi
    Cựu Trung Úy ĐĐT ĐĐ4/TĐ248/BT
    (Ngàn Năm Mây Bay)
    Philadelphia, tháng 8, 2010
    Trích trong “Sau năm 1975: Những Chặng Đường Đã Đi Qua”


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X