Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Minh Chứng Về Tái Sinh

Collapse
X

Minh Chứng Về Tái Sinh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Minh Chứng Về Tái Sinh

    Đàm Trung Phán – MINH CHỨNG VỀ TÁI SINH, NỖI ĐAU TIỀN KIẾP QUA LỐI THÔI MIÊN CHỮA TRỊ CỦA CÁC BÁC SĨ TÂM THẦN

    nguồn : khoahoc.net

    Bài 1: TRỞ VỀ DĨ VÃNG VÀ TIỀN KIẾP ĐỂ CHỮA BỆNH

    Lời Dịch Giả

    Chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu quý vị phần phóng tác bằng tiếng Việt dựa theo bài viết bằng Anh Ngữ “Only Love is Real”. Tác giả bài viết này là Bác Sĩ Tâm Thần Brian Weiss. Ông tốt nghiệp Bác Sĩ Y Khoa tại Đại Học Columbia và Bác Sĩ Tâm Thần tại Đại Học Yale, Hoa Kỳ. Ông trở thành Bác Sĩ Trưởng Khoa Tâm Thần của trung tâm Y Tế Mount Sinai, Miami, Florida, Hoa Kỳ.

    Năm 1980 ông đã chữa trị những nỗi sợ hãi, đau đớn trong tâm thức (traumas) cho bệnh nhân Catherine bằng cách Thôi Miên Chữa Trị (pastlife regression and future regression). Trước đó ông không hề tin vào Thuyết Tái Sinh nhưng sau khi chẩn bệnh và trị bệnh cho Catherine, ông đã kiểm chứng được những gì mà Catherine đã mô tả trong lúc bị thôi miên bằng cách so sánh chúng với những tài liệu còn được lưu trữ bởi giới hữu trách (public records), ông bắt đầu tin. Ông cho rằng sau khi thân thể con người đã chết, phần vong linh/ vong hồn/ linh hồn của con người vẫn còn tồn tại. Ông đã chữa trị cho hơn 4000 bệnh nhân. Nhân vật “tôi” trong câu chuyện dưới đây là Bác Sĩ Brian Weiss.



    Xin mời đọc:



    Bài 1: TRỞ VỀ DĨ VÃNG VÀ TIỀN KIẾP ĐỂ CHỮA BỆNH



    Từ lâu lắm rồi, tôi vẫn luôn luôn là Margaret. Trên thế gian này, chỉ có cơ thể con người mới trở nên già nua. Đời sống trong nhiều thế kỷ của chúng ta được coi như là một giây lát mà thôi. Sau hàng ngàn kiếp người đã sống và đã chết trên trần thế, bấy giờ chúng ta mới bắt đầu mở mắt nhìn đời.

    Eugene O’Neill.



    Trước khi tôi (Bác Sĩ Brian Weiss) chẩn và trị bệnh cho Catherine, tôi chưa biết rõ về phương pháp thôi miên đưa bệnh nhân trở về tiền kiếp để chữa bệnh cho họ. Khi tôi còn đang là một sinh viên Y Khoa tại Đại Học Yale, các đại học khác chưa hề chỉ dậy cho chúng tôi phương pháp này. Tôi phải tự học lấy.

    Tôi còn nhớ lần đầu tiên khi chỉ dẫn cho Catherine cách trở về trong tiền kiếp với hy vọng là tôi sẽ tìm ra những vết thương vẫn còn tiềm ẩn, nhức nhối trong tâm thức (trauma) cuả bệnh nhân tuy rằng chúng đã bị chôn vùi từ kiếp này qua kiếp khác. Tôi cho rằng đây là đầu mối của các triệu chứng của những mối lo âu, sợ hãi và đau đớn.

    Catherine đã hoàn toàn đi vào trạng thái bị thôi miên bởi lối nói ru ngủ của tôi. Bà ta chỉ còn biết làm theo cách chỉ dẫn của tôi mà thôi.

    Tuần trước, lần đầu tiên khi tôi thôi miên Catherine, bà nhớ được nhiều chi tiết về đời sống và những nỗi khổ đau thầm kín của bà ta.

    Trong khi trị bệnh, nếu bệnh nhân nhớ lại được những chấn-thương-tinh-thần-trong-tâm-thức (traumas) thường hay quấy rầy họ, bệnh nhân bắt đầu thấy có kết quả khi được chữa trị. Tuy nhiên còn có nhiều triệu chứng khác của Catherine còn đau đớn hơn, vì vậy tôi phải truy kiếm những nguyên nhân trong thời thơ ấu của bà ta và nhất là trong những kiếp xa xưa khác. Hy vọng là bà ta cảm thấy khá hơn sau khi được chữa trị.

    Tôi đưa Cathrine trở về tuổi thơ ấu khi cô nàng mới hai tuổi, nhưng cô bé Catherine chẳng nhớ được gì. Tôi nhấn mạnh và nói rành mạch với Catherine: “Hãy trở về thời kỳ mà triệu chứng bắt đầu”. Tôi hết sức ngạc nhiên khi Catherine nói: “Tôi thấy lối đi dẫn tới một tòa nhà lớn với nhiều cây cột, với cửa ngỏ ở phía đằng trước. Tôi đang mặc váy đầm trắng, đeo ví làm bằng vải thô. Tóc mầu bạch kim được búi lên.

    Tên nàng là Aronda, nàng là một thiếu nữ đã sống bốn ngàn năm trước đây. Nàng đã chết bất thần trong một cơn lụt rất lớn. Cơn lụt này đã tàn phá hết cả cái làng của nàng. “Có những ngọn sóng rất to làm bật cả rễ cây. Chẳng còn chỗ nào để mà trốn chạy được nữa. Nước lạnh cóng, tôi phải cứu đứa con nhỏ của tôi, nhưng không thể nào cứu được nó. Tôi ôm nó thật chặt. Tôi bị nước cuốn chìm, tôi bị ngộp thở, tôi không còn thở được nữa, tôi không thể nuốt được nước mặn. Con tôi bị nước cuốn đi mất rồi.”

    Catherine giật mình và bị khó thở trong lúc hãi hùng này của tiền kiếp. Thế rồi, cơ thể bà ta bình thường trở lại, hơi thở khá dài và đều đặn hơn.

    “Tôi thấy mây trắng… Con tôi đã trở lại với tôi. Thấy mọi người trong làng và anh trai tôi.”

    Catherine nằm yên. Phần đời đó đã chấm dứt. Tuy rằng cả Catherine và chính tôi chẳng có tin vào những kiếp người trong tiền kiếp, nhưng cả hai chúng tôi đã được chứng kiến cảnh vật của một thời xa xưa trong nhiều kiếp người khác nhau.

    Sự sợ hãi bị bịt miệng, bị ngạt thở của Catherine hầu như đã bắt đầu biến đi rất thần tình sau lần chữa trị này. Tôi cho rằng con người không thể nào có thể tưởng tượng để tự chữa trị những triệu chứng đã nằm sâu trong tâm thức cuả mình được. Chỉ có phương pháp “Gột rửa tâm thức” (Cathartia memory) mới có thể chữa trị căn bệnh này mà thôi.

    Tuần này qua tuần khác, Catherine còn nhớ thêm được nhiều điều khác về tiền kiếp của bà ta. Nhiều căn bệnh khác đã biến mất và bà đã khỏi bệnh mà chẳng cần uống thuốc. Cả hai chúng tôi đã khám phá ra cách chữa lành bệnh bằng phương pháp thôi miên bệnh nhân để trở về tiền kiếp của họ (regression therapy).

    Thoạt đầu, tôi không hề tin vào thuyết Tiền Kiếp, vì bản chất của tôi là hoài nghi, vả lại tôi được đào tạo để trở thành một khoa học gia. Thế rồi phần hoài nghi của tôi đã bị phá hủy bởi hai lối khác nhau. Lối thứ nhất rất là nhanh chóng và đầy tình cảm, có thể tạm coi như là “mít ướt” vậy. Lối thứ hai rất từ từ và có phần suy nghĩ chín chắn.

    Trong một lần chữa trị khác, Catherine nhớ lại lúc vừa mới qua đời trong một tiền kiếp xa xưa. Lúc đó đang có một bệnh dịch trong xứ sở của cô. Catherine vẫn còn ở trong trạng thái bị thôi miên, hồn đang đắm chìm trong ánh sáng tươi đẹp. Cô bắt đầu nói: “Người ta cho tôi biết có nhiều vị Thần lắm, và Thượng Đế đang có mặt ở trong ta”.

    Catherine cho tôi biết những điều rất riêng tư về đời sống và cái chết của cha tôi (thân phụ của BS Brian Weiss) và đứa con sơ sinh của chúng tôi. Cha tôi và con trai của tôi đã qua đời từ lâu lắm rồi, ở rất xa miền Miami này. Catherine hiện đang làm việc trong một phòng thí nghiệm của Trung Tâm Mount Sinai, không hề biết gì về cha và con trai của tôi hết. Chẳng có ai kể cho Catherine biết gì về họ. Cũng chẳng có nơi nào để Catherine tìm hiểu về gia đình chúng tôi hết. Những chi tiết về cha tôi và con trai của tôi mà Catherine nói cho tôi biết, đúng không thể tưởng tượng được. Tôi cảm thấy bàng hoàng đến lạnh cả người khi nghe Cathrine kể cho tôi biết những chuyện rất riêng tư và bí mật trong gia đình chúng tôi.

    Tôi hỏi Catherine: “Ai đang ở đây với bà? Ai cho bà biết những nguồn tin này?”

    Catherine nhỏ nhẹ: “Các Bậc Thầy (Masters)”. Vong hồn (souls) của các Thầy nói cho tôi biết. Các vị này còn cho biết rằng tôi đã trải qua 86 kiếp sống trần gian, bằng da bằng thịt!

    Sau đó Catherine nói cho tôi biết các Thầy là những vong hồn/vong linh tiến hóa không ngừng, họ không có hình thể bằng da bằng thịt (non-physical) và chính các Thầy đã nói chuyện với tôi qua lời nói của Catherine.

    Nhờ những bậc Thầy này mà tôi đã có cái may mắn (cái “duyên” trong Phật giáo) để biết thêm rất nhiều về cha tôi và con tôi đang “sống” ở trong Cõi Vô Hình .

    Catherine hiểu biết mù mờ về môn Vật Lý (Physics) và môn “Siêu Hình” (Metaphysics). Catherine không tài nào hiểu được những điều mà các Thầy muốn nói với tôi. Catherine không hề biết gì về các cõi Tâm Linh Đa Chiều (dimensional planes), cõi Tâm Linh Dao Động (vibrational levels). Ấy vậy mà trong lúc bị thôi miên, Catherine đã diễn tả rất rành mạch về những hiện tượng này. Lời nói, ý nghĩ và những tư tưởng triết học trong lúc này của Catherine hoàn toàn khác xa so với lúc bình thường của bà. Chưa bao giờ Catherine ăn nói rành mạch mà lại còn trữ tình như trong lúc đó.

    Khi tôi nghe Catherine diễn tả những tư tưởng đầy triết lý của các Thầy, tôi cảm-nhận được sự khó khăn trong đầu óc và cổ họng của Catherine đang cố gắng giúp cho bà ta diễn tả được những ý nghĩ qua lời bà nói, mục đích chính là làm sao cho tôi có thể hiểu được những điều đó.

    Trong hầu hết những lần chữa trị sau đó, Catherine lúc nào cũng nói cho biết những gì mà các Thầy muốn nói với tôi: những lời chỉ dậy về lúc sống và lúc chết, về Cõi Tâm Linh (spiritual dimensions) và nhất là ý nghĩa của cuộc sống trần gian. Dần dần tôi thấy mình sáng suốt hơn và thấu hiểu được nhiều hơn. Những hoài nghi ban đầu trong tôi không còn nữa.

    Một lần tôi đã có ý nghĩ: “Catherine đã cho mình biết rất đúng về cha và con trai của mình, chắc là Catherine còn có thể biết rõ thế nào là tiền kiếp, tái sinh và sự trường tồn của linh hồn nữa?”

    Tôi bèn hỏi Catherine .

    Các bậc Thầy nói thêm về các tiền kiếp: “Chúng ta tự chọn lấy đến khi nào chúng ta trở về với thế giới hữu hình (bằng da bằng thịt trong Cõi Trần Gian) và khi nào chúng ta sẽ lìa trần. Chúng ta còn biết khi nào chúng ta đã hoàn tất những gì đã được giao phó cho sau khi chúng ta được gửi xuống cõi trần. Chúng ta biết khi nào chúng ta sẽ lìa trần và chính ông (Bác Sĩ Brian Weiss) sẽ chấp nhận cái chết. Lúc sắp chết, ông cũng cần phải biết rằng sẽ chẳng còn có ích lợi gì cho ông kéo dài cuộc sống ở thế gian này nữa. Ở Cõi Vô Hình (non-physical world), ông sẽ có thì giờ để phục hồi và bổ sung cho phần hồn, sau đó ông sẽ được phép để trở lại với thế giới hữu hình. Những linh hồn mà còn chần chừ, những ai (linh hồn) mà còn lưỡng lự chưa muốn trở lại Cõi Trần, họ sẽ mất cơ hội tốt để được tái sinh, cơ hội để họ có thể làm toại nguyện những điều mà họ mong muốn sau khi họ đã được tái sinh.

    Sau khi tôi đã chữa trị xong cho Catherine, tôi đã thôi miên hơn 1000 bệnh nhân, đưa họ trở về các kiếp người khác nhau trong tiền kiếp của họ. Rất ít linh hồn có thể đạt tới cấp bậc như các bậc Thầy này được. Tuy nhiên tôi đã được chứng kiến những kết quả khả quan không lường được của những bệnh nhân này. Có nhiều bệnh nhân đã nhớ rõ tên của họ trong kiếp người vừa mới đây của họ và rồi họ còn tìm được những hồ sơ của người quá cố, minh định được tất cả các chi tiết như đã mô tả qua lối thôi miên. Còn có một vài bệnh nhân đã tìm được cả mồ mả của chính họ trong kiếp trước nữa.

    Tôi còn được chứng kiến trong lúc đang thôi miên, vài bệnh nhân đã nói những ngoại ngữ mà họ chưa bao giờ biết đến, chưa bao giờ được dậy bảo trong kiếp này. Tôi cũng còn thấy vài đứa bé có khả năng bẩm sinh ăn nói những ngôn ngữ rất xa lạ nữa.

    Tôi đã đọc nhiều bài khảo cứu về khoa học của những khoa học gia chuyên trị về thôi miên đưa bệnh nhân về tiền kiếp. Những điều họ mô tả cũng giống như những gì mà tôi đã được chứng kiến.

    Khoa Thôi Miên trở về tiền kiếp rất hữu dụng để nhận biết và ngăn chặn những diễn biến có tính cách hủy hoại gây ra bởi ma túy, uống rượu quá độ và những xung đột trong lúc giao tiếp.

    Nhiều bệnh nhân nhớ lại những thói xấu, những vết thương tinh thần trong tâm thức (traumas), nỗi đau bị ức hiếp không những đã xẩy ra trong các tiền kiếp mà còn đang xẩy ra trong kiếp hiện tại của họ nữa. Một bệnh nhân đã nhận diện được người chồng vũ phu trong kiếp trước của bà ta mà nay còn đang là người chồng vũ phu ngay trong kiếp này của bà!

    Một cặp vợ chồng hay xung đột với nhau nay mới biết được chính họ đã từng sát phạt nhau trong 4 kiếp trước của họ. Đời sống của họ vẫn cứ như vậy chẳng hề thay đổi .

    Khi những diễn biến cứ tiếp tục như vậy từ kiếp này sang kiếp khác và sau khi những nguyên nhân đã được nhận định rõ ràng, chúng tôi có thể trị bệnh dễ dàng cho bệnh nhân được. Bệnh nhân sẽ không còn phải sống khổ sở như xưa nữa.

    Người chẩn-trị-bệnh và bệnh nhân không cần phải tin là có tiền kiếp hay không trước khi chẩn và trị bệnh. Nhưng nếu cả hai bên cùng tin vào việc chữa trị, họ sẽ chóng đạt được kết quả khả quan hơn.

    Tôi đã chữa trị cho một nam bệnh nhân gốc Nam Mỹ. Ông đã nhớ lại được kiếp trước: ông hối hận đã làm việc với một nhóm làm bom nguyên tử thả xuống Hiroshima để kết liễu Đệ Nhị Thế Chiến. Kiếp này ông ta là một Bác sĩ quang tuyến đang dùng quang tuyến và các kỹ thuật tân kỳ trong nhà thương để trị bệnh thay vì để giết người. Ông ta là một người hiền hậu, giầu lòng bác ái. Đây là một thí dụ về linh hồn được thăng hoa, biến chuyển khả quan từ kiếp này sang kiếp khác. Quan trọng nhất là linh hồn cần phải biết học hỏi thay vì hành xử một cách độc đoán. Ông này đã học được từ bài học trong Đệ Nhị Thế Chiến, ông ta đang áp dụng kiến thức và phương cách chữa trị để giúp cho người đời trong kiếp hiện tại này. Lòng hối hận trong kiếp trước không là quá quan trọng. Điều quan trọng là mình cần phải học hỏi từ kiếp trước thay vì cứ trầm mình trong suy tư buồn bực và cả đời chỉ cảm thấy hối hận mà chẳng làm được gì.

    Tài liệu của USA Today/CNN/Gallup Poll ngày 18/tháng 8/năm 1994 cho biết người Mỹ càng ngày càng tin hơn vào thuyết Tái Sinh (Reincarnation). Hoa Kỳ là một quốc gia coi như là “lạc hậu” nhất trong Thuyết Tái Sinh. Năm 1994, 27% người Mỹ ở tuổi trưởng thành (adults) tin vào thuyết Tái Sinh, so với 21% vào năm 1990.

    Số người tin rằng tự họ có thể liên lạc được với Thế Giới Bên Kia (Cõi Vô Hình, thế giới của những người đã qua đời) tăng từ 18% năm 1990 đến 28% tháng 12 năm 1994; 90% tin là có Thiên Đàng và 79% tin là có sự Mầu Nhiệm.

    Dường như văng vẳng đâu đây, tôi nghe thấy tiếng vỗ tay tán thưởng của nhiều vong linh trong Cõi Vô Hình.



    Đàm Trung Phán


    Viết theo “Only Love is Real” của Bác Sĩ Brian Weiss.

    Mississauga

    Tháng 12 năm 2014.

  • #2
    Câu chuyện Tái Sanh của Chuey Puang Pei/Ampan Petcherat Thái Lan

    MINH CHỨNG VỀ TÁI SINH: CÂU CHUYỆN TÁI SINH CỦA CHUEY PUANG PEI / AMPAN PETCHERAT TẠI THÁI LAN – Bài 2

    nguồn : khoahoc.net

    LỜI DỊCH GIẢ

    Trong Bài 1 (Minh Chứng Về Tái Sinh), chúng tôi đã đề cập tới Tái Sinh qua khía cạnh thôi miên bệnh nhân trở về tiền kiếp để chữa trị những vết thương còn âm ỉ trong tâm thức từ kiếp này sang kiếp khác. Tác giả của bài viết này bằng Anh ngữ là BS Tâm Thần Brian Weiss.

    Trong Bài 2 dưới đây, chúng tôi đề cập tới Tái Sinh qua khía cạnh theo dõi nhiều trường hợp của một số người (nhất là con nít) đã nhớ rõ được tiền kiếp, đặc biệt là rất nhiều các chi tiết của tiền kiếp đã được kiểm chứng là đúng bởi các nhà nghiên cứu Âu Mỹ.

    Tác giả của Bài 2 (bằng Anh Ngữ) này là GS BS Ian Stevenson, chuyên môn khảo sát về hiện tượng tái sinh trong nhiều trường hợp rất đặc biệt.

    Bác Sĩ Ian Stevenson lúc sinh thời là một Giáo Sư Y Khoa tại Đại Học Virginia. Ông viết văn theo lối văn kiện khoa học, mục đích chính là để cho các khoa học gia theo dõi, tìm hiểu, kiểm chứng, phân tích để rồi cùng nhau đưa đến một kết luận rõ ràng và có tính cách khoa học về phần tâm linh này… Ông đã ghi chép, điều tra và kiểm chứng được 2500 câu chuyện về tái sinh, đặc biệt chú ý đến thời còn nhỏ của con nít khi chúng vẫn còn nhớ rõ được kiếp trước.

    Ông phân loại các vụ tái sinh ra theo:

    – Các vùng, các quốc gia, xã hội … (ông đã từng qua Ấn Độ, Thái Lan, Miến Điện, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch… để chính ông được chứng kiến và phỏng vấn từng “case / trường hợp” trước khi ông viết 2500 bài tường trình).

    – Phái tính (gender)

    – Tôn giáo



    Xin mời đọc …



    MINH CHỨNG VỀ TÁI SINH: Bài 2

    CÂU CHUYỆN TÁI SINH CỦA CHUEY PUANG PEI / AMPAN PETCHERAT TẠI THÁI LAN



    CHUEY PUANG PEI CHẾT ĐUỐI

    Cậu bé Chuey Puang Pei sinh năm 1946 tại Thái Lan. Người cha của Chuey tên là Tai Puang Pei và mẹ tên là Tong Bai Puang Pei. Chuey có một người anh tên là Chuan và một người chị tên là Khao.

    Gia đình này sống trên một kinh lạch tại Thái Lan. Những kinh lạch này nối với những con sông lớn của đất Thái. Dân Thái thường hay chèo thuyền để di chuyển, giống như dân Ý chèo thuyền trên những con kênh ở Venice bên Ý Đại Lợi vậy.

    Chuey sống tại làng Bang Chan có kinh lạch mang tên là Klong Bang Chan. Tuy sống trên sông nước, ấy vậy mà cu cậu này lại không hề biết bơi. Năm 1950 khi được 4 tuổi, Chuey đứng trong bờ lạch nước Klong Bang Chan với người chú tên là Klah Puang Pei và anh trai Chuan lúc bấy giờ mới 8 tuổi. Hai anh em Chuey và Chuan đứng chơi dưới nước ở bờ lạch. Thế rồi người chú và anh trai chẳng thấy Chuey đâu. Mới vừa rồi Chuey vẫn còn đang đứng chơi ở ven bờ mà sao bây giờ lại không thấy hắn đâu. Bỗng nhiên một người nhìn thấy xác của Chuey nổi trên mặt nước. Khi được mang lên bờ thì Chuey đã tắt thở. Chuyện chết đuối này thường hay xẩy ra cho con nít ở nhiều vùng kinh lạch tại Thái Lan.

    Người chú (Klah Puang Pei) cho biết Chuan (anh trai của Chuey) thường hay đùa rỡn với em trai dưới nước. Gia đình mang xác Chuey tới một chùa tại Klong Bang Plee Noi để hỏa thiêu, lúc đó Chuey mới 4 tuổi (chết năm 1950), anh trai Chuan sau đó trở thành một nhà sư.

    CHUEY TÁI SINH TRỞ THÀNH CON GÁI MANG TÊN LÀ AMPAN

    Ampan Petcherat là một bé gái sinh năm 1954 tại làng Song Klong bên bờ lạch mang tên Song Klong.

    Làng Song Klong cách xa làng Bang Chan (nơi mà Chuey đã sinh sống) khoảng 15km. Dân chúng phải di chuyển bằng thuyền giữa 2 làng này. Làng Song Klong cách Bang Kok chừng 37km.

    Cha của Ampan tên là Yod, mẹ là Kim Saum. Khi bé Ampan biết nói, Ampan cho biết Yod không phải là cha của bé và Kim Saum cũng không phải là mẹ của bé. Bé có cha mẹ khác. Ampan còn cho biết bé đã có một người anh trai trong kiếp trước, nay sắp trở thành một nhà sư.

    Cha mẹ của Ampan ly hôn lúc bé hãy còn nhỏ. Ampan và mẹ, Kim Saum, rời chỗ ở đến làng Klong Darn cách làng cũ 7km. Khi bé Ampan được hơn một tuổi, bé cho mẹ Kim Saum biết bé đã có cha mẹ sinh sống tại làng Klong Bang Chan. Bé cho biết kiếp trước bé là con trai và bé tả cho mẹ biết nhà cũ trong kiếp trước của bé.

    Bé đã khóc khi kể với mẹ Kim Saum về căn nhà cũ và bé rất muốn về thăm căn nhà đó. Ampan cho biết kiếp trước đã chết đuối sau khi bị rắn cắn. Ampan cứ lâu lâu lại kể về kiếp trước của mình. Bé còn nói tên kiếp trước của bé là Chuey nữa.

    AMPAN NHẬN DIỆN ĐƯỢC LÀNG CŨ VÀ NGƯỜI CÔ RUỘT

    Hàng năm, sau mỗi vụ mùa màng, Kim Saum thường chèo thuyền chở hàng đi bán rong trong vùng Klong Bang Chan.

    Khi Ampan được 18 tháng, Kim Saum đem con đi theo mỗi khi đi bán hàng. Ampan nhận diện được khu này, và nói với mẹ là bé đã biết khu vực này khi còn là con trai trong kiếp trước.

    Khi Ampan được 7 tuổi, cô nàng nhận diện được người đàn bà đang đi trên đường làng Klong Darn mà khi xưa hai mẹ con đã sống. Ampan gọi người đàn bà này bằng “Dì”. Bà ta chưa bao giờ gặp mẹ con của Ampan nên chẳng nói gì với Ampan hết.

    Lần sau khi Ampan gặp lại người đàn bà này, cô nàng lại “chào Dì ạ!” với bà ta. Lần này bà ta dừng chân và hỏi tại sao cô nàng lại biết bà ta. Ampan trả lời: “Dì là chị ruột của mẹ con!” Ampan ôm dì và xin dì mang cô bé đến thăm gia đình cũ của bé. Bà này tên là Joy Ruang Gun và đích thực là dì ruột của cu cậu Chuey ngày xưa.

    AMPAN NHỚ ĐƯỢC TÊN CỦA CHA MẸ, NHÀ CŨ VÀ NƠI HỎA TÁNG TRONG KIẾP TRƯỚC

    Bà Joy vặn hỏi: “Thế thì tên cha mẹ con là gì?” Ampan trả lời: “Tên cha con là Tai, mẹ con tên là Bai.”
    Ampan còn cho biết tại căn nhà tiền kiếp của bé cũng có bụi tre xanh ở trước nhà với hai cái chum mầu gạch đỏ nữa. Ngày xưa còn có 2 con chó mầu đỏ và 3 con trâu tại căn nhà trong tiền kiếp. Ampan cho biết khi đang chơi dưới nước trong tiền kiếp, Ampan / Chuey đã ngã xuống nước rồi chết đuối. Bé cho biết người đã mang xác của Chuey tới chùa Wat Bang Plee để hỏa thiêu. Bà Joy thấy đúng quá, bèn mang hai mẹ con Ampan tới gặp gia đình của Chuey.

    AMPAN NHẬN DIỆN CHA MẸ, ANH TRAI VÀ NƠI CHẾT ĐUỐI TRONG TIỀN KIẾP

    Khi Ampan được đẫn tới Klong Bang Chan và căn nhà trong tiền kiếp, cô bé Ampan chạy ngay tới bà Tong Bai (mẹ của Chuey), ôm chặt lấy bà và gọi “Mẹ!”. Lúc đó cha của Chuey chưa có nhà. Ngay sau đó, Tai (cha của Chuey) vừa chèo thuyền đến bến cùng với 2 người đàn ông khác. Mọi người bắt Ampan cho biết cha (trong kiếp trước) của bé là ai. Mặc dù rằng mọi người cố tình muốn đánh lừa Ampan nhưng mà cô bé đã nhận ngay ra được người cha trong tiền kiếp của cô bé.

    Khi Ampan nhìn thấy Khao, cô bé chỉ tay vào Khao và reo lên: “Chị ơi!” Khi xem cảnh vật xung quanh nhà, Ampan cho biết ngày xưa có nhiều cây chuối, cây dừa nữa. Ampan còn nói rằng ngày xưa có 2 căn nhà, thay vì 1 căn. Ampan nói rất đúng: lúc Chuey còn sống trong vườn có nhiều cây chuối và cây dừa, nhưng sau khi Chuey đã mất, gia đình chặt hết. Ngoài ra, một căn nhà cũng đã bị dỡ đi sau khi Chuey đã chết. BS. Ian Stevenson (GiáoSư Y Khoa Hoa Kỳ chuyên môn nghiên cứu về Tái Sinh, Luân Hồi tại nhiều nơi trên thế giới) lấy làm ngạc nhiên khi thấy Ampan đã nhận xét rất đúng nhiều chi tiết về căn nhà đó.

    Ampan còn chỉ rõ nơi nào khi cô nàng còn là Chuey đã chết đuối nữa.

    TẠI NHÀ CHÙA AMPAN ĐÃ NHẬN RA NGƯỜI ANH, HỌ HÀNG & BẠN BÈ TRONG TIỀN KIẾP

    Rời căn nhà cũ, Ampan được dẫn tới chùa tại Bang Plee Noi và đi thăm người anh của Chuey nay đang là một nhà sư. Tại chùa, trong số các vị sư đang tu hành, Ampan nhận ra được Chuan (người anh trong tiền kiếp). Cả Chuan lẫn Ampan đều cùng khóc trong lúc hội ngộ này.

    Trong đám các vị sư này còn có một người bà con của Chuey tên là Sa Ing mà Ampan đã nhận diện được. Ampan chỉ tay về phía một nhà sư trẻ tên là Sak và cô nàng nói: “Nhà sư này là con trai của bác Nang Pad”.

    Ngày xưa Chuey đã quen với Sak; Sak đích thực là con trai của bác Nang Pad.

    CÂU CHUYỆN VỀ CHẾT ĐUỐT VÀ SỢ RẮN CỦA AMPAN

    Có một điều hơi trái cựa về cái chết của Ampan trong tiền kiếp theo lời kể của Ampan và lời mô tả của cha mẹ cậu bé Chuey.

    Theo trí nhớ của Ampan, Chuey đã đứng chơi trong nước không sâu, gần bờ lạch, Chuan tới kéo chân Chuey. Thế rồi, cũng theo lời kể của Ampan, Chuey đã bị rắn nước cắn ở phía chân phải, nên đã ngã xuống nước rồi chết chìm. Điều này gia đình Chuey không hề biết. Theo sự nhận xét của BS Ian Stevenson: có rất nhiều rắn nước sống trong các kinh lạch ở Thái Lan và chúng cắn người mà không hề để lại một vết sưng nào hết. Theo cách suy đoán của BS Stevenson, rất có thể Chuey đã bị rắn cắn mà người anh và chú của Chuey không hề hay biết, nhất là vết rắn cắn.

    BS Stevenson tự hỏi: “Liệu có đủ thì giờ, để mà nọc độc của rắn đã làm cho Chuey chết một cách quá nhanh? Nên nhớ rằng Chuey vừa mới ở bên bờ lạch nước mà tại sao tự dưng biến đâu mất để rồi một người kiếm thấy xác đã bị chết chìm?”

    GS BS Stevenson cho rằng có thể Chuey đã quá sợ khi nhìn thấy 1 con rắn và trong lúc chạy trốn, bị trượt chân dưới nước, ngã xuống rồi chết đuối?

    Ampan rất sợ rắn, nguyên nhân chính có lẽ là đã bị ám ảnh bởi vụ rắn cắn trong nước để rồi thiệt mạng trong vụ chết chìm khi còn là cậu bé Chuey?

    AMPAN LA MẮNG ANH CHUAN ĐÃ LÀM EM CHUEY THIỆT MẠNG

    Ampan khư khư cho rằng vì Chuey bị Chuan kéo chân trong nước mà đâm ra bị chết chìm. Người chú (tên Klah Puang Pei) cũng cho biết Chuan đã khoèo chân Chuey. Chuan lúc đó 8 tuổi, phủ nhận việc kéo chân em. Điều đáng chú ý nhất: khi Ampan đã nhận diện được nhà sư Chuan ở chùa, hai anh em đã ôm nhau mà khóc, sau đó Ampan đã đay nghiến Chuan về vụ anh Chuan đã làm cho em Chuey chết đuối.

    Một điều đáng được chú ý nữa: Ampan đã rất sợ rắn nhưng mà cô nàng lại không hề sợ nước.

    KINH NGIỆM VỀ THIÊN ĐÀNG CỦA AMPAN

    Khi BS Ian Stevenson gặp Ampan vào năm 1966, ông ta đã hỏi Ampan nhớ được những gì trong khoảng thời gian từ năm 1950 (khi Chuey chết) đến năm 1954 (khi Ampan sinh ra).

    Ampan cho biết sau khi xác của Chuey đã được hỏa táng, một người đàn ông – tạm gọi là người 1 – đã mang cu cậu Chuey đến một nơi có rất nhiều người chết và được giới thiệu với “ông Trùm”. Rồi Chuey đi với người 2 tới Thiên Đàng. Ở Thiên Đàng, Chuey gặp người 3, to con, sắc diện mầu đen, mặc quần áo mầu trắng trông hiền từ. Rồi người 2 mang Chuey về với người 1. Ampan cho biết cô nàng /cu cậu Chuey được cho ăn một trái cây. Sau khi ăn xong trái cây, Ampan sinh ra đời.

    TÁI SINH VÀ ĐỔI PHÁI TÍNH: AMPAN CÓ TÍNH NẾT NHƯ CON TRAI

    Khi Ampan còn nhỏ, cô nàng trông như con trai, thể hiện nam tính của Chuey trong kiếp trước.

    Mẹ của Ampan cho biết cô nhỏ thích mặc quần áo như con trai: thích mặc quần tây thay vì váy đầm. Ampan chơi thể thao như con trai, cô nàng thích đánh box. Năm 1968, khi Ampan 14 tuổi, cô cho BS Stevenson biết cô nàng thích được sống như con trai, vì đàn ông được tự do hơn. BS Stevenson còn nhận thấy Ampan đi đứng như phái nam. Năm 1969, Ampan vẫn thích đánh box và cô nàng ao ước được trở thành con trai và cô ta không thích có bạn trai giống như các cô gái khác khi mới lớn.

    TÁI SINH – ĐỒNG PHÁI TÍNH (HOMOSEXUALITY)

    Ampan ước ao trở thành đàn ông, vì kiếp trước cô ta là con trai và có những cá tính khá giống như trong trường hợp của bài viết: “Tái Sinh của một người lính Nhật / Ma Tin Aung Myo” (chúng tôi sẽ viết trong bài 3).

    Bài này mô tả một chàng lính Nhật đã chết trận trong Đệ Nhị Thế Chiến, tái sinh thành một phụ nữ người Miến Điện tên là Ma nhưng nàng Ma có tính khí như đàn ông và lại rất thích đàn bà. Ma trở thành 1 người đồng tính luyến ái trong nữ giới (lesbian).Trường hợp này (case/case study) hé mở cho chúng ta biết thêm ít nhiều về homosexuality (đồng tính luyến ái trong nam giới), lesbianism (đồng tính luyến ái trong nữ giới), và những vấn nạn về phái tính (gender identity issues).

    BS Ian Stevenson đã theo dõi và kiểm chứng 1200 trường hợp về tái sinh trong đó có nhiều đứa bé còn nhớ rõ được tiền kiếp của chúng. Đặc biệt là chỉ 10% trường hợp của tái sinh có phần đổi phái tính (gender change from one lifetime to another lifetime). Có lẽ vì vậy mà đã xẩy ra nhiều vụ con người sau khi đã được tái sinh qua phái tính trái ngược với phái tính trong tiền kiếp nhưng họ vẫn chưa quen với sự việc mình đã đổi phái tính từ nam sang nữ hay từ nữ sang nam, cho nên họ “vẫn quen đường cũ” trong cách ăn mặc, suy nghĩ, điệu bộ … như trong kiếp trước. Cũng có thể là trong thâm tâm, họ không muốn đổi phái tính cũ của họ trong tiền kiếp.

    NGUYÊN TẮC TRONG TÁI SINH – TIM HIỂU TIỀN KIẾP :

    NỖI SỢ TỪ TIỀN KIẾP

    Ampan đã rất sợ rắn, có lẽ vì cô ta vẫn còn nhớ đã bị rắn cắn trong kiếp trước và do đó đã bị chết đuối.

    ĐỔI PHÁI TÍNH (gender)

    Cu cậu Chuey đã tái sinh thành nàng Ampan. Từ lúc còn bé đến tuổi dậy thì, Ampan chỉ thích ăn mặc như con trai, chơi thể thao như con trai: thích đánh box và có dáng đi như con trai. Ampan cho BS Ian Stevenson biết rằng cô ta chỉ muốn là con trai mà thôi. Tuy nhiên, sau khi lớn lên Ampan đã lấy chồng là đàn ông.



    Xin đón đọc Bài 3



    Đàm Trung Phán

    Jan 2015


    Mississauga, Canada



    Viết theo tài liệu:

    Reincarnation Case of Chuey Puang Pei | Ampan Petcherat, Researchers: Francis Story and Ina Stevenson, MD; Article by Walter Semkiw, MD”

    Tài liệu nghiên cứu của “Institute for the Integration of Science, Intuition and Spirit” (Viện Khảo Cứu Tâm Linh Phối Hợp Khoa Học, Trực Giác và Vong Hồn)

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X