Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đồng Đội Đồng Môn

Collapse
X

Đồng Đội Đồng Môn

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đồng Đội Đồng Môn

    Đồng Đội Đồng Môn
    Song Vũ
    Ngô Văn Xuân K17
    .


    Tháng 4/1963, sau khi trình diện Tiểu Đoàn 3/11/SĐ7BB, tiểu đoàn trưởng là Đại Úy Chính, tôi được điều về Đại Đội 1 thay thế niên trưởng Ngô Gia Tiến Khóa 16 mới bị thương trong cuộc hành quân vùng Đức Hòa Đức Huệ thuộc tỉnh Long An. Tiểu Đoàn 3/11 lúc đó có hai niên trưởng K16 là đại đội phó, đó là NT Ngô Gia Tiến và Hòang Lê Cường, còn Khóa 17 thì có tôi và Nguyễn Tiến Mão cùng làm trung đội trưởng. Cả hai ông đàn anh đều điềm đạm ít nói, niên trưởng Tiến thỉnh thoảng còn chịu đấu láo với đàn em mỗi khi ngồi nhậu lai rai còn niên trưởng Cường là con mọt sách! Ít khi nào thấy anh bỏ cuốn sách, thậm chí ngay trong cả lúc đại đội nghỉ dừng quân, vì anh đang theo học hàm thụ tại đại học Luật Khoa Sài Gòn, Đại úy Chính có lần nói chọc:

    _ “Thiếu Úy Cường tính học cử nhân tiến sĩ gì đây?”

    Ở chung với nhau được hai tháng, niên trưởng Tiến thuyên chuyển về Trường Võ Bị, đến đầu năm 1964 niên trưởng Cường thay thế Đại Úy Nghiêm làm đại đội trưởng. Khi tiểu đoàn đóng quân tại chợ Bến Tranh Mỹ Tho, yểm trợ cho các toán xây dựng nông thôn hoạt động. Đám du kích thuộc ấp Hòa Thạnh thường hay men theo sông Bảo Định bắn tỉa qua khu bộ chỉ huy tiểu đoàn hoặc trời tối, ra quốc lộ 4 chặn xe đò, đặt mìn, đắp mô. Đại Đội 2 của anh Cường trách nhiệm an ninh khu vực này, đã nhiều lần cho đi diệt toán du kích nhưng không thành công.

    Một hôm họp hành quân, Đ/Úy Dương Văn Tư, (thay Đ/Úy Chính bị thưong) nói:

    _ “Sao Th/Úy Cường chịu thua mấy thằng du kích này à?”

    Anh Cường có vẻ bực nhưng không nói gì và ngay sau buổi họp chiều hôm đó, anh đích thân lựa ra một trung đội do chính anh chỉ huy đi phục kích, và trời không phụ kẻ lòng người “tự ái cùng mình”, khi 4 tên vi xi gồm 3 tên đi đầu cầm súng, tên đi cuối cầm ống loa vừa đi vừa đấu láo trên lộ mòn cặp theo ven sông xuất hiện thì dĩ nhiên là chẳng tên nào thoát, và 3 cây súng bá đỏ cùng một ít lựu đạn nội hóa và ống loa nhôm được triển lãm tại chợ Bến Tranh vào sáng hôm sau! Từ đó ấp Hòa Thạnh an ninh hơn các ấp chung quanh và các toán xây dựng nông thôn đi lại tuyên truyền thoải mái.

    Hơn tháng sau vì có vụ “cãi cọ to tiếng” do tôi không chịu đựng nổi kiểu chửi bới tục trong máy truyền tin của Đ/úy TĐP Đặng S, tôi bị điều đi Tiểu Đoàn 2/11. Niên trưởng Cường ba tháng sau cũng thuyên chuyển. Năm 1973 khi về phép Sài Gòn tôi thấy hình ảnh của anh đặt trên khu bùng binh chợ Bến Thành. Anh được tuyên dương anh hung quân đội khi quyết tâm chiến đấu tới cùng lúc anh làm quận trưởng Bồng Sơn, tiểu khu Bình Định.

    Cuối năm 1967, khi tôi về làm TĐP/TĐ2/11 cho niên trưởng Nguyễn Văn Tạo K16, anh giới thiệu một số sĩ quan, tôi nhận ra ngay Ngô Gia Truy là em anh Ngô Gia Tiến K16. Cả hai giống nhau lạ lùng, nét mặt như lúc nào cũng đang mỉm cười, nếu có khác chăng là Truy vui vẻ nhanh nhẹn hơn còn tinh thần chịu chơi thì… ngang nhau! Cùng Khóa 21 với Truy lúc đó ở tiểu đoàn còn có Nguyễn Đào Đoán và Phạm Ngọc Tài, Khóa 19 có Trần Tấn Trung, Khóa 22 có Bùi Văn Nữa. Truy là ĐĐT/ĐĐ3, Tài là sĩ quan hành quân, Đoán và Nữa là đại đội phó.

    Tôi có nhiều kỷ niệm khó quên với Truy: Ngày mồng một Tết Mậu Thân khi đưa quân về giải tỏa Mỹ Tho, Tiểu Đoàn 2/11 lúc đó đang đóng trong doanh trại tại căn cứ Đồng Tâm. Đại úy Tạo tiểu đoàn trưởng được sư đoàn cho về thăm nhà 1 tuần, 20% quân số cũng luân phiên nghỉ phép nên khi nhận lệnh hành quân, kiểm điểm toàn bộ quân số tiểu đoàn tham chiến chưa tới 180 quân nhân. Đại đội của Truy được khoảng hơn 40. Đơn vị bắt đầu chạm súng từ lúc vượt qua ngã ba Đạo Lương chừng năm trăm mét. Súng nổ vang trời đất, cho dù chưa hề tác chiến trong đường phố nhưng vì bản năng sinh tồn, đơn vị làm quen rất nhanh kiểu đánh này, lục soát từng nhà, chiếm các cao ốc để yểm trợ nhau tiến vào. Tôi thấy Truy đứng sau một thân cây gạo cổ thụ, chỉ trỏ căn nhà phía bên kia lộ có toán VC núp trên ban công, bắn chặn đường tiến quân của ĐĐ3, tôi chạy lên chỗ Truy để tìm cách điều động ĐĐ2 lên song song và tiêu diệt ổ kháng cự này. Khi tôi vừa tới chỗ gốc cây Truy núp, hắn nheo mắt cười rồi lấy ra cuốn sổ tay ghi chép danh sách lý lịch quân nhân trong đại đội đưa cho tôi coi, Truy nói: cuốn sổ tay để lộ ra một đầu đạn AK xuyên thủng 2/3 cuốn sổ, xuyên qua lớp vải chiếc áo jacket rồi dừng lại ở đó, Truy ra khoe với tôi:

    -“Niên trưởng coi này”!

    Tôi cầm cuốn sổ tay ngắm nghía, cuốn sổ nằm ngay túi trái của chiêc áo, bị viên đạn AK xuyên qua áo giáp, xuyên qua 2/3 cuốn sổ, rồi bị kẹt nằm lại, chỉ cần 1/3 phân hoặc không có cuốn sổ, đầu đạn sẻ xuyên thủng tim Truy!

    Truy quay qua nói với tôi:

    - “Tôi sẽ bọc vàng đầu viên đạn này để làm bùa hộ mệnh niên trưởng ạ.”

    Sau này, trong câu chuyện vui khi gặp nhau tôi hỏi:

    “Giờ này chú mày còn giữ được viên đạn bùa hộ mệnh đó không?

    Truy cười bảo:

    - “Sau ngày niên trưởng đi học, đàn em bị thương suýt chết mấy lần, so ra viên đạn đó có thấm gì!”

    Tháng 3/1968 tôi được trung đoàn cho đi học lớp chỉ huy tham mưu trung cấp tại Đà Lạt, hôm vừa thi xong môn cuối cùng, tôi nhận được hung tin Tiểu Đoàn 2/11 bị đặc công Việt Cộng nội tuyến đột kích, gây tử thương cho TĐT Nguyễn Văn Tạo K.16, ban 3 là Thiếu úy Phạm Ngọc Tài K21, TĐP là Trần Tấn Trung K19, tiếp liệu Th/Uy Thới!

    Đọc tin trên tờ cáo phó, tôi bàng hoàng không tin vào mắt mình. Khi mãn khóa học chừng một tuần lễ sau đó, tôi trở lại Mỹ Tho đi thẳng tới khu doanh trại của tiểu đoàn để tìm hiểu sự việc ra sao. Tiểu đoàn đi hành quân, căn trại trống vắng hẳn, Tr/Sĩ I Tâm dẫn tôi đi từng khu nhà rồi kể cho tôi mọi diễn tiến sự việc, Tâm kể:

    -“Buổi sáng 17 tháng 6, toán tân binh vừa được bổ sung về tiểu đoàn mình mới được huấn luyện xong tại trung tâm huấn luyện sư đoàn ở Bình Đức. Toán tân binh này bị đặc công VC trà trộn ngay từ lúc nhập ngũ. Buổi chiều hôm đó, Trung Úy Ngô Gia Truy cùng người bạn lái chiếc xe Dolphin xuống thăm Đại Úy Tạo, đến gần 10 giờ tối em mời Trung Úy Truy cùng người bạn xuống chỗ em hút thuốc lào uống nước trà. Ngồi chưa bao lâu thì nghe súng và tiếng lựu đạn nổ loạn xạ, cùng tiếng la tiếng hét lung tung. Trung Úy Truy vội chạy qua đại đội cũ xem tình hình đang xảy ra. Sau khi biết BCH/TĐ đang bị đặc công VC tấn công, Trung Úy Truy ra lệnh tất cả binh sĩ tiểu đoàn phải ở nguyên vị trí, ai chạy trên sân coi như VC, mọi người có quyền bắn bỏ. Chính nhờ các lệnh này mà chúng em đã tiêu diệt được các toán đặc công chạy lang thang trong doanh trại và đại đội ứng chiến bên ngoài cũng tiêu diệt được một mớ khi chúng tháo lui qua vòng rào. Ngưng một lát, Tâm kể tiếp:

    - “Sáng sớm hôm sau, kiểm tra tổn thất, các sĩ quan thuộc BCH/TĐ tử thương. Trước khi Phòng 2 và Phòng 3 Sư Đoàn xuống coi tình hình thì Trung Úy Truy và người bạn lên xe dông luôn. Tr/Úy Truy vì đang nghỉ dưỡng thương, đâu có nằm trong quân số tiểu đoàn, nhưng là đại đội trưởng thâm niên trong tiểu đoàn, khi biết bộ chỉ huy không còn ai lên máy nên Tr/Úy Truy mới điều động được, xong việc rồi thì ổng nói ông ấy phải chuồn thôi, chẳng lẽ mặc quần áo civil chờ đeo huy chương à?”.

    Sau này tôi hỏi lại Truy câu chuyện Tr/S1 Tâm kể, Truy cười bảo:

    - “Tâm nó nói đúng đó, sau khi tiêu diệt hết toán đặc công, sáng ra khi nghe tin có phái đoàn của Sư Đoàn xuống thanh tra, em và thằng Thạc K21 leo lên xe lái ra Mỹ Tho ăn sáng rồi dông về Sài Gòn. Sau khi kết thúc cuộc tấn công, khi nghĩ lại thấy Thạc còn sống, em mừng hết biết, nếu giả dụ tên bay đạn lạc, em thì dẫu sao cũng là sĩ quan của tiểu đoàn, nhưng thằng Thạc từ Sư Đoàn 2 về Sài Gòn nghỉ phép, ham vui theo em xuống Mỹ Tho chơi cho biết, nếu có mệnh hệ gì thì không biết ăn nói làm sao với bà già nó”!

    Năm 1973, trong dịp về phép Sài Gòn, đọc tin trên báo chí, tôi lại thêm một lần sững sờ khi được tin Ngô Gia Truy đang là TĐT/TĐ404, một tiểu đoàn ĐPQ vang danh tại tiểu khu Vĩnh Bình, không thua bất kỳ một đơn vị nào. Khi nhắc chuyện xưa, Truy cười bảo:

    -“Cũng là cái số thôi niên trưởng ạ, giữa năm 1968, sau khi nghỉ dưỡng thương xong, tôi về lại Tiểu Đoàn 2/11, lúc đó Thiếu Tá Trương Văn B là TĐT. Em chịu không nổi cách làm việc của ông B… nên xin trung đoàn cho qua Tiểu Đoàn 3. Ở đây em lại đụng độ với ông tiểu đoàn trưởng mới mà tụi sĩ quan chúng em gọi là “chú Tư Cầu”. Trong một lần ông ấy nói tiếng “đức” với em, thế là em nổi máu cao bồi, rút súng ra “ phơ” xuống đất gần chỗ ông đứng mấy phát, ổng bỏ của chạy lấy người. Em lãnh củ và trả về sư đoàn, sư đoàn đẩy luôn lên tới Vùng và em bị qua địa phương quân”.

    “Lúc đầu nghe tin mình chuyển qua ĐPQ em cũng bất mãn lắm, em làm đơn khiếu nại, cuối cùng em gặp Đại Tá TMT, ông ấy bảo: “chẳng có đơn vị nào là dở, chỉ có cấp chỉ huy dở thôi, nếu trung úy nghĩ là mình được đào tạo căn bản và có khả năng thì đây là cơ hội để cho trung úy thi thố đấy”.

    “Em cứng họng, vả lại cũng quá mệt mỏi với vụ khiếu nại này rồi thành ra em tự nhủ thầm: “Cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay vần đến đâu!” và em về ĐPQ. Trong một trận giải tỏa áp lực địch, em được đặc cách thăng đại úy.

    Sau đó niên trưởng Lê Hữu Đông K17, tiểu đoàn trưởng, em là tiểu đoàn phó dẫn tiểu đoàn xuống trung tâm huấn luyện Thất Sơn và thành lập TĐ404/ĐPQ của tiểu khu Vĩnh Bình. Cuối năm 1969, NT Đông bị tử thương, em thay NT Đông làm tiểu đoàn trưởng. Từ đó đơn vị trở thành lực lượng tổng trừ bị thay thế nhiệm vụ của các đơn vị BĐQ và SĐ9. Tả xung hữu đột thét rồi thành quen, hành quân lien tục, đụng độ tơi bời, thắng nhiều trận, tiểu đoàn trở thành nổi tiếng cả Vùng 4. Chỉ trong vòng 4 năm 69-73 em hai lần thăng cấp đặc cách tại mặt trận, được 7 lần tuyên dương trước quân đội, một thành tích mà hồi còn ở Sư Đoàn 7 em nghĩ khó mà có được”.

    Trở lại chuyện của tôi, sau khi tốt nghiệp khóa CHTM, tôi xin trở về lại đơn vị cũ, dù có sự can thiệp của Trung Tá Trần Tiến Khang Trung Đoàn Trưởng TrĐ11 cũng không thành, tôi đành vác ba lô ra trình diện Sư Đoàn 23 tại Ban Mê Thuột.

    Năm 1972 khi SĐ23 hành quân tiếp cứu Kontum, tôi có khá nhiều kỷ niệm buồn vui với trận đánh này với các đồng môn khác. Tôi mới chỉ là thiếu tá thôi, vì lý do nào đó mà Tướng Lý Tòng Bá chỉ thị tôi cầm quân chỉ huy hành quân cấp trung đoàn trong khi còn 2 vị cao cấp hơn thì… Nhưng cũng nhờ được cầm quân trong dịp này tôi mới thấy tài chỉ huy và tinh thần trách nhiệm của những đồng môn, tôi hãnh diện được chiến đấu với các tiểu đoàn trưởng thuộc K19 là Nguyễn Xuân Phán, Đặng Trung Đức, cùng trung tâm HQ Võ Quang Giáng, làm việc với ba K19 này khiến trách nhiệm trung đoàn trưởng của tôi nhẹ nhàng, cám ơn các bạn đồng môn. Rất tiếc Th/Tá Đặng Trung Đức đã hy sinh trong nhựng cuộc hành quân sau đó.

    Năm 2012, khi xuống Nam Cali thăm bạn, tôi phone cho Truy ra quán ngồi uống cà phê. Vẫn dáng dấp gầy còm cao lêu khêu, khóe mắt như lúc nào cũng cười. Hai anh em ngồi nhâm nhi cà phê, ngoài trời một cơn mưa nặng hạt bất chợt đổ xuống, nhìn những giọt mưa hắt lên khung kính, Truy nói:

    - “Em mới đọc được bài viết của niên trưởng về chiến trường Đồng Tháp “Trời Mưa Nhớ Người”, đọc xong em thấy nhớ tới những ngày anh em mình cùng chung đơn vị với niên trưởng Tạo quá chừng!”

    Bất giác tôi nói với Truy:

    - “Anh cũng vậy, mỗi lần trời mưa, nhớ về chiến trường Đồng Tháp, anh lại thấy bồi hồi. Rồi nghĩ tới chuyện của Truy “bị đì” mà lại có dịp thi thố khả năng, trong quân ngũ, mỗi lần gặp nghịch cảnh hình như là dịp thử thách, và chính nhờ sự thử thách này, chúng ta sẽ trưởng thành nhanh hơn và hiểu ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống hơn. Trong suốt thời gian chiến đấu, Truy có kỷ niêm nào khó quên?” Suy nghĩ ít giây, Truy trả lời:

    - “Kỷ niệm đáng nhớ nhất là trận đánh tại xã Nhị Trường, Quận Trà Cú năm 1973, khi xã này bị VC vây, bị tràn ngập, em đưa tiểu đoàn đến ứng cứu, chạm địch từ 10 giờ sáng mà tới 11 giờ đêm mới thanh toán xong chốt cuối cùng. Khi vào văn phòng xã, anh có biết em gặp ai không? Em gặp lại Trung Tá Phạm Quang Mỹ, sĩ quan cán bộ hồi đó anh nhớ không? Em đến trước mặt Trung Tá Quận Trưởng chào và xưng danh: “SVSQ Ngô Gia Truy Khóa 21 trình diện Trung Tá”. Trung Tá Mỹ ôm chầm lấy em cảm động rơi nước mắt, ông không ngờ trong giây phút hiểm nghèo một học trò xuất hiện tới cứu sư phụ”

    Tôi hỏi Truy:

    -“ Bộ cậu không biết ông làm quận trưởng Trà Cú à?”

    Truy lắc đầu:

    - “Em đâu có biết cho tới khi gặp ông thày mới hay thôi!”

    Cả hai chúng tôi đều cười về lời nhận xét dí dỏm này của Truy. Ngoài trời mưa ngày càng nặng hạt hơn.

    Song Vũ (Tháng 3/2014)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X