Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đọc Marguerite Duras nhớ Sàigòn

Collapse
X

Đọc Marguerite Duras nhớ Sàigòn

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đọc Marguerite Duras nhớ Sàigòn


    Đọc Marguerite Duras nhớ Sàigòn-Nguyễn Mạnh Trinh

    28/09/2016
    Ðọc Marguerite Duras, chợt nhớ Sài Gòn. . .




    Marguerite Duras thời trẻ

    Ðất nước của Marguerite Duras, cuộc đất từ thuở nguyên thủy, nơi chốn mà bà vẫn đinh ninh là quê kiểng của mình từ lúc sinh ra đến khi cuối đời, là Ðông Dương (Indo-China). Ðiều ấy đã thành một khuôn mẫu rõ nét trong văn chương và đời sống bà…” Laure Adler, trong cuốn sách “Marguerite Duras, A Life” đã mở đầu chương sách thứ nhất như thế. Trong lần gặp gỡ để viết một tác phẩm ghi chép lại chân dung một nhà văn nữ nổi tiếng vào bậc nhất của văn học thế giới thế kỷ hai mươi, Adler đã dành nhiều chương để nói về những nơi chốn mà Marguerite Duras đã để lại nhiều kỷ niệm. Những nơi chốn của địa danh Việt Nam: Sài Gòn, Gia Ðịnh, Vĩnh Long, Sa Ðéc, Hà Nội… Ít có một ai, lại yêu mến đất nước Việt nam như bà. Trong một cuộc phỏng vấn, bà thố lộ: “Tôi yêu những người nghèo, ở đó tôi tìm được những nét thuần lương chịu đựng. Tôi cũng là một người Pháp nhưng nghèo như họ và tôi cũng hiểu được thế nào là sự áp bức của những người Pháp thực dân. Do đó nhiều lúc tôi như có sự bức bối của những điều cần bầy tỏ”.

    \

    Marguerite Duras là một người Pháp nhưng sinh đẻ ở Gia Ðịnh, năm 1914, ngày 4 tháng Tư. Cha là một giáo sư toán và mẹ là một cô giáo tiểu học nhưng gia đình bà cũng không sung túc lắm. Từ khi mới sanh ra đến lúc mười tám tuổi nơi cư ngụ chính là Sài Gòn, một thành phố mà theo bà có những nét đẹp làm bà không thể quên được. “Tôi không có một ý nghĩ nào về thời thơ ấu của tôi ngoại trừ nước. Thành phố của tôi là một thành phố xây dựng trên nước, bên bờ những con sông rạch. . . ” Bà từ trần năm 1996 và ở ngôi mộ của bà trong nghĩa trang Montparnasse ở Paris là một bia mộ xám nghiêm trang khắc hai đóa hoa và hai chữ viết tắt: M. D. của tên tuổi Marguerite Duras, với hai hình ảnh khắc họa hai chân dung của hai thời kỳ, một của một cô bé ngây thơ đầy khêu gợi trên chuyến bắc ngang qua sông Cửu Long đội mũ đỏm dáng với đôi môi tô son đỏ thẫm, và, một của thiếu phụ với khuôn mặt và thân thể bị tàn phá bởi nghiện rượu, mặc một bộ trang phục thanh nhã. Bà đã nhiều lần điều trị bằng hóa học và chịu 5 tháng bị “coma”. Trước giây phút bà từ bỏ cõi đời đôi môi bà còn mấp máy chữ “Ecrire. ” Bà vẫn muốn viết, vẫn tha thiết với nghiệp dĩ cầm bút của mình. Bà đã viết và yêu những gì bà đã thổ lộ. Bà tự mình sử dụng những kỳ thú mà luân lý cần thiết để bắt bà sống và nghĩ trong một thế giới song hành với thế giới người khác. Tất cả năng lực của bà dồn vào cây bút và bà đã sống trong những chủ động hành động theo tâm thức bà. Khi tuổi mới mười lăm, bà đã nói với mẹ bà rằng điều duy nhất bà muốn là làm người kể chuyện và bà thực sự hứng khởi với tất cả những gì mà trong thời gian ấy chẳng có ai nhắc và để ý đến. Bởi vì, tất cả những mảnh hồi ức đau buồn đều được tinh lọc trong ngôn ngữ văn chương. Mối tình của bà với người đàn ông trưởng giả trong “L’Amant” (bản Anh ngữ “The Lover”) làm nhắc lại những nơi chốn, những phong cảnh mà bà không thể nào quên lãng được. Trong văn chương bà nhắc đến mùi hương thơm đặc biệt buổi sáng của thành phố Sài gòn, đến những phong cách, những sinh hoạt của khu phố Tàu ở Chợ Lớn, đến những đại lộ thênh thang rợp bóng mát của hàng cây me cổ thụ với những ngôi biệt thự rực đỏ mầu hoa sau hàng rào. Và, những tà áo trắng mà bà cho rằng khêu gợi một cách thơ mộng và thánh thiện của thiếu nữ Sài Gòn. Chữ “congais”đã thành một ngôn ngữ lãng mạn để ám chỉ những người thiếu nữ bản xứ. Có người đã phong chức “Ðại sứ của thời kỳ Ðông Dương không quên” cho bà. Qua tác phẩm, tràn đầy một không khí lãng mạn, của những nơi chốn đã in hằn thành nếp trong tâm thức. Bà chỉ sống ở Việt Nam đến năm 18 tuổi, trở về Pháp, học luật trước khi trở thành văn sĩ. Bà đổi tên từ Marguerite Donnadieu thành Marguerite Duras năm 1943, là tên làng xã trong Lot-et-Garonne nơi mà ngôi nhà của cha bà ở đó.


    Laure Adler kể có lần M. D. nói “Cô sẽ không tìm thấy bất kỳ một điều gì từ Việt nam. Ðể Yann (tên một nhân vật của “Yann Andrea Steiner”, mối tình cuối của mười năm chót của bà) dẫn cô đến bờ sông Seine, khoảng ba mươi kilô-mét từ Paris, chỗ khúc quanh của dòng sông, chỗ mà lá cây phủ làm nệm giường trên mặt đất bờ sông và trái đất trở thành một bọt biển khổng lồ. Ở đó, không giống như dòng sông Mekong. Mà, đích thực, nó là sông Mekong. Một dòng sông có thực. . . ” Adler đã làm theo, đến bờ sông Seine, nhướng mắt tìm kiếm. Không có gì lạ. Bây giờ là mùa thu, những cơn gió chướng lay động ánh đèn, sương mù như muốn che phủ một không gian tĩnh lặng. Không có một chút nào Việt Nam cả. Ở đây là xứ Pháp. Và tất cả như phủ định ý muốn kiếm tìm một nơi chốn mà M. D. luôn nghĩ về và tưởng tượng. Không có sông Mekong ở đây trong thế giới hiện thực của Laure Adler. Nó chỉ hiện hữu với M. D. trong niềm yêu mến vô bờ của riêng bà.


    Trong tiểu thuyết của M. D. có hai tác phẩm tràn đầy không gian và thời gian của một xứ thuộc địa của Pháp gọi là Ðông Dương. Ðó là “Un Barrage contre le Pacifique” (bản Anh ngữ “Sea Wall”) và “L’Amant” ( bản Anh ngữ “The Lover”). Có thể gọi đó là một phần đời của tác giả mà chất hồi ký tự thuật nhiều khi thật rõ nét. Cái chết của người cha đã mang gia đình vào sự túng quẫn tài chính. Những người con lớn lên vất vưởng trong đói kém như những người địa phương bản xứ. Người mẹ, Marie Legrand, đã cố gắng phấn đấu để chống lại cái thiếu thốn, cái đói kém. Bà làm việc trong vô vọng trên mảnh đất của bà, đắp đê chống lại sự xâm thực của biển và gió nhưng hoài công. Mấy đứa con lớn lên trong hoàn cảnh ấy. Bà mẹ khám phá ra đứa con gái xinh đẹp gần gũi nhưng xa lạ, ăn mặc phong cách, đời sống tình cảm cũng như tình dục khác với những đứa trẻ cùng lứa tuổi khác và hiểu đó sẽ tạo thành sức hấp dẫn đối với người khác phái. Marguerite Duras gặp người đàn ông Trung Hoa giàu sang và có một tình sử lạ. Muốn trở thành một người giàu có là một ám ảnh dầy vò bà từ lúc thiếu thời. Nhiều năm sau, khi hồi tưởng lại, bà cho rằng tiền bạc cũng chẳng thay đổi được gì bởi vì bà đã luôn luôn giữ cái mặc cảm đáng ghét của người nghèo khó. Ở bà, cái nghèo từ lúc chào đời như một di truyền miên viễn. Và, cũng vô phương để thay đổi. Người đọc sẽ dễ dàng cảm thấy được nỗi thất vọng sâu sắc và nỗi đau thầm lặng phản ánh từ đời sống thực tế.

    “Một ngày kia, tôi đã già, ở một lối vào của một công thự, một người đến gặp tôi.” Ông ta tự giới thiệu mình và nói, “tôi đã biết bà nhiều năm nay… Mọi người đều nói bà rất đẹp khi còn trẻ, nhưng tôi lại muốn nói với bà tôi nghĩ rằng bây giờ bà lại đẹp đẽ hơn lúc ấy. Hiếm có hơn khuôn mặt bà lúc thanh xuân, tôi thích vóc dáng bà bây giờ. Khuôn dáng của tàn phá.” Ðó là những hàng chữ bắt đầu của tiểu thuyết “L’Amant”, một tác phẩm in năm 1984 không những mang đến cho bà giải thưởng lớn nhất Goncourt của văn học Pháp mà còn có ba triệu độc giả và dịch ra hơn 50 ngôn ngữ. Ngoài ra đã được nhiều lần dựng thành phim. Câu chuyện kể về một mối tình của một cô bé người Pháp mười sáu tuổi và một người Tàu triệu phú lịch lãm. Chuyện tình ấy xảy ra ở Việt Nam với khung cảnh của phố xá vùng Chợ Lớn, chuyến bắc ngang qua sông Cửu Long, cổng trường Petrus Ký, những con đường Sài gòn tĩnh lặng, bến Nhà Rồng,…

    Năm 1996 ở Sài gòn, ở hè phố đối diện với khách sạn Continental, những đứa trẻ bán dạo bán những tấm hình của “L’Amant” với một cô bé nhí nhảnh đội chiếc nón theo trang phục ngày xưa. Vóc dáng thì của Marguerite Duras nhưng lại chính là chân dung của nhân vật trong phim. Một thời kỳ như sống lại… Alder kể lại. Bây giờ, Sài gòn khác nhiều so với phong cảnh được tạo dựng lại trong phim. Con đường Catinat của những quán cà phê, tiệm ăn, cửa hiệu bách hóa thanh lịch ngày xưa nay xô bồ hỗn độn với trăm vạn cửa hàng lớn nhỏ chen chúc đầy ngập hàng hóa, từ những chiếc máy điện toán, đến những đồ gia dụng hàng ngày. Khách trên đường cũng không còn những bộ đồ trắng thời thuộc địa, với cái mũ phớt trịnh trọng, với những tà áo dài tha thướt. Bây giờ, là thế hệ của quần blue jean, của những bộ đồ thể thao đặc sệt chất Mỹ, với cái nón base ball trên đầu.

    Marguerite kể rằng khi còn nhỏ mẹ bà có dẫn bà đi xem cinema ở rạp hát Eden. Lúc ấy, rạp chiếu bóng này nằm nép trong một con hẻm nhỏ, bên cạnh một rạp hát cải lương. Bây giờ, chốn ấy đã thành một bãi đậu xe. Thời thế biển dâu, đã gần một thế kỷ rồi nhưng sao đọc lại thấy man mác. Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ? Một cảnh thổ khác đã được dựng lại bởi đạo diễn Jean-Jaques Annaud năm 1992 trong phim The Lover. Ðó là thành phố Sa Ðéc nơi mà gia đình M.D. trú ngụ. Ngôi trường tiểu học nơi bà mẹ đi dạy mỗi ngày cũng như ngôi nhà nhỏ vẫn còn nhưng rệu rã. Thành phố ấy nằm bên bờ sông dậy sóng và Marguerite Duras đã viết như sau: “Mẹ tôi thỉnh thoảng nói với tôi rằng không có nơi chốn nào trong suốt nguyên cuộc đời tôi lại nhìn thấy được một dòng sông đẹp đẽ, vĩ đại và hoang dã như ở nơi đây. Sông Mekong và những phụ lưu của nó đổ ào ra biển, lưu lượng nước khổng lồ tự nhiên biến mất dưới sự xoi mòn của đại dương. Trên một vùng bao la vô tận của tầm nhìn, con sông chảy uốn khúc trong trượt dốc của đất trời thấp xuống…” Ðọc những đoạn như thế rất nhiều trong “L’Amant” chúng ta cảm được lòng yêu thương của bà với đất nước, cảnh thổ này rộng lớn biết bao.

    Trong “L’Amant”, những cảnh Sài Gòn buổi sáng được mô tả tuyệt diệu. Lúc sáng sớm cổng trường vừa mở, không khí nồng nàn mùi cỏ cây, với mùi hoa ngây ngất. Những ngôi biệt thự với mái ngói đỏ đỏm dáng trong màu nắng mới. Những tà áo dài trắng gợi lại một không gian tinh khiết, Marguerite Duras học ở trường Chasseloup-Laubat. Lớp học bắt đầu lúc sáng sớm khi sức nóng của mặt trời chưa làm khó chịu và mùi của lá me còn thoang thoảng. Bà kể lại: “Ðây là con đường dẫn đến trường học. Ðúng bảy giờ rưỡi sáng. Ở Sài Gòn, thời khắc ấy mát mẻ dễ chịu làm sao khi những chuyến xe công cộng đi qua. Cả phố xá thoang thoảng mùi bạc hà mỗi khi bước chân thiếu nữ da trắng ngang qua, một mùi hương huyền diệu làm ngây ngất những cậu con trai bản xứ…”

    Ðọc “L’Amant” tự nhiên tôi nhớ lại những ngày học trò, thuở mới biết yêu ngu ngơ như những chàng gà trống. Duyên Anh cũng viết “Ngày xưa còn bé” và lột tả được một thời thiếu niên mơ mộng. Với “Người tình”, tình yêu chứa đầy những ẩn ức và nổ bùng ra những “scandal” tai tiếng. Một cô bé chỉ mười lăm tuổi đã yêu một người tình giàu có lịch lãm. Cuộc tình ấy bắt đầu trên chuyến bắc ở Sadec và là một mối tình trưởng thành trước tuổi. Ngây thơ đã được thay thế bằng những cảm nhận khác…



    Tình yêu. Cuộc đời. Nỗi chết. Là những chuyên chở mà Marguerite Duras muốn diễn tả. Nhưng với riêng tôi, tiểu thuyết của bà làm tôi trân quí hơn những kỷ niệm. Tác giả “L’Amant” chỉ sống ở Việt nam có mười lăm năm mà đã yêu đất nước ấy như thế thì tôi đã sinh ra, sống, yêu, đau khổ trên quê hương ấy thì chắc tình cảm phải nồng nàn thắm thiết hơn. Thế mà tôi lại bất lực không viết được những điều ấp ủ thì có phải đáng trách móc và ân hận không? Trong khi quỹ đời đã đến mức tuổi sáu mươi!



Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X