Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Người đạo tỳ khóc biển

Collapse
X

Người đạo tỳ khóc biển

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Người đạo tỳ khóc biển

    NGƯỜI ĐẠO TỲ KHÓC BIỂN

    Ông làm cái nghề này từ lâu rồi, nó là nghề cha truyền con nối, ông nội truyền cho bố ông, rồi bố ông chết để lại cái nghề chôn người chết cho ông. Tuy không hẳn ông nội và bố ông là những đạo tỳ chuyên nghiệp, vì những lúc không có đám tang, đám ma nào trong làng, họ còn là nông dân chân lấm, tay bùn cầy cấy trên mảnh ruộng nhỏ, khô cằn nằm ở cuối cái làng chài nghèo xơ xác này, dưới chân những ngọn đồi cát, đá sát chân dãy Trường Sơn mờ mờ sương khói.

    Trong cái làng này, chỉ có gia đình ông và một vài người nửa làm nghề nông, vì không có thuyền để ra biển đánh cá, còn lại là hơn hai mươi nóc nhà kia đều là dân chài, tất cả họ cũng làm nghề cha truyền con nối, như cái nghề đạo tỳ của ông.

    Đất cát miền trung kém phì nhiêu, khô cằn lại gánh nhiều tai ương, hằng năm theo các cơn bão ngoài biển khơi thổi vào đất liền, những trận lũ lụt, những cơn gió xoáy từ phía đông xa xăm cuốn vào bờ vấp phải các dãy núi cao che chắn ở hướng tây, nó quật ngược lại về những ngôi làng chài nằm dọc bờ biển, trên những mảnh đồng bằng nhỏ hẹp. Những cơn gió bất trị đó như con ngựa chứng tung bốn vó, phi như điên cuồng xuống vùng đất bình nguyên, tàn phá, ruộng vườn, hoa mầu, nhà cửa… và đôi lúc cướp đi cả mạng sống của người dân trong làng, kinh khiếp nhất là khi nó kết hợp với những cơn lũ từ các con suối trên dãy Trường Sơn tràn bờ, quét xuống các sườn núi, đồi và thúc những thân cây rừng to, hằng ba, bốn người ôm không hết, càn qua ngôi làng nhỏ ở hạ du, gây nên thảm cảnh tang thương, chết chóc. Những lúc đó, ông làm việc không xuể, hầu như cả ngày ông có mặt ở cái nghĩa địa nhỏ bé cạnh đồi cát trắng xóa được che chắn bởi hàng dương già rũ bóng, luôn tay đào những huyệt mộ để chôn những người chết trong làng.

    Ngoài những lúc tai ương, thảm họa đó, ngôi làng bên vịnh biển nhỏ vẫn có cuộc sống êm đềm vốn có như nhiều trăm năm trước, theo lời kể lại của những vị bô lão già nhất trong làng. Đàn ông, trai tráng làng này là những dân chài khỏe mạnh, gan dạ, họ đã quá quen với cuộc đời ngư phủ sóng to, biển rộng. Làng nghèo nên chữ nghĩa không được bao nhiêu, có người còn không biết viết tên cha sinh, mẹ đẻ của mình cho đúng, nhưng bù lại, ông trời cho họ cái khiếu đi biển, nhìn nước, nhìn mây để đoán biết luồng cá, tiên đoán những cơn bão biển, cuồng phong và sự gan dạ hiếm có, nên cả làng là những ngư phủ sành sỏi, nổi tiếng bật nhất dọc miền duyên hải này.

    Những buổi sáng mờ mờ trong sương sớm, trong tiếng sóng vỗ rào rạt lên bãi cát trải dài dưới chân dãy rừng cây phi lao cổ thụ, họ dong những con thuyền ra tận biển khơi xa, nơi có những luồng cá to dầy đặc, chạy ăn mồi làm sôi sục cả một vùng nước rộng lớn, nơi mà thuyền của những làng chài khác ít bao giờ lui tới. Đối với họ, biển là ngôi nhà thứ hai, sóng biển là những người bạn thâm giao từ đã bao đời, ngày nào ra biển đánh bắt mà không gặp các cơn sóng lao xao quanh thuyền từ thời tổ tiên của họ đến lập làng, dựng nhà trong cái vịnh hẻo lánh này.

    Buổi chiều sau những giờ đánh bắt trên vùng nước khơi xa ngập gió, những con thuyền nặng khẳm, chứa đầy tôm, cá trong bụng quay về bến trong ánh mắt chờ đợi rạng rở của những người phụ nữ và trẻ con trong làng đang ngồi tránh nắng dưới bóng rừng phi lao. Tiếng cười vui rộn rả, tiếng gọi nhau í ới, tiếng kỳ kèo trả giá mớ cá còn tươi rói của mấy bà buôn chuyến theo những chiếc xe từ trên thành phố lớn trên tỉnh, cách đó cả chục cây số chạy về đây để mua và vận chuyển những thúng cá, tôm ngon lành đi xa, để kịp giao cho khách hàng ở các chợ, nhà hàng, quán xá…

    Cuộc sống trong làng chài nhỏ của ông tiếp diễn như bao đời, biển đem lại no cơm, ấm áo cho những người dân hiền hòa ở đó, tuy đôi lúc biển cũng trở tính, nổi cơn phong ba giận dữ, dìm xuống đáy sâu những con thuyền mong manh, cùng những ngư phủ theo sóng biển ra đi mải mải không về, những ngày đó, làng chài bao phủ một mầu tang tóc.

    Tuy nghề chính của ông là đạo tỳ và cầy cấy trên mảnh ruộng nhỏ để mưu sinh, nhưng thỉnh thoảng trong lúc nông nhàn, hay khi họ thiếu tay kéo lưới, ông cũng theo con thuyền của những người quen trong làng ra khơi vài chuyến để kiếm thêm mớ tôm, cá về nhà để giúp cuộc sống hằng ngày dể chịu hơn. Những lúc như vậy, ông mới cảm nhận được sợi dây nối kết bền chắc giữa dân làng và biển, cho dầu biền khơi đã không ít lần chôn vùi thân xác của những người thân, bạn bè… của họ trong những cơn sóng dữ. Biển như cái kho ban phát, cung cấp cho họ cuộc sống an vui đã bao đời nay. Ông thường nghĩ, cuộc sống mọi người trong ngôi làng sẽ tiếp diễn mải mải như vậy, những thế hệ con cháu mai sau cũng dong buồm ra khơi để kiếm sống như truyền thống của cha ông để lại.

    Rồi bỗng một ngày, tin tức xôn xao nổi lên trong làng, ông và mọi người nghe ngóng về chuyện tỉnh sắp cho xây một khu công nghiệp rất to ven biển, tuy cách cái làng của ông một khoảng khá xa, nghe đâu nằm về phía bắc, trong một cái vịnh sâu và lớn để tầu bè có tải trọng khủng sau này dễ ra vào bến ăn hàng sau khi nhà máy hoạt động. Mà đâu phải chỉ làng của ông, cả chục làng chài dọc miền biển này bàn tán xôn xao. Họ là dân chài nghèo, ít học, cả năm quanh quẩn với thuyền, biển và cá, đâu biết gì về sắt thép, luyện kim… cái đó quá xa xôi với tầm hiểu biết của họ, điều mà họ được nghe nhiều nhất là tỉnh nhà có khu công nghiệp, rồi nhà máy thật to, cung cấp việc làm cho dân chúng ở các làng quê, đất nước tiến lên công nghiệp hóa… Trong bụng ông nửa mừng, nửa lo, có lẽ tất cả dân làng có chút tuổi đời như ông đều mang tâm trạng này, vì cuộc sống quanh quẩn với con thuyền và biển đã nhiều năm mà cả làng không giàu có hơn, nó chỉ giúp họ đủ ăn, nay nghe có nhà máy hiện đại, hy vọng có công ăn việc làm tốt hơn, khả dĩ có thể đổi đời, nhưng vẩn lo lắng vì việc này quá mới lạ với cuộc sống ở làng chài.

    Bàn tán vậy thôi, rồi mọi người lại theo thuyền ra biển để có cái ăn, nuôi gia đình, con cái, còn xa xa về phía bắc, khu công nghiệp và nhà máy bắt đầu được xây dựng cấp tập ngày đêm. Sáng hay tối, ông và dân làng mỗi khi ra bãi cát, đứng dưới hàng phi lao hay hướng đôi mắt nhìn về phía đó, chỉ thấy mờ mờ một vùng sương khói, thỉnh thoảng nghe trong không gian vọng về tiếng ầm ì như mìn phá đá, rồi bầu trời yên tĩnh trở lại, còn ban đêm thì một quầng sáng lớn nổi bật lên ở góc đó. Họ vừa nghe ngóng, vừa đẩy những chiếc thuyền theo sóng ra khơi. Buổi quay về bến thuyền vẩn thường nặng cá, tôm.

    Thời gian trôi qua vài ba năm, cuộc sống của ông và làng chài vẩn tiếp diễn với nếp cũ, có những người chết được ông chôn cất trong nghĩa địa, có những đứa bé chào đời, lớn lên và chạy nhảy, vui đùa trên con đường quanh co trong làng ra tận bải biển ồn ào tiếng người, xe cộ và ghe thuyền bên những sọt tre đầy cá.

    Rồi ông nghe tin nhà máy đã bắt đầu hoạt động, trong làng vài thanh niên trẻ hăng hái khăn gói xin vào làm công nhân ở đó, từ bỏ cái nghề ngư phủ của làng và của cha ông. Thỉnh thoảng, lúc rảnh rỗi ông ra đứng dưới hàng phi lao, nhìn về phía nhà máy, nhưng chẳng thấy rõ được hình hài của nó, như nhiều người trong làng, cũng như làng kế bên đã đến tận đó để xem, và về kể lại là nó to lớn lắm. Chỉ khi nào trời trong sáng, ông mới thấy hai, ba cái ống khói của nó vươn lên nền trời như thân cây lúa.

    Đã có gió mùa đông bắc thổi về, làng chài nhỏ như ẩn kín dưới chân dãy núi và rặng phi lao già. Rồi một buổi sáng, những người ngư dân dậy sớm nhất, như mọi ngày vẫn kéo nhau ra bãi cát để bắt đầu một ngày dong thuyền ra khơi đánh bắt. Trong bóng tối mờ mờ và tiếng sóng vỗ nhẹ xào xạc, những con cá, lớn nhỏ đã chết được những cơn sóng hất lên bờ thành từng đống rải rác trên bờ cát dài. Vài người không tin vào mắt mình, họ đến gần và tận tay cầm lên những con cá to đã từng vùng vẩy trong lòng đại dương, là niềm mơ ước của họ… giờ đây nằm chết bí ẩn. Sự kinh hoàng hiện lên mọi khuôn mặt, nhiều người cứ đi dọc theo bờ vịnh nhìn những con cá đã bắt đầu đổi mầu, trong lúc sóng biển tiếp tục đẩy lên bờ nhiều cá chết tự bao giờ.

    Tin tức từ ngoài bãi lan vào trong xóm, cả làng như bị lửa mùa hè nung nóng, mọi người nhanh chân chạy ra đó, ông cũng vậy, theo ông già ngư phủ là bạn chí thân kế bên nhà vội vả ra đứng bên hàng dương. Một cảnh tượng mà ông chưa từng thấy từ ngày cha sinh, mẹ đẻ đến bây giờ, cá chết được gom lại thành nhiều đống to, nhỏ rải rác khắp nơi, nhưng những cơn sóng tiếp tục đem cá vào bờ, nhiều vô kể nên mọi người cũng chả buồn dọn dẹp hay gom lại như lúc đầu, trời bắt đầu sáng tỏ, màu vàng của cát gần như đổi thành màu trắng xám, mầu của những con cá chết.

    Khung cảnh bi thảm bao trùm các làng chài dọc bờ biển xung quanh khu vực nhà máy đó, chứ không riêng gì chỉ làng ông. Tin tức lan tràn khắp nơi, mọi người bần thần hỏi nhau vì sao cá chết kéo dài gần nửa tháng qua, mọi thứ rối mù vì đủ thứ suy đoán từ mọi phía, từ mọi nơi… Dù sao thì dân trong làng vẫn phải ra khơi kiếm sống, nhưng thật thê thảm, đáy biển gần như trống rổng, họ quay về bến bãi với những cái sọt trống không, hoặc vài mớ cá nhỏ và không thương lái hay người nào hỏi mua vì tin đồn thổi lan ra khắp nơi, nước biển bị nhiễm độc làm cá chết. Và cuối cùng đến họ cũng còn không dám ăn những con cá đó.

    Những con mắt nghi ngờ bắt đầu hướng về phía nhà máy đó, các ống khói trông lờ mờ từ phía làng của ông, vẫn nhả khói lên trời đều đặn, còn trong lòng đất cát chạy ra biển như thế nào thì không ai thấy hay biết.

    Ông ngồi đó, dưới cội phi lao già nhìn những chiếc thuyền ngủ im trên bãi cát, dưới bóng râm mát của nó, không còn hình ảnh của những buổi chiều lao xao, rộn rã tiếng cười nói, tiếng mua bán trả giá, tiếng xe cộ ầm ĩ… khi những chiếc thuyền lặc lè no cá, từ ngoài biển xa trở về sau ngày đánh bắt.

    Hình như biển đã chết vì trong lòng nó không còn con cá nào bơi trong đó, ông nhìn khung cảnh đìu hiu vắng lặng xung quanh, vài ba người dân trong làng đang giương mắt xa xăm nhìn ra biển khơi.

    Gần bờ nước, vài ba con cá nhỏ thân xác rã rời được sóng quăng lên nằm đó, ông nhìn đám cá, nhớ lại hình ảnh ngôi làng nhuốm mầu tang tóc và buồn bả sau khi thảm họa đổ ập xuống vùng biển này, những giọt nước mắt từ đôi mắt già nua của ông lặng lẽ rơi nền cát vàng. Lúc có người trong làng chết, ông chôn họ trong cái nghĩa địa nhỏ bên khu rừng dương đầy cát, nhưng khi biển chết, vì biển quá lớn, ông không có nơi nào để chôn nó.


    VŨ PHAN


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X