Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hà Nội - Quảng Trị - Bạc Liêu

Collapse
X

Hà Nội - Quảng Trị - Bạc Liêu

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hà Nội - Quảng Trị - Bạc Liêu

    Hà Nội - Quảng Trị - Bạc Liêu
    ~~~





    Có phải có những cái người ta đang có người ta không thấy quí, đến chừng mất đi người ta mới nuối tiếc, xót xa?

    Ngày xưa, nơi tôi làm việc có treo ba tấm ráp không ảnh, nghiêng đứng, cỡ lớn của người ta tặng. Một tấm, Hà Nội năm 73; một tấm, cổ thành Quảng Trị mùa Hè Đỏ Lửa 72, và một tấm là thành phố Bạc Liêu tết Mậu Thân 68.

    HÀ NỘI, vì hầu hết những nơi nổi tiếng trên thế giới nơi nào tôi cũng đã đi qua, nhưng đất Thăng Long nghìn năm văn vật của đất nước tôi, tôi lại chưa khi nào được tới để coi Hà Nội ra làm sao mà bạn bè tôi, những thằng “dân Hà Nội”, mỗi lần nhắc đến là xuýt xoa, rên rỉ, tưởng chừng như chúng đang đứt ruột, ánh mắt xa xôi, hồn như đang bay về chốn cũ; chúng tả nào là phong kỳ, cảnh tú, nào Hồ Gươm nước êm, liễu rũ; nào cầu Thê Húc trong sương, nào chùa Một Cột; nào là cơm tám, giò chả, nào là nghìn lẻ một thứ phở, nào là “sống trên đời” ở phố Hàng Cầy (chúng bảo vậy thì tôi biết vậy, chớ thiệt tình chưa khi nào nghe nói Hà Nội có cái phố gọi là phố Hàng Cầy); nào là Khâm Thiên, Cảnh Thái, đèn đỏ, đèn xanh; nào là con gái Hà Thành thanh tân, yểu điệu.

    ¬-“Dân nhà quê Nam Kỳ Lục Tỉnh như cậu mà thấy các cô thướt tha lượn phố Hàng Ngang, Hàng Đào, dạo Cổ Ngư, hay má phấn, môi hồng đang mút kem cây bên bờ hồ thơ mông thì các cậu chỉ có nước thác! Chết tưởi, chết tươi, dzời dzồng mà thác đứng”.

    Thế mới biết người đẹp thì làm cái chi chi cũng đẹp! Xem không ảnh thấy phố xá nhà cửa Hà Nội chắc mấy mươi năm chưa được sửa sang, tường vôi tróc lở, rêu phong, rong phủ, chật chội, chen chúc. Một tên chỉ một căn phố, ngón tay ve vuốt, giọng như vừa tìm lại được một cái gì trân quý đã lâu năm thất lạc: “Đây! Đây nhà tớ đây!” Nó đang rơm rớm nước mắt, bổng bật cười khà khà: “Bố khỉ! vẫn còn xài cầu thúng!“

    Hà Nội – cũng vì Há Nội là “quê ngoại sắp nhỏ“, tức là quê “nhà tôi”. Cho tới tận bây giờ, đã gần ba mươi năm hương lửa mặn nồng, tôi vẫn không rỏ nàng có phải chính cống “dân Hà Nội”, nhưng những ngày đầu gặp gỡ ở Saigon tôi hỏi nàng “có phải cô người Hà Đông?“, nàng đã vội vàng đính chính, nhỏ nhẹ, e lệ, quýnh quíu thỏ thẻ thưa rằng:

    -“Thưa anh! Không phải ạ! Em người Hà Lội”.

    QUẢNG TRỊ, vì hai mươi mấy năm chiến trận, tôi đã nhiều lần tận mắt thấy những chết chóc tang thương, những đổ nát của đổ nát, tàn phá của tàn phá. Cả Cổ Thành và chung quanh thành bình địa, nền thành bể đôi, tất cả đều tan nát, tất cả đều tro bụi, tất cả đều vắng vẻ hoang vu, tịch mịch, thê lương. Chỉ nhìn không ảnh mà tưởng chừng nghe trong đêm khuya trăng xanh, sương lạnh, hồn tử sĩ gió ù ù thổi; bao nhiêu tử sĩ chiến hữu tôi, bạn bè, anh em tôi đã đổ máu xương để chiếm lại Cổ Thành.

    Nhìn không ảnh mà bàng hoàng, mà nao nao tấc dạ, lòng tự hỏi người Quảng Trị giờ đâu?! Chắc trước sau gì rồi ngưới Quảng Trị cũng trở về Quảng Trị, trên hoang tàng đổ nát cất lại một mái nhà nhỏ, dựng lại một túp lều con.

    Mấy năm trước đó, tôi có ra Quảng Trị ở lại mấy hôm. Quảng Trị nghèo khó, sỏi đá khô cằn, nắng lửa chói chang. Sao người Quảng Trị không đi một nơi nào khác trù mật hơn, ngọn cỏ xanh hơn, mà lại cứ sống ở đó, bám lấy mảnh đất cằn cỗi, khô khan, quanh năm lam lũ, cả cuộc đời ẩn nhẫn, cam phận, cả cuộc đời không biết có được mấy ngày vui, có được bao nhiêu ngày no ấm? Có phải vì cái tình “ao ta”?! Cái tình quê cha đất tổ?!
    Những mái lều ọp ẹp, những căn nhà thấp lè tè tăm tối, nhưng trước sân đất nhỏ “dậu mỏng rào thưa”, một hai luống hoa được tưới bón, chăm nom, săn sóc kỹ càng, có cái gì khiến ta phải cảm khái, nghĩ ngợi.

    BẠC LIÊU, vì lẽ rất giản dị, Bạc Liêu là quê tôi. Nhìn không ảnh thì Bạc Liêu không khác xưa lá mấy. Nhưng sau tết Mậu Thân, tôi về, có đến trên mười mấy năm tôi mới về thăm nhà. Bạc Liêu không còn là Bạc Liêu của những ngày tôi thơ dại.

    Thành phố như nhỏ hơn, giòng sông Bạc Liêu ngày xưa bơi hụt hơi vẫn chưa tới bờ bên kia, bây giờ thì chắc “bờ long dông” một phát là tới. Ngày xưa từ nhà ra chợ, lội bộ mỏi cẳng, mỏi giò, bây giờ xẹt một cái là chợ. Hàng cây cồng ven sông như thấp xuống. Cầu Quay như hẹp và ngắn hơn.

    Về Bạc Liêu nắng bụi, mưa bùn. Phố xá , nhà cửa cũ mèm. Đường xá tróc nhựa lòi đá xanh lỏm chỏm, ổ gà lồi lỏm chập chùng, mưa xuống bùn sình, lầy lội, đi trên đường mà tưởng chừng nhu đang lội ruộng. Thiệt không còn cài “thể thống” gì hết!

    Đời sống người Bạc Liêu vốn sung túc, có phần sung túc hơn, “hiện đại hóa” hơn xưa. Chợ búa tấp nập, ghe thương hồ đầy sông, bến xe rộn rịp người đi người đến, lên hàng xuống hàng la gọi nhau ơi ới!

    Người Bạc Liêu cày ruộng bằng máy, không còn “thá ví” trâu cày; đi một cuốc ngắn cũng “rồ xe máy dầu”, đi sông, đi rạch toàn “tắc ráng” với “đuôi tôm”; quần vẫn lưng vận, nhưng mang thêm sợi dây nịt da to bản nhiều túi, túi nào túi nấy “giấy xăng xanh” nhét từng bó; nhậu toàn “cỏ nhác” hảo hạng, chai đục, chai mờ mờ, chai đổ mồ hôi, tuy lâu lâu cũng nấu, cũng “quất” vài hũ đế gọi là để nhớ hương xưa, để tỏ tấm lòng vọng cổ. Đêm khuya, nhà lồng chợ vẫn chè cháo tưng bừng. Chưa xong phần chè cháo, cao lâu đã mở cửa, quà sáng hàng gánh hàng bưng đã bán đầy hè đầy phố.

    “Nhà tôi”, người Hà Nội (xin lỗi em, người Hà Nội băm sáu phố phường; Phải! Em người của đất ngàn năm văn vật), hay cằn nhằn tôi: “Dân Bạc Liêu nhà Bố, ăn thì bao nhiêu cũng ăn, mắc mấy cũng ăn, cái khó tìm cũng tìm cho được mà ăn, chỉ ăn cho ngon, cho khoái khẩu, còn cái áo, cái quần, cái nhà, cái cửa thì kệ, “sao cũng được”. Mẹ về mấy lần, lần nào cũng thấy tụi thằng Tám, thằng Chín, thằng Mười đi phép về, cả ngày độc xà lỏn, áo thung lá, mấy con dâu thì áo túi, với áo bà ba; nhà cửa bề bộn, để bẩn, để dơ; giường màn sáng cuốn lên, tối buông xuống, chẳng thấy chúng giặt giũ gì hết trơn; nhưng cái ăn thì ngày đủ ba bữa, chẳng thiếu bữa nào, bữa nào bữa nấy thịt cá ê hề, năm món bảy món chẳng thiếu thứ gì! “Ăn để mà nghèo, mà mạt hay sao không biết!”

    “Dợ” tôi nhận xét có phần đúng, nhưng hơi quá lố. Tôi chỉnh “dợ” rằng:

    - “Người Bạc Liêu xuề xòa, xịch xạch, xính xái, ít chú trọng đến bề ngoài. Mặc không cần đẹp, không cần sang, thoải mái, bền bỉ là tốt. Ở không cần nhà cao, cửa rộng, cái nhà là nhà của ta; ông, bác chúng ta làm ra, có nơi che mưa, đỡ nắng, vô ra quay quần có ông, có bà, có cha, có mẹ, có anh, có em, có vợ chồng, con cái là quý. Còn cái ăn, thì của Trời cho, lúa ruộng, cá sông, lươn, cua, rúa, rắn đầy đồng, gà, vịt, heo, cúi ngổn ngang, rau cỏ đầy vườn, thích gì có nấy, lại rẻ rế, không ăn chẳng lẽ đem đổ đi?! Người Bạc Liêu “ăn chắc, mặc bền”, chứ không phải không biết chưng diện; chứ không phải chỉ biết có ăn; mẹ nó phải biết, phải phân biệt điều đó! Nghe chưa?!" (Ai mà dữ vậy ta?!)

    Tôi đánh giặc gần hai mươi lăm năm. Khắp bốn vùng chiến thuật, đánh giặc ngoài Bắc, đánh giặc ngoại biên, nhưng đã không khi nào tôi thả bom, bắn sung bất cứ nơi nào ở Bạc Liêu.

    Bom đạn vô tình, biết đâu tôi đã chẳng sẽ bắn tan xác một hai thằng bạn thời thơ ấu, biết đâu tôi đã chẳng sẽ “quay” năm ba người thân quen, núp lánh đâu đó trong đám dừa nước, trong bụi ô rô, cóc kèn! Hoặc vì sinh kế hoặc vì khắng khít nơi chôn nhau cắt rún mà họ đã sống trong vùng chiến trận.

    Ngày xưa, tôi hằng tự nhủ, hằng ước ao ngày nào đất nước thanh bình, Trời còn để hay còn bắt sống, giải ngũ về hưu, tôi sẽ về Bạc Liêu, ra ruộng cất một cái nhà. Chiều chiều rủ mấy thằng bạn thời bé bỏng dại khờ, vì tôi chắc rằng về già thì những thằng Bạc Liêu sẽ về Bạc Liêu - chứ chúng biết đi đâu?! – Rủ chúng tới nhà, tôm nướng, rùa khìa, rắn hổ hành xé phay, lai rai vài sợi, nhắc chuyện “đời xưa”. Tôi sẽ làm một cái sân bay dã chiến cạnh nhà, sắm cái tàu bay nho nhỏ, lái đi đây, đi đó thăm chiến hữu xưa, bằng hữu cũ. Tôi sẽ “hành hương”, lái “dợ” đến những nơi mà một đời lính tôi đã từng vào sinh ra tử. Và đưa nàng ra Hà Lội (xin lỗi em, Hà Nội). Để nàng về thăm quê nội, nàng dạo Hàng Ngang, Hàng Đào. Còn tôi thì được dăm phùa “sống trên đời” ở phố Hàng Cầy, kẻo mai nầy “về dưới” biết có hay không, để được chiêm ngưỡng dung nhan kiều diễm của các thiếu nữ Hà Thành má phấn môi hồng thanh tân yểu điệu, mút kem cây ở Bờ Hồ. Ôi, chỉ mới nghĩ tới mà đã thấy một trời thơ mộng!

    Mộng ước nhỏ nhoi, bao giờ thực hiện?! “Sống đâu quen đó” chỉ là một cách nói. Chắc phải có cái gì sâu xa hơn, đậm đà hơn, cao cả hơn, thiêng liêng hơn, như tình tự dân tộc, như hồn thiêng sông núi, thì “dân” Hà Nội mới khắng khít yêu thương Hà Nội; “dân” Quảng Trị khắng khít yêu thương Quảng Trị; “dân” Bạc Liêu khắng khít yêu thương Bạc Liêu. Và dân Việt Nam, đồng bào “một bọc” khắng khít yêu thương nòi giống, yêu thương đất nước Việt Nam. Có đi, có ở đâu đâu cũng nhớ thương về; lòng thương nhớ khôn nguôi, gan ruột bời bời.

    Hà Nội, Quảng Trị, Bạc Liêu, hay Pleiku, Châu Đốc hay vân vân và vân vân; đâu thì đâu, đâu cũng là đất nước ta. Đâu cũng là đất tổ, quê cha, tổ tiên ta đã bao đời máu xương gầy dựng. Nơi trú phú, nơi nghèo nàn, nơi núi sông hung vĩ, nơi hoang dã tiêu sơ, nơi nào chẳng là đất nước ta! Nơi nào chẳng là ngọn rau, tấc đất của quê hương! Có phải có những cái người ta đang có người ta không thấy quí, đến chừng mất đi người ta mới nuối tiếc, xót xa! Ba tấm không ảnh, tự chúng, mất đi thì không có gì đáng để nuối tiếc, xót xa.

    Nguyễn Văn Xuân



    Nguyễn Văn Xuân là bút hiệu của Đồng Hương Bạc Liêu
    Cố Trung Tướng TRẦN VĂN MINH
    Tư Lệnh Không Quân – Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

    (Theo http://www.hoiaihuubaclieubaccali.com/index.php?p=data&cat_id%20=%2053&id=311&name=)



Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X