Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chuyện kể hành trình biển đông

Collapse
X

Chuyện kể hành trình biển đông

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chuyện kể hành trình biển đông




    BÀ BẢY VƯỢT BIÊN
    Ngọc Đẹp


    Chuyến đi vượt biển để tìm tự do của tôi rất là may mắn, không gặp cướp biển mà chỉ bị sóng biển và mưa gió nhưng cũng đủ để làm tôi hoảng hốt không dám vượt biển lần nữa. Dần dần tôi quen với mọi người chung quanh, tôi mới biết được là mọi người đến đảo đều mang theo một câu chuyện vượt biển khác nhau mà nơi dừng chân lại giống nhau, đó là tìm tự do.

    Tôi ở lại “khu C” là nơi trung tâm sinh hoạt của đảo Pulau Bidong bây giờ, gần bãi biển, chợ, trường học, thông tin văn hóa, gần cả nhà thờ, chùa v v… Buổi chiều ở đảo cuối năm sao mà mưa thật lớn, mưa ngập cả lối đi, cơn mưa kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ, có thông báo trên đài phát thanh, có tiếng nghe được có tiếng nghe không. Nhưng chúng tôi vẫn đoán được là có người mới đến đảo. Một số người cùng xóm đã mặc áo mưa đến hội trường để đi tìm người thân, nhưng lúc về họ bảo rằng chẳng thấy ai quen cả. Nghe nói đâu toàn là đàn bà con nít, điểm khởi hành là vùng miền Tây sông Hậu Giang. Chẳng có ai là dân xứ khác cả, tôi nghe đến đây thì vội mừng, lát nữa trời tạnh mưa tôi sẽ đến hội trường tìm người thân hay bạn bè gì đó, biết đâu sẽ tìm được người quen, đem về ở cùng nhà cho vui. Cùng người bản xứ thì lúc nào cũng vui hơn.

    Trời vừa dứt cơn mưa, tôi đang loay hoay với bữa cơm chiều nấu chưa xong, thì có một anh chàng đến tìm tôi và bảo: “Nhà chị có hai người phải không?” Tôi đáp: “Dạ, đúng như vậy!” Anh nói tiếp: “Chị đón người mới nhập trại, chỉ có nhà chị chưa đủ 15 người, ngoài ra những nhà khác đông lắm, không thể ở được, đây là một gia đình xin chị đón tiếp giùm”.

    Trong đầu tôi nghe loáng thoáng 15 người. Trời ơi? Sao mà đông thế. Qui định chỉ có 10 người cho một căn, mà bây giờ lên đến 17 người, không biết làm sao bây giờ. Anh ấy quay trở về phòng làm việc, và một lúc sau anh tay xách nách mang vài thứ gì đấy cùng với bà mẹ khá lớn tuổi ngoài 50, cùng với lũ trẻ 14 nhập chung nhà với tôi.

    Tôi chỉ cho bà chỗ nghỉ, rồi phụ giúp mấy đứa bé tắm rửa. Cơm chiều cũng đã xong, tôi mừng thầm, bà mẹ với 14 đứa trẻ thì vui mừng nhà lắm. Vài ngày sau, tôi mới biết bà không phải là mẹ của chúng nó, đứa gọi bằng bà nội, đứa gọi bằng bà ngoại, có đứa gọi bằng bà. Sao bà can đảm thế, dẫn cả lũ nít di vượt biển, tôi khâm phục bà lắm. Tôi và em tôi tìm cách nói chuyện với bà, nhưng bà không nói chỉ gật đầu với lắc đầu, đưa tay làm hiệu thế là xong.

    Cứ mỗi lần ăn cơm với bà, bà chỉ để đôi đũa lên trên chén cơm rồi khấn nguyện điều gì khá lâu, xong bà để chén cơm xuống ngay miệng định ăn, thì nước mắt của bà cứ tuôn tràn, rồi bà ngưng không ăn được. Động tác như vậy, cứ lập đi lập lại nhiều lần. Hình như chén cơm của bà đã đầy cả nước mắt. Bà ăn được một phần chén cơm, rồi lại bỏ đi nằm. Bà luôn luôn nằm quay mặt vào vách, tiếng khóc nghe nức nở lắm. Tôi thông cảm cho bà, tình trạng những người mới tới đảo, ai cũng nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ người thân. Suốt ba tuần lễ ở chung, bà chỉ nói câu “Cám ơn cháu”, vậy là xong. Những đứa trẻ đi theo bà, đứa lớn nhất 9 tuổi, còn nhỏ nhất là 2 tuổi. Tôi săn sóc hai đứa trẻ nhỏ nhất cho bà, còn những đứa khác có đứa tự lo lấy cũng được.

    Ít lâu sau, tôi mới nấu cơm đãi bà. Bà trông khoẻ hơn trước, nhưng nỗi buồn niềm tâm sự ảo não. Trong buổi cơm, chẳng có gì đặc biệt, toàn bộ thực phẩm được cấp. Nhưng tôi làm rất nhiều món, trước khi ăn cơm, tôi cẩn thận nói với bà: “Thưa bác, ngày mai hai chị em con sẽ rời trại, để trại chuyển tiếp. Bữa cơm hôm nay là bữa cơm chia tay với bác“. Tôi mới nói đến đây, bà ôm chầm lấy hai chị em tôi, lại khóc nữa, sao bà nhiều nước mắt thế! Tôi cầm tay bà, tay bà lạnh khô cứng, có lẽ vì làm việc quá nhiều.

    Ăn cơm xong, hai chị em tôi bận rộn với việc rời đảo ngày mai, bà đến bên cạnh tôi ngồi xuống và nói: “Cảm ơn hai cháu nhiều lắm, nếu không có hai cháu bà không thể nào chăm sóc cho đám trẻ này được“. Và bà tự giới thiệu bà là bà Bẩy rồi nói: “Cháu cứ gọi bác như thế!” Tôi ở với bà gần một tháng mới biết được tên bà.

    Xong bà nói tiếp:

    “Con gái của bác, nếu nó còn sống thì nó cũng cỡ tuổi cháu, hình dáng bề ngoài và giọng nói cũng giống như cháu. Mỗi lần nhìn cháu bác lại nhớ đến nó. Nay tụi cháu đi rồi, thì nhà này buồn lắm“.

    Tôi an ủi bà, càng an ủi bà càng khóc, tôi không biết phải làm sao? Có lẽ bà muốn gắn chặt tôi với bà hay bà muốn nói với tôi điều gì đó. Tôi nói với bà: “Sau này bác có đến trại chuyển tiếp, bác tìm con“. Tôi đưa tên họ và địa chỉ cho bà. Bà bảo bà không biết đọc chữ. Tôi hỏi quê quán bà, mới biết bà ở ngay đầu xóm quê ngoại tôi. Bây giờ tôi nhìn rõ, bà đã đến nhà ngoại tôi vài lần, trong lúc nghỉ hè, tôi có ở đó chơi. Còn nhớ bà đem biếu ngoại tôi nhánh cau giòn mới hái. Đến thăm nhau hàng ngày, mà sao bây giờ bà đến đây rồi. Bà vui mừng ôm chầm lấy tôi, hình như bà đã tìm được an ủi và nỗi nhớ thương. Lúc này, bà mới cẩn thận kể lại chuyện vượt biển của bà cho tôi nghe. Câu chuyện chưa kết thúc, thì đêm cũng tàn, bà quá mệt mỏi và sang mai tôi lại rời đảo. Bà kể:

    “Chuyến đi của tôi rất nhiều tốn kém. Tầu lớn, máy móc đem theo nhiều, vì tàu đa số là đàn bà và trẻ em, cùng với mấy đứa con của bà, rể, dâu, cháu nội và cháu ngoại gọi bà bằng cô, bằng dì. Để bảo đảm không bị công an bắt, ba đứa con của bà vừa cải tạo xong chúng nó muốn đi an toàn, chúng tôi phải tốn 10 cây vàng để che mắt tụi công an đưa chúng tôi ra khỏi hải phận.

    Ra tới hải phận quốc tế trên tầu là 74 người cùng chúc mừng nhau vượt khỏi hiểm nghèo, đi biển không như mình tưởng tượng được. Trải qua một đêm rồi đến ngày hôm sau, khoảng 4 giờ chiều, tàu chúng tôi gặp một tàu mà chúng tôi tưởng là tàu cứu người ngoài khơi, mọi người đều náo nức vui mừng vì có tàu cứu giúp. Không ngờ, tầu ấy cặp vào tàu chúng tôi, một số người nhảy vọt lên, người cầm dao, người cầm cây. Tất cả 9 người, ai cũng có vũ khí đe dọa, chúng ra dấu bảo đưa tiền, vàng. Chúng tôi trên tầu ai cũng đưa cho để được thoát nạn. Xong, chúng bỏ đi, khoảng hai tiếng đồng hồ sau, lại có một nhóm khác nữa đến, cứ thế cho đến ngày thứ hai, tổng cộng bọn cướp tàu chúng tôi là năm lần. Chúng tôi bàn với nhau, tất cả tài sản mà mình mang theo hãy bỏ chung với nhau, mỗi lần gặp cướp lại chia ra một ít, như thế hay hơn để bảo đảm an toàn.

    Mọi người đồng ý với nhau, thêm hai chiếc tàu cướp tới nữa, chúng tôi lại đưa tiền cho họ. Có lẽ chê ít hay sao đó, họ tách rời phụ nữ ra, dẫn sang tàu chúng, tất cả 17 cô gái, xong họ hãm hiếp, mặc cho tiếng kêu cầu cứu gào thét của phụ nữ, xong họ trả phụ nữ lại tàu. Chúng nó bàn tính với nhau rất lâu rồi quyết định đục thủng thuyền của chúng tôi, phá cho hư máy, tất cả lương thực nước uống mang theo đều bị chúng quăng xuống biển. Thuyền của chúng tôi bị nước ngập tràn phân nửa, mọi người bắt đầu lo sợ, và hì hục tát nước ra. Đến nửa đêm, ai nấy đều mệt và cứ để cho thuyền trôi. Phần vì bị say sóng, phần thì đói lạnh, khát nước, nên đã ngủ thiếp đi. Vào lúc nửa đêm, sóng to bắt đầu nổi dậy, ai cũng lo sợ thuyền của mình bị chìm, phụ nữ thì lo ôm con vào lòng, thanh niên thì lo tát nước, tiếng khóc của trẻ em tiếng to tiếng nhỏ, phụ nữ bị hãm hiếp thì chỉ biết ôm gối ngồi khóc thút thít, hình như tiếng khóc đó không ngưng được. Trên tàu, trẻ em đòi mẹ cho ăn, rồi tiếng chửi thề của ai đó trên tàu “Cướp gì thì cướp, tại sao còn quăng hết đồ ăn xuống biển, bây giờ trẻ em đói lấy cái gì mà ăn“. Hình như lúc nào trên tàu cũng có tiếng phàn nàn tụi cướp quá dã man.

    Mờ mờ sang hôm sau, chúng tôi lại thấy xuất hiện thêm hai tàu trước mặt, không ai đoán sai cả, đó là tàu cướp. Chúng cướp gì nữa bây giờ, trên tàu đâu còn gì để cướp, đồ quí giá, đồ ăn, đồ dụng, phương tiện vượt biên đắm chìm cả dưới lòng đại dương. Đàn bà, con gái đã bị chúng hành hạ, bây giờ còn đến làm gì? Thôi thì cứ xuôi theo định mệnh là xong. Thuyền chúng cặp hai bên thuyền của chúng tôi, sau vài phút quan sát, tất cả bọn chúng độ khoảng 20 người, đến từng người lục soát. Hỏi han la lối, mọi người trên tàu không ai trả lời. Không hiểu họ nói gì, nhưng chúng tôi cũng thừa biết rằng họ muốn vàng và đồ quí giá, tiếng trẻ con càng khóc lớn hơn nữa. Trên tầu bọn cướp không còn tìm ra thứ gì đáng giá nữa, chúng bèn kéo tất cả phụ nữ lên đằng trước mũi tàu, những đứa bé khóc la đòi mẹ, bọn cướp vẫn không màng quan tâm đến. Chúng xô đẩy chị em phụ nữ qua hai tàu của chúng, còn lại năm phụ nữ chúng lấy dây trói lại hết, lột quần áo quăng xuống biển và chúng đè họ hãm hiếp trước mũi tàu, trước bao cặp mắt của mọi người, tiếng la hét của những người bị hiếp, tiếng cầu cứu của những người bị bắt đi, nghe sao mà thê thảm quá! Trên tàu, phụ nữ chỉ còn lại có tôi, có lẽ bọn cướp chê tôi quá già, xấu xí, nhờ vậy tôi thoát được cảnh này.

    Đau đớn hơn nữa là con dâu tôi, ôi sao mà tội quá! Con dâu tôi vừa mới cưới đầu năm, cuối năm tôi dẫn đi vượt biên với cái bụng đã căng tròn, hình dáng bên ngoài rất là mệt mỏi, phần vì đói, không quen đi biển lại mang thai lớn. Mà bọn cướp cũng không tha cho nó. Giờ đây nằm giống như người chết trên mũi tàu, toàn thân nó không có thứ gì để che, con trai của tôi (chồng nó) không thể chịu được cảnh vợ mình mang bầu mà lại bị hãm hiếp, nó đứng dậy chạy tới, xô tên cướp sang một bên. Tên cướp lao đao té xuống thuyền, xong nó vùng dậy và nói gì đó với đồng bọn, lập ức chúng nó xuất hiện trên tay mỗi đứa đều có một con dao mũi dài và cong, chúng nhảy sang tàu chúng tôi chém. Tất cả mọi người còn sống sót. Có một thằng đưa tay cao chém thật mạnh vào cổ thằng con trai tôi, đầu rớt xuống biển, máu phọt ra, thân thể ngã rầm xuống tàu, tôi nhào tới ôm lấy con, tay chân nó còn run, tim của nó vẫn còn đập, tôi áp mặt vào ngực nó, ôm chặt nó vào lòng. Máu của nó thêm một lần nữa hòa tan vào người tôi và lúc ấy tôi đã chết cùng với con trai tôi, mặc cho chung quanh tiếng la hét, tiếng khóc lóc, tiếng kêu của trẻ em, tất cả cùng tôi chìm vào biển sâu.”

    Vừa lúc này, trời ở đảo Bidong có gió lạnh từ biển thổi vào, tôi biết đêm đã khuya, tiếng nói cùng tiếng khóc của bà thì thào bên tai tôi nhỏ dần, nhỏ dần rồi tan biến trong đêm tối. tôi nghĩ bà đã ngủ hoặc vì thương nhớ con mà không thể kể tiếp được giờ phút hãi hùng ấy mà bà đã chứng kiến.

    Câu chuyện của bà kể cho tôi nghe đến đây coi như kết thúc. Nhưng tại sao bà còn sống và nằm cạnh tôi như bây giờ, tôi thật có nhiều câu hỏi cho bà, nhưng lại không dám đánh thức bà dậy. Sáng mai tôi rời đảo rồi, hoàn cảnh của bà làm tôi rung động, suốt đêm tôi cứ nghĩ lung tung, gia đình bà đã tan nát, không còn nữa, phần máu thịt bà đã tan trong long đại đương, mang theo cả linh hồn và sự sống của bà. Bây giờ bà chỉ còn có cái xác gầy gò khô héo, cùng với trách nhiệm nặng nề là đám trẻ mồ côi của bà. Bây giờ tôi mới hiểu thái độ thờ ơ, lạnh lùng của bà lúc bà mới đến ở với tôi. Tôi lại thấy thương bà hơn bất cứ một ai và tôi cũng không muốn rời bà, tôi muốn ở lại thêm với bà một ít lâu nữa. Nhưng chuyện đó tôi không quyết định được.

    Chúng tôi chia tay bà, thông thường mọi người rời trại vui vẻ, hăng hái ra đi mà sao trong lòng tôi còn quyến luyến sâu đậm. Tôi rời trại cứ suy nghĩ mãi …Bà đã chết cùng với con bà trên biển mà tại sao ngày hôm nay bà lại còn kể câu chuyện của bà cho tôi nghe. Thật là một sự huyền bí! chứa trong lòng tôi bao nhiêu câu hỏi mà không sao trả lời được.

    Một tháng sau, tôi gặp lại bà tại trại chuyển tiếp của Mã Lai (trại Sangei Besi), bà lại ôm lấy tôi vừa cười vừa khóc, thế là bao nhiêu câu hỏi ấm ức lâu nay đều mang ra nhờ bà giải đáp.

    Bà bảo rằng bà đã chết trên con thuyền đầy máu ấy. Rồi cơn mưa buổi tối ấy rất lớn, nước ngập lên cả tầu nữa, ngập đến chỗ của bà nằm, bà cố gắng ngồi dậy, nhưng không sao ngồi được, cả một khối nặng đè lên người bà, bà cố gắng hết sức cũng không lay chuyển được, đó là những người trên tàu chết và đè lên người của bà. Một lúc khá lâu, một cơn sóng biển thật mạnh đánh vào mạn thuyền, hất tung khối đè nặng trên người bà. Bà lật đật ngẩng đầu lên để mà thở trong bóng tối dày đặc của biển, bà cũng không biết được bà đang ở đâu. Bà sờ soạng trong bóng tối, bà không nhớ được chuyện gì đã xẩy ra cho bà. Bà đưa tay mò mẫm chung quanh để tìm phương hướng, đụng phải mạn thuyền rồi bà lần mò đến đó, để hai tay lên mạn thuyền, hai chân bà đứng trên những xác chết nằm ngổn ngang trên thuyền, bà nhắm mắt lại, không nghe một cử động nào hay tiếng người nào đó chung quanh, mà chỉ còn tiếng thì thầm của sóng biển, lúc này bà mới nhớ ra tàu đã bị cướp và tất cả đã chết. Bà nhắm mắt lại, nguyện cầu cho những linh hồn đã ra đi, và nguyện cầu cho có một con sóng lớn tới để mang bà đi cùng với thân nhân của bà. Đến sáng hôm sau, mặt trời đã lên cao, bà tỉnh dậy bằng tiếng khóc của trẻ em. Không phải một tiếng mà rất nhiều tiếng . Bà quay lại nhìn đằng sau khoang tàu, nơi mà phần dưới để máy chạy, phần trên được che một cái mui để ngồi lái, không to lắm, khoảng bằng một cái giường để ngủ. Bà run rẩy đi về hướng ấy, thì ra những đứa trẻ trên tàu đều tập chung ở đó. Không có ai là người lớn cả, toàn là trẻ em, bà nhìn lại trên tàu, khoảng ba mươi xác chết nằm ngổn ngang, trôi bồng bềnh qua lại, nước đã vào hơn nửa thuyền, nước mưa, nước biển và máu trộn chung với nhau. Có những xác chết không đầu, bà biết trong đó có cả con của mình, dâu, rể và cháu của bà. Bà không dám nhìn nữa chỉ biết ôm chặt những đứa bé còn lại trên tàu, nước mắt của bà cứ trào ra. Bây giờ bà chỉ còn có một ước mơ duy nhất là cho sóng biển nổi lên, mưa thật lớn để tàu bà được chìm trong biển cả, và tất cả sẽ đoàn tụ bên kia thế giới.

    Qua thêm một ngày nữa, tàu bà lênh đênh trên biển đã là ngày thứ năm. Đến trưa hôm ấy bà thấy một chiếc máy bay. Bay tới, bay lui trên đầu bà rồi họ phóng thanh nói gì bà chẳng hiểu, rồi lại bay mất. Vài tiếng đồng hồ sau, cũng chiếc máy bay đó dẫn đến hai con thuyền thật lớn, họ cặp vào tàu bà, rồi lần lượt đưa bà cùng lũ trẻ sang tàu họ. Ngày hôm sau bà đến Bidong cùng 14 đứa trẻ mồ côi, người cứu bà đã phát hiện nhiều xác chết trôi trên biển.

    Khi tôi gặp lại bà trên trại chuyển tiếp, bà rất vui mừng vì đoàn tàu của bà được trực tiếp sang Mỹ trong thời gian sắp tới. Hiện nay tôi không biết bà đang ở đâu trên đất nước này. Những đứa bé đó bây giờ thực sự đã trưởng thành, không biết chúng còn nhớ lại chuyến vượt biển đau thương ngày nào không? Lúc ấy là cuối năm 1985 và đang bước vào mùa xuân năm 1986.

    Tôi nhớ tàu của tôi đến Bidong trước tàu bà. Tàu của tôi là MB- 464, Nhóm tàu của bà lên đảo cách đó ba tuần . ..được gọi là MB–474 hay MB-477 Tôi không nhớ rõ lắm

    Ngọc Đẹp

  • #2
    TƯỞNG NIỆM HƯƠNG HỒN CÁC NẠN NHÂN
    Trang Yến Vy


    Thoáng chốc, câu chuyện thương tâm xảy ra trên biển Đông năm nào, nay đã trải qua 22 năm thật nhanh chóng. Thời gian dù khá lâu, nhưng cứ mỗi lần hồi tưởng lại chuyến vượt biển đầy gian lao nguy khó đi tìm tự do đó, lòng tôi lại thấy lại rất rõ ràng từng chi tiết tất cả chỉ mới xảy ra hôm qua, cùng với những cảm giác ớn lạnh, bồi hồi để rồi nước mắt tôi lại dễ dàng tuôn ra, cổ họng tôi lại dễ dàng cảm thấy như muốn nghẹn lại. Không biết tôi khóc vì thương cho thân phận lưu lạc tha hương của chính mình hay cho những linh hồn thuyền nhân năm xưa nay đã khuất ?

    Câu chuyện xảy ra hồi tháng 5 năm 1981, vào thời gian mà các cơ cấu hành chánh cũng như dân sự của bạo quyền Cộng sản đang rộn ràng chuẩn bị kỷ niệm cho ngày lễ Lao Động, chuyện canh phòng nghiêm ngặt những chuyến chuyển người vượt biên có hơi lỏng lẻo thì cũng là lúc gia đình của chúng tôi đã phải vội vã và âm thầm chia tay nhau trong nước mắt. Bước chân tôi như có một sức mạnh vô tình trì kéo lại, khiến cho tôi không thể nào dễ dàng bước đi mà ngăn được những giọt nước mắt bùi ngùi, trong khi mẹ tôi cứ ghé sát bên tai tôi căn dặn đủ điều. Một lần ra đi là một lần cách biệt. Không biết rằng chuyến đi này có còn cơ hội để chúng tôi gặp lại được nhau hay là một lần chia tay là một lần cách biệt nghìn trùng. Tôi đứng tần ngần với hai hàng nước mắt trào ra làm nhoè nhoẹt tất cả các cảnh vật chung quanh lúc đó, hai tay tôi cứ níu chặt lấy cánh tay mẹ giống y như ngày đầu tiên năm nào, mẹ dẫn tôi đến trường học. Hình như mẹ tôi cũng đang khóc. Đôi mắt mẹ như tối lại với ngấn lệ lưng tròng. Mẹ tôi căn dặn tôi đủ điều trong lúc hai cánh tay của mẹ vòng ra như muốn ôm trọn lấy người tôi mãi mãi không muốn rời, càng làm cho tôi cảm thấy thương mẹ, cần mẹ hôn bất cứ lúc nào. Cho nên giây phút chia ly đầy nước mắt này, tôi mới thấy thấm thía câu tục ngữ ca dao mà tôi đã học ngày nào :

    ” Công cha như núi Thái Sơn,
    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”

    Nếu không vì những biến đổi độc tài khắt khe của nhà cầm quyền Cộng Sản nhằm đưa đẩy Miền Nam và cả nước vào con đường thụt lùi thoái hóa, đói khổ khốn cùng với một tương lai ngu dân cực kỳ đen tối, có lẽ bản thân tôi hoặc rất nhiều những gia đình khác đã không phải chua xót trải qua những giờ phút chia ly đầy nước mắt như thế này và chắc chắn sẽ không bao giờ phải liều mình nhắm mắt, lao thân vào một chuyến vượt biển rẫy đầy những gian lao thử thách, một sống chín chết như chuyến đi định mệnh mà tôi đã trải qua, chắc chắn sẽ chẳng có một đấng cha mẹ đành lòng nuốt trôi niềm đau đớn, đành đoạn để cho những đứa con thân yêu nhất của mình phải ra đi mà không biết đến ngày trở về.

    Trước ngày ra đi, biết bao đêm tôi đã âm thầm khóc hết nước mắt, biết bao ngày tôi ủ rũ chẳng còn thiết tha đến mọi việc chung quanh chỉ vì trong lòng tôi không hề muốn xa rời cha mẹ thân yêu của mình, không hề muốn mất đi những tháng ngày êm đềm thần tiên trong ngôi nhà ấm áp có cha mẹ, có chúng bạn thường tung tăng vui vẻ chơi đùa, chỉ vì nỗi lo sợ cùng cực khi tôi nghĩ đến những ngày đêm lênh đênh một mình trên con thuyền vượt biên bé nhỏ mà không một ai có thể đoán chắc được số phận may rủi sẽ như thế nào. Quả là một chuyến đi đầy thử thách, rủi ro… Có nhiều đêm tôi trằn trọc không tài nào ngủ được. Tôi trăn trở với những ý tưởng đầy nguy hiểm đe dọa và những xúc cảm khi nghĩ đến không có mẹ không có cha bên cạnh một chuyến đi hãi hùng, đến nỗi, có lần tôi gục mặt vào lòng mẹ mà thổn thức :

    – Mẹ ơi ! Con có thể không đi có được không mẹ?

    Giọng nói của tôi đầy nức nở nghẹn ngào càng làm cho nỗi lòng mẹ tôi thêm tan nát. Mẹ òa lên khóc lớn hơn khiến cho bà cô của tôi hốt hoảng, cô tôi lên tiếng can thiệp :

    – Không được ! Con phải ra đi vì đó là con đường tương lai của con đó !

    Rồi cô tôi quay sang phía mẹ tôi, cô mắng khẽ :

    – Chị phải bình tĩnh để cho cháu yên lòng ra đi…

    Rồi tất cả mọi việc như đã an bài. Tôi không còn lòng dạ nào để yên ổn ngồi suy nghĩ vớ vẩn nữa. Chuyện gì phải đến sẽ đến. Dòng đời cứ thản nhiên đưa tôi đi tới những gì mà tôi sắp sửa phải đối diện. Ngày lên đường, tôi nghẹn ngào từ biệt cha mẹ gia đình để âm thầm bước chân cùng đi theo với những người khác.

    Vào một đêm không trăng sao. Trời tối đen như mực. Tôi bước từng bước đi theo chân người đàn ông hướng dẫn, hồi hộp tận cùng bên cạnh những người thân yêu để vượt qua một cánh đồng trống. Vì lo sợ bị bại lộ, người đàn ông hướng dẫn chúng tôi dặn không ai được mang dép để nếu rủi ro có chuyện xảy ra thì mọi người có thể chạy thật nhanh. Nhóm người cùng đi với chúng tôi cùng lặng lẽ rảo bước theo nhau trong đêm tối, vụt qua những hào hố gập ghềnh, những cành cây khô đầy gai góc.

    Hai bàn chân tôi dẫm lên không biết bao nhiêu lần những chông gai đau đớn, những mảnh sành cắt đứt từng vết dưới lòng bàn chân rướm máu để cuối cùng thì nhóm người của chúng tôi cũng tới được điểm hẹn. Những đau đớn và phập phồng lúc bấy giờ tuy có ghê gớm thật nhưng cũng chưa thấm thía gì so với những lo sợ vô vàn khi trước mặt tôi là một đại dương mênh mông đang ầm ì tiếng sóng mà tôi biết Chắc chắn rằng, rồi đây, không bao lâu nữa, số phận của chúng tôi sẽ phải giao phó cho một định mệnh không biết may rủi sẽ như thế nào sẽ như thế nào, chúng tôi sẽ may mắn tìm đến được bến bờ Tự Do hay sẽ vùi chôn xác trong lòng đại dương giá lạnh này. Tất cả cũng vì hai chữ TỰ DO.

    Chiếc ghe vượt biển với một kích cỡ dự liệu chỉ vừa đủ cho khoảng 60 người. Nhưng cuối cùng, lại phải trở thêm tới hai mươi người “căn me“(tức là những người vượt biên không trả tiền ) nữa. Con số thặng dư này tạo rất nhiều xáo trộn trong lúc chuyển người lên ghe, khiến cho chủ tầu rất hoang mang và lo sợ. Trong khi đó, lại vừa có một chiếc tầu tuần tiễu duyên phòng đi kiểm soát, càng khiến cho không những chủ tầu mà tất cả chúng tôi đều rất lo sợ công việc sẽ bị bại lộ, số phận tù đày cực khổ đã hiện ra trong đầu. Chiếc tầu tuần duyên chạy xình xịch chậm chạp và chiếu đèn rọi vào về phía chúng tôi. Tất cả mọi người đều lo sợ phập phồng và sẵn sàng để bị bắt. Nhưng dường như có một phép lạ vô cùng nhiệm mầu, khiến cho chiếc tầu tuần duyên đã không nhìn thấy chúng tôi. ” Nó” đã chạy qua chỗ chiếc ghe vượt biên của chúng tôi, để lại những vệt sóng trắng xóa nhấp nhô trên con kinh nước chảy bâp bềnh.

    Chiếc ghe của chúng tôi nhẹ nhàng chuyển mình rời bến đậu, từ từ vượt sóng tiến vào biển khơi. Qua được một đêm một ngày, chiếc ghe đã ra tới hải phận. Tôi ngoảnh mặt nhìn lại phía sau, chỉ thấy một chân trời mênh mông xa tắp, không hề nhìn thấy bến bờ xóm làng.

    Đêm thứ hai, đại dương bắt đầu nổi sóng. Từng con sóng nhấp nhô vươn cao lên tới đỉnh đầu, rồi thụp sâu xuống lòng biển cả làm cho chiếc ghe mỏng manh bé nhỏ của chúng tôi như một cánh lá trôi nổi giữa dòng. Bầu trời đêm đen kịt không một ánh sao. Không gian thỉnh thoảng loé lên những ánh chớp cắt ngang lưng trời, tiếp theo là tiếng sấm, tiếng sét kinh hồn tỏa ra trên lòng biển đêm đen tăm tối. Cơn bão nhiệt đới kéo tới dập vùi con thuyền bé nhỏ của chúng tôi trong đêm đen đầy đe dọa. Từng đợt sóng lớn đánh mạnh xuống, làm cho thân ghe vặn vẹo tròng trành như muốn lật úp trên mặt đại dương đang đùng đùng dậy sóng. Mọi người trên ghe thất kinh thì thầm van vái Phật Trời…

    Bỗng cả tầu kinh hoảng hơn nữa khi chúng tôi phát giác ra chiếc ghe bị ngập nước sắp chìm. Tất cả những người đàn ông trên ghe thay phiên nhau tát nước. Nhưng tình trạng không có dấu hiệu khá hơn. Cuối cùng, chúng tôi phải chọn giải pháp chỉ để lại trên ghe một can xăng với một can nước uống. Kỳ dư tất cả những vật dụng cá nhân đem theo đều được bỏ xuống mặt biển cho chiếc ghe nhẹ hơn, mới mong vượt qua được cơn bão thập tử nhất sinh này và mạng người mới hy vọng được bảo đảm.

    Sau khi mọi thứ đã được bỏ lại trong lòng đại dương, chiếc ghe mới lướt qua được từng đợt sóng cho đến sáng ngày hôm sau, chúng tôi mới thực sự thoát khỏi nanh vuốt đầy thịnh nộ của thủy thần. Đến lúc này, biển lặng sóng êm trở lại, những người trên ghe chúng tôi mới cảm thấy vừa đói, vừa khát vừa giá lạnh vô cùng. Cái lạnh đã thấm nhập vào tận mỗi tế bào của da thịt nhưng chúng tôi có còn gì đâu để mà giúp cho thân thể được ấm áp ngoài những lời cầu kinh và những điều tha thiết khấn vái. Phản ứng của tất cả mọi người chúng tôi là đi lục lọi tìm lại chút lương khô nào đó may ra còn sót lại. Nhưng hỡi ơi ! Tất cả gói to gói nhỏ mà chúng tôi mang theo bên mình đều đã quăng xuống biển trong đêm hết cả, để rồi giờ đây chỉ còn biết nhìn nhau ngậm ngùi chia xẻ từng cơn đói khát và giá lạnh. Giờ đây gia tài còn lại của tất cả chúng tôi chỉ là một ít gạo và một can nước, chỉ đủ nấu cháo để cùng chia ra mỗi người được nửa chén cầm hơi mà níu kéo sự sống qua thêm được một ngày.

    Đêm thứ ba lại đến trên mặt biển đen vô tình tiếng sóng vỗ bì bạch vào thân ghe như tiếng ma quái đe dọa, khiến tôi đã sợ lại càng thêm sợ phập phồng khi nghĩ đến những câu chuyện linh thiêng của những người đi biển trước đây kể lại. Từng cơn đói khát lạnh lẽo dậy lên hành hạ khiến cho tôi liên tưởng tới mái ấm gia đình với cha mẹ và những bữa cơm no lòng, Với những đêm ngày ấm áp trong vòng tay thương yêu bao bọc của cha mẹ, của làng xóm quê hương thân thiết. Không biết trong lúc này cha mẹ của tôi, các anh em của tôi có thể biết rằng tôi đang phải chịu đựng từng cơn đói khát lạnh lẽo cùng với biết bao lo sợ vô hình đến có thể lả người đi được.

    Trong cơn mê đồng thiếp đó, bên tai tôi bỗng nghe có tiếng ai đó khóc than nghe thật não lòng ai oán ! Tôi vội lắng tâm nghe ngóng, nhận ra được có cả tiếng khóc bi thiết của trẻ thơ. Rồi những tiếng khóc đó mỗi lúc như mỗi xa dần, chỉ còn lại lãng đãng tiếng mõ cầu kinh. Tôi cho rằng, rất có thể chiếc ghe của chúng tôi đã trôi dạt và tới được một vùng đất liền nào đó. Tôi định lên tiếng hỏi người bên cạnh thì bỗng có tiếng của một thanh niên :

    – Bà con ơi ! Chúng ta đã tới được Thái Lan rồi…Có ai nghe tiếng gõ mõ tụng kinh không?

    Tôi và mọi người cùng xác nhận :

    – Có…!

    Trả lời xong câu hỏi thì bọn con gái chúng tôi bỗng trở nên lo lắng khi liên tưởng tới thảm cảnh sẽ gặp, nếu chiếc ghe của chúng tôi trôi ngang qua hải phận Thái Lan và với lứa tuổi 17, 18 như tuổi của tôi thì chắc chắn không thoát khỏi bọn chúng. Theo phản ứng tự nhiên, tôi liền lấy nhớt đặc trên ghe để trét kín lên khuôn mặt của mình để bọn hải tặc Thái Lan khó lòng nhận diện, may ra thoát được tai nạn.

    Tuy nhiên với anh tài công thì mọi việc lại không phải như chúng tôi đang lo nghĩ. Anh là người nắm chiếc la bàn đi biển trong tay, cho nên anh biết chiếc ghe của chúng tôi không đi về hướng Thái Lan. Với nhiều năm kinh nghiệm đi biển, hiểu rõ các hiển linh trên biển cả, với những oan hồn uổng tử vùi thây trong lòng biển lạnh để rồi hiển linh báo mộng, cho nên anh tài công ôn tồn khẳng định :

    – Bà con nên giữ bình tĩnh, ngồi yên một chỗ, đừng hoang mang di động quá rất dễ bị lật ghe. Chúng ta hiện còn xa đất liền . Ai là người Công Giáo thì hãy đọc kinh. Ai là người Phật Giáo thì cũng cầu siêu cho các oan hồn uổng tử còn đang vất vưởng trên mặt biển khơi.

    Nghe đến đây, tôi muốn thét lên vì sợ. Nhưng tôi kịp trấn tỉnh, quay sang ôm cứng lấy người bên cạnh. Chúng tôi chẳng ai bảo ai cùng khóc thương cho những con người bất hạnh, những đồng bào ruột thịt của chúng mình đã vùi thân trong lòng biển lạnh cũng chỉ vì hai chữ Tự Do. Trên ghe chúng tôi phần nhiều là người Công Giáo cho nên chúng tôi cùng bảo nhau đọc kinh khấn nguyện, và cầu siêu cho các linh hồn chết oan uổng trên mặt biển này.

    Vì quá chăm chú cầu nguyện, cầm lòng cầm trí khấn khứa cho các linh hồn, nên tôi không biết những tiếng khóc ỉ ôi trên mặt biển vắng đã chấm dứt từ lúc nào. Chúng tôi chỉ thấy rằng, sau đó chiếc ghe trở chúng tôi đã như có một phép mầu nhiệm làm cho chạy rất nhanh và rất êm ái như đang lướt đi trên sông vắng để cuối cùng, vì đói, vì khát, vì lạnh quá mọi người đều thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn nhưng đầy sự bình an một cách kỳ lạ, cho đến khi những tia nắng ấm, êm dịu chiếu xuống chiếc ghe xơ xác của chúng tôi làm mọi người lúc bấy giờ mới bừng tỉnh giấc…Nắng ấm chan hòa khiến cho lòng tôi thêm an tịnh và thân thể cảm thấy khoẻ khoắn hơn.

    Mọi người đã có thể nhìn nhau với nụ cười gượng gạo đầy tình thân chia xẻ. Chúng tôi cùng nhìn ngắm từng bầy cá Heo như đang chia xẻ niềm vui vô tình. Chúng nhảy lên từng đợt theo hướng chiếc ghe đang chạy tới.

    Cho đến giữa trưa, khi ánh nắng đã chan hòa trên mặt biển như không hề có chuyện gì thì bỗng nhiên có một chiếc tầu Anh xuất hiện. Chúng tôi đồng loạt la hét ầm ĩ cùng với dải khăn trắng có viết sẵn chữ S.O.S được giăng lên. Chiếc tầu Anh đã cặp sát tới cạnh chiếc ghe mong manh bé nhỏ của chúng tôi với một chiếc thang dây thả xuống để cho tất cả chúng tôi lần lượt được đặt chân lên chiếc tầu sắt to lớn đầy vững chãi mang ký hiệu của nước Anh đầy thân ái, đã ra tay cứu vớt chúng tôi từ một chiếc ghe vượt biển bé nhỏ như một chiếc lá giữa dòng biển rộng mênh mông đầy bất trắc hãi hùng.

    Chúng tôi được những người trên chiếc tầu Anh đón nhận một cách đầy tình người với những bữa ăn nóng hổi thịnh soạn mà tất cả chúng tôi, có lẽ chưa từng ai được hưởng kể từ khi Cộng sản vào chiếm Miền nam yêu dấu. Chúng tôi đứng trên boong của con tầu nhân đạo đưa mắt nhìn vào lòng biển rộng dưới kia, thấp thoáng trong ánh nắng rực rỡ chói lòa trên làn nước bạc là chiếc ghe bé nhỏ đã cưu mang, bảo bọc sinh mạng chúng tôi trong suốt mấy ngày nguy lao gian khó vừa qua. Chúng tôi chỉ biết ngửa mặt thầm tạ ơn Chúa Phật đã ban cho chúng tôi có được cơ may thoát hiểm. Nếu không có chiếc tấu Anh ra tay cứu vớt, không biết rồi sẽ ra sao, số phận chúng tôi rồi sẽ đi về đâu trong lòng biển cả vô tình…

    Sau bao nhiêu năm dài sống trên vùng đất tự do no ấm, của cải dư đủ thừa mứa, không biết trong chúng ta, có ai còn nhớ lại lời hứa khi chúng ta còn đang ngụp lặn trong mênh mang mưa bão và đói khát với gian nguy, với hàng vạn nỗi kinh hoàng?

    Giờ đây, chúng ta hãy thắp lên một nén hương trầm để tưởng niệm những hương hồn của các thuyền nhân đã chìm sâu thân xác trong lòng biển lạnh năm xưa. Cầu mong cho các vong linh bất hạnh khốn khổ đó sớm siêu thoát vinh thăng, sớm được yên nghỉ trên đất nước trời. Những vong linh vì hai chữ Tự Do đã nói lên đầy ắp sự can trường bất khuất, chẳng khác gì các vị anh hùng hào kiệt rất xứng đáng được ghi danh vào trang sử của dân tộc Việt Nam vào thời kỳ biến động với cuộc hành trình biển Đông xảy ra có một không hai trong lịch sử của thế gian cũng như giống nòi, để cho các thế hệ sau này có thể biết được chiến sử hào hùng của những anh hùng vượt chết đi tìm Tự Do trên biển cả, với ước vọng mưu cầu nhân quyền dân chủ và cơm no áo ấm cho toàn dân mà hiện nay còn đang bị Cộng Sản Việt Nam chiếm đoạt. Cũng còn là một phương pháp ngăn chặn áp bức, những nghiệt ngã điên cuồng mà những người Cộng Sản với guồng máy độc ác đang cai trị trên quê hương yêu dấu của chúng ta.

    Cầu xin các vong linh của những thuyền nhân Việt Nam đã vùi thây trong lòng Biển Đông hoang lạnh năm nào hãy về đây chứng giám cho tấm lòng của những đồng bào thân yêu đang tha thiết khấn nguyện và tưởng niệm về nỗi bất hạnh mà các hương linh này đã phải trải qua.

    Cali, 4/2/03
    Trang Yến Vy

    Comment


    • #3

      QUA CƠN HỒNG THỦY
      Ngọc Loan


      Biến cố 1975 đúng là một cơn hồng thủy. Nó cuốn trôi cả xã hội Việt Nam vào dòng nước xoáy xuống vực sâu thăm thẳm… Gia đình tôi cũng cũng không thoát khỏi cơn hồng thủy đó nên đã phải lênh đênh trôi dạt trên biển Đông, để tìm đường sống từ cõi chết.

      Chuyến hành trình biển Đông bắt đầu vào tháng 6/1980. Tôi dắt ba đứa con nhỏ, đứa lớn nhất lên 10, bé nhất lên 5, và một thằng cháu con của ông anh lớn xuống thuyền… Chủ tầu dặn trước : mỗi người chỉ được mang theo một bộ quần áo, tuyệt đối không được mang theo đồ kềnh càng, ăn uống do chủ tàu lo. Cẩn thận tôi mang theo một ít cơm nắm thịt ruốc, sợ các con tôi đói dọc đường. Tôi còn khâu vào bộ quần áo mang theo của chúng mấy chỉ vàng, phòng hờ chẳng may bị thất lạc, chúng có vật tùy thân.



      Giờ đổ người lên thuyền bất ngờ vào giữa trưa, khác với những chuyến trước thường là vào ban đêm. Việc đổ người xảy ra thật nhanh, thật gọn, khiến tôi choáng váng đến ngộp thở, không nhận biết được gì.

      Phút chốc tôi thấy mình bị đẩy lên thuyền vượt biên với ba con. Cùng lúc, có tới 4 hay 5 ghe nhỏ khác đổ thêm người lên thuyền. Sau đó, chúng tôi bị đẩy xuống khoang thuyền, rồi mấy người tổ chức vượt biên phủ lưới lên trên, ngụy trang thành tầu đánh cá.

      Ngồi trong khoang, tôi quan sát chung quanh. Thuyền này rất nhỏ, bề ngang chỉ độ một mét, bề dài hơn mười mét, lòng khoang hẹp ghép bằng những miếng ván và có những thanh gỗ đóng ngang cạnh thuyền cách nhau nửa mét. Phía trên chỉ có một lỗ thông hơi nhỏ. Về sau tôi mới hay máy tầu chỉ có 3/4 mã lực và có tới ba mươi người lớn nhỏ “xếp cá mòi” trong thuyền.

      Mấy người khoẻ mạnh bắt đầu lấn áp mẹ con tôi khiến chúng tôi ngộp thở vô cùng. Đứa út còn quá nhỏ cứ đòi ngồi trên lòng mẹ, các đứa khác ngồi trên những thanh lườn thuyền than khóc không thôi. Tôi phải cố nuốt lệ, cố tìm lời dỗ dành khuyên bảo chúng. Sau một ngày vật lộn với sự chen chúc và sóng gió, các con tôi đều mệt lả thiếp đi. Còn tôi phần vì lo lắng, phần sở hãi nên cứ trơ trơ ngồi canh chừng trong tư thế khó chịu, đau đớn vô cùng.

      Đến tối thuyền bỗng nhiên ngưng chạy. Hỏi ra mới biết vì máy yếu, trở quá nặng nên không chịu nổi. Ngặt một nỗi, thuyền chưa ra hỏi hải phận nên ai cũng sợ bị tầu Việt Cộng bắt lại thì chỉ có nước ngồi tù cả đám. Trong lúc người lái tầu sửa máy, đám thanh niên leo hết lên boong thuyền tìm chỗ nghỉ ngơi sau một ngày mệt mỏi, thay vì ở dưới khoang phụ tát nước. Họ để máy dùng tát nước chạy phun khói mịt mù.

      Vợ con chủ tầu an nhiên tọa hưởng trên cabin, chỉ khổ cho trẻ con và những bà mẹ như chúng tôi phải chịu cực hình xông khói. Chị bạn tôi thấy con cái ngộp thở, ho sặc sụa, van xin chủ tầu tắt máy mãi không được, chị bèn nguyền rủa, chửi bới om xòm về sự vô nhân đạo và việc làm tắc trách của chủ tầu.

      Bọn chủ tầu và thợ máy không những không nghe, họ sẵng giọng mắng xuống : “Mấy bà im mồm đi ! Trước tụi tôi cần vàng nên mới đưa mấy bà đi. Bây giờ không cần nữa, con mấy bà có chết cứ việc liệng xuống dưới biển, đừng có la lối.”

      Tôi biết nếu để tình trạng này kéo dài vài giờ nữa lũ trẻ sẽ chết ngộp do hơi độc carbon tỏa ra. Bản năng tự vệ nổi lên, tôi vẹt mọi người ra leo lên boong, dõng dạc : “Tôi xin lỗi tất cả các anh đi học tập có mặt trên tầu vì việc tôi sắp làm có thể nguy hại đến các anh. Tôi đứng đây chờ tầu hải quân Việt Cộng đi qua sẽ la to cho họ đến bắt. Giải cứu các con chúng tôi trước để khỏi bị chết ngộp, việc tù đầy tính sau. Tính mạng trẻ con là trên hết ! “

      Do lời nói cứng cỏi và ý trí mãnh liệt của tôi, bọn họ đành phải bàn tính lại. Rồi họ tắt máy tát nước, cho hết các trẻ con lên boong, các bà mẹ cùng lên theo, còn các thanh niên xuống cùng thay phiên nhau tát nước. Gần sáng máy chạy được, tầu thoát ra khỏi hải phận. Thật hú hồn !

      Song, “Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai “. Đi được hơn một ngày, chúng tôi gặp ngay một tầu hải tặc Thái Lan. Vừa thấy tầu cướp, chủ tầu vội ra lệnh tất cả đàn bà trẻ con xuống hết khoang thuyền. Bị bít bùng, chúng tôi không hay biết chuyện gì xảy ra ở trên. Chỉ biết rằng chúng tôi sợ gần chết, vì đã từng nghe chuyện kể lại thế nào là hải tặc Thái Lan : Cướp của, giết người không gớm tay, hãm hiếp phụ nữ thật dã man…đều là nghề của bọn này !

      Bỗng có lệnh gọi mọi người lên boong hết. Ba, bốn tên cướp súng dắt bên sườn, tay khoa mã tấu sáng láng. Chúng xuống khoang lục soát kiếm vàng. Rồi chúng lên bắt mọi người cởi hết quần áo để chúng khám xét. Bao nhiêu nhẫn vàng và đồng hồ đeo tay đều bị chúng lột hết.

      Lùng sục xong trong khoảng một tiếng đồng hồ, chúng ra lệnh chúng tôi qua tầu chúng. Trong cơn giục giã, xô đẩy hỗn loạn của bọn cướp tôi cũng bị kéo qua tầu chúng. Trẻ con thì bị thẩy qua như thẩy banh.

      Nhìn lại, tôi thấy bị mất sạch hành lý trong có dấu mấy chỉ vàng, nhưng thấy còn đủ ba đứa con, tôi mừng rỡ chạy lại ôm chúng khóc nức nở.

      Tôi len lén nhìn bọn hải tặc. Trời ơi! Chúng dễ sợ quá : đầu quấn khăn, mình để trần nhễ nhại mồ hôi quấn mỗi cái sà-rông, tay lăm lăm mã tấu, trông như những quái vật đầu người mình thú. Tôi lo lắng không biết chuyện gì sẽ xảy ra và nghĩ thôi đành phó mặc cho số mệnh.

      Nhưng bọn hải tặc cho chúng tôi ăn. Các con tôi sung sướng lắm vì đã hai, ba ngày nay từ lúc lên tầu đã bị đói khát. Những nắm cơm đi đường ít ỏi chúng đã ngốn sạch. Từ trước khi leo lên tầu chủ tầu có hứa lo đồ ăn đồ uống, nhưng họ làm ngơ.

      Tối đến nằm trên boong tầu hải tặc, tôi ôm chặt lấy đứa út và không ngớt cầu nguyện xin ơn trên ban phước lành cho các con tôi. Chợt tôi nhìn sang đứa con gái lớn 10 tuổi đang ngủ say, tôi sợ hãi và hối tiếc đã không cho nó mặc đồ giả trai. Chưa kịp nghĩ xa hơn thì những ánh đèn pin loang loáng rọi đến chỗ chúng tôi nằm. Một cô gái bị đánh thức dậy và đưa lên phòng lái. Rồi cô thứ hai, thứ ba… Họ là những cô gái tuổi xanh mơn mởn ! Tôi rùng mình sợ ánh đèn pin chiếu đến con gái tôi. Tôi thầm khấn xin cho tôi thay cháu làm vật tế thần nếu có chuyện gì xảy ra, đừng để con tôi phải chịu đọa đầy. Cả đêm hồi hộp lo âu, tôi không tài nào chợp mắt. Cũng may, bọn chúng chỉ bắt những cô gái trẻ lên để hành lạc chứ không man rợ hãm hiếp phụ nữ ngay trước mặt chồng con họ khiến cho vợ phát điên, chồng tự vẫn vì phải mục kích những cảnh kinh hoàng khủng khiếp đó, như các tầu hải tặc khác.

      Sau đêm thỏa mãn thú tính, sáng ra hải tặc đuổi chúng tôi về tầu cũ đã bị cướp sạch những gì có thể cướp được và bị phá nát máy tầu để tìm vàng. Thế là chúng tôi lênh đênh trên biển cả, không có chút đồ ăn nước uống.

      Sáng sáng tầu theo dòng nước trôi ra khơi, tối tối được sóng đánh dạt vào phía bờ ! Thấp thoáng như có bóng đảo Côn Sơn. Trong tình huống tuyệt vọng này, ai cũng mong được trôi dạt trở về. Tù tội cũng cam lòng.

      Tội nghiệp các con tôi, mới ngần ấy tuổi đã chịu cực hình ngồi bó gối trên những thanh gỗ nhỏ gồ ghề, chịu nhịn đói ngày này qua ngày khác, và chịu đọa đày nóng thiêu đốt ban ngày, lạnh cóng xương ban đêm. Mỗi khi trời mưa chúng tranh nhau ra phía cửa khoang, ngửa miệng hứng từng giọt. Nhiều lúc chúng nức nở kể lể : “Sao mẹ bắt con phải đi khổ sở như thế này. con thèm nước đá chanh quá. Con thèm bát cơm rang quá !” Rồi chúng thay nhau kể ra những món chúng ưa thích : nào xá xị, hủ tíu, nào chè cháo, bánh bao…! Nghe chúng than khóc, kể lể chủ tầu nạt lớn : “Im mồm chúng mày đi ! kể lể làm tụi tao cũng bắt thèm luôn.“ Tôi vừa buồn cười, vừa giận bọn chủ tầu nhưng phải cố gắng trấn an các con với viễn vọng huy hoàng ngày mai này !

      Nói sao hết nỗi đói khát, cơ cực giữa lòng biển cả mênh mông ! Nước biển tràn đầy xung quanh nhưng chúng tôi vẫn khát. Cá bơi lội ê hề nhưng chúng tôi vẫn đói. Đứa con gái lớn nói : “Con không chịu nổi nữa đâu. Thôi con nhảy xuống biển chết đi cho khoẻ.” Tôi phải ôm nó vào lòng dỗ dành, đã hết lời mà nó cứ làm tới, tôi dọa lại : “Con thử nhảy xuống xem nào.” Nó ấm ức : “Con phải được uống một ly nước cho đã thèm rồi con mới nhảy xuống được.” Tôi mỉm cười : “Nếu có một ly nước, mọi chuyện thay đổi ngay. Con ráng đợi ly nước đó nhe con.”

      Mấy đứa con tôi lịm dần trong cơn mê vì đói khát lả người. Chúng như không còn cảm giác, lúc tỉnh lúc mê và đang đi dần vào một thế giới nào khác. Nhìn chúng, niềm đau lòng làm thắt ruột gan tôi. Tôi bỗng thù hận tất cả. Hận Cộng Sản đẩy người dân vào đường cùng đến nỗi phải liều mạng với biển rộng trời cao để tìm tự do. Hận đồng hành vô tình, ích kỷ, chèn ép mẹ con tôi. Hận cả chính mình, ngu muội và bất lực, không bảo vệ được con mình. Tôi hận, hận tất cả.

      Sang đến ngày thứ 14, tình trạng các con tôi tệ hại vô cùng. Chúng lở lói, thân hình nhơ nháp những phân và nước tiểu, thê thảm khôn cùng ! đứa út còn tệ hại hơn, vừa đói khát vừa kiết lị nên khô đét như nắm xương bọc da nhăn nhúm, nằm thoi thóp nửa tỉnh nửa mê…

      Đang lúc quá thất vọng. Bỗng có một tầu đánh cá Thái Lan xuất hiện. Cả tầu lại xôn xao, mọi người không còn gì để mất nên không sợ hãi như lần trước nữa. Tất cả chỉ mong được thức ăn nước uống… rồi chết cũng cam tâm. Để làm mủi lòng ngư phủ tầu Thái, vài người vội bồng con gái út bé nhỏ của tôi giơ cao lên đưa hướng về họ. Tội nghiệp con bé thoi thóp thở trong chiếc hình hài chẳng giống người.

      Tầu ngừng lại, nhìn qua và có lẽ thấy cảnh tượng thương tâm đó nên cứu mọi người. Khác với bọn hải tặc lần trước, họ rất tử tế thòng dây qua giúp từng người sang hết tầu họ, bỏ lại con tầu ọp ẹp của chúng tôi sắp chìm trong sóng biển. Kiểm được đầy đủ các con an toàn trên tầu đánh cá rộng lớn, tôi mừng như chết đi sống lại. Mọi người được cho ăn uống no nê. Trẻ con được uống cả nước ngọt và sữa nữa. Tôi xin một ly sữa, nhỏ từng giọt vào miệng con út, nhưng cháu rất yếu chỉ thều thào nuốt được vài ba giọt.

      Hỏi thăm tôi được biết ông chủ tầu Thái này trước đây đi đánh cá từng bị công an Việt Cộng bắt, may gặp một bà mẹ Việt Nam cứu thoát nên nay muốn trả ơn xưa.

      Tầu vào gần đất liền, ông cố gắng tìm một làng đánh cá hẻo lánh và trong đêm đó chuyển lậu chúng tôi lên bờ. Xong vội vã ra khơi để tránh liên lụy vì chính phủ Thái và nhiều nước lúc đó không nhận cho người tị nạn Việt Nam vào.

      Chúng tôi nằm ngủ thiếp đi dưới những gốc dừa. Sáng dậy thấy dân địa phương khám phá ra kéo đến xem chúng tôi. Cảnh thê thảm tang thương của đoàn người lưu lạc, sa cơ thất thế làm họ thương cảm sụt sùi. Rất tử tế, họ mang cho chúng tôi từng nải chuối, trái dừa, khoai bắp luộc…đượm thắm tình người. Sau đó chúng tôi được đưa đến trại cảnh sát Thái, được ở tạm trong khu chuồng bò để chờ Hồng Thập Tự Quốc Tế đến, và được cấp gạo, cá khô…

      Mọi người sung sướng ăn uống no nê. Riêng con gái út tôi kiệt sức vì kiết lị và mất nước nên nằm thoi thóp, rúm ró trong bọc vải. Chắc nó không sống nổi ba ngày nữa chờ Hồng Thập Tự đến giúp. Tôi vội hỏi mượn đám chủ tầu ít tiền để ra ngoài mua sữa cho cháu nhưng họ làm ngơ, lén lút dúi tiền cho con cháu họ mua quà bánh ăn. Túng quá, tôi ôm cháu ra ngoài chợ, mong dân địa phương thương hại để xin một hộp sữa cứu sống cháu. Vừa đến cổng trại gặp ông Đại Úy Thái Lan cụt chân vẫy lại hỏi tôi đi đâu. Tôi nói đi ra chợ xin hộp sữa cho con và mở cái bọc vải để lộ thân hình bé tí teo. Ông ứa nước mắt, nói không có sữa, rồi cho tôi 20 Bath tiền Thái Lan mà đi mua. Nhờ có 20 Bath (vừa đúng 1 đô la Mỹ) Tôi mua một hộp sữa, ít chanh, đường về pha cho cháu uống. Cháu từ từ hồi sinh, ba ngày sau Hồng Thập Tự đến, con tôi đã thoát khỏi ách tử thần.

      Chúng tôi được chuyển đến trại tị nạn Song Kha và sau đó được chồng và hai đứa con trai lớn đã vượt biên năm trước bảo lãnh sang định cư tại Mỹ.

      Cơn hồng thủy đã tràn vào nước tôi dìm bao nhiêu người dân lành xuống biển Đông? Đã hơn hai mươi năm trôi qua, chuyện kể vượt biển Đông vẫn như vừa mới hôm qua. Phải trải qua đói khát khổ đau, ô nhục và nước mắt thấy hết sự chịu đựng bền bỉ của những con người đành bỏ lại tất cả mà ra đi. Và trong kinh hoàng tuyệt vọng có những vị cứu tinh xuất hiện như những bông hoa nhân ái nở giữa biển khổ trần gian.

      Ngọc Loan
      * Sinh ngày 5/8/1941 tại Hà Nội
      * Cựu nữ sinh Trưng Vương
      * Cựu Giáo sư Gia Long
      * Đậu cử nhân Văn Khoa Sài Gòn 1966
      * Đã xuất bản 2 tập “Thơ Nguyễn Lê” và tập truyện ngắn “Chồng Con” cùng với chồng là Song Thuận

      Comment


      • #4
        SỐNG SÓT TRÊN BIỂN
        -Huy Nguyên-


        Chiếc ghe vượt biên chở khoảng 150 thuyền nhân bị lạc đường, hư máy nằm bềnh bồng trên sóng nước bao la đã hơn ba tuần lễ nay.

        Là một chiếc ghe được đăng ký, có thời gian là phương tiện để chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, lương thực, nước uống trong hai tuần lễ cho cuộc hành trình ngắn ngủi quá lắm là hai hôm khởi hành từ Cửa Đại đi tới Thái Lan. Ghe lại được công an hộ tống an toàn ra biển. Trong khi đó các trại tị nạn Á Châu mới được dựng nên còn vắng hoe, đang mở rộng cửa, ân cần đón khách thuyền nhân. Vượt biển như thế thì chắc ăn quá, có khác gì đi du lịch đâu. Vậy mà bóng dáng thần chết vẫn đến viếng thăm họ. Đúng là con người sống, chết đều có số.

        Cũng bởi chiếc hải bàn của chiếc ghe này bị hư, người tài công đành phải nhắm hướng sao mà tiến cho nên chiếc ghe đi không chính xác, bị lạc, cứ thế mãi cho đến khi hết cả nhiên liệu, thực phẩm, nước uống cũng chưa thấy bến bờ nào cả. Trong cuộc hành trình lạc đường, chiếc ghe đã ba lần gặp bão, nhưng là ghe vượt biển của nhà giàu nên được đại tu bổ công khai trước khi khởi hành tại bến nên chắc kinh khủng. Ghe cũng đã hai lần gặp hải tặc, nhưng nhờ đám thuyền nhân có mang theo của cải, vàng bạc, đô la, lên tiếng điều đình vì thế đám cướp biển tối mắt, chỉ lấy của cải rồi bỏ đi, nên đám phụ nữ trên ghe thoát màn hãm hiếp hay bị bắt đi.

        Thoát được bão tố, hải tặc, đoàn người lâm vào cảnh cạn hết lương thực, nước uống, và hư máy tàu. Niềm hy vọng được tầu buôn, hay chiến hạm của Mỹ đi ngang đây cứu vớt họ cũng tan thành mây khói khi mọi người bị kiệt sức vì đói sau bốn ngày không còn gì để ăn. Cũng may nhờ những cơn mưa, nên họ đã hứng được nước để mà sống cầm hơi. Trong hoàn cảnh này, những cây vàng lá Kim Thành, những cục hột xoàn sang lấp lánh đã chẳng còn giá trị so với miếng bánh mì tổ phơi khô, củ khoai lùi, hay bát bo bo nhai như ăn phải sạn.

        Tội nghiệp nhất là những người già và đám trẻ con chết vì đói, được thủy táng trong lòng biển. Qua mấy hôm trời nắng, số nước uống dự trữ lại cạn khô.

        Chiều nay, lại thêm ba mạng đàn ông nữa qua đời vì sẵn đau yếu trong người. Người ta không đủ sức để làm thủy táng nữa. Mọi trách nhiệm dọn xác đều phó thác cho người tài công lái ghe là ông Thới, và người chủ thầu tổ chức chuyến đi là ông Phản.

        Tối đến, đám thuyền nhân còn sống nằm rạp hết trong khoang ghe, thoi thóp. Trên buồng lái, ông tài công Thới cũng đến hồi kiệt sức, nằm ẹp xuống sàn, miệng khô ran chẳng còn chút miếng nước. Chỉ còn ông Phản nhờ thân thể mập mạp, khoẻ mạnh nên chỉ bị gầy đi chút đỉnh chứ chưa bị quị luôn. Ông Phản đổ dầu cặn ra chiếc thau nhôm nhúng cái giẻ lau máy tàu đen nhẻm vào, rồi đốt lên. Đây là công việc mà ông vẫn làm mỗi đêm để hy vọng có chiếc tàu nào đó đi ngang thấy được ánh lửa mà tới tiếp cứu chiếc ghe này.

        Ba cái xác chết chưa thủy tang vẫn còn nằm phơi mình trên sàn ghe. Ông Phản kéo lại rồi lấy lưới phủ lên. Gió bắt đầu thổi mạnh. Ông Phản mừng rỡ chạy vào phòng lái gọi ông Thới và nói:

        – Có cơn giông đang kéo tới đây, anh Thới à.

        Ông Thới chợt ngồi nhổm dậy:

        – Vậy mình lo lấy đồ hứng nước đi.

        Hai ông sục sạo một hồi tìm được một tấm bạt nylon khá to, hì hục căng thành một cái võng. Cơn gió thổi càng lúc càng mạnh. Ông Thới mừng rỡ nói

        – Trời thương chúng mình rồi, mưa lớn lắm

        Những ánh chớp loé liên hồi, rồi những bụi nước nhỏ tạt vào mặt hai người. Ông Thới vội chạy xuống khoang la lớn:

        – Có mưa rồi bà con ơi!

        Đám đàn ông còn chút sức lực cố ngồi trỗi dậy để chia sẻ tin vui. Ông Thới lấy cái can nhựa và tất cả những gì có thể hứng được nước đem lên. Vài người đàn ông đã bò lên được phía trên. Họ nằm ngửa trên sàn ghe chờ đợi.

        Rồi mưa đổ ập xuống như một phép nhiệm mầu. Đám người sắp chết khát la to lên mừng rỡ. Những hạt mưa lớn tạt vào mặt mọi người đau rát. Đám đàn ông hả miệng hớp những giọt mưa rồi nuốt một cách sung sướng. Mưa tạt xuống khoang. Đám người ở dưới cố lết tới miệng hầm để đón những giọt nước trong mát tưới lên cơ thể khô héo của họ. Những người còn sức lực kéo cả lên trên boong, nằm xuống sàn ghe. Đám trẻ con cũng được chuyển lên trên nằm hứng nước. Mưa thật lớn. Nước cứ tuôn xuống như thác. Đám người vượt biển như được hồi sinh. Chưa bao giờ trong đời họ lại được nuốt những ngụm nước ngon đến như vậy. Tấm bạt nylon đã căng trĩu đầy nước. Chiếc can nhựa cùng với đám nồi niêu cũng đã đầy tràn nước. Người ta hăm hở lấy nước. Tất cả những túi, bịch, lon và những cái gì có thể đựng được nước, đều được đem ra trưng dụng hết.

        Mưa một lúc lâu lại tạnh. Nước mưa hắt xuống cửa hầm khá nhiều nên đáy ghe cũng lấp xấp nước, nhưng chưa ngập đến tấm ván lót để mọi người ngồi. Gió biển bắt đầu lành lạnh. Mọi người lại lục tục rút xuống khoang nằm nghỉ. Bây giờ họ không còn khát nhưng cái đói vẫn tiếp tục hành hạ mọi người.

        Tối hôm sau, ông Phản lại tiếp tục đốt lửa lên làm hiệu cầu cứu. Ông Thới cố ngồi được một lúc rồi chịu đựng không nổi cái mệt của cơn đói hành hạ nên ông đứng dậy nói với ông Phản:

        – Tôi nằm xuống một chút để cho nó dịu cơn đói rồi lên đấy canh tiếp với anh.

        Nói xong, ông bước xuống khoang. Đám người bên dưới lại nằm lả đi. Cơn đói cứ tới rồi biền đi không biết bao nhiêu lần, bây giờ lại trở về hành hạ họ dữ dội hơn.

        Ông Thới nằm thiếp đi cho tới nửa đêm thì chợt tỉnh lại. Sực nhớ tới ông Phản, ông bèn gắng trỗi dậy leo lên để canh thế ông Phản. Vừa chui lên khỏi miệng hầm, ông Thới chợt ngửi thấy mùi thịt nướng. Ông Phản vẫn còn ngồi canh bên đống lửa đốt dầu cặn, đang cầm cắn ngon lành một món gì trên tay. Mắt ông Thời sang rỡ, ông lướt nhanh tới, cất tiếng hỏi:

        – Anh ăn gì đó?

        Ông Phản vừa nhai, vừa đáp;

        – Cá nướng.

        Ông Thới ngồi xề xuống;

        – Cho tôi một miếng.

        Ông Phản đưa cho ông Thới một xiên thịt đang nướng trên đám lửa đốt bằng dầu chạy máy tàu khét lẹt. Ông Thới cạp một miếng thịt nóng phỏng lưỡi, nhai ngon lành. Thịt ngọt và thơm ngon, nhưng mùi oi khói. Ông Thới ăn một loáng đã hết xiên thịt. Có thức ăn vào bụng, cơ thể ông tỉnh táo hẳn ra. Ông Phản vẫn thong thả nhai, vừa ăn vừa nhìn nét mặt sung sướng của ông Thới. Năm xâu thịt nướng được hai ông chia nhau ăn sạch. Ông Thới quệt miệng nói;

        – Phải chi có xị đế như mọi lần mình đi đánh cá thì tuyệt quá!

        – Anh ăn thấy làm sao?

        – Còn gì ngon hơn trong lúc này. Đói mà có ăn như vậy là tiên rồi.

        Rồi chợt nhớ ra điều gì, ông Thới hỏi ông Phản;

        – Cá gì mà sao mùi vị nó giống thịt vậy anh?

        Ông Phản bình thản đáp;

        – Vì muốn cho anh ăn, tôi đã nói dối là cá, chớ thiệt ra là…thịt người đó!

        Ông Thới chợt ré lên một tiếng, rồi cố móc họng khạc nhổ, nhưng chẳng có gì khạc nhổ ra ngoài được. Mặt ông chợt xanh mét:

        – Anh cho tôi ăn thịt ai vậy?

        – Một trong ba cái xác chết tôi dấu dưới đống lưới!

        Ông Thới nằm bật ngửa ra, thở dốc. Trời ơi, ông đâu có ngờ, mấy miếng ông ăn ngon lành lúc nãy là thịt người. Cảm giác tội lỗi chợt kéo đến tâm hồn ông. Nước mắt ông chợt trào ra. Ông Phản lên tiếng;

        – Mình cần phải ăn để mà sống anh Thới ạ. Sở dĩ tôi chưa liệng mấy cái xác đi là biết trước, sau gì chúng ta cũng phải cần đến nó. Lấy thịt của người chết để nuôi người sống cũng chẳng có gì là tội lỗi cả, bởi chúng ta đã kiệt lực vì đói. Không ăn nó thì ăn cái gì nay?

        Ông Thới nằm yên, mắt nhìn trừng trừng lên trời đêm. Dù ông biết lời ông Phản rất chí lý trong trướng hợp này, nhưng ông vẫn thấy nó ghê rợn làm sao ấy. Ông không trách ông Phản, bởi vì ông cũng nhờ mấy miếng thịt vừa rồi mà lấy lại sức sống.

        Thế rồi, thịt của ba người chết được hai ông già bí mật lóc ra từng mảnh nhỏ, xương cốt, ruột gan của ba xác chết được thảy xuống biển khơi. Số thịt được ướp nước muối, phơi khô, và số nước hứng được trong trận mưa đã kéo dài sự sống cả đám người trên chiếc ghe bất hạnh được thêm mấy ngày nữa. Họ cứ đinh ninh đó là thịt một loài cá mập con như lời hai ông nói. Chưa có ai hân hạnh được ăn thịt cá mập bao giờ nên họ cũng không thắc mắc đén cái mùi vị khác lạ của miếng thịt họ được ăn, và cũng không thắc mắc làm sao mà hai ông lưới được cá mập.

        Khi mớ thịt muối đã hết, đoàn người lại lâm vào cảnh đói, khát thì may mắn thay, họ được một chiếc thương thuyền mang cờ Mỹ đi ngang qua, tiếp cứu, cho tất cả lên tầu.

        Chuyện ăn thịt người đã được hai ông già giữ kín. Sau này, khi được định cư tại Hoa kỳ, lúc gặp lại nhau trong bàn tiệc nhậu hai ông vui miệng kể lại chuyến đi khủng khiếp đó và thú thật đã cho thuyền nhân ăn thịt người, nhưng chẳng ai tin. Còn những người đi cùng chuyến ghe định mệnh đó thì cứ nhất định khoe với hàng xóm là họ đã được ăn thử thịt cá mập

        Huy Nguyên
        Last edited by Chopper; 09-18-2016, 10:31 PM.

        Comment


        • #5
          ĐỨA CON CỦA BIỂN
          Vy Vy Trần


          Đứa con của biển, hay là câu chuyện của một hài nhi được sanh ra dưới nước, trong một đêm mưa gió bão bùng, giữa đại dương mênh mông nổi sóng điên cuồng.

          Đứa con của biển cũng là câu chuyện của nàng, một thiếu phụ Việt Nam, đã sanh con trong hoàn cảnh đắm tầu, hai tay bám chặt vào một cái phao đang bị cuồng phong và sóng bạc đầu đánh tả tơi ngoài khơi Đông Hải.

          Đứa con của biển còn là một câu chuyện thật của một thiếu niên 17 tuổi, em học sinh Ngô Đình Đa đã hộ sanh sản phụ trong những giờ phút kinh hoàng, trên đỉnh sóng cao vút đang gào thét cùng với gió mưa, giữa đại dương đêm tối hãi hùng..

          Câu chuyện bi hùng trên đây bắt đầu vào cuối tháng 7 năm 1979 tại biển Đông Việt Nam.

          Vào lúc 12 giờ khuya đêm đó, trời mờ mờ tối, gần 350 người được dồn xuống hầm một chiếc tầu đánh cá dài 17 mét rộng 3 mét, máy 6 bloc. Trong số đó có chàng ngồi co ro ôm hai con nhỏ, một trai 3 tuổi và một gái 6 tuổi. Còn nàng thì đã sắp đến giờ sanh, có thể lâm bồn bất cứ lúc nào.

          Tầu quá nặng, thủy thủ vất bỏ lưới và nước đá ươm cá. Tài công dùng vải bố bịt ống bô máy cho đỡ ồn. Sáng sớm hôm sau, tầu đã ra xa bờ. Nhiều người hướng vế phía Tây, cố ghi lại lần chót hình ảnh quê hương yêu dấu, lòng bỗng chùng xuống, buồn tha thiết. Núi khuất dần theo những đợt sóng nhấp nhô… Phải chăng lần này ra đi là vĩnh biệt!

          Tầu càng xa, sóng càng lớn, sóng lớn như mái nhà, tài công lái tầu theo lườn sóng cho tầu khỏi lật. Ai nấy say sóng, ói mửa, mùi hôi nồng nặc, nhưng nhờ có gió biển nên dễ thở đôi chút.

          Tầu quá đông và chật, không ai có thể nằm xuống nghỉ ngơi được, chỉ ngồi bó gối. Thỉnh thoảng nàng lại lấy cái kéo trong cạp quần ra lau chùi sạch sẽ, rồi lại cẩn thận lận kỹ trở lại cùng với cuộn chỉ đen nhỏ. Năm nay nàng trạc 30 tuổi, trông nàng còn có vẻ khoẻ hơn chồng, người gầy nhom và nét mặt hốc hác.

          Đến trưa thì từ xa một tầu lớn đi tới. Tài công ra hiệu S.O.S, tầu lớn làm ngơ không ngừng. Khi trời chập tối, may quá lại thấy một tầu lớn khác, tài công bắn trái sáng lên làm hiệu, tầu lớn sợ, bỏ chạy luôn. Con tầu nhỏ lại tiếp tục phấn đấu với sóng to gió lớn. Sóng bạc đầu lúc nào cũng như muốn nhận chìm chiếc tầu bé nhỏ, mong manh như chiếc lá tre.

          Bỗng bầu trời u ám, mây mưa vần vũ, sấm sét, chớp nổ vang rền. Gió ào ào từ nhiều hướng đổ lại, xoáy vào nhau tạo thành cơn bão dữ dội, kinh hoàng. Đại dương mênh mông nổi sóng, điên cuồng, thịnh nộ. Mưa như thác đổ, con tầu mong manh bị bão tố đánh tả tơi, thê thảm… Có những lúc cả một khối nước bỗng đội tầu lên đỉnh sóng, rồi ném ngayxuống hố sâu thẳm. Mỗi lần như thế, mọi người lại như chết đi sống lại.

          Lo lắng, kinh hoàng… Mọi người bắt đầu cầu nguyện. Trong đêm tối, trong tiếng gào thét của sóng, trong tiếng rít của gió và trong tiếng mưa đổ rào rào trên mui tầu, tiếng cầu kinh xen lẫn với tiếng khóc con nít vì đói khát, nghe thật não nùng.

          Qua ngày thứ hai, sóng vẫn lớn và gió vẫn dữ dội. Lại không có tầu lớn nào. Nước bắt đầu vô tầu. Mọingười đầu tóc, quần áo vốn đã ướt nhẹp, lại càng ướt sũng hơn. Lúc đầu, nước vô còn ít, về sau mỗi lúc mỗi nhiều, tình trạng thật nguy kịch! Thanh niên phải thay nhau tát nước ra. Mặt nước gần, có thể thò tay xuống. Tài công ra lệnh vất bớt hành lý cho nhẹ tầu.

          Một số người đói quá, khát quá cứ từ từ ngất xỉu. Còn nàng, lâu lâu nàng lại lau cây kéo và kiểm soát lại cuộn chỉ nhét trong cạp quần. Lần này nàng lấy một sợi giây lớn buộc chắc cây kéo vào ngang lưng, chỉ sợ tầu lắc lư rơi mất.

          Đến xế chiều ngày thứ hai, máy tầu bắt đầu trục trặc. Khói bốc ra ngộp thở. Máy tầu nóng quá, phải ngưng chạy nhiều lần. Mọi người như ngất xỉu phần vì đói khát, phần vì say sóng, vì thế khi chủ tầu và tài công quyết định cho tầu quay mũi trở lại hải phận Việt Nam tránh bão, không có ai phản ứng gì cả.

          Đến 10 giờ đêm, tầu đụng phải vật gì cứng, tầu khựng lại. Tài công và thủy thủ la lớn, sang số de. Máy nóng cháy, khói mịt mù. Đang de thì sóng lớn tràn vô tầu. Bỗng như có linh tính cho biết cái chết đã gần kề, mọi người im lặng, con nít ngưng khóc.

          Một thiếu niên chừng 17 tuổi, tên Ngô Đình Đa, vội lấy hai thùng nylon làm phao, đưa một thùng cho bố. Em sợ bố không biết bơi nên dặn bố ôm thùng cho thật chặt.

          Sóng và nước tạt vào tầu, tầu tróc mái, tả tơi. Tầu lật nghiêng 90 độ, hất người xuống biển như sung. Tiếng la khóc, tiếng chồng gọi vợ, tiếng cha gọi con vang động cả biển trời.

          Thiếu niên và bố chui ra, gặp gia đình quen, vợ chồng con cái đứng ôm nhau khóc ở lối ra. Thiếu niên và bố nhảy liều xuồng biển. Chung quanh và trên tầu, tiếng người kêu khóc, cầu cứu vang rền trong đêm giông tố hãi hùng.

          Hai bố con bị sóng nhận chìm nhiều lần rồi lại nổi lên. Có lúc bố bị sóng đánh văng ra xa, em phải vận dụng hết sức bơi tới, túm áo kéo bố lên. Một số người còn đứng trên tầu la khóc cầu cứu. Một làn sóng lớn đánh ập tới, em quay lại, không thấy tầu đâu nữa. Những người đứng trên đó cũng mất tiêu luôn. Em ngó quanh không thấy ai, đồ đạc trôi lềnh bềnh.

          Bỗng dưới chân như có vật gì đang nổi lên, em đưa tay sờ thì đoán là nắp cabin tầu. Nắp cabin cùng với giây diện chằng chịt, từ từ nổi lên mặt nước. Em bứt giây điện cột chặt người bố vào nắp cabin.

          Thỉnh thoảng em lại thấy vài cái đầu đen nổi lên. Em bơi ra túm được một bé trai chừng 13 tuổi ôm phao bằng bánh xe nhỏ. Em lôi đứa bé cột vào nắp cabin cùng vối bố. Phía bên kia mấy ngọn sóng, em lại thấy hai cái đầu đen khi ẩn khi hiện, em bơi tới và túm được mái tóc dài của hai cô gái chừng 15, 16 tuổi. Vận dụng hết sức lực và sau chừng 15 phút chiến đấu với sóng to gió lớn, em đã đưa được hai cô gái tới nắp cabin. Cả 5 người cùng ôm vào nắp cabin dài chừng 4 mét, rộng chừng một mét, nhưng nắp cabin mỗi lúc mỗi thấm nước cứ chìm dần…chìm dần…

          Vừa khi đó, 5 người thấy từ đằng xa một đám đen nổi lên. Thiếu niên la to hai lần. Trong tiếng gào thét của sóng, hình như có tiếng người đáp lại, phấn khởi, em la to thêm nữa, lần này quả thật có tiếng người đằng kia đáp lại.

          Cả năm người cùng đạp chân, khoảng cách chỉ chừng 50 mét, nhưng phải mất hơn nửa giờ mới tới. Đám đen là một cái bè kết bằng phao dài 1m, rộng chừng 8 tấc, nhưng đã có chín người bám vào đó. Tới gần, thiếuniên rất ngạc nhiên khi thấy người thiếu phụ có bầu và cùng chồng và đứa con trai 3 tuổi đang bám vào bè phao. Không thấy đứa bé gái6 tuổi đâu cả. Ngoàira còn có hai vợ chồng ông bà chủ tầu và hai con gái nhỏ trên mười tuổi có buộc phao an toàn. Cuối cùng có hai thanh niên chừng 20 tuổi. Tấtcả những người nàykhông một ai biết bơi.

          Khi nắp cabin thấm nước chìm hẳn thì cả năm người bám qua bè phao, số người tăng lên 14. Bè phao nổi lưng chừng, nước ngập trên gang tay.

          Cuồng phong càng lúc càng gầm thét dữ dội, sóng bạc đầu trùng trùng lớp lớp, ầm ầm vây bủa tứ bề, vùi dập chiếc bè cùng với 14 người ốm yếu, đói khát. Nước lạnh căm, toàn thân thiếu niên đều nổi da gà. Có tiếng hàm răng đánh vào nhau kêu lắc cắc.

          Người chồng quay qua thiếu niên, giọng nói thất thanh qua tiếng sóng : ” Vợ tôi sắp sanh…nhờ cậu săn sóc giùm...” Thiếu phụ hai tay bám vào thành bè, cố ngước mặt lên khỏi mặt nước thở, thỉnh thoảng nàng rên nho nhỏ…Có lẽ nàng chuyển bụng sắp sanh. Hình như nàng không còn có thể khóc được nữa….

          Thiếu niên hốt hoảng, yêu cầu hai cô con gái ông bà chủ tầu nhường chỗ trên bè vì lúc đó hai bé gái nhoài người nửa trên bè nửa dưới nước. Ông bà chủ từ chối, viện lý do hai con sẽ bị sóng đánh văng ra. Cực chẳng đã, thiếu niên phải dọa : ” không xuống thì tôi phải kéo xuống.” Lúc đó vợ chồng chủ tầu mới chịu bỏ hai con tụt xuống, trên người hai em đều có buộc phao.

          Thiếu niên và một thanh niên nữa giúp đẩy thiếu phụ sắp sanh lên bè. Nàng nằm đó nhưng nửa người nằm dưới nước lạnh căm. Đại dương, đêm tối, mưa bão mịt mù, trong tiếng sóng đổ ầm ầm, trong tiếng gió gào thét ào ào có tiếng rên la, mong manh, yếu ớt của thiếu phụ Việt Nam sắp lâm bồn.

          Bỗng thiếu phụ nhỏm dậy và la to : “Chắc sắp đến giờ sanh rồi…” Nàng tiếp tục rên khe khẽ. Thiếu niên kêu bà chủ hộ sanh. Bà từ chối, viện lý do chưa bao giờ hộ sanh, và cũng không biết hộ sanh.

          Sau một vài phút rên, thiếu phụ lại nằm xuống, ngâm bụng bầu dưới nước lạnh buốt, rồi la lớn : ” Nó ra rồi ! Nó ra rồi !”

          Quýnh quá, thiếu niên kêu hai cô gái lớn ra phụ. Một cô khóc òa lên. Một cô vừa mếu máo vừa đưa tay xuống nước, sờ phải đầu hài nhi, òa lên khóc, còn khóc lớn hơn cô kia.

          Người chồng, một tay bám vào bè, một tay ôm chặt đứa con trai 3 tuổi, nói với thiếu niên : “Chắc số cháu không sống được đâu, thôi để nó chết !!!….”

          Lúc đó là nửa đêm, trận bão đang ở thời điểm tàn phá dữ dội nhất. Tất cả đều kiệt sức, mạng sống như sợi chỉ treo mành. Ban ngày, khi sắp sanh thì các tầu buôn lớn làm ngơ không cứu. Hoàn cảnh này có khác nào hoàn cảnh của Thánh Maria hai ngàn năm về trước. Trong đêm đông giá lạnh, thánh Maria sắp đến giờ sanh, cùng thánh Giu-Se tới gõ cửa nhiều nhà trong thành phố, nhưng không có nhà nào chấp nhận. Chúa Giê-Su hài đồng đã được sinh ra trong máng cỏ của chiên, lừa trong hang đá lạnh lẽo.

          Không biết nhờ ai hộ sanh nữa, thiếu niên đánh liều, mặc dù có cảm giác rờn rợn. Em dùng hai chân bơi để giữ thăng bằng, hai tay thò xuống nước đụng phải đầu hài nhi. Một làn sóng đánh ập tới, em bị hất văng ra xa. Tiếng thở hổn hển của thiếu phụ mỗi lúc một khó khăn, dồn dập. Thiếu niên sải tay, đạp sóng bơi trở lại, nhờ hai thanh niên giữ giùm người mình cho chắc. Em đưa tay xuống nước tìm đầu hài nhi. Cái đầu nhỏ thó đã ra ngoài, nhưng còn vướng cái vai, em không biết có nên kéo mạnh ra không, hay là cứ chờ sản phụ vận sức đẩy hài nhi ra. Đang phân vân thì bỗng sản phụ rên lớn lên một tiếng và em cảm thấy toàn bộ hài nhi đã lọt ra gần hết, chỉ còn hai bàn chân. Em đánh bạo từ từ kéo hài nhi ra luôn. Hài nhi ra ngoài cùng với nhau bầy nhầy. Em lúng túng, không biết làm gì hơn là ôm cả hài nhi lẫn đống nhau bầy nhầy lên khỏi mặt nước.

          Người mẹ nhoài người lấy cây kéo cũ lúc nào cũng buộc ngang thắt lưng. Bà nhờ em cắt cuống rốn hài nhi. Vì sóng lớn quá, lúng túng mãi em mới cắt được cuống rốn và để dài chừng một gang tay như lời người thiếu phụ căn dặn: “Cậu nhớ giữ chặt cuống rốn, kẻo gió cháu chết mất !” Thiếu niên một tay ôm hài nhi và bám vào thành bè, một tay bóp cuống rốn thật chặt. Sau một hồi lâu sản phụ mới tìm thấy cuộn chỉ đen lẫn trong cạp quần nhét giữa hai cái phao. Bà nhờ em cột rốn hài nhi, nhưng em không biết cột ra sao, trời thì nhá nhem tối, sóng đánh liên tục và quá mạnh muốn văng cả em lẫn hài nhi ra xa, sợi chỉ lại quá nhỏ. Lúc đó người chồng một tay ôm con trai 3 tuổi và bám vào bè, một tay cột rốn phụ với thiếu niên.

          Bây giờ hài nhi bé nhỏ nằm gọn trong khuỷu tay thiếu niên, trơ trơ giữa trời nước, có mưa buốt lạnh đan áo, có sóng bạc đầu đưa nôi, có gió gào thét đưa ngủ. Hài nhi vẫn an nhiên tiếp tục giấc ngủ thiên thần từ trong lòng mẹ.

          Đã gần nửa giờ qua đi mà chưa nghe hài nhi khóc oe một tiếng. Bà mẹ nhổm dậy, nhìn qua hài nhi như mừng rỡ. Dưới ánh trăng lờ mờ có những giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt người mẹ. Thiếu niên mừng thầm, hy vọng hài nhi sẽ sống sót. Bỗng từ xa một đợt sóng lớn và dài như dãy núi đên ngòm đang ầm ầm đổ tới. Thiếu niên thầm nguyện: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con.” Em vội la lớn cho mọi người bám chặt vào bè. Cả khối nước lớn ầm ầm phủ chụp xuống. Thiếu niên vội cúi đầu che chở cho hài nhi. Hài nhi đang khóc bỗng im bặt. Chắc bị ngộp nước mặn. E khó sống. Bà mẹ còn đau, nằm ngửa ngâm dưới nước, nửa trên bè, hai tay bám chặt hai bên thành, bà không biết bà còn đủ sức bám chặt được bao lâu nữa trước khi bị sóng đánh văng ra.

          Thiếu niên ôm hài nhi đã lâu, quá mỏi tay, nhờ ông chủ tầu ôm giùm. Ông ta từ chối, viện lý do không biết bơi. Một lần nữa em phải dọa :”Ông không ẵm giùm, tôi lôi ông xuống “. Ông chủ tầu đành phảiôm hài nhi, nhoài một nửa người lên bè phao cho hài nhi bớt ướt. Hai thanh niên bên cạnh không biết bơi, không dám giúp gì, chỉ biết nhường hai áo nylon đắp cho em bé khỏi mưa gió lạnh.

          Người mẹ muốn cho con bú, nàng lấy tay day day cặp vú một hồi, nhưng xẹp lép, không có lấy một giọt sữa. Có lẽ vì nhịn đói cả hai ngày nay nên không còn chút sữa cho con. Nhìn con mà quá xót xa. Thiếu niên cố bơi ra xa, kéo hành lý trôi lềnh bềnh để tìm thực phẩm, thiếu niên chỉ toàn thấy xác người chết bắt đầu nổi lên.

          Sau ba tiếng đồng hồ bị gió dập vùi, nhóm người đắm tầu bỗng thấy có ánh đèn phía xa. Ánh đènnhư tia hy vọng sống còn loé lên trong tâm tư mọi người. Tất cả cùng ráng sức đạpchân đẩy bè tiến tới. Khi đến gần chỉ thấy nhiều hàng cột đáy, trên có chòi. Mặc dù cố gắng cách mấy cũng không tới gần được.

          Lúc trời vừa sáng, khi tới gần thì bị sứa điện quấnrát quá, lại phải bơi ra xa. Khoảng chín giờ sáng, vẫn không thấy núi, vì thế không biết bè trôi ở vị trí nào.

          Bây giờ mọi người mới biết hài nhi là bé trai. Mắt nhắm nghiền, thoi thóp thở, nhỏ thó như con mèo,nước da còn tím thẫm. Nơi đây và giờ này, sản phụ Việt Nam không nằm giường, không bác sĩ, không y tá, không bạn bè, không hoa, không quà. Hài nhi không nôi, không mền, không cả một mảnh vải bao bọc. Từ trong bụng mẹ ấm cúng, ra chào đời là bị quăng ngay vào vòng cuồng phong thịnh nộ, bị vất ngay vào vòng đại dương nổi sóng kinh hoàng. Hài nhi Việt Nam, trần truồng, đầu dội trời chân đạp sóng, an nhiên giấc ngủ thiên thần, mặc cho sóng gió gào thét , mặc cho các tầu lớn làm ngơ tiếp tục hải trình với luật quốc tế về hàng hải bên cạnh thuyền trưởng, mặc cho các nhà cách mạng trên thế giới đang nỗ lực giải phóng conngười, mặc cho các lãnh tụ thế giới đang hăng say thảo luận và hô hào bảo vệ nhân quyền.

          Mạng sống của sản phụ và hài nhi mong manh như ngọn đèn trước gió, thời gian là phút giây. Bà mẹ vẫn còn mệt lả, máu đỏ vẫn gỉ ra hòa lẫn với sóng biển. Em thiếu niên ái ngại, nếu máu cứ tiếp tục chảy ra, sản phụ e khó sống. Cá Mập, hung thần đại dương, chúng đánh hơi mùi máu rất lẹ, xa hàng chục cây số, chúng tới tiến công rất nhanh, biết lấy gì chống đỡ ! Lo như vậy, nhưng em không dám nói ra. Mọi người đều kiệt sức, phần vì đói, khát, phần vì mất ngủ, say sóng, hơn nữa lại ngâm mình dưới nước lạnh đã khá lâu. Tìm được một ít lương khô, gói nào cũng ướt sũng. Có vài trái chanh, chia nhau mỗi người vài múi.

          Đến trưa bão tan dần, bỗng thấy một tầu đánh cá từ xa, vừa mừng vừa lo, nếu là tầu hải tặc Thái Lan, e khó sống. Tuy nhiên cũng đánh liều la lớn, nhưng vì xa không nghe, không thấy nên tầu bỏ đi luôn. Sau đó một tầu đánh cá khác tiến về phía bè. Tầu chạy vòng vòng chung quanh, nghe ngư phủ nói tiếng Việt, mừng quá. Thế là chắc chắn được cứu sống. Tầu đánh cá ngừng lại, kéo mọi người lên. Sau đó thêm một tầu đánh cá nữa tới. Cả hai tầu cùngđi về phía các đáy, kéo lưới lên, hàng trăm xác chết vướng trong đó : Xác đàn ông, xác đàn bà, xác con nít, xác người già, xác chết thanh niên nam nữ !

          Trong số gần 350 người ra đi, chỉ còn 14 người sống sót, thêm đứa con của biển mới sanh giữa những mảnh vụn của con tầu bị bão tố đánh vỡ tan tành trong đêm tối. Những người sống sót này lại trở về điểm khởi hành. Còn hơn 300 người kia, lúc ra đi họ không ngờ rằng đây là cuộc hành trình chót của đời họ. Cuộc hành trình của họ trên biển Đông đã trở thành cuộc hành trình vượt thoát ra khỏi thế giới loài người, cái thế giới có quá nhiều hận thù nhưng có quá ít tình thương, cái thế giới chìm đắm trong bóng tối tội lỗi, sống trong u mê với quá nhiều khổ đau.

          Cuộc hành trình trên biển Đông đã đưa hơn 300 anh linh về cõi bất diệt, nơi không còn hận thù, không còn ước muốn, không còn bóng tối u mê, nơi chỉ có hạnh phúc toàn vẹn, vĩnh cửu.

          Vy Vy Trần

          Comment


          • #6
            ĐỜI TÔI KHÔNG CÒN GÌ
            Đông Đoàn

            * Bài viết này, xin được coi như một nén hương dâng lên cầu xin cho linh hồn chồng và con gái tôi được yên nghỉ trong Chúa

            Tiếng trẻ con la thất thanh làm tôi giật mình tỉnh giấc, thì ra đó là một đoạn trong cuốn phim ma chồng tôi đang xem. Những cảnh trong cuốn phim làm tôi nhớ lại tất cả những gì hãi hùng đã xảy ra trong chuyến vượt biển đó. Cho dù thời gian qua đã lâu, xong tôi không thể nguôi ngoai được. Nỗi niềm đau đớn này tôi không biết tỏ cùng ai nhất là với người chồng hiện tại – vì người chồng và đứa con gái trước đó của tôi đã chết và mất tích kể từ ngày kinh hoàng đó.

            Con thuyền nhỏ bé rời bến Vũng Tàu được hơn một ngày, mọi người thở phào nhẹ nhõm vì nghĩ mình đã thoát nạn. Một số lên boong tầu thở không khí trong lành của biển cả sau bao ngày chui rúc ở dưới khoang chật chội và hôi hám. Con tầu cứ lầm lũi tiến thẳng trong đêm. Ngày hôm sau trời quang đãng, bỗng trở nên u ám. Gió ngày càng thổi mạnh. Rồi những giọt mưa quất ồ ạt xuống mui tầu. Về chiều, gió thổi càng mạnh hơn, con tầu lắc lư muốn bể ra từng mảnh. Trong khoang tầu, tiếng đàn bà, trẻ con la khóc, tiếng người nôn oẹ, tiếng cầu kinh… Mọi âm thanh hỗ tạp đó càng làm tăng thêm sự sợ hãi cho mọi người.

            Tôi cùng chồng và hai đứa con ngồi ở một góc tầu, hai đứa tay làm dấu thánh và cất giọng đọc bài kinh sám hối. Con tầu vặn mình trong cơn bão, tiếng cọt kẹt của những miếng ván tôi tưởng chừng như chúng vỡ đến nơi. Ở trên buồng lái, người tài công cố ghìm bánh lái đưa con tầu thoát cơn bão. Mặt trời ló rạng cũng là lúc cơn bão đã qua. Mọi người bơ phờ, mệt mỏi nhưng mừng rỡ vì vừa thoát chết. Con tầu tả tơi rùng mình băng tới trước. Qua ngày thứ ba trên biển khoảng chừng bốn giờ chiều bỗng có tiếng la: ”Có tầu phía trước“. Mọi người mừng rỡ leo lên boong tầu, họ cầm tất cả những thứ gì có thể cầm được, quơ lấy quơ để hy vọng chiếc tầu kia nhìn thấy họ và quả thật, chiếc tầu đã nhìn thấy họ. Nó từ từ tiến lại gần chiếc tầu vượt biên nhỏ bé. Khi hai chiếc kề nhau mọi người mới tá hỏa thấy hai ba tên cầm sùng nhảy qua tầu họ. Chúng nói điều gì không ai hiểu, bỗng một tên trong họ cất tiếng, hắn nói tiếng Việt Nam bập bẹ: “Bọn tao là cướp biển, bỏ hết vàng bạc ra, chống cự sẽ bị giết “.

            Sau đó cả bọn hơn mười tên ào tới lục soát tất cả mọi người, mọi nơi. Một lát sau không còn gì để lấy, chúng gom lại và xì xào điều gì đó với nhau, tên chỉ huy ra lệnh cho bọn chúng đem tất cả đàn bà, con gái sang bên tầu của chúng. Còn đàn ông, chúng gom tất cả lại một góc ở trên boong. Tôi cũng là nạn nhân bị đem qua tầu hải tặc. Khi tên hải tặc cầm tay tôi lôi mạnh bắt đi theo hắn, tôi giật lại, cố ôm ghì đứa con trai mới hơn mười tháng tuổi trong đôi tay yếu ớt của mình. Giằng co một hồi thấy không thể kéo một mình tôi hắn đành đẩy tôi đi với cả đứa trẻ. Khi qua tới tầu bọn hải tặc, tôi thấy khoảng mười cô gái, không nói không rằng, cả bọn quẳng súng ống, giáo mác vồ lấy các cô, cô nào chống cự, chúng đánh không thương tiếc. Các cô gào khóc kêu cha mẹ cứu mình, chồng con cứu mình, còn tôi dùng hết sức mình đạp mạnh vào hạ bộ của tên hải tặc nãy giờ cố đè lên mình tôi. Hắn nhăn nhó đấm thẳng vào mặt tôi, đau đớn tôi ngã vật xuống sàn tầu. Tên này xé toạc tất cả quần áo tôi và tiếp tục hành động thú vật của hắn trong tiếng cười điên loạn. Tôi cố ngước nhìn đứa con trai nãy giờ bị vất nằm trên sàn tầu. Tôi tự nhủ phải cố sống vì con, tôi gồng mình chịu đựng. Sau khi tên này xong việc, hắn ra hiệu cho tên khác chạy đến. Hắn như con thú đói mồi, lao lên mình tôi, hắn vừa hãm hiếp vừa đánh tôi. Quá đau đớn tôi gọi tên chồng tôi, tôi gào tên con tôi. Chồng tôi đứng bên kia tầu, anh thấy tôi như vậy, anh vùng mạnh đôi tay chạy qua để cứu tôi. Một tên trong bọn chúng rút phăng cây mã tấu chém một nhát ngang cổ anh. Máu tuôn xối xả, anh ngã vật xuống tắt thở trong khi đôi mắt trợn trừng căm hận. Sau đó tên này đẩy xác anh xuống biển. Nằm bên này thấy rõ cảnh đó, tôi ngất đi, sau khi tỉnh lại tôi thấy mình và các cô gái khác nằm ở dười gầm tầu. Không biết bao lâu, chúng lại lùa chúng tôi lên để thay nhau hãm hiếp tiếp. Không biết bao lần tôi bị đẩy lên boong như vậy. Tôi muốn cắn lưỡi để tự tử, song nhìn lại đứa con nhỏ của mình tôi đành cắn răng cố sống vì con. Có thể đó cũng là động lực giúp tôi sống đến ngày hôm nay

            Ngày qua ngày, bọn hải tặc vẫn tiếp tục hành động bẩn thỉu của chúng. Sau khi chán chê, chúng thả chúng tôi lên một hòn đảo và may mắn thay, vài ngày sau cảnh sát tuần duyên Mã Lai phát hiện và đưa chúng tôi vào bệnh viện. Nhìn lịch, tôi đã thấy hơn nửa tháng từ khi tôi rời Việt Nam. Sau khi lành bệnh, họ đưa chúng tôi vào trại tập trung với những thuyền nhân đã tới trước. Thời gian này tôi cố dò hỏi về chiếc thuyền của chồng và con gái tôi ở trên đó nhưng không ai biết cả. Sau này tôi được một người cho biết chiếc tầu của chồng tôi đã bị bọn hải tặc đâm thủng cho chìm hòng giết người để bịt miệng.

            Tôi ở đảo được khoảng tám tháng. Sau khi phái đoàn phỏng vấn, tôi được cho đi định cư tại Mỹ – đến miền đất lạ, tôi không bà con, anh em, người bảo trợ cho gia đình tôi lại là người Mỹ – hai phong tục, hai ngôn ngữ khác nhau nên cuối cùng tôi lại trở nên đơn độc. Sau khi ở chung khoảng vài tháng tôi dọn ra thuê phòng ở khu chung cư có người Việt Nam, tôi mong được nghe tiếng mẹ đẻ nơi đất khách quê người – Tôi thầm cảm ơn trời, đã cho tôi đến được miền đất hứa. Nhưng mọi việc không suông sẻ như tôi nghĩ. Hằng đêm mỗi khi tôi nhắm mắt thì hình ảnh những tên hải tặc hiện đến, rồi hình ảnh chồng tôi với cái cổ đầy máu và đôi mắt trợn trừng lại về, tôi không thể dỗ giấc ngủ, không một ai chia sẻ nỗi buồn này, rồi tôi ngã bệnh cả tháng trời. Cuối cùng tôi cố trỗi dậy và tự nhủ phải làm một công việc gì để quên đi và để lo cho con trai tôi.

            Tôi gởi con rồi lao vào công việc để quên đi hết nỗi bất hạnh ập xuống đời tôi. Hết rửa chén bát đến nhặt rau nhà hàng… Ngày qua ngày, mỗi khi tôi đón con thì thằng bé đã ngủ say. Tôi hôn lên trán con mà nước mắt tuôn rơi.

            Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, hết thu sang rồi đông đến. Thấm thoát tôi đã ở Mỹ được 16 năm rồi. Một ngày khi nỗi buồn nguôi ngoai, tôi bước thêm bước nữa. Người chồng này sống với tôi cho đến ngày hôm nay. Tuy vậy tôi chỉ cho anh biết tôi đi vượt biên và chồng cùng con gái đã chết trên biển – Tôi rất sợ nếu nói lên sự thật sẽ làm anh ghê tởm tôi và sẽ mất đi chỗ dựa cuối cùng này.

            Nhưng tạo hóa trớ trêu lại giáng tai họa xuống đời tôi một lần nữa.

            Một hôm đang làm việc, bỗng xếp của tôi gọi lên văn phòng và nói cho biết cảnh sát vừa gọi điện thoại cho biết con tôi theo đám bạn nhậu say rồi bắn lộn gây chết người. Hiện nó đang bị giam tại trại giam thành phố. Tôi thấy mọi thứ như sụp xuống đầu tôi. Đứng chết lặng một hồi, tôi cố lê đôi chân về nhà sắp sếp vài thứ rồi vội vã vào nhà lao thăm con. Khi tôi và chồng tôi tới nơi, mẹ con ôm nhau khóc, chồng tôi sau khi hỏi han, căn dặn con tôi vài thứ anh ra ngoài để mẹ con tôi tiện việc nói chuyện. Nhìn sâu vào mắt con, tôi dùng hết sức mình hỏi nó:”Tại sao con lại làm như vậy?” Tôi muốn hỏi nó thật nhiều và thật rõ nguyên căn sự việc, song chỉ nói tới câu sao con làm như vậy là nước mắt tôi tuôn tràn, cổ họng tôi không thể nói thêm được.

            Thằng bé bây giờ đã ra vẻ đàn ông trả lời: “Tất cả tại mẹ, mẹ lo công việc suốt cả ngày. Tháng này qua tháng khác, con lớn lên không cha, không mẹ bên cạnh. Khi con gặp khó khăn trong cuộc sống, con không biết hỏi ai, không biết bày tỏ với ai con đành phải đi tìm bạn bè và kết quả như ngày hôm nay, con không ân hận gì hết“. Nghe con nói lòng tôi tan nát, tất cả hết rồi, đời tôi không còn gì nữa. Tôi gục xuống tất cả cho định mệnh.

            Ghi chú : ” Câu chuyện này là sự thật 100%, nhưng vì để giữ hạnh phúc cho gia đình sau này, Người viết bài đành phải dấu tên họ. Nên xin quý vị đừng ngạc nhiên khi người kể chuyện là đàn bà mà người ký tên là đàn ông. Xin cảm ơn.”

            Atlanta 1/5/03
            Đông Đoàn
            Last edited by chieutim; 10-04-2016, 09:51 AM.

            Comment


            • #7
              BỨC HỌA BÊN ĐỜI
              Nguyễn Thanh Trúc


              Tôi vẽ đứa bé ngồi trên ghe
              rồi tôi vẽ đại dương
              mênh mông
              đứa bé nhìn tôi
              cầu cứu
              Tôi vẽ bến bờ bình yên.

              Tôi vẽ đứa bé đứng bơ vơ
              rồi tôi vẽ đường đời
              quanh co
              đứa bé nhìn tôi
              thăm hỏi
              tôi vẽ bước chân xoải dài.

              Tôi vẽ đứa bé mắt rưng rưng
              rồi tôi vẽ đời
              muôn vẻ
              đứa bé nhìn tôi
              chợt hiểu
              tôi đang vẽ tôi


              Có người đã từng nói một câu rất chí lý: “Cuộc đời là hành trình không bến đỗ. Mỗi gia đoạn của cuộc đời là một phần của hành trình”. Chuyến đi này đã đưa dắt tôi sang một bước ngoặt lớn của cuộc hành trình trên đường đời.

              Sau năm 1975, có hàng triệu người đã liều mình ra đi. Trong số ấy có biết bao người làm mồi cho cá ngoài biển Đông. Rồi không ít người bị bắt lại. Đến nỗi trong thiên hạ đã có câu vè: “Một là con nuôi má, hai là má nuôi con, ba là con nuôi cá…” Thế nhưng vẫn có vô số người lén lút tìm đường đi vượt biên. Gia đình tôi gồm có ba mẹ tôi, em gái tôi, và tôi. Chúng tôi đèo bồng nhau thử mọi nơi, từ Cam Ranh ra Nha Trang, xuống Bà Rịa, qua Vũng Tàu, vào Rạch Giá, ra Rạch Sỏi, đến Cà Mau. Đi đến đâu cũng thất bại. Tiền mất mà còn bị tù tội. Tưởng chừng như hy vọng không còn. Mãi sau này, cơ hội đến thật bất ngờ. Lúc bấy giờ đi vượt biên theo đường bộ ( thật ra là nửa bộ nửa biển ) đang được thịnh hành vì có nhiều cơ hội đến bờ và ít gặp cướp biển. Điều duy nhất làm ba mẹ tôi khó nghĩ là chuyến đi chỉ còn một chỗ trống. Và vốn liếng còn lại của gia đình cũng chỉ đủ cho một người đi. Ai đi, ai ở? Sau hai đêm đắn đo suy nghĩ, Ba mẹ tôi hỏi tôi có dám đi một mình không? Vẫn biết nhiều trở ngại đón chờ trước mắt nhưng thật sự tôi không thể nào lường trước những trở ngại đó lớn thế nào so với sức chịu đựng của mình. Trong khi đó nếu ở lại thì con đường vào đại học của mình đã bị đóng lại. Thế là tôi nghe lời ba mẹ ra đi.

              Mùa hè năm 1987, trưa nắng vàng con người. Tôi ngồi thu lu trên chuyến xe đò Sài Gòn – Cần Thơ, ôm một cái túi đựng một bộ đồ duy nhất của mình. Một giờ xe mới chạy mà bây giờ hành khách đã nhốn nháo trên xe. Phần lớn khách trên xe là các dì, các mợ đi buôn hàng. Họ hình như có vẻ quen mặt nhau. tiếng than thở lời lỗ, ế ẩm chen lẫn tiếng rao bán hàng cứ xoáy vào tai tôi. Lần đầu tiên ngồi xe đò, khiếp thật! Người ta nói quả không sai “Tai nghe không bằng mắt thấy”. Thêm vào tâm trạng nơm nớp lo sợ của kẻ đi vượt biên. Tất cả yếu tố trên làm chuyến đi về miền Tây đầu tiên trong đời mất phần thú vị!

              Tôi tới thành phố được mệnh danh là Tây Đô vào khoảng xế chiều. Có lẽ tôi xuống xe sớm hơn nếu chiếc xe thổ tả không bị hư dọc đường. Ra khỏi bến xe hỗn độn, quẹo trái qua thêm một dãy nhà rồi quẹo phải mới đến được quán cà phê Mỹ Hương. Tại quán này tôi gặp người dẫn đường. Anh ta dắt qua không biết bao nhiêu là đường, hết đường lớn tới đường nhỏ. Hết đi bộ thì đón xe đạp lôi. Thành phố Cần Thơ ban đêm rất bình dị với những chiếc xe đạp lôi xuôi ngược. Mãi đến khi tối trời chúng tôi mới về nhà anh ta. Đến nhà anh ta thì cũng vừa kịp lúc người nhà đang chuẩn bị thức ăn cho khách. Có bốn người khách cả thảy tính luôn tôi. Chuyến đi này chỉ có năm người. Tất cả đều là phái nữ. Chị lớn tuổi nhất cỡ tuổi trung niên, là chị ruột của người dẫn đường. Chị biết nói ít tiếng Miên. Một chị người Sài Gòn. Một chị từ Cần Thơ và một chị từ Mỹ Tho cùng độ tuổi đôi mươi. Và tôi nhỏ nhất trong đoàn. Sáng hôm sau, trời vừa chạng vạng sáng anh ta dắt chúng tôi ra bến xe đó đi về thị xã Châu Đốc. Lại ngồi xe đò. Lần này đỡ hơn vì ngồi bên cạnh tôi không phải là một bà to bự như chằng mà là một chị đi chung đoàn. Đến thị xã Châu Đốc, chúng tôi len lỏi vô đoàn thiện nam tín nữ về viếng chùa bà. Rồi chúng tôi lên phà qua sông. Đến xế trưa thì cả đoàn tới biên giới Việt Miên

              Đến biên giới Việt – Miên, người dẫn đường ra dấu cho chúng tôi lẫn vào đám bụi cây. Anh ta nói vài câu gì đó với một người Miên để bàn giao rồi bỏ đi. Người dẫn đường mới của chúng tôi bây giờ là anh chàng Miên, sáu người chia nhau lên ba chiếc xe honda ôm. Xe chạy qua đường đất đỏ mù trời. Chập tối thì chúng tôi đến trạm xe hàng. Mấy đứa con gái được nhét vào trong thùng của một chiếc xe hàng. Người Miên dẫn đường thì ngồi cạnh tài xế. Lúc lắc bên cạnh những cái thùng không được bao lâu thì xe hàng dừng lại. Cảnh sát Miên chặn xe và bắt chúng tôi ra khỏi thùng xe. Trong lúc người dẫn đường còn đang năn nỉ mấy ông cảnh sát Miên, thấy không ai để ý, chị trong đoàn đẫn chúng tôi lén chạy trốn. Cũng may là người dẫn đường kịp thấy hướng chạy của chúng tôi. Anh ta theo kịp và tìm thấy chúng tôi trước khi chúng tôi bị lạc vào đám rừng.

              Thế là chúng tôi đi bộ xuyên rừng. Cứ đi chừng hơn tiếng thì dừng lại nghỉ một chút. Đi hết đêm đến sáng trong rừng, không thức ăn, không nước uống. Hai con mắt tôi vừa cay vừa xót. Mí mắt mở không muốn lên mà đôi chân cứ phải bước. Không theo kịp đoàn thì bị lạc. Nếu mà bị lạc giữa đám rừng này thì tôi chết chắc. Trời vẫn còn chưa sáng trong khu rừng nhiệt đới. Đang đi thì bỗng dưng người dẫn đường đứng khựng lại. Chẳng biết từ đâu xuất hiện trước mặt chúng tôi một toán người. Toán người này mang họa cho những người băng rừng. Chúng tôi bị trói thúc ké vào nhau từng đôi một. Một chị trong đám chúng tôi bị kéo ra. Mặc chị kêu la khóc lóc van xin, họ vẫn điềm nhiên làm điều họ muốn làm. Chúng tôi nhìn nhau nước mắt đầm đìa. Tôi khấn thầm các đấng thần linh giúp đỡ, lòng khiếp sợ, sợ đến phiên mình. Trời dun rủi, có một số người địa phương đi ngang qua khu đó. Bọn thổ phỉ thấy động bỏ chạy, bỏ lại chúng tôi người thì bị trói thúc ké, kẻ thì như nhộng con ro than khóc. Sau một thời gian định thần, dẫu mệt lả chúng tôi vẫn tiếp tục lên đường. Đi ra khỏi rừng thì mới mong thoát được bọn thổ phỉ.

              Cuối cùng thì chúng tôi cũng ra khỏi được đám rừng, tìm được xe về hướng Nam Vang. Nam Vang là một thành phố lớn với đèn xe như mắc cửi. Anh dẫn đường dẫn chúng tôi vô một quán. Nói là quán chứ thật ra đây là một cái động Chúng tôi được lùa xuống một cái hầm nhỏ dưới gầm giường. Chúng tôi được ăn ít bánh nếp. Cái thứ bánh nếp chẳng có nhưn gì hết vậy mà ngon đáo để. Bữa ăn đầu tiên kể từ khi chúng tôi rời Cần Thơ. Dưới hầm tối như bưng. Mặc dù vậy tôi vẫn có thể nghe được tiếng động bên ngoài. Những gì xảy ra bên trên miệng hầm đều được nghe rõ mồn một. Tôi vừa ngủ gục thì nghe một tiếng động lớn trên đầu. Rồi như là có tiếng một ông say nhệ nhệ nói vài câu tiếng Miên. Sau đó là tiếng rên la, tiếng cọt kẹt của chiếc giường. Sao mà tương lai chúng tôi tối như chiếc hầm tôi đang ngồi vậy. Lạy trời cho họ đừng nổi máu gian ác bắt chúng tôi lên làm như họ. Trong lúc khiếp sợ, tôi không biết làm gì hơn, chỉ nắm tay chị ngồi kế bên mình. Chị ấy cũng run rẩy như tôi. Hai chị em nắm chặt lấy tay nhau. Hai hàng nước mắt lăn dài xuống má, xuống môi, mặn kinh khủng.

              Chạng vạng sáng, người Miên dẫn đường trở lại và đưa chúng tôi rời cái quán đó. Hình ảnh của những màn cụp lạc vẫn còn ám ảnh trong đầu. Chúng tôi lên xe buýt rời khỏi thành phố Nam Vang để đi đến một tỉnh nhỏ. Mãi cho đến nay chẳng biết tỉnh này tên gì nữa. Người dẫn giao cho chúng tôi một ít tiền Miên rồi biểu chúng tôi lảng vảng gần rạp hát trong tỉnh. Anh ta biến mất đến tối mới trở lại. Anh ta dẫn chúng tôi len lỏi qua những đường lầy lội rồi cuối cùng lẻn vào cửa sau một căn nhà nhỏ. Tưởng khá gì, lại bị xuống hầm. Cái hầm có vẻ rộng hơn và khá yên tịnh hơn cái hầm ở Nam Vang. Bù lại, chúng tôi được ăn uống đầy đủ. Mãi khuya hôm đó, người dẫn đường dắt chúng tôi từng người một ra cửa sau. Nghe tiếng sóng tôi mới biết căn nhà này sát mé biển. Tôi run bắn lên khi bị dắt xuống nước vì không biết bơi. Sợ bị chết đuối nên tôi định nói là tôi không biết bơi. Nhưng vừa há miệng ra nói chữ “tui” thì đã bị anh dẫn đường dùng tay bịt kín miệng tôi lại. Chỉ còn cách níu vào tay anh mà đi. Cũng may nước khoảng chừng ngang vai thì ra đến chiếc ghe nhỏ. Tôi còn tưởng đây là ghe “taxi” để đưa chúng tôi ra tầu lớn. Nhưng không đây chính là chiếc ghe đưa chúng tôi vượt biển. Anh ta lội vào bờ, để chúng tôi trên ghe với vài người tài công.

              Chúng tôi bị lùa xuồng hầm ghe. Vì hầm không đủ chỗ nên chúng tôi trong tư thế nửa nằm nửa ngồi. Ngồi tầu, lại thêm bị say sóng. Chưa hết, chiếc ghe bị vô nước, nước trong hầm ghe ngập đến vai. Vì sống còn, chúng tôi phải thay nhau tát nước. Thật ra chỉ tát nước mới được ngồi gần miệng hầm mà thở chút không khí. Tôi bị mùi dầu làm cho ngộp thở. Tôi ói ra đó, khóc cũng ra đó, và tiểu cũng ra đó. Ai cho lên hầm ghe mà đi đâu. Tôi cũng chẳng biết mình ngồi trong tình trạng dở sống, dở chết đó đến bao lâu nữa. Gần sắp xỉu thì mấy người tài công dẫn chúng tôi lên trên khoang ghe. Tưởng đã tới nơi tôi mừng quýnh. Ai dè không phải. Chúng tôi được đưa lên một cái hoang đảo.

              Họ biểu chúng tôi ở đó chờ họ đi lấy thức ăn. Chúng tôi cứ chờ, chờ hoài, chờ mãi. Chờ không nổi nữa, chúng tôi đi men theo bãi đá tìm xem có gì lót lòng. Hoàn toàn không! Không đồ ăn, thức uống, tôi thấy phía xa xa có đám người mặc áo đỏ, áo vàng. Nghĩ bụng ít ra mình cũng gặp may. Họ có thể có tí đồ ăn. Tôi đi về phía họ, đi mãi mà họ vẫn ở phía trước. Mệt lả, tôi ngồi phệt xuống đá. Nghĩ chắc mình bị lừa bỏ chết dục ngoài hoang đảo, nên mấy chị em cởi áo hua lên cao mỗi khi thấy bóng dáng chiếc ghe nào đó ngoài khơi xa. Thà bị bắt về ngồi tù còn hơn bỏ xác nơi đây. Mưa. Mưa như tát nước vào mặt. Tôi có nước uống rồi. Chúng tôi hái lá làm phễu, múc nước mưa đọng trên chỗ đá lõm để uống. Đám người áo vàng áo đỏ giờ không thấy đâu nữa. Tối đến mấy người tài công trở lại và tìm được chúng tôi đang núp sau tảng đá to. Lại phải chui xuống cái hầm ghe đấy nước nhờn nhợn người. Tôi nghĩ nếu mình chết thì xong. Khỏi bị cảm giác say sóng thiệt chịu hết nổi. Gần chết thật thì ghe đến bờ Thái Lan.

              Sau nhiều đêm đi bộ, xe honda ôm, xe hàng, và ở trên ghe, trên hoang đảo…Cuối cùng tôi đã đến được nơi mà tôi muốn đến trong tình trạng: Hai hàm răng bị tê cứng, quần áo nhớp nháp, chân bị đá cắt nát đang sưng tấy. Một người lính Thái đã phát hiện chúng tôi trên bãi đá. Chiếc xe cam nhông đưa chúng tôi về trại lính làm thủ tục lục soát. Chúng tôi được đưa vào một ống xi măng thật lớn, trống hai đầu. Cái ống xi măng này giống như một đoạn ống cống chờ được đặt xuống lòng đất. Tại đây chúng tôi được ăn một bữa cơm với canh chua đậu que. Và rồi xe cam nhông lại đưa những người tị nạn bị bịt mắt đến Klong -yai. Đây là trại tiếp nhận tị nạn chờ ngày làm thủ tục đưa về trại tị nạn chính Panat Nikhom.

              Ở Klong-yai, tôi phải đi nằm viện hết vài ngày vì chân bị đá cắt nhiễm trùng. Nằm trong bệnh viện nhìn những đứa trẻ địa phương quanh mình có thân nhân vào thăm nuôi mới thấy thấm thía nỗi cô đơn xa người thân.

              Gần hai năm trong trại tị nạn, tôi nhớ nhà tê tái. Mặc dù mặt trời mùa hè Thái Lan rực rỡ, nhưng đời tị nạn của tôi bắt đầu bằng những chuỗi ngày lận đận, âm u.

              Lá Thư Trại Tị Nạn

              Mẹ yêu kính, đã gần năm xa mẹ!
              Lê bước buồn, con, một kẻ lưu vong
              Quanh quẩn trong trại tị nạn bít bùng
              Con ao ước trở về vòng tay mẹ.

              Có những đêm con ngồi nhìn lũ trẻ,
              Chúng nô đùa rất vui vẻ ngoài sân,
              Lệ hoen mi, ôi! nhớ mẹ muôn phần
              Giọt nước mắt mặn, tủi thân quá thể.

              Con xa mẹ khi tuổi còn quá trẻ
              Nào biết gì đời cạm bẫy giăng giăng
              Nhìn tương lai do cuộc sống không thành
              Tay định mệnh bứt đời con khỏi Mẹ.

              Mẹ nâng niu, đời dập vùi con trẻ
              Nâng chén cơm dòng lệ đọng tim tôi
              Đôi dép đứt vừa cột kẽm, mang. Đau!
              hàng rau muống vừa xanh là bị trộm.

              Mấy hôm nay có vài cơn mưa nhẹ,
              Nhẹ như bông, chẳng đủ để rửa tay,
              Mười lít nước: tăm, giặt, nấu,mỗi ngày,
              Trại tù lỏng giam hình hài con Mẹ.

              Mới vừa sốt, buồn lo, nhưng mặc kệ,
              Cõi tạm tù làm sao để khác hơn,
              Có người bày cơm trộn ớt,vo tròn
              Ăn thay thuốc, đẩy lui cơn sốt. Khoẻ.

              Con chợt nhớ lời nghe từ tấm bé,
              Con không mẹ được: gọi trẻ mồ côi
              Con xa mẹ như đàn đứt giây rồi,
              Trời cẩm tú mịt mùng, vì thiếu Mẹ.

              Ở quê nhà, Mẹ có mong con trẻ?
              Nhớ thương con? Sức khoẻ mẹ làm đầu,
              Chiếc lưng còng, hai buổi cháo với rau,
              Lòng con xót, cách nào lo cho Mẹ.

              Đêm trung thu trăng tròn, trời quạnh quẽ,
              Gió viễn du cho ta gởi mấy lời,
              Nhắn gởi về quê Mẹ chốn xa xôi,
              Lời kính nguyện con yêu mong mẹ khoẻ.

              Viết thư rồi con lại đem ra xé,
              Gửi làm gì,khi mẹ đọc sẽ đau,
              Lệ thương con khô héo nát mi sầu,
              Vết chân chim đã hằn sâu mắt mẹ.


              Cuối cùng, may mắn hơn hàng triệu người khác, tôi đạt được cái đích của chuyến đi. Trả những giá rất đắt để đến được bến bờ tự do. Thành phố Porland, tiểu bang Oregon là nơi tôi bắt đầu cuộc sống mới của mình. Bắt đầu phân nửa cuộc hành trình trên đường đời. Tôi vẫn nghĩ là chẳng biết tôi may hay rủi khi vượt biên được. Có lẽ đừng nên suy nghĩ gì thì tốt hơn. Phải chấp nhận và xem như đó là số phận đã an bài cho tôi từ khi tôi chưa ra đời lận kìa. Tôi vẫn phải sống và phấn đấu cho cuộc sống khá hơn. Giông bão trên đường đời rồi sẽ qua đi. Vui với hiện tại bởi lúc nào trong tôi cũng có một tiếng nói phải sống cho đúng nghĩa với đời sống, vì hành trình trước mặt tôi vẫn còn đăng đẳng.

              Nguyễn Thanh Trúc


              * Nguyễn Thanh Trúc sinh năm 1969
              * Sinh ra và lớn lên ở Gia Định, Sài Gòn với ba mẹ và em gái.
              * Tốt nghiệp trung học trường Hoàng Hoa Thám, Gia Định.
              * Vượt biên qua Thái Lan năm 1987. Ở trại tị nạn Panat Nikhom, Thái Lan, 9 tháng. Sang trại tị nạn Bataan, Philippines 7 tháng.
              * Định cư tại thành phố Porland thuộc tiểu bang Oregon từ tháng 10 năm 1988.
              * Tốt nhiệp cử nhân Computer Science năm 1993.
              * Hiện đang sống và làm việc tại Oregon.
              * Cộng tác viên của báo liên mạng Hồn Quê (www.honque.com)
              * In chung 2 cuốn thơ với các bạn trong nhóm văn nghệ Mai Đức Vinh:” Một Thoáng Kỷ Niệm” (Suối Nguồn xuất bản năm 2001 ) và ” Tình Thơ Áo Trắng” (2002)
              Last edited by khongquan2; 10-18-2016, 06:44 AM.

              Comment



              Hội Quán Phi Dũng ©
              Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




              website hit counter

              Working...
              X