Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đại tá Nhảy Dù Nguyễn Văn Thọ

Collapse
X

Đại tá Nhảy Dù Nguyễn Văn Thọ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đại tá Nhảy Dù Nguyễn Văn Thọ

    Đại tá Nhảy Dù Nguyễn Văn Thọ
    Lê Thiệp

    Ông ngồi trên chiếc ghế đẩu, chung quanh la liệt những nẹp nứa và ở góc phòng một lô rổ đã đan xong, nhưng chưa có cạp. Ánh nắng quái vàng lọt chiếu qua khung cửa tạo thành một vệt trên nền đất. Ông ngồi yên, ngước nhìn tôi đang ở thế chào kính, mỉm cười độ lượng.

    – Anh không cần giữ quân phong quân kỷ nữa. Bây giờ chúng ta cùng là tù binh cả. Nội qui trại nói rõ mọi người đều gọi nhau bằng anh, không có chuyện cấp trưởng, không có chuyện Lữ Đoàn Trưởng, Sư Đoàn Trưởng, tá tiếc gì nữa. Anh ngồi xuống đi.



    Đại Tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù là tù binh cao cấp nhất đã bị bắt khi ông bị thương ở chân và bộ chỉ huy của Lữ Đoàn bị tràn ngập ở Nam Lào trong cuộc hành quân Lam Sơn 719. Tôi lúng túng không biết nói năng gì với một vị sĩ quan của binh chủng tinh nhuệ nhất miền Nam. Ông và toàn bộ chỉ huy trong đó có Trung Tá Trần Văn Bé, Trưởng Phòng Nhì Sư Đoàn Dù đã bị vây khốn vì quân số chênh lệch giữa ta và địch, vì không có đủ tiếp tế đạn dược, tải thương. Tôi đã nghe bạn bè ca ngợi ông và tuy dù chưa một lần diện kiến, tôi luôn hình dung ông đội mũ đỏ có cánh dù, quần áo mầu huyết dụ cầm cây can chỉ huy đứng trước hàng quân. Nhưng nay ông ngồi đó trong căn lều lá nền đất ngồi đan rổ. Ông đang nghĩ gì? Thấy tôi vẫn đứng đó, tay vẫn còn ở thế chào, ông lắc đầu:

    – Cám ơn anh. Trung Úy Đỗ Lệnh Dũng phải không? Anh em mới tới cho biết là Đồng Xoài đã mất, Bố Đức cũng mất, e rằng Phước Long cũng nguy đến nơi. Cái vận nước nó thế, biết làm sao hơn. Anh ngồi xuống nói chuyện miền Nam cho tôi nghe đi.

    Lòng tôi nhũn xuống. Ông vừa nói vừa tiếp tục bẻ những cây nan nứa cong xuống, lồng vào nhau. Chiếc rổ ông đang đan đã hơi có dạng cong. Khuôn mặt ông bình thản một cách lạ lùng. Mọi thứ từ con người ông là một cam chịu nhưng không khuất phục. Ông nói năng từ tốn, không hề ngưng tay đan lát như thể cả cuộc đời còn lại của ông chỉ để đan kết những mảnh lạt, những nẹp nứa. Tôi ngồi xuống chiếc ghế con cạnh ông thong thả kể tất cả những gì xảy ra ở Đồng Xoài. Ông chăm chú nghe, và cuối cùng thở dài:

    – Tôi đã nhiều đêm khóc một mình. Tôi thương những người lính như người nghĩa quân cố chạy ra để rồi chết bên lá cờ ở Đồng Xoài. Nhảy dù có nhiều anh hùng lắm, nhất là những người lính bình thường, lương không đủ nuôi vợ con. Nhưng cái vận nước nó thế biết làm sao hơn.

    Tôi nói:

    – Thưa Đại Tá, cuộc hành quân 719…

    Ông ngẩng đầu nhìn tôi, đôi mày nhíu lại khiến tôi khựng, không nói năng thêm được. Nhưng ông lấy lại cái dáng yên nghỉ của một thiền sư, vững vàng ngay lập tức. Lưng ông vẫn thẳng và cái áo tù sọc đỏ như hơi chật khiến vai ông như rộng hơn ra. Cái dĩ vãng 719 Hạ Lào chỉ thoáng qua trong xúc động cùng cực nhưng rồi ông chậm rãi:

    – Trung Úy Dũng, từ nay mình gọi nhau bằng anh em, được không? Không phải vì nội qui của trại. Cũng không phải vì là tù mà phải bỏ cái cấp bậc quân đội của mình sang một bên. Không phải như vậy. Anh còn trẻ, trông anh khoẻ mạnh, người doi doi như anh chắc sẽ vượt qua mọi gian truân của tù tội. Tôi có điều này để nói với anh như một người lính nói với một người lính. Chúng ta đã không hổ thẹn với việc làm của chúng ta, dù ai nói gì thì nói.

    Lam Sơn 719 được tung ra với hai mục tiêu. Mục tiêu đầu là phá vỡ hệ thống tiếp liệu của địch mà trọng tâm là ở vùng Tchéphone, Hạ Lào, tìm cách kiểm soát con lộ số 9 để chặn đường tiếp tế của địch từ Bắc. Tất cả những anh em Dù, anh em Sư đoàn 1, anh em Thiết Giáp Pháo Binh, anh em bên Không Quân, tôi nói về tất cả những anh em mình đã tham dự 791 Hạ Lào hồi đó đều biết chắc giai đoạn đầu của cuộc hành quân đã đạt được mục tiêu của nó. Khó mà đưa ra tổn thất chính xác của địch nhưng tôi cam đoan một đổi mười là ít. Nhìn những kho xăng địch cháy, những kho lương thực bị phá hủy, và nhất là nhìn cảnh bộ đội Bắc Việt chết sắp lớp, tôi có thể xác định mục tiêu đầu của ta đã đạt.

    – Thưa Đại… – Vâng, thưa anh, nhưng…

    Ông giơ tay chận ngang, ngắt lời tôi:

    – Tôi ở trong hầm chỉ huy. Hai chiến xa địch sập hầm bít hết lối và tôi đã gọi pháo bắn chụp lên đầu tụi tôi. Hồi đó tôi cứ thắc mắc tại sao các cấp chỉ huy địch lại phí phạm sinh mạng thuộc cấp đến như vậy. Có một hai sĩ quan khi khai thác tù binh tại mặt trận bảo họ được uống cường lực hay an thần gì đó của Trung Cộng. Tôi không tin hẳn chuyện này. Nhưng trong suốt những ngày tù đày ngồi đan rổ rá, tôi vẫn không hiểu tại sao họ phí phạm sinh mạng binh lính đến thế? Thế nào rồi anh cũng có dịp ra ngoài để thấy hậu phương miền Bắc không còn thanh niên nữa. Họ đem nướng không thương tiếc. Chỉ tội cho dân mình, Bắc cũng như Nam. Tôi hiểu các thắc mắc của anh. Tôi không trả lời được tại sao Lam Sơn 719 đã không được đẩy tới trong giai đoạn hai là chiếm giữ các cứ địa 604 và 611 trên đường xâm nhập của địch. Hồi 1970 mình đã phá tan hệ thống tiếp liệu của địch ở Miên. Nếu chúng ta tiến hành đúng, chiếm giữ 604 và 611 trong vòng ba tháng nữa mùa khô thì địch sẽ không còn cách gì tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Tôi không trả lời anh được vì tôi bị cầm tù từ hồi đó. Anh ở miền Nam chắc anh có đọc báo hay nghe tin tức, anh có biết tại sao không?

    Tôi lắc đầu trầm ngâm. Hẳn là Đại Tá Thọ cũng không chờ một lời giải thích nơi một viên sĩ quan hạng bét như tôi. Nhưng cái thắc mắc của ông hẳn đã dày vò ông nhiều hơn là cảnh tù đày mà ông đang gánh chịu. Mong rằng sau này những nhà quân sử sẽ trả lời được cho người tù đã coi ngày bị bắt là ngày giỗ của mình.

    Ông là sĩ quan cao cấp nhất và được ở riêng một căn lều lá, không phải lao động nặng nhọc nhưng cũng phải chịu chế độ khoán. Đây là một chính sách hẳn hòi được rút tỉa kinh nghiệm của các trại tù Nga Xô, Trung Cộng. Nó đẩy người tù đến tận chân tường, không có cách gì cục cựa nổi. Tôi không rõ một ngày Đại Tá Thọ phải nộp mấy cái rổ nhưng trông đống tre, nứa chất đống ở một góc nhà, tôi biết là ông đã phải lao động cật lực để đạt chỉ tiêu. Cuối cuộc trình diện, ông trầm ngâm rồi bảo tôi:

    – Cám ơn anh vẫn còn nghĩ đến tình đồng đội để đến thăm tôi – Ông không dùng chữ trình diện – Điều duy nhất tôi mong mỏi ở tất cả các anh em là phải thương yêu đùm bọc nhau, cố giữ lấy tinh thần của một người lính quốc gia. Chỉ có thế, anh em mình mới chứng minh được mình khác họ. Và chỉ có thế mới minh giải được những điều anh em mình đeo đuổi là đúng. Anh cho tôi gửi lời thăm tất cả anh em mới tới và bảo họ không cần tới thăm tôi nữa. Anh nói dùm với anh em là tôi luôn cầu Trời Phật để mọi người mạnh khoẻ.

    Lê Thiệp

    Nguồn: Đỗ Lệnh Dũng
    http://nguyentin.tripod.com

    Nguồn:dongsongcu.wordpress.com/2016/03/13/dai-ta-nhay-du-nguyen-van-tho/


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X