Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chẳng Có Đường Cùng

Collapse
X

Chẳng Có Đường Cùng

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chẳng Có Đường Cùng


    Chẳng Có Đường Cùng
    Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân

    Qua một ngày ì-ạch, chiếc xe đò nhỏ chạy bằng hơi nóng của lửa than, khởi hành từ Phan Thiết, chạy vòng ngang gần trại tù Hàm Tân Z 30C mới bò về đến bến xe Văn Thánh, Sài Gòn. Trên đó, ngoài những người buôn bán hàng chuyến ngồi chật ních cùng than củi chất đầy cả sàn xe, còn có ba anh cải tạo vừa được tha về.

    Anh nào cũng gầy nhom, mặt mày hốc hác. Nhất là quần áo mặc trên người, đủ chứng tỏ cái vẻ tù tội của họ…

    Trời bắt đầu nhá nhem tối. Ánh sáng từ các cột đèn, cái có cái không, chiếu vàng vọt xuống mặt đường lỗ chỗ những ổ gà. Xa về phía trung tâm thành phố, là một vùng mờ nhạt âm u. Tất cả, vẽ nên một quang cảnh khá tiêu điều mất đi sự phồn hoa đô hội của năm nào.

    Trân bước xuống xe, lòng thấy buồn trước cái đìu hiu của cảnh vật. Anh nghĩ, chắc những người bạn tù kia, ít nhiều gì cũng cùng chung ý tưởng như anh.

    Bởi họ, đều đã trải qua hơn 7 năm trong các trại tù cải tạo từ Nam ra Bắc, rồi từ Bắc trở về Nam. Họ đã từng nhìn cái quang cảnh nghèo khổ của một số thành phố Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa – kể cả Hà Nội khi được đi ngang qua – sao mà nó gần giống như vùng bến xe Văn Thánh điêu tàn, ở thời điểm năm 1982 này như hệt!

    Bao nhiêu những tin tức từ các bà vợ của tù cải tạo đi thăm nuôi chồng, đã từng mô tả thảm cảnh đổi đời của Miền Nam bây giờ; chẳng làm Trân thấy lạ, khi mục kích tận mắt trên đoạn đường xe đò vừa mới đi qua. Nhưng khi bước vào ngưỡng cửa của Hòn Ngọc Viễn Đông năm xưa, ngay tại bến xe Văn Thánh này, anh mới thấy bồi hồi thương tiếc cho một Sài Gòn của thưở vàng son lúc trước.

    – Đi xích lô nghe ông thầy ? Em sẽ đưa về tận nhà cho.

    Trân khẽ lắc đầu, hơi mĩm cười trả lời :
    – Dạ… cám ơn ! Tôi không đi đâu anh.

    Nói xong, Trân quay ngang vẫy tay chào các bạn đồng cảnh. Lúc đó họ cũng đang vẫy tay chào nhau, rồi hối hả bước đi.

    Tay xách chiếc giỏ đệm sứt quai được vá víu lại bằng mấy cọng kẽm rỉ sét, bên trong đựng bộ quần áo cũ rách, và một vài vật dụng linh tinh, Trân bước nhanh ra mặt lộ hướng về Ngã Tư Hàng Xanh. Hai ông bạn tù kia cũng vậy. Cả ba đều dốc tâm đi bộ, vì chẳng ai dám đi xích lô cả, tuy trong túi cũng có trên mười đồng. Nếu đi xích lô thì cũng chỉ mất một vài đồng theo thời giá lúc đó mà thôi. Nhưng họ phải cố gắng tiết kiệm tối đa để phòng thân.

    Anh biết, trong hai ông bạn kia, một người sẽ đến cư xá Thanh Đa. Người kia vào chợ Thị Nghè. Họ đi tìm nhà người quen tá túc qua đêm nay. Vì nhà của họ, thì một ở Cần Thơ, một ở Châu Đốc. Có thể phải mất thêm vài ngày nữa, mới về tới tỉnh nhà mà gặp lại vợ con.

    Nhưng thời buổi vật đổi sao dời này, chắc người thân có còn ở đó hay không ? Hoặc vợ con đã phiêu bạt phương nào ? Riêng anh cũng như họ, trong mấy năm trở lại đây chẳng nhận được thư từ và quà thăm nuôi của gia đình. May là nhà anh ở cách đây không xa, chỉ gần cầu Chà Và trong Chợ Lớn mà thôi.

    Nhìn dáng họ đi lầm lũi phía trước, Trân thấy ngậm ngùi. Anh thầm cầu nguyện cho họ luôn gặp mọi điều lành. Đêm nay sẽ tìm được người thân. Ngày mai sẽ về đến quê nhà, gặp lại vợ con trong cảnh bình an.

    *****



    Sở dĩ họ phải tiết kiệm là vì khi ra tù, mỗi người được cấp hai chục đồng lộ phí, rồi tự túc ra đi. Người ở tận miền Trung hoặc Cà Mau cũng vậy, chỉ võn vẹn hai chục đồng đó mà thôi, trong khi giá vé, đi từ bến xe đò gần trại tù của họ về Sài Gòn khoảng trên dưới mười đồng rồi.

    Được điều, đa số những tù cải tạo thường có gia đình thăm nuôi hai tháng một lần, cho nên ít nhiều gì, họ cũng khôn khéo cất giấu được tiền. Hoặc có gia đình mang lén lút cho một vài cái quần, hoặc áo còn mới tốt để phòng thân. Nay được thả ra, đem bán cho dân chúng quanh vùng cũng đủ phương tiện để về.

    Số người được thả lần này là mười lăm, nhưng chỉ có Trân và hai anh bạn đó là “vô sản chân chính” mà thôi. Còn các bạn tù khác sau khi ra khỏi trại, thì đã lên ngay chuyến xe đò duy nhất hồi 10 giờ sáng, khởi hành từ trại tù về Sài Gòn hết rồi.

    Riêng Anh và hai ông bạn kia còn bị lôi thôi giấy tờ ra trại, lại bị vặn hỏi lung tung về lý lịch, nhất là hỏi nhiều về vợ con… Đã vậy mà còn phải chờ tên thủ trưởng trại giam, đã đi họp hành ở đâu đó mới trở về hồi trưa này, y xem xét lời khai, rồi mới đồng ý cho phát giấy ra trại.

    Vì đã gần 1 giờ trưa, không còn xe để về Sài Gòn nữa, mà bụng lại đói cồn cào, họ đành bước vào ăn một bữa cơm đạm bạc, ở cái quán nghèo nằm xeo xéo trước cửa tù, uống một ly trà đá, và hút mấy điếu thuốc lá Hoa Mai là loại rẽ tiền nhất, chứ cũng không dám mua nguyên gói.

    Trân và một bạn tù được thả về Cần Thơ tên Lưu, thì dự định lội bộ suốt quãng đường này về Sài Gòn. Đi tới trời chạng vạng tối, thì tấp vào một nhà nào đó bên đường, xin cơm ăn, và xin ngủ tạm trước hàng ba. Sáng mai lại đi tiếp, chứ không dám đi xe đò nữa. Tới đâu ăn xin tới đó. Ra khỏi tù, đã là sướng lắm rồi ! Ăn nhằm gì ba cái chuyện lội bộ và đi ăn mày này ! Vã lại, hồi ở tù cải tạo ngoài Sơn La, từ trại tù của họ đi ra huyện Văn Chấn lãnh gạo hoặc cá khô, hoặc bột mì… mỗi người vác 30 ký đi và về bằng chân không, quanh co trên đường làng khoảng 30 cây số, bụng lại đói meo mà vẫn sống được cho đến ngày nay kia mà!

    Lý do mà họ không dám tìm chỗ ngủ lại ở cái xóm nhà nho nhỏ nằm xéo cửa tù này, vì những cư dân ở đó là thân nhân hoặc vợ con của bọn cai tù, chứ chẳng ai khác. Chính những người thân nhân của các cai tù này, cũng không muốn tiếp xúc nhiều với bọn tù cải tạo vừa mới được thả ra nữa. Có lẽ do lệnh hạn chế “quan hệ” của chánh sách chăng ? Thật ra, cũng có nhiều người lén lút hỏi mua quần “Tẹt”, (quân Tây bằng vải Tergal), và áo “Lon” (Nylon) của những người tù vưa mới được thả ra đó, với giá rẻ mạt. Thế nên càng đi xa chỗ hắc ám đó càng tốt. (Chú thích : Loại hàng vải quần Tẹt áo Lon này là hàng “cao cấp” mà bọn Cộng Sản Bắc Việt thích nhỏ dãi khi cưỡng chiếm Miền Nam trong khoảng mươi năm đầu).

    Họ cũng có hỏi thăm bà chủ quán cơm - cũng là vợ của Công An coi tù người Hà Tĩnh – thì được biết là có trạm xe lửa, từ đó có chuyến về Biên Hòa, nhưng khá xa, nếu đi bộ đến quá nửa đêm thì mới có thể đến đó được. Giọng nói của bà ta nghe nặng chịch, tiếng hiểu tiếng không, họ chỉ theo lời nói mà phỏng đoán như thế, và bà ta cũng chỉ biết lờ mờ như thế mà thôi.

    Anh tù được thả về Châu Đốc tên Hơn nghe họ bàn như thế, nên xen vào báo cho họ một tin có vẻ hy vọng hơn, là cách nay trên một năm, vợ anh ta có đến thăm nuôi, vào báo cho anh ta biết, vợ chồng người cậu bà con xa của vợ anh ta, nguyên là Hạ Sĩ Nhất thuộc Sư Đoàn 18 BB của chế độ cũ, hiện ở cách trại tù khoảng 15 cây số trên đường về Sài Gòn, có mở tiệm tạp hóa buôn bán trong thôn xóm đó. Vợ chồng Cậu ấy cũng tương đối khá giả, và có dặn với vợ anh là nếu anh có ra tù, thì ghé lại nhà cậu ấy ở chơi vài hôm, rồi cậu ấy lo cho về Châu Đốc. Chính vợ của Hơn đã ngủ tại nhà người Cậu đó, để hôm sau lên thăm nuôi anh.

    Hơn đề nghị cả Trân và Lưu cùng đi bộ với anh ta đến tá túc nhà của người Cậu đó, rồi sáng mai tùy cơ ứng biến. Có điều Cậu ấy là cậu vợ, Hơn cũng chưa biết mặt, và hơn một năm nay vợ anh cũng không có đi thăm nuôi, không biết rằng người cậu vợ đó, vẫn còn ở đó hay không ? Đành phải năm ăn năm thua vậy!

    Thế là cả ba cùng “đồng ý, nhất trí, thông qua”. Đi được gần mười cây số, mồ hôi vã ra như tắm, thì cũng vừa lúc có một chiếc xe đò từ phía sau trờ tới. Nghe tiếng còi, họ tránh sát vào lề. Chiếc xe cũng đậu lại. Một người đàn bà có lẽ là chủ xe, thò đầu ra ngoài cửa, vừa vẫy họ vừa thúc hối:
    – Đi… Hồ Chí Minh hôn ? Leo lẹ lên!

    Cả ba ngơ ngác, rồi chợt hiểu… thành phố Sài Gòn giờ đã đổi tên ! Nhưng bà chủ xe thấy họ ngơ ngác, cũng chợt hiểu là vì họ bị đi tù cải tạo trước khi Sài Gòn đổi tên, nên tưởng họ không biết, bà nói lại:
    – Mấy ông đi về Sài Gòn phải hôn?

    Hơn nhanh nhẩu khoát tay từ chối:
    – Chạy đi, tụi tôi “kẹt lắm, yếu tiền lắm”, không đi đâu!

    Lúc đó, tự nhiên trong đầu Trân nảy ra một ý nghĩ ngộ nghĩnh : “Đi… Hồ Chí Minh hôn”, do bà chủ xe đò vì nói nhanh, đã nuốt mất hai chữ “thành phố” trước cái tên Hồ Chí Minh, giống như hồi còn là một thanh niên trẻ tuổi dại khờ lạc đường vào xóm yên hoa, bỗng gặp mụ Tú bà hỏi : “Đi… em Xanh, em Đỏ, Tím, Vàng… hôn”. Thế là cái tên Hồ “chủ tịt” này bỗng trở thành một loại “gái thập thành !”, thú vị biết bao!

    Bỗng tiếng của bà chủ xe đò như một lệnh ban truyền :
    – Lên mau đi ! Khỏi trả tiền ! Mấy ông ở tù ra chớ gì?

    Cả ba người đều gật đầu. Bà chủ xe tiếp lời :
    – Trời xế chiều rồi, chuyến xe Phan Thiết này là chuyến chót. Leo lên đi mấy ông. Đi bộ biết chừng nào mới tới !

    May mà hôm nay xe của “tui” chạy vòng vòng đường trong này, mới gặp được các ông đó. Cũng còn hên cho các ông lắm!

    Cả ba đều tỏ vẻ cám ơn, rồi nhanh nhẹn leo lên xe. Họ quên mất là phải tìm nhà cậu vợ của Hơn. Nhưng có lẽ họ cũng thừa biết, là tìm nhà của cậu vợ Hơn thì năm ăn năm thua, chi bằng đi xe đò miễn phí về Sài Gòn sướng hơn.

    Hành khách cố ngồi nhích sát vào nhau nhường chỗ. Ai nấy đều nhìn họ với cặp mắt thông cảm sâu xa. Một bà hỏi:
    – Các ông có ra Bắc cải tạo không?

    Trân nhanh nhẹn trả lời :
    – Dạ có ! Chúng tôi được chuyển về Z.30C hồi năm ngoái, hôm nay mới được thả.

    – Chắc cực khổ lắm ! Mấy ông còn sống là phước lớn lắm đó ! Anh Hai tôi cũng cải tạo ở ngoải. Tháng trước có giấy báo, bị chết ở Yên Báy hồi năm “bảy bảy” rồi (1977).

    Nói xong, với vẻ mặt đau khổ, bà ta muốn thốt lên lời nguyền rủa. Nhưng chợt nhớ, đưa mắt lấm lét nhìn ra đằng trước chỗ ngồi ngang với tài xế, đang có một thanh niên tuy mặc đồ dân sự, nhưng lại đội trên đầu cái nón cối. Không biết có phải là cán bộ hay không. May mà anh ta đang ngủ gà ngủ gật. Máy xe lại nổ khá lớn, cũng át đi phần nào lời nói của mọi người. Cho nên bà ta thấy yên bụng, và cũng chẳng dám nói gì thêm.

    Từ lúc bà đó lỡ lời, những người khác dường như cũng dè dặt. Không ai dám tỏ cử chỉ lộ liễu, hoặc hỏi han gì ba anh em Trân cả. Họ cố dấu vẻ thương hại bằng tiếng thở dài u-ẩn mà thôi.

    Qua những chuyện họ nói với nhau, Trân mường tượng hiểu được, ngoài anh chàng đội nón cối kia ra, tất cả hành khách còn lại, đều là những người buôn lậu hàng chuyến.

    Thời đó, mỗi chánh quyền ở địa phương được coi như một thứ ông trời con, nên họ thường hay bày trò ngăn sông cấm chợ, lập nên các trạm kiểm soát dọc trên các quốc lộ, các tỉnh lộ để đánh thuế, hoặc tịch thu những hàng hóa mà họ cho là đồ quốc cấm.

    Mà khốn nỗi, những đồ được liệt vào hàng quốc cấm của thời đó, lại là những nhu yếu phẩm hàng ngày người dân phải tiêu dùng như : gạo, đường, đậu, sữa, bột ngọt, cà phê, thuốc tây… Dân chúng không được buôn bán các thứ này, mà phải xếp hàng rồng rắn trước các cửa hàng quốc doanh xuất trình “hộ khẩu”, mới được mua theo tiêu chuẩn, do Nhà Nước bán hạn chế theo từng tổ dân phố.
    Từ đó, mới sản sinh ra những chữ gạo tổ, thịt tổ, muối tổ… và Xã Hội Chủ Nghĩa mà chánh quyền bắt học tập từ năm này qua năm khác, được người dân ví von là “Xếp Hàng Cả Ngày”, hay Chủ Nghĩa Xã Hội là “Cả Ngày Xếp Hàng”… thật cười ra nước mắt.

    Xăng, dầu lại còn là một thứ hàng quốc cấm, ghê gớm hơn tất cả những hàng quốc cấm khác. Bởi vì với chánh sách bế quan tỏa cảng của Nhà Nước ta, cộng với những kinh tế gia có “ba đời” vô sản chân chính, và vừa mới xong các lớp học trường làng điều khiển, cũng như hoạch định về kinh tế của Xã Hội Chủ Nghĩa, khiến nên quốc tế không ai chịu bán xăng dầu cho chế độ ưu việt của ta cả.
    Chỉ có xăng dầu do Liên Sô hạn chế viện trợ cho công xa, và xe bộ đội lăn bánh khi cần kíp. Còn dân chúng bên ngoài, phải biến chế các loại xe đò của Miền Nam chạy bằng xăng dầu trước đây, trở thành loại xe chạy bằng than củi, giống như thời kỳ nước ta mới bắt đầu làm quen với xe hơi vậy.
    Ngồi nhìn lò than cháy hừng hựt mà bà chủ xe chịu trách nhiệm trông coi, bụi than bay dính lên đầy cả người bà ta và hành khách, Trân thấy đau buồn cho một đất nước nghèo nàn, và lạc hậu đến thế là cùng!

    Trở lại những loại hàng nhu yếu phẩm, được liệt vào danh sách quốc cấm như đã đề cập ở trên, nếu có người nào về quê thăm bà con, khi trở lại thành phố mang theo được một ít gạo, đậu, hoặc đường thẻ, đường đen… vv… rồi đem bán lậu, sẽ có số lời đáng kể.

    Vì vậy, mà có đến một đạo quân đông đảo chuyên làm kiểu đó. Đa số lại là thân nhân hay vợ con của các tù cải tạo. Cho nên khi nhìn bọn Trân, làm sao họ không thấy thương tâm cho được ! Nhưng vì chế độ hà khắc, họ chỉ biết thương thầm trong bụng mà thôi.

    Lại nữa, hai tiếng đồng hồ trước, chính họ cũng vừa bị bọn Công An phối hợp với Thuế Vụ, bất thần đặt nút kiểm soát giữa đường đã tịch thu sạch hàng hóa. Bao nhiêu tiền bạc trong người cũng bị lấy hết, gọi là tạm giữ người giữ của, khi được thả sẽ trả lại.

    Sau đó chúng mới làm ra vẻ ơ hờ, để cho mạnh ai nấy “chạy người không” thoát thân. Nếu chẳng chịu như vậy, chúng sẽ lập biên bản giải về địa phương. Rồi cũng bị mất hết, mà còn phải ngồi tù một thời gian, về tội buôn lậu hàng quốc cấm nữa.

    Hầu như đây là một thứ luật bất thành văn của bọn công an thuế vụ ở vùng này. Bỏ chạy với hai bàn tay không, chúng sẽ không làm khó dễ, vì số hàng hóa này sẽ không lập biên bản, và cũng sẽ được đưa về Sài Gòn buôn lậu bởi vợ con của chính họ. Chuyến xe đò này đã cố tâm chạy đường vòng vòng để tránh bọn Thuế vụ, mà cũng không tránh khỏi, cũng bị Thuế vụ đặt nút chặn lấy sạch sành sanh. Lại cũng nhờ thế, mà bọn Trân mới được về tới Sài Gòn trong ngày, khỏi phải trả tiền.

    Có thể nói, cái cảnh “bỏ của chạy lấy người” này cũng thường hay xảy ra. Nhưng đạo quân “buôn lậu hàng chuyến” thì quyết tâm thua keo này, bày keo khác. Càng lúc họ càng có nhiều mạnh khóe luồn lách để qua mặt bọn công an và thuế vụ, nhưng được vài ba chuyến ăn ngon, thì cũng bị một chuyến lọt lưới, như ngày hôm nay họ vừa bị hốt sạch.

    Rồi ngày mai họ lại đi vay mượn tiền bạc, hoặc bán sạch sành sanh đồ đạc trong nhà… từ cái bàn ủi điện cho tới cái chén kiểu, để tiếp tục buôn lậu hàng chuyến mà nuôi con, thăm chồng đi cải tạo có khi tận ngoài vùng Hoàng Liên Sơn ở Việt Bắc. Vì nếu không, họ cũng chẳng biết làm gì để sống ! Nhất là trong cái cảnh gạo châu củi quế như hiện tại, tất cả đều tập trung vào tay Nhà Nước. Người dân chỉ còn có khố rách áo ôm mà thôi!

    Một lúc lâu, khi thấy tên nón cối có vẻ ngủ say. Bà khách ngồi bên cạnh mới dám quay sang nói với Trân dường như để phân trần :
    - Thấy tình cảnh các ông, chị em đây rất thương. Đáng lẽ phải chung góp chút ít tiền lại tặng các ông đi đường, như mấy lần trước chúng tôi đã từng làm. Nhưng ngặt nỗi, đã bị chúng nó hốt sạch hết rồi ! Ngay như đi xe này cũng là đi chịu. Mai mới trả tiền. Xin các ông thông cảm, đừng nghĩ rằng tụi tôi ghét bỏ các ông nghe!

    Bà ta rơm rớm khóc, khiến Trân cũng thấy xúc động. Anh se sẽ gật đầu. Nửa như thông cảm, nửa như thay cho lời cám ơn sự tốt bụng của bà, và kể cả mọi người. Giá mà anh mở miệng nói trong lúc này, chắc cũng không cầm được nước mắt. Hai người bạn của anh hình như cũng nghe được, mà đang kín đáo dấu đi những giọt lệ sắp tuôn trào…

    Lúc đó, có một chuyến xe đò chạy ngược chiều về trại tù. Trân và các bạn nhìn thoáng qua trên xe đó, thấy có hơn chục người đàn bà và vài đứa con nít, tuy ăn mặc bình dân, nhưng trên gương mặt của họ còn phảng phất những nét thành thị, khác với một số các người đàn bà khác ý chừng là vợ của các cán ngố, hoặc “cán ngố gái” trông quê mùa cục mịch làm sao. Bọn Trân hiểu ngay, đây là các bà vợ tù cải tạo đi thăm nuôi chồng ở trại tù mà các anh vừa được thả.

    Hình như chiếc xe này sẽ ngừng ở xóm nhà gần trại tù, ngủ qua đêm tại đó, rồi 10 giờ sáng mai nó lại quay về Sài Gòn. Còn các bà vợ tù cải tạo thì phải mướn chỗ trọ qua đêm trong nhà của các anh chị cán ngố cai tù, để hôm sau chầu chực dài lâu mới gặp để thăm nuôi chồng mình. Sau đó, có khi phải ngủ lại một đêm nữa, rồi mới kịp đón xe trở lại Sài Gòn một cách cực khổ vô cùng. Ôi ! chuyện dài thăm nuôi tù cải tạo từ Bắc chí Nam, lắm nỗi đoạn trường của các bà, thật không bút mực nào tả xiết được ! Xin kính mến tặng hàng trăm ngàn cánh hoa hồng, cho hàng trăm ngàn người vợ tù cải tạo, mỗi bà một đóa hoa, để ngưỡng mộ, và vinh danh vậy.

    *****

    – Ông thầy định lội bộ về sao ! Nhà chắc gần đây hả ! Leo lên xe đi, em lấy rẻ thôi.

    Tiếng nói làm cắt đứt dòng suy tưởng, đưa Trân về thực tại. Thì ra chàng xích lô ban nãy, chừng như không tìm được khách nào nữa, nên đẩy xe theo anh nài nỉ.

    – Cám ơn anh ! Tôi ở trong Chợ Lớn. Nhưng mới ra tù, tiền bạc cũng eo hẹp. Anh tìm mối khác đi!

    – Nhìn điệu bộ, em cũng biết ông thầy vừa mới được thả. Cứ leo lên đi ! Em đưa về tận nhà, rồi vào lấy tiền ra trả sau. Bao nhiêu cũng được mà.

    Ngừng một chút, anh ta nói thêm:
    – Em cũng là lính của chế độ cũ đây. Mình thông cảm nhau mà.

    – Nhưng… nói thiệt với anh, tôi đã bặt tin tức của vợ con từ hơn hai năm nay rồi, biết họ có còn ở đó hay không?
    Rủi anh chở tôi về đó không gặp ai, thì khốn ! Thôi, để tôi lội bộ tà tà về cho chắc ăn.

    – Cũng không sao ! Coi như em có dịp được giúp ông thầy một lần vậy mà!

    Vừa nói, anh ta vừa chỉ về phía trước :
    – Ông thầy nhìn kìa ! Hai ông kia cũng đã lên xích lô rồi. Chắc họ cũng như ông chớ gì?

    Trân thấy họ đang lên xe thật. Anh nhìn người xích lô với đôi mắt biết ơn. Rồi cũng làm theo họ, nhưng có vẻ hơi ngượng. Lúc đó chợt nghĩ lại, chính anh và hai người bạn tù kia, đã quên không chào từ giã và cám ơn bà chủ xe đò tốt bụng. Anh tự trách mình thật quá vô tâm.

    Dọc đường, Cung - tên người xích lô, chất phác tả oán đời sống của anh ta, và cả đời sống của dân chúng từ lúc miền Nam đổi chủ cho đến năm 1982 này, tức là con đường đi xuống của tận cùng nghèo khổ. Trân thấy lòng se lại. Hóa ra, người dân bên ngoài, cũng khốn khổ như đời cải tạo của anh vậy!

    Cung còn hiểu rõ khá nhiều, về những hoàn cảnh của người tù cải tạo được tha về. Có người về đến nhà đã hết sức ngỡ ngàng khi nhìn vợ mình đang bồng đứa con nhỏ được vài ba tháng tuổi, mà người chồng mới, là anh “Công an khu vực”. Hoặc gặp nhiều hoàn cảnh đổi thay đầy éo le khác, mà không thể tưởng tượng nỗi. Chính Cung và các bạn xích lô của anh, là những nhân chứng đầu tiên khi đưa các tù cải tạo được phóng thích từ bến xe về, mục kích một cách đau thương như vậy.
    Trân nghe nói mà ngậm ngùi thương cho cảnh đổi đời. Không biết anh bị rơi vào trường hợp nào đây, mà mấy năm nay lại vắng bặt tin nhà ? Nhưng mà anh chắc chắn người vợ yêu thương của mình, sẽ không mất đi lòng chung thủy. Vả lại còn có mẹ anh, cùng đứa con kháu khỉnh của anh nữa. Mấy năm trước ai cũng viết thơ với lòng nhớ thương và mong muốn anh được thả về. Có lẽ đời sống của họ quá chật vật, nên không đủ khả năng đi thăm nuôi anh được.

    Còn thơ từ của thân nhân gửi cho người tù cải tạo, đều bị tụi cai tù kiểm duyệt. Thơ nào mô tả đời sống gia đình khó khăn, bọn chúng không cho đọc vì trái với chánh sách. Riêng anh lại thuộc về loại tù cứng đầu, nên thơ nhà dù có ca tụng chế độ theo đúng chánh sách, cũng bị vất bỏ như thường.

    Anh còn nhớ hồi ở các trại tù trong vùng rừng núi Sơn La-Nghĩa Lộ, các bạn anh có vài người được cắt cử mỗi ngày phải đi gánh phân ở các hầm cầu tiêu, để đem đi bón cho hàng trăm luống rau xanh mà chúng gọi là “phân bắc”. Có anh được dẫn lên hốt phân ở cầu tiêu của bọn cán bộ, nhặt được một số thơ của thân nhân người tù cải tạo từ trong Nam gửi ra. Thay vì phát thơ cho tù, thì các anh cán ngố này dùng để đi cầu, vừa tiện lợi lại vừa sang, vì khỏi phải hái lá cây làm cái công việc vệ sinh đó.

    Tội nghiệp các anh tù hốt phân, lựa những mảnh thơ ít dính phân nhất, chùi rữa sạch sẽ, mang về tìm cách đưa cho bạn đồng cảnh của mình đọc để biết tin nhà. Hoặc cố đọc hết nội dung rồi về thuật lại. Hẳn nhiên, những lá thơ đó là của thân nhân những bạn đồng cảnh, mà anh ta biết được và có thể liên lạc được. Còn hằng đống những lá thư khác, đành phải chịu chung số phận là không bao giờ đến được tay người nhận.

    Mà cũng không cứ gì tại các trại ngoài vùng rừng núi cực Bắc Việt Nam, ngay cả các trại tù cải tạo ở trong Nam này, cũng được bọn cán ngố sử dụng những lá thơ như thế làm giấy vệ sinh là chuyện rất thường…

    Nghĩ đến đây anh chợt thở dài, trong khi Cung vừa đạp xe, vừa tiếp tục than cho số phận của Sài Gòn từ lúc đổi tên đã dần dần xuống cấp thê thảm : từ điện, nước, đường xá, cống rãnh… đều trở nên tồi tệ, nhưng Trân đâu có chú tâm nghe vì mắc bận theo đuổi ý nghĩ riêng. Đến chừng nghe anh thở dài, Cung tưởng là lời ta thán của mình đã làm.

    Trân mủi lòng, nên triết lý vụng :
    – Nước mất thì nhà tan đó ông thầy ơi!

    Trân khẽ gật đầu. Bây giờ anh mới chú ý nhìn cảnh vật hai bên đường, thấy toàn là xe xích lô và xe đạp qua lại mà thôi. Thỉnh thoảng mới có một hai chiếc xe nhà binh, và vài xe gắn máy. Còn các loại xe nhà hay xe taxi thì không thấy, mặc dù lúc đó mới gần 8 giờ tối mà thôi. Khi đi ngang một số công viên, lòng anh càng chua xót. Nào những bãi cỏ xanh rờn đẹp mắt trước kia, nay đã biến thành những luống khoai lang, hoặc những vườn khoai mì nho nhỏ.

    Anh thầm nghĩ:
    Ôi cái cảnh “Sàigòn đẹp lắm, Sàigòn ơi” của năm xưa, giờ đã điêu tàn đến thế là cùng ! Đến nỗi “Hòn Ngọc Viễn Đông” cũng trở thành viên đá cuội rêu mốc bên đường!

    *****

    Ngõ hẻm Tùng Thiện Vương đang hiện ra trước mắt. Nó là con hẻm lát đá xanh khá rộng. Hai bên có vách tường xây cao khỏi đầu. Chỉ vào khoảng 30 thước, là gặp một ngôi nhà nhỏ, mái ngói lợp theo kiểu xưa. Đó là nhà của Trân. Từ đây, con hẻm rẽ quặt sang phải và bắt đầu hẹp dần, lại sâu hun hút vào bên trong. Sự sạch sẽ đẹp mắt của đầu hẻm này lúc trước, giờ đây dơ dáy không ngờ. Nhưng trái lại, ngôi nhà của anh thì có vẻ sáng sủa hơn trước, có lẽ vừa mới được sơn sửa xong.
    – Nhà của ông thầy đó hả ? Sao giống nhà của cán bộ quá vậy?

    Nghe Cung hỏi, anh rùng mình lo sợ. Không lẽ… họ… đã bị gì rồi ? Họ đây là mẹ, vợ và đứa con trai duy nhất của anh!

    Trân bước xuống xe nhìn sửng vào căn nhà. Phải rồi, hai cánh cửa hàng rào cao hơn lại bằng lưới B40 thay vì bằng kẽm gai như lúc trước. Ngọn đèn điện đã được đem ra phía ngoài cổng, chiếu sáng cả một vùng. Số nhà vẫn không đổi. Chỉ có tấm bảng số được sơn vẽ lại mà thôi. Mấy cây vú sữa trong vườn bên cạnh nhà vẫn còn nguyên. Tuy trời không có gió, nhưng Trân cảm thấy các cành lá hình như chao động. Có phải chúng đang chào đón anh trở về ? Hay là âm thầm từ biệt người chủ năm xưa!

    Lúc đó, từ phía ngoài mặt đường, một người Công an đang cỡi chiếc xe Honda 67 chạy tới ngừng trước cổng. Trân vừa kịp nhìn được cấp bậc Đại úy của hắn ta, thì y cũng vừa tắt máy xe, hất hàm hỏi với cái giọng Quảng Bình nhừa nhựa vì say rượu.
    – Có phải anh là Trân, Thiếu Tá “Ngụy” vừa mới cải tạo về đó không ?

    – Dạ phải.

    Rồi hắn lảo đảo đưa tay nhấn chuông điện nói tiếp:
    – Trên Phường biết anh được thả sáng nay. Còn nhà này do chính quyền địa phương quản lý rồi. Anh tìm chỗ khác ngủ đi. Sáng mai lên Công an Phường gặp tôi, để nhận giấy trả về nguyên quán.

    – Dạ thưa cán bộ, còn mẹ và vợ con của tôi hiện ở đâu?

    – Họ phản quốc ! Vượt biên ! Chết hết trên biển từ hai năm trước rồi. Đ.M còn làm bộ giả vờ ? Anh muốn tôi nhốt đầu anh lại không, mà làm bộ ngây thơ nữa đấy ? Bọn “Ngụy” các anh lúc nào mà chẳng muốn ôm chân đế quốc.

    Tôi còn lạ gì các anh nữa?

    Chưa dứt lời, hắn đã mửa thốc mửa tháo. Trân đứng sửng sờ, chết lịm, mặt tái mét; nhưng không phải vì sợ lời đe dọa của hắn, mà anh không ngờ diễn biến tang thương của gia đình mình xảy ra quá đột ngột. Cung cũng vậy, rất bồi hồi cảm xúc!

    Cánh cửa bên trong xịch mở. Một người đàn bà trung niên, và hai đứa nhỏ một trai một gái cở hơn mười tuổi bước nhanh ra cổng ngoài. Hai con chó vá khoảng một vài năm tuổi cũng chạy ùa ra. Chúng vẫy đuôi mừng tên công an, rồi sủa Trân như muốn vồ cắn.

    Người đàn bà và đứa con gái nạt hai con chó, rồi nhanh nhẹn đến dìu hắn. Bây giờ hắn cũng không còn biết trời đất gì nữa, mửa cả vào mình của họ, rồi lè nhè:
    - Đ.M. bữa thịt chó ngon thiệt !

    Hình như đây là việc say sưa, thường diễn ra hằng đêm như vậy. Cho nên hai người dìu hắn - ý chừng là vợ con - không dám càu nhàu chi cả. Người đàn bà còn ngoái đầu lại, vẫy tay xua đuổi bọn Trân đi chỗ khác. Còn cậu con trai vừa vịn chiếc Honda, vừa khóa cánh cửa hàng rào, rồi lặng lẽ đẩy xe đi vòng ra phía sau nhà mất hút.

    Lúc này, hai con chó đang ngửi ngửi vào đống cơm thịt mửa. Bỗng, chúng cụp đuôi lắm lét nhìn ông chủ, phát lên tiếng kêu ư ử, rồi ngoái đầu nhìn Trân nhưng không hung hăng sủa như lần trước. Cả hai con đều chạy đến liếm nhẹ vào bàn chân sần sùi chay cứng của anh, như tỏ lòng thông cảm, rồi chun lỗ chó chạy tuốt vào trong.

    Nãy giờ Cung vẫn ngồi trên yên xe mục kích hết sự việc. Anh có nghe nói “chó không ăn thịt chó”. Thật rõ đúng ! Trước mắt anh, chẳng những chúng không ăn, còn quay nhìn người ăn thịt đồng loại mà phát tiếng rên. Dường như đó là tiếng rên thống hận ! Hay là tiếng rên lo sợ cho chính thân phận cũng chưa biết chừng ! Có điều làm Cung cảm động hơn hết, là cả hai con chó đều đến liếm chân của Trân - người mà trước đây chúng muốn vồ cắn.

    Anh cảm nhận:
    “Phải chăng, trong lòng hai con vật tinh khôn này, qua một thoáng ngửi mùi thịt của đồng loại, đã hiểu được vai trò “chó má” của mình, từ trước đến giờ thường mượn oai chủ hống hách với mọi người lại qua… nên muốn tỏ lòng ăn năn xin lỗi với Trân ! Hay là chúng đã nhận ra “hơi hám” của Trân, thứ “hơi hám” còn bàng bạc trong căn nhà này khi chúng theo ông chủ dọn về đây.

    “Bây giờ chúng chợt hiểu căn nhà này mới đích thực là của Trân, nên muốn chia sẻ với anh về nỗi đau khổ nhà tan cửa nát. Chia sẻ với thân phận của một kiếp người bị dìm xuống tận cùng đáy địa ngục tang thương, nơi có bọn đầu trâu mặt ngựa bạo tàn, mà chính ông chủ của bọn chúng là một trong những tên “đại biểu” hung hăng nhất vậy. Có lẽ là cả hai yếu tố đó cũng nên”.

    Cung tự kết luận như thế rồi bước xuống xe đến bên Trân khẽ hỏi :
    – Bây giờ tính sao đây ông thầy ? Chắc ông cũng đói bụng nhiều lắm rồi phải không?

    Trân chưa kịp trả lời, thì Cung lại nói tiếp :
    – Lên xe đi ! Em chở ra Ngã Bảy tìm cơm bình dân lót bụng cái đã. Mọi việc rồi sẽ tính sau. Ông thầy đừng ngại, để em lo.

    Như cái máy, Trân ngồi lên xe. Lòng bối rối, bụng lại đói cồn cào. Anh nghĩ ngợi miên man, cố nhớ lại một vài địa chỉ thân quen nào đó để tìm đến tá túc qua đêm. Nhưng đành chịu ! Thật ra, anh có nhớ được một đôi nơi. Nhưng rồi gạt đi, vì những chỗ đó là nhà bạn bè cũng cải tạo. Biết họ đã được thả về chưa mà tìm ? Còn bà con thân thuộc lại ở tận Rạch Giá. Bây giờ nhớ tới họ cũng vô ích. Cuối cùng anh chỉ biết thở dài !

    – Đừng buồn ông thầy. Kẹt quá thì ngủ tạm nhà em, chật chội một chút có sao đâu?

    Rồi như chợt nhớ ra, Cung hỏi :
    – À, con hẻm này còn vô sâu nữa mà. Nghe đâu, trong đó cũng có mấy tay là dân “giang hồ”, nhưng họ cũng có “nghĩa khí” lắm, ông thầy không quen ai ở trỏng sao?

    – Thật ra, gốc Đơn vị của tôi ở Nha Trang. Đầu tháng 3 năm 1975, gia đình tôi mới từ đó di tản về đây, và mua căn nhà này cho vợ con tá túc. Còn tôi thì khoảng nửa tháng sau, được Đơn vị điều động ra mặt trận Long Khánh. Rồi bị bắt ở đó và đi cải tạo luôn, cho nên có quen biết với ai trong hẻm đó đâu mà hỏi. Thân nhân ở Sài Gòn này cũng không có. Bây giờ mới thật là tứ cố vô thân !

    – Nhưng quê ông thầy ở đâu ? Hồi nãy, nghe tên đó nói là sẽ trả ông thầy về nguyên quán mà ?

    Tại Rạch Sõi, Rạch Giá. Tôi còn ông bác ruột và mấy đứa em ở đó.

    – Ở vùng biển Rạch Sõi ? Vậy thì có đường thoát!

    Cung kêu lên mừng rỡ. Rồi như hoảng sợ nhìn chung quanh. Tuy thấy vắng vẻ, nhưng anh cũng trầm giọng nói nhỏ
    – Nơi đó là ổ vượt biên mà ! Về đó, chắc chắn trước sau gì ông thầy cũng “dzọt” được!

    Vượt biên ư ? Hồi còn ở trong tù Trân cũng thường nghe bạn bè nói đến nhiều. Họ còn vui mừng hớn hở, khi hay tin thân nhân đã tới đảo. Anh cũng đã từng ước mơ vợ con mình sẽ được như vậy. Nhưng có ngờ đâu, giờ đây mất hết ! Họ đã vĩnh viễn lìa xa ! Càng nghĩ, anh càng thấy hãi hùng cho cảnh nước mất nhà tan !!

    – Hãy tin em đi ! Rồi sẽ toại nguyện. Đời không có đường cùng mà ông thầy!

    Không có đường cùng ! Câu nói như một tia hy vọng, làm khua động cõi lòng đang lịm chết của Trân : “Rằng hãy chỗi dậy ! Vững bước mà đi ! Vì trời đất vốn chẳng có đường cùng !!”.

    Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X