Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Không Quân Chiến Thuật VN-Mỹ Tại Giới Tuyến 1972

Collapse
X

Không Quân Chiến Thuật VN-Mỹ Tại Giới Tuyến 1972

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Không Quân Chiến Thuật VN-Mỹ Tại Giới Tuyến 1972

    Không Quân Chiến Thuật VN-Mỹ Tại Giới Tuyến 1972
    Vương Hồng Anh

    * Không quân VNCH trên chiến trường giới tuyến
    Trong loạt bài viết về trận chiến ở khu giới tuyến vào mùa hè 1972, chúng tôi có đề cập sơ lược về sự yểm trợ của Không quân VNCH và Hoa Kỳ trong nỗ lực ngăn chận các trận tấn công cường tập của CSBV. Như đã trình bày, ngay khi cuộc tổng tấn công của Cộng quân tại mặt trận giới tuyến vừa bùng nổ vào cuối tháng 3/1972, tất cả các phi đoàn chiến thuật thuộc Sư đoàn 1 Không quân thống thuộc quyền điều động của bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 đã nhập trận để yểm trợ cho các đơn vị bộ chiến. Sau vài ngày, do áp lực nặng của lực lượng CSBV, Bộ Tổng Tham mưu QL.VNCH đã chỉ thị Bộ Tư lệnh Không quân điều động thêm 1 phi đoàn từ Quân khu 3 tăng cường cho Quân đoàn 1. Nhận được yêu cầu không yểm, trung tướng Trần Văn Minh, Tư lệnh Không quân, đã trực tiếp chỉ định Phi đoàn 518 Khu trục thuộc Sư đoàn 3 Không quân khẩn cấp tiếp ứng kịp thời cho các đơn vị bạn.

    Ngay sau khi có lệnh của trung tướng Trần Văn Minh, Phi đoàn khu trục 518 dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Lê Quốc Hùng, phi đoàn trưởng, đã rời phi trường Biên Hòa trực chỉ miền Trung. Chỉ hơn 1 giờ sau, phi đoàn đã có mặt tại Đà Nẵng và sẵn sàng thực hiện những phi vụ yểm trợ hoặc oanh kích CQ tại mặt trận giới tuyến. Sáng ngày đầu tiên 2/4/1972, do thời tiết xấu, phi đoàn đã không thực hiện được phi vụ nào cả, nhưng chiều cùng ngày, mặc dù thời tiết chỉ có 1,500 bộ (thời tiết tối thiểu cho an ninh phi trình của Không quân VNCH), thiếu tá phi đoàn trưởng đã cho một toán phi tuần do đại úy Trần Thế Vinh chỉ huy cất vào lúc 15 giờ 30. Với sự hướng dẫn của phi cơ quan sát, phi tuần của đại úy Vinh đã tiêu diệt 4 chiến xa CQ bên kia cầu Đông Hà. Kết quả trong hai ngày đầu tại chiến trường giới tuyến, phi đoàn 518 đã thực hiện 12 phi tuần và tiêu diệt 14 chiến xa của CQ.

    Theo lời kể của thiếu tá Lê Quốc Hùng, phi đoàn trưởng, diễn tiến một số trận săn đuổi và bắn hạ chiến xa CQ được một phóng viên chiến trường của tuần báo Diều Hâu, (báo do một nhóm phóng viên Quân đội chủ biên), ghi lại như sau: Ba ngày đầu tiên khi mặt trận bùng nổ, quân CSBV tràn đến gần bờ sông Đông Hà. Theo tin quân báo, có lẽ vì thời tiết xấu, Không quân Việt Nam không thực hiện được các phi vụ, nên khoảng 30 chiến xa của địch nằm ngổn ngang trên Quốc lộ 1. Thiếu tá Hùng ra lệnh cho các phi tuần của đại úy Vinh và đại úy Xê cất cánh vào mục tiêu để tìm địch. Đại úy Vinh đã liều lĩnh cho phi cơ bay thấp 800 bộ tấn công chiến xa địch, sau đó bắn vào quân CSBV hộ tống, trong phi vụ này, các phi công đã hạ được 4 chiến xa.

    Cũng theo lời của thiếu tá Hùng, sáng ngày 3 tháng 4/1972, sau khi đón trung tướng Trần Văn Minh, Tư lệnh Không quân, từ Sài Gòn ra Đà Nẵng để thị sát hoạt động không yểm, Phi đoàn 518 đã cất cánh tìm địch. Khi thấy hai chiến xa án ngữ ở cùng với đám tàn quân CSBV khoảng 100 tên, thiếu tá Hùng ra lệnh cho khu trục cơ Phi Long 2 tấn công bằng bom và đại bác. Trong khi đó, phi cơ của thiếu tá Hùng chúc xuống nhả đạn, thì không hiểu vì trở ngại kỹ thuật gì mà đạn bác không nổ. Ông kéo phi cơ lên 1,500 bộ và nghe thấy một tiếng nổ lớn trong phi cơ. Sau đó, dầu khói mịt mù ở phòng lái. Thiếu tá Hùng biết mình bị đạn vì ông đã từng bị đạn phòng không địch. Ông định kéo ghế tự động nhảy dù ra ngoài, nhưng tôi nghĩ, nếu nhảy ra lúc này là chết ngay, vì đạn địch ở dưới bắn lên dữ dội, và lúc đó phi cơ của ông đang ở trong vùng đất địch. Thiếu tá Hùng cố gắng bay thêm 6.5 km, trong thời gian này đã ba lần ông định thoát ra ngoài, nhưng nhờ có người bạn bên phi cơ trinh sát khuyến khích bay thêm ít cây số nữa cho tới vùng đất bạn, nên ông cố gắng lết. Cuối cùng ông bay đến bờ Nam sông Đông Hà, vài đã nhảy dù ra, đáp xuống đất cách sông 250 mét về phía bên đất quân bạn. Khi oanh kích chiến xa CSBV, phi đoàn thường đánh từ Bắc vào Nam vì biết trước hỏa lực phòng không của địch rất nặng, nếu không may phi công bị nạn thì cũng dễ thoát hiểm hơn. Điển hình là trường hợp thoát hiểm của thiếu tá Hùng.

    * Phi tuần của một anh hùng Không quân
    Cũng theo báo Diều Hâu, sáng ngày 9 tháng 4/1972, khi đang ghi lại chiến tích của phi đoàn 518 tại mặt trận giới tuyến, thì một hung tin làm sửng sốt mọi người: anh hùng Không quân Trần Thế Vinh đã gãy cánh, sau chiến tích cuối cùng bắn hạ chiến xa thứ 21 của địch. Dưới đây là những chi tiết do đại úy Định cùng bay một phi tuần với đại úy Vinh kể lại với phóng viên báo Diều Hâu: 8 giờ sáng 9/4/1972, 2 chiếc AD 6 do đại úy Vinh chỉ huy được lệnh đi đánh chiến xa địch tại giới tuyến. Thời tiết rất xấu, từ Đà Nẵng ra Quảng Trị phi cơ phải bay sát mặt đất, có khi chỉ cách lối 50 thước, 2 phi cơ nhiều lần được cho biết có 3 chiến xa địch dàn trận, với rất nhiều súng phòng không chĩa lên. Đại úy Vinh quyết định dùng chiến thuật núp từ trên mây đánh xuống. Lúc đó, cả hai chiếc AD 6 ở trên cao độ 1,300 bộ, và đánh chiến xa Bắc Việt theo hướng Tây Bắc, Đông Nam. 10 giờ 15 phút, khi phi cơ quan sát cho biết đại úy Vinh vừa bắn cháy thêm 1 chiến xa địch, cũng là lúc đại úy Định nghe tiếng đại úy Vinh hét lên trong ống nghe: Đạn phòng không bắn dữ quá. Có lẽ nguy mất. Cùng lúc chiếc AD-6 lao xuống và không lên nữa. Phi cơ quan sát báo cho thấy Vinh đã nhảy dù ra ngoài. Đại úy Định quần nhiều vòng chỗ phi cơ Vinh đâm xuống, nhưng không thấy bóng chiếc dù và dấu vết gì cả.

    * Những phi tuần chiến thuật của Không quân Việt-Mỹ
    Theo ghi nhận của trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn 1, trong suốt thời gian Cộng quân tiến hành cuộc tấn công trên toàn Quân khu 1, các sự yểm trợ của Không quân và Hải quân VNCH đã bị giới hạn mặc dù các đơn vị của hai quân chủng này đã sử dụng tối đa khả năng trang bị với tất cả nỗ lực và tình đồng đội để yểm trợ cho các đơn vị bộ chiến. Do đó, khi các cuộc giao tranh bùng nổ với một cường độ và cấp độ rộng lớn, các đơn vị VNCH phải trông cậy một phần lớn vào sự sự yểm trợ thường xuyên của lực lượng Không quân và Hải quân Hoa Kỳ. Trong bài viết cho Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ (được phổ biến trong cuốn The Easter Offensive of 1972 và cuốn Trận Chiến Mùa Hè 1972 do ông Trần Phan Anh chủ biên) vị tư lệnh Quân đoàn 1 đã ghi nhận như sau.

    Từ trước tháng 4/1972, các phi vụ của Không lực Hoa Kỳ đã hoạt động rất thấp, hơn 10 phi xuất chiến thuật trong một ngày được coi là bận rộn. Tuy nhiên, khi cuộc tổng tấn công của CQ khởi động, Không lực Hoa Kỳ đã gia tăng số phi vụ chiến thuật. Cùng lúc khoảng 300 phi xuất được thực hiện trong một ngày. Mặc dù thời tiết liên tục xấu trong tháng 4, các phi vụ không trợ ngay từ lúc đầu đã làm chậm lại mức tiến quân của CQ và phụ lực yểm trở các đơn vị VNCH chận đứng các cuộc tấn công cường tập của CSBV. Các phi vụ không tập B 52 cũng gia tăng đáng kể trong thời gian này, trung bình khoảng 30 phi vụ trong cùng một ngày, những cuộc không tập này đã gây thiệt hại và phá hủy các hoạt động yểm trợ của CQ, trong vài trường hợp, Không quân chiến thuật cũng được sử dụng để yểm trợ cận phòng cho các lực lượng bộ chiến VNCH.

    Tại Quân khu 1, trong kế hoạch yểm trợ của Không quân Hoa Kỳ cho các đơn vị VNCH, các lực lượng của Quân đoàn cũng đã nhận được nhiều sự trợ lực từ Liên đoàn 11 Không kỵ Bộ chiến Hoa Kỳ, những hoạt động không yểm của liên đoàn này đã được phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Bộ binh. Các phi đoàn của liên đoàn này đã yểm trợ rất hữu hiệu các cuộc hành quân trực thăng vận, tiếp vận và trực thăng không kích.

    Trong những ngày đầu tiên khi Cộng quân tấn công vào Quảng Trị, các phi vụ yểm trợ hỏa lực của Không quân chiến thuật Hoa Kỳ không những bị trở ngại thời tiết, mà còn gặp trở ngại trong yểm trợ do phản ứng rối loạn của vài đơn vị bộ chiến VNCH, sự rối loạn đội hình đã tạo khó khăn cho các phi cơ chiến thuật ghi nhận chính xác vị trí quân bạn. Có vài trường hợp chỉ vì mạng sống của một vài phi công Hoa Kỳ bị bắn rớt và thất lạc trong vùng giao tranh, vài vùng “không được oanh kích” rộng lớn đã được Không quân Hoa Kỳ thiết lập vội vã, việc này đã tạo ra sai lầm là cắt giảm các hỏa lực không yểm cần thiết cho các đơn vị bộ chiến, do đó các đơn vị trú phòng VNCH phải trông cậy vào các cuộc Không yểm của Không quân VNCH, nhất là Phi đoàn 518 thuộc Sư đoàn 3 Không quân được tăng phái từ Biên Hòa tới.

    Sau khi thời tiết dần dần tốt trở lại, và sau khi các phòng tuyến các đơn vị bộ chiến đã được củng cố, những cuộc không tập bắt đầu gia tăng và càng hữu hiệu hơn trong các trận đánh vào các khu vực Cộng quân tập trung bộ binh, chiến xa, đại pháo và tiếp liệu. Trong tháng 5/1972, các thủ tục phối hợp để sử dụng không trợ đã được cải tổ sâu rộng, sau ngày bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 di chuyển Trung tâm Điều hành Không trợ Quân đoàn 1 từ Đà Nẵng đến Huế, được đặt chung và hoạt động kết hợp với Trung tâm Phối hợp Hỏa lực. Sự điều động này đã giúp sự phối hợp thêm hữu hiệu và tiết kiệm nhiều thời giờ. Để bổ túc, nhiều toán liên lạc không trợ cũng được tăng cường và hoạt động song song với các bộ chỉ huy Sư đoàn. Các sự cải tổ và sắp xếp lại hệ thống điều hợp và kiểm soát, đã giúp cho Quân đoàn 1 dần dần phục hồi công tác chiến thuật, phát triển khả năng sử dụng không trợ với hơn 6 ngàn phi xuất trong 1 tháng. Các vị trí pháo binh và địa điểm đóng quân của CQ, đặc biệt là nhiều dàn đại pháo 130 ly, đã bị thiệt hại nặng nề, phần lớn kết quả các trận hỏa tập của Không quân nhờ vào sử dụng bom Quang tuyến điều khiển (Laser-guided Bombing) và kỹ thuật sử dụng hệ thống Radar Điều khiển Không tập-từ sự phân tích các không ảnh.

    Nguồn:vietbao.com/a37189/khong-quan-chien-thuat-vn-my-tai-gioi-tuyen-1972


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X