Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Dự Lễ Phật Đản - Nguyễn Thừa Bình

Collapse
X

Dự Lễ Phật Đản - Nguyễn Thừa Bình

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Dự Lễ Phật Đản - Nguyễn Thừa Bình

    Khoảng 6 giờ chiều hôm qua, ngày người Tây kiêng cữ “thứ Sáu 13”, vợ chồng tôi tham dự lễ ra trường Master of Science của thằng con trai út ở UMKC. Chiều hôm nay thứ Bảy, tôi ngồi trước computer, xem lại mấy tấm hình chụp vội, cũng như coi lại các video clip quây lụp chụp lễ tốt nghiệp đó, bỗng nghe tiếng bà vợ nhắc: “Anh không sửa soạn đến chùa Quan-âm dự lễ Phật đản sao”? May, không thì tôi cũng dám quên lắm! Chùa Quan-âm Kansas City, đỡ một cái là nhà tôi ở kế bên, đi bộ chừng năm phút là tới, nói gì đi xe với đi cộ.


    Trái qua: Sư cô Hoa-Ðạo, thầy Huệ-Tụ, thầy Phước-Châu, thầy Hải-Ðàm, và sư cô Chúc-Thường

    Tuổi già, nghĩ thiệt là dở, nhớ đó quên đó; mới đọc “Thư Mời THAM DỰ ÐẠI LỄ PHẬT ÐẢN” của chùa Quan-âm Kansas City sáng nay chớ có lâu đâu. Vội vàng, vợ chồng tôi tới cũng còn sớm chán. Bà con Phật tử cũng không đông lắm, nhìn tới nhìn lui không thấy ai xa lạ. Quý thầy Phước-Châu, Huệ-Tụ, Hải-Ðàm và quý sư cô Hoa-Ðạo, Chúc-Thường đang ngồi chuyện trò bên trong chờ cung thỉnh hành lễ. Ngoài trời, gió hiu hiu lạnh cái lạnh mùa Ðông rơi rớt. Ðường phố đã lên đèn tỏa sáng màu xanh xao, vàng vọt.
    Gia đình tôi đến Kansas City nầy, tính ra cũng gần 25 năm. Gần hai mươi lăm năm, một góc tư đời người biết bao là kỷ niệm! Kỷ niệm “đến đây non nước lạ lùng, chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng lo” không nói làm chi. Kỷ niệm cả gia đình, hai vợ chồng và năm đứa con dắt nhau đi chùa của người Việt-nam ở Mỹ lần đầu tiên. Chùa Phổ-hiền, ngôi chùa duy nhất ở đây nhỏ nhoi, côi cút, lạnh lẻo nằm cuối dốc con đường White Ave đìu hiu, tuyết phủ, trơn trợt vào mùa Ðông Nhâm thân, năm 1992.


    Mặt tiền chùa Từ-bi

    Thầy trụ trì, một cựu sĩ quan nghe nói là Thiếu-tá Thủy-quân Lục-chiến của Quân-lực Việt-nam Cộng-hòa, Thượng-toạ Thích Chơn Tịnh, người Bắc, lịch lãm, ít lời, người đã một thời oanh liệt ngoài chiến trường “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Chùa xây lại cũng không to lớn gì từ mảnh đất của một căn nhà nhỏ ọp ẹp, cũ kỷ, nghèo nàn, bỏ hoang của môt cư dân ở đây bán lại với giá chỉ hơn một ngàn đô la. Nhìn quanh nhìn quất chừng hai chục người, chẳng thấy ai quen. Không sao. “Ðồng thị thiên nhai luân lạc nhân. Tương phùng hà tất tằng tương thức…”, chỉ là “trước lạ, sau quen” mà thôi.

    Ngày xưa còn nhỏ, thuở những năm cuối thập niên 40 đầu thập 50, hình ảnh ngôi chùa vắng vẻ Pháp-diên quê tôi, lời kinh tiếng kệ khàn khàn của thầy trụ trì già, tiếng trống “công phu” hai buổi sớm chiều, hai cây bông sứ già cỗi sần sù chắc cũng gần một đời người quanh năm trổ bông vàng bông đỏ ngoài cổng, tất cả như ôm ấp tôi lớn lên từng ngày từng giờ nước non chinh chiến thời buổi bấy giờ hằn sâu hun hút vào cõi lòng non trẻ Phật tử của tôi một cách thiất tha đậm đà biết chừng nào! Rồi đi tù “học tập cải tạo” trong Nam, ngoài Bắc của cái gọi là Việt-nam Dân-chủ Cộng-hòa, Cộng-hòa Xã-hội Chủ-nghĩa Việt-nam “duy vật biện chứng”, chùa là hợp-tác xã, là nhà kho, là chuồng trâu bò, là chuồng heo, trại gà vịt… Con Phật, ai không đau nỗi đau mạt Pháp!? Tôi, đời “tù khổ sai biệt xứ” nay Yên-bái, Lào-cai; mai Vĩnh-phú, Thanh-hóa…trong Nam ra Bắc; ngoài Bắc vào Nam đau nỗi đau mất nước, nhìn trời mà than: “Trượng phu không hay xé gan, bẻ cột phù cương thường, hà tất tiêu dao bốn bể, luân lạc tha phương? Trời Nam nghìn dặm thẩm, mây nước một màu sương! Học không thành, danh chẳng lập, tuổi trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thể bóng tà dương”! Nhớ nhà, nhớ đạo, nhớ đời, lại đọc mấy câu thơ của Nguyễn Bính: “Quê tôi có gió bốn mùa. Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm. Sương hôm gió sớm trăng rằm. Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi. Mai nầy tôi bỏ quê tôi. Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi bỏ chùa!”. “Chao ôi bỏ chùa” nghe sao mà chết cả cõi lòng, nát cả tấc dạ! Lại nhớ bài thơ Nhớ Chùa của thầy Mẫn-Giác dạy triết ở Ðại-học Vạn-hạnh dưới triền đường Trương Minh Giảng, Sài-gòn thuở nào “Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng! Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung. Mái chùa che chở hồn dân tộc. Nếp sống muôn đời của tổ tông”. Bây giờ, sau gần hai mươi lăm năm tôi ở đây, Kansas City của Missouri đâu còn lẻ loi một ngôi chùa nghèo nàn, đơn sơ, quạnh quẽ Phổ-hiền hồi nào nữa, mà đã có chùa Phổ-hiền mới, mua từ ngôi nhà thờ Tin-lành tiền tính trên bạc triệu nằm trên đường NE Trafficway. Chùa nầy bây giờ là chùa lớn nhất ở đây, bề thế nhất ở đây, và Phật-tử cũng đông nhất ở đây, hiện do Thượng-tọa Thích Phước Châu trụ trì. Thêm chùa Từ-bi là cơ sở mua lại từ chùa Phổ-hiền cũ, được trùng tu, tân trang thêm cổng tam quan, chánh điện, có vẻ một chút là chùa Phật giáo, do sư cô Thích Nữ Hoa-Ðạo trụ trì. Lại thêm chùa Pháp-hoa từ một căn nhà nhỏ, cũ, bỏ hoang ở ngay ngã ba đường số 10 và Bales được sửa sang lại bên trong, sơn phết lại bên ngoài toàn một màu vàng, nhưng vẫn là hình hài một cái nhà người ta ở hơn là một mái chùa, sư cô Thích Nữ Chúc-Thường trụ trì . Thêm Thiền-viện Từ-quang mua và sửa sang lại từ một ngôi nhà cũng không người ở từ lâu, nằm trên một khu đất hoang dã vùng ven, Ðại-đức Thích Huệ-Tụ trụ trì. Và chùa Quan-âm Kansas City nầy đây đang tiến trình hoàn tất chánh điện chiều nay vợ chồng tôi tới dự đại lễ Phật đản. Chùa nằm ngay trong lòng thành phố, nếu hoàn thành chắc chắn là một ngôi chùa Phật giáo đúng như một ngôi chùa Phật giáo Việt-nam đầu tiên tại thành phố nầy cũng như một trong những ngôi chùa Phật giáo đầu tiên trên nước Mỹ được xây dựng mới mẻ, không phải mua lại từ những căn nhà “uế tạp” người ta bỏ hoang từ lâu muốn bán tống đi, hay của nhà thờ Tin-lành phá sản người ta thờ Chúa, bây giờ mua lại thờ Phật. Người ta thường đem “luật bù trừ” ra an ủi nhau nghe, nào trong nỗi buồn có niềm vui, trong cái mất có cái được…Nếu đem áp dụng vào sự phát triển chùa chiền ở Kansas City, tôi nghĩ không sai chút nào. Sự bất đồng gay gắt giữa quý Phật tử chùa Phổ-hiền cũ đến nỗi thầy, trò cùng nhau phải ra hầu tòa, nhưng cuối cùng cũng được giải hòa. Ða số về ngôi nhà thờ Tin-lành vừa mới “tạo mãi” làm ra chùa mới, nhưng vẫn mang tên cũ chùa Phổ-hiền. Một số ít tìm một nơi khác lập ra ngôi chùa mới là chùa Quan-âm Kansas City nằm trên ngã tư đường Park Ave và Lexington Ave nầy đây. Từ sự phân hóa đó, ngôi chùa Phổ-hiền cũ được bán đi và mua lại, chúng ta có thêm chùa Từ-bi.


    Chùa Phổ-hiền

    Kansas City thường được hiểu là “Kansas City metropolitan area” gồm có Overland Park, Kansas City của Kansas, và Kansas City, Independence của Missouri. Theo thống kê địa phương năm 2000 đến 2014, cư dân ở đây có trên 2 triệu người, đa phần là người da trắng chiếm gần 80% dân số, trên 1 triệu 600 ngàn người; người da đen chỉ 12.54%, khoảng 250 ngàn nguời; người Nam Mỹ, nói chung là người Hispanic có 8.48%, được chừng 170 ngàn người. Chúng ta người Việt-nam theo tài liệu, chỉ có 6,567 người, ít hơn người Tàu 9,287, và nhiều hơn Phi-luật-tân 4,778 người, và Ðại-hàn 4,427 người. Tuy vậy, người Việt ở đây, người ta tin con số 6,567 người thì đã cũ, không chính xác. Họ nghĩ, ít nhất đến nay phải có trên 10 ngàn người Việt đã sinh sống ở đây từ sau ngày Việt-cộng “ cướp cạn” miền Nam Việt-nam gọi là “giải phóng”. Người Việt ở bên phía tiểu bang Missouri nhiều hơn bên phía tiểu bang Kansas, cho nên không lạ gì tất cả các chùa đều nằm bên Kansas City của Missouri. Năm 2013 vợ chồng tôi về Việt-nam lần đầu sau 21 năm chân trời góc biển viễn xứ, tôi thấy một đìều lạ là chùa mọc lên nhiều quá, nguy nga quá, và Phật tử sùng đạo thì cũng đông đáng kinh ngạc. Ngay chùa Pháp-diên quê tôi ngày đó đơn sơ, nghèo nàn, đìu hiu đến chừng nào, bây giờ có từng lầu cao to, màu mè sáng lạn, thiện nam tín nữ tới lui dập dìu, ngay cả tên chùa Pháp-diên cũng nửa còn nửa mất … Cho nên, tôi cũng không lấy gì làm lạ, ở đây thành phố Kansas nầy nếu không có những điều kiện bất lợi, chắc còn thêm chùa của thầy Hải-Thắng, và chùa của thầy Nguyên-Lễ nữa để một mai thành “thất cổ tự” không chừng. Với dân số nghĩ ra Phật tử chắc không đông, tôi được vài người không ai xa lạ là những anh em bạn của mình, tạm cho là những người có một chút chữ nghĩa theo đạo Thiên-chúa ở đây, thắc mắc: “Chùa nhiều quá” hơi có vẻ không thiện cảm, thiếu tri thức và trí thức. Sự hiểu biết qua lại một cách hổ tương của những người theo đạo Phật với những người theo đạo Thiên-chúa như thế chắc chắn còn quá nhiều dị biệt. Dị biệt và cố chấp khó gột cho sạch vẫn là những người lớn tuổi, mang đầu óc hủ lậu bên Việt-nam qua, chứ không phải lớp trẻ ở đây bây giờ. Một bà làm cùng chỗ với tôi theo đạo Thiên-chúa ngăn cản mãi đứa con gái không cho lấy chồng theo đạo Phật, nhiều lần nói với tôi: “Quốc-gia, Cộng-sản sao lấy được ”. Cuối cùng đứa con gái đó “lỡ thì” cũng phải lấy thằng chồng “lỡ vợ” theo đạo Phật nòi. Không biết thằng đó là “Quốc-gia hay Cộng-sản”, mà nó không chịu để cho “cha” làm lễ cưới nhà thờ. Một ông bà Thiên-chúa gốc dân Ba-làng Thanh-hóa sống Phan-thiết quê tôi có đứa con gái út thương thằng bồ có gia phả mấy chục đời theo đạo Phật năm, bảy năm trời không cho lấy nhau. Rồi ổng bả già trên 80 sắp chết đến nơi mới chịu cho làm đám cưới, và tụi nó “đạo ai nấy giữ” có chết thằng Tây nào đâu. Kế bên nhà tôi đây, ông Thiên-chúa giáo gốc Hố-nai Biên-hòa bắt thằng cháu ngoại mới đẻ đi “rửa tội”; ông nội nó “Nam-kỳ quốc” theo đạo Phật không cho, nói: “mới lọt lòng mẹ, tội với tình gì mà rửa với ráy”. Hai ông bà sui gia chuẩn bị đánh lộn với nhau, và còn một chút nữa xách súng ra bắn “cho chết mẹ mầy đi”. Ðến bây giờ mà còn như vậy, huống gì cách đây đã gần một thế kỷ, ông Rudyard Kipling, một nhà văn Anh đã nói có sai đâu “Oh, East is East, and West is West, and never the twain shall meet”. “Ðông là Ðông, Tây là Tây, Ðông và Tây không bao giờ gặp nhau” là thế. Ðạo Thiên-chúa từ trời Tây, và đạo Phật từ trời Ðông cứ xung khắc nhau chắc còn dài dài…Tôi nghĩ, đối với người theo đạo Phật, không phải đạo Thiên-chúa, nhất định không phải là đạo Thiên-chúa, điều quan trọng không phải nhiều hay ít chùa, chùa lớn hay chùa nhỏ, chùa giàu hay chùa nghèo, mà điều quan trọng là lập chùa ra có giữ chùa được tồn tại theo thời gian hay không, có giữ chùa theo giềng mối chánh đạo, chánh pháp được hay không; chứ không ai đặt câu hỏi như thể “xuy mao cầu tì” bới lông tìm vết là “chùa nhiều quá” hay “ Phật tử tìm đâu mà ra”. Chùa nhiều vẫn hơn chùa ít, để Phật tử tùy duyên mà đến, hết duyên mà đi tìm đạo, theo đạo, học đạo trong mê lộ “thế giới ta bà” ô trược nầy. Không giống, nhất định không giống một chút nào “xóm đạo” bên Thiên-chúa giáo chỉ có một “giáo đường”, tất cả con chiên không có con đường chọn lựa!


    Lễ Phật đản 2640 tại chùa Quan-âm

    Thầy trụ trì chùa Quan-âm, Ðại-đức Thích Hải Ðàm lúc nào cũng vui vẻ, nhún nhường, khiêm cung, và đặc biệt tính tình ôn hòa, nồng ấm đón chào Phật-tử “quan lâm” đến chùa dự lễ Phật đản 2640, cũng là Phật-lịch 2560 ngày 14 tháng 5 năm 2016. Ðúng 8 giờ tối, Phật tử cung thỉnh quý thầy, quý sư cô ra trước bàn thờ Phật được thiết lập ngoài trời. Một cháu gái, con dâu của một người bạn kỷ sư Nông-Lâm-Súc cùng khóa trường Bộ-binh Thủ-đức của tôi làm người điều hợp chương trình. Cháu điều khiển chương trình tương đối trôi chảy, mạch lạc, có điều giọng Bắc của cháu là giọng Bắc sau 1975 tôi nghe hơi nặng, hơi sắc, hơi lạ hơn giọng Bắc 1954 nghe quen dễ nghe hơn, dễ chịu hơn. Hôm nay trời trở lạnh bất thường có phải vậy không, cháu ăn nói giọng không được mạnh dạn cho lắm, không được linh hoạt cho lắm, hơi run? Ðiều tôi muốn ghi nhận ở đây là điều tôi được nghe cháu nói “nghiêm chỉnh chào quốc kỳ ”, “một phút mặc niệm những chiến sĩ Quốc-gia đã bỏ mình vì tổ quốc…”, “một nước Việt-nam bây giờ không có nhân quyền, dân quyền…” Bài Quốc-ca trổi dậy, mở đầu chuơng trình: “ Này công dân ơi! Quốc-gia đến ngày giải phóng, đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống…” vang vang trong đêm nghe mà “đau lòng con Quốc-quốc” thương nước, nhớ nòi . Tôi hết sức bồi hồi, mường tượng như mình đang đứng “chào cờ” thuở nào năm xưa, và cũng làm tôi thêm phần quyến luyến chùa Quan-âm hơn chùa nào hết ở đây. Trong thành phố nầy, tôi thấy chỉ có chùa Phổ-hiền, chùa Quan-âm là có treo Quốc-kỳ và hát Quốc-ca Việt-nam Cộng-hòa. Các chùa còn lại, tôi chưa được thấy Quốc-kỳ chứ nói gì hát Quốc-ca Việt-nam Cộng-hòa. Tôi tự hỏi, tổ quốc của những người trong các chùa đó, nhất là các Thầy, các Sư cô trụ trì các chùa đó là đâu nhỉ, không lẽ Cộng-hòa Xã-hội Chủ-nghĩa Việt-nam, hay Lào, Cambodge, Tàu cộng? Thầy Phước-Châu được thỉnh giảng về ý nghĩa ngày Phật đản chừng 15 phút, bên dưới toàn thể Phật tử hiện diện im lặng lắng nghe. Trời, gió cứ gió, lạnh cứ lạnh. Thầy trụ trì, Ðại-đức Thích Hải Ðàm hết sức cung kính cúi mình ngưỡng lòng cám ơn sự quan lâm của quý thầy, quý sư cô, và sự hiện diện của hàng Phật tử. Theo lệ, “lễ mộc-dục” thông thường được hiểu là “lễ tắm Phật” nhân ngày Phật đản được diễn ra hết sức nghiêm trang. Một hàng dài Phật tử tiến lên, lần lượt “tắm Phật”. Niềm hân hoan hiện trên từng nét mặt, tôi cảm nhận một điều, hình như họ đang vui niềm vui đã tẩy sạch một năm ô trược cuộc đời, vui niềm vui hướng tâm về chánh Pháp. Lễ mộc-dục, phỏng theo kinh sách để lại, tuy có khác nhau, nhưng tựu chung là khi đức Phật Thích-Ca vừa mới ra đời thì trên không trung đã có 2 dòng nước mát và ấm xối tắm, bầu trời trong xanh, hương thơm ngào ngạt, chim muông vui mừng…


    Thầy Nguyên-Hạnh nhân ngày “lễ đặt viên đá đầu tiên”

    Gần 9 giờ tối, vợ chồng tôi phải về coi hai đứa cháu ngoại chưa tới 4 tuổi và gần 2 tuổi để ba má các cháu đi làm “ca đêm”. Cũng lý do chăm sóc hai đứa cháu ngoại còn nhỏ nầy những ngày cuối tuần, vợ chồng tôi hết sức bị giới hạn đến chùa, nói gì giúp chùa. Người Phật tử có thể bỏ Thượng-tọa, Ðại-đức; bỏ sư Bà, sư Cô với lý do nào đó, chứ không ai bỏ chùa với lý do nào đó bao giờ. Tôi lại nhớ mấy câu thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương “Ðạo Phật ta đời đời sáng lạn. Dầu trải qua mấy phân ly tán. Bị áp bức, phao vu, bội phản. Nhưng vẫn còn núi còn sông. Còn chót vót mãi ngôi chùa”. Trên xe chạy đến nhà đứa con gái thời gian tròm trèm 20 phút, vợ chồng tôi lại nói về ngôi chùa Quan-âm, một ngôi chùa được tân tạo từ tấm lòng những con người làm việc quên mình vì đạo, cho đời. Vì đạo, nên hy sinh không nại gian khổ, không ngại tốn kém tiền bạc, ngay cả chính mình bị lời thị phi. Cho đời, bởi lập chùa Quan-âm nầy ra tương lai sẽ là một ngôi chùa vừa đẹp, vừa lớn và có kiến trúc y hệt một ngôi chùa truyền thống của người Việt-nam cho người Việt-nam ở trên đất Mỹ, chưa ai có một lần nhỏ to đánh trống khua chiêng cao ngạo. Chùa Phổ-hiền, tính từ khi có sự tranh chấp quyết liệt phải ra tòa giữa những người muốn bỏ chùa với những người muốn giữ chùa năm 2005 đến nay cũng đã 11 năm trời. Những người muốn bỏ chùa đã mua ngôi nhà thờ Tin-lành bán lại để lập ra ngôi chùa Phổ-hiền mới khang trang hơn, rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn dù đang “đáo tụng đình”. Những người muốn giữ chùa, đương khi vụ kiện tụng vẫn còn tranh chấp…, Thượng-tọa Thích Nguyên Hạnh, Viện-chủ Trung-tâm Phật-giáo Chùa Việt-nam ở Houston, Texas nhân đến làm “lễ đặt viên đá đầu tiên” xây dựng chùa Quan-âm ngày 17 tháng 6 năm 2007 khuyên “bỏ qua đi”, để chú tâm vào chùa mới trên mảnh đất mới mua 42 ngàn đô la từ tiền của gia đình hai đạo hữu Ngô Ðức Hùng và Nguyễn Thanh Thiện. Mảnh đất mà người chủ “kêu giá” 110 ngàn đô la, có tụt xuống cũng ở mức 108 ngàn đô la là “bớt rồi đó”.

    Phước duyên cho Ban Vận-động Xây-dựng Chùa Quan-âm chúng tôi, ông bạn Mai Thế Nghiêm khéo miệng khéo mồm làm sao mà con cháu mấy mươi đời “Uncle Sam” chịu bán cái giá “dưới đất” 42 ngàn đô la như nói ở trên, không phải cái giá “trên trời” 110 ngàn đô la “cắt cổ”. Có đất là một việc, có tiền là một việc, cư dân chung quanh “Ok” là một việc; việc “điên cái đầu” nhất vẫn là việc xin giấp phép thành phố cho cất chùa. Giấy phép cho cất chùa, khó khăn nầy chồng chất khó khăn kia “tạc phi, kim thị ” kéo dài cả 5 năm trời làm mất bình tĩnh, làm nản chí, làm đau lòng, làm mang tiếng chịu lời, làm những người trong Ban Vận-động Xây-dựng Chùa Quan-âm đôi khi tưởng bỏ cuộc. “Vouloir, c’est pouvoire”, những người trong Ban Vận-động Xây-dựng Chùa Quan-âm “muốn” tân tạo một ngôi chùa đúng nghĩa một ngôi chùa truyền thống Việt-nam trên đất Mỹ, nay đã “được” toại nguyện. Không ngờ câu nói của người Pháp ngày xưa những năm 1956, 1957 chúng tôi thường kháu nhau “muốn là được” lại hiện thực ở đây dữ! “Ðúng y chang” trường hợp của hai Phật tử Nguyễn Thanh Thiện và Quách Văn Ðậu. Hai ổng muốn làm cho được ngôi chùa Quan-âm thì ngôi chùa Quan-âm đang tiến trình hoàn thành. Vui thay! Thật là, “where there’s a will, there’s a way”, khi mà chúng ta có nguyện vọng làm điều gì, thì chúng ta cũng có cách làm để thành tựu. Ngày 15 tháng 5 năm 2010 nhằm ngày 2 tháng 4 năm Canh dần, chùa “động thổ” xây hậu liêu. Ðặc biệt ngày hôm đó mưa gió khắp nơi, nhưng may làm sao cho những người trong Ban Vận-động Xây-dựng Chùa Quan-âm, ở đây trời quang mây tạnh. Sau 1 năm 2 tháng 9 ngày, hậu liêu chùa Quan-âm đã được hoàn thành vào ngày 24 tháng 7 năm 2011 tức ngày 24 tháng 6 năm Tân mão. Cũng từ giấy phép của thành phố quá ư là rắc rối, cũng như phần tài chánh không được suông sẻ cho lắm, mà công trình xây dựng chùa Quan-âm cứ “ì ạch” đến ngày 5 tháng 5 năm 2015 năm ngoái, chánh điện mới được khởi công. Buổi lễ Phật đản 2640 hôm nay được tổ chức trên sàn nhà chánh điện đang làm dở dang đó. Chùa Quan-âm như thầy trụ-trì cũng như những người trách nhiệm việc xây dựng chùa cho biết “sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên-đán năm Ðinh dậu”. Hy vọng lắm thay!

    Dĩ nhiên, công sức cũng có của nhiều người, tiền bạc cũng có từ nhiều người, và không ít người cùng chịu chung tiếng bấc tiếng chì đàm tiếu của người nầy nói xa, kẻ kia nói gần, để chúng ta có ngôi chùa Quan-âm trong thành phố Kansas, tiểu bang Missouri. Nhưng xét cho cùng, tôi muốn nói đến hai người, mà không có hai người đó chắc chắn chúng ta không có chùa Quan-âm bây giờ nằm ở 216 park Ave, Kansas City, Missouri 64124. Ðó là hai đạo hữu trẻ đáng hàng con cháu với tôi, nhưng đã già có cháu nội cháu ngoại với đời là Nguyễn Thanh Thiện và Quách Văn Ðậu.


    Ông bà Nguyễn Thanh Thiện

    Trước hết về Nguyễn Thanh Thiện, tôi còn nhớ năm 1993 là người đầu tiên trên đất nước Huê-kỳ nầy chở vợ chồng tôi từ chùa Phổ-hiền cũ về apartment trên đường Brownell Ave, con đường ngắn nhất trên hành tinh cõi người đang ở, dài chừng ba trăm thước. Ngày đó chắc Tịnh-đạt Nguyễn Thanh Thiện là Hội trưởng chùa Phổ-hiền, dù còn rất trẻ? Nói về sinh hoạt đạo Phật ở địa phương nầy, ai lại không biết Nguyễn Thanh Thiện? Biết nhiều nhất, chắc chắn là từ khi nổ ra vụ kiện tụng kẻ ra đi muốn bán chùa để mua nhà thờ Tin-lành, người ở lại muốn giữ chùa để tiếp tục tu hành như đã nói ở trên. Sau đó, Phật tử Nguyễn Thanh Thiện với một số anh chị em nữa đã lập ra Ban Vận-động Xây-dựng Chùa Quan-âm với tâm nguyện cho đến khi nào ngôi chùa được hoàn mỹ. Trong thời gian dài trên 10 năm, nỗi đắng cay như mưa sa bão táp Tịnh-đạt Nguyễn Thanh Thiện thường khi cam chịu một mình, ngay cả vợ cũng không thổ lộ. Nhưng dẫu gì đi nữa, nếu Nguyễn Thanh Thiện không có một “hiền thê” đảm đang Nguyễn Thị Lài, Pháp danh Diệu-hạnh nổi tiếng ở đây là một Phật tử thuần thành, nhu mì, dịu hiền, dễ mến, chịu khó chịu khổ, chưa thấy giận ai bao giờ, chưa thấy ai giận bao giờ… thì khó mà xây được chùa Quan-âm nầy. Ông bà ta nói đúng “Ðồng vợ đồng chồng tát biển Ðông cũng cạn” là thế. Cũng như, nếu chỉ một mình Nguyễn Thanh Thiện thì không cách nào kham nỗi, và có ai đồng cam cộng khổ mà chia ngọt sẻ bùi những lúc tưởng chừng phải buông tay?! May thay, Phật-tử Tịnh-đạt “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, việc quyết tâm xây cho được ngôi chùa Quan-âm đã có thêm một người bạn thiết thân từ nhiều năm trước ở chùa Phổ-hiền cũ là Quách Văn Ðậu cũng cùng một lòng, cũng cùng một ý, cũng cùng một tâm đạo như mình dang tay góp công sức, góp lời ăn tiếng nói, góp tài chánh...


    Ông bà Quách Văn Ðậu

    Quách Văn Ðậu, một Phật tử trung kiên tuổi đã hơn “lục thập nhi nhĩ thuận” tôi biết từ ngày đầu ở chùa Phổ-hiền cũ, tính ra cũng cả 20 năm rồi. Anh ta, người Nam hểu hảo, ngay tính, thẳng thắng, bộc trực, vui vẻ, mau mắn, nói là làm và làm đến nơi đến chốn. Nhiều gần gụi với Ðậu, người ta mới thấy Quách Văn Ðậu đúng là người rất dễ chịu biết chừng nào. Vợ chồng tôi rất quý trọng Ðậu như quý trọng một người em út ăn nói ngang tàng mà đạo đức, lương thiện; giang hồ bạt mạng mà cao thượng, anh hùng. Trời đã không phụ lòng người ngay thẳng, chú Ðậu mới “tục huyền” với một người vợ được chừng mấy năm nay; một người vợ hiền hòa, duyên dáng, cùng là người Phật tử ngoan đạo, cùng là người đồng hương “con cá gô bỏ chong gổ kêu gột gột” với mình. Xin mến chúc chú thím “Loan-Phụng hòa minh” được “bách niên giai lão”. Ngày còn nhỏ chút xíu, tôi đã được cụ thân sinh, người giỏi Hán văn nhắc hoài “Cô thụ bất thành lâm”, và dẫn giải thêm “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao” để nhắc cho con cháu biết rằng, việc nào làm cũng cần có sự góp sức càng nhiều người thì kết quả càng mỹ mãn. Việc xây dựng chùa Quan-âm, nếu chỉ nói về ông bà Nguyễn Thanh Thiện, Quách Văn Ðậu, mà không nhắc tới Thầy Hải-Ðàm đương trụ trì là một sự vô tình, vô ý, thiếu sót đáng phàn nàn.


    Thầy Hải-Ðàm (ở giữa ) trong “lễ động thổ” xây Chánh điện

    Thầy Hải-Ðàm tức Ðại-đức Thích Hải Ðàm, gốc người Quảng-trị, tu từ thời tấm bé ở Huế trong một gia đình có nguồn gốc Phật giáo chân tu nhiều đời. Có phải thấm nhuần giáo lý đạo Phật có khi ngay từ trong bụng mẹ, Thầy đã có con người “vô ngã” nội tại cho mình và cho đời, nên lúc nào cũng thong dong tự tại; nụ cười luôn trên môi; nói năn từ tốn, nhã nhặn; đức tính khiêm cung, nhún nhường? Thầy được hàng Phật tử chùa Quan-âm rất lấy làm hãnh diện thỉnh nguyện về trụ trì như một phép duyên kỳ ngộ “trụ Pháp vương gia, trì Như-lai tạng”. Và cũng từ đó mấy năm nay, Thầy cùng hai Phật tử trung kiên cố cựu Nguyễn Thanh Thiện và Quách Văn Ðậu đang “Ba cây chụm lại thành hòn núi cao” chùa Quan-âm lịch sử tại thành phố nầy chúng ta sẽ thấy trong ngày Xuân tháng Tết năm tới?



    Tôi lại nhớ đến thuộc lòng một câu nói hết sức ý nghĩa và cố học đòi, không những tôi mà nhiều bạn bè tôi thời những năm 1961, 1962 của Tổng thống John F. Kennedy trong lễ đăng-quang ngày 20 tháng 1 năm 1961: “ Ask not what your country can do for you, ask what you can do for your country”. Phải rồi. Ai đời đòi hỏi Tổ-quốc mình phải làm gì cho mình, mà mình phải tự hỏi, mình đã làm gì cho cho Tổ-quốc mình mới đúng phải không? Ở đây, tôi không nói tới bổng lộc, ân huệ, những “ơn mưa mốc”…mà nói tới là nhói đau nỗi đau tự ái dân tộc về chỉ một hiện tượng ăn cắp mà thôi. Ăn cắp gì mà trong nước chưa đủ, chạy ra ngoài ăn cắp khắp năm châu. Ăn cắp từ cán bộ gộc đến thứ dân đủ hạng sang, hèn. Ai đời đã ăn cắp bị bắt một lần ở Thụy-điển năm 2001, rồi lại ăn cắp một lần bị bắt nữa ở Anh năm 2006 của cái con nhỏ Vũ Thị Kiều-Trinh, con ông Giám-đốc đài Truyền-hình Việt-nam Vũ Văn Hiến cứ vẫn giữ chức Trưởng phòng Văn-hóa, phụ trách chương trình Văn-hóa Dân-tộc trên đài Truyền-hình Trung-ương Hà-nội như thường!? Hóa ra, văn hóa dân tộc bây giờ của cái nước Cộng-hòa Xã-hôi Chủ-nghĩa Việt-nam là văn hóa ăn cắp? Nhục nhã cho chính mình, và thấy đồng bào mình bị khinh rẻ trên xứ người, Tổng Giám-mục Chánh-tòa Hà-nội Ngô Quang Kiệt đã phải thốt lên những lời chua cay rằng thì là cầm hộ chiếu Việt-nam là nỗi tủi hổ không xiết trong lòng. Thật ra mà nói, cũng từ cái “đạo đức Xã-hội Chủ-nghĩa” của cái gọi là đảng Cộng-sản Việt-nam mà truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt-nam bị hoen ố một cách “tang điền, thương hải”, đến nỗi “Quyết Ðông hải chi thủy bất túc dĩ trạc kỳ ô” thì đến bao giờ mới rửa cho sạch hết vết nhớp, vết nhơ!? Ðau biết chừng nào! Ngày xưa chúng tôi đã không “đem chuông đi đánh xứ người” được thì thôi, chứ không bao giờ trét lọ ngọe “đen như mõm chó chém cha cái sự đời” vào cái bản mặt ăn trộm, ăn cướp để bôi đen thanh sử của một “Dân-Tộc-Bốn-Ngàn-Năm-Văn-Hiến”. Xét cho cùng, chúng nó trước đây đâu có tôn giáo nào đâu để được răn dạy lương thiện, đạo đức? Ở tù ngoài Bắc từ giữa năm 1976 đến cuối năm 1982, tôi không thấy một nhà thờ, một mái chùa như đã nói ở trên. Tôn giáo của chúng là đảng Cộng-sản Việt-nam trui rèn những lừa đảo, điếm đàng, dối trá, trộm cướp...Lập cho thật nhiều hợp-tác xã đủ loại để bốc lột, cho thật nhiều công-an để đàn áp, cho thật nhiều đảng viên để tham nhũng…., không có một cơ sở tôn giáo như chùa chiền, tu viện, nhà thờ, thánh thất…thì “ăn cắp như rươi” là không tránh khỏi thì đúng quá rồi. Trên quan điểm đó, chùa Quan-âm với ước mơ của những anh em trong Ban Vận-động Xây-dựng chùa Quan-âm phải được lạc thành sớm chừng nào tốt chừng nấy, cho trước mắt là những bà con Phật tử lớn tuổi có nơi tới lui tu đạo, tìm sự thanh thản tâm hồn tuổi hạc nơi xứ lạ quê người hơn là “nhàn cư vi bất thiện”: và về lâu về dài là cho con cháu thế hệ sau chúng ta có nơi tìm về và sống theo truyền thống cội nguồn dân tộc cao đẹp, hơn là đua đòi theo cám dỗ văn minh xứ người “lợi bất cập hại” dễ hư thân, dễ danh bại thân liệt đã đành, mà hơi hám từ nửa vòng trái đất vẫn cứ nhục, vẫn cứ đau đất nước Việt-nam mình xa xôi bên kia Thái-bình dương vốn còn nghèo nàn, còn lạc hậu, còn khốn khổ…Cho nên tôi nghĩ, có chùa thờ Phật dạy đời, sống với nhau hiền lương hơn, với nhau hòa thuận hơn, với nhau thương yêu hơn, hơn là không có một ngôi chùa nào để đời buông thả vào vòng cám dỗ tục lụy. Chính như vậy mà tôi biết được, quý đạo hữu Nguyễn Thanh Thiện, Quách Văn Ðậu, Ngô Ðức Hùng, nhất là Nguyễn Thanh Thiện với vợ, cùng với Thầy Hải-Ðàm “xăng tay áo lên” xốc công, cố hoàn thành sớm ngôi chùa Quan-âm nầy không những là một biểu tượng cơ sở Phật giáo truyền thống Việt-nam ở đây trong tương lai gần; mà còn là một Trung-tâm Văn-hóa Việt-nam tại 2 thành phố Kansas cộng lại cùng các vùng lân cận của 2 tiểu bang Missouri, Kansas; và biết đâu, nơi đây sẽ là nơi mà khách từ đâu tới dù đạo Phật hay không đạo Phật cũng sẽ ghé thăm chiêm ngưỡng, vọng bái? Nói chuyện với nhiều anh em Phật tử quanh quẩn ở đây, chúng tôi cũng hợp ý với nhau là, có chùa hơn là không có chùa: có chùa nhiều hơn là có chùa ít. Việc giữ chùa theo chánh Pháp và giữ chùa được tồn tại với thời gian mới là vấn đề. Vừa lái xe, tôi lại nói thêm đủ to cho vợ tôi ngồi kế bên nghe ý kiến của mình như một ao ước được bộc bạch rằng, năm nay mình còn dự lễ Phật đản ngoài trời sương gió lạnh lẽo, chứ sang năm thì ở trong chánh điện chùa Quan-âm sáng trưng vừa ấm áp, vừa trang nghiêm, lại vừa rất đông thiện nam tín nữ xa gần hội tụ về. Xong câu nói, xe cũng vừa tới driveway nhà đứa con gái. Chuyện trò của chúng tôi cũng chấm dứt ngang đây để làm nhiệm vụ ông bà coi cháu, dù “nhọc nhằn mà vui” như lời nói của anh bạn Quận trưởng Kiến-đức, tỉnh Quảng-đức thời những năm 1972, 1973 chúng tôi, những quan chức tai to mặt lớn “thẩm quyền” địa phương tỉnh theo kế hoạch “ngủ ấp” của trung ương./.


    NGUYỄN THỪA BÌNH
    KC, MO 14/5/16


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X