Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Sài Gòn Chuyện Đời Của Phố - Phạm Công Luận

Collapse
X

Sài Gòn Chuyện Đời Của Phố - Phạm Công Luận

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Sài Gòn Chuyện Đời Của Phố - Phạm Công Luận

    Đừng để Sài Gòn thành "The Lost City"!
    09/03/2015
    Khắp nơi trên thế giới, khi nhận ra những thành phố xưa đẹp đang mất đi, người ta đã và đang cố gắng làm những điều gì đấy để có thể hồi tưởng và khôi phục lại.

    Những kiến trúc mới hiện đại nhưng thô kệch xóa đi không gian xưa đẹp khu trung tâm - Ảnh: P.T

    Sài Gòn cuối mùa mưa - vẫn những cơn mưa chiều nũng nịu, lúc dài lúc ngắn. Thế nhưng, mưa những ngày tháng Tám, tháng Chín năm nay có khác. Thấy mưa cứ thêm buồn bởi vì trung tâm Sài Gòn, giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi đang ngổn ngang những hàng rào, lô cốt “đại công trường” - có gì vui? Nhìn xem, hàng cây xanh tram tuổi trước cửa Nhà hát lớn: cưa trụi! Cái bùng binh - đài phun nước và hang liễu đã quen thuộc hơn 50 năm - bị bứng mất! Tòa nhà Thương xá Tax đóng cửa, hấp hối trước tin một tòa nhà 40 tầng nào đấy sẽ thế chỗ... Chỉ vài năm nữa, thậm chí vài tháng nữa thôi, những kiến trúc xưa đẹp, những cảnh quan tiêu biểu còn sót lại ở khu trung tâm thành phố sẽ tan biến đi đâu đấy. Cho dầu, cuộc sống bao giờ cũng phải phát triển nhưng cái giá cho sự thay đổi ký ức trăm năm của một thành phố nếu cứ phải như thế thì buồn lắm chứ, đau lắm chứ, ức lắm chứ!

    Chính trong những ngày mưa buồn như vậy, khi được Phạm Công Luận trao cho bản thảo tập Hai Sài Gòn - Chuyện đời của phố, tôi càng đọc càng thấy rưng rưng. Hóa ra, Luận đã và đang âm thầm góp nhặt những mảnh vỡ của một Sài Gòn lấp lánh đa dạng cho trước nhất - thế hệ 50 tuổi của chúng tôi. Cảm ơn Luận, từ hồi đọc tập Một và bây giờ tập Hai, tôi gọi anh là “ông già 6x, “ông Sơn Nam 6x” đang cho chúng tôi xem lại cuốn phim ký ức Sài Gòn từ thuở thơ ấu của mình. Có lẽ những bạn “ngũ thập” và các bậc cao niên hơn nữa, khi đọc những chuyện đời do Luận chắp bút, sẽ nhận ra nhiều kỷ niệm tưởng chừng đã mất, song hóa ra vẫn còn đâu đấy thanh thoát. Với tôi, Luận đưa tôi trở lại “vương quốc” chợ Bến Thành, giản dị mà kỳ diệu từ những hình phù điêu ở bốn cửa chợ, cho đến những phận người nổi trôi theo các sạp hàng. Từ chợ Bến Thành, anh dẫn chúng ta đến Lăng Ông, Bà Chiểu, từ con phố Lê Công Kiều nhỏ xíu đến cả dinh Độc Lập khổng lồ… Và rồi, thật bất ngờ, Luận cho tôi gặp lại Ban nhạc Tuổi Xanh ngày nào trên “Truyền hình băng tần số 9”. Ô hay, tôi gặp lại nỗi hồi hộp vào tuổi 12-13, khi bỗng dưng thấy một cô bé ca sĩ xinh xắn như thiên thần của Ban Tuổi Xanh từ tivi bước ra, hát “trong veo”, trong một buổi văn nghệ Tất niên ở sở Mẹ tôi làm. Đây nữa, Luận giới thiệu tôi gặp những nghệ sĩ nổi tiếng, giờ đây “hồn muôn năm cũ”: Thanh Nga, Kiều Hạnh,Trịnh Công Sơn, Trần Văn Trạch… Có những người ít khi ta nghe thấy nhưng họ lại là những người đã góp phần làm ra và lưu lại ký ức Sài Gòn: nhà nhiếp ảnh Đinh Tiến Mậu, đạo diễn Kha Thùy Châu, họa sĩ Duy Liêm…


    Nhà hát lớn Sài Gòn được khôi phục nét xưa, một ví dụ chung sống hài hòa
    giữa hiện đại và cổ xưa - Ảnh: P.T

    Luận không chỉ ghi lại cái ký ức chúng ta từng có mà còn giúp chúng ta khám phá thêm, tuyển chọn thêm những điều hay, tinh hoa của Sài Gòn xưa. Nhà Luận ở Phú Nhuận nhưng anh “thơ thẩn” khá nhiều ngóc ngách Sài Gòn. Luận làm báo nhưng cũng là người sưu tầm lịch sử, chịu khó làm quen đủ người tứ xứ. Anh tìm hỏi từ trí thức, nghệ sĩ đến doanh nhân, thợ thuyền và giới bình dân. Anh ghi lại câu chuyện nghe được, biết được từ gia đình, thân hữu và người dưng trước lạ sau quen. Không những thế, anh còn sục sạo các thư viện và những tủ sách, album ảnh gia đình. Luận có nhiều “hàng độc” để viết lắm: những căn nhà cổ, những bức tranh giấy và tranh kiếng Lục Tỉnh Nam Kỳ, những tấm ảnh “minh tinh, tài tử”, những tờ nhạc, tập báo, quyển sách xưa hiếm. Anh “moi móc” từ những vựa ve chai ngoài đường và trên mạng cho đến những sưu tập cá nhân ở Việt Nam và hải ngoại, để đưa ra những tư liệu không chỉ bằng chữ viết, chữ in mà còn là hình ảnh, lời kể, bức tranh, bức tượng, cuộn phim sống động. Tất cả những nhân chứng, vật chứng ấy, thấm đậm - cái nôn nao đi tìm sự thật và vẻ đẹp của ngày xưa và người xưa. Thấm đậm - cái cách anh yêu Sài Gòn không ồn ào mà lại sâu lắng... Và rồi, trên cái vốn thông tin và tư liệu giàu có đấy, để viết được thành sách, Luận có được một sự quan sát tỉ mỉ và tìm kiếm nhẫn nại. Luận có được một thần thái, một cách viết nhẹ nhàng, không cần điệu nghệ, không cần khoa trương mà vẫn cháy bỏng tình yêu đất và người.


    Có cần làm mất một Sài Gòn French town của thế kỷ 20 khi bước qua thế kỷ 21
    như khung cảnh phác họa này?

    Tôi đọc và “khen” anh, và rồi, thật mắc cỡ, có lúc tôi “ghen” với anh. Tôi tự trách mình sao không viết thành sách, sao không kể bằng ảnh bằng phim những câu chuyện Sài Gòn, những con người Sài Gòn mà tôi đã biết từ lúc mê viết, mê sử đến giờ. Ôi, hóa ra, sách của “ông già 6x” đã và đang đốt lên dữ dội hơn nữa, trong tôi và có lẽ nhiều người yêu Sài Gòn, không chỉ là nỗi nhớ mà còn là nỗi lo lắng, sự thôi thúc phải ghi chép lại, phải giữ gìn được những điều hay đẹp về cuộc sống và con người của một thành phố lạ kỳ nhất Việt Nam này. Chợt nhớ, thỉnh thoảng, đi Đông đi Tây, tôi vẫn thấy có những quyển sách, những bức tranh, những cuộc triển lãm mang tên “The Lost City”. Khắp nơi trên thế giới, khi nhận ra những thành phố xưa đẹp đang mất đi, người ta đã và đang cố gắng làm những điều gì đấy để có thể hồi tưởng và khôi phục lại. Sài Gòn của chúng ta bước qua thế kỷ 21 với những biến đổi kinh tế vùn vụt, phải chăng cũng đang nhanh chóng trở thành “The Lost City”? Không, không thể như vậy! Những quyển sách về Sài Gòn xưa đẹp như Phạm Công Luận đang làm, những quán cà phê mang hình ảnh Sài Gòn ký ức đang mọc lên nhiều hơn. Và nữa, những bộ phim, sách ảnh khác tương tự đang xuất hiện nhiều hơn, đang giúp chúng ta tin rằng: Chắc chắn những ông già 6x và các thế hệ già hơn và ngay cả những người trẻ 8x, 9x đều không muốn Sài Gòn trở thành “The Lost City”! Chúng ta phải viết tiếp, làm tiếp nhiều điều để mai này, không than khóc không buồn thảm khi cứ phải “đập cổ kính ra tìm lấy bóng”, phải không “ông Sơn Nam 6x” của tôi?

    Chiều mưa 9/10/2014
    Phúc Tiến

  • #2
    Sài Gòn chuyện đời của phố: Hoài vọng Tân Định - Đa Kao

    Sài Gòn chuyện đời của phố: Hoài vọng Tân Định - Đa Kao

    Từ Phú Nhuận đi qua cầu Kiệu, khu Tân Định như mở ra một thế giới khác của Sài Gòn.


    Con đường Trần Quang Khải bắt đầu không gian đó, với cây cao bóng cả sang trọng như ấp ủ một thời Sài Gòn xưa cũ đầu thế kỷ.

    Ông anh cả của tôi học trường Văn Lang ở đường Trần Quý Khoách vẫn nhắc tới Giáo sư - nhà thơ Vũ Hoàng Chương ròm tom, đi dạy học trên chiếc xích lô đạp, đầu những năm 1960. Nhà thơ Nguyên Sa Trần Bích Lan, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương cũng dạy ở trường này. Lớp có hơn 90 học sinh, ngồi chen chúc như cá mòi hộp.

    Ông Dương Hữu Đạt hồi nhỏ sống trên con đường Albert Premier, nay là Đinh Tiên Hoàng, đoạn Q.1. Ông cho rằng người Sài Gòn thời đó sống chân chất, hiền lành hơn, mâu thuẫn giữa người Việt và Pháp cũng không gay gắt. Những người dân nghèo từ lục tỉnh lên sống lang thang trên đường phố khu Đa Kao, đánh giày hay bán sách dạo in bằng tiếng Pháp cho những bà đầm, anh lính hay viên công chức người Pháp. Họ kiếm sống từng bữa, ăn cơm hàng cháo chợ tằn tiện và không tham lam. Nhiều lần ông thấy những người lính Tây say rượu nằm lăn ra trên đường ngủ, bỏ mặc xe đạp bên lề đường. Mấy người đánh giày hay bán sách dạo dựng xe của họ lên, đạp mấy vòng phố xá chơi cho biết rồi đem đặt trở lại chỗ cũ. Những người đạp xích lô đầu những năm 1950 hay đậu xe bên lề đường này chờ khách. Họ thích uống cà phê bít tất, đổ ra dĩa cho mau nguội, uống nhanh để còn lo chạy mối. Trong khi chờ khách, họ nằm khểnh đọc báo Sài Gòn Mới của bà Bút Trà, mải mê đọc truyện của các ông Thiếu Lăng Quân, Phi Long… Ông Đạt nghe mấy bà đầm Pháp kháo nhau rằng thật đáng ngạc nhiên khi dân lao động nghèo trên phố Sài Gòn rất thích đọc báo và có khi đọc sách nữa, điều không thấy có ở tầng lớp dân nghèo kiếm sống lề đường bên Pháp.

    Khoảng thời gian đầu thập niên 1950, khu Đa Kao xôn xao vì một vụ tự tử thương tâm. Người chết là một bà xẩm - tên thường gọi phụ nữ người Hoa. Bà thuộc nhóm phụ nữ Hoa giúp việc nhà rất được người Pháp tin cậy, trả lương cao, cho phép đánh đòn con nít Tây. Bù lại, họ trung thành với chủ, sạch sẽ, nấu ăn ngon, dạy dỗ và thương yêu đám con nít. Người phụ nữ bất hạnh trong câu chuyện này không có gì sai sót trong mắt ông chủ giàu có người Pháp, chủ hãng xe Rồng Xanh (Dragon Vert). Tuy nhiên, một ngày kia ông phát hiện bị mất một số tiền lớn và bà xẩm bị nghi ngờ. Không biện minh được, bà xẩm thắt cổ tự tử để chứng minh sự trong sạch.

    Người dân ở đây sống lâu với người Pháp nên hiểu họ khá rõ. Với tâm trạng tha hương, những anh lính hay giới công chức Pháp thích hưởng thụ xả láng cuộc sống vui chơi ở thuộc địa, nhiều người chìm đắm trong men rượu hòng quên đi nỗi nhớ quê hương và những nỗi căng thẳng khác. Đồng lương của họ được xài phung phí, chỉ sau vài ngày lãnh lương là gần cạn. Thỉnh thoảng lại có những trận đánh nhau giữa phu xích lô, thợ đánh giày với những người Pháp say rượu trước mấy cái nhà hàng khúc đường trước rạp hát Casino.
    Sau khi tin tức về trận Điện Biên Phủ lan về Sài Gòn, người Pháp khu Đa Kao buồn và thu mình lại.

    Có dạo tôi thường ghé nhà một anh chuyên rửa ảnh đen trắng thủ công trên con đường này. Trong lúc chờ đợi in ảnh, tôi đi bộ quanh khu Tân Định, hỏi dò vài người sống quanh đó về một quán cà phê mở sau 1975 của đôi vợ chồng nghệ sĩ Từ Dung - Từ Công Phụng mang tên “Từ Dung”, có chiếc piano trắng nhưng không ai biết quán đã từng đặt ở đâu. Tôi đi ngó đồ bán “xôn” trên lề đường, đi tràn sang phía bên khu xóm Vạn Chài và dọc đường thơ thẩn, tôi phát hiện có quá nhiều cái đình chỉ trong một khoảnh đất không lớn. Đình Nam Chơn, rồi đình Phú Hòa từng là nơi có quán cà phê của nghệ sĩ nổi tiếng Bảy Nhiêu, thân phụ của các nghệ sĩ Kim Cúc, Kim Lan. Đình Sơn Trà trên đường Nguyễn Phi Khanh. Trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm là đình Tân An. Đình Nghĩa Hòa cũng trên đường Trần Quang Khải.

    Sau này đọc sách mới biết xóm Vạn Chài ở vùng Đa Kao này là xóm của những người dân chài từ miền Nam Trung bộ di dân vào. Khi đã ổn định, họ lập ra tới bảy ngôi đình để tiếp tục thờ Thành hoàng của làng đánh cá ở quê cũ, mà họ gọi là vạn.

    Bác Hai, chủ tiệm rửa ảnh kể tôi nghe về những hàng quán ngon lành mà giới công chức cao cấp thời trước 1975 thích ghé như nhà hàng Casino Đa Kao, có món độc đáo nhất là món tôm hùm đút lò. Nhà hàng cơm Tây La Cigale (Con ve sầu) trên đường Đinh Tiên Hoàng và Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu) có món tôm cua ốc.
    Ở đô thị Sài Gòn cũ, khu Đa Kao - Tân Định có thể nói tập trung nhiều tinh hoa của thành phố này nhất. Đó là vùng đất tụ hội những người tài hoa, cá tính, sành điệu... thể hiện nhiều nhất lối sống Sài Gòn cũ.


    Phạm Công Luận
    (trích Sài Gòn, chuyện đời của phố, tập 3)

    Tủ Sách Tuổi Hoa

    Comment


    • #3
      Cô gái Sài Gòn đầu tiên mặc áo dài tân thời

      Cô gái Sài Gòn đầu tiên mặc áo dài tân thời

      Cách đây 80 năm, báo Ngày Nay đã có bài phỏng vấn và đăng hình ảnh một thiếu nữ mà tác giả khẳng định là cô gái Sài Gòn đầu tiên mặc áo dài theo lối mới.


      Bìa báo Ngày Nay có bài viết về cô gái Sài Gòn đầu tiên mặc áo dài tân thời - Ảnh: T.L

      Giữa thập niên 1930 tại Hà Nội, báo Ngày Nay, cơ quan ngôn luận chính thức của nhóm Tự Lực Văn Đoàn ra đời sau khi báo Phong Hóa bị đóng cửa. Báo lấy việc giải phóng cá nhân làm trung tâm điểm của sáng tác, tôn trọng tự do cá nhân, “Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ”. Ngay số đầu tiên ra ngày 30.1.1935, báo đã có bài cổ súy việc cải cách quần áo phụ nữ của họa sĩ Cát Tường, trong đó có bộ áo tân thời, tiền thân của chiếc áo dài hiện đại ngày nay. Ở trang 9 của số báo đầu tiên này là hình cô Nguyễn Thị Hậu, người đầu tiên mặc áo lối mới ở Hà Nội.
      Sau đó, trên báo Ngày Nay số 5 ra ngày 10.3.1935, tác giả Chiêu Anh Kế đã có một bài phỏng vấn về thiếu nữ đầu tiên ở Gia Định mà ông khẳng định là người đầu tiên mặc áo dài tân thời.“Cô Hồng Vân là người thiếu nữ đầu tiên trong Nam mặc quần áo lối mới kiểu Le Mur (Le Mur nghĩa là bức tường - Tên gọi bộ áo của họa sĩ Cát Tường - TN). Trong một đêm chợ phiên ở Sài Gòn, người ta đã được trông thấy cô uyển chuyển trong bộ y phục màu hường, tà áo thướt tha và mềm mại”.
      Tác giả đến nhà riêng phỏng vấn cô Hồng Vân về việc này. Cô Hồng Vân đã trả lời rất tự tin: “... Cách nay hai năm, ai nào được trông thấy một chiếc áo “hở ngực” hay một chiếc quần “rộng ống”. Mà nếu may mắn có một thiếu nữ ăn mặc như thế, người ta đã vội cho cô ấy là gái chơi bời, lẳng lơ và trắc nết”.


      Cô Hồng Vân trên báo Ngày Nay

      Nói về cảm giác ban đầu khi mặc loại áo tân thời thể hiện rõ đường nét cơ thể thiếu nữ trong bối cảnh lúc đó, cô bảo: “Lúc đầu cũng xốn xang thực, nhưng cái gì cũng vậy, hễ nó quen đi thì thôi... một cái áo cổ bẻ, khác màu với vạt, cổ tay xếp nếp mà bắt “jour” mà lẫn vào mấy trăm cái áo lối cũ thường dùng thì ai không ngó, không trầm trồ này kia... Giả một chị em e lệ, có tính nhút nhát thì phải toát cả mồ hôi”. Cô cho biết dầu có đẹp mấy nhưng ban đầu cũng có người khen kẻ chê: “Người khen, cố nhiên là đám thanh niên biết yêu chuộng mỹ thuật, thích cải cách. Còn người chê... tất là mấy bà già khó tính”. Mang ra một bộ quần áo khác bằng lụa mỏng màu da trời nhạt, cô chỉ một đường rách và cho biết trong đêm chợ phiên của “Hội Bài trừ bệnh lao”, một “bà già” 45 tuổi theo cô không rời và rạch một đường thẳng băng bằng dao nhọn từ trên xuống dưới. Tuy gặp chuyện không vui như vậy, cô khẳng định không nản chí mà cho rằng: “Thấy cái hay, cái phải, chị em chúng tôi cứ mạnh bạo mà không quản ngại gì cả. Tôi chắc một ngày kia, chị em bạn gái mỗi người sẽ có một kiểu áo đẹp đẽ, một mẫu riêng hợp với da người... lúc bấy giờ các cô sẽ trẻ thêm, đẹp thêm một ít nữa”.

      Qua bản lưu của báo Ngày Nay cách nay 80 năm, chúng ta thấy lại những suy nghĩ cởi mở của cô gái Sài Gòn - Gia Định trong trào lưu cách tân ở đất nước Việt đang thời phong kiến lạc hậu và thuộc địa.

      Áo dài sài gòn cải tiến

      Đến năm 1938 - 1939, kiểu áo dài thông dụng của miền Nam có tà áo cao tới khoảng đầu gối, cổ áo mỏng và nhỏ, gài kín lại và tay áo ráp phía trên cùi chỏ. Đến đầu thập niên 1950 tới năm 1954, giới nữ trẻ phục sức cởi mở hơn, tuy chiếc áo dài không thay đổi nhiều. Vải may áo đã mỏng hơn dịu hơn và đã có nhiều người thích may bó sát người chứ không rộng nữa. Họ bỏ khuy vải trên vạt con (vạt hò) để dùng khuy nút bóp. Họ may áo kiểu tay liền và bỏ kiểu tay ráp phùng ở vai đã có lúc thịnh hành ở miền Nam cuối thập niên 1940. Vải dùng để may thường là sa tanh trắng hay đen.

      Cùng với áo tay liền, phụ nữ trẻ bỏ loại áo ngực dày để dùng loại gọn nhỏ kiểu phương Tây có tác dụng nâng ngực hơn. Đến năm 1954 - 1958, một số phụ nữ sang trọng diện áo dài đôi, như bộ áo cưới, gồm áo dày ở bên trong và lớp áo the mỏng có hoa, đắt tiền bên ngoài.

      Đến năm 1958, áo dài ở miền Nam cải cách lớn như ai cũng biết, đó là kiểu áo dài của bà Trần Lệ Xuân với kiểu áo không cổ áo, hở cổ và vai, vạt hò được đắp lên tới bờ vai phải. Trong dịp lễ, bà choàng thêm bên ngoài một khăn choàng mỏng và thật dài. Chiếc áo này giúp phụ nữ giảm bớt bức bối ở vai và cổ, thể hiện được nét tròn đầy của hai bờ vai. Sau đó, áo dài tiếp tục được thay đổi: Kiểu hở cổ thì cải tiến ở cổ áo như cổ hở một phần vai hay nguyên vai, cổ hở một phần ngực hay phía trên lồng ngực và từ vai xuống trọn ức, dành cho các cô ngực nở. Còn có các cải tiến khác về cổ như cổ trái tim, cổ tròn không bâu.


      Phạm Công Luận
      (trích 'Sài Gòn, chuyện đời của phố' tập 3)

      Comment


      • #4
        Sài Gòn chuyện đời của phố: Về Bà Chiểu, rảo Hàng Bàng

        Sài Gòn chuyện đời của phố: Về Bà Chiểu, rảo Hàng Bàng


        Cô Tám nhắn tin trên Facebook hỏi tôi có biết cái hẻm nhà cô hồi đó gọi là hẻm “Ba cây Sao” không? Đó là cái hẻm trên đường Nơ Trang Long, xưa là đường Nguyễn Văn Học.


        Tòa Bố Gia Định xưa, nay là trụ sở UBND Q.Bình Thạnh - Ảnh: T.L

        Hẻm gần ngã tư Bình Hòa, không xa cái nhà gỗ trên đường Rừng Sác nay là đường Nguyễn Thiện Thuật của ông Vương Hồng Sển. Cũng không xa cái nhà xưa trên cầu Băng Ky, mà mùa hè năm trước tôi viếng thăm và đưa vào cuốn Sài Gòn, chuyện đời của phố phần 1. Đằng trước hẻm nhà cô Tám có trồng ba cây sao cao vút. Bây giờ nó chỉ còn cái tên cũ không mấy ai biết, chỉ biết đó là cái hẻm 104 mà thôi.

        Một tin nhắn nhỏ khiến tôi nghĩ ngợi về vùng Bà Chiểu và thấy rằng mình luôn có cảm giác dễ chịu khi đến nơi đó. Đất Bà Chiểu, giống như Lái Thiêu hay Trảng Bàng, đều là những vùng dân cư luôn khiến người mang tình hoài cổ có cảm xúc khi lai vãng. Ở nơi đó, xen giữa những nhà phố, thỉnh thoảng lại ló ra một căn nhà ngói rêu phong, một cây cổ thụ um tùm lá, một góc miếu thờ nhỏ hay mái đình to và ở đó dân cư thường hiền hòa, bình dị.

        Đi về Bà Chiểu như đi về một quá khứ không xa lắm. Trường Vẽ Gia Định nay đã không còn mặt tiền xưa với những cái cột toscan và vòm cửa arcade rất đẹp, điều này khiến tôi luôn tự hỏi tại sao những người quản lý ngôi trường hay ở cấp cao hơn không tìm cách giữ lại một vẻ đẹp kiến trúc cổ điển và mang giá trị văn hóa, lịch sử và mỹ thuật rõ nét như vậy? Đi ngang nhà ông Vương Hồng Sển, nhìn vào sân sau thấy cây xoài thanh ca cuối sân đã chết nhưng vẫn cố đứng vững chịu đựng lũ dây leo quấn quanh chằng chịt. Kệ thờ ở dưới cái mái nhỏ trong sân giữa có di ảnh của ông và bà Năm Sa Đéc nhìn ra cái hòn non bộ buồn thiu, vài cây chậu nhỏ tiêu sơ và cái nhà lớn cửa đóng im ỉm.

        Bà ngoại tôi, tiểu thư của một gia đình hết thời vùng Khánh Hội đầu thế kỷ 20 kể với má tôi rằng khi còn trẻ, bà thường có việc đi qua khu Bà Chiểu từ Gò Vấp trên xe thổ mộ theo đường làng số 15, bây giờ là đường Lê Quang Định. Xe đi qua xóm Gà, thường thấy hàng cây sao dài um tùm trong những buổi sáng sương sớm hay buổi chiều tối. Lúc đó là những năm 1925, 1926 khi bà vừa sinh má tôi... Xe thổ mộ lóc cóc đi ngang Tòa Bố Gia Định (nay là Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh, góc Phan Đăng Lưu - Đinh Tiên Hoàng) vào ban ngày, khách đi đường thưa thớt và ban đêm tối âm u vì đèn đường cách nhau rất xa, đầy tiếng ếch nhái ễnh ương kêu inh ỏi.

        Tới Tòa Bố, xe quẹo cua vào đường Hàng Bàng ngay góc Lăng Ông. Đường Hàng Bàng là đoạn đường mang tên Đinh Tiên Hoàng từ đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh ngày nay cho tới Cầu Bông. Thời đó, hai bên đường là bưng bàng, dùng để đan đệm, không phải loại bàng lá to thân cứng, nên con đường này được gọi tên như vậy. Khu Bà Chiểu khi đó còn có đường Hàng Gòn, Hàng Dừa, Hàng Sanh... đặt tên tùy theo cây trồng hai bên. Đường Hàng Gòn nay là Hồ Xuân Hương. Đường Hàng Sanh bây giờ là đường Bạch Đằng, xưa rất vắng vẻ có trồng nhiều cây sanh có rễ phụ giống như cây đa, cây si... Vài người già ở Bà Chiểu luôn cảm thấy bực mình khi chữ Hàng Sanh bị viết sai thành Hàng Xanh như lâu nay.

        Cô ma Ba Trâm
        Khi gả con gái út vào một gia đình ở ngã năm Bình Hòa, hiểu biết của bà ngoại tôi về vùng Bà Chiểu càng đầy lên qua những câu chuyện với ông bà sui là dân cố cựu ở đây. Lúc đó, khoảng đầu thập niên 1950 đã có đông người lao động nghèo về ở nơi đây nhưng khoảng thập niên 1920 thì còn thưa vắng. Từ Cầu Bông về xóm Đình gần đó người ta còn làm ruộng, thậm chí còn thấy hai bên đường Hàng Bàng ruộng lúa tươi tốt chín vàng khi đến mùa gặt. Thú vui của dân xóm Đình gần đó là đi câu ếch và bắt cá lia thia, bắt còng.
        Tuy nhiên, đám trẻ đi bắt cá lia thia ở quanh quẩn đường Hàng Bàng trong ngày nghỉ học thường không dám nán lại lâu vì sợ đến giờ Ngọ là giờ... ma đi. Giờ khắc đó, mấy người thả trâu cũng đã về ăn cơm chứ không còn ai ngoài ruộng. Ai cũng sợ cô Ba Trâm... nhát ma.

        Về cô Ba Trâm, ông bà sui của ngoại tôi kể rằng: Cô còn trẻ, con nhà khá giả. Cô treo cổ tự tử sau khi bị bà mẹ ghẻ tàn độc hành hạ và ép gả chồng không theo ý mình. Nơi cô Ba Trâm tự tử là gốc cây trâm gần Trường Vẽ Gia Định (Đại học Mỹ thuật TP.HCM ngày nay). Nơi đó cây cối sầm uất, nhà cửa thưa thớt nên thân xác cô khi được phát giác đã không còn nguyên vẹn do bị thú ăn. Vì chết oan, lại chết thảm nên người dân tin là hồn cô không đầu thai được mà còn vất vưởng trên dương gian. Họ đồn về đêm cô thường hiện về trong dáng vẻ một cô gái bận áo trắng đứng đón xe song mã ở Hàng Xanh đòi đi dạo một vòng rồi về Gia Định. Xe nào đưa cô đi thì gặp may, từ chối thì gặp xui rủi và giở trò ong bướm sẽ bị vật chết. Bây giờ người ta cho rằng xóm Đình chính là đoạn đường Nguyễn Duy hiện nay, một con đường nhỏ còn tồn tại một số nhà kiểu xưa.

        Câu chuyện này rộ lên từ cuối thập niên 1910 và mai một dần, hầu như dân cư ở đó không mấy ai biết. Đến đầu thập niên 1950, không thấy ai còn nhắc đến chuyện cô Ba Trâm nữa.
        Lúc đó đường Hàng Bàng đã trở thành đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Đinh Tiên Hoàng) và nhà cửa đã đông đúc hơn.


        Phạm Công Luận

        Comment


        • #5
          Sài Gòn chuyện đời của phố: Siêu thị đầu tiên ở VN

          Sài Gòn chuyện đời của phố: Siêu thị đầu tiên ở VN

          Siêu thị Nguyễn Du, khu siêu thị đầu tiên ở Sài Gòn và có thể nói là toàn cõi VN mở cửa năm 1967, mang đến cho nhiều gia đình công tư chức ở Sài Gòn những tiện lợi trong chuyện mua sắm mà trước đó không hề có.


          Diễn viên điện ảnh Kiều Chinh đến mua hàng tại siêu thị Nguyễn Du trước 1975 - Ảnh: Tư liệu

          Một dịp sát tết, tôi được đến siêu thị với anh trai, thấy nó giống một cửa hàng cực lớn, máy lạnh mát rượi và đầy những thứ lạ lẫm. Khách mua hàng toàn những người lớn ăn bận lịch sự, nam với áo chemise bỏ vào quần, những người lính và nhiều phụ nữ bận áo dài. Do xe đẩy không có nhiều như bây giờ, khách mua hàng toát mồ hôi sắp hàng tính tiền, tay lủ khủ hàng hóa trong những cái túi lưới.

          Siêu thị Nguyễn Du được thiết lập ở góc đường Nguyễn Du và Chu Mạnh Trinh, Sài Gòn (hai con đường này nay thuộc quận 1, tên đường không thay đổi cho đến nay) do Tổng cuộc Tiếp tế thành lập. Theo một số tài liệu, năm 1966, ông Trần Đỗ Cung, đứng đầu cơ quan trên được giao nhiệm vụ quân bình thị trường. Ngoài việc cấp bách như giải quyết những việc cần thiết cho đời sống người dân như nhập xe gắn máy, điều hòa việc phân phối thịt heo, gạo, ông dự tính thiết lập tại VN các trung tâm bán lẻ để phục vụ đại chúng, nhất là những người có đồng lương ổn định.

          Đầu tháng 2.1967, một phái đoàn do ông Cung cử ra đã đến thăm chợ Mỹ (Commissary) ở đường Hùng Vương, Chợ Lớn để quan sát hoạt động cùng cách tổ chức của cơ sở này. Sau đó một tuần, ông Trần Đỗ Cung cùng một chuyên viên tài chính lên đường đi Philippines theo lời mời của Tập đoàn siêu thị Makati ở thủ đô Manila để nghiên cứu về quản lý, kiểm soát, tổ chức và sản xuất thực phẩm. Họ còn tiếp tục đến Hồng Kông, Singapore để tham quan các siêu thị. Sau đó, tổ chức đào tạo về cách vận hành siêu thị cho nhân viên và tổ chức một khu chợ tết vào tháng 1.1967, vừa để phục vụ việc mua sắm tết vừa tổ chức buôn bán theo hình thức mới để huấn luyện nhân viên của mình.
          Theo hồi ký của ông Trần Đỗ Cung xuất bản tại Mỹ năm 2011, một kiến trúc sư người Đức tên Meier đã được thuê vẽ họa đồ xây cất siêu thị, phối hợp với Công ty NCR về trang bị, thiết bị bên trong. Ngày 16.10.1967, siêu thị đầu tiên ở VN chính thức ra đời, mở đầu một kỷ nguyên mới cho ngành bán lẻ. Từ cửa vào, khách đi tay không vô siêu thị bằng một cửa quay, tự lấy một giỏ xách hay xe đẩy và đi lựa chọn hàng đã ghi sẵn giá trên kệ. Chọn xong, họ tính tiền ở các quầy thu ngân có máy tính tự động. Siêu thị này có 6 quầy thu ngân ở cửa ra, trong đó có một “quầy hỏa tốc” dành cho những người mua ít hàng. Còn có một lối ra cho người không mua hàng. Cách thức không khác gì siêu thị ngày nay, nhưng khi nó được áp dụng cách nay gần 50 năm thì là một sự ngạc nhiên và kỳ thú đối với khách mua hàng Sài Gòn. Trong hồi ký, tác giả tả không khí lúc đó: “Siêu thị đã hoàn tất trên đường Nguyễn Du, có bãi đậu xe rộng rãi. Ngày khai trương cả đoàn xe Honda, Mobylette và Vespa rầm rập kéo đến chở vợ con hí hửng bước vào ngôi chợ tối tân mới mở cửa, phục dịch khách mua hàng một cách niềm nở và lịch sự”.

          Sau khi khai trương hơn một tháng, siêu thị Nguyễn Du tổ chức một sự kiện đánh dấu sự thành công của mình. Khi người khách thứ 100.000 đến đây và đặt tay vào cửa quay, loa phóng thanh phát to: “Hoan nghênh công dân siêu thị thứ 100.000, là anh Lê Văn Sâm...”. Anh được choàng băng kỷ niệm và được ông quản đốc trao tặng giải thưởng trị giá 10.000 đồng.

          Siêu thị Nguyễn Du nằm trên diện tích 30.000 m2, ở một khu phố còn vắng vẻ không phù hợp cho việc buôn bán lắm nhưng khi siêu thị được lập ra, số khách hàng lui tới được đánh giá là “ngoài mức tưởng tượng”. Trung bình mỗi ngày có khoảng 2.500 người đến mua sắm và doanh thu mỗi ngày tối đa là 1,5 triệu đồng thời đó.
          Trước khi siêu thị được thành lập, trong giới doanh thương Sài Gòn, tuy rất nhanh nhạy với cái mới đã có nhiều ý kiến cho rằng đây là việc làm “không tưởng”. Tuy nhiên, Tổng cuộc Tiếp tế với ý định sẽ thiết lập các chuỗi dây chuyền siêu thị tư nhân đã không chùn bước. Sau khi siêu thị này hình thành ít lâu, họ nhận được nhiều thư tán thưởng và nhiều tư nhân tấp nập gửi đơn đến đề nghị cộng tác thiết lập siêu thị tư nhân dưới hình thức này hay hình thức khác. Đến tháng 12, đã có hai siêu thị tư nhân cỡ nhỏ là An Đông và Đoàn Thị Điểm mở ra. Cái thứ ba ở Biên Hòa được trang bị để mở vào Tết Mậu Thân năm 1968
          .
          Siêu thị này và những siêu thị nhỏ khác ở Sài Gòn và các vùng lân cận hoạt động đến 1975 thì chấm dứt. Sau đó là khoảng thời gian vắng bóng siêu thị cho đến gần 20 năm sau mới xuất hiện trở lại (khoảng 1993). Đến nay nhiều người vẫn cho rằng, siêu thị ở VN bắt đầu quá muộn mà không biết nó đã hình thành từ gần nửa thế kỷ nay và đã được tổ chức hoạt động rất tốt không khác gì các siêu thị bây giờ.


          Những hình ảnh tư liệu về siêu thị Nguyễn Du - siêu thị đầu tiên ở Việt Nam

          Đi trước cả Bangkok

          Sau khi siêu thị Nguyễn Du được thành lập không lâu, ông Cung được SMI (Viện Siêu thị - Super Marketing Institute) mời qua Bangkok (Thái Lan) gặp các nhà buôn Thái để trình bày kinh nghiệm khi hình thành siêu thị đầu tiên này. Như vậy, dù đang trong hoàn cảnh chiến tranh, Sài Gòn đã đi trước Bangkok, một thành phố lớn sống trong hòa bình về việc buôn bán lẻ qua hệ thống siêu thị.














          Những hình ảnh tư liệu về siêu thị Nguyễn Du - siêu thị đầu tiên ở Việt Nam
          (Trích từ Sài Gòn - Chuyện đời của phố phần 2 )

          Comment


          • #6
            Sài Gòn thời đó, ai mà không biết Saigon Departo là bị chê “quê một cục”.



            Saigon Departo là dãy nhà phía bên trái, góc ngã tư Tự Do - Thái Lập Thành (nay là Đồng Khởi- Đông Du) - Ảnh: T.L

            Trên báo xuân Chính Luận năm 1969, bài phóng sự của H.Thủy Ba bộ mặt của Tết Sài Gòn có nêu: “Đi đến đường Tự Do mà không ghé Saigon Departo thật là một thiếu sót. Trong dịp tết đến, Saigon Departo được huy động toàn lực để... vét túi khách hàng giàu sang”.


            Khu bán đồ gốm sứ, sơn mài và quạt điện - Ảnh: T.L

            Tác giả viết tiếp: “Dân nghèo mà vô đây thì đúng là cảnh chim chích lạc vào rừng. Các món nữ trang, mỹ phẩm đến các đồ tiểu thủ công nghệ chẳng hạn như đèn trang hoàng, giá cũng phải ba bốn chục ngàn một món. Dân nghèo sức mấy mà sờ vào đó... Ít người tay xách nách mang vì có xe hơi bên cạnh, mua gì là họ gọi tài xế tống ngay lên đó chở về nhà...”.
            Nhiều người, nhất là giới phụ nữ, cố gắng đến Saigon Departo để xem ít nhất một lần cho biết, nhân tiện ghé cửa hàng thực phẩm Pháp gần đó mua bơ Bretel hay cá mòi Sumaco, nước tương Maggi ăn với bánh mì cho bữa điểm tâm.


            Sự hiện diện của loại hình trung tâm bách hóa tổng hợp ở VN có bề dày không lâu và do người Pháp lập nên. Nổi tiếng nhất miền Bắc là Gô đa (tiếng Pháp là Godard) sang trọng bậc nhất thời Pháp thuộc, nay là Tràng Tiền Plaza. Còn ở miền Nam, đó là thương xá Tax. Tòa nhà bách hóa tổng hợp này có lịch sử lâu đời, được bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ 19, lúc đầu mang tên Les Grands Magazins Charner (GMC).

            Năm 1967, song song với việc thành lập siêu thị đầu tiên ở miền Nam và có lẽ là của cả nước, một trung tâm bách hóa tổng hợp đã được mở ra ở Sài Gòn, cạnh tranh thu hút khách với thương xá Tax. Điều cần lưu ý là trung tâm buôn bán này được vận hành khá bài bản, hiện đại không khác mấy hoạt động của các trung tâm bách hóa tổng hợp hiện nay. Đó là Trung tâm bách hóa Saigon Departo, thiết lập tại đường Tự Do, quận Nhứt (nay là đường Đồng Khởi), trực thuộc Sài Gòn đại bách hóa thương xã.


            Khu bán đồ chơi và búp bê - Ảnh: T.L

            Departo là cái tên do người Nhật đặt ra, tương tự như Department store của Mỹ, Anh nhưng quy mô nhỏ hơn. Saigon Departo mượn cái tên này nói lên tính chất và quy mô của trung tâm. Như tất cả các trung tâm bách hóa, người dân đến đây có thể mua đủ loại vật dụng cho gia đình, đồ dùng hằng ngày, trong bếp, văn phòng, vải vóc quần áo, đồ dùng đi du lịch... mà không phải đi đâu xa.

            Sau khi xuất hiện không lâu, cái tên Departo ở Sài Gòn đã mang ý nghĩa sành điệu. Không chỉ vì có bán nhiều đồ cao cấp, có cách bài trí hàng hóa tiện lợi và đẹp mắt, phong cách phục vụ mới mẻ như một làn gió mới thổi vào đời sống của người Sài Gòn thập niên 1960.


            Việc đào tạo nhân viên ở đây tiến hành khá bài bản trong điều kiện đang có chiến tranh là điều ít ai ngờ tới. Trước ngày 16.7.1967 là ngày chính thức mở cửa, ban giám đốc trung tâm này dành thời gian hơn nửa năm đi nghiên cứu thị trường, nghiên cứu các sản phẩm có thể kinh doanh. Họ lập một đoàn sang Nhật Bản, Hồng Kông và vài quốc gia châu Âu để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, việc tuyển chọn nhân viên được tiến hành. Hơn 60 thiếu nữ bán hàng được tuyển dụng từ cuối năm 1966, có trình độ học thức khá, nói được tiếng Anh, Pháp và trình độ trung học. Họ được ông Trần Thiện Ân, người của Bộ Kinh tế chính quyền Sài Gòn, đào tạo trực tiếp. Ông Ân từng tốt nghiệp chuyên ngành Department store tại Mỹ, từng thực tập tại trung tâm bách hóa R.H.Macy tại New York 4 năm nên nhiều kinh nghiệm và bài bản. Ông huấn luyện nhân viên từ lý thuyết đến thực hành về cách giao dịch và cử chỉ niềm nở với khách, cách bán hàng, gói hàng, giới thiệu hàng.
            Tuy chỉ có hai tầng, trệt và lầu chiếm 1.500 m2, trung tâm có đủ các khu vực bán hàng: khu vật dụng trong nhà, khu mỹ phẩm và đồ mỹ nghệ, thực phẩm công nghiệp như đồ hộp. Lầu hai bán vải vóc, quần áo trẻ em may sẵn, máy thu thanh, máy vô tuyến truyền hình, đồ điện. Tầng này có khu giải trí cho trẻ em và khu vực giải khát có máy phát phim ca nhạc sử dụng đồng jeton bỏ vào lỗ để chọn phim. Hàng hóa ở đây 70% là hàng nước ngoài và 30% hàng trong nước. Với cơ cấu hàng hóa đó, khách mua hàng là giới khá giả ở Sài Gòn và người nước ngoài. Các dịp lễ tết, cửa hàng rất đông khách


            Khu bán đồ gia dụng và khu giải trí cho thiếu nhi - Ảnh: T.L

            Cùng với siêu thị Nguyễn Du và thương xá Tax, Saigon Departo tạo nên bộ mặt thương nghiệp hiện đại của Sài Gòn cách nay gần nửa thế kỷ, sớm thúc đẩy nền thương nghiệp mang tính cạnh tranh của người Sài Gòn và giúp dân chúng quen với mô hình buôn bán hiện đại, tiện dụng của thế giới trong điều kiện chiến tranh không dễ gì ra nước ngoài đi du lịch tìm hiểu cuộc sống quốc tế.

            Phạm Công Luận

            (trích 'Sài Gòn chuyện đời của phố', tập 3)

            Comment


            • #7
              Sài Gòn chuyện đời của phố: Một thời bảnh trai

              Sài Gòn chuyện đời của phố: Một thời bảnh trai

              Người ta hay nói về tính cách đàn ông Sài Gòn với đầy đủ tính tốt, tật xấu chứ không mấy ai nói về diện mạo của đàn ông thành phố này.


              Nghệ sĩ Trần Quang (thứ hai từ trái qua) cùng các bạn bè nghệ sĩ Sài Gòn

              Kể từ thời Pháp thuộc, khi Sài Gòn thuộc về Cochinchine là xứ thuộc địa, người Sài Gòn, nhất là giới làm việc cho Tây nhanh chóng thay bộ áo dài khăn đóng để bận âu phục cho phù hợp với công việc. Rồi xuất hiện lớp thợ cắt tóc theo đúng kiểu Tây cho giới quan chức, lính thuộc địa Pháp và cho cả giới quan chức Việt cũng như người làm ăn kinh doanh. Thanh niên Sài Gòn bắt đầu cắt tóc ngắn trong khi miền Trung và Bắc vẫn phổ biến tóc dài búi tó và ít ra cho đến giữa thập niên 1920 vẫn còn ảnh hưởng Khổng giáo từ cách ăn mặc, nói năng. Đầu thập niên 1920, khá đông công chức Sài Gòn lương tháng 6 đồng hoặc 4 đồng “đã đua nhau diện âu phục: áo “bành tô” cổ đứng, một hàng nút lớn bằng xà cừ kết ở giữa, đội mũ trắng, mang dép da. Các bậc “ông” - như commis, thì mang giày tây do từ bên Tây gửi sang bán với giá đắt, thường thường là loại giày bottin da đen, cao cổ” (theo Nguyễn Vỹ - Tuấn chàng trai nước Việt tập 1, tác giả tự xuất bản 1969).

              Thập niên 1950, nhìn chung đàn ông Sài Gòn biết chú ý đến hình thức vẫn cố giữ nét lịch lãm ảnh hưởng của giới quan chức Pháp ở thuộc địa với tóc chải để lộ vầng trán cao. Hình ảnh giới nghệ sĩ phản ánh điều đó, trong chân dung lưu lại của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, ca sĩ Duy Khánh, hai nghệ sĩ Hoài Trung và Hoài Bắc Phạm Đình Chương với gương mặt sáng trưng, thông tuệ như giáo sư đại học


              Trang phục phổ biến thập niên 1950 - 1960

              Từ thập niên 1960 cho đến 1975, phim Tây, Mỹ trở nên phổ biến. “Đẹp trai như Alain Delon!” là câu thành ngữ mới để đánh giá trai đẹp. Và sau này khi Nguyễn Chánh Tín lần đầu xuất hiện trong phim Đời chưa trang điểm với vai Tuấn, một chàng đẹp trai con nhà giàu thì dân gian sửa lại là “Đẹp trai như Nguyễn Chánh Tín”. Khi Trần Quang diễn xuất với bộ ria mép, người Sài Gòn không thể không liên tưởng tới Clark Gable hay sẽ nghĩ đến Charles Bronson khi xem diễn viên Tâm Phan đóng phim.
              Thời trước 1975, đang có chiến tranh, cũng là thời sản xuất mạnh, hàng hóa nhiều, đàn ông có giá không còn là thầy ký, thầy thông sáng cắp ô đi tối cắp về nữa mà là thầy Hai làm sở Mỹ bận áo montagut sáng lấp lánh, lái Vespa vào cuối tuần hoặc ông thầu khoán cười lóe răng vàng...

              Những vẻ đẹp thời thượng


              Xem lại tập ảnh cũ sưu tầm được, diện mạo của các nam nghệ sĩ Sài Gòn xưa khá đa dạng. Họ xuất xứ từ khắp các vùng miền nên mỗi người mỗi vẻ: mạnh mẽ, rắn rỏi, đôn hậu, sáng trong hay bí ẩn, đểu giả hay chân thật... Họ có nét chung là thích chải tóc theo kiểu thời thượng, kiểu tango, chải tóc vuốt lên rồi vẹt ngang cho bồng cao. Một số nam nghệ sĩ chải đầu tém phía sau gáy, ai không có tóc ép tự nhiên thì dùng gel ép cho thật kỹ. Có nghệ sĩ dù mỗi ngày ăn quán ngủ đình, ở nhà trọ, ăn cơm hội nhưng vẫn sáng rực trên sân khấu với vẻ hào hoa uy dũng

              Khi còn nhỏ, tôi thích vẻ đẹp trai tươi tắn của ban Tam ca Sao Băng. Tươi sáng nhất vẫn là gương mặt của ca sĩ Thanh Phong. Anh là người gốc Hoa, trắng trẻo, biết ăn diện, tóc chải bảy ba. Nụ cười của anh được nhà văn Hồ Trường An gọi là “cười cầu tài” khiến cái nhìn của anh thân thiện và cuốn hút.


              Nghệ sĩ Hùng Cường

              Hùng Cường là ngôi sao nam sáng nhất trên sân khấu cải lương và ca nhạc miền Nam. Anh có chiều cao lý tưởng thời đó. Nhớ hồi nhỏ trong một chương trình ti vi, tôi thấy anh trả lời phỏng vấn rất dõng dạc: “Tôi, Hùng Cường, tên thật là Trần Kim Cường, cao một mét bảy, nặng bảy chục ký!”. Đã vậy, anh còn tập thể hình nên giữ dáng rất tốt. Tuy có lúc anh ăn diện hơi lố, theo như Hồ Trường An: “Vào thập niên 1960, anh diện theo lứa choai choai đợt sóng mới với áo da, tóc chải gie trước trán”. Theo nhà văn này, vốn là ký giả kịch trường trước 1975, Hùng Cường thích đeo dây chuyền vàng to, mề đay lớn, cườm tay đeo lắc vàng, ngón tay áp út đeo nhẫn nạm kim cương. Anh là vẻ đẹp phổ thông cuốn hút của đa số người miền Nam.

              Một ngôi sao ca nhạc nổi bật ở Sài Gòn là Chế Linh, rất được giới bình dân yêu thích với giọng ca da diết rên rỉ. Nhìn ảnh hồi trẻ, ta thấy anh khá bảnh trai với mái tóc dày, đôi môi tươi và đôi mắt đẹp của dân tộc Chăm luôn linh hoạt. Anh thường diện những bộ complet màu tối cho hợp với nước da mình.


              Ca sĩ Chế Linh

              Nhiều người cho là đẹp trai lâu nay trong giới nghệ sĩ vẫn là Trần Quang, Hùng Cường hay Nguyễn Chánh Tín. Họ có vẻ đẹp hiện đại, gần với phương Tây hơn không chỉ vì vóc dáng cao ráo mà còn ở nét diễn xuất, thể hiện qua cái nheo mắt, chau mày, cái nhìn nghiêng, đảo mắt... Bên cạnh đó là những nét đẹp lạ, chân phương hơn của những nghệ sĩ như Bảo Ân, Thanh Tú, Tâm Phan, La Thoại Tân.

              Bao nhiêu năm đã qua từ khi những nghệ sĩ nói trên cất giọng, diễn xuất trên sân khấu, màn ảnh. Hầu hết họ đã ra đi hoặc đã già yếu. Còn lại thứ ánh sáng đã cũ, trong những tấm ảnh lưu giữ được. Ánh sáng từ nửa thế kỷ trước, khó phai mờ, những vẻ đẹp nam tính mà họ đại diện, của một thời ở thành phố này.

              Quảng cáo nhà may trên báo xuân xưa


              Phạm Công Luận

              Comment


              • #8
                Quán cơm, phòng trà Anh Vũ


                Sài Gòn – chuyện đời của phố Quán cơm, phòng trà Anh Vũ



                ĐÔI LỜI GIỚI THIỆU: “Sài Gòn: Chuyện Đời Của Phố” là bộ sách gồm 3 cuốn của nhà báo Phạm Công Luận do Phương Nam kết hợp với NXB Hội Nhà Văn ấn hành. Bộ sách được độc giả trong nước đón nhận nồng nhiệt. Do bởi một lẽ: Qua những trang sách, Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn được tái hiện hết sức sinh động. Một độc giả ghi nhận trên trang Facebook: “Phong cách điềm đạm, nhẹ nhàng cẩn trọng, mới mẻ” là những cảm nhận chung của rất nhiều độc giả khi đọc “Sài Gòn- chuyện đời của phố” của Nhà báo – tác giả Phạm Công Luận. Bằng những tư liệu quý, sinh động, cách thể hiện mềm mại, có tính hệ thống, nhà báo – tác giả Phạm Công Luận đã từng bước vẽ nên một bức tranh “nhiệm màu” về Sài Gòn – “Hòn ngọc Viễn Đông”, mảnh đất phồn hoa một thời.

                Đó chính là “nỗi nhớ và niềm đau” về Sài Gòn của người nơi xa đến. Sài Gòn được ví như “người mẹ hiền bồ tát”. Sài Gòn luôn rộng mở đón nhận, cưu mang, chở che hết thảy những người con tìm về với Sài Gòn để chọn làm quê hương thứ hai sinh sống và lập nghiệp. Những khu người Hoa, người Quảng, người Chăm… vẫn còn đấy, như minh chứng cho Sài Gòn bao dung.

                …Nhưng có lẽ, cảm động hơn cả là những câu chuyện ấm lòng giữa Sài Gòn – mảnh đất tình người. Qua từng trang sách, vài câu chuyện vụn vặt về phận nghèo mưu sinh như “chú Chệc bán đậu phụng rang”, “cánh xe ôm uống cà phê vợt đọc nhật trình”, “cư dân xóm Đa Kao”… tuy nghèo nhưng họ vẫn an nhiên, phong lưu, giữ được nguồn gốc, bản sắc văn hóa của riêng mình. Hoặc khi, người giàu sụ cũng có phong thái giản dị đến bất ngờ để tác giả phải thốt lên rằng “Người trong này họ như thế”.

                Sau đây xin giới thiệu đến quý vị một bài trong Sài Gòn-Chuyện Đời Của Phố. Bài về quán cơm và phòng trà Anh Vũ nơi bản thân từng lui tới khi còn là sinh viên.

                NGUYỄN & BẠN HỮU



                Quán Anh Vũ là cái tên ban đầu của quán văn nghệ, quán cơm nghệ sĩ và sinh viên Anh Vũ, thành lập từ sáng kiến của ông Võ Đức Diên, một kiến trúc sư và cũng là một nghệ sĩ.



                Quán Anh Vũ – ẢNH: TƯ LIỆU
                Người bạn của tôi, sống ở khu vực gần cầu Trương Minh Giảng, xưa gọi là khu xóm Vẹc (do từ cái tên cũ Eyriaud Des Vergnes thời Pháp thuộc của đường Lê Văn Sỹ, Q.3 hiện nay), kể chuyện chị mình, nay cũng đã hơn 70 tuổi:

                Năm 20 tuổi và đang là sinh viên, khoảng đầu thập niên 1960, chị náo nức khi đọc báo và biết có cuộc thi tuyển lựa diễn viên đóng xi nê ma ở quán Anh Vũ, đường Bùi Viện. Vốn là cô gái gốc Bắc khá xinh xắn ở khu di cư Bùi Phát, chị đánh liều đi dự tuyển, không xin phép gia đình (vì có xin cũng không được phép).

                Cuộc dự tuyển do Hãng Liên Phim tổ chức, quảng cáo là một cuộc tuyển lựa vô cùng vĩ đại. Mướt mồ hôi dự tuyển, tự diễn vài cảnh nho nhỏ, chen vai thích cánh với hàng trăm người, cuối cùng chị ra về, mong có vai diễn trong phim Đò dọc và Tình bạn gì đó nghe nói sắp quay.

                Về nhà đợi mãi, nghĩ đi nghĩ lại rằng nếu mình trúng tuyển đi đóng phim thì bố mẹ sẽ nói sao! Cuối cùng, không hề thấy ai gọi và cũng không có bộ phim nào có tên như vậy ra đời. Chị thẫn thờ tiếc một cơ hội không biết có hay không, rồi lại mừng vì nếu nó đến thì phải ăn nói làm sao với “ông bô bà bô”. Nhưng nhờ vậy, chị biết đến một quán cơm từ thiện rẻ và ngon dành cho sinh viên, và biết thưởng thức ca nhạc ở phòng trà, một thú giải trí rất mới, thanh lịch, dù có hơi tốn kém so với túi tiền sinh viên.

                Trước kia vào khoảng năm 1945, ông Võ Đức Diên lập ra một ban kịch lấy tên là Anh Vũ và tái lập năm 1955, sau đó ông lấy tên này để tiếp tục thực hiện ước vọng của mình là vừa làm việc xã hội vừa tiếp tục theo đuổi hoạt động văn nghệ. Quán Anh Vũ là nơi gặp gỡ giới nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn, là nơi thí điểm để các tài năng mới thể hiện mình khi chưa có tên tuổi.

                Thời điểm cuối thập niên 1950, chỉ các vũ trường mới có trình diễn ca nhạc nhưng chủ yếu để khách khiêu vũ, nên khi quán Anh Vũ hình thành phòng trà giải khát và thưởng thức âm nhạc đã tạo một sinh khí mới trong sinh hoạt nghệ thuật của Sài Gòn. Anh Vũ là phòng trà có bề ngang chừng 10 m, sâu khoảng 30 m, chứa được 300 đến 400 chỗ ngồi và một ban nhạc, nằm phía sau rạp Nguyễn Văn Hảo, số 43 Bùi Viện, một con đường nhỏ sát trung tâm Sài Gòn. Quán được mở ra trước Tết Canh Tý 1960, được xem là một quán thanh lịch và có phòng trà lớn nhất Sài Gòn lúc đó. Trong khuôn viên quán có một sân khấu nhỏ phía bên phải, còn quán ăn nằm phía bên trái.

                Ban ngày, nơi đây là quán cơm. Mỗi bữa cơm chỉ có hai mức giá 5 đồng và 10 đồng, được xem là rẻ vì tính giá bằng phân nửa giá bán thông thường. Quán mở đến 7 giờ tối, lúc nào cũng đông nghẹt khách.

                Buổi tối, phòng trà mở cửa. Ban đầu, ông Võ Đức Diên mời được nhạc sĩ Phạm Duy về giới thiệu chương trình, còn nhạc sĩ Lê Thương phụ trách sân khấu ca vũ kịch. Ngoài ra còn có Ban Vũ Phong Lan của hai vũ sư nổi tiếng Lưu Bình và Lưu Hồng. Số ca sĩ thường trực ở quán là 12 người. Lớp ca sĩ tiên phong của phòng trà này có danh ca Duy Khánh, Việt Ấn và các nữ ca sĩ Nhật Thiên Lan, Lệ Thanh, Thanh Thúy, Minh Hiếu. Ca khúc Hận Đồ Bàn với tiếng hát trầm ấm của Việt Ấn đã làm say mê người nghe. Quán còn được sự góp mặt thường xuyên của các ca sĩ như Bạch Yến, Mai Hương, Duy Trác, Cao Thái…

                Không ít ca sĩ đã từ ca hát ở phòng trà và vũ trường mà rực sáng và Anh Vũ là một cái nôi nghệ thuật của Sài Gòn. Theo nhà báo Đoàn Thạch Hãn, tại phòng trà này, nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Ánh 9, lần đầu tiên đệm dương cầm cho ca sĩ Thanh Thúy biểu diễn rất thành công tác phẩm đầu tay Ướt mi của Trịnh Công Sơn. Có người cho rằng bài Phố buồn được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác chính trong giai đoạn này. Năm 1962, Khánh Ly bắt đầu sự nghiệp ca hát tại phòng trà Anh Vũ lúc mới 18 tuổi và chưa nổi tiếng.

                Phòng trà và quán cơm Anh Vũ thời gian đầu trở thành địa chỉ sum họp của giới nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn Sài Gòn thời đó. Có lúc Anh Vũ cũng tổ chức các hoạt động khác như là nơi tuyển chọn diễn viên như câu chuyện kể trên.

                Đến cuối năm 1962, do tình hình an ninh, chính phủ lúc đó ban hành giới nghiêm, không cho phép các vũ trường hoạt động nên quán Anh Vũ đóng cửa. Trước đó, từ một phòng trà thanh lịch, quán đã dần biến thành một vũ trường bình dân, mất đi hào quang thuở ban đầu và giới ca sĩ chuyên nghiệp không đến hát nữa nên khách vắng thưa dần. Quán cơm Anh Vũ và phòng trà Anh Vũ chỉ còn trong tâm tưởng lớp người sống ở Sài Gòn một thời đã xa, những người lớp tuổi bảy mươi và tám mươi. Họ hoài niệm nó, như trong một đoạn thơ không rõ tác giả: “Sài Gòn ta gởi cho em/Quán cơm Anh Vũ, phố đèn Tự Do/Nhớ em! Ôi, thuở học trò/Này đường Nguyễn Trãi, con đò Thủ Thiêm…”.

                Phạm Công Luận – trích Sài Gòn, chuyện đời của phố, tập 3
                \

                Comment


                • #9

                  Sài gòn chuyện đời của phố: Tiệm cho thuê sách, dấu ấn một thời



                  Sách cho thuê có sức cuốn hút rất lớn với dân Sài Gòn ghiền đọc sách - Ảnh: P.C.L

                  Ở Sài Gòn, không biết chắc khi nào có các tiệm sách, nhà sách cho thuê nhưng chắc chắn là trước 1954 đã có loại hình này rồi

                  Các tiệm cho thuê sách tồn tại song song với các nhà bán sách, đáp ứng rất tốt nhu cầu của người mê đọc sách nhưng ngân quỹ eo hẹp. Theo ước tính trên báo Thời Nay ra ngày 7.9.1974, đến thời điểm đó đã có khoảng 2 đến 4 ngàn tiệm cho thuê sách riêng ở Sài Gòn.

                  Trong một bài viết cũ thời blog còn phổ biến, một bác kể rằng trước phong trào di cư (tức năm 1954), việc cho thuê mướn sách đọc chỉ xuất hiện trước các cổng trường. Thuê bữa nay, ngày mai trả, giá chỉ vài cắc. Đến năm 1954, trên đường Nguyễn Kim có mở một tiệm cho thuê sách là dịch vụ chưa từng có ở vùng này. Tiệm cho thuê sách hiệu Thái Bình, do một phụ nữ người bắc trạc ngoài 40 làm chủ. Muốn thuê sách phải đặt tiền thế chân, khoảng 10 đồng một cuốn, tiền mướn 5 cắc.

                  Một tiệm cho thuê sách được cho là lâu đời có từ giữa thập niên 1950 tại Sài Gòn là tiệm Đức Hưng ở đường Trần Quang Khải, quận Nhứt. Tiệm này đáng nhớ vì có sáng kiến cắt các kỳ truyện kiếm hiệp của Kim Dung, Cổ Long, Từ Khánh Phụng đăng phơi-ơ-tông trên báo, đóng thành từng tập để cho thuê khi các truyện này chưa xuất bản thành sách, nên độc giả rất thích... Lúc đó, chỉ có khoảng 10 tiệm cho thuê sách ở cả Sài Gòn.

                  Tuy nhiên, tiệm cho thuê sách lớn nhất Sài Gòn có lẽ là tiệm Cảnh Hưng, ở đầu đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), có tới năm tầng lầu chứa sách. Chủ tiệm sách là ông Huỳnh Công Đáng, một người Việt gốc Hoa rất am hiểu về sách. Đến năm 1971, số sách ông cho thuê đã lên tới 20 ngàn cuốn, đủ các thể loại.

                  Ở Phú Nhuận trước đây có hai tiệm sách trên đường Nguyễn Minh Chiếu (Nguyễn Trọng Tuyển ngày nay) ngay khu chợ Lò Đúc. Tiệm Tân Dân cũ kỹ từ các dãy tủ kệ đến diện mạo từng cuốn sách giấy đen ngòm vì mồ hôi tay bao độc giả thấm qua sau bao lần đọc. Chủ tiệm là một phụ nữ lớn tuổi không lập gia đình gốc miền Bắc, luôn nở nụ cười có nét móm duyên như Đức Mẹ. Tiệm Toàn Hiệp có chủ nhân là hai vợ chồng già là dân có học cùng ba người con, ai cũng hiểu biết về sách. Anh Hai của tôi khoảng năm 1961 đang học Trường Sư phạm, mỗi buổi chiều đều phải ra sạp báo gần trường học Chánh Tâm cũ của người Tàu góc đường Trương Tấn Bửu - Nguyễn Minh Chiếu (Trần Huy Liệu - Nguyễn Trọng Tuyển) để mua báo có đăng phơi-ơ-tông truyện chưởng Kim Dung cho ba tôi. Sau đó anh vọt xe ra mướn sách ở hai tiệm trên. Rõ là nếu không thuê sách để đọc thì cả nhà tôi không thể xem được nhiều sách như vậy. Sách về mỗi ngày, từ các cuốn trong bộ Z.28 của Người Thứ Tám, truyện chưởng Kim Dung cho hai ông anh. Tiểu thuyết của Bà Tùng Long, Nghiêm Lệ Quân, Bà Lan Phương cho má tôi đọc khi ngồi sạp ở chợ. Tiểu thuyết Quỳnh Dao như Xóm vắng, Bên bờ quạnh hiu, Hải Âu phi xứ, Dòng sông ly biệt cho bà chị đang học Luật. Phần tôi thì đọc truyện tranh Lucky Luke, Xì trum, Lữ Hân Phi Lục và truyện trong tủ sách Hoa Đỏ, Hoa Xanh... Với tốc độ đọc như vậy thì mua sách là điều nan giải. Chỉ có đi thuê như mọi người.

                  Sau này, khi biết nhà ai có tủ sách lớn từ trước 1975, tôi biết họ thuộc gia đình trung lưu trở lên mới kham nổi. Sài Gòn tuy được nơi khác xem là thành phố mải mê “làm ăn”, “ăn chơi” thâu đêm suốt sáng nhưng nhu cầu đọc sách báo thì ai cũng biết là rất lớn và đặc biệt là giới bình dân thích xem sách xem báo không thua ai.
                  Loại sách nào được ưa thích nhất ?

                  Đó là truyện chưởng Kim Dung. Các bộ truyện của ông không có tác giả nào của VN so nổi về số lượng độc giả hâm mộ. Theo tác giả An Phong tường thuật trên báo Thời Nay, riêng bộ bảy tập tiểu thuyết kiếm hiệp Cô gái Đồ Long (sau này dịch tên chính xác là Ỷ thiên đồ long ký) của Kim Dung, tiệm Cảnh Hưng đã mua tới 100 bộ để cho thuê. Riêng các truyện khác như Tiếu ngạo giang hồ, Lục mạch thần kiếm, mỗi tựa mua trên 10 bộ. Xếp sau truyện chưởng là loạt tiểu thuyết gián điệp Z.28 của Người Thứ Tám. Xếp sau sách gián điệp, có lẽ khó phân loại cho chính xác. Tuy nhiên, căn cứ vào số lần mướn nhiều thì nhà văn Việt được đọc nhiều nhất là Duyên Anh, rồi đến sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn.
                  Tuy nhiên, có khi hạnh phúc của người này là nỗi đau của người kia. Giới nhà văn cho là mình đang bị xâm hại quyền lợi. Một nhà văn gọi đích danh nghề cho thuê sách, hay cho mướn sách tùy theo người gọi là “hút máu văn sĩ”. Một nhà văn khác in thẳng lên trang sách đầu tiên của mình, cuốn Giờ ra chơi, hàng chữ “cấm cho thuê”.
                  Đến năm 1971, ước tính tiệm Cảnh Hưng thu được mỗi tháng khoảng 150 ngàn đồng thời ấy, một số tiền lớn. Các tiệm cho thuê sách tồn tại đến năm 1975 thì chấm dứt. Lúc đó, ngành làm ăn này đã phát triển tới hồi thịnh nhất. Đến chiến dịch thu gom văn hóa phẩm chế độ cũ khoảng tháng 6.1975, các nhà bán lẻ sách và tiệm cho thuê sách của tư nhân ngưng hoạt động, sách bị thu gom.

                  Trên báo Tiền Phong ra ngày 24.6.1975, tác giả Kim Nguyên cho biết tiệm Cảnh Hưng đã nộp cho đội công tác sinh viên, học sinh Trường Trí Đức 36 ngàn cuốn sách các loại. Hai tiệm sách ở chợ Lò Đúc gần nhà tôi cũng bị dẹp. Lúc đó, người dân mới biết tiệm Tân Dân lâu nay chính là cơ sở hoạt động bí mật của chế độ mới.
                  Khoảng đầu thập niên 1990, loại hình kinh doanh cho thuê sách hoạt động trở lại và tồn tại cho đến ngày nay nhưng không còn trở lại thời hoàng kim như trước kia nữa.

                  Phạm Công Luận

                  (trích Sài Gòn, chuyện đời của phố, tập 3

                  Comment


                  • #10
                    đường mang nắng gió bốn phương

                    ĐƯỜNG MANG NẮNG GIÓ BỐN PHƯƠNG


                    Họa sĩ Bé Ký những ngày đi bán tranh dạo trên đường Tự Do thập niên 1960. Ảnh: Mạnh Đan

                    Đường Tự Do, ngày xưa gọi là Catinat và ngày nay có tên là Đồng Khởi. Không mấy ai biết người Hoa trong Chợ Lớn xưa kia gọi đường này là đường Phiên Y, vì ở đây có nhiều cửa hiệu quần áo của người phương Tây từ cuối thế kỷ 19 (Phiên: cách người Hoa gọi người phương Tây. Y: quần áo). Con đường này, từ khi còn mang tên Catinat cũng chính là nơi cạnh tranh mãnh liệt trong thương trường của người Pháp, người Hoa và người Việt, nhất là người gốc miền Bắc.

                    Lần giở cuốn sách xưa “Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ” (nhà xuất bản Thụy Ký 1924) của nhà báo lão luyện Đào Trinh Nhất, người đọc thấy rằng cho đến thập niên 1920 dân Sài Gòn xưa vẫn quen dùng hàng Tàu và của châu Âu nhập qua. Nhưng lúc đó người miền Bắc đã tìm mọi cách đem hàng thủ công nghệ xứ Bắc vào Nam và đường Catinat chính là chọn lựa số một, là nơi họ muốn bày bán hàng hóa xứ mình. Ông cho biết trước kia người Nam không thèm ngó tới the lượt của Bắc kỳ, nhưng từ khi có phong trào tẩy chay hàng người Khách trú (Hoa) sản xuất thì người trong Nam đã ưa dùng đồ Bắc. Ví dụ một cửa hàng the lượt tầm thường nhất ngoài Bắc cũng có thể bán vào Nam 3, 4 vạn bạc, và các nhà sản xuất khác khi hỏi họ sản xuất để bán cho ai thì 9 trên 10 nhà đều bảo bán vào Nam. Đó là chưa kể đồ đắt tiền như khảm xà cừ, đồ gụ...thường bán cho Tây ở ngoài Bắc nhưng vào Nam đều rất chạy do người Nam có “đức xài tiền”, hàng quý mấy nếu đã thích cũng dám mua. Chính vì vậy, các mặt hàng từ các nguồn khác đã bị cạnh tranh và ảnh hưởng doanh thu. Trước kia dân Sài Gòn dùng vải mùi xám của Hoa kiều dệt tại chỗ, nhưng khi người Bắc vào mang theo vải ta và hàng tơ lụa thì họ dùng luôn. Hoặc trước kia người Nam dùng ghế mây gọi là ghế Tô-nê (chaise Thonet) thì sau đó dùng ghế Bắc. Trước kia dùng giày cườm thì sau đó dùng giày Hạ. Do đó mới có lần ông thấy trên đường Catinat đem bày một dãy ghế mây, có treo mấy cái chữ “Fabrication locale” (đồ chế tạo trong xứ) nhìn kỹ thì thấy cái thì mây thô, cái thì khuôn méo, rõ là của người Bắc chế ra, sao mà bày ra mà viết chữ như vậy, có ý chiêu hàng hay bêu xấu...

                    Tuy nhiên, tác giả lo cho người Bắc khi vào Sài Gòn làm ăn: “họ vào trong ấy thì sinh ra ăn chơi quá, thường chiều mát ở Sài Gòn ta thấy bọn người lũ năm lũ ba, ăn mặc rất mực xa hoa, xe cao su phóng khắp mọi chỗ, hỏi ra thì mới biết đấy là mấy ông thợ người Bắc...” Hoặc có khi cạnh tranh lẫn nhau. Ông kể chuyện ở phố Catinat, có nhiều cửa hàng bán mũ của người Bắc, trong đó có ông A. và ông B. cạnh tranh nhau một cách con nít thái quá. Khi có loại dạ lợp mũ bên Tây mới qua vài trăm mét, giá cao, ông B. ít vốn nên mua dăm mét trong khi ông A. giàu có mua hết sạch để ông B. không còn mà mua, không thể làm ra loại mũ cùng loại dạ ấy nữa. Đó là điều không tốt khi công nghệ của người Bắc mới nhóm lên ở Sài Gòn. Chưa kể là những chuyện cạnh tranh khác với nhau như giành thợ giỏi trong khi đó thực sự cửa hàng của người Bắc chưa nhiều. Và điều ông phàn nàn là tại sao chỉ thích thuê mướn ở phố Catinat giá tới 100 đồng, có khi lên tới 200 đồng và có khi tranh nhau, cuối cùng đẩy giá lên cao. Ông khẳng định: “Nào có nghĩ đâu rằng: hàng Bắc muốn cho ai nấy đều biết đều chuộng, chẳng cần gì lấy phố Catinat làm chỗ chiêu hàng mới được, mà chỉ nên chiêu hàng ở chỗ buôn bán thật thà, hàng hóa tốt và rẻ mà thôi, thì trong thành phố Sài Gòn, không thiếu gì chỗ cũng tốt và rẻ tiền hơn: như những phố Charner (Nguyễn Huệ), Pellerin (Pasteur), Espanel (Lê Thánh Tôn) và Amiral Courbet ( Nguyễn An Ninh).v.v…”.

                    Câu chuyện dông dài trên được trích dẫn để thấy phần nào sinh hoạt buôn bán của người Việt, nhất là từ miền Bắc đưa hàng vào bán mà con đường Catinat đã chứng kiến dưới những tàng cây của mình. Tuy nhiên, đó là câu chuyện thập niên 1920. Từ thập niên 1940 trở về sau, người Việt đã đứng chân nhiều cửa hàng ở phố Catinat, trước khi người Pháp rút về nước năm 1954. Có rất nhiều tiệm may âu phục, đầm, tiệm bán vải, tiệm chụp ảnh trên con đường này và trên các nhánh đường gần đó như d’ Ormay (Nguyễn Văn Thinh, nay là Mạc Thị Bưởi), Amiral Dupré (Thái Lập Thành, nay là Đông Du)... hầu hết của người gốc Bắc. Người gốc Hoa vẫn chiếm nhiều vị trí cửa hàng tạp hóa trên đường d' Ormay.

                    Anh Tấn Thành, một thầy giáo sống từ nhỏ trên con đường Amiral Dupré, nay là Đông Du kể: “ Khi tôi sinh ra năm 1962, đường Catinat đã đổi tên thành đường Tự Do. Đó là một con đường có thể là lộng lẫy nhất Sài Gòn dù không lớn như đường Thống Nhất (nay là Lê Duẩn), hay Nguyễn Huệ. Nhưng ở đó có những cửa hiệu đẹp nhất, dùng kính bóng loáng, ốp đá sang trọng...Suốt những năm tuổi nhỏ và bước vào tuổi thanh niên, tôi gắn bó với con đường này bằng những kỷ niệm rất riêng tư. Đó là những buổi đi bơi ở Hồ tắm Tự Do phía gần bến Bạch Đằng, gần quán cơm nổi tiếng Bà Cả Đọi, đối diện Khách sạn Grand góc đường Tự Do - Ngô Đức Kế bây giờ. Cái hồ đó dài tới 25 mét, rộng 10 mét, lát gạch men trắng, sâu tới 3 mét và nay đã không còn. Từ đường Tự Do, có một con hẻm kế bên cửa hàng bán đồ mỹ nghệ của hãng Thành Lễ đi xuyên qua đường Nguyễn Huệ. Trong hẻm có một rạp hát nhỏ gọi là rạp Catinat,có bán bún thịt nướng, hột vịt lộn và nơi lui tới của mấy bà chị đang tuổi nữ sinh. Còn đám trẻ như anh em tôi thì thích ra trung tâm thương mại Sài Gòn Departo, góc Tự Do và Thái Lập Thành. Đây là tiệm bách hóa có thể nói là đẹp nhứt Sài Gòn hồi đó, bán hàng mỹ nghệ Việt Nam, hàng nhập cảng từ Nhật. Đồ đạc trong đó có nhiều nhiều thứ hấp dẫn lắm, nhưng cuốn hút với đám con nít nhất là trong đó có một tủ bán kẹo tự động. Bỏ đồng xu vào là có thể mua kẹo, đồ chơi. Kế bên Sài gòn Departo là một tiệm Cafeteria, loại hình cà phê tự phục vụ còn rất lạ lẫm lúc đó nhưng đầy hứng thú với các anh chị của tôi. Ở đó có một cái máy nghe nhạc tự động, muốn nghe cũng nhét vào đồng xu, máy sẽ chớp đèn nhấp nháy để báo hiệu chọn bản nhạc. Kế bên là mấy cái tiệm bán vải của người Bắc là Tô Châu, Hàng Phong và Tân Cương. Kế bên là photo Long Biên, tiệm ảnh rất nổi tiếng thường quảng cáo trên báo. Công viên Chi Lăng bọn trẻ gọi là “Vườn bông cao” thường xuyên ra đó đá banh. Ở đó năm 1972 có tổ chức ca nhạc nhân ngày “Quốc Khánh”, tức là ngày lật đổ ông Diệm, có ca sĩ Elvis Phương đến hát. Họa sĩ Bé Ký lang thang trên con đường này bán tranh khi tôi còn nhỏ, có nhiều lần bị cảnh sát đuổi khi bày tranh trên vỉa hè Thái Lập Thành, bên cạnh nhà hàng Tự Do và đã nhiều lần gia đình tôi chứa giúp tranh của cô, thậm chí còn mua cho cô hai bức nữa.”


                    Cửa hàng mỹ nghệ Thành Lễ trên đường Tự Do. Ảnh: Phùng Trực.

                    Bây giờ khi viết về đường Tự Do ngày xưa, người ta nhắc nhiều về hai quán Givral hay Brodard này cùng với quán La Pagode, góc đường Lê Thánh Tôn – Tự Do, những cái quán nay đã biến mất. Tuy nhiên đối với dân Sài Gòn khu vực này, những cái quán đó dành cho khách vãng lai, dân sống ở đó không mấy khi vào đó ngồi. Chị Dung, con dâu của nhà may nổi tiếng Phúc Lợi ở đường Pasteur, chị đầu của anh Thành kể rằng chị và các bạn cùng lứa chưa từng vào những cái quán đó dù là đã trưởng thành, lập gia đình từ giữa thập niên 1960. Giá cả ở đó không hề rẻ. Anh Thành kể: Tiệm Brodard là dành cho dân nghệ sĩ, cho giới trẻ nhà khá giả, nhưng cũng có chỗ dành cho con nít. Phía ngoài, chủ tiệm để một tủ kem bán loại kem Ba màu rất ngon hương vị châu Âu, có kem vanilla, chocolate gói trong giấy. Giá loại kem này khá mắc và chú bé Thành phải để dành tiền quà vặt nhiều ngày mới đủ tiền mua một gói kem 100 đồng, lúc đó tiền 500 đồng màu xanh hình ông Trần Hưng Đạo là tiền mệnh giá lớn nhất. Nếu không thì ăn kem ở tiệm Givral cũng bán ở cái tủ bày phía ngoài, dạng kem cornet có cái bánh hình chóp nhọn, hoặc có loại bánh hình hai cái nắp hộp tròn, kem được gắp vào và úp lại. Đó là những loại kem với nguyên liệu cao cấp ngoại nhập rất ngon, và không thể quên cảm giác đi dọc vỉa hè thưởng thức hương vị bánh xốp thơm và kem lạnh béo.

                    Cuộc sống đường Catinat đậm dấu ấn người Hoa kiều, nhất là đường Nguyễn Văn Thinh (Mạc Thị Bưởi). Thỉnh thoảng trên đường thấy một ông Tàu đội nón cời-lối, xách một thùng sắt tây có sợi dây móc trên vai, bán bò bía ngọt mà lũ nhỏ mê tít. Ở đường này có một bà Xẩm bán giấm hay ăn gian, thường pha nước vào giấm. Khi chiết ra cho khách, phần nước nặng sẽ xuống trước, phần giấm nhẹ nổi lên nên xuống sau.. Mẹ Thành luôn dặn khi đi mua nhớ nhắc bà Xẩm lắc cái hũ trước khi rót để phần giấm có nhiều hơn. Giữa đường Nguyễn Văn Thinh có tiệm nước nổi tiếng cũng của người Hoa tên là Nam Quang (nay là trụ sở Ngân hàng Agribank). Dân quanh vùng thích đến đó uống cà phê, ăn hủ tíu bò viên và ai cần thì mua thuốc bắc ở tiệm Tồn Tâm Tế gần đó. Cà phê ở tiệm Nam Quang bán cho khách được đổ vô dĩa. Do quen giao dịch với Tây, ba của Thành đòi chủ tiệm rót ra ly thủy tinh để uống còn chú bé Thành ăn bánh hạnh nhân. Trong tiệm còn đặt một xe bán bò viên của người Tàu, bánh croissant nhưng nhân bên trong có hột gà. Xe mì góc Nguyễn Văn Thinh - Hai Bà Trưng có những hình vẽ tranh kiếng tích tuồng Tam quốc, Thủy Hử có từ nửa thế kỷ trước cho đến giờ vẫn tồn tại. Có lần, Thành thấy vị giáo sư âm nhạc người Việt nổi tiếng thế giới đến ăn, có mang theo một chai đựng mù tạc vàng để dùng với mì, có lẽ ông nhớ kiểu ăn mì hồi xưa. Đường Tôn Thất Thiệp vẫn còn tiệm hủ tíu Thanh Xuân hẹp té với bề ngang hai mét, bảng hiệu cũ kỹ vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt nửa thế kỷ. Đường Nguyễn Văn Thinh còn có tiệm Peacock (con công) bán đồ “lâm vố” (rabiot) ăn rất ngon, không phải đồ ăn thừa của khách đã dọn ra, mà là thức ăn nấu trong bếp nhưng tiệm vắng khách nên còn dư, bán rẻ trong ngày, bỏ hộp đàng hoàng. Món ngon trong số đó có bò lúc lắc và một loại cơm chiên giống cơm chiên Dương Châu nhưng vị bơ.


                    Góc đường Tự Do - Nguyễn Văn Thinh (Đồng Khởi - Mạc Thị Bưởi) năm 1962. Ảnh: Jeff Kaufman

                    Mùa hè năm nay, tôi và anh Thành đi lại con đường Tự Do, đổi tên thành đường Đồng Khởi gần bốn mươi năm nay. Con đường vẫn là con đường sang trọng, đẹp gợi cảm như bao lâu nay, vẫn là con đường xứng đáng được ca ngợi như trong một cuốn sách năm xưa:“…với những tầng nhà cao chót vót của một thành phố tân tiến, những của hàng mỹ thuật, những lớp người trẻ tuổi tấp nập đi lại, con đường chan chứa cái tưng bừng và náo nhiệt của một dân tộc tiến bộ…” (Lịch tài liệu 1959 Kỷ Hợi). Niềm tự hào xa xưa ấy vẫn tồn tại cho đến giờ. Người đi cùng miên man kể: “Có những buổi đi dạy qua con đường này vào buổi chiều, tôi nhớ lại những buổi chiều năm 1972 khi tôi lên mười. Khi sắp đến giờ cơm, tôi nắm tay bà vú nuôi tên là bà Ba Bàng, một người phụ nữ nhà quê xứ Bắc theo mẹ tôi vào Nam hồi còn trẻ. Bà không có gia đình, chăm sóc chín anh chị em tôi với một tình thương giản dị, chân chất. Những buổi chiều đó, bà dẫn tôi ra depot nước đá (hiện nay vẫn còn) của một bà người Tàu tên là bà Nhì trên góc đường Phan Văn Đạt – Nguyễn Văn Thinh để mua nước đá, đổi vài chai nước ngọt và bia cho bố tôi nhâm nhi. Lần nào cũng vậy, sau khi lấy đủ nước đá, bia và nước, bà lẳng lặng lấy ly rượu trắng nhỏ do bà Nhì rót sẵn đưa lên miệng uống một hơi, xong lau miệng và ra về. Tôi lủi thủi đi theo bà, luôn thắc mắc vì sao bà thích uống thứ nước cay sè ấy. Bà dặn tôi giấu chuyện này với cả nhà tôi, vẫn cứ uống chút rượu mỗi ngày cho đến ngày già yếu, xin vào chùa tu và mất. Sau này lớn lên, tôi lờ mờ hiểu rằng đó là niềm vui riêng tư và có thể là duy nhất của bà, giữa chốn phồn hoa đô hội mà bà đang sống. Cả hai hoàn toàn không ăn nhập với nhau. Bà luôn nhớ xứ Bắc của bà và luôn thờ ơ với khung cảnh náo nhiệt sang trọng chung quanh”.

                    Hình như phía sau vẻ đẹp của một con đường phồn hoa luôn có một nỗi buồn, của một mảnh đời không vui. Tôi nhớ giọng hát cũ của nhạc sĩ Trần Văn Trạch: “ Trời khuya vui bước trên đường Catinat / Người đi còn năm ba khách không nhà / Ngàn mây sao chiếu trên trời đầy mơ / Hàng cây lặng im nghe gió dưới trăng mờ. Còn kia vài ba búp bê đang nhìn / Ngồi im và vương mắt trông ra mơ hồ / Tình duyên say đắm trên lầu đèn che / Tỉnh mê còn ai đang đứng bên lề…”. Con đường này tôi cũng đi qua nhiều lần, duy một lần hồi nhỏ theo ông anh vào Brodard, và lang thang không biết bao lần đi ăn uống, mua sách, xem tranh từ khi bắt đầu đi làm, khi tiệm Givral và Brodard chưa đóng cửa. Nhưng tôi cảm thấy con đường này chưa bao giờ thuộc về ai. Con đường huyền thoại này đã dan díu với bao tâm hồn tha hương từ bốn phương trời, hơn một trăm năm nay rồi.

                    Phạm Công Luận


                    Tuổi Trẻ xuân Bính Thân 2016
                    (trích Sài Gòn, chuyện đời của phố tập III)

                    Comment


                    • #11
                      LANG THANG TRÊN THÀNH PHỐ XƯA


                      Ngôi nhà ở Lái Thiêu của Lý Thân lúc nào cũng đông khách. Từ sáng tới tối, khách ngủ lại hoặc ghé ăn cơm rồi đi. Có những người ăn dầm nằm dề hàng tháng trời rồi có lúc một buổi sáng thức dậy, không còn thấy họ ở đó nữa. Người trong xóm gọi cha của Thân, ông Hai Vững, là ông Mạnh Thường Quân, lấy tích trong truyện Tàu. Ai cũng kính nể ông vì tính hào sảng, và sống kiểu hào sảng như vậy thì tốn kém lắm. Cho dù ai cũng biết thân phụ của ông Hai Vững là bang trưởng Triều Châu ở Lái Thiêu rất khá giả và có uy tín trong dân chúng ở vùng đất nhiều cây trái này.

                      Lý Thân không để tâm nhiều đến chuyện đó, chỉ biết rằng mình có rất nhiều ông chú tuy không ruột thịt nhưng ông nào cũng thương chú bé nhỏ nhắn con chủ nhà. Từ đó, Thân có nhiều chuyến đi chơi với mấy chú, mà mãi nhiều năm sau này vẫn không quên được. Nhiều nhất vẫn là những chuyến đi về Sài Gòn.

                      Đó là câu chuyện trước năm 1954.

                      Những năm đó, Lý Thân không nhớ đã lang thang bao lần trên cái thành phố phồn hoa này. Người ta nói “Sài Gòn hoa lệ” - hoa cho người giàu và nước mắt cho người nghèo. Dù sao, Thân cùng mấy chú chỉ là khách nhàn cư vãng lai nên chẳng bận tâm làm chi mấy chuyện đó cho mất vui. Đến Sài Gòn, anh thanh niên mới lớn thấy choáng ngợp ngay với cảnh nhà đông xe nhộn nhịp, sau đó dần quen và thấy thích cuộc sống ở đây. Sài Gòn lúc đó còn thông thoáng lắm so với bây giờ, nhưng đã quá vui với chú bé nhà quê. Xe cộ chạy qua lại như mắc cửi. Xe do người phu đội nón lá chân đất kéo chạy thình thịch giữa trời trưa nắng. Xe ngựa kéo, bò kéo đi lóc cóc ngoài đường phố trung tâm gần chợ Bến Thành, bên cạnh chiếc xe hơi bóng loáng của mấy ông Tây. Có xe ngựa chỉ chuyên chở hàng, không có mui bên cạnh xe ngựa chở khách thanh mảnh, dáng đẹp có mui kín mít. Có cả xe kéo tay chở hàng với thùng xe rất to, vừa có càng phía trước để kéo vừa có chỗ để mấy người phía sau đẩy đi, loại xe tải bằng sức người của mấy ông người Tàu đội nón cời lối rộng vành chóp nhọn. Có những chiếc xe đẩy nước ngọt đóng chai đi qua đi lại bán cho khách. Hai bức tượng cô đầm trước Nhà hát Tây nhìn cao ráo thanh mảnh hơn hai bức tượng phục chế hiện nay. Đàn ông lịch sự bận bộ đồ bà ba trắng lụa lèo, đầu đội mũ phớt và chân mang guốc, rất ít thấy người bận áo dài khăn đóng trừ ở chỗ có đám tang. Phụ nữ thời đó nhiều người bận áo dài đen. Nhiều người thích trùm khăn trên đầu, cả nam lẫn nữ khi trời nóng nhất là ở ngoài chợ. Hầu như không thấy mặc quần ngắn, trừ các ông Tây với quần sọt lửng. Lý Thân thích nhìn những biển quảng cáo ngoài trời ai vẽ to đùng mà sắc nét, không bị méo mó: quảng cáo La-de Larue và giày của hãng Bata là nhiều. Ở bến Bình Đông, người ta chở dừa, chuối và sản vật miệt Lục tỉnh lên Sài Gòn bán không khác gì bây giờ. Sông đã có bờ kè bằng xi măng dốc thoai thoải xuống.


                      Nhà hàng Givral từ năm 1946 Tây trở qua đã mở cửa trở lại. Năm 1950, ông chủ Givral cho bày bàn để khách ngồi ngoài hàng hiên, mở rộng không gian cho nhà hàng vốn chỉ để được dăm bàn ăn. Một ông chú dắt Thân đến đây, nhưng chỉ dám đãi thằng cháu món yaourt là thứ rẻ nhất. Yaourt lúc đó có vị hơi lạt, chủ quán để sẵn một hũ đường, ai thích ăn ngọt thì thêm. Có lúc ngoài vỉa hè hết chỗ thì ông chú làm gan đẩy cửa bước vào trong. Ghế ngồi trong quán Givral lúc đó cũng là ghế gỗ bình thường, không có nệm như sau này, không có máy hát cho khách nghe. Đa số khách là lính Tây, vài ông bận complet trắng.

                      Uống nước xong cả nhóm lại đi chơi tiếp. Trong nhóm của Thân có một chú rất diện, thắt cravate mặc complet nhìn như một ông chủ hãng. Ông chú này thích la cà ngó nghiêng chỗ này chỗ kia, thích vào hiệu sách Portail (tiệm sách Xuân Thu sau này), nhưng khi có ông Tây nào đến đứng gần là chú bỏ đi ngay. Thân có lần hỏi thì chú trả lời: “Đứng gần, nó hỏi tiếng Tây mà không biết trả lời thì mắc cỡ sao mậy!”.

                      Vào nhà sách Portail xem sách cho vui thôi chứ sách mắc lắm, không mua nổi. Thân ngạc nhiên khi thấy ở tiệm người ta bày bán nhiều ấm trà không có nắp, hỏi ra thì đó không phải ấm trà mà là... bình vôi ăn trầu. Cho đến giờ, ông già Lý Thân của sáu mươi năm sau vẫn tủm tỉm cười nhớ cái bình vôi rất bình dân được bán trong một nhà sách của Tây sang trọng như vậy. Nhưng vào Portail cũng khá thú vị khi xem những bức ký họa vẽ tranh về Nam kỳ của ông Henry Meige, họa sĩ người Pháp. Ông vẽ những hình ảnh rất gần gũi đời thường, như cảnh một góc khách sạn Continental gần đó, người đánh giày trên đường phố Sài Gòn...

                      Đi dạo chợ Sài Gòn thì có thể nhận ra những tiệm của người Bắc đóng giày trên đường Lê Thánh Tôn và tiệm vàng Nguyễn Thế Tài ở mặt Lê Thánh Tôn phía sau chợ. Tiệm vàng Nguyễn Thế Tài nổi tiếng có cuộc thi thơ rất hấp dẫn mà Thân nhớ mấy câu thơ đã đọc trong báo Mới của ông Phạm Văn Tươi. Thơ kể rằng có bà nhà giàu kia có cô con gái, bà muốn gả chồng cho con nhưng con gái kén chọn lắm. Ai ngờ anh chàng người hầu trong nhà khôn ngoan, sắm tặng cô nữ trang nhà Nguyễn Thế Tài. Thế là cô ưng thuận trước sự ngỡ ngàng của bà mẹ, “là vì vàng đúng tuổi mười. Lòng cô cảm nghĩa ơn người biết bao. Tình yêu cô bỗng thấm vào”. Mỗi bài thơ đăng trên báo Mới ca ngợi nữ trang bằng vàng của nhà Nguyễn Thế Tài sẽ được trả 50 đồng. Chiêu quảng cáo này hấp dẫn dân thích văn chương lắm và nhờ vậy vàng Nguyễn Thế Tài luôn đông khách.

                      Lúc đó, có nhiều người Ấn sống khu đó. Người Ấn gốc Bombay chuyên cho vay lấy lãi và bán vải, còn những người Hạch chuyên thức đêm làm gác cửa, gác tiệm buôn. Nhóm người Hạch có làn da ngăm đen giống người Ấn, có gốc Hồi giáo và làm nghề gác cửa thì rất cần mẫn. Mấy ông chú kể là họ chỉ giỏi nghề gác cửa, chuyển sang nghề khác thì dở ẹt nên có câu “Dở như Hạch”. Sau này, Thân biết Hạch có nghĩa là Hadj, đứng đầu tên của họ, nghĩa là “hành hương” trong tiếng Á Rập, nhắc đến mơ ước một đời là hành hương đi thánh địa Mecca. Và ai có chữ Hadj đứng trước tên nghĩa là đã đến Mecca rồi.


                      Dân Ấn góp cho ẩm thực Sài Gòn xưa mấy món ăn mà Thân không quên. Đi xuống mé Đa Kao, phía Cầu Bông gần rạp Văn Hoa Đa Kao sau này có một tiệm bán cơm cà ri của người Ấn rất ngon. Ngay một góc quán, một ông Ấn khác thuê một góc bán cà phê, bán cà ri, cơm nị, bánh cay, bánh rế. Bánh cay không phải là loại bánh bằng bột mì vắt trong nắm tay, chiên trong chảo mỡ thành một loại bánh dài, nhỏ nhắn và cay như sau này. Bánh cay đây là loại bánh hơi giống bánh xèo đỗ dày hơn, to cỡ cái bánh patéchaud, bằng bột mì, có nhân thịt, củ hành, ớt, đậu xanh... chiên lên có vị cay và hơi chua, rất ngon nếu ăn với cà ri gà, cà ri dê. Ông chỉ bán từ trưa đến chiều, rất đông khách. Còn cơm nị thì cơm có trộn dầu, bơ, sữa, ai không thích béo thì khó ăn vì ngậy. Còn nếu không thích thì đi ăn bánh cuốn có trứng vịt chiên cuộn bên trong rất ngon và béo.

                      Năm nay đã hơn tám mươi tuổi, chàng trai Lý Thân ngày nào vẫn sống ở quê nhà Lái Thiêu, thỉnh thoảng đi Sài Gòn thăm con trai lớn sắp về hưu sống ven thành phố. Ông đi đâu cũng gặp kỷ niệm. Nhớ có lần đi xe điện gần ga Arras tức đường Cống Quỳnh ngày nay, ông nhảy tàu suýt té chết. Tiệm Givral ông từng ăn yaourt nay đã không còn. Saigon Departo, nơi ông mê mẩn mấy bộ tách trà Nhật hiệu Arita cũng không còn. Xe điện không còn. Hiệu sách Portail không còn. Tiệm vàng Nguyễn Thế Tài không còn. Nhớ có lần ông nhờ đứa cháu làm nghề báo vô Chợ Lớn tìm mua cho ông cái nón cời lối đan bằng tre, chóp nhọn vành rộng của người gốc Hoa mang qua, nhưng nó đi mấy ngày không tìm ra. May mà có thể thấy cái xe kéo tay trong bảo tàng bến Nhà Rồng. Ông nghĩ chắc chỉ có mỗi mình và vài ông bạn già ở miệt Lái Thiêu lẩn thẩn khi nhớ về Sài Gòn qua những hình ảnh đó. Chứ người ở Sài Gòn bây giờ có khi chỉ thích xây nhà cao có kính bóng loáng bán thật nhiều hàng, cho thuê nhiều tầng mà thôi.

                      Phạm Công Luận


                      Ảnh: T.L internet.

                      Comment


                      • #12
                        ·

                        QUÀ VẶT

                        “Hồi nhỏ ăn cái gì cũng ngon”. Câu nói thường nghe của nhiều người dù cao lương mỹ vị năm châu bốn bể họ ăn được nhiều. Câu nói đó là chân thành, không phải làm dáng. Nhưng khi những món ăn hồi nhỏ bày ra trước mắt, chắc hầu hết sẽ nếm thử rồi lắc đầu. Điều đó chẳng khác nào gặp lại người một thời ta từng yêu tha thiết, nhưng rồi lại hối tiếc“biết vậy không gặp thì hơn!”.

                        Như vậy, những món yêu thích hồi còn nhỏ ta ăn không chỉ bằng lưỡi, bằng miệng mà bằng cả tâm hồn, cảm xúc và tất nhiên bằng cả nhu cầu của một cơ thể đang lớn. Cái bánh nào ngon bằng bánh mẹ cho ta khi mới đi chợ về, được gói trong lớp giấy điều mỏng thấm loang vết dầu từ vỏ bánh. Chén cơm nào ngon bằng chén cơm ấm nóng trong một chiều mưa, sau một trận đá banh ngoài bãi cỏ gần nhà. Lúc ấy cơm ăn với cá, thịt, trứng chiên hay ba khía đều ngon. Ôi, những cảm giác ẩm thực tuyệt vời nay không còn nữa. Bây giờ, những câu hỏi lẩn quẩn trong đầu khi ngồi trước bàn ăn thường là: nó có quá béo không? Có mặn quá không? Có nhiều đường quá không? Liệu có làm nặng dạ dày không?... Rồi sau khi tự trả lời xong các câu hỏi, ta bắt đầu ăn bằng thái độ chậc lưỡi làm liều hay tự tin vì đã tự thẩm định hàm lượng của chúng. Mệt quá nhỉ?

                        Nhớ hồi nhỏ, trong xóm tôi có một gia đình gồm ông bà cụ già người Bắc. Hai ông bà đều mập mạp, sống kín đáo và khó tính. Phục vụ ông bà là một chị lớn tuổi không chồng tên là Vinh, có lẽ là cháu họ. Chị Vinh tính vui vẻ, hay cười hay nói. Dù rất ngán ông bà cụ, chúng tôi vẫn thích chơi với chị Vinh và thường dòm ngó cây khế chua nhà ấy. Thật ra, khế chua thì khó ăn, có nhặt được mang về thì chỉ có mấy bà chị khoái thôi chứ đám con trai chẳng mê. Nhưng Ô mai khế (lũ con nít xóm tôi biết cái từ Ô mai là qua chị Vinh) thì ngon tuyệt. Món này chị làm khá đơn giản, không tốn kém. Khế chua xắt ngang ra từng lát mỏng hình sao, chị sắp đầy mặt một cái mâm nhôm xong rắc muối bột lên rồi đem phơi trên mái bếp. Dưới cái nắng Sài Gòn vàng rộm, chỉ cần qua vài lần phơi cũng đủ để những lát khế sẫm màu lại thành nâu, sau đó khô cong. Đến lúc giở mâm, chị ra đứng trước nhà, ngó hai đầu xóm xem có đứa nào đứng gần đó bèn ngoắc lại. Chúng tôi chạy ù đến xem chị bóc ra từng mảng khế dính nhau, chia mỗi đứa một bụm tay xong còn bao nhiêu chị cất vào keo. Bọn tôi bụm tay ù về nhà, chưa kịp ăn mà nước bọt đã ứa chân răng. Ô mai khế thơm mùi nắng, khô cong và chua chua, mặn mòi nhưng nhai sừn sựt trong miệng lại cảm giác có vị ngọt. Đến giờ, cảm giác ấy vẫn còn đọng lại, và tôi chưa thấy lại món Ô mai khế đơn giản ấy lần nào nữa.

                        Những năm tuổi 16, 17, cả nước khó khăn, bọn con trai tuổi ăn tuổi lớn như tôi lại ham đá banh nên lúc nào cũng thèm ăn. Khác với trẻ miền quê, ở Sài Gòn trẻ nít hay được phát tiền ăn. Thế là trưa nào tôi cũng rinh về một nải chuối bom. Thứ chuối này lạ, hồi nhỏ tôi không hề thấy mà chỉ biết có chuối già màu xanh ăn rất thơm, chuối sứ ngọt lịm nấu chè hay làm chuối nướng thì ngon, hoặc chuối cau vàng màu hoa cúc, ngọt, nhỏ trái và có mùi thơm đặc trưng. Chuối bom nghe đâu trồng nhiều ở miệt Long Khánh, trong các hố bom nên tên gọi như vậy, ăn ngọt nhưng không thơm, rẻ rề. Bây giờ chúng lại biến mất và những thứ chuối tôi thấy hồi nhỏ thì xuất hiện lại, đâu cũng có. Mỗi ngày tôi quất một nải chuối, chơi đá banh chán chê rồi ăn thêm kẹo đậu phộng, bánh tráng nướng, những món của con nhà nghèo, xong quất cả năm chén cơm với mắm ruốc xào thịt mà thấy sướng lạ. Ăn vậy mà vẫn còm nhom và cao nhòng.

                        Lâu quá cũng không thấy những củ ấu đen. Những củ ấu trông tựa như bộ râu mép của một ông Tây sành điệu trong cuốn phim nào đó. Vợ tôi người miền Trung nên không mấy khi ăn để nhấm nháp cái nhân màu trắng của nó. Còn tôi, khi đưa lên miệng cắn, mùi củ ấu của tuổi thơ hiện về, cái mùi ngai ngái của loại củ sinh ra dưới bùn, dưới nước, nhân bùi và mát, không quá cứng và ngọt. Ăn củ ấu lại nhớ củ năn, cũng có vỏ đen, nhân trắng. Củ năn gọt ra bày trên dĩa, ăn giòn, ngọt và có mùi thơm riêng, hơi giống củ sắn (củ đậu) nhưng cứng hơn, vị sắc hơn. Ăn củ ấu cũng nhớ đến những hột mít, hột sầu riêng. Những hột mà ngày nhỏ, con nít nhà nghèo thường để dành đưa cho chị, cho mẹ luộc thành món ăn chơi rất thích. Thật thân thương khi nhớ lại đứa em gái nhỏ tròn quay của tôi. Mỗi buổi chiều ăn cơm xong mẹ cho một chén hột mít luộc, để nguội. Nó mang ra một góc tường khuất, say sưa bóc từng hột, say mê ăn đến hết sạch cả chén. Còn tôi mê ăn hột sầu riêng luộc vì thơm hơn, bùi và ít bột nên ít khô hơn.

                        Những năm sau này, cả nhà tôi không ai thèm ăn hột mít, hột sầu riêng. Ăn xong trái, hột gom lại đem đổ. Lúc nào nhìn chúng bị bỏ vào thùng rác, tôi cũng thấy tiêng tiếc dù biết có giữ lại luộc mình cũng chẳng ăn được bao nhiêu. Thỉnh thoảng lại thấy những món ăn tuổi nhỏ của mình xuất hiện và phổ biến ở một vùng đất nào đó. Ở Quảng Châu, tôi thấy lại những cái kẹo hồ lô gồm trái cây bọc đường ghim vào một que tre mà tôi từng mê tít từ chiếc xe đạp của một ông già Tàu thường vào xóm. Ở Thượng Hải là khoai lang nướng thơm lừng. Ở Osaka là món kẹo bông gòn đựng trong những cái bao lớn và cả xi rô đá được phát trong một hội chợ đông vui nữa.

                        Khi nào cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống bon chen này, muốn trở lại cái thời con nít ngây ngô và trong trẻo, tôi lại đến trước một cổng trường tiểu học và… đứng ngó. Ở đó luôn có một chú bảo vệ (từng là nỗi ám ảnh của tôi suốt những năm tháng tuổi thơ), một cái trống to đùng báo giờ ra chơi, vào lớp và chắc chắn có cả một đội ngũ bán hàng rong trước cổng trường. Lại là những trái cóc gọt vỏ ngâm nước tỉa hình cái bông, miếng xoài tượng xanh quệt mắm ruốc, cái bao kẹo bông gòn, miếng me tẩm đuờng, khoai mì luộc có dừa nạo và muối đậu… Nếu có con, mình sẽ không cho chúng mua nhưng khi mình ra về, chúng sẽ chen nhau, thò tiền qua cánh cổng sắt, mua và nhâm nhi để cảm thấy sung sướng y như mình thuở nhỏ.

                        Dù sao đó cũng là một phần làm nên tuổi thơ của chúng ta, những món quà vặt…

                        Trích trong cuốn NHỮNG LỐI VỀ ẤU THƠ (Phạm Công Luận - Đặng Nguyễn Đông Vy)

                        Ảnh: Nguyễn Đình

                        Comment


                        • #13
                          KIẾM SỐNG Ở SÀI GÒN TRƯỚC 1945

                          Năm 1941, một thanh niên gần tuổi đôi mươi ở làng Hướng Phương, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình vừa thi đậu Sơ học yếu lược xong. Lúc đó, trong làng của anh, một số người nhắc đến Sài gòn, thành phố phương nam xa xôi, là nơi dễ làm ăn, dễ kiếm tiền và hấp dẫn với nhiều thú vui. Anh quyết định lên đường khám phá Sài Gòn. Trong suốt hai năm ở lại thành phố này dưới thời Pháp thuộc, anh va chạm với đủ người tốt kẻ xấu, học được những bài học về giá trị của công sức lao động, giá trị của sự trung thực...
                          Dưới đây là một đoạn hồi ký của người thanh niên năm xưa. Đọc lại phần hồi ký này, ta có thể hình dung phần nào cuộc sống, sinh họat, không khí làm ăn cần mẫn của vùng đất Sài Gòn bảy mươi năm trước. Trong đó, luôn có phần cho người nhập cư nào có ý chí vươn lên, thay đổi cuộc sống.

                          "…Xin cha mẹ đi Sài Gòn. Trước là làm ăn kiếm tiền giúp cha mẹ, sau là để biết Sài Gòn, nghe các người đi về nói là đẹp lắm. Tôi đi Sài Gòn bằng hỏa xa lên ở ga Minh Lễ, đi với anh Nghị là em Dì Bài. Lúc này, anh đã có vợ là người làng Đơn Sa ở tại Sài Gòn.

                          Vào Sài gòn, tôi chẳng quan tâm đến cái đẹp, cái lạ và cũng chẳng quan tâm đến mọi sự lôi cuốn ở đô thị phồn vinh. Chỉ chắm kiếm việc làm để tiền gửi về giúp cha mẹ. Bà con vào đây trước gặp tôi, như bác Đại, anh chị Đạo và Lẹ, chú Đính, anh Cu Trinh (Anh Cu: Khẩu ngữ của người Quảng Bình dùng kèm sau một số danh từ chỉ người để gọi thân mật người nông dân có con trai đầu lòng còn bé ) và nhiều người khác biểu tôi chơi cho đã đạ sẽ đi làm sau, nhưng tôi hằng ngày đi lang thang hết đường phố này đến đường phố khác xem ngoài cổng nhà ai có treo giấy mướn người như tôi là vào xin. Đi qua dòng tu kín phía sau nhà Bưu điện Sài Gòn có treo giấy cần một đứa vào làm cỡ tuổi tôi, vào đây xin và được việc. Lại biết trong này có Cu Cư người làng mình nữa.

                          Công việc của tôi như sau: Sáng 4 giờ ra giúp xà ích cho xe ra, cặp ngựa vào và lên xe ngồi với một bà phước người Pháp, mập, nói sọi tiếng Việt, ra chợ Bến Thành xách giỏ cho bà phước ấy đi các hàng trong chợ mua thực phẩm. Đầy giỏ, tôi đưa ra xe và lúc đó đã mua xong lại lên xe trở về nhà như cũ. Ngoài việc đi chợ buổi mai, cả ngày nhổ cỏ ở các bồn hoa và ngoèo xoài trong vườn tu viện. Lương tháng 10 đồng Đông Dương.

                          Tôi làm được độ nửa năm vẫn lương 10 đồng. Một buổi sáng tôi ngủ quên ra trễ không kịp giúp thắng xe ngựa, bị bà phước ấy cự, tôi cự lại…và thấy việc xách giỏ cho bà phước đi chợ chẳng thú gì cho tuổi bước vào thanh niên đầy hứa hẹn này. Tôi xin thôi việc.

                          Lại đi lang thang kiếm việc. Đến một nhà máy cà-rem, có dán giấy cần người. Tôi vào xin và được việc. Làm phụ người thợ chính làm cà-rem cây. Tại đây đã có ba thanh niên làng mình làm trước: anh em anh Nghi con bà Châu ở gần nhà dì Bài, anh Cương (Hường). Làm được ít lâu, hình như lương tháng 15 đồng Đ.D. Sau đó không lâu, ông chủ ở Đa Kao đưa giấy lại, biểu các thanh niên trong hãng thi một bài chánh tả ngắn chữ Việt. Bốn năm thanh niên chỉ có tôi và anh Cương biết viết. Tôi, anh Cương viết bài dự thi. Qua ngày sau có xe đến và cho biết là tôi đậu, lên xe về Đa Kao làm việc khác. Ông chủ này là là chủ tiệm cà-rem và chỗ tôi đến là nhà hàng ăn, tức là gia đình ông chủ ở nhà sau. Ông người Việt nhưng nói tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ, có hai vợ là chị em ruột, bà nào cũng có con bồng cả. Tuy là chị em ruột nhưng ghen nhau quá cỡ. Tôi được ông chủ và hai bà chủ mến lắm vì thấy tôi khôi ngô và chất phác. Giao cho tôi hai việc rõ ràng:

                          Sáng độ hai giờ ra phía trước đợi hai xích lô mối, khi hai xe này đến thì vào báo tin cho ông chủ. Ông chủ lên xích lô trước, tôi lên xích lô sau, qua nhà máy nước đá Khánh Hội. Đến đây, ông chủ đứng đợi còn tôi đến nhà người gác máy lấy chìa khóa mở cửa vào. Ông chủ ngồi bàn xem sổ sách và xem báo. Tôi ngồi một bàn nhỏ ghi chép vào sổ các xe ngựa đến nhận nước đá của hãng. Xong việc, trời vừa sáng, tôi và ông chủ lại lên xích lô về nhà hàng ăn. Về đây ăn sáng xong là tôi phụ người bồi chính mở cửa hàng và dọn các bàn ăn. Cả ngày khách Việt, Pháp vào ăn rất đông. Nhà hàng này ở đối diện rạp ciné Đakao. Tôi phụ với anh bồi chính sẹc-via cho khách suốt ngày. Lúc khách để lại tiền lẻ cho bồi gọi là Puốc-boa (pourboi), tôi phải giao cho bồi chính hưởng, tôi không được gì. Có một bữa vắng bồi chính, tôi tự sẹc-via, khách cho tôi được một ít đồng, nó hỏi lấy hết. Tôi đưa nhưng vẫn bất mãn cự lại. Tuy tôi là bồi phụ nhưng công tôi làm !.

                          Có một buổi sáng, trong lúc tôi ngồi biên chép tại hãng nước đá Khánh Hội, thì anh bếp hàng ăn nơi tôi ở đến nói gì với ông chủ và biểu tôi về theo. Khi về đến nhà, nó biểu tôi mở rương ra để khám, có sự chứng kiến của hai bà chủ và các người trong nhà. Tôi mở rương cho khám, chẳng có gì khác ngoài áo quần và ít tiền lẻ của tôi. Tôi hỏi tại sao khám rương tôi, tên đầu bếp nói là đêm ấy nó mất áo quần và tiền bạc, nghi cho tôi lấy. Sự thể đã rành rành là đêm ấy tôi nghỉ tại nhà hàng với mọi người trong nhà, lúc ra khỏi nhà thì hai tay không đi với ông chủ nên mọi người trong nhà không nghi cho tôi nữa. Ông và hai bà chủ an ủi tôi ở lại nhưng thấy anh bồi chính và anh bếp đa nghi không đúng chỗ thì có ngày tính nóng trực của tôi sẽ có chuyện nên xin thôi về nhà của anh chị Đạo đang ở làm bồi bếp cho ông Cò Duboi tại bót lính kín trước nhà thờ Đức Bà.

                          Tôi nghỉ đươc một ngày, lại đi lang thang trong thành phố. Gặp nhà một ông lai Tây xin làm và ông đưa tôi lên làm bồi phụ tại nhà hàng ăn ở Thủ Dầu Một. Tôi ăn ở nhà hàng, ngủ tại nhà sau của ông chủ gần đó với anh bếp cũng thanh niên lớn tuổi hơn tôi. Ngoài việc giúp bồi chính, chiều chiều sau khi đóng cửa nhà hàng tôi về nhà ông chủ phải ủi áo quần cho bà chủ. Bà chủ chưa có con nhưng quần lót có những cái vàng vàng nghe khét lẹt lúc bàn ủi đẩy qua. Được ít lâu, tôi chán mùi áo quần lót của bà chủ quá nên xin thôi việc. Ông chủ thấy tôi thanh niện sáng sủa và tận tuỵ, không đành lòng để tôi đi nên đưa tôi lên toà thánh Tây Ninh làm bồi cho nhà hàng ăn của trại lính đóng tại Toà thánh bỏ thầu. Pháp có , Khố đỏ đến ăn ở đó. Tôi làm được ít lâu, chán ở chung với lính nên xin thôi về Sài Gòn về ở nhà anh chị Đạo như trước.

                          Tôi lại đi lang thang kiếm việc. Đến nhà hàng ăn Khánh Hội, gặp hai anh em người Pháp chưa vợ là chủ nhà hàng (nó nói giỏi tiếng Việt), nhà hàng thiếu hai chỗ bồi. Tôi về rủ chú Đính về cùng làm. Cả ngày ở lại nhà hàng, đêm về nhà anh chị Đạo ngủ.

                          Có một đêm đi qua rạp hát lớn tại đường Tự Do – Nguyễn Huệ, chú Đính rủ tôi vào xem. Hết giờ bán vé nên hai chú cháu chui đại vào xem cho được vì gánh hát mới nghe nói hay lắm. Không biết đường nên chui vào lô riêng trên gác của viên Toàn quyền Đông Dương đang xem hát. Họ nghi là hai tên thích khách nên bọn lính kín và cảnh sát gác bảo vệ cho Toàn quyền bắt hai chú cháu tống vào Khám lớn mấy ngày. Sau khi xét hỏi lăn tay chụp hình, truy mãi chỉ thấy là hai thanh niên vô sự xem hát vào cóp lạc chỗ mới tha. Chú Đính không biết có bị không, còn bị tôi bị mấy loi đau nhớ đời đến nay vẫn còn nhớ cảm giác đau. Lúc được bảo lãnh ra hai chú cháu làm nhà hàng Khánh Hội ít lâu nũa. Thấy đêm phải đi về khuya thấy bất tiện quá nên xin thôi.

                          Về nghỉ nhà anh chị Đạo vài ngày, tôi lại đi lang thang tìm việc, thấy giấy dán tìm người và xin vào làm được. Tôi làm bồi cho vợ chồng anh Tây trên đường Tự Do, khu nhà bảy tầng. Anh Tây này nói sọi tiếng Việt, còn vợ chưa biết. Đôi này chưa có con. Ngày làm đêm lại về ngủ nhà anh chị Đạo gần đó. Lương tháng 40 đồng Đ.D. Lúc đó 40 đồng đối với với số người đi làm thuê là hạng cao đấy. Nơi làm ban đầu là 10 đồng, thôi chỗ cũ đi làm chỗ mới, cứ mỗi nơi lên một cấp cho đến 40 đồng. Chủ có hứa hẹn là tăng nữa nhưng vừa lúc đó nhận được điện tín của nhà, báo là em Duệ đau nặng, phải về gấp. Tôi xin thôi việc để về nhà. Vợ chồng ông Tây tiếc lắm. Cho là tôi khôi ngô thật thà chất phát nên họ nói đi nói lại: về rồi vào làm, nó sẽ đợi tôi không kiếm người mới. Họ thích tôi là người không gian manh, qua thử thách của họ: những ngày đầu tiên tôi vào làm, họ như vô ý để bạc chỗ này chỗ khác hoặc rơi giữa nhà. Tôi không biết việc họ làm, vẫn để bạc chỗ cũ và bạc dưới nhà tôi xếp lên đủ hẳn hòi. Sau đó ít lâu, nghe chị bếp nói là ông chủ khen sự thật thà của tôi lắm và giao chìa khoá phòng cho tôi những lúc vợ chồng làm việc. Ở nhà tôi mặc sức tắm giặt cho đến lúc gần giờ thì mở cửa cho ông vào, còn mình làm bổn phận bồi.

                          Tôi đi xe lửa về nhà. Đêm hôm không có ai về làng để về theo. Tôi phải đi đò dọc, họ chở tôi về cửa sông Gianh…
                          Tôi ở Sài gòn độ hai năm, khoảng 1941 – 1943. Làm ăn tiêu rồi còn dư gửi về nhà độ 200 đồng đến 300 đồng. Lúc tôi đi Sài gòn, cha làm cái nhà ngói, còn hai mái ngói Tây ấy là do tiền tôi gửi về, lúc ấy 100 đồng Đông Dương là quý lắm !"

                          Theo hồi ký của ông Đặng Ngọc Lịnh để lại cho con cháu họ Đặng tại Hoa Kỳ và Việt Nam trước khi mất.

                          Trích trong cuốn Sài gòn chuỵện đời của phố tập 2 - Phạm Công Luận



                          Ông Đặng Ngọc Lịnh thời trai trẻ. Tư liệu của gia đình.


                          Cảnh chợ Sài Gòn trước 1945. Ảnh internet.


                          Bên hông nhà thờ Đức Bà trước 1945. Ảnh internet.

                          Comment


                          • #14
                            Cư xá của những nghệ sĩ danh tiếng

                            Cư xá của những nghệ sĩ danh tiếng

                            Cư xá Chu Mạnh Trinh từng là nơi cư ngụ của những gia đình nghệ sĩ nổi tiếng nhất Sài Gòn: Năm Châu, Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Thẩm Thúy Hằng, Mộc Lan, Lê Mộng Hoàng...

                            Nghệ sĩ Kim Cúc cùng các con ở trước nhà năm 1966

                            Cư xá Chu Mạnh Trinh trước kia có tên là cư xá Ngân hàng Đông Dương, nằm trong hẻm số 215 Chi Lăng, ấp Đông Nhất, xã Phú Nhuận, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định, ngoại vi Sài Gòn. Đây là một con hẻm có quy hoạch cho khu cư xá, gồm một hẻm trục lớn và các hẻm nhỏ tỏa nhánh thẳng góc hai bên, đánh số 215 A, B, C, D, E, F cho tới G. Khoảng năm 1962 hay 1963, Trường Chu Mạnh Trinh được lập ở phía đầu hẻm nên dân quanh vùng gọi là cư xá Chu Mạnh Trinh.
                            Năm 1957, gia đình nghệ sĩ Năm Châu mua căn nhà ở đây khi sinh cậu con trai thứ sáu tên Long. Lúc đó, đạo diễn Hồng Dung, con gái của ông, vừa lên hai tuổi. Lớn lên một chút, chị Dung còn nhớ xung quanh là các vila song lập hình chữ L chỉ có tầng trệt không có tầng lầu, cùng kiểu giống nhau, ngang khoảng 8 m, không sâu lắm, khoảng 12, 13 m. Trước kia, cư xá này dành cho các công chức Pháp của ngân hàng. Sau 1954, người Pháp dần rút về nước và người Việt trung lưu, công chức tìm đến mua để ở.


                            Nghệ sĩ Năm Châu trước ngôi nhà của mình
                            Gia đình nghệ sĩ Năm Châu có lẽ là gia đình nghệ sĩ đầu tiên đến ở, còn nhận giấy chủ quyền bằng tiếng Pháp. Dần dà có nhiều gia đình trong giới nghệ sĩ tìm đến. Trong số đó, gia đình nhạc sĩ và danh ca Dương Thiệu Tước, Minh Trang ở cùng với con gái là danh ca Quỳnh Giao ngay tại nhà ông Năm Châu trong hẻm D. Hẻm C đối diện là nhà nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng. Hẻm E có nhà nhạc sĩ Phạm Duy ở ngay đầu hẻm cùng với danh ca Thái Hằng, Thái Thanh, Duy Quang, Thái Hiền... bên trong là nhà của nghệ sĩ cải lương Kim Thoa. Hẻm F đối diện có nhà của đôi vợ chồng nhà báo - nhà văn Hồng Tiêu và Bà Tùng Long. Sau này, qua từng thời kỳ có lúc cư xá là nơi tá túc của đạo diễn Hoàng Anh Tuấn, nữ danh ca Mộc Lan, danh ca Anh Ngọc, nhạc sĩ Lê Dinh, đạo diễn Lê Mộng Hoàng...
                            Những năm đầu thập niên 1960 là những năm tháng rất vui với bầy trẻ hẻm D cư xá Chu Mạnh Trinh. Các con nhà đôi nghệ sĩ danh tiếng Năm Châu - Kim Cúc vốn là con nhà nòi nên dẫn dắt trẻ nít hẻm D trong các trò vui, chủ yếu là diễn tuồng. Lúc đó cả xóm từ người lớn đến trẻ nít đều mê sân khấu, đều hâm mộ các vở diễn của nghệ sĩ Năm Châu dàn dựng và diễn. Xóm thành lập một gánh hát trẻ con, do chị em nhà Hồng Dung đứng đầu. Sân khấu là bộ ván ngựa của nhà bà Hai Mùi nhà gần bên. Cứ mỗi buổi chiều, lũ trẻ được người lớn lùa đi học bài sau khi ăn cơm chiều. Sau đó mới đến thời gian dành cho “sân khấu” cho tới 9 giờ tối mới tan. Đến thời kỳ điện ảnh Ấn Độ phổ biến sang Sài Gòn sau đó một chút, lũ trẻ cũng nhanh chóng chuyển sang múa Ấn Độ trên sân khấu của mình. Ngày tết là lúc bận rộn với nghệ sĩ vì lịch diễn kín mít, nhưng sau tết một chút là có thể rảnh rỗi tiếp khách ăn tết muộn. Các nghệ sĩ Duy Lân, Năm Nở là bạn thân thiết với ông Năm Châu thường đến chơi nhà. Thời gian đó, hai nghệ sĩ Út Bạch Lan, Thành Được còn là vợ chồng rất thương các con của ông bà Năm Châu - Kim Cúc. Hai nghệ sĩ này không có con nên cứ đến dịp Noel, Tết Nguyên đán là đi chiếc xe mui trần chở đầy đồ chơi đến để làm quà cho lũ trẻ.

                            Con hẻm trước nhà nghệ sĩ Năm Châu

                            Căn nhà của nghệ sĩ Năm Châu đến nay vẫn còn ở cư xá Chu Mạnh Trinh sau gần 60 năm ấp ủ một gia đình an vui. Con hẻm chính đã có tên mới là đường Đoàn Thị Điểm thuộc quận Phú Nhuận. Các biệt thự xây từ thời kỳ đầu trong cư xá đã thay đổi thành nhà đúc, lầu cao. Các nghệ sĩ của Sài Gòn một thuở, những bóng sắc huyền thoại, những danh ca một thời, những nhà văn nhà báo của nửa thế kỷ trước từng sống ở đây hầu như không còn ai ở lại cư xá này, trừ căn nhà 215D/16 năm xưa của nghệ sĩ Năm Châu, nay đã ngăn thành hai căn cho gia đình hai người con và đổi địa chỉ mới. Nhà không xây lại, vẫn còn mái ngói cũ lấp ló trên cao. Buổi sáng mùa hè có tiếng dương cầm vẳng ra từ phần nhà bên phải.
                            Chị Hồng Dung pha ly cà phê tiếp khách. Mùi hương gợi nhớ những buổi sáng xa xưa, cuối thập niên 1960 khi ba chị còn khỏe, thức dậy từ bốn giờ rưỡi sáng để pha cho mình một tách cà phê xong rồi lần lượt pha thêm mười tách nữa cho các con uống trước khi đi làm hay đi học và xem đó là niềm vui. Những âm thanh, mùi hương cũ của một thời vẫn còn đâu đây, như khi sân khấu cải lương Sài Gòn và danh tiếng nghệ sĩ lão thành Năm Châu đang là thời kỳ vàng son nhất.
                            Nơi có sự chia sẻ, đồng cảm
                            Tác giả Phạm Công Luận cho biết: “Vật đổi sao dời, người ta tụ lại rồi tản đi là chuyện bình thường. Tôi chỉ luôn tự hỏi điều gì đã khiến nhiều nghệ sĩ danh tiếng của Sài Gòn một thời lại tụ về cư xá này. Có lẽ là do môi trường sống yên tĩnh, tách biệt của cư xá cũng như nhu cầu về sự chia sẻ, đồng cảm, bao bọc nhau của giới nghệ sĩ Sài Gòn xưa. Nếu không có thay đổi về thời cuộc, có lẽ không ít người vẫn còn sống ở đó lâu dài...”.
                            Xuyên Vân
                            (ghi)

                            (Trích từ Sài Gòn - Chuyện đời của phố phần 2 )
                            Phạm Công Luận
                            Ảnh do gia đình nghệ sĩ Năm Châu cung cấp

                            Comment


                            • #15
                              Bản đồ án dở dang chợ Bến Thành

                              Bản đồ án dở dang chợ Bến Thành

                              Năm 1971, do cảm thấy Sài Gòn đang trên đà phát triển nhưng Bến Thành - ngôi chợ lớn nhất ở trung tâm thành phố vẫn trong tình trạng của mấy chục năm về trước, chính quyền thời đó muốn có sự thay đổi lớn. Để bắt đầu, họ mở một cuộc thi mang tên “Đồ án chợ Sài Gòn trong tương lai”.

                              Cuộc thi có giải nhất bằng hiện kim là 1,5 triệu đồng. Đây là một cuộc thi được giới chuyên môn đánh giá là khó, người dự thi đương nhiên thuộc giới kiến trúc, phải bỏ rất nhiều công sức, thời gian để thiết kế đồ án chi tiết, mô hình để gửi về dự thi. Tác phẩm phải hội đủ điều kiện về kỹ thuật chuyên môn, thẩm mỹ, tiện ích xứng đáng với ngôi chợ lớn nhất và quan trọng nhất miền Nam này. Người dự thi có 3 tháng (từ 27.10.1970 đến 24.1.1971) để nghiên cứu thực hiện các bình đồ, họa đồ và cả mô hình nổi về ngôi chợ. Trong thông báo về cuộc thi, chỉ quy định khái quát về những điểm căn bản: phải có tầng hầm, tầng trệt và 3 tầng lầu, mỗi tầng có chức năng riêng phù hợp. Chợ mới phải có hệ thống thang máy, xử lý vệ sinh... Tất cả trên diện tích 12.000 m2, chiếm toàn bộ vị trí ngôi chợ cũ từ Công trường Diên Hồng đến đường Lê Thánh Tôn.

                              Do tính chất phức tạp và quy mô của bài dự thi, chỉ có 8 đồ án gửi đến ban tổ chức khi cuối hạn. Ban tổ chức cảm thấy bất ngờ và bối rối khi cả 8 bài dự thi đều rất công phu, hiện đại và có thể nói là “vĩ đại” như lời kiến trúc sư (KTS) Bùi Ngọc Hồ nói với báo chí. Điều này đặt trên vai ban giám khảo trách nhiệm lớn. Trong ban giám khảo, có các KTS uy tín như KTS Vũ Tòng - đoàn trưởng KTS đoàn, KTS Phạm Văn Thăng là Khoa trưởng thuộc Đại học Kiến trúc Sài Gòn, cùng giới chức Tòa Đô chánh Sài Gòn lúc đó. Sau một ngày xem xét chấm giải, cuối cùng đồ án của KTS Huỳnh Kim Mảng đoạt giải nhất. Do có khoảng cách với đồ án này, các đồ án còn lại không có giải nhì. Giải ba trao cho đồ án của hai tác giả là Nguyễn Huy và Trần Phong Lưu, trị giá 400.000 đồng. Ba giải khuyến khích đồng hạng trị giá 200.000 đồng cho các KTS Nguyễn Kỳ, Đào Trọng Cương và Nguyễn Hữu Sơn. KTS Huỳnh Kim Mảng vốn đã thực hiện nhiều công trình quan trọng trước đó như cùng tham gia lập đồ án xây dựng Trường Lasan Tabert (nay là Trường Trần Đại Nghĩa), rạp hát Victory Lê Ngọc, Trung tâm văn hóa Pháp.

                              Ông sinh năm 1920 tại Long Xuyên, từng theo học Đại học Kiến trúc Hà Nội từ 1941, tiếp tục học Đại học Kiến trúc Đà Lạt từ năm 1945 và đến 1949 sang Pháp học tại Trường cao đẳng Kiến trúc Paris. Ở đây, ngoài bộ môn kiến trúc, ông còn học thêm thiết kế đô thị tại Đại học Kiến thiết thiết kế đô thị. Ông tốt nghiệp năm 1955 và về Sài Gòn làm việc. Nói về bản thiết kế của mình, KTS Huỳnh Kim Mảng cho biết phải dùng tới 20 họa viên trong 3 tuần lễ để vẽ họa đồ, bình đồ, thực hiện mô hình nổi...

                              Cảm thấy chợ Sài Gòn vừa cũ kỹ và chật hẹp, ông đã tận dụng toàn thể diện tích hiện hữu của chợ gồm ngôi chợ chính phía trước và khu chợ bán trái cây phía sau. Theo đồ án, chợ sẽ xây thành nhiều tầng. Tầng hầm làm bãi đậu xe 150 chiếc. Tầng trệt cao hơn mặt đất 1 m, chung quanh bán thịt các loại, hoa quả, và vào trung tâm là khu bán cá giữa nơi thoáng đãng, có ánh sáng rọi từ trên xuống. Tầng 1 bán chạp phô, bách hóa các loại. Tầng 2 bán quần áo, vải vóc, làm văn phòng ngân hàng tư nhân. Tầng 3 là nơi vui chơi của trẻ em. Tầng thượng có nhà hàng, quán giải khát, rạp chiếu bóng, rạp cải lương. Phía trước chợ còn có một ngôi tháp cao 50 m, phần trên tháp sẽ là một nhà hàng. Chợ có hệ thống thang máy, thang nâng hàng, hệ thống xử lý rác. Hàng hóa đưa vô chợ hoặc lên lầu đều có lối riêng, không dùng chung lối đi với khách. Điểm nổi bật là càng lên cao, diện tích các tầng càng nới rộng ra, được xem là lối kiến trúc táo bạo, thẩm mỹ và đáp ứng nhu cầu buôn bán của chợ lúc đó.

                              Sở Thiết kế thuộc Tòa Đô chánh Sài Gòn lúc đó dự tính kinh phí xây chợ mới sẽ tốn khoảng 1,5 tỉ đồng, và có thể khởi xây năm 1972. Tuy nhiên, dự án này đã không bao giờ được thực hiện. Lý do được báo chí sau này thuật lại là lúc đó dân chúng không đồng tình, muốn giữ lại ngôi chợ cũ vốn gần gũi, quen thuộc từ hơn nửa thế kỷ trước. Và hơn nữa ngân sách thành phố lúc đó không đủ để thực hiện. KTS Huỳnh Kim Mảng sau 1975 trở thành cố vấn Hội KTS TP.HCM từ năm 1981 đến 1987. Sau này, ông ra nước ngoài sinh sống và mất tại Brussels (Bỉ) năm 2007, hưởng thọ 87 tuổi. P.C.L


                              Mô hình chợ Bến Thành của KTS Huỳnh Kim Mảng - Ảnh: T.L

                              Cuộc thi có giải nhất bằng hiện kim là 1,5 triệu đồng. Đây là một cuộc thi được giới chuyên môn đánh giá là khó, người dự thi đương nhiên thuộc giới kiến trúc, phải bỏ rất nhiều công sức, thời gian để thiết kế đồ án chi tiết, mô hình để gửi về dự thi. Tác phẩm phải hội đủ điều kiện về kỹ thuật chuyên môn, thẩm mỹ, tiện ích xứng đáng với ngôi chợ lớn nhất và quan trọng nhất miền Nam này. Người dự thi có 3 tháng (từ 27.10.1970 đến 24.1.1971) để nghiên cứu thực hiện các bình đồ, họa đồ và cả mô hình nổi về ngôi chợ. Trong thông báo về cuộc thi, chỉ quy định khái quát về những điểm căn bản: phải có tầng hầm, tầng trệt và 3 tầng lầu, mỗi tầng có chức năng riêng phù hợp. Chợ mới phải có hệ thống thang máy, xử lý vệ sinh... Tất cả trên diện tích 12.000 m2, chiếm toàn bộ vị trí ngôi chợ cũ từ Công trường Diên Hồng đến đường Lê Thánh Tôn.

                              ĐIỀU MAY MẮN CHO SÀI GÒN
                              “Chúng ta nhận diện một nơi chốn thân quen bằng những hình ảnh thân quen. Với một căn nhà, đó có thể là một góc nhà có chiếc ghế quen thuộc. Với một con hẻm, có thể từ một cái ghế đá cũ kỹ vẫn ngồi. Đối với một thành phố, đó là một ngôi chợ lâu năm. Chợ Bến Thành không xây lại năm 1972 chắc chắn là điều may mắn cho thành phố này. Chúng ta nhận dạng một phần lịch sử của Sài Gòn xưa qua ngôi chợ lớn nhất Nam kỳ này, nơi lui tới buôn bán của muôn vạn người qua các thế hệ. Người sinh ra và lớn lên ở thành phố này, đang sống ở đây hay đã định cư xa xứ (có rất nhiều người như vậy) sẽ tìm thấy một phần đời của mình ở đó mà nếu mất đi, ngoài sự nuối tiếc còn là sự xóa sạch một địa chỉ văn hóa - xã hội sống động”.

                              XUYÊN VÂN (ghi)

                              Do tính chất phức tạp và quy mô của bài dự thi, chỉ có 8 đồ án gửi đến ban tổ chức khi cuối hạn. Ban tổ chức cảm thấy bất ngờ và bối rối khi cả 8 bài dự thi đều rất công phu, hiện đại và có thể nói là “vĩ đại” như lời kiến trúc sư (KTS) Bùi Ngọc Hồ nói với báo chí. Điều này đặt trên vai ban giám khảo trách nhiệm lớn. Trong ban giám khảo, có các KTS uy tín như KTS Vũ Tòng - đoàn trưởng KTS đoàn, KTS Phạm Văn Thăng là Khoa trưởng thuộc Đại học Kiến trúc Sài Gòn, cùng giới chức Tòa Đô chánh Sài Gòn lúc đó.

                              Sau một ngày xem xét chấm giải, cuối cùng đồ án của KTS Huỳnh Kim Mảng đoạt giải nhất. Do có khoảng cách với đồ án này, các đồ án còn lại không có giải nhì. Giải ba trao cho đồ án của hai tác giả là Nguyễn Huy và Trần Phong Lưu, trị giá 400.000 đồng. Ba giải khuyến khích đồng hạng trị giá 200.000 đồng cho các KTS Nguyễn Kỳ, Đào Trọng Cương và Nguyễn Hữu Sơn.

                              KTS Huỳnh Kim Mảng vốn đã thực hiện nhiều công trình quan trọng trước đó như cùng tham gia lập đồ án xây dựng Trường Lasan Tabert (nay là Trường Trần Đại Nghĩa), rạp hát Victory Lê Ngọc, Trung tâm văn hóa Pháp. Ông sinh năm 1920 tại Long Xuyên, từng theo học Đại học Kiến trúc Hà Nội từ 1941, tiếp tục học Đại học Kiến trúc Đà Lạt từ năm 1945 và đến 1949 sang Pháp học tại Trường cao đẳng Kiến trúc Paris. Ở đây, ngoài bộ môn kiến trúc, ông còn học thêm thiết kế đô thị tại Đại học Kiến thiết thiết kế đô thị. Ông tốt nghiệp năm 1955 và về Sài Gòn làm việc.

                              Nói về bản thiết kế của mình, KTS Huỳnh Kim Mảng cho biết phải dùng tới 20 họa viên trong 3 tuần lễ để vẽ họa đồ, bình đồ, thực hiện mô hình nổi... Cảm thấy chợ Sài Gòn vừa cũ kỹ và chật hẹp, ông đã tận dụng toàn thể diện tích hiện hữu của chợ gồm ngôi chợ chính phía trước và khu chợ bán trái cây phía sau. Theo đồ án, chợ sẽ xây thành nhiều tầng. Tầng hầm làm bãi đậu xe 150 chiếc. Tầng trệt cao hơn mặt đất 1 m, chung quanh bán thịt các loại, hoa quả, và vào trung tâm là khu bán cá giữa nơi thoáng đãng, có ánh sáng rọi từ trên xuống. Tầng 1 bán chạp phô, bách hóa các loại. Tầng 2 bán quần áo, vải vóc, làm văn phòng ngân hàng tư nhân. Tầng 3 là nơi vui chơi của trẻ em. Tầng thượng có nhà hàng, quán giải khát, rạp chiếu bóng, rạp cải lương. Phía trước chợ còn có một ngôi tháp cao 50 m, phần trên tháp sẽ là một nhà hàng. Chợ có hệ thống thang máy, thang nâng hàng, hệ thống xử lý rác. Hàng hóa đưa vô chợ hoặc lên lầu đều có lối riêng, không dùng chung lối đi với khách. Điểm nổi bật là càng lên cao, diện tích các tầng càng nới rộng ra, được xem là lối kiến trúc táo bạo, thẩm mỹ và đáp ứng nhu cầu buôn bán của chợ lúc đó.

                              Sở Thiết kế thuộc Tòa Đô chánh Sài Gòn lúc đó dự tính kinh phí xây chợ mới sẽ tốn khoảng 1,5 tỉ đồng, và có thể khởi xây năm 1972. Tuy nhiên, dự án này đã không bao giờ được thực hiện. Lý do được báo chí sau này thuật lại là lúc đó dân chúng không đồng tình, muốn giữ lại ngôi chợ cũ vốn gần gũi, quen thuộc từ hơn nửa thế kỷ trước. Và hơn nữa ngân sách thành phố lúc đó không đủ để thực hiện.
                              KTS Huỳnh Kim Mảng sau 1975 trở thành cố vấn Hội KTS TP.HCM từ năm 1981 đến 1987. Sau này, ông ra nước ngoài sinh sống và mất tại Brussels (Bỉ) năm 2007, hưởng thọ 87 tuổi.

                              (Trích từ Sài Gòn - Chuyện đời của phố phần 2 do NXB Văn hóa- Văn nghệ TP.HCM và Phương Nam Book ấn hành).

                              Comment



                              Hội Quán Phi Dũng ©
                              Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




                              website hit counter

                              Working...
                              X