Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Dạ Cổ Hoài Lang

Collapse
X

Dạ Cổ Hoài Lang

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Dạ Cổ Hoài Lang

    Dạ Cổ Hoài Lang
    ~~~





    Tôi đọc sách, thấy trong các tác phẩm tiếng Anh có một truyện ngắn mang tên Những con diều tại Bắc Kinh, họ đề là của Lu Hsun (Lỗ Tấn). Truyện rất hay, nhẹ nhàng, đề cập tới những ngõ ngách sâu kín trong tâm hồn con người. Nhưng tôi nghi ngờ không biết có phải của Lỗ Tấn hay không, bởi vì trong các bản dịch tiếng Việt tôi không thấy nhà văn danh tiếng này có truyện như vậy. Bằng một giọng trầm tư, tác giả kể rằng khi ông đã lớn tuổi, sống tại Bắc Kinh, cứ mỗi lần đến mùa người ta thả diều, nhìn thấy những con diều trên thành phố Bắc Kinh lòng ông thường bâng khuâng, ray rứt nhớ lại một kỷ niệm cũ.

    Ngày ấy ông còn nhỏ. Ở quê ông người ta có thói quen thả diều. Từ trẻ con tới người lớn ai cũng mê diều. Riêng ông, cha ông bắt ông học, bởi vậy ông quen với sách vở hơn quen với những con diều. Cậu em trai ông thì khác, nó cũng mê diều, có lần một mình trốn vào trong căn nhà kho, đóng kín cửa lại ở biền biệt trong đó làm trộm con diều suốt hai ngày liền. Ông đi tìm, bắt gặp, bèn tức giận tát bốp cho em một cái muốn đổ đom đóm mắt rồi liệng con diều xuống đất, giẫm hai chân lên, giậm tan nát trước cặp mắt thất thần, đau đớn vì tiếc của đứa em trai.

    Mấy năm sau, ông rời gia đình đi học xa. Thời thế đảo điên, anh em xa cách. Khi ông sống tại Bắc Kinh thì đã lớn tuổi, mỗi lần nhìn thấy những con diều trên thành phố ông lại khổ sở vì cái nhìn đau đớn của đứa em trai đáng thương ấy. Cặp mắt nó lúc nào cũng đeo đuổi khiến ông ân hận về sự tàn nhẫn của mình. Hơn chục năm sau, anh em bất ngờ gặp nhau. Bây giờ tóc ông đã bạc, mái tóc em ông thì cũng đã bạc và cậu đã có vợ con, gia đình êm ấm. Ông mời em về nhà mình ăn cơm.

    Trong bữa ăn, ông gợi lại chuyện xa xưa và lúng túng tìm cách xin lỗi em. Em ông tỏ vẻ ngạc nhiên, cười xòa vui vẻ: “Hầy à! Có chuyện đó sao anh? Vậy mà em không nhớ gì hết. Thú vị quá phải không anh?”.

    Bị tát vỡ mặt mà còn thú vị. Ông kết luận rằng đó là tình anh em. Vì cùng máu mủ, ruột thịt nên anh em sẵn sàng tha thứ cho nhau từ trong tiềm thức, trong khi người có lỗi không biết, vẫn nhớ không quên.

    Lỗ Tấn là một bậc thầy. Các nhà văn bậc thầy thường có lối viết đơn giản rất “con người” như vậy. Họ viết bằng tâm hồn họ, hết sức nôm na, chân thật, chẳng cần uốn lượn ngòi bút, chẳng cần đao to búa lớn “mặt trăng nuốt mặt trời” mà vẫn cứ hay. Tôi nghiệm ra trong lòng mỗi con người chúng ta thường có những ngõ ngách sâu kín và âm thầm thật. Nó làm cho cuộc sống của chúng ta phong phú hơn hay nhức nhối hơn? Không thể biết được. Nhưng dù phong phú hay nhức nhối thì ta vẫn cứ là ta. Chỉ riêng ta biết lấy ta mà thôi.

    Cũng như tôi, đến nay đã ba mươi mấy năm rồi – vâng, đã ba mươi mấy năm – vậy mà trong lòng tôi đôi khi vẫn u uẩn, băn khoăn thắc mắc về một chuyện nho nhỏ. Rất nhỏ. Tôi sợ rằng một vài em học trò cũ nào đó của tôi cách đây hơn ba mươi năm không hiểu, khinh tôi. Nhà giáo, tội gì thì tội, không thể để học trò khinh được. Nếu để học trò khinh hoặc hiểu lầm thì hỏng, mình sẽ ân hận suốt đời.

    *

    Năm ấy tôi hăm hai tuổi, tốt nghiệp Đại học Sư phạm, được bổ về dạy tại một tỉnh khá xa. Người ta hăm hai thì khôn, còn tôi có lẽ rất ngốc. Ngốc chứ không phải ngu. Tôi chưa bao giờ nhận là mình ngu cả. Nếu ngu thì làm sao mà dạy học được?

    Tôi ngốc đến nỗi buổi tối hôm sắp xuống tỉnh nhận nhiệm sở, mẹ tôi bảo để mẹ tôi đi theo, xuống đấy sắp xếp chỗ ăn chỗ ở cho tôi. Em gái tôi bảo thôi, mẹ đừng đi, anh ấy đi dạy có mẹ đi kèm người ta cười cho đấy. Mẹ tôi bảo việc gì mà cười, con ta đẻ ra từ tấm bé, lớn lên thì ta phải trông nom cho nó chứ, dễ gì một lúc mà sanh ngay được đứa con bằng ấy. Tôi nói vâng ạ.

    Sáng hôm sau quả nhiên tôi bị cười thật. Ra bến xe đò, bạn bè cùng khóa sư phạm với tôi nhiều người cũng được bổ về các tỉnh dưới đó, bất ngờ gặp gỡ, đi cùng một chuyến. Họ chào hỏi mẹ tôi rồi một cô cười, khen mát: “Anh sướng thiệt, tốt nghiệp sư phạm, đậu cử nhơn rồi mà đi đâu cũng có mẹ đi theo, sướng quá”. Tôi đáp: “Vâng, tôi mồ côi cha từ nhỏ nên việc gì mẹ tôi cũng trông nom. Tôi sống nhờ mẹ”.

    Xuống tỉnh, mẹ tôi ở lại khách sạn, tôi vào trường trình diện. Lúc ấy là buổi chiều, trời mới mưa lớn nên sân trường ngập nước có lẽ tới mắt cá chân, trong sân có cỏ và hai cái ao. Đôi giầy của tôi mới toanh. Chiếc cra-vát cũng mới nữa. Tôi tìm không thấy có chỗ nào len chân được, rất ngại ngùng nên bèn ngồi xuống tháo giày, tháo cả vớ, xách trên tay rồi xắn quần lên cao, lội lẹp bẹp trong khi ngực vẫn đeo cra-vát.

    Ông hiệu trưởng đón tôi trên hiên, trông tôi chắc kỳ dị lắm. Đợi tôi đi lại đôi giày xong, ông mời tôi vào văn phòng, nói chuyện, trao thời khóa biểu đã chia sẵn đề tên tôi, cho mượn trước hai tháng lương rồi mời tôi sang phòng giáo sư.

    – Tôi đã nhận được sự vụ lệnh của Nha Trung học cho biết năm nay có bảy anh em mới tốt nghiệp được bổ về trường. Anh xuống sớm, rất tốt. May quá, nay nhân có buổi họp hàng tháng để chuẩn bị khai trường. Họp xong rồi nhưng mời anh sang để tôi giới thiệu với anh chị em luôn.

    – Vâng ạ.

    Tôi đứng dậy, đi theo.

    Ông hiệu trưởng giới thiệu xong, mọi người vỗ tay. Sau cùng, anh giám học đứng lên:

    – Tôi đề nghị hôm nay có giáo sư mới, chúng ta ai đi được thì đi, ai không đi được thì thôi, ta ra Xừng Ký, nhậu.

    Tôi vội vàng đứng dậy:

    – Dạ thưa thôi ạ, em không đi được đâu ạ.

    Anh giám học ngạc nhiên. Tôi giải thích:

    – Dạ thưa tại vì bà cụ em xuống, hiện đang ở khách sạn Thanh Sơn. Em phải về kẻo mẹ em mong.

    Mọi người trợn tròn mắt nhìn tôi như nhìn một con vật kỳ lạ họ chưa từng thấy. Nhất là các cô, nhiều người đưa tay che miệng cười.

    Anh giám học hỏi:

    – Thưa anh, thời khóa biểu trong trường tôi đã chia rồi. Riêng của anh, đa số toàn lớp Mười Một với lớp Mười Hai bởi vì anh sẽ thay tôi, đổi về Đà Lạt. Học sinh tụi nó lớn lắm, vậy từ mai trở đi bác có phải vào trong lớp trông coi cho anh dạy không ạ?

    Các cô cúi gầm mặt, lại cười hơn nữa. Tôi lắc đầu:

    – Dạ không ạ, mẹ em chỉ xuống trông nom, sắp xếp chỗ ăn chỗ ở cho em xong thì về, không vào trong lớp.

    Ít lâu sau, khi đã quen nhau, anh giám học tên Phùng Văn Hưởng đã đổi lên Đà Lạt, một anh bạn kể với tôi rằng anh Hưởng nói cái thằng đó nó ngốc ghê cơ, tao hỏi xỏ nó ngay giữa hội đồng mà nó đứng dậy trả lời tỉnh bơ: “Dạ không, mẹ em chỉ xuống trông coi, sắp xếp chỗ ăn chỗ ở cho em thôi ạ, không vào trong lớp”. Tao chưa thấy ai ngốc bằng nó. Thế đấy, tôi chỉ ngốc chứ không có ngu, thầy giáo mà ngu thì không dạy học được.

    Lúc ấy tôi đang viết tiểu thuyết đăng fơi-ơ-tông cho hai tờ báo lớn ở trên Saigon, để tên thật nên học trò biết, thân với tôi lắm. Nhất là các em có máu văn nghệ văn gừng, thường hay chuyện trò với tôi.

    Một hôm, tan học, thầy trò đang đi trên con đường nhựa chạy dọc theo mé sông trước cửa khách sạn Thanh Sơn, một em bỗng dừng lại, chỉ tay sang phía xa xa ở bờ bên kia:

    – Kia kìa thầy, thầy có nhìn thấy căn nhà trăng trắng dưới chỗ đám cây kia không? Nhà ông Sáu Lầu đó thầy!

    Một em khác nhìn theo, phụ họa:

    – Bữa nào thầy rảnh không phải viết tiểu thuyết, tụi em sẽ dẫn thầy qua bển thăm ổng. Ông Sáu dễ tánh, cũng thích văn nghệ, gặp thầy chắc ổng mầng lắm.

    Tôi nhìn kỹ, chỉ thấy những ngôi nhà nho nhỏ thấp thoáng dưới những bụi cây, không có ngôi nào cao tới sáu, bảy tầng một cách đặc biệt đến nỗi học trò phải dẫn tôi sang coi, làm quen với gia chủ. Ở Saigon nhà có sáu tầng lầu là một chuyện thường, không quan trọng như ở dưới này.

    – Các em nói ổng tên Sáu Lầu hay nhà của ổng có sáu tầng lầu, sao thầy không trông thấy gì hết?

    Học trò ngạc nhiên nhìn tôi. Trong cái nhìn đó tôi thấy các em hết sức thất vọng. Hình như các em coi ông Sáu Lầu là một nhân vật vĩ đại trong khi tôi tỉnh bơ, không hiểu gì hết.

    – Dạ thưa tên ổng là ông Sáu Lầu, tức ông Cao Văn Lầu, ổng làm ra bản Dạ Cổ Hoài Lang.

    Hừ, làm một bản vọng cổ thì đã ăn nhằm gì. Người nhà quê thường hay quan trọng hóa vấn đề chứ tôi ở Saigon, ngày trước coi cải lương hoài, thấy các soạn giả như Thu An, Hà Triều, Hoa Phượng… viết nhiều tuồng lắm. Trong khi soạn tuồng tất nhiên họ phải sáng tác vọng cổ, mỗi vở hàng bao nhiêu bài chứ đâu phải chỉ có một bản Dạ Cổ Hoài Lang như ông Sáu Lầu.

    Tuy nghĩ như vậy nhưng vốn quý mến học trò, tôi nói cho các em vừa lòng:

    – Dạ cổ là tiếng trống đêm. Dạ Cổ Hoài Lang là nghe tiếng trống đêm nhớ chàng hay nhớ chồng gì đó, phải không các em?

    – Dạ.

    – Thôi được, để lúc nào rảnh thầy nhờ các em dẫn qua giới thiệu với ổng. Thầy cũng thích tìm hiểu phong tục tập quán địa phương.

    Học trò thấy tôi không sốt sắng lắm nên im lặng, thôi không nói nữa. Còn tôi, vừa bận viết lách lại vừa dạy học, tôi cũng quên đi, không nghĩ tới nữa.

    *

    Bảy năm sau, tức năm 1972, tôi được đổi về một trường gần Saigon. Ông Lê Dân, đạo diễn điện ảnh, có quay của tôi một cuốn truyện cùng lúc với cuốn Hồng Yến của nhà văn Bình Nguyên Lộc. Trong cuộc liên hoan “bấm máy”, hai bác cháu được xếp ngồi bên cạnh nhau, chuyện trò với nhau. Ông Lê Dân đi ngang qua, dừng lại bắt tay, giới thiệu tôi là thầy giáo. Bác Bình Nguyên Lộc hỏi tôi dạy trường nào, tôi nói Trường trung học Bạc Liêu, mới được đổi về Saigon.

    Bác ngạc nhiên:

    – Ủa, Bạc Liêu, vậy là quê hương của ông Sáu Lầu?

    Tôi giật mình, sửng sốt. Bản Dạ Cổ Hoài Lang hay tới mức nào mà vừa mới nghe hai tiếng Bạc Liêu là bác Bình Nguyên Lộc đã nhắc ngay tới tên ông Sáu Lầu?

    Tôi đem việc đó ra hỏi. Nhà văn miền Nam có cái bút hiệu đổi ra từ hai tiếng “Đồng Nai” mỉm cười lắc đầu:

    – Không phải vậy đâu, cậu giáo lầm rồi. Ông Cao Văn Lầu không phải chỉ sáng tác ra bản Dạ Cổ Hoài Lang theo cách cậu giáo hiểu mà còn là người phát minh ra điệu vọng cổ. Miền Nam trước đây không có vọng cổ, phải sau khi bản Dạ Cổ Hoài Lang của ông Sáu Lầu ra đời nó mới biến đổi dần và biến ra điệu vọng cổ. Có thể nói ông Sáu Lầu là cha đẻ của điệu vọng cổ.

    Bác giải thích rất kỹ. Người tôi lạnh đi. Thôi chết, mình lầm to rồi. Ông Sáu Lầu là người khai sinh ra điệu vọng cổ chứ không phải chỉ làm ra một bản vọng cổ. Việc này rất lớn chứ không phải nhỏ. Tôi kể cho bác Bình Nguyên Lộc nghe câu chuyện lầm lẫn của tôi bảy năm về trước và phàn nàn rằng mình kém cỏi, học trò thất vọng về mình.

    Bác lắc đầu:

    – Không sao đâu cậu giáo. Làm thầy, kém về chuyên môn nó mới coi thường chớ chuyện ngoài đời, ai cũng có cái biết cái không, biết hết làm sao được. Lúc đó có lẽ tụi nó cũng có thất vọng thiệt nhưng không khi dễ thầy. Đối đế lắm là nó cười thầm với nhau là thầy hổng biết vậy thôi.

    Tuy bác đã an ủi nhưng trong lòng tôi vẫn có một cái gì đó áy náy, thắc mắc bâng quơ. Tôi mong có dịp và có thì giờ trở lại Bạc Liêu, được gặp lại những người học trò cũ năm xưa để xin lỗi về chuyện tôi đã lầm lẫn. Nhưng lúc xảy ra chuyện đó tôi mới đi dạy, chưa biết hết mặt học trò, họ là ai, tên gì tôi cũng không nhớ rõ.

    *

    Ba năm sau, đất nước đổi thay. Mười năm sau nữa, công lao của ông Sáu Lầu được nói tới nhiều hơn. Nhất là sau khi ông qua đời, hội Nghệ sĩ Sân khấu Miền Nam làm lễ tưởng niệm rất lớn, coi ông như một bậc thầy và Đài truyền hình Saigon phát các hình ảnh về ông. Tôi đã được đọc trên tờ Sân Khấu & Kịch Trường những bài nói chuyện về ông, và họ thận trọng đăng cả nguyên văn bản Dạ Cổ Hoài Lang do ông sáng tác. Tôi không hiểu gì về vọng cổ nên không biết bài đó hay như thế nào. Nhưng theo tôi nghĩ, một tác phẩm đã làm nên cả một tiết điệu lưu truyền ngàn đời của một dân tộc; vĩnh viễn, bao trùm, thấm trong dòng máu hàng bao nhiêu người từ thế hệ nọ sang thế hệ kia thì đó không phải là một chuyện dễ.

    Cứ như tôi đấy, lúc di cư vào Nam thì tôi còn nhỏ, chưa biết người ta hát cô đầu như thế nào và cũng chưa xem hát chèo nhiều, nhưng cho đến bây giờ, đầu hai thứ tóc, vậy mà cứ nghe đâu đó có tiếng trống chèo hay hát “cô đầu”: “Hồng Hồng Tuyết Tuyết, mới ngày nào còn chưa biết cái chi chị..” là tự nhiên người tôi cứ tỉnh hẳn ra, mắt sáng hẳn lên như đói thèm ăn, khát thèm uống. Thì ra những tiếng trống chèo, những câu hát ả đào đã ăn sâu trong lòng tôi như điệu ca vọng cổ ăn sâu trong lòng dân miền Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác, điệu đó do ông Sáu Lầu sáng tạo.

    *

    Tôi và đứa con trai nhỏ đi xem kịch ở số 5B đường Võ Văn Tần, tức đường Trần Quý Cáp cũ, gần Hồ Con Rùa. Nhà tôi và thằng con trai lớn đã đi từ hai tuần trước. Phải chia ra hai đợt mà đi chứ cùng lúc họ không bán cho bốn vé. Ấy là đã phải đến tận nơi mua từ tuần trước chứ khán giả đông lắm, “sân khấu nhỏ” có hơn trăm ghế, ai cũng muốn coi thì đâu đủ chỗ? Ngoài ra, đi xem kịch Thành Lộc là phải đến đúng giờ.

    Tám giờ bắt đầu diễn, đến trễ dù chỉ một phút người ta cũng không cho vào. Trong lúc xem không được nói chuyện; phải tắt điện thoại di động để khỏi reo chuông; không ăn uống, không hút thuốc; nếu không đã có các nhân viên nhà hát đến nhắc nhở, lịch sự mời ra ngoài. Phòng kịch nghiêm trang lặng lẽ giống như trong cung thánh. Ấy vậy mà mọi người lại thích. Nhất là “Việt kiều”, họ quen với việc lịch sự ở nước ngoài nên nói chuyện cho nhau nghe, chẳng ai ăn mặc cũn cỡn tỏ ra khinh thường người khác. Khi kịch đã bắt đầu diễn, cả phòng im lặng như muốn nín thở.

    “Ông già” Việt kiều Thành Lộc khe khẽ lắc đầu, mỉm cười đứng dậy ca cho “ông già” Việt kiều Việt Anh nghe bản Dạ Cổ Hoài Lang. Chiếc áo bà ba màu trắng quê mùa miền Nam – loại vải Mỹ mềm và sang trọng – rộng thùng thình phong lưu tiêu sái. Từng dáng điệu, từng cử chỉ cộng với tài năng dễ sợ làm cả phòng im phăng phắc, không một tiếng động. Nhiều người đưa tay lên kín đáo chùi nước mắt…

    Ta ơi đừng khóc, ta ơi đừng khóc, con ta ngồi bên cạnh ta, nếu biết bố khóc nó sẽ không yên tâm xem tiếp được vở kịch rất hay này.

    Tuy đã trấn tĩnh nhưng cổ họng tôi vẫn nghèn nghẹn, hai lỗ mũi cay cay và nước mắt tôi ứa ra. Cách đây hơn ba mươi năm, một đêm cũng như đêm nay, mẹ tôi chuẩn bị đưa tôi xuống tỉnh để rồi học trò chỉ cho tôi thấy ngôi nhà nho nhỏ trăng trắng của ông Sáu Lầu ở bên kia sông và tôi lầm lẫn. Bây giờ mẹ tôi đã mất, mình tôi còm cõi với những kỷ niệm xa xưa như nhớ như quên. Đầu tôi đã hai thứ tóc.

    Ngay sau đó là mười lăm phút ăng-trắc. Tôi ra đầu cầu thang, đứng bên cửa sổ hút thuốc lá. Một gia đình có lẽ Việt kiều đang xuống cầu thang. Người chồng dừng lại dặn vợ con điều gì rồi ở lại, ngập ngừng đến trước mặt tôi, làm bộ mồi nhờ điếu thuốc:

    – Xin lỗi, ông có phải là giáo sư X. ngày trước dạy ở trường Trung học Bạc Liêu?

    Tôi ngạc nhiên, đã bao lâu nay chúng tôi không còn phải là giáo sư nữa mà là giáo viên, một thứ hạng bét dưới đáy xã hội, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, con người không phải con người. Anh này chắc là Việt kiều nên mới quen miệng, gọi tôi bằng hai tiếng “giáo sư” như vậy.

    – Vâng. Xin lỗi…?

    Anh ta mừng rỡ nắm chặt tay tôi:

    – Em nè thầy! Em cũng là học sinh cũ trường Trung học Bạc Liêu, ngày trước học thầy. Thầy có nhớ hồi đó thầy còn trẻ, mới đổi về tỉnh, mấy thầy trò đi với nhau tụi em chỉ cho thầy thấy ngôi nhà của ông Sáu Lầu ở bên kia sông?

    Ôi, em đấy ư, những người học trò cũ thân yêu bao nhiêu năm nay tôi vẫn mong gặp lại đấy ư? Quả đất này tròn thật, thầy trò không ngờ gặp nhau.

    – Ghê thật, em nhớ dai thật, bao nhiêu năm rồi mà vẫn còn nhận ra thầy.

    – Dạ không. Tại em ngồi ngay ghế phía đằng sau thầy. Lúc đầu, thầy mới bước vô em ngờ ngợ vì trông thấy thầy hơi quen quen. Sau, nghe thầy giải thích với em nhỏ ngồi bên cạnh về cái tên Dạ Cổ Hoài Lang, giọng thầy vẫn y chang nên em mới chợt nhớ ra.

    Hai thầy trò hàn huyên với nhau. Tôi gợi lại câu chuyện ngày xưa và xin lỗi rằng hồi đó tôi còn ít tuổi, mới ra trường nên chưa biết gì về ông Sáu Lầu và nguồn gốc bản Dạ Cổ Hoài Lang.

    Người học trò cũ ngạc nhiên:

    – Dạ thưa có gì đâu thầy? Hồi đó tụi em cũng biết là thầy không biết nhưng có ai trách móc gì thầy đâu? Ở bển lâu lâu có dịp gặp nhau, mấy đứa tụi em vẫn nói chuyện với nhau về thầy.

    “Hồi đó tụi em cũng biết là thầy không biết nhưng có ai trách móc gì thầy đâu, tụi em vẫn nói chuyện với nhau về thầy” âm thanh nào đó tôi nghe rất giống với câu nói của ông Bình Nguyên Lộc, và hơi giống “Những con diều tại Bắc Kinh” mà người ta đề là của Lu Hsun, Lỗ Tấn.

    Đoàn Dự
    http://huongduongtxd.com/



    --------------------------
    @@@ Gửi ct và cb, người Bạc Liêu, đọc để nhớ quê xưa và người thầy học cũ.
    (Hh)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X