Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Sư Đoàn IV Không Quân (từ thuở sơ khai )

Collapse
X

Sư Đoàn IV Không Quân (từ thuở sơ khai )

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Sư Đoàn IV Không Quân (từ thuở sơ khai )

    SƯ ĐOÀN IV KHÔNG QUÂN
    (TỪ THUỞ SƠ KHAI )


    NGUYỄN ĐỨC GIA





    TRƯỚC NĂM 1964:

    Cả Vùng IV Chiến Thuật, chỉ có một Biệt Đội Không Quân duy nhất, đóng tại Phi Trường Sóc Trăng, do các Phi Hành Đoàn Quan Sát thuộc Phi Đoàn 112 đóng tại Biên Hòa xuống. Biệt Đội Trưởng là Trung úy Nguyễn Tấn Trào.

    ĐẦU NĂM 1964:

    Trong Chương Trình phát triển Không Quân, Bộ Tư Lệnh Không Quân quyết định cải tổ rộng lớn: Cho giải thể các Căn Cứ Trợ Lực Không Quân để thành lập các Không Đoàn Chiến Thuật.
    KĐ 23CT tại Biên Hòa.
    KĐ33CT tại Tân sơn Nhất.
    KĐ 41CT tại Đà Nẵng.
    KĐ62CT tại PleiKu.
    Riêng tại Vùng IV Chiến Thuật, tạm thời thành lập Biệt Đoàn 74 do Thiếu Tá Lưu Kim Cương phụ trách.
    Giai đoạn đầu, trong khi chờ đợi Phi Trường Bình Thủy (Trà Nóc) đang xây dựng chưa hoàn chỉnh. Biệt Đoàn 74 gồm có các Biệt Đội tăng phái từ KĐ 23CT và KĐ33CT xuống:
    Biệt Đội Quan Sát: PĐ 112
    Biệt Đội Khu Trục: PĐ 514 – PĐ 518
    Biệt Đội Trực Thăng: PĐ 211
    Các Biệt Đội này đáp tạm thời tại Phi Trường Bình Thủy (đang xây dựng chưa hoàn chỉnh) sáng đi chiều về, vì chưa có Đơn vị canh giữ Phi Trường.

    CUỐI NĂM 1964:

    Đơn vị chính thức đầu tiên của Biệt Đoàn 74 là Phi Đoàn 116.

    Đây là Phi Đoàn tân lập dành cho Biệt Đoàn 74 được thành lập tại Nha Trang đầu năm 1964, gồm một số các nhân viên Phi Hành của các Phi Đoàn:
    PĐ 112 Biên Hòa, PĐ 114 PleiKu, và PĐ 110 Đà Nẵng gom lại.
    Vị Chỉ Huy Trưởng đầu tiên là Thiếu Tá Nguyễn Phúc Tửng, Chỉ huy Phó là Đại úy Thái Thành Giang, sau đó là Đại úy Bùi Quang Kinh và Trưởng phòng Hành Quân là Trung úy Lê ngọc Ấn.
    Cuối năm 1964, Trung úy Ấn dẫn một Biệt Đội của PĐ 116 về Cần Thơ và tá túc tại bản doanh của Biệt Đoàn 74, là một villa hai tầng lầu của Pháp để lại, tại số 9 Phan Đình Phùng, Cần Thơ.
    Đây là đại lộ chính của Cần Thơ, chỉ đi bộ chừng vài bước là tới bến Ninh Kiều.
    Đến đây, xin mở một dấu ngoặc, để nói về những ngày tháng đầu tiên của PĐ 116 tá túc tại villa này.
    Villa này được kiến trúc theo kiểu “dinh thự,” hai tầng lầu, mái bằng, quét vôi trắng, xung quanh có hàng rào sắt. Cổng ra vào không có chòi canh, không có trạm kiểm soát, chỉ có một binh sĩ đứng trông coi, giống như một nhân viên bảo vệ bây giờ, nên nhìn từ bên ngoài giống như một khách sạn vậy!

    Thời gian đó, tình hình chiến sự chưa đến nỗi sôi động.
    Các “xếp lớn” đều có gia đình, nên ở ngoài phố, chỉ còn lại chúng tôi, một toán Sĩ Quan, tất cả đều độc thân, tuổi từ 20 tới 24 nên sinh hoạt rất là hăng say vui vẻ, chúng tôi có cảm tưởng như đang đi du lịch, đang sống trong cảnh “thanh bình 300 năm cũ” và lúc đó chúng tôi sống đúng nghĩa với câu:
    “Phỉ chí tang bồng, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”

    Ban ngày có xe đưa ra Phi trường để đi bay.

    Bầu Trời vùng IV Chiến Thuật bao gồm 16 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, đã tạo nên một bầu trời rộng thênh thang, nhìn thấy chân trời.
    Chúng tôi tha hồ nhào lộn vùng vẫy, lúc thì cao vút trên đỉnh Thất Sơn, lúc thì xà xà trên đầu cây ngọn cỏ của rừng U Minh, qua Kênh Đồng Tháp, xuống tận Năm Căn, Cái Nước, rồi dọc theo ven biển bay về, ngang qua Bạc Liêu, Ba Xuyên, Vĩnh Bình, Kiến Hòa, Mỹ Tho, rồi men theo dòng sông Cửu Long để về Cần Thơ.

    Ôi Quê Hương ta sao đẹp quá, hơn cả gấm lẫn hoa…

    Tối có xe đón về “khách sạn”

    Chỉ chừng 10 phút thay quần áo civil xong là “khách sạn” đã trống trơn, tốp thì kéo nhau ra bến Ninh Kiều, tốp khác thì kéo nhau vào Câu lạc bộ Sĩ Quan Quân Đoàn IV, cũng nằm trên đường Phan đình Phùng, chỉ đi bộ vài bước là tới, còn lại thì chìm trong sinh hoạt về đêm của Thành Phố được mệnh danh là Tây Đô.
    Trong suốt quãng đời Quân ngũ, đối với những quân nhân đã từng phục vụ trong giai đoạn Sư Đoàn IV còn sơ khai, thì hầu như ai cũng công nhận là không có giai đoạn nào đẹp đẽ, yêu đời và thơ mộng bằng giai đoạn này…
    Rồi thời gian “qua đi…qua đi…qua đi …” Bộ Chỉ Huy của các đơn vị thuộc Biệt Đoàn 74 từ từ dọn về mỗi ngày một đông, chúng tôi đã phải trôi dạt vào khuôn viên của Viện Đại Học Cần Thơ cũ ở tạm.

    ĐẦU NĂM 1965:

    Trung tá Trần văn Minh ( Tư Lệnh KĐ 62 Chiến Thuật tại PleiKu) được Bộ Tư Lệnh Không Quân điều về Cần Thơ tiếp nhận Biệt Đoàn 74 để thành lập Không Đoàn 74 Chiến thuật, thay thế Thiếu tá Lưu Kim Cương được chỉ định chỉ huy Biệt Đoàn 83 tại Tân sơn Nhất.

    GIỮA NĂM 1965:

    Trung Tá Trần văn Minh được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Phó Không Quân, Trung Tá Huỳnh bá Tính được cử thay thế.
    Tuy nhiên, đến khi Trung tá Nguyễn huy Ánh từ Nha Trang được bổ nhiệm về làm Tư Lệnh Không Đoàn 74 Chiến thuật, đồng thời chương trình xây dựng Phi Trường Bình Thủy cũng tạm hoàn tất.
    Các đơn vị bắt đầu dọn vào Phi trường, Không Đoàn 74 chiến thuật bắt đầu hoạt động với đầy đủ các phòng sở, ban ngành, các đơn vị trực thuộc.

    TOÁN TIỀN TRẠM:

    Trưởng toán: Thiếu tá Lưu kim Cương
    Hành Quân: Đại úy Trần bá Hợi
    Phòng Thủ: Đại úy Nguyễn văn Triệu (hí)
    Yểm Cứ: Thiếu tá: Nguyễn Trung Sơn
    Bảo Trì: Thiếu tá Đoàn văn Đệ

    KHÔNG ĐOÀN 74 CHIẾN THUẬT:

    Tư Lệnh: Trung tá Trần văn Minh, Thiếu tá ( Trung tá) Huỳnh Bá Tính, trung tá Nguyễn huy Ánh.
    Tư Lệnh Phó: Thiếu tá Nguyễn tấn Sĩ ( bị tử thương trong chuyến yểm trợ hỏa lực đêm ). Thiếu Tá Ôn văn Tài, Trung tá Ông Lợi Hồng
    Các chức vụ khác lần lượt được các sĩ quan đảm trách như sau:

    1/ Liên Đoàn 74 Yểm Cứ:

    Chỉ huy Trưởng: Thiếu tá Nguyễn trung Sơn (sau về Tân sơn Nhất), Thiếu tá Bùi Quan Khương về thay thế.
    Các phòng sở trực thuộc:
    Trưởng đoàn Kiến Tạo: Trung úy Nguyễn văn Trí, Trung úy (Đại úy) Lâm bá Thọ.
    Trưởng đoàn Yểm trợ Hành Quân: Trung úy Vưu văn Hiển, Đại úy Bùi thế Bỉ, Đại úy Mai tấn Thế, Trung úy (Đại úy) Phạm văn Hưng.
    Trưởng đoàn Chuyển vận: Đại úy Phan văn Phúc, Đại úy Ngô ngọc Thành
    Trưởng phòng Nhân viên: Đại úy Nguyễn đức Tuấn, Đại úy ( Thiếu tá ) Nguyễn thanh Vân
    Trưởng phòng Tài Chánh: Trung úy Nguyễn quang Lợi, Trung úy Nguyễn tuấn Cường
    Trưởng phòng Huấn Luyện: Đại úy Chế văn Thức
    Bệnh Xá Không Đoàn 74 Chiến Thuật: Y Sĩ Trưởng Bác Sĩ Vũ hữu Bao.
    Các phòng sở biệt lập:
    Trưởng phòng An Ninh: Đại úy (Thiếu tá) Hồng văn Tý.
    Trưởng phòng Chiến tranh Chính Trị: Đại úy ( Thiếu Tá) Trần như Huỳnh.

    2/ Liên Đoàn Phòng Thủ: lần lượt là:
    Thiếu Tá Nguyễn đức Hớn, Thiếu Tá Nguyễn quang Ninh.

    3/ Liên Đoàn Bảo trì/Tiếp Liệu: lần lượt là:
    Liên đoàn Trưởng: Thiếu Tá Đoàn văn Đệ, Đại úy (Thiếu tá) Nguyễn cao Nguyên.
    Liên đoàn Phó:Đại úy ( Thiếu tá) Lê vinh Quang Liên đoàn Phó.
    Các đơn vị trực thuộc:
    Đoàn Bảo Trì cấp Đơn Vị Đại úy (Thiếu tá) Nguyễn Mạnh Đức.
    Đoàn Bảo Trì Cấp Căn Cứ Đại úy (Thiếu tá) Ngô văn Kim.
    Đoàn Tiếp liệu Thiếu tá Trần Minh Đạo, sau Đại úy Trần Hữu Phước.
    Đoàn Vũ khí & Đạn Dược Thiếu tá Nguyễn Tấn Thọ, Trung úy Nguyễn Đức Cường.

    4/ Liên Đoàn Tác Chiến:

    Chỉ huy Trưởng lần lượt là:
    Đại úy ( Thiếu Tá ) Võ văn Hội (đã bị thương trong một Phi vụ yểm trợ quân bạn ).
    Đại úy ( Thiếu Tá) Nguyễn phúc Tửng ( Chỉ huy Trưởng Phi Đoàn 116 lên thay, sau biệt phái sang Air Việt Nam).
    Đại úy ( Thiếu Tá ) Nguyễn văn Trương ( Chỉ huy Trưởng Phi Đoàn 520 lên thay, sau đi du học khóa Chỉ Huy Tham Mưu/ Trung cấp Tại Mỹ).
    Đại úy ( Thiếu Tá) Huỳnh văn Vui ( Chỉ huy Trưởng Phi đoàn 520 lên thay).
    Trưởng phòng Hành Quân Chiến Cuộc: Đại úy (Thiếu tá) Huỳnh công Đặng.
    Các Phi Đoàn Trực thuộc:

    Phi Đoàn Quan sát 116:
    Chỉ huy Trưởng: Đại úy (Thiếu Tá ) Bùi quang Kinh ( sau về Bộ Tư Lệnh Không Quân/ Đặc trách Quan sát).
    Chỉ huy Phó: Đại úy ( Thiếu tá ) Mai đức Hường.
    Chỉ huy Trưởng: Đại úy (Thiếu Tá) Nguyễn văn Chín ( du học Hoa Kỳ về đảm trách).
    Chỉ huy Phó: Đại úy (Thiếu tá ) Nguyễn Đức Gia.

    Phi Đoàn Khu Trục 520:
    Chỉ huy Trưởng: Đại úy ( Thiếu Tá) Phạm quang Điềm.
    Chỉ huy Phó: Đại úy ( Thiếu tá ) Bùi công Uẩn.

    Phi đoàn Trực Thăng 217:

    Chỉ huy Trưởng theo thứ tự:
    Thiếu tá Ông lợi Hồng ( sau ra Nha Trang đảm trách Chỉ huy Trưởng trung tâm huấn luyện Nha Trang).
    Đại úy ( Thiếu tá ) Nguyễn văn Phú Hiệp ( sau đổi đi đơn vị khác).
    Đại úy (Thiếu tá) Mai văn Hải.
    Đại úy ( Thiếu tá ) Trương thành Tâm.

    Phi Đoàn Trực Thăng 211:
    Giữa năm 1969, Phi Đoàn 211 từ Tân sơn Nhất di chuyển về và được sát nhập vào Không Đoàn 74 Chiến thuật.
    Chỉ huy Trưởng: Đại úy (Thiếu tá ) Vũ quang Triệu (Mới du học Hoa Kỳ về).

    NĂM 1970,

    Không Đoàn 74 Chiến Thuật được chọn làm thí điểm thành Sư Đoàn Không Quân đầu tiên,
    Sư Đoàn IV Không Quân chính thức được thành lập. ( Kể từ đây, danh xưng Tư Lệnh chỉ dành cho Tư Lệnh Sư Đoàn, còn từ Không Đoàn trở xuống đều gọi là Không Đoàn Trưởng hay Liên Đoàn Trưởng mà thôi).

    VỊ TƯ LỆNH ĐẦU TIÊN CỦA SƯ ĐOÀN IV KHÔNG QUÂN

    Đại Tá ( Chuẩn Tướng ) Nguyễn Huy Ánh.
    Tư Lệnh Phó: Trung tá (Đại tá) Ông Lợi Hồng.
    Sư Đoàn IV Không Quân gồm có 2 căn cứ:
    Phi Trường Bình Thủy và Phi Trường Sóc Trăng.

    Các đơn vị đồn trú tại Phi Trường Bình Thủy gồm:
    A/ Bộ tham mưu Sư Đoàn:


    Tổ chức theo mô hình Bộ Tư Lệnh Không Quân nên có nhiều Phụ Tá và Tham mưu Phó.
    • Phụ Tá Quân Pháp: Chưa có.
    • Phụ Tá Thanh Tra: Chưa có.
    • Phụ Tá Quân Y: Do Y sĩ Trưởng Trung Tâm Y Khoa kiêm nhiệm.
    • Phụ Tá An Phi: Thiếu tá Bửu Ngô.
    • Tham mưu Phó Hành Quân: Trung tá (Đại Tá ) Nguyễn văn Chín.
    Sau này cải tổ có thêm các phòng sở:
    • Phòng Kế Hoạch Hành Quân: Thiếu Tá Nguyễn hữu Xuân.
    • Ban Kế hoạch Hành Quân: Thiếu tá Trần văn Tiếng.
    • Ban Tổ Chức Nhân Lực: Thiếu Tá Nguyễn công Bình.
    • Phòng truyền Tin Điện Tử: Trung Tá Trần Ngọc Côn Sơn.
    • Phòng Quân Báo: Thiếu Tá Lâm tùng Nguyên.
    • Tham Mưu Phó Không Cụ: Trung tá Trần thế Tâm.
    ( Sau đổi thành Tham Mưu Phó Tiếp Vận).
    • Tham Mưu Phó Nhân Viên: Trưởng phòng Nhân Viên Không Đoàn Yểm Cứ Bình Thủy kiêm nhiệm.
    • Tham Mưu Phó Chương Trình Kế Hoạch: Thiếu tá Nguyễn hoài Nam.
    • Tham Mưu Phó Huấn Luyện: Thiếu tá ( Trung tá ) Nguyễn ngọc Thức.
    ( sau đổi lại là Tham Mưu Phó Nhân Huấn)
    • Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị: Thiếu tá ( Trung tá) Trần như Huỳnh.
    • Tham Mưu Phó Truyền tin Điện Tử: Trung Tá Trần ngọc Côn Sơn.
    ( sau sát nhập vào văn phòng Tham Mưu Phó Hành Quân)
    • Phòng Hành Quân Chiến Cuộc: Thiếu Tá ( Trung Tá ) Huỳnh công Đặng.

    B/ Các Không Đoàn Chiến Thuật:

    Không Đoàn 74 Chiến Thuật:

    Không Đoàn Trưởng: Đại Tá Nguyễn quang Ninh.
    Không đoàn Phó: Trung tá Nguyễn văn Trương ( sau đổi đi Phù cát).
    Trung tá Huỳnh văn Vui (sau về Bộ Tư Lệnh Không Quân).
    Không Đoàn Phó để trống.

    • Phi Đoàn 116:
    Phi Đoàn trưởng: Trung tá Nguyễn đức Gia , sau đi học khoa Chỉ Huy Tham Mưu/ Cao Cấp tại Long Bình.
    Phi Đoàn Phó: Thiếu tá Bùi Thanh Sử lên XLTV sau lên Phi Đoàn Trưởng.
    • Phi Đoàn 122:
    Phi Đoàn Trưởng: Trung tá Trần Trọng Khương.
    Phi Đoàn Phó: Thiếu Tá Từ công Phước.
    • Phi Đoàn 520:
    Phi Đoàn Trưởng: Trung tá Phạm Quang Điềm ( sau đi học Chỉ Huy Tham/Mưu Cao cấp tại Long Bình).
    Phi Đoàn Phó: Thiếu tá Bùi công Uẩn ( sau được điều về văn phòng Tham Mưu Phó Hành Quân).
    Phi Đoàn Phó: Thiếu tá Trần quốc Tuấn lên XLTV Phi Đoàn Trưởng
    • Phi Đoàn 526:
    Phi Đoàn Trưởng: Trung tá Huỳnh Hữu Hải.
    Phi Đoàn Phó: Thiếu tá Tạ Hòa Hưởng.
    • Phi Đoàn 546:
    Phi Đoàn Trưởng: Trung tá Lê mộng Hoan ( sau đi học Chỉ huy Tham mưu/Cao cấp tại Long Bình).
    Phi Đoàn Phó: Thiếu tá Lê văn Thặng lên xử lý thường vụ/Phi Đoàn Trưởng.
    Không Đoàn 84 Chiến Thuật
    Không Đoàn Trưởng: Trung Tá Trần Minh Thiện, (sau đổi đi đơn vị khác).Trung tá Mai văn Hải lên thay thế.
    Không Đoàn Phó: Trung tá Nguyễn văn Bông, (sau đổi đi đơn vị khác).
    Không Đoàn Phó: Trung tá Nguyễn thanh Cảnh.
    • Phi Đoàn 225:
    Phi Đoàn Trưởng: Trung tá Lê văn Châu, (sau đi học Chỉ huy Tham mưu / Cao Cấp tại Long
    Bình).
    Phi Đoàn Phó: Thiếu tá Đặng đình Đạt lên Quyền Phi Đoàn Trưởng.
    • Phi Đoàn 227:
    Phi Đoàn Trưởng: Trung tá Trần châu Rết.
    Phi Đoàn Phó: Thiếu tá Lê công Quân.
    • Phi Đoàn 211
    Phi Đoàn Trưởng : Trung tá Trần quế Lâm.
    Phi Đoàn Phó: Thiếu tá Huỳnh Liên.
    • Phi Đội Tản Thương 259 I :
    Phi Đội Trưởng: Thiếu tá Nguyễn Trọng Thanh.

    Không Đoàn 64 Chiến Thuật:

    Không Đoàn Trưởng: Trung tá Trương thành Tâm.
    Không Đoàn Phó: Trung tá Nguyễn văn Ức.
    • Phi Đoàn 217:
    Phi Đoàn Trưởng: Trung tá Nguyễn văn Vọng.
    Phi Đoàn Phó: Thiếu tá Lê tấn Thinh.
    • Phi Đoàn 255:
    Phi Đoàn Trưởng: Trung tá Nguyễn Kim Hườn.
    Phi Đoàn Phó: Thiếu tá Mai văn Chớ.
    • Phi Đoàn 249
    Phi Đoàn Trưởng: Trung tá Phan văn Việt.
    Phi Đoàn Phó: Thiếu tá Huỳnh Liên.
    • Phi Đội Tản Thương 259 H :
    Phi đội Trưởng: Thiếu tá Phạm thành Quới.

    Không Đoàn 40 Bảo Toàn Tiếp Liệu:

    Không Đoàn Trưởng: Trung tá Nguyễn cao Nguyên.
    Không Đoàn Phó: Trung tá Lê Vinh Quang.
    • Liên Đoàn Trưởng Bảo Trì ( cấp Căn Cứ) Trung tá Nguyễn mạnh Đức.
    • Liên Đoàn Trưởng Bảo Trì ( cấp Đơn Vị) Trung tá Ngô văn Kim.
    • Liên Đoàn Trưởng Tiếp Liệu: Trung tá Trần hữu Phước.
    • Liên Đoàn Trưởng Vũ Khí & Đạn Dược: Thiếu tá Nguyễn Đức Cường.

    Không Đoàn Yểm Cứ Bình Thủy:

    Không Đoàn Trưởng: Trung tá (Đại Tá) Bùi Quan Khương.
    • Liên Đoàn Trưởng Phòng Thủ: Thiếu tá Lê công Đức, Thiếu tá (Trung tá) Trần vĩnh Đạt.
    Đoàn phòng vệ: Thiếu tá Nguyễn văn Hải.
    Phòng tình báo lãnh thổ: Thiếu tá Bửu.
    Đoàn Quân Cảnh: Trung úy Phiên.
    • Liên Đoàn Trưởng Trợ Lực: Thiếu tá (Trung tá) Nguyễn Tấn Thọ.
    Trưởng Đoàn Kiến Tạo: Thiếu tá Lâm Bá Thọ.
    Trưởng Đoàn Truyền Tin: Đại úy Nguyễn phú Hiếu, Th/t Lê vĩnh An, Trung úy Kol Sorl Biên.
    Trưởng Đoàn yểm trợ Hành Quân: Đại úy Mai tấn Thế, Đại úy Phạm văn Hưng, Đại úy Nguyễn đức Minh.
    Trưởng Đoàn Chuyển Vận: Thiếu tá Ngô ngọc Thành,Trung úy Nguyễn văn Long,Thiếu úy Hoàng đình Tư, Chuẩn úy Nguyễn văn Thiện.
    Phân Đoàn Tổng Vụ: Trung úy Nguyễn văn Lang.
    Câu lạc bộ Sĩ Quan: Thượng sĩ nhất ( Chuẩn úy) Trần văn Lành.
    Câu lạc bộ Hạ sĩ Quan: Thượng sĩ nhất ( Chuẩn úy) Trần châu Báu.
    • Các Phòng Ban:
    Trưởng Phòng Nhân Viên: Trung tá Nguyễn Thanh Vân.
    Trưởng Phòng Tài Chánh: Đại úy Nguyễn tuấn Cường,Thiếu úy Vũ Thế Kiệt.
    Trưởng Phòng Huấn Luyện: Thiếu tá Chế văn Thức.
    Trưởng phòng An Ninh Dưới Đất: Thiếu tá Nguyễn Linh Hồng.
    Bệnh Xá Sư Đoàn IV Không Quân
    Bác Sĩ Nguyễn ngọc Châu, Bác Sĩ Điểu, Bác Sĩ Nguyễn Lãng Uyên, Bác Sĩ Đỗ quang Trường, Bác Sĩ Thức, Bác Sĩ Nguyễn văn Cường, Bác Sĩ Phước, Bác Sĩ Trần thái Lâm, Nha Sĩ Phó quốc Định, Bác sĩ Ngọc.

    Phòng sở biệt lập:


    Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến: Trung tá Trần Như Huỳnh.
    Trưởng phòng An Ninh Không Quân: Trung tá Hồng văn Tý.
    Các Đơn Vị Đồn Trú tại Phi Trường Sóc Trăng.

    Liên Đoàn Yểm Cứ Sóc Trăng:

    Liên Đoàn Trưởng: Đại Tá Nguyễn Hồng Tuyền
    Một Phần của Không Đoàn 84 Chiến Thuật gồm các Phi Đoàn 225 và Phi Đoàn 227
    Trưởng Đoàn Phòng Thủ: Đại úy Đoàn Đức Long.
    Trưởng phòng An Ninh: Thiếu Tá Nguyễn Xuân Hy.
    Liên Đoàn Bảo Trì/Tiếp Liệu: Đại úy Ngô quý Hiền.

    Năm 1971

    Sư đoàn IV Không Quân tiếp nhận Phi Trường Cần Thơ do Quân Đội Mỹ chuyển giao lại, nên đã lập ra Căn Cứ 40 Chiến Thuật Không Quân,
    Chỉ Huy Trưởng: Đại tá Nguyễn văn Bá.
    Căn cứ Sóc Trăng được giải thể, Liên Đoàn Yểm Cứ Sóc Trăng và toàn thể nhân viên được sát nhập về Liên Đoàn Yểm Cứ Cần Thơ, và đồn trú tại Căn Cứ 40 Chiến Thuật Không Quân, gồm có:
    • Không Đoàn 64 Chiến thuật.
    • Liên Đoàn Yểm Cứ Cần Thơ: Thiếu tá (Trung tá) Lê công Đức.
    • Liên Đoàn 42 Bảo Trì & Tiếp Liệu: Thiếu tá Nguyễn Thành Văn.
    • Đoàn Yểm Trợ Hành Quân: Thiếu tá Phạm văn Hưng.
    • Phòng Huấn Luyện: Thiếu tá Phạm văn Se.
    Các Đơn Vị Không Quân khác, nằm trong Hệ Thống Điều Hành Không Trợ cho Quân Đoàn IV.

    Trung Tâm Hành Quân Không Trợ IV

    Giám Đốc: Đại tá Lê Phúc Lộc.
    Phó Giám Đốc: Trung tá Chu quang Anh.
    Phòng Sĩ quan Liên lạc Không Quân: Trung tá Trương Hữu Hạnh.

    Đài Kiểm Báo Paddy:


    Năm 1967-1970: Trưởng Đài: Thiếu tá Nguyễn Cầu.
    Năm 1970- 1975: Trưởng Đài: Thiếu tá Nguyễn bửu Lộc.
    Cả hai Đơn Vị này thuộc Bộ Tư Lệnh /Không Quân.
    Sư Đoàn đang phát triển một cách đều đặn. Các Đơn Vị, các Phần sở hăng say hoạt Động, thật tấp nập, nhộn nhịp, thì …Tướng Tư Lệnh bị tai nạn tử thương.
    Nhân đây, cũng xin tường trình vắn tắt lại tai nạn đó, để tưởng nhớ tới vị Tướng Quân hăng say với công việc, tận tụy với trách nhiệm.

    …Vào một buổi trưa oi bức của tháng tư năm 1972.

    Tôi đi thi hành Phi Vụ thử Phi Cơ, sau khi mở máy, di chuyển ra đầu Phi Đạo, xin Đài Kiểm Soát cho ra Phi Đạo cất cánh, thì Đài kiểm Soát bảo tôi chờ để nhường cho Phi Cơ khác đáp trước, tôi liền ngước lên nhìn, thì thấy một Phi Cơ Trực Thăng HU1 đang cố câu chiếc Phi Cơ L19 mới rớt cách đó mấy ngày, và rất gần với Phi Trường.
    Sau 2,3 lần nhấc thử, cuối cùng chiếc L19 cũng được nhấc lên, rồi từ từ lên cao nữa. Tôi khen thầm:
    • Hay quá, thật là gọn gàng, đỡ tốn bao nhiêu nhân lực.
    Khi phi cơ lên đủ cao độ, bắt đầu bay vào đáp thì chiếc L19 ở dưới đất bắt đầu đong đưa, chao sang phải, chao sang trái, rồi bỗng bay vút lên cao về phía trước, đâm vào cánh quạt của chiếc Trực Thăng, khiến cả hai rơi xuống đất như cục đá, tim tôi thắt lại, tôi thật sự lo lắng cho Phi Hành Đoàn nào đó. Tôi liền quay trở về bến đậu, về lại Phi Đoàn thì được biết Tướng Tư Lệnh đã tử thương!
    Toàn thân người tôi như có điện giật, tê dại, hình ảnh ông hiện ra trong trí tôi rất nhanh như một đoạn phim về tất cả các hành động, cử chỉ, lời ăn tiếng nói của ông, và mắt tôi bắt đầu mờ dần.
    Sư Đoàn IV Không Quân mất đi một vị Tư Lệnh khả kính, đa tài và nhân hậu.
    Rồi, Tướng Nguyễn Hữu Tần về thay thế. Sư Đoàn lấy lại phong độ, được ít lâu, thì hiệp định Ba Lê ký kết, mọi sinh hoạt đều khựng lại, dậm chân tại chỗ.
    Những tưởng toàn dân Việt Nam sẽ được hưởng một nền hòa bình vĩnh cửu nào ngờ bọn Cộng Sản Bắc Việt lật lọng, tráo trở, lại được sự ngấm ngầm làm ngơ của người bạn Đồng Minh, nên Sư Đoàn IV Không Quân đành chịu chung số phận của vận nước.
    Đàn chim Sư Đoàn IV Không Quân đã phải bay tứ tán, trôi dạt khắp nơi trên Thế Giới cho tới ngày nay.

    Sau 41 năm phiêu bạt, đây là lần thứ hai bầy chim tìm về với nhau, mong được gặp lại các Cấp Chỉ Huy xưa cũ, các Chiến Hữu, các Bạn Bè thân quen, Nhân Viên các Đơn Vị Bạn đã cùng Phục Vụ chung dưới bóng cờ Sư Đoàn IV Không Quân.
    Như muốn được thấy lại những hình ảnh quen thuộc của cả Sư Đoàn, như buổi chào cờ sáng thứ bảy mỗi tuần thu gọn.

    Hãy về với chúng tôi, ngày 03 tháng 07 năm 2016, ngày Hội lớn của Sư Đoàn IV Không Quân.

    Qua Bản Ghi Danh tham dự, chúng tôi nhận thấy có đầy đủ mọi Đơn Vị của Sư Đoàn, từ Phòng Thủ, An Ninh, Truyền Tin, Tiếp Vận, Nhân Viên, Huấn Luyện, Tâm lý Chiến, Tiếp Liệu, Vũ khí Đạn Dược, Kỹ Thuật, các Phi Đoàn Quan Sát, Khu Trục, Trực Thăng, Phòng Quân Y Sư Đoàn, Hành Quân Chiến Cuộc, Bộ Tham Mưu các Không Đoàn và Sư Đoàn, có cả Asoc4 và Đài Kiểm Báo Paddy…
    Đây có lẽ là lần duy nhất và chắc chắn không có lần nào khác có mặt đầy đủ các Đơn Vị Sư Đoàn IV Không Quân như lần này, là bởi vì khi ra đi, người trẻ nhất cũng là 20 nên bây giờ nhỏ nhất cũng trên 60, Thế Hệ chúng tôi cũng trên 70 rồi, cứ ít lâu lại nghe tin có một vì Sao rụng, như vậy đâu còn dịp nào nữa để mà …Chờ mong!

    Qua kinh nghiệm, ngoại trừ Đại Hội Khu Trục hay Trực Thăng, còn ngoài ra, các đại hội khác của Không Quân, chưa thấy có Đại Hội nào lại đông Khu trục, Trực Thăng, các Đơn Vị, mọi Cấp Bậc, tham dự đông như lần này, chứng tỏ tất cả chúng ta đều cảm thấy trước khi mờ dần trong tâm tưởng mọi người, ta phải…Ta phải…

    Vâng, Tôi hiểu ý Quý vị, tôi xin được nói lên cái ý đó.
    Quý vị cho phép tôi được thành lập Ban Đại Hợp Xướng Sư Đoàn IV Không Quân, gồm mấy trăm người, chúng ta cùng nhau đồng ca nhạc phẩm:
    “ Nếu có yêu tôi” của nhạc sĩ Trần duy Đức, thơ Ngô tịnh Yên.

    Chúng ta bắt đầu nha?

    Có tốt với “nhau”, hai, ba, Có tốt với “nhau”
    Dạ chưa được, lớn hơn Có tốt với “nhau”
    Lớn hơn nữa: Có Tốt với “nhau”
    O.K tiếp tục Thì tốt với “nhau” bây giờ,
    Đừng đợi ngày mai, đến lúc “ta” xa người,
    Đừng đợi ngày mai, đến khi “ta” phải ra đi.
    Ôi muộn làm sao, nói lời tạ ơn.
    ………………………………….
    Cát bụi làm sao, mà biết mỉm cười
    …………………………………..
    “Ta” chẳng làm sao, tạ lỗi cùng người,
    “Ta” chẳng làm sao….Tạ lỗi…cùng người…”

    Phụ chú:

    Vì thời gian quá lâu, nửa Thế Kỷ, mặc dầu có sự giúp đỡ của các Quý Niên Trưởng:
    Nguyễn văn Chín, Bùi quan Khương, Trương thành Tâm và các anh Phạm Quang Điềm, Nguyễn đức Cường, Nguyễn viết Trường, nhưng vẫn có thể có sự thiếu sót: Tên, Cấp Bậc, Chức Vụ V.V..
    Xin Quý vị lượng tình bỏ qua.
    Chân thành cám ơn
    CaLi ngày 23 tháng 05 năm 2016
    NGUYỄN ĐỨC GIA


    (Ghi chú HQPD: Nhân ngày Hội lớn của Sư Đoàn IV Không Quân, ngày 03 tháng 07 năm 2016. Xin chân thành cám ơn NT Nguyễn Viết Trường chuyển gởi.)

  • #2
    “Sư Đoàn Trưởng” hay “Tư Lệnh”?

    Bài viết “Sư Đoàn IV Không Quân...” của NT Nguyễn Đức Gia thật công phu, đầy đủ; lần đầu tiên có một bài viết chi tiết như thế về tổ chức và nhân sự của một Sư Đoàn trong Không Lực VNCH.

    Sau đây, chúng tôi chỉ xin phép được đóng góp đôi chút về danh xưng chức vụ “Tư lệnh / Sư đoàn trưởng” của một Sư đoàn KQ.

    NT Nguyễn Đức Gia viết:

    1970
    Không Đoàn 74 Chiến Thuật được chọn làm thí điểm thành Sư Đoàn Không Quân đầu tiên, Sư Đoàn IV Không Quân chính thức được thành lập. (Kể từ đây, danh xưng Tư Lệnh chỉ dành cho Tư Lệnh Sư Đoàn, còn từ Không Đoàn trở xuống đều gọi là Không Đoàn Trưởng hay Liên Đoàn Trưởng mà thôi).


    * * *




    Thực ra ngày ấy, danh xưng “Tư lệnh” chỉ được nhiều người sử dụng khi nói chuyện, còn trên các văn bản, vị chỉ huy cao nhất trong một Sư đoàn KQ được gọi là “Sư đoàn trưởng”, mãi tới cuối năm 1972, Bộ TTM mới chính thức cho đổi lại là "Tư lệnh".

    Trong bài Ngành Vận Tải trong KLVNCH, đoạn viết về việc thành lập SĐ5KQ, chúng tôi đã chú thích:

    [SƯ ĐOÀN TRƯỞNG: Trước khi các Sư Đoàn Không Quân được thành lập vào năm 1970, danh xưng các chức vụ chỉ huy cao nhất trong quân chủng Không Quân như sau: Tư lệnh Không Quân, Tư lệnh Không Đoàn. Sau khi các Sư Đoàn Không Quân được thành lập, quân chủng Không Quân chỉ còn một vị “tư lệnh” duy nhất là “Tư lệnh Không Quân” ở Tân Sơn Nhất, các cấp chỉ huy kế tiếp mang danh xưng mới “Sư đoàn trưởng”, “Không đoàn trưởng”. Riêng các danh xưng “Chỉ huy trưởng Liên Đoàn”, “Chỉ huy trưởng Phi Đoàn”, theo NT Lê Như Hoàn, đã được đổi thành “Liên đoàn trưởng”, “Phi đoàn trưởng” từ cuối năm 1965.

    Tất cả các phân ưu, cáo phó trên nguyệt san Lý Tưởng của BTL/KQ, và các bài viết trên Đặc San SĐ4KQ trước sự ra đi của cố Thiếu tướng Nguyễn Huy Ánh năm 1972, và bài viết về việc Đại tá Nguyễn Hữu Tần được bổ nhiệm làm tân Sư đoàn trưởng SĐ4KQ, hiện được photocopy phổ biến kèm theo một số bài viết về hai ông, đều ghi rõ chức vụ là “Sư đoàn trưởng Sư Đoàn 4 Không Quân”.]













    Cũng nên biết, tất cả mọi danh xưng chức vụ trong QLVNCH (gồm cả KQ) đều do Bộ Tổng Tham Mưu quy định.

    Nhưng tại sao, cùng là “sếp lớn cấp Sư Đoàn”, các vị chỉ huy Sư Đoàn Bộ Binh, Sư Đoàn Nhảy Dù, Sư Đoàn TQLC thì được gọi là “Tư lệnh”, trong khi các vị chỉ huy Sư Đoàn Không Quân lại “bị” gọi là “Sư đoàn trưởng”?

    Tại sao Bộ TTM lại có sự “kỳ thị” KQ như thế?

    Trước năm 1975, câu hỏi này chưa bao giờ được chính thức đặt ra, cho nên những gì chúng tôi viết ra sau đây cũng không nên xem là câu trả lời chính thức, mà chỉ là những gì được nghe từ một số vị niên trưởng và bạn bè ở văn phòng Tham mưu trưởng BTL/KQ. Vì thế, xin mọi người cứ xem đây như chuyện... trà dư tửu hậu; riêng với quý vị hữu trách bên Bộ TTM, bên Lục Quân, nếu người viết có điều chi sơ xuất, xin vui lòng miễn chấp.




    * * *

    Sau cuộc tổng tấn công của Việt Cộng vào Tết Mậu Thân 1968, Hoa Kỳ bắt đầu chương trình hiện đại hóa và bành trướng QLVNCH, do MACV, Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, và các đại diện quân binh chủng phối hợp soạn thảo kế hoạch.

    Đoàn đại diện Không Quân do Đại tá VTV cầm đầu.

    Dĩ nhiên quân binh chủng nào cũng ra sức “xí phần”, hoặc đòi được ưu tiên; chẳng hạn Lục Quân đã nhất quyềt đòi làm chủ gần một ngàn chiếc trực thăng UH-1 do Lục Quân Hoa Kỳ bàn giao để thành lập các Lữ Đoàn Không Kỵ (Air Cavalry Brigade) trực thuộc Lục Quân.

    Các vị đại diện Lục Quân đã lập luận một cách đơn giản: phi cơ trực thăng của Lục Quân Hoa Kỳ thì phải bàn giao cho Lục Quân Việt Nam!

    Nhưng đòi hỏi này đã bị MACV bác bỏ ngay; lý do họ đưa ra cũng rất đơn giản: không có đủ thì giờ, tiền bạc để huấn luyện, tổ chức những Lữ Đoàn Không Kỵ - một cấp đơn vị chưa từng có trong tổ chức của QLVNCH!

    Đó là phần “hiện đại hóa”, sang tới phần “bành trướng”, khi đại diện KQ đệ trình kế hoạch các Không Đoàn Chiến Thuật (Tactical Wing) hiện hữu của KLVNCH, cùng với các Không Đoàn tân lập sẽ kết hợp thành những “Sư Đoàn Không Quân” (Air Division), các vị bên Bộ TTM đã phản đối, nói rằng “Sư Đoàn” nghe lớn quá, gọi là “Lữ Đoàn” (Brigade) là đủ rồi!

    Đại diện của KQ không đồng ý, lập luận: KLVNCH tổ chức theo KL Hoa Kỳ, mà trong KL Hoa Kỳ chớ hề có cấp “Lữ Đoàn Không Quân” (Air Brigade), chỉ có cấp “Sư Đoàn Không Quân” (Air Division), chẳng hạn Sư Đoàn 2 KQ trực thuộc Đệ Thất Không Lực (7th Air Force) đang phục vụ tại Việt Nam.

    Cuối cùng, với sự hậu thuẫn của AFAG (Air Force Advisory Group) trong MACV, “phe ta” đã thắng: KLVNCH sẽ thành lập các “Sư Đoàn KQ”.

    Nhưng không “thắng 100%”. Bởi vì sau đó, tới phần quy định danh xưng chức vụ, Bộ TTM đã “chế” ra một danh xưng mới (không giống ai), chưa hề có trong tự điển tiếng Việt (của miền Nam) là “Sư đoàn trưởng” để gọi vị chỉ huy cấp cao nhất trong các Sư Đoàn KQ (trên thực tế, trước đó CSBV đã sử dụng danh xưng chức vụ “Sư đoàn trưởng” tuy nhiên chúng tôi không dám viết là phe ta... bắt chước!)

    Dĩ nhiên, đại diện KQ lại phản đối, nhưng vô ích, Bộ TTM là “cha mẹ”!

    Thế là sau khi các Sư Đoàn KQ được thành lập, cơ sở trước kia được gọi là “Bộ Tư Lệnh Không Đoàn”, nay mang tên mới (cũng không giống ai) là “Sư Đoàn Bộ”!

    Nhưng riêng danh xưng chức vụ “Sư đoàn trưởng” thì hầu như chỉ được sử dụng trên văn bản, đơn từ, trong những bài viết mang tính cách "formal", bắt buộc phải chính xác, thống nhất với các văn kiện của Bộ TTM, còn khi nói chuyện hoặc thưa gửi, các quân nhân KQ (và cả "người ngoài") đều gọi vị sếp lớn của Sư Đoàn KQ là “Tư lệnh”.

    Chỉ có một mình ông sếp lớn của Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận Không Quân, Đại tá (sau lên Chuẩn tướng) Từ Văn Bê là mất luôn chức "Tư lệnh": trước kia ông là “Tư lệnh” Không Đoàn Kỹ Thuật & Tiếp Vận, sau khi Không Đoàn Kỹ Thuật & Tiếp Vận được nâng lên thành Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận Không Quân, thì danh xưng chức vụ của ông trở thành “Chỉ huy trưởng”, một danh xưng mà ông cho là nghe “yếu xìu”!

    [Chúng tôi có muốn “lấy điểm” gọi ông là “Tư lệnh” cũng không ổn, bởi xưa nay không hề có chức vụ “Tư lệnh Bộ Chỉ Huy”]

    Sau đó ít lâu có một ông tướng 3 sao trong Không Lực Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) - đối tác của ông Từ Văn Bê - sang thăm Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận Không Quân.

    Khi chúng tôi viết bản tin, ông Từ Văn Bê, vốn là một người trọng nguyên tắc, đã cẩn thận dặn dò phải viết theo đúng nguyên văn tiếng Hán danh xưng chức vụ của của vị khách quý: Trung tướng Tư lệnh Không Quân Cung Ứng Tư Lệnh Bộ.

    Nhưng cũng chính mấy chữ “Tư lệnh Không Quân Cung Ứng Tư Lệnh Bộ” đã khơi lại “vết thương lòng” của ông Từ Văn Bê. Ông nói với tôi:

    - Anh có thấy người Tầu họ dịch “Air Logistics Command” thành “Không Quân Cung Ứng Tư Lệnh Bộ” nghe hay hơn là “Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận Không Quân” của mình không?

    Dĩ nhiên, dù kém thông minh tới đâu tôi cũng phải hiểu rằng ông sếp lớn của mình đang tiếc nhớ danh xưng “Tư lệnh”!

    Cũng nên biết, trong Quân Lực Hoa Kỳ, chỉ có một danh xưng duy nhất để gọi các chức vụ chỉ huy: “Commander” cho đại đơn vị, hoặc “Commanding Officer” cho các đơn vị cấp dưới; Tàu Đài Loan dịch “Commander”, “Commanding Officer” là “Tư lệnh”, Việt Nam ta lúc thì gọi là “Tư lệnh”, lúc thì “Chỉ huy trưởng”, lúc lại... “Sư đoàn trưởng”, vừa nhức đầu vừa có vẻ phân biệt, kỳ thị!

    Trở lại với danh xưng chức vụ “Sư Đoàn Trưởng”, vốn đã được cộng sản sử dụng trong Quân Đội Nhân Dân từ trước năm 1954; khi nói chuyện, thường được gọi tắt là “Sư Trưởng”.

    Vì thế, dư luận trong Không Quân không chỉ bất mãn trước việc ông sếp lớn của sư đoàn bị Bộ TTM bắt gọi Sư Đoàn Trưởng mà còn có những hoang mang, thắc mắc trước việc tự dưng “phe ta” lại xài từ của “phe địch”!

    Rất có thể vì những bất mãn, hoang mang ấy mà về sau, khoảng cuối năm 1972, danh xưng chức vụ “Sư Đoàn Trưởng” trong quân chủng Không Quân đã được Bộ TTM cho đổi lại thành “Tư Lệnh Sư Đoàn”.


    Cuối cùng, xin được nhắc lại: con số trong danh xưng của các Sư Đoàn Không Quân là số Ả-rập (1, 2, 3, 4, 5, 6) chứ không phải số La-mã (I, II, III, IV, V, VI) như trên hiệu kỳ. Theo quy định của Bộ TTM, chỉ có cấp Quân Đoàn mới sử dụng số La-mã.
    NHT
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 03-13-2023, 11:30 PM.

    Comment


    • #3
      Thân chào anh Thiện down-under,

      Lúc nào khi đọc bài viết của anh về quân sử KQ đều rất là thích thú; từ lâu tôi để ý thấy huy hiệu SĐ KQ có số Ả-Rập và phổ biến đa phần là số La-Mã. Theo như thông tin anh nêu lên trên đây thì nếu không có gì trở ngại thì anh có thể đính kèm phần phụ chú theo như văn bãn của Phòng V TTM để cho thấy quy định của con số trong phù hiệu Sư Đoàn là số Ả-Rập. Rất hoan hô anh đã đính kèm phụ bãn đám tang cố Thiếu-Tướng Nguyễn-huy-Ánh để khẵng định danh xưng Sư-Đoàn-Trưởng; điểu này thật tuyệt. Thân chào và chúc anh luôn tràn đầy sức khỏe.

      Raidervo.

      Comment


      • #4
        Anh Raidervo thân mến,

        Xin cám ơn anh về những lời khích lệ.

        Về các con số Ả-rập (1, 2, 3, 4, 5, 6) trên phù hiệu các Sư Đoàn Không Quân, trước kia chúng tôi đã có văn bản trong tay, nhưng tới năm 1974 thì thấy SĐ nào cũng sử dụng số La-mã trên phù hiệu, giống như trên hiệu kỳ của SĐ.
        Last edited by Nguyen Huu Thien; 05-03-2022, 11:32 PM.

        Comment


        • #5
          Thân chào anh Thiện,

          Cám ơn anh đã dành thì giờ quý báu của anh hồi âm thắc mắc của tôi; lòng cũng muốn lấy lời anh làm tin lắm nhưng ( luôn là một chử không bao giờ ai vui khi nhận nó ) theo những huy hiệu tôi sưu tầm được thì các Sư Đoàn KQ có số Ả-Rập chỉ tới SĐ 5 và Liên Đội Đại Đội 953 là chấm hết. Khi có SĐ VI trở đi thì toàn bộ huy hiệu SĐ bắt đầu mang số La-Mã. Gởi anh hai hình SĐ 3&4 cùng hình lá quân kỳ SĐ VI bị trưng bày sau 30-04. Đây cũng là nghi vấn khi tôi mạo muội đặt vấn đề với anh.
          Ngoài ra tôi còn ( lại thắc mắc ) một câu hỏi hơi ngu-ngơ: vùng IV chiến thuật khởi đầu với Không Đoàn 74 do Thiếu Tá Lưu Kim Cương chỉ huy, sau đó KĐ 84 được thành lập. Rồi khi SĐ IV thành hình và có thêm không đoàn mới thì không đoàn này mang danh xưng 64 thay vì như thông lệ sẽ phải là KD 94? Hy vọng sẽ tìm ra câu giải đáp một ngày gần đây. Anh có cao kiến gì không? Chúc anh một ngày mới trong lành và nhiều " nhức đầu" vì Raidervo vứ thắc mắc riết ! Thân.

          Raidervo.

          Comment


          • #6
            Anh Thiện thân,

            Rất mong được liên lạc thuờng xuyên với anh để trau đổi những tài liệu và hiểu biết về Không Quân VNCH. Nếu không có gì trở ngại anh email cho tôi ở skyraider6590@hotmail.com

            Thân.

            Raidervo

            PS/ Trong bài viết trên muốn load hình cho anh đọc mà không load được.

            Comment


            • #7
              Anh Raidervo thân mến,

              Nếu quả thực có lệnh của Bộ TTM hoặc BTL/KQ về việc thay đổi con số Ả-rập trên huy hiệu các SĐKQ thành số La-Mã (từ khi SĐ6KQ được thành lập), tôi không được biết tới SVVT đó. Niên trưởng hoặc chiến hữu nào biết xin vui lòng bổ túc. Riêng tôi, từ nay sẽ không nhắc lại đề tài “tế nhị” này nữa, bởi đúng như anh đã viết, đa số các hội đoàn CQN/KQ ở hải ngoại hiện nay đều sử dụng số La-mã.

              Còn việc ở Sư Đoàn 4 KQ, các Không Đoàn Chiến Thuật mang phiên hiệu lần lượt là 74, 84, 64, tức là có sự thụt lùi – khác với các nơi khác chỉ tiến lên (chẳng hạn 41, 51, 61 của SĐ1KQ, 23, 43, 63 của SĐ3KQ...) - chính tôi cũng thắc mắc như anh.

              Nếu nói rằng các vị hữu trách tin dị đoan, cho rằng 9 và 4 cộng lại thành con số 13 xui xẻo cũng hơi vô lý, bởi 6 và 4 cộng lại cũng... bù trớt!

              Xin được chấm dứt chuyện “trà dư tửu hậu” nơi đây.

              Kính chúc quý niên trưởng và chiến hữu SĐ4KQ một cuộc hội ngộ “để đời, nhớ đời” (và rất có thể cũng là “cuối đời”) vào dịp kỷ niệm Ngày Không Lực sắp tới.

              NHT
              Last edited by Nguyen Huu Thien; 04-27-2021, 09:22 PM.

              Comment


              • #8
                Xin vào xem hai hình huy hiệu SĐ 3 và 4 KQ với số Ả-Rập


                hình quân kỳ SĐ VI KQ bị bỏ lại và bị mang ra trưng bày.


                Ngoài ra vì có sưu tập được hai ấn bản Huấn Lệnh Điều Hành Căn Bản do Phòng 5 TTM phát hành năm 1969 và 1972; trước và sau khi chính thức thành lập các Sư Đoàn KQ. Ấn bản 1969 ấn hành là : Nếu dùng số phãi là số Ả-Rập, và trong ấn bản 1972 không có đề cập gì về quy định loại số nào. Điều này làm tôi luôn thắc mắc vì tôi đặt cho mình một quy tắc là " Chính xác là điều cần thiết và tiên quyết" khi muốn tìm hiểu.

                Bìa Huấn Lệnh
                và phần qui định dành cho Không Quân


                Thân Chào Đoàn Kết.
                Raidervo
                Last edited by raidervo; 06-04-2016, 02:12 PM.

                Comment


                • #9
                  XIN ĐÍNH CHÍNH THÔNG TIN

                  Kính gửi Quý Chú-Bác hqphidung,

                  Vừa rồi Cháu có tìm hiểu vài thông tin trên trang "hoiquanphidung" Cháu thấy có bài

                  " Sư Đoàn IV Không Quân (từ thuở sơ khai)
                  Nguyễn Đức Gia"


                  có vài thông tin hình như chưa chính xác lắm, vậy Cháu xin có vài góp ý như sau:

                  "...Câu lạc bộ Sĩ Quan: Thượng sĩ nhất (Chuẩn úy) Trần văn Lành.
                  Câu lạc bộ Hạ sĩ Quan: Thượng sĩ nhất (Chuẩn úy) Trần châu Báu..."


                  Phần "Câu lạc bộ Hạ sĩ Quan: Thượng sĩ nhất (Chuẩn úy) Trần Châu Báu.." là CHƯA chính xác, vì đến thời điểm 01/05/1975 Ba Cháu là Chuẩn úy TRẦN TẤN PHÚ THỌ vẫn là Quản lý CLB Hạ sĩ Quan tại phi trường Bình Thủy ( cấp bậc trước khi về nhiệm sở mới CLB/HSQ của Ba Cháu là Thượng sĩ nhất Xạ thủ + MEVO Phi đoàn THẦN ĐIỂU 217.
                  Cháu xin gửi tặng Hoiquanphidung một tấm hình của Ba Cháu chụp cùng vói Thiếu tá TÂM (Phi đoàn trưởng 217)
                  Tran Tho Phi Ho





                  Comment



                  Hội Quán Phi Dũng ©
                  Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




                  website hit counter

                  Working...
                  X