Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ngày Xuân nhớ bạn

Collapse
X

Ngày Xuân nhớ bạn

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ngày Xuân nhớ bạn

    Ngày Xuân nhớ bạn

    Phạm Tín An Ninh


    (để tưởng niệm Nguyễn Chánh- người bạn anh hùng của tôi)

    Mỗi năm cứ đến ngày Tết là tôi lại nhớ đến Chánh, người bạn “anh hùng” của tôi. Chúng tôi cùng quê Vạn Giã. Làng của Chánh chỉ cách làng tôi một con đường xe lửa. Dư âm tiếng còi tàu rộn rã, thúc giục cả một thời tuổi thơ, khi hai đứa cùng đứng chờ lên tàu ở thềm ga nhỏ để đến trường, vẫn còn vang vọng mãi trong lòng tôi, đặc biệt mỗi khi nhớ đến Chánh. Lúc nhỏ, hai đứa học chung cùng lớp, cùng trường huyện. Nhà nghèo, những ngày nghỉ học, Chánh thường thay cha chăn một đàn vịt cả vài trăm con. Vì vậy Chánh có cái biệt danh “Chánh Vịt” để phân biệt với những thằng cùng tên Chánh khác trong trường. Nhà tôi nằm cạnh một con sông, bên kia là cánh đồng bát ngát, nên suốt những mùa hè Chánh thường thả vịt ở khu này và dựng một cái lều ngay phía trước nhà tôi. Ban ngày tôi theo Chánh để học cách chỉ huy và kiểm tra đàn vịt. Nhưng tôi không tài nào đếm được cả đàn vịt mấy trăm con trong vòng vài phút đồng hồ, như Chánh. Ngày đó tôi rất phục cái tài này của Chánh, nên thường bảo: “nếu mai này vào lính chắc chắn là mày có tài điều binh khiển tướng hơn tao!” Tối nào, hai đứa chúng tôi cũng ăn cháo vịt hay trứng vịt luộc, rồi nằm tán gẫu đủ thứ mộng dưới biển trên trời.

    Lớn lên, hai đứa rời quê, bỏ lại những cánh đồng, con sông quê và cả đàn vịt dễ thương, vào thành phố Nha trang theo học. Cuối tuần, rủ nhau đi “cọp” xe lửa, có khi đạp xe đạp hát bài “đường trường xa” về thăm nhà. Rồi khi lớn lên thêm vài tuổi nữa, đời quân ngũ đã làm hai thằng mỗi người mỗi ngả. Chánh ở Vùng 3, còn tôi ở Vùng 2. Mãi đến đầu năm 1974, tôi bất ngờ gặp lại Chánh ở Long Thành, khi hai thằng cùng học một khóa tham mưu.

    Gặp nhau, hai thằng cùng kể cho nhau nghe về đời lính của mình. Chánh đã từng là một đại đội trưởng trinh sát có tiếng của Sư Đoàn 18BB, rồi sau đó được thuyên chuyển về Tiểu Khu Long Khánh để chỉ huy một tiểu đoàn Địa Phương Quân. Đời binh nghiệp của Chánh quả có nhiều hào quang hơn so với tôi. Vì khi tôi tốt nghiệp khóa sĩ quan Thủ Đức, thì Chánh đang là một trung sĩ, ra trường Đồng Đế trước đó hơn một năm. Vậy mà bây giờ hai thằng học cùng một khóa tham mưu. Bởi hoàn cảnh gia đình, Chánh phải nghỉ học sớm để phụ giúp cha mẹ nuôi một đàn em dại, Sau đó trong đời lính rày đây mai đó, vậy mà Chánh cố gắng tự học và thi đâu tú tài, rồi vào Thủ Đức học khóa sĩ quan. Tôi cũng một thời đánh đấm khắp chiến trường, nhưng so với số huy chương của Chánh, tôi thua xa lắm. Các cấp bậc của Chánh đều được vinh thăng tại mặt trận.

    Tết nguyên đán năm ấy nhằm vào giữa khóa học, nhưng vì tình hình chiến tranh nên tất cả khóa sinh phải ở lại trong trường. Nhà Chánh ở Long Khánh, nên anh chạy về nhà mang đủ các món ăn Tết vào ở với tôi. Dù không có gia đình bên cạnh, nhưng chúng tôi đã có một cái Tết khá vui vẻ và đầy đủ hương vị Tết. Kỷ niệm đó tôi không thể nào quên.

    Sau ngày 30.4.75 đen tối, tôi “trình diện” để vào tù. Hơn 8 năm khốn cùng từ các trại tù từ Nam ta Bắc, những oan ức tủi hờn và ốm đau bệnh hoạn đã nhiều lúc làm ký ức của tôi mệt mỏi, tri giác gần như tê liệt. Dù vậy, những kỷ niệm tuổi thơ, đời quân ngũ cùng những khuôn mặt bè bạn thân quen của một thời nhỏ dại và những đồng đội đã cùng vào sinh ra tử đôi lúc bất chợt sống lại mãnh liệt từ tiềm thức. Trong đó có đôi lần tôi bắt gặp khuôn mặt của Chánh. Không hiểu bây giờ nó ở đâu? Đã hy sinh ở chiến trường Long Khánh trong những ngày tử thủ kiêu hùng dưới tài chỉ huy của Tướng Lê Minh Đảo, hay đã cùng vợ con qua Mỹ mất rồi? Những ý nghĩ đó cùng hình ảnh của Chánh rồi cũng qua đi, cũng dần dần lãng quên trong tôi bởi những tháng năm tù ngục đau đớn mỏi mòn.

    Đầu năm 1982, tôi được chuyển trại từ Bắc vào Nam. Ở trại Z-30C Hàm Tân, tôi bất ngờ gặp lại anh Trần Văn Úy, một người bạn lớn tuổi cùng đơn vị với tôi ngày trước. Anh là sĩ quan Quân Y, đã cứu sống tôi một lần tại chiến trường Quảng Đức năm 1966. Từ đó chúng tôi kết nghĩa anh em. Sau này, khi được trở về ngành Y tế, theo đề nghị của tôi, anh đã xin về phục vụ tại quê tôi cho đến ngày mất nước. Gặp lại anh trong sự ngỡ ngàng, khi toán tù của anh đang rào khu nhà để nhốt chúng tôi, từ miền Bắc mới chuyển vào. Lâu nay tôi cứ nghĩ là anh và cả gia đình đang sống ở Mỹ. Vì thời gian đơn vị tôi di tản từ miền Trung, được đưa về Vũng Tàu lập thành một đơn vị mới, tôi gặp anh cùng cả gia đình đang tạm trú trong nhà thờ Vũng Tàu, mà vị cha xứ là người bà con và cũng là đồng hương từ Huế của anh. Anh cho biết là đã chuẫn bị sẵn ghe thuyền để chạy ra Hạm Đội Mỹ. Hơn nữa, tôi rất ngạc nhiên, không hiểu tại sao chỉ là một ông thầy thuốc mà anh phải bị tù đày thời gian dài như thế?

    Anh Úy cho biết là anh vừa được chuyển ra từ khu biêt giam. Anh kể lại chuyện trốn trại Hố Nai 3 bất thành hơn năm năm trước. Nhóm có bốn người. Một chạy thoát, ba bị bắt. Gồm có Chánh, Trí và anh Úy. Sau khi bị đánh đập dã man đến ngất xĩu mấy lần, mỗi người bị giam riêng trong một chiếc conex. Ban ngày thì nóng như muốn đốt cháy cả thịt da, đến khuya thì lạnh cóng. Sau hai tuần, trong một đêm mưa tầm tã, Chánh bẻ được còng số 8 (dùng để khóa conex) vượt ngục. Trước khi đi, Chánh tìm cách giải thoát hai người bạn của mình. Nhưng thấy quá khó khăn và nguy hiểm, nên anh Úy và Trí khuyên Chánh nhanh chóng thoát thân.

    Sau hơn một năm ở trại Z-30C, được thả ra, tôi vui mừng trở về sum họp với vợ con đang ở thị trấn Ninh Hòa. Niềm vui chưa trọn, chưa kịp làm quen với mấy đứa con vì lúc tôi vào tù chúng còn rất nhỏ, tôi bị công an gọi trình diện, cho biết là “chính quyền và nhân dân thị trấn này không chấp nhận cho tôi tạm trú”. Tôi được cấp giấy trở lại trại tù. Nằm ở nhà thăm nuôi ba hôm, tôi được cấp một “Giấy Ra Trại” mới, về trình diện công an tỉnh Phú Khánh (tên mới do VC sáp nhập Phú Yên và Khánh Hòa thành một tỉnh). Cuối cùng, tôi được chỉ định về tạm trú tại nơi sanh quán, huyện Vạn Ninh cũ. Nơi ấy, tôi chỉ còn bà cô già góa bụa, sống âm thầm trong ngôi nhà từ đường có mái ngói âm dương của ông bà nội để lại.

    Là một thằng tù mới đước thả ra, đang thời gian “quản chế”, cha tôi cũng đã bị tra tấn hành hạ đến chết trong một trại tù khác ở Mật khu Đá Bàn từ năm 1976, nên tôi được đám VC địa phương chiếu cố rất tận tình. Mỗi ngày từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, cùng với một số anh em đang đồng cảnh khác, phải đi đắp đê làm thủy lợi, sửa sang lại mấy con hương lộ, làm ruộng cho hợp tác xã. Bảy giờ tối, phải ôm chiếu mền ra ngủ trong trụ sở xã. Bất cứ có cuộc họp nào, từ hội phụ nữ đến nhi đồng, chúng tôi đều phải có mặt sớm, để “nhận tội trước nhân dân”, và được nghe lão bí thư xã hay tên trưởng công an, tất cả đều dốt nát, “lên lớp”. Chính những nỗi khốn cùng tủi nhục đó đã giúp tôi có thêm nhiều can đảm, liều lĩnh tổ chức vội vàng một chuyến vượt biển táo bạo sau đó chưa đầy bốn tháng.

    Có một điều quan trọng mà tôi quên nói. Đó là trong tất cả những buổi họp, những lần gọi là “học tập”, và ngay cả những lúc tôi bị gọi lên trình diện, thì cái tên “Nguyễn Chánh” đều được bọn họ nói đến với vẻ hằn học, căm thù, nhằm để đe dọa tôi. Và không chỉ những người đang bị quản chế như chúng tôi, mà hầu hết đồng bào trong huyện Vạn Ninh và nhiều người ở các huyện lân cận, đều thuộc nằm lòng cái tên Nguyễn Chánh. Bọn Việt Cộng ra sức tuyên truyền nhằm gây cho dân chúng lòng căm thù đối với Chánh bao nhiêu, thì dân chúng lại càng ngưỡng mộ, tôn thờ Chánh bấy nhiêu. Họ âm thầm cầu nguyện cho Chánh. Mỗi lần nhắc đến cái tên của Chánh, trong đôi mắt khổ đau của tất cả bà con lóe lên bao niềm hy vọng.

    Sau ngày vượt ngục, Chánh lén lút về lại quê mình. Qui tụ một số anh em họ hàng và bạn bè khí khái ngày xưa (khoảng 30 người). Đình làng Trung Dõng, quê của Chánh, nằm khá kín đáo, là nơi làm lễ xuất quân. Mỗi người chỉ tự trang bị một con dao. Tất cả đều cắt máu uống thề trước sự chứng giám của thần linh sông núi.

    Nhờ bao nhiêu năm chăn vịt, quen thuộc địa hình và biết rõ tình trạng dân chúng, Chánh điều nghiên khá kỹ lưỡng, bố trí anh em đi dọc theo con mương lớn (đang mùa khô) chạy qua ngay phía sau trụ sở xã Vạn Bình, dẫn ra triền núi. Phía trước là quốc lộ trong giờ đông đảo nông dân đi làm ruộng làm rẫy về. Chánh cải trang thành một nông dân, mang chiêc gùi sau lưng, một thân một mình, từ phía sau đột nhập vào trụ sở xã, trong lúc tất cả đám công an du kích tập trung ra chơi bóng chuyền phía trước theo thói quen mỗi ngày. Chánh lén vào nơi cất vũ khí, sau khi gom hết súng ngắn súng dài bỏ vào gùi, Chánh nắm chặt một khẩu M16 (của ta do địch thu được) với hai băng đạn dài, tiến ra sân bóng, bắn một loạt chỉ thiên. Tất cả khoảng gần 15 tên, từ công an, du kích quá bất ngờ, thất thần, răm rắp tuân theo lệnh Chánh, đứng nghiêm tại chỗ, hai tay để lên đầu. Một số chiến hữu của Chánh đã đợi sẵn, lấy súng từ cái gùi sau lưng Chánh, bung ra, dùng dây trói chặt tay từng tên địch và cột nối bọn họ với nhau. Chánh lùa bọn chúng đi về hướng bìa rừng. Ở đó một phần lực lượng của Chánh đợi sẵn.

    Kể từ chuyến ra quân thành công này, lực lượng của Chánh đã làm cho bọn VC thất điên bát đảo. Ở đâu cũng có quân của Chánh. Nay chỗ này mai chỗ khác. Thoát ẩn thoát hiện. Không còn trong phạm vi của huyện, của tỉnh nữa, mà càng lúc càng lan rộng ra xa. Quân số được kết nạp thêm càng lúc càng đông. Vài đoàn xe của VC bị phục kích, đốt sạch, sau khi tịch thu lương thực vũ khí. Công an, cán bộ bị thủ tiêu liên tục. Sau một đêm, những tên VC ác ôn cùng một lúc “phát hiện” trên vách trước hay sau nhà mình đều có dán một mảnh giấy trắng viết bằng máu: “Phải bỏ việc, nếu không muốn bị mất đầu, vợ con bị giết”. Một tên bí thư huyện ủy trên đường từ Phú Yên vào Nha trang họp, bị lực lượng của Chánh bắt sống cùng với bốn tên hộ vệ ngay trên Đèo Cả. Một tên chủ nhiệm Hợp Tác Xã bị tóm cổ ngay trong phòng họp. Trừ những tên có ý đồ chống đối, số còn lại Chánh không giết một tên nào. Đưa bọn chúng lên núi “giáo dục” một tháng rồi thả về với một bản án sau lưng.

    Có lần, lực lượng Chánh treo lá cờ Vàng (VNCH) khá lớn trên một đỉnh núi gần Đèo Cả, hơn một tuần lễ. Bọn VC ở địa phương mất tinh thần. Nhất là đúng vào thời điểm hầu hết thanh niên trong khu vực đều bỏ làng lên núi tìm trầm kỳ, ruộng đồng hoang phế. Một số trong những thanh niên này có gặp và tiếp xúc với lực lượng của Chánh. Có số đi theo Chánh, một số trở về tuyên truyền cho Chánh.

    Bọn VC tăng cường cả trung đoàn, mở các cuộc truy lùng. Sau một vài lần đựng độ, lực lượng Chành có một số hy sinh, số còn lại kịp thời phân tán. Một thời gian, không tìm ra được dấu vết nào nữa, bọn VC lại quay sang đàn áp gia đình Chánh và gia đình những anh em tham gia lực lượng của Chánh. Người em trai út của Chánh, chỉ là một học sinh lớp12, bị bắt và tra tấn đến tê liệt cả hai chân. Vài người bạn của Chánh cũng bị bắt. Một số nhà cửa bị chúng tịch thu. Nhưng tất cả những hinh thức đàn áp đó vẫn không làm nao núng được ai, mà lực lượng của Chánh ngày càng gia tăng, có lúc lên gần cả trăm người.

    Tháng 2 năm 1980, sau một thời gian điều nghiên, Chánh chỉ huy lực lượng tấn công một lớp huấn luyện công an (để chuyên hoạt động đặc biệt tại các Vùng Kinh tế Mới). Khóa học được tổ chức tại một trại tiền trạm của Khu Kinh Tế Mới chuẫn bị thành lập trên vùng núi. Lực lượng của Chánh giết được một số công an, nhưng lần này Chánh không may, bị trọng thương. Được những chiến hữu hết lòng trung thành, chiến đấu, hy sinh để đưa Chánh về vùng núi an toàn.
    Sau ngày ra tù, tôi được nghe bà con cho biết là Chánh đã huấn luyện lực lượng và đang điều nghiên để đột kích vào trại tù A-30 ở Phú Yên để giải thoát anh em. Kế hoạch chưa thực hiện thì Chánh đã bị thương nặng.

    Riêng tôi, ngày xưa khi còn là linh chiến, đã không đánh giặc hào hùng bằng Chánh, và sau này, khi là một thằng tù, cũng không can đảm, anh hùng như Chánh. Ra tù, được sum họp vợ con khi vết thương trên thân thể và cả trong tâm hồn đang còn mưng mủ, Chỉ còn có khả năng đi tìm một lối thoát tử sinh cho riêng mình. Tôi tổ chức một cuộc vượt biển với vài anh em cùng tù. May mà Ông Trời cũng thương tình cho những người đang ở cuối đường bất hạnh. Chuyến đi tổ chức rất vội vã, thiếu thốn, cuối cùng cũng đến được bến bờ tự do. Đặc biệt trong số những bạn tù cùng đi có anh Trần Văn Úy, người cùng trốn trại năm nào với Nguyễn Chánh, người bạn ấu thơ nghèo khó nhưng rất anh hùng hào kiệt của tôi.

    Sau hơn một năm định cư tại Vương quốc Na-Uy, anh Úy được đón vợ con sang đoàn tụ. Vợ chồng tôi có mặt trong buổi tiệc mừng. Không ngờ trong niềm vui sum họp của người bạn này, tôi lại được tin thật đớn đau về một người bạn khác. Mấy đứa con nhỏ của anh chị Úy kể lại cho chúng tôi nghe môt cuộc xử bắn rất man rợ, mà bọn VC ra lệnh cho một số trường học trong địa phương phải đưa học trò đến chứng kiến. Tôi rụng rời tay chân khi được biết trong năm người bị giết hôm ấy có cả bạn tôi: Nguyễn Chánh.

    Sau lần bị trọng thương, Chánh được anh em đưa về chiến khu trong núi. Vết thương ở bụng và chân bị nhiễm trùng nặng. Anh em không còn cách nào hơn là tìm mọi cách đưa Chánh về nhà vợ ở tận Bình Dương để được chữa trị. Hy vọng vì ở một nơi rất xa với địa bàn hoạt động, khó bị phát hiện. Trong hai tháng, gia đình vừa tận tình chăm sóc vừa đưa Chánh trốn ở vài nhà người bà con khác nhau. Nhưng khi vết thương sắp lành, Chánh bị công an vây bắt trong sự bất lực và nỗi đau tột cùng của vợ con.

    Vào một buổi trưa, sau cơn mưa tầm tã, bọn chúng đưa Chánh cùng bốn chiến sĩ phục quốc khác ra khu rừng Dốc Ké (giữa đường từ Vạn Giã đến Đại Lãnh). Chánh bị bịt mặt và trói vào một gốc cây. Chúng dùng đến mười tên công an bắn một lúc vào tấm thân còn đầy vết thương chưa lành của Chánh , trước sự ngơ ngác và sợ hãi của đám học trò ngây thơ, bị bắt buộc đến xem.

    Chánh đã vị quốc vong thân cùng vối bốn chiến hữu. Sau này dân chúng đồn đãi khắp nơi về sự linh thiêng của năm vị anh hùng. Cũng từ ấy, địa danh Dốc Ké được mọi người gọi là Dốc Năm Ông, với sự tôn kính. Họ lập một cái miễu để thờ. Nhang khói quanh năm.

    Trong những ngày tháng tha phương, mỗi lần nhìn trong gương thấy mái tóc ngày mỗi bạc thêm, tôi cảm thấy xót xa, hổ thẹn khi nghĩ về Chánh, lòng quặn đau nhớ tới câu thơ quen thuộc của thi sĩ Cao Tần: “Ta làm gì cho hết nửa đời sau?”

    Phạm Tín An Ninh

  • #2
    ...Trong những ngày tháng tha phương, mỗi lần nhìn trong gương thấy mái tóc ngày mỗi bạc thêm, tôi cảm thấy xót xa, hổ thẹn khi nghĩ về Chánh, lòng quặn đau nhớ tới câu thơ quen thuộc của thi sĩ Cao Tần: “Ta làm gì cho hết nửa đời sau?”
    * * *
    Anh PTAN kính mến,
    Theo suy nghĩ và nhận xét của tôi, chính vì cảm được câu thơ ấy, có những người đã làm được nhiều, quá nhiều việc tốt đẹp trong nửa đời sau. Anh là một.
    NHT

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X