Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cuối Cõi Đi Về

Collapse
X

Cuối Cõi Đi Về

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cuối Cõi Đi Về

    Cuối Cõi Đi Về
    ~~~







    Đến một thời điểm nào đó thì hầu hết mỗi người chúng ta đều đối diện với sự mong manh và ngắn ngủi của sự sống. Rồi tất cả những bận bịu đi về của cõi đời nầy có khi sẽ nhường bước cho những suy tư về sự hiện hữu của chính mình.

    Về vấn đề nầy, mỗi người chúng ta phản ứng một cách khác nhau. Trong khi nhiều người mơ mộng một chốn miên viễn với sự sống vĩnh hằng, tôi thường xuyên nghĩ đến sự chết.

    Và không phải chỉ như một khái niệm chung chung mà thôi. Tôi suy nghĩ đến sự chết ở một phạm vi rất cụ thể: Tôi nhớ, và nhắc nhở tôi phải nhớ rằng “Rồi tôi sẽ chết”. Còn hơn thế nữa, “Tôi sẽ chết một ngày nào đó không xa lắm, và có thể bất cứ lúc nào”. Không phải một cách sầu thảm, tiêu cực mà là với một cảm nhận bình an và hạnh phúc. Tôi sẽ giải thích sau về cái cảm nhận bình an và hạnh phúc nầy.

    Trước hết, tại sao tôi thường xuyên nghĩ đến sự chết? Có lẽ lý do lớn nhất là vì sự chết luôn luôn có mặt chung quanh chúng ta.


    Bạn có nhớ lần đầu tiên trong đời bạn đối diện với sự chết? Đối với một đứa bé thì lần đầu tiên của nó thường là sự chết của một thú vật nuôi trong gia đình như con chó, con mèo, con chim, con cá. Hay một con côn trùng, con gián, con chuột trong sân nhà. Nếu ở thôn quê thì những con gà vịt, bò heo bị giết lấy thịt. Bạn có nhớ cảm tưởng của bạn lúc đó về hiện tượng nầy? Ngạc nhiên? Sợ hãi? Dửng dưng? Dù là gì đi nữa thì sự chết lúc đó có lẽ vẫn như không liên quan lắm đến bạn. Sự chết lúc đó có vẻ như chỉ xảy ra với những sinh vật khác, ở những nơi chốn nào khác. Và bạn chỉ là một người đứng quan sát từ bên ngoài.

    Nhưng rồi sự chết sẽ trở thành liên quan hơn với bạn khi những người chung quanh, như láng giềng hay người quen biết, nằm xuống hoặc vì tuổi già, hay bệnh hoạn, hay tai nạn. Nhất là nếu vì tai nạn hay vì những chứng bệnh đột tử. Đây là lúc mà người ta thường nói với nhau những câu như “Ai mà biết ông/bà ấy lại chết bất ngờ như vậy?” hay “Tôi mới gặp ông/bà ấy vài hôm trước đây mà!”

    Rồi trước sau gì cũng sẽ đến lượt những bạn bè, thân nhân lẫn những người thương yêu nhất trong đời bạn. Sự chết lúc đó sẽ có những ảnh hưởng rất gần, rất lớn, rất lâu dài ngay bên trong bạn. Nó mang theo đến những niềm đau đớn, lo âu và sợ hãi bạn chưa từng trải nghiệm trước đó.

    Và đây có lẽ cũng là những lúc bạn chợt nghĩ đến sự chết của chính mình. Đây là khi mà sự mong manh, ngắn ngủi của sự sống trở thành rõ rệt và cận kề nhất. Đây là khi làm người ta bắt đầu suy nghiệm về ý nghĩa của đời sống họ đang hiện có. Thường thì càng lớn tuổi thì người ta có khuynh hướng suy nghĩ nhiều hơn, thường xuyên hơn về việc nầy.

    Tuy vậy, chết là một đề tài không mấy ai muốn nghĩ đến hay nói đến. Có lẽ người ta không muốn nhắc nhớ đến một hiện tượng kinh hãi hoàn toàn ngoài vòng kiểm soát của họ. Có thể người ta sợ phải đối diện sự thật. Có thể người ta sợ xui xẻo. Hầu như tất cả những gì liên quan đến sự chết đều được đa số các xã hội “văn minh” Âu cũng như Á gói đậy che dấu hay hóa trang dưới các phong tục tập quán cần thiết. Từ hình thức ma chay đến quy định y tế đều có một tính chất chung, đó là né tránh việc trực diện sự chết. Những nghề nghiệp liên quan gần gũi sự chết, như nhân viên nhà quàn hay nghĩa trang, thường được xem là những ngành nghề “u ám” hay “bất thường”. Những người hay bàn luận về sự chết bị xem là tiêu cực hay bệnh hoạn.

    Vấn đề ở đây là không ai có thể tránh né, phủ nhận hay kiểm soát được sự chết. Ai rồi cũng sẽ chết. Mọi người. Mọi sinh vật. Trong đời sống quen thuộc bình thường hằng ngày. Trong thiên nhiên ở những nơi chỗ thường không liên quan đến chúng ta, ở những biên độ mà giác quan chúng ta không cảm nhận được. Ở kích thước vi mô, sự chết xảy ra từng giây, từng phút, đến từng tế bào trong cơ thể chúng ta ngay từ khi bào thai bắt đầu cấu thành trong bụng mẹ. Ở kích thước vĩ mô, tinh tú và thiên hà trong vũ trụ liên tục tạo thành và tiêu hủy. Sự chết là một phần trong sự sống. Một cách đương nhiên và cần thiết. Sự chết cũng hiện diện trong mọi vật vô sinh, mọi hệ thống vật chất lẫn tư tưởng (qua hiện tượng bị tiêu diệt, hủy hoại, tàn phai, quên lãng). Có thể nói sự chết có tác động trên mọi vật thể trong vũ trụ. Mọi thứ. Mọi nơi. Mọi lúc.

    Nếu sự chết là một sự kiện cận kề, liên quan, mật thiết, quan trọng, tự nhiên, đương nhiên, bất khả chối từ và bất khả ly khai với sự sống như thế thì tại sao không nên suy nghiệm về nó thường xuyên?

    Suy nghiệm về sự chết thường xuyên, theo tôi, có hai lợi ích lớn.

    Thứ nhất nó có thể làm chúng ta giảm bớt đi sự sợ hãi về cái chết của chính mình. Một sự kiện hiển nhiên, bình thường và quen thuộc sẽ ít gây ra sợ hãi hơn một sự kiện xa lạ, bí hiểm. Càng suy nghiệm thường xuyên về sự chết (cũng như về bất cứ chủ đề nào khác) sẽ càng giúp chúng ta nhìn thấy thêm nhiều khía cạnh của vấn đề. Và chúng ta sẽ có dịp nhận ra nhiều lý do tại sao sự chết thật ra không đáng sợ như người ta thường nghĩ. (Tôi hy vọng sẽ nói thêm về những lý do nầy vào một dịp khác.)

    Nhiều người xưa nay đã làm, và đã nhận thấy, điều nầy rồi.

    Mark Twain tuyên bố - “Tôi không sợ chết. Tôi đã từng chết hàng tỉ tỉ năm trước khi tôi chào đời và việc đó đã không hề làm tôi bận tâm chút nào hết.”

    Socrate thì nhiếc móc rằng “Thưa quý ngài, sợ chết cũng giống nghĩ rằng mình rất khôn ngoan và hiểu biết trong khi thật ra mình không hề khôn ngoan hay hiểu biết gì cả. Không ai biết chắc sự chết là điều tệ hại lớn nhất xảy đến cho một người, tuy vậy ai cũng sợ hãi nó giống như họ biết chắc rằng nó là một điều đáng ghê sợ nhất.”

    Trong khi đó Mark Haddon, một nhà văn người Anh, thực tế hơn, “Tôi nghĩ người ta tin có Thiên Đàng vì họ không thích cái ý tưởng về sự chết, vì họ muốn tiếp tục sống mãi mãi và họ không thích nghĩ đến việc những người lạ sẽ dọn vào ở trong nhà họ và sẽ quăng các vật dụng cá nhân của họ vào thùng rác.”

    Tu sĩ của một vài chi nhánh Phật Giáo, ở Tây Tạng chẳng hạn, thường xuyên ngồi thiền định trước tử thi từ lúc mới chết cho đến hoàn toàn thối rữa. Ý nghĩa của việc làm nầy là để họ có dịp nhắc nhở với chính họ về sự tạm bợ và vô giá trị của thể xác vật chất.

    Gần đây tôi có dịp đọc qua tùy bút của một người kể về ông nội anh ta, một câu chuyện minh họa tuyệt vời sự bình thản trước sự chết. Anh kể - “Ông nội tôi đã chết 3 lần trong đời ông qua 3 lần đứng tim. Và cả 3 lần đó nhân viên cứu cấp đều làm ông hồi sinh lại. Sau mỗi lần đó chúng tôi đều hỏi ông “chết có cảm giác ra sao?” Cả 3 lần ông nội đều nói là ông thấy bình thản và an lành, không khác gì cảm giác đang chờ đợi một chuyến bay đi xa. Ông cũng chẳng lo lắng gì cả sau lần đứng tim thứ ba. Ông nói ông chỉ chưa có dịp lên chuyến máy bay của ông. Qua mấy năm sau, cuối cùng rồi ông nội cũng lên chuyến bay ấy. Kể từ đó, tôi không còn sợ hãi sự chết nữa. Một ngày nào đó tôi cũng sẽ chỉ lên chuyến bay của tôi.”

    Có người nói rằng thường thì chính ý nghĩ về sợ hãi đem đến sự kinh khủng hơn cái gì đó mà chúng ta sợ hãi. Thật ra nói về chết thì có lẽ ai mà không sợ hãi ít nhiều. Đó là bản năng sinh tồn tự nhiên. Đó là phản xạ ngần ngại cực độ khi phải xa lìa những gì quen thuộc, và an toàn, của sự sống. Tuy nhiên tôi cho rằng nếu một người tự chuẩn bị tư duy đầy đủ thì có thể, thay vì “sợ chết” một cách bấn loạn hoảng hốt, chấp nhận rằng (cũng như câu chuyện minh họa ở trên) chuyến bay của họ đã đến giờ cất cánh. Riêng tôi, hy vọng rằng một ngày nào đó khi trực diện với sự chết thì tôi sẽ nhận thấy rằng mình đã chuẩn bị sẵn sàng đủ để ra đi với tâm hồn bình an như nhân vật trong chuyện.

    Lợi ích thứ hai khi suy nghiệm thường xuyên về sự chết, theo tôi, là chúng ta có thể sẽ thay đổi nhân sinh quan của mình sau khi nhận thức được rằng “sự sống của mỗi cá thể chỉ xảy ra và hiện hữu một lần mà thôi”.

    Đây là một sự kiện rất thực tế nhưng lạnh lùng đến độ tàn nhẫn của vũ trụ. Tuy nhiên, nếu một người hiểu và chấp nhận được điều đó rồi thì họ sẽ nhìn sự sống và đời sống một cách khác hẳn. Đồng thời, họ sẽ không còn bị chi phối bởi những phiền toái nhỏ nhặt cũng như các sự việc mê tín huyễn hoặc đã từng thường làm họ bận tâm.

    Một sự thay đổi lớn nhất đã xảy ra cho tôi là tôi biết quý trọng mọi thứ hơn, kể cả những thứ nhỏ nhặt, đơn giản nhất trong đời sống chung quanh. Đó là vì tôi nhận biết rằng tôi chỉ có thể sống một cuộc đời ngắn ngủi duy nhất một lần nầy mà thôi. Đó là vì tôi nhận biết rằng cá thể lẫn tri thức của tôi hầu như chắc chắn sẽ không tồn tại sau sự chết. Tôi nhận biết rằng không có một cuộc đời nào chờ đợi tôi sau cuộc đời nầy cả. Không có Thiên Đàng lẫn Địa Ngục hay Niết Bàn lẫn Âm Phủ cũng như tôi sẽ chẳng đầu thai thành một sinh vật nào khác.

    Theo tôi, khi nhìn thấy được sự mong manh và ngắn ngủi của sự sống như vậy thì một người sẽ có khuynh hướng cảm nhận rằng mỗi giây phút, mỗi sự vật, mỗi sự việc trong cuộc đời hiện tại của họ đều tuyệt vời và có ý nghĩa hơn bội phần.

    Những người đã trải qua kinh nghiệm sắp mất hay suýt mất hay vừa mất một người thân thương sẽ hiểu rất rõ điều tôi vừa nói ở trên.

    Khi ở trong tình cảnh sắp mất, suýt mất hay vừa mất một người thân thương thì tự nhiên cảm giác của bạn đối với người nầy đột nhiên thay đổi hẳn. Bạn sẽ có những giá trị, những cảm xúc, những gắn bó, những kỷ niệm về người nầy mà trước đây bạn thường không bận tâm lắm để nghĩ đến. Đó là vì trước đây người thân nầy lúc nào cũng hiện diện chung quanh bạn, có thể họ đôi khi còn làm phiền lòng bạn. Chỉ đến khi bạn sắp, suýt hay đã mất người nầy thì những giá trị, những cảm xúc, những gắn bó, những kỷ niệm tốt đẹp về người đó lại đột nhiên trở thành quan trọng và quý giá tột cùng đối với bạn. Bạn sẽ nghĩ nhớ và thương tiếc họ hơn hẳn khi họ vẫn còn ở bên cạnh bạn.

    Sống mà nhận biết rằng sự chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào và cuộc sống nầy sẽ vĩnh viễn tan biến đi cũng tương tự. Đây không phải là một điều yếm thế hay bi quan hóa sự sống. Nhận biết được sự việc trên sẽ đem đến cho tất cả mỗi sự vật, mỗi hiện tượng, mỗi phút giây trong đời sống một giá trị và ý nghĩa khác hẳn.

    Từ sắc xanh của bầu trời đến thể dạng của những cụm mây trắng, từ nụ cười của một người lạ qua đường đến tiếng khóc của đứa trẻ hàng xóm, từ cây viết chì cũ nằm trên bàn viết cho đến sự chuyển động linh hoạt của từng bắp thịt trong bàn tay, từ cọng cỏ mọc hoang bên lề đường cho đến những rặng cây đứng hiên ngang giữa cánh đồng lộng gió, từ những viên đá cuội cho đến các rặng núi già mòn, từ con bướm đêm bay lạc vào nhà cho đến bầy ngỗng trời thiên di trú rét mỗi năm ghé ngang khu đầm nước mặn gần thành phố, v.v. và v.v. đều có những cái đẹp đặc biệt và kỳ diệu của nó.

    Mỗi hơi thở của bạn sẽ ngọt ngào hơn, mỗi chén cơm sẽ thơm ngon hơn, mỗi làn gió lùa qua tóc sẽ mát mẻ hơn, mỗi tia nắng trên da mặt sẽ dịu dàng hơn, màu hoàng hôn sẽ rực rỡ hơn, tiếng chim hót sẽ rộn ràng hơn, sự yên tỉnh trong đêm sẽ thanh thản hơn, giọng người rao mời ngoài chợ sẽ sinh động hơn. Nói cách khác, tất cả mọi sự vật lớn nhỏ trên đời đều mang đầy ý nghĩa của sự sống hơn và bạn sẽ hấp thu sự sống nầy một cách tràn trề và tận tình hơn.

    Và nhiều sự mất mát, nhiều buồn phiền hay lo lắng hàng ngày trong đời bạn cũng sẽ tự nhiên không còn đáng kể nữa. Vài vụ thua lỗ thất thoát trong việc làm ăn sẽ không còn là các đại họa nữa, một chứng bệnh dù trầm kha cũng không còn là nỗi khổ đau cùng cực trong cuộc đời nữa, bị kẹt xe phải ngồi chờ giữa buổi trưa nắng gắt không còn là một cực hình nữa, bữa cơm không có các món ăn vừa miệng không còn là một điều bực bội khó chịu nữa, những lời nói không vừa ý bạn không còn là tác động dẫn đến các cuộc cãi vả với người thân chung quanh nữa. Đó là vì bạn biết rằng ngay cả những mất mát, buồn phiền, lo lắng hay bực bội trên không đáng kể gì cả và cũng không tồn tại mãi mãi. Đó là vì bạn biết rằng tất cả những điều trên chỉ là một giá rất nhỏ bé phải trả cho cái cơ hội ngẫu nhiên quý báu được hiện diện trong sự sống trên hành tinh nầy.

    Nếu nhớ đến sự kiện nầy hàng ngày, hàng giờ và đừng để bị phân tâm bởi những bận rộn không cần thiết thì quan điểm trên sẽ mang lại một sức mạnh và một triết lý sống cơ bản đầy ý nghĩa. (Tôi thường tự nhắc nhở tôi bằng câu “Rồi một ngày nào đó không xa tôi sẽ không còn được dịp nhìn thấy cái nầy, làm được điều nầy nữa.”) Đời sống sẽ không còn bị hoang phí nữa. Bạn sẽ lập tức trở thành một người dễ yêu mến, lẫn dễ được yêu mến bởi, mọi người chung quanh. Bạn cũng sẽ cảm thấy yêu đời và cảm thấy may mắn tột cùng chỉ vì được hiện hữu.

    Nếu nhớ đến sự kiện nầy hàng ngày, hàng giờ thì bạn sẽ trở thành chủ nhân độc lập của vũ trụ quan của bạn. Bạn không cần lệ thuộc vào các hệ thống tín ngưỡng tưởng tượng nữa. Cảm giác “ngoại vòng cương tỏa” nầy là một tự do tâm linh đối với tôi chỉ có thể giản dị gọi là “vô giá”.

    Đó là tại sao tôi nói đến cái cảm nhận bình an và hạnh phúc của tôi ở trên.

    Trịnh Công Sơn đã từng ta thán:

    Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
    Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
    Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
    Rọi suốt trăm năm một cõi đi về.

    Phải chăng trong lời than vãn trên đã tiềm ẩn câu trả lời? Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt? Những gì chúng ta tìm kiếm đã có sẵn trong chốn trăm năm tuy ngắn ngủi nhưng cực kỳ quý báu của mỗi người. Có đáng tiếc chăng là phần đông chúng ta không nhận ra điều đó, ngay cả ở cuối cái cõi đi về nầy.



    Phụ chú 1:

    Cũng vì suy nghiệm thường xuyên về sự chết nên tôi đã trở thành phi tôn giáo. Vì suy nghiệm thường xuyên về sự chết nên tôi nhận ra rằng tín ngưỡng và tôn giáo chỉ là những ảo tưởng vô căn cứ và vô vọng.

    Tôi biết ảo tưởng tâm linh đó có thể xoa dịu đau khổ và đem lại hy vọng cho nhiều người khác. Một người có quyền chọn lựa sống trong ảo ảnh và dùng ảo ảnh để tạm thời xoa dịu những phiền khổ hay để tạo dựng những hy vọng cho họ. Nếu điều đó đem đến bình an trong tâm hồn họ thì tôi xin mừng giùm cho họ. Họ cũng có quyền cho rằng đó là sự chọn lựa độc lập và sáng suốt của họ, họ không hề chịu ảnh hưởng của ai cả, họ không hề bị tẩy não bởi gia đình họ từ ấu thơ, v.v. Riêng tôi thì tôi không thể cảm thấy an tâm hay hạnh phúc để áp dụng ảo ảnh vào đời sống thực tế vì tôi thấy rõ ràng đời sống thực tế không hề thể hiện những ảo ảnh nầy.

    Cho đến nay tôi vẫn chưa thấy bằng chứng gì chính đáng để làm tôi tin: Sự sống của mỗi cá thể sẽ còn tồn tại vĩnh viễn sau khi chết. Có một thiên đàng hay địa ngục đang chờ đợi tôi. Có sự hiện hữu của các đấng thiêng liêng cũng như khả năng cứu rỗi của họ. Sự cầu khẩn cũng như linh mục hay tăng sư nào có thể thay đổi "vận mạng" của người khác bằng sự cầu khẩn, cúng tụng, vái lạy hay bùa chú.

    Vì vậy nên tôi không tin, và không muốn lệ thuộc vào tín ngưỡng hay giáo điều nào liên quan đến các vấn đề trên.

    Cũng có thể nói là vì vậy tôi không sợ bị tội và tôi không cần làm phước. Những việc làm của tôi, những quyết định trong đời sống của tôi chỉ dựa vào nguyên tắc đạo đức và tiêu chuẩn chân thiện mỹ cơ bản sẵn có của con người chớ không tùy thuộc vào các điều ngăn cấm hay hứa hẹn của tôn giáo.

    Theo tôi, nếu không có nỗi sợ hãi về sự chết thì sẽ không có tôn giáo. Tôn giáo chỉ hiện hữu và thành công nhờ vào những hăm dọa hoặc quyến dụ liên quan đến sự chết. Hầu hết những niềm tin, những giáo điều, những thực hành trong các tôn giáo chỉ là những mê tín dị đoan đã được góp nhặt và hệ thống hóa bởi các tu sĩ từ đời nầy qua đời nọ. Các linh mục và tăng sư chỉ đem những mê tín dị đoan trên phối hợp với những thành kiến cá nhân của họ áp đặt lên đời sống của tín đồ.


    Phụ chú 2:

    Tôi nhìn nhận cái khái niệm “chết là tan biến vĩnh viễn” có lẽ rất kinh hãi đối với nhiều người. Khái niệm “mỗi người đứng một mình đơn độc giữa vũ trụ bao la nầy” cũng có thể rất khiếp sợ đối với những ai tin rằng có các đấng thiêng liêng che chở họ.

    Tuy vậy, trong trường hợp tôi, cái khái niệm trên cũng có thể đem đến sự độc lập và sức mạnh của một người nhận thức được rằng không có huyền lực nào hiện hữu để tưởng thưởng hay trừng phạt mình. Với quan niệm nầy, nếu tôi chủ tâm làm một việc gì trên đời thì đó là vì tôi lựa chọn và muốn làm điều đó cho chính tôi chớ không phải vì hy vọng một phần thưởng hay e sợ một hình phạt gì cả về sau. Đối với tôi đó là một niềm tự hào và một hạnh phúc không nhỏ.

    Có người cho rằng với những quan điểm nầy của tôi về tôn giáo thì tôi luôn luôn sẽ là người đơn độc.

    Có lần nọ tôi xem một cuốn phim tài liệu về những đàn cừu của dân du mục trên các cánh đồng hoang ở Siberia. Chúng thường chen chúc, dựa lấn lẫn nhau, lấm la lấm lét, luôn luôn sợ sệt không con nào muốn đứng ở bên ngoài đàn cả. Trong đầu chúng, lúc nào cũng lởn vởn các răng nanh móng vuốt đâu đó của những con sói dữ vô hình. Trên đầu chúng, mây trắng nuột giữa bầu trời xanh biếc. Nhưng dĩ nhiên là đàn cừu không thể nào có tâm trí, hay khả năng, thưởng lãm được cái đẹp thiên nhiên tuyệt vời của những cánh đồng hoang nầy. Những con cừu nầy không bao giờ đơn độc, nhưng cái giá chúng phải trả là chúng không bao giờ thấy biết gì khác trong đời hơn là sự sợ hãi của đồng loại chung quanh chúng.


    Phụ chú 3:

    Cho đến nay chưa có ai trả lời thỏa đáng được các câu hỏi “Vì sao tôi sinh ra?”, “Tôi tồn tại để làm gì?” và “Tôi sẽ đi đâu sau khi chết?”

    Các câu hỏi trên là một phần trong cái tôi gọi là “nhu cầu tâm linh” của con người. Nó luôn gậm nhấm, cào cấu tri thức của con người và làm cho họ ray rứt mãi từ khi những nhu cầu sinh tồn cần kíp nhất như cơm ăn, áo mặc, nhà ở của họ đã được giải quyết.

    Vì vậy người ta không ngừng cố gắng tìm câu trả lời cho các câu hỏi trên. Bằng nhiều cách khác nhau. Có những nhóm người dùng trí tưởng tượng để chế đặt ra các nguồn gốc “thiêng liêng” cho con người. Họ đồng thời sản xuất ra đủ loại thần linh đi kèm theo để hỗ trợ và thuyết phục sự chế đặt đó. Đó là một nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đời của tôn giáo.

    Trí tưởng tượng của mỗi nhóm người khác nhau, vì vậy mỗi tôn giáo có những huyền thoại giải thích sự hiện hữu của con người khác nhau và những thần linh khác nhau. Trong lịch sử nhân loại cho đến nay ước lượng đã có vài trăm ngàn tôn giáo khác nhau. Hơn 99.99% những tôn giáo nầy đều đã bị đào thải vì những “câu trả lời” của chúng đã trở thành quá ngây ngô, lỗi thời và sai bậy để có thể chấp nhận được. Những tôn giáo hiện hành rồi cũng sẽ tuân theo luật đào thải nầy và sẽ được thay thế bởi những tôn giáo khác.

    Theo tôi, có lẽ chúng ta nên thành thật nhìn nhận rằng không ai có thể trả lời các câu hỏi trên. Hay thực tế hơn nữa là các câu hỏi đó thật ra không cần thiết. Theo tôi, hỏi “vì sao tôi sinh ra?” hay “tôi tồn tại để làm gì?” hay “tôi sẽ đi đâu sau khi chết?” cũng giống như hỏi “vì sao vũ trụ hiện hữu?” hay “vũ trụ tồn tại để làm gì?” hay “chuyện gì xảy ra sau khi vũ trụ hủy diệt?”

    Cho đến khi nào có bằng chứng thỏa đáng đưa đến các câu trả lời đủ sức thuyết phục thì chúng ta nên tạm thời cho rằng sự hiện hữu của con người rất có thể chỉ là kết quả của một sự ngẫu nhiên trong vô vàn sự ngẫu nhiên khác đã và đang xảy ra trong cái không gian bất tận và thời gian bất tận bao trùm cái vũ trụ bất tận của họ. Tôi dùng chữ “tạm thời” là vì tôi sẵn sàng thay đổi quan điểm trên của tôi để đón nhận những kiến thức mới nếu những kiến thức nầy thích đáng và đủ sức thuyết phục.

    Và hiện giờ thay vì cố gắng tìm câu trả lời cho các câu hỏi không-ai-có-thể-trả-lời như “vì sao tôi sinh ra?” hay “tôi tồn tại để làm gì?” hay “tôi sẽ đi đâu sau khi chết?” thì tôi quan tâm hơn về vấn đề “tôi sẽ tồn tại như thế nào trong khi tôi hiện hữu?”

    Không ai phủ nhận được tính chất phù du của sự sống: nếu một người may mắn lắm thì họ sinh ra, lớn lên, đi học, đi làm, sinh con đẻ cái, rồi già bệnh và chết. Và hết.

    Sự kiện nầy rất kinh khiếp đối với nhiều người. Đó là tại sao họ cố bám víu vào những ý niệm như Thiên Đàng vĩnh cửu, đầu thai, luân hồi, v.v. mặc dù thực tế cho thấy chúng chỉ là những ảo tưởng không hơn không kém.

    Tuy vậy nếu can đảm và thành thật với chính mình hơn một chút thì một người có thể chấp nhận sự kiện đó và sống một đời sống một cách có ý nghĩa nhất trong phạm vi những gì và trong khoảng thời gian mình có.

    Đó là một cách để giải quyết vấn đề “tôi sẽ tồn tại như thế nào trong khi tôi hiện hữu?”

    Nguyễn Nhân Trí


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X