Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Khói bay vô mắt!

Collapse
X

Khói bay vô mắt!

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Khói bay vô mắt!

    Khói bay vô mắt!
    Đoàn Xuân Thu

    Con của má viết xong một bài văn, đôi khi đọc lại thấy cũng có cái trúng mà cũng có cái trật; nhưng điều mà con sắp nói ra lần nầy chắc chắn là trúng. Trúng trăm phần trăm! Cái đó là: Ai cũng có Mẹ, ai cũng có Má hết! Và ai cũng thương Mẹ, ai cũng thương Má mình sâu thẳm tận đáy lòng. Con cũng không là ngoại lệ!

    Chiều cuối năm, quê người, năm hết, tết đến chợt nhớ Má, nhớ Ba biết bao nhiêu mà nói!

    Nhớ năm 1964, ông Trưởng Ty Bưu Điện Ban Mê Thuột đương nhiệm, bất ngờ ôm hết tiền trong két sắt, dắt vợ con mà dông tuốt qua Lào.

    Số tiền nghe đâu cũng khẳm, lên tới vài ba triệu, (lúc đó là rất lớn, vì vàng chỉ khoảng hai ngàn đồng một lượng). Đó là tiền của mấy ông chủ đồn điền cà phê trên cái xứ Ban Mê Thuột nầy gởi.

    Ban Mê Thuột là đi 7 phút đã về chốn cũ, đi lâu hơn Pleiku được 2 phút, vì lớn hơn một chút. Mấy ông nhà văn, gốc lính, đến đây viết bài gọi tưng nó lên, là thủ phủ cao nguyên, nơi đóng bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Ban Mê Thuột viết tắt là B.M.T nên thiên hạ chơi chữ, đặt cho vài cái mỹ danh là ‘Bụi Mù Trời!’; vì tỉnh lỵ vốn nằm trên vùng đất bazan, đỏ quạch, sình tới ống chân, nhão hoét khi mùa mưa tới, rất tốt cho mấy đồn điền trồng cà phê.

    Mùa nắng, xe qua, cuốn theo từng lốc bụi mù. Xứ rừng, chim kêu, vượn hú, vui sao được? Nên còn gọi là cái xứ ‘Buồn Muôn Thuở!’

    Sau cái vụ thụt kết rồi chạy của ông ‘thần’ nầy, mấy xếp lớn trên Tổng Nha Bưu Điện lo sốt vó, bèn điều một ông khác từ Sài Gòn lên trên ấy để sắp xếp, kiểm tra lại sổ sách coi ông Trưởng Ty cũ chính xác ôm theo hết bao nhiêu tiền, để biết mà bồi thường cho khách hàng ký gởi.

    Ông nầy không muốn đi, bèn xách giấy vô nằm nhà thương, né, vì sợ chết… do tình hình chiến sự ở vùng cao nguyên lúc đó đã bắt đầu ác liệt.

    Quốc lộ 14 từ Ban Mê Thuột đi Buôn Hồ, ngược về hướng Bắc lên tới phố núi cao, phố núi đầy sương, Pleiku, hay chạy về hướng đông, hướng biển, để tới Tuy Hòa bị VC cắt hoài bằng cách đắp mô, giựt mìn, phục kích công voa.

    Từ Sài Gòn ra Ban Mê Thuột phải bay bằng máy bay cánh quạt DC-3 của hãng Hàng Không Việt Nam.

    Ba bị điều đi, mấy ổng hứa: “Đi đi! Hai tháng rồi về!”, nên không thoái thác được, dù Ba Má rất đông con. Cả 7 đứa leo nheo lóc nhóc ở Cư Xá Bưu Điện Hai Bà Trưng.

    Ba đi, phải làm giấy ủy quyền cho Má tới cuối tháng là ra phòng lương bổng của Tổng Nha Bưu Điện lãnh một phần lương về để nuôi mấy đứa con.

    Nhà nghèo, chỉ có một đầu lương của Ba. Giờ còn phải chia hai.

    Nhà vắng Ba như thiếu cái cột cái, thiếu cái mái. Gió! Trống huơ, trống hoác!

    Tới bữa, cơm không thiếu nhưng đồ ăn thì dè xẻn lắm! Có bữa không có đồ ăn luôn! Má phải nấu cơm hơi nhão rồi nén lại, cuốn vô mo cau, xong dùng chỉ tét thành từng khoanh như bánh tét cho tụi con chấm với nước mắm kho quẹt ăn mà trừ bữa.

    Hồi còn Ba ở nhà, Ba đi đánh máy mướn thêm, nên cũng có đồng vô đồng ra mà đắp đổi. Ba đi, nhà vắng, tiền cũng ‘hẻo’ theo luôn. Và Má dàu dàu buồn vì vắng chồng vốn đã quen hơi hướm! Sớm tối có nhau!

    Mấy ông quan lớn, ăn trên ngồi trốc, thiệt không có chút từ tâm nào mà hiểu, mà cảm thông cho hoàn cảnh gia đình của cấp dưới!

    Mấy ổng chỉ lo cho thân mấy ổng mà thôi! Hứa hão là Ba đi chỉ hai tháng ; mà rốt cuộc Ba phải xa nhà, xa vợ, xa con hơn cả năm trời. Ở nhà chỉ Má, một mình, chèo chống!

    Má thương con ăn đói, nên cuối tháng ra sở lãnh lương của Ba về, Má xuống cái tiệm bán bê thui nằm gần cầu Kiệu và chợ Tân Định mua đâu khoảng 300 gram thịt bê thui.

    Về, má bắt chảo lên cho mỡ vào, xào với đậu phộng, bún tàu, củ hành. Dọn ra một dĩa, nhỏ xíu, lớn hơn bàn tay một chút. Vậy mà khói bay lên, thơm phức. Con chạy u ra chợ, mua về thêm bốn ổ bánh mì thiệt bự! Rồi Má kêu mấy anh em con xúm lại mà ăn!

    Mà ngộ! Má không ăn gì hết!

    Hỏi: “Sao Má hõng ăn gì hết! Má!”

    “Ờ! Má xào, cái hơi nó lên no rồi! Tụi con ăn đi!”

    Nhỏ khờ đâu biết Má nói vậy là để nhường mấy miếng thịt bê ít ỏi, bé tí teo đó cho đám con mình. Nên tụi nhỏ thiệt tình tranh nhau đớp láng! Dĩa thịt bò hết sạch, vẫn còn thòm thèm, ngẩng nhìn lên, thấy mắt má chớp chớp.

    Má nói bâng quơ: “Củi ướt quá, khói bay vô mắt Má!”

    Sau nầy lớn lên, xa Má, xa Ba, con lập gia đình, rồi bận bịu lo cho vợ cho con. Nước mắt cứ chảy xuôi hoài vậy sao cà?

    Rồi vợ chồng con cái bỏ nước ra đi. Và Má với Ba đều mất.

    Ngẫm lại! Có trả hiếu được đồng xu cắc bạc nào đâu để bù lại những ngày Má nhịn; cho đám con mình đỡ thèm ‘cao lương mỹ vị!’

    Mà thiệt thịt bê thui xào đậu phộng đâu có phải là ‘cao lương mỹ vị’ gì cho cam ở cái đất nước Úc Châu này!

    Cuối năm, quê người, vậy là con xa Má gần hai mươi năm rồi đó mà không về tảo mộ.

    Xin má đừng buồn! Con nhớ khói bếp quê nhà dữ lắm! Con cũng muốn về quê cũ, thăm mộ má, thắp một nén nhang để thưa với má rằng: Thằng con của Má ngày xưa giờ đây không còn đói nữa; mà phải nói còn hơn là no đủ. Là phủ phê, là thừa mứa!

    Hõng phải chỉ có tụi con không đâu mà bất cứ người nào, rất bình thường như làm hãng ở đất nước Úc nầy cũng y như vậy!

    Nếu con về tảo mộ má chắc là được rồi, chắc cũng có đủ tiền để mua vé máy bay, bay về với Má; nhưng về khi quê nhà mình vẫn còn tan hoang, con no đủ trong khi bà con mình vẫn chìm trong thiếu đói, thì trong tận đáy lòng con, con thấy mình hình như có lỗi với quê hương mình nhiều lắm đó! Má ơi!

    ***

    “Chiều em đi chợ Footscray, mua dùm anh ba ký bê thui!”

    Vợ con, hơi ngạc nhiên, hỏi lại: “Mua chi nhiều dữ vậy? Ăn hõng hết, bỏ tủ lạnh, thịt cũ lần sau ăn, hõng có ngon! Mà anh muốn ăn món gì?”

    “Đừng có cãi! Mua cho anh ba ký! Tiền nè!

    Vợ con nghe lời chồng sai, bèn cầm tiền te te, rẹt rẹt đi ra chợ. Về nhà, nó hỏi: “Anh muốn ăn món gì? Để em làm!”

    “Thì bê thui xào củ hành, đậu phộng với bún tàu!”

    “À! Bê thui xào lăn!”

    Rồi nó bày ra thớt, thịt bê thui xắt nhỏ, vừa gắp, trộn với tương hột, nước cốt dừa, đậu phộng rang. Uớp thêm gia vị: hạt nêm, tiêu, đường, hành tỏi bằm, bột cà ri, bún tàu, nấm mèo, ớt tươi rồi thêm hành tây, hành lá, mò om! Đủ hết trơn hõng thiếu một món gì!

    Rồi nó xẹt xẹt, bật lò ga nghe cóc cóc, đặt chảo lên cho nóng, đổ dầu ô liu, hành, tỏi vào phi vàng, xào với bột cà ri. Thơm phức!

    Xong trút thịt vào chảo chung với nấm mèo, hành tây, nước cốt dừa. Lấy cái xạng mà xào tới xào lui! Nước từ cả ba ký thịt bê thui tươm ra, hơi sắc lại, là nó bắc xuống bếp.

    Đổ thịt bê thui lên từng cái một, trên một chồng dĩa chừng chục cái, rắc đậu phộng đâm dập dập; rồi ngắt mấy cọng mò om rắc lên mặt dĩa.

    Con nhỏ nầy cũng biết nấu ăn quá chớ nhưng chắc ‘tài’ không bằng Má đâu! Con nghĩ vậy nhưng để trong bụng chớ nói ra làm chi cho nó tự ái!

    Phần hồi xưa, đói, má nấu đã ngon, con ăn cái gì thấy cũng ngon hơn bây giờ nhiều!

    Móc ‘mobile phone’, gọi hai thằng con. “Hai đứa chở mấy đứa cháu về thăm ông bà nội chiều cuối năm nhá!”

    Nửa tiếng sau, hai chiếc xe lần lượt ngừng cái kịt trước cổng; mấy đứa nhỏ chạy ào vào nhà: “Hello! Ông Nội! Hello! Bà Nội! Cha! Thơm quá!”

    Thằng con lớn, nịnh, đến bên, chép chép cái mỏ, nheo mắt hỏi: “Má cho tụi con ăn cái gì mà thơm quá tay vậy?”

    Thằng kế nói: “Bữa nay anh em mình trúng mánh ‘ăn’ rồi!”

    Vợ con trả lời tụi nhỏ: “Ờ! Ba tụi con muốn ăn bê thui xào đậu phộng, củ hành với bún tàu đó mà! Người ta gọi là bê thui xào lăn! Vậy mà ổng hõng có biết gọi tên nó là gì!”

    Vợ con dọn lên bàn, ê hề, cho mỗi người một dĩa.

    Con nói: “Dọn cho anh thêm hai dĩa nữa để anh mời Ba Má về ăn!”

    Sau đó với hai đứa con trai, hai đứa con dâu và bốn đứa cháu: “Thôi! Mấy đứa ăn đi!”

    Rồi con khóc!

    Đứa cháu gái nhìn con trân trân, ngạc nhiên hỏi: “What’s wrong? Ông Nội?”

    Giựt mình, con trả lời: “Ờ! Khói bay vô mắt Nội đó mà!”

    Nhưng ở đây xài bếp ga mà! Làm gì có khói! Phải rồi khói bếp của quê nhà!

    Quê người, gia đình đông đủ chiều cuối năm, thức ăn ê hề, dư dả đến mức thừa mứa trên bàn; mà Ba Má đã mất hết còn đâu!


    Đoàn Xuân Thu.
    Melbourne
    .


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X