Thông báo

Collapse
No announcement yet.

SàiGòn, tháng Tư 1975

Collapse
X

SàiGòn, tháng Tư 1975

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • SàiGòn, tháng Tư 1975

    SàiGòn, tháng Tư 1975
    Peter Scholl-Latour - Phan Ba dịch

    Đối với tôi, Sài Gòn chưa bao giờ mang nhiều nét Á hơn là trong những những ngày trước khi sụp đổ. Ngay sau khi ra khỏi con đường Tự Do và cái chợ hoa, người ta sẽ nhanh chóng đi trong một đám đông chật ních người da vàng như là người da trắng duy nhất. Trước người nước ngoài, người Việt đeo lên gương mặt họ một cái mặt nạ của sự dửng dưng. Chỉ khi họ có cảm giác không bị quan sát thì ánh mắt của họ mới lộ ra nỗi lo lắng và sự chờ đợi cái thảm họa đang tiến đến gần. Tài xế Canh của tôi, người mà tôi đã quen biết từ nhiều năm nay, chưa từng bao giờ lái xe một cách sơ ý và lơ đễnh qua sự hỗn loạn của giao thông nội thành như vậy. Bị tôi khiển trách, nỗi lo sợ bộc phát từ trong anh ấy ra ngoài: “Ông cũng biết mà, Monsieur: năm 1954 tôi đã chạy trốn người cộng sản từ Hà Nội vào miền Nam, rồi bây giờ thì họ lại bắt kịp tôi.” Bà đứng đầu sở điện tín, một người miền Trung trầm tư với búi tóc nghiêm khắc, kéo tôi sang một bên: “Có đúng không, Monsieur, người Bắc Việt sẽ giết chết hết tất cả các nhân viên của chính phủ Sài Gòn?” Trong Đà Nẵng bị chiếm đóng, người cộng sản đã bắt bừa hàng trăm người trong mỗi một khu phố và đã bắn chết công khai để đe dọa. Người ta đã thuật lại cho bà như vậy. Thỉnh thoảng cứ trông giống như là sự hỗn loạn được cố tình được kích động qua tin đồn.


    Trận đánh cuối cùng trên cầu Tân Cảng ngày 28 tháng Tư năm 1975


    Người Sài Gòn muốn một mình với nỗi lo lắng và sự không chắc chắn của họ. Đối với Việt Nam, chương lịch sử mở cửa sang Phương Tây kéo dài hai trăm năm đã đi đến kết thúc với một sự thất vọng thật kinh khủng về đối tác người Mỹ sau này. Thành phố Sài Gòn phù phiếm, la Perle de l’Extrême-Orient, đang chuẩn bị để từ bỏ sự xa xỉ, tham nhũng, hoạt động hối hả và niềm vui sống tràn trề. Chẳng bao lâu nữa, nó sẽ khắc khổ và chán chường như Hà Nội. Bầu không khí ở Thượng Hải chắc cũng phải giống như vậy, khi lính Mao Trạch Đông, giống như người từ hành tinh khác, từ Sutschau hành quân về thành phố Babel tội lỗi ở cạnh Wang Pu.

    Hình chụp những con người với ánh mắt kinh hoàng trong các tờ báo ảnh không được phép đánh lừa rằng đất nước này đã bước tới số phận của nó với một thái độ đường hoàng độc nhất vô nhị. Dù đó là những người tỵ nạn mà sự cam chịu vẻ ngoài của họ chứa đầy năng lượng và ý muốn sống còn cứng rắn như sắt đá, dù đó là những người lính quốc gia, cũng biết rõ như các phóng viên nước ngoài rằng cuộc chiến đã thất bại, rằng rồi thì họ phải đứng chịu trách nhiệm trước những tòa án nhân dân và mặc dù vậy vẫn mang vẻ bình thản không thể hiểu được ra tới chiến tuyến ngoài cùng – tất cả họ đều giữ thể diện theo đúng cách Á châu một cách tuyệt vời. Đây là một đất nước lớn lao, đang chuẩn bị để được tái thống nhất dưới chế độ nghiêm khắc của giới vô sản khắc khổ ở miền Bắc, nơi mà trật tự sắt đá và kỷ luật thầy tu đang thống trị. Làm sao mà người Mỹ có thể cảm thấy hòa hợp được trong một đất nước như vậy và với một dân tộc như vậy, một dân tộc bị chia ra thành good guys và bad guys trong các briefingsluôn luôn có ý muốn đánh lạc hướng của họ?

    Những người khẩn cầu đứng xếp thành hàng dài mỗi ngày trước tòa Đại sứ quán Hoa Kỳ. Họ muốn được mang ra khỏi nước với những chiếc máy bay cuối cùng. Những người đứng xếp hàng ở đó là những con cá nhỏ đã cộng tác, những người dân hoảng sợ của Sài Gòn, các cô dâu của lính Mỹ, các nhân viên cấp dưới của vô số các sở Mỹ. Những người hưởng lợi thật sự và những con cá mập, những người gom góp được một số tài sản thật lớn trong vòng mười năm người Mỹ hiện diện, đã lo cho sự an toàn của họ từ lâu, những người cầm đầu các đường dây chợ đen, buôn bán ma túy và bán dâm. Thậm chí họ còn tìm được đồng lõa từ phía Mỹ để mang đi toàn bộ nhiều động bán dâm sang Manila, Bangkok hay, như sau này người ta biết được, sang Florida và New-Mexico. Không có giấy tờ và nhận dạng, những cô gái bán dâm được di tản hẳn đã bất lực trước mọi sự đe dọa tống tiền. Những sĩ quan và nhân viên hết sức trung thực đó của chính quyền Sài Gòn, mà con số của họ lớn nhiều hơn là giới báo chí Phương Tây muốn tường thuật lại, và những người không thể tự vượt qua được chính bản thân mình để xin xỏ một tấm vé máy bay dưới những điều kiện ô nhục, những người đó đã ở lại.

    Ở ngay bên cạnh US-Embassy là Đại sứ quán Pháp. Đã có chỉ thị từ Dinh Elyseé, là cần phải giữ vững vị trí. Lực lượng giữ an ninh được gởi tới thêm. Có tròn mười ngàn công dân Pháp sống trong vùng Sài Gòn. Ít nhất 80 phần trăm trong số đó có gốc rễ Việt Nam. Có những trung tâm tụ hợp dành riêng cho họ. Trong phòng làm việc của Đại sứ Mérillon có một bầu không khí mang vẻ thách thức của Fort Chabrol, giống như thể người ta muốn cho người Mỹ ở bên cạnh thấy rằng một quốc gia với truyền thuyết lịch sử sẽ ứng xử ra sao trong những thời của sự thất bại. Ngược với người Pháp, nước Mỹ cho tới nay chưa từng thất bại trong một cuộc chiến nào. Có lẽ là cũng cần phải học cả điều đó. Một thông tín viên từ Washington đã tóm gọn điều đó lại trong một công thức dễ nhớ: “Ở đây, người Pháp đã bị đánh đại bại nhưng trong danh dự tại Điện Biên Phủ năm 1954; lần từ giã Việt Nam của chúng ta có tên là Watergate.” Mérillon nhỏ người gân guốc, người đã chứng tỏ mình có lòng nhiệt tình ngay từ “Tháng Chín Đen” ở Jordan, đứng vờ đóng kịch, nheo mắt với tôi rồi tuyên bố với tính thống thiết của Gallia: “Tôi ở lại đây theo chỉ thị của người đứng đầu quốc gia tôi, quấn mình vào lá cờ tam tài và bình thản đứng nhìn sự việc không còn thay đổi được nữa đang tiến đến gần.” Để nói một cách giảm nhẹ đi, vào cùng thời điểm đó thì bầu không khí trong Đại sứ quán Đức ít cương quyết hơn. Ở đó chỉ còn có người trông nom nhà cửa Arno Knöchel, một người đã từng phục vụ trong lực lượng lê dương với gia đình Việt đông đúc, là sẵn sàng ở lại. Sau khi nhân sự ngoại giao được di tản, không cần chỉ thị và không có nhiệm vụ, ông treo lá cờ đen-đỏ-vàng lên trên cánh cổng của đại sứ quán Đức. Ông đã trương cờ lên, như ngày xưa người ta hay nói.



    Thường dân chạy tỵ nạn ở Xuân Lộc, 1975


    Chiến bại đã ập tới chính quyền của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu với tính bất thình lình của một cơn bão. Giữa tháng Ba, người Bắc Việt đã dùng xe tăng và pháo binh tấn công thành phố Ban Mê Thuột trên cao nguyên ở Trung Kỳ. Người miền Nam đã miễn cưỡng chống cự bốn giờ đồng hồ. Rồi quân lính của Giáp làm chủ tình hình, và không còn gì có thể chống đỡ được nữa. Các pháo đài Kontum và Pleiku, những cái có nhiệm vụ che chắn Nam Việt Nam trước biên giới Tây đầy lỗ hổng, bị bỏ lại mà không có chiến đấu. Tổng tư lệnh ở Sài Gòn quyết định quá muộn một cuộc tái sắp xếp chiến tuyến lớn. Vì toàn bộ vùng I chiến thuật với Quảng Trị, Huế và Đà Nẵng có thể nói là bị treo lơ lững trong không khí kể từ khi người Bắc Việt đột phá trên cao nguyên, lực lượng tinh nhuệ đang đóng quân trên dãy bờ biển ở phía bắc có nhiệm vụ rút lui khỏi đó. Quanh Nha Trang, các nhà chiến lược tại Sài Gòn hy vọng là vậy, họ có thể thành lập một chiến tuyến mới mà ở phía sau đó, người ta có thể giữ được thành phố Sài Gòn với vùng đất hậu phương không thể thiếu được trải dài cho tới Tây Ninh cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ.

    Nhưng một cuộc rút lui có trật tự chắc chắn là chiến dịch quân sự khó khăn nhất, và các điều kiện tiên quyết của nó là một sự chuẩn bị toàn hảo về tiếp vận cũng như một tinh thần chiến đấu cao độ của quân lính. Cả hai điều đó đều không có. Hoảng loạn bùng phát ở Huế và Đà Nẵng. Quân lính của cố đô chạy như trong một cuộc săn lùng hoang dại về thành phố cảng Đà Nẵng. Trơ tráo nhất là các marines dày dạn kinh nghiệm chiến đấu của Nam Việt Nam. Họ đẩy những đoàn người dân thường tỵ nạn xuống các con hào cạnh đường và bắn để mở đường xuống bến tàu và xuống những con tàu cứu thoát. Đã xảy ra những cảnh cướp bóc và bạo lực hỗn loạn. Trên những con tàu vận tải và thuyền lớn chở đầy ắp người rời Đà Nẵng, các marines giật lấy tiền và trang sức của người dân thường chạy tỵ nạn. Họ hãm hiếp đàn bà và thiếu nữ. Ai không thể đưa ra cho họ thứ gì thì bị đẩy xuống biển.

    Trong lúc đó, những đoàn xe tăng của viên tổng tham mưu mới của Bắc Việt, Văn Tiến Dũng, người đã thay thế viên tổng tư lệnh già Võ Nguyên Giáp trong hoạt động chỉ huy tác chiến, đang tiến hành chiến tranh sấm chớp [Blitzkrieg]. Bộ binh vất vả đi theo sau các mũi nhọn cơ giới đang tiến lên mà không gặp phải kháng cự. Các thành phố bờ biển của Trung Kỳ, những căn cứ khổng lồ – chứa đầy vật liệu – bị người Mỹ bỏ lại, treo cờ trắng mà không có một phát súng được bắn ra. Còn không có những cuộc đàm phán bàn giao có trật tự nữa. ARVN – Army of the Republic of Vietnam – tan rã không kèn không trống. Người Bắc Việt về phần mình, những người phải cực nhọc tiến hành một cuộc chiến tranh du kích gây hao mòn và nhiều gian khổ, bất thình lình phát hiện ra những niềm vui của một cuộc chiến tươi tắn-vui vẻ, cơn say của cuộc xung phong tiến lên phía trước mang lại nhiều chiến thắng. Người Nga và người Trung Quốc đã không keo kiệt trong việc cung cấp vật liệu kể từ lần ngưng bắn lừa dối. Một đoàn quân được cơ giới hóa cao độ lăn bánh về phương nam. Đạo quân du kích đi chân trần đã trở thành một cái xe lăn bằng thép theo kiểu mẫu Nga. Ngay đến các đoạn đường hành quân cũng dựa trên các quy định Xô-viết. Với mọi sự hối hả, ở Hà Nội người ta vẫn muốn chắc ăn. Chỉ với tỷ lệ ưu thế là ba chọi một thì lệnh tấn công mới được ban hành. Một tháng là đã đủ để dời mặt trận ở phía bắc từ tỉnh lỵ Quảng Trị bị nghiền nát ở cạnh vĩ tuyến 17 vào tới vùng lân cận của Sài Gòn. Gần 80 ki-lômét trước thủ đô, hai trung đoàn nhảy dù người Công giáo mới vùng dậy tổ chức lần chống cự tuyệt vọng cuối cùng. Họ cố thủ trong thị trấn Xuân Lộc nhỏ bé ở cạnh Quốc Lộ 1. Họ tiến hành trận đánh đầu tiên trong chiến dịch ma quái đó, cái mà đã giúp cho người Bắc Việt chiếm được một vùng đất dài hơn 1000 ki-lô-mét dọc theo “Con Đường Không Vui”. Xuân Lộc bị bao vây. Tướng Dũng đã có thể dễ dàng đẩy đội quân xung kích của ông tiến về Sài Gòn. Nhưng ông không muốn chừa lại điều gì cho sự ngẫu nhiên, và muốn tụ hợp các lực lượng lại trước khi tiến hành nhát đâm kết liễu.

    Tường thuật chiến tranh đã trở nên đơn điệu trong những ngày cuối cùng. Các trận đánh duy nhất diễn ra quanh Quốc lộ 1, dẫn về phía đông tới Xuân Lộc. Đi 60 ki-lô-mét với chiếc ô tô thuê ngang qua căn cứ Mỹ Long Bình bị bỏ lại và lãng quên và qua căn cứ không quân Biên Hòa là người ta đã ở gần mặt trận. Sau Hiệp định Ngừng bắn Genève năm 1954, tròn 300.000 người tỵ nạn Công giáo từ miền Bắc đã định cư tại vùng quanh Biên Hòa, và nhờ siêng năng mà đã tạo được một sự thịnh vượng khiêm tốn dưới bóng của những ngôi nhà thờ bê tông trơ trọi, cột Đức Mẹ và hang đá. Bây giờ thì những người này, mười lăm năm dài đã là cột sống của cuộc chiến đấu tự vệ chống cộng sản, lại trên đường chạy trốn trước các sư đoàn đang tiến đến của Hà Nội. Cũng như trong năm 1954, các cha và xơ cũng đảm nhận việc dẫn đầu đoàn người tỵ nạn, nhưng lần này thì không còn nơi trú ẩn an toàn trong miền Nam nữa, mà chỉ là chuyến bộ hành trong ngày về cho tới những thị trấn ngoại ô đầy người của một thành phố lớn đã mang dấu hiệu của sự chìm đắm.



    Xuân Lộc, ngày 13 tháng 4 năm 1975


    Quân đội Nam Việt đã nhóm họp lại một vài khẩu đội pháo và bắn vào một đối thủ vô hình. Không còn có một chiến tuyến phòng thủ nữa. Thiếu tiền đề cho một sự chống cự thật sự. Chúng tôi tiếp tục chạy đi, cho tới khi Quốc lộ 1 hoàn toàn vắng người, một dấu hiệu không thể nào sai được, rằng nguy hiểm đang tiến tới và địch thủ đang ở gần. Trước mọi điều tuyệt vọng, những người lính quốc gia vẫn tỏ thái độ thân thiện và thậm chí còn nói đùa với chúng tôi. Chúng tôi đã treo phù hiệu đen-đỏ-vàng mà trên đó có dòng chữ “Báo Chí Đức – Deutsche Presse”. Trên những con đường chạy trốn ở tuyến đầu, tốt hơn là người ta đừng để mình bị nhầm lẫn với người Mỹ.

    Những người lính yêu cầu chúng tôi phải cẩn thận. Ở sau ngọn đồi kế đến, họ cảnh báo chúng tôi, là người Bắc Việt. Tôi để cho quay xe lại và đi bộ cùng với đội quay phim cho tới trạm quan sát cuối cùng. Không có gì cử động trong những cánh đồng trống. Nhưng ở khoảng cách 300 mét có một mô đất ngăn đường. Người Bắc Việt đã vùi mìn chống tăng của họ vào trong đó. Tôi phải nhớ tới lần bị Việt Cộng bắt giữ trong mùa Hè 1973, khi cánh cổng vào “vùng giải phóng” trên Quốc lộ 13 cũng bị chận bởi một mô đất tương tự như vậy.

    Các quân đội nước ngoài đã rời Sài Gòn. Cả những người cố vấn quân sự Mỹ, ngụy trang như là thường dân, cũng theo tín hiệu mật mã của đài phát thanh Mỹ mà chạy về Tân Sơn Nhứt và được chở bằng máy bay ra khỏi nước như những kẻ ngoài vòng pháp luật. Chỉ còn nhóm lính đánh thuê da trắng cuối cùng là ở lại, đội quân nhà báo. Những điều báo trước mối thảm họa và sự tiến đến gần của làn sóng thanh trừng khắt khe-ý thức hệ, cái từ miền Bắc đổ xuống Sài Gòn tội lỗi, hẳn là cũng đánh thức dậy ở người phóng viên báo chí ngoan ngoãn nhất các bản năng lính đánh thuê đã được chôn vùi thật sâu. Thành viên của đại sứ quán Đức đã để lại nhiều rượu khi ra đi. Giới nghiêm bắt đầu ngay từ lúc 8 giờ tối. Vì vậy mà từ chỗ đánh telex hay từ phòng ra-đi-ô, người ta vội vã đi vào một trong những quán ăn Pháp ở chợ hoa, để cho phục vụ món thịt rán, những cái vì thiếu thời gian mà lúc nào cũng là bleu hay saignant, và mắng nhiếc – cho đúng điệu bộ – rằng dâu đất Đà Lạt không còn có trên thực đơn tráng miệng nữa, dù biết chắc rằng Đà Lạt đã bị người cộng sản chiếm đóng từ lâu. Một quy định cuối cùng của chính quyền Thiệu đã cấm bán rượu. Vì vậy mà vang được rót ra thành “cà phê” trong tách.

    Rồi vào lúc tám giờ, tất cả đều gặp nhau trong các gian phòng của khách sạn “Continental”. Một bầu không khí thuộc địa mục nát vẫn còn được giữ lại trong cái hộp cổ xưa này ngay trong trái tim của Sài Gòn. Những người bồi bàn và phục vụ phòng vẫn là những người của trước đây ba mươi năm. Anh chàng Franchini trẻ tuổi, người chủ cuối cùng của “Continental” và là thừa kế Âu-Á của một dòng họ nổi tiếng ở Sài Gòn, được các thông tín viên người Pháp rất nể trọng như là một người yêu thích nghệ thuật châu Á và như là một người trao đổi có kiến thức sâu rộng. Ông đã kịp thời cùng với cô vợ người Hoa rời Sài Gòn đi về hướng Hongkong. Ông đã ủy thác khách sạn lại cho nhân sự già nua của ông, một trong những người đàn ông nhỏ con, nhăn nheo, vì lãng tai mà hầu như không còn có thể ghi nhận những lời nói đặt món ăn nữa, những người ngủ quên trên các chiếc chiếu của họ ở hành lang vào ban ngày và mỉm cười thân mến với những người khách quen khi có một tờ tiền giấy hiện ra. Với những bước chân ngắn, họ phục vụ đá và soda vào mỗi buổi tối cho nhóm nhà báo ồn ào, những người đã lấy số rượu bị bỏ lại trong các đại sứ quán. Người ta uống cho tới khuya, và luôn kể lại cùng những câu chuyện đó, những mẩu chuyện về cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, về cuộc tổng tấn công dịp Phục Sinh 1972, những mẩu chuyện về Tồng thống Diệm và Tổng Thống Thiệu, những quan chức, tướng lĩnh và kẻ lừa đảo. Về lúc cuối, các câu chuyện trở nên gợi tình và dâm dật. “Cách yêu và chết”, trong truyện ngắn “Cornet” là như vậy; trong cuộc chiến thuộc địa bị làm hỏng này thì người ta nói về máu và tinh trùng.



    Quân đội VNCH và nhóm phóng viên truyền hình Tây Phương tìm chỗ núp trước đạn pháo của Bắc Việt ở cầu Tân Cảng - SàiGòn 28 tháng Tư, 1975. Hình: AP Photo/Hoanh


    Các cô gái Việt trẻ tuổi ngồi ở bên cạnh giống như những đóa hoa xa lạ, càng đẹp hơn với mỗi một ly rượu mà những người Âu uống vào. Bản thân họ thì hầu như không uống. Ở trên tường có một tấm áp phích từ những ngày mà Nam Việt Nam còn muốn lôi kéo khách du lịch: một cô gái Á châu xinh đẹp trong chiếc áo dài truyền thống được thể hiện ở trên đó, mờ ảo và lôi cuối giữa những đóa hoa và những sắc màu phấn. Hàng chữ “Follow me to Saigon!” đứng ở dưới.

    Nhà báo là những người khách cuối cùng của các cô gái Sài Gòn, giống như những người cha giải tội trong giời khắc trước lần thử thách lớn. Một cô tỏ vẻ cam chịu số phận: “Thế thì tôi sẽ về làm ruộng với Việt Cộng; dù sao thì tôi cũng xuất thân từ nông thôn.” Người thứ nhì nói cô sẽ không bao giờ có thể từ bỏ được quần áo đẹp và cuộc sống nhẹ nhàng, rằng cô sẽ không thể nào chịu đựng được ô nhục, và nước sông Sài Gòn đủ sâu để thu nhận cô. Người thứ ba đưa ra sự bất chấp: “Khi người dân của chúng tôi sống sung túc ở Sài Gòn và có đủ mọi thứ thì tôi cũng muốn có phần; nhưng khi người dân của tôi sẽ phải làm việc cực nhọc và nghèo khổ thì tôi cũng muốn nghèo khổ theo.” Tất cả đều buồn rầu khi nghĩ đến đại gia đình của họ, những gia đình mà các cô luôn luôn gắn kết với họ và thường đã sử dụng tuổi xuân và nét đẹp của mình để bảo đảm cho họ sống còn.

    Cả các con bướm của đường Tự Do cũng là con cháu của Hai Bà Trưng trong truyền thuyết, đã chống lại những kẻ xâm lăng Trung Quốc và đã tự vận trong chiến bại. Nguyên tố cơ bản của nòi giống này cứng rắn và thô. Khác với phụ nữ Thái bốc đồng và vui vẻ-không phân biệt, phụ nữ Việt sống bằng lý trí tương tự như phụ nữ người Hoa. Khi họ vứt bỏ, thì điều đó xuất phát từ tính toán hay tuyệt vọng, hầu như không bao giờ từ sự nhẹ dạ hoặc từ tính hay thay đổi. Vào buổi tối đó, khi ngồi quan sát cô gái tên Minh trong “Continental”, người ngoan ngoãn, ngay cả khi không kín đáo, với đôi mắt mèo được trang điểm rất nhiều, ngồi yên như một con búp bê, tôi chợt nhớ tới một đoạn trong “Người Mỹ trầm lặng” của Graham Greene: “Cô ấy không phải là một đứa trẻ con. Có lẽ cô ấy có khả năng chống chọi nhiều hơn là anh sẽ có được. Anh có biết một loại sơn bóng mà không thể làm xây xước nó được không? Phượng là như vậy đó.”

    Cho tới ngày cuối cùng, những người xin ăn, tàn tật, đánh giày, bán dâm của cả hai giới tính và những người bán đồ lưu niệm vẫn còn chen chúc nhau quanh hàng hiên của khách sạn “Continental”. Từ khi lực lượng cảnh sát dần dần tan rã, họ ngày càng trơ tráo hơn. Một ngoại lệ đáng khen ngợi của sự dè dặt là người bán sách. Ông chào bán rất nhiều sách về Đông Dương. Nằm ở trên cùng là quyển tiểu thuyết của Graham Greene “The Quiet American”. Một đồng nghiệp Đức lật xem qua, và tôi khuyên anh ấy nên mua quyển đó. Đó hẳn là quyển sách hay nhất đã từng được viết về Việt Nam. Bối cảnh của tiểu thuyết này, diễn ra trong những năm 1951/52, cũng lại là khách sạn “Continental”. Chủ đề chính là một mối tình tay ba giữa nhà báo già người Anh Fowler, tay điệp viên Mỹ trẻ tuổi Pyle và người con gái Việt tên Phượng. Fowler đã sống hai năm trời với Phượng, cho tới khi Pyle, “người Mỹ trầm lặng”, xuất hiện, theo đuổi cô và hứa hẹn sẽ tổ chức lễ cưới ngay lập tức cũng như sẽ mang lại sự an toàn cho cô. Con người Anh bị bỏ rơi đó đã chỉ dẫn cho các du kích quân cộng sản của Việt Minh cách dụ đối thủ của ông vào trong một cái ổ phục kích và giết chết anh ta như thế nào. – Ngay từ khi tôi đọc quyển sách này lần đầu tiên trước đây nhiều năm, tôi đã cảm thấy câu chuyện mang đậm tính biểu tượng. Greene đã tiên đoán trước diễn tiến của các sự việc ở Đông Dương. Phượng tượng trưng cho Việt Nam, ông người Anh già yêu nước Pháp đó cho thế lực thuộc địa Pháp, và anh chàng Pyle không đắn đo, ngây thơ, trẻ tuổi đó xuất hiện giống như một lời loan báo phi ảo tưởng cho cuộc xâm lược của nước Mỹ.

    Người ta đã viết nhiều về sự hả hê của người Pháp trước những thất bại của Mỹ ở Đông Dương. Rõ ràng là người Pháp hiểu biết tốt hơn, gắn bó với đất nước này mật thiết hơn, nhanh chóng nhận ra rằng Hoa Kỳ không thể thắng cuộc chiến này được. Thế nhưng thêm vào đó là một sự căng thẳng ghen tuông giữa một người tình cũ, từng trải, không còn có ảnh hưởng gì nữa và người tình địch giàu có, cả tin, tàn bạo, trẻ trung nhưng đã sớm bất lực từ Tân Thế Giới. Quân đội Pháp, đã bị đánh bại ở Điện Biên Phủ, vẫn còn đau ốm vì Đông Dương. Nó mắc chứng mal jaune [chứng bệnh vàng], như nhà văn Jean Lartéguy, một cựu sĩ quan Nhảy Dù, gọi về sau này.



    SàiGòn, 21 tháng Tư, 1975. Lần bắn hỏa tiển đầu tiên là vào lúc 4 giờ 30 sáng, đánh vào trung tâm Sài Gòn và đốt cháy 150 căn nhà bằng gỗ. 14 người chết và hơn 40 người bị thương. Hình của Jacques Pavlovsky / Sygma / Corbis.


    Vào sáng sớm, chúng tôi lại đi thám thính thêm một lần nữa trên Quốc Lộ 1 ở hướng Xuân Lộc. Người Bắc Việt đã thâm nhập dọc theo hai bên con lộ này. Ở Thủ Đức gần đó, những nhóm tuyên truyền của họ đã công khai xuất hiện và thông báo cho người dân biết rằng họ đưa ra thời hạn khoan dung cho tới mồng 1 tháng Năm; nếu như cho tới lúc đó mà Tướng Thiệu không từ chức thì trận đánh quanh Sài Gòn sẽ bắt đầu, và nếu thế thì ai cũng nên đi tìm nơi ẩn náu cho người đó. Cả ở Sài Gòn, ai cũng chờ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Vào phút chót, ông đã hủy lần đọc diễn văn nhân dịp lễ giổ tổ, tưởng nhớ đến ông tổ Hùng Vương trong huyền thoại. Thay vào đó, ông xuất hiện vào lúc tám giờ trên truyền hình, lúc giờ giới nghiêm vừa mới bắt đầu. Nguyễn Văn Thiệu, con người không nổi bật đó với gương mặt poker bất động, bị nhiều kẻ viết báo Phương Tây phỉ báng không đúng, đã vượt trội lên trong giờ khắc từ biệt này của chính phủ. “Chính phủ Hoa Kỳ đã không giữ đúng lời hứa”, ông nói với một sự giận dữ được kiềm chế trước ống kính; “họ không công bằng; họ vô nhân đạo. Họ không đáng tin. Họ vô trách nhiệm. Tôi không bao giờ tin rằng một người như Henry Kissinger mà lại phó mặc dân tộc chúng ta cho một số phận đáng sợ như vậy.” Với những lời lên án ông giáo sư người Mỹ của mình, người đã đánh lừa ông, ông chứng tỏ rằng ông không chỉ là một bù nhìn. Thiệu xếp bản thân ông vào chỗ đứng của người kế thừa đầy bi kịch nhà độc tài Ngô Đình Diệm. Đối với người dân tin dị đoan của Sài Gòn thì kể từ năm mới vừa rồi của người Việt, Tết con mèo, sự thất bại của Thiệu thế nào đi chăng nữa thì cũng đã rõ. Tôi nhờ anh chàng Minh nhỏ con mà mới có được kiến thức về chiêm tinh học của tôi: Người đứng đầu nhà nước cầm tinh con chuột, vì vậy mà năm con mèo, cái bây giờ đang bắt đầu với những dấu hiệu báo trước đầy bi thảm, sẽ trở thành một tai họa cho ông. Không phải là cả người cầm tinh con chuột Ngô Đình Diệm cũng đã bị lật đổ và giết chết trong một năm con mèo khác đó sao, tức là năm 1963? Nếu như lần này mà Thiệu thoát chết thỉ có lẽ là nhờ vào vợ ông, người ra đời vào năm con ngựa.
    Với chiếc xe của đoàn ngoại giao, mặc dầu đang giờ giới nghiêm, chúng tôi chạy qua thành phố hoang vắng vào lúc nửa đêm. Các đội cảnh sát đi tuần ngăn các ngã tư lại bằng dây kẽm gai và chướng ngại vật. Ở phi trường Tân Sơn Nhứt, cuộc di tản dưới sự đạo diễn của Mỹ vẫn được tiếp tục không ngưng nghỉ trong bầu không khí nặng nề. Bên cạnh cảnh sát và quân cảnh Việt, có những hình dạng đáng ngờ xuất hiện trong bộ quần áo ngủ màu đen của nhân dân tự vệ. Họ hẳn là lực lượng dự bị cuối cùng của chính quyền. Những con người không đáng tin này đã bắt đầu hôi của và làm loạn. Bây giờ thì người Bắc Việt tiếp nhận quyền kiểm soát Sài Gòn càng nhanh và càng trôi chảy thì sẽ càng tốt cho thành phố. Cuối cùng, chúng tôi lưu lạc tới quán rượu Viking của khách sạn Palace. Bên cạnh một vài người Mỹ đến sau, chúng tôi là những người khách duy nhất. Cả ngày trời, các nhà báo đã căng thẳng như những con chó săn đang thở hổn hển, chờ lần từ chức của Thiệu. Bây giờ thì tôi cảm thấy tiếng cười đùa, tiếng reo hò, tiếng nói tán tỉnh các cô phục vụ như là một cái gì đó đáng xấu hổ.

    Chiến thắng trọn vẹn đã rơi vào lòng của Bộ Chính trị ở Hà Nội sớm hơn là dự định. Mục đích của chiến dịch ở cao nguyên nguyên thủy không phải là chiếm Sài Gòn. Tướng Dũng hẳn đã hài lòng với một vài thành công gây tiếng vang ở vùng quanh Huế. Nhưng miền Nam sụp đổ đã gây ra một sự hấp tấp cực lớn. Trong khi người Bắc Việt vội vã tập trung các lực lượng dự bị của họ thành những mũi xung kích hướng về Sài Gòn như là mục tiêu nằm ở trung tâm, họ cũng chuyển lực lượng phòng không của họ từ Bắc Kỳ về phía Nam. Ở Hà Nội, người ta vẫn còn dự tính với một sự can thiệp của US Air Force vào phút cuối, để tạo cho đồng minh Nam Việt Nam một khoảng thời gian cuối cùng.

    Quân đội miền Bắc cũng tiến nhanh cho tới mức các kế hoạch thỏa hiệp và chuyển tiếp, những cái được bày mưu tính kế ở giới quanh tòa đại sứ quán Pháp tại Sài Gòn, cũng đã bị phá hỏng. Mérillon nhanh nhẩu đã thúc giục Quai d’Orsay hãy lại chơi lá bài làm trung gian giữa các bên nội chiến. Trước hết là phải đưa ra một người kế nhiệm tổng thống Thiệu mà cũng được Hà Nội chấp nhận như là người đối thoại. Không phải là hiệp định ngưng bắn năm 1973 đã dự kiến một “hội đồng hòa giải dân tộc” như là giải pháp quá độ đó sao? Đề nghị này thông minh, xuất sắc và dường như là hợp lý, cũng như bao nhiêu cấu trúc đó của nền ngoại giao Pháp. Chỉ là nó không đứng vững được trước các sự việc và tính dứt khoát hung dữ của người cộng sản.



    Tổng Thống Trần Văn Hương (giữa) ngày 27-4-1975 - một ngày trước khi trao quyền cho ông Dương Văn Minh


    Hai ngày trời đầy hy vọng, tất cả các ánh mắt đều hướng tới Tướng Dương Văn Minh. Nhưng chính Big Minh cũng không còn tin vào nhiệm vụ của ông nữa. Lần ban phép lành từ Paris không đáng giá một xu trong tình huống này. Tự ông biết rằng những cố gắng mang tính trung lập của ông trong giờ khắc cuối cùng lần này rồi cũng sẽ thất bại như tham vọng chính trị của ông trước đây mười hai năm, khi ông tham gia mang tính quyết định vào việc lật đổ nhà độc tài Công giáo Diệm. Tướng Minh lờ phờ uể oải, ngoan ngoãn, mời giới báo chí tới dự một cuộc trao đổi trong ngôi biệt thự của ông. Ngôi nhà nằm cách ngôi nhà thờ không xa trên một con đường nhiều bóng mát mà đã từng mang tên “Charles de Gaulle”. “Tôi biết rằng chẳng bao lâu nữa người ta sẽ gọi tôi ra đứng đầu nhà nước hay những gì còn lại từ đó”, Big Minh nói; “ý nghĩ đó là một cơn ác mộng.” Người ta nhận ra sự hối tiếc, rằng ông đã bị những mánh khóe chính trị giật ra khỏi sự tồn tại êm đềm ở ngoài rìa. Thật ra thì ông thích trồng hoa lan của ông hơn. Có lẽ ông đã nghĩ đến vai trò của một thống chế Pétain trong một khoảnh khắc, nhưng Hà Nội chỉ trao cho ông chức năng đáng thương của một Đô đốc Dönitz. Ông chỉ còn được phép đầu hàng vô điều kiện. Vài ngày sau đó, vào ngày 30 tháng Tư – nhưng vào buổi trưa ngày hôm đó thì chưa có ai đoán ra được – những chiếc xe tăng T-54 của người Bắc Việt sẽ lao qua tòa đại sứ Mỹ bị bỏ hoang, tiến về Dinh Độc Lập, cán sập cổng và hoàn tất lần tan rã của Việt Nam Cộng Hòa. Trước khi các chính ủy từ Hà Nội dẫn người tổng thống một ngày này đi khỏi đó, Dương Văn Minh sẽ còn lầm bầm vài từ vào trong mi-crô của một phóng viên xa lạ: “Chiến thắng là những người xứng đáng với nó.”

    Khoảng thời gian mười ngày trước khi Sài Gòn thất thủ trôi qua trong căng thẳng hối hả. Người Mỹ đã loan báo kế hoạch di tản vào ngày X cho những người nước ngoài Phương Tây còn ở lại. Thông qua đài phát thanh Mỹ ở Sài Gòn, mật mã sẽ được đọc: “Nhiệt độ đã đạt tới 105 độ.” Và tiếp theo sao đó là một điệu nhạc của Bing Crosby: “I’m dreaming of a white Christmas”. Nghe được tín hiệu này, tất cả mọi người cần phải đến ngay những nơi xuất phát của trực thăng Mỹ và để cho chở ra tàu của Hạm đội VII Hoa Kỳ. Tôi đã quyết định dứt khoát không tham dự vào cuộc chạy trốn tuyệt vọng đó. Tôi không muốn lĩnh ra khỏi đất nước này như một người bị ruồng bỏ được lính marines Mỹ bảo vệ, đất nước mà ba mươi năm trước đây tôi đã phát hiện ra nó trong bầu không khí giống như người Tây Ban Nha chiếm Nam Mỹ ngày xưa.

    Cùng với một loạt đồng nghiệp người nước ngoài, chúng tôi quyết định cứ để cho người Bắc Việt tràn ngập vào chúng tôi. Rủi ro là có thể tính trước được. Nhưng một bức điện từ ban biên tập trung tâm đã báo cho tôi biết rằng chương trình đặc biệt của tôi về Việt nam đã được lên kế hoạch cho ngày 2 tháng Năm. Kịch bản và khâu hoàn thiện cuối sẽ bị áp lực rất lớn về thời gian. Chúng tôi bay về vào ngày 26 tháng Tư.

    Peter Scholl-Latour - Phan Ba dịch


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X