Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Giúp đỡ gia đình “Người anh hùng mũ đỏ tên ÐƯƠNG”: Tại sao phải đợi tới 41 năm?

Collapse
X

Giúp đỡ gia đình “Người anh hùng mũ đỏ tên ÐƯƠNG”: Tại sao phải đợi tới 41 năm?

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Giúp đỡ gia đình “Người anh hùng mũ đỏ tên ÐƯƠNG”: Tại sao phải đợi tới 41 năm?

    Giúp đỡ gia đình “Người anh hùng mũ đỏ tên ÐƯƠNG”:

    Tại sao phải đợi tới 41 năm?


    * Nguyễn Hữu Thiện (Úc Châu)

    Thời gian hai, ba tuần qua, nhân ngày giỗ thứ 45 của cố Ðại úy Nguyễn Văn Ðương, truyền thông cũng như các trang mạng Việt ngữ hải ngoại, đã liên tiếp đăng bài viết, bài mới cũng như bài cũ, về cái chết của “Người anh hùng Mũ Ðỏ tên Ðương”, về ca khúc “Anh không chết đâu anh” của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, và tường thuật cuộc lạc quyên gây quỹ giúp đỡ gia đình bà quả phụ Nguyễn Văn Ðương do ông Thị trưởng Thành phố Westminster Tạ Ðức Trí khởi xướng, mà kết quả vào lúc chúng tôi viết bài này (Thứ Bảy 2/4/2016, giờ Ðông Bộ ở Úc) đã lên tới 32.715 Mỹ kim.

    Tóm lại, toàn là những chuyện “nức lòng” (bài viết), “ấm lòng” (kết quả lạc quyên); trong bối cảnh đó, chúng tôi mà viết một bài “buồn lòng” chắc chắn sẽ bị độc giả xỉ vả là lạc quẻ, lạc tông, lạc điệu! Biết thế nhưng vẫn phải viết, viết để giải tỏa nỗi buồn đeo đẳng suốt mấy tuần qua.

    Thảm kịch của một gia đình


    Theo nội dung cuộc phỏng vấn bà Trần Thị Mai, tức bà quả phụ cố Ðại úy Nguyễn Văn Ðương, của đài truyền hình Việt ngữ SBTN vào cuối tháng 5/2015, và bài phỏng vấn mới đây của báo Người Việt ở Hoa Kỳ, người ta được biết gia cảnh của mẹ con bà từ ngày chồng hy sinh cho tới nay như sau:
    Từ năm 1971 tới năm 1975, nhờ lương “cô nhi quả phụ” của chính phủ VNCH, bà Mai đủ để nuôi 4 con - 3 trai 1 gái. Sau khi cộng sản chiếm miền Nam, cuộc sống của mẹ con bà đã gặp rất nhiều khó khăn, về mặt chính trị cũng như kinh tế. Về mặt chính trị, bà Mai cho biết “thời gian đầu, họ (CSVN) kiểm tra hộ khẩu nhà tôi liên tục. Có nhiều đêm tôi không dám ở nhà vì sợ cảm giác gõ cửa lúc nửa đêm...”

    Về mặt kinh tế, bà Mai đã lăn lộn đủ thứ nghề mà vẫn không khá được, các con không được học hành... Sau đó, vì cuộc sống đói khổ và cũng vì sắp tới tuổi “nghĩa vụ quân sự” (đi bộ đội), hai người con trai lớn đã phải bỏ trốn sang Campuchia làm nghề cạo mủ cao-su, rồi chết nơi xứ người vì những căn bệnh hiểm nghèo, mà theo bà Mai có lẽ vì “phải hít mùi cao-su quá nhiều và ăn uống kham khổ nên đổ bệnh”.

    Người con gái thì lấy chồng ở bên nhà chồng, còn người con trai út, Nguyễn Viết Xa, năm nay 47 tuổi, làm nghề chạy xe ôm, sống với mẹ.

    Bản thân bà Mai, năm nay 76 tuổi, bệnh tật đầy mình, con mắt bên trái đã mù hẳn vì tai nạn sập nhà. Hiện bà đang sống trong căn nhà của bố mẹ chồng (tức cha mẹ của cố Ðại úy Nguyễn Văn Ðương) để lại.

    Khi được phóng viên báo Người Việt hỏi về điều hối tiếc nhất, và điều hãnh diện nhất, bà Mai cho biết:

    “Ðiều tôi hối tiếc nhất là chưa nuôi dạy con được tốt. Bốn đứa con không đứa nào được học hành đàng hoàng. Hai đứa đầu thì đã mất, đứa con gái lấy chồng thì cũng tạm ổn, nhưng thằng con trai út thì vẫn phải hành nghề xe ôm kiếm sống qua ngày. Tôi có lỗi với anh Ðương về điều này (nói tới đây, bà Mai khóc).

    Còn điều tôi tự hào nhất thì chắc chắn là về anh Ðương. Tôi tự hào khi có một người chồng anh dũng như vậy. Bản thân tôi không “bước đi bước nữa” cũng vì lý do này. Với tôi, anh Ðương vẫn luôn là người hùng.”

    Về mong ước cuối đời? Bà Mai thổ lộ:

    “Với tôi thì tuổi đã già, tôi không mong muốn gì hơn là có thể được sang vùng Hạ Lào năm xưa, để hỏi thăm về tin tức anh Ðương. Tôi biết là rất khó có thể tìm được xương cốt của ảnh, nhưng ít ra tôi có thể chứng kiến được vùng đất nơi anh ấy đã bỏ mình. Từ ngày anh ấy mất cho đến giờ, tôi chưa một lần được sang vùng đất đó, vì nhiều lý do, trong đó vì không có kinh phí và người dẫn đường, cùng với những bề bộn của cuộc sống làm tôi vẫn chưa thực hiện được mong ước của mình”.

    * * *

    Sau khi báo Người Việt đăng bài Thăm bà quả phụ “Người anh hùng Mũ Ðỏ tên Ðương”, rất nhiều độc giả đã liên lạc với tòa soạn bày tỏ sự quan tâm và giúp đỡ gia đình bà. Ðể độc giả hiểu rõ hơn về gia cảnh hiện tại của gia đình, phóng viên Việt Hùng đã tới tận địa điểm hành nghề xe ôm của anh Nguyễn Viết Xa, người con trai út của cố Ðại úy Nguyễn Văn Ðương, ở ngã tư Dương Tử Giang - Nguyễn Chí Thanh, phường 4 quận 11 để tìm hiểu.


    Anh Nguyễn Viết Xa. Hình: Người Việt

    Theo sự mô tả và quan sát của phóng viên Việt Hùng, anh Nguyễn Viết Xa có nét da ngăm đen (vì dãi nắng dầm mưa suốt 20 năm!), to cao, hiền lành, cung cách hành nghề rất “lương thiện”:

    PV Việt Hùng kể lại:

    ...Chiếc xe Dream “made in China” cũ nát từ từ lăn bánh. Khách hàng là một người đàn ông đứng tuổi, dáng vẻ khắc khổ, hỏi ra mới biết là người dân ở quê lên Sài Gòn khám bệnh. Anh Xa chở khách tới bệnh viện Chợ Rẫy, xuống xe anh lấy 10,000 đồng (gần 50 xu Mỹ), rồi nở nụ cười “chúc anh mau lành bệnh nhé!”

    Quay xe về chỗ cũ, lần này tôi có dịp được quan sát “cần câu cơm” của anh một cách tỉ mỉ hơn. Phải nói là chiếc xe quá cũ, đèn xi-nhan phía trước đã bị bể. Anh Xa cho biết: “Anh mua xe này cũng được 10 năm rồi. Hồi đó có người ở Úc gửi cho mẹ anh 200 đô-la, anh mới bán chiếc Honda cup 50cc đời cũ để chuyển sang xe này. Tuy là của Trung Quốc nhưng phân khối cũng được 100cc...”

    Khi PV Việt Hùng hỏi “Có khi nào anh oán trách cha mình, vì nếu còn có cha chắc chắn đời anh sẽ khác?”, anh Xa trả lời:

    “Không bao giờ có chuyện oán trách đâu em. Ðúng là có lúc anh đã nghĩ nếu còn cha, chắc chắn anh sẽ không khổ như bây giờ. Nhưng mọi chuyện đã qua rồi. Anh tự hào khi cha anh đã có cái chết vì lý tưởng bảo vệ sự bình yên của miền Nam Việt Nam... Nếu cho anh được lựa chọn lại, anh vẫn sẽ chọn làm người con của ba anh. Cuộc sống của anh có thể nghèo, nhưng khi nói về cha, anh có khối “tài sản” để tự hào mà lấy ra để kể cho bạn bè.”

    ...Cái anh đang lo và thương nhất là mẹ anh. Ngày tụi anh còn bé (khi Ðại úy Ðương hy sinh, cậu út Xa mới lên 2 – chú thích của người viết), mẹ anh làm đủ thứ nghề, từ buôn bán nhỏ lẻ ở chợ, rồi sang bưng bê phục vụ quán ăn. Ban ngày đi làm, ban đêm về còn phải lo những công việc như nấu ăn, giặt quần áo và dạy tụi anh học bài...”

    Còn mong muốn của anh Xa hiện nay?

    “Anh đã ly dị vợ từ lâu rồi, lại không có con nên chỉ sống với mẹ mà thôi. Bây giờ mẹ cũng đã lớn tuổi, mà anh suốt ngày rong ruổi ngoài đường thì thấy lòng không yên. Bởi vậy nếu có chút vốn thì anh sẽ mở một tiệm tạp hóa bán ở nhà để vừa có thu nhập vừa được gần mẹ hơn.

    Tại sao phải đợi 41 năm?

    Với số tổng tiền trên 30.000 Mỹ kim - kết quả cuộc lạc quyên gây quỹ do ông Thị trưởng Westminster Tạ Ðức Trí khởi xướng - mong ước cuối đời của bà Trần Thị Mai và mong muốn của anh Nguyễn Viết Xa chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.

    Ðiều còn lại chỉ là cầu mong sao cho “phép lạ” xảy ra, cố Ðại úy Nguyễn Văn Ðương, sống khôn thác thiêng, sẽ cho người quả phụ trung trinh ấy tìm được xương cốt của mình, dù chỉ là vài mảnh vụn, đồng thời mong sao anh Xa sau khi “mở một tiệm tạp hóa bán ở nhà để vừa có thu nhập vừa được gần mẹ hơn”, sẽ tìm được một người bạn đời mới để có con nối dõi tông đường họ Nguyễn.

    Nhưng riêng chúng tôi vẫn còn ấm ức trước câu hỏi: tại sao phải đợi cho tới 41 năm sau ngày cộng sản chiếm miền Nam, chúng ta mới nghĩ tới việc giúp đỡ gia đình “Người anh hùng Mũ Ðỏ tên Ðương”?

    Tạm thời bỏ qua thời gian từ 1971 tới 1975, thời gian mà bà Trần Thị Mai và 4 con nhỏ nhờ lương “cô nhi quả phụ” của chính phủ VNCH cũng tạm đủ sống; chưa kể rất có thể nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và nữ ca sĩ Thanh Lan sau khi thành công về mặt tài chánh với ca khúc "Anh không chết đâu anh” và cuốn phim “Trên đỉnh mùa đông” đã không quên gia đình bà. Nhưng sau năm 1975, có một điều chắc chắn là bà Mai và các con đã lâm vào cảnh khốn cùng, về mặt chính trị cũng như kinh tế.

    Vậy mà (nếu không kể một người ở Úc gửi về 200 đô-la cách đây 10 năm, theo lời kể của anh Nguyễn Viết Xa), chúng ta đã quên mẹ con bà trong suốt 41 năm qua!

    Tới đây, trước khi viết tiếp, chúng tôi cũng xin thưa gửi như sau: nếu trong thời gian 41 năm qua đã có những tổ chức, hội đoàn hoặc cá nhân người Việt ở hải ngoại (ngoài vị ở Úc nói trên) thăm hỏi, giúp đỡ gia đình bà quả phụ Nguyễn Văn Ðương, người viết xin nghiêng mình cảm phục, và xin các tổ chức, hội đoàn hoặc cá nhân ấy tha lỗi vì không được nhắc tới trong bài viết này (bởi nghĩa cử của quý vị không được truyền thông phổ biến).

    Nếu chúng ta không quên gia đình bà, rất có thể hai người con trai lớn của cố Ðại úy Nguyễn Văn Ðương đã không phải tha phương cầu thực để rồi chết vì bệnh tật, kiệt sức nơi xứ người, và rất có thể người con út Nguyễn Viết Xa đã không phải chạy xe ôm trong suốt 20 năm qua.... Và còn rất nhiều chữ “nếu” khác.

    Rất có thể chúng ra đã không quên cái chết bi hùng của cố Ðại úy Nguyễn Văn Ðương mà chỉ quên cuộc sống bi thảm của gia đình ông.

    Khi Trần Thiện Thanh và Thanh Lan thực hiện lại cuốn phim cuốn phim “Trên đỉnh mùa đông” tại hải ngoại để phát hành thương mại dưới dạng DVD vào năm 1994, hai người con trai lớn của cố Ðại úy Nguyễn Văn Ðương đã phải bỏ trốn sang Campuchia, và người con trai út đang chuẩn bị hành nghề xe ôm. Có ai nghĩ tới việc giúp đỡ gia đình người góa phụ ấy không?


    Cựu Trung tá Bùi Ðức Lạc (2011)

    Ðầu năm 2011, hàng trăm cựu quân nhân thuộc Gia Ðình Pháo Thủ VNCH (tức cựu quân nhân thuộc ngành Pháo Binh QLVNCH), tề tựu tại Westminster, Califiornia, để mừng Xuân Tân Mão, trong dịp này cựu Trung tá Bùi Ðức Lạc, Pháo Binh Sư Ðoàn Nhảy Dù, đã vinh danh “Người anh hùng mũ đỏ tên Ðương” qua một bài rất chi tiết có tựa “Chuyện một thời khói lửa chiến chinh”, sau đó được hàng chục website của người Việt hải ngoại phổ biến. Có ai nghĩ tới việc giúp đỡ gia đình người góa phụ ấy không?

    Gần đây nhất, tháng 5/2015, đài truyền hình Việt ngữ SBTN đã có phóng sự gặp gỡ bà quả phụ Nguyễn Văn Ðương. Có ai nghĩ tới việc giúp đỡ gia đình người góa phụ ấy không?

    Tại sao phải đợi tới khi ông Thị trưởng Thành phố Wesminster Tạ Ðức Trí khởi xướng?!

    Cũng nên biết ông Tạ Ðức Trí không phải một cựu quân nhân QLVNCH mà chỉ là rể của một vị cựu Trung tá Thủy Quân Lục Chiến, không phải “Gia đình Dù”, cũng không phải “Gia đình Pháo thủ”!

    Ðọc câu ông viết “Trước hoàn cảnh khó khăn, bi thảm của gia đình “Người anh hùng mũ đỏ tên Ðương” gần như bị lãng quên hơn 40 năm qua...” ai trong chúng ta – những cựu quân nhân QLVNCH – mà không cảm thấy xấu hổ!

    Một số người tự bào chữa rằng vì trong hơn 40 năm qua, chúng ta phải dành thời giờ, tim óc để cho lo cá nhân, lo cho gia đình mà quên đi những điều phải đạo, quên ơn những người cần phải nhớ, nay đọc các bài viết trên báo Người Việt mới chợt nhớ ra rằng trước đây đã từng có một người anh hùng mũ đỏ tên Ðương!

    Chúng tôi không đồng ý trước lập luận tự bào chữa ấy.

    Ngay từ giữa thập niên 1980, khi các sĩ quan QLVNCH bị cộng sản cầm tù (mà chúng gọi là “học tập cải tạo”) bắt đầu được thả về, một số cựu quân nhân may mắn (và nhanh chân) thoát được vào năm 1975, đã khởi xướng, phát động việc quyên góp để gửi về VN giúp đỡ những thượng cấp, đồng đội, và thuộc cấp bị kẹt lại, thường là giúp đỡ trong phạm vi quân binh chủng.

    Nghĩa là người Việt hải ngoại không thiếu tấm lòng, không thiếu vật chất, nhưng cần phải có người đứng ra khởi xướng.

    Một trong số những câu chuyện ấm lòng nhất là việc Không Quân giúp bốc mộ một Biệt Kích Quân.

    Nguyên vào năm 1961, dưới thời Tổng thống Ngô Ðình Diệm, một chiếc phi cơ vận tải có nhiệm vụ tiếp tế cho các toán Biệt Kích đang hoạt động ngoài miền Bắc bị rớt ở Ninh Bình. Trong tổng số phi hành đoàn gồm 7 người và 3 biệt kích quân, có 4 người tử nạn tại chỗ, 3 người chết sau đó tại một bệnh viện ở Hà Nội, 3 người bị đưa ra tòa xét xử.

    Vì muốn làm rùm beng vụ VNCH “xâm lăng miền Bắc” trước dư luận quốc tế, Hà Hội đã cẩn thận cho chôn cất 3 người chết ở Hà Nội - gồm một sĩ quan Không Quân và hai hạ sĩ quan Biệt Kích – một cách khá “tử tế”, nghĩa là có hòm và mộ bia ghi rõ tên tuổi.

    Cách đây hơn 10 năm, sau khi hài cốt của người sĩ quan Không Quân được cải táng đưa về trong Nam, các đặc san và trang mạng của Không Quân VNCH hải ngoại đã phổ biến tin tức hình ảnh về số phận và nơi chôn cất của hai biệt kích quân nói trên, với hy vọng khá mong manh sẽ có người đọc được và thông báo cho thân nhân của người quá vãng.

    May mắn thay, trưởng nam của một trong hai biệt kích quân (hiện còn ở Việt Nam) sau khi đọc được bài này, đã lên tiếng kêu gọi lòng hảo tâm của mọi người để có chi phí bốc mộ cha.

    Kết quả, người Việt hải ngoại, chủ yếu là các cựu quân nhân Không Quân VNCH, đã đóng góp hơn gấp đôi số phí tổn bốc mộ mà người con ước tính!

    Như vậy, xin được nhắc lại, người Việt hải ngoại không thiếu tấm lòng, không thiếu vật chất, và việc gia đình bà quả phụ cố Ðại úy Nguyễn Văn Ðương phải đợi 41 năm mới nhận được sự giúp đỡ chỉ là thiếu sót vô tình của những “đồng đội” của ông.

    Nhưng, như người tây phương thường nói, better late than never, việc ông Thị trưởng Thành phố Westminster Tạ Ðức Trí khởi xướng cuộc lạc quyên gây quỹ giúp đỡ gia đình bà quả phụ Nguyễn Văn Ðương đã đền bù được phần nào “thiếu sót vô tình” ấy.

    Chúng ta hãy cùng nhau thắp một nén hương lòng tưởng nhớ, và tạ lỗi với anh linh “Người anh hùng mũ đỏ tên Ðương” về sự bạc bẽo vô tình của mình. Dĩ nhiên, “chúng ta” ở đây có cả bản thân người viết.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X