Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Quang Dũng, “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Collapse
X

Quang Dũng, “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Quang Dũng, “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

    Quang Dũng,
    “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”




    Thi sĩ Quang Dũng
    HOÀNG LONG HẢI
    @ vanngheBoston





    Tháng 12 năm 1946, chiến tranh chống Pháp bùng nổ, “Người Hà Nội” tham gia kháng chiến với hai nét đặc biệt: Chiến đấu hào hùng và lãng mạn.

    Đơn vị nổi tiếng giữ Hà Nội một cách anh dũng là Trung Đoàn Thủ Đô, gồm đa số là thanh niên Hà Thành. Rút ra hậu phương, họ còn tạo nên được những chiến công khác, cho đến trận Cao Bắc Lạng, có tiếng trống thúc quân của Nguyễn Tuân từ trên núi cao vang vọng, và người Pháp gọi người chỉ huy trận đánh đó, ông Đặng Văn Việt, cấp bậc cuối cùng là trung tá quân đội Cộng San Bắc Việt, là “Con hùm xám đường số 4.”

    Đặng Văn Việt cùng với Cao Phan đã treo cờ đỏ sao vàng tại cửa Ngọ Môn trước ngày Việt Minh cướp chính quyền ở Huế.

    Cái hào khí của thanh niên Hà Nội tham gia kháng chiến bắt nguồn từ trong lịch sử dân tộc, mà điển hình là lịch sử cố đô Thăng Long. Gọi là cố đô vì thời gian kéo dài gần 150 trước đó, kinh đô nước Việt Nam là Huế.

    Hà Nội, đầu não của ba lần đánh bại quân Nguyên, kiêu hãnh vì câu nói “thà làm quỉ nước Nam còn hơn làm vua đất Bắc” của Trần Bình Trọng, với Phạm Thái của Tiêu Sơn Tráng Sĩ, với Nguyễn Thái Học, qua câu “Không thành công thì thành nhân” khi bước lên đoạn đầu đài.

    Bên cạnh những hào hùng đó, thường kèm theo những nét lãng mạn của con người tiểu tư sản. Đó là giọt nước mắt khóc Trương Quỳnh Như của Phạm Thái trong “Sơ Kính Tân Trang” hay vừa hào hùng vừa lãng mạn như tiếng súng của Cô Giang tự kết liễu đời mình, để trọn với lời nguyền “Chàng đi theo nước, thiếp theo chàng.” (1)

    Quang Dũng, quê ở Hà Đông, gần Sơn Tây, cũng là một thanh niên Hà Nội tham gia kháng chiến hồi ấy, viết những bài thơ nổi tiếng như “Tây Tiến”, “Đôi Mắt người Sơn Tây”, “Đôi Bờ”… Người ta có thể thấy cái hào khí cũng như sự lãng mạn ấy của “Nguời Hà Nội” trong thơ ông, khi ấy ông làm đại đội trưởng trong Đoàn Quân Tây Tiến.



    Tây tiến

    Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
    Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
    Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
    Mường Lát hoa về trong đêm hơi
    Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
    Heo hút cồn mây súng ngửi trời
    Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
    Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
    Anh bạn dãi dầu không bước nữa
    Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
    Chiều chiều oai linh thác gầm thét
    Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
    Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
    Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

    Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
    Kìa em xiêm áo tự bao giờ
    Khèn lên man điệu nàng e ấp
    Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

    Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
    Có thấy hồn lao nẻo bến bờ
    Có nhớ dáng người trên độc mộc
    Trôi dòng nước lũ họa đông đưa

    Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
    Quân xanh màu lá dữ oai hùm
    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm


    Rải rác biên cương mồ viễn xứ
    Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
    Áo bào thay chiếu anh về đất
    Sông Mã gầm lên khúc độc hành

    Tây Tiến người đi không hẹn ước
    Đường lên thăm thẳm mặt chia phôi
    Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
    Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi



    Mô tả một cuộc quân hành, Quang Dũng viết: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm. Heo hút cồn mây súng ngửi trời. Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống. Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.

    Con đường dốc khúc khuỷu và cao thăm thẳm, heo hút, súng mang vai tưởng như ngửi được những đám mây cao. Con đường đi lên cao ngàn thước, xuống sâu cũng ngàn thước. Nhìn qua bản Pha Luông ở xa, nhà ai chìm trong mưa. Tuy nhiên, cách diển tả của ông khá gọn, đối cách (ngàn thước lên, ngàn thước xuống). “Cồn mây” là cách dùng chữ khá lạ. Người lính mệt đến nỗi “Anh bạn dãi dầu không bước nữa, Gục lên súng mũ bỏ quên đời!”

    Đoàn quân dừng chân ở Mường Hịch, nơi đêm đêm có tiếng cọp gầm, hoặc dừng chân trong một bản mường có tiếng “khèn lên man điệu nàng e ấp”, của những cô “em xiêm áo tự bao giờ” để đón đoàn quân tới.

    “Tây tiến quân đi không mọc tóc” (?), quần áo xanh, trong lá cây rừng xanh, “Mắt trừng gởi mộng qua biên giới, Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.” Người đọc bỗng chợt thấy hình ảnh Chinh Phụ Ngâm hiển hiện đâu đây. Nếu ngày xưa có “Hồn tử sĩ ù ù gió thổi” thì ngày nay trong thơ Quang Dũng là “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”, Ngày xưa “Khi ra đi là không ước hẹn ngày về” như trong trường ca Hòn Vọng Phu hay “Nhẹ xem tính mệnh như mầu cỏ cây” (CPN) thì ngay nay “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.” Xưa thì “Da ngựa bọc thây” thì nay đoàn quân Tây Tiến của Quang Dũng sẽ là “Áo bào thay chiếu anh về đất.” Trong khi Chinh Phụ Ngâm mô tả “Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo, Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò” thì độc giả sẽ giật mình vì “Sông Mã gầm lên khúc độc hành.” Có phải tiếng gầm sông Mã hùng dũng hơn tiếng gió thổi ở bến Phì?



    Chỉ cần đọc mấy bài thơ đầu của Quang Dũng, người ta có thể đoán biết tư tưởng, tình cảm của ông diễn biến như thế nào. Ý chí và nhiệt tình của ngững ngày đầu kháng chiến đã thay đổi.



    Bài thơ “Tây Tiến” ông làm năm 1947, năm đầu của cuộc kháng chiến.



    Thay vì những hào hùng của đoàn quân hăng hái vì dân tộc thì đã khác đi. Thay vào “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” thì đơn giản chỉ là cảnh “chạy giặc” trong chiến tranh “Em ở thành Sơn chạy giặc về, Tôi từ chinh chiến cũng ra đi” Tiếp đó, ông nói tới cảnh điêu tàn “Từ độ thu về hoang bóng giặc, Điêu tàn thôi lại nối điêu tàn”, cảnh tàn ác trong chiến tranh “Mẹ tôi em có gặp đâu không, Những xác già nua ngập cánh đồng” Và cuối cùng, Quang Dũng mơ một ngày chiến chinh không còn nữa: “Bao giờ tôi gặp em lần nữa, Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa” Rõ ràng cái hùng mạnh, ý chí và tinh thần chiến đấu trong Tây Tiến không có ở đây. Bây giờ chỉ là “Đôi Bờ”

    Tại sao lại “Đôi Bờ”?

    Hai bờ nào? Bờ bên nầy là những ai còn kẹt lại trong chiến tranh, và bờ biên kia là những người đã trở về Hà Nội, đã quay lưng lại với Việt Minh?



    Đọc mấy câu thơ sau đây, độc giả chắc sẽ rõ hơn:



    “Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
    Bên này em có nhớ bên kia

    Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến
    Hiu hắt chiều sông lạnh bến Tề!



    Cảnh “Giăng giăng mưa bụi” là nơi Quang Dũng đang ở và “lạnh bến Tề” là Hà Nội. Dĩ nhiên, Quang Dũng không thể nói rõ hơn.

    Rõ hơn, có thể là mấy câu thơ sau đây:



    “Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
    Thoáng hiện em về trong đáy cốc
    Nói cười như chuyện một đêm mơ.”



    Trong những năm đầu chiến tranh (1945-54), Sông Đáy được xem như ranh giới “bên địch, bên tề”. Chữ tề có nghĩa là “Hội Tề” là vùng thuộc Pháp và Quốc Gia lập lại nền hành chánh. Bên kia sông Đáy là Tề (nước Tề, theo cách viết của Quang Dũng – chỉ là cách viết, không thể không có ý ám chỉ “vùng tề” – vùng Quốc Gia, là đường về Hà Nội (đã bị Pháp chiếm). Và bên nầy là vùng Việt Minh. (2)

    Nhiều người đã bỏ kháng chiến về “Vùng Tề” với nhiều lý do khác nhau (3).



    Sông Đáy vô tình đã biến thành ranh giới hai bên. Do đó, người ta hiểu “Đôi Bờ” là hai bờ sông Đáy. Trong ý nghĩa đó, chúng ta có thể thấy rõ hơn câu thơ sau đây:



    “Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ”



    Không phải lạnh đôi “bờ” mà chính là lạnh cho “người”, người ở bên nầy và bên kia chiến tuyến. Cũng trong bài thơ nầy, cái ý tưởng chia cách bên nầy nên kia rõ lắm:



    “Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
    Bên này em có nhớ bên kia?”

    Trong chiều hướng đó, Quang Dũng nhớ và than thở “Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai!” và hỏi “Kinh thành em có nhớ ta chăng?” Và cũng chính trong nỗi nhớ đó nên ông thấy “Thoáng hiện em về trong đáy cốc”.

    Trong bài “Cố Quận” không còn gì là “Tây Tiến”, chiến tranh cũng “mờ” đi. Chỉ còn lại đây nỗi nhớ quê:



    “Ngồi đây năm năm miền ly hương
    Quê người đôi gót mỏi tha phương
    Có những chiều trăng tròn đỉnh núi
    Nhà ai chày gạo giã đêm sương”



    (Xin xem phụ lục, trích dẫn đủ 3 bài thờ nầy để độc giả có tài liệu đọc lại, khỏi mất công tìm)


    Tâm trạng Quang Dũng phản ảnh đúng tâm trạng người Hà Nội thời kỳ ấy. Muốn theo kháng chiến nhưng không theo Việt Minh Cộng Sản, đành quay về. Có người về được, về sớm. Có những người về trễ. Có những người mắc kẹt, không về được, không dám về… Quang Dũng cũng là người “không về được” dù, trong ý tưởng của tác giả trong bài thơ “Đôi Bờ” đã tỏ cho thấy, ông không còn cái tinh thần những ngày đầu kháng chiến nữa. Ông tự biết mình khó tiếp tục con đường ông mong muốn chỉ bởi vì ông là người thuôc thành phần tiểu tư sản, không thể sống được với chế độ mới, chế độ giam hãm ông tới cuối đời.

    Đó cũng là cảnh chia lìa của nhiều gia đình ở Hà Nội hay nhiều thành phố lớn ở miền Bắc: Gia đình chia cắt, người về người ở… Người về sau đó đi Nam năm 1954, di tản năm 1975. Nỗi ly tán kéo dài cho tới cuối đời, cho tới tận bây giờ, nếu ai còn sống.(4)

    Nếu cuộc kháng chiến chống Pháp hồi ấy, không phải do Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo thì những đau khổ và ly cách của người Hà Nội nói riêng, và người Việt Nam nói chung, đâu có kéo dài tới mãi tận bây giờ?!

    Từ những chuyển biến tư tưởng và tình cảm đó, các bài thơ làm ngay năm sau Tây Tiến, lời thơ của Quang Dũng dịu đi với “Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương.” Tác giả nắm bắt được cái cảm hứng lãng mạn của “Người Hà Nội.” Cái lãng mạn ấy mờ ảo như sương khói, hiển hiện bất chợt giữa thực và mơ, quyện lấy những vương vấn về quê hương đã xa lìa “từ độ thu về hoang bóng giặc.” Quang Dũng cũng cảm nhân được những giọt nước mắt của ông về những “điêu tàn tiếp nối điêu tàn” của chiến chinh: “Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ” và sẽ hỏi người em gái “Em đã bao ngày lệ chứa chan?” Từ khi chinh chiến bùng ra, một người em gái ông từng yêu mến chịu chung số phận của dân tộc qua những “u uẩn chiều lưu lạc”, mỗi người xa cách mỗi nơi, Quang Dũng thì “Tôi từ chinh chiến cũng ra đi”. Ly cách làm ông “nhớ xứ Đoài mây trắng lắm.” Đoài là phương Tây, là quê hương Sơn Tây của ông đó chăng?!

    Không ai mong ước hòa bình bằng những người cầm súng chiến đấu. Trong tâm trạng đó, Quang Dũng mơ một “ngày ấy thanh bình chắc nở hoa, Đã hết sắc mầu chinh chiến cũ, Còn có bao giờ em nhớ ta?”

    Diễn biến tâm lý trong thơ Quang Dũng khá rõ: Từ hùng dũng, hiên ngang trong Tây Tiến tới những tình cảm lãng mạn, nhung nhớ quê hương và một người có đôi “Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương” bỗng đậm buồn và sâu lắng trong “Thoáng hiện em về trong đáy cốc, Nói cười như chuyện một đêm mơ” trong Đôi Bờ.

    Đây là hai câu thơ hay nhất thời kháng chiến.



    Trong Tây Tiến, Quang Dũng đã từng có “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” thì những bài thơ sau, niềm mơ ước đó càng lộ rõ hơn, từ “thoáng hiện em về” đến “Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự. Kinh thành em có nhớ ta chăng?” Ông sợ người ở Kinh Thành quên ông chăng? Nỗi nhớ Hà Nội và niềm mơ ước quay về đã rõ hơn.



    Khuynh hướng văn chương tiền chiến thường có một người chị, một người chị để người ta có thể gởi gắm vào đó ít nhiều tâm sự. Vì vậy, tôi đã có bàn tới “Người chị trong thơ Nguyễn Bính” qua một bài viết trước đây. Trong “Đôi Bạn” và rõ nhất, trong “Đoạn Tuyệt” vai trò của vợ chồng ông giáo Thảo nổi bật lên, khi Dũng viết thư cho họ. Sau nhiều phiêu lưu và mạo hiểm vì cuộc đời làm cách mạng, và sau nhiều đoạn trường cho cuộc đời cô Loan, trong một đêm xuôi dòng sông Đà, trong khoang thuyền, bên ngọn đèn dầu leo lét, Dũng viết thư cho “chị” để nhờ làm nhịp cầu nối lại mối tình dang dỡ của hai người. Mở đầu thư, Dũng viết:



    “Chị giáo,

    “Em viết bức thư này cho chị, một đêm trăng mờ trên sông Đà. Em phải kê giấy vào ván thuyền để viết, mà viết trong lúc cảm động, tâm trí bàng hoàng…”



    Trong Lỡ Bước Sang Ngang, Nguyễn Bính ủy mị hơn:



    “Người đi xây dựng cơ đồ…
    Chị về trồng cỏ nấm mồ thanh xuân.
    “Người đi khoác áo phong trần,
    Chị về may áo liệm dần nhớ thương.
    Hồn trinh ôm chặt chân giường,
    Đã cùng chị khóc đoạn trường thơ ngây.”



    Có người nhớ đến chị và coi như mình đã chết khi “Chí nhớn chưa về bàn tay không”, “Thì không bao giờ nói trở lại!” “Mẹ thà coi như chiếc lá bay, Chị thà coi như là hạt bụi.” (Tống Biệt Hành – Thâm Tâm)



    Cái hào khí của “Người Hà Nội” không còn ở đất Thăng Long nữa. Nó rơi rớt đâu đó ở trong “Lá diêu bông”: “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng,

    Chị thẩn thơ đi tìm
    Đồng chiều
    Cuống rạ
    Chị bảo
    Đứa nào tìm được Lá Diêu bông
    Từ nay ta gọi là chồng…”



    Trong kháng chiến, sau những “Sắc mầu chinh chiến cũ,” một hôm nào đó, Quang Dũng bỗng thấy lại chính mình, và tự hỏi:



    “Mai chị về em gửi gì không
    Mai chị về nhớ má em hồng
    Đường đi không gió lòng sao lạnh
    Bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong

    “Quê chị về xa tít dặm xa
    Rừng thu chiều xao xác canh gà
    Hoa rơi khắp lối sương muôn ngả
    Ngựa lạc rừng hoang qua lướt qua

    “Ngựa chị dừng bên thác trong veo
    Lòng chị buồn khi nắng qua đèo
    Nơi đây lá dạt vương chân ngựa
    Hươu chạy quay đầu theo ngó theo

    “Rừng đêm nhoà bóng nhớ hoang mang
    Ngựa chị dừng bên thác sao vàng
    Sao rơi đáy nước vương chân ngựa
    Buồn dưng đôi mi hàng lại hàng.

    (Kẻ Ở – Quang Dũng) (5)



    Thơ Quang Dũng có 3 nét đặc sắc:

    Một là giàu âm điệu nên dễ phổ nhạc, ngay cả những câu khúc khắc như “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Hình như Phạm Đình Chương đã phổ nhạc hai bài “Đôi Mắt Người Sơn Tây” và “Đôi Bờ” của Quang Dũng.

    Cái đặc sắc thứ hai của thơ ông là hình ảnh. Qua đó, cảnh trời đất, núi non hùng vĩ, “Ta thấy xứ đoài mây trắng lắm” và cả những “Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì.” Trong bài “Cố Quận” hình ảnh buồn bã hơn: “Người ơi quê cũ đèn hoe ngọn. Tóc bạc trông chừng cổng héo hon”. “Trăng có soi qua đầu tóc bạc. Nẻo chừng Cố Quận nhớ thương ơi!”

    Cảm giác đặc biệt trong thơ Quang Dũng là lạnh. Ở bài nào cũng thấy có ít nhiều lạnh, ngay cả khi ông không dùng chữ lạnh, dù khi “Tây tiến quân đi không mọc tóc” – lạnh đến nỗi tóc không mọc được! (6) – hay “Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc, Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng.” Đêm trăng mà không lạnh được sao? Ngay cả bờ lau bên sông cũng lạnh:

    “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
    Có thấy hồn lau nẻo bến bờ!”



    Rõ nhất là hình ảnh và cảm giác lạnh trong mấy câu thơ sau đây:



    “Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
    Thoáng hiện em về trong đáy cốc
    Nói cười như chuyện một đêm mơ!”



    Quang Dũng có cái nhận xét tinh tế và phong phú đến

    nỗi thấy được cái lạnh của hai bờ sông Đáy và cái hình bóng của một người con gái (?) “hiện về trong đáy cốc.”

    Trong bài thơ “Kẻ Ở” trích dẫn ở trên, các “điệp ngữ” như “mong nhớ mong” (Bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong), “Xa tít dặm xa” (Quê chị về xa tít dặm xa), “qua lướt qua” (Ngựa lạc rừng hoang qua lướt qua), “theo ngó theo” (hươu chạy quay đầu theo ngó theo), hay “hàng lại hàng” (Buồn dâng đôi mi hàng lại hàng) mang đủ những nét đặc sắc (âm điệu, hình ảnh và cảm xúc của thơ ông.



    Cả ngàn năm nay, giới sĩ phu Bắc Hà, dù sinh đẻ ở đâu, họ cũng có một quê chung: Hà Nội.

    Bà Huyện Thanh Quan, quê ở Hà Đông, không sinh ra ở Hà Nội, nhưng Bà vẫn cảm nhận được “hồn thu thảo” trong “lối xưa xe ngựa” của đất Thăng Long. Cả một nhóm “Tự Lực Văn Đoàn”, các anh em của Nhất Linh, của Khái Hưng, không ai sinh ra ở Hà Nội, nhưng họ cảm nhận như Hà Nội là quê hương của chính họ vậy.

    Đó cũng là tâm tình của Quang Dũng. Trong khi “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới” thì ông vẫn “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” và băn khoăn với những người đã bỏ kháng chiến về “Kinh thành em có nhớ ta chăng?”



    Nếu cuộc kháng chiến chống Pháp không do Cộng Sản mà do chính những phần tử Quốc gia lãnh đạo, thì khi chinh chiến kết thúc, những người ra đi và lập chiến công trở về sẽ được ghi tên vào “Kỳ Lân Các”, sẽ gặp lại những “dáng Kiều thơm.” “Dáng Kiều thơm” là những “con nhà khuê các”, những người thuộc giai cấp tiểu tư sản, đã đi Nam cùng một triệu người sau khi hiệp định Genève ký kết. Và cũng chính những “dáng Kiều thơm” đã rời bỏ Saigon sau khi miền Nam sụp đổ.

    Sau di cư, nhiều khu nhà hoang vắng ở Hà Nội bị bỏ lại, thế chỗ cho những “dáng Kiều thơm” ở đó là những Thị Mịch, Thị Nở trong Chí Phèo của Nam Cao hay những nhân vật trong “Ba Người Khác” của Tô Hoài, vợ Lê Đạt chẳng hạn.

    Một người bạn tôi làm bác sĩ giải phẩu, kẹt lại ở Saigon sau 1975. Người bạn kể “Khoảng 1976, một đoàn nghệ sĩ điện ảnh Hà Nội vào thăm Saigon.” Tình cờ gặp, trong một lần khám bệnh ở bệnh viện Chợ Rẫy, nơi anh làm việc, tài tử điện ảnh Hà Nội Th. Q. Cô ta nói: “Những người tiểu tư sản Hà Nội không còn ai, họ đã đi Nam sau Giơ-ne-vơ 1954. Saigon của anh, rồi ra cũng vậy thôi.” Thật vậy, những “dáng Kiều thơm” của Saigon đã đi trong tháng Tư – 1975. Họ đang đi và rồi cũng sẽ ra đi….

    Người ta có thể đưa ra một ví dụ điển hình. Khi bố cô Kiều Chinh quyết định ở lại Hà Nội để đón người con trai lớn đi kháng hiến sắp trở về thì ông đã “đẩy” cô con gái 16 tuổi lên chiếc máy bay hãng Cosara để gởi di cư vào Nam cùng gia đình người bạn. Kiều Chinh, Thái Hằng, Thái Thanh và bao nhiêu “dáng Kiều thơm” Hà Nội mà Quang Dũng đã từng mơ đã di tản qua Mỹ từ những ngày đầu.

    Thế Hà Nội không có ai theo kháng chiến đến ngày cuối hay sao? Theo lời kể của ông Âu Văn Minh, người chồng trước của bà Bích Vân, (7) đi kháng chiến ở Liên Khu Ba. Ở đó có Tô Vũ và người tình của ông, “Cô Nga đen”, “Người Hà Nội” theo kháng chiến, nhân vật trong bài hát “Em đến thăm anh một chiều mưa.” Sau 1954, họ trở về Hà Nội. Sau 1975, trước khi đi cải tạo, ông Âu Văn Minh gặp những “đồng chí” cũ, Tô Vũ và vợ ông ở Saigon. Hỏi về “nguời Hà Nội theo kháng chiến” hồi ấy, ông Minh cười trả lời tôi: “Bèo lắm!” Bèo là bọt bèo, là xơ xác. Mô tả rõ hơn, ông Âu Văn Minh thấy vợ người bạn cũ “dép râu, nón cối, lưng mang xà-cột, kèm theo cái “võng Trung Quốc”. “Người Hà Nội”, “dáng Kiều thơm” của Quang Dũng, sau bao nhiêu năm theo kháng chiến đấy! Đẹp mặt “Người Hà Nội” chưa?

    Càng khâm phục và yêu mến tài làm thơ của Quang Dũng, người ta càng thương cảm ông bị vùi dập trong chế độ Hà Nội. Tuy là người tài ba, nhưng gần như suốt đời ông không thoát ra khỏi cảnh nợ áo cơm, không nuôi nỗi vợ con.

    Người ta kể:

    “Quang Dũng cao to nên ăn rất khỏe. Trong giờ ăn tại nhà ăn tập thể của NXB Văn học, nơi ông làm ngày ấy, bao giờ ông cũng phải đứng lên đi xin thêm cơm. Xin một lần thì nhà bếp còn vui vẻ, nhưng cứ nhiều lần như thế, bà Gái cấp dưỡng tỏ vẻ khó chịu, khi thấy nhà thơ sắp đến là lườm, nguýt. Bạn bè văn chương ai cũng hiểu, nhà thơ cao lớn mà tiêu chuẩn như mọi người thì chóng đói là phải. Vì thế mà anh em không ai bảo ai, cứ đến giờ cơm là đứng lên xin thêm cơm cháy, mỗi người một phần xong góp lại cho Quang Dũng.

    (Anh Vân ghi)



    Trong cảnh đói nghèo, Quang Dũng mất hết khí phách của người con trai, đàn ông, nói chi tới cái khí phách “Người Hà Nội” mà ông đã từng ca ngợi trong những bài hơ đầu. Có lẽ vì vậy mà sau nầy, ông không còn làm thơ được nữa. Sự nghiệp thì ca của ông không nhiều, không lớn.

    Cuối đời, ông tìm ra một “triết lý”, “triết lý ăn đói”, ăn như kiểu loài nhai lại để sống còn. (8)



    Có những người tuy còn sống nhưng xem như đã chết! Có những người chết đi là coi như mất hẵn. Có những người hình hài đã chết nhưng tinh thần của họ còn đâu đấy, trong lịch sử, trong văn chương.

    Quang Dũng đã chết năm 1988, nhưng đôi khi người ta ông vẫn còn sống, trong những bài viết về thơ ông, viết về “Người Hà Nội” vì theo cách nhìn chung, ông vẫn là “Người Hà Nội” đấy!

    Tôi chưa từng đến Hà Nội, nhưng tôi đã gặp Hà Nội đâu đó, trong lịch sử, văn học. Trong đời, tôi cũng đã gặp “Người Hà Nội” đâu đó, nhiều nhất ở Saigon, hoặc ở Cali. “Người Hà Nội” có cái phong cách sống của họ, văn hóa của họ, có tinh thần của họ, tích tụ từ tinh hoa một ngàn năm của đất Thăng Long, của “Hà Nội ngàn năm văn vật”, từ oai linh sông núi. Cũng từ ý nghĩa đó, tôi gặp “Người Hà Nội” trong thơ Quang Dũng.

    Sau 1975, tôi gặp những người từ miền Bắc vào và tự xưng họ là “Người Hà Nội”. Thật ra, họ lạm dụng vì họ không có tinh thần của người Hà Nội. Hà Nội ngày nay không còn có “Người Hà Nội” nữa.

    Và cũng khó tự xưng mình là “Người Hà Nội” nếu đã về hàng với giặc, không biết noi gương Trần Bình Trọng khi mắng vào quân giặc, hay bình thản như Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông khi bước lên đoạn đầu đài./



    hoànglonghải



    (1) Cô Giang cải trang, giáu khẩu súng lục trong người rồi đi tàu hỏa lên đó (Yên Bái – tg). Xem xử xong, cô lặng lẽ trở về phòng trọ viết hai bức thư tuyệt mệnh trên trang giấy khổ nhỏ, bằng bút chì xanh. Lá thư thứ nhất cô gửi cho cha mẹ anh Nguyễn Thái Học, còn lá thứ hai cô gửi cho người chồng nơi chín suối. Viết xong thư, Cô Giang ra chợ mua mấy vuông vải trắng, thắt ngang đầu để tang chồng, rồi đáp tàu hỏa về Vĩnh Yên, quê Nguyễn Thái Học, ngay buổi chiều tối hôm đó.

    Tự sát:

    Tờ mờ sáng ngày 18 tháng 6 năm 1930, cô về làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường (nay thuộc Vĩnh Phúc) để lạy tạ cha mẹ chồng (ông Nguyễn văn Hách và bà Nguyễn Thị Quỳnh), tháo chiếc đồng hồ có khắc chữ “G” tặng cho Nguyễn Văn Lâm, em trai Nguyễn Thái Học và từ giã mọi người.

    Trên đường đi cô ghé quán trà bên gốc cây đề, thuộc Xóm Mới, xã Đông Vệ giáp quốc lộ số 2, cách làng Thổ Tang ước chừng một cây số. Sau khi uống bát nước trà xanh, từ biệt bà chủ quán, cô đến đứng dưới gốc cây đề, mắt nhìn về hướng làng Thổ Tang và tự kết liễu đời mình bằng khẩu súng lục mà Nguyễn Thái Học tặng cô ở đền vua Hùng ngày nào.

    Hôm ấy là ngày 18 tháng 6 năm 1930, nhằm ngày 22 tháng 5 năm Canh Ngọ. Nghe tin Cô Giang tự sát, quân Pháp lập tức có mặt để nhận dạng. Biết đúng là cô, họ liền ra lệnh chôn, rồi đặt điếm canh để không ai được đến thắp hương. Tuy nhiên, theo Lê Minh Quốc, thì “trên mồ của người nữ cách mạng này bao giờ cũng có những bông hoa đỏ thắm”.

    (2) Sông Đáy là một con sông miền Bắc Việt Nam rút nước từ sông Hồng ra vịnh Bắc Bộ. Sông Đáy chảy gọn trong vùng đồng bằng Bắc Bộ với dòng sông chảy song song bên hữu ngạn hạ lưu sông Hồng. Sông Đáy có chiều dài khoảng 240 km và lưu vực (cùng với phụ lưu sông Nhuệ) hơn 7.500 km² trên địa bàn các tỉnh thành Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định. Là một phân lưu của sông Hồng, sông Đáy nhận nước của sông Hồng ở địa phận Hà Nội giữa huyện Phúc Thọ và huyện Đan Phượng. Quãng sông này còn có tên là sông Hát hay Hát giang. Chỗ sông Hồng tiếp nước là Hát môn.

    Lưu lượng của sông bất thường nên mùa mưa thì lũ quét lại thêm dòng sông quanh co uốn khúc nên dễ tạo ra những ghềnh nước lớn. Đến mùa khô thì lòng sông có chỗ cạn lội qua được nên thượng lưu sông Đáy thuyền bè không dùng được.

    (3) Những lý do khác nhau: Chiến tranh kéo dài quá, không đủ khả năng kinh tế, tài chánh để theo kháng chiến. Những phần tử Quốc gia (đảng phái và không đảng phái), không thể theo Cộng Sản. Chính sách của Việt Minh Cộng Sản là kỳ thị và triệt tiêu thành phần tư sản, tiểu tư sản, mà “Người Hà Nội” đi kháng chiến thì phần đông là tiểu tư sản, độc ác hơn, Việt Minh lợi dụng súng đạn Pháp để tiêu diệt thành phần tiểu tư sản. Trung Đoàn Thủ Đô, ngoài cái “vinh dự” đánh Pháp cho đến những giây phút cuối cùng của thủ đô, còn là âm mưu của Việt Minh đẩy thanh niên tiểu tư sản Hà Nội vào trước họng súng của Pháp, mượn tay thực dân Pháp diệt họ. Bố mẹ trung đoàn trưởng Trung Đoàn Thủ Đô chết vì bị đấu tố. Những thất bại của Trung Đoàn Thủ Đô về sau, trước khi tan rã, không ở ngoài mục đích đó của Việt Minh.

    (4) Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Diệm. Có người nói ông có bà con (anh em) với ông Bùi Đình Đạm, chuẩn tướng QĐVNCH

    (5) Năm 1951, mới vào trung học, làm “thi sĩ chép” thơ tiền chiến, tôi thường ra phòng Thông Tin Hoa Kỳ ở thị xã Quảng Tri, quê ngoại tôi. Ở đó, tôi đã chép lại bài thơ “Kẻ Ở” trong tuần báo “Đời Mới” của ông Trần Văn Ân. Tôi không rõ, trước hay sau đó, báo Đời Mới có in lại những bài thơ khác như Tây Tiến hay Đôi Mắt Người Sơn Tây của Quang Dũng hay không. Báo chí vùng Quốc Gia thường cởi mở hơn vùng Cộng Sản, cho phổ biến cả những bài thơ, nhạc của những tác giả trong vùng Việt Minh.

    (6) Kinh nghiệm người ở xứ lạnh là về mùa đông, tóc mọc chậm lại.

    (7) Bà Bích Vân, chị bà Bích Ngọc, chủ thẩm mỹ viện. Bà Bích Vân là vợ ông Âu Văn Minh, hai người có 6 con. Bà ly dị chồng, lấy ông Bùi thế Lân, tướng lãnh, tư lệnh sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, QĐVNCH.

    (8) … Hay có một số người thì áp dụng phương pháp uống thật nhiều nước vào lúc sáng sớm, nghe nói tốt lắm… Bác Quang Dũng không có ý kiến gì về những mẹo mực ấy. Bác chỉ khuyên mẹ tôi nên nhai thật kỹ khi ăn. Nhai càng kỹ càng tốt, vừa đỡ hại dạ dày, vừa đỡ tốn cơm. Đã từ lâu bác áp dụng phương pháp này. Trước kia phải ăn ba bát, nay chỉ cần hai. Nhai kỹ, chị cứ thử mà xem, bác nói với mẹ tôi, sẽ thấy cơm rất ngọt; chả cần gạo mới gì gì, cứ cái gạo mậu dịch ấy nấu lên, nhai thật kỹ, khắc thấy ngon ngay. Nhà tôi đỡ hẳn cái khoản gạo nhờ cách ấy đấy…

    Tôi nghe bác nói rất hào hứng, nhưng trong thâm tâm không mấy quan tâm. tôi không khỏi cảm khái khi nghe những câu chuyện đượm mùi bếp núc của bác. Bác Quang Dũng đã định đi rồi, nghĩ thế nào lại quay lại dặn mẹ tôi: “Thế nào chị cũng nhớ nhai kỹ đấy, vừa đỡ hại dạ dày, vừa đỡ tốn cơm!”





    Cố Quận

    Trăng sáng sân vờn đôi bóng cau
    Ngồi đây mà gửi nhớ phương nào
    Gió mát long lanh vầng Bắc Đẩu
    Tiết hè ếch nhái rộn bờ ao.

    Ngồi đây năm năm miền ly hương
    Quê người đôi gót mỏi tha phương
    Có những chiều trăng tròn đỉnh núi
    Nhà ai chày gạo giã đêm sương

    Tịch mịch sầu vơi bèo râm ran
    Chuối vườn khuya lọt ánh trăng tàn
    Người ơi quê cũ đèn hoe ngọn
    Tóc bạc trông chừng cổng héo hon.

    Ngõ trúc quanh quanh sâu bóng lá
    Trăng vàng rơi rắc nẻo nào xưa
    Ngõ cũ không mong người trở lại
    Mà mùi hoa mộc vẫn thơm đưa.

    Em ơi, Em ơi đêm dần vơi
    Trông về phương ấy ngóng trông người
    Trăng có soi qua đầu tóc bạc
    Nẻo chừng Cố Quận nhớ thương ời!

    Trăng sáng năm năm mùa lại mùa
    Hạ này vơi lại nhớ thu xưa
    Người đi người đi đường quạnh quạnh
    Ngày tháng thương vay kẻ đợi chờ.





    Đôi Bờ

    Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?
    Sông xa từng lớp lớp mưa dài
    Mắt kia em có sầu cô quạnh
    Khi chớm heo về một sớm mai?

    Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
    Bên này em có nhớ bên kia
    Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến
    Hiu hắt chiều sông lạnh bến Tề

    Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
    Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
    Thoáng hiện em về trong đáy cốc
    Nói cười như chuyện một đêm mơ

    Xa quá rồi em người mỗi ngã
    Bên này đất nước nhớ thương nhau
    Em đi áo mỏng buông hờn tủi,

    Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?









    Đôi Mắt Người Sơn Tây

    Em ở thành Sơn chạy giặc về
    Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
    Cách biệt bao lần quê Bất Bạt
    Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

    Vừng trán em vương trời quê hương
    Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
    Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
    Em có bao giờ em nhớ thương

    Từ độ thu về hoang bóng giặc
    Điêu tàn thôi lại nối điêu tàn
    Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ
    Em có bao giờ lệ chứa chan

    Mẹ tôi em có gặp đâu không
    Những xác già nua ngập cánh đồng
    Tôi cũng có thằng em còn bé dại
    Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông

    Đôi mắt người Sơn Tây
    U uẩn chiều lưu lạc
    Buồn viễn xứ khôn khuây

    Cho nhẹ lòng nhớ thương
    Em mơ cùng ta nhé
    Bóng ngày mai quê hương
    Đường hoa khô ráo lệ

    Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
    Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng
    Sông Đáy chậm nguồn quanh phủ quốc
    Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng

    Bao giờ tôi gặp em lần nữa
    Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
    Đã hết sắc mầu chinh chiến cũ
    Còn có bao giờ em nhớ ta



    Quang Dũng (1921-1988) tên thật Bùi Đình Diệm, sinh năm 1921 tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng (nay thuộc Hà Nội). Rải rác trong thơ ông, Sơn Tây và vùng phụ cận được đề cập thường xuyên đến nỗi có người lầm tưởng ông quê quán ở Sơn Tây! Có người giải thích rằng Đan Phượng là làng giáp ranh giữa Hà Đông và Sơn Tây, được phân chia bằng con sông Đáy. Có lẽ vì thế mà trong thơ của Quang Dũng, những Sơn Tây, Sông Đáy, Phủ Quốc xuất hiện khá nhiều.

    Thuở nhỏ, ông theo học trung học tại trường Thăng Long, Hà Nội. Vào những năm kháng chiến chống Pháp, Quang Dũng hoạt động văn nghệ ở liên khu III, làm đại đội trưởng đoàn quân Tây Tiến (1947). Sau năm 1954, ông sống như một kẻ vô danh tại miền Bắc, từ trần ngày 13 tháng 10 năm 1988 tại Hà Nội sau một thời gian dài đau bệnh.

    Tác phẩm tiêu biểu: các tập thơ Bài Thơ Sông Hồng (1956), Rừng Biển Quê Hương (1957), Mây Đầu Ô (1986); truyện ngắn Mùa Hoa Gạo (1950); hồi ký Làng Đồi Đánh Giặc (1976)…


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X