Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tranh Cử Tổng Thống Hoa Kỳ

Collapse
X

Tranh Cử Tổng Thống Hoa Kỳ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tranh Cử Tổng Thống Hoa Kỳ

    Tranh Cử Tổng Thống Hoa Kỳ

    Phạm Văn Bản



    Theo Hiến Pháp Hoa Kỳ tổng thống là nguyên thủ quốc gia, đứng đầu hành pháp và chính phủ liên bang, người đắc cử đầu tiên là George Washington được bầu từ năm 1789. Cuộc bầu tổng thống kế tiếp vào năm 1792, rồi nhiệm kỳ 4 năm để có số năm chẵn như 1796, 1800… 2016 và trải qua hơn hai trăm năm lập quốc với 43 đời tổng thống.

    Và cứ mỗi nhiệm kỳ thì dân chúng Hoa kỳ lại hào hứng bàn luận về cuộc bầu cử tổng thống, xem người thắng kẻ bại trong việc chạy đua vào tòa Nhà Trắng (White House), một nơi được coi là quyền lực nhất thế giới và ảnh hưởng trong nhiều lãnh vực từ chính trị đến kinh tế, quân sự, xã hội, ngoại giao… không những của Hoa Kỳ mà còn là của nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, nhưng nhiều cơ quan ngôn luận, truyền thông báo chí, vệ tinh phát hình trên thế giới đều theo dõi trực tiếp mọi diễn tiến tranh cử để cập nhập tin tức hàng ngày.

    Trước hết là tổng thống Hoa Kỳ phải hội đủ ba điều kiện: (1) là công dân từ lúc sơ sinh, cho dù người ấy khi sinh ở ngoài lãnh thổ nhưng cha mẹ phải là công dân Hoa Kỳ, (2) đủ 35 tuổi, và (3) phải sống ở Mỹ 14 năm.

    Thứ đến Hoa Kỳ có nhiều đảng chính trị khác biệt nhau như Cộng Hòa (Republican Party), Dân Chủ (Democratic Party), Độc Lập (Independent Party), Tự Do (Libertarian Party), Đảng Xanh (Green Party), Xã Hội (Socialist Party)... nhưng hai đảng lớn Dân Chủ và Cộng Hòa lại thường đứng ra tranh cử để thay phiên nhau ngôi vị tổng thống.

    Nhìn lại lịch sử chính trị Hoa Kỳ, Đảng Cộng Hoà ngày nay có tên là Republican Party, với huy hiệu (logo) là con voi và ba ngôi sao (elephan and 3 stars), trước đây có nơi dùng chim đại bàng (eagle), với biệt danh là Đảng Kỳ Cựu (nick name as Grand Old Party, G.O.P). Đảng Dân Chủ thì mang tên Democratic Party, trước đây cũng có huy hiệu gà trống (rooster) nhưng nay lại là con lừa (donkey). Tuy nhiên chúng ta chưa bao giờ thấy Đảng Dân Chủ công bố huy hiệu con lừa, nhưng ngược lại họ lại vẫn thường dùng một cách công khai.

    Như thế đảng phái chính trị ở Hoa Kỳ đã có những danh xưng khác nhau, huy hiệu khác nhau, chủ trương khác nhau, đường hướng khác nhau, chính sách khác nhau… nhưng cả hai đều là con một nhà! Tuy con một nhà nhưng các chính đảng ấy không song sinh, không ruột thịt, không cá biệt… mà là một thực thể, một con người… rồi sau đó “con người” này lại phân thân trở thành hai đảng như ngày nay.

    Nói khác đi, trước đây cả hai đều là thành viên của một chính đảng có tên ghép lại là Đảng Dân Chủ - Cộng Hòa (Democratic-Republican Party) và họ gọi tắt là Republican. Theo dòng thời gian hoạt động đã nảy sinh ra sự kiện khác quan điểm, khác chính kiến, khác đối thoại với nhau… nên trong nhà thường xảy ra lục đục, vì “đối thoại” biến thành “đối thọi!” trong những lần bầu cử tổng thống; cho nên họ ly dị bằng cách tách đôi, chia gia tài mỗi bên nhận lấy một phần là Dân Chủ, hay Cộng Hòa và mạnh đường ai nấy đi.

    Vào thập niên 1790 Thomas Jefferson và James Madison đã thành lập đảng Dân Chủ Cộng Hòa (Democratic-Republican) để chống lại chính sách và chủ trương của Đảng Liên Bang (Federalist Party), một chính đảng mạnh nhất thời ấy về kinh tế, xã hội, ngoại giao… Đảng Dân Chủ Cộng Hòa có chủ trương bãi bỏ chế độ nô lệ, đòi hỏi nhân quyền và dân quyền, ủng hộ quyền của các tiểu bang, chống lại hệ thống ngân hàng quốc gia và những thế lực giàu có… Thời gian đầu đảng còn sinh hoạt lỏng lẻo, nhưng tới năm 1800 họ đã giữ được quyền lực chính trị.

    Sau chiến tranh giữa Mỹ và Anh năm 1812, đảng đối lập của họ là Đảng Liên Bang tan rã, đảng Dân Chủ Cộng Hòa đã trở thành Đảng Dân Chủ và họ bỏ chữ Cộng Hòa theo quyết định của người kế vị Tổng Thống James Monroe là John Quincy Adams. Vào thời gian nầy, hoạt động bên cạnh Đảng Dân Chủ còn có Đảng Tự Do (của Anh ngày xưa : Whig Party), một đảng ít người biết và họ chuyên về thương mại. Tuy thế đảng này đã song hành và đối lập với đảng Dân Chủ cho đến thời kỳ nội chiến (1861-1865) mới bắt đầu tan rã vì chia rẽ trong việc phân bổ quyền lợi. Năm 1850, họ bất mãn đảng mình ủng hộ các đạo luật “Fugitive Slave Law: đòi hỏi những phần tử nô lệ đã tẩu tán phải trở về chủ cũ” và “Kansas-Nebraska Act: thành lập hai vùng đất Kansas và Nebraska, cho phép cư dân hai nơi nầy có quyền quyết định, qua đầu phiếu, nên duy trì hay bãi bỏ chế độ nô lệ” để lấy lòng các tiểu bang miền Nam là nơi chủ trương duy trì chế độ nô lệ, những người Dân Chủ chống chế độ nô lệ rời khỏi đảng Democratic Party cùng với những người trong đảng Whig cũ, họ thành lập Đảng Cộng Hoà (Republican Party).

    Như thế về mặt lịch sử, tuy cùng là thành viên của Dân Chủ Cộng Hòa từ năm 1792, nhưng đảng Dân Chủ đã chính thức tách riêng sinh hoạt độc lập vào năm 1828. Và hai mươi sáu năm sau 1854 Đảng Cộng Hoà mới xuất hiện. Vì trung thành với chủ trương ban đầu của đảng mẹ Democratic-Republican nên đảng Cộng Hoà tự cho mình là kỳ cựu “Grand Old Party, G.O.P” Dù rằng sinh sau đẻ muộn nhưng, Đảng Cộng Hoà tính đến nay đã có 19 đời tổng thống trong khi Đảng Dân Chủ chỉ có 13 vị.

    Khác biệt giữa Cộng Hoà và Dân Chủ

    Hai đảng có những sự khác biệt căn bản sau đây: Đảng Cộng Hoà bao gồm những thành phần bảo thủ (conservatives) trong khi Đảng Dân Chủ là đất dụng võ cho những người chủ trương phóng khoáng (liberals) về mặt xã hội.

    Đảng Cộng Hoà chú trọng đến con người trong khi đối tượng phục vụ của Đảng Dân Chủ là xã hội.

    Đảng Cộng Hoà coi trọng mạng sống con người, dù con người đang trong thời kỳ thai nhi, họ cấm phá thai (pro-life). Đảng Dân Chủ tuy không khuyến khích sự phá thai nhưng ủng hộ sự lựa chọn của mỗi người (pro-choice), ai muốn phá hay giữ thai là quyền của mỗi cá nhân. Về đồng tính luyến ái Đảng Cộng Hoà chống triệt để trong khi Đảng Dân Chủ thì cũng “pro-choice!” Quan điểm của Đảng Cộng Hoà này cũng phù hợp với giáo luật của các tôn giáo, và gần gủi với văn hoá phong tục của người Việt Nam và các nước Đông Nam Á.

    Đảng Cộng Hoà muốn có một chính phủ trung ương gọn nhẹ. Thay vì thành lập các cơ quan nhà nước kềnh càng để lo cho dân, họ ủng hộ mạnh mẽ việc thành lập các cơ quan bất vụ lợi vì, họ nghĩ, những cơ quan nầy sẽ giúp đỡ những người nghèo hiệu quả hơn chính phủ. Đảng Dân Chủ ngược lại, chủ trương có chính phủ lớn mạnh hơn, đủ sức để quản lý và chăm sóc tất cả mọi lãnh vực đời sống của người dân.

    Đảng Cộng Hoà chủ trương thị trường súng đạn tự do, ai muốn mua và giữ vũ khí cũng được (ngoại trừ thành phần tội phạm), như hội súng đạn NRA (National Rifle Association) bao gồm những người Cộng Hoà có thế lực và giàu sang. Đảng Dân Chủ muốn hạn chế, kiểm soát việc lưu hành và xử dụng súng trong xã hội, nhưng cho đến nay họ vẫn chưa thực hiện được mặc dù Tổng Thống Barack Obama đã tận tình tranh luận.

    Đảng Cộng Hoà muốn dành ngân sách tối đa cho quốc phòng trong khi Đảng Dân Chủ muốn dùng tiền cho những mục đích an sinh xã hội.

    Đối với các xung đột quốc tế, Đảng Cộng Hoà thiên về giải pháp quân sự trong khi Đảng Dân Chủ lại chủ trương giải quyết vấn đề bằng đường lối ngoại giao trước. Có lẽ vì thế mà Đảng Cộng Hoà lại thường được mệnh danh là chủ chiến và Đảng Dân Chủ mang tiếng là chủ bại! Điểm dị biệt là nước Mỹ qua hai cuộc thế giới đại chiến lại do ba tổng thống Dân Chủ lãnh đạo và điều binh khiển tướng. Thế Chiến I (1914-1919) nằm trong nhiệm kỳ của Tổng Thống Dân Chủ Woodrow Wilson (1913-1921). Thế Chiến II (1939-1945) lại là thời điểm của hai Tổng Thống Dân Chủ Franklin D. Roosevelt (1933-1945) và Harry S. Truman (1945-1953) -- cũng là vị tổng thống ra lệnh ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản để kết thúc chiến tranh.

    Đảng Cộng Hoà chống chương trình y tế công cộng, và ủng hộ sự lựa chọn cá nhân, dựa vào chế độ bảo hiểm y tế tư của các hãng xưởng, công ty xí nghiệp. Đảng Dân Chủ lại cho rằng bảo hiểm y tế không phải là một đặc ân (privilege) mà là một thứ quyền phải được bảo đảm (right) nên chính phủ phải quan tâm. Lưỡng đảng khi ra tranh cử tổng thống đều hứa hẹn không biết bao lần, nhưng thực tế là sau khi đắc cử từ xưa tới nay vẫn có hàng triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế hay sức khỏe.

    Ví dụ hai ứng viên tổng thống kỳ trước: Ông Cộng Hòa John McCain hứa nếu là cá nhân thì sẽ nhận được 2,500 Mỹ kim. Nếu là gia đình, mỗi gia đình được 5,000 Mỹ kim trích ra từ nguồn tiền mà ông gọi là “tax credit” để tự mua bảo hiểm ở các công ty tư nhân. Còn ông Dân Chủ Barrack Obama thì phát biểu, những ai đã có bảo hiểm bất cứ dạng nào đều giữ nguyên trạng. Những người chưa có bảo hiểm sẽ được chính phủ Liên Bang lo liệu… Bên nào nói thì ta nghe cũng hấp dẫn… nhưng chưa biết có thực hiện được không, và đó lời hứa của các ứng viên khi ra tranh cử tổng thống xưa nay.

    Cũng như y tế, về giáo dục Đảng Cộng Hoà chủ trương tư nhân hoá, không ủng hộ hệ thống trường công lập, và đã từng lên án hệ thống này cũng như tổ chức công đoàn (Union) của ngành giáo chức. Thậm chí trước đây nhiều người Cộng Hoà đã chống đối sự hình thành của Bộ Giáo Dục (The United States Department of Education) khi bộ nầy được thành lập vào năm 1979. Trong khi Dân Chủ “pro-choice” về vấn đề phá thai và đồng tính luyến ái, thì Cộng Hoà lại “pro-choice” về vấn đề giáo dục, họ chủ trương cấp tín phiếu (vouchers) cho sinh viên để có thể tự chọn theo học bất cứ trường tư nào mà người ấy muốn.

    Đảng Cộng Hoà có truyền thống giảm thuế cho mọi người để khuyến khích dân chúng mạnh dạn chi tiêu, mua sắm; họ cho rằng sự tiêu dùng của người dân sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển tốt hơn là sự chi tiêu của chính phủ. Đảng Dân Chủ thì ngược lại; họ tin tưởng rằng chính phủ phải đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu sự nghèo đói và bất công xã hội. Để có thể làm chuyện nầy, họ chủ trương tăng thuế.

    Theo đúng chủ trương của đảng mình, ví dụ: ứng cử viên Tổng Thống của đảng Cộng Hoà là John McCain cũng thực hiện chính sách của Tổng Thống Bush, chủ trương giảm thuế cho tất cả mọi người, kể cả người giàu; đang khi ứng viên Dân Chủ Barack Obama tuyên bố sẽ không tăng thuế cho bất cứ người nào có thu nhập hàng năm 250,000 Mỹ kim trở xuống, và tăng thuế những ai có thu nhập trên số ấy, nhắm vào người giàu có.

    Song song với sự giảm thuế, Cộng Hoà chống sự tăng lương cho công nhân, viên chức vì như thế sẽ ảnh hưởng đến việc làm ăn của các ngành nghề. Nếu đòi tăng lương, chủ nhân của những ngành nầy sẽ sa thải công nhân, giảm các dịch vụ cung cấp, ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt kinh tế. Chính sách của Dân Chủ thì ngược lại, thay vì giảm thuế và giữ mức lương cố định, họ chủ trương tăng lương để giúp đỡ giới lao động nghèo, và khi giới này có thu nhập khá, nhờ tăng lương thì cũng sẵn sàng mua sắm để thúc đẩy kinh tế.

    Phần lớn người Cộng Hoà tin rằng sinh hoạt của con người không ảnh hưởng lớn đến bầu khí quyển và trái đất. Nếu có hiện tượng gọi là “global warming” thì đó là chuyện tự nhiên của đất trời, không phải hoàn toàn do con người làm ra. Nếu áp đặt những điều luật khắt khe để bảo vệ môi trường thì sẽ ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt kinh tế. Ngược lại, Đảng Dân Chủ tin rằng, ngoài thiên nhiên, chính sự sinh hoạt bừa bãi của con người đã làm cho trái đất nóng dần, bầu khí quyển trở nên ô nhiễm. Công trình nghiên cứu của cựu Phó Tổng Thống Dân Chủ Al Gore đã chứng minh điều này, và ông đoạt giải Nobel. Quan điểm của phía Cộng Hoà từ đấy cũng dần dần thay đổi trước những công trình nghiên cứu khoa học và sức ép của quốc tế về môi sinh. Ví dụ năm 2008, Chính phủ Bush đã phải chấp nhận và phải có hành động cần thiết trước sự thay đổi khí hậu của quả địa cầu.

    Đảng Dân Chủ mang tiếng là “thủ phạm” của các chương trình trợ cấp xã hội. Nhưng vào năm 1996, dưới thời Tổng Thống Bill Clinton (1993-2001) đã thực hiện việc cải tổ trợ cấp (Welfare Reform) đòi hỏi những người nhận trợ cấp phải có việc làm bán thời gian. Chương trình này của Dân Chủ cũng được Đảng Cộng Hoà ủng hộ mạnh mẽ.

    Đảng Cộng Hoà chủ trương một nền kinh tế gọi là laissez-faire economics, chính sách kinh tế để mặc cho tư nhân vận hành, chính phủ không nên đóng một vai trò uốn nắn nào cả. Dân Chủ ngược lại, chủ trương chính phủ phải để mắt vào tất cả mọi sinh hoạt của quốc gia, kể cả kinh tế. Vụ khủng hoảng kinh tế đã làm Tổng Thống George W. Bush “tạm quên” truyền thống Cộng Hoà, để hành động như người Dân Chủ; ông can thiệp mạnh mẽ, kêu gọi quốc hội chuẩn thuận ngân sách 700 tỷ để cứu nguy các hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán đang sụp đổ. Ông bị đa số các dân biểu, thượng nghị sĩ Cộng Hoà chống đối, kết án ông là “đầu hàng Dân Chủ!” Cũng may nhờ sự ủng hộ đông đão của phía Dân Chủ nên dự luật ấy mới được thông qua.

    Tóm lại, nếu chúng ta căn cứ vào lịch sử, từ khi mới thành lập Đảng Cộng Hoà là “đội ngũ tiên phong” giải phóng chế độ nô lệ nên đã thu hút được đa số người da đen. Nhưng qua thời gian, không hiểu tại sao, hiện nay người ta nói rằng Đảng Cộng Hoà là đảng của người da trắng, của những người, những thế lực giàu có, không còn mấy người da đen ủng hộ. Đảng Dân Chủ lúc đầu lập trường chao đảo, khi ủng hộ chủ trương giải phóng nô lệ, khi muốn duy trì nó như tinh thần hai đạo luật “Fugitive Slave Law” và “Kansas-Nebraska Act,” nhưng hiện nay họ được coi là đảng của người thiểu số, được đa số người da đen và các nhóm dân thiểu số ủng hộ. Theo tài liệu, đa số người Việt Nam tại Mỹ thì thế hệ già thường bầu cho Đảng Cộng Hoà, trong khi thế hệ trẻ lại có khuynh hướng ủng hộ Dân Chủ. Các sắc dân Á Đông khác như Nhật, Tàu, Ấn Độ, Đại Hàn cũng phần lớn bầu cho Dân Chủ.


    Kính chúc Chủ Bút và Ban Biên Tập cùng toàn thể Quý Niên Trưởng và Các Bạn một Năm Mới an khang và thịnh vượng.

    Phạm Văn Bản


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X