Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đường Về ( Lê Ngọc Châu) - Tình Ca Phạm Anh Dũng - Xuân Thanh

Collapse
X

Đường Về ( Lê Ngọc Châu) - Tình Ca Phạm Anh Dũng - Xuân Thanh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đường Về ( Lê Ngọc Châu) - Tình Ca Phạm Anh Dũng - Xuân Thanh

    Đường Về
    Phạm Anh Dũng phổ thơ BH, Du Tử Lê, Nguyễn Đức tùng, Phạm Quốc bảo, Phạm Sĩ Trung, Vương Ngọc Long
    Tiếng hát Xuân Thanh

    Tác Giả: Lê Ngọc Châu (Nguồn: VIỆT-BÁO)

    ooOoo


    Ảnh minh hoạ - Mùa Xuân Áo Hồng (Phạm Sĩ Trung)

    Trong CD Đường Về này, xin giới thiệu một bài nhạc phổ thơ về mùa Xuân của cố thi sĩ Phạm Sĩ Trung; Nhạc phẩm valse này, có nét thanh thoát, nhịp nhàng, đầy Xuân tình qua hoà âm tài hoa của nhac sĩ Quốc Dũng, nhưng giọng hát Xuân Thanh lại phảng phất chút buồn mang mang, vì Cô hát bài này trong tâm trạng không vui khi biết đươc thi sĩ 'Phạm Sĩ Trung' sẽ qua đời sau đó....

    ooOoo

    Lê Ngọc Châu:

    Tôi hân hạnh đã nghe biết là ca sĩ Xuân Thanh sẽ cho ra một CD mới, mang tên “Đường Về” vào mùa Thu 2007. Thoạt nghe cái tên của CD thôi là tôi liên tưởng ngay đến “một ngày trở lại thăm cố hương” và những bài hát hàm chứa nội dung của các cuộc hành trình liên quan đến “Ngày Về” vì lý do dễ hiểu là nếu ai đã một lần sống xa gia đình, thân thuộc và hiện đang sống tha phương không nhiều thì ít đều trải qua những phút giây chạnh lòng nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ quá khứ, bà con, bạn bè … nên thầm mong một ngày trở lại để nhìn lại quê hương … cho dù biết rằng cảnh vật quê nhà có nhiều đổi thay như H.G. (Nhạc sĩ Hoàng Giác") diễn tả:

    Ngày đi trăm nỗi hẹn hò
    Ngày về vắng bóng con đò bến xưa!


    Nhưng sau khi CD đã được ra mắt và phát hành rất thành công vào ngày 21 tháng 10 năm 2007 tại Seattle_WA/USA thì tôi biết rõ hơn là CD mang chủ đề “Đường Về”, gồm “12 Bài Thơ Trên Đường Về” do nhạc sĩ Phạm anh Dũng (PAD) phổ nhạc từ những bài thơ do các thi sĩ nổi tiếng tại hải ngoại sáng tác, như: Thiên Đàng Lạc Lối (thơ B.H.), Chia Tay (thơ Nguyễn đức Tùng), Đêm Nguyệt Quỳnh (thơ Vương ngọc Long), Mùa Xuân Áo Hồng (thơ Phạm sĩ Trung), Về Từ Vô Vọng (thơ Du tử Lê), Đường Về (thơ Phạm quốc Bảo), Nhớ Sài Gòn (thơ Phạm anh Dũng), Mùa Xuân Chúng Mình (thơ Phạm sĩ Trung) , Hoa Đào Năm Ngoái (thơ Vương ngọc Long & Thôi Hộ), Gọi Mùa Thu Mơ (thơ Phạm anh Dũng), Khúc Ca Riêng Của Tôi (thơ Du tử Lê) và Trang Thiên Cổ (thơ B.H.). Thông thường, khi ca sĩ chọn lựa một bài hát nào đó thì ít ra nội dung bản nhạc phản ảnh phần nào tâm trạng của mình nên tôi nghĩ có lẽ nữ ca sĩ XT đã muốn mượn lời ca tiếng hát nói thay cho tâm trạng của mình và tâm trạng đó được “thu gọn” lại trong “CD Đường Về” nói trên.


    Xuân Thanh @ majestic club trong đêm ra mắt CD trong chương trình đêm thính phòng - Tình ca 'Lê Uyên Phương' và 'Phạm Anh Dũng' . (Picture by PK - 2007)

    Trước khi giới thiệu Xuân Thanh 3, cho tôi được mở ngoặc ở đây để ghi lại vài cảm tưởng nho nhỏ. Đành rằng “Tình” là một chủ đề rất phong phú và hầu hết các nhạc sĩ Việt đều sáng tác vài bản nhạc loại này như Nhạc sĩ Lam Phương, Hoàng Thi Thơ, Nguyễn hữu Thiết, Trường Sa …v..v… Chỉ có một số ít nhạc sĩ chuyên viết nhạc tình trong đó phải kể đến những tình khúc của Vũ thành An hay Ngô Thụy Miên. Còn nói đến những nhạc sĩ phổ thơ thành nhạc thì rất khan hiếm cho đến nay. Vài nhạc sĩ đã tiên phong trên lãnh vực này mà tôi nghe biết vào đầu thập niên 60 như nhạc sĩ Phạm đình Chương với bài “Mộng Dưới Hoa” của thi sĩ Đinh Hùng hay “Màu Kỷ Niệm”, một bài thơ của Nguyên Sa, hoặc nhạc sĩ Dzũng Chinh với bản nhạc “Những Đồi Hoa Sim” phỏng theo ý bài thơ của Hữu Loan, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước với bài “Chiều”, phổ thơ của Hồ Dzếnh hay nhạc sĩ Y Vân phổ thơ của Kim Tuấn thành bài hát “Những Bước Chân Âm Thầm” .. v ..v ….

    Theo sự ghi nhận của tôi thì nhạc sĩ Phạm anh Dũng có thể nói là một nhạc sĩ hải ngoại từ hơn thập niên qua chuyên phổ nhạc các bài thơ, nhất là “Thơ Tình” của các thi sĩ thời danh thành nhiều CD_Tình Ca. Đây là một đặc điểm trong làng âm nhạc ở hải ngoại nói riêng vì phổ thơ thành nhạc, mà nhạc hay lôi cuốn người nghe lại càng khó hơn. Điểm quan trọng khác là thơ nhạc hay rồi nhưng “ai sẽ là người chuyển đạt” những vần thơ phổ thành nhạc này đến tai thính giả?

    Thú thật, tôi chỉ mới nghe biết đến Xuân Thanh và nhạc sĩ Phạm anh Dũng gần đây thôi, có thể nói là quá muộn nhưng qua 3-4 CD’s toàn là Tình Ca Phạm Anh Dũng mà tôi hân hạnh đã được thưởng thức thì có lẽ ca sĩ Xuân Thanh là người hát nhạc của PAD nhiều nhất, mà theo tôi lại hát hay và rất gợi cảm mặc dầu hầu hết những thơ phổ nhạc mà XT trình diễn có thể nói là ‘khó hát’.

    Phải chăng Nhạc Sĩ Phạm anh Dũng đã khám phá ra được điều là ca sĩ Xuân Thanh với giọng hát “soprano” cao nhưng dễ cảm, biết ngâm thơ và có khả năng trình diễn opera nên mới dành ưu tiên cho XT hát nhạc của mình? Chỉ có Nhạc Sĩ Phạm anh Dũng hiểu rõ lý do hơn ai hết!

    Tuy nhiên tôi thu hết can đảm của một thính giả để nói ra điều là chính tôi (đã từng ái mộ nữ danh ca Hoàng Oanh vào giữa thập niên 60 khi nghe ca sĩ Hoàng Oanh vừa hát vừa ngâm thơ rất hay!) cũng đã ngạc nhiên và ngưỡng mộ nhiều khi tình cờ nghe XT ngâm thơ trên mạng trong mục “Thi Ca Giao Duyên” của chương trình “Hải Ngoại Thi Ca” do nữ nhạc sĩ Miên Du Đà Lạt thực hiện, nghe XT bằng thể điệu dân ca hò Quan Họ Bắc Ninh với bài “Quên” (thơ Vương ngọc Long / PAD) và lại hát rất hay, với lối trình diễn nghe lạ tai qua âm điệu opera mới lạ (có thể nói người Việt chưa quen lắm với loại nhạc opera!) và cộng thêm vào đó một hoà âm rất đặc sắc, sống động của nhạc sĩ Huỳnh Nhật Tân đã biến thể làm cho bản nhạc trở nên hấp dẫn hơn vì thế gây cảm giác thích thú đối với thính giả.

    Theo thiển ý tôi đây là một khả năng, ưu điểm rất hiếm có của XT nếu không muốn nói là thiên phú mà chưa chắc người ca sĩ hát tân nhạc nào cũng có được!

    Và bây giờ xin trở lại với CD_Xuân Thanh 3, chủ đề “Đường Về” và xin mạn phép giới thiệu CD_Tình ca Phạm anh Dũng đã được phổ nhạc từ những “Bài Thơ Trên Đường Về” theo cảm nhận của một thính giả bình thường, hay nói cách khác, không ngoài mục đích đem “CD_Đường Về” ra “thử giải phẩu một cách tổng quát, đôi khi còn có thêm sự tưởng tượng (hay ảo tính!) nào đó dựa theo bài hát” (hy vọng mổ xẻ không sai lắm vì chẳng phải là người có tay nghề chuyên môn!) để giới thiệu cùng quý độc giả. Mong quý thi sĩ (tác giả) thông cảm và lượng thứ cho những sơ sót chắc chắn không thể tránh được …

    Theo tôi, bài hát mở đầu cho CD 3 của Xuân Thanh, “Thiên Đàng Lạc Lối” đã được người ca sĩ tuyển chọn không biết có phải để phát hoạ lại khung cảnh thực tế mà XT trải qua sau 30-04-1975? Cứ cho là vậy đi với sự tưởng tượng của tôi (tuy đã đi quá xa, ra khỏi chủ đề tình ca). Mọi người, trong đó có XT, ước mơ một cuộc sống an lành, tốt đẹp hơn sau khi đất nước thống nhất nhưng tất cả đã đảo lộn và sự thật phủ phàng được phơi bày rõ ràng một thời gian rất ngắn sau đó. Người ta đã lo sợ, giựt mình vì biết rắng chính mình đang sống trong “ảo ảnh”, đang ngụp lặn giữa một “thiên đàng” tuy có thật nhưng hình như đã mất hay là một “thiên đàng” tuy tràn đầy hứa hẹn (trước đó) nhưng không thật sự hiện hữu! Để rồi cuối cùng nhiều người thấy rằng mình thật sự bơ vơ, lạc lối giữa “Thiên Đàng mới” nên quyết định ra đi, đi để tìm đến một nơi nào đó tốt hơn, đi để mong xây dựng tương lai nếu còn may mắn sống sót.

    Và nếu nhìn từ khía cạnh “Tình Yêu”, được thể hiện qua chủ đề “Tình Ca Phạm anh Dũng” thì có lẽ “Thiên Đàng Lạc Lối” phản ảnh một “thiên đàng ảo” đối với những cặp tình nhân đang ngụp lặn trong biển tình, phát họa cho thấy sự phủ phàng, cay đắng của một cuộc tình gian dối và để rồi tự than thở, tiếc nuối cuộc tình đã gãy đổ, cuối cùng đâm ra oán trách là điều không thể tránh khỏi:

    Mãi mãi yêu xứ thần tiên đã mất
    Dù thiên đàng hứa hẹn có thật đâu
    Ta chỉ còn chút kỷ niệm xa xưa
    Quá khứ ngọt đầy đồi kem suối mật
    Em bên ai không còn bên anh nữa
    Anh vẫn yêu thiên đàng đã mờ xa
    ….
    (Thiên Đàng Lạc Lối)


    Nhạc phẩm kế tiếp “Chia Tay” tự nó đã nói lên nỗi ưu tư của tác giả và người ca sĩ. Phải chăng XT muốn mượn bản nhạc này để diễn tả tâm trạng khi rời quê mẹ, ra đi mà chưa biết rồi sẽ như thế nào … hay cũng có thể muốn nhắc lại mối tình (nào đó) tuy rất gần gũi nhưng đã vội cao bay? Chỉ có tác giả bài thơ (và có thể người ca sĩ) mới hiểu rõ nỗi lòng của mình. Tuy nhiên qua những lời thơ rất nồng nàn trữ tình sau đây đủ cho chúng ta thấy một hình ảnh đau buồn, bùi ngùi cũng như đong đầy nhung nhớ lúc chia tay, nỗi nhớ ngây ngất hương thơm của người yêu:

    Chia tay một giọt lệ thầm
    Một bình minh vỡ một trăm năm về
    Chia tay một sợi tóc thề
    Trong chăn chiếu cũ còn mê hơi người…
    (Chia tay)


    Còn bài hát “Về Từ Vô Vọng” qua tâm trạng của Du tử Lê, hình như tác giả và người ca sĩ muốn khơi lại một hiện tượng hay một mối tình có thể nói là gần như tuyệt vọng (?) và khi vượt qua được cơn hiểm nghèo, trải qua cơn bão tình rồi mới thấy rằng mình vẫn còn quá nhiều diễm phúc, vẫn còn hiện hữu với tha nhân:

    Về tự một dòng sông, Em nồng nàn như biển
    Gió cuốn muôn nghìn năm, Lấp chôn tình vô vọng

    Về tự một tình đau, Mối ứ tràn máu mặn
    Ngực ngậm lời trăm năm, Hồn rũ bóng đìu hiu.
    (Về Từ Vô Vọng)


    Trong cuộc sống tha hương tạm bợ nơi xứ người, chúng ta đôi khi thả hồn ngược dòng thời gian, ôn và sống lại với quá khứ xa xưa, dù chỉ trong chốc lát. Từ nỗi “Nhớ Sài Gòn”, nhớ từng con đường, góc phố cho đến những kỷ niệm đẹp thuở học trò đi qua trong đời. Quá khứ bỗng dưng lần lượt quay về và đôi khi còn tìm được những kỷ niệm ngày nào trong giấc mộng và ns Phạm anh Dũng đã khéo mượn lời thơ phác họa cho chúng ta thấy hình ảnh thân thương đó như sau:


    Nhớ đến em nhiều này Sài Gòn ơi.
    Xa xôi ngàn khơi đâu tà áo trắng.
    Duy Tân im lìm phố vắng, Thương cây lá hoang tàn.
    Người xây giấc mơ hồi hương.
    Này Sài Gòn yêu thương, Hăy còn đây vấn vương.
    Nhớ bờ sông nước êm, Ghế đá chốn công viên ….
    Và còn nhiều tiếc nhớ, thoáng về trong giấc mơ.
    Khu đại học hoang phế, Mong ngày đó anh về …
    (Nhớ Sài Gòn)


    Chúng ta đã có những tháng ngày cắp sách đến trường. Phải nói tuổi học trò là lứa tuổi đầy mộng mơ, tuổi của những trái tim mới lớn, yêu thầm nhớ trộm hay vấn vương, ôm ấp những mối tình đầu không bao giờ quên được. Cảnh đẹp thơ mộng này đã được thi sĩ Vương ngọc Long và Thôi Hộ gợi lại cho chúng ta qua những vần thơ tuy đơn giản nhưng phản ảnh rất rõ nét hình ảnh, tình cảnh của những mối tình học trò, của những con tim đã từng biết yêu và rung động trong lứa tuổi dậy thì:

    Tôi đã gặp em trước cổng này
    Ngày này năm ngoái gió xuân bay
    Ánh dương phơi phới hồng đôi má
    Ưng ửng đào hoa em ngất ngây

    Tôi trở về đây đứng đợi mong
    Hương xưa tìm lại phấn xuân hồng
    Người đâu ? còn lại hoa đào đó
    Cười cợt vô tình với gió đông
    (Hoa Đào Năm Ngoái)


    Tình yêu, nhất là “tình yêu thời mới lớn” muôn đời vẫn là một kỷ niệm khó quên. ‘’ Khúc Ca Riêng Của Tôi ’’ đã miêu tả cho chúng ta thấy được sự lãng mạn, đau khổ của những ai lỡ vướng vào đường tình hay ngất ngây, điêu đứng vì yêu. Xin mời quí vị thưởng thức một đoạn của bản hát này:

    Tôi xa người xa hương tóc mây,
    Rồi mai chim sẻ lìa xa bầy
    Chiều em không đến hàng cây cũng
    Nghiêng xuống tôi từng ngọn heo mây.


    Những bài hát khác kế tiếp trong CD mà tôi đã kể ở trên được ca xĩ XT chọn lọc có thể chỉ là những gợi nhớ về quá khứ, về kỷ niệm khó quên mà một thời XT nói riêng và có lẽ ngay cả chúng ta đã sống, đã có với gia đình, bạn bè, tình nhân ..v..v… nên cần phải tìm về với dĩ vãng, giống như tâm trạng lúc nào cũng “bâng khuâng” của thi sĩ Phạm quốc Bảo qua thi phẩm “Đường Về”:

    Phố Cali đèn vàng mỗi tối
    Chân bước về trong mãi ngõ sâu
    Trời cuối năm sương mù giăng lối
    Lay hoay hoài hồn ta sầu nhớ
    Nụ hôn thầm ngày ấy còn thơm …


    ... được Xuân Thanh chọn đặt tên cho CD 3 của mình.

    Và đôi khi bỗng dưng luyến tiếc một mùa Thu buồn, lãng mạn của thời niên thiếu xa xưa nên đi tìm. Tâm trạng đó được thi sĩ / Bs Phạm anh Dũng gởi gấm qua nhạc phẩm “Gọi Mùa Thu Mơ”:

    Anh tìm mùa Thu xưa,
    Nhìn ánh trăng phai màu
    Bên thềm đầy lá úa
    Ngàn sao khuất trong mưa.
    Anh tìm mùa Thu xưa
    Đêm trắng giăng giăng sầu
    Chim buồn bay trước ngõ
    Người về trong giấc mơ.


    Trên đây chỉ là vài đoạn trích dẫn từ “những bài thơ trên đường về”, những bài thơ được XT chọn lọc rất kỷ lưỡng và giá trị đã được nhạc sĩ Phạm Anh Dũng phổ nhạc và Xuân Thanh hát trong CD Xuân Thanh 3, mang tựa đề ‘ĐƯỜNG VỀ’.

    Thêm vào đó, tôi có cảm tưởng qua những ca khúc tuyển chọn cho CD “ĐƯỜNG VỀ”, ca sĩ XT còn muốn làm sống lại phần nào quá khứ hay thả hồn cao bay, lòng dào dạt nhớ về một đêm nào đó đã hẹn hò cùng người yêu, vai kè vai ngồi dưới trăng ngắm nhìn hoa nở (ĐÊM NGUYỆT QUỲNH); hoặc hồi tưởng lại một một mùa Xuân thật đẹp, thơ mộng và hạnh phúc và đã trải qua với người tình, với bạn bè, thân nhân v..v… qua hai nhạc phẩm “MÙA XUÂN CỦA CHÚNG MÌNH” và “MÙA XUÂN ÁO HỒNG”. và rồi … có khi cảm thấy rằng mình đang trở về và đang dừng chân trước “ngưỡng cửa” thiên thu, thể hiện qua bài hát “TRĂNG THIÊN CỔ”.

    Ngoài Xuân Thanh ra tôi cũng đã được nghe vài CD Tình Ca Phạm anh Dũng trong đó có hai ba cô ca sĩ quốc nội hát nhưng với sự cảm nhận của một thính giả bình thường như tôi thì phải nói Xuân Thanh với giọng ca cao (soprano) hao hao nữ danh ca Thái Thanh nhưng rung động và dễ gợi cảm là người nữ ca sĩ đã chuyển đạt được đến người nghe các bài thơ tình do Nhạc sĩ / Bác sĩ họ Phạm phổ nhạc. Có thể người nhạc sĩ tài hoa họ Phạm nhận biết được điều này nên thêm lần nữa CD mới “Tình Ca Phạm Anh Dũng” gồm 12 bài Thơ Tình, với chủ đề “ĐƯỜNG VỀ” cũng do Xuân Thanh trình diễn cũng như đã ra mắt cùng quý khán thính giả và phát hành vào ngày 21 tháng 10 năm 2007 tại Seattle/USA với sự góp mặt của nữ ca sĩ Y Phương / Trung Tâm Nhạc Asia, dưới sự điều hợp chương trình của hai MC, nhà thơ Du tử Lê và nhà thơ /nhà văn Phạm quốc Bảo.

    Rất tiếc là tôi chưa hội đủ khả năng về âm nhạc để “phẩm định đúng năng khiếu” của một ca sĩ, ngoài chuyện chỉ có thể nói rằng ca sĩ đó hát hay hoặc dở theo cảm nhận của mình nhưng may mắn thay, đã có người rất chuyên nghiệp, một giáo sư nhạc sĩ nổi tiếng thay thế cho chúng tôi làm chuyện này sau khi ông ta nghe ca sĩ Xuân Thanh hát mà tôi xin mạn phép trích dẫn những lời phê bình rất giá trị đối với thính giả yêu thích văn nghệ, thay cho lời kết:

    … Khi nghe ca sĩ Xuân Thanh trình diễn bài “Nhớ Sài Gòn” do Bác Sĩ kiêm Nhạc Sĩ Phạm anh Dũng sáng tác, Giáo sư Tiến sĩ Nhạc Lê Mộng Nguyễn đã bình như sau: “Cám ơn Ns/Bs Phạm anh Dũng! Nhạc hay, lời hay và giọng ca Xuân Thanh làm nỗi bật nỗi buồn xa xứ của chúng ta khi nhớ lại Sài Gòn. Sài Gòn mất cũng như một linh hồn của chúng ta đã mất! Chúc Nhạc sĩ cùng Nữ danh ca Xuân Thanh một mùa Xuân tươi sáng …
    (Giáo sư Ts Lê Mộng Nguyễn, Paris).

    Xin trang trọng giới thiệu cùng quí vị độc giả, quí đồng hương yêu thơ, thích nhạc: CD “ĐƯỜNG VỀ ”, Tình Ca Phạm Anh Dũng với tiếng hát Xuân Thanh.

    © Lê Ngọc Châu (Phóng tác giới thiệu từ Trời Âu)





Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X