Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ly Rượu Mừmg

Collapse
X

Ly Rượu Mừmg

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ly Rượu Mừmg

    "Ly Rượu Mừng"... được phép rót






    Sau 41 năm, giai điệu của ca khúc 'Ly Rượu Mừng' của nhạc sĩ Phạm Đình Chương mới được Hà Nội cấp phép hát trở lại trên quê hương.

    Hôm 9/1, đại diện công ty Phương Nam Film xác nhận với BBC rằng họ sẽ phát hành ca khúc này trong album cùng tên nhân dịp Tết Bính Thân 2016. Bài hát sẽ do ca sĩ Quang Dũng và Phạm Thu Hà trình bày.

    'Ly Rượu Mừng' là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929-1991).

    Từ thập niên 1950, ca khúc này đã được nhiều thế hệ ca sĩ Việt Nam trình diễn tại Sài Gòn và sau 1975 trên sân khấu của các trung tâm băng đĩa hải ngoại.

    'Ly Rượu Mừng' được trình bày đầu tiên do ban hợp ca Thăng Long ở Sài Gòn. Ban Thăng Long gồm bốn anh chị em Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Thái Hằng (Phạm Thị Quang Thái) và Thái Thanh (Phạm Thị Băng Thanh).

    Đến nay, ca khúc này vẫn vang lên trong những ngày đón xuân của người Việt trên cả thế giới, chỉ riêng trong nước là không ‘được phép’ nghe.

    Nhân sự kiện ca khúc Ly rượu mừng được chính thức hát tại Việt Nam, Phương Nam Film dự định làm thêm video clip đi kèm ca khúc để phát hành trên mạng cùng lúc ra mắt album.

    Trong album Xuân 2016, Ly rượu mừng được thể hiện qua giọng ca của Quang Dũng và Phạm Thu Hà.
    'Xuân khúc kinh điển'

    Về thời điểm sáng tác của Ly rượu mừng, có tài liệu ghi là 1952, có nơi ghi là 1955.

    Khi liên hệ với gia đình nhạc sĩ Phạm Đình Chương, Phương Nam Film được gia đình xác nhận thời điểm viết bài năm 1952, dựa theo quyển sách nhạc in tại Mỹ.

    Có ý kiến lý giải sở dĩ 'Ly Rượu Mừng' trở thành ca khúc bất hủ là vì ca từ không chỉ chuyển tải lời chúc đầu năm mà còn thể hiện ước vọng “ngày mai sáng trời tự do” cho quê hương “máu xương thôi tuôn rơi”.

    Trên website cá nhân, nhà thơ Du Tử Lê từng viết: “Tôi muốn gọi 'Ly Rượu Mừng' là xuân khúc kinh điển nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Tính chất 'kinh điển' hiểu theo nghĩa không một thành phần nào của xã hội bị bỏ quên. Và, một cách ý thức, tác giả, đã sắp lại bậc thang giá trị của các thành phần xã hội, với lòng trân trọng, biết ơn của mình.

    Mỗi khi cùng nhau nâng 'Ly Rượu Mừng' dù ở thời điểm nào của vòng quay trái đất, cũng chính là lúc chúng ta cùng với tác giả, hân hoan cầu chúc “Nước non thanh bình. Muôn người hạnh phúc chan hòa…”.

    Tôi nghĩ, đó là một cầu nguyện đời kiếp của dân tộc ta. Như sự hiện diện bất biến của tác giả ca khúc vậy.”

    (Trích BBC)

    Ca khúc “Ly rượu mừng” phẩm-vật-tinh-thần trong truyền thống Tết Việt Nam,



    <iframe width="853" height="480" src="https://www.youtube.com/embed/KwM348UXjJo?rel=0" frameborder="0" allowfullscreen></iframe>

    Du Tử Lê.




    Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ. Vì từ ngày bắt đầu sáng tác, ở tuổi 17, tới ngày từ trần, ở tuổi 62, cuộc trường chinh âm nhạc của họ Phạm là, những ngọn cờ đã cắm được trên nhiều đỉnh cao nghệ thuật.



    Khởi đầu với những ca khúc lấp lánh tin yêu lồng ngực tuổi trẻ, Phạm Đình Chương đi lần tới những ca khúc mang nhiều tính hiện thực, như “Tiếng dân chài,” “Được mùa,” hoặc đất nước, ca dao như “Anh đi chiến dịch,” “Lá thư người chiến sĩ,” “Khúc giao duyên,” “Mười thương”… Và, dĩ nhiên, tình ca, một đỉnh ngọn cao ngất khác của ông.



    Dù ở núi non âm nhạc nào, ca từ Phạm Đình Chương cũng đều thấm đẫm thi tính. Ngay tự những ca khúc thời khởi đầu sự nghiệp, khi chỉ mới 17, 18 tuổi, người ta đã thấy ông như một thi sĩ, viết lời cho ca khúc của mình.



    Thí dụ: “Bình minh xuyên qua khe núi (ú u ú u) / Nguồn vui leo tia nắng đây rồi / đem hơi ấm cho đời / trẻ như đôi mươi.” (Sáng rừng) Hay: “Có suối uốn thân ven chân núi ngân / hòa câu sơn nữ hát mong tình quân” (Đất Lành)…



    Sau này, chúng ta có: “Em ơi đừng khóc sầu chia ly / vì lệ tuôn rơi làm héo xuân thì / dù đêm sâu như hồn chúng mình” (Đêm cuối cùng). Hay: “Ai chia tay ai đầu xóm vắng im lìm / Ai rung lên tia mắt ngàn câu êm đềm / Mong sao cho duyên nghèo mai nắng reo thềm / Đẹp kiếp sống thêm” (Xóm đêm). Hoặc nữa: “Chiều nay nước xuôi dòng đại dương có em tên sông Hồng dâng sóng tuôn trên nguồn. Vẩn vơ nắng quái vươn trên phù sa có những cô thôn mờ xa đón bầy dân đánh cá.” (Hội Trùng Dương / Tiếng sông Hồng). Hay: “Miền Trung vọng tiếng, em xinh em bé tên là Hương giang, đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than. Hò ơi, phiên Đông Ba buồn qua cửa chợ, bến Vân Lâu thuyền vó đơm sâu.” (Hội Trùng Dương / Tiếng sông Hương) v.v…



    Riêng với ca khúc “Xóm đêm,” tôi nghĩ, cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương không chỉ hiển lộng bản chất thi sĩ, ông còn cho thấy khía cạnh nhà văn, hiểu theo nghĩa quan sát, ghi nhận một cách nhậy bén những chi tiết mà người bình thường (thậm chí một nhà văn tầm tầm…) khó thể nhận ra.



    Nói chung, “Xóm đêm” như tên gọi, vốn là cảnh đìu hiu của một khu lao động. Ở điểm này, Phạm Đình Chương không phải là nhạc sĩ duy nhất viết về sự nghèo khó hay, khốn khổ của giai tầng lao động. Trước và sau ông, có nhiều nhạc sĩ đã, vẫn và sẽ còn khai thác đề tài ấy.



    Tuy nhiên, dù cho đó là những ca khúc viết về đời nghèo, kiếp nghèo, số hoặc phận nghèo thì, đa số ca từ của những ca khúc này, thường rơi vào một trong hai trường hợp: Hoặc thậm xưng tức, cực tả cảnh nghèo. Hoặc thô thiển với những hình ảnh, ghi nhận hời hợt. Có thể, do nơi các tác giả kia, chỉ đề cập tới cái nghèo như một phông, nền cho chủ tâm khác. Nên chúng dễ mang tính trừu tượng, lãng mạn, chứ không phản ảnh một nét thực trạng nào của cảnh đời.



    Căn bản ca khúc “Xóm đêm” là một tình ca, một tình ca xiển dương thương yêu (hay tin yêu), nơi bản chất thiện lương của con người dù ở hoàn cảnh nào, y cứ trên tính chung thủy - - Nhưng, nghe kỹ, trong “Xóm đêm” của họ Phạm có một cụm từ, chỉ 5 chữ thôi, ông đã vẽ lại (bằng ca từ và nốt nhạc) một trong những nét tiêu biểu nhất của sinh hoạt xóm nghèo. Đó là câu “Hắt hiu vàng ánh điện câu,” nằm trong đoạn nhạc mở đầu: “Đường về canh thâu / đêm khuya ngõ sâu như không màu / qua phên vênh có bao mái đầu / hắt hiu vàng ánh điện câu…”



    Ở cụm từ “qua phên vênh,” chữ “vênh” là chữ “đắt” nhất - - Nó không chỉ mang tính tượng hình (vật chất) mà, nhờ sự vênh = cong, hé mở, chúng ta được dẫn tới hình ảnh kế tiếp: “có bao nhiêu mái đầu” (con người) - - Một hình thức ảnh-dẫn hay thông-ngữ - - (Chữ dùng trong lãnh vực thi ca về phương diện kỹ thuật) - - Cho thấy họ Phạm đã là một diệu-thủ. Mặc dù, tôi không loại bỏ trường hợp khi viết xuống, tác giả không hề có chủ tâm như tôi vừa trình bày.



    Trường hợp này, chúng ta vẫn có thể dùng một trong những định nghĩa về thiên tài: Người tình cờ “bắt được” những điều mang ý nghĩa to lớn hay đơn giản, nhỏ bé mà, người khác không “bắt được!”



    Nhưng khi chuyển từ ngữ-cảnh “qua phên vênh có bao mái đầu” tới “hắt hiu vàng ánh điện câu,” theo tôi, cả một thực tại xóm nghèo, đã được họ Phạm ghi khắc bằng những nhát búa cuối cùng, hoàn tất bức tượng ba chiều của cảnh đời hiu hắt này.



    Ở đây, tôi xin mở một dấu ngoặc, để bạn đọc sinh trưởng ngoài Việt Nam hiểu rằng, tại những nước chậm tiến (như Việt Nam, nhất là những xóm nghèo), không phải ai cũng có được cho gia đình mình một đường giây điện riêng. Muốn có điện dùng, người nghèo phải dùng giây câu điện từ những nhà có đường giây điện chính. Vì thế, dòng điện trở nên quá yếu. Những ngọn đèn vẫn sáng lên, nhưng nó cũng chỉ có thể cho những gia đình này, một thứ ánh sáng yếu ớt, vàng vọt!…



    Tuy nhiên, tài hoa của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương không dừng ở “Xóm đêm.” Đỉnh cao nhạc thuật của ông được thời gian đánh giá, ghi nhận, qua trường ca bất tử “Hội Trùng Dương,” và ca khúc “Ly rượu mừng.”



    Với tôi, trường ca “Hội Trùng Dương” của Phạm Đình Chương là bức tranh toàn cảnh Việt Nam nghìn đời, với tất cả nét đẹp của phong tục, tập quán, truyền thống dùm bọc, thương yêu…được ông mượn hình ảnh 3 con sông của ba miền, chảy trôi trên nền dân ca từng phần đất nước; trước khi chúng nắm tay nhau, cùng chảy ra biển lớn.



    Vẫn theo cảm nhận của tôi thì, trường ca “Hội Trùng Dương” của Phạm Đình Chương còn tàng-ẩn ý nghĩa hợp nhất, chấm dứt cuộc phân ly, đoạn bào theo huyền sử trăm con của Việt tộc, với 50 con lên núi, 50 con xuống biển nữa. Phải chăng, đó là tính vĩ đại của trường ca này?



    Dù vậy, cũng ở trường ca vừa kể, tôi biết có người đã đặt vấn đề:



    -Nơi đoạn thứ hai “Tiếng sông Hương” của trường ca, có câu: “Ngày vui tan đao binh, mẹ bồng con sơ sinh, chiều đầu xóm, xôn xao đón người trường chinh,” là một khuyết điểm lớn, không thể chấp nhận được! Số người này lý luận rằng, khi tác giả tả người chồng đi lính lâu năm (trường chinh), người vợ ở nhà, thủy chung chờ chồng thì, không thể có con mới đẻ (sơ sinh). Trừ phi…ngoại tình!



    Tới giờ, tôi vẫn còn kinh ngạc trước cái gọi là “khám phá” người phát ngôn kia! Họ đã không phân biệt được hiện thực trong văn nghệ, không hề là hiện thực trong đời thường!



    Theo tôi, một sự thực trăm phần trăm trong đời thường, khi được thi sĩ, nhạc sĩ… mang vào văn bản, sáng tác của họ, lập tức, nó không còn là sự thực “nguyên mẫu.” Nó đã bị khúc xạ. Tôi muốn gọi đó là sự-thực-khúc-xạ. Cách khác, chúng ta luôn có nhiều hơn một sự thật. Nhất là với văn học, nghệ thuật, Huống hồ chi, hình ảnh người vợ bồng con sơ sinh, đón chồng chinh chiến trở về, trong trường ca “Hội Trùng Dương” chỉ có tính biểu tượng (symbolization). Một biểu tượng đoàn viên. Gia đình. Hạnh phúc.



    Tôi không nghĩ, một người có trình độ hiểu biết trung bình nào, lại đi tìm tính xác thực trong “Chinh phụ ngâm khúc,” hay “Đoạn trường tân thanh”… Tôi cũng không nghĩ, một người chưa mất trí nào, lại đi đo đếm độ chân xác trong “Thơ say” của Vũ Hoàng Chương, “Lửa thiêng” của Huy Cận, “Mê hồn ca” của Đinh Hùng, hoặc “Hòn vọng phu” của Lê Thương…



    Trở lại ca khúc “Ly rượu mừng” ở tỷ lệ (scale) nhỏ hơn, ca khúc này theo tôi, đã như một phẩm-vật-tinh-thần dâng cúng tổ tiên mỗi độ Xuân về. Vẫn theo tôi, đó là “ly rượu” đất nước gấm hoa, “ly rượu” tổ quốc độc lập, “ly rượu” ước mơ quê hương muôn đời thanh bình, được chia đều cho “anh nông phu,” “người thương gia,” “người công nhân,” qua tới “người chiến sĩ,” “bà mẹ già,” “đôi uyên ương” “người nghệ sĩ”…Một phân chia bình đẳng, đồng đều cho mọi tầng lớp. Tôi muốn nhấn mạnh thêm, người ta có thể tìm thấy đặc tính phân biệt giai cấp ở nhiều dân tộc, nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng Việt Nam thì không.



    Nếu nhớ lại câu ca dao “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ,” ta sẽ thấy mọi cố tình phân chia giai cấp trong xã hội Việt Nam, là một áp đặt kiên cưỡng, trá ngụy theo mô hình xã hội tây phương. Và, người chỉ ra sự cưỡng chế vừa kể, chính là Phạm Đình Chương, tác giả “Ly rượu mừng” vậy.



    Với thời gian, một số tục lệ đón mừng Nguyên Đán của chúng ta, có thể đã hay sẽ phải thay đổi. Như chúng ta đang bỏ dần tục “xông đất” đầu năm. Như nhiều gia đình người Việt ở hải ngoại, vì lý do gia cư, đã bắt đầu “thắp” những nén nhang điện (không mùi hương); đốt những giây pháo điện (không xác pháo)…Nhưng, ca khúc “Ly rượu mừng” tôi tin, sẽ còn, mãi còn như một phẩm-vật-tinh-thần không thể thiếu của tập thể ta, mỗi mùa xuân về.



    Bởi vì, đó là “ly rượu… mừng!” Ly rượu tâm thức. Chúng ta không chỉ cùng nhau nâng cao ly rượu ấy, những dịp mừng Xuân - - Mà, chúng ta còn có thể chia nhau ly rượu tâm thức này, bất cứ lúc nào; khi hoan lạc mỉm cười với chúng ta.



    Rất mong, cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, ở đâu đó trong cõi vô hình, hiểu rằng, chúng tôi đã tiếp nhận một ca khúc của ông, như thế!



    Du Tử Lê,


    (May 9-2011).

    “Ly rượu mừng,” xuân-khúc “kinh điển” của tân nhạc Việt.



    “Xuân Ca” của Phạm Duy và, “Anh cho em mùa xuân” của Kim Tuấn / Nguyễn Hiền là hai trong số những xuân-khúc tiêu biểu của nền tân nhạc miền Nam 20 năm. Nhưng nếu phải tìm một xuân-khúc đại diện cho mọi tầng lớp của xã hội việt Nam, đồng thời phản ảnh tâm cảnh của mọi lứa tuổi thì, ứng hợp nhất với đòi hỏi này, theo tôi, là xuân-khúc “Ly rượu mừng” của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương. (4)

    Tôi vẫn nghĩ chẳng phải ngẫu nhiên mà “Ly rượu mừng” không những đã trở thành “ly rượu” không thể thiếu trong mùa xuân của người Việt Nam mà, “ly rượu” ấy còn được nâng cao trong những họp mặt, lễ lạc ở bất cứ thời điểm nào của một năm. Nếu ta nhìn mỗi hội ngộ tự thân cũng là một mùa xuân tinh thần, ấm áp.

    Tôi muốn gọi “Ly rượu mừng” là xuân-khúc “kinh điển” nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Tính chất “kinh điển” hiểu theo nghĩa không một thành phần nào của xã hội bị bỏ quên. Và, một cách ý thức, tác giả, đã sắp lại bậc thang giá trị của các thành phần xã hội, với lòng trân trọng, biết ơn của mình. (5)

    Thực vậy, ngay phần mở đầu của ca khúc, cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã chọn ba thành phần nòng cốt là: Nông phu, thương gia, công nhân để gửi lời chúc mừng tới họ:

    “Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi / Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi / Người thương gia lợi tức / Người công nhân ấm no / Thoát ly đời gian lao nghèo khó //

    Á a a a / Nhấp chén đầy vơi / Chúc người người vui / Á a a a / Muôn lòng xao xuyến duyên đời…”

    Tầng lớp nông dân kể trên vốn không được coi trọng lắm, theo quan niệm cổ xưa, căn cứ vào khẩu truyền của dân gian: “Sĩ, nông, công, thương, binh.”

    Nhưng khi phải đối đầu với thực tế, cũng chính dân gian đã “sửa sai” bằng khẩu truyền: “Nhất sĩ, nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ!”

    Lại nữa, xã hội Việt Nam vốn là xã hội nông nghiệp, nên sự trả lại vị trí hàng đầu cho nông dân của họ Phạm là một trả lại hợp lý, xứng đáng.

    Cũng vậy, tầng lớp binh sĩ, theo sắp xếp có tính cách biểu kiến, hời hợt thuở trước, vốn đứng hạng chót trong nấc thang gia trị xã hội - - Nhưng, với “Ly rượu mừng,” tác giả đã dành nguyên khổ thứ 2 của ca khúc, để chúc mừng họ, những người hy sinh mạng sống của mình cho ấm no, giầu có của dân tộc:

    “Rót thêm tràn đầy chén quan san / Chúc người binh sĩ lên đàng / Chiến đấu công thành /

    Sáng cuộc đời lành / Mừng người vì Nước quên thân mình…”

    Khi đề cập tới những hy sinh của người lính, họ Phạm cũng không quên những hy sinh thầm lặng, nhưng lớn lao không kém của những bà mẹ:

    “Kìa nơi xa xa có bà mẹ già / Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa / Chúc bà một sớm quê hương / Bước con về hòa nỗi yêu thương / Á a a a / Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính / Á a a a / Chúc mẹ hiền dứt u tình…”

    Kế tiếp, tác giả mới đầ cập tới những đóng góp khác:

    “Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương / Xây tổ ấm trên cành yêu đương / Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ / Tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới…”

    Cuối cùng là chung khúc rực rỡ hy vọng, tin yêu nơi tương lai đất nước:

    “Bạn hỡi, vang lên / Lời ước thiêng liêng / Chúc non sông hoà bình, hoà bình / Ngày máu xương thôi tuôn rơi / Ngày ấy quê hương yên vui / đợi anh về trong chén tình đầy vơi //

    Nhấc cao ly này / Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do / Nước non thanh bình / Muôn người hạnh phúc chan hoà // Ước mơ hạnh phúc nơi nơi / Hương thanh bình dâng phơi phới.” (Theo dactrung.com)

    Và, mỗi khi cùng nhau nâng “Ly rượu mừng” dù ở thời điểm nào của vòng quay trái đất, cũng chính là lúc chúng ta cùng với tác giả, hân hoan cầu chúc “…Nước non thanh bình / Muôn người hạnh phúc chan hoà…”

    Tôi nghĩ, đó là một cầu nguyện đời kiếp của dân tộc ta. Như sự hiện diện bất biến của tác giả ca khúc vậy.

    Du Tử Lê


    (Feb. 2013)

    …………………………………………………………………

    Chú thích:

    (4): Phạm Đình Chương sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội. Quê nội ông ở Hà Nội và quê ngoại ở Sơn Tây. Xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc, cả hai thân sinh ra ông đều chơi nhạc cổ truyền. Thân phụ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là ông Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được 2 người con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long.

    Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có 3 người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh.
    Ông được nhiều người chỉ dẫn nhạc lý nhưng phần lớn vẫn là tự học. Trong những năm đầu kháng chiến, Phạm Đình Chương cùng các anh em Phạm Đình Viêm, Phạm Thị Quang Thái và Phạm Thị Băng Thanh gia nhập ban văn nghệ Quân đội ở Liên Khu IV.
    Phạm Đình Chương bắt đầu sáng tác vào năm 1947, khi 18 tuổi, với tác phẩm đầu tay là ca khúc Ra đi khi trời vừa sáng. Năm 1951 ông và gia đình chuyển vào miền Nam. Với các anh em Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng ông thành lập ban hợp ca Thăng Long danh tiếng. Trong thập niên 50, ông đã viết những tác phẩm thành công và để đời như Ly Rượu Mừng, Xuân tha Hương, Thủa Ban Đầu, Tiếng Dân Chài v.v.. Đáng kể nhất là trường ca bất hủ Hội Trùng Dương mà ông viết về đất nước Việt Nam hoa gấm, qua ba bài ca nói về con sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long. Theo như lời ông đã nói với gia đình, trường ca này đã phải tốn mất 4 năm để hoàn tất.(phamdinhchuong.com)

    (5) Trước tháng 4-1975, khi cho in “Ly rượu mừng” hình thức một bản nhạc lẻ, cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã ghi chú nguyên văn như sau: “viết tại Sàigòn năm 1955 để đăng trên số báo Tết, Báo Đời Mới, thể theo lời yêu cầu của cụ Trần Văn Ân và nhà văn quá cố Nguyễn Đức Quỳnh, là hai người chủ trương tờ báo này.”


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X