Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Phi cơ O-1 và A-37 của Không Quân VNCH tại Úc

Collapse
X

Phi cơ O-1 và A-37 của Không Quân VNCH tại Úc

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Phi cơ O-1 và A-37 của Không Quân VNCH tại Úc

    Phi cơ O-1 và A-37 của Không Quân VNCH tại Úc

    Nguyễn Hữu Thiện

    Cách đây hơn 10 năm, trong dịp đi xem Australian International Air Show 2003 tổ chức ở phi trường Avalon, tiểu bang Victoria, chúng tôi đã vô cùng ngạc nhiên, thích thú trước phần phi diễn – cất cánh, nhào lộn và hạ cánh - của một phản lực cơ A-37B “Dragonfly” sơn màu ngụy trang, mang phù hiệu KQVN, hai bình xăng ở đầu cánh và lái đuôi (rudder) sơn màu đỏ có chấm trắng (đặc thù của phi cơ thuộc Phi Đoàn 546, Không Đoàn 74 Chiến Thuật, căn cứ không quân Bình Thủy). Lời giới thiệu cho biết đại khái đây là một phi cơ phản lực đã được Không Lực VNCH sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

    Trước đó mấy năm, một số anh em cựu quân nhân Không Quân VNCH ở hai tiểu bang New South Wales và Queensland cũng cho biết đã được xem O-1 “Bird Dog” sơn cờ hiệu KQVN bay biểu diễn... Rồi theo thời gian, tất cả chìm vào quên lãng. Nhưng có một người... không chịu quên và nhất định tìm hiểu tới nơi tới chốn. Đó là “Người Thợ Già”, một vị niên trưởng trong ngành kỹ thuật, hiện cư ngụ tại thành phố Brisbane, Queensland.

    Gần đây, “Người Thợ Già” đã gửi cho tòa soạn Lý Tưởng - Úc Châu một tấm hình thật đẹp thật rõ, chụp chiếc O-1 danh số 112245, mang huy hiệu của Phi Đoàn 110, Không Đoàn 41 Chiến Thuật (Đà Nẵng) mà niên trưởng đặt mua, kèm theo tài liệu bằng tiếng Anh về hai chiếc O-1 của KQVN hiện đang bay ở Úc, cùng với những dòng tâm tình như sau:

    HOÀI CỐ NHÂN

    Sau ngày 30-4-1975, tôi nghĩ là chẳng bao giờ còn có cơ hội gặp lại nàng, người yêu trong mộng của tôi, vì tôi không có cái diễm phúc được nàng “nâng khăn sửa túi” như chàng phi công quan sát hào hoa phong nhã.

    Trong chiến tranh, nàng là người liên lạc, người chỉ điểm của các chàng phi công chiến đấu oai hùng, bí danh của nàng là L-19, sau đổi lại thành O-1.

    Ngày 24-8-1997, khi đi xem Airshow tại phi trường Caboolture ở miền Bắc thành phố Brisbane, tôi đã gặp lại nàng, nàng đã làm tôi sững sờ và xúc động!!!

    Trông nàng vẫn như độ nào, vẫn cài phù hiệu Phi Đoàn 110 trên áo, vẫn mặc cái áo dài thướt tha màu xám nhạt có in hiệu kỳ Không Quân và quốc kỳ VNCH.

    Tôi hỏi hoàn cảnh nào đã đưa đẩy nàng trôi dạt đến cái xứ sở xa xôi của các con Kangaroo này. . . thì nàng cho biết: nàng đã di tản cùng một chàng “giặc lái” qua Thái Lan, chàng đã ra đi định cư tại một nước khác, bỏ nàng bơ vơ nơi xứ lạ quê người và cuộc đời nàng cũng cùng chung một số phận như người bạn ở Biên Hòa ngày trước (danh số 51-14748 ) nay được mặc áo Phi Đoàn 116 (Bình Thủy), đang định cư tại một phi trường ở Bankstown thuộc tiểu bang NSW, còn nàng thì đang tá túc tại phi trường Scone cũng thuộc NSW.

    Nhớ lại năm nào, sau khi tốt nghiệp khóa 8 tại quân trường Rochefort và tu nghiệp tại quân trường Sheppard trở về, tôi được phục vụ tại Công Xưởng Không Quân (sau đổi thành Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận Không Quân), rồi đến Phi Đoàn 112 ( khi Phi Đoàn này còn đóng tại căn cứ KQ Tân Sơn Nhất, sau đổi thành Sư Đoàn 5 KQ), rồi đến Không Đoàn 23 (sau đổi thành Sư Đoàn 3 KQ).

    Cấp chỉ huy của các đơn vị kể trên đã giao cho tôi nhiệm vụ khám sức khỏe định kỳ cho nàng hoặc chữa trị những lúc nàng bị trái gió, trở trời. Đó là những giây phút ngắn ngủi mà tôi được tiếp xúc với nàng và... “Em ơi, 16 năm qua đã trôi qua kể từ ngày hội ngộ năm 1997, giờ này em ở đâu..., hay em đã trở về với cát bụi?!”

    Người Thợ Già

    Bribane 2013

    * * *

    Tài liệu mà “Người Thợ Già” gửi cho chúng tôi là hai trang bài và bốn tấm hình trong tạp chí Flightpath (Volume 26 Number 1) phát hành tại Úc, viết về lai lịch chiếc O-1 mang danh số 51-14748. Qua đọc tài liệu, chúng tôi được biết chủ nhân của chiếc O-1 này cũng là chủ nhân của một chiếc A-37B của KQVN trước kia. Thế là óc tò mò đã khiến chúng tôi bỏ công tìm hiểu về bước đường “vượt biên” của những nàng O-1, và trường hợp “đi bán chính thức” của các chàng A-37B hiện đang “định cư” tại Úc, để tường trình cùng độc giả qua bài viết dưới đây.



    Chiếc O-1 “112245” sơn cờ VNCH, phù hiệu Phi Đoàn 110 “Thiên Phong”, trên bầu trời Queensland, Úc

    Những chiếc O-1 “tỵ nạn”

    O-1 “Bird Dog” do hãng Cessna của Mỹ chế tạo, là phi cơ quan sát đầu tiên của Mỹ hoàn toàn bằng kim loại (các phi cơ cũ có cánh bằng vải, cho nên ở Công Xưởng Không Quân Biên Hòa, mới có “Xưởng Cánh Nệm” để may nệm ghế và.. vá cánh máy bay!). Khi bay lần đầu tiên vào cuối năm 1949, phi cơ có tên là Cessna 305A (một chỗ ngồi), sau đó biến cải thành L-19 (L: liaison, liên lạc), có hai chỗ ngồi. Tới năm 1962, khi Hoa Kỳ thống nhất cách đặt số hiệu mới cho tất cả các loại phi cơ (A: attack, B: bomber, C: cargo, F: fighter, O: observation, T: trainer, U: utility, v.v...), L-19 trở thành O-1.

    O-1 là phi cơ thám thính liên lạc đắc dụng và phổ biến nhất thế giới kể từ sau Đệ nhị Thế chiến. Trên 20 quốc gia đã sử dụng O-1; tính tới đầu thập niên 1970, đã có 3.431 chiếc xuất xưởng tại Hoa Kỳ, chưa kể những chiếc do Nhật Bản ráp nhượng quyền tại Fuji.

    Sau đợt bổ sung chiến cụ cuối cùng trước khi Hiệp Định Paris 1973 được ký kết, Không Quân VNCH có 239 chiếc O-1, tuy nhiên trên thực tế, vì thiếu cơ phận thay thế (một “ác mộng kinh niên” trong suốt chiều dài lịch sử KQVN), con số khả dụng vào lúc cao nhất chỉ là 188 chiếc.

    Theo tài liệu của Hoa Kỳ được ghi lại trong cuốn Flying Dragons của tác giả Robert C. Mikesh, khi biến cố 30 tháng Tư 1975 xảy ra, có tổng cộng 114 chiếc O-1 bị bỏ lại. Tất cả những chiếc bay đi “tỵ nạn” đều đáp xuống Thái-lan, trừ chiếc mang danh số 51-14981 do Thiếu-tá Lý Bửng đáp xuống mẫu hạm USS Midway.

    Thời gian này, quân đội Hoa Kỳ đã ngưng sử dụng O-1, nhưng vẫn có hàng trăm chiếc được các tay sưu tầm phi cơ cũ ở nhiều nơi trên thế giới tân trang, phục hồi, duy trì tình trạng khả dụng; chỉ riêng tại Hoa Kỳ, vào tháng 6 năm 2009, vẫn còn trên 330 chiếc đăng bộ với Cơ quan Quản trị Hàng không Liên bang (FAA: Federal Aviation Administration).

    Tại Hoa Kỳ cũng như các quốc gia khác trên thế giới, những phi cơ quân sự do các tay sưu tầm chuyên nghiệp làm sở hữu thường được giữ màu sơn, số hiệu, huy hiệu của không lực mà trước kia chúng trực thuộc. Đó cũng là trường hợp của hai chiếc O-1 có danh số 112245 và 51-14748 ở Úc.

    CHÚ CHÍCH: Mỗi phi cơ do Hoa Kỳ chế tạo, khi xuất xưởng đều có một “serial number”, tạm gọi là “danh số”, sử dụng cho tới ngày...vào nghĩa trang.

    Cách đặt danh số của Không quân và Lục quân Hoa Kỳ giống nhau: gồm 7, hoặc 6 con số, trong đó 2 con số đầu cho biết năm chế tạo; thí dụ danh số 51-14748 của chiếc O-1 thứ hai được nhắc tới trong bài này và chiếc mang danh số 51-14981 của Thiếu-tá Lý Bửng đáp xuống mẫu hạm USS Midway cho biết chúng được xuất xưởng vào năm 1951.

    Danh số của phi cơ Hải quân và TQLC thì chỉ có 6 con số đi liền. Trong số các loại phi cơ được viện trợ cho VNCH (trực tiếp hoặc qua tay người Pháp) có 3 loại sau đây gốc gác là phi cơ của Hải Quân hoặc TQLC Mỹ, gồm khu trục cơ F-8 Bearcat, khu trục cơ A-1 Skyraider, và trực thăng H-34 Choctaw, nên mang danh số gồm 6 con số đi liền chứ không ghi năm xuất xưởng - trừ 9 chiếc CH-34A có gốc gác Không quân và 1 chiếc CH-34C gốc gác Lục quân.

    Về phần chiếc O-1 của Phi Đoàn 110 được nhắc tới trong bài này mang danh số chỉ có 6 con số “112245” trên đuôi phi cơ, là đã được rút gọn từ danh số 51-12245 trong hồ sơ lý lịch. Việc rút gọn này xảy ra với nhiều loại phi cơ chứ không chỉ với O-1.


    * * *

    Trở lại với cuối thập niên 1970, khi được biết ở Thái-lan có một số O-1 cũ (do các phi công VNCH bay sang) được bán cho công chúng, ông Colin Pay đã từ Úc bay sang, mua một số, tháo gỡ, đưa về Úc rồi ráp lại tại phi trường Scone, tiểu bang NSW.

    Colin Pay, thường được gọi thân mật là Col Pay, là một nhân vật tên tuổi trong giới sưu tầm phi cơ quân sự cũ. Ông chính là người đã phục hồi một chiếc khu trục cơ Spitfire (do Anh chế tạo) lừng danh thời Đệ nhị Thế chiến của Không lực Hoàng gia Úc-đại-lợi để trưng bày tại Bảo tàng viện Hàng không Temora (Temora Aviation Museum) ở trong phi trường Temora, tiểu bang NSW.

    Đây là một bảo tàng viện tư nhân do triệu phú kiêm phi công “tài tử” David Lowy của Úc khởi xướng thành lập năm 1999, chuyên trưng bày phi cơ quân sự thời đệ nhị Thế chiến và Chiến tranh Việt Nam. Điểm đặc biệt là tất cả những phi cơ trưng bày tại đây đều được duy trì khả năng bay, và thường xuyên bay biểu diễn tại phi trường Temora, cũng như tại các Air Show ở khắp nước Úc. Trong số phi cơ của KQVN trước đây nay được trưng bày tại Temora có một chiếc O-1 Bird Dog và hai chiếc A-37B Dragonfly (chúng tôi sẽ đề cập tới hai chiếc A-37B ở phần sau).

    * * *

    Trong số những chiếc O-1 do ông Colin Pay đưa về Úc, tạp chí Flightpath (số đã dẫn) nhắc tới hai chiếc có danh số 112245 và 51-14748.

    Chiếc 112245 chính là chiếc O-1 mà “Người Lính Già” đã gặp lại ở Air Show tại phi trường Caboolture. Chiếc 112245 được sơn màu xám nhạt với cờ VNCH, cùng phù hiệu Phi Đoàn 110 “Thiên Phong” (Không Đoàn 41 Chiến Thuật, Đà Nẵng). Theo tạp chí Flightpath, chiếc O-1 này được ông Colin Pay giữ lại để làm “của hồi môn” cho cô con gái Helen Pay, và luôn được giữ trong tình trạng hoàn hảo.

    Chiếc thứ hai, danh số 51-14748, thì được bán cho ông Scotchie Walker, một chủ trang trại ở vùng Glenlyon ở phía Bắc NSW, sau đó được bán lại cho Tiến sĩ Mike Silva, một nhà sưu tầm phi cơ cũ kiêm phi công tài tử.

    Sau khi mua về, ông Silva đã cho rã sơn chiếc 51-14748 để sơn lại. Khi rã sơn, ông thấy ở lớp sơn trong cùng có một dải ô cờ tướng tây (checker) màu đen và màu vàng ở phần đuôi, đặc điểm của các phi cơ thuộc Không Đoàn 23 Chiến Thuật ở Biên Hòa, và số đuôi 14748-FD. Từ đó suy ra, chiếc 51-14748 này trước kia thuộc Phi Đoàn 124 Quan Sát ở xứ Bưởi.

    Tuy nhiên, không hiểu vì sở thích cá nhân hay vì một nguyên nhân nào đó, khi sơn lại, ông Silva đã sơn chiếc O-1 của mình màu ngụy trang (camouflage), cờ VNCH, lái đuôi (rudder) sơn màu đỏ có chấm trắng (đặc thù của Phi Đoàn 546, Không Đoàn 74 Chiến Thuật, Bình Thủy); nghĩa là chiếc O-1 trước năm 1975 thuộc quyền sở hữu của Không Đoàn 23 (Phi Đoàn 124 Quan Sát) ở Biên Hòa, nay sang Úc lại được mang màu cờ sắc áo của Không Đoàn 74 (Phi Đoàn 116 Quan Sát) ở Bình Thủy.

    Về sau, khi mua được chiếc A-37B, ông Silva cũng cho sơn giống như những chiếc A-37B của Phi Đoàn 546 ngày trước, tức màu ngụy trang, lái đuôi và hai bình xăng ở đầu cánh sơn màu đỏ có chấm trắng.



    Chiếc A-37B sơn phù hiệu Phi Đoàn 546, đang phi diễn tại Temora, Úc

    Những chiếc A-37 ra đi “bán chính thức”

    Theo tài liệu của Mỹ, ngày miền Nam thất thủ, trong tổng số 248 phản lực cơ A-37B Dragonfly của Không Quân VNCH, đã có 97 chiếc bị bỏ lại.

    Theo trang mạng Wikipedia, sau này, một số A-37B đã được các phi công của CSVN sử dụng để yểm trợ cho cuộc xâm lược và chiếm đóng Căm-bốt, cũng như trong cuộc chiến với Trung Cộng tại các tỉnh phía Bắc năm 1979. Tới đầu thập niên 1980, vì không có phụ tùng thay thế, số lượng A-37B khả dụng giảm dần và cuối cùng hoàn toàn ngưng hoạt động. Sau đó, một số được chở sang các nước cộng sản anh em (để trưng bày?) như Liên Xô, Đông Đức, Tiệp Khắc, Ba-lan..., một số khác được bán cho các nhà sưu tầm phi cơ cũ ở ngoại quốc, trong đó có Hoa Kỳ, Úc và Tân-tây-lan.

    Theo trang mạng của Temora Aviation Museum, năm 1989 hai ông Colin Pay và Noel Vinson sang Việt Nam thương lượng mua, và được nhà cầm quyền cộng sản bán cho 10 chiếc A-37B dưới danh mục “phi cơ phế thải”. Sau khi đưa về Úc, các phi cơ được phục hồi khả năng bay (không rõ được bao nhiêu chiếc). Một chiếc được bán cho Tiến sĩ Mike Silva, nhà sưu tầm kiêm phi công tài tử đã nhắc tới ở trên. Hai chiếc được tặng cho Temora Aviation Museum, lần lượt vào cuối năm 2000 và cuối năm 2001.

    Ít nhất có một trong hai chiếc A-37B này được sơn màu ngụy trang, cờ VNCH, hai bình xăng ở đầu cánh và lái đuôi sơn màu đỏ có chấm trắng (đặc thù của Phi Đoàn 546), tức là giống chiếc A-37B của Tiến sĩ Mike Silva.

    Chiếc A-37B “Phi Đoàn 546” này, tạm gọi như thế, của Temora Aviation Museum thường được ông David Lowy, hiện vẫn giữ chức Giám đốc bảo tàng viện, bay biểu diễn vào các dịp Museum Showcase Day.

    Cũng nên biết, phi trường Temora từng là trung tâm huấn luyện phi hành lớn nhất của Không Lực Hoàng Gia Úc-đại-lợi, đã đào tạo khoảng 2.400 phi công và trên 10.000 nhân viên phi hành trong thời gian Đệ nhị Thế chiến. Vì thế, mặc dù hiện nay Temora đã trở thành một phi trường dân sự, nó vẫn là địa điểm “hành hương” nổi tiếng nhất của các cựu phi công và nhân viên phi hành, cũng như người hâm mộ từ nhiều nơi trên giới.

    Nguyên nhân chính khiến Temora Aviation Museum nổi tiếng quốc tế là vì, như chúng tôi đã viết ở trên, bảo tàng viện này chuyên trưng bày những phi cơ quân sự xưa cũ, hiếm quý, và vẫn còn khả năng bay. Trong số các loại phi cơ (còn khả năng bay) trưng bày tại đây, có những chiếc được ghi nhận là độc nhất vô nhị ở Úc, thậm chí độc nhất vô nhị trên toàn thế giới, chẳng hạn chiếc F.8 Gloster Meteor (chiến đấu cơ phản lực đầu tiên của Anh và cũng là đầu tiên của thế giới tự do), hoặc chiếc Lockheed Hudson (oanh tạc cơ & tuần thám duyên hải do Hoa Kỳ chế tạo riêng cho Không Quân Hoàng Gia Anh trong thời Đệ nhị Thế chiến).

    Cứ hai tuần một lần, Temora Aviation Museum lại tổ chức một “Flying Showcase Day”, là buổi triển lãm chi tiết và phi diễn của một trong các loại phi cơ hiện đang trưng bày trong bảo tàng viện (video được phổ biến trên YouTube cho thấy đích thân ông Giám đốc triệu phú kiêm phi công tài tử David Lowy đã lái chiếc A-37B trong một buổi phi diễn vào năm 2007).

    Ngoài ra Temora Aviation Museum còn đem phi cơ đi tham gia phi diễn trong hầu hết các Air Show ở Úc, trong đó có Australian International Air Show năm 2003 ở phi trường Avalon, nơi mà chúng tôi đã được chứng kiến màn bay biểu diễn, nhào lộn của chiếc A-37B “Phi Đoàn 546”. Độc giả nào muốn xem lại màn phi diễn này, có thể vào trang mạng Google rồi đánh từ khóa “Cessna A-37 Dragonfly – YouTube”.

    Năm 2011, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Temora Aviation Museum đã tổ chức buổi triển lãm và phi diễn mang tầm vóc quốc tế có tên là “Warbirds Downunder 2011”, với trên 30 phi cơ quân sự “cổ điển”, được giới mộ điệu xưng tụng là “một air show có một không hai trên thế giới”!

    Trước sự thành công của Warbirds Downunder 2011, vào đầu tháng 11/2013 vừa qua, Temora Aviation Museum đã tổ chức Warbirds Downunder 2013, và lần này, trong số phi cơ quân sự “cổ điển” tới từ hải ngoại, đó cả có phi cơ Yak (Yakolev, của Liên Xô cũ) và Nanchang (Nam Xương) của Trung Cộng.

    Dĩ nhiên, không thể thiếu phần phi diễn của những chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet và phi đội biểu diễn chuyên nghiệp “Roulettes” của Không lực Hoàng gia Úc-đại-lợi.

    Chiếc O-1 không danh số

    Nhân viết về những chiếc O-1 của Không Quân VNCH hiện đang “định cư” tại Úc, chúng tôi cũng xin kể về một chiếc O-1 đặc biệt, không có danh số - hay nói thẳng ra là một chiếc O-1 “ráp lậu”- hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng viện Phi hành của Lục quân Úc, nằm trong Trung tâm Phi hành Lục quân (Museum of Army Flying, Army Aviation Center) ở Oakey, tiểu bang Queensland.

    Năm ngoái, trong bài viết về Lực lượng Hoàng gia Úc-đại-lợi tham chiến tại Việt Nam, chúng tôi có nhắc tới Phi đội Quan sát Độc lập 161 (The 161 Independent Reconnaissance Flight, viết tắt là “161 INDEP RECCE FLT) của Lục quân Úc tại Việt Nam, danh hiệu “Possum”, một loài chuột khổng lồ ở Úc. Gọi là “độc lập” vì đây là một đơn vị phi hành “dã chiến” được thành lập và giải thể tại Việt Nam, không trực thuộc bất cứ tổ chức phi hành nào trong Quân lực Hoàng gia Úc-đại-lợi.


    “Bộ chỉ huy” Phi đội Quan sát Độc lập 161 ở Núi Đất

    Nguyên vào năm 1965, để yểm trợ cho các hoạt động của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Hoàng gia Úc, 2 chiếc Cessna 180 (kiểu dân sự của U-17) và 2 trực thăng quan sát Bell H-13 Sioux được đưa tới phi trường Biên Hòa.

    Tới khi lực lượng Úc tại Việt Nam được tăng cường, Tiểu đoàn 1 sát nhập vào Lực lượng Đặc nhiệm 1 Úc-đại-lợi (1st Australian Task Force) đồn trú ở Phước Tuy, Phi đội 161 di chuyển về một phi trường dã chiến ở căn cứ Núi Đất để yểm trợ cho toàn thể Lực lượng Đặc nhiệm Úc và lực lượng (pháo binh) Tân-tây-lan, được tăng cường thêm các loại phi cơ khác, như trực thăng Bell OH-58 Kiowa, phi cơ liên lạc sử dụng phi đạo ngắn (STOL) PC-6 Turbo Porter; và vì không có phi cơ quan sát chuyên nghiệp, Phi đội 161 đã được Lục quân Hoa Kỳ “cho mượn” 2 chiếc O-1 Bird Dog.

    Tháng 5 năm 1968, 1 trong 2 chiếc O-1 này do vị sĩ quan Phi đội trưởng bay, bị phòng không của Việt Cộng bắn hạ, vị sĩ quan Phi đội trưởng tử thương. Chiếc O-1 còn lại thì tới khi Phi đội 161 giải thể vào năm 1971, đã được hoàn trả lại cho chủ cũ (Lục quân Hoa Kỳ). Tuy nhiên, các “con Possum” đã không về nước tay không mà mang theo “con Thỏ II” (Bunny II), tức chiếc O-1 do họ “ráp lậu”.

    Nguyên vào đầu năm 1970, trong một chuyến nghỉ phép ở Vũng Tàu, khi ghé thăm khu vực tập trung phi cơ phế thải của Hoa Kỳ, chuyên viên kỹ thuật Charlie Miller của Phi đội 161 đã khám phá ra một thân phi cơ O-1 còn khá lành lặn, và nảy sinh ý định ráp một chiếc O-1 với những cơ phận tháo gỡ từ những chiếc O-1 phế thải. Sau mấy tháng tháo gỡ, gom góp cơ phận, dự án “Bunny II” được khởi sự vào tháng 8/1970 và hoàn tất vào tháng 5/1971.



    Chiếc “Bunny II” đang được “tiền phi” trước chuyến bay thử (1971)

    Tên gọi “Bunny II” của chiếc O-1 ráp lậu này cũng là một “sáng kiến vĩ đại”! Như những vị trung niên hay cao niên ngày ấy từng là độc giả của tạp chí Playboy còn nhớ, vào cuối thập niên 1960, triệu phú Hugh Hefner, chủ nhân tạp chí khỏa thân này đã chơi bảnh đặt riêng một chiếc phản lực hàng không dân sự DC-9, để sử dụng làm “tổ quỷ trên không” cho cá nhân ông ta, hoặc để chở các cô người mẫu khỏa thân đi trình diễn đó đây. Các cô người mẫu khỏa thân của Playboy được gọi là “bunny”, cho nên Hugh Hefner đã đặt tên cho chiếc DC-9 của mình là “Big Bunny”, sơn toàn màu đen và cái đầu con thỏ màu trắng trên đuôi phi cơ.

    Suy ra, chuyên viên kỹ thuật Charlie Miller của Phi đội 161 hẳn phải là độc giả trung thành của tạp chí Playboy và có óc khôi hài hơn người! Dĩ nhiên, Bunny II cũng có cái đầu con thỏ màu trắng trên đuôi phi cơ.



    Chiếc “Bunny II tại căn cứ Núi Đất, Phước Tuy (1971)

    Ngày 9 tháng 5 năm 1971, Bunny II được “test pilot” Charlie Brewster bay thử thành công mỹ mãn. Mấy tháng sau, trong chương trình rút quân Úc ra khỏi Việt Nam, Phi đội 161 bị giải thể, chiếc Bunny II được bí mật tháo gỡ, đóng thùng với hàng chữ “phụ tùng phi cơ” (aircraft spares) phía ngoài, đưa về nước và được ráp lại tại Căn cứ Phi hành Lục quân ở Oakey, Queensland.

    Rất tiếc, sau nhiều năm tung cánh trong các cuộc phi diễn, hiện nay Bunny II đã bị “đình động” vĩnh viễn và được trưng bày thường trực trong Bảo tàng viện Phi hành của Lục quân Úc ở Oakey.


    Nguyễn Hữu Thiện

    (Trích đặc san Lý Tưởng - Úc Châu, 2014)



  • #2


    A Happy Ending

    Chiếc A-37B nhắc tới trong bài viết trên, với markings của Phi Đoàn 546 Thiên Sứ (SĐ4KQ) được ông Colin Pay tặng cho Temora Aviation Museum ở tiểu bang New South Wales, Úc-đại-lợi, mới đây đã được mặc lại “màu áo cũ”: Phi Đoàn 516 Phi Hổ (SĐ1KQ).

    Đầu đuôi sự việc như sau:

    Sau khi nhận được chiếc A-37 S/N 10779 này, Temora Aviation Museum đã bỏ công sưu tra “lý lịch” và được biết trước năm 1975 nó là một “Phi Hổ” chứ không phải “Thiên Sứ”.

    Truyền thống (và cũng là uy tín quốc tế) của Temora Aviation Museum là, nếu có thể, luôn luôn sơn các phi cơ của Museum với markings chính xác của đơn vị trực thuộc sau cùng.

    Khi Temora liên lạc với các “chuyên gia” về phi cơ của KLVNCH ở Hoa Kỳ để xin giúp đỡ chi tiết về markings trên các A-37 của Phi Đoàn 516 Phi Hổ, đã được trả lời: Các ông đang ở ngay bên cạnh một expert mà không biết!

    “Expert” đó chính là nhà sưu tầm kiêm họa sĩ Vũ Khai Cơ (Cohuong) ở tiểu bang Victoria, Úc-đại-lợi, một thân hữu của đặc san Lý Tưởng (Úc Châu), người đã giúp phục hồi nhiều hình ảnh cũ của KLVNCH trong mấy chục năm qua.

    Sau khi được anh Vũ Khai Cơ cung cấp hình vẽ chi tiết chiếc A-37B S/N 87916 của 516, Temora đã tiến hành việc sơn lại toàn bộ chiếc S/N 10779 với màu sơn và markings của 516.



    Phía trên là hình vẽ chiếc “Phi Hổ” S/N 87916 của họa sĩ Vũ Khai Cơ, phía dưới là chiếc “Phi Hổ” S/N 10779 mới được sơn lại

    Với sự cố vấn của anh Vũ Khai Cơ, công việc hoàn tất vào tháng 6/2018, và tới đầu tháng 9, trong Air Show vào dịp weekend Father’s Day, Temora Aviation Museum đã cho trình làng Phi Hổ 10779. Dĩ nhiên, Vũ Khai Cơ được mời với tư cách “thượng khách”.






    Thế là sau hơn 10 năm mặc “áo tù” (markings CSVN), rồi “áo khín” (markings Thiên Sứ), cuối cùng Phi Hổ S/N 10779 đã được mặc lại màu áo cũ, cho dù không còn được tung cánh ở khung trời xưa, cũng đủ ấm lòng!

    A happy ending!

    (Photos by courtesy of Vũ Khai Cơ and Temora Aviation Museum, NSW, Australia)
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 10-29-2018, 10:50 AM.

    Comment


    • #3
      Ex-VNAF

      After extensive restoration work on VH-XVA by the Temora Aviation Museum’s Engineering Team, the aircraft returned to flight in 2018 and regularly participates in Aircraft Showcase Days.

      Comment


      • #4
        Temora Aviation Museum - Cessna A-37B Dragonfly



        (Thu hình ngày 18/2/2012, khi chiếc ex-VNAF A-37B của Temora Aviation Museum chưa sơn phù hiệu Phi Đoàn 516)
        Last edited by Nguyen Huu Thien; 10-25-2018, 01:41 AM.

        Comment


        • #5
          94th ACG Cessna A37B Dragonfly N87921

          Last edited by Nguyen Huu Thien; 10-28-2018, 09:49 AM.

          Comment


          • #6
            Ex-VNAF PD516 Phi Hổ

            Comment


            • #7
              PHI HỔ tái xuất giang hồ

              Chiếc A-37B S/N 10779 của Phi Đoàn 516 Phi Hổ trước 1975, nay thuộc quyền sở hữu của Temora Aviation Museum, NSW, Australia, phi diễn tại Australian International Airshow, Avalon 2019 (1-3 March 2019)

              (Photos by courtesy of Duncan Fenn Photography)
























              Last edited by Nguyen Huu Thien; 03-12-2019, 01:46 AM.

              Comment



              Hội Quán Phi Dũng ©
              Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




              website hit counter

              Working...
              X