Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đọc Báo Cuối Năm…

Collapse
X

Đọc Báo Cuối Năm…

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đọc Báo Cuối Năm…



    Đọc Báo Cuối Năm…
    Phan




    Những trang báo xuân muôn đời thơm mùi mực mới, nhưng cái mới lạ lùng của mùi mực in trên báo xuân là khơi dậy hoài niệm nhiều hơn hướng tới. Từng trang báo lật tới là từng kỷ niệm hiện về như viên pháo đốt chung với người bạn nhỏ, từng ký ức mở ra như lột đòn bánh tét, mở cái bánh chưng... Người xa xứ nào cũng cất giữ hình bóng quê nhà trong lòng vì thời gian dừng lại từ khi bước chân đi. Đời phiêu bạt từ năm thứ nhất ở hải ngoại, rồi năm tính lên hàng chục. Khi người ta nhìn lại thời gian ở hải ngoại đã nhiều hơn tuổi đời lúc ra đi, thì quê nhà có tuổi nhỏ hơn tuổi hải ngoại, nhưng quê nhà vẫn trang trọng hơn trong lòng người viễn xứ bởi đó là nơi chôn nhau cắt rốn; nói nhẹ nhàng hơn là tuổi thơ (tuổi trẻ) có nhiều chuyện đáng nhớ hơn tuổi già. Như một người hai mươi tuổi, rời xa quê vào năm 1975. Người thanh niên năm ấy đã là một ông già sáu mươi. Thời gian bốn mươi năm sống ở hải ngoại rõ là gấp đôi hai mươi năm sống ở quê nhà. Nhưng trong lòng già không có bốn mươi năm chân trời góc biển, lòng hoài hương vẫn ôm ấp hai mươi năm tình cũ ở quê nhà. Nên với tôi, từng trang báo xuân là từng kỷ niệm hiện về, từng ký ức mở ra theo mùi mực mới, giấy mới, nhưng lại chan chứa ân tình… với quê cũ. Đó là sự độc đáo của báo xuân. Cuốn báo chỉ đọc một lần như báo chợ nhưng khác báo chợ là không bỏ recycle mà xếp lên kệ sách. Vì người tù biết được mình phải ngồi gỡ bao nhiêu cuốn lịch thì được về nhà, nhưng người xa quê chỉ biết đếm bao nhiêu tờ báo xuân trên kệ sách là bấy nhiêu năm xa nhà; chỉ biết hàng năm cất lên kệ sách thêm một năm xa quê… Gấp cuốn báo xuân lại là cất thêm một năm vào quỹ xa nhà của người Việt hải ngoại. Ôi, những người giàu có cái chán nhất trên đời là nhớ nhà; nhớ tiếng rao đêm khuya của người bán gánh, nhớ lọn gió vô tình chở hết mùi hương dân dã của nhà hàng xóm đang nấu bữa ăn chiều, nhớ tiếng mưa trên mái tôn; nhớ tiếng hát của thằng bé đi nhặt ve chai nghe não lòng, mới mấy tuổi đầu mà nó đã nghêu ngao, “đời tôi cô đơn…” Những bỗng nhớ là quê nhà, không có gì lớn cả, nhưng lại là tất cả.

    Cảm ơn bạn bè với những cuốn báo xuân năm nào cũng gởi tới nhà như món quà đầu xuân. Cảm ơn ly trà từ quê nhà xa lắc chưa quên đứa con lưu lạc, nên hương vị thật gần như làng xóm, người thân…

    Ly trà cạn như tờ lịch cuối năm trên tường. Dư vị trà rồi tan đi, tờ lịch mới nào chả háo hức treo lên để một hôm âm thầm gỡ xuống. Háo hức mở cuốn báo xuân còn thơm mùi mực để trở về một thoáng xuân xưa rồi gấp lại ký ức, kỷ niệm, mà trở lại đời thường. Vì đời sống là thực tại chứ không phải quá khứ, đọc tin thời sự để sống còn ở xứ sở này là cần thiết hơn. Giá xăng bắt đầu lên lại; tỷ lệ thất nghiệp không giảm hơn được vì lý do…; Tổng thống đang xin quốc hội cho sử dụng quân đội để triệt hạ ISIS vì an ninh quốc gia Hoa Kỳ…

    Sự bất an của người sống trên nước Mỹ không phân biệt dân bản xứ hay di dân, không phân biệt màu da, tiếng nói… vì đâu ai biết hôm nay hay ngày mai bom lại nổ ở phi trường, nhà ga, công viên nào đó trong nội địa Hoa Kỳ. Ai còn ai mất giữa rủi may chỉ là có mặt hay không ở hiện trường. Ngay người hàng xóm mới chào nhau buổi sáng ra lấy thơ chợt gặp thì chắc gì chiều anh ta không gọi cảnh sát than phiền về gia đình người hàng xóm Việt tụ tập đông, đậu xe bừa bãi, gây ồn… Chuyện ăn tết của người Việt không biện minh nổi cho lề thói xã hội nơi đây! Cái giá của tự do ở xứ Mỹ là vô giá nên mọi người như nhau là trả không bao giờ hết!

    Tin trên báo cuối năm như chuyện khó tin nhưng có thật vì đây là nước Mỹ, thánh địa của phát minh khoa học; thiên đàng của tự do; cái nôi của những chuyện khó lòng xảy ra ở bất cứ đâu trên địa cầu này…

    Tin về, Một gia đình ở Missouri lao đao trong vòng lao lý sau khi dàn dựng một vụ bắt cóc giả để dạy cho cậu con trai 6 tuổi về những mối nguy hiểm của người lạ.

    Những người liên quan đến vụ bắt cóc giả đều đã bị cảnh sát bắt giữ bao gồm bà ngoại nạn nhân là Rose Brewer, 58 tuổi; người bác Denise Kroutil, 38 tuổi, Nathan Firoved, 23 tuổi (đóng vai kẻ bắt cóc) và mẹ bé Elizabeth Hupp, 25 tuổi.

    Theo báo Mirror, cả gia đình Elizabeth Hupp đều rất lo lắng, sợ cậu con trai 6 tuổi bị người lạ bắt cóc vì tính tình dễ tin người lạ của cậu bé. Gia đình đã dàn dựng một vở kịch để dạy cho bé bài học nhớ đời về việc phải cảnh giác với những người lạ mặt.

    Vụ bắt cóc giả để dạy con đã đưa ba người nhà Elizabeth Hupp và một người bạn của gia đình vào tù.

    Cảnh sát cho biết, các thành viên trong gia đình Elizabeth Hupp kêu oan vì mục đích của họ chỉ là để giáo dục con cháu và họ không nghĩ rằng họ đã làm điều gì sai, hay quá đáng!

    Vậy điều gì đã khiến cho cả nhà đi tù vì cậu bé sáu tuổi?

    Tìm thêm thông tin trên mạng thì câu chuyện liên quan tới năm người, gồm: cậu bé 6 tuổi, bà mẹ, bà ngoại, bà dì, và một thanh niên là bạn làm cùng sở với bà dì.
    Câu chuyện bắt đầu từ cậu bé cởi mở, quá dễ kết thân với người lạ, thân mật với bất cứ ai. Khiến gia đình vì thương cậu mà lo lắng. Quan ngại cậu có thể bị bắt cóc như báo chí, đài truyền thanh, truyền hình thường nói tới. Nên mẹ cậu bé, người dì, và bà ngoại muốn dạy cho cậu bé bài học cảnh giác. Bà dì nhờ một người quen chung sở đóng vai kẻ bắt cóc. Anh ta chờ cậu bé xuống xe bus là kịch vô màn: làm quen, rồi bắt cóc cậu bé. Trói tay, bịt mắt, chở cậu chạy loanh quanh thành phố một chập. Chở cậu bé về nhà và đưa xuống basement. Bà dì vô vai hăm dọa bán cậu bé đi làm… “nô lệ tình dục”.

    Màn kích kết thúc ở phòng khách. Mẹ với bà ngoại xuất hiện, giảng giải cho cậu nghe về sự nguy hiểm mà kẻ lạ có thể làm đối với cậu.

    Màn kịch của gia đình kết thúc (tùy người khen chê theo quan điểm riêng). Nhưng xã hội Mỹ không khép màn dễ vậy! Hôm sau đi trường lại, cậu bé kể hết chuyện ra, lại cộng thêm bao nhiêu sợ hãi, lo lắng của cậu. Kết quả là cảnh sát bắt giam hết bốn người trong câu chuyện; Còn cậu phải đi trung tâm do chính phủ trông coi trẻ em bị ngược đãi - khủng bố tinh thần…

    Gia đình cậu bé kêu oan cũng phải vì họ chỉ vì thương yêu và lo lắng cho con em. Nhưng luật pháp ở thiên đường Mỹ quốc cứ vẫn truy tố tội hành hung, ngược đãi, khủng bố… tinh thần trẻ em. Chuyện khó tin nhưng có thật ở nước Mỹ là thế!

    Điều đáng nghĩ là dấu ấn khó phai trong tâm trí cậu bé với quãng đời không có mẹ, ngoại, dì… vì họ ở tù - vì cậu! Rồi khi cậu bé trưởng thành, có dám lập gia đình, sanh con hay không? Bởi ai chả sợ ở tù. Và ở Mỹ thì ở tù vì phạm pháp là ở tù. Đừng hòng nói chuyện tình ngay lý gian gì hết!

    Trang báo khép lại nhưng chuyện về nước Mỹ mở ra để đừng bao giờ quên nhập gia phải tùy tục với nước Mỹ này! Khoảng năm 2000, tôi và mấy bạn cùng xưởng thường ghé nhà một người bạn cũng làm chung, vào những cuối tuần. Chúng tôi nướng thịt, uống bia, và coi game football ngoài garage. Nhóm chúng tôi chỉ chia phe cá độ với nhau thùng bia, vỉ cánh gà để nướng cho game tuần sau. Không chơi tiền bạc nên được mấy bà vợ thông cảm.

    Con chó nhà bên nhỏ xíu, rất dễ thương. Nó nghe mùi cánh gà nướng nên tà tà qua chơi. Gặp anh bạn ở Việt nam mới qua, điếc không sợ súng với luật pháp Mỹ. Anh ta ném cho con chó miếng thịt cánh gà nướng, thấy nó xơi ngon lành nên ném luôn cho nó miếng xương!

    Tai họa giáng xuống đầu bọn tôi mà anh ta thì cười, gọi mọi người coi, “con chó hóc xương, mắc cười quá!”

    Anh chủ nhà đóng vội cửa garage xuống, “Ông hại tui rồi! Cười không nổi…!”

    Người bạn lớn tuổi nhất, tuy là khách. Nhưng ra lệnh giải tán liền tức khắc. Rồi liên lạc với nhau bằng điện thoại.

    Vừa về tới nhà, tôi đã nghe qua điện thoại của người bạn chủ nhà, “Chết tôi thiệt rồi! Vợ chồng thằng hàng xóm qua nói với tôi, họ đưa con chó đi cấp cứu ở bệnh viện thú vật (animal hospital). Tôi hứa liều là hết bao nhiêu tiền, tôi xin chịu. Và xin lỗi ông bà, vì người bạn mới từ Việt nam mới qua, không biết…!”

    Tin cập nhật tiếp theo chỉ nửa tiếng sau, là: Cảnh sát tới nhà bạn tôi để lập biên bản. Thấy gia chủ là người đàng hoàng, biết lỗi và nhận lỗi nên viên cảnh sát cho biết, “Con chó phải tiến hành phẫu thuật để lấy khúc xương gà mắc ở cổ họng ra. Nên vợ chồng người hàng xóm sợ là số tiền lớn nên bạn tôi sẽ không chịu trả. Vì thế họ mới báo cảnh sát đến lập biên bản để có hồ sơ ra toà nếu bạn tôi chối tội…”

    Viên cảnh sát tử tế với bạn tôi khi bạn tôi tham khảo ý kiến chính anh ta. Anh ta nói thêm, “đằng nào mày cũng phải trả tiền ca phẫu thuật cho con chó thôi. Đừng để lôi thôi ra toà, sẽ lãnh thêm tội ngược đãi súc vật!”

    Cuối cùng là hơn hai ngàn đô la trong năm 2000, là một số tiền không nhỏ, nhất là đối với chúng tôi. Bữa đó sáu mặt nhậu nhưng chia năm theo lệnh người lớn tuổi nhất vì anh bạn bên Việt nam mới qua chỉ có lời xin lỗi gia chủ và anh em. Câu chuyện tuy làm khó khăn tài chánh cho anh em bấm thẻ lúc bấy giờ, dù không làm ai khánh tận, nhưng bài học đừng chơi với chó của nhà hàng xóm ở Mỹ còn đắng họng tới bao giờ khi chợt nhớ tới.

    Nếu ai đọc báo mà nhớ hết thì chuyện lãng òm ở Mỹ sẽ không kể xiết, chỉ biết người càng ở lâu trên xứ này càng sợ họa bá vơ. Chuyện lâu hơn, cũ hơn, là năm 1994. Một sáng đầu tuần, ông xếp giới thiệu với tôi người mới. Từ nay anh ta làm việc với mày.

    Đó là người đàn ông Mỹ trắng, đã hơn năm mươi tuổi. Nhưng ông ta to lớn, vui vẻ, khoẻ mạnh như thanh niên. Thoáng thấy việc nặng là ông nói, “để đó tao…!” Vì tôi có người đồng nghiệp khác nữa, cũng là một tay Việt nam, nhưng nhỏ thó và yếu hơn tôi nữa!

    Tôi khoái ông Mỹ trắng từ ngày đầu là không ăn hiếp hai thằng Việt nam nhỏ con, tiếng Anh không rành…, ngược lại còn dùng sức khoẻ hơn người của ông để giúp chúng tôi. Thằng bạn tôi không biết nói một câu tiếng Anh đơn giản nhất như chào hỏi ông ta mỗi buổi sáng, nhưng tình người không ngôn ngữ là nó hiểu được ông ấy thương nó, nên nó nhờ tôi nói với ông ấy là nó thương ông ấy lắm!

    Tình cảm của ba thằng làm chung một việc tới cuối tuần. Hai thằng tôi rủ ông ấy đi uống bia vì ông ấy mới làm hết tuần đầu thì phải thứ sáu tuần sau mới có lương.

    Ông ấy rất cảm động với chúng tôi. Nhưng đành từ chối vì ông ấy đã ở tù năm năm. Đây là lần đầu tiên nhà tù cho ông ra đi làm thử một tháng. Nếu ông không có gì sai trái thì họ mới cho ông ra tù thực sự, trở lại đời thường. Nên ông không thể đi uống bia với chúng tôi trong tháng đầu ra tù. - Ông không muốn vô tù lại!

    Tình thương mến thương đành hẹn lại với nhau khi ông được thực sự tự do thì uống bia với nhau một bữa cho đã đời. Nhưng từ tình thân có được mà tôi biết được lý do đi tù của một người lương thiện bản xứ; tôi biết sợ luật pháp Mỹ qua chuyện ông Corner…

    Ông đau buồn nhiều sau cái chết của vợ với đứa con gái duy nhất của hai người vì một tai nạn giao thông. Cái đau điếng là vợ ông đi cố vấn việc chọn áo cưới cho con gái mình theo yêu cầu của chàng rể tương lai. Nhưng ý trời bỏ lại hai người đàn ông cô đơn trên cõi trọc này. Họ biết làm gì hơn uống bia với nhau cho hết quãng đời còn lại.

    Rồi người bạn trẻ (con rể hụt) đi lấy vợ sau vài năm niềm đau nguôi ngoai. Ông Corner không trách con rể hụt mà ngược lại còn xem anh ta như con trai của mình. Ông ấy giúp đôi vợ chồng trẻ nhiều vì lương thợ sửa thang máy của ông ấy ngang lương kỹ sư. Trong khi ông ấy bỗng trở thành người giàu bất đắc dĩ vì bảo hiểm xe cộ đền tiền tai nạn của vợ con cho một số tiền lớn. Bảo hiểm nhân thọ của vợ ông cũng nhiều tiền…

    Nhưng an toàn, tự do, giàu có… những yếu tố của hạnh phúc ở Mỹ quá mong manh, vì thằng con trai nuôi mê mệt con vợ đẹp nên phản cha nuôi! Ông đâu biết con vợ nó là con bạc vỡ nợ.

    Một hôm, ông đi làm về tới nhà, với quần áo dầu mỡ và mồ hôi bởi mùa hè Texas. Ông cởi áo sơ mi từ khi sửa xong cái thang máy ở một rạp hát trong downtown. Ông về nhà, xông vô master bathroom của mình trong tư thế đang cởi quần - để tắm một cái cho tỉnh người. Đâu ngờ đứa con dâu nuôi đang loã lồ trong shower bước ra…

    Ông nói xin lỗi, rồi ra tủ lạnh lấy lon bia giải khát ở bàn ăn. Lòng bực tức là cho vợ chồng thằng con nuôi ở trong nhà ông vì nó nói thất nghiệp, không tiền trả apartment nên cho hai đứa dọn về ở tạm nhà ông tới có việc làm lại. Vợ chồng nó ngủ trên lầu nhà ông, trên đó có nhà tắm, toilet. Nếu có gì trục trặc thì kêu thợ tới sửa chứ mắc gì tự động xuống sử dụng nhà tắm trong master bathroom của ông ở nhà dưới…?

    Cơn giận của ông đang dồn đến quyết định đuổi thằng con nuôi và con dâu nuôi ra khỏi nhà. Cho tụi nó ít tiền đi mướn chỗ ở…

    Nhưng quyết định của ông không bao giờ thực hiện được vì cảnh sát đã tới nhà để còng tay ông đi tù vì xông vào nhà tắm lúc con dâu đang tắm, (với tư thế đang cởi quần)!

    Ra toà. Thằng con rể hụt thành con nuôi phản cha nuôi để cứu vợ nó. Nó muốn chiếm đoạt tài sản của ông để cứu vợ nó đã lâm vào vỡ nợ bởi bài bạc. Nó đứng về phía vợ - trước toà, để kết tội ông: tấn công tình dục. Đòi bồi thường, với hăm doạ bỏ tù ông…

    Một người lương thiện vì thương người mà vướng vào lao lý. Ông mất việc làm, hết gia tài vì tiền luật sư bào chữa cho ông từ mười hai năm tù giảm xuống năm năm.

    Chuyện lãng òm ở Mỹ là thằng con rể hụt, thành con nuôi của ông cũng bị con vợ cờ bạc lường gạt, phải đi tù sau ông không tới một năm.

    Hai người đàn ông tan cửa nát nhà, mất việc, hết tiền… đi tù - vì người đàn bà mê cờ bạc. Trong khi cô ta lại phây phây đi lừa gạt người khác.

    Đúng là ở Mỹ đừng đụng tới con nít, con chó, đàn bà - bộ ba được tôn vinh ở Mỹ.

    Sáng cuối năm ngồi đọc báo tiễn đưa một năm xa nhà nữa lên đường bụi mờ. Lòng chơi vơi thèm bạn bè để bớt nghĩ lung tung. Quả tình có người bạn rủ đi uống cà phê qua điện thoại. Nhưng mất hứng bất tử, tôi trả lời, “tôi uống cà phê, đọc báo rồi, và đang viết báo về những chuyện tào lao ở Mỹ…”

    Ông bạn tôi có ý kiến, “… ba con trong bài báo mày đang viết. Chuyện thằng con nít thì gia đình nó hơi quá đáng! Chuyện con chó thì bọn bay quá ngu - để Mỹ ăn hiếp. Chuyện con dâu với cha chồng… thì.”

    Không biết “thì” gì? Ông bạn tôi ở Mỹ thành tinh rồi nên ông không tin người Mỹ nào hết! Tôi hiểu ý ông là cô con dâu có thể gài bẫy cha chồng; nhưng cha chồng chỉ là cha nuôi của chồng nên huyết thống gì đâu mà ngại cái chuyện ấy chứ? Trong khi ông ta là người đàn ông khoẻ mạnh và vợ chết đã mấy năm…

    Thật đáng ngại cho lòng đa nghi của ông bạn. Nhưng những điều ông nói ra không phải không có lý. Và dù sao tôi cũng đang nhớ lại những chuyện tào lao ở xứ sở này mà tôi biết được. Đành cảm ơn ông nhắc chuyện, “…mày còn nhớ chuyện con cú ở farm của thằng Đực không? Còn lãng xẹc hơn mấy chuyện mày đang viết lại…”

    Đúng là chuyện khó tin nhưng có thật ở Mỹ. Năm ngoái, bạn tôi mua năm mẫu đất, cất cái trại gà đá. Mà ở đâu có gà thì ở đó có rắn tới ăn trộm trứng. Chúng tôi tới trại gà nhưng nhậu thịt rắn lia chia vì gà đá giai nhách mà ăn gì!

    Tới khi trại gà có gà con thì cú mèo xuất hiện! Tôi chưa từng thấy con cú mèo nào to như con gà tây này. Hai mắt nó to như hai quả ping-pong, xanh lè tới phát khiếp! Hai chân nó móng vuốt, sần sùi như hai tay mụ phù thủy độc ác nhất thế gian…

    Đêm, nó mò vô tới chuồng gà. Đánh văng con gà mẹ để cắp gà con - bay đi. Mà gà con giống Peru thì tới ba trăm đô la một con. Thằng Đực tiếc của hôm cái mỏ như thép nguội của con cú bẻ gãy cổ con gà mẹ luôn.

    Nó đặt bẫy lồng - và bắt được con cú.

    Chúng tôi toan tính là đem con cú đi thật xa, rồi thả ra. Chắc nó không nhớ đường về đây để bắt gà con nữa! Nhưng không ai có thời giờ để đưa cú đi biệt xứ. Thằng Đực chọn phương án ôn hoà là sang hỏi thăm ông hàng xóm Mỹ trắng. Tin tức nó đem về là ông Mỹ trắng biết con cú này, nó thường bắt gà của ông trước đây. Nhưng mấy năm nay ông không nuôi gà nữa nên nó không tới. Bây giờ thằng Đực mở trại nuôi gà thì nó lại về. Đừng hòng đem nó đi xa mà nó quên đường về đây…

    Ông ấy có cho thằng Đực số điện thoại của animal control ở địa phương, và hướng dẫn là gọi họ đến đem nó đi. Khi nào thấy nó bay về thì gọi nữa…

    Chỉ một tiếng sau khi gọi, xe của enimal control tiến vào cổng farm. Người thanh niên nhà quê lực lưỡng - càng uy nghi hơn trong đồng phục như cảnh sát. Anh ta từ tốn, hiền lành, tốt bụng, vui vẻ, niềm nở. Nhưng năm tính tốt đó hơi mắc là tới năm trăm đô la! Bởi sau khi nghe thằng Đực trình bày. Anh ta thản nhiên nói, “Ông phạm hai tội. Một là ông không được bắt chim cú bởi nó trong danh sách động vật hoang dã không được bắt. Chỉ người có licence như chúng tôi mới được bắt nó. Hai là ông phạm tội ngược đãi súc vật vì ông không được giam giữ nó quá 24 tiếng. Lần sau, ông thấy nó đến bắt gà thì gọi chúng tôi. Để chúng tôi tới bắt nó đi. Bây giờ…!”

    Cái bây giờ teo chim thằng Đực là bị còng tay hay gì đây? (Bạn bè đứng xung quanh bỗng lo cho nó!)

    Nhưng người nhân viên animal control không rút còng mà chìa cho thằng Đực tờ biên bản phải ký tên vô, và tờ giấy phạt năm trăm đô la. Không cho lý lẽ gì hết! Vẫn ôn tồn, thân thiện, người nhân viên ấy nói, “Luật là vậy! Ông có thể mướn luật sư để ra toà. Nhưng tôi khuyên ông nên đóng phạt trước ngày quy định để ông không mắc tội thứ ba…”

    Nó tức tới ấp úng. Nhưng không quên cảm ơn người nhân viên animal control đã ân xá cho nó tội “ngược đãi động vật hoang dã” - không ghi vô biên bản là nó đã nhốt con cú hơn 24 giờ. Chỉ phạt một tội không có licence mà dám bắt nhốt con cú.

    Xe animal control chở con cú đi. Nhưng sự tức tưởi thì ở lại mãi với thằng Đực. Như luật pháp nơi đây được thế giới ca tụng là nghiêm minh, người thi hành pháp luật không nhúng chàm. Nhưng luật nào không có kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng và luật nào không cứng ngắc để người ngay đôi khi bị mắc oan.

    Cuối năm ngồi đọc báo tết càng nhớ nhà, càng buồn hơn. Nhưng đọc báo ngày thì lo âu cho cái xã hội mà mình đang sống với luật pháp bảo vệ mình tối đa, tới mức nó bắt mình hồi nào không biết vì ai hiểu hết luật pháp bao giờ, chỉ khi đụng chuyện mới té ngửa ra… thì đã muộn. Đành chịu tiếng hèn mà tránh xa những con nguy hiểm như con nít, con chó, con cú, con… gì nữa đây!

    PHAN

    nguồn : newvietart.com


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X