Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hải Chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại

Collapse
X

Hải Chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hải Chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại


    Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại






    1. Trung Quốc nuốt dần Hoàng Sa

    Quần đảo Hoàng Sa từ mấy trăm năm qua thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đến đầu thế kỷ 20 thì Trung Quốc bắt đầu lăm le mạo xưng chủ quyền. Tới sau Thế chiến 2, họ tiến chiếm nhóm đông bắc Hoàng Sa, và đến năm 1974 thì nổ súng cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo. Quá trình gặm nhấm Hoàng Sa mà Trung Quốc thực hiện khởi đầu là những tuyên bố hú họa, tiếp đến là thừa nước đục thả câu, và cuối cùng là ngang nhiên nổ súng xâm lược. Quá trình tiến chiếm Hoàng Sa cho thấy tham vọng bành trướng xuyên suốt của các chính quyền tại Bắc Kinh qua nhiều thời kỳ.

    Đến nay, cuồng vọng đó không ngừng được nâng cao, với đường lưỡi bò bất chấp đạo lý và pháp lý nhằm biến biển Đông thành ao nhà. "Trung Quốc muốn chiếm trọn Hoàng Sa càng sớm càng tốt, vì nếu chậm chân, họ sẽ khó làm được điều đó sau khi Việt Nam thống nhất"

    Gặm nhấm

    Quần đảo Hoàng Sa bao gồm nhiều đảo lớn, bãi cát và rạn san hô, bãi ngầm nằm cách huyện đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi khoảng 200 hải lý về phía Đông. Hoàng Sa có hai nhóm đảo chính:

    Ở phía Đông Bắc là nhóm An Vĩnh (tiếng Anh là Amphitrite, còn gọi là Nhóm Đông) gồm nhiều đảo khá lớn, trong đó quan trọng nhất là đảo Phú Lâm, đảo Nam, đảo Trung, đảo Bắc, đảo Cây.

    Chếch về phía Tây Nam so với nhóm An Vĩnh là nhóm Lưỡi Liềm (hay Trăng Khuyết, Nguyệt Thiềm, tên tiếng Anh là Crescent), với các đảo lớn là Hoàng Sa, Hữu Nhật, Quang Hòa, Duy Mộng, Quang Ảnh.

    Bên cạnh các cụm An Vĩnh và Lưỡi Liềm, Hoàng Sa còn có một số đảo, bãi cát, rạn san hô nằm rải rác, trong đó đáng kể nhất là đảo Linh Côn (Lincoln) nằm ở cực đông quần đảo và đảo Tri Tôn (Triton) đơn độc ở cực Tây Nam.


    Sau khi bắt tay với Mỹ, Mao Trạch Đông đã triển khai kế hoạch bành trướng biển Đông bằng hành động nổ súng chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam Cộng Hòa - Ảnh: Tư liệu





    Chính sử Việt Nam, Trung Quốc, phương Tây và các ghi chép, địa đồ của các nhà hàng hải cho biết Việt Nam đã quản lý Hoàng Sa từ thời các chúa Nguyễn. Xét trên tất cả các nguyên tắc về xác định chủ quyền, Việt Nam đều là chủ sở hữu hợp pháp của quần đảo này: tiên chiếm, nhà nước thực thi chủ quyền liên tục trong hòa bình, không có bên nào tranh chấp, không bao giờ từ bỏ. Việc thực thi chủ quyền cấp nhà nước của Việt Nam kéo dài từ các triều chúa Nguyễn, tới nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn về sau. Dưới thời Pháp đô hộ Việt Nam, Hoàng Sa cũng được đặt dưới quyền quản lý của chính quyền bảo hộ.

    Mãi đến đầu thế kỷ 20, Trung Quốc mới quan tâm tới Hoàng Sa và bắt đầu những động thái sơ khai trong yêu sách chủ quyền thể hiện cơn cuồng tham vô cùng. Đầu tiên là chuyến tàu của Đô đốc Lý Chuẩn tới Hoàng Sa năm 1909 với tên gọi “thị sát Tây Sa”. Tại đây, Lý Chuẩn đã thượng cờ và bắn đại bác tuyên bố chủ quyền, cho thấy rằng từ trước đến nay Trung Quốc chưa hề có chủ quyền tại Hoàng Sa.

    Vào giữa thế kỷ 20, đặc biệt là giai đoạn sau Thế chiến 2, Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch đã nhiều lần lăm le chiếm một số đảo thuộc cụm An Vĩnh. Đến năm 1947, lợi dụng việc người Pháp dồn sức cho chiến trường Đông Dương, Tưởng Giới Thạch tiến chiếm đảo Phú Lâm, đánh dấu sự chiếm đóng phi pháp của người Trung Quốc.

    Đến năm 1956, Trung Quốc, lúc này do đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo sau khi đánh đuổi Quốc Dân đảng ra đảo Đài Loan, đã lén lút đổ quân lên đảo Phú Lâm, bắt đầu thực hiện sự chiếm đóng đối với cụm An Vĩnh và Linh Côn.

    Chuẩn bị chiếm trọn Hoàng Sa

    Trung Quốc đã thai nghén mưu đồ nuốt trọn Hoàng Sa từ đầu thế kỷ 20 và lợi dụng những biến động chính trị tại Đông Dương, họ đã từng bước thực hiện việc gặm nhấm quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam này trong giai đoạn sau Thế Chiến 2. Đến đầu năm 1974, Trung Quốc nhận thấy cơ hội đã chín muồi cho một cuộc tấn công để chiếm toàn bộ quần đảo, lúc bấy giờ đang thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa theo sau Hiệp Định Geneve về phân chia lãnh thổ Việt Nam.

    Cơ hội đó chính là cái bắt tay giữa Trung Quốc với Mỹ, để nước Mỹ làm ngơ trước các động thái của Bắc Kinh tại biển Đông. Cơ hội đó còn là tình hình chiến sự tại Việt Nam, khi mà Việt Nam Cộng Hòa, là chủ sở hữu hợp pháp duy nhất đối với quần đảo Hoàng Sa lúc bấy giờ, đang dần bị Mỹ bỏ rơi và đang gặp nhiều khó khăn trên chiến trường ở trong nước. Trong tình cảnh khá đơn độc, khả năng bảo vệ Hoàng Sa của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa suy giảm nghiêm trọng, dù họ vẫn sở hữu lực lượng hải quân và không quân có thể nói là khá mạnh.


    Chu n Lai (phải) tìm kiếm tín hiệu xanh từ Mỹ trước khi ra lệnh chiếm Hoàng Sa - Ảnh: Tư liệu




    Trung Quốc cũng muốn chiếm trọn Hoàng Sa càng sớm càng tốt, vì nếu chậm chân, họ sẽ khó làm được điều đó sau khi Việt Nam thống nhất.

    Tài liệu Hoàng Sa - Lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa do chính quyền Sài Gòn phát hành sau trận hải chiến năm 1974 cho biết: “Vụ tranh chấp Hoàng Sa đột phát trở lại kể từ ngày 11.01.1974, khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng tuyên bố là nhóm đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Trung Cộng mà Việt Nam Cộng Hòa chiếm cứ bất hợp pháp”. Sách Tài Liệu Hải Chiến Hoàng Sa của (cựu Hạm Trưởng HQ-4) Vũ Hữu San và nhà nghiên cứu Trần Đỗ Cẩm cho biết thêm: “Để làm hậu thuẫn cho những lời tuyên bố vô căn cứ, Trung Cộng tung nhiều tàu đánh cá võ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa và đổ quân giả dạng ngư phủ lên các đảo không có lực lượng quân đội Việt Nam Cộng Hòa đóng”.

    “Trung Cộng” là tên gọi để chỉ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo đóng đô tại Bắc Kinh, mà ngày nay chúng ta thường gọi là “Trung Quốc”. Ngày trước, “Trung Cộng” được sử dụng để phân biệt với “Trung Quốc”, tức Trung Hoa Dân Quốc do Quốc Dân Đảng lãnh đạo mà sau khi kết thúc nội chiến Quốc - Cộng năm 1949 thì chạy ra cắm dùi tại đảo Đài Loan.

    Với chiêu bài mạo xưng chủ quyền, giữa tháng 1.1974, theo yêu cầu của Thủ tướng Quốc vụ viện kiêm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Chu n Lai, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc họp phiên đặc biệt nhằm lập ra ban chuyên trách năm người phụ trách kế hoạch đánh Hoàng Sa - mà phía Trung Quốc gọi là “Cuộc phản kích Tây Sa” để tuyên truyền trong nước và che mắt dư luận quốc tế. Các lãnh đạo cấp cao gồm Diệp Kiếm Anh - Chủ nhiệm Ban chuyên trách, cùng Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Đặng Tiểu Bình và Trần Tích Liên đã nghe Tô Chấn Hoa, Phó Tư Lệnh Hải Quân, báo cáo tình hình và đề nghị tấn công.

    Vào thời điểm ấy, ngày 17.1.1974, tàu và quân lính Trung Quốc đã lởn vởn nhiều nơi quanh cụm Lưỡi Liềm và phía Việt Nam Cộng Hòa đã điều tàu và quân ra để bảo vệ Hoàng Sa.

    Chu n Lai cũng nhận báo cáo tình hình từ Cục phó Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân Trung Quốc Trường Lý Lực. Sau đó, họ Chu cùng Nguyên soái Diệp Kiếm Anh viết báo cáo gửi Mao Trạch Đông đề nghị tăng quân ra Hoàng Sa để chiếm đảo. Họ Mao lúc này đã 81 tuổi, sức khỏe sa sút, tinh thần thụt lùi, nhưng mộng bành trướng thì lại không ngừng tăng tiến. Sau khi phê “đồng ý” vào báo cáo của Diệp và Chu, Mao nói thêm: “Trận này không thể không đánh!”.

    Ở đây có một điểm cần lưu ý, đó là Mao Trạch Đông vốn là tổng công trình sư của Cách mạng Văn hóa tàn khốc, Vương Hồng Văn và Trương Xuân Kiều là hai thành viên của nhóm Bè lũ bốn tên chỉ đạo thực hiện Cách mạng Văn hóa; còn Đặng Tiểu Bình vốn là một nạn nhân của cuộc cách mạng này và vừa được phục hồi danh dự chưa lâu. Giữa Mao, Vương, Trương, Đặng có nhiều ân oán và chỉ hơn hai năm sau đó, vào tháng 10.1976, ngay sau khi Mao Trạch Đông chết, Đặng Tiểu Bình cùng Diệp Kiếm Anh đã bắt đầu ra tay trừng trị Bè lũ bốn tên cùng dư đảng của nhóm này.

    Bất chấp những ân oán trùng trùng ấy, vào thời điểm tháng 1.1974, họ đã cùng thống nhất với nhau một mục tiêu bành trướng lãnh thổ, lãnh hải. Đấy là một điểm cần phải lưu ý khi đánh giá các lãnh đạo Trung Quốc, cũng như đánh giá mối quan hệ và lập trường của Trung Quốc - Đài Loan trong vấn đề biển Đông. Giữa họ có thể đầy mâu thuẫn, nhưng mộng bành trướng, yêu sách về lãnh thổ, chủ quyền thì họ hoàn toàn thống nhất với nhau.

    Vậy là, sau khi đã thừa nước đục thả câu để chiếm phần Đông và Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa, gồm nhóm An Vĩnh và Linh Côn, Trung Quốc giờ đây đã lên đạn sẵn sàng đánh chiếm nhóm đảo Lưỡi Liềm, qua đó nuốt trọn quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam Cộng Hòa.

    Cuộc Hải chiến Hoàng Sa 1974 cũng đánh dấu một trong những bước đầu tiên trong chiến lược ba bước của Trung Quốc đối với biển Đông: 1. Kiểm soát (1970-2010); 2. Làm chủ (2011-2025) và 3. Độc chiếm (2026-2050).


    2. Hành quân giữ đảo



    Bốn chiến hạm của Việt Nam Cộng Hòa ra chiến đấu bảo vệ quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1.1974 - Ảnh: Tư liệu

    Sau khi Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhận vơ chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa,“ngay ngày hôm sau, 12.1.1974, với tư cách Ngoại Trưởng VNCH, tôi đã chính thức và cương quyết lên tiếng bác bỏ lời tuyên bố vô căn cứ của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc và lên án hành động gây hấn của nước này”, ông Vương Văn Bắc, nguyên là Ngoại Trưởng Việt Nam Cộng Hòa, nhớ lại trong một bài viết được công bố tại Paris vào năm 2007.

    Ông Bắc, là một Luật sư, còn cho biết: “Ngày 16.1.1974, cũng với tư cách Ngoại Trưởng VNCH, tôi đã gửi công điện cho ông Chủ tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để lưu ý Hội Đồng Bảo An tới tình hình căng thẳng nghiêm trọng gây ra bởi lời tuyên bố ngang ngược và những hành vi trái phép của Trung Cộng trong vùng Hoàng Sa, có khả năng đe dọa hòa bình và an ninh tại vùng này. Chính phủ VNCH yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ban bố mọi biện pháp thích nghi để cải thiện tình hình”.

    Lệnh hành quân

    Giữa lúc tình hình căng thẳng leo thang tại Hoàng Sa, song song với các động thái ngoại giao, Bộ Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã tăng cường chiến hạm ra vùng biển đảo này. Ngày 15.1.1974, Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải lệnh cho Tuần dương Hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) trực chỉ Hoàng Sa phối hợp với lực lượng quân sự thường trực tại đây sử dụng biện pháp hòa bình để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải. Trước đó, tàu Hải Quân VNCH chỉ đến Hoàng Sa trong những chuyến tuần tra định kỳ; còn lực lượng trú đóng chỉ bao gồm một trung đội Địa phương Quân thuộc Chi khu Hòa Vang với 24 quân nhân.

    Trung Tá Lê Văn Thự, Hạm Trưởng HQ-16, kể lại trong một bài viết vào năm 2004:“Ngày 15.1.1974, tàu tôi - HQ-16, được lệnh ra công tác đảo Hoàng Sa, chở theo một Cố vấn Mỹ và một Thiếu Tá Bộ Binh thuộc Quân đoàn I. Tàu khởi hành tối 15.1.1974 và đến Hoàng Sa sáng ngày 16.1.1974. Khi đến nơi, Địa phương Quân trên đảo thấy tàu đã lái xuồng ra đón viên Thiếu Tá Bộ Binh lên đảo. Trong khi chờ đợi để đưa Thiếu Tá Bộ Binh về lại Đà Nẵng, tôi vận chuyển tầu rời đảo Hoàng Sa ra biển, thả trôi tàu gần đảo Quang Hòa”.

    Ông Thự còn cho biết khi dùng ống nhòm quan sát đảo Quang Hòa thì thấy “có một dãy nhà sườn gỗ còn đang xây cất dở dang, chỉ có sàn nhà, chưa có mái” và ông đã gọi báo về Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải. Vào trưa 16.1, HQ-16 phát hiện một tàu chiến Trung Quốc tiến vào vùng biển trong khu vực cụm đảo Lưỡi Liềm.

    Lúc bấy giờ, Khu trục Hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) do Trung Tá Vũ Hữu San làm Hạm Trưởng đang tuần tra vùng biển gần cù lao Ré (đảo Lý Sơn) thì nhận được lệnh trở về Đà Nẵng để chuẩn bị ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Lúc rời Đà Nẵng ra Hoàng Sa, HQ-4 có quân số 170 người và một Trung đội Biệt Hải quá giang. Công điện hành quân thượng khẩn số 50.356 của Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải, sau khi thông báo việc tàu và quân Trung Quốc xâm chiếm một số đảo ở Hoàng Sa, đã nêu nhiệm vụ: “Lực lượng tham dự hành quân tiến chiếm lại các đảo nói trên khởi sự vào ngày “N”… HQ-16 tiến chiếm lại đảo Money (Quang Ảnh - NV) vào ngày “N” bằng nhân viên cơ hữu… HQ-4 nhận 32 nhân viên Biệt Hải từ Đà Nẵng vào ngày “N”… đổ bộ chiếm đảo Robert (Hữu Nhật), sau đó là Drummond (Duy Mộng) và Duncan (Quang Hòa)”. Theo thông tin do Hạm Trưởng San chia sẻ với Thanh Niên mới đây, thì vào giai đoạn ban đầu, ông là Chỉ huy Trưởng cuộc hành quân bảo vệ Hoàng Sa, gồm hai tàu HQ-4 và HQ-16.

    Lúc bấy giờ, phía Trung Quốc cũng tăng cường tàu cá và tàu chiến tới khu vực. Một số toán lính của họ cũng được triển khai đổ bộ lên các đảo thuộc nhóm Lưỡi Liềm.

    Trước tình hình hết sức khẩn trương, Việt Nam Cộng Hòa đã điều thêm hai tàu Trần Bình Trọng (HQ-5) và Nhật Tảo (HQ-10) đến để tăng cường lực lượng bảo vệ đảo. HQ-5 do Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh làm Hạm Trưởng, đến Hoàng Sa vào trưa 18.1; HQ-10 do Thiếu Tá Ngụy Văn Thà chỉ huy, đến nơi vào buổi tối cùng ngày (một số tài liệu cho biết HQ-5 và HQ-10 cùng đến Hoàng Sa vào sáng 18.1; dù khác nhau về giờ, nhưng các thông tin đều khẳng định hai tàu này có mặt vào ngày 18.1).

    Đến lúc này, Đại Tá Hà Văn Ngạc, đi theo tàu HQ-5, thừa lệnh Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải làm Chỉ huy Trưởng toàn bộ công tác trên mặt biển.

    Khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư của VNCH




    Tàu tuần tra HQ-10 Nhật Tảo của VNCH





    Vờn nhau trước trận chiến

    Nhắc lại, sau tuyên bố mạo xưng chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa vào ngày 11.1.1974, Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động quân sự tại nhóm đảo Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Nhóm lưỡi liềm là một cụm đảo nằm ở góc tây nam quần đảo Hoàng Sa, cho tới thời bấy giờ vẫn do Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát; còn cụm đảo An Vĩnh ở đông bắc và đảo Linh Côn ở phía đông đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ thập niên 1950.

    Về các hoạt động của Trung Quốc tại nhóm Lưỡi Liềm, sách Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa của Vũ Hữu San và Trần Đỗ Cẩm cho hay đến ngày 15.1.1974, Trung Quốc đã đổ quân lên các đảo Hữu Nhật (Robert), Quang Ảnh (Money), Quang Hòa (Duncan) và Duy Mộng (Drummond). Tài liệu Hoàng Sa - Lãnh Thổ Việt Nam Cộng Hòa do chính quyền Sài Gòn ấn hành cũng đưa thông tin tương tự, và cho biết“chiến hạm ta đã dùng loa và đèn hiệu yêu cầu những người Trung Cộng rời khỏi đảo, nhưng vô hiệu”. Cũng theo tài liệu này, ngày 17.1, vào lúc 7 giờ 45, một tiểu đội xung kích Việt Nam Cộng Hòa đã đổ bộ lên đảo Quang Ảnh mà không gặp sự kháng cự nào. Trên đảo, họ thấy 6 ngôi mộ mới, có bia viết chữ Tàu, có thể là bằng chứng ngụy tạo nhằm chứng tỏ người Trung Quốc đã chiếm giữ đảo từ lâu. Toán xung kích này được lệnh nhổ cờ Trung Quốc, phá hủy hết các dấu tích ngoại bang trên đảo.

    Sau khi ra đến khu vực Hoàng Sa vào xế trưa 17.1, HQ-4 đã phối hợp với HQ-16 để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải. Một số diễn biến căng thẳng đã xảy ra sau đó, khi tàu cá và tàu chiến Trung Quốc tiếp tục tiến sâu vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam Cộng Hòa. Đôi bên dùng loa phóng thanh để tuyên bố chủ quyền và yêu cầu đối phương rời đi. Hạm Trưởng Vũ Hữu San kể lại, sau một hồi giằng co không đạt kết quả, ông đã húc mũi tàu HQ-4 vào tàu cá 407 của Trung Quốc, khiến tàu Trung Quốc bị hư hỏng nặng phần buồng lái.

    Cuối buổi chiều 17.1, hai chiếm hạm Kronstadt trang bị hải pháo 100 và 37 ly, mang số hiệu 271 và 274, của Trung Quốc xuất hiện. Hai tàu Trung Quốc tiến nhanh về phía HQ-16 và HQ-4 để uy hiếp. Đáp lại, tàu Việt Nam Cộng Hòa sử dụng đèn hiệu để yêu cầu tàu đối phương rời đi. Sau khoảng 60 phút vờn nhau, hai tàu chiến Trung Quốc lui về đậu gần đảo Quang Hòa và Duy Mộng.

    Qua ngày 18.1, các chiến hạm Trung Quốc tăng cường các hoạt động khiêu khích, mà theo nhận định của phía Việt Nam Cộng Hòa là muốn tái chiếm đảo Hữu Nhật.Trung tá Lê Văn Thự nhớ lại: “Khoảng 10 giờ sáng ngày 18.1.1974, Đại Tá Hà Văn Ngạc ra lệnh cho tôi đưa viên Cố vấn Mỹ lên đảo Hoàng Sa, sau đó cho toán Người Nhái đổ bộ lên đảo Quang Hòa và một toán của HQ-16 lên giữ đảo Quang Ảnh. Sau khi đưa viên Cố vấn Mỹ lên đảo Hoàng Sa, tôi vận chuyển HQ-16 bên trong lòng chảo để đến gần đảo Quang Hòa đổ bộ toán người nhái lên đảo thì một tàu Trung Cộng xuất hiện, cản trước mũi, không cho tàu tôi tiến gần đến đảo.

    Tôi phải ngưng máy, vận chuyển để tránh đụng tàu. Nhưng cả hai tàu cũng cọ vào nhau làm dẹp một số trụ căng dây an toàn chung quanh tàu Trung Cộng và làm rách bè nổi của tàu Trung Cộng. Nhờ xáp lại gần, tôi thấy tàu Trung cộng số hiệu 271, dài chừng 70 mét, có súng tương đương với súng 76.2 ly, 40 ly, 20 ly và đại liên 12.7 của tàu tôi. Tàu Trung Cộng nhỏ hơn tàu tôi nhưng vận chuyển nhanh nhẹn hơn.

    Tôi báo cáo với Đại Tá Ngạc những gì xẩy ra. Sau đó tôi lái tàu ra khỏi lòng chảo và đổ bộ toán người nhái vào mặt ngoài biển (mặt nam) của đảo Quang Hòa vào chiều ngày 18.1.1974.

    HQ-16 chỉ ở cách xa bờ một, hai hải lý rồi người nhái thả xuồng cao su có trang bị máy mà chạy vào bờ chứ HQ-16 không thể vào sát bờ được vì đá ngầm và san hô. Toán người nhái rời tàu chừng non một tiếng thì gọi máy báo cáo là ở trong bờ bắn ra. Tôi hỏi người liên lạc máy là có thấy người ở trên bờ không và các anh đã lên được bờ chưa? Họ trả lời là đang lội nước ngang ống chân, còn chừng vài chục thước nữa mới tới bờ…

    Vài phút sau thì nghe báo cáo là một Thiếu úy Người Nhái bị bắn chết. Họ xin rút lui vì không thể vào bờ an toàn được. Tôi báo cáo với Đại Tá Ngạc và xin cho Người Nhái rút lui. Toán người nhái đã trở về lại HQ-16”. Viên Cố vấn Mỹ mà ông Thự đề cập là Gerald Kosh, một nhân viên của phòng Tùy viên Quốc Phòng Mỹ tại Việt Nam (DAO).

    Trong buổi chiều và tối 18, hai bên ở trong thế kiềm chế lẫn nhau, sử dụng loa, đèn hiệu hoặc di chuyển để đẩy đuổi đối phương. Những diễn biến căng thẳng này vào ngày hôm sau sẽ dâng lên đến đỉnh điểm, trở thành một trận hải chiến ngắn ngủi nhưng khốc liệt mà kết cục của nó trở nên vô cùng đau đớn cho đất nước Việt Nam.

    Nguồn ảnh lấy từ tài liệu: “Thế giới lên án Trung Cộng xâm lăng Hoàng Sa của VNCH” của Cục Tâm Lý Chiến-Tổng Cục CTCT-Quân Lực VNCH năm 1974

    3. Tương quan lực lượng


    Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) là tàu chiến hiện đại nhất bên phía Việt Nam Cộng Hòa





    Sau khi Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp cụm An Vĩnh và đảo Linh Côn ở phía đông bắc và đông quần đảo Hoàng Sa từ thập niên 1950, Việt Nam Cộng Hòa vẫn duy trì hoạt động thực thi chủ quyền thường trực tại cụm Lưỡi Liềm ở miệt Tây Nam cũng như đảo Tri Tôn, các bãi cát, đảo nhỏ khác. Vào thời điểm tháng 1.1974, trên đảo Hoàng Sa nằm ở vị trí trung tâm nhóm Lưỡi Liềm có một đơn vị địa phương quân thuộc Chi khu Hòa Vang trấn đóng, cùng với một vài nhân viên khí tượng, hải dương. Đến khi Trung Quốc ngạo ngược mạo xưng chủ quyền vào ngày 11.1.1974 cũng như gia tăng tàu chiến và tàu cá chở quân nhân tới cụm Lưỡi Liềm, Việt Nam Cộng Hòa điều lần lượt 4 tàu chiến ra bảo vệ Hoàng Sa.

    Đầu tiên là tàu HQ-16, ra tới Hoàng Sa vào sáng 16.1; tiếp theo là tàu HQ-4 đến nơi vào xế trưa 17.1, mang theo một trung đội Biệt Hải (thuộc Sở vòng vệ Duyên Hải, đóng tại Đà Nẵng). Ngày 18.1, tàu HQ-5 chở theo một đại đội Hải Kích (tức lực lượng Người Nhái thuộc Hải Quân) và tàu HQ-10 ra đến Hoàng Sa.

    Bốn chiến hạm của Việt Nam Cộng Hòa

    Như vậy, lực lượng Việt Nam Cộng Hòa trước trận hải chiến có 4 tàu vũ trang, với các trang bị, tính năng cụ thể như sau:

    Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) nguyên là tàu USS Castle Rock biên chế cho Hải Quân Mỹ vào năm 1944, sau đó chuyển qua cho Tuần duyên nước này và rồi bàn giao cho Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1971. Tàu dài 94,72 m, rộng 12,52 m, độ choán nước 1.766 tấn (tối đa là 2.800 tấn), vận tốc tối đa 18 hải lý/giờ (34 km/giờ). Vũ khí gồm: 1 pháo 127 ly trước mũi; 1 pháo 40 ly đôi ở sân thượng phía trên khẩu 127 ly; 2 khẩu 40 ly hai bên hông và 2 khẩu 20 ly hai bên hông đài chỉ huy. Thủy thủ đoàn khoảng 200 người.

    Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) nguyên là tàu USS Chicoteague của Hải Quân Mỹ, hạ thủy năm 1942, sau đó chuyển giao cho Tuần duyên Mỹ rồi chuyển cho Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1972. Tàu có đặc tính tương tự HQ-5.


    Chiếc Kronstadt số hiệu 274 của Trung Quốc tham gia Hải chiến Hoàng Sa





    Khu trục Hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) là tàu chiến hiện đại nhất của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa thời bấy giờ. HQ-4 trước đây vốn là tàu hộ tống USS Forster bắt đầu được biên chế vào Hải Quân Mỹ năm 1944. Đến năm 1951 nó được chuyển cho Tuần duyên Mỹ và năm 1971 thì bàn giao cho Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa. Tàu dài 93 m, rộng 11,15 m, có độ choán nước 1.590 tấn; vận tốc 22 hải lý/giờ (39 km/giờ); tàu có tầm hoạt động 16.900 km khi chạy ở tốc độ tiết kiệm 22 km/giờ. Trang bị của HQ-4 gồm có 2 pháo 76 ly, một số súng 20 ly. Khi chuyển giao cho Việt Nam Cộng Hòa, một số trang bị của tàu được thay đổi để phù hợp với nhiệm vụ mới. Theo ông Lữ Công Bảy, Hạ sĩ quan phụ tá Trưởng ngành Hàng Hải kiêm Trưởng khối Hành quân trên tàu HQ-4, hệ thống Hải Pháo 76 ly của tàu được điều khiển (nạp đạn và bắn) bằng điện. Thủy thủ đoàn gồm 170 người.

    Hộ tống Hạm Nhật Tảo (HQ-10) vốn là tàu quét mìn USS Serene (AM-300) của Hải Quân Mỹ, được hạ thủy vào năm 1943 và chuyển giao cho Việt Nam Cộng Hòa năm 1964. Tàu dài 56,24 m, rộng 10 m, độ choán nước 650 tấn, vận tốc tối đa 14 hải lý/giờ (26 km/giờ). Tàu có 1 pháo 76 ly ở phía mũi, 2 súng 40 ly hai bên hông, 4 súng 20 ly đôi ở hai bên đài chỉ huy.

    Phía Việt Nam Cộng Hòa cũng chuẩn bị một lực lượng dự bị gồm Tuần dương Hạm Trần Quốc Toản (HQ-6) và Hộ tống Hạm Chí Linh (HQ-11). Có thông tin là các phi đoàn phản lực F5 và A37 được lệnh trực chiến ở Đà Nẵng để thực hiện chiến dịch yểm trợ trên không.

    Ở đây có một điểm cần lưu ý, đó là cách gọi các loại tàu chiến dưới thời Việt Nam Cộng Hòa khá đặc biệt. Tuần dương Hạm là loại tàu lớn nhất của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, nhưng thực ra là tàu cũ của Mỹ, có độ choán nước khá nhỏ và khả năng đại dương, hỏa lực hữu hạn, khác với khái niệm “Tuần dương Hạm” (cruiser) phổ biến của thế giới, vốn chỉ loại tàu chiến có choán nước trên 9.000 tấn và hỏa lực cực mạnh.


    Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) là soái hạm bên phía Việt Nam Cộng Hòa - Ảnh: Tư liệu





    Lực lượng xâm lược của Trung Quốc

    Sách Tài liệu Hải Chiến Hoàng Sa của Vũ Hữu San và Trần Đỗ Cẩm cho biết phía Trung Quốc có tổng cộng 11 tàu các loại, trong đó có hai tàu săn ngầm Kronstadt mang số 271 và 274; 2 chiếc tàu rà mìn T-43 mang số 389 và 396 là có hỏa lực đáng kể. Các tàu còn lại là tàu chở quân hoặc tàu cá được vũ trang. Cuối trận hải chiến, Trung Quốc còn điều thêm hai tàu Kronstadt (281 và 282) nữa.

    Tàu hộ tống săn ngầm Kronstadt do Liên Xô sản xuất, kích thước tiêu chuẩn: dài 52 m, rộng 6,5 m, choán nước tối đa 380 tấn và vận tốc tối đa 24 hải lý/giờ (39 km/giờ). Tàu được trang bị 1 pháo 100 ly ở sân trước và 2 súng 37 ly ở sân sau, 2 giàn bom lặn chống ngầm và 2 giàn thả mìn. Thủy thủ đoàn chừng 60 người.

    Tàu rà mìn T-43 cũng do Liên Xô sản xuất, với kích thước chuẩn: dài 58 m, rộng 6,1 m, choán nước tối đa 610 tấn và vận tốc tối đa 17 hải lý/giờ (27 km/giờ). Tàu được trang bị pháo 85 ly.

    Bên cạnh đó, theo một số nguồn thông tin chưa kiểm chứng, Trung Quốc còn có lực lượng dự phòng gồm 4 xuồng tên lửa cao tốc lớp Komar do Liên Xô sản xuất; một số tàu khu trục, săn ngầm và một số lượng khá lớn máy bay MiG đóng tại đảo Hải Nam. Về khả năng Trung Quốc điều tàu tên lửa và cho máy bay không kích cụm đảo Lưỡi Liềm thì Thanh Niên Online sẽ có bài viết riêng. Ở đây, chúng tôi chỉ tạm đưa ra những thông tin chưa thể xác minh về lực lượng dự bị để bạn đọc tham khảo.

    Tương Quan

    Theo đánh giá của những người trong cuộc, lực lượng Việt Nam Cộng Hòa có vẻ nhỉnh hơn về mặt “tàu to súng lớn”. Cụ thể, các tuần dương hạm HQ-5 và HQ-16 có đại bác 127 ly, trong khi súng pháo lớn nhất của Trung Quốc chỉ khoảng 100 ly. Tàu của Việt Nam Cộng Hòa lớn hơn nhiều so với tàu của đối phương, do đó có sức chịu đựng lớn hơn. Tàu Hộ Tống Nhật Tảo (HQ-10), chiếc có hỏa lực yếu nhất và là chiếc nhỏ nhất của phía Việt Nam Cộng Hòa, khi đem so sánh với tàu Trung Quốc thì cũng đã tương đương, chỉ kém về tốc độ.

    Về quân số binh sĩ, có vẻ như phía Trung Quốc chiếm ưu thế, vì họ có một số tàu cá chở quân nhân, tàu chở quân. Lực lượng dự phòng của họ cũng có thể được tăng cường từ cụm đảo An Vĩnh, cách cụm Lưỡi Liềm vài chục hải lý. Tài liệu CIA mới được giải mật gần đây cho biết vào thời điểm trước trận hải chiến, Mỹ đã phát hiện Trung Quốc có hoạt động xây dựng hạ tầng ở đảo Phú Lâm thuộc cụm An Vĩnh.

    Theo cuốn Tài liệu Hải Chiến Hoàng Sa của Vũ Hữu San (cựu Hạm Trưởng HQ-4) và Trần Đỗ Cẩm, trong một trận hải chiến khi đôi bên gần nhau, cỡ súng lớn chưa chắc đã chiếm được lợi thế vì không tận dụng được tầm bắn xa, hơn nữa nhịp bắn lại chậm. Phần các chiến hạm Trung Quốc có vận tốc cao lại nhỏ nhẹ dễ vận chuyển nên chiếm được ưu thế trong lúc cận chiến, đặc biệt là trong một khu vực có nhiều đá ngầm, bãi cạn như Hoàng Sa. Các chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa không những vừa to, cao lại xoay trở tương đối chậm nên là mục tiêu rất dễ dàng cho địch thủ nhắm bắn.

    Theo tác giả Trần Đỗ Cẩm, do các chiến hạm Trung Quốc nằm rất thấp gần sát mặt nước nên rất khó bắn trúng. Trong khi các khẩu hải pháo Việt Nam Cộng Hòa nằm trên cao nên xoay trở rất khó khăn, có khi phải hạ cao độ xuống dưới đường chân trời mới có thể nhắm trúng mục tiêu nằm gần. Các chiến hạm Trung Quốc thấp hơn nên dễ dàng nâng cao độ của đại bác chừng dăm ba độ là đã có thể tác xạ hữu hiệu.

    “So sánh những sở trường và sở đoản của từng loại chiến hạm, trong trận hải chiến một chọi một tại Hoàng Sa, lực lượng đôi bên có vẻ tương đồng, việc hơn thua phần lớn sẽ do các cấp chỉ huy và tinh thần của thủy thủ đoàn quyết định. Tuy nhiên, kể về lực lượng trừ bị ứng chiến, phía Trung Cộng chiếm ưu thế tuyệt đối, nhất là về mặt Không Yểm”. Theo Tài liệu Hải Chiến Hoàng Sa.

    4. Nổ súng chống giặc


    Sơ đồ trận hải chiến theo mô tả trong sách Tài liệu Hải Chiến Hoàng Sa





    Hải chiến Hoàng Sa thực sự đã diễn ra như thế nào thì thật khó có một tường thuật chính xác. Đến nay, nhiều tài liệu quan trọng của Trung Quốc chưa được giải mật, ngoài những tài liệu được tô vẽ để phục vụ mục đích tuyên truyền. Phía chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã công bố nhiều tài liệu ngay sau trận hải chiến với mục đích tố cáo hành vi xâm lược của Trung Quốc, nhưng chỉ lược thuật khái quát trận đánh nên người đọc khó nắm bắt một cách chi tiết.

    Nhiều cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa từng tham gia trận đánh cũng đã kể lại diễn biến, nhưng đều giới hạn trong góc nhìn của cá nhân, những quan sát có được từ vị trí người đó đứng trong trận chiến, cộng thêm một số tài liệu mà người đó thu thập được. Các hồi ức cá nhân này đôi khi mâu thuẫn nhau, khiến những người chỉ tìm hiểu trận đánh qua sách vở đôi khi bối rối.

    Trong loạt bài này, chúng tôi tổng hợp nhiều nguồn, gồm tài liệu của Bộ Dân vận và Chiêu hồi Việt Nam Cộng Hòa, các sách viết về Hải chiến Hoàng Sa xuất bản ở hải ngoại, các bài viết đăng tải trên mạng, tài liệu lưu trữ tại Việt Nam cũng như phỏng vấn - trực tiếp và gián tiếp - một số nhân chứng là cựu quân nhân từng tham gia trận đánh.

    Đổ bộ giành lại đảo

    Hồi ức của các cựu Hạm Trưởng Vũ Hữu San và Lê Văn Thự đều cho biết tàu Việt Nam Cộng Hòa chủ động nổ súng vào tàu xâm lược Trung Quốc.

    Ông Lê Văn Thự, cựu hạm Trưởng HQ-16, nhớ lại: “Chiều ngày 18.1.1974, khoảng 6 giờ, Đại Tá Ngạc gọi máy cho tôi và ra lệnh cho tôi chỉ huy HQ-10, bằng mọi giá phải đổ bộ cho được toán người nhái lên đảo Quang Hòa...

    Đến tối ngày 18.1.1974, máy liên lạc âm thoại giai tần đơn bị Trung Cộng phá rối tần số, không liên lạc được. Tôi không thể gọi đại tá Ngạc, HQ-4 hay Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải. Tôi chỉ liên lạc được với HQ-10 bằng máy PRC-45 là loại máy truyền tin xách tay, chỉ liên lạc được trong vòng 10 hải lý.

    Sau khi nhận lệnh, tôi nghĩ chỉ còn cách đổ bộ toán người nhái vào ban đêm mới may ra lên được đảo, nhưng chưa chắc toán người nhái đã vào trót lọt được vì có thể tàu Trung Cộng theo dõi và liên lạc chỉ điểm cho người của họ trên đảo canh chừng để bắn khi người nhái vào bờ... Vì thế, muốn thi hành lệnh của Đại Tá Ngạc, tôi nghĩ chỉ còn cách là phải tiêu diệt tàu Trung Cộng trước rồi mới tính chuyện đổ bộ người nhái lên đảo sau”.

    Ông Thự kể rằng lúc này phía Trung Quốc điều thêm hai tàu nữa. Ông liền gọi cho thiếu tá Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng HQ-10, để bàn kế hoạch. Theo đó, HQ-10 và HQ-16 sẽ rời xa các đảo trong đêm, tắt hết ánh sáng trên tàu để địch không biết vị trí, vào sáng sớm sẽ tiến vào vùng lòng chảo bên trong cụm Lưỡi Liềm để tấn công chiến hạm Trung Quốc.

    Sáng sớm 19.1.1974, các chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa tiến vào vùng lòng chảo giữa cụm đảo. Theo hồi ức của Hạm trưởng San, lúc bấy giờ bốn tàu chiến của Trung Quốc mang các số hiệu 389, 396, 271 và 274 cũng tiến ra nghênh chiến. Lúc 6 giờ 48 phút, lực lượng đổ bộ bắt đầu được triển khai: toán Biệt hải trên HQ-4 đổ bộ mặt nam đảo Quang Hòa, toán Hải kích trên HQ-5 đổ bộ mặt tây nam đảo. Khi tiến vào đảo, họ đã bị quân Trung Quốc nấp trong công sự bắn ra. Lực lượng Việt Nam Cộng Hòa đáp trả bằng súng phóng lựu M79 và tiểu liên M16. Cuộc cận chiến trên đảo khiến trung úy Lê Văn Đơn và một thành viên tên Long của toán Hải kích tử trận, 2 thành viên khác bị thương. Toán Biệt hải cũng bị lực lượng Trung Quốc đông đảo uy hiếp. Đến khoảng 9 giờ 30, trước tình hình bất lợi, các lực lượng đổ bộ rút về tàu, mang theo những người bị thương và thi thể người tử trận. Như vậy, nỗ lực đổ bộ giành lại quyền kiểm soát tại đảo Quang Hòa của Việt Nam Cộng Hòa đã thất bại.

    Cũng theo tường thuật trong sách của cựu Hạm Trưởng Vũ Hữu San và tác giả Trần Đỗ Cẩm, từ 10 giờ 17 cho tới 10 giờ 24, các chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa di chuyển chiến thuật để lập một vòng cung phía Tây đảo Quang Hòa. Phân đội Bắc gồm HQ-16 và HQ-10 di chuyển tới Tây Bắc đảo, phân đội Nam gồm HQ-5 và HQ-4 di chuyển tới phía Tây đảo. Bốn tàu Trung Quốc lập tức bám theo.

    Chủ động khai hỏa

    Trận hải chiến chính thức khởi sự vào lúc 10 giờ 22 phút sáng 19.1. Theo Hạm Trưởng Vũ Hữu San, sau khi mệnh lệnh tác xạ của đại tá Hà Văn Ngạc được truyền đi từ trung tâm chỉ huy đặt trên HQ-5, tất cả các chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa đồng loạt nổ súng vào tàu Trung Quốc.

    “Lúc bấy giờ, tôi đứng trên đài chỉ huy với Hạm Trưởng San, nghe có lệnh bắn truyền xuống, ông Hạm Trưởng hét ‘bắn!’ đồng thời ổng điều chiếc tàu chạy quanh quanh để tránh đạn. Ngay thời khắc đầu tiên, do bị bất ngờ nên quân Trung Quốc thiệt hại nặng”, 40 năm sau cuộc chiến, ông Lữ Công Bảy, Hạ sĩ quan giám lộ tàu HQ-4, kể lại với phóng viên Thanh Niên Online.

    Do mục tiêu nằm trong tầm bắn nên các loại súng pháo 20 ly và 40 ly bắn rất hiệu quả, theo sách Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa của Vũ Hữu San và Trần Đỗ Cẩm. Tuy nhiên, các khẩu 76 ly của HQ-4 và 127 ly của HQ-5, HQ-16 có tốc độ bắn chậm hơn trong khi tàu Trung Quốc nhỏ bé và di chuyển rất linh hoạt thành ra rất khó ngắm trúng mục tiêu. Trong các chiến hạm của Việt Nam Cộng Hòa, chỉ có pháo của HQ-4 là điều khiển bằng điện; còn lại đều là hệ thống quay tay khá cổ điển nên việc “bắt chết mục tiêu” gặp nhiều trở ngại. HQ-10 là chiến hạm nhỏ nhất và chỉ còn một máy chính hoạt động nên xoay trở rất khó, giàn ra đa lại bị hỏng nên nhanh chóng rơi vào tình trạng nguy nan.

    “Lúc đó chính mắt tôi thấy rõ ràng chiếc tàu bên trái của Trung Quốc bị dính đạn. Một cụm lửa bùng lên rất to. Chiếc tàu mất hẳn trên màn hình ra đa. Có lẽ nó chìm tại đó luôn. Chiếc còn lại thì đâm đầu vô đảo chứ không dám rượt theo mình”, ông Bảy kể. Nhưng cùng lúc, phía Việt Nam Cộng Hòa cũng chịu tổn thất lớn lao. Chỉ khoảng 10 phút sau khi khai hỏa, HQ-10 đã bị loại khỏi vòng chiến. “Qua bộ đàm, bạn tôi là Vương Thương báo cáo HQ-10 trúng hai phát đạn pháo của Trung Quốc, Hạm trưởng Ngụy Văn Thà tử trận và hạm phó bị thương. Anh em trên đài chỉ huy HQ-10 toàn bộ đều bị thương hoặc chết. Sau đó thì không thể liên lạc được, chắc bên đó không còn ai giữ máy bộ đàm”.

    Ba chiếc tàu còn lại của Việt Nam Cộng Hòa cũng dính đạn, trong đó nghiêm trọng nhất là HQ-16 bị trúng một quả đại bác vào hầm máy phải, nước tràn vào khiến tàu nghiêng hẳn. Lúc bấy giờ, do Trung Quốc phá sóng truyền tin tầm xa nên việc liên lạc giữa tàu và Đà Nẵng là bất khả thi; các tàu chỉ có thể liên lạc với nhau bằng máy bộ đàm cầm tay PRC-25 khi ở cự ly gần.

    Sau khoảng 30 phút kể từ khi tàu Việt Nam Cộng Hòa khai hỏa, tình trạng lúc này là: phía Việt Nam Cộng Hòa có một tàu bị bắn cháy, nhiều người chết và bị thương; HQ-16 và HQ-5 hư hại khá nặng, HQ-4 cũng dính đạn nhưng hoạt động còn tốt. Phía Trung Quốc có một tàu bị bắn cháy, các tàu còn lại hư hại nặng, tổn thất nhân mạng không thể biết.

    Theo tài liệu Hoàng Sa - Lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa của chính quyền Sài Gòn cũng như hồi ức của cựu Hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San, Đại Tá Hà Văn Ngạc - Chỉ huy Trưởng chiến dịch trên biển - và một số người trong cuộc khác, trận hải chiến kết thúc vào lúc khoảng 11 giờ trưa 19.1.1974. Lúc này, Trung Quốc đang điều thêm tàu đến tiếp viện, trong đó có xuồng cao tốc Komar trang bị tên lửa. Nhận thấy tình hình quá bất lợi, phía Việt Nam Cộng Hòa đã ra lệnh triệt thoái các tàu còn lại về Đà Nẵng.

    Toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ đó rơi vào tay giặc.


    Châu Minh Linh
    Last edited by chimtroi; 04-05-2022, 11:42 AM.

  • #2
    19/01/16 - PHÓNG SỰ VIỆT NAM: Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn tưởng niệm chiến sĩ VNCH tron


    Lễ tưởng niệm 42 năm hải chiến Hoàng Sa đã được Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn cử hành trang trọng lúc 6 giờ chiều ngày 19 tháng 1 năm 2016. Những người tham dự buổi tưởng niệm ngậm ngùi nhớ lại lời tuyên cáo của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: Chừng nào còn một phần lãnh thổ ấy của Việt Nam Cộng Hòa bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực, thì chừng ấy chính phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chính đán của mình.
    Last edited by SVSQKQ; 01-20-2016, 09:32 PM.

    Comment


    • #3
      Xin phép post thêm:
      19/01/16 - PHÓNG SỰ VIỆT NAM: Buổi tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa ở Sài Gòn bị phá rối.

      Comment


      • #4
        30 phút đấu Pháo trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974


        30 phút đấu Pháo trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974


        Đúng 10h25 ngày 19/1/1974, Đại Tá Hà Văn Ngạc ra lệnh tấn công các chiến hạm Hải quân Trung Quốc nhằm tái chiếm Hoàng Sa. Hải pháo hai bên nã đạn trực tiếp không ngừng.

        Vì sao Trung quốc đánh chiếm Hoàng Sa

        Chuẩn bị cho trận chiến, Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải Việt Nam Cộng hòa đã thành lập Hải đoàn đặc nhiệm bảo vệ Hoàng Sa, gồm các chiến hạm và sĩ quan được bổ sung từ Bộ Tư Lệnh Hải Quân tại Sài Gòn. Chỉ huy Trưởng Hải đoàn đặc nhiệm là Đại Tá Hà Văn Ngạc.

        Các thập niên 1950, 1960 và 1970, Hải Quân Mỹ thường tân trang chiến hạm cũ từ Chiến tranh thế giới thứ II rồi viện trợ cho đồng minh ở châu Á như Đài Loan, Việt Nam Cộng Hòa, Philippines… Vũ khí, hệ thống điện tử, hệ thống điều khiển của tàu viện trợ đều lỗi thời. Trong khi đó, Liên Xô, Trung Quốc và một số quốc gia Đông Âu đã trang bị cho hải quân theo quan điểm đổi tiện nghi, trang bị điện tử để lấy ưu thế về tốc độ, vũ khí và dùng những chiến thuyền nhỏ tấn công các chiến hạm lớn.




        Trận chiến Hoàng Sa diễn ra chủ yếu trong lòng của vùng đảo Nguyệt Thiềm, chiến hạm Trung Quốc nhỏ, nằm sát mặt nước nên rất khó bắn trúng, đồng thời dễ dàng nâng cao độ của hải pháo, tạo thế tấn công hữu hiệu.

        Hải Pháo của chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa nằm trên cao so với hải pháo Trung Quốc nên khó xoay trở ở cự ly gần. Hơn nữa, khi Mỹ chuyển giao các chiến hạm cho Hải quân Việt Nam Cộng hòa, các trang bị tối tân như pháo 76,2 ly bắn nhanh tự động với hệ thống radar kiểm soát (radar control) và khóa mục tiêu (lock-on system) đã bị tháo gỡ hoặc không còn sử dụng được.

        Khẩu 127 ly trên các Tuần duyên Hạm của Việt Nam Cộng Hòa đều phải điều chỉnh bằng tay nên nhịp bắn rất chậm, chỉ hữu hiệu trong việc yểm trợ Hải Pháo.

        Trung Quốc có đủ tất cả lực lượng Hải, Lục, Không Quân và Tiềm thủy Đỉnh (tàu ngầm) túc trực, sẵn sàng tham chiến. Việt Nam Cộng Hòa chỉ có chiến đấu cơ tốt nhất là loại F5E, tầm hoạt động ngắn, đủ nhiên liệu bay ra Hoàng Sa rồi quay về mà không thể ở lại yểm trợ hoặc chiến đấu.


        Máy bay F5E của Việt Nam Cộng hòa chỉ đủ nhiên liệu bay ra Hoàng Sa rồi quay về. Ảnh tư liệu

        Tương quan lực lượng hai bên

        Hải quân Việt Nam Cộng Hòa

        Ngày 16/1/1974, Đại Tá Hà Văn Ngạc được Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải chỉ định làm Chỉ huy Trưởng Hải đoàn Đặc nhiệm bảo vệ Hoàng Sa. Hải đoàn Đặc nhiệm gồm:

        Tuần duyên Hạm Lý Thường Kiệt HQ16, có mặt tại Hoàng Sa vào ngày 15/1/1974. HQ16 có trọng tải 1.766 tấn tiêu chuẩn, 2.800 tấn tối đa. Hỏa lực của HQ16 gồm: 1 hải pháo 127 ly phía trước mũi, tốc độ bắn phát một, điều chỉnh bằng tay là 1-2 viên/phút tầm xa 17 km, đầu đạn nặng 25kg; 2 hải pháo 40 ly đơn bên trái và bên phải tại sân sau, tốc độ bắn 120-160 viên/phút, tầm xa 12,7 km; 1 hải pháo 40 ly đôi ở trên sân thượng phía trên khẩu 127 ly; 2 khẩu đại bác 20 ly ở hai bên hông đài chỉ huy, tốc độ bắn 800 viên/phút, tầm xa 2 km. Thủy thủ đoàn khoảng 200 người. Vận tốc là 21 hải lý/giờ. Hạm trưởng là Trung tá Lê Văn Thự.

        Tuần duyên Hạm Trần Bình Trọng HQ5, có mặt tại Hoàng Sa vào ngày 18/1/1974 cùng với biệt đội hải kích của Liên đoàn người nhái (lực lượng người nhái) gồm 49 quân nhân dưới quyền chỉ huy của Đại úy Nguyễn Minh Cảnh. Các đặc tính kỹ thuật và hỏa lực của HQ5 tương tự như của HQ16. Hạm trưởng của HQ5 là Trung tá Phạm Trọng Quỳnh.

        Các chiến hạm này được đóng trong thời gian từ 1942 cho đến 1945 và bàn giao cho Hải quân Việt Nam Cộng hòa vào những năm 1970 đến 1972. Khi chuyển giao, các Tuần duyên Hạm chỉ có hải pháo 127 ly, sau này Hải quân Việt Nam đã gắn thêm các ụ súng 40 ly đôi để tăng cường khả năng tác chiến. Hệ thống chống tàu ngầm cũng đã bị tháo gỡ khi bàn giao.

        Khu trục Hạm Trần Khánh Dư HQ4, có mặt tại Hoàng Sa vào ngày 17/1/1974 chở theo 27 Biệt Hải (lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Hải Quân VNCH). Chiến hạm này nguyên là Khu trục Hạm thuần túy có nhiệm vụ yểm trợ phòng không và chống tàu ngầm, sau Chiến tranh thế giới II đã được tân trang và gắn radar để trở thành loại chiến hạm chuyên dùng radar phát hiện hỏa tiễn địch. Trọng tải của HQ4 là 1.590 tấn tiêu chuẩn, 1.850 tấn tối đa. Vũ khí trên tàu gồm 1 hải pháo 76,2 ly ở sân trước có pháo tháp, tốc độ bắn phát một, điều chỉnh bằng tay là 1-2 viên/phút, tầm xa 12 km; 1 hải pháo 76,2 ly ở sân sau lộ thiên, tốc độ bắn tự động là 15 viên/phút và 1-2 viên/phút điều chỉnh bằng tay bắn phát một, tầm xa 12 km; 3 đại bác 20 ly tốc độ 800 viên/phút, tầm xa 2 km.

        Khi bàn giao tàu cho Việt Nam Cộng Hòa, hệ thống radar kiểm soát (radar control) và khóa chặt mục tiêu (lock-on system) đã bị tháo gỡ nên khả năng tác chiến không hơn gì các Hộ tống Hạm. Hệ thống chống tàu ngầm cũng đã bị tháo gỡ. Vận tốc tàu là 21 hải lý/giờ. Thủy thủ đoàn khoảng 175 người. Hạm Trưởng của HQ4 là Trung Tá Vũ Hữu San.

        Hộ tống Hạm Nhật Tảo HQ10 có mặt tại Hoàng Sa vào ngày 18/1/1974. Chiến hạm này nguyên là loại tàu được dùng để rà mìn ngoài đại dương, khi được chuyển giao đã cải biến thành tàu hộ tống. Trọng tải của HQ10 là 650 tấn tiêu chuẩn, 945 tấn tối đa.

        Vũ khí trên tàu gồm 1 hải pháo 76,2 ly ở sân trước, tốc độ bắn phát một, điều chỉnh bằng tay là 1-2 viên/phút, tầm xa 12 km; 2 hải pháo 40 ly đơn bên trái và bên phải tại sân sau, tốc độ bắn 120-160 viên/phút, tầm xa 12,7 km; hệ thống chống tàu ngầm gồm 2 giàn thả thủy lựu đạn ở sân sau và 1 giàn phóng thủy lựu đạn loại Hedgehog ở sân trước. Thủy thủ đoàn khoảng 80 người. Vận tốc 14 hải lý/giờ. Hạm trưởng HQ10 là Thiếu Tá Ngụy Văn Thà.

        Hải quân Trung quốc

        Hải quân Trung quốc được thành lập năm 1950 với các chiến hạm do Trung Hoa Dân Quốc để lại và sự giúp đỡ của Liên Xô. Thập niên 70, dù còn lạc hậu so với các cường quốc hải quân trên thế giới, Trung Quốc cũng có đủ 5 lực lượng chính: khu trục hạm, tiềm thủy đỉnh (tàu ngầm), Không quân thuộc Hải quân, Phòng duyên và Thủy quân Lục chiến. Nhiệm vụ của Hải quân Trung Quốc thời kỳ này bắt đầu chuyển từ “phòng thủ thụ động” sang “phòng thủ chủ động” và được xem như một thành phần quan trọng để xâm chiếm Đài Loan cũng như Hoàng Sa, Trường Sa.

        Lực lượng tham chiến của Hải quân Trung quốc trong trận Hoàng Sa bao gồm:

        Hai Hộ tống Hạm Kronstadt 271, 274. Hỏa lực mỗi chiến hạm gồm 1 hải pháo 100 ly ở sân trước, tốc độ bắn là 15 viên/phút, tầm xa 20 km; 2 đại bác 37 ly ở sân sau, tốc độ bắn 180 viên/phút, tầm xa 8,5 km. Thủy thủ đoàn khoảng 65 người. Vận tốc 24 hải lý/giờ.

        Hai Trục lôi Hạm cải biến T43 389 và 396 được thiết kế dựa theo các trục lôi hạm T43 của Liên Xô. Trọng tải của mỗi chiến hạm là 590 tấn tối đa; dài khoảng 60m, rộng khoảng 8,6m. Vũ khí trên mỗi tàu gồm 1 hải pháo 100 ly ở sân trước, tốc độ bắn là 15 viên/phút, tầm xa 20 km; 4 đại bác 37 ly ở sân sau, tốc độ bắn 180 viên/phút, tầm xa 8,5 km. Thủy thủ đoàn khoảng 40 người. Vận tốc 17 hải lý/giờ.

        Hai tàu đánh cá vũ trang đại bác 25 ly: 402 và 407.

        Hai tàu Hộ tống loại Hainan 281 và 282 đến Hoàng Sa vào trưa ngày 19/1/1974. Trọng tải của mỗi chiến hạm là 430 tấn tối đa; dài gần 59m, rộng khoảng 7,4m. Vũ khí trên mỗi tàu gồm hai khẩu 57 ly đôi và hai khẩu 25 ly đôi vận hành bằng tay; 4 giàn phóng rocket, mỗi giàn 5 ống phóng loại 81 (RBU-1200) gồm 50 rocket tầm xa 1.200m, đầu đạn nặng 34 kg.

        Hai Tàu ngầm loại Romeo Class S033 282 và 289 đến Hoàng Sa sau ngày 19/1/1974 hoạt động trong vùng nước cạn, được dùng trong công tác tuần tiễu và phòng thủ bờ biển. Trọng tải của mỗi tầu ngầm là 1.319 tấn (nổi) và 1.830 (lặn); dài khoảng 76,6m, rộng khoảng 6,7m. Vũ khí của mỗi tàu bao gồm 8 ống phóng ngư lôi (6 mũi, 2 lái) loại Yu-1, tổng cộng 14 ngư lôi, đầu nổ 400kg, có thể tấn công các chiến hạm ở tầm tối đa 9,2km và tối thiểu 3,7km. Tầm hoạt động: 2.000 hải lý hay 60 ngày. Thủy thủ đoàn khoảng 65 người.

        Trước giờ khai hỏa

        Diễn biến được coi là khởi đầu trận hải chiến vào ngày 11/1/1974, khi Trung Quốc tuyên bố quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và quần đảo Nam Sa (Hoàng Sa) thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Ngay lập tức, Ngoại Trưởng Việt Nam Cộng Hòa Vương Văn Bắc lên tiếng bác bỏ lời tuyên bố vô căn cứ và lên án hành động gây hấn của Trung quốc. Từ thời điểm này, liên tục có những diễn biến căng thẳng cả trên thực địa lẫn mặt trận ngoại giao đến khi cuộc nổ súng bắt đầu.

        10h, HQ16 đi tuần tiễu phát hiện trên đảo Cam Tuyền cắm cờ Trung Quốc và gần đó là một tàu đánh cá Trung quốc màu xanh xám, mang tên Nam Ngư, số 402, có đại bác 25 ly. Tàu HQ16 đã dùng quang hiệu yêu cầu tàu Trung quốc rời đảo nhưng tàu này không trả lời. Chiều cùng ngày, tàu Trung quốc mới rời khỏi đảo.Ngày 15/1/1974, Hải quân Trung quốc xâm phạm lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam khi đổ bộ chiếm đóng các đảo Quang Hòa, Duy Mộng và Cam Tuyền.

        Ngày 16/1/1974, Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc gửi công hàm cho Chủ Tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để lưu ý tình hình căng thẳng nghiêm trọng, có khả năng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, xảy ra bởi lời tuyên bố chủ quyền của Trung quốc.

        Sáng sớm hôm đó, HQ16 đi tuần và phát hiện trên đảo Quang Hòa có chòi canh, vọng gác cao gắn cờ Trung quốc cùng một chiến hạm Trung quốc di chuyển quanh đảo. HQ16 yêu cầu tàu này rút lui nhưng không có tín hiệu trả lời. Đảo Duy Mộng không có người nhưng có hai tàu nhỏ của Trung quốc ở gần bờ.

        Trưa 16/1, HQ16 đưa 16 nhân viên cơ hữu lên đảo Vĩnh Lạc để thám sát, phát hiện có mộ và bia đã đề chữ Hán. Lúc 15h35, HQ16 ghi nhận tại Tây Nam đảo Cam Tuyền có hai tàu đánh cá Trung quốc được vũ trang đại bác 25 ly, mang số 402 và 407.

        Ngày 17/1, Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa gửi công hàm cho Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đề nghị ban bố mọi biện pháp thích hợp để cải thiện tình hình. Trên thực địa, lúc 11h, HQ16 hoàn tất đổ bộ đoàn 15 nhân viên cơ hữu lên tăng cường giữ đảo Vĩnh Lạc. Nhóm này có nhiệm vụ phá hủy các tấm mộ bia và tổ chức phòng thủ trên đảo.

        15h cùng ngày, HQ16 đến đảo Cam Tuyền, án ngữ tại phía Đông Nam để yểm trợ cho HQ4 đổ bộ 27 Biệt Hải lên phía Tây đảo Cam Tuyền trong khi hai tàu Trung quốc 402 và 407 đang ở phía Nam đảo Cam Tuyền.

        18h, HQ4 phát hiện hai tàu Trung quốc Kronshtadt 271 và 274 từ đảo Quang Hòa tiến về đảo Cam Tuyền. HQ4 đã dùng quang hiện yêu cầu các tàu này rời đi, tàu Trung quốc cũng dùng quang hiệu trả lời rằng các đảo này thuộc chủ quyền của họ và yêu cầu chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa rút lui. Tiếp đó, các tàu này chạy quanh HQ4 và di chuyển chặn đầu chiến hạm, bất chấp quy tắc Hàng hải Quốc Tế.

        Ngày 18/1, một trong bốn tàu Trung quốc rời đảo Quang Hòa tiến về HQ4 lúc 4h30. Nhưng sau khi HQ4 tiến sát tàu địch thì tàu này rút lui về phía đảo Quang Hòa. 8h45, HQ16 phát hiện thêm một tàu Trung quốc di chuyển phía Đông Nam đảo Duy Mộng. Trên đảo đã thấy cờ Trung quốc.

        10h30, HQ4 hoàn tất đổ bộ đoàn 15 nhân viên cơ hữu lên tăng cường giữ đảo Cam Tuyền và rút tất cả 27 biệt hải trở về chiến hạm. Tàu Trung quốc mang số hiệu 407 tiến về phía HQ16.

        15h cùng ngày, Đại Tá Hà Văn Ngạc và HQ5 đến Hoàng Sa. Hải đoàn gồm HQ4, HQ5, HQ16 tiến về Quang Hòa với hy vọng có thể đổ bộ toán hải kích lên đảo. Hai tàu Trung quốc 271 và 274 tiến tới chặn đường. Hai bên liên lạc quang hiệu, xác nhận Hoàng Sa là lãnh hải của mình và yêu cầu phía bên kia phải rời ngay lập tức. Với hành động cố tình chặn đường có thể gây đụng tàu, Hải đoàn trở về phía Nam đảo Hoàng Sa, tiếp tục theo dõi chiến hạm Trung quốc.

        19h15, HQ5 phát hiện thêm hai chiến hạm Trung quốc loại T43 cải biến mang số 389 và 396.

        23h, Đại Tá Hà Văn Ngạc nhận lệnh tái chiếm đảo Quang Hòa một cách hòa bình. Vị Chỉ huy Trưởng chia Hải đoàn ra làm hai phân đoàn đặc nhiệm: Phân đoàn một gồm HQ4 và HQ5 do Trung Tá Vũ Hữu San, chỉ huy với nhiệm vụ có mặt tại phía Nam và Tây Nam đảo Quang Hòa để đổ bộ hai toán Hải Kích và Biệt Hải. Phân đoàn hai gồm HQ10 và HQ16 do Trung Tá Lê Văn Thự chỉ huy với nhiệm vụ giữ nguyên vị trí trong lòng vùng đảo Nguyệt Thiềm để yểm trợ cho việc đổ quân. Nếu cuộc đổ bộ không thành thì các chiếm hạm sẽ dùng hỏa lực tiêu diệt hai chiến hạm chủ lực của địch (271 và 274), còn quân Trung quốc sẽ là mục tiêu tấn công cuối cùng.


        19/1/1974 - Cuộc đấu pháo 30 phút

        7h sáng, HQ5 đổ bộ 22 hải kích lên bờ Tây Nam và HQ4 đổ bộ 27 Biệt Hải lên bờ Nam để tái chiếm đảo Quang Hòa nhưng thất bại trước hỏa lực quá mạnh của Trung quốc. Cũng trong thời gian này, tàu Trung quốc 402 và 407 tăng cường khoảng 2 đại đội lên bờ Đông Bắc đảo Quang Hòa.

        8h50 và 10h, Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải chỉ thị cho Đại Tá Hà Văn Ngạc tấn công tối đa vào các đảo. Nếu địch bắn phá, dùng mọi khả năng để chống trả. Nhận thấy chỉ thị này sẽ bất lợi cho hải đoàn vì chiến hạm địch có toàn lực trong lúc hải đoàn Việt Nam đang bị phân tán nên Đại Tá Hà Văn Ngạc đề nghị Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải cho triệt hạ tàu địch trước. Tư Lệnh đồng ý.

        10h, Chỉ huy Trưởng Hà Văn Ngạc ra lệnh rút Hải Kích và Biệt Hải. Các phân đoàn chuẩn bị tấn công tại các vị trí ấn định. Phân đoàn một gồm HQ4 và HQ5 đối đầu với hai hộ tống hạm 271 và 274 tại phía Tây Nam đảo Quang Hòa. Phân đoàn hai gồm HQ16 và HQ10 đối đầu với hai Hộ Tống Hạm T43 là 389 và 396 tại phía Tây Bắc đảo Quang Hòa.


        [IMG]HCHSa08-7983-1389814152.jpg[/IMG]
        Sơ đồ trận chiến theo mô tả trong sách Tài liệu Hải chiến Hoàng Sacủa Vũ Hữu San và Trần Đỗ Cẩm


        Cuộc tấn công của Phân đoàn 2 gồm HQ16, HQ10 diễn ra ở phía Bắc đảo Quang Hòa. Đúng 10h25, Đại Tá Hà Văn Ngạc ra lệnh tấn công các chiến hạm Hải quân Trung quốc tại Hoàng Sa. HQ16 và HQ10 đứng yên, mọi ổ súng lớn, nhỏ từ mũi tàu ra sau lái đều nhắm bắn vào tàu Trung quốc. Hải pháo giữa chiến hạm hai bên nã đạn trực tiếp không ngừng.

        10h35, HQ10 báo cáo Đài chỉ huy trúng đạn, Hạm Trưởng bị trọng thương, hầm máy bị cháy và ngập nước. Hạm Trưởng HQ16 ra lệnh cho Hạm Phó HQ10 là Đại úy Nguyễn Thành Trí lên thay quyền chỉ huy. HQ10 vẫn tấn công ào ạt vào chiếc 396 của Trung quốc đang tiến gần.

        10h45, chiếc 389 bị trúng đạn bốc khói mù mịt.

        10h55, chiếc 396 bị bắn không điều khiển được, đụng vào HQ10 rồi lại bật ra xa, bị trúng thêm đạn bốc cháy xoay vài lần rồi dạt vào bãi san hô Tây Bắc đảo Duy Mộng. HQ10 cũng bị thiệt hại nặng nề, bị trúng đạn và không thể điều khiển được.

        Trong khi đó, HQ16 bị trúng đạn lạc của HQ5, hầm máy bên phải ngập nước, vài phút sau, tàu bị nghiêng. Phòng vô tuyến liên lạc truyền tin bị gián đoạn vì mất điện. Nhận thấy không thể tiếp tục tham chiến, HQ16 rời khỏi lòng chảo, chạy về hướng Đà Nẵng.

        11h10, HQ10 bị bỏ lại. Hạm trưởng và một số nhân viên tử thương. Hạm Phó ra lệnh đào thoát.

        Cuộc tấn công của Phân đoàn 1 gồm HQ5, HQ4 diễn ra ở phía Tây Nam đảo Quang Hòa. 10h25, hải pháo 76,2 ly của HQ4 ở sân mũi gặp sự cố ngay từ phút đầu tiên và phải chờ sửa chữa. Việc này đã làm đảo lộn các dự tính của Đại Tá Hà Văn Ngạc. Tuy vậy, HQ4 vẫn tận dụng hỏa lực còn lại, tiếp tục bám sát mục tiêu của mình trong tầm đại liên.

        10h40, khẩu 76,2 ly của HQ4 ở sân lái sau bị hỏng bộ phận tấn công tự động nên phải điều chỉnh bằng tay, bắn từng phát một nặng nề và chậm chạp. Đại tá Ngạc đã ra lệnh cho HQ4 rút lui khỏi vòng chiến để sửa chữa và chỉ thị HQ5 yểm trợ cho HQ4 rút ra xa. HQ4 tuy bị trúng nhiều đạn nhưng máy móc chính và hệ thống truyền tin vẫn điều khiển tốt.

        10h55, chiếc 274 bị trúng đạn, bốc cháy và dạt vào bờ san hô phía Nam đảo Quang Hòa. Đa số súng trên HQ5 bị trở ngại, trừ khẩu pháo 40 ly bên trái, máy siêu tần không còn liên lạc được, máy truyền tin trên đài chỉ huy cũng bị trúng đạn bể nát, Đại Tá Ngạc phải vào Trung tâm chiến báo dùng máy VRC46 để chỉ huy.

        11h, chiếc 271 được chiếc 389 tiếp trợ, hợp lực quay lại tấn công HQ5. HQ5 bị trúng nhiều đạn nhưng phản công dữ dội khiến tàu địch thiệt hại nặng phải chùn lại.

        Nhận được tin báo tăng viện của địch sắp đến, với tình trạng HQ10 không thể sử dụng, HQ16 nước vào hầm máy, tàu bị nghiêng, HQ4 và HQ5 trúng nhiều đạn chỉ còn hỏa lực rất hạn chế, Chỉ huy Trưởng Hải đội Đặc Nhiệm ra lệnh cho HQ5 rút lui về hướng Đông Nam.

        Hai tàu địch cũng bị hư hỏng nặng nên rút về hướng Đông Bắc Hoàng Sa. HQ5 cùng HQ4 rút về hướng Đông Nam và tiến về Đà Nẵng.

        11h10, ba chiến hạm của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa buộc phải rút khi lực lượng tăng viện Hạm đội Nam Hải của Trung quốc nhập vùng (tàu hộ tống 281, 282 đến nơi sớm nhất, khoảng 30 phút sau khi Hải quân Việt Nam Cộng hòa rút). 15 nhân viên cơ hữu thuộc HQ16 bị kẹt lại đảo Vĩnh Lạc, 15 nhân viên cơ hữu thuộc HQ4 bị kẹt lại Cam Tuyền, các đảo của Việt Nam chỉ còn lực lượng quân đội trú phòng vệ, không còn Hải pháo yểm trợ.

        Toàn bộ quần đảo Hoàng Sa kể từ thời điểm này rơi vào tay Trung Quốc.

        Sau trận hải chiến, HQ10 không điều khiển được, bị bỏ lại và sau đó bị Trung Quốc đánh chìm; 3 chiến hạm (HQ4, HQ5, HQ16) bị hư hại; 74 binh sĩ hy sinh, 28 người bị thương và 48 người bị bắt làm tù binh khi Trung Quốc tăng quân đổ bộ lên chiếm các đảo vào ngày 20/1/1974.

        Về phía Trung Quốc, 2 chiến hạm (274 và 396) bị chìm hoặc dạt vào bãi san hô; 2 chiến hạm (271 và 389) bị thiệt hại nặng; không rõ số nhân viên bị thương và chết.


        Diễn biến sau trận chiến Hoàng Sa

        11h50 ngày 19/1/1974, hai chiến hạm tăng viện của Trung quốc 281, 282 nhập vùng tiếp cứu các chiến hạm thiệt hại và nhân viên Trung quốc bị thương, thiệt mạng. Hạm đội Trung quốc tiếp tục sử dụng hải, lục, không quân tấn công và chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, bắt 50 tù binh (có 1 người Mỹ). Các tù binh này sau đó được trao trả vào ngày 17/2.

        14h15 ngày 19/1/1974, HQ4 và HQ5 được lệnh quay lại Hoàng Sa tiếp cứu nhân viên đào thoát từ HQ10 đồng thời nhận được tin HQ16 sẽ được HQ6 hộ tống về Đà Nẵng.

        17h20 ngày 19/1/1974, HQ4 và HQ5 gần đến Hoàng Sa thì nhận được lệnh trở về Đà Nẵng.

        7h ngày 20/1/1974, HQ16 về đến vịnh Tiên Sa, cập cầu căn cứ Hải Quân Đà Nẵng.

        7h30 ngày 20/1/1974, HQ4 và HQ5 cập cầu thương cảng Thống Nhất, Đà Nẵng.

        Trong khi đó, ở trên bờ, 12h ngày 19/1/1974 Sư đoàn 1 Không Quân Việt Nam Cộng Hòa nhận được lệnh chuẩn bị cuộc hành quân đánh bom các chiến hạm Trung quốc tại Hoàng Sa. Sáng 20/1, Kế hoạch không tập các chiến hạm Trung quốc tại Hoàng Sa hoàn tất và lực lượng tham chiến thuộc Phi đoàn 538 sẵn sang chờ lệnh.

        Trưa hôm sau, kế hoạch dội bom các chiến hạm Trung quốc tại Hoàng Sa bị hủy bỏ.

        Nguyễn Hùng Cường

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X