Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Người Hà Nội Xưa

Collapse
X

Người Hà Nội Xưa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Người Hà Nội Xưa

    Người Hà nội xưa.

    nguon :CarolineThanhHuong/blogspot.com






    HÀ THÀNH THANH LỊCH


    Nền văn hóa thanh lịch của Hà nội, được hình thành, phát triển, và củng cố từ mấy trăm năm, qua bao nhiêu thế hệ tiếp nối nhau, vẫn phát huy rực rỡ dưới 80 năm đô hộ của thực dân Pháp , nhưng lại bị yểu tử dưới bàn tay của những người Cộng Sản …

    Hơn nửa thế kỷ trước, Hà nội được mệnh danh là đất “ngàn năm văn vật”, nơi đã trải qua “4,000 năm văn hiến”. Hà nội được xưng tụng là “Hà Thành thanh lịch”, đào tạo ra những “trai thanh, gái lịch”. Các “nam thanh, nữ tú” đã làm Hà nội hãnh diện bằng 2 câu thơ:

    Chẳng thơm cũng thể hoa nhài.
    Dẫu không thanh lịch, cũng người Tràng An

    Hà nội xa xưa, chỉ là một thành phố xinh xắn, hiền hòa, với 36 phố phường và 5 cửa ô. Phố xá Hà nội ngắn, gọn, và sạch sẽ, nhà cửa khang trang. Người Hà Nội hầu như quen biết nhau gần hết. Họ chung sống hài hòa, và đối xử với nhau lịch sự tới độ khách sáo. Khoảng cách giữa giàu và nghèo không chênh lệch là mấy.
    Hà nội còn nổi tiếng về các vùng phụ cận như làng Nhật Tân ven Sông Hồng, nhờ thổ nhưỡng đặc biết đã trồng được loại hoa đào đẹp nhất miền Bắc. Hoa đào Nhật Tân, sắc hồng thắm rực rỡ, cánh kép lâu tàn, nụ hoa chi chít trên cành. Ngày mùng một Tết, đào Nhật Tân nở rộ, những bông hoa tươi thắm còn ngậm sương mai, xen lẫn với các nụ hoa chúm chím, và lất phất những cánh lá non mươn mướt trên cành, trông đẹp vô tả. Theo dòng lịch sử, ngày mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu, khi vừa chiến thắng trận Đống Đa, vua Quang Trung vào thành Thăng Long, và đã tới ngay làng Nhật Tân để chọn một cành đào đẹp nhất, gửi về tặng Bắc Cung Hoàng Hậu, là công chúa Ngọc Hân.

    Hà Nội còn nổi danh với khu Khâm Thiên, nơi giải trí của các bậc thức giả phong lưu. Họ đã ngẫu hứng sáng tác ra những bài ca trù, cho các ả đào ngâm nga bên khay rượu. Giọng ngâm thơ, xen lẫn với tiếng trống chầu thưởng, phạt, khen, chê đã nâng cao trình độ nghệ thuật của một thú ăn chơi nửa thanh nửa tục. Nhiều bài hát ả đào đã nổi danh, được lưu truyền trong văn học, và làm phong phú thêm cho nền văn hóa Việt Nam.

    Hà Nội mang nhiều dấu ấn lịch sử, trải qua nhiều triều đại. Năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư, ra thành Đại La, đột nhiên thấy trên trời hiện ra đám mây mang hình dáng một con rồng đang bay lượn. Vua cho đó là điềm lành, nên đổi tên ra Thăng Long thành. Rồi tới đời vua Minh Mạng, năm 1831, lại đổi tên từ Thăng Long ra Hà Nội.

    Hồ Hoàn Kiếm, một danh lam thắng cảnh ở trung tâm Hà nội, ghi lại huyền thoại vua Lê Thái Tổ du ngoạn trên hồ, khi vừa đại thắng quân Minh, năm 1428. Một con rùa vàng trồi lên mặt nước, đòi lại thanh bảo kiếm, đã cho nhà vua mượn diệt giặc. Nhận được thanh kiếm, rùa bèn ngậm vào miệng, và lặn xuống đáy hồ. Vua Lê Thái Tổ bèn đặt tên cho hồ, là Hồ Hoàn Kiếm.

    Thăng Long thành còn ghi lại chiến tích oai hùng của trận Đống Đa, khi vua Quang Trung đại phá quân Thanh vào ngày mùng 5 Tết năm Kỷ Dậu, 1789, khiến Thái Thú Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự vận, và Tướng giặc Tôn sĩ Nghị phải bỏ cả ấn tín, tháo chạy về Tàu.

    Đất Hà Thành là đất địa linh nhân kiệt. Người Hà Thành tao nhã, lịch sự từ lời ăn tiếng nói, tới cách phục sức, và giao tế.

    Cái văn hóa của người Hà nội xa xưa, là hình ảnh của những người đàn ông phong lưu, lịch lãm, tề chỉnh mỗi khi bước ra khỏi cửa, là các bà nội trợ nề nếp, đảm đang, khăn nhung, áo lụa, khoe tài nữ công gia chánh qua những mâm cỗ thịnh soạn vào các ngày giỗ, ngày Tết, là các cô thiếu nữ duyên dáng, e ấp trong tà áo nhung, tấm khăn quàng, lên chùa lễ Phật buổi đầu năm. Người Hà nội, khi vui không sôi nổi, ồn ào, khi bất bình, giận dữ, biết kiềm chế lời ăn tiếng nói, để tránh xung đột.

    Cái thanh lịch của người Hà Nội không phải chỉ tập tành trong một sớm một chiều mà có được. Cái phong thái đó, phải có sẵn trong nếp nhà, từ trước khi đứa trẻ sinh ra đời, để rồi khi lớn lên, đứa trẻ cứ rập khuôn theo cái nếp có sẵn, mà học theo cách cư sử, phép giao tế, lời ăn tiếng nói, nếp sinh hoạt của những bậc trưởng thượng. Thêm vào đó, là sự theo dõi, uốn nắn, dạy dỗ của các bậc phụ huynh, để rồi khi tới tuổi trưởng thành, người con trai trở nên một thanh niên phong lưu, lịch lãm, mạnh dạn bước vào đời, và người con gái trở thành một thiếu nữ đức hạnh, đảm đang, có khả năng quán xuyến một gia đình mới.

    Có người nhận xét, người Hà nội khéo ăn khéo nói, nhưng không thực lòng, xử sự mềm mỏng nhưng thiếu chân tình, lịch sự, nhã nhặn nhưng ngầm kiểu cách. Có người còn nói, người Hà Nội coi trọng thể diện, giữ gìn mặt mũi, và sợ dư luận, nên họ sống cho người ngoài, nhiều hơn cho chính họ.

    Những nhận xét đó, không phải là sai. Ngày tôi còn nhỏ, mẹ tôi thường nhắc nhở: “ Ở trong nhà thiếu thốn, thì cũng chỉ có mình biết, nhưng bước ra ngoài, mà sử sự hẹp hòi, thì sẽ bị thiên hạ chê cười, làng nước đàm tiếu.” Bởi vậy, các khoản chi tiêu về giao tế như hiếu, hỷ, hay mọi đóng góp, mẹ tôi đều rất hào phóng. Để bù lại, bà thẳng tay cắt xén những khoản chi tiêu trong gia đình, kể cả khoản tiền chợ mỗi ngày. Mẹ tôi còn kể cho tôi nghe rằng ngày bà còn trẻ, trước khi đi ăn giỗ, ăn cưới, bà đều bị bà ngoại tôi ép ăn cơm trưóc ở nhà, để khi tới nơi, không vì đói mà ăn uống thô tục. Con gái của gia đình lễ giáo là phải …khảnh ăn, thanh cao, và đài các.

    Tôi đã từng theo mẹ tôi đi tham dự các buổi họp mặt với bạn bè của bà. Vừa ăn xong, là các bà tranh nhau trả tiền, để chứng tỏ rằng mình là người lịch sự, hào phóng, nhưng khi về nhà, thì lại ngồi tiếc tiền. Có lần tôi nghe bà bạn hỏi ý kiến mẹ tôi về cái áo choàng của chồng bà vừa mua tặng từ Hồng Kong. Mẹ tôi hết lời khen ngợi, nhưng khi bà khách vừa ra về, thì mẹ tôi lại nói với ba tôi là cái áo màu mè, coi thiếu thẩm mỹ. Tôi thắc mắc về thái độ này, thì mẹ tôi giải thích rằng: “chiếc áo đã lỡ mua rồi, không thay đổi được, thì can chi làm buồn lòng người khác !”
    Ngày còn nhỏ, tôi cứ phân vân, không biết những thái độ này là đúng hay sai, nhưng từ khi biết suy nghĩ, tôi lại thấy, có lẽ những cách xử thế này, đã góp phần không nhỏ trong việc kiến tạo cái xã hội thanh lịch của người Hà thành. Vì họ luôn muốn vui lòng người khác, trọng“thể diện”, và sợ tai tiếng, nên họ thận trọng từ lời ăn, tiếng nói, tới cách thức giao tế, và dạy dỗ con cái. Thà là bản thân và gia đình chịu o ép, thiệt thòi, chứ không để cho thiên hạ dị nghị, chê cười.

    Đó là những người Hà Nội của hơn nửa thế kỷ trước.

    Người xưa nói, “cùng một giống quýt, trồng ở Giang Nam thì ngọt, trồng ở Giang Bắc thì chua”. Như vậy, môi trường đã đóng góp không nhỏ vào việc hình thành phẩm chất của cây trái.

    Con người cũng vậy. Bản chất con người cũng thay đổi theo hoàn cảnh và môi trường sống. Sau khi đất nước bị chia đôi năm 1954, miền Bắc được giao cho CS, thì từ cảnh quang, tới con người Hà nội, đều mau chóng….bị phá sản. Nếp sống lễ giáo, gia phong của người Hà nội, bị CS lên án là “phong kiến”, “tiểu tư sản”, và hô hào từ bỏ, để học theo “nếp sống mới”.

    “Nếp sống mới” khai thác sức lao đông của con người. Nông trường và công trường được thành lập để mọi người tham gia lao động tập thể. Tà áo dài duyên dáng, thướt tha, được thay thế bằng quần đen, áo ngắn, vừa gọn gàng, vừa đỡ tốn vải. Có lao động mới được nhà nước bán cho 15 kí gạo mỗi tháng, đuợc mua nhu yếu phẩm theo giá quy định, và được phân phối 3 mét vải may quần áo mỗi năm. Văn chương, thi phú, và âm nhạc bị kết tôi là văn hóa nô dịch, văn chương tiểu tư sản, ủy mị, ru ngủ con người, nên bị cấm lưu hành và trình diễn. Vụ án “Nhân Văn Giai Phẩm” năm 1957, đã tận diệt các nhà trí thức, và các văn nghệ sĩ đòi hỏi quyền được tự do sáng tác. Nhà nước nắm quyền chỉ đạo văn hóa, xử dụng cho mục đích tuyên truyền và khích động đấu tranh. Bằng chính sách văn nghệ chỉ huy, CS đã bóp nghẹt tự do ngôn luận, và tước đi cái khả năng sáng tạo của người làm văn nghệ. Tôn giáo cũng bị bài xích, vì cho là thuốc phiện, làm mê muội trí óc.

    Tiếp thu Hà nội, CS chào mừng dân chúng bằng “Tuần Lễ Vàng”, kêu gọi mọi người đóng góp vàng và các quý kim, để nhà nước có tiền kiến thiết đất nước. Ban đầu, là tự nguyện, nhưng sau khi “ tuần lễ vàng” kết thúc, cán bộ ngầm tiếp xúc với những gia đình khá giả, rỉ tai hăm dọa và bắt buộc họ đóng góp theo mức ấn định của nhà nước. “Tuần lễ vàng” là hình thức cướp của, và bần cùng hóa nhân dân, giống như những đợt đánh tư sản tại miền Nam, năm 75, sau khi CS cưỡng chiếm.

    Ngay khi vừa ổn định, chính quyền CS đã có kế hoạch dồn những người Hà nội ra các vùng phụ cận thành phố, để lấy chỗ cho những người có công với cách mạng, từ các vùng nông thôn Hà Đông, Nam Định, và Ninh Bình vào nhập cư. Những người Hà nội còn sót lại, như cá nằm trên thớt, cố uốn mình để thích nghi theo nếp sống của những người mới nhập cư, mong được yên thân.

    Để củng cố thể chế, nhà nước đã đặt tai mắt khắp mọi nơi, mọi chỗ, ngấm ngầm chỉ định những người láng giềng, bạn bè, thân tộc, nhòm ngó, theo dõi lẫn nhau, để báo cáo cho chính quyền. Ngay cả các học sinh, cũng được cán bộ chỉ dẫn về nhà nghe lén những lời trò chuyện trong gia đình, để rồi báo cáo lại với thầy cô, tạo ra một bầu không khí ngột ngạt, bất an, nghi kỵ lẫn nhau trong gia đình và xã hội.

    Đợt cải cách ruộng đất trời long đất lở, vào những năm 54-56, đảng CS đã phá vỡ cái kỷ cương và lễ giáo của một xã hội đặt nặng đạo đức và nền tảng gia đình, của người dân miền Bắc. Để đạt chỉ tiêu, cán bộ đã bắt buộc, thúc đẩy, hăm dọa, để con cháu đứng lên đấu tố ông bà, cha mẹ, học trò tố khổ thầy, những tay chân thân tín kể tội chủ bằng những câu chuyện bịa đặt, các lời lẽ hỗn hào, thô lỗ, thậm chí “mày tao chi tớ”, “thằng này, con kia” bất kể tới tuổi tác và tôn ty trật tự, ngay trước mặt đám đông.

    Nhà nước giữ độc quyền quyết định và phân phối những nhu cầu sống căn bản của người dân như gạo, đường, muối, vải…. Trong thời kỳ kinh tế bao cấp, người dân triền miên sống trong tình trạng thiếu thốn, và trở nên thèm thuồng đủ thứ. Con người dần “biến chất”, trở thành ích kỷ, hẹp hòi, và ty tiện. Đi chơi xa, phải xách theo khẩu phần gạo của mình, nếu không, chỉ được ngồi nói chuyện xuông, nhìn gia đình chủ nhà ăn cơm, vì mỗi người chỉ có đủ khẩu phần gạo cho mình. “Bần cùng sinh đạo tặc”, xã hội nảy sinh ra nhiều tệ trang như tham nhũng, móc ngoặc, cắt xén, phe phẩy. Người ta sẵn sàng bán rẻ bạn bè, thân tộc, vì những quyền lợi vật chất nhỏ nhen. Con người mất hết nhân phẩm.

    Trong các sinh hoạt công cộng, những buổi học tập chính trị, diễn giả đã không ngần ngại dùng những từ ngữ … thiếu văn hóa “thằng này, con nọ”, “mày, tao, chi, tớ”. để khích động lòng căm thù của người nghe. Thậm chí, đến những câu vè, câu thơ, công cụ tuyên truyền, cũng mang đầy tính chất bạo lực đến… rợn người:

    “ Bún xào thịt giặc mới ngon.
    “Cơm chan máu địch cho con no lòng…”

    hoặc Giết! Giết nữa, bàn tay không phút nghỉ
    Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
    Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
    Thờ Mao Chủ tịch, thờ Stalin bất diệt“ (1)

    Được trưởng thành trong một môi trường… vô văn hóa, thiếu nhân bản, và tràn ngập hận thù như vậy, người dân dễ dàng trở nên hiếu động, hung hăng, sẵn sàng đỏ mặt, xăn tay áo gây gổ, mở miệng ra là chửi thề, dùng các danh từ thô lỗ “đéo…” “đếch…” để mở đầu câu chuyện. Xã hội cũng xuất hiện những hàng quán loại “cơm mắng, cháo chửi”, chẳng giống ai. Ở đây, khách hàng không phải là thượng đế, mà bị đối xử tàn tệ hơn cả … con ở. Nhiều người đã lập lại ngôn từ của bà chủ quán: “ Này ! không chờ được thì.. xéo đi, lấy chỗ cho người khác, đừng có đứng đó mà lải nhải…”, hoặc là “Mắt để ở trên trán hay sao mà xớn xác, không chịu nhìn. Nước mắm để ở góc bàn kia kìa…” Điều ngạc nhiên, là mỗi lần nghe chửi mắng, thì thực khách trong quán đã không tức giận, mà lại còn nháy mắt với nhau, và…rú lên cười. Người ta bảo, sở dĩ quán đông khách là vì các món ăn vừa rẻ, vừa ngon. Hóa ra, chỉ vì tham ăn, tục uống mà người Hà Nội bây giờ mất hết cả tư cách.

    Ăn uống ở Hà nội, thực khách xả rác vô tư. Những xương xẩu, giấy chùi tay, đàm rãi khạc nhổ đều dùng sàn nhà, ngay dưới chân. Cười nói, đùa rỡn quang quác như ở chỗ không người. Ra đường, muốn đi tiểu thì quay đi quay lại, thấy vắng người là vạch quần …xả xú bắp.

    Về cảnh quang, Hà nội ngày nay, không còn là một thành phố hiền hòa và sạch sẽ như nửa thế kỷ trước. Cho dù, Hà nội đã có những tòa cao ốc chọc trời, những sân golf trưởng giả, những khách sạn nguy nga, nhưng sự phát triển của Hà nội, là sự phát triển không đồng đều, và thiếu kế hoạch. Khu giàu sang sát ngay bên khu nghèo khó, giống như một cái áo cũ mang nhiều miếng vá khác nhau. Hệ thống thoát nước không được phát triển song hành, nên sau mỗi trận mưa lớn, là thành phố ngập lụt, gây trở ngại giao thông. Cảnh sống tập thể của 5, 7 gia đình trong một căn nhà, đã thường xuyên xảy ra xung đột, xô xát, gấu ó lẫn nhau. Vì cảnh “cha chung không ai khóc”, nên không ai quan tâm tới việc tu bổ hoặc bảo trì nhà cửa. Vôi tường tróc lở, mái ngói rêu phong, cửa nẻo xộc xệch, quần áo phơi kín ban công. Ngoài phố xá, thương buôn ngồi la liệt chật kín vỉa hè, xả rác vô tội vạ, bất chấp khách bộ hành. Trên trời, đường dây điện chằng chịt như bát quái trận đồ. Dưới lòng đường, xe cộ quá tải, bụi bậm mờ mịt, khói xe đầy trời, tạo nên nạn ô nhiễm môi trường.

    Người Hà nội ngày nay, giàu nghèo cách biệt như hai thái cực. Giai cấp giàu có tụ tập trong những khu sang trọng, ở nhà cửa kiến trúc theo kiểu Âu Mỹ, có bảo vệ giữ an ninh, có xe hơi sang trọng, có con cái ra ngoại quốc du học, và khi đau ốm, thì bay sang các nước tân tiến điều trị. Giai cấp nghèo thì buôn gánh bán bưng, ăn bữa sáng lo bữa tối, sống trong những căn nhà lụp xụp, bên đống rác. Sư cách biệt vật chất, tạo nên tình trạng phân hóa trong xã hội.

    Thương buôn ở Hà nội ngày nay đã biết mánh mung, lừa lọc, làm hàng giả, hàng nhái, pha trộn hóa chất vào thực phẩm để trục lợi. Du sinh sang Nhật, móc nối với tiếp viên hàng không, ăn cắp mỹ phẩm trong siêu thị, mang về VN bán kiếm lời. Nữ sinh đánh lộn, xé quần áo, lột trần nhau giữa chốn thanh thiên bạch nhật. Thanh niên giựt bóp, cướp xe ngay giữa ban ngày…

    Bảy mươi năm trời, vận nước oan khiên đã đưa Hà nội vào vòng tay sắt máu của chế độ CS, khiến Hà nội bị… phá sản, cả về hình thức, lẫn nội dung. Nền văn hóa của Hà nội hiện nay, là loại “văn hóa chợ trời” do cuộc sống sô bồ, chụp giựt. Các nam thanh nữ tú, cũng được thay thế bằng các chị cán bộ cục mịch, dữ dằn, và các anh thanh niên vai u, thịt bắp, chửi thề như …pháo nổ.

    Trở về thăm cố hương, những người Hà nội năm xưa, không khỏi ngậm ngùi, tiếc nuối cho một nền văn hóa đã từng vang bóng một thời, và dư âm còn kéo dài cho tới ngày nay. Và rồi đây, nếu chế độ CS còn tồn tại, thì nền văn hóa “Hà Thành thanh lịch” năm nào, sẽ dần đi vào quên lãng với thời gian.

    Đoan Nghi
    (1) Trăm Hoa Đua Nở trên đất Bắc, trang 37

  • #2
    Phố thịt chó Nhật Tân đóng cửa vì quả báo sát sanh

    Hoa đào Nhật Tân (Hà Nội) đẹp nhưng làng Nhật Tân còn nổi tiếng là nơi bán và ăn thịt chó..... Thời đại tiến bộ Internet đã mở mang kiến thức giới trẻ ở VN và với ý thức mới, phần đông những người trẻ VN ngày nay đã từ bỏ việc ăn thịt chó mèo, coi đấy là những thói xấu, dã man của lớp ông cha ngày trước.

    Phố thịt chó Nhật Tân đóng cửa vì quả báo sát sanh

    Phố thịt chó Nhật Tân (Hà Nội), với 50 nhà hàng, tấp nập khách nhậu ngày đêm giờ chỉ còn duy nhất một nhà hàng hoạt động cầm chừng vì vắng khách. Vì sao thương hiệu thịt chó Nhật Tân biến mất là câu hỏi nhiều người quan tâm.

    Tôi vòng đi vòng lại mấy lần phố Nhật Tân, tìm quán thịt chó Trần Mục, nơi mà dân nhậu Hà thành không ai không biết, vì nó là thương hiệu quá nổi tiếng, nhưng không thấy đâu cả.

    Hỏi chị bán hàng nước, chị chỉ ngôi nhà ngay cạnh bảo: “Trần Mục thịt chó đây anh này”.
    Đó là ngôi nhà 2 tầng với vách tôn, mái tôn, cổng rả đóng kín, bụi phủ trắng nhợt, thậm chí cỏ mọc thành bụi từ những kẽ nứt trước nhà. Chị bán hàng nước bảo: “Cả phố Nhật Tân chỉ còn mỗi quán Anh Tú Béo thôi, không có quán nào khác cho anh lựa chọn nữa đâu”.



    Phố Nhật Tân giờ không còn thịt chó

    Tôi hỏi lý do vì sao quán thịt chó Trần Mục quá nổi tiếng, mà lại đóng cửa, chị bán nước bảo: “Mấy chục quán thịt chó ở đây đều phá sản hết anh ạ. Dù họ giàu có cỡ nào, nhưng làm công việc sát sinh, mà lại giết hại con vật nuôi yêu quý của con người, nên đều không có kết cục tốt. Bà Xìu chủ quán Trần Mục chuyển nghề rồi, giờ buôn bán bất động sản”.

    Chị chủ quán nước chỉ tòa nhà màu vàng bên kia đường và bảo đó chính là nhà bà Nguyễn Thị Xìu, vốn là chủ quán thịt chó Trần Mục. Tòa nhà lớn ngay mặt đê quả là trụ sở một doanh nghiệp, chuyên môi giới bất động sản.

    Người đàn bà độ ngoài 60 tuổi, dáng vẻ chậm rãi, khuôn mặt phúc hậu, miệng hay cười tiếp đón niềm nở. Bà vồn vã mời tôi vào phòng khách, pha nước, mà không hỏi là ai, đến có việc gì, như phần lớn gia chủ khác khi có khách lạ đến gặp. Đó chính là tính cách thân thiện của người Hà Nội gốc. Khi tôi hỏi chuyện vì sao thương hiệu thịt chó Nhật Tân biến mất, bà Nguyễn Thị Xìu không vào ngay chuyện. Bà nhớ lại một thời vàng son của Trần Mục quán, cùng phố thịt chó Nhật Tân thơm lừng thịt chó, mắm tôm.



    Quán thịt chó Trần Mục đóng cửa mấy năm nay - Quán thịt chó Trần Mục giờ phủ bụi, cỏ mọc


    Theo bà Xìu, thịt chó Trần Mục chính là quán đầu tiên của phố Nhật Tân. Vào khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi đó, vùng đất ngoài đê sông Hồng còn hoang vu, cỏ cây lau lách, dân cư thưa thớt. Chồng bà, ông Trần Mục đã cắm một mảnh đất ven đê, dựng mái lều tranh, viết tên mình gắn với món thịt chó lên cái mẹt, rồi cắm triền đê. Không ngờ, quán lá ven sông giữa bốn bề lau lách, lại hấp dẫn thực khách đến vậy. Khách tìm đến quán thịt chó Trần Mục ngày càng đông. Người Hà Nội tìm ta tận ngoại thành để hưởng hương đồng gió nội. Khách tỉnh xa qua cầu Thăng Long cũng dừng lại triền đê thưởng thức thịt chó Trần Mục, hít thở gió sông Hồng.

    Công việc kinh doanh ngày càng phát đạt, nên ông Trần Mục phá căn lều nhỏ, dựng ngôi nhà hai tầng, rộng mấy trăm mét vuông. Thời vàng son kéo dài suốt hai chục năm. Mỗi ngày quán Trần Mục đón 600 - 1,000 thực khách. Ông Mục phải thuê tới 50 nhân viên, làm việc từ 4h sáng đến 23 giờ đêm để phục vụ khách.

    Để có thể đáp ứng nhu cầu thực khách, mỗi ngày quán giết mổ từ 100 đến 150 con chó.

    Gia đình bà Xìu chuyển sang làm những nghề khác

    Bà Xìu nhớ lại: “Quán Trần Mục đông đến nỗi, nhà hàng rộng vậy mà không đáp ứng nổi. Những ngày cuối tháng, quán chỉ nhận phục vụ những khách đặt trước. Chuông điện thoại đặt hàng reo inh ỏi suốt ngày, đến nỗi tôi phải rút điện thoại ra, để khỏi phải nghe nữa”.

    Thấy nhà hàng Trần Mục quá đông khách, kiếm bộn tiền, hàng loạt nhà hàng thịt chó dọc con đê mọc lên. Thời cao điểm, vào năm 1995 đến 2005, khu vực ngoài đê Nhật Tân có tới 50 quán thịt chó. Cứ chiều xuống, con phố lại chìm trong làn khói mờ ảo của những lò thui chó, những xiên chả nướng chó. Nhưng đó là chuyện của vài năm trước. Giờ thì cả con đê Nhật Tân, chỉ còn lại mỗi quán Anh Tú Béo.

    Tôi cắt ngang hồi tưởng của bà Xìu bằng câu hỏi: “Nghe đồn bà đóng cửa quán vì sợ sát sinh loài vật thân thiết với con người?”. Bà Xìu bảo, bà không tin vào chuyện mê tín, nhưng chuyện bà đóng cửa quán, nghỉ bán thịt chó, cũng có phần lớn là vì nỗi sợ hãi vô hình đó. Theo lời bà Xìu, chính chồng bà, ông Trần Mục là người gây dựng nên thương hiệu thịt chó Trần Mục nói riêng và thịt chó Nhật Tân nói chung, tuy nhiên, khi quán hoạt động được vài năm, đúng lúc thịnh vượng, thì ông Mục đòi đóng cửa quán, không làm công việc sát sinh này nữa.

    Ông Mục bảo rằng, "không ai làm giàu nhờ sát sinh được, nhất là làm giàu trên sự chết chóc của loài chó". Tuy nhiên, khi đó, việc kinh doanh thịt chó đang rất thịnh vượng, mang lại tiền bạc như nước, nên bà Xìu không chấp nhận đóng cửa quán. Không thuyết phục được vợ, ông Mục bỏ mặc quán cho vợ quản lý, còn ở nhà trông cháu, chăm sóc cây cối vui tuổi già. Mình bà Xìu phải vật lộn với việc quản lý quán thịt chó. Bà phải tự tay pha chế thịt chó mới đảm bảo chất lượng.

    Nghe chồng nói nhiều về chuyện không có hậu trong nghề kinh doanh thịt chó, rồi bà chứng kiến nhiều người làm nghề giết mổ và đón nhận kết cục không tốt đẹp, nên bà Xìu cũng hoang mang. Bà không dám tự tay giết chó nữa, mà sai nhân viên làm việc đó. Để giải bớt nghiệp cho mình và gia đình, bà Xìu đi lễ rất nhiều nơi. Mỗi năm, bà đi hàng chục ngôi chùa, cúng lễ rất chu đáo, đốt vô số vàng mã cúng cho linh hồn loài chó. Bà Xìu tin rằng, do bà đi lễ cẩn trọng, nên đại gia đình bà mới không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, những điều xảy đến với sức khỏe, khiến bà cũng phải bận tâm suy nghĩ. Mấy năm trước, dù hàng loạt quán thịt chó ở Nhật Tân đã đóng cửa, song quán Trần Mục có thương hiệu, nên vẫn rất đông khách.

    Đúng thời điểm đó thì bà mắc nhiều thứ bệnh như cao huyết áp, thoái hóa các khớp khiến bà không đi nổi, đôi mắt cứ mờ dần phải tiến hành mổ gấp mới không bị mù… Thời điểm đó hầu như tháng nào bà cũng phải đi viện vài lần. Nỗi sợ hãi về việc sát sinh loài chó đã nhen nhóm xuất hiện trong đầu bà và đại gia đình. Chồng, con ra sức ngăn cản bà, yêu cầu bà đóng cửa quán thịt chó. Nhưng chỉ đến khi ngã gãy tay, phải bó bột, không tự tay pha chế được thịt chó nữa, bà mới sực tỉnh, sợ hãi thực sự. Cái lần ngã rất nhẹ mà gãy tay, đã khiến bà suy nghĩ nhiều, rồi quyết định đóng cửa thương hiệu thịt chó Trần Mục nổi tiếng, mà không một chút lưu luyến nào nữa.

    Phố thịt chó biến mất

    Như đã nói ở kỳ trước (phần trên), bà Nguyễn Thị Xìu, chủ quán chó Trần Mục nổi tiếng nhất Hà Nội, dù đang lúc ăn nên làm ra, vẫn quyết định đóng cửa quán, bởi những lo âu hư hư thực thực. Theo bà Xìu, những người con của bà đều không theo nghiệp kinh doanh thịt chó, mà làm những lĩnh vực khác. Bà không tin vào chuyện đen đủi do sát hại chó, nhưng có một điều bà nhận thấy, là nhiều gia đình trở nên lục đục, không có hậu khi làm nghề này. Nỗi sợ hãi nghề sát sinh loài vật thân thiết với con người sẽ không có hậu bao trùm các gia đình kinh doanh thịt chó ở Nhật Tân, nên hễ nhà nào làm ăn khá giả, có đủ vốn, là họ đóng cửa quán, đi làm thứ khác.

    Rời nhà bà Xìu, tôi tạt vào quán nước của bà Minh, cách quán thịt chó Anh Tú Béo không xa. Quả thực, những bà chủ quán nước là cái túi đựng thông tin kiểu truyền miệng quanh vùng. Bà Minh khoe rằng, bà đã bán hàng nước ở con phố thịt chó này được ngót 20 năm, từ khi quán Trần Mục và Anh Tú Béo mở ra, rồi cả đoạn đê thành phố thịt chó. Giờ các quán đã phá sản, đóng cửa hàng loạt, chỉ còn mỗi quán Anh Tú Béo vắng teo khách, bà vẫn kiên trì ngồi bán hàng nước, dù khách chẳng còn mấy. Quán thịt chó đóng cửa sạch sẽ, khách không đến nữa, thu nhập của bà cũng giảm.

    Tôi hỏi: “Bác có biết vì sao các quán thịt chó ở Nhật Tân đóng cửa hết không ạ?”. Bà Minh oang oang: “Trời ạ, làm cái nghề giết chóc ghê rợn ấy thì làm sao mà có hậu được hả cậu? Mấy gia đình kinh doanh thịt chó không gặp chuyện nọ, thì cũng vướng chuyện kia. Dù họ có nhiều tiền như nước thì cuối cùng cũng hết sạch thôi. Của thiên trả địa mà. Cũng có nhiều gia đình giàu lên nhanh chóng, nhưng lục đục lắm, vợ chồng đánh lộn, con cái hư hỏng cả”.

    Bà Minh bấm đốt ngón tay từng gia đình kinh doanh thịt chó, như ông M., bà K., anh V., chị H… Mỗi gia đình bà đều kể vanh vách từ khi mở quán, ăn nên làm ra hay phá sản, đóng cửa ra sao.

    Trong mấy chục gia đình kinh doanh thịt chó không có hậu, tôi ấn tượng với câu chuyện về ông S., chủ quán thịt chó A.X. một thời làm ăn thịnh vượng ở phố Nhật Tân. Nếu so về thương hiệu, thâm niên, thì quán thịt chó A.X. không nổi tiếng bằng Trần Mục và Anh Tú Béo. Ông chủ quán là người làng Trung Hòa, trước kinh doanh cá sông, gà đồi. Thấy mấy nhà hàng thịt chó ở Nhật Tân phục vụ khách không xuể, ông này đóng cửa nhà hàng ở Trung Hòa, thuê địa điểm rồi mở quán thịt chó ở Nhật Tân. Do có kinh nghiệm chế biến thịt chó, địa điểm quán lại đẹp, nên quán thịt chó A.X. nhanh chóng thu hút thực khách, làm giàu nhanh chóng. Ông này thuê tiếp địa điểm và mở quán thứ hai cũng với thương hiệu đó.

    Tuy nhiên, đúng lúc công việc kinh doanh thịt chó phất lên, thì vận rủi liên tiếp đổ xuống gia đình ông. Đầu tiên là chuyện xảy ra với người con trai lớn của ông, là người ông hướng theo nghề, tiếp tục nối nghiệp cha quản lý, kinh doanh thịt chó.

    Để có chó xịn, thịt ngon, nhiều khi anh này phải lên tận Phú Thọ, Sơn La để chọn chó từ những lái buôn. Những con chó được làm thịt chỉ là chó dé, lông vàng, nặng trên dưới 10kg, sống ở vùng Trung Du, miền núi phía Bắc. Thịt loài chó này nạc, ngọt, mềm, thơm. Chính sự cầu kỳ đó mà quán A.X., sinh sau đẻ muộn, song lại hút khách không kém.

    Vào năm 2000, khi người con trai của ông chủ này đang tóm con chó từ lồng ra để đập chết, làm thịt, thì vô tình bị con chó này cắn vào tay. Vết cắn xước nhẹ nên anh này chẳng thèm để tâm. Chuyện nhân viên giết mổ chó bị chó cắn thường ngày, chẳng ai đi tiêm phòng. Thế nhưng, thật đen đủi, khi con chó cắn anh ta lại là chó dại. Chừng tháng sau, anh này lên cơn, sùi bọt mép và chết trong bệnh viện nổi tiếng ở Singapore. Dù ông bố đã đổ ra cả đống tiền, đưa con ra nước ngoài điều trị, song vẫn không cứu được con.

    Vận hạn tiếp theo đổ lên gia đình ông, là bà vợ bị tai biến, nằm liệt. Mặc dù chuyện bệnh tật là đen đủi, vận hạn, nhưng nghe nhiều người can dán, ông đã đóng cửa vĩnh viễn cả 2 quán thịt chó A.X ở Nhật Tân. Bao năm nay, ông chủ quán thịt chó A.X. thay vì giết chó, thì chú tâm đi chùa, giải nghiệp.

    Cũng theo bà chủ quán nước tên Minh, thì rất nhiều gia đình kinh doanh thịt chó ở đây không có hậu. Phần lớn là phá sản, thất bại về tiền bạc.

    Có gia đình con cái dính vào lô đề, cá cược, cờ bạc, nghiện ngập, nên dù làm ra bạc tỉ cũng trắng tay. Nhiều gia đình bỏ xứ trốn đi nơi khác vì bị bọn giang hồ tróc nợ. Có gia đình cũng vì nỗi sợ hãi nghiệp sát sinh, như ông G., bà D., đã đóng cửa quán, rồi đầu tư vào bất động sản. Tuy nhiên, mấy năm nay đất cát xuống giá thảm hại, nên không những họ đều trắng tay, mà thành con nợ.

    Bà Nguyễn Thị Xìu, chủ thương hiệu thịt chó Trần Mục cũng bảo: “Dù tôi nghỉ đã mấy năm nay, nhưng vẫn thường xuyên nhận điện thoại đặt hàng của khách. Kinh doanh thịt chó rất có lãi, nên dù ít khách hơn xưa, nhưng chắc chắn không lỗ được. Tuy nhiên, ai cũng sợ hãi nghiệp báo sát sinh nên không dám tiếp tục kinh doanh thịt chó nữa”.

    Như vậy đã rõ, vì nỗi sợ hãi vô hình, liên quan đến nghiệp báo, sát sinh trong thuyết giáo nhà Phật, mà mấy chục quán thịt chó Nhật Tân bỗng dưng biến mất.

    Phóng sự của VTC 14


    **************************************

    Giải mã làng Thịt Chó - Không Ai Dám Giết Chó

    (VTC News) - Họ sợ hãi cái thuyết nhân quả, gánh nghiệp sát sinh, nên không ai dám mổ chó nữa.

    Ông Thủ Từ Hồ Xuân Đức, người trông coi, hương khói đền Giang Xá ở đầu làng Cao Hạ (xã Đức Giang, Hoài Đức, Hà Nội) bảo rằng: “Nói chuyện này cậu không tin, nhưng có một thực tế là ở làng Cao Hạ không có ai dám cầm chày đập chết con chó, cầm dao chọc tiết nó đâu. Cùng lắm họ chỉ dám thui chó, mổ bụng, làm lòng, khi thợ đã giết chó rồi.




    Ngày xưa, việc giết chó tự tay người Cao Hạ làm, nhưng nhiều chuyện xảy ra lắm, nên không ai dám làm cái việc sát sinh ấy nữa. Nhưng đất chật, người đông, không mổ chó thì lấy gì mà sống, nên họ vẫn phải duy trì lò mổ. Có điều, họ không trực tiếp giết chó, mà thuê thợ giết mổ từ nơi khác về. Người dân làng Cao Hạ trả công vài trăm ngàn mỗi ngày nên thuê được rất nhiều thợ. Mà với số tiền hậu hĩnh như vậy, thì nhiều người dám cầm chày đập con chó, cầm dao chọc cổ nó”.

    Nghe ông Đức nói vậy, tôi không tin lắm, nhưng quả thực, đến các lò mổ ở Cao Hạ, từ lò mổ lớn, đến bé, song không có bất cứ thợ giết mổ nào là người Cao Hạ. Thợ mổ đều được thuê từ các tỉnh khác như Thái Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc... Đông nhất vẫn là người Thanh Hóa. Ở Đông Sơn (Thanh Hóa), có một ngôi làng, mà cả làng đi buôn chó xuyên quốc gia và đi giết mổ chó mướn ở khắp nơi. Người nọ rủ người kia, nên có đến mấy chục thợ ở Đông Sơn hành nghề giết chó thuê ở Cao Hạ. Lang thang tìm hiểu ở làng mổ chó Cao Hạ, tôi được nghe người dân kể rằng, người Cao Hạ đi đến đâu cũng bị chó sủa, chó cắn. Mặc dù ngôi làng đang yên tĩnh ban trưa, nhưng người Cao Hạ đi qua, là chó sủa dậy làng. Người ta đồn rằng, người Cao Hạ là khắc tinh của loài chó, mà chó là loài rất thính nhạy, nên cảm nhận được.

    Trong thời gian tìm hiểu về nghề giết mổ chó ở làng Cao Hạ, tạt vào chùa Cao Hạ, tôi thấy người vào ra nườm nượp, khói hương nghi ngút, vàng mã khắp nơi. Vàng mã đủ hình 12 con giáp, gồm Trâu, Chó, Ngựa, Dê, Rồng, Chuột…

    Tôi nhận ra bà D., một chủ lò mổ chó lớn nhất nhì làng Cao Hạ. Bà D. tuy đã 56 tuổi, nhưng ăn mặc khá thời thượng, ra dáng một bà chủ lớn. Bà có một tòa biệt thự ở trong làng, cùng một nhà nghỉ Hà Nội. Tất cả gia sản đó đều từ con chó mà ra. Cũng như những gia đình khác ở Cao Hạ, bà D. rất sợ gặp vận rủi với nghề sát sinh. Mỗi năm, vào những ngày rằm, mùng 1, ngày lễ, bà đều chuẩn bị lễ lạt chu đáo rồi cúng tế hàng giờ ở chùa Cao Hạ.

    Người cúng giải hạn cho bà D. chính là thầy Thích Thanh Thủy, trụ trì chùa Cao Hạ. Tôi tiếp chuyện, nhưng bà từ chối cung cấp thông tin. Hầu hết người dân ở làng Cao Hạ đều không muốn nói về công việc sát sinh của mình. Bản thân bà, dù đã giàu có lắm rồi, nhưng nỗi mất mát còn lớn hơn. Người chồng đầu ấp tay gối đã chết vì nghiệp giết chó. Con cái phương trưởng, làm các nghề khác, không theo nghề mổ chó. Bao năm nay, bà sống cô đơn một mình trong tòa biệt thự, nhưng buồn vô hạn. Bà đang sống trong khổ đau, dằn vặt, vì bà tin rằng, trăm ngàn kiếp nữa, bà phải chịu quả đau đớn, vì đã sát hại hàng vạn con chó.

    Dù bà D. không tiết lộ chuyện gia đình mình, song cái chết của ông K., chồng bà, thì cả làng Cao Hạ đều biết.

    Theo đó, nghề mổ chó đã có từ đời ông nội của bà. Ông nội của bà cũng chính là một trong số ông tổ của nghề giết mổ chó làng Cao Hạ. Khi đó, gia đình nghèo, ông nội bà phải lang thang khắp nơi, học nhiều nghề. Cuối cùng, ông học được nghề giết mổ chó từ một chủ lò mổ ở Bắc Ninh. Ông cụ đã mang nghề này về làng. 12 tuổi, cô bé D. đã biết đạp xe chở thịt chó đi bán. 15 tuổi nghễu nghện đạp xe chở chó về tận Hà Nội giao hàng. Vậy là, ở tuổi 56, bà D. đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề thịt chó.

    Bà D. lấy chồng, là ông K., người làng khác. Mặc dù là Cán bộ Nhà nước, nhưng đồng lương công chức đói kém, nên ông đã bỏ cơ quan về giết mổ chó giúp vợ. Công việc mổ chó suôn sẻ, kinh tế gia đình ngày một khấm khá. Thế nhưng, cách đây 15 năm, một vụ tai nạn giao thông khi ông đi giao thịt chó, đã cướp đi mạng sống của chồng bà.

    Sau cái chết của chồng, người ta đồn là gặp vận rủi do làm nghề sát sinh, nên người thân trong gia đình đều khuyên bà nên bỏ nghề. Bà D. cũng tính bỏ nghề, nhưng ruộng đất không có, bà lại chỉ thạo mỗi nghề mổ chó, đàn con đang tuổi ăn, tuổi học, không mổ chó thì lấy gì nuôi con, nên bà vẫn phải nhắm mắt theo nghề.

    Lại có câu “Khuyển thủ dạ, kê tư thần”, nghĩa là con chó thức đêm canh cho con người, con gà gáy sáng báo thức, thì con người mới sớm khuya an giấc. Con chó thân thiết với con người là vậy, mà sát hại nó, ăn thịt nó thì quá tàn nhẫn....
    Sư Thầy Thích Thanh Thủy


    Kể từ đó, bà năng đi chùa hơn. Cứ đến ngày Rằm, mùng Một, các ngày lễ lớn, bà đều lên chùa, làm lễ, mong linh hồn những con chó do bà sát hại được đầu thai vào loài khác, được siêu sinh, không phải làm kiếp chó nữa.

    Mặc dù, công việc giết mổ chó mỗi ngày một phát đạt, kinh tế mỗi ngày thêm khá giả, song bà D. không thấy hạnh phúc hơn. Bao năm trời bà khốn khổ với một cậu con trai. Anh này không ham học, không ham làm, mà chỉ phá phách tiền bạc của bà. Hết lô đề, cờ bạc, anh ta quay sang hút chích. Cuối cùng, người con trai này cũng chết vì sốc thuốc.

    Sư trụ trì Thích Thanh Thủy bảo rằng, ở làng Cao Hạ, bà D. là người rất tín tâm. Mỗi lần đi chùa, bà cúng tới vài chục triệu, đốt vô số vàng mã.





    Thầy Thủy bảo: “Tôi cũng thuyết giảng, tuyên truyền nhiều lắm, nhưng nghề mổ chó là miếng cơm manh áo của họ, nên họ không bỏ được. Họ vừa làm vừa vào chùa sám hối. Họ tưởng làm thế là thoát, nhưng họ đã lầm. Nhân - Quả rất công bằng. Dù có cúng cả tiền tỉ, thì họ vẫn phải nhận cái Quả, do đã gieo Nhân Ác Sát Sinh."

    Trong Tam tự Kinh có câu “Khuyển Mã Tứ Tình”, tức là con chó, con ngựa có tình cảm với con người, nó cũng là một sinh linh như con người. Lại có câu “Khuyển thủ dạ, Kê tư thần”, nghĩa là con chó thức đêm canh cho con người, con gà gáy sáng báo thức, thì con người mới sớm khuya an giấc. Con chó thân thiết với con người là vậy, mà sát hại nó, ăn thịt nó thì quá tàn nhẫn”.

    Theo thầy Thủy, không chỉ bà D., mà còn có một số chuyện chết chóc nữa trong làng Cao Hạ cũng liên quan đến con chó. Chính vì thế, người dân trong làng rất hoang mang, sợ hãi với công việc giết chó, dù họ là những chủ lò mổ.

    Có một cái chết được dân làng kể nhiều, là cái chết của ông H. Một đồn mười, mười đồn trăm, khiến cái chết của ông trở nên kỳ quái. Ngày đó ông H. gây dựng được lò mổ chó lớn nhất nhì làng Cao Hạ. Đêm nào vợ chồng ông với sự phụ giúp của con cái, cũng hóa kiếp vài chục con chó. Thế nhưng, một đêm, sau khi đập chết chó, thui rơm vàng ươm, chuẩn bị mổ bụng moi lòng, thì mọi người không thấy ông H. đâu cả. Lát sau mới thấy ông chết bỏng trong nồi nước nhúng chó để vặt lông.

    Ngay sau cái chết của ông H. một thời gian thì đến cái chết của anh V., chồng chị C. Khi đó, anh V. tròn 40 tuổi. Anh là thợ mổ chó lành nghề nhất làng Cao Hạ. Chỉ 3 tiếng nửa đêm về sáng, mình anh mổ xong 10 đến 15 con chó. Vì có tay nghề cao, nên kinh tế gia đình mỗi ngày thêm khấm khá. Thế nhưng, tai họa ập đến đúng lúc gia đình đang ăn nên làm ra. Khi anh cắm quạt điện để thui chó, anh bị điện giật chết, mặt mũi méo xẹo, nằm vật bên đống chó chưa kịp thui.

    Rồi cái chết cũng hết sức lãng xẹt của ông Nguyễn Văn L. Ông L. cũng là chủ lò mổ chó chuyên nghiệp ở Cao Hạ. Người Cao Hạ bị chó cắn như cơm bữa, nên nhà nào cũng thủ sẵn thuốc tiêm phòng. Mấy lần bị chó cắn, ông L. đều tiêm phòng cẩn thận. Thế nhưng, lần này, con chó cắn nhẹ, chỉ hơi xước ở cổ tay, nên ông chủ quan, không tiêm tiếc gì cả. Thời gian sau, ông lên cơn dại, rồi qua đời.

    Cái chết của 4 chủ lò mổ liên quan đến chó dù chỉ là sự trùng hợp bình thường, là tai nạn nghề nghiệp, song khiến người dân Cao Hạ hoang mang, đồn đại suốt nhiều năm trời. Họ sợ hãi cái thuyết nhân quả, gánh nghiệp sát sinh, nên không ai dám mổ chó nữa. Để duy trì sự hoạt động của lò mổ họ đồng loạt thuê thợ nơi khác đến giết mổ chó, còn dân trong làng chỉ làm những công đoạn tiếp theo. Họ muốn đổ cái nghiệp sát sinh đó cho những người làm thuê.

    Quả thực, lang thang ở làng Cao Hạ, tôi nhận thấy rằng, rất ít gia đình có được hạnh phúc đầy đủ, toàn vẹn vì nghề giết mổ chó. Chỉ có 3 gia đình giàu có, nhưng nhà thì có người chết chóc, nhà có con cái nghiện ngập. Còn lại, tất cả các hộ gia đình chỉ có mức sống bình thường từ nghề giết mổ chó. Nhiều người có được chút tiền từ lò mổ thì sa đà vào cờ bạc, ăn chơi, nghiện ngập…

    Nguyệt My
    Last edited by KiwiTeTua; 01-19-2016, 03:25 PM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X