Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nhớ Về Trường Cũ

Collapse
X

Nhớ Về Trường Cũ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nhớ Về Trường Cũ

    Nhớ Về Trường Cũ
    ~~~





    Trường Chu Văn An

    Ngạn ngữ phương Tây có câu “Cái Tôi thật đáng ghét” ngụ ý khuyên ta không nên nói về mình nhưng nay vào cuối đời tuổi gần 80 kể lại kỷ niệm học đường ngày xưa chắc hẳn quý bạn đồng môn miễn thứ. Trước hết là cái tên tôi tại sao cha tôi lại đặt là Song Liêm vì nguyên quán quê tôi là làng Cót thuộc huyện Từ Liêm Hà Đông ngày nay là nội thành Hà Nội và sinh quán là phố Châu Cầu thuộc huyện Thanh Liêm Hà Nam. Cha tôi là một công chức từ thời Pháp thuộc cho nên con cái sinh đẻ ở đâu thì đặt tên ở địa danh đó như em trai út tôi ra đời ở phủ Xuân Trường Nam Định thì đặt tên là Hoàng Xuân Trường.

    Cha tôi qua đời năm 1945 cho nên anh em chúng tôi mồ côi cha rất sớm, người anh cả Hoàng Phụng Tỵ năm đó mới 15 tuổi,tôi 11 và Trường mới 1 tuổi. Tôi vẫn còn nhớ khi còn sống cha tôi luôn luôn nhắc nhở chúng tôi lo học hành để trong tương lai được vào học trường Bưởi tức là trường Trung Học Bảo Hộ. Cả ba anh em chúng tôi đều theo học trường Chu Văn An theo đúng ý nguyện của thân phụ.

    Tôi nhập học năm thứ nhất Trung Học phổ thông niên khóa 1946-1947 tại trường Chu Văn An Hà Nội khi đó ở phố Félix Faure (tôi không nhớ tên phố Việt Nam nhưng hiện nay là Bộ Tư pháp và Cộng Sản đặt tên là phố Trần Phú). Vì chỉ học được độ 3 tháng thì cuộc chiến tranh Việt Pháp bùng nô nên tôi chỉ còn nhớ thày dạy vẽ là cụ Nam Sơn và Hiệu Trưởng là Giáo Sư Nguyễn Gia Tường. Chính Quyền Việt Minh khi đó đã đến định bắt cụ Tường nhưng vì rất đông học sinh đi theo ủng hộ Cụ nên đã phải để Cụ ra về.

    Tôi nhớ khoảng thời gian này tôi đi học thật vất vả vì tôi mồ côi cha sớm, gia cảnh bỗng nhiên nghèo khó nên tuy tuổi đời mới 12 nhưng tôi đã cùng ông anh lớn của tôi, Hoàng phụng Tỵ tuổi 16 vừa đi học vừa đi làm để giúp mẹ tôi, một người mẹ hiền từ đức độ nhưng cho đến khi khi cha tôi mất chỉ là một người nội trợ trong gia đình. Hàng ngày tôi phải dậy rất sớm đi bộ khoảng 2 cây số để leo lên kịp chuyến xe điện đầu tiên chạy ra Quốc Tử Giám rồi đi bộ tiếp đến trường. Tiền mẹ tôi cho tôi ăn trưa và giải khát là tiền bán nước tiểu hàng ngày do những người trồng rau ở làng Láng bên cạnh đi mua về để tưới rau.

    Viết ra chắc các bạn sẽ cười nhưng anh em tôi đi đâu nếu mắc tiểu cũng phải cố gắng về nhà để nồi đựng nước tiểu được nhiều hơn. Tôi nhớ có lần thấy nồi nước tiểu hơi vơi tôi đổ thêm nước lã vào cho đầy nhưng điều này không qua mặt được người đi mua nước tiểu làng Láng, họ nói ngay là “nước tiểu hôm nay có pha nước lã…”

    Ngoài giờ học tôi đi học Hán văn bác tôi là cụ Nguyễn Mạnh Bổng, anh ruột cụ Giản Chi Nguyễn Hữu Văn và tôi đi làm việc cuốn thuốc lá Kuy Sơn/Lê Lợi cho anh chị cô cậu ruột tôi. Gia đình tôi tản cư lên vùng Vĩnh Yên và trở về làng Cót ngoại thành Hà Nội đầu năm 1949. Sau mấy tháng học tư ở trường Văn Lang phố Phạm Phú Thứ gần chợ Hàng Da với các thầy Ngô Duy Cầu dạy Tóan & Lý Hoá và thầy Nghiêm Toản dạy Pháp văn trong lớp đó tôi nhớ một học sinh lớn tuổi hơn, đẹp trai là Giáo sư Lê Xuân Khoa sau này. Thật ra tôi chưa được phép leo lên lớp này và tôi nhớ hôm đó đang đứng xớ rớ đọc thông cáo và nghe thầy Cầu giảng bài Vật Lý bằng tiếng Pháp thì thầy Cầu bước ra hỏi tôi “Em học lớp nào?” và tôi trả lời “Thưa thầy lớp Đệ Tam“, thầy nói tiếp “Vào học thử đi, cố gắng học lớp Đệ Tứ này đỡ được một năm…” và tôi đã tuân lệnh thầy vào học mấy tháng để sau này được khoe với mọi người mình là bạn cùng lớp bạn già đàn anh Lê Xuân Khoa! Phải công nhận các Thầy Cầu và Toản là các thầy dạy giỏi cho nên dù đã “chơi trèo” nhảy lên học tư ở một lớp cao hơn trình độ đúng của mình nhưng những gì học được ở hai Thầy cũng giúp tôi trúng tuyển vào cả hai trường Albert Sarraut của Tây và trường Chu Văn An. Sau khi học độ hơn một tháng ở trường Albert Sarraut tôi đã trở về học trường Chu Văn An vì lý do học trường ta có đông bạn vui hơn.

    Trường Chu Văn An năm đó mượn trường nữ tiểu học Thanh Quan phố Hàng Cót với Hiệu trưởng là giáo sư Mai Phương và Giám Học là Giáo Sư Đỗ Hoán. Một vị thày chúng tôi nhớ nhất là Tổng Giám thị Đỗ Phan Phụng ăn mặc rất diện đúng mốt, học sinh rất nể sợ vì nếu phạm kỷ luật có thể bị đuổi học hay phải đi học ngày Chủ Nhật.

    Anh em học sinh khi đó không biết căn cứ vào đâu mà cứ đồn đại thầy Phụng là “cớm” tức là làm mật thám cho Tây nhưng tôi nghĩ là lời đồn bậy.

    Quý vị thầy giảng dạy thì có cụ Nghè Nguyễn Sĩ Giác dạy Hán văn, Giáo Sư Nguyễn Trọng Sơn em Tiến Sĩ Nguyễn Mạnh Tường dạy Pháp Văn, thầy Nguyễn Đình Hòa rồi thầy Nguyễn Văn Ngọc dạy Anh Văn, thầy Vũ Lai Chương và thầy Đào Văn Dương dậy Lý Hóa. Vì thiếu Giáo Sư nên lớp chúng tôi có một số thầy là Sinh Viên Đại Học như thầy Hoàng Xuân Chỉnh đang học Y Khoa nhưng lại dạy Toán, thầy Nguyễn Văn Đức đang học Luật dậy Việt văn… Tôi nhớ thầy Chỉnh sau này là Bác Sĩ Chỉnh rất mê nghiên cứu Sử thế giới cho nên trong giờ Thầy dạy Toán Thầy luôn luôn dành 5,10 phút để nói về các nhân vật quốc tế như Minh trị Thiên Hoàng, Tôn Dật Tiên hay Mustafa Kemal…

    Thầy Sơn dạy Pháp văn rất nghiêm nghị, ít khi cười, có lần cho chúng tôi thay phiên nhau mỗi người đóng một vai trong kịch bản cổ điển “Le Cid” của Corneille, một bạn trong lớp có tật nói lắp đóng vai ông vua Don Fernand bị Thầy lưu ý bằng tiếng Pháp “Coi nào, Ông Vua không nói lắp…” Tôi còn được biết thêm về thầy Sơn chuyên dịch các chương trình phim ảnh cho các rạp chiếu bóng ở Hà Nội và dịch rất hay thí dụ như phim Thụy Điển “Elle n’a dansé qu’un seul été” mà Thầy dịch ra là “Tóc Em chưa úa nắng hè” thì thật tuyệt vời! Thầy Đức dạy Việt văn sau này là Đại Tá Giám Đốc Nha Quân Pháp bị tai nan xe hơi tử nạn ở cầu Rạch Hào trên đường đi Vũng Tàu. Tôi không lấy làm lạ là thầy Đức sau này thành công trong ngành Luật Pháp vì khi thầy dây Việt văn thầy giảng rất dõng dạc, khúc triết từng đoạn văn. Khoảng đầu thập niên 60, Cục Xã Hội mở ra trường Văn Hóa Quân Đội ở Dakao vào buổi tối để các quân nhân có dịp đi học, đi thi lấy bằng cấp dân sự hòng tiến thủ trong đời binh nghiệp, tôi đã đi dạy về Việt văn, Sử Địa các lớp Đệ Tứ và thầy Đức dậy các lớp chuyên khoa. Tôi chưa kịp nói với thầy Đức tôi là học trò cũ của Ông thì Ông ra đi…

    Tôi còn nhớ một vị thầy khác là thầy Ngô Bá Tây đẹp trai đầu hớt ngắn dậy chúng tôi một thời gian rối qua Pháp du học thêm. Trước đó thầy làm đám cưới với chị Ngọc Trâm, một nữ sinh xinh đẹp trong lớp chúng tôi khiến một số bạn lớn tuổi thoáng buồn ngẩn ngơ... Khi tôi lên lớp Đệ Tứ thì trường Chu văn An dọn về phố Hàng Bài và có 4 lớp Đệ Tứ. Tôi học lớp Đệ Tứ B1 và thuộc loại “nhóc” nhỏ tuổi nhất sinh năm 1934 trong khi có bạn lớn tuổi như Nguyễn Mộng Long sinh năm 1927 còn phần lớn tuổi tác hơn tôi từ 2 đến 4 tuổi cho nên năm sau lên lớp Đệ Tứ thi bằng Thành Chung, trường dọn về phố Hàng Bài nhiều bạn tuổi Ngọ s/n 1930 hay tuổi Mùi s/n 1931 học cùng lớp tôi hay trên tôi một lớp đều được gọi đi thụ huấn Khóa 1 Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định, một số “phát võ” lên Tướng như quý Anh Lê Nguyên Khang, Nguyễn Cao Kỳ,… còn phần nhiều là Đại Tá, Trung Tá.

    Hai người bạn lớp Đệ Tứ B2 vừa qua đời là Hoàng Đạo Thế Kiệt và Nguyễn Đỗ Sơn. Một số bạn khác không thuộc khoá 1 Nam Định nhưng cũng lên Tướng như Phan trọng Chinh, Bùi Thế Lân hay Hoàng Cơ Minh, Vũ Đình Đào… Lớp Đệ Tứ B3 có anh Kiều Duy Vĩnh nhập ngũ sớm, khóa 4 Đà Lạt đã mang lon Đại Úy trong khi các bạn Khóa 1 Nam Định còn mang lon Trung Úy. Anh Vĩnh đã không vào Nam và đã bị giam giữ và hành hạ nhiều năm, bạn tù với những người có tên tuổi như Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Chí Thiện, Bùi Ngọc Tấn… Trưởng lớp tôi năm Đệ Tam PT là anh Nguyễn văn Dzĩnh hiện ở Minnesota và năm sau lớp Đệ Tứ là anh Lưu Tâm Kiên đã qua đời ở Sài Gòn. Tôi ngồi cùng bàn với anh Trịnh văn Bảo hiện ở Hà Nội và anh Luật Sư Nguyễn Tường Bá hiện ở bang Cali.

    Nhiều bạn khác như Bác sĩ Thẩm Đình Hoán hiện ở vùng Côte d’Azur, Phạm Như Cương ở Philadelphia hay Phạm Đức tài hoa hát hay nhảy đầm giỏi mới mất ở Paris. Trong những năm học ở đây tuổi còn niên thiếu và người Pháp gần như vẫn còn cai trị cho nên các học sinh trẻ như chúng tôi vẫn mang tâm trạng “vọng kháng chiến” nghĩa là sống trong vùng “Quốc gia và Pháp kiểm soát” nhưng lòng vẫn hướng ra hậu phương, vùng Việt Minh kiểm soát. Chính sách của người Pháp khi đó chưa trả lại độc lập tự do cho nhân dân Việt Nam đã khiến Việt Minh tức là Cộng Sản Việt Nam dễ dàng tuyên truyền và giành được cảm tình của đồng bào ta trong cuộc chiến. Xin được kể về trường hợp hai người bạn Trịnh văn Bảo và Đỗ Hồng Phấn. Anh Bảo nhà rất giàu có vì lòng yêu nước đã lên tiếng phản đối vụ Pháp đàn áp học sinh Trần văn Ơn trong Nam, phải trốn ra vùng Việt Minh tham gia kháng chiến tránh mật thám Tây bắt. Chị Đỗ Hồng Phấn cũng đã bị Mật Thám Tây bắt nên khi được thả cũng ra vùng kháng chiến rồi du học ở những nước Đông Âu và phục vụ trong hàng ngũ Việt Minh. Niên học kế tiếp sau khi đậu bằng Thành Chung nôm na gọi là bằng “Đíp lôm” thì trường Chu Văn An được dọn lên phố Đỗ Hữu Vị gần Cửa Bắc và trường cũ ở phố Hàng Bài đổi thành trường Nguyễn Trãi với quy định là học sinh nào cư ngụ từ phố Cầu Gỗ hay Hàng Đào trở xuống phía Nam thì học ở trường này.


    Trường Bưởi

    Các nữ sinh trường Trưng Vương trở về học chung với nam sinh vi trường Trưng Vương không có lớp chuyên khoa. Hiệu Trưởng trường Chu Văn An là Giáo Sư Vũ Ngô Xán và Hiệu Trưởng trường Nguyễn Trãi là Giáo Sư Đào Văn Trinh.Tôi trọ học nhà Chú tôi ở phố Phó Đức Chính gần đê Yên Phụ nên đã học ở trường Chu Văn An và chọn ban Sinh Ngữ với các thầy Nguyễn Tường Phượng dậy Việt Văn, Nguyễn Văn Nguyên dậy Anh Văn, Vũ Ngô Xán dậy Pháp Văn, Lê Ngọc Huỳnh dạy Sử Địa… Mấy đứa chúng tôi viết văn, làm thơ rủ nhau ngồi gần nhau chung hai bàn gần cuối lớp như Nguyễn văn Bột (nhà văn Nguyễn Thiệu Giang), Vũ Đức Vinh (Huy Quang), Nguyễn Mạnh Thắc (Huy Thanh), Nghiêm Xuân Phú (Huy Giao) và tôi. Trong lớp còn có một bạn văn sĩ khác là anh Nguyễn Duy Nhậm bút danh Nguyễn Ái Lữ. Hai ông bạn văn nghệ khác như nhà thơ Hoàng Anh Tuấn hay nhạc sĩ Lê Trạch Lựu thì đã bay qua Pháp du học rồi còn ông bạn Huy Quang thì nhâp ngũ khóa 1 Nam Định. Lớp tôi có mấy bạn khoa bảng khá như anh Tiến Sĩ Nguyễn Đức Quý, Tạ Tất Thắng dạy Đai Hoc hay Ngô Văn Nhâm, Vũ Minh Trân sau là Thứ Trưỏng, Nghị sĩ… Vì ham văn nghệ văn gừng và viết báo kiếm tiền nên tôi đã thi rớt Tú Tài Phần 1 năm 1952 và học lại lớp Đệ Nhị Sinh ngữ. Trong bài Bạt tập Thơ Hoàng Song Liêm xuất bản năm 2004, ông bạn thân Tạ Quang Khôi có kể lại kỷ niệm mượn giấy nháp của tôi trong phòng thi Tú tài 1, tôi có kể công với ông Khôi là nhờ giấy nháp của tôi mà ông đỗ đạt sau này trở thành Hiệu trưởng trường Nguyễn Trãi ở Sài Gòn nhưng được bạn già Khôi tươi cười trả lời “Xin lỗi Ông, năm ấy tôi và Ông cùng rớt…”. Niên khóa 1953-1954, sau khi đậu Tú Tài 1, tôi xuống ở với ông anh tôi ở phố Huế nên học ở trường Nguyễn Trãi. Nhớ lại, tôi đã là học sinh Chu Văn An tại khắp mọi địa điểm ở Hà Nội.

    Kỷ niệm học đường thì thật nhiều nhưng phải gặp lại bạn cũ nhắc nhở lại thì mới nhớ. Cuộc đời mỗi người đều do số mệnh như ông anh tôi Hoàng Phụng Tỵ đã là Sĩ Quan Quân Đội Quốc Gia đáng lẽ phải vào Nam năm 1954 nhưng vì muốn trở về nghề dậy học nên ở lại miền Bắc làm Hiệu Trưởng một trường Tiểu Học được vài năm thì bị Cộng sản giam giữ trù dập đầy đọa, suy thoái về tinh thần lẫn thể xác, qua đời năm 1990 trong khi tôi năm 1954 còn đang đi học đã đón Mẹ và 3 em vào Nam, bỏ học để lo sinh kế cho cả gia đình. Tôi xin phép được kể thêm chuyện hôn nhân “tình Bắc duyên Nam” của vợ chồng tôi có liên quan đến trường Chu Văn An và cũng là lý do tại sao tôi lại hăng hái bỏ đất Bắc di cư khi tuổi đời mới 20 và mới chỉ học xong bậc Trung Học.

    ... Năm 1951, người Pháp mời vua Bảo Đại về và ký kết hiệp ước trao trả Độc Lập cho Việt Nam nghĩa là Việt Nam có Quân Đội, tài chính riêng và người Pháp trả lại cả thuộc địa Nam Kỳ khi đó là Chính Phủ Nam Kỳ tự trị. Để thể hiện chuyện thống nhất ba kỳ Bắc, Trung, Nam một nhà, Bộ Giáo Dục đã tuyển chọn hai nam sinh trường Chu văn An là quý anh Tạ Tất Thắng và Nguyễn Công Lâm lớp tôi cùng với hai nữ sinh Trưng Vương là quý chị Lê thị Minh Tâm và Nguyễn thị Kim Cúc. Bốn học sinh này đã ra sân cờ hai trường Chu Văn An và Trưng Vương đào một nắm đất mang vào Nam dự hai buổi lễ chào cờ đặc biệt ở hai trường Pétrus Ký và Gia long ở Sài Gòn. Bốn người bạn tôi đã mang đất từ cột cờ hai trường miền Bắc trộn với đất cột cờ hai trường trung học chính ở miền Nam và sau đó mang đất cột cờ hai trường miền Nam ra Hà Nội, biểu lộ rõ miền Bắc hay miền Nam đều chung một Đất Nước. Sau hai buổi lễ chào cờ đặc biệt này, các bạn tôi đã vào các lớp và tiếp xúc gặp gỡ các học sinh hai trường này. Khi trở về Hà Nội, anh bạn Tạ tất Thắng của tôi đã trao cho tôi tên một nữ sinh cùng địa chỉ với một lời dặn dò tôi:

    “Cô nữ sinh Gia Long này thích làm quen qua thư từ với một bạn miền Bắc, đặc biêt muốn trao đổi về điện ảnh…”.

    Năm 1952 tôi đã cùng bạn Nghiêm Xuân Phú bút hiệu Nghiêm Huy Giao xuất bản một tập thơ và đang là Chủ Bút Tuần Báo Chiếu Bóng viết về điện ảnh với nhiều bút hiệu Hoàng Huy Giang, Hoàng Hoài Dung và Người Xứ Mộng… cho nên bạn Thắng giới thiệu nữ sinh này cho tôi là đúng quá rồi! Tôi đã trao đổi thư từ với nữ sinh này trong hai năm 1952-1954 gần 200 lá thư và khi đất nước chia đôi, tôi đã hăng hái vào Nam gặp nữ sinh này tức là bà xã của tôi bây giờ đến tháng 5 năm nay là 55 năm. Ông bạn mai mối Tạ tất Thắng của tôi cũng làm đám cưới với bà bạn học Trưng Vương Lê Thị Minh Tâm là người bạn cùng đi vào Nam trong lễ trộn đất năm đó. Bạn Thắng rất giỏi Anh văn, du học ở Úc, có bằng Master Đại Học Columbia NY bằng Ph.D Đại Học UCLA và là Giáo Sư các trường Đại Học ĐàLạt, Nha Trang, Alabama…

    Hàng năm, anh em cựu học sinh Chu văn An/Nguyễn Trãi Hà Nội thường có buổi họp mặt vào ngày Chủ Nhật sau ngày rằm tháng giêng ta để “điểm danh“ và thăm hỏi, hàn huyên, đôi khi có bạn từ hải ngoại về hoàn toàn chuyện trò trong tình đồng môn thân thiết từ ngày xưa với vô vàn kỷ niệm thật đẹp.

    Nơi hội họp thường ở phòng ăn trường Chu Văn An hiện nay ở đường Thuỵ Khuê tức là trường Bưởi cũ Hà Nội.

    Chị Vũ Bội Trâm, vợ thi sĩ Phùng Quán ngày xưa học cùng lớp tôi sau này trở về dạy Việt văn trường này đã cư ngụ ở đây nhưng nay đã dọn ra ngoài.

    Tôi có về thăm thân nhân và bạn đồng môn Chu văn An cũ, có dịp tham dự mấy buổi họp mặt đầu năm, bạn cũ nhiều người đã ra đi… hay tuổi tác đều trên dưới 80, vô cùng vui sướng được gặp lại nhau sau nhiều biến thiên đau thương của Đất Nước.

    Lại thoáng nhớ đến một câu danh ngôn:

    “Tất cả đều tan biến hay trôi qua đi chỉ còn lại tình bằng hũu…”


    Hoàng Song Liêm

    https://tiengquehuong.wordpress.com/2013/06/29/n-h-o-v-e-t-r-u-o-n-g-c-u/


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X