Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Một ngày Không Quân, một đời Không Quân!

Collapse
X

Một ngày Không Quân, một đời Không Quân!

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Một ngày Không Quân, một đời Không Quân!

    Một ngày Không Quân, một đời Không Quân!



    (ghi vội sau tang lễ của SVSQ Lương Tùng, Khóa 73F)

    Nguyễn Hữu Thiện

    Cách đây hơn 20 năm, trong thời gian thực tập sau khóa Thông phiên dịch, tôi có dịp gặp hai cựu quân nhân Không Quân VNCH. Cả hai cùng lứa tuổi, cùng cấp bậc với tôi, một người bay khu trục, một người bay trực thăng. Người bay khu trục đang phụ vợ điều hành một hãng may nho nhỏ tại gia, người bay trực thăng là một thông dịch viên ra trường trước tôi mấy năm.

    Cả hai đều cho tôi biết trước kia mình là dân KQ ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên; và cũng là lần cuối cùng, bởi sau đó cả hai đều không bao giờ tới tham dự các buổi họp mặt thân mật mỗi tam cá nguyệt của Hội Ái Hữu Không Quân tiểu bang Victoria, theo lời mời của tôi.

    Cùng với thời gian, tôi cũng quên hẳn người KQ bay trực thăng, nhưng riêng người KQ bay khu trục, tôi không bao giờ quên được anh, hay viết một cách chính xác hơn, là không quên được niềm vui, và cả hãnh diện, trong ánh mắt khi anh nhắc lại quá khứ, với những đàn anh nổi tiếng, những đồng đội thân thương, người còn kẻ mất...

    Nhưng có lẽ đó chỉ là niềm vui, hãnh diện của riêng anh, không có chị trong đó, bởi khi nhắc lại chuyện cũ, anh đã ý tứ kéo tôi ra một góc vườn. Sau khi tôi từ giã, niềm vui ấy chắc hẳn đã biến thành nỗi nhớ bâng khuâng, nỗi buồn man mác.

    * * *

    Theo suy nghĩ của tôi, và có lẽ cũng của nhiều người KQ khác, một khi đã tình nguyện gia nhập quân chủng Không Quân, không ai có thể quên được lý tưởng Tổ Quốc – Không Gian, quên được màu cờ sắc áo. Việc sau khi ra hải ngoại, một số người không hề tham gia sinh hoạt dưới bất cứ hình thức nào, với bất cứ hội đoàn, tổ chức KQ nào, theo tôi có những nguyên nhân cá biệt, những khó khăn do hoàn cảnh, cần được thông cảm, thương tội hơn là trách móc.

    Nhưng những người chưa quên lý tưởng, chưa quên màu cờ sắc áo và thể hiện qua việc làm thì cần được đề cao; và trong số ấy, tôi nhận thấy nổi bật các bạn trẻ trong Liên Khóa 72 & 73 SVSQ/KQ, những người đã tự nguyện thiết lập và điều hành website Hội Quán Phi Dũng, và thường xuyên tổ chức những buổi hội ngộ trong suốt bao năm qua. Câu hỏi được đặt ra là tại sao những SVSQ/KQ chưa ra trường, chưa có lon lá, chưa có đơn vị, chưa được hưởng “hào quang”, chưa từng vào sinh ra tử, lại gắn bó với quân chủng của mình đến như thế.

    Như tôi đã có lần mạo muội làm công việc “phân biệt tuổi tác”, trong lịch sử thành lập, phát triển, chiến đấu trải dài hơn 20 năm của Không Lực VNCH (tính từ năm 1951, năm có khóa sinh VN đầu tiên tại trường bay Marrakech, Morocco), có bốn “lớp người”.

    Lớp thứ nhất là các vị đại niên trưởng, những “khai quốc công thần” của quân chủng; lớp thứ hai là các đàn anh nhập ngũ từ cuối thập niên 1950 tới giữa thập niên 1960, về sau trở thành những cấp chỉ huy nòng cốt (Không đoàn trưởng, Liên đoàn trưởng, Phi đoàn trưởng...); lớp thứ ba là những người gia nhập Không Quân khi cuộc chiến đã leo thang và trở nên khốc liệt, từ giữa thập niên 1960 tới đầu thập niên 1970; và lớp thứ tư là những đàn em nhập ngũ từ Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 trở về sau.

    Trong lớp người thứ tư này có các SVSQ đã nhắc tới ở trên: chưa ra trường, chưa có lon lá, chưa có đơn vị, chưa được hưởng “hào quang”, chưa từng vào sinh ra tử, nhưng sau khi miền Nam lọt vào tay cộng sản, cùng với các quân binh chủng khác trong QLVNCH, Không Quân bị “xóa sổ”, họ vẫn gắn bó với quân chủng của mình.

    Câu trả lời của tôi là: nhờ hai yếu tố chính, nhiệt tình của tuổi trẻ (mặc dù “trẻ” thì giờ này cũng trên “6 bó” cả rồi), và tinh thần “một ngày Không Quân, một đời Không Quân”.

    Nhiệt tình và tinh thần KQ ấy, tôi có thể nhận ra ngay nơi các anh em SVSQ trong Hội Ái Hữu Không Quân QLVNCH tiểu bang Victoria, trong số đó có Lương Tùng, Khóa 73F, người mới qua đời vì bạo bệnh tại Melbourne, tiểu bang Victoria, Úc-đại-lợi, ngày 20/11/2015.

    Ngược dòng thời gian, vào năm 1983, dù chưa có ai an cư lạc nghiệp, anh em Không Quân vượt biên tỵ nạn cộng sản được định cư tại tiểu bang Victoria đã vận động thành lập Hội Ái Hữu Không Quân QLVNCH tiểu bang Victoria – hội KQ đầu tiên tại Úc. Trong ban vận động, có tới ba anh em SVSQ, mà Lương Tùng là một.

    Sau khi Hội được chính thức thành lập, Lương Tùng trở thành Thủ Quỹ đời thứ hai (thủ quỹ đời thứ nhất cũng là một SVSQ). Xét cho cùng, công việc trong một hội đoàn cựu quân nhân mang danh xưng “ái hữu” cũng chẳng có gì đáng gọi là nặng nề, bận rộn, nhưng về mặt tinh thần, bắt buộc phải “hăng”. Và chàng SVSQ Lương Tùng hăng hơn ai hết.

    Nhưng chỉ hăng thì chưa đủ, mà phải có “máu Không Quân”, tinh thần “một ngày Không Quân, một đời Không Quân”.

    Chính vì hai yếu tố ấy mà các cựu SVSQ/KQ đã yêu mến quân chủng của mình, hãnh diện vì quân chủng của mình, và trung thành với quân chủng của mình tới mức khiến ai cũng phải cảm phục!

    * * *


    Lương Tùng 1953-2015

    Theo lời trăn trối, tang lễ của Lương Tùng được tổ chức đơn giản, ngắn gọn. Không có nghi thức phủ cờ, bởi vì anh cho rằng trong cương vị một SVSQ, anh chưa có một chút công lao với non sông đất nước như các vị đàn anh đã vào sinh ra tử, anh chỉ xin bỏ vào quan tài một cái mũ ca-lô xanh, tượng trưng cho màu cờ sắc áo của một quân chủng, một đời người.

    Hầu như tất cả mọi hội viên Hội Ái Hữu Không Quân QLVNCH tiểu bang Victoria, từ các SVSQ tới các vị niên trưởng trên “8 bó”, đã hiện diện trong buổi thăm viếng và tang lễ của Lương Tùng.

    Tang lễ không rầm rộ nhưng gây nhiều xúc động. Riêng trong tôi còn thêm niềm hãnh diện. Hãnh diện vì một người đàn em trong quân chủng, một cách chính xác là một “SVSQ”, lại được nhiều người ngoài Không Quân quý mến, tiếc thương tới mức ấy.

    Cũng chính trong tang lễ của Lương Tùng, nhìn anh em Hội viên đứng hai bên quan tài chào vĩnh biệt, tôi chợt nhớ tới người KQ bay khu trục đã gặp cách đây hơn 20 năm, và nhận ra mình là một kẻ may mắn; may mắn bởi vì sau khi sống với những gì một thời đã yêu, một đời để nhớ, tôi sẽ không ra đi trong cô đơn, lạnh lẽo.

    Nguyễn Hữu Thiện
    Melbourne, 25/11/2015

  • #2
    Thân gửi các bạn Liên khóa 72-73 hai tấm hình cũ của Lương Tùng tôi mới soạn ra được; tấm thứ nhất chụp Ban chấp hành Hội KQ tiểu bang Victoria, Australia, nhiệm kỳ 1986-1988 (Tùng đứng giữa), tấm thứ hai chụp Ban chấp hành nhiệm kỳ 1988-1990 (Tùng đứng mép trái).
    Xem hình, các bạn có nhận ra "cố nhân" không?
    NHT



    Last edited by chimtroi; 04-10-2017, 06:38 PM.

    Comment


    • #3

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X