Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tha-La - Một Địa Danh Lịch Sử

Collapse
X

Tha-La - Một Địa Danh Lịch Sử

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tha-La - Một Địa Danh Lịch Sử


    Tha-La
    một địa danh lịch sử

    ***
    An-Tiêm Mai Lý Cang
    (Paris)


    (Paris Xuân Nhâm-Thìn 2012)

    Trên đường từ thành phố Hồ-Chí-Minh đi tới cửa khẩu Mộc-Bài theo quốc lộ 22A, qua khỏi khu công nghiệp hiện đại Trảng-Bàng là đến trung tâm thương mại chợ búa huyện lị. Từ chợ thị trấn Trảng-Bàng đi đến trụ sở công quyền của xã An-Hòa chừng một cây số, và cách đó thêm độ vài trăm thước nữa là gặp ngay nhà thờ họ đạo Tha-La nằm ở bên trái ven đường. Xóm đồng ruộng Tha-La tọa lạc trên ấp An-Hội cạnh khu công nghiệp An-Hòa và dòng sông Vàm-Cỏ-Đông nên thơ, nước biếc.


    Sông Vàm Cỏ Đông

    Nói cách khác, thì Tha-La nằm miền ven biên ở hướng Tây của thị trấn Trảng-Bàng hướng về khu Ba-Thu cạnh vùng biên thùy Mỏ-Vẹt, giáp giới tỉnh Xvay-Riêng của Cam-Pu-Chia. Cách đây hơn quá nửa chừng thế kỷ thì xóm vắng nầy cũng như ngay ở khu đất hoang vu Bình-Thạnh, cũng thuộc vùng địa lý Trảng-Bàng, dù là còn có chứng tích của một nền văn minh cổ là ngôi tháp Chàm đã rêu phong. Vậy mà đối với phần đông nhiều người ở miền Nam, thì đều được họ kể coi như là những địa phương hoàn toàn xa lạ chưa từng nghe biết. Ngay cả đối với những thành phần dân cư bản địa láng giềng cũng vậy. Lúc bấy giờ, ngay tại trung tâm thành phố Trảng-Bàng đã có nhiều người chỉ có từng được nghe nhắc tới cái tên của xóm Tha-La mà thôi, chứ họ chưa bao giờ có dịp để lê bước chân đến tận ở nơi nầy dù rằng từ đây đến đó cách xa nhau chỉ có bằng một đoạn đường ngắn. Lý do, vì lúc ấy nơi đây cảnh quang vắng vẻ đất rộng người thưa, chỉ có độ chừng vài chục nóc gia sinh sống yên lành hằng ngày với bàn tay cuốc bẫm cày bừa bên cạnh một ngôi giáo đường nho nhỏ. Ngược dòng thời gian, nếu khi xưa không có cuộc trường kỳ kháng chiến của toàn dân nổi lên chống lại bọn thực dân đô hộ, thì hình ảnh nên thơ của cục đất Tha-La chẳng khác nào như là những nét đan thanh của gấm vóc ruộng đồng ở các vùng lân cận thuộc huyện Trảng-Bàng. Toạ điểm nầy, từ năm 1868 khi xưa vốn là một trụ sở Ty Hành-Chánh được lập thành thuở dưới thời thuộc địa.

    Đường vào bến nước Tha-La cách nay hằng thập niên về trước là một con đường đá đỏ quạch nằm ngay khoảng giữa hai ngôi chùa Phước-Lưu và Phước-Lâm, cạnh sân đá banh và đồng mả hoang vu kéo dài theo lộ trình đi tới bờ sông Vàm-Cỏ-Đông. Dạo ấy, hai bên đưòng người ta chỉ thấy có đồng ruộng ao bèo, trúc tre cao vút và lác đác từng những căn nhà mái tranh vách đất nghèo nàn. Tuy nhiên, không vì thế mà khách nhàn du không thể nào không khỏi cảm khái khi thấy lòng mình bị hòa mình vào trong cảnh vật thiên nhiên giữa bức họa đồng quê êm đềm đầy ấn tượng. Ngoài ra, người ta cũng còn có thể xuống thuyền mượn dòng kinh Gia-Lộc xuôi về cầu Quan để vào thăm đất Tha-La, để thưởng thức mùi vị của vùng có cây xanh trái ngọt và có dịp giao lưu thân thiết với dân cư sở tại vốn chơn chất, từ lâu có truyền thống hiếu khách, hiền hòa.

    Suốt trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh, thì hình ảnh của cục đất Tha-La cũng đã được đi vào huyền thoại do một nguyên nhân vô tình tạo ra, và từ đó nó được xem như là một địa danh đặc biệt. Sự kiện nầy, giờ đây đã làm cho nhiều người từ ở khác miền thường hay lưu ý, và họ cố tìm hiểu về thổ ngơi, địa lý cũng như về lịch sử của vùng đất nầy. Và dẫu rằng, trước đây đã có những sách báo nói đến rất nhiều về sự hình thành trở nên địa danh đầy gợi cảm của xóm vắng Tha-La. Nhưng trên thực tế, thì hình ảnh của xóm vắng nầy cần phải được bổ sung thêm nhiều tài liệu loại trừ tính cách chủ quan, để xác thực làm cơ sở vốn có yếu tố khả năng thuyết phục. Do vậy, cho nên trước hết người ta cần phải nên khách quan để đưa ra những nhận định rằng chính rằng thổ âm là một giọng nói riêng quen thuộc của từng địa phương. Do đó, mà hễ khi người ta nghe thổ âm của hai địa phương ở cách xa nhau về địa lý, mà nếu họ có những tiếng nói nào giống in nhau, thì tức là họ đã có một sự liên hệ tương quan ràng buộc với nhau ít nhiều về chủng tộc. Sở dĩ, tôi phải gợi lại vấn đề nầy thêm một lần nữa là vì muốn để được nói rõ ràng, là vùng đất Tây-Ninh khi xưa có rất đông người Khmer cư ngụ, và có nhiều nơi cũng được họ gọi là Schla * mà người Việt mình nói trại ra là Thala. Do vậy, cho nên người ta có thể nói rằng là nguồn gốc của từ Tha-La ở Trảng-Bàng mà từ lâu đã được phổ biến trong dân gian, là được nói trại ra dựa theo âm điệu của từ Schla (ngôn ngữ Khmer). Hơn thế nữa, ngoài những cái tên Tha-La ở Tây-Ninh thì ở những vùng miền Tây-Nam phần còn có người Khmer cư ngụ bây giờ cũng có nhiều nơi hẻo lánh được gọi tên là Tha-La. Tuy nhiên, ngay cả ở cạnh Tây-Ninh là Bình-Dương cũng có ấp tên gọi Tha-La là nơi có thắng cảnh đập Lòng-Hồ, và một hòn núi nhỏ cũng có tên Tha-La nằm trong quần thể của núi Lấp-Vò mà người dân địa phương lâu đời từng quen gọi tên là núi Cậu.

    Sau ngày thống nhất nước nhà, thỉnh thoảng tôi được về thăm lại mồ mả tổ tiên, bà con ruột rà, làng mạc quê cũ, thì lần nào tôi cũng có dịp nhìn thấy hình hài yêu mến Tha-La bây giờ không còn nguyên vẹn giống thuở nào. Ngày xưa, khoảng từ một thế hệ đời người thì mảnh đất bé nhỏ nầy vốn đã là vùng nông nghiệp có ruộng lúa xinh tươi, trái cây xanh mượt cam, quít, chuối, chanh. Và cũng không thiếu chi những nông sản phụ như nào là đậu phộng, mía, khoai mì, dưa cà, rau quả v.v cùng nhiều loài cỏ lạ, hoa cau, hoa bưởi hương thơm phảng phất, tỏa ra nhè nhẹ trong bầu không khí trong lành. Ngày nay, thế hệ trẻ sau nầy lớn lên đều có khuynh hướng ly nông, ly hương cho nên phần đông đã về thành phố sinh sống hoặc đi làm công nhân viên cho các khu công nghiệp trong thị trấn Trảng-Bàng. Còn thực tế bây giờ, thì nó đã bị từ từ lột xác, hoàn toàn đổi thịt thay da không còn thơ mộng được như xưa. Phố sá, quán hàng xinh xắn thay nhau mọc lên san sát kéo dài tới cạnh bờ sông Vàm-Cỏ-Đông. Ngoài những đồng ruộng, khoảnh vườn trồng trọt hoa màu còn sót lại, thì nhà cửa thi nhau xây cất, tiệm tùng nhậu nhẹt cũng được tân trang chào đón khách hàng, đặc biệt là món ăn heo mọi quay nướng hiện nay rất có sức hấp dẫn thực khách. Và những trò chơi hội chợ thỉnh thoảng được tổ chức vui nhộn, do nhóm người đồng tính luyến ái kéo nhau tụ tập về đây sinh sống. Nhìn trong tầm mắt ra tới bờ sông từ dưới chân cầu Quan bây giờ là một bãi đậu xe tải chuyển hàng, xe xúc đất làm đường hoạt động không ngừng bên cạnh khu công nghiệp An-Hòa mở rộng có công nhân làm việc ra vào tấp nập. Nói cách khác, hình ảnh sinh hoạt của Tha-La trên con đường hiện đại hóa bây giờ, đã làm cho nhiều du khách phải tỏ ra thất vọng với giấc mộng ngày nào mong sẽ có dịp đến thăm miền đất có "lá rừng cao vàng rụng lá rừng bay". Và viếng ở ngôi nhà thờ, có những con chiên ngoan đạo nguyện cầu ơn thánh Chúa dưới bầu trời có "gió đùn quanh mây trắng".

    Thời tiền chiến 1945, thì đất Tha-La vốn là một trục lộ nhỏ, là vùng địa lý đi vào ngõ cụt do bị dòng Vàm-Cỏ Đông án ngữ. Do vậy, người dân Tha-La may mắn có được rất nhiều yếu tố về địa lợi để hòa mình vào với thiên nhiên và sống một cuộc đời hạnh phúc, an bình. Hơn thế nữa, lúc bấy giờ thì nơi thôn trang vắng vẻ nầy duy nhất chỉ có một cái nhà thờ nhỏ, và chừng vài chục nóc gia có những tín đồ ngoan đạo hằng ngày thường xuyên đến nguyện cầu thọ ân phép lành của Đức Chúa. Họ đạo và nhà thờ Tha-La từ lâu đã có một bề dày lịch sử từ thuở thời ông Coximo Nguyễn-văn-Trí (nguyên là một chức vị cao trong họ đạo) cùng với vài gia đình con chiên ở từ Huế trốn vào Nam để lẩn tránh cuộc truy sát gắt gao của triều đình nhà Nguyễn dưới trước cả thời vua Tự-Đức ban hành sắc dụ 1859 lúc bấy giờ. Sau khi đến đất Tha La, tìm được nơi nương náu an toàn thì ông liền tổ chức khẩn hoang lập xóm, làm ruộng, trồng cây trái, hoa màu. Đồng thời, ông cũng lén lút truyền bá trong công tác hoằng pháp với những gia đình người lương ở láng giềng. Vì là người đầu tiên dấn thân có công gieo trồng hạt giống thiên thần Bác-Ái ở nơi nầy, cho nên về sau ông cùng với một số giáo dân đã phải chịu hi sinh tử vì đạo pháp vào năm 1869 trong ngục thất. Trước lúc bấy giờ, vì tình hình trong hoàn cảnh không gian phức tạp do thỉnh thoảng đã có xảy ra những cuộc xung đột lương giáo. Và cũng để cố che mắt triều đình qua sắc chỉ cấm đạo, cho nên hình thức của nhà thờ dạo ấy thường được ngụy trang dựng lên trong những căn nhà tranh vách đất có gia đình người ở quanh xóm nhỏ dưới chân cầu Bình-Thủy vùng Trường-Đà hoặc ở Vàm Trảng. Và do vậy mà từ trước năm 1840 thì các tín hữu nào muốn nhận được các phép bí tích, thì thường phải đi về tới Chợ-Quán (Sàigòn) hay lên tận Lái-Thiêu (Thủ-Dầu-Một). Về sau, do trục lộ giao thông có phần nào được dễ dàng quen thuộc, cho nên thỉnh thoảng mới có các Cha họ đạo khác đến làm phúc cho các giáo dân. Giờ đây, trải qua bao thế hệ thì con số tín đồ Thiên-Chúa ngày một tăng thêm và hình thể kiến trúc nhà thờ cũng đã được xây cất lại hoàn toàn thay đổi có khác với hình ảnh ngày xưa cảnh cũ. Và bây giờ, theo tổ chức của công giáo thì họ đạo Tha-La trực thuộc địa phận Phú-Cường, huyện Thủ-Dầu-Một, tỉnh lị Bình-Dương.

    Tiền đề trên đây nếu chỉ có vậy thôi, thì Schla Trảng-Bàng nào có khác chi với những vùng Schla vắng vẻ quạnh hiu khác ở rải rác miền Tây Nam phần. Vậy nguyên nhân chính nào đã làm cho Tha-La Trảng-Bàng trở thành một địa danh bất hủ. Và dĩ nhiên, thì trước hết phần đông điều mà ai cũng biết đó là do chính nhờ có bài thơ " Tha-La Xóm Đạo" (1) nổi tiếng của thi sĩ Vũ-Anh-Khanh còn để lại sau khi tác giả qua đời. Cũng giống như trường hợp bài thơ tuyệt tác 'Màu Tím Hoa Sim" của thi sĩ Nguyễn-Hữu-Loan đã được phổ thành nhạc để đời. Nhưng bài thơ " Tha-La Xóm Đạo" của Vũ-Anh-Khanh thì thêm vào đó, nó còn có tác dụng hàm chứa ảnh hưởng trải ra bề rộng lớn hơn nhờ vào những yếu tố của nguyên nhân tế nhị khác. Ngoại lệ hi hữu đó, nay cũng lại là một dịp để làm cho người ta thường hay nhắc tới một tác phẩm văn chương rất ngắn khác sau nầy của tác giả Thích-Nhất-Hạnh là "Bông Hồng Cài Áo". Chỉ với nội dung cốt truyện chừng vài trang giấy, chuyên chở ý niệm tuyệt vời về tình yêu Mẹ, mà bây giờ nó đã có tác dụng được truyền bá sâu rộng vào trong ảnh hưởng phong tục của dân gian.

    Trở lại thân thế của Vũ-Anh-Khanh và tư liệu về bài thơ nổi danh đặc biệt đó, thì hiện nay mọi sự việc đánh giá sưu khảo vẫn còn được coi như là đang ở trong tình trạng bỏ ngõ, để mong đón chờ mọi sự đóng góp ý kiến toàn bích bổ sung. Tuy nhiên, như mọi người đều biết về địa lý thì Tha-La cũng như các cục đất quanh vùng Trảng-Bàng đều giống in nhau, có nghĩa là nơi đây không có núi non, thành quách cổ xưa gì để có thể được gọi là danh lam thắng cảnh. Ngoại trừ dấu tích của một ngôi tháp cổ mà dân làng quen gọi là tháp Chàm nho nhỏ, nhưng được các nhà khảo cổ nghiên cứu cho là di sản của nền văn hóa, văn minh Óc-Eo hoang phế hàng thế kỷ đã rêu phong ở Bình-Thạnh.


    Tháp cổ Bình-Thạnh

    Ngay cả trong suốt thời kỳ chiến tranh trước năm 1954, dù Tha-La không bao giờ quay lưng với cộng đồng dân tộc nhưng trên thực tế lúc bấy giờ, thì cục đất Tha-La cũng chưa hề có dấu vết của chiến tranh tàn phá nặng nề đến nỗi như "bao năm qua khói loạn phủ mịt mù" mà ở đây cũng lúc bấy giờ, Tha-La lại có niềm tự hào tình tự khác hơn là đã có những "người nước Việt ra đi vì nước Việt". Và đó mới là hình ảnh nét đẹp lưu truyền của các chàng trai Tha-La anh tuấn năm xưa đã xếp việc bút nghiên, để hăng hái lên đường theo tiếng gọi của hồn thiêng tổ quốc.


    Trong bài thơ đầy cảm hứng tuyệt vời của họ Vũ đã có sức gợi cảm nhiệt tình cho người thưởng thức, và làm cho họ phải bị chi phối rất nhiều về mặt tinh thần. Với ý thơ ngọt ngào, lời thơ bình dị, nồng nàn, nhịp thơ nhẹ nhàng, gần gũi, hồn thơ man mác có tác động mãnh liệt làm lay chuyển vào được tâm hồn nhạy cảm của con người. Và người ta còn có dịp, để tìm thấy tận đáy lòng của ông đã chứa chan một niềm tâm sự gói ghém nhiệt thành trong tình yêu thánh Chúa. Và nghĩa vụ, với bổn phận của những người con yêu đất nước trong thời kỳ kháng chiến chống giặc xâm lăng tàn phá quê hương. Do vậy, có thể rất nhiều người từ lâu chưa từng được đặt chân đến đất nước Tha-La, thì có thể dễ dàng bị tình cảm con tim xung động qua màu sắc thiên nhiên hòa quyện trữ tình ở chỗ nào là " đây rừng xanh rừng xanh", nào là "đây mênh mông xóm đạo với rừng già". Cho nên, có thể họ lại còn càng tưởng tượng ra thêm về bối cảnh của không gian địa lý nầy, lúc bấy giờ, thực tế vốn đã là một mảnh đất ruộng đồng xanh tươi, cây trái sum suê đã phải bị vô tình trở thành một nơi hoang vắng có cây cối âm u, rậm rạp.


    Hơn thế nữa, cùng với ảnh hưởng lưu truyền của những bài ca, tiếng hát được phổ nhạc ra từ bài thơ "Tha La Xóm Đạo", cho nên cục đất nầy nghiễm nhiên đã được rất nhiều người nghe biết. Và họ lại vội vã kết luận khẳng định cho rằng, là chỉ có Vũ-Anh-Khanh là người duy nhất đã biến cục đất nầy trở thành một địa danh lịch sử. Sự kiện nầy cần phải được đánh giá nghiêm túc lại, để nghiên cứu, đào sâu làm sáng tỏ nhiều hơn nữa. Vả lại, nếu xưa nay công trình nghiên cứu lịch sử của vấn đề được coi như là một bức tranh công phu cần phải được tô bồi bằng những nét vẽ đứt quảng. Và nếu quả vậy, thì người ta lại càng không thể loại trừ ảnh hưởng sâu đậm trong mấy vần thơ sau đây trong bài " Tha-La Xóm Đạo" đã có tác dụng gợi ý mạnh mẽ về quan niệm nhân sinh vào trong cuốn tiểu thuyết "Đời Tươi Thắm" của nhà văn Thẩm-Thệ-Hà xuất bản vào năm 1956.

    " Ờ ơ hơ...có một đám chiên lành
    Quỳ cạnh Chúa một chiều xưa lửa dậy
    Quỳ cạnh Chúa đám chiên lành run rẩy
    Lạy đức thánh Cha
    Lạy đức thánh Mẹ
    Lạy đức thánh Thần
    Chúng con xin về cõi tục để làm dân
    Rồi...cởi trả áo tu
    Rồi...xếp kinh cầu nguyện
    Rồi...nhẹ bước trở về trần"


    Tác phẩm nầy, được tác giả dàn dựng lên trong khung cảnh ở ngay cạnh tại giáo đường Tha-La nên thơ vắng vẻ. Và cũng nhằm có mục đích, là để đối chọi lại với quan niệm về nhân sinh ở phần kết cuộc với cuốn tiểu thuyết lừng danh của nhà văn Khái-Hưng trong Tự-Lực Văn-Đoàn. Nếu nói thêm về tình tiết, thì dạo ấy cuốn sách nầy bán rất chạy, vì đây là lần đầu tiên đã có một nhà văn miền Nam nhập cuộc gián tiếp chỉ trích, phê bình cuốn tiểu thuyết "Hồn Bướm Mơ Tiên" lúc bấy giờ vốn là một loại cảo thơm đang được các giáo sư sử dụng khai thác, để giảng dạy trong chương trình giáo dục học đường. Tuy nhiên, người ta cũng đừng quên rằng, dạo ấy, chính cây bút sắc bén, có tầm cỡ của miền Nam là Thẩm-Thệ-Hà lúc bấy giờ cũng từng đã có những tác phẩm văn chương vị nhân sinh cá biệt chuyên chở rất nhiều trọng lượng về văn học, mà người ta được biết qua các sách vở và báo chí hằng ngày. Vì thế, mà ảnh hưởng của câu chuyện mối tình rực nắng trong độ tuổi đôi mươi bên Tha-La xóm đạo được lồng vào trong cuốn tiểu thuyết " Đời Tươi Thắm" của ông rất có nhiều tiếng vang, do được nhiều nguời ham mộ. Và làm cho hàng độc giả bốn phương phải biết tới nhà thờ và họ đạo Tha-La trên mảnh đất yên lành, nên thơ, hoang vắng. Chúng ta chỉ thử lướt qua một đoạn văn ngắn súc tích, tả về cảnh các giáo dân quanh vùng tưng bừng nô nức, vui vẻ rủ nhau đi xem lễ ở giáo đường Tha-La trong ngày trọng đại đón mừng giáng sinh Đức Chúa ra đời:

    (Trên con đường đỏ quạch, từng đám dân lành lũ lượt kéo nhau đi. Ánh nắng mai lỗ đỗ rụng trên đầu. Tiếng chim ca ngợi bình minh và tiếng gíó reo vui trên cành lá. Những câu chuyện thân mật vang lên hòa nhịp như một khúc thanh bình)...


    Cuốn sách nổi tiếng "Đời Tươi Thắm" của Thẩm-Thệ-Hà ra đời và được phổ biến rộng rải, sau thời điểm của hiệp định đình chiến Genève vừa đã phân chia đất nước Việt-Nam. Còn tác giả của cuốn sách "Nửa Bồ Xương Khô" là Vũ-Anh-Khanh, thì đã tập kết ra Bắc vào mùa Thu năm 1954. Do vậy, dạo ấy tại miền Nam các tác phẩm của ông đều được hạn chế lưu hành. Và điều nầy, đã làm cho những từng lớp thành phần thế hệ nào đó chưa thể có dịp, để được đọc qua bài thơ "Tha-La Xóm Đạo", vốn được coi như là khúc nhạc dạo đầu của cuốn tiểu thuyết lừng danh một thuở của nhà văn nặng ký Vũ-Anh-Khanh. Do vậy, dù không cần đem ra để đánh giá, đo lường về ảnh hưởng của hai cuốn tiểu thuyết đã nặn ra một hình ảnh diệu hiền của xóm đạo Tha-La. Nhưng người ta cũng không thể nào dám lên tiếng phủ nhận, về nguyên nhân đã đưa đến sự kết thành được một mẫu số chung về tình cảm yêu thương, trữ tình bên Tha-La xóm đạo.

    Hơn thế nữa, ngược dòng thời gian kể từ thời kỳ từ năm 1947 trở về sau thì tình bạn giữa Thẩm-Thệ-Hà và Vũ-Anh-Khanh càng trở nên thân thiết hơn, do cùng khuynh hướng với nhau trong chủ trương sáng tác văn nghệ và cùng làm báo. Vẫn ngược dòng thời gian trước đó nhiều tháng còn trong năm 1949, trước lúc xảy ra đám tang của Trần-Văn-Ơn (9-1-1950) khi mà chính quyền thuộc địa dạo ấy đã lập tức đóng cửa các phòng trọ dành cho học sinh nội trú tại các trường trung học lớn ở Sài-Gòn như Pétrus-Ký, Gia-Long, vì sợ các cuộc tập họp được dễ dàng để gây sách động tham gia các cuộc biểu tình đòi yêu sách. Và cũng trước khi nổ ra sự cố đấu tranh quyết liệt của sinh viên, học sinh trong bối cảnh lịch sử ngột ngạt lúc bấy giờ. Tình trạng đó, đã làm cho nhiều nhà báo yêu nước từng dấn thân dùng ngòi bút đấu tranh cho lý tưởng tự do, giành độc lập cho quê hương không khỏi phải thêm suy tư, trăn trở. Chính ngay vào trong thời điểm không gian ấy, mà lần đầu tiên Vũ-Anh-Khanh mới có dịp về quê hương của Thẩm-Thệ-Hà. Và lưu lại ở đây khá lâu, để cùng ăn Tết luôn trong năm đó tại Trảng-Bàng.

    Trong thời gian lưu trú tại đây, ngày nào Thẩm-Thệ-Hà cũng chèo ghe đưa Vũ-Anh-Khanh ngao du theo sông rạch để thư dãn bơi lội câu cá, hái sim, khi thì đèo ông trên chiếc xe đạp chạy ra các làng thôn cách xa ngoài thành phố để dạo chơi ngắm cảnh. Thuở ấy, Trảng-Bàng còn quê mùa, không được mở mang và dân cư thưa thớt. Có hai địa điểm được hai ông đến chơi thích thú và thường trở đi, trở lại để tìm nguồn cảm hứng tâm hồn. Đó là xóm vắng Tha-La và Sông Đua. Và như tôi đã có dịp trình bày ở phần trên, là thân thế của tác giả cũng như tư liệu về bài thơ " Tha-La Xóm Đạo" hiện nay còn đang bỏ ngõ vì lý do có thể cần phải được hiệu đính lại điều sai sót bởi tác giả của nó đã qua đời? Và điều nầy, cũng không sao có thể tránh khỏi được với trường hợp đặc biệt về bài thơ "Trường Thành Sông Đua" của Thẩm-Thệ-Hà.

    Tóm lại, dầu sao thì ngày xưa khi Tha-La còn cái hồn làng mạc chơn chất, thì tình người nơi đây vẫn đẹp, duyên quê duyên dáng, hài hòa cuộc sống người người, thật là lý tưởng cho những ai muốn tìm về hạnh phúc ở tâm hồn, nhất là bên cạnh ngôi giáo đường bé nhỏ xinh xinh, tôn nghiêm phụng thờ ơn thánh Chúa. Cho nên vào lúc bấy giờ, Tha-La thủy chung đương nhiên cũng vẫn lại là một địa danh đích thực, mà không cần đến một phương cách ca tụng hóa trang được tô son điểm phấn của bất cứ những loại hình thể văn chương bóng bẩy nào.

    Tuy nhiên, thế rồi bẳng đi sau một thời gian nhiều năm dài ngủ yên, thì cục đất Tha-La lại trở mình thức gấc. Đó thờì kỳ mà Tha-La đã bỗng dưng trở thành mảnh đất dụng võ của đảng phái, đã chọn lựa vùng đất nơi nầy để làm thí điểm địa bàn nhằm đẩy mạnh phong trào, phát triển cơ sở. Dạo ấy, địa danh Tha-La lại càng được thêm nhiều người biết đến vì màu sắc động đậy về chính trị hơn là xóm đạo, dù là sự kiện nầy chỉ xảy ra trong một giai đoạn ngắn ngủi mà thôi. Tuy nhiên, nguời ta phải thực tế khách quan nói rằng lấy cái mốc thời gian của định mệnh lịch sử được kể từ vào đầu Xuân 1974, và mùa Xuân 1988. Với những đề tài thời sự nhạy cảm được cập nhật hóa trên bình diện quốc tế, về vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở biển Đông giữa các quốc gia liên quan trong khu vực lúc bấy giờ, thì địa danh Tha-La mới vĩnh viễn được coi như là đã đi vào huyền thoại.

    Sự kiện nầy, từ lâu đều đã được hầu hết nhân dân, tất cả đồng bào ai cũng biết. Đó là do có sự quyết tâm chiến đấu bảo vệ lãnh thổ của dân tộc, xảy ra trong những trường hợp trùng ngẫu đặc biệt khác thường. Và ý nghĩa tinh thần tiêu biểu về sứ mạng trung thành hi sinh cho tổ quốc của bao người chiến sĩ đó, xưa nay, không khác gì với lại hình ảnh của những vị Bồ-Tát vị tha từng ra tay bác ái để lấy thân mình cứu khổ, độ nhân trong lúc tai biến hiểm nguy. Và sự kỳ diệu nầy, đã vô tình đan kết tạo thành một bức tranh in hình tấm huy chương "vị quốc vong thân" chói rạng về mặt tinh thần, nghĩa vụ của hàng hàng đứa con gương mẫu từng đứng lên thề nguyền dấn thân làm đẹp quê hương, tận trung báo quốc. Và nếu phải nói theo thể xác định về danh dự ở hàng đầu đó, thì chính là do có sự đóng góp hi sinh cao quý của hầu hết những vị anh hùng liệt sĩ đã can đảm, hiên ngang cùng nhau nhất tề quyết tâm bảo vệ non sông tổ quốc từ vùng trời, vùng đất, vùng bể khơi, hải đảo.

    Do vậy, trong mọi trường hợp nào tôi cũng xin kính cẩn được nghiêng mình trước vong linh của những vị anh hùng chiến sĩ vô danh, vị quốc vong thân. Và thành tâm tạ tội, vì không thể biết hết được tất cả quý danh của từng những đứa con yêu mến của dân tộc để tôn vinh.

    Chính vì lẽ đó mà tôi chỉ còn lại cơ hội duy nhất, để nói về nguyên khí miền đất thiêng liêng Tha-La xóm đạo của quê hương tôi từng tự hào. Vì nó đã từng có dịp hiến dâng một đứa con ưu tú, tài hoa làm rạng rỡ xóm làng, một người bạn đồng hương gần gũi, chân thành, thân thiết. Một vị anh hùng chiến sĩ can cường, bất khuất đã hiên ngang xả thân quyết tâm chiến đấu với giặc xâm lăng để bảo vệ non sông trên hải đảo Hoàng-Sa trong một trận thư hùng. Và oanh liệt phi thường, cho đến phút cuối cùng đã anh dũng hi sinh đền nợ nước, để lại tấm gương mãi mãi nghìn thu bằng những nét son tô đậm được vinh danh ghi tạc ở bia vàng **.

    An-Tiêm MAI-LÝ-CANG
    (Paris Xuân Nhâm-Thìn 2012)


    nguồn : Chim Việt Cành Nam

    (*) - Schla có nghĩa là khu nhà mát, nhà lồng, hay cái trạm hoặc cái trại.

    (**) - Ngụy-văn-Thà, cố Trung-Tá Hải-Quân Hạm Trưởng Nhựt-Tảo HQ10 sinh trưởng tại Tha-La, nguyên là học sinh trường Cao-Đẳng Trảng-Bàng, Tây-Ninh.

    - Ghi chú:

    - Đề tài thời sự nhạy cảm tranh chấp về chủ quyền ở biển Đông, hiện nay đã được hầu hết các phương tiện truyền thông quốc tế thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến. Đặc biệt, là về hai trận hải chiến ở quần đảo Hoàng-Sa, Trường-Sa giữa Việt-Nam và Trung-Quốc. Và có dịp phổ biến rộng rãi về trường hợp của vị hạm trưởng anh hùng, đã tuẫn tiết theo chiến hạm Nhựt-Tảo HQ10.


    (1)-Sau đây là nguyên văn của bài thơ " Tha-La Xóm Đạo"

    Đây Tha-La xóm đạo
    Có trái ngọt, cây lành
    Tôi về thăm một dạo
    Giữa mùa nắng vàng hanh
    Ngậm ngùi Tha-La bảo:
    Đây rừng xanh, rừng xanh
    Bụi đùn quanh ngõ vắng
    Khói đùn quanh nóc tranh
    Gió đùn quanh mây trắng
    Và lửa loạn xây thành
    Viễn khách ơi! Hãy dừngchân cho hỏi?
    Nắng hạ vàng ngàn hoa gạo rưng rưng
    Đây Tha-La, một xóm đạo ven rừng
    Có trái ngọt, cây lành im bóng lá
    Con đường đỏ, bụi phủ mờ gót lạ
    Ngày êm êm lòng viễn khách bơ vơ!
    Về chi đây! Khách hỡi! Có ai chờ?
    Ai đưa đón?
    Xin thưa. Tôi lạc bước!
    Không là duyên, không là bèo kiếp trước
    Không có ai chờ, đưa đón tôi đâu!
    Rồi quạnh hiu, khách lặng lẽ cuối đầu
    Tìm hoa rụng lạc loài trên vệ cỏ
    Nghìn cánh hoa bay ngẩn ngơ trong gió
    Gạo rưng rưng, nghìn hoa máu rưng rưng
    Nhìn hoa rơi, lòng khách bỗng bâng khuâng
    Tha La hỏi? Khách buồn nơi đây vắng!
    Không. Tôi buồn vì mây trời đây trắng!
    Và khách buồn vì tiếng gió đang hờn?
    Khách nhẹ cười, nghe gió nổi từng cơn
    Gió vun vút, gió rợn rùng, gió rít
    Bỗng đâu đây vẳng véo von tiếng địch
    Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha-La!
    Bao người đi thề chẳng trở lại nhà
    Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn!
    Tiếng địch càng cao, não nùng ai oán
    Buồn trưa trưa, lây lất buồn trưa trưa
    Buồn xưa xưa, ngây ngất buồn xưa xưa
    Lòng viễn khách bỗng dưng tê tái lạnh
    Khách rùng mình, ngẩn ngơ người hiu quạnh
    Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha-La!
    Đây mênh mông xóm đạo với rừng già
    Nắng lổ đổ rụng trên đầu viễn khách
    Khách bước nhẹ theo con đường đỏ quạch
    Gặp cụ già đang ngóng gió bâng khuâng
    Đang đón mây xa...khách bỗng ngại ngần:
    Kính thưa Cụ, vì sao Tha-La vắng?
    Cụ ngạo nghễ, cười rung rung râu trắng
    Nhẹ bảo chàng:- Em chẳng biết gì ư?
    Bao năm qua, khói loạn phủ mịt mù
    Người nước Việt ra đi vì nước Việt
    Tha-La vắng, vì Tha-La đã biết
    Thương giống nòi, đau đất nước lầm than

    Trời xa xanh, mây trắng nghẹn ngàn hàng
    Ngày hiu quạnh ...ờ...ơ...hơ...tiếng hát
    Buồn như gió lượn, lạnh dài đôi khúc nhạc
    Tiếng hát rằng:
    Tha-La hận quốc thù
    Tha-La buồn tiếng kiếm
    Não nùng chưa! Tha-La nguyện hi sinh
    Ờ...ơ...hơ...có một đám chiên lành
    Quỳ cạnh Chúa, một chiều xưa lửa dậy
    Quỳ cạnh Chúa, đám chiên lành run rẩy
    Lạy đức thánh Cha
    Lạy đức thánh Mẹ
    Lạy đức thánh Thần
    Chúng con xin về cõi tục để làm dân
    Rồi...cởi trả áo tu
    Rồi...xếp kinh cầu nguyện
    Rồi...nhẹ bước trở về trần
    Viễn khách ơi ! Viễn khách ơi!
    Người hãy ngừng chân
    Nghe Tha-La kể...nhưng mà thôi khách nhé!
    Đất đã chuyển rung lòng bao thế hệ
    Trời Tha-La vần vũ đám mây tang
    Vui gì đâu mà tâm sự!
    Buồn làm chi cho bẽ bàng!
    Ờ...ơ...hơ, ờ...ơ...hơ...tiếng hát
    Rung lành lạnh, ngân trầm đôi khúc nhạc
    Buồn tênh tênh, não lòng lắm khách ơi!
    Tha-La thương người viễn khách quá đi thôi!

    Khách ngoảnh mặt nghẹn ngào trông nắng đổ
    Nghe gió thổi như trùng dương sóng vỗ
    Là rừng cao vàng rụng, lá rừng bay...
    Giờ khách đi, Tha-La nhắn câu nầy:
    Khi hết giặc, khách hãy về thăm nhé!
    Hãy về thăm xóm đạo
    Có trái ngọt cây lành
    Tha-La dâng ngàn hoa gạo
    Và suối mát rừng xanh
    Xem đám chiên hiền thương áo trắng
    Nghe trời đổi gió, nhớ quanh quanh...


    Vũ-Anh-Khanh


    Nhà thờ Tha-La Trảng-Bàng

  • #2
    Tác giả An-Tiêm Mai Lý Cang viết bài này tại Paris vào dịp Xuân Nhâm Thìn 2012, tức là mấy chục năm sau khi một cựu cán bộ cao cấp trong Quân Đội Nhân Dân (Bắc Việt) đã tiết lộ: sau khi tập kết ra Bắc, vào năm 1956 Vũ Anh Khanh bơi qua sông Bến Hải để trốn về miền Nam, nhưng đã bị bộ đội biên phòng Bắc Việt phát giác và bắn chết bằng tên tẩm thuốc độc!

    Có lẽ tác giả sống ở Pháp nên không hay biết gì về tiết lộ nói trên, sau đây chúng tôi xin giới thiệu một bài viết về nhà thơ Vũ Anh Khanh để độc giả đọc thêm.
    (Nguyễn Hữu Thiện)

    * * *

    VŨ ANH KHANH, Nhà Văn Đầu Tiên Chống Lại Cộng Sản Việt Nam


    Hồ Đinh (Hawaii)
    * Giải Thưởng Hạng Ba Giải Xuân Đinh Hợi 2007 của Phong Trào Hiến Chương 2000. Trích báo CON ONG VIỆT Số 81- Tháng 4/2007, tr.27- tr.29

    Vũ Anh Khanh và Xuân Vũ là hai người bạn chí thân trong văn chương và quãng đời dấn thân chống Pháp cứu nước suốt chín năm máu lửa 1945-1954, khi thực dân trở lại giày xéo quê hương Việt Nam lần thứ hai. Mang chí cả của người trai thời loạn, sống hết mình cho lý tưởng phụng sự đất nước, hai ông cũng như bao nhiêu người con thân yêu của Mẹ, lầm đường lạc lối trước những xảo thuật chính trị tuyên truyền của đệ tam quốc tế, qua cái bình phong Mặt Trận Việt Minh. Do đó, ngày hòa bình trở lại năm 1954, đã hăm hở, bỏ lại gia đình, theo 'Bác Đảng' tập kết ra Bắc. Nhưng than ôi tất cả chỉ là ảo vọng khi cái mặt thật của thiên đường xã nghĩa hiện ra trong máu lệ, qua cảnh đời nghèo đói bất công và nỗi cùng khốn tận tuyệt của dân chúng vô tội bên bờ này vỹ tuyến, qua cái gọi là cải cách ruộng đất và vụ án trăm hoa đua nở, mà chánh quyền cộng sản rập khuôn theo Trung Cộng để diệt các tầng lớp phú, nông, thợ thuyền và trí thức VN, những người đã làm đá lót đường, làm cầu qua sông, làm phương tiện cho đảng chiếm được nửa nước để thụ hưởng và cầm quyền. Như Phùng Quán đã viết :

    - «Tôi đã đi qua những xóm làng chiến tranh vừa chấm dứt,
    Tôi đã gặp những bà mẹ già quấn dẻ rách
    Da đen như củi cháy giữa rừng
    Kéo dây thép gai tay máu chảy ròng
    Bới đồn giặc trồng ngô trỉa lúa...
    Yêu ai cứ bảo là yêu,
    Ghét ai cứ bảo là ghét...».


    Thế nên hai người đã quyết ý, phải từ bỏ thiên đường đang ngoi ngóp sống, để quay về Nam với Mẹ với em, với những thân thương đang ràn rụa nước mắt đợi chờ. Nhưng than ôi, số đời đã định, cùng ra đi trong khi Xuân Vũ biết rằng «Đường đi không đến» thì lại đến vào năm 1965 tại Củ Chi. Trong lúc đó Vũ Anh Khanh đã sắp với tay được vào bờ nam dòng sông vỹ tuyến, thì một mũi tên tẩm thuốc độc vô tình đã kết liễu cuộc đời tài hoa của người chiến sĩ vào năm 1956.

    Mới đây, trên tờ Văn Hoá VN, số 14 mùa thu 2001, xuất bản tại Houston Texas, Xuân Vũ nhớ bạn có nhắc lại câu thơ:- «Vũ Anh Khanh, quê hương còn ly loạn», rồi kể lại câu chuyện của một người chết không mồ.

    Cuộc đời của những người yêu nước là vậy đó, bảo sao mà không buồn? Nhất là qua biến cố 30-4-1975 đã cho chúng ta thấy một cách minh bạch rằng: «Chế độ thực dân đồng chủng hay dị chủng, Pháp hay Việt Cộng, bản chất vẫn như nhau». Bởi vậy, những điều mà các nhà văn kháng chiến miền Nam, trong đó kiệt hiệt nhất là con chim đầu đàn Vũ Anh Khanh, Người Bình Thuận-Phan Thiết của miền Trung duy nhất, qua các bản cáo trạng, tới nay vẫn còn giá trị. Có điều thật là bất công và tàn nhẫn đối với những người yêu nước, trong đó có Vũ Anh Khanh, nhất là tại VNCH miền đất được mệnh danh là tự do dân chủ. Nhưng mai mỉa thay trong khi chương trình Việt Sử bậc Trung và Đại Học Quốc Gia long trọng đề cập tới cuộc kháng chiến của Dân Tộc qua sự nghiệp lật đổ ách thống trị của Thực dân Pháp từ 1945-1954 tại Nam Kỳ. Nổi đời lại càng bi phẫn hơn qua việc lãnh đạo miền Nam, đã mở rộng tim để chấp nhận bản Thanh niên hành khúc của Lưu hữu Phước làm Quốc Thiều VN, sau khi được sửa chữa một vài chữ. Ai cũng biết họ Lưu là Việt Cộng chứ không phải Việt Minh, nhất là sau khi Miền Nam mất nước, ngày 20-8-1975, Lưu hữu Phước qua chức phận Bộ Trưởng Thông Tin Văn Hoá của cái Chính phủ Lâm thời CHMN, đã ký nghị định «Đốt sách chôn học trò» trên khắp lãnh thổ VNCH cũ. Trong khi đó chỉ vì chính trị và định kiến hẹp hòi, Miền Nam đã gạt bỏ những người yêu nước như Vũ Anh Khanh, kể luôn các tác phẩm vô cùng giá trị. Ngày nay trắng đen đã rõ, chỉ đau đớn là Quê Hương vẫn còn Ly loạn mà Ông không biết đã về đâu?·

    1-VŨ ANH KHANH QUA MINH HỌA CỦA NHÀ VĂN XUÂN VŨ:

    Qua các tài liệu rất ít ỏi, được biết Vũ Anh Khanh tên thật là Võ Văn Khanh, sanh năm 1926 tại Mũi Né, quận Hải Long, tỉnh Bình Thuận. Ngoài bút hiệu trên, ông còn ký tên Vương Ấu Khương khi viết truyện ngắn «Mắt xanh sống vẫn lầm than bụi đời» đăng trên tờ Xuân VN vào Tết năm 1951.

    Mũi Né, quê hương của nhà văn, vốn là một thị trấn miền biển bao gồm hai xã Khánh Thiện và Thạch Long, nằm cách Phan Thiết về hướng Đông Bắc chừng 20 km, xưa hay nay cũng vẫn là miền đất trù phú và thơ mộng của tỉnh Bình Thuận. Ba trăm năm qua như một giấc mộng nhưng cái tên Mũi Né vẫn tồn tại trong tâm khảm của mọi người, cho dù trên giấy tờ hay bản đồ qua thời gian với bao nhiêu cái tên như Vị Nê, Cap Nê, Hải Long, Hàm Dũng và gì gì nữa trong tương lai. Điều trên cũng giống như thân phận của nhà văn Vũ Anh Khanh, kẻ chết không mồ nhưng vẫn sống mãi với những tác phẩm đấu tranh để đời mà ai cũng biết tới, dù đã có thời gian và ngay bây giờ chúng vẫn bị cấm đọc hay quảng bá. Sách của ông không nhiều vì cuộc sống của nhà văn ngắn ngủi, hơn nữa trong lúc văn thi tài đang lên như diều gặp gió, thì năm 1950 ông đột ngột từ bỏ thành đô hoa lệ, sau một chuyến viếng thăm Tha La xóm đạo, một làng quê êm đềm thơ mộng như chính quê hương Mũi Né, với những rặng dừa xanh ẻo lả, chạy song song với đồi cát trùng trùng, ngày tháng nép mình ôm ấp biển xanh:

    - «Đây Tha La xóm đạo,
    Có trái ngọt cây lành
    Tôi về thăm một dạo
    Giữa mùa nắng vàng hanh...»


    Nhưng rồi giặc đến, vào làng giết người cướp của, cuộc sống an bình của quê hương bỗng chốc thành máu lệ, bao nam nữ đã ra đi để hiến mình cho quê hương đất nước, chỉ còn lại nỗi tang tóc, buồn hiu:

    - «Kính thưa cụ, vì sao Tha La vắng?
    Cụ ngạo nghễ cười rung rung râu trắng
    Nhẹ bảo chàng, em chẳng biết gì ư?
    Bao năm qua khói lửa phủ mịt mù
    Người nước Việt ra đi vì nước Việt.»

    (Tha La xóm Đạo-Vũ Anh Khanh).

    Đó chính là lý do, làm cho ông đã từ bỏ tất cả để dấn thân vào cuộc kháng chiến chống Pháp đang bùng nổ dữ dội khắp nước, dù lúc đó rất nổi tiếng, đang có nhiều sách bán chạy như chuyện dài BẠC XÍU LÌN, được Tiếng Chuông xuất bản năm 1949, chỉ trong 2 tháng đã bán hết 10,000 cuốn, sau đó phải tái bản nhiều lần vẫn không cung ứng nhu cầu của người ái mộ. Nói chung theo giáo sư Nguyễn văn Sâm viết trong «Văn Chương Nam Bộ và cuộc kháng Pháp 1945-1950, thì hầu hết tác phẩm của Vũ Anh Khanh rất có giá trị và tiêu biểu trong dòng văn chương đấu tranh thời đó, dù là thơ như CHIẾN SĨ HÀNH (Tân VN, Sài Gòn 1949), Truyện dài NỬA BỒ XƯƠNG KHÔ gồm 2 tập (Tân VN, Sài Gòn 1949), CÂY NÁ TRẮC (Tân Việt, Sài Gòn 1947), truyện ngắn NGŨ TỬ TƯ (Tân VN, Sài Gòn 1949), ĐẦM Ô RÔ (Tiếng Chuông, Sài Gòn 1949), SÔNG MÁU ( Tiếng Chuông, Sài Gòn 1949) và BÊN KIA SÔNG ( Tân VN, Sài Gòn 1949)».

    Riêng bài thơ Tha La Xóm Đạo của ông, sau này được nhạc sĩ Dũng Chinh, tên thật là Nguyễn văn Chính, cũng là người Phan Thiết, phổ nhạc và rất được mọi người ưa thích, giống như bài «Hoa trắng thôi cài trên áo trắng» của thi sĩ Kiên Giang. Ngoài ra soạn giả cải lương nổi tiếng Viễn Châu cũng đã mượn ý của Vũ Anh Khanh để viết tình khúc tân cổ giao duyên «Tha La xóm đạo».

    Theo Xuân Vũ thì Vũ Anh Khanh lớn hơn ông chừng vài tuổi, hai người đã quen biết nhau khi cùng ở chung trong hàng ngũ kháng chiến quân, gọi tắt là Việt Minh, một tổ chức chống Pháp qui tụ toàn dân VN không phân biệt đảng phái chính trị. Qua hí họa của họa sĩ Thanh Long và các bằng hữu lúc đó đang phục vụ tại Ban Tuyên Huấn, Phòng Chính Trị, đóng ở Cái Thun, gần Cái Chanh Lớn, miệt Cạnh Đền miền Tây Nam Phần như các Thi sĩ Rum Bảo Việt, Nguyễn văn Trị, Điêu khắc sư Trần văn Lắm, Sơn Nam, Hà Huy Hà, các họa sĩ Thanh Tòng, Thanh Long, Hoàng Tuyển, nhà thơ Việt Ánh, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí, Phạm công Nhiều, Quốc Hương và Xuân Vũ thì Vũ Anh Khanh lúc đó dù là một nhà văn đang nổi tiếng và có rất nhiều tác phẩm bán chạy, lại là một sĩ quan lục quân, tốt nghiệp tại Trường Lục quân, thuộc Phân hiệu II Trần Quốc Tuấn nhưng tánh tình khiêm cung, hiền hậu, có thể nói là chẳng bao giờ để lộ cái tôi ra ngoài, khiến cho cả đơn vị kể luôn Xuân Vũ lúc đó, không hề biết ông là ai.

    Đối với những tâm hồn nghệ sĩ lớn như Vũ Anh Khanh, viết lách, làm thơ, phát biểu những ẩn ức trong lòng, được coi như lẽ sống của kẻ cầm bút, nhưng theo Xuân Vũ thì từ năm 1950 khi về phục vụ tại cơ quan chính trị kháng chiến, không hiểu vì lý do gì Vũ Anh Khanh trở nên bất động, thậm chí tại Khu có tờ báo mang tên Tiếng Súng Kháng địch, sau đổi thành tờ Quân đội nhân dân miền tây, vậy mà Vũ Anh Khanh hầu như không hề biết tới, kể cả những lúc sinh hoạt cũng chẳng hề có ý kiến, nếu bị hỏi tới mới nói: «tôi đồng ý thế thôi». Như vậy, chẳng lẽ lúc đó ông đã nhận ra cái mặt thật của Việt Minh đang bị Việt Cộng núp bóng điều khiển hay vì cực khổ nên hối hận? Cả hai thắc mắc không thấy Xuân Vũ đề cập tới, ngoài một thố lộ chân thành là Vũ Anh Khanh với người bạn kháng chiến Nguyễn hữu Trí, em ruột tướng Nguyễn thanh Sơn, xuất thân trong một gia đình vọng tộc, đại diền chủ tỉnh Vĩnh Long, và Vũ Anh Khanh cũng thuộc một gia đình giàu có ở Mũi Né, Phan Thiết... nên trong lúc cả nhóm đi cải thiện sinh hoạt, kiếm thêm chất tươi để bồi dưỡng vì thức ăn hằng ngày chỉ có muối, chao và các loại rau dại. Những lúc này, hình như Vũ Anh Khanh không biết làm gì cả ngoài việc quơ quào các thứ rau má ngoài vườn. Lại có người hỏi sao không đi cắm câu, bắt cá thì ông chỉ cười và trả lời từ nhỏ tới lớn, gia đình không cho làm chuyện này, dù rằng tại quê hương Mũi Né của ông cũng có vườn, ruộng và biển. Thêm một chi tiết khác là ông còn độc thân cho tới lúc qua đời. Cũng theo lời kể của Xuân Vũ, thì hai ông sống chung rất lâu nhưng năm 1954 tập kết ra Bắc, Xuân Vũ đi tại bến Chắc Băng, Cà Mâu và chỉ gặp lại Vũ Anh Khanh tại Hà Nội trong khu tập thể của dân Nam kỳ tập kết.

    2- XUÂN VŨ KỂ LẠI CÁI CHẾT CỦA VŨ ANH KHANH:

    Ngay khi vừa ký kết hiệp định ngưng bắn năm 1954 tại Genève chia đôi đất nước, Bắc Việt đã mở ngay chiến dịch tuyên truyền về cái gọi là Kháng chiến VN, đánh đuổi Pháp-Nhật do đảng cộng sản lãnh đạo, bằng cách cho nhiều phái đoàn văn nghệ sĩ VN đến các nước thân cộng, cộng sản, trung lập hay có liên hệ ngoại giao để tuyên truyền. Trong chiến dịch qui mô này, Hồ đã cho Nguyễn văn Bổng, tức Trần Hiếu Minh sau này được cài vào VNCH tổng chỉ huy đám văn nghệ sĩ nằm vùng, Đoàn Giỏi, Anh Thơ, Nguyễn Ngọc, Nguyễn Tuân đi Tân Tây Lan và Úc Đại Lợi. Nguyễn đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng đi Liên Xô, Trung Cộng, Tô Hoài đi Đông Âu còn Nguyễn công Hoan, Võ Huy Tâm, Phạm hữu Tùng và Vũ Anh Khanh đi Ấn Độ.

    Trước khi đi, Khanh có đến thăm các bạn Nam Kỳ trẻ tập kết lúc đó chưa có tiếng tăm gì như Nguyễn quang Sáng, Bùi Đức Ái, Xuân Vũ... đối với cây đại thụ trong làng thi văn Nam Kỳ là Vũ Anh Khanh.

    Bao nụ cười ra nước mắt, những đáng cay chua xót của kiếp người nhất là những người văn nghệ sĩ có tim, óc và tri thức đã được Xuân Vũ đắng cay cười cợt diễn tả nhắc lại qua các mẩu đối thoại giữa hai người bạn thân cùng trong cảnh ngộ lầm đường lạc lối, bỏ tất cả để hôm nay chuốc lấy sự nản phiền và đau lòng. Có đọc Xuân Vũ mới biết về Vũ Anh Khanh, có nghe Xuân Vũ tự sự về bạn mình từ lúc sống với nhau trong khu đồng chua nước mặn ở tận cùng cảnh nghèo cực của miền tây Nam Kỳ và sau này trong thiên đàng xã nghĩa chết bỏ tại Bắc Việt, ta mới nghiêng mình cảm phục những tâm hồn hy sinh vì nước của các đại gia công tử giàu sang phú quý như Võ như Khanh, như Trí và cũng vì đã từng sống trong cảnh giàu, trước khi dấn thân vào con đường chông gai chống Pháp, họ đã biết tự trọng như việc Vũ Anh Khanh mượn quần áo sang của Đảng để diện khi đi ngoại quốc làm vẹt tuyên truyền, lúc về vẫn hoàn trả nguyên vẹn, mà theo bè bạn lúc đó là chuyện điên rồ. Cũng theo Xuân Vũ thì mới đây, nhà văn Nhuệ Hồng viết trên tờ Thời Luận hải ngoại, cho biết năm đó ông đại diện cho VNCH cùng đi dự Hội nghị các nước Á Phi và có gặp Vũ Anh Khanh tại New Delhi, thủ đô của Ấn Độ. Chắc chắn đây là nguyên nhân thúc đẩy ông tìm đường về Nam, một việc đã nung nấu từ lâu nhưng không thực hiện được hoặc vì một lý do thầm kín mà chúng ta không biết dược vì bản tính của Vũ Anh Khanh trước sau kín như bưng, kể cả người bạn thân Xuân Vũ cũng không hiểu được.

    ***

    Sau khi ở hội nghị về, Vũ Anh Khanh có mua một chai rượu quý của Anh quốc để giải sầu với đám bạn bè Nam kỳ tập kết. Theo Việt Thường trong tác phẩm «Chuyện thâm cung DTDHCM» thì năm đó (1956), tình hình miền Bắc vô cùng rối loạn, nhất là Bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, thuộc sư đoàn của Đồng văn Cống và Tô Ký, bất mãn nên nổi loạn cướp phá tỉnh Ninh Bình, một số trốn chạy về Nam. Giống như tâm trạng của những người bộ trên, Vũ Anh Khanh đã kín đáo mượn cớ đi Ấn Độ về, ông dùng rượu để chia tay bạn bè thay lời vĩnh biệt, vì sau đó trong một cuộc Hội nghị khoáng đại của Hội Liên Hiệp Văn Nghệ, Xuân Vũ mới biết tin Vũ Anh Khanh đã chết ở Vĩnh Linh, Quảng Trị vì tai nạn.

    Sự thật theo tiết lộ của Võ hồng Cương, phó Tổng thư ký Hội cũng là Cục phó Cục Tuyên Huấn quân đội nhân dân Bắc Việt thì năm 1956, Vũ Anh Khanh được nghỉ phép ở Vĩnh Phúc nhưng ông đã sửa giấy phép thành Vĩnh Linh, Quảng Trị và từ đó bơi qua sông Bến Hải quãng trên cầu Hiền Lương vài cây số, quyết tâm về Nam tìm tự do. Nhưng hỡi ơi Trời không thương người hiền, nên khi sắp tới bến tự do thì bị Bộ đội biên phòng bờ Bắc phát giác và để khỏi bị Ủy ban quốc tế làm biên bản vi phạm Hiệp định ngưng bắn, thay vì dùng súng, Việt Cộng dùng tên tẩm thuốc độc bắn chết Vũ Anh Khanh. Sông Bến Hải lớn hơn sông Mường Mán tại Phan Thiết và thủy triều lên xuống bất thường, nên xác của người chết nhất là một phạm nhân vượt tuyến nếu may mắn không bị trôi ra biển đông hay xuôi về mạn ngược, mà tắp vào một bãi bờ nào đó trong khu phi quân sự, thì chắc chắn cũng được dân chúng vùi dập vội vã để làm phước, chứ đâu có ai dám truy nguyên lý lịch của nạn nhân, để tự chuốc họa cho mình?

    Mấy năm sau Xuân Vũ theo phái đoàn văn nghệ đi công tác ở Vĩnh Linh, Quảng Trị và ông cũng đã có ý định như Vũ Anh Khanh, bơi qua sông tìm tự do nhưng khi chợt nhớ tới giọng ngâm sang sảng năm nào của người quá cố:

    - «Vũ Anh Khanh, quê hương còn ly loạn»... thì tỉnh ngộ, nhờ vậy trong cuộc trường kỳ «đường đi không tới» nhưng cuối cùng ông đã tìm được tự do thật sự khi ra hồi chánh vào năm1965 tại Củ Chi, Hậu Nghĩa.

    3-VŨ ANH KHANH, MỘT ĐỜI ĐÁNG KÍNH:

    Sống trong buổi loạn ly, nhà tan nước mất, chỉ có một thiểu số không tim óc dửng dưng nhìn thế sự xoay vần, mặc cho quốc dân bị đè bẹp dưới gót sắt của ngoại bang. Nhưng tuyệt đại đa số dân chúng VN đã đứng dậy hưởng ứng phong trào chống trả với giặc thù. Cuối tháng 12-1946, quân Pháp chính thức làm chủ Sài Gòn và cũng giống như lần trước, giặc đã gặp phải sự chống trả của toàn dân. Lần trước vào năm 1862, người Việt dùng những vũ khí thô sơ và lòng yêu nước để chống chọi với súng đạn tối tân. Lần này, người Việt tuy vô Chánh phủ và thực tế chỉ là những lực lượng tự phát nhưng lại có trong tay các loại vũ khí hiện đại như người Pháp, của Nhật để lại.

    Thêm vào đó là tim óc của các tầng lớp trí thức tân học, thể hiện qua các tác phẩm tuyên truyền, những lời hiệu triệu, những tờ truyền đơn nẩy lửa, tố cáo sự dã man của Pháp, đồng thời kêu gọi toàn dân đứng lên đáp lời sông núi, tiêu diệt kẻ thù. Ngày xưa các cụ Đồ Chiểu, Huỳnh mẫn Đạt, Nguyễn Thông, Phan văn Tri... cũng đã từng dùng thơ văn cổ xúy cho cuộc kháng Pháp của Trương Định, Nguyễn trung Trực, Thủ khoa Huân, Thiên hộ Dương... nhưng lúc đó vì phương tiện và hoàn cảnh eo hẹp nên ảnh hưởng không được bao nhiêu. Trái lại khoảng thời gian năm năm 1945-1950, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nói chung là văn nghệ sĩ miền Nam đã tiếp tay cho kháng chiến một cách tích cực, góp phần lớn với toàn dân cả nước, tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, thu lại nền hòa bình độc lập cho đất nước. Trong chiều hướng trên, các tác phẩm văn xuôi của Vũ Anh Khanh, từ truyện ngắn cho tới truyện dài, qua nhận xét của các nhà nghiên cứu văn học hiện đại, trong đó có giáo sư đại học Nguyễn văn Sâm, đều đáng được xem là những tiêu biểu nhắm vào các mục đích đấu tranh nhằm tố cáo chính sách ngu dân của thực dân Pháp, làm cản trở sự tiến hóa của dân tộc VN.

    Tình trạng tạo nên cảnh ngu dân này, trước đây cũng đã được các nhà ái quốc tiền phong như Phan bội Châu, Phan chu Trinh... đặt thẳng vấn đề với nhà cầm quyền Pháp nhưng có lẽ quyết liệt hơn hết là tôn chỉ của VN Quốc dân đảng, được cố Đảng trưởng Nguyễn thái Học, viết trong bức thư tuyệt mệnh vào tháng 3-1930 gởi cho Hạ nghị viện Pháp, yêu cầu mở trường cũng như cải tổ nền giáo dục tại VN. Nối tiếp tâm nguyện của tiền nhân, Vũ Anh Khanh qua các tác phẩm BÊN KIA SÔNG và CÂY NÁ TRẮC, đã công khai tố cáo Pháp cố tâm ngăn chận sự học hành của VN. Trong truyện ngắn MỘT ĐÊM TRĂNG, Vũ Anh Khanh qua lời nhân vật của mình, đã thổn thức: «...Dân VN hiếu học nhưng bao lâu nay, họ cam tâm chịu dốt nát vì bị người ta tìm cách chèn ép...».

    ***

    Hậu quả trên đã tạo nên tuyệt đại tầng lớp dân chúng thất học, chịu câm lặng cúi gập trước nỗi bất công phi lý, như hầu hết các nhân vật trong truyện dài NỬA BỒ XƯƠNG KHÔ gánh chịu. Song song, ông còn mạnh mẽ tố cáo Pháp cố tình tạo nên một xã hội băng hoại, để đầu độc dân tộc VN, là tác giả của những tệ nạn rượu chè, hút sách, cờ bạc, đĩ điếm, công khai khuyến khích hay dùng bạo lực bắt dân chúng phải mua rượu, trồng nha phiến, mở sòng bạc, ổ điếm. Tất cả những tệ nạn xã hội trên đều được Vũ Anh Khanh ghi lại đầy đủ và nát tim trong các tác phẩm BẠC XÍU LÌN, SÔNG MÁU và ĐẦM Ô RÔ...

    Tất cả các cơ sở trụy lạc trên đều nhan nhản khắp nước, đặc biệt là tại Hà Nội, Hải Phòng và nổi tiếng ở Sài Gòn-Chợ Lớn với hai sòng bạc Kim Chung và Đại thế giới, do các xì thẩu Hoa, Ấn và Pháp kiều toa rập làm chủ, kết quả nhiều người Việt vì say mê cờ bạc, thần đề, bàn đèn, đĩ điếm phải tan gia bại sản và cuối cùng đã:

    - «... bán con, thế vợ, đợ chồng
    hết cơ, mất nghiệp, thần vòng rũ đi...»


    Sau rốt, ông đã tố cáo thực dân làm cho người VN trở thành lạc hậu, hung tàn, mất hết bản tánh con người văn hiến. Trong lãnh vực này, Vũ Anh Khanh xứng đáng là một chiến sĩ, một nhà văn can trường khi dám dùng trí óc như những phát súng thần công nhắm thẳng vào bọn cầm quyền Pháp, lũ xì thẩu bất nhân Hoa kiều và đám tư bản bóc lột Ấn Độ, chuyên sống ký sinh trên thân thể đầm đìa máu lệ của người Việt, được lột trần qua các truyện ngắn như Sài Gòn ơi, Ma thiên Lãnh, Hối tắc. Nóm tóm lại dưới chế độ thực dân, cảnh nghèo cực tối tăm, người Việt không còn tương lai và gần như đánh mất hết đạo lý của thánh hiền, trở nên yếu hèn nông nổi vì quanh quẩn bị bạo lực vây bủa, kềm chế, sống trong cảnh một cổ bốn tròng, chia rẽ Trung Nam Bắc dù tất cả đều là VN và thê thảm nhất về kinh tế, Pháp và bọn ký sinh Hoa-Ấn hầu như nắm hết tất cả nguồn lợi quốc gia.

    Nạn đói năm Ất Dậu 1945 khiến cho hơn 2 triệu người bị chết đói, là hậu quả tất yếu của chính sách trên, sau này được Vũ Anh Khanh lập lại trong truyện dài ưng ý và nổi tiếng nhất của ông NỬA BỒ XƯƠNG KHÔ. Văn chương của Vũ Anh Khanh phản ảnh đúng nét đặc trưng của người Bình Thuận, ngay thẳng, trung hậu vì vậy thật linh động, có lúc thống thiết lâm ly, có khi mỉa mai cay độc nhưng vẫn không dấu nổi nét cảm khái hùng hồn, chưa chan niềm uất hận.

    Vũ Anh Khanh hiện diện trên cõi đời thật ngắn ngũi (1926-1956), giống như hoàn cảnh của Vũ trọng Phụng cũng tài hoa lại vắn số, nhưng ông cũng đã làm tròn thiên chức của một thanh niên thời đại, trong cảnh quốc phá gia vong. Đây cũng là cái giá trị cao quý nhất của kiếp người, nhất là giới mày râu hàng tri thức có lương tri và nhân phẩm, cái hào quang để thế nhân phân biện được hư thực, tốt xấu của con người.

    Sau năm 1975, nhiều văn nghệ sĩ miền Bắc thẳng thắng bảo rằng, cái chết sớm của Vũ Anh Khanh là một hạnh phúc, để ông không trở thành cái bình vôi như hầu hết các văn thi sĩ tiền chiến đã lãnh trong suốt thời gian sống nhục nơi cõi thiên đàng xã nghĩa u trầm. Qua việc Vũ Anh Khanh tập kết ra Bắc năm 1954, nhiều người kết tội ông là cộng sản. Cũng vì lý do này mà suốt thời gian1955-1975, tác phẩm của ông lại bị cấm tiếp, không được tái bản, lưu hành, không có tên trong chương trình giáo dục, dù năm 1956 ông đã bị cộng sản miền Bắc bắn chết trên sông Bến Hải, khi quyết lòng đi tìm tự do sau khi đã đối mặt với sự thật não lòng. Thật ra việc Vũ Anh Khanh có là cộng sản hay không, giờ này cũng chưa có ai xác nhận được vì trong 9 năm chống Pháp, đảng VC núp bóng Việt Minh để quản thúc toàn dân kháng chiến và trong Việt Minh lúc đó có đủ mọi thành phần, đảng phái. Vũ Anh Khanh, Xuân Vũ... hay mọi người khác trong dòng người yêu nước lúc đó, biết ai là Việt Minh hay Việt Cộng. Còn vấn đề về Tề hay tập kết phần lớn chỉ vì mang tâm trạng sợ bị trả thù, nên bặm môi tới đâu hay đó.

    Nhưng thôi sự thật giờ đã rõ ràng, bộ mặt thật của cộng sản từ 1930-2006 cũng đã trôi hết lớp son phấn và huyền thoại, cho nên sự thức tỉnh của Vũ Anh Khanh năm 1956 là thái độ của một anh hùng đáng kính phục và mến mộ. Hơn nữa công hay tội của một con người xin hãy để cho lịch sử định đoạt. Tự dưng tâm hồn cảm xúc và bối rối kỳ lạ khi bâng quơ đi vào ngõ khuất của một phần đời nhà văn bị đời quên lãng VŨ ANH KHANH. Trong gió, trong mưa, trong cảnh mùa đông sụt sùi nước mắt, hình như có tiếng ai đang thì thầm:

    - «Hãy khóc lên đi cho quê hương yêu dấu. Quê hương vẫn còn trong cơn ly loạn mà Anh nay ở đâu?».

    Nhiều người nói, nhờ gương can đảm của nhà văn Vũ Anh Khanh, qua hành động chống lại CSVN bằng hành động vượt biên tìm tự do, đã mở đường cho nhiều văn nghệ sĩ khác của Miền Bắc tỉnh thức, như Phan Nghị, Xuân Vũ... sau đó là Hoàng Hữu Quýnh, Bùi Tín,Việt Thường, Phạm Thành Phương, Vũ thư Hiên càng làm sáng tỏ thêm chính nghĩa tự do của Dân Tộc Việt.

    Hồ Đinh
    Xóm Cồn, Hạ Uy Di
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 10-05-2017, 03:11 PM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X