Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Sao chổi

Collapse
X

Sao chổi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Sao chổi

    Sao chổi
    Tác giả:Trần Hoài Thư


    Truyện này được trích từ phần hai của truyện ngắn Sao Chổi đăng 2 kỳ trên tạp chí Nghiên Cứu Văn Học số 8-9 năm 1969 (linh mục Thanh Lảng chủ nhiệm). Truyện lấy bối cảnh và chất liệu từ một cuộc đóng quân đêm của một đại đội thám kích tại một ngôi ấp ở dưới chân núi, để chuẩn bị cho cuộc đột kích hừng đông trên ngọn đồi Răng Beo.
    Để có truyện này, tác giả thành thật cám ơn người bạn ẩn danh ở trong nước đã cố công sưu tầm và đánh máy lại một đứa con tinh thần mà chúng tôi ngỡ sẽ không bao giờ thấy lại nó nữa… (THT)



    …Nai soi lá thư hồng của người vợ dưới ánh trăng, đọc như thuộc lòng
    Ông xã của em,
    Bây giờ là mười hai giờ đêm. Em không ngủ được. Em trở dậy thắp đèn viết thư cho anh.
    Anh yêu,
    Anh xa em như vậy đã nửa tháng. Tại sao trời cao không thương xót chúng mình, bắt vợ ở một phương, chồng ở một nẻo. Em đã khóc hết nước mắt, vì thương anh, vì tủi thân em.
    Hạ sĩ nhất Cai, ông già mang 79, kêu lên: Thảm quá hè!
    Dũng đen hối:
    – Đọc nữa đi, trung sĩ. Tội nghiệp ghê đi.
    Trung sĩ Nai lắc đầu;
    – Thôi, chừng ấy vừa rồi. Tôi không đủ can đảm đọc thêm nữa đâu. Đọc chừng nào muốn khóc chừng nấy. Rồi hắn nốc cạn phần rượu còn lại. Đôi vai hắn bỗng run. Ánh trăng rọi một phần gương mặt gầy và đen, như phết một lớp sơn vàng vọt, bệnh hoạn.
    Tân la lên: thôi, uống vừa vừa chứ.
    Bỗng trung sĩ Nai hỏi chàng:
    – Ông Tân nè, ông có người yêu không? Xem lúc nào ông cũng âm thầm quá vậy. Buồn chết. Rồi hắn giục:
    – Cưới vợ đi ông. Cho nó săn sóc miếng ăn, miếng uống, giặt giũ quần áo cho.
    Chàng dập mẩu thuốc cháy dở.
    – Có thằng Tròn đó.
    Ông già 79 cười hềnh hệch;
    – Cái thằng đó, có ngày nó bỏ đói ông.
    Nai hỏi: – Hình như nó lại đi mò rồi, phải không ông?
    Chàng cúi đầu xuống, nhìn chiếc bi đông rượu, mà màu trăng đã làm màu nhựa trở nên xanh thẫm hơn:
    – Kệ, cho nó đi tìm. Nó còn trẻ quá mà.
    Nai lắc đầu:
    – Tôi chịu nó quá sức. Tới chỗ nào, thì vác súng đi mò gái chỗ đó
    – Nó làm tao phải điên đầu vì nó.
    Chàng nghĩ đến những lần hành quân trước. Mỗi lần dừng quân tại một ấp, hắn đều bảo: Thiếu úy, mình tới chỗ nào có bóng mát, yên tính để thiếu úy đọc sách. Và hắn dắt chàng nhảy qua bao hàng rào dâm bụt, chui qua bao lỗ rào, đến nỗi chàng phải thở hổn hển. Cuối cùng khi đến nơi, hắn bỏ một mình chàng với cái võng trận, và cơn đói. Đến khi chiếc bao tử sôi sục, hành hạ, chàng phải mò đi tìm thằng đệ tử của mình. Chàng bước vào nhà bếp, thì thấy cậu đang ngồi tán bên cạnh một cô ở nhà quê. Hắn nói thật ngọt ngào. Đến nỗi chàng phải la ầm lên:
    – Tròn, có cơm chưa, mày?
    Lúc đó, hắn mới rối rít bưng nồi, dọn chén.
    Những lời nói của Nai đã mang cho chàng nhiều bâng khuâng. Cốc rượu ấm trong một đêm trăng ướt, chàng mang vào lòng như mang theo những giọt nước mắt. Chàng trở về, khi qua tổ trung sĩ Đức. Chàng gặp Đức ngồi đu đưa trên thành mả vôi.
    – Còn thúi hết ông?
    – Hết rồi, thiếu úy.
    – Coi chừng thằng Tài nó ngủ gục, tôi ngán nó quá
    – Thằng đó chỉ biết tài xíu, xóc dĩa, mà thôi. Tôi cũng phiền vì nó không ít
    – Bắt nó thoa dầu nhị thiên đường vào mắt, để khỏi buồn ngủ.
    Đức không trả lời. Chàng thấy một bóng người lui cui trên khu đất trước mặt. Rồi tiếng la lên:
    – Tao đi ỉa đây, đừng bắn bậy các cha.
    Chàng cười hỏi: – Đứa nào vậy?
    – Thằng Nha Lò Heo
    Chàng trở về vị trí cũ. Men rượu đã bắt đầu ngấm vào máu. Chàng muốn ngà ngà, và thèm một giấc ngủ. Chàng cởi đôi giày trận, lấy thuốc thoa muỗi bôi khắp mặt cổ, gáy, hai cánh tay. Chàng làm việc lui cui dưới ánh trăng xanh. Rồi chàng bỏ đôi giầy xuống dưới lớp poncho, làm gối. Như vậy, một đêm lại thật sự về với đời chàng, mà đời chàng đã có bao nhiêu đêm như thế. Chàng ngỡ như sống trong một giấc mộng. Một giấc mộng buồn bã. Ánh trăng như càng đậm vàng rực rỡ khi đêm càng dày, càng sâu. Những chòm cau, cô độc nổi lên từ phía ngôi vườn rậm. Tiếng chó lại sủa rời rạc. Một ngọn hỏa châu được bắn lên giữa không trung, gần rặng Răng Beo.
    Ngày mai, 4 giờ sáng thức dậy, 4 giờ 5 phút lại lên đường. Quang Trung còn dài. Chiến tranh còn mòn mỏi. Ngày mai đại đội sẽ tiến về phía núi đá. Trung đội chàng trực chinh, sẽ tiến lên ngọn núi đó đầu tiên, Răng Beo. Chàng nhìn về phía Đông. Nhưng chàng cảm thấy hơi tin tưởng. Chàng đã leo lên đỉnh núi mấy lần, thật bình an vô sự.
    Một dáng người hiện ra trước mắt chàng. Cái dáng lom khom nặng nề, đủ cho chàng biết là tân binh quân dịch Canh ( Hắn mới trình diện trung đội chàng được một ngày). Ngày hắn đến ngọn đồi, nhìn cái dáng thô kệch, đầy vẻ quê mùa, với hai ống quần, cái thấp cái cao, chàng phải bật cười. Cảnh đứng nghiêm chào. Chàng hỏi:
    – Mày ở đâu đến đây?
    – Dạ, tân binh quân dịch mới mãn khóa.
    – Bị Phượng Hoàng bắt à?
    Hắn bối rối, gương mặt đỏ. Đầu cúi xuống. Chàng cười:
    – Phải không?
    – Dạ!
    – Vào kho lãnh súng chưa?
    – Dạ chưa.
    – Đi lãnh đi, lãnh cả lựu đạn, mìn, trái chiếu sáng.
    Hắn vẫn còn đứng nghiêm. Dáng thật bối rối. Chàng hỏi:
    – Còn muốn gì nữa?
    – Thiếu úy, cho em xin mấy ngày phép về xoay xở gia đình. Gia đình em ở mãi Bồng sơn…
    Chàng nghĩ đến tình trạng thiếu hụt quân số trong trung đội: Không được, để hết hành quân kỳ này tao sẽ cho đi phép
    – Thiếu úy thương em, em nhờ. Em đi kiểu này, ở nhà vất vả, em không an tâm chút nào.
    Gương mặt hắn trở nên nhăn nhó tội nghiệp. Chàng hơi động lòng. Những lời hắn vừa nói đầy thành thực. Và chàng có thể cho nó một cái phép miệng với lý do mới trình diện đơn vị. Nhưng tuần này, trung đội chàng trở nên thiếu hụt một cách đáng ngại. Hai thằng nằm bệnh viện. Một thằng đi làm ăn riêng cho ông đại đội trưởng. Hai thằng đi phép đặc biệt, mẹ cha chết. Một thằng đi phép thường niên chưa về. Bây giờ, trước mặt chàng là con mồi ngon lành. Chàng phải tóm. Chàng phải lợi dụng một khẩu súng mới nữa, để có thể yên tâm hơn. Chàng an ủi:
    – Trung đội kỳ này thiếu quá. Đi xong, tao đề nghị cho đi phép. O.K. Hành quân cho biết mùi với anh em
    Hắn chào và thất vọng quay về doanh trại. Chàng nhìn theo bóng tên tân binh đổ chênh vênh trên sân cát sỏi, rồi trở vào phòng, nhìn mấy cuốn sách trơ gáy, lắc đầu?
    .. . . ………………………..
    – Thiếu úy
    – Gì thế Cảnh?
    – Cho em thưa cùng Thiếu úy một câu chuyện
    – Chuyện gì đấy, nói đi.
    Giọng hắn đầy van lơn.
    – Em mới ra trường, kinh nghiệm còn non nớt. Em xin thiếu úy cho em đi theo thiếu úy.
    – O.K, mày làm Robert tao
    – Dạ, em không hiểu.
    – Robert nghĩa là cận vệ, mày có võ Bình Định không?
    Hắn lúng túng
    – Dạ, em không có
    – Thôi được, đi theo sát tao nghe không?
    Cảnh từ giã. Còn lại một mình chàng nằm trên tấm áo mưa mát lạnh. đêm càng khuya như càng sâu hun hút. Con trăng đã lên gần đỉnh. Chàng đang tắm trong màn trăng mênh mông bát ngát. Trong gió, có mùi hương của một loài hoa bưởi hay hoa xoài, phảng phất, lơ lửng. Chàng lại lấy một điếu thuốc lá ra hút. Chợt nhật ra bàn tay mình âm ấp ánh trăng. Tiếng chó lại thỉnh thoảng sủa đổng. Ngày nào, đoàn quân sẽ tiến về hướng Đông, khi đêm chưa mở mắt và sẽ tiến chiếm ngọn núi khi trời rạng sáng. Cuộc đột kích sẽ bất ngờ… bỗng dưng lòng chàng đâm chao động đi. Trên bầu trời có một vì sao băng ngang, rồi lịm tắt. Một tinh thể của sao chổi đã biến thành tro bụi. Khi sao chổi hiện ra quả địa cầu sẽ gặp một mùa đại nạn. Người ta đã tin như thế (Những quả cầu quay tròn, xoáy lốc, lớn gấp trăm ngàn lần địa cầu loài người, sẽ nhào xuống, ào ạt phá tan địa cầu). Nhưng ở đây, trên đất nước này, sao chổi không hiện lên, mà những mùa đại nạn đã liên tiếp dồn dập xảy ra. Nay cái bóng kinh hoàng, rực lửa, đã về trên quê hương, từ một ngày nào đó rồi…
    Một vì sao băng. Đã có ngút ngàn vì sao băng như thế… Liệu sao chổi có đủ sức để chạy đến địa cầu không?
    Chính trong cõi yên lặng vô bờ, nó khiến chàng phải đắm chìm trong một bể suy tưởng. Cốc rượu, cũng đủ cho chàng dễ dàng kiếm một giấc ngủ như bọn lính. Vì sao băng, một tràng chuỗi những tinh cầu quay tròn, cuốn lốc với một vận tốc kinh khiếp, đang hướng về địa cầu mà phóng tới, khi gặp khí quyển sẽ trở thành những quả cầu nung đỏ, rồi biến thành than, thành tro, thành bụi. Những mảnh bụi là những vì sao băng. Sương càng xuống dày. Đêm càng như mờ nhạt hơn. Những gò mả nổi lên, không còn thấy rõ. Bóng một người lính gác trong chiếc áo mưa, bất động như một con vật chực mồi.
    Tròn đã trở về nhè nhẹ. Hắn lui cui dọn chỗ ngủ. Chừng như thấy đôi mắt người trung đội trưởng của hắn còn mở. Hắn hỏi:
    – Thiếu úy chưa ngủ?
    – Chưa, mầy làm ăn được gì không?
    – Không có gì cả, thiếu úy. Tại mụ già mụ khó quá chừng.
    – Coi chừng có ngày như thằng Bé, bồi thiếu úy Chẩn
    – Em xây dựng mà. Trời, con nhỏ đó có duyên quá trời. Lúc trước nó ở quê với em
    – Nó tản cư à?
    – Cả nhà nó đều tản cư về đây hết
    – Như vậy thì dễ dàng quá rồi.
    – Khó quá ông ơi. Nó đang xay lúa, em tới xay dùm. Nói được vài câu, cầm được cái tay. Trời ơi, em không rút ra. Nhưng bà già, bả cứ quanh quẩn mãi hoài. Tức ghê được. Đúng bà già lựu đạn.
    Một lát, hắn nằm xuống cạnh chàng. Chợt hắn nói lớn
    – Thiếu úy biết không?
    – Cái gì?
    – Dân nói, ở chỗ nầy chiều hôm qua, nẫu vừa chôn hai xác VC. Em sợ trời mưa.
    – Thiệt ư?
    Tự dưng người chàng đâm lạnh toát. Sự lo âu, sợ hãi vô hình ở trên từng chân tóc, vuốt ve từng vuông da thịt. Cả người chàng như bị khoác trong những nếp sần sùi, kinh dị, những chỗ lồi lõm, mũ mốc, và lên cơn đau nhức dưới ánh trăng xanh. Chàng nghĩ đến một chứng bệnh tàn bạo nhất. Bệnh hủi. Căn bệnh phát xuất từ những vùng âm ty, địa lãnh, những hài cốt, những xương người. Căn bệnh từ một ngôi mồ mới đắp, khí bốc lên, sương bốc lên, từ lò luyện của một con người nằm trong bóng tối, rên rỉ, thèm khát và đau đớn. Câu nói của tên ô đô đã như một mối ám ảnh kinh hoàng. Cái chết trận, dẫu sao cũng là một ám ảnh dễ chịu hơn. Bởi vì, nó như là một điều mà bất cứ người lính nào đều biết trước, thản nhiên chờ đợi, như là một số phận trong chiến cuộc. Nhưng cái ám ảnh bệnh hoạn kia, quả thật kỳ cục. Nó hình như lẩn quách trong từng ngõ ngách, dưới đất lên, lẩn bay trong không khí, đẫm đầy ánh trăng xanh. Nó như ở trong từng cây cỏ, trong từng giọt sương, trong làn gió quyện. Nếu một trận mưa nào rớt xuống. Chắc chàng phải kinh hoàng hơn bao giờ hết. Chàng phải run rẩy hơn bao giờ hết..
    *
    * *
    Đêm trở nên thì thầm, ru từng cơn gió lạnh dịu dàng trên má. Tiếng muỗi vo ve đâu đó, mỗi lúc mỗi gần. Chàng như một kẻ nào khác lạ. Thật khác lạ, đang bồng bềnh nổi trôi giữa một khoảng đất trời, trong vắt, ngợp ánh vàng và sương mù. Chàng nằm yên. Bên cạnh, Tròn đang ngủ. Hắn, thỉnh thoảng lên cơn mê. Toán lính gác thì vẫn âm thầm. Máy P.R.C 25 đã tắt núm điều chỉnh. Ừ nhỉ, ta đã có bao nhiêu đêm như thế này. Rồi sẽ còn có bao nhiêu đêm như thế nữa. Những đêm mưa gió, bão bùng hay những đêm mùa hè, muỗi đàn vo ve từng lớp. Những đêm, bên kia bờ mương, trên cánh đồng, hay những đêm trú ẩn trong những gò mả vôi, trên từng nghĩa địa. Những đêm lửa dậy hay những đêm nằm đợi, bão bùng run sợ, hàm răng đánh cầm cập. Những đêm chó sủa vang rền, từ đầu ấp, đến cuối ấp… mà thần kinh của mỗi người lính của trung đội căng thẳng như những dây đàn sắp bật tung.. Ừ nhỉ, ta đã có bao nhiêu đêm như thế.
    Em yêu dấu. Em xa anh, em ngăn cách anh. Môi em anh không thể hôn. Tóc em anh không thể vuốt. Thân thể em anh không thể nâng niu, giấc ngủ em anh không thể ru, nụ cười hay giọt lệ em anh không thể nếm. Em ở xa anh nghìn dặm, như tình em đối với anh. Anh mang súng, mang đạn cũng như mang tóc râu chất ngất nỗi buồn. Anh mang hoa mai, cũng như mang nỗi cô đơn vô cùng trong cõi người, cõi đất. Em yêu dấu…
    Tiếng đêm vẫn thầm thì. Một chiếc trực thăng đang chớp đèn xanh đỏ, rù rì một âm điệu buồn bã. Mắt chàng mông lung trong cõi sáng trăng
    Toán kích làm tiền đồn của trung đội, của trung sĩ Y Book, biệt hiệu ông già Thượng sún răng, đã nổ súng dữ dội về hướng con đường dẫn đến xóm ruộng phía bắc. Tiếng súng làm chàng phải nhào dậy mò cái kính cận thị lúc nào cũng để sẵn bên cạnh. Cả bọn hốt hoảng. Tròn chụp khẩu súng, la nhỏ: thiếu úy. Hường như một thói quen chụp ống liên hợp, mở nút off. Binh phú đây, Binh phú 2… Tài thì nhào ra hầm phòng thủ. Chàng gọi nhỏ Nai, Nai…Tiếng Nai nghe rõ, ông, địch tấn công. Tiếng máy trong ống liên hợp sôi, tắt một lúc: Binh Phú gọi Binh phú 1, Binh phú 2, Binh phú 3… cho biết Sơn Tây non nước (súng nổ) ở đâu. Binh phú 1, không có. Binh phú 3, không có. Binh phú 2, Hường lắp bắp, Sơn ca ở tổ của tôi… Gọi thẩm quyền 2, lên máy. Hường trao vội ống liên hợp cho người trung đội trưởng. Chàng không dám cầm, vác súng chạy ra bờ mả, nằm sấp và thở hổn hển. Hường chạy theo, ngồi dựa vào bờ đất. Thiếu úy, Sơn ca gọi… Nai hét lên: Bố trí dưới hầm cả đi… đứa nào đứng ngơ ngơ ở kia… Đ.M, thằng Cảnh. Cảnh xuống hầm không? Cái thằng chó chết.
    Nhưng một tiếng hét bỗng nổi dậy. Ngọn đèn pin sáng lóe hiện giữa màn đêm mờ nhạt đầy trăng và sương ướt. Thiếu úy…Thiếu úy… đừng có bắn. Y Book đây.
    – Y Book, có tao đây. Chàng gọi hối hả, cái gì thế.
    Ông già Thượng sún răng chạy ào đến. Khẩu súng chúc xuống đất.
    – Cái gì thế?
    – Dạ, bắn lầm. Mình bắn lầm. Ông ta nói không ra hơi.
    – Sao?
    – Bắn lầm thằng nhỏ. thằng Anh bắn. Thằng nhỏ sắp chết
    Chàng chụp súng hối hả:
    – Đi với tao. Hường, Tròn, theo tao. Chớp đèn pin đi
    Cả bọn chạy về con đường dẫn ra đồng ruộng
    – Mấy giờ?
    – Mười giờ rưỡi ông.
    Chàng thấy những người lính lúp xúp ở bên cạnh nạn nhân. Tiếng khóc lóc kể lể của một ông già vang lên u uất.
    Chàng cảm thấy nghẹt thở.
    – Sao, cái gì thế này?
    Giọng Y Book run rẩy:
    – Tổ tôi, thấy hai người xuất hiện… Thằng Anh,
    Binh Anh vẫn còn quỳ xuống bên thằng nhỏ nó đang nằm ngửa, đầu hơi nghẹo xuống như một con gà đã chọc tiết. Đôi mắt nhắm nghiền.
    – Sao vậy, Anh?
    Anh đứng dậy, giọng nói lạc đi, trong tiếng khóc của ông già.
    – Em thấy hai bóng đen ỏ bờ ruộng. Ông già chồm dậy nói như hét
    – Sao các ông không bắn tôi luôn. Các ông vô nhân đạo. Các ông giết người. Anh quay lại ông già:
    – Tại vì ông. Giờ này ông lại còn ra đồng làm gì hả.
    Ông già rên rỉ:
    – Con ơi, tại gì cha. Tại vì ông trời không thương cha. Ông mới để đèn tắt… Y tá Sinh đã đến rọi đèn pin trên khắp thân thể thằng nhỏ. Chàng thấy một cái quần đùi dầm dề máu. Y tá Sinh lắc đầu nói nhỏ:
    – Cả hạ bộ thằng nhỏ bị toét hết cả, Thiếu úy. E khó sống khỏi đêm nay. Trong đêm nay. Giọng Sinh đẫm đầy nước mắt. May phước ông già. Ông khôn quá, nhào xuống ruộng. Tiếng binh Thanh vang lên… Chứ lọt vào mũi súng tên Anh, khó mà thoát. Chàng ra lệnh hai người lính dùng cáng tre và tấm mền làm võng, khiêng thằng bé về trụ sở Y tế ấp. Chiếc cáng võng lắc lư trong đêm. Ông già không quên xách chiếc đèn bão đã rớt trên đường đất. Giọng ông vẫn còn tức tưởi
    – Tại ông trời, tại ông trời. Khi không, ông khiến chiếc đèn bị tắt. Tại cha, cha bắt con đi. Tại cha hết cả mà.
    Tiếng rên rỉ của ông lướt dài trên con đường làng đẫm ánh trăng. Nhà hai bên đường mở cửa hé. Những ánh đèn dầu le lói, những gường mặt ló ra, đầy lo âu. Một ấp đã chết. Tiếng binh Sinh đầy lo âu. Sợ không qua khỏi đêm nay, ông. Còn chàng, bây giờ nằm trên thềm sở y tế ấp chiếc máy PRC 25 nằm bên cạnh. Chàng năn nỉ gọi về ông đại đội trưởng.
    – Xin Sơn Ca rán giúp đỡ nó, bằng cách gọi trực thăng Mỹ tải thương. Nặng quá, Sơn ca. Ở đầu máy vang lên:
    – Tôi có gọi về bộ chỉ huy. Nhưng Mỹ nó không cho. Nó bảo trực thăng chỉ tải thương quân đội. Vả lại, giờ này nó không đi đâu.
    – Rán giúp nó, Sơn ca. Dù sao mình cũng bắn lầm. Tôi van Sơn ca.
    – Bắn lầm cái gì. Anh điều tra lại đi. Có thể VC lắm đó.
    – Không phải đâu. Ông già dẫn con ra đồng xem lờ, trở về thì đèn bị tắt. Lính thấy vậy, mới bắn, Sơn ca.
    – Như vậy, lỗi của nó. Anh rút các đứa con di chuyển chỗ khác đi
    – Xin đại úy giúp đỡ nó. Nó đang hấp hối. Tôi đau khổ quá, Đại úy.
    – Chiến tranh thì phải vậy. Anh đừng bận tâm.
    Bây giờ, chỉ còn chàng một mình chờ đợi ngoài trụ sở y tế ấp. Bên trong, thằng nhỏ đã tỉnh, bắt đầu rên rỉ: cha ơi, đau quá cha ơi. Cha ơi. Tiếng người đàn bà mẹ thằng nhỏ khóc thảm thiết. Sao họ tàn ác vậy. Nó vô tội, lại bắn nó. Nó còn nhỏ, biết gì đâu. Bà chỉ tay vào ông già: còn ông này, đó, con ông chết rồi đó. Đêm hôm ông lại dắt nó ra đồng, để nó như vầy. Và dứt câu nói, bà lại khóc ngất. Bà đập đầu vào vách chưởi bới, kể lể. Trụ sở bây giờ lập lòe ánh đèn dầu hỏa. Đám người lố nhố chung quanh thằng bé. Y tá Sinh, đang lau máu, rửa sạch vết thương, trong khi, thằng bé tiếp tục mếu máo, mở hé đôi mắt: Cha ơi, đau quá cha ơi.
    Tiếng rên rỉ não nùng ấy như thấm sâu vào tận cõi lòng của đêm. Mảnh trăng hắt trên thềm, soi một bộ quần áo trận, và chiếc mũ rừng người trung đội trưởng. Đêm, mang theo niềm thổn thức, mà chàng là kẻ cảm thấy đầy đau khổ. Tiếng rên ấy mỗi lúc một cất lên giữa tiếng khóc của bà già, như từng nhát dao chém vào con tim của chàng. Chàng lắc đầu, cố quên đi hình ảnh một thằng bé nằm trên bờ đường, sóng soài dưới ánh trăng với một phần hạ bộ trống một lỗ hổng trơ xương cốt… Như thế, nó vẫn còn sống. Sống để hành hạ chàng…Chàng hầu như khóc, nói với tên Hường
    – Thôi, về Hường.
    Khi đứng dậy, chàng đã bị bà già nhào ra níu tay lại
    – Ông đền mạng con tôi
    Chàng vội vã gạt tay. Người đàn bà như mất cả trí, tóc xối xả
    – Ông đền mạng con tôi
    Chàng bỏ chạy về chỗ đóng quân. Binh Hường cúi đầu đi theo. Miệng hắn lâm râm cầu kinh Phật. Trăng đã lên cao, hầu như trên đọt cau. Sương đã đổ dầm dề. Ở khu trụ sở, tiếng khóc của bà mẹ điên khùng, trở nên u uất hơn bao giờ. Sau đó, những ngọn đuốc bắt đầu bập bùng giữa bãi trụ sở. Chàng gọi Hường:
    – Họ đi đâu thế kia, hay biểu tình lên án gì đó
    Giọng Nai bực bội:
    – Bắn hết cả lũ cho rồi. Lỗi của nó rành rành. Ở nhà quê mà tưởng như ở thành thị. Cái lũ khốn kiếp
    Nhưng Sinh xuất hiện, lắc đầu:
    Họ mang thằng nhỏ lên quận, e trong đêm, nó khó thoát.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X