Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chuyện chàng và nàng - hoàng thị quỳnh hoa

Collapse
X

Chuyện chàng và nàng - hoàng thị quỳnh hoa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chuyện chàng và nàng - hoàng thị quỳnh hoa



    Nỗi Niềm : Tuấn Khanh @ Khánh Hà

    Chuyện Chàng & Nàng là câu chuyện cũ rích như trái đất, hiện hữu từ thời Chúa mới nặn ra bà Eva để làm bạn với ông Adong. Tôi không nhớ đã đọc một chuyện diễu ở đâu cho rằng cũng may Chàng Adong và Nàng Eva không phải người Tàu mới bị con rắn dụ ăn trái táo nên bị đày ra khỏi vườn Địa Đàng. Nếu Chàng & Nàng này mà là người Tàu thì hai người đã rủ nhau xơi tái chú rắn rồi, đâu có dịp được đày xuống trần gian để hưởng những thú vui ngũ dục và sinh con đẻ cháu, để ngày nay trái đất hầu như quá tải với nạn nhân mãn, và cho chúng ta không biết bao nhiêu câu chuyện Chàng & Nàng.

    Chúng tôi thu thập nhiều chuyện về Chàng & Nàng — hư cấu cũng có, chuyện thật cũng có — và sẽ đưa vào tuyển tập những mẫu chuyện chọn lọc, thú vị, độc đáo để chia xẻ cùng bạn đọc. Vì đề tài này cũ mà mới, mới mà cũ, nếu độc giả có câu chuyện Chàng & Nàng hứng thú, lâm ly, thi vị thì chúng tôi sẽ xin được lắng nghe và sẽ cho vào tuyển tập Chàng & Nàng II, III v.v…

    Tôi không biết ngày xửa, ngày xưa khi loài người sống thô sơ trong các hang động thì mấy ông mấy bà cua nhau như thế nào. Chắc là mấy bà xin bàn tay của mấy ông, vì lịch sử cho thấy phần nhiều những xã hội xưa theo chế độ mẫu hệ. Người đàn bà cầm quyền trong gia đình, con cái theo họ mẹ, cho đến bây giờ ở nhiều buôn của người thiểu số ở Việt Nam, như người Chăm, vẫn còn theo chế độ mẫu hệ. Đến thời Khổng Mạnh thì đàn bà phải cúi đầu chịu phận phu xướng phụ tùy, chịu chấp nhận trai có quyền năm thê bảy thiếp nhưng gái chính chuyên thì chỉ một chồng.

    Bây giờ ở xã hội Việt Nam đã thay đổi rồi, không còn trọng nam khinh nữ nữa. Nhưng thời kỳ tôi lớn lên thì có khác thời nay. Đàn bà tuy là nội tướng trong gia đình nhưng ngoài xã hội vẫn không được bình quyền, con gái không được tỏ tình, không được biểu lộ ý thích của mình, ngay cả khi đọc tiểu thuyết mà thấy lòng rung động vì một nhân vật nam trong truyện cũng cảm thấy tội lỗi! Con gái thời buổi ấy không được nhúc nhích mà phải chờ con trai mở miệng trước. Anh chàng nào nhút nhát quá không dám mở miệng cùng nàng thì có thể mất “em” như chơi như ta đã thấy đầy dẫy trong văn chương vì chàng không mở miệng kịp thời: “… sao anh không hỏi những ngày em còn không?” (Nguyễn Bính?), “Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ, người ấy cho nên vẫn hững hờ” (TTKH)…

    Xã hội Mỹ thì phóng khoáng hơn, tưởng chừng như nam nữ bình quyền, con gái cũng có quyền mời con trai đi date nhưng thực tế thì không hẳn như vậy.

    Năm 1963 khi tôi sang Mỹ du học, tôi ở nội trú sáu tháng đầu. Roommate của tôi là một cô sinh viên Mỹ năm thứ hai (sophomore), rất xinh đẹp, đêm nào cũng đi date với một cậu khác nhau. Chiều thứ Sáu thì cả dorm xôn xao, các cô diện quần diện áo chờ date đến rước đi chơi. Nếu cuối tuần mà không có date thì bị chê quê. Một hôm, sau khi đi date về, một cô Mỹ tỷ tê ngồi khóc. Hỏi tại sao, thì cô ta mếu máo kể rằng date của cô là một anh chàng thợ máy, tay chân còn dính dầu bẩn mà không chịu rửa sạch nên cô tủi thân. Tôi ngạc nhiên hỏi nếu không thích tại sao phải date với người ấy thì cô trả lời rằng nếu cô từ chối một lần, có thể sau đó không ai mời nữa!

    Một cô khác hỏi tôi dating ở Việt Nam thì như thế nào. Tôi nói ở Việt Nam không có chuyện dating, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Con trai cũng không có quyền lựa chọn. Mấy cô Mỹ trợn tròn mắt la làng: “Ghê quá vậy! Làm sao chung đụng với một người lạ hoắc, chưa từng quen biết!” Tôi ôn tồn giảng giải rằng thoạt nghe thì thấy ghê thật, nhưng ở xã hội thời ấy, con cái lớn lên đã được dạy dỗ như vậy. Hôn nhân là để nối dõi tông đường, là do cha mẹ, ông bà sắp đặt. Con gái không được đi học, không có dịp chung đụng, tiếp xúc với con trai thì đâu có đối tượng để mơ mộng, để làm thơ!

    Người con gái biết rằng mình chỉ có thể thương yêu người đàn ông cha mẹ chọn thôi, nên không hề tơ tưởng đến một người đàn ông nào trước khi lấy chồng. Đến ngày vu quy, phải giã từ cha mẹ để về nhà chồng, cô dâu hồi hộp, lo sợ, khóc lóc dữ lắm vì không biết ông chồng mình có phải là một bến nước bình an không. Cũng có trường hợp cô dâu sợ quá, đêm tân hôn chui xuống dưới gầm giường trốn!

    Bà nội tôi kể lại đó là trường hợp người chị chồng của bà tức là bà cô tôi. Một bà cô khác thì lén mở cửa sau trốn mất. Gần hơn là thế hệ của chúng tôi, tuy có nhiều gia đình cha mẹ hỏi ý con gái trước khi nhận trầu cau, nhưng cũng có gia đình vẫn lấy uy quyền của cha mẹ ép duyên con. Tôi biết chuyện một gia đình nọ, đêm động phòng, cô dâu tức mình đạp chú rể rớt xuống đất. Vậy mà rồi cô cũng sinh cho ông chồng bảy người con, hạnh phúc đề huề.

    Tôi nói thêm rằng vì quan niệm môn đăng hộ đối, nồi tròn úp vung tròn, nên con gái nhà lành thì thế nào cha mẹ cũng tìm được một ông chồng tử tế, dù sắc đẹp dưới trung bình. Có cậu có vóc dáng thật oai, ngoại hình thật đẹp, có địa vị cao trong xã hội mà chịu cưới một cô vợ có nhan sắc của một người đàn ông không đẹp trai là vì vậy. Nhưng phần đông những cặp vợ chồng này vẫn có hạnh phúc. Tuy họ không kinh qua một tình yêu say mê, sôi nổi, đắm đuối, chỉ thương quý nhau vì bổn phận, không đòi hỏi gì ở nhau nên gia đình đầm ấm, không có vấn đề ly dị như ở xã hội Mỹ. Nghe tôi trình bày, mấy người bạn Mỹ gật gù cho rằng chế độ đặt đâu ngồi đấy (arranged marriage) thế mà hay. Cứ là con nhà tử tế thì thế nào cũng có người tử tế để kết hôn, khỏi phải vất vả tìm kiếm mất nhiều thì giờ như ở Mỹ.

    Ngày nay thì xã hội Việt Nam đã tiến bộ lắm. Dù ở trong nước hay ở nước ngoài, con cái được tự do chọn người phối ngẫu. Xã hội tiến bộ đến mức trật tự đảo ngược, “con đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy.” Nếu được con dâu tử tế thì mừng. Nếu con dâu không biết điều biết chuyện thì cha mẹ ngậm bồ hòn làm ngọt, không dám có ý kiến gì vì sợ mất con, mất cháu! Xem phim Đại Hàn, tôi thấy xã hội Đại Hàn có vẻ tân tiến hơn các nước Á Châu khác. Con gái Đại Hàn rất dạn dĩ. Hễ thích ai là các ả tìm cách tấn công liền, không chờ chàng mời đi date, chắc cũng giống như xã hội ở Âu Mỹ.

    Thật sự thì không phải tự chọn, cha mẹ chọn, hay do mai mối mà nên vợ nên chồng đâu. Vợ chồng là do duyên nghiệp, quả báo của nhiều đời nhiều kiếp. Brian Weiss, một bác sĩ tâm lý trị liệu người Mỹ, tin sâu nhân quả, luân hồi, và duyên nghiệp. Ông viết nhiều sách về đề tài này. Trong cuốn Only Love is Real, ông khẳng định rằng những cuộc gặp gỡ ở đời này không xẩy ra một cách ngẫu nhiên mà có sắp đặt trước do nhân quyên nghiệp báo của nhiều đời nhiều kiếp tạo nên. Ông cho rằng một người có nhiều đối tác gặp gỡ chứ không phải chỉ một đối tượng mà tiếng Anh gọi là soul mate, tạm dịch là người bạn đời lý tưởng. Nếu hên thì ta sẽ gặp được soulmate số 1, và cuộc đời sẽ êm đềm như dòng nước chảy xuôi, không phong ba bảo táp. Ngoài soulmate số 1, còn có soulmate số 2, 3, 4 v.v… Có trường họp soulmate số 1 không sinh ra đồng thời với mình thì đương sự có thể không thích lập gia đình. Có người lập gia đình với soulmate số 2, hay 3, 4 v.v…thì đời sống lứa đôi không được như ý, và về sau có thể bức ra đi tìm soulmate số 1. Quan niệm một người có nhiều đối tác gặp gỡ, chứ không phải người phối ngẫu là một nửa quả cam, giúp ta hiểu được tại sao một người có thể có nhiều vợ, nhiều chồng, hay nhiều người yêu. Nhưng dù gặp ai, trong giai đoạn nào của cuộc đời, hai người cũng phải có chút duyên nợ với nhau. Nếu chỉ có duyên mà không có nợ, hay chỉ có nợ mà không có duyên thì cũng không thể nên vợ nên chồng được, đúng như câu ca dao Việt Nam: “Vô oan nghiệt bất thành phu phụ”

    Edgar Caycee, nhà tiên tri nổi tiếng của Mỹ ở thế kỷ XX, cũng cho rằng những mối liên hệ quan trọng trong đời một người không xảy ra một cách tình cờ, nhất là mối liên hệ giữa Chàng & Nàng. Ông nói không có đôi nam nữ nào mới gặp nhau lần đầu ở kiếp này mà quyết định chung đôi.

    Vợ chồng là hai người đã quen nhau ở nhiều kiếp mà quên rồi. Đời này gặp lại để cùng nhau tiếp nối món nợ nhân quả [“Marriage ties are of a karmic nature, the partners of a marriage are old acquaintances, forgot, who have met again to work out some mutual karmic debt”, trích từ cuốnMany Mansions, The Edgar Caycee Story on Reincarnation của Dr. Gina Cerminara, p 149.] Ông Caycee nhận xét rằng phần đông nam nữ quyết định cưới nhau vì mê vẻ đẹp bên ngoài (physical attraction) của nhau mà quên rằng điều kiện cần và đủ để gia đình có hạnh phúc thật sự là hai người cần hợp nhau về mặt tinh thần và tâm linh nữa. Nếu không hội đủ 3 yếu tố Physically, Mentally, Spiritually – thì khó đạt được hạnh phúc lâu dài.

    Trong cuốn Only Love is Real, tác giả kể lại câu chuyện duyên nợ ba sinh của một Chàng Mễ Tây Cơ và một Nàng người Mỹ ở đời này mà, bốn ngàn năm về trước, họ là một đôi vợ chồng trẻ sống ở Mông Cổ. Cuốn Many Mansions của Dr. Gina Cerminara đưa ra nhiều trường hợp nhờ soi căn mà giải thích được những mãnh đời bất hạnh, những gãy đổ của nhiều cặp vợ chồng.

    Điển hình là câu chuyện của hai vợ chồng người Mỹ. Một thiếu nữ lập gia đình với người yêu lúc hai mươi ba tuổi. Chồng là một thương gia giàu có, dù rất yêu vợ, ông không thể làm bổn phận của người chồng. Người vợ trẻ đẹp không chịu được cảnh có cũng như không, nên đã có những mối quan hệ qua đường với nhiều người đàn ông khác. Mỗi lần như vậy, bà cảm thấy ân hận, tội lỗi vì vẫn yêu chồng và không muốn làm người vợ phụ bạc. Bà cũng không muốn ly dị vì không muốn gây đau khổ cho chồng.

    Về sau, nhờ nghiên cứu Thông Thiên học và thực tập thiền quán, dần dà người vợ cảm thấy quan hệ tình dục không cần thiết nữa. Cho đến năm bốn mươi mốt tuổi, bà gặp lại một người tình cũ, và đối với người đàn ông này, bà không thể tự chủ được. Người này cũng có vợ và vẫn yêu thương vợ. Bà không muốn dấn thân vào con đường tội lỗi nhưng vẫn không thể từ chối được người tình cũ nên đã tìm đến ông Edgar Caycee nhờ soi căn (life reading) xem tại sao kiếp này bà phải chịu đựng một hoàn cảnh éo le như vậy.

    Ông Caycee thấy rằng trong thời Thập Tự Quân (Crusades), bà này tên là Suzanne Mercelieu, sinh sống ở Pháp, là vợ ông Mercelieu cũng là người chồng của bà ở kiếp này. Thời ấy, trước khi theo đoàn quân Thập Tự, ông Mercelieu bắt vợ mang cái khóa trinh tiết (Chastity Belt) mà chỉ có ông có chìa khóa, nghĩa là trong thời gian ông đi vắng, vợ không thể quan hệ tình dục với ai được. Bà sinh lòng oán hận và thề sẽ trả thù. Vì vậy ở kiếp này, tuy muốn trung thành với chồng, bà vẫn quan hệ với nhiều người. Còn ông thì vì không tin vợ, đã bắt vợ mang cái khóa trinh tiết trong nhiều năm nên ở kiếp này, tuy gặp lại người vợ của kiếp trước trong hình hài của một thiếu phụ xinh đẹp, nhưng không thể thỏa mãn người vợ yêu của mình như những người đàn ông khác.

    Còn người tình cũ mà bà không cưỡng được cũng là oan ngiệt của nhân quả. Hai người vốn là bạn với nhau từ thuở nhỏ. Lớn lên, tình bạn biến thành tình yêu nhưng anh chàng không dám thổ lộ vì muốn có sự nghiệp trước, mẹ anh cho biết như vậy. Khi anh sẵn sàng ngỏ lời thì nàng cũng vừa mới nhận lời cầu hôn của người chồng hiện tại.

    Ông Edgard Caycee vẫn thường khuyên những cặp vợ chồng không hạnh phúc không nên ly dị, vì trước sau gì rồi cũng phải trả món nợ tình thôi, không trả trong kiếp này thì sẽ gặp lại ở kiếp sau. Một bà tôi quen, tuổi đã ngoài tám mươi mà vẫn còn làm hai việc. Ông chồng thì không làm gì, còn lấy tiền của bà gởi về cho bồ nhí ở Việt Nam. Tôi tức mình hỏi sao bà không ly dị ông cho khỏe. Bà thở dài trả lời: “Cô ơi, oan nghiệt của tôi mà! Tôi không muốn gặp lại ông ấy ở kiếp sau, nên phải nhịn nhục, trả nợ kiếp này cho xong.” Một hôm, tôi đến chơi, gặp lúc ông vắng nhà, bà nói: “Bực quá cô ơi, ông lục tủ lấy mấy chục ngàn dollars, tiền dành dụm của tôi. Tôi nói ông mà làm quá, tôi quỵt nợ ông bây giờ.” Thấy tôi ngơ ngác không hiểu, bà cười buồn giải thích: “Thì tôi dọa dọn nhà đi, không ở với ông nữa, không thèm trả nợ kiếp này nữa.”

    Quý vị nào muốn biết chi tiết về những oan nghiệt của nhiều kiếp trong quá khứ đã ảnh hưởng đến kiếp sống hiện tại như thế nào, mời đọc cuốn Many Mansions, The Edgard Caucee Story on Reincarnation của Dr. Gina Cerminara.

    Nguyên Ngọc Hoàng thị Quỳnh Hoa


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X